Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Phong cách Đà Lạt

Phong cách Đà Lạt
PDF.
In
Email
   
Thứ sáu, 10 Tháng 7 2009 15:39
Tại câu lạc bộ Ba Đình ở Hà Nội mà một số người coi như đó là câu lạc bộ phù phiếm vì số người này đến đó không phải để bơi lội hay rèn luyện thân thể mà chủ yếu là uống bia và nói chuyện phiếm, tôi được nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện thời sự xã hội đến chuyện phòng khuê vua chúa, chuyện địa ngục thiên đường. Một buổi chiều, có dịp ngồi gần nhà báo họ Trương, tôi nghe anh nói: 
Ra về nhớ cảnh, nhớ người
Một làn tương ngộ suốt đời không quên.
Anh Trương kể chuyện anh đi chơi Đà Lạt như chuyện Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, chuyện tiên cảnh giữa trần ai. Nào chuyện hồ xanh thác trắng; cái thú nhìn sương mù buổi sáng trên hồ Xuân Hương, đi chơi thác Prenn nhìn trời tuôn nước đến thác Đatanla biến tiên, nơi xưa kia các nàng tiên trên núi xuống tắm, vì thác nằm dưới thung lũng sâu, cây lá um tùm, một nơi tắm kín đáo "Thang lan rủ bước, trướng hồng tầm hoa", chính anh bị hấp dẫn bởi huyền thoại cũng đã ngủ lại đó một đêm, ngủ bằng nóp, loại nóp hiện đại bằng cao su anh mang từ nước ngoài về. Nào chuyện đồi cao lũng thấp; anh đi chơi thung lũng Tình yêu, trưa nắng nghỉ dưới rặng thông, có chụp tấm ảnh trong đó có mấy thiếu nữ xinh đẹp, anh khoe tấm ảnh và liên hệ cảnh Marcel (Marcel Proust) đi chơi với các thiếu nữ đang xuân và tưởng tượng như mình đang sống giữa những nữ thần. Anh đến Đồi Cù ngồi dưới gốc thông hít thở không khí trong lành thoảng hương thông ấm áp dễ chịu. Anh tiếc chưa có dịp trèo lên đỉnh núi Bà (Pic Lang Bian) song mắt anh luôn hướng tới quả núi hùng vĩ có hai cái đỉnh gần kề nhau như hai bầu vú thiên nhiên mang nguồn sống bất tận, anh bỗng liên hệ truyền thuyết bà Âu Cơ từ giã Lạc Long Quân đem 50 người con gái lên núi và tự hỏi: Phải chăng đó là tượng đài Mẹ Âu Cơ. Việt Nam ta có núi Vọng Phu, song chưa thấy có một tượng đài tương xứng với hình ảnh mẹ Việt Nam, người mẹ đã sinh ra nhiều thế hệ ngoan cường có sức mạnh, có khả năng trải qua gian nan thử thách để tồn tại và phát triển 4000 năm với những bước đi tới vững chãi hào hùng. 
Nói nhiều về cảnh đẹp Đà lạt, anh Trương không quên nhắc đến con người Đà Lạt: Merveilleux, merveilleux! (Kỳ diệu! Kỳ diệu!). Anh dùng tiếng Pháp (anh là cộng tác viên của tờ báo Pháp Humanité), anh nhắc lại với nỗi nhớ bạn hữu, hình ảnh một thanh niên lái honda đưa anh đi chơi một số nơi xa thành phố, vừa lái xe, vừa thuyết minh, lúc nào cũng vui vẻ nhiệt tình, thật là hiền, thật lịch sự, thật dễ thương, nói chuyện với anh, chàng thanh niên Đà Lạt xưng "con" ngọt xớt, đi tới nơi, về tới chốn, cần mẫn chu đáo. 
Nghe anh Trương nói chuyện, anh em chúng tôi náo nức được đi Đà Lạt một chuyến, tưởng chừng như nếu không đi, không biết Đà Lạt thì đến lúc nào đó phải nằm xuống thì sẽ không yên lòng... 
Vậy là sau đó tôi có dịp đến làm việc ở Đà Lạt. Trăm nghe không bằng một thấy; có nhìn thấy tận mắt, có tiếp cận với cảnh, với người, có nhân thân cảm nhận thì mới nói ra được. Nói ra cảm nhận của mình về một nơi cảnh đẹp người hiền là một điều thú vị, một hạnh phúc, dù điều mình nói ra đã có người khác nói rồi. 
Đà Lạt là tiên cảnh giữa trần ai, đúng như anh Trương nói. Ai cũng biết đấy là cách nói ẩn dụ, tức là nói ngoa, thế nhưng những người đến Đà Lạt nói như vậy, người ở Đà Lạt lâu cũng nói vậy, và tôi, người đến sau, chưa hiểu sâu về Đà Lạt cũng cảm nhận như vậy, dù tôi cũng đã nghe đã thấy thành phố này có cái hay cái đẹp của nó, đồng thời có những yếu kém khuyết tật của nó. Đâu có gì lạ, đây là hiện thực Việt Nam, và Việt Nam sau những năm dài kháng chiến anh dũng và tài giỏi, đã rơi vào tình cảnh khủng hoảng trầm trọng về nhiều mặt kể cả mặt tinh thần đạo đức. Nay ta đang đổi mới cố gắng vượt qua khủng hoảng, đang có những tiến bộ nhanh rất đáng khích lệ, tuy nhiên công cuộc đổi mới là một quá trình cần có quyết tâm và có thời gian, cho nên có chuyện nghịch thường là trong một cuộc họp, một cuộc hội thảo, ta có dịp nghe đồng thời những ý kiến ca ngợi tốt đẹp và những ý kiến phê phán, kêu ca về Đà Lạt xuống cấp. Hai loại ý kiến khác nhau đều có cơ sở thực tế và đều mang ý nghĩa tích cực, người ca ngợi về Đà Lạt không tiếc lời vì cảm thấy rợn ngợp về cảnh đẹp, người hiền Đà Lạt và vô cùng ngạc nhiên về sự khác nhau rất xa về mặt tinh thần đạo đức giữa Đà Lạt với nhiều thành phố khác ở Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta hay nói đến phong cách Đà Lạt. Nói phong cách là nói cái đã định hình, cái có tính tương đối bền vững của một cá nhân, một dân tộc, một miền đất. ở đây nói phong cách Đà Lạt là nói những nét tính tình nổi rõ nhất ở người Đà Lạt. Vậy thử xem những nét đó ra sao. Do đâu mà có, ý nghĩa và tác dụng của nó đối với đời sống hiện nay và đối với những diễn biến trong tương lai gần với công cuộc đổi mới. 
Hiền hòa, lịch sự, giàu lòng từ ái và tinh thần hành thiện, đó là nét nổi rõ ở người Đà Lạt, bên cạnh những nét được xem như hằng tính mang tính truyền thống của mỗi người Việt Nam: yêu nước và anh dũng giữ nước, đoàn kết tương thân tương ái. 
Người Đà Lạt tự thấy vui mừng được sống giữa những con người hiền hòa lịch sự. Do đâu mà có được những tính tình đó? 
thể dựa vào lý luận tam tài (thiên, địa, nhân) của phương Đông để phân tích. Theo lý luận này, thiên (trời) là linh hồn vạn vật, địa (đất) là nguồn sống vạn vật, nhân (người) là cái đạo làm cho vạn vật trở nên sinh động. Nói về nhân tố người, cũng có thể tham khảo thêm ý niệm về cái căn tính địa lý - dân tộc - văn hóa (identite géo ethnoculturelle) để phân tích tính tình người Đà Lạt. Nói phong cách người Đà Lạt tức nói phong cách người Việt Nam ở Đà Lạt, đó là người Việt Nam mang sẵn tính cách truyền thống Việt Nam, đồng thời mang những tính tình mới hình thành trong quá trình sinh sống ở Đà Lạt, chịu tác động của thiên nhiên, địa lý và con người Đà Lạt. Nói phong cách Đà Lạt, tức nói phong cách người Việt Nam đã có một quá trình Đà Lạt hóa. 
Thiên nhiên, khí hậu Đà Lạt có tầm quan trọng lớn trong việc quy định tính tình người Đà Lạt. Những thác nước hùng vĩ từ núi cao đổ xuống, chảy qua những thảm đá, tràn xuống những lũng sâu làm thành những hồ lớn thơ mộng như hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện hay những hồ nhỏ hơn, những con lạch nước tưới cây. Những đồi thông bạt ngàn, cây thông đứng thẳng giữa trời, hiên ngang phong cách người quân tử, với lá thông che mát, hương thông mang tính thanh lọc khí thở, với sóng tùng dìu dặt đu đưa làm êm dịu tâm hồn người, chưa nói chuyện thông là nguồn lợi kinh tế lớn, là rừng vàng của Đà Lạt - Lâm Đồng. Những loại cây ăn quả, cây hoa tốt tươi, quả to và giàu chất dinh dưỡng như quả hồng, quả táo, quả bơ, hoa thì sắc màu đa dạng, có hoa trồng và hoa dại, nhiều giống hoa lạ, làm cho người đi đường vui mắt, quên mỏi chân, thích đi tản bộ. Hoa lan phong phú nhiều loại (phong lan, địa lan) có vẻ đẹp quyến rũ du khách, cũng là nguồn thu lợi của Đà Lạt. 
Khí hậu Đà Lạt mát mẻ, một ngày như có bốn mùa (sáng, trưa, chiều, tối) nhiệt độ có khác nhau, nói chung dễ chịu như có cái máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ toàn thành phố. 
Đất Đà Lạt màu mỡ, thuận lợi cho việc canh tác, cho sản xuất vật phẩm nuôi sống con người. Đất trồng rau, trồng hoa, trồng cây ăn trái ở Đà Lạt tương đối dễ làm và đem lại thu nhập khá, nhờ đó thao tác lao động của người trồng rau cũng tương đối nhẹ và năng suất không thấp (nhiều người dùng máy cày, tưới nước bằng máy bơm, đi giày cao su, mang găng tay khi lao động). Sản phẩm làm ra thường có xe chuyển đi: canh tác thuận lợi, đời sống người dân khấm khá lên. Tình hình đó ảnh hưởng tốt tới tinh thần đạo đức người trồng, đến thái độ vui vẻ, cởi mở, hiếu khách của họ. 
Thái độ người sản xuất ảnh hưởng tới thái độ người vận chuyển, người mua đi bán lại, kể cả những người bán hàng ở chợ và những người khác. Khách từ nơi khác đến lỡ đường xin quá giang xe, lắm khi người lái xe không lấy tiền, khách mua hàng ngoài chợ sơ ý đưa thừa tiền hay bỏ quên tiền, quên túi thường được trả lại, nét thật thà, lịch sự đó làm cho người mới đến Đà Lạt vui và yên tâm. 
Quan hệ giữa viên chức cơ quan Nhà nước với dân chúng cũng ít phiền toái hơn nhiều nơi khác. Quan hệ đó nói chung là có lý, có tình. Tình hình này có quan hệ với lịch sử hình thành đô thị ở Đà Lạt, một thành phố được tạo dựng trước tiên nhằm đáp ứng yêu cầu nghỉ dưỡng, sau đó có thêm yêu cầu đào tạo cán bộ, yêu cầu du lịch. Bộ máy quan chức hành chánh được cấu trúc theo yêu cầu đó tạo thuận lợi cho quan hệ giữa giới cầm quyền và dân chúng, quan hệ này vừa có tính chất cai trị chuyên chính, vừa có tính chất giáo dục, hỗ trợ, tính chất sau nổi rõ và xu hướng trở thành tính chất được quan tâm phát huy, có sự khác biệt so với nhiều nơi khác trong nước. 
Góp phần vào sự hình thành nét hiền hòa của người Đà Lạt không thể quên nói đến vai trò của người dân tộc thiểu số và của những người tu sĩ tôn giáo khác nhau.
Đà Lạt có người dân tộc thiểu số. Công lao của người dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển Tổ quốc Việt Nam rất lớn, đó là điều đã có trong truyền thuyết cũng như trong thực tế. Ngày nay ở Đà Lạt, anh em người dân tộc tiếp tục góp phần tích cực vào đời sống xã hội và quản lý xã hội, đáng nói ở đây cái chất phác thật thà của người dân tộc thiểu số góp phần tích cực vào tính hiền lành thật thà của người dân Đà Lạt nói chung.
Đà Lạt có nhiều người đến tu. Đà Lạt với cảnh đẹp thiên nhiên khác thường, với cảnh núi rừng yên vắng, với sức hấp dẫn lạ lùng của những thắng cảnh kiểu Tô Đông Pha "mù tỏa Lô Sơn khói Chiết Giang" chính là miền đất hứa của người đi tu, đi ẩn.
Tu sĩ ở Đà Lạt thuộc nhiều tôn giáo khác nhau đã cho thấy vai trò tích cực của họ trong việc làm từ thiện, truyền bá tinh thần đạo đức góp phần thăng bằng hóa đời sống kinh tế và đời sống văn hóa đạo đức. Không nói ở đây về những chuyện ma giáo, tu dỏm mà thời nào cũng có, ở đâu cũng có, tôi nghĩ rằng tu sĩ ở Đà Lạt tu trì dưới hình thức khác nhau, kể cả hình thức tự lập am thất, tịnh xá tự tu tự dưỡng, hầu hết là người có ý thức góp phần vào việc nâng cao đạo đức con người, không chỉ lo độc thiên kỳ thân mà còn lo cứu nhân độ thế, theo cách riêng của mỗi người. Nhìn đôi mắt sáng trong phản chiếu lòng ưu nhân ái đức của nhiều tu sĩ, tôi bỗng liên hệ tới cái không khí tốt đời đẹp đạo của thời Lý Trần, một thời thịnh trị hiếm có ở nước ta, cũng có một thời đoàn kết tôn giáo "tam giáo đồng nguyên". Ngày nay các tôn giáo ở Việt Nam không chỉ có ba (Nho, Phật, Lão) mà có nhiều hơn, tất cả đều đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vấn đề đặt ra không chỉ là phát huy tự do tín ngưỡng mà còn kiếm tìm biện pháp thích hợp khích lệ các tu sĩ phát huy yêu nước và tu thân, tu thân và hành thiện, tu sĩ cùng toàn dân ra sức làm cho người dân bớt khổ đau, đất nước thịnh vượng. Lâu nay, các tu sĩ đã hành đạo theo phương hướng này thì nay càng nên phát huy mạnh hơn trong tình hình mới.
 Vậy ở Đà Lạt, con người còn giữ được nhiều cái hồn nhiên thật thà, cái tính thiện, lòng nhân ái. Đà Lạt là miền đất hiếm có, nơi có sự gần gũi giữa lời nói và hành vi cư xử, với hoạt động xã hội chính trị với truyền thống nhân nghĩa Việt Nam, là miền đất cảnh đẹp người hiền. 
Từ khi hình thành đến nay, qua 100 năm phát triển, Đà Lạt trải qua nhiều thay đổi, song nói chung không có những đổ vỡ xáo trộn lớn về đời sống. Nhưng từ nay về sau, chuyện gì sẽ xảy ra? Và trong tương lai gần, khi mà cả nước ta đang mở ra làm bạn với tất cả các nước? 
Mở ra hợp tác như vậy đương nhiên có lợi, đồng thời có lo. Về cái lợi thì cũng dễ thấy, như chúng ta thấy ở công trường nâng cấp Đồi Cù. Đồi Cù vốn rất đẹp, nay lại càng đẹp hơn, cách điệu hóa, tôn tạo lên trình độ một sân golf tầm quốc tế. Trước mắt, cả ngàn người hàng ngày có việc làm. Nhưng bên cạnh cái lợi có cái lo. Lo cho dân ta có người nhẹ dạ, có thể bị ảnh hưởng bởi thói hư tật xấu của những người nhiều tiền thích ăn chơi trác táng, lo cho tình trạng tha hóa vì đồng tiền đã diễn ra ở nhiều nơi. Đương nhiên người nước ngoài đến cũng có nhiều người đem tài năng, kiến thức mới đến giúp ta, đem lối sống nhân văn trình độ cao đến với Đà Lạt như đã có tấm gương sáng của bác sĩ Yersin mà chúng ta kính cẩn tưởng niệm nhân 100 năm Đà Lạt. Đồng thời người nước ngoài đến cũng có người đem theo bệnh tật đến, như ta thấy, bệnh SIDA, mối nguy lớn cũng từ người nước ngoài mang đến. 
Do đó, ngay từ đầu, ta cần đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, đề cao tính chủ thể Việt Nam, đề cao nhân cách, truyền thống tốt đẹp Việt Nam trong tình hình mới. Tranh thủ thời cơ làm cho người dân no ấm, đất nước thịnh vượng, đồng thời không tự để rơi vào khủng hoảng mới như đã diễn ra ở nhiều nước. 
Giữ gìn lối sống lành mạnh đức hạnh Việt Nam, giữ gìn bản sắc dân tộc, cái gốc Việt Nam: 
Gốc đã tươi hoa quả cũng tươi
luân thường đạo lý mới ra người.
Trong tinh thần đó, những người trẻ tuổi cần coi trọng những thành tích của hai cuộc kháng chiến vừa qua, niềm tự hào riêng của Việt Nam mà nhiều nước không có. Thành tích đó có ý nghĩa tích cực lâu dài đến nghìn đời sau, không nên vì thấy nước ta nghèo, nước bạn giàu mà coi nhẹ công lao của người đi trước. Cũng trong tinh thần đó, trong quá trình tiếp tục đổi mới, những người trẻ tuổi cần lắng nghe ý kiến, kinh nghiệm của người già, kính trọng người già, người có công, tránh thái độ vong ân bội nghĩa. Người trẻ sẽ dần dần thay người già gánh vác trách nhiệm trong giai đoạn mới có nhiều thuận lợi song không ít khó khăn thử thách. Hãy tỏ ra xứng đáng. 
Trong khi hợp tác với người nước ngoài, cần nhớ rằng lối sống Việt Nam khác lối sống phương Tây; phương Tây coi trọng cá nhân là đúng, nhưng họ xu hướng tôn thờ cá nhân đến mức cực đoan, coi thường cuộc sống gia đình, đó là không hay, trong khi đó thì ở Việt Nam, vai trò của gia đình lại rất quan trọng đối với cuộc sống cá nhân, đối với quá trình tu dưỡng trưởng thành của cá nhân. 
Lối sống Việt Nam cũng có cái riêng khác lối sống các nước láng giềng Đông Nam á. Ta làm bạn với họ, hợp tác với họ, khiêm tốn học những cái hay của họ, tránh xa những cái không hay, không hợp với ta. Trong công cuộc mở ra hợp tác với nước ngoài, ta có những khó khăn mới và những thuận lợi, một trong những thuận lợi cơ bản là phong cách sống tốt đẹp của người Đà Lạt. 
Đà Lạt là viên ngọc quý của Việt Nam. Đà Lạt là hoa hậu được mọi người ưa chuộng, càng trưởng thành càng xinh đẹp, càng hòa nhã, lịch sự, rộng lượng, bao dung. Đồng thời, Đà Lạt luôn giữ lối sống trung hiếu, kiên trinh, giàu ý chí và nghị lực như mẹ Âu Cơ hiện ra với chúng ta dưới vóc dáng Núi Bà hiên ngang kiêu hãnh dưới bầu trời đẹp lộng lẫy nơi miền đất cao nguyên Việt Nam. 
HỒ TẤN TRAI
Nguyên Giáo sư Văn học - Đại học Đà Lạt

Đà Lạt xấu xí
PDF.
In
Email

Đà Lạt, một nơi là tuổi thơ của ai đó, là nơi lớn lên của ai đó, là điểm dừng chân trong một phần cuộc đời. Có người thoáng đến, thoáng đi, nhưng vẫn dõi theo những sự thay đổi của Đà Lạt như một phần của mình. Hãy trải lòng mình ra với những kỉ niệm với Đà lạt.
Độc giả TLoan đã bộc bạch: "Còn nhiều điều muốn nói nhưng tôi chợt nhớ ra rằng bất cứ một sự so sánh nào cũng là khập khiễng, và sự so sánh giữa quá khứ và hiện tại, giữa hoài niệm và những điều đang diễn ra trước mắt mình lại càng khập khiễng. Cuộc sống là dòng chảy và không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông... "
Buổi tối lang thang trên mạng và tình cờ lạc vào một phố hoa, tôi bất chợt nhớ về Dalat. Lần về VN vừa rồi tôi không có dịp trở về thành phố tuổi thơ của mình, nhưng những điều từ Dalat tôi đã mang đi theo từ lần ghé về cách đây chưa đầy năm vẫn còn nguyên vẹn. Nếu bạn chưa một lần đến Dalat tôi khuyên bạn đừng bao giờ lên thành phố cao nguyên này, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên vì lời khuyên của tôi, nhưng quả thật tôi không muốn bạn lại như tôi, 10 năm sau khi bạn quay lại Dalat lần thứ hai bạn sẽ thất vọng vì Dalat của 10 năm sau không còn là Dalat của ngày lần đầu bạn đặt chân đến. Lý do đơn giản, tất cả những gì thuộc về quá khứ dường như bao giờ cũng đẹp hơn, đẹp hơn rất nhiều, và tôi, hình như tôi thuộc típ người hoài cổ, hoài cổ một cách hơi quá thái.
Thành phố vẫn trong vòng xoáy của sự phát triển, dù nhanh, dù chậm. Ngày xưa người Dalat còn vất vả, thành phố còn nhiều những ngôi nhà bằng gỗ thông. Tôi yêu những căn nhà ấy, những căn nhà bạc thếch màu sơn, những căn nhà còn thơn mùi nhựa thông, vì những căn nhà ấy tạo cho tôi một cảm giác gần gũi với rừng. Giờ cuộc sống khá lên người ta đã tháo bỏ những căn nhà gỗ ấy và xây cho mình những ngôi nhà kiên cố, những ngôi nhà bằng xi măng, sắt, thép. Tôi vẫn biết trong những ngôi nhà xi măng sắt thép ấy người ta sẽ không còn phải mất ngủ vì những cơn mưa đập vào mái tôn suốt cả đêm, người ta không còn phải sợ những cơn gió lạnh mùa đông luồn qua khe gỗ, người ta không còn lo lắng chống đỡ những cơn bão gió giật ầm ầm muốn bay cả mái nhà, hay vơi hẳn đi những nỗi lo thần lửa. Trong những căn nhà ấy giờ đây là sự bình yên, sự no ấm. Không hiểu sao khi nghĩ về sự bình yên ấy tôi lại liên tưởng đến một sự cân bằng không bền, như một hòn bi, chỉ cần đụng đến là lăn. Có thể tôi sai, nhưng tôi vẫn thích những căn nhà gỗ ấy.
Thành phố ngày xưa nhà không chen chúc như bây giờ, trừ ở hai con đường Nguyễn Văn Trỗi và Phan Đình Phùng nhà cửa san sát, những con đường khác đa phần chỉ có những căn nhà nho nhỏ, một hai tầng, với những góc sân, khoảng vườn và bờ giậu dâm bụt, dạ lý hương hay cúc quỳ xinh xắn. Nhà ở Dalat giờ cũng chẳng khác gì nhà ở Sài Gòn hay nhiều thành phố khác nếu không muốn nói là có phần quê kệch hơn một chút. Những mảnh ghép kiến trúc Âu, Á từ thế kỷ trước, thậm chí từ cả ngàn năm trước vẫn thấp thoáng đâu đấy ở thành phố cao nguyên này, những chiếc cột nhà phỏng theo những cột ở các ngôi đền thờ thời Hy Lạp cổ đại có thể đỡ một mái nhà kiểu cung điện Trung Hoa, màu sắc tuờng nhà, sơn cửa cứ như muốn đánh nhau chan chát, các họa sỹ trường phái Dã Thú có sống lại cũng phải bỏ của chạy lấy người. Có sự pha trộn tinh tế tạo cảm giác ưa nhìn, nhưng cũng có sự phối hợp mà nhìn vào người ta có thể nghĩ ngay đến những câu tục ngữ như „dùi đục chấm mắm tôm“ hay „hoa nhài cắm bãi cứt trâu“. Không trách ai được, tâm lý người Việt ai cũng cho việc „tậu nhà, tậu ruộng“ là việc làm lớn trong đời, khi nghèo khó ai chẳng mơ ước có một ngôi nhà, và trong mơ họ cũng đã tự vẽ cho mình một ngôi nhà mơ ước, ngôi nhà có tất cả những thứ mà họ đã từng một lần nhìn thấy trong đời, kiến trúc sư lại không đủ bản lĩnh trước khát vọng của chủ nhà. Mà có lẽ điều ấy cũng chẳng làm bận tâm nhiều người, sự khó chịu của vài người khó tính và quan niệm về cái đẹp của họ không thay đổi được quan niệm của số đông. Thế nhưng xét cho cùng nhìn không hợp nhãn thì nói thế thôi, có khi đến lúc giàu lên, xây nhà mới chắc tôi cũng khó thoát khỏi lối mòn ấy!
Thành phố nằm trên những ngọn đồi, nhà cửa nhấp nhô trên những bậc thang. Ngày xưa ở đây người ta xây những căn nhà kiểu Pháp hay kiểu Việt cổ, mặt trước cũng đẹp, mặt sau cũng ... có thể xem như mặt trước, bên hông là những ô cửa sổ xinh xắn. Bây giờ đất chật người đông, nhà cửa xây theo kiểu hình ống như những ngôi nhà phố ở các thành phố khác, nhưng khổ nỗi Dalat lại không phải là những thành phố khác. Ở Sài Gòn người ta có thể không thấy ... ngứa mắt khi mặt sau của những ngôi nhà chỉ là những bức tường trơn phủ một lớp sơn chống thấm đen sì, thỉnh thoảng điểm bởi những ô cửa sổ làm vụng về qua loa, tương phản hẳn với mặt trước của ngôi nhà. Lý do đơn giản là chẳng mấy khi người ta có dịp nhìn những bức tường đó, khoảng không giữa mặt sau của nhà này và nhà khác bé đến nỗi người ngoài chẳng mấy ai có cơ hội nhìn thấy những bức tường xấu xí đó cả. Nhưng Dalat thì không thế, ở Dalat mái nhà đằng sau có thể chỉ ngang bằng nền nhà của nhà đằng trước vì nhà cửa và các con đường được xây trên các sườn đồi, và cứ thế, tất cả cái mặt hậu xấu xí kia cứ ngang nhiên phơi ra trước bàn dân thiên hạ. Hơn thế nữa, không phải chỉ cái mặt hậu mà ngay cả hai cánh cũng có thể ung dung phơi bày cho thiên hạ sự cẩu thả làm cho qua chuyện, lỗi chỉ tại con đường, đường Dalat không thẳng mà lại cong cong uốn lượn theo những sườn đồi! Người Dalat bắt chước người Sài Gòn xây nhà, bắt chước một cách hoàn hảo, và họ quên rằng Dalat không phải Sài Gòn, quên rằng có những điều chỉ nhìn ngang người ta sẽ không phát hiện ra khiếm khuyết nhưng nếu nhìn từ trên cao xuống, tất cả những dị tật cứ lồ lộ ra.
Dalat thành phố hoa, ai từng nghe đến cái tên Dalat đều biết điều đó, nhưng dọc những con đường giữa trung tâm Dalat người ta chẳng mấy khi gặp hoa. Những cây anh đào, người Dalat gọi là mai, bên hồ Xuân Hương hay dọc dốc Hòa Bình nhìn quặt quẹo đến tội nghiệp, không hiểu vì thiếu sự chăm sóc hay vì khói bụi xe máy. Ngày xưa, bên hồ nhiều gốc mai, tuy chưa là cổ thụ nhưng cũng đủ lớn, đủ xù xì gân guốc để tạo sự tương phản hài hòa với những làn sương mong manh, với mặt nước phẳng lặng. Giờ những cội mai ấy đa phần đã chết, thay vào những cây nhỏ khẳng khiu, mùa mai nở sắc hồng không đủ làm ấm không gian mênh mang quanh hồ. Không biết có phải lúc còn bé nhìn cái gì cũng to không mà tôi cảm giác như cả khu „rừng mai“ nho nhỏ ở Ủy ban thành phố cũ (nằm ở góc cầu Ông Đạo, giờ thuộc về công ty du lịch) giờ cũng vắng dần những bóng mai. TV, cô bạn thân từ hồi học phổ thông của tôi tuyên bố „nếu tao là chủ tịch thành phố tao sẽ cho trồng mai dọc tất cả các con đường Dalat“, tiếc thay TV lại chỉ là một cô giáo cấp 3.
Dã quỳ cũng là một loài hoa đã đi vào thơ vào nhạc và hoài niệm của bao kẻ ở người đi. Người Dalat gọi hoa bằng cái tên ngắn gọn, hoa quỳ. Ngày xưa hoa quỳ len vào từng góc phố, hình như đường nào cũng có những giậu hoa quỳ, vàng rực cả mùa đông. Ngay trung tâm thành phố, trên con đường vào chợ, nếu bạn nhìn lên phía tay phải, khu Công An TP cũ, cũng ấm áp sắc quỳ. Giờ những hàng giậu hoa đã được thay bằng những hàng rào sắt, những con đường nhựa mới tráng lại với nhà cửa sát nhau và những loài hoa quý phái hơn đã tranh mất chỗ của quỳ, quỳ lui dần về ngoại ô, ven những cánh rừng, ven những vườn rau. Hôm Tết cô bạn ở Sài Gòn lên chơi cứ nằng nặc bắt tôi chở đi xem hoa quỳ, tôi chở cô bạn đến khu Đa Thiện, Vạn Kiếp và chỉ những vạt hoa bên bờ những vườn rau rồi rủ bạn xuống đấy, bạn từ chối vì sợ đau chân!
Dalat giờ cũng có những con đường chạy song song giữa hai hàng cây, đường Hồ Tùng Mậu đoạn vòng quanh khách sạn Palace giờ vẫn còn những gốc mai trắng (ngày xưa bọn tôi gọi thế) nhưng những cây mai này đã biến trên đoạn từ cây xăng Kim Cúc vào đến hồ Xuân Hương và được thay bằng hai lề đường sạch bong nhưng nhìn vô cảm lạ lùng. Đường Trần Phú thay bằng những cây mai đã chết giờ là những cây lạ, hoa màu trắng, người ta bảo đấy là hoa ban, tôi không biết đấy có phải là hoa ban Tây Bắc không. Dẫu sao tôi vẫn thích sắc hoa mai (anh đào) hơn, vì hoa mai nở vào cuối đông, vì sắc hồng của mai cũng đồng màu với sắc hồng trên má những cô gái Dalat, làm cho mùa đông ấm hơn. Thành phố mùa nào cũng có những khoảnh khắc se lạnh, những khoảnh khắc bồng bềnh trong sương mù, giữa những hư ảo ấy màu trắng dường như quá nhạt nhòa.
Còn nhiều điều muốn nói nhưng tôi chợt nhớ ra rằng bất cứ một sự so sánh nào cũng là khập khiễng, và sự so sánh giữa quá khứ và hiện tại, giữa hoài niệm và những điều đang diễn ra trước mắt mình lại càng khập khiễng. Cuộc sống là dòng chảy và không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông... Thế nhưng hình như đâu đó vẫn có chỗ cho nuối tiếc... Nếu bạn chưa đến Dalat lần nào bạn hãy thử đến một lần, tôi không ngăn bạn nữa đâu, vì nếu bạn thích sự thay đổi, 10 năm nữa bạn quay lại bạn sẽ thú vị khi thấy Dalat thay đổi, còn nếu bạn là người hay hoài niệm bạn sẽ có những hình ảnh của ngày hôm nay, thời gian sẽ đánh bóng những hoài niệm ấy, như những giọt nhựa thông, thời gian đã biến những giọt nhựa thông thành những viên hổ phách đẹp đến lạ kỳ.

TLoan

Chuyện Đà Lạt của tôi
PDF.
In
Email

Chuyện Đalạt của tôi
Tôi sinh ra ở Đalạt. Mẹ tôi sinh ra ở Đalạt. Ông ngoại tôi là người nấu bếp và lo phát gạo cho phu thợ xây khách sạn Palace. Nếu dựa vào tuổi mẹ tôi năm nay 80, thì dòng họ ngoại của tôi đã có mặt ở Đalat ít nhất là 80 năm nay. Nói như thế để thấy mình gắn bó với Đalạt đến chừng nào , và cho mình cái tự tin để tản mạn câu chuyện về Đalat của tôi.
Ông ngoại tôi kể. Cái thuở ấy, trung tâm Đalạt nằm ở cây số 6. Có nhiều bạn chưa hình dung cây số 6 là ở đâu? Này nhé. Bên trái khu nghĩa trang Đalạt là cây số 4. Con đường bên phải của nghĩa trang về phía Núi Bà thêm độ 2 km là khu phố 6, cũng gọi là cây số 6. Thuở ấy khu Hoà Bình vẫn còn hoang dã. “Tây cho tao khu đất của Vĩnh Chấn bây giờ, mà tao đâu có thèm”. Ông nói, không có gì tiếc nuối về cái từ chối của mình. Không như thằng cháu đang trố mắt “Phải chi ông chịu thì…” Ước vọng của ông chẳng cao xa chi. Ngày hai buổi, đơn giản, bằng lòng. Ông ngoại tôi còn kể thêm “Thuở ấy, hồ ông Đạo (sau này gọi là hồ Xuân Hương) chưa có. Ở đó chỉ có con suối nước trong, có nai chạy cả đàn kêu bép bép. Con đường của mình đây (Phan Đình Phùng) chỉ có vài xóm nhà. Chạng vạng tối, muốn đi đâu phải đốt đuốc, khua thùng thiếc, đánh phèng la rùm beng. Chứ không cọp nó rinh (rinh, không với dấu huyền). Mọi người đều nghèo khổ, tứ xứ đến đây. Nhiều nhất là dân từ miền Trung khô cằn sỏi đá. Ông nói, hồi dó tao phải đi bộ từ Phanrang lên đến đây. Gặp con gái mọi để ngực trẩn thấy mum múm đã thèm. Ông không màng đến mấy chữ Hoàng Triều Cương Thổ, nơi mà muốn vào, phải có giấy phép của Tây hay Vua quan chi đó. Và tôi lớn lên cũng chỉ biết có vầy vậy.

Tôi hãnh diện là dân Đalạt chính tông, nhất là những khi người ta nói về Đalạt. Nào là “petit Paris”, nào là xứ hoa Anh Đào, nào là con gái Đalat má đỏ hồng, mới gặp đã thấy muốn thương. Cứ mỗi lần đi Saigon hay về Nha Trang, tôi cũng mặt đỏ môi hồng, mà sao chẳng có cô nào thương? Hay nóng quá, mồ hôi nhễ nhại làm các cô chạy dài chăng? Tôi hãnh diện những khi người ta nói về Đalat thông reo, có suối Cam Ly, có đèo Prenn, rừng Ái Ân, hồ Than Thở thơ mộng. Hay dù khi có những nụ cười rúc rích về cái lạnh làm mấy cô ít tắm. Mấy anh cũng ít tắm, nhưng người ta chỉ thích nói vế các cô má đỏ môi hồng. Nhiều khi nói chuyện về Petit Lycée, Grand Lycée mà cứ tưởng như mình là dân trường Tây chính cống. Cái hãnh diện lây lan đáng ghét. Nhưng mà, cái chất Tây nó cứ bàng bạc. Nó đã một thời làm tôi hãnh diện. Pasteur, Lycée, Grand, Petit, Couvent, Oiseaux, Domaine de Marie, những từ ngữ chen lẫn trong đời sống hàng ngày làm cho tiếng gọi “Con đường tình ái”, “Thung lũng tình yêu” nghe sao trần tục. Nó cần phải cái gì cao cấp. Dường như cái âm điệu “Route d’amour”, “Vallée d’amour” làm người nghe, nhất là khách đến từ thành phố lạ, trố mắt, tự cảm thấy quê mùa bên những chàng trai Đalat “Phờ răng xe” (français) chính hiệu.
Tôi hãnh diện với Đalat của tôi vì Đalat có những cái mà nhiều nơi không có. Mỗi lần đi đến thành phố xa, mười lần y chang một chục. Vài cây bông cải, chai rượu dâu, vài ký mận là quá đủ để hái những lời trầm trồ chúc tụng. Hối mới quen, tôi cũng tập tễnh làm anh gentleman, mang từng bó hoa hồng từ Đalat về cho người yêu xứ Saigon. Bây giờ nàng hỏi. Sao ngày xưa anh mang từng bó hoa hồng, sao bi giờ không thấy. Em ơi, ngày xưa em là ngưòi yêu bé bỏng, bây giờ em là bà xã cục cưng. Thôi miễn. Tiết kiệm thêm tiền làm việc thiện, tích phước cho con.
Tôi hãnh diện khi người ta nói về những cây thông Đalat, một loài cây, khi tôi còn bé, mẹ đưa mấy đồng, sai đi mua về nhóm lửa. Thuở ấy mẹ gọi là cây ngo. Từng bó ngo, thịt đỏ hồng, mùi dầu thơm thơm, bắt lửa rất nhanh, khói đen kịt. Người Thượng hay mang từng gùi về phố đổi gạo. Từ cây ngo, tên gọi thành cây thông, rặng thông, rồi đồi thông, thông reo đầy chất tình đến với tôi hồi nào không biết. Những ngày ở bậc Tiểu học, tôi cùng lũ bạn dắt nhau trèo, vượt qua mấy trăm bước thềm đến lăng Nguyễn-Hửu-Hào (bố của Nam Phương Hoàng Hậu của vua Bảo Đại), giữa những rặng thông già cao vút. Ngồi đó loanh quanh nghe sờ sợ như có ông Ba Mươi đâu đó bên kia mé rừng. Hay đôi lúc bạo gan chạy ùa đến thung lũng bên kia đồi để hái vài túi mát mát chua lét.
Những rặng thông vi vu thật yên tĩnh hửu tình cạnh hồ Than Thở, những rặng thông uốn quanh đèo Prenn, hay những rặng thông thẳng tắp vươn lên cao như bao trùm lấy cái “Route d’amour” đã làm chứng nhân cho mối tình mới lớn của tôi, đã gửi lại trong tôi những ngày rất đáng nhớ với anh em Hướng Đạo, Hồng Thập Tự. Những kỹ niệm thật đẹp, thật êm, vi vút ngàn thông, bây giờ cũng chỉ là những kỷ niệm thật đẹp thật nhớ.

Vào tuổi thanh niên, tôi lại thấy Đalat sao ớn quá. Mưa gì dai dẳng đìu hiu. Xứ gì, mới đi một vòng đã hết phố. Mấy chục cái cột quanh khu Hoà Bình đếm hoài không hết. Mỗi tuần đi mấy chục vòng. Vòng ngược vòng xuôi, mãi bao nhiêu năm vẫn không biết có bao nhiêu cái. Cứ mở mắt dậy, không đi học, không đi công việc thì lại trực chỉ khu Hoà Bình. Xin ba mẹ được vài trăm, vài chục lại chui vào, quay đi quẩn lại, cũng Café Tùng, Mékong, Thuỷ Tạ. Ngồi hàng giờ, cà phê một tách, trà (miễn phí) mấy bình. Cùng tranh nhau ngồi bàn cạnh của kiếng Mékong để được nhìn cô bé Liên ở cửa hiệu bên kia đường đang làm duyên làm dáng. Rồi cũng mấy câu chuyện nhai đi nhai lại, cũ nhách, bàn tán chê khen tưới sượi. Con đường này, mấy con đường này, tôi đã đi lại lắm lần, lần này cũng giống hay gần giống những lần khác. Nhưng tôi vẫn đi, lũ bạn vẫn đi. Những con đường quen thuộc. Quen thuộc đến sõi đá quen tên, như TCS đã viết. Đalat của tôi là thế đấy. Nên thơ và thật nhỏ bé, tù túng. Thế mà những câu vẫn dòn như bắp rang. Thế mà chúng tôi vẫn cứ đi và đếm những cây cột quanh khu Hoà Bình. Nghĩ lại, tôi thấy mình và lũ thanh niên ngày ấy thật quái chiêu.
Lại nhớ những ngày túi không tiền, bát phố suông mãi cũng buồn, đành vác mấy cần trúc đi câu.

Ba hồ, Xuân Hương, Tổng Lệ, Đội Có, hồ nào tôi cũng kinh qua.Mấy anh em trai đều học nghệ câu với ba tôi. Cá giếc, cá chép, cá Mỹ (một loại cá ‘bat’ mà người Mỹ mang thả ở hồ Xuân Hương đâu khoảng những năm 60, mà bà con gọi cá Mỹ cho tiện), tôi đều tham gia. Ngoại trừ môn câu cá lóc với cần câu quay (kiều VN) mà ba tôi rất thiện nghệ, mê thích và kiên nhẫn.

Cái còn nhớ và còn thật thương những ngày câu cá là cảnh mặt hồ gương của hồ Xuân Hương những chiều lặng gió. Cái mặt hồ nó đẹp lạ lùng. Nó phẳng đúng như gương, nó êm,  mịn như làn da mặt đứa con gái, đôi khi cũng đò hồng vào những buổi hoàng hôn, khi mặt trời còn ráng đỏ trên chặng núi Voi về phía xa xa. Nó phản chiếu cảnh vật một cách tài tình. Nhìn phía nào cũng thấy cái thực và cái phản chiếu. Cái đang thực thật là tỉnh. Cái phản chiếu cũng thật là tĩnh. Ngoại trừ những lúc rung rinh, lăn tăn gợn sóng do làn gió vu vơ mang tới hay những vòng cong bung tròn do chú cá đớp động đâu dây. Mặt hồ gương. Khen ai khéo tạo cụm từ. Cái nóc cao của trường Grand Lycée, cái đỉnh chuông Nhà Thờ Con Gà (nhà Thờ Chánh Toà), nhà Thuỷ Tạ, cái nào cũng có hai. Cái dáng người đi trên đường. Cái ảnh người đi dưới nước như hai người củng một nhịp, ăn khớp đến tuyệt diệu. Mặt hồ gương lung linh mây trời. Mây trên trời, mây dưới nước. Đẹp và thật êm. Tôi đã một lần gặp lại cảnh mặt hồ gương ấy trong một buổi chiều đi câu, sâu trong vùng rừng núi Laurentide ở Québec. Cũng rất đẹp và rất êm. Nhưng không làm sao bằng được cảnh mặt hồ gương của Dalat của tôi. Nó thiếu hẳn tiếng chuông chiều nghe như tiếng ngân của lòng mình, thanh tịnh, bình an. Nó thiếu cái vùng sáng của mặt trời sắp tắt trên đỉnh núi Voi. Nhất là nó thiếu hẳn cái trong lòng của tôi mà chỉ có Đalat mới dành được một góc thật lớn.
Mấy chục năm qua. Bạn thân còn đủ 5 đứa. Có đứa, đã từng ấy năm chưa gặp lại. Chỉ biết, bọn nó, đứa nay ở nơi nọ nơi kia. Đã qua lâu rồi, những lúc đi, đếm, những con đường đầy kỷ niệm của tuổi trẻ và tình yêu. Đi không biết đi để đến đâu. Đếm mà không hình dung cho đến nhiều năm sau vẫn chưa đếm xong. Cái ớn của những ngày mưa dai dẳng, ướt át lê thê, bây giờ không còn. Cái nhớ những buổi chiều buông với mặt hồ gương thật bình yên. Vẫn còn, vẫn đậm. Và rất nhớ. Đalat chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa nắng.
Viết lại ngày 06 tháng 3 năm 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.