Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Thiết kế cảnh quan

Thiết kế cảnh quan - KTS Diana Balmori

Trò chuyện với KTS Diana Balmori về thiết kế cảnh quan

Phóng viên: - Trong tác phẩm mang tên "Groundwork" của bà cùng với kiến trúc sư Joel Sanders, bà đã từng tranh cãi rằng các nhà thiết kế phải theo đuổi một phương pháp tiếp cận mới để có thể vượt qua được những suy nghĩ sai lầm trong việc phân tách giữa công trình và kiến trúc cảnh quan xung quanh nó. Nhận thức được sự tách biệt sai lầm này được bắt đầu như thế nào? Các kiến trúc sư công trình và kiến trúc sư cảnh quan đang làm gì để ghi nhớ và khắc phục điều này? 
KTS Diana Balmori (ảnh bên - © Margaret Morton): - Thông thường, các kiến trúc sư suy nghĩ kiến trúc là một vật thể mà môi trường xung quanh là cảnh quan, là phông nền cho vật thể đó, chỉ đơn giản là một môi trường mà bạn có thể đặt các vật thể kiến trúc vào trong đó, nhưng không phải là các vật thể có thể tương tác với chính vật thể đó. Ranh giới rõ ràng giữa công trình và cảnh quan được tính là cách xa 2 mét từ mép công trình, ranh giới của công trình, nơi mà cảnh quan thực sự được bắt đầu xem xét và thiết kế. Điều đó giải thích rằng sự phân tách giữa kiến trúc và cảnh quan diễn ra theo một cách rõ ràng và có thể nhìn thấy được, thông qua bản vẽ và thực tế xây dựng. Trong khi rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác thực sự bao trùm và tương tác với vật thể, kiến trúc trở thành một vật thể đa dạng và có định hướng.
Sự thay đổi trong mối tương quan giữa 2 lĩnh vực đã cho thất sự thật là không gian, vốn đã trở thành một nhân tố quan trọng hơn rất nhiều vật thể. Điều đó gia tăng vị trí của nghành thiết kế cảnh quan, mặt khác, làm lu mờ vị trí của vật thể kiến trúc hay công trình kiến trúc. Điều đó là cơ sở quan trọng cho sự thay đổi. Có rất nhiều bằng chứng cho điều đó đang xảy ra ngay tại thời điểm này, vì vậy khá nhiều kiến trúc sư công trình quan tâm đến hạng mục cảnh quan tại thời điểm này.
Các không gian đang thu hút chúng ta và cảnh quan là một chuyên ngành, những nguyên tắc, quy luật mà các ý tưởng nghệ thuật trở nên được đem ra tranh cãi và thảo luận. Nó trở thành nơi giao thoa giữa các sự tranh cãi, và mập mờ giữa ranh giới các quan điểm nghệ thuật, nhiều điều cân nhắc cần được xem xét. Tôi nói điều này vì hiện tại, nó đã xảy ra đúng như vậy rồi. Bạn đã từng trải nhiệm các vị trí, không gian nơi mà sự giao thoa này chưa xảy ra, bạn sẽ thấy những nơi mà nó sẽ xảy ra tương đối ít và những nơi mà sự giao thoa này rõ ràng và mạnh mẽ nhất.  
- Bà và KTS Sanders cũng đã từng tranh cãi rằng nếu kiến trúc sư công trình và kiến trúc sư cảnh quan cùng quan điểm và đồng thuận với nhau, công trình và cảnh quan sẽ tương tác và kết hợp tốt hơn và vận hành như là một sự kết nối, một hệ thống tương tác nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường. Những nguyên tắc này được đáp ứng như thế nào, điểm mấu chốt cho sự đồng thuận này là gì?
KTS Diana Balmori:  - Điểm quan trọng thực sự của sự đồng thuận này nằm ngoài vấn đề chuyên môn. Nó nằm ở việc chúng tôi cùng đi đến một định nghĩa mới về môi trường tự nhiên, định nghĩa đã được xây dựng mới và hoàn toàn thay đổi một cách đáng kể. Một trong những thay đổi đáng kể là việc chúng tôi xem mình là một phần của tự nhiên. Trước đó, chúng ta ở ngoài nó, tự nhiên ở ngoài kia và chúng ta tương tác với nó, ngược lại, nó cũng tương tác với chúng ta, nhưng chỉ khi chúng ta ở ngoài. Bây giờ, chúng tôi đã biết rằng chúng ta hoàn toàn tương tác với bất cứ cái gì, hành động gì mà chúng ta làm với tự nhiên, nó cũng sẽ ảnh hưởng ngược lại chúng ta. Đây là một cách tiếp cận nhìn mới về tự nhiên và hoàn toàn thay đổi các định hướng tư duy cơ bản của chúng tôi.
Không có một cách thức nào có thể tách biệt mối liên hệ giữa vật thể  kiến trúc và cảnh quan với nhau. Cả 2 chuyên gia, kiến trúc sư công trình và kiến trúc sư cảnh quan đều bắt đầu làm việc theo phương pháp mô phỏng tự nhiên theo đúng quy trình và chức năng vận hành của nó. Công trình đang cố gắng trở nên thích nghi như một thực thể sống hơn, cũng giống như một loài động vật được thở. Bạn có thể đem không khí và tống nó ra theo những cách khác nhau. Chúng tôi đang xem xét hệ thống sinh thái và để xem các công trình làm sao có thể bắt chước hoặc tuân theo các quy luật tự nhiên này một cách tốt hơn.

Dự án Hudson Yards, New York.
 (Ảnh: © Balmori Associates and Work AC)
Các kiến trúc sư cảnh quan đã từng làm việc với các thực thể sống từ rất lâu, vì vậy họ rất quan tâm đến việc làm sao hòa hợp thiết kế của họ với môi trường, họ hiểu được những khó khăn để duy trì đời sống và sự phát triển của hệ thực động vật như thế nào. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, họ có thể tìm ra những cải tiến kỹ thuật hóa các thiết kế để làm việc tuân theo hệ thống tự nhiên. Hệ thống kỹ thuật có thể tốt nếu nó hoạt động theo tự nhiên. Bạn không thể bắt chước tự nhiên một cách hình thức và máy móc được, bạn phải tìm hiểu đủ sâu để biết cách thức hệ thống tự nhiên hoạt động. Đó là một món quà vô giá. Và ngẫu nhiên, kiến trúc cảnh quan và kiến trúc sư công trình tìm thấy nhiều điểm chung hơn ở viêc ý tưởng tiếp cận vấn đề này. Và điều đó là khả thi để vượt qua ranh giới khác biệt này.
- Thay vì gắn kết tự nhiên vào trong thành phố, đô thị, điều mà có thể thực thi bằng việc bổ sung thêm các khu công viên, bạn có thể nói rằng, thành phố cần phải gắn kết với tự nhiên ngay bây giờ. Như vậy, sự khác biệt ở đây là gì? Kiến trúc sư cảnh quan làm gì để hoàn thành nhiệm vụ này?
KTS Diana Balmori: - Câu trả lời nằm ngay trong các đề xuất của tôi cho câu hỏi đầu tiên. Thành phố cũng như các đô thị cần phải hoạt động theo các nguyên tắc của tự nhiên. Điều đó mới thực là gắn kết thành phố với tự nhiên theo đúng ý nghĩa của nó. Tất cả các thành phần cần được đặt trong hệ thống tổng thể tự nhiên. Ví dụ, trong thế kỷ 19, các yếu tố nguồn nước được chú trọng, tập trung lại, vận chuyển bằng hệ thống ống thoát, đổ ra sông. Sự vận chuyển nguồn nước và nước thải là một phát minh có giá trị và bất ngờ, quan trọng với thành phố, hệ thống này cho phép thành phố phát triển.
Nhưng ngày nay, chúng ta có một hệ thống tự nhiên có thể sử dụng để thu gom nguồn nước, từng dự án theo dự án, xử lý tại một điểm, làm sạch và sau đó tái sử dụng một phần cho các mục đích khác nhau, một phần được trả lại tự nhiên thông qua quá trình bốc hơi của thảm thực vật. Những hệ thống này chỉ cần yêu cầu một số lô đất của thành phố được điều chỉnh. Chúng ta không cần nghĩ rằng phải lắp đặt cả một hệ thống cho thành phố hàng chục triệu đô la, bởi vì có thể mất hàng chục năm để thay đổi. Nếu chúng ta thay đổi thành phố bằng cách bổ sung thêm các hệ thống tự nhiên cục bộ có phương cách hoạt động tuân theo quy luật của tự nhiên, thì sau đó, thành phố sẽ được gắn kết với tự nhiên.
- Một số dự án của bà đã thay đổi cách thức mà con người tương tác với thành phố. Công ty của bà đã xây dựng kế hoạch cho khu kênh đào Framington tại New Haven, trải dài gần 26 km trên khu vực đường sắt bỏ hoang từ lâu, và quả thực, sự chuyển đổi này trở thành một bộ phận phía trước trung tâm Malone của đại học Yale. Dự án này trong giai đoạn 1 đã hoạt động thế nào, bà đã tìm ra người sử dụng nó như thế nào?
KTS Diana Balmori: - Đây là một dự án rất hữu ích. Với kích thước gần 26 km nhưng nó chỉ giới hạn đến ranh giới của thành phố vì đất đai còn lại thuộc quyền sở hữu của đại học Yale. 4 lô đất sẽ dẫn bạn đến trung tâm của thành phố thuộc về đại học Yale. Tôi đã thực hiện nghiên cứu cho toàn bộ dự án cảnh quan, chúng tôi đã tạo dựng bản ý tưởng đầu tiên, sau đó nó bi bỏ hoang một thời gian. Nó được chào bán như là các bãi đỗ xe và các công trình khác. Làm hồi sinh dự án này là cả một nỗ lực của cộng đồng. Họ đã yêu cầu tôi giúp đỡ và nói rằng, nếu bạn có thể thực hiện các bản vẽ để chúng ta có thể thuyết phục một số người, bởi vì hiện tại chúng tôi không thể thuyết phục họ. Vì vậy, tôi đã thực hiện một nghiên cứu cho họ và phát hiện ra cái gì thực sự trở thành trở ngại trong một thời gian dài. Tôi đã lấy hết diện tích 26 km, cụ thể một khoanh đất phía ngoài của New Haven, hình dáng giống như con rết với nhiều chân. Nơi nào giao cắt với các đường giao thông, nơi đó có thể được xem xét thay đổi. Bạn có thể thay đổi lối vào cho các công trình xung quanh, mở các đường khác nhau, đóng các đường khác lại. Nhóm đại diện cho cộng đồng đã có thể thuyết phục được thành phố. Họ đã được sự ủng hộ của tổ chức hoạt động cho quỹ đất công.
Để thương lượng với cơ quan quản lý đường sắt nhằm mua lại diện tích đất nêu trên. Thành phố lựa chọn một đơn vị kỹ thuật địa phương để xây dựng gần 26 km. Tất cả các dải công viên phát triển theo tuyến được xây dựng một cách đặc biệt với chiều rộng 3 mét, lát nhựa đường với hệ thống thẳm thực vật dọc theo 2 bên đường. Thật tuyệt đã chuyển đổi được dự án tránh được việc bán đi những lô đất có giá trị này.
Trong giai đoạn đầu của các dải công viên theo tuyến, chúng tôi xem xét việc kè lại bờ đất tạo nên tính liên tục cho hệ thống giao thông trong tương lai. Tuy nhiên, không ai thực sự nghiêm túc nghĩ rằng khu vực này có thể trở thành công viên. Bạn nên thử tách biệt hệ thống này ra khỏi khu dân cư của New Haven bởi vì những gì xảy ra là công viên theo tuyến này hầu hết chúng sẽ trở nên rất phổ biến. Nó được sử dụng cho việc chạy bộ, xe đạp, đi bộ và kết nối đến các nơi khác. Bản thân dự án trước đây, vẫn có những vấn đề liên quan đến tỷ lệ tội phạm cao, nhưng khi dự án công viên theo tuyến hoàn thành, tỷ lệ tội phạm đã giảm hẳn. Khi hình thành, dự án được sử dụng như là một mạng lưới vận chuyện và điều tiết giao thông.  
Khu trung tâm Yale sau đó quyết định thực hiện 4 lô đất của công viên theo tuyến. 4 lô đất này thực sự là một tuyến đường tuyệt vời đưa công viên đến khu trung tâm. Chúng tôi hoàn thành 2 lô đất đầu tiên trong năm ngoái và 2 lô còn lại sẽ được hoàn thành trong năm tới.


Dự án khu kênh đào Farmington tại đại học Yale, New haven New haven, CT. (Ảnh: © Balmori Associates)
- Một dự án khác mà bà thiết kế, Viện nghiên cứu thực vật học tại Bang Texas -  Forth Worth, dựa trên ý tưởng bãi đỗ xe, xóa nhòa ranh giới giữa tự nhiên và hệ thống hạ tầng giao thông. Thay vì là các bãi đất trống không sử dụng, giải pháp bãi đỗ xe với ý tưởng cung cấp dày đặc mạng lưới cây xanh theo những dãy nhỏ, giống như những dòng suối. Khi vừa bước khỏi xe, là bạn bắt đầu cảm nhận được không gian xanh và thảm thực vật xung quanh. Nó sẽ đảm đương vai trò gì cho những loại bãi đỗ xe kiểu như vậy, cung cấp đa dạng lợi ích và trở thành một xu hướng thiết kế? Chi phí để thực hiện một dự án như vậy khi so sánh với các bãi đỗ xe thông thường như thế nào? 
KTS Diana Balmori: - Chi phí cho việc xây dựng bãi đỗ xe loại này cao hơn một chút so với bãi đỗ xe thông thường. Nhưng khi bạn nhìn chúng qua một khoảng thời gian hoạt động, chúng sẽ rẻ hơn bạn nghĩ. Bãi đỗ xe thông thường được xây dựng vào giai đoạn cuối dự án, và các chủ đầu tư không muốn tốn nhiều chi phí cho hạng mục này. Vì vậy, nó dễ trở thành các khu vực xấu xí và không hiệu quả, phần kém bền vững nhất trong môi trường của chúng ta. Chỉ cần một chút nỗ lực, chúng ta có thể biến những bãi đỗ xe này thành không gian hiệu quả và đem lại lợi ích lâu dài.


Viện nghiên cứu thực vật học Bang Texas, Fort Worth (Ảnh: Beck. AerialPhotography, Inc.)
Ngoài bãi đỗ xe, có nhiều cách khác để sử dụng yếu tố tự nhiện gắn kết với thành phố. Tại thành phố Bilbao, chúng tôi đã chiến thắng cuộc thi thiết kế sân vườn, dự án Jardin. Chúng tôi là một trong 20 nhà thiết kế được mời tham dự trong việc tạo lập một mảnh vườn có diện tích 9 x 9 mét vuông. Chúng tôi đã đề xuất thành phố thay đổi hình dáng nhưng giữ nguyên kích thước. Và chúng tôi đã tạo khu vườn này trèo lên các cầu thang và biến không gian đó thành nơi trải nghiệm cho người sử dụng, một điểm đến đúng nghĩa của nó. Đó là một dự án hiện đại nhưng nó đã chuyển hóa một mảnh đất của thành phố trong vòng 5 tháng.


Mảnh vườn xanh leo trên các bậc thang (Ảnh: © Iwan Baan)
- Hầu hết các dự án khu dân cư của bà có khoảng sân vườn trên mái đều rất độc đáo. Bà có thể chia sẻ thêm giải pháp thiết kế cho dự án 684 Boadway, dự án mà đã tối đa hóa sự đa dạng sinh học, và dự án Solaire, được xem là dự án phủ xanh cảnh quan mái cho khu dân cư cao tầng đầu tiên ở Hoa Kỳ?
KTS Diana Balmori: - Khi lần đầu tiên, tôi thiết kế vườn trên mái cho dự án The Solaire, tôi rất thích tre, nhưng vấn đề là các nhà thầu thi công cảnh quan không có kinh nghiệm thi công với vật liệu này. Tôi muốn tạo nên một hiệu ứng lãng mạn và giàu chất thơ, vì tre có thể đung đưa và lắc lư theo gió, tạo nên những âm thanh hết sức thú vị. Nhưng tre là một loại thực vật cứng cáp và dẻo dai khi nó được sinh trưởng và cắm sâu xuống mặt đất, có thể được khai thác 1 tuần trong vòng 1 năm. Các nhà thầu đã quên mất thời điểm này, hầu hết các cây tre đều chết. Vì thế, chúng tôi thay thế bằng loại cây khác dễ trồng hơn.


Ý tưởng cảnh quan trên mái – Dự án The Solaire, Battery Park City, New York (Ảnh: © Balmori Associates)
Dự án 684 Broadway cũng là một ví dụ điển hình minh họa cho những gì mà Sanders và tôi đã thảo luận chi tiết trong tác phẩm Groundwork, nó là sự kết hợp thực sự giữa cảnh quan và hình dáng công trình. Chúng tôi sử dụng chiến lược bền vững nhằm tối đa hóa sự đa dạng sinh thái và thiết kế bền vững bằng cách mở rộng không gian xanh theo cả chiều đứng và ngang, cải tạo căn hộ và cảnh quan ngoại thất phần mái. Chúng tôi sử dụng nhiều loại cỏ tự nhiên nhằm tạo nên một không gian tương đối tĩnh lặng, hướng nội.
 

Dự án 684 Broadway, New York, Công ty Balmori Associates and Joel Sanders Architect. (Ảnh: © Mark Dye)
- Trong ấn phẩm xuất bản gần đây, "Tuyên ngôn Cảnh quan" (Landscape Manifesto), bà đề xuất 25 nguyên tắc để có thể suy nghĩ và làm việc tương tác với cảnh quan tự nhiên. Nguyên tắc nào ảnh hưởng đến bà nhiều nhất? Nguyên tắc nào quan trọng nhất cho chúng ta để nhớ và thực hành theo?
KTS Diana Balmori: - Thật sự tôi không thể nói nguyên tắc nào quan trọng hơn nguyên tắc nào. Đó không phải là những nguyên tắc cứng nhắc mà chỉ là những gợi ý, hướng dẫn. Tất cả 25 nguyên tắc đều quan trọng như nhau, điều đó lý giải tại sao chúng được nghiên cứu và viết khá chi tiết trong ấn phẩm. Tôi chỉ có thể nói, tại thời điểm này, có một vài nguyên tắc quan trọng với tôi, đó là các nguyên tắc:
Nguyên tắc 24 – Cảnh quan giống như một bài thơ, có tính gợi mở cao, và có thể mở ra nhiều sự tương tác giao thoa đa chiều, đa nghĩa;
Nguyên tác 15 – Cảnh quan tạo nên các không gian cho việc gặp gỡ, nơi mọi người có thể chia sẻ và cảm thấy thú vị trong sự đa dạng, bất ngờ của hình dáng không gian, khai phá và họ cảm thấy được tôn trọng như thế nào;
Tôi nghĩ trên quan điển cách tân này, không biết các thiết kế cảnh quan sẽ được sử dụng thì thú vị như thế nào. Mọi người sẽ sử dụng không gian theo cách mà tôi không thể tưởng tượng được và tôi thích thú với điều đó.
- Những thách thức nào với các nguyên tắc cảnh quan mà bà đề xuất bổ sung cho kiến trúc cảnh quan hiện đại?
KTS Diana Balmori: - Thách thực cho việc thiết kế cảnh quan ngày nay là các thành phố, cần phải học được cách xử lý các vấn đề liên quan đến thành phố như là một bộ phận của tự nhiên. Cảnh quan là một phân lớp rất quan trọng trong thành phố. Không giống như thế kỷ 19 – 20, chỉ cần bổ sung công viên trong trong thành phố. Việc đặt các câu hỏi trong vấn đề hạ tầng kỹ thuật, tính không thẩm thấu được của nó, đó là sự xử lý của các dòng suối và lạch trong thành phố, cũng như xem việc thành phố là một thực thể tổng thể. Điều đó cũng có nghĩa là tạo nên các đảo giao thông xanh cũng như mái nhà xanh hay tường xanh, hoặc tạo dựng các không gian công cộng hiện hữu, hoặc xây dựng các con đường và tạo thành các công viên dạng tuyến khỏi nó, nơi bạn có thể di chuyển đến các khu vực của thành phố bằng việc đi bộ và kết nối với nhiều khu dân cư mới khác nhau.
- Những nguyên tắc cảnh quan hướng đến việc xây dựng cuộc đối thoại về kiến trúc cảnh quan, và làm thế nào nội dung tranh luận này bao gồm cả việc hướng đến những người không phải là chuyên gia thiết kế?
KTS Diana Balmori: - Bằng cách sử dụng từ ngữ đơn giản, tránh dùng thuật ngữ, và các nội dung viết rõ ràng, chú thích đầy đủ. 
- 25 nguyên tắc cảnh quan được đăng trên mạng internet, luôn mời gọi mọi người đóng góp ý kiến và phát triển các nguyên tắc này. Dễ thấy nhất, bà cùng cộng sự đã kết hợp kiến trúc cảnh quan và các phương tiện truyền thông xã hội trên mạng cộng đồng thiết kế đô thị Twitter. Xin hãy chia sẻ những kinh nghiệm và đam mê trong kiến trúc cảnh quan và mạng lưới xã hội?
KTS Diana Balmori: - Bản thân tôi thích thú với việc hoạt động trong mối tương tác với xã hội. Tôi hứng thú với việc sử dụng thông tin điện tử cũng như mở cửa đón nhận nó. Tôi nghĩ kiến trúc cảnh quan đã tác động một phần đến sở thích của mọi người, những điều mà họ mong muốn trải nghiệm. Và thật giá trị biết bao nếu nhận được các thông tin phản hồi của người sử dụng. Thông tin điện tử cho phép chúng ta thực hiện các công việc liên quan đến truyền tải thông tin, nhưng không thể thay thế cho các buổi gặp mặt trao đổi trực tiếp ban đầu của dự án. Bằng cách "viết lại cấu trúc thành phố" chúng tôi làm rung động cộng đồng cho ngành khoa học này và sự thay đổi phức tạp trong sự tương tác tự nhiên và thành phố. Được hướng dẫn bởi cách thấu hiểu mới của tự nhiên như một mạng lưới cuộc sống liên kết chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau với xã hội, chúng tôi bắt đầu chuyển hóa những sự giao thoa này. Thay vì bố cục các không gian của thành phố một bên và các công viên một bên, tách rời và được bao bọc bởi các hàng rào, ranh giới, chúng tôi khao khát xây dựng các công thức liên kết lẫn nhau giữa tự nhiên và ranh giới không rõ ràng của khu đô thị và các thành phố. Thay vì con người, thực vật, động vật, tất cả được tách biệt trong các khu vực khác nhau được phân biệt theo chủng loài, chúng tôi nhận ra sự gắn bó đa cấp độ về đặc tính ở nhiều quy mô khác nhau.
Sự tạm thời không còn là trở ngại và đã được kỹ thuật hóa, chúng ta bây giờ đang khắc ghi nó như là một thủ thuật cho sự thay đổi. Hạ tầng kỹ thuật không còn là những suy nghĩ đi sau hành động. Chúng ta bắt đầu sử dụng một không gian chỉ sau khi bản quy hoạch tổng thể được thiết kế. Chúng ta đang đối đầu với các dự án công cộng kỹ thuật bằng việc thể hiện tính chất hỗn hợp và gắn kết với hệ thống tự nhiên sống động. Thêm vào đó, vẫn còn những e ngại với một vài khía cạnh của tự nhiên hoặc của thành phố, và phớt lờ các khía cạnh còn lại. Chúng tôi xem chúng như một tổng thể và hiểu rằng cần phải chuyển hóa chúng như thế nào để gắn kết với nhau một cách hiệu quả nhất.
- Các nguyên tắc cảnh quan đã từng đề cập kiến trúc cảnh quan là nghệ thuật mở rộng sự phân chia giữa văn hóa và tự nhiên. Bà đã thiết lập một ranh giới giữa nghệ thuật và thiết kế, nếu có, kiến trúc cảnh quan mở rộng sự chia cắt này như thế nào?
KTS Diana Balmori: - Tôi nghĩ thiết kế là một nghệ thuật và nó nên như vậy. Kiến trúc cảnh quan được thiết kế và cần đạt đến đỉnh cao của các giải pháp mỹ thuật nếu như nó muốn nhận được sự chấp thuận và thu hút công chúng. Cũng như là việc phân chia giữa văn hóa và tự nhiên, chúng tôi cuối cùng đang trong giai đoạn vượt qua nó bằng cách thấu hiểu rằng không có hệ thống tự nhiên nào mà không có sự sàng lọc. Bộ lọc là một phần của sự cân bằng.
- Ấn phẩm xuất bản có hình minh hoạt khá bắt mắt, các mặt cắt, mặt bằng và phối cảnh được sắp xếp khi thiết kế được xây dựng. Bà có bao giờ xem xét các bản vẽ minh họa này đơn giản là các thông tin thiết kế cho quá trình hay là các tác phẩm nghệ thuật riêng biệt ?
KTS Diana Balmori: - Các bản vẽ minh họa để thể hiện ý tưởng và thiết kế cho dự án, như bạn nói, được sắp xếp có trật tự. Nhưng bản thân các hình ảnh tạo nên sự quan trọng, không thể đứng một mình như một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng là một nghệ sỹ, việc truyền tải thông điệp, ý tưởng và cảm xúc rất quan trọng. Đôi khi các dự án đã xây dựng xong bị mất đi một phần của hình ảnh minh hoạ này.

25 nguyên tắc định hướng thiết kế cảnh quan:

1. Sự luyến tiếc quá khứ và giấc mơ không tưởng về tương lai đã bảo vệ chúng ta khỏi cái nhìn thiển cận các vấn đề hiện tại, kiến trúc cảnh quan phải vượt qua được những rào cản tâm lý này.
2. Tự nhiên là một dòng thay đổi mà con người đang nằm trong dòng chảy ấy. Sự tiến hóa là nằm trong chính lịch sử của chúng. Sinh thái là sự hiểu biết của chúng ta về những gì chúng đang hiện hữu và tồn tại.
3. Tất cả mọi việc trong tự nhiên đang thay đổi. Nghệ sỹ cảnh quan cần phải thiết kế đảm bảo đáp ứng được sự thay đổi này, trong khi vẫn tìm kiếm những ngôn ngữ và cách thể hiện mới nhằm tăng cường tính liên kết cùng tồn tại giữa con người và môi trường tự nhiên xung quanh.
4. Hình dáng cảnh quan tóm gọn trong các thứ giả định không nhìn thấy được. Để khai phá chúng, cần gắn kết với kinh tế và vận lộn với vấn đề thẩm mỹ.
5. Những quyết định/tiền lệ trong lịch sử không hỗ trợ cho những thành kiến phổ biến rằng sự can thiệp của con người vào tự nhiên luôn luôn có hại.  
6. Sự thay đổi đã diễn ra trước mắt chúng ta. Các nghệ sỹ cảnh quan và các kiến trúc sư cần cho sự thay đổi này một cái tên và làm cho chúng hiện hữu và thực tế. Các nhà chuyên môn về thẩm mỹ cần thực hiện chuyển hóa mối quan hệ giữa con người và phần còn lại của hệ thống tự nhiên vào trong các không gian công cộng.
7. Cảnh quan phải có tính hấp dẫn cao về mặt thị giác, liên kết đa chức năng và được hỗ trợ bởi cộng đồng là điều quan trọng cho đặc tính mới của cảnh quan miêu tả sinh động thế giới hiện hữu của chúng ta. 
8. Cảnh quan – thông qua những nguyên tắc thiết kế cảnh quan mới – xâm nhập vào thành phố và điều chỉnh cách sống và sinh hoạt của chúng ta.
9. Cảnh quan mới có thể trở thành những nơi cư trú cho các chủng loài mới, thu hút chúng ra khỏi môi trường cư trú cũ của nó.
10. Quan điểm mới của hệ thống cây xanh như là một tập hợp các chủng loài có liên quan và điều chỉnh, cộng sinh hỗ trợ nhau, hơn là từng chủng loài tách biệt, được minh họa tính lưu động – một dạng định hình chính cho hình dáng cảnh quan.
11. Những hình ảnh quen thuộc của tự nhiên đã sẵn sàng được chấp nhận, nhưng giống như một sân khấu được chuẩn bị kỹ lưỡng như được sử dụng sai mục đích bởi sự thiếu hiểu biết loài người.
12. Trong lịch sử thiết kế sân vườn theo hướng hiện đại (1780), Horace Walpole đã từng nói với William Kent: Đây là bước đầu tiên vượt qua ranh giới và thể hiện rằng toàn bộ môi trường tự nhiên là một khu vườn. Ngày nay, cảnh quan đã vượt qua khỏi ranh giới của nó theo một hướng đối lập với thành phố và biến thành phố trở thành một phần của tự nhiên.
13. Các không gian đô thị hiện hữu có thể được giải thoát khỏi những tương tác đe dọa hiện hữu với môi trường tự nhiên.
14. Nghệ sỹ cảnh quan có thể giúp bộc lộ các nguồn lực của tự nhiên nằm tiềm ẩn trong thành phố, tạo nên tính xác định và đặc trưng mới cho đô thị.
15. Cảnh quan có thể tạo nên các không gian giao lưu, gặp gỡ mọi người nơi mà mỗi người thích thú với hình dáng bất ngờ của không gian, được khám phá tại sao và như thế nào mà chúng hình thành và phát triển, được trân trọng.
16. Cảnh quan, giống như những khoảnh khắc, không bao giờ lặp lại lần thứ 2 khi đã trôi qua. Chính cái tính nhất thời và không cố định này là một tài sản quan trọng của thiết kế cảnh quan.
17. Chúng ta có thể nhấn mạnh mong muốn cho sự tương tác mới giữa con người và tự nhiên, nơi có rất ít sự hy vọng, các không gian vô chủ và chưa xác định rõ ràng.
18. Sự nổi lên của yếu tố cảnh quan trở thành một nhân tố mới cho các vũ đài chính trị.
19. Kiến trúc đáp ứng lại thành phố như là một sự tham dự liên tục đáp ứng với các yếu tố khí hậu, địa hình và lịch sử.
20. Cảnh quan có thể biểu hiện quan điểm ý tưởng nghệ sỹ không cần phải gây ấn tượng mạnh mẽ được xác định ý nghĩa trước đó.
21. Cảnh quan có thể làm cầu nối giữa chúng ta và các thành phần khác của tự nhiên, giữa con người và dòng sông.
22. Cảnh quan trở thành một nhân tố chính của không gian đô thị, không đơn thuần chỉ là những nơi đến.
23. Ranh giới giữa kiến trúc và cảnh quan là không rõ ràng, và được liên kết với nhau theo một cách nào đó.
24. Cảnh quan giống như một bài thơ, có tính gợi mở cao và mở rộng cho sự tương tác đa ngành và diễn giải đa nghĩa.
25. Chúng ta phải đặt các thành phố thế kỷ 21 vào trong môi trường tự nhiên hơn và việc đem môi trường tự nhiên vào trong thành phố. Đem thành phố vào tự nhiên có nghĩa là sử dụng những hệ thống kỹ thuật có chức năng tương tự mô phỏng chức năng vận hành của tự nhiên và xuất phát từ các quy luật vận động cốt lõi của tự nhiên.

KTS Trương Nam Thuận
 (tổng hợp và dịch từ ASLA)
Nguồn Ashui.com
http://bomonquyhoach.vuontaoxanh.com/thu-vien/tro-chuyen-voi-kts-diana-balmori-ve-thiet-ke-canh-quan/idt70/nid801.htm

Nhà thiết kế cảnh quan Andy Cao: Tôi tìm ý tưởng trong ký ức về Việt Nam

Như Huy – Đỗ Dũng
Kiến trúc sư và nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao, tên Việt là Cao Thanh Sơn, được coi là một trong những nhà thiết kế hàng đầu hiện nay trên thế giới. Điều thú vị là những ý tưởng của anh được ấp ủ từ những ký ức về quê hương Việt Nam, đất nước mà anh chia tay khi mới 13 tuổi.
Các tác phẩm của Andy Cao tạo ra những tổng thể môi trường khiến cho người xem chìm đắm trong không gian mà người nghệ sĩ tạo ra. Xây dựng ý tưởng trên một trải nghiệm văn hóa đa dạng, Andy Cao hòa trộn nghệ thuật với phong cảnh để tạo nên một chốn cho những giấc mơ. Andy Cao thường sử dụng những vật liệu quá đỗi bình thường trong cuộc sống mà chúng ta thường không chú ý tới như dây thừng, dây cước, chiếu, vụn thủy tinh, dây kẽm, v.v… để tạo những không gian đa nghĩa và mời gọi người xem vào một thế giới của màu sắc và xúc cảm để tĩnh tâm và mơ mông. Khai phá sự “không hoàn hảo” cố hữu của những vật liệu hằng ngày, Andy Cao tạo cho các phẩm của mình tính tự sinh, gần gũi cũng như cảm giác về sự tạo chế bằng tay của những người nghệ sĩ. Các tác phẩm của anh vô cùng đa dạng về thể loại và quy mô từ những sắp đặt ngắn hạn trong một triển lãm như ở Lễ hội vườn quốc tế Chaumont-sur-Loire (Pháp) (Hình 2), hay tồn tại 50 năm như Cây Dương Liễu trong Công viên Trung tâm ở thành phố Grand Prairie (Texas, Hoa Kỳ) (Hình 3), có quy mô nhỏ như công viên Pillow Field (Hình 4) rộng 1500 m2 tại một khu dân cư đa sắc tộc gần thành phố Seatle (Hoa Kỳ), hay quy mô lớn như Công viên Trung tâm Guaming (Hình 7) ở Thâm Quyến (Trung Quốc) rộng tới 240 hecta.
Nhân chuyến về thăm Việt Nam và gặp gỡ với các đồng nghiệp trong nước, chúng tôi đã hỏi chuyện anh.
Andy Cao và đối tác Xavier Perrot
Anh khởi nghiệp như thế nào?
Andy Cao: Sau khi tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc cảnh quan từ trường Bách khoa California tại Pomona, tôi không thể tìm được công việc phù hợp và do đó tôi quyết định bắt đầu trên chính cái vườn sau nhà. Đầu tiên, tôi làm hai lần rồi lại bỏ vì thấy kết quả không có ý nghĩa gì, chỉ là sự bắt chước những gì đã được dạy ở trường. Suy nghĩ một hồi về những gì mà mình đã trải nghiệm, những ký ức về Việt Nam lúc còn thơ ấu hay là những nơi mà mình muốn xem nhưng mà mình chưa thấy, mình muốn đem trở lại những hình ảnh đó cộng với những tưởng tượng của chính mình. Tôi tìm thấy kiếng vụn với giá rẻ như một vật liệu mới có khả năng phản chiếu ánh sang. Sau hai năm rưỡi để làm sạch, mài tròn và sắp đặt 45 tấn kiếng tái chế thành một cái vườn đầu tiên, lần đầu tiên tôi đã tìm thấy chính mình, thấy tiếng nói riêng của mình trong ngành cảnh quan. Cái vườn kiếng đầu tiên đó (Hình 1) ngay lập tức được giới thiệu trên hơn 100 các tạp chí, báo và kênh truyền hình và giúp tôi khởi nghiệp.
Hình 1: Vườn Kiếng (Glass Garden) sử dụng 45 tấn kiếng (thủy tinh) và mất hai năm rưỡi để hoàn thành là tác phẩm khởi nghiệp của Andy Cao được làm ngay trên mảnh vườn riêng của tác giả
Vậy là anh đã chọn kiếng làm ngôn ngữ thể hiện ?
Andy Cao: Chỉ giai đoạn đầu thôi. Sau khi cái vườn của mình được đăng lên báo, người ta gọi mình là « Ông làm kiếng » (the Glass Guy). Lúc đấy mới bắt đầu lo. Mình mới nghĩ thiết kế của mình không phải là về kiếng. Kiếng chỉ là kiếng thôi. Nhưng mà về cái cách nhìn của mình và cách làm để nó hòa hợp với khung cảnh. Mình nghĩ là kiếng có tâm hồn. Kiếng, cũng như tất cả những vật liệu khác trong đời thường, đều có thể tạo ra một cái ấn tượng mới, cảm ứng mới. Các vật liệu mà mình dùng lúc đầu cũng chỉ là chỉ là đồ bỏ, thế mà khi làm xong người ta không thấy cái méo mó của nó mà chỉ thấy một cảm tưởng. Những cái gì không hoàn hảo trong thiên nhiên đều có cái đẹp riêng của nó. Sau kiếng mình vẫn tiếp tục đi tìm những vật liệu mới từ đời sống hàng ngày : manh chiếu, dây cước, vỏ ốc, dây kẽm gai,v.v…

Hình 2: Desert Sea (Biển Sa mạc) là một sắp đặt trong Lễ hội vườn Quốc tế tại Chaumont-sur-Loire, Pháp
Điều gì đã giúp thắp lên những ý tưởng của anh?
Andy Cao: Vườn kiếng được truyền cảm hứng từ những ký ức tuổi thơ của mình ở Việt Nam, nơi mà mọi thứ đều được tái chế, tái sử dụng. Đó ký ức về những đám rơm vàng được phơi trên đường quốc lộ số 1 gần Hóc Môn nơi gia đình sống sau chiến tranh, là những ruộng muối ở miền Trung nơi tôi lớn lên hay những cây xả tạo nên hương vị trong đồ ăn ở xứ mình. Bên cạnh đó, ý tưởng của mình có được còn là cảm hứng của thời khắc. Với dự án Cloud II (Mây số 2) ở Malibu (California) (Hình 6), tôi đã chú ý tới vẻ đẹp của đảo Catalina nằm giữa biển khơi và được tô điểm bởi những đám mây. Tôi nói với khách hàng: “Tại sao ta lại không lấy những đám mây đó và mang vào mảnh sân của quý vị để tạo bóng mát?”. Và chúng tôi treo thêm những lọ cây và hàng ngàn hạt thủy tinh dưới đám mây lùng bùng bằng dây kẽm gai đó.
Hình 3: Cây Dương Liễu (Willow Tree) được xây dựng tại Công viên Trung tâm mới của thành phố Grand Prairie (bang Texas, Hoa Kỳ) sử dụng 80.000 chiếc lá làm từ vỏ ốc.
Những gì anh đã và đang làm dường như là sự hòa trộn giữa nghệ thuật và kiến trúc cảnh quan. Bản thân anh tự định nghĩa công việc của mình như thế nào?
Andy Cao: Câu hỏi này suốt mười năm nay rất nhiều người hỏi : Anh thuộc về nhóm nào? Việc làm của anh có ý nghĩa gì? Cho nên chúng tôi suy nghĩ một thời gian rồi rút ra rằng mình không thuộc về một nhóm nào cả. Những gì chúng tôi làm chỉ là một cái nhìn nhận của chính bản thân mình thôi. Vì mình không đi hẳn về nghệ thuật, nên không ai phê bình công việc của mình cả, mà về ngành thiết kế cảnh quan, thì mình cũng không thuộc nhóm đó luôn. Thành ra, mình tự lập một con đường mình đi. Trong mỗi một dự án, mình cứ tiếp tục, biến chuyển, làm theo ý nghĩ của mình. Cho nên, bây giờ, mình bắt đầu phải lập nên một “danh từ” riêng cho mình.
Hình 4: Đồng Gối (Pillow Field) là một công viên/tác phẩm nghệ thuật công cộng đặt trong khuôn viên một dự án nhà ở xã hội tại thành phố White Center (bang Washington, Hoa Kỳ)
« Danh từ » gì vậy ?
Andy Cao: Người ta hỏi: “công việc của anh làm như vậy thì gọi là gì?” – thì mới suy nghĩ đến là incidental placemaking (tạo hồn cho nơi chốn một cách ngẫu hứng – PV). Bởi cách suy nghĩ của mình thì giống như người nghệ sĩ ngẫu hứng nhưng mà phương tiện của mình thì lại dùng cảnh quan hoà để hòa lẫn với nhau thành một môi trường. Mình xem cách làm của mỗi một ngành như thiết kế thời trang chẳng hạn. Mình không quan tâm tới kiểu dáng mà quan tâm tới cách người ta làm, cách người ta suy nghĩ. Tại sao cái áo có thể có cái túi hoặc cái tay áo được dời ra phía sau mà không ai thắc mắc cả. Thế nhưng khi làm một môi trường bên ngoài, thì ta có thể thắc mắc: tại sao phải để ghế, tại sao phải trồng cây? Tại sao sa mạc chẳng có gì mà mọi người vẫn muốn đến sa mạc?… Tôi hỏi những câu hỏi đó, đôi khi không có câu trả lời, nhưng hỏi để tìm cho mình một lối đi.

Hình 5: Vườn Ru (Lullaby Garden) được thực hiện trong khuôn khổ Lễ hội Vườn “Những hòn đá tảng” cùng với 11 tác phẩm khác của những nhà thiết kế hàng đầu thế giới. 60 nghệ nhân ở một làng ngoại thành Sài Gòn đã tham gia đan 200 tấm chiếu để trải lên một mảnh vườn rộng gần 200 m2. Dây cước được chăng làm hàng rào khi ẩn khi hiện trong ánh nắng. Lời hát ru của ca sĩ Hương Thanh được phát trong vườn tạo âm hưởng của làng quê Việt Nam.
Anh có lo là công chúng không hiểu được những tác phẩm mình làm?
Andy Cao: Không lo. Nhiều khi mọi người nói tác phẩm của anh không có logic, không có ý nghĩa. Làm sao mà có ý nghĩa được bởi cái nghĩa đối với mình khác còn đối với người vào xem lại khác. Ý nghĩa đối với mình là khi mình làm, khi mình hợp tác với các anh tôi nghệ sĩ hay trong dự án Lullaby Garden là khi cùng những nghệ nhân đan chiếu ở một ngôi làng gần Sài Gòn hay cùng anh Nguyên Lê thu tiếng hát ru con của chị Hương Thanh (Hình 5). Còn cảm xúc và ấn tượng của người khách tham quan mình không thể kiểm soát. Khi những người Việt ở Los Angeles đến thăm vườn đầu tiên của tôi, Vườn Kiếng, họ băn khoăn: thế này mà bảo là vườn Việt Nam ư? Nhưng rồi ngồi trong không gian đó một hồi có người thốt lên: sao bỗng dưng tôi thấy nhớ Việt Nam thế!
Hình 6: Mây số 2 (Cloud II) là một thử nghiệm mới của Andy Cao về vườn trong… không khí.
Khoảnh khắc anh nhận ra là mình thành công là vào lúc nào ?
Andy Cao : Mình chưa bao giờ nghĩ là mình thành công. Nếu nhìn về khía cạnh tìm ra con đường riêng, thì vào năm cuối ở Đại học Harvard, mình đã hoàn toàn tự do để theo đuổi con đường của mình. Ở Harvard, mình được găp bao nhiêu nhà thiết kế hàng đầu thế giới và tiếp cận rất nhiều nguồn thông tin khác nhau. Tiếp cận rồi, gặp gỡ rồi để quyết định rằng mình phải đi con đường riêng của mình bởi nếu mình bắt chước lại những người đó thì mình sẽ không bao giờ làm được như họ đã làm.

Hình 7: Thiết kế cảnh quan công viên Guaming tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Ý tưởng của Andy Cao được lựa chọn sau một cuộc thi quốc tế.
Đối với các nghệ sĩ Việt Nam, anh sẽ khuyên gì với họ về thiết kế?
Andy Cao: Tôi không muốn coi đây là lời khuyên mà tôi muốn khích lệ các nhà thiết kế trẻ ở Vietnam hãy chậm lại và giành thời gian để quan sát cuộc sống hằng ngày của họ. Thường thì tất cả những gì mà các bạn cần đang chờ đợi để được khám phá và tái chế. Và trên hết, hãy giữ gìn và trở nên tự hào với di sản văn hóa của chúng ta, tin vào trực giác và cảm nhận của chính mình. Sáng tạo, đừng bắt chước!
Cảm ơn anh và chúc anh sớm có được những tác phẩm đầu tiên trên quê hương mình!
(Đọc tạp chí Quy hoạch đô thị số 6, tháng 9/2011 để xem giới thiệu chi tiết các tác phẩm của Andy Cao)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.