Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Cité Bellevue.- KHU CƯ XÁ NGOẠN MỤC


Tìm lại Cư xá Ngoạn Mục qua tài liệu lưu trữ.

Qua nhiều biến đổi thời cuộc, địa danh này nay đã không còn được nhắc đến, nhưng trong nhiều tài liệu lưu trữ, dấu ấn về Cư xá Ngoạn Mục vẫn còn rất ấn tượng.

       Đà Lạt, từ những năm đầu của thế kỷ XX đã trở thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Trong bản đồ phân bố du lịch của thành phố, có những địa danh đã xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng cũng có rất nhiều các điểm tham quan chỉ mới được khai thác những năm gần đây. Ngày nay, khu vực phường 5 của Đà Lạt cũng là một điểm chú ý trên bản đồ du lịch của thành phố, bởi nơi đây đang sở hữu 2 khu du lịch văn hóa đặc biệt: Biệt điện Trần Lệ Xuân (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV) và Khu biệt thự Lê Lai (còn được gọi với những tên khác: Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa hay làng biệt thự Pháp của Đà Lạt). Trong một khu vực, 2 khu biệt thự nằm trên 2 quả đồi đối diện nhau gợi cho du khách sự tò mò về lịch sử hình thành cũng như địa thế của khu vực này. Có một điểm chung đặc biệt của 2 khu biệt thự: cùng nằm trong khu vực trước đây được gọi là Cư xá Ngoạn Mục (Cité Bellevue).
       Thời điểm hình thành, tên gọi:
      Trong bài “Lịch sử phát triển Đà Lạt (1893-1954)” tác giả Hãn Nguyên có viết: “...Vào khoảng 1937-1939 nhiều khu biệt thự của tư nhân cũng được xây cất để bán hay cho thuê như cư xá Saint Benoit, cư xá Bellevue, cư xá Des Pics (còn gọi là cư xá Decoux)…”
     Trong sách “Đà Lạt - bản đồ sáng lập thành phố” của NXB Tri thức, ở trang 130 có ghi: “Đà Lạt trước hết vẫn là thành phố nghỉ mát, thành phố của các dinh thự, nơi giải trí, nghỉ dưỡng và trầm tư. Nhờ sức cuốn hút của nó, đặc biệt là tầng lớp tư sản giàu có của Việt Nam đã bắt đầu đến Đà Lạt sinh sống, các cư xá mới Saint Benoit, Bellevue đã hình thành vào năm 1937”.
     Như vậy, có thể khoảng thời gian hình thành của cư xá Bellevue là năm 1937. Thực chất, đây là khu đất của tư nhân được sử dụng chủ yếu với mục đích xây dựng các biệt thự cho thuê hoặc để bán. Trong bộ sưu tập tài liệu của gia đình Jacques Veysseyre [1], có một bản thiết kế biệt thự, chính là một trong số 15 biệt thự của khu Lê Lai ngày nay, bản đồ được thiết kế ngày 2/5/1939 và có chú thích: “Công ty nông nghiệp và bất động sản dân sự Bellevue tại Đà Lạt, dự án biệt thự trên lô 14, kiến trúc sư Leonard Veysseyre”. Trong một tấm Bản đồ Đà Lạt năm 1942 [2], ở vị trí khu đất thuộc phường 5 của thành phố Đà Lạt ngày nay, cũng có chú thích tên của công ty là: “Société civile Agricole et immobilière du Domaine des Bellevue”. Như vậy, tên của cư xá đã được đặt theo tên của chủ sở hữu khu đất. Trong một số các bản đồ Đà Lạt năm 1946, 1950 đang bảo quản tại Viện Địa lý quốc gia [3], thì khu vực này được chú thích theo cách quen thuộc: Cité Bellevue.
     Vị trí, các đường phố
     Trong một hồ sơ tiếng pháp đang bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV – Đà Lạt [4], có một số tài liệu liên quan đến việc sửa chữa các con đường thuộc Cư xá Ngoạn Mục năm 1954. Theo hồ sơ, Cư xá có 8 con đường được đặt theo tên những người Pháp nổi tiếng: và tương ứng với các đường của Đà Lạt ngày nay như sau [5]:
     - Đường Monseigneur Cassaigne – nay là Mai Hắc Đế
    - Đường Robelin – nay là Lê Thánh Tôn
    - Đường Fernand Millet - nay là Dã Tượng
    - Đường Carnivey – nay là Lê Lai (Khu biệt thự Lê Lai)
    - Đường Henri Maitre – nay là Yết Kiêu (Khu biệt điện Trần Lệ Xuân)
    - Đường Mossard – nay là Hàn Thuyên
    - Đường nối Lê Lai - Hàn Thuyên
   - Đường nối Dã Tượng - Yếu Kiêu
Tên các tuyến đường được giải đá và giải nhựa tại khu Cư xá Ngoạn Mục, Hồ sơ 04, phông Phủ quốc trưởng quốc gia Việt Nam, Trung tâm lưu trữ quốc gia IV .



Bản đồ Cư xá Bellevue năm 1954 [6].
       Trải qua các biến động lịch sử, cùng chung số phận với rất nhiều các biệt thự khác ở Đà Lạt, các biệt thự ở Cư xá Bellevue cũng từng bị hư hại, bị bỏ hoang. Trong thư của Thị trưởng Đà Lạt Trần Đình Quế, ngày 18/4/1951 [7], có đoạn: “... từ năm 1945, ở Đà Lạt có rất nhiều thay đổi, nhiều biệt thự bị hư hại sau các cuộc tấn công, đặc biệt là ở khu Cư xá Bellevue và Cư xá Des Pics...”.
      Các biệt thự ngày nay cũng đã được trùng tu, sửa chữa, nhưng, vẫn giữa được những nét kiến trúc biệt thự độc đáo kiểu Pháp ở Đà Lạt. Khu biệt thự Lê Lai ngày nay bao gồm 15 biệt thự được xây dựng trước và sau năm 1937, khu biệt điện của gia đình Trần Lệ Xuân được xây dựng ở thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa (1958-1963) gồm 3 biệt thự: Hồng Ngọc, Lam Ngọc và Bạch Ngọc. Từ 10 năm nay, các khu biệt thự được cải tạo, đưa vào khai thác kết hợp du lịch và nghỉ dưỡng (Khu Lê Lai), du lịch và lưu trữ (Biệt điện Trần Lệ Xuân). Các biệt thự thuộc Cư xá Ngoạn Mục xưa cùng rất nhiều các biệt thự khác ở khắp Đà Lạt chính là chứng tích lịch sử của thành phố qua các thời kỳ phát triển, tạo thành một “bảo tàng kiến trúc biệt thự Pháp” độc đáo tại Đà Lạt./.
Bản thiết kế biệt thự 14 thuộc khu Lê Lai [8].





Bệt thự  14 Lê Lai ngày nay
 

Biệt thự của gia đình Trần Lệ Xuân [9].
     Tham khảo:
[1] & [8]. Đà Lạt-bản đồ sáng lập thành phố, Tessier & Pascal Bourdeaux, NXB Tri thức 2014, trang 162.
[2]. Đà Lạt-bản đồ sáng lập thành phố, Tessier & Pascal Bourdeaux, NXB Tri thức 2014, trang 143.
[3]. Đà Lạt-bản đồ sáng lập thành phố, Tessier & Pascal Bourdeaux, NXB Tri thức 2014, trang 151,155.
[4]. Hồ sơ 04, phông Phủ Quốc trưởng quốc gia Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
[5]. Nguồn: http://baolamdong.vn/dalatxuanay/201311/da-lat-nhung-con-duong-ap-cu-pho-xua
[6]. Hồ sơ 04, phông Phủ Quốc trưởng quốc gia Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, trang 63.
[7]. Đà Lạt-bản đồ sáng lập thành phố, Tessier & Pascal Bourdeaux, NXB Tri thức 2014, trang 163.
[9]. Ngày xưa Langbian…Đà Lạt, Tam Thái, NXB Văn hóa thông tin, 2009.
(Nguyễn Thị Việt – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

1 nhận xét:

  1. Dalatarchi: Cité Bellevue.- Khu Cư Xá Ngoạn Mục >>>>> Download Now

    >>>>> Download Full

    Dalatarchi: Cité Bellevue.- Khu Cư Xá Ngoạn Mục >>>>> Download LINK

    >>>>> Download Now

    Dalatarchi: Cité Bellevue.- Khu Cư Xá Ngoạn Mục >>>>> Download Full

    >>>>> Download LINK

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.