Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

NAM DINH

 






Đền Trần, Nam Định, Việt Nam
05/01/2020

Thông tin chung: 
Công trình: Đền Trần (Tran Temple, Nam Dinh Province, Vietnam) Địa điểm: Nam Định, Việt Nam (20,4554335°B 106,1659867°Đ)
Thiết kế kiến trúc:  
Quy mô: Diện tích 8h với 3 cụm đền
Thời gian hình thành: Thế kỷ 17
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, Kiến trúc nghệ thuật cùng với chùa Phổ Minh, Nam Định năm 2012) 

Đền Trần là một quần thể đền Thần đạo Việt Nam tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, nơi thờ các vua Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần (triều đại Đại Việt, từ năm 1225 – 1400). Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền cung điện cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ 15.
Đền Trần có diện tích khoảng 8ha, bao gồm 3 cụm công trình là đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa.
Phía trước đền là cổng Ngũ môn và một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa, phía sau hồ nước là đền Thiên Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch.
Cả ba đền đều có bố cục đối xứng, dọc theo trục Bắc – Nam; quy hoạch, kiến trúc chung và quy mô tương tự nhau.
Lễ hội dân gian (Lễ Khai ấn) đền Trần, Nam Định rất nổi tiếng, diễn ra vào ngày 15 tháng giêng hàng năm, ghi nhận đức tin Thần đạo mạnh mẽ của cộng đồng người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam. Lễ hội cũng thể hiện lòng tri ân của các thế hệ tiếp nối đối với các vị tiền nhân có công với dân, với nước gắn với niềm tin cốt lõi: “Vua tôi đồng tâm, Anh em hòa mục, Cả nước góp sức”, “Khoan thư sức dân là kế sâu bền gốc rễ”… 


Tam quan quần thể đền Trần, Nam Định


Đôi Sấu đá đặt trước Tam quan quần thể đền Trần, Nam Định


Hồ nước phía sau Tam quan quần thể đền Trần, Nam Định


Mặt trước quần thể đền Trần, Nam Định




Quần thể đền Trần, Nam Định, Chính giữa ảnh là đền Thiên Trường, bên phải là đền Cố Trạch, bên trái là đền Trùng Hoa

Đền Thiên Trường
Đền Thiên Trường tọa lạc tại trung tâm của quần thể đền Trần, được xây trên nền của Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần, trước nữa là nhà thờ họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các Thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc.
Đền Trần hiện nay được dân địa phương xây dựng vào năm 1695. Các năm 1773, 1854, 1895, 1907-1908, đền được mở rộng và xây thêm.
Đền Thiên Trường gồm: Nghi môn và sân trong, Tiền đường, Thiêu Hương, Trung đường, Hậu đường, các dãy Tả, Hữu vu…Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch.
Nghi môn đền Thiên Trường nằm tiếp giáp với hồ nước theo kiểu tứ trụ, gồm hai trụ lớn, trên đỉnh trụ đắp nghê chầu tạo thành một cổng ra vào có kích thước rộng 5,40m. Hai trụ góc có đỉnh trụ đắp hoạ tiết búp sen và hệ thống tường bao thấp cao 1,20m.
Sân trong nằm bên trong Nghi môn, được lát bằng gạch Bát Tràng. Giữa sân là trục chính đạo lát bằng hàng gạch hoa có trang trí chữ “thọ”. Hai bên sân có hai dãy Ta Vu và Hữu vu ngoại.
Tòa Tiền đường của đền Thiên Trường gồm 5 gian, dài 13 mét. Phần nền công trình cao hơn so với sân 0,8m. Các bậc tam cấp phía trước công trình lát bằng các phiến đá xanh, trên mỗi bậc tam cấp có hai cặp rồng đá mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Kết cấu tòa Tiền đường có 12 cột cái và 12 cột quân, tất cả được đặt trên chân cột bằng đá tảng hình cánh sen có từ thời Trần, là chân cột cung Trùng Quang cũ. Đây là nơi đặt ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần.
Tòa Thiêu hương có mặt bằng hình vuông. Phần nền công trình lát gạch hoa có chữ “Thọ”. Bộ khung làm bằng gỗ lim với các cột theo kiểu thượng thu hạ thách và đặt trên chân cột bằng đá tảng hình cánh sen. Đây là nơi đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần. Có ban thờ riêng cho quan văn và ban thờ riêng cho quan võ.
Bên phải, bên trái Toà thiêu hương là hai dãy Tả vu, Hữu vu nội.
Tòa Trung đường gồm 5 gian, là nơi thờ 14 vị hoàng đế nhà Trần. Tuy nhiên, không có tượng thờ mà chỉ có bài vị. Trước cửa Trung đường có ba cỗ ngai là nơi thờ bái vọng các vị hoàng đế.
Tòa Hậu đường gồm 3 gian với 3 điện thờ. Ban thờ 4 vị thủy tổ họ Trần và các phu nhân chính thất ở gian giữa xây cuốn vòm. Các hoàng phi của nhà Trần cũng được đặt bài vị thờ ở 2 gian trái, phải. Tòa Hậu đường đền Thiên trường xây dựng kiểu “chồng diêm” hai lớp mái. Bộ cửa Hậu cung làm bằng gỗ lim chạy hết 3 gian công trình. Mỗi gian có 6 cánh, mỗi cánh cao 3,10m, rộng 0,50m. Trên mỗi cánh cửa còn chạm khắc các bài thơ bằng chữ Hán, ca ngợi công đức các vị vua Trần và cảnh đẹp của mảnh đất Thiên Trường xưa.  


Nghi môn và sân trong đền Thiên Trường, quần thể đền Trần, Nam Định


Toàn Tiền đường trong đền Thiên Trường, quần thể đền Trần, Nam Định


Rồng đá trên tam cấp tòa Tiền đường trong đền Thiên Trường, quần thể đền Trần, Nam Định




Chạm khắc rồng trên cánh cửa tòa Tiền đường, đền Thiên Trường, quần thể đền Trần, Nam Định


Chân cột của tòa Tiền đường được đặt trên chân cột bằng đá tảng hình cánh sen có từ thời Trần, là chân cột cung Trùng Quang cũ


Ban thờ đặt bài vị của 14 vị hoàng đế nhà Trần tại tòa Trung đường, đền Thiên Trường, quần thể đền Trần, Nam Định

Đền Cố Trạch
Đền Cố Trạch nằm phía Đông của đền Thiên Trường, xây lùi về phía sau khoảng 3m. Nhìn từ sân, là bên phải đền Thiên Trường.

Đền Cố Trạch được xây vào năm 1894. Theo bia "Trùng kiến Hưng Đạo thân vương Cố trạch bi ký", thì lúc tu sửa đền Thiên Trường vào năm 1868, người ta đào thấy ở phía Đông đền Thiên Trường một mảnh bia vỡ có ghi chữ Hưng Đạo thân vương Cố trạch (nhà cũ của Hưng Đạo thân vương). Do đó khi khánh thành vào năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch từ. Đền Hạ là tên thường gọi. Đền có cấu trúc, quy mô xây dựng như đền Thiên Trường.
Đền Cổ Trạch gồm các công trình chính: Vườn; Nghi môn và sân trong; Tiền đường, Thiêu hương, Trung đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu.
Vườn phía trước Nghi môn đền Cổ Trạch là một khuôn viên hình vuông.
Nghi môn đền Cố Trạch xây dựng theo kiểu tứ trụ, tạo thành 3 cửa ra vào. Qua Nghi môn đến sân lát bằng gạch vuông Bát Tràng kích thước 0,3m x0,3m.
Toà Tiền đường 5 gian với bộ cửa làm bằng gỗ lim kiểu thượng song hạ bản tại 3 gian giữa công trình. Ở hai gian đầu hồi, xây bằng gạch tạo cửa sổ hình tròn, phía trên cửa sổ nhấn hai chữ Hán: Trung - Hiếu. Bộ khung tiền đường lắp dựng bằng gỗ lim theo kiểu ba hàng cột. Tất cả các cột đặt theo thế thượng thu hạ thách và trên các chân đá tảng đá hình cổ bồng. Tiền đường là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo: Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa.
Tòa Thiêu Hương nối tiếp với tòa Tiền đường. Công trình có mặt bằng hình vuông xây kiểu phương đình 4 mái lợp ngói. Bộ khung được làm bằng gỗ lim với 4 cột cái và đặt trên chân đá tảng hình hoa sen. Hai bên tòa Thiêu hương là hai tòa Tả vu, Hữu vu, mỗi dãy 3 gian với bộ khung bằng gỗ lim, tường hồi xây bít đốc, mái ngói. Thiêu hương là nơi đặt long đình, trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Bên trái đặt bài vị các quan văn. Bên phải đặt bài vị của các quan võ.
Tòa Trung đường 5 gian. Bộ khung công trình bằng gỗ lim kiểu bốn hàng cột. Các cột đặt trên chân tảng đá hình cổ bồng. Bộ cửa làm theo kiểu bức bàn, đặt trên ngưỡng có chân quay. Trên các cấu kiện kiến trúc đều chạm khắc hoa văn theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Tòa Trung đường là nơi đặt bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, bài vị của 4 người con trai, Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân.
Tọa Hậu đường 3 gian, được ngăn cách với toà Trung đường bởi hệ thống cửa thượng song, hạ bản. Bộ khung làm bằng gỗ lim kiểu bốn hàng chân, các chân cột đặt trên hệ thống chân đá tảng hình vuông. Tòa Hậu đường là nơi đặt bài vị của cha và mẹ Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo và vợ (công chúa Thiên Thành), 4 người con trai và 4 người con dâu của Trần Hưng Đạo, của con gái và con rể (Phạm Ngũ Lão).
Gian Tả vu là nơi đặt bài vị Trương Hán SiêuPhạm Thiện Nhân và các bài vị văn thần triều Trần.
Gian Hữu vu là nơi đặt bài vị võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân họ Trần.


Khuôn viên vườn trước Nghi môn và sân trong, đền Cố Trạch, quần thể đền Trần, Nam Định


Tòa Tiền đường, đền Cố Trạch, quần thể đền Trần, Nam Định

Đền Trùng Hoa
Đền Trùng Hoa mới được xây dựng từ năm 2000. Đền được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa, là nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị Thái thượng hoàng.

Đền Trùng Hoa gồm các công trình: Vườn; Nghi môn và sân trong; Tiền đường, Thiêu hương, Trung đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu...
Vườn phía trước Nghi môn đền Trùng Hoa là một khuôn viên hình vuông tương tự như đền Cổ Trạch.
Nghi môn xây theo kiểu tứ trụ, tạo thành 3 cửa ra vào. Qua Nghi môn đến sân lát bằng gạch vuông phía trước Tiền đường.
Toà Tiền đường chia thành 3 gian 2 chái. Cửa tiền đường làm bằng gỗ lim kiểu thượng song hạ bàn. Hai gian bên trái tiền đường là bộ cửa kiểu chữ nhật với các chấn song con tiện.
Toà Thiêu hương có mặt bằng hình vuông, xây theo kiểu phương đình 2 tầng 8 mái. Đối xứng hai bên tòa Thiêu hương có 2 toà Giải vũ nội, mỗi bên 3 gian. Công trình có bộ khung bằng gỗ lim tường xây thu hồi bít đốc, mái ngói.
Toà Trung đường được xây dựng nối liền với Thiêu hương. Công trình có 5 gian, bộ khung bằng gỗ lim theo kiểu bốn hàng cột. Kết cấu bao che là hệ thống ván bưng làm bằng gỗ lim,
Tòa Hậu cung xây dựng nối tiếp với tòa Trung đường, gồm 3 gian có kích thước dài 10,70m, rộng 6,70m, mái lợp ngói. Bộ khung làm bằng gỗ lim kiểu bốn hàng chân cột, các cột được đặt trên chân đá tảng cánh sen.
Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa Trung đường và tòa Hậu đường. Tòa Thiêu hương là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian Tả vu thờ các quan văn. Gian Hữu vu thờ các quan võ. 


Cổng nối đền Thiên Trường và đền Trùng Hoa, quần thể đền Trần, Nam Định


Khuôn viên vườn trước Nghi môn và sân trong, đền Trùng Hoa, quần thể đền Trần, Nam Định


Tòa Tiền đường, đền Trùng Hoa, quần thể đền Trần, Nam Định

Đền Trần (cùng với chùa Phổ Minh) tại Nam Định có giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, giai đoạn thế kỷ 13-17 tại Việt Nam.

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD 
Nguồn : 

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_Tr%E1%BA%A7n_
(Nam_%C4%90%E1%BB%8Bnh)
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/245/0/1514/Doi_net_ve_Den_Tran_Nam_Dinh
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/317

http://bmktcn.com/index.php?option=com_content&task=view&id=9578&Itemid=153


Đền Trần Nam Định

Đền Trần Nam Định

Đền Trần Nam Định thờ ai : 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công phù tá. Nơi đây còn nổi tiếng với Lễ khai ấn đầu xuân và Hội đền tháng tám, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự, tri ân công đức các vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp.


Lịch sử Đền Trần Nam Định

Phủ Thiên Trường xưa (nay thuộc tỉnh Nam Định) là nơi phát tích của Vương triều nhà Trần và được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long. Năm 1258, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông ra lệnh thực hiện chiến lược “vườn không nhà trống” tại kinh thành Thăng Long và rút lui về phủ Thiên Trường để huy động sức mạnh toàn dân.

Về sau đã đánh bại quân Nguyên Mông. Năm đó, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và phong tước cho các quan, quân có công đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức “khai ấn” cúng tế tổ tiên trời đất, khen thưởng ban lộc những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của chính quyền nhà Trần.

Đến thế kỷ 15, Phủ Thiên Trường đã bị quân Minh phá hủy. Sau này, tại nền phủ xưa đã được xây dựng lại Khu di tích Đền Trần Nam Định, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ các vua Trần có công bảo vệ đất nước.


Kiến trúc Đền Trần Nam Định

Khu di tích bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa, có kiểu dáng chung và quy mô ngang nhau. Phía trước có cổng ngũ môn. Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ là đền Thiên Trường.

Đền Thiên Trường

Đền Thiên Trường thường gọi Đền Thượng, tọa lạc ở vị trí trung tâm của quần thể di tích Đền Trần Nam Định. Đền được xây trên nền Thái Miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ tộc của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc.

Kiến trúc Đền Thiên Trường hiện nay gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, thiêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền được dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch.

- Tiền đường gồm 5 gian, dài 13m, có 12 cột cái cùng 12 cột quân, tất cả được đặt trên bệ bằng đá hình cánh sen vốn là chân cột cung Trùng Quang cũ. Bên trong là ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần.

- Trung đường đặt bài vị của 14 hoàng đế nhà Trần, trước cửa có ba cỗ ngai là nơi thờ bái vọng các vị hoàng đế.

- Chính tẩm 3 gian, thờ 4 vị thủy tổ họ Trần, và các phu nhân chính thất ở gian giữa, hoàng phi ở 2 gian trái phải.

- Tòa thiêu hương (kinh đàn) đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần. Có ban thờ riêng cho các quan văn, võ.

Đền Cố Trạch

Đền Cố Trạch thường gọi là Đền Hạ, nằm ở mặt Đông của khu di tích Đền Trần Nam Định tức bên phải Đền Thiên Trường. Văn bia ghi lại, năm 21 đời Tự Đức (1868), người ta đào thấy ở phía Đông một mảnh bia vỡ có ghi chữ Hưng Đạo thân vương cố trạch. Do đó khi xây dựng vào năm 1894 và hoàn thành năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch Từ tức là đền nhà cũ, làm nơi thờ tự Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng.

- Tiền đường đặt bài vị 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa.

- Trung đường thờ bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, 4 người con trai, Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân.

- Chính tẩm đặt bài vị cha mẹ, Trần Hưng Đạo và vợ (công chúa Thiên Thành), 4 con trai và 4 con dâu, con gái và rể.

- Thiêu hương (kinh đàn) đặt long đình, trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Gian tả vu đặt bài vị Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân và các văn thần triều Trần. Gian hữu vu đặt bài vị các võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân họ Trần.

Đền Trùng Hoa

Đền Trùng Hoa nằm ở mặt Tây của khu di tích, tức bên trái Đền Thiên Trường. Đền được xây dựng mới từ năm 2000, trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.


Lễ hội Đền Trần Nam Định

Hàng năm, tại đây sẽ diễn ra 2 lễ hội lớn, đó là Lễ khai ấn đầu xuân và Hội đền tháng tám, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự, tri ân công đức của 14 vị vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp.

- Lễ khai ấn Đền Trần Nam Định : diễn ra từ ngày 14 - 15 tháng Giêng âm lịch. Tối ngày 14, bắt đầu nghi thức rước hòm ấn từ nội cung đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, rồi làm lễ khai ấn vào đúng giờ Tý... sau đó khách thập phương vào đền tế lễ, xin lá ấn với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài.

- Hội Đền Trần ở Nam Định : diễn ra từ ngày 15 - 20 tháng 8 âm lịch. Phần lễ bắt đầu với các lễ rước từ đình, đền xung quanh về dâng hương ở đền Thiên Trường. Phần hội sẽ có các hoạt động văn hóa dân gian hấp dẫn như: diễn võ 5 thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn, múa Bài Bông...
Đền Trần Nam Định - đền Thiên Trường
Đền Trần Nam Định - đền Thiên Trường
Đền Trần Nam Định - đền Cố Trạch
Đền Trần Nam Định - đền Cố Trạch
Đền Trần Nam Định - đền Trùng Hoa
Đền Trần Nam Định - đền Trùng Hoa
Đền Trần Nam Định - lễ khai ấn tháng giêng
Đền Trần Nam Định - lễ khai ấn tháng giêng
Đền Trần Nam Định - hội tháng 8 âm lịch
Đền Trần Nam Định - hội tháng 8 âm lịch
Đền Trần Nam Định - 14 lư đồng
Đền Trần Nam Định - 14 lư đồng

---------------