Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Đà Lạt: tôn tạo 3 di tích quốc gia


TT - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng Nguyễn Thị Nguyên vừa cho biết tỉnh đang khẩn trương triển khai tu bổ, tôn tạo ba di tích gồm nhà ga xe lửa, nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt.
>> Read this on Tuoitrenews.vn
Nhà ga xe lửa được chủ sở hữu đầu tư làm sân sau hàng chục năm nhếch nhác - Ảnh: M.Đạo
Đây là hai di tích kiến trúc nghệ thuật và một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đã xuống cấp cục bộ, bị xâm lấn từ nhiều năm nay.
Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo của di tích do Công ty cổ phần Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương (Bộ VH-TT&DL) đảm nhận. Tổng kinh phí đầu tư hơn 45 tỉ đồng, trong đó công trình nhà lao 14,7 tỉ đồng, nhà ga dự toán khoảng 15 tỉ đồng và Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt khoảng 15,5 tỉ đồng. Các hạng mục tu bổ, tôn tạo bao gồm: nhà ga, nhà kho, nhà sửa chữa đầu máy, nhà sửa chữa toa tàu, mái lợp, hành lang, sàn...
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Thế Hùng yêu cầu phải giữ tối đa các vật liệu kiến trúc cũ, nếu phải dùng vật liệu bổ sung thay mới phải đảm bảo đồng bộ với vật liệu cũ, không đục bỏ kiến trúc cũ, chỉ được gia cố những vị trí khuyết lõm... “Vật liệu thay thế phải ghi rõ năm sản xuất” và “cử cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi giám sát”.
Tuần qua, di tích nhà lao đã mở thầu nhưng chưa thành công vì đơn vị thi công không có chức năng tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định. Bà Nguyễn Thị Nguyên cho biết cái khó nhất là di dời cơ quan và hộ dân hiện đang ở trong di tích.
Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt xây dựng năm 1928, sử dụng từ năm 1933; nhà ga xây dựng năm 1932, hoàn thành năm 1938, đều do kiến trúc sư người Pháp thiết kế và nhiều vật liệu thi công mang từ châu Âu sang.
Từ năm 1968, hai công trình này được đánh giá có trình độ kỹ thuật xây dựng và trình độ mỹ thuật đẹp nhất Đông Dương. Hội Kiến trúc sư thế giới cũng giới thiệu Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt là một trong 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20. Trong khi đó, nhà ga Đà Lạt là nhà ga ở VN có kiến trúc đẹp nhất, ở độ cao nhất, duy nhất còn đầu máy chạy bằng hơi nước và cổ nhất.
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là nơi chính quyền Sài Gòn giam giữ trên 600 tù chính trị nhỏ tuổi (có người mới 12 tuổi), trong đó khoảng 200 nữ, giai đoạn năm 1971-1973. Xây dựng năm 1971, đội lốt “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” nhưng thực chất đây là nhà lao hà khắc không khác các nhà tù Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo...
Các chiến sĩ nhỏ tuổi đã đoàn kết đấu tranh kiên cường, dũng cảm và bền bỉ nên tháng 6-1973, chính quyền Sài Gòn phải giải tán “trung tâm”. Lần đầu và duy nhất ở VN một nhà tù chính trị đấu tranh thắng lợi buộc địch phải giải tán nhà lao.
MINH ĐẠO
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/438468/Da-Lat-ton-tao-3-di-tich-quoc-gia.html

Năm 2015, sẽ chạy tàu Tháp Chàm – Đà Lạt


Tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt độc đáo trên thế giới, chỉ có ở Thụy Sĩ và Việt Nam.
Ga Đà Lạt được xây năm 1938 có 3 mái vút cao mô phòng đỉnh núi 
huyền thoại Lang BiangGa Đà Lạt được xây năm 1938 có 3 mái vút cao mô phòng đỉnh núi huyền thoại Lang Biang
Sau nhiều năm bị xóa sổ, mới đây Chính phủ đã cho phép khôi phục lại tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt. Theo dự án được phê duyệt, tuyến đường sắt này dài 84 km đi qua 14 ga, sẽ được xây dựng trong 9 năm từ cuối năm 2007 đến năm 2015.

Năm 1928, đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt được đưa vào khai thác, mở ra cánh cửa lớn nối liền Đà Lạt với miền Trung và nhanh chóng làm thành phố nhỏ bé thay đổi diện mạo.

Nhiều công trình lớn của Đà Lạt như nhà ga, khách sạn Palace, trường Grand Lycée (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm) được xây dựng ngay sau đó. Thời kỳ cao điểm, đã có 14 đầu máy hoạt động chở khách và hàng trên tuyến này.

Tuy nhiên từ năm 1968, tuyến đường sắt này đã ngừng khai thác. Do không đầu tư, bảo quản nên tuyến đường sắt này đã bị hư hỏng nghiêm trọng.

Năm 1986, ngành Đường sắt tiến hành tháo dỡ ray, tà vẹt để phục vụ sửa chữa thông tuyến đường sắt Thống nhất. Đây không phải là lý do chính để xóa sổ đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt, mà là do lúc đó chúng ta không có được tầm nhìn xa.

Hiện tại chỉ có đoạn đường 7 km từ Đà Lạt đến Trại Mát được khôi phục để chạy ô tô ray động cơ diesel kéo đoàn xe khách khổ 1 m phục vụ khách du lịch. Hàng ngày có 4 chuyến tàu chở 15-20 khách/chuyến. Lượng khách đông hơn vào dịp tết, lễ, hè.

Theo quy hoạch mới do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT lập, tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt sẽ được khôi phục trên cơ sở tuyến cũ với các tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự như tuyến đường được xây dựng và khai thác trước đây.

Vốn đầu tư cho việc xây dựng tuyến đường sắt sẽ được huy động theo hình thức BOT. Đón bắt cơ hội lớn, nhiều nhà đầu tư thuộc hai tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận đã xin được góp vốn cùng khôi phục tuyến đường sắt này. Theo đó, tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt sẽ được xây dựng mới với khổ đường 1m, dài 84 km nối liền hai tỉnh Ninh Thuận- Lâm Đồng.

Toàn tuyến có 5 hầm, 46 cầu với 14 ga, đặc biệt trong đó có 2 đoạn răng cưa dài gần 14 km vượt đèo có độ dốc 120 phần nghìn. Dự kiến tổng kinh phí khôi phục đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt là 5000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ cuối năm 2007 đến 2015.

Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: Đáp ứng yêu cầu của 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, ngày 30-8-2007, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2667/QĐ-BGTVT phê duyệt đưa dự án này vào danh mục dự án đầu tư theo hình thức BOT và bổ sung vào Quyết định 06/2002-CP phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải đường sắt đến năm 2010.

Dự kiến đến năm 2015 tuyến đường sắt này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy hoạt động vận tải khách và du lịch giữa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Đây là một tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt đối với việc phát triển du lịch vùng cực Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Khôi phục lại tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt còn là điều kiện để VN đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới cho quần thể di tích của ngành hỏa xa Việt Nam.

Theo đề án của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT, tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt sẽ được xây dựng mới với khổ đường 1m, dài 84 km đi qua 5 hầm, 6 cầu, 14 ga. Tốc độ cao nhất 70km/h, thấp nhất 35km/h.

Thông tin trên tuyến sẽ dùng cáp quang và tổng đài điện tử số, tín hiệu bán tự động. Toa xe dùng trên tuyến sẽ là toa xe ghế ngồi hoặc giường nằm có điều hòa không khí, toa xe hàng sẽ dùng loại xe không mui để chở quặng và các loại hàng hóa cồng kềnh.

Nhà ga, nhà xưởng và các công trình kiến trúc được xây dựng vĩnh cửu phù hợp với quy hoạch chung của địa phương. Một khi tuyến đường sắt này được khôi phục, Đà Lạt có thêm một đòn bẩy để thu hút khách quốc tế, trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ trong khu vực.
Theo GOV
http://dalat360.net/news/nam-2015-s%E1%BA%BD-ch%E1%BA%A1y-tau-thap-cham-da-l%E1%BA%A1t.html
http://fbuis.multiply.com/journal/item/37/37
Từ Krong Pha (Việt Nam) đến Furka (Thụy Sĩ)

Trả lại Đà Lạt một di sản vô giá
TTCT - Khu nghỉ dưỡng biệt thự cổ được khai trương vào những ngày cuối năm 2009, ngay trước Festival hoa Đà Lạt 2010. Tản bộ dọc con đường có vỉa hè được trồng hoa anh đào hưởng ứng festival, du khách thoải mái ngắm nhìn vẻ đẹp của từng biệt thự và có thể vào khuôn viên bên trong để uống cà phê, đọc sách...
>> Ký sự hoa hồng
Biệt thự 14 được xây dựng theo phong cách Colombages
Đường Trần Hưng Đạo là một trong những con đường đẹp nhất ở Đà Lạt. Đây cũng là khu vực cửa ngõ thành phố vì nằm trên một đồi thông thoai thoải cạnh đèo Prenn cũ - nay là đèo Mimosa, lúc bấy giờ là trục giao thông chính giữa Đà Lạt và các vùng khác. Trên cung đường hướng xuống hồ Xuân Hương và nhìn lên đỉnh Lang Bian, kiến trúc sư người Pháp Paul Veysseyre đã cho xây rất nhiều biệt thự.
Khu phố Tây ngày xưa trở thành khu nghỉ dưỡng
Theo các tài liệu cũ, khoảng đầu những năm 1920 ở Đà Lạt có bảy khu vực được chính quyền thuộc địa quy hoạch và xây dựng công sở, nhà ở dành riêng cho người Pháp, trong đó có khu biệt thự Trần Hưng Đạo ngày nay. Khu biệt thự rải rác dọc hai bên con đường, nằm giữa rừng thông được xây dựng đầu tiên để công chức, nhà giáo, kỹ sư, thương gia Pháp sang làm việc có chỗ trú ngụ nên còn được người dân địa phương gọi là “khu phố Tây”.
Do chủ nhân đến từ nhiều vùng miền nước Pháp nên biệt thự ở đây có kiểu dáng khác nhau, hình thành một không gian kiến trúc rất đa dạng và độc đáo.
Theo giải thích của ông Lê Phỉ - 70 tuổi, chuyên gia nghiên cứu kiến trúc cổ ở Đà Lạt và là cố vấn dự án phục chế khu nghỉ dưỡng biệt thự cổ Đà Lạt của Công ty cổ phần Đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin Cadasa, trong số 13 biệt thự do Cadasa quản lý và khai thác, các biệt thự số 14, 18 và 20 được xây dựng theo phong cách Colombages với những đà gỗ trên bức tường vách ngoài thường thấy ở vùng Normandie; biệt thự số 25 xây dựng theo kiểu kiến trúc ở vùng núi Vosges thuộc miền đông nước Pháp, số còn lại theo trường phái kiến trúc Baroque...
Chỉ một số biệt thự có diện tích lớn (lớn nhất là 7.500m2, tính cả khuôn viên sân vườn) hay có nhiều phòng (có lẽ là nhà của các quan chức), số còn lại là các biệt thự cỡ vừa hoặc nhỏ cho các gia đình ít người. Những biệt thự này đều xây bằng vôi vữa, chỉ giai đoạn sau mới có ximăng.
Ống khói của biệt thự 16 tạo nên nét độc đáo cho tòa nhà
Gian nan chuyện phục chế
Paul Veysseyre (1896-1963) từng làm việc tại Paris từ 1912-1914 trong văn phòng của kiến trúc sư Georges Chedanne, người đã khuyên ông theo học Trường Mỹ thuật Paris. Sau Thế chiến 1, Paul Veysseyre bỏ học, đến năm 1921 ông được tuyển vào Công ty Brossard-Morin (cũng là công ty thiết kế chợ Bến Thành năm 1914) để sang làm việc ở Trung Quốc. Năm 1937, Veysseyre đến Sài Gòn mở văn phòng và ở lại Ðông Dương đến năm 1951. Trong thời gian đó ông thiết kế rất nhiều biệt thự, trong đó có những biệt thự dành cho các nhân vật nổi tiếng như dinh Bảo Ðại ở Ðà Lạt.
Theo wikipedia
Mùa hè năm 1993, chúng tôi lên Đà Lạt nghỉ mát ngay tại biệt thự số 20 màu xanh lá. Đó là thời gian khu biệt thự Trần Hưng Đạo chuyển đổi sở hữu khai thác, từ nhà nước sang liên doanh DRI vốn cũng là chủ đầu tư khách sạn Sofitel Palace và sân golf đồi Cù. Nhưng chỉ sau cơn mưa, biệt thự bị dột nhiều chỗ. Thế là cả nhóm đành chuyển sang khu nhà nghỉ khách sạn Minh Tâm trong sự tiếc nuối của hai người bạn Pháp đi cùng. Nhưng thời gian liên doanh DRI khai thác khu biệt thự cũng không khá hơn, thậm chí còn xuống cấp hơn. Sau khi DRI bỏ cuộc, Tổng công ty Hồ Tây tiếp quản dự án và cũng không triển khai được gì, UBND tỉnh Lâm Đồng mới quyết định lấy lại khu biệt thự để đưa ra đấu thầu. Kết quả Cadasa thắng thầu sau khi vượt qua một doanh nghiệp nước ngoài.
“Khi tiếp nhận dự án từ tháng 12-2005, chúng tôi rất lo vì hầu như các biệt thự đều bị hư hại rất nặng” - ông Nguyễn Thế Hùng, tổng giám đốc Cadasa TP.HCM, kể. Những gì tháo dỡ được như cửa kính, bồn rửa mặt, bồn tắm... đều mất sạch. Ngay cả đôi chim bồ câu bằng sứ trắng trên mái biệt thư số 25 cũng “bay mất”...
Nỗi lo của ông Hùng cũng là hoài nghi của nhiều người dân Đà Lạt sau những dự án chỉnh trang thất bại nêu trên. Nhà đầu tư mới đã khởi đầu dự án của ông bằng việc thành lập một hội đồng gồm nhiều kiến trúc sư và chuyên gia nội thất trong nước, nước ngoài để xác định quan điểm trùng tu là giữ nguyên bản sắc kiến trúc.
Ông Hùng đặc biệt lưu ý trường hợp ông Phan Minh Tân, Việt kiều Pháp, chuyên đóng nội thất cho tàu du lịch ở nước ngoài. Ông Tân đã tham gia ngay từ đầu bằng cách mở xưởng tại chỗ, với dấu ấn nội thất thể hiện rõ nhất trong biệt thự 26. Tính từ tháng 4-2006 đến nay, gần 200 tỉ đồng đã được chi để giúp hiện thực hóa giấc mơ bảo tồn.
Ông Lê Phỉ nói: “Việc tu bổ phải tuân thủ kiểu dáng của từng biệt thự, từng chi tiết nhỏ, chỉ riêng nhà vệ sinh được làm mới bên trong với nhiều tiện nghi hiện đại. Ví dụ, cầu thang bên trong biệt thự 22 bị mục nát một phần, êkip phục chế phải tìm đúng loại gỗ để làm lại giống cầu thang cũ đến từng chi tiết hoa văn. Lúc đầu Cadasa muốn đập bỏ biệt thự số 15 vì quá nhỏ, lại bị xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng nhờ biệt thự này có kiểu dáng độc đáo nên êkip phục chế đã tập trung tôn tạo, đồng thời giữ nguyên thế đất thoai thoải bên dưới để tạo nên không gian kiến trúc riêng biệt trong khu bảo tồn”.
Biệt thự 26 có kiến trúc uy nghiêm vốn là nhà công vụ
Một không gian mở
Khu resort rộng 6ha, gồm 13 biệt thự (65 phòng). Sân vườn được trồng cỏ rừng, không sử dụng cỏ ngoại nhập để tạo cảm giác những lối đi tự nhiên trong rừng. Phòng ngủ lớn của các biệt thự đều có lò sưởi riêng và nhìn ra sân vườn. Vài biệt thự đã đón khách từ một năm nay, trong đó có không ít người nước ngoài, như vợ chồng ông William Smith, chuyên gia của Quỹ Ford Foundation ở Đông Nam Á. Biệt thự 22 có tầng trệt được cải tạo thành hầm rượu vang; biệt thự 16 có ống khói lò sưởi nối dài với phần mái tạo thành một kiến trúc rất độc đáo.
Ý nghĩa trùng tu khu biệt thự này, theo lời ông Hùng, là giúp trả lại những gì thuộc về di sản của Đà Lạt. “Khi biết tôi lao vào dự án này, nhiều bạn bè khuyên dừng lại vì sẽ khó đạt hiệu quả kinh tế. Nhưng nay tôi đã đạt được mục tiêu phục hồi bảo tồn với thời gian từ hai năm lên ba năm rưỡi, vì những phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện” - ông Hùng nhấn mạnh.
Nếu như khu biệt thự Lê Lai do Tập đoàn Ana Mandara khai thác trong một khu vực được che chắn mọi tầm nhìn từ bên ngoài, khu biệt thự Cadasa là một không gian mở đúng nghĩa. Ông Hùng cho biết cựu tổng giám đốc khách sạn Sofitel Palace, ông Antoine Sirot, đánh giá cao việc xóa bỏ hàng rào giữa các biệt thự, tạo nên sự xuyên suốt cho cả quần thể kiến trúc này. Năm ngoái, một người Pháp hậu duệ của chủ biệt thự 20 - có lẽ thuộc thế hệ thứ tư - đã quay lại thăm và trầm trồ trước kết quả phục chế căn nhà tốt như vậy.
Sau khi trùng tu, bài toán còn lại đối với khu biệt thự Cadasa là kinh doanh. Về điểm này, nhà giáo hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin Nguyễn Thế Hùng lại nghĩ đến việc tổ chức những hội thảo khoa học chuyên ngành mang tầm khu vực và quốc tế tại khu biệt thự cổ hơn là chuyện nghỉ dưỡng thuần túy. Còn với nhiều cư dân Đà Lạt và du khách yêu thành phố này, được ngắm nhìn và đi giữa một không gian kiến trúc không còn chút dấu vết tàn phá nào của thời gian và con người quả là một cảm giác khó nói thành lời!
Sảnh của biệt thự số 22 trở thành phòng triển lãm ảnh Hà Nội - Đà Lạt xưa. Tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng và họa sĩ Hoàng Như Thụy An được bày trong hai biệt thự kế cận. Các triển lãm sẽ kéo dài suốt thời gian diễn ra Festival hoa Đà Lạt 2010 - Ảnh: Trần Đức Tài
Biệt thự 20 được phục chế thành công, khác hẳn hình ảnh của năm 1993 khi chúng tôi nghỉ tại đây - Ảnh: Trần Đức Tài
NHẤT HÙNG - QUANG THÁI
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/356391/Tra-lai-Da-Lat-mot-di-san-vo-gia.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.