Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

ĐỊA CHÍ ĐÀ LẠT- QUY HOẠCH- KIẾN TRÚC- KIẾN TRÚC CẢNH QUAN




CHƯƠNG I- LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
 
Đà Lạt, thành phố trẻ trên Tây Nguyên, đã trở thành một địa danh rất quen thuộc với mọi người Việt Nam và du khách quốc tế.
Đà Lạt được ghi nhận hình thành từ năm 1893 khi bác sỹ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên và nhờ đó ông có ý kiến hết sức thuyết phục khi Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương hỏi tìm một địa điểm vùng cao để xây dựng nơi nghỉ dưỡng. Từ đó, thành phố Đà Lạt dần dần hình thành và đã trải qua không ít thăng trầm.

              
     

1.     THỜI KỲ TRƯỚC NĂM 1945
1.1   Giai đoạn trước thế kỷ XX
Từ xa xưa, Đà Lạt và cả cao nguyên Lâm Viên là địa bàn cư trú của người Lạch, Chil, Srê thuộc dân tộc Cơ Ho.
Trên bản đồ đạo Ninh Thuận, ở khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận có ghi 3 chữ “Lâm Sơn Phần”.
Khi huyện Tân Khai được thành lập, Đà Lạt nằm trong tổng Lâm Viên với 17 buôn và 268 suất đinh.
Với nhiệm vụ tìm hiểu thượng lưu sông Đồng Nai, bác sỹ Paul Néis và trung uý Albert Septans có đến thăm một số làng người Lạch trên cao nguyên Lâm Viên ngày 16-3-1881 và ghi chép được nhiều số đo khí tượng và nhân trắc học cư dân trong vùng.
Ngày 21-6-1893, trong một chuyến thám hiểm vùng rừng núi ở Nam Trung Kỳ giữa biển Đông và sông Mê Công, đầu nguồn sông Đồng Nai và Xê Băng Can, bác sỹ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên.
Nhân một chuyến thăm một vài nơi nghỉ dưỡng vùng cao ở Ấn Độ, toàn quyền Paul Doumer bắt đầu quan tâm đến việc tìm kiếm những nơi nghỉ dưỡng cho người da trắng ở Đông Dương. Trong thư gửi cho các khâm sứ, công sứ, ông nêu bốn điều kiện cần thiết cho một trạm nghỉ dưỡng: độ cao trên 1200 mét, nguồn nước dồi dào, đất đai canh tác được và khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng. Nhờ chuyến thám hiểm Lâm Viên năm 1893, Yersin đã đề xuất chọn cao nguyên Lâm Viên làm nơi nghỉ dưỡng và được Toàn quyền Paul Doumer ghi nhận.
   Năm 1897, Paul Doumer cử một phái đoàn quân sự, dưới sự chỉ huy của đại úy Thouard, nghiên cứu con đường từ Nha Trang lên Lâm Viên. Sau 11 tháng làm việc, Thouard đã chứng minh không thể đi thẳng từ Nha Trang lên được Lâm Viên và phác thảo một con đường đi từ Phan Rang lên Đà Lạt qua ngã Fimnom và cũng gợi ý xây dựng trực tiếp một con đường từ Sài Gòn lên.
Năm 1898, khi đoàn Thouard chưa kết thúc, các đoàn tiếp theo do Garnier, Odhéra, Bernard cùng tiến hành khảo sát con đường Phan Thiết – Djiring – Đà Lạt. Missigbrott, một thành viên tùy tùng đoàn Thouard, đã ở lại sau chuyến khảo sát để lập vườn rau và chăn nuôi gia súc, tạo cơ sở cho trạm nông nghiệp và trạm khí tượng sau này.
Bản đồ đạo Ninh Thuận
Ngày 1-11-1899, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng với thủ phủ là Djiring và hai trạm hành chính là Tánh Linh và Lâm Viên (đặt tại Đà Lạt bây giờ). Đó là tiền đề pháp lý đầu tiên cho việc hình thành chức năng hành chính của Đà Lạt.
1.1   Giai đoạn 1900 - 1915
Sau khi Paul Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và trạm hành chính ở Lâm Viên, Champoudry được cử lên Đà Lạt bấy giờ với tư cách như một “Thị trưởng”. Trước khi về nước (1902), ông còn quyết định thành lập tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt (1901). Kế hoạch lập thành phố trên cao bị gián đoạn, các công trình gần như bỏ dở do khó khăn về đầu tư và trở ngại giao thông.
Toàn quyền Paul Beau (nhiệm kỳ 1902-1908) tiếp tục cử nhiều đoàn khảo sát cao nguyên Lâm Viên như các đoàn quân sự do tướng Beylié (1903), tướng Pennequin (1904), đại uý Bizar (1905) chỉ huy, các đoàn y tế có bác sỹ Grall (1904), bác sỹ Vassal (1905),... Giai đoạn này có nhiều người tham gia khảo sát bị chết vì sốt rét, nên dự án bị lên án và thậm chí có ý kiến đề nghị huỷ bỏ. Người Pháp còn cho tìm kiếm thêm địa điểm thay thế tại thung lũng sông Đa Nhim và trên cao nguyên Djiring. Nhưng chính nhờ các đoàn khảo sát này mà người ta càng khẳng định chắc chắn hơn việc chọn  Đà Lạt.
Ngày 5-1-1906, sau khi tham khảo ý kiến các đoàn khảo sát và theo đề nghị của bác sỹ Tardif, Hội đồng quốc phòng Đông Dương (gồm có Toàn quyền, Tướng Voyron, Thống đốc Nam Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ) họp tại Đà Lạt đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên làm nơi nghỉ dưỡng vì hội đủ điều kiện cần thiết, đồng thời xác định vị trí Đà Lạt hiện nay thay cho Đan Kia.
Tuy vậy, cho đến hết nhiệm kỳ của Toàn quyền Klobukowski (1908 - 1910), mọi hoạt động chẳng tiến triển được bao nhiêu. Thị trưởng Champoudry cùng hội đồng thị xã của ông trong giai đoạn này “không có một khoản ngân sách đáng kể, không có một sự trợ giúp nào cả”. Trong giai đoạn ngắn này cũng có vài công trình được xây dựng, đáng lưu ý là trạm khí tượng từ Đan Kia chuyển về; một lữ quán cho khách vãng lai, tiền thân của Khách sạn Hồ (Hôtel du Lac) đặt ở vị trí Khách sạn Hàng Không ngày nay; đường sắt Tháp Chàm - Xóm Gòn hoàn thành sau sáu năm xây dựng (1909).
Nhiệm kỳ kế tiếp của Toàn quyền Albert Sarraut mang lại cho Đà Lạt ít nhiều sinh khí. Sự đe doạ của Nhật Bản khiến Chính phủ Pháp nới rộng quyền hạn cho Toàn quyền, cho phép cai trị bằng những nghị định do chính ông ban hành. Ông còn cho phát triển ngành y tế, tổ chức lại giáo dục và chỉ thị hoàn thành xây dựng các công trình đường sá lên  Đà Lạt trước năm 1914.
Năm 1913, hoàn thành tuyến đường Phan Thiết - Djiring; năm 1914, tuyến Djiring- Đà Lạt. Đường sắt Phan Rang - Krongpha được đưa vào sử dụng cho phép sự buôn bán và đi lại giữa Đà Lạt và vùng xuôi phát triển. Đến năm 1915, từ Sài Gòn có thể đi  Đà Lạt bằng hai con đường: Sài Gòn - Ma Lâm -  Đà Lạt (354km) mất một ngày rưỡi và Sài Gòn - Phan Rang - Đà Lạt (414km) mất hai ngày.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, làn sóng người Âu đầu tiên  lên  Đà Lạt vì điều kiện về quê hương trong những ngày nghỉ phép gặp khó khăn. Họ muốn đến nghỉ dưỡng ở  Đà Lạt, một vùng khí hậu lý tưởng gợi nhớ quê hương. Đường sá lúc này khá thuận tiện. Điều đáng tiếc là cơ sở vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách.
1.3   Giai đoạn 1916 - 1945
Đây là giai đoạn có nhiều biến động lịch sử. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai đã làm cho tình hình chính trị xã hội có nhiều thay đổi.
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất trở nên sôi động. Nếu số vốn đầu tư của tư bản Pháp từ năm 1888 - 1918 là 492 triệu quan thì giai đoạn từ 1924-1930 đã tăng vọt lên, cụ thể là : 1924: 170, 1925: 195, 1926:625, 1927: 705, 1928: 735, 1929: 755, 1930: 585 triệu quan. Năm 1917, Hãng Kinh tế Đông Dương (Agence économique de l’Indochine) được thành lập tại Paris với nhiệm vụ quảng cáo về khu vực này. Tình trạng lạm phát ở Pháp làm cho đồng bạc Đông Dương và các nguyên liệu tăng giá. Điều đó đã thúc đẩy sự đầu tư của tư bản Pháp trong 6 năm nói trên đạt tới con số 3 tỷ quan. Sau khủng hoảng kinh tế từ năm 1930, nền kinh tế Việt Nam lại sôi động hơn vì sự đầu tư ngày càng nhiều của tư bản Pháp.
Chính sự đầu tư đó đã làm tăng số người ngoại kiều tới lập cư ở Việt Nam, chẳng hạn người Pháp đạt tới con số 30 ngàn người (1937), Hoa kiều 466 ngàn người (1943). Hai cuộc chiến tranh làm cho nhu cầu nghỉ ngơi tại chỗ của người ngoại quốc tăng lên.  Đà Lạt lúc này được nhiều người biết đến, nhất là sau một số bài giới thiệu và quảng cáo trên báo chí của Pháp.
Chính sách cai trị của nhà nước bảo hộ đã chuyển sang chế độ trực trị. Triều đình Huế không có quyền kiểm soát nền ngoại giao và quân đội, chỉ giữ lại cho mình một nền hành chính hình thức, bắt đầu từ việc các công chức Pháp được biệt phái đến các cơ quan Việt Nam với tư cách phụ tá, dần dần họ lấn quyền, biến những quan lại người Việt trở thành phụ tá.
*
Nghị định 6-1-1916 của Toàn quyền Roume về việc thành lập tỉnh Lâm Viên (bao gồm vùng rừng núi các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng) cũng chỉ mới mở rộng sự tiếp xúc của người Âu và các tỉnh lân cận với  Đà Lạt. Địa giới tỉnh Lâm Viên được xác định như sau: phía bắc là sông Krông Knô, phía đông nam là sông Krông Pha, phía nam là sông La Giai (một nhánh sông Phan Rí), phía tây là biên giới Cămpuchia.  Nhưng Đà Lạt chưa đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho nghỉ dưỡng, đặc biệt là cơ sở pháp lý chưa thực sự bảo đảm cho ai muốn đầu tư xây dựng tại đây.
Ngày 20-4-1916, Hội đồng nhiếp chính của vua Duy Tân đã thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Tinh thần của Dụ này là trao toàn bộ quyền hạn cho Toàn quyền Đông Dương đối với Đà Lạt, nói cách khác là cho người Pháp toàn quyền sở hữu đất đai (mua bán, sang nhượng) trong khu vực và dưới quyền điều hành trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Dụ này được triển khai và bổ sung thêm trong các nghị định ngày 30-5-1916, ngày 5-7-1918, ngày 30-7-1926.
Ngày 31-10-1920, Toàn quyền Maurice Long ký nghị định thành lập khu tự trị Lâm Viên (thực hiện Dụ 11-10-1920 của triều đình Huế tách cao nguyên Lâm Viên ra khỏi tỉnh Lâm Viên). Phần đất còn lại của tỉnh Lang Bian mang tên Đồng Nai Thượng, tỉnh lị đặt tại Djiring. Công sứ Đồng Nai Thượng đóng tại Đà Lạt trong khi chờ xây dựng các cơ sở cần thiết ở Djiring.
Cùng ngày, một nghị định khác của Toàn quyền Đông Dương ấn định khu tự trị trên cao nguyên Lâm Viên thành thị xã Đà Lạt và xác định nâng Đà Lạt lên thị xã hạng hai với những quy chế rộng rãi.
Một nghị định khác cùng ngày về sự thành lập tại Đà Lạt Sở Nghỉ dưỡng Lâm Viên và Du lịch Nam Trung Kỳ nêu rõ:
“Giám đốc Sở Nghỉ dưỡng Lâm Viên và Du lịch Nam Trung Kỳ là Đại biểu của Toàn quyền Đông Dương ở  Đà Lạt và kiêm nhiệm chức vụ Thị trưởng Đà Lạt.
Đại biểu chịu trách nhiệm tổ chức khu tự trị trên cao nguyên Lâm Viên và vùng phụ cận, đặc biệt là xây dựng nơi này thành một nơi nghỉ dưỡng và một trung tâm du lịch hấp dẫn. Giám đốc có sứ mạng góp phần tôn tạo cảnh quan và tài nguyên du lịch ở Nam Trung Kỳ, cũng như các bãi tắm có thể được thiết lập.
Đại biểu quản lý và kiểm tra các công trình xây dựng từ ngân sách của khu tự trị Lâm Viên; có quyền hạn của một viên chức hành chính địa phương về các công trình thực hiện từ ngân sách, kể cả công trình xây dựng đường lên cao nguyên Lâm Viên  từ biên giới Nam Kỳ và Tháp Chàm.
Ông phải được tham khảo ý kiến về các điều kiện hoạt động, thời gian biểu và giá cả các dịch vụ vận tải đường bộ, đường sông và đường biển lên Lang Bian và đề nghị, nếu cần thiết, những sự thay đổi và cải tiến các dịch vụ.
Ông được quyền sử dụng bưu chính và viễn thông trong những điều kiện được quy định dành cho khâm sứ ghi trong bảng C và D của Nghị định ngày 17-4-1916, cũng như các công sứ, trưởng trạm hành chánh và cảnh binh của tỉnh Đồng Nai Thượng, Khánh Hoà, và Bình Thuận, hội  đồng kỹ thuật công chánh và nhà ở dân dụng, nhân viên đường sắt tuyến đường Sài Gòn – Khánh Hòa và  Đà Lạt, nhân viên và giám đốc các sở dưới quyền.
Công sứ ở Djiring, Phan Thiết và Nha Trang hợp tác với đại biểu.
Một kỹ sư trưởng hay một kỹ sư, một kiến trúc sư hay một thanh tra chính hay thanh tra nhà ở dân dụng, do Tổng Thanh tra Công chính chỉ định với sự thoả thuận của Đại biểu Toàn quyền Đông Dương ở Đà Lạt, có nhiệm vụ nghiên cứu và theo dõi tất cả các vấn đề đòi hỏi thẩm quyền kỹ thuật đặc biệt và các vấn đề mà Đại biểu xét thấy cần thiết.”
Để hoàn chỉnh hơn, một nghị định nhằm tổ chức lại thị xã Đà Lạt được ký ngày 26-7-1926. Các nghị định này đã đưa địa vị Đà Lạt lên cao hơn: vừa trở thành đơn vị trực thuộc Toàn quyền, vừa có tính tự trị cao hơn so với các thị xã khác. Tinh thần đó cũng đã được duy trì trong thời kỳ Pháp thuộc và kéo dài mãi cho đến tận năm 1975.
Dân số Đà Lạt tăng dần, đến năm 1923 là 1.500 người và năm 1925 dân số lên tới trên 2.400 người.
Về mặt hành chính, Đà Lạt trong giai đoạn này trở thành một đơn vị tự trị. Về mặt pháp lý, công sứ - thị trưởng Đà Lạt có những quyền hạn cho phép tiếp nhận đầu tư từ ngoài vào. Lúc này, việc mua các lô đất ở  Đà Lạt trở nên sôi động trong giới quan chức và kinh doanh người Pháp. Những công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng: khách sạn Palace (1916 - 1922), ngăn đập xây hồ trên dòng Cam Ly (1919), nhà máy điện (1918),  nhà bưu điện, kho bạc, trường học (1920). Số nhà gỗ tăng lên rất nhanh.
Năm 1919, Labbé - kỹ sư công chánh, xây dựng hồ nước trên dòng suối Cam Ly.
Buôn người Lạch trước khi xây dựng Hồ Lớn
Toàn cảnh Dalat nhìn từ Hotel Palace
Nhiều khu phố được thành lập ở phía nam, đông - nam và tây của Hồ Lớn. Người Việt sống trong làng Đa Lạc ở phía bắc suối Cam Ly và hướng tây - bắc.
Ngày 16-8-1921, Toàn quyền René Robin thành lập khu bảo tồn Trạm Bò rộng 8.000ha. Năm 1921, trạm xá Đà Lạt chỉ là một mái nhà tranh, đến năm 1922 bệnh viện được xây dựng.
Năm 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt. Tháng 8-1923, công trình được hoàn thành với tầm nhìn khá lớn: xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị nghỉ mát miền núi, và dự kiến tương lai phát triển trở thành  thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Theo đồ án quy hoạch, trên dòng suối Cam Ly sẽ có một chuỗi hồ từ đầu thác Cam Ly lên đến hồ Than Thở, hồ lớn nhất là ở khu vực Học viện Lục quân ngày nay. Khu công sở sẽ bố trí dọc theo trục này. Nhiều đề nghị của tác giả đã chưa thực hiện được, vì ngân sách Đông Dương lúc bấy giờ không đủ khả năng . Ngoài ra,  tác giả không để ý đúng mức đến cảnh trí của vùng trải ra từ đồi đến núi Lâm Viên có giá trị thẩm mỹ rất lớn. Dù sao bản quy hoạch cũng đã góp phần cho việc mở mang thị xã trong những bước đầu theo một định hướng nhất quán.
Ban đầu một hội đồng thị xã gồm 4 người (2 Pháp, 2 Việt Nam) được khâm sứ Trung Kỳ chỉ định giúp việc cho đốc lý. Đến năm 1930, thị xã Đà Lạt đã có dáng dấp của một thành phố và hội đồng thị xã được tăng lên 9 người (6 Pháp, 2 Việt Nam và 1 Hoa).
Đây là thời kỳ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tương đối lớn.  Đà Lạt đã có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để phát triển. Bộ máy hành chính của người Pháp và  cơ sở hạ tầng đến giai đoạn này được xây dựng gần như đầy đủ: hệ thống giao thông đường bộ từ Sài Gòn, Phan Thiết, Phan Rang được hoàn tất, kể cả đường sắt Tháp Chàm -  Đà Lạt (1932).
Năm 1930, một chương trình chỉnh trang mới đã được kiến trúc sư Louis Pinot thiết lập theo một quan điểm thực tế hơn. Ông cố gắng bảo tồn các thắng cảnh và đã dự trù nhiều khoảng đất trống. Phía bắc được mở ra cho dân cư đến sinh sống. Theo đồ án này, thị xã bao quanh hồ từ phía tây đến phía đông bắc. Hầu hết những nét ý tưởng chính của chương trình này đã được kế thừa trong chương trình chỉnh trang Dalat năm 1943.của KTS Lagisquet.
Hệ thống điện, nước, bệnh viện, chợ,...  đã được xây cất. Việc mua bán, sang nhượng cũng như thầu khoán trong xây dựng dễ dàng, nên khá nhiều công trình lớn được mọc lên trong giai đoạn này.
Năm 1927, xây dựng thêm một nhà máy điện mới.
Năm 1930, doanh trại Courbet được thành lập.
Năm 1932, đường bộ Đà Lạt trực tiếp nối với Sài Gòn đi ngang qua đèo Blao bắt đầu khai thông.
Năm 1935, khánh thành trường Lycée Yersin .
Năm 1936, thành lập Viện Pasteur.
Năm 1937, khai thông đường số 21 nối Đồng Nai Thượng với Đắc Lắc, dinh Toàn quyền được khởi công xây dựng.
Năm 1938, xây dựng xong ga  Đà Lạt.
Năm 1939, Trường Thiếu sinh quân được thành lập trên khu vực Trường Đại học  Đà Lạt ngày nay.
Các biệt thự xinh đẹp ở đường Hoa Lay-ơn (Rue des Glaïeuls), Hoa Hồng (Rue des Roses), cư xá Saint Benoit,... mọc lên. Tốc độ xây dựng tương đối nhanh, chẳng hạn như số lượng biệt thự ở  Đà Lạt vào các năm như sau: 1936: 327, 1937: 378, 1938: 398, 1939: 427.
Năm 1937, một chiến dịch tuyên truyền và tiếp thị cho  Đà Lạt được phát động trên báo chí Pháp và Đông Dương.

Báo L’Asie nouvelle illustrée dành riêng số 56 để viết chuyên đề về  Đà Lạt. Đà Lạt đươc ca ngợi là vùng du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao  và săn bắn lý tưởng, một trung tâm giáo dục có thứ hạng của Pháp tại Đông Dương (sau Hà Nội và Sài Gòn).
Đồi Cù (1937)




















Du khách lên  Đà Lạt ngày một đông, các buồng trong khách sạn được đặt thuê từ nhiều tháng trước. Công ty du lịch được thành lập với 80 nhân viên. Dịch vụ du lịch và xây dựng đã thu hút khá nhiều luồng cư dân lên  Đà Lạt.
Dân số Đà Lạt tăng nhanh, đến năm 1939, lên đến 11.500 người. Họ là những người phu làm đường, phu đồn điền, thợ xây dựng ở lại định cư tại  Đà Lạt. Trạm Nông nghiệp Đan Kia không thể cung cấp đủ thực phẩm cho thành phố, ấp trồng rau Hà Đông được thành lập do nhu cầu nói trên (1938). Việc đến định cư lẻ tẻ ở vị trí các ấp Tân Lạc, Trại Hầm, Nam Thiên,  Trại Mát, đồn điền trà và canh-ki-na ở Xuân Trường, Xuân Thọ,... làm tăng thành phần cư dân  Đà Lạt lên ít nhiều. Lúc này  Đà Lạt và vùng phụ cận sản xuất rau, canh-ki-na, trà và các loại hoa. Thành phần cư dân Pháp chủ yếu là các quan chức dân sự và quân sự, một số giáo viên và học sinh ở các trường học.
Người Việt, người Hoa và người Thượng, trừ một số ít là viên chức hạng thấp, phần lớn sống bằng những nghề dịch vụ như: buôn bán, thợ xây dựng và làm vườn. Đà Lạt chia thành hai khu vực: người Pháp ở phía nam suối Cam Ly, đa số người Việt ở phía bắc suối Cam Ly.
Cơ sở văn hoá và giáo dục ở giai đoạn này cũng khá phát triển. Một số trường học như Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux, Thiếu sinh quân (École des enfants de troupe) thu hút học sinh từ khắp nơi trong nước và các nước ở Đông Dương đến học.
Có thể nói, trong những năm này, Đà Lạt chuyển sang giai đoạn phát triển. Nhu cầu xây dựng thủ phủ Đông Dương bị chìm đi, nhưng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng tăng lên, dịch vụ du lịch, sự phát triển nghề làm vườn với các giống rau quả ôn đới làm cho cư dân  Đà Lạt tăng vọt lên hẳn so với giai đoạn trước. Càng ngày người ta càng phát hiện ra những ưu điểm mới của Đà Lạt, một địa điểm thích hợp cho việc nghiên cứu và học tập. Lúc này Đà Lạt đã có thể xứng đáng được gọi là thành phố trên cao nguyên. Nhịp độ phát triển này vẫn có thể tiếp tục kéo dài đến những năm sau nếu Chiến tranh thế giới thứ hai không xảy ra vào năm 1939 làm tăng nhịp độ xây dựng  Đà Lạt cao hơn trước.
*
Năm 1940, Toàn quyền Decoux ngay khi mới nhậm chức đã bắt tay thực hiện ý tưởng của các vị tiền nhiệm là biến Đà Lạt thành trung tâm hành chính. Năm này, kiến trúc sư Mondet phần nào trở lại quan điểm của Hébrard, đã chỉnh lại đồ án của Hébrard cho phù hợp thực tế hơn: mở rộng  Đà Lạt theo hướng nam - bắc và quy tụ tập trung các khu vực chức năng lại thành từng cụm. Ngoài các khu vực dành cho các biệt thự và cho nhà của thường dân, đồ án dự trù xung quanh hồ Đà Lạt những trung tâm công cộng gồm có:
-        Trung tâm hành chánh tập hợp các nha sở thuộc phủ toàn quyền Đông Dương và toà thị chính tập hợp tất cả các ty sở trực thuộc thị xã.
-        Trung  tâm thương mại.
-        Trung tâm giải trí và thể thao (sân cù, hồ, thao trường, trường đua ngựa, câu lạc bộ, nhà thuỷ tạ, vườn trẻ, casino,…).
Mặc dù đây là một đồ án rất đầy đủ về nhiều khía cạnh như giao thông đường sá, bảo vệ môi trường, các khu vực tự do và các khu có cây nhưng đã không được chấp thuận.
Ngày 8-1-1941, tỉnh Langbian (Lâm Viên) được thành lập, Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Langbian, tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng đặt tại Djiring.
Về mặt hành chính, thành phố được điều hành theo tinh thần của Nghị định 30-7-1926, khi khu tự trị Lâm Viên thành thị xã Đà Lạt. Thị xã hạng hai này được cai trị bởi một đốc lý người Pháp với sự phụ tá của viên thư ký thị xã thuộc ngạch quan cai trị thuộc địa Pháp. Triều Nguyễn có cử thêm một quản đạo và một tri huyện người Thượng cùng đóng tại Đà Lạt. Thị xã có một khoản ngân sách riêng do quyền sở hữu đất đai và quyền thu những khoản thuế bất thường. Nguồn ngân sách này được quy định nghiêm ngặt dùng để duy tu và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng của thị xã.
Munier đã viết trong tạp chí Indochine về Đà Lạt:
“Không ai có thể phủ nhận  Đà Lạt chiếm một vị trí đặc biệt thuận lợi ở Viễn Đông. Khí hậu, danh lam thắng cảnh, tiềm năng phát triển làm cho  Đà Lạt thành một nơi được ưu đãi, không nơi nào có thể so sánh được.  Đà Lạt có thể trở thành một nơi nghỉ mát lớn ở Viễn Đông… Đà Lạt là xứ sở của hoa, xứ sở của thông, xứ sở của rau... thích hợp cho sinh hoạt trí thức,  Đà Lạt còn  có vùng ven săn bắn lý tưởng.”
Chiến tranh một lần nữa làm tăng làn sóng du khách  lên  Đà Lạt. Hàng hoá từ Pháp sang gặp khó khăn, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã phải áp dụng chính sách tự túc,  Đà Lạt được chú ý ngày càng nhiều.
Toàn quyền Decoux đã giao cho kiến trúc sư Lagisquet thiết lập đồ án chỉnh trang và mở rộng  Đà Lạt. Trong thời gian chờ quy hoạch mới, một số biện pháp bảo vệ như bãi bỏ việc sang nhượng đất đai, kiểm soát các hầm đá, quy định mới về phân lô... được đưa ra áp dụng nghiêm ngặt. Chương trình chỉnh trang mới này đã được Toàn quyền ban bố theo Nghị định ngày 27-4-1943. Thị xã được chia ra thành 21 khu vực, đặc tính của mỗi khu vực được ấn định rất cụ thể: 7 khu vực cho nhà ở với 5 hạng biệt thự, nhà liên căn, nhà chung cư, 2 khu vực cho khu thương mại, khu riêng cho công sở, khách sạn, trường học, thể thao, trồng trọt chăn nuôi, làng nông thôn, bệnh viện và 4 khu vực không được xây cất, bất kiến tạo dành cho du lịch và tạo các khoảng không.
Đồ án chỉnh trang còn dự trù các khoản địa dịch khác như vấn đề thẩm mỹ, việc phân lô và mua bán đất đai của tư nhân, việc xây cất nhà cửa và khai thác các đất đai ấy, việc khai thác các hầm đá, việc trừng phạt các vụ vi phạm đồ án này.
Sau gần ba mươi năm xây dựng,  Đà Lạt vào năm 1945 đã trở thành một thành phố tuyệt đẹp của vùng Viễn Đông lúc bấy giờ. Sinh hoạt của “Thủ đô mùa hè” hết sức nhộn nhịp.
Tốc độ phát triển đô thị cao nhất từ trước đến nay: hơn 500 biệt thự được xây cất trong vòng 5 năm bằng số biệt thự xây trong 30 năm trước: năm 1940 có 550 biệt thự, đến năm 1943 có 810 biệt thự và đến năm 1945 có 1.000 biệt thự.
Năm 1939 xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, liên lạc với nước ngoài bị gián đoạn, người Pháp phải ở lại Đông Dương trong thời gian lâu hơn khiến cho số người lên nghỉ mát ở  Đà Lạt luôn luôn tăng lên.
Vốn đầu tư không sử dụng ở Nam Kỳ được đưa lên  Đà Lạt. Khắp nơi người ta bán đất, xây dựng các biệt thự. 
Tháng 10-1942, nhà máy thủy điện Ankroet được khởi công xây dựng đến 1945 thì hoàn thành
Tháng 2-1943, bắt đầu xây dựng đường Prenn mới thay đường Prenn cũ  (đường Khe Sanh, Mimosa ngày nay).
Năm 1944, Trường Kiến trúc thuộc Trường Cao đẳng Đông Dương được chuyển từ Hà Nội vào  Đà Lạt (thuộc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris).
Cuối 1944, Sở Địa dư Đông Dương dời từ Gia Định lên  Đà Lạt.
Toàn quyền Decoux chủ trương lấy  Đà Lạt làm “thủ đô mùa hè” của Đông Dương, mỗi năm nhiều quan chức làm việc ở đây đến 6 tháng. Ngoài việc xây dựng đô thị, chính quyền còn chú trọng đời sống kinh tế và văn hoá của  Đà Lạt. Về kinh tế, các trục đường giao thông với miền xuôi được sửa sang và mở rộng. Nhờ thế, việc lưu thông hàng hoá (vật liệu xây dựng cũng như hàng hoá nông nghiệp thực phẩm) lên  Đà Lạt được nhanh chóng. Tại  Đà Lạt , người Pháp cho mở rộng diện tích trồng rau hoa. Cư dân người Kinh tăng nhanh: 25.000 người (1944). Các khu dân cư được xây dựng nhiều. Khu vực phía bắc suối Cam Ly, dốc Nhà Làng (đường Nguyễn Biểu), đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng), đường An Nam (Nguyễn Văn Trỗi),...
Đời sống văn hoá  Đà Lạt cũng phát triển nhanh chóng nhờ hệ thống trường học khá phong phú, các công trình thể thao, các cơ sở lớn của tôn giáo đều được xây xong năm 1942. Cảnh quan  Đà Lạt ở khu trung tâm gần như hoàn chỉnh và được giữ nguyên mãi đến sau này.
 
----------------------
PHẦN THỨ TƯ
VĂN HÓA XÃ HỘI
CHƯƠNG II: QUY HOẠCH VÀ KIẾN TRÚC

KIẾN TRÚC

KIẾN TRÚC
  1. KHÁI QUÁT VỀ KIẾN TRÚC CẢNH QUAN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
Môi trường thiên nhiên của Đà Lạt vốn là một vùng cảnh quan tự nhiên miền cao nguyên xinh đẹp với khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, đã tạo dựng nên khung nền chính làm nên những nét đặc thù của thành phố. Những công trình sáng tạo của con người đã in dấu nhẹ nhàng vào cảnh quan tự nhiên hợp thành cảnh quan đô thị Đà Lạt  đặc sắc và độc đáo.
Trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt, vấn đề quan trọng xuyên suốt là cố gắng bảo vệ, tôn tạo cảnh quan đặc sắc của Đà Lạt.
Có thể nêu ra những yếu tố chính  tạo nên những cảnh quan đặc thù của Đà Lạt  là các đặc điểm:
- Địa hình nhấp nhô mềm mại của cao nguyên.
- Không gian mặt nước của các suối hồ.
- Không gian kiến trúc, di sản kiến trúc Pháp.
- Nền xanh phong cảnh của rừng thông, thảm cỏ.
1.1   Yếu tố địa hình
Địa hình Đà Lạt là yếu tố căn bản, đặc trưng, chia cắt không gian thành những mảng riêng biệt, rõ nét, tạo nên những lớp cảnh quan đa dạng.
Địa hình Đà Lạt với đặc điểm uyển chuyển, mềm mại dẫn dắt tầm nhìn hướng về dãy núi Lang Biang tạo thành một nền phong cảnh rất đặc thù. Có thể nói núi Lang Biang chính là điểm mốc cảnh quan của bức tranh tổng thể đô thị mà thiên nhiên đã dành tặng cho thành phố này.
Các đỉnh đồi cao có tầm nhìn đẹp được chọn lựa để xây dựng những công trình tôn giáo, dinh thự uy nghiêm và trang trọng.
Với diện tích rộng lớn ôm trọn cả một ngọn đồi, các công trình trên là cả một quần thể kiến trúc hài hòa khép mình với thiên nhiên, ẩn hiện trong rừng thông xanh, chấm phá thêm trong bức tranh toàn cảnh.
Các trung tâm công cộng, hành chính, văn hóa, giáo dục, du lịch, thương mại,… được bố trí  xây dựng trên những ngọn đồi hay những mặt bằng rộng rãi và bằng phẳng nhằm xây dựng hệ thống giao thông dễ dàng thuận lợi với những đại lộ lớn, thẳng và ít dốc (như trục đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, khu Hòa Bình, Chi Lăng, Phan Đình Phùng,…). Ngoài ra, do không phải cải tạo địa hình nên các trung tâm này mặc dù chiếm những không gian lớn cũng không làm thay đổi các đường cong tự nhiên của địa thế.
Trước đây việc xây dựng các khu biệt thự rất được chú trọng do sự hòa nhập  của công trình kiến trúc vào thiên nhiên, với địa hình được giữ hầu như nguyên vẹn. Người ta đã sắp xếp các tòa biệt thự  theo sát đường đồng mức để bám lấy địa hình mà không phải phá hủy nó. Do thiên nhiên là bức nền và không gian chính của cảnh quan nên người ta đã khống chế phạm vi xây dựng với mật độ rất thấp so với diện tích phân lô rất lớn.
Các khu vực đất thấp dưới các thung lũng lớn, ở khuất và xa trung tâm thành phố, được bố trí cho khu vực dân cư làm nông nghiệp. Đất đai được phân lô đủ lớn để sản xuất và dựng nhà. Do đó, tính chất thành phố vườn vẫn được tìm thấy tại khu vực này (ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thiện, Thái Phiên, Nam Hồ, Trại Hầm, Trại Mát, Thánh Mẫu,…). Do đặc tính của việc sản xuất nông nghiệp, người dân cần thửa vườn rộng và phẳng để tưới tiêu và chăm bón nên cải tạo địa hình dốc thành những thửa đất dạng bậc thang đi từ các thung lũng lên các sườn đồi bao quanh. Trong một chừng mực nhất định, việc cải tạo đất dưới các thung lũng thấp không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan, nhưng nó đã thật sự trở thành một hiểm họa to lớn một khi đã phát triển không kiểm soát được trong tầm nhìn của cảnh quan chính và lan tràn vào khu vực các dòng suối lớn, dẫn đến sự bồi lắng nhanh chóng của các hồ (do việc này mà ngày nay hồ Mê Linh, hồ Vạn Kiếp  đã hoàn toàn mất dạng).
Trong chương trình sử dụng đất từ năm 1942, để giải quyết việc di dân của người Việt, người ta đã thực hiện ý định bố trí khu ngoại ô của thành phố cho dân cư lao động, sản xuất nông nghiệp. Khu vực này trước đây được kiểm soát chặt chẽ trong một ranh giới nhất định. Nhiều vùng đất rộng lớn phía bắc được dành riêng để bảo tồn rừng cảnh quan, phục vụ săn bắn, ngoạn cảnh và du lịch. Nhiều khoảng trống khác dành cho khu thể thao, cắm trại, công viên hay khu bất kiến tạo. Tổng cộng diện tích các vùng đất nêu trên lên đến 10.000 ha (chiếm 60% diện tích thành phố) nhằm giữ gìn những giá trị tự nhiên của cảnh quan đô thị Đà Lạt, chống lại việc xâm lấn thiên nhiên thái quá của con người.
Trong một khoảng không gian rộng hình rẻ quạt về phía bắc của thành phố, các quả đồi đẹp và hoang sơ từ hồ Xuân Hương đến tận rặng núi Lang Biang đã được giữ gìn để du khách thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên.
Một vài công trình quốc gia như Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, Giáo hoàng Học viện, Viện Đại học Đà Lạt,… hình thành trong thập niên 1950 - 1960 trên những quả đồi có độ cao trung bình, thấp thoáng giữa những rặng thông đã tô điểm thêm bức tranh phong cảnh tĩnh mịch bằng những nét chấm phá sinh động.
1.2   Yếu tố mặt nước
Đà Lạt có nhiều suối nhỏ và dòng suối quan trọng nhất chảy qua thành phố là dòng Cam Ly. Việc sắp xếp bố cục thành phố đã được thực hiện phần lớn dọc hai bờ con suối này. Từ  năm 1900, kỹ sư Rousselle - Giám đốc Sở Công chánh - đã có ý nghĩ tạo lập một hồ nước. Sau này, Hồ Lớn (hồ Xuân Hương ngày nay) đã được thành hình một phần vào năm 1919, do kỹ sư công chánh Labbé thực hiện khi đắp xong đập thứ nhất. Năm 1923, hồ được mở rộng và đến năm 1935 thì hoàn chỉnh như ngày nay (sau khi xây xong đập Cầu Ông Đạo và loại bỏ các đập cũ bị bể vỡ vì mưa lũ lớn xảy ra năm 1932).
Từ đó đến nay, việc tạo thêm các hồ nước nhân tạo đã gia tăng đều đặn và gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố và là những công trình tạo tác có giá trị nhất nối liền con người với thiên nhiên. Công trình hồ nước nhân tạo vừa đem lại nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cho cư dân, vừa tô điểm thêm nét đẹp thanh lịch cho cảnh quan hoang sơ, và là trung tâm bố cục để sắp xếp các phân khu chức năng của thành phố.
Khu cư xá bên Hồ Vạn Kiếp- Cite DeCoux
Với tài năng và kinh nghiệm, KTS Hébrard đã tạo tiền đề quan trọng cho cảnh quan thành phố khi đề xuất quy hoạch thành phố Đà Lạt xung quanh một chuỗi hồ nhân tạo (năm 1923). Sáng kiến này vừa làm tăng vẻ đẹp của phong cảnh, vừa làm tăng giá trị của vùng đất nghỉ dưỡng đã sẵn có nhiều tiềm năng phát triển. Mỗi hồ nước nhân tạo là một trung tâm của một phân khu chức năng. Theo dòng Cam Ly, kể từ thượng lưu sẽ gồm:
Hồ Than Thở ở đầu nguồn, vừa cung cấp nước uống vừa là hồ cảnh đã cùng các đồi thông chung quanh tạo thành bức tranh hữu tình và nổi tiếng.
Một hồ nước trung bình dự kiến giữa khu Chi Lăng và Thái Phiên là tâm điểm của Trung tâm Hành chánh Trung ương.
Hai hồ nước nhỏ dự kiến trong khu vực trường học ở phía nam và trại lính ở phía bắc hồ Xuân Hương. Các khách sạn du lịch và khu giải trí được bố trí ở phía nam, vườn hoa, sân golf và khu dự kiến này đã được tổ chức theo đồ án của Hébrard và hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể cho tới ngày nay, ngoại trừ việc dự kiến xây dựng biệt thự đã không được thực hiện do người ta e ngại sẽ làm hủy hoại tầm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp về phía Lang Biang.
Hồ nước cuối cùng được dự kiến xây dựng trước khi dòng suối đến thác Cam Ly.
Ngoài công năng cung cấp nước uống cho cư dân thành phố, điều hòa nước tưới cho nhân dân, suối và hồ nước là trung tâm của các thắng cảnh: Không cảnh đẹp nào của Đà Lạt mà thiếu vắng hình ảnh phẳng lặng của mặt nước. Nó phản chiếu cảnh vật làm tăng chiều cao không gian, tạo bầu không khí trong lành và cảm giác thanh bình cho du khách.
Hồ Xuân Hương là bố cục chính của vùng trung tâm, nơi quần tụ của công trình khách sạn, công trình công cộng, khu thể thao, nhà Thủy tạ của bờ phía nam. Nhờ khoảng trống của hồ đã tạo được tầm nhìn gắn bó với bờ đối diện là vùng đồi và các chòm thông xanh được giữ gìn như một công viên thiên nhiên dưới chân rặng núi Lang Biang. Do địa hình khu vực lồi lõm, có đường vòng trên bờ quanh co ẩn khuất sau những rặng cây đã tạo nên cảm giác thú vị cho người xem và làm cho mặt hồ như rộng lớn hơn. Trong đồ án năm 1943, KTS Lagisquet đã dự trù bố trí một công viên dạng bậc cấp từ  Dinh II đến Hồ Lớn bao gồm những vườn hoa, cây cảnh, bể, thác phun nước và các lối đi cho người thưởng ngoạn (muốn thực hiện được phải cắt bỏ đoạn đường Trần Hưng Đạo trước Dinh 2 và chuyển tuyến qua đường Khởi nghĩa Bắc sơn ngày nay). Dự án này nếu thực hiện được, kiến trúc nguy nga của dinh thự, có cây cảnh và vườn hoa rực rỡ sẽ trải dài từ trên đồi cao đến mặt hồ.
1.3   Yếu tố cây xanh
Thành phố Đà Lạt hiện nay, nhìn một cách tổng thể vẫn là một công viên khổng lồ với rừng thông bạt ngàn bao phủ. Bất cứ nơi nào trong thành phố cũng hưởng được không khí mát lạnh và thơm mùi nhựa thông, đâu cũng thấy màu xanh cây lá, ngàn vạn sắc màu rực rỡ của hoa quả vùng cao. Ở trong thành phố công viên khổng lồ này, ta sẽ tìm thấy khá nhiều nơi giúp con người được nghỉ ngơi và thư giãn, gần gũi với thiên nhiên.
Hiện nay vườn hoa thành phố vừa là nơi tham quan, nghỉ ngơi, giải trí, vừa là nơi nghiên cứu sưu tập phát triển các loại hoa, cây kiểng đặc thù của Đà Lạt.
Các thắng cảnh như hồ Đa Thiện, Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Cam Ly, Datanla, Prenn, hồ Tuyền Lâm,… hiện nay như là các công viên trong thành phố. Ở đây du khách có thể thưởng thức các tác phẩm tự nhiên của tạo hoá như thác, ghềnh, rừng cây, hồ nước,... Các biện pháp quy hoạch tổng thể  các thắng cảnh với đầy đủ các chức năng công viên, quản lý về mặt xây dựng và kinh doanh trong thắng cảnh đang được quan tâm nghiên cứu phát triển.

Công viên Yersin
Trong trung tâm thành phố Đà Lạt, trước đây còn có một số khoảng đất trống được giữ lại làm các tiểu công viên, đây chính là hệ thống cây xanh liên hoàn nối liền thành mạng lưới cây xanh thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, các khoảng “ dự kiến xanh” này đang mất dần để tạo thành các khu nhà ở, cơ quan. Điều này có khả năng làm thay đổi bộ mặt xanh của khu trung tâm thành phố.
Hệ thống cây xanh đường phố của Đà Lạt rất ít, nhất là ở các đường phố thương mại  như khu Hoà Bình, đường Phan Đình Phùng, đường 3/2, đường Nguyễn Văn Trỗi,... Tuy nhiên cây xanh trong khuôn viên công trình giờ vẫn còn rất nhiều. Đây chính là nét khác biệt so với thành phố khác và là nét độc đáo rất tự nhiên của Đà Lạt.
1.4   Yếu tố không gian kiến trúc
Đối với địa hình bằng phẳng, việc quy hoạch ô bàn cờ là giải pháp tốt khi sử dụng và tiện lợi về mọi phương diện. Để tạo cảm giác thẩm mỹ, người ta phải dùng đến các biện pháp: đắp đất tạo đồi, đào hồ tạo mặt nước, mở các mặt hồ để tạo thành các không gian biến động.
Thành phố Đà Lạt có địa hình mấp mô, uốn lượn, cộng với việc tổ chức hệ thống giao thông hình mạng nhện, đã tạo thành những không gian linh động, biến đổi không ngừng. Đi trên đường Trần Hưng Đạo, giữa rừng thông cao vút của Dinh II, bất ngờ chợt nhìn qua phía bên kia, cả một khoảng không gian kỳ ảo bỗng hiện ra dãy Lang Biang xanh thẫm  làm nền cho toàn cảnh bức tranh.
Đồi Cù ẩn hiện mấp mô giữa những thân thông thẳng tắp soi bóng xuống mặt hồ Xuân Hương phẳng lặng. Chỉ có Đà Lạt mới có được những bức tranh phong cảnh với đầy đủ sắc độ, không gian xa mà gần như vậy. Ở mọi nơi trong thành phố người ta đều thấy được đỉnh tháp chuông của nhà thờ Chánh Tòa. Chỉ cần mấy bước chân tìm đến, qua khỏi khúc quanh của đường Lê Đại Hành, thật bất ngờ ngay trước mắt là một công trình trang nghiêm với tháp chuông cao vút, sừng sững hiện ra trước mặt. Sau sự ngạc nhiên chính là cảm giác thành kính ngưỡng mộ đối với công trình kiến trúc đặc sắc này. Để tạo cảm giác trang nghiêm, ngoài hình dáng kiến trúc đối xứng tuyệt đối theo đúng bút pháp chủ nghĩa kiến trúc cổ điển Pháp, công trình còn có không gian mở rộng được đánh dấu bằng một công viên nhỏ có đặt một bức tượng Chúa với chức năng là đảo giao thông, tránh cho con đường từ dưới dốc lên đâm trực tiếp vào cổng nhà thờ.
Vừa đến cửa ngõ thành phố, ta có một cái nhìn bao quát toàn bộ thành phố, từng lớp nhà xếp lên nhau và tràn xuống thung lũng, ẩn hiện trong màu xanh của cây và sương mù cao nguyên. Về đêm, bầu trời dường như thấp xuống dưới chân du khách với muôn ngàn ánh sao ẩn hiện. Ở đồng bằng, điều này chỉ thấy được nếu nhìn từ máy bay.
 
2. CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC
Nói đến cảnh quan đô thị Đà Lạt, không thể không nói đến cảnh quan thiên nhiên và nghệ thuật bố trí công trình kiến trúc cũng như kiểu dáng đa dạng của kiến trúc. Đặc điểm của các công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố Đà Lạt là biết dựa vào môi trường thiên nhiên hiện hữu, nhẹ nhàng nép mình vào khung cảnh chung, tạo lập một công trình có dáng dấp như là một sản phẩm của tự nhiên, một bông hoa kiến trúc nở mọc lên từ  đất. Tất cả các kiến trúc đẹp ở  Đà Lạt đều chọn lựa bố cục tổng thể theo hình khối nằm ngang ổn định, gắn kết chặt chẽ với mặt đất, địa hình của địa điểm và khu vực chung quanh.
Về phong cách và ngôn ngữ kiến trúc, chúng ta nhận thấy các công trình kiến trúc thời thuộc Pháp đều có cơ sở thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và với điều kiện sinh hoạt của cư dân. Vì vậy kiến trúc Đà Lạt mang một dáng vẻ rất riêng. Qua thời gian dài xây dựng thành phố, phong cách kiến trúc đã có nhiều thay đổi, từ phong cách kiến trúc thuộc địa tiền kỳ đơn giản với những cửa cuốn vòm, hành lang bao quanh mặt bằng hình chữ nhật; phong cách tân cổ điển với những trang trí phong phú sáng tạo với những kiểu lợp mái bản thạch và cửa sổ tròn trên mái; phong cách kiến trúc địa phương Pháp thể hiện ở các kiểu biệt thự; phong cách kiến trúc hiện đại với những đường nét ngang bằng sổ thẳng.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là kiến trúc Đà Lạt là kiến trúc Pháp thuần túy. Nếu cho rằng Đà Lạt mang dấu ấn của các nhà kiến trúc Pháp thì ngược lại, các nhà kiến trúc này, khi sáng tác thiết kế cho các công trình ở Đà Lạt, cũng đã chịu ảnh hưởng của đặc điểm thiên nhiên Đà Lạt, nhất là các điều kiện về khí hậu thời tiết, cảnh quan môi trường. Hiện tượng giao lưu này là điều đương nhiên. Những kiến trúc ở Đà Lạt đã được sáng tạo từ nguồn cảm hứng địa phương để tạo dựng thành kiểu kiến trúc riêng độc đáo đầy bản sắc.
Có thể tạm phân biệt kiến trúc Đà Lạt theo  những phong cách sau:
- Phong cách tân cổ điển.
- Phong cách hiện đại chịu ảnh hưởng trào lưu hiện đại châu Âu 1920-1930.
- Phong cách kiến trúc địa phương Pháp.
- Phong cách kiến trúc kết hợp địa phương  đậm đà màu sắc dân tộc; phong cách kiến trúc khai thác đặc điểm địa phương, dân tộc bản địa, kết hợp kỹ thuật xây dựng mới để tạo thành kiểu kiến trúc mới đầy sáng tạo.
- Phong cách  kiến trúc cách tân tìm tòi thử nghiệm tính dân tộc cho kiến trúc hiện đại.
- Ngoài ra còn có khuynh hướng sao chép pha trộn các chi tiết của các trào lưu khác nhau không có trật tự nhất định.
2.1   Công trình công cộng
2.1.1 Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt
Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt nằm ở số 14, đường Yersin, phường 10, Đà Lạt, giáp với Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và cách nhà ga xe lửa không xa. Công trình được xây dựng từ năm 1939 và hoàn thành năm 1943.
Ngày 5-7-1894, Sở Địa dư Đông Dương được thành lập, trụ sở đặt tại Hà Nội. Đến năm 1940, sở được dời vào Gia Định. Cuối năm 1944, sở dời lên Đà Lạt với nhiệm vụ sản xuất và phát hành các loại bản đồ phục vụ  cho cả 3 nước Đông Dương. Ngày 1-4-1955, Nha Địa dư quốc gia được thành lập.
Đây là một công trình đồ sộ, mang sắc thái của một công trình hành chính có hình thức thể hiện theo kiểu kiến trúc hỗn hợp. Diện tích  toàn bộ khuôn viên của Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt rộng 30.670m2, nằm trên một sườn đồi dốc thoải.
Mặt bằng công trình chịu  ảnh hưởng của kiến trúc cổ điển với 2 trục đối xứng ngang và dọc, tổ hợp theo kiểu  hành lang giữa. Có một tầng hầm dùng làm kho bản đồ. Tầng trệt ở đây có hai dãy phòng hành chính ở hai bên hành lang, trung tâm là tiền sảnh và phòng tiếp khách, hai khối cầu thang và vệ sinh bố trí đối xứng hai đầu. Ở tầng hai là các phòng kỹ thuật chiếm một không gian rộng lớn. Ngoài ra, còn có tầng áp mái được dùng làm kho phụ.
Phân vị ngang được thể hiện rõ nét trên mặt đứng công trình. Dưới tầng trệt có những cửa sổ vòm kích thước lớn, những khung cửa sổ vuông vức đều nhau được bố trí ở tầng hai. Nhìn chung, dãy nhà làm việc chính án ngữ mặt tiền có hình khối gần như vuông vức. Toàn bộ tường xây bằng gạch đá dày gần 1m, mái lợp ngói  với độ dốc khá lớn theo kiểu kiến trúc vùng Normandie (miền Bắc nước Pháp) tạo cho công trình đầy vẻ uy nghi, quyền lực, phù hợp với tính chất của một công trình hành chính quốc gia.
Trong nội thất xuất hiện hệ vòm cuốn tại các bước nhịp (theo dạng cuốn trong kiến trúc Roman) để phân chia không gian, làm giảm bớt không khí nặng nề của các phòng kỹ thuật, đồng thời tạo cảm giác hành lang giao thông dường như ngắn lại.
Kết nối giữa sảnh chính của công trình với sân là những bậc thang đặt trên hệ kết cấu vòm bằng đá, trông thật duyên dáng và ấn tượng. Vòm cong của cầu đá kết hợp với đường cong nhẹ nhàng của con đường trải nhựa tạo ra một nét duyên riêng của Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt. Đây cũng  là điểm đặc sắc của công trình, làm cho nó khác với những công trình hành chính thông thường.

 
Bên cạnh đó, giống như công trình nhà ga xe lửa, hình dáng chung của khối nhà này được phỏng theo dáng dấp của một dãy núi cao, phần mái ở hai đầu hồi nhô cao hơn lên, tựa như dáng núi Lang Biang.
2.1.2 Chi cục thuế
Chi cục thuế Lâm Đồng nguyên là Ngân khố, là một trong những công trình có mặt sớm ở Đà Lạt, nằm ở góc đường Hà Huy Tập – Trần Phú, xây dựng năm 1915, do nhà thầu Julien thực hiện. Tầng hầm được xây kiên cố để làm kho an toàn chứa tiền bạc. Kiến trúc điển hình kiểu vùng Normandie: khung sườn gỗ sơn màu sẫm, xây tường lấp bằng gạch quét vôi màu nhạt, mái lợp ngói, có mái nhỏ bẻ góc,...

 
2.1.3 Trụ sở Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng
Trụ sở Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nguyên là Dinh Thống đốc Nam Kỳ, là một trong những công trình đầu tiên sớm có mặt ở Đà Lạt, về sau này chuyển thành Toà Hành chánh tỉnh Tuyên Đức, và nay là Trụ sở UBND Tỉnh Lâm Đồng.
 
Trụ sở UBND Tỉnh- Dinh Thống đốc Nam Kỳ
Đây là khu vực có vị trí cao và đẹp nhất trục đường trung tâm chính của thành phố Đà Lạt. Từ đây, tầm nhìn bao quát cả toàn vùng, về phía bắc trải dài đến dãy núi Lang Biang, về phía Nam là vùng cảnh quan rừng thông bạt ngàn. Kiến trúc công trình theo dáng dấp kiểu kiến trúc thuộc địa với tầng trệt xây toàn bằng đá gồm các phòng phụ thuộc, tầng chính ở bên trên có cầu thang ngoài trời và hành lang rộng rãi với cột bao quanh hướng mở tầm nhìn toàn cảnh về núi Lang Biang.
2.1.4 Nhà ga xe lửa Đà Lạt
Ga hỏa xa Đà Lạt  do kiến trúc sư Revéron thiết kế với khái niệm sáng tác theo hình thức kiến trúc Anglo-Normand mới,  chịu nhiều  ảnh hưởng của kiểu kiến trúc hiện đại. Kiến trúc sư Moncet đã hoàn chỉnh thêm một số chi tiết của hồ sơ thiết kế này và giám sát công trình. Kỹ sư Porte trực tiếp trông coi xây cất công trình kỹ thuật đường sắt. Đơn vị thi công là nhà thầu Võ Đình Dung. Công trình khởi công năm 1932 và hoàn thành năm 1938. Đây là lần đầu tiên người ta đưa yếu tố  mỹ thuật  kiến trúc và ý nghĩa của công trình vào việc xây dựng một công trình  có tính kỹ thuật. Từ nhà ga, tuyến đường sắt độc đáo vượt địa hình có bộ phận chuyên dụng móc răng cưa nối liền Đà Lạt với mọi miền đất nước qua ga Tháp Chàm đã được khai thông.
Toàn bộ khu vực ga nằm trên một khu vực bằng phẳng và rộng rãi. Nhà ga có chiều dài 66m, chiều rộng 11,5m, chiều cao đại sảnh 11m. Mặt bằng được tổ chức theo nguyên tắc gần như đối xứng qua một trục vuông góc với mặt tiền: một phòng lớn ở giữa (37m x 10m) và các phòng phụ nhỏ nối dài sang hai bên. Bố cục đăng đối thể hiện giữa các bộ phận kiến trúc: ở mái ngói đỏ  cao vút, những phần mái gấp, mái bẻ góc và ở những ô cửa sổ cùng với bức tường xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa. Sự đồ sộ của công trình thể hiện rõ  trên mặt cắt: hệ vì kèo đỡ mái bằng bê tông cốt thép có chiều cao hơn 6m, bằng với chiều cao của không gian sử dụng chính.
Ấn tượng nhất vẫn là toàn bộ khối mái công trình. Đập ngay vào mắt  người thưởng thức là 3 chóp mái tiếp nối  liền nhau chạy suốt từ đỉnh xuống bờ mái đón ở lối vào sảnh chính. Phía dưới của chóp mái có gắn nổi dòng chữ DALAT khá lớn. Vuông góc với 3  mái theo chiều ngang của công trình  là 2 mái dọc chạy về 2 phía và bẻ góc ở phần rìa mái. Tương ứng với 3 chóp mái là 3 cửa sổ với nhiều ô kính nhỏ, tạo nên sự khoáng đạt  cho mặt tiền và cho cả tòa nhà. Các ô cửa sổ  bằng kính màu nằm ngay ngắn trong hệ khung ô vuông đều đặn. Tất cả các chi tiết trang trí đều thực sự đơn giản, toát lên vẻ hiện đại của tổng thể công trình. Toàn bộ khối nhà tạo cho ta sự liên tưởng tới những đỉnh núi nhấp nhô của vùng đất cao nguyên.
Không gian nội thất  được chiếu sáng lung linh bởi các ô cửa kính nhiều màu ở phần chân mái. Đây chính là phòng chờ cho hành khách, một không gian rộng lớn với các góc cạnh và đường nét ngay hàng thẳng lối, vừa uy nghi cao cả nhưng cũng thật giản dị.

 
Đây là một công trình có kiến trúc đẹp  và độc đáo của thành phố Đà Lạt và của cả nước ta. Trước đây, nhà ga Đà Lạt đã từng được đánh giá là một trong những nhà ga đẹp nhất Đông Dương. Ngày 28-12-2001, Bộ Văn hoá – Thông tin đã ra quyết định công nhận ga Đà Lạt là Di tích Kiến trúc Quốc gia.
2.1.5 Nhà Thủy Tạ
 
Vào năm 1919, khi Hồ Lớn (Grand Lac) được tạo lập để tạo cảnh quan trung tâm Đà Lạt, kiến trúc sư Hébrard đã không quên nhấn nhá thêm  một nét duyên cho mặt hồ, và một đảo nhỏ hình oval gần như tròn (d = 64m- ­68m) đã hình thành, là điểm kết không gian của trục đường đi dạo từ khách sạn Palace để tiếp cận không gian mặt nước của hồ. Đầu tiên, một nhà sàn bằng gỗ xinh xắn như mời chào những khách nhàn du muốn dừng chân câu cá. Một thời gian sau, vào khoảng đầu thập niên 1930, nhà Thủy Tạ với chức năng là một Câu lạc bộ thể thao dưới nước (bơi lội, thuyền chèo,...) đã được xây dựng với kiến trúc tuy nhỏ mà độc đáo, có hình dạng tựa một chú ếch (grenouillère), cấu trúc nhà sàn trên cột như bay bỗng trên mặt nước. Hệ thống cầu nhảy ba cấp cao với mặt đứng chỉ gồm những nét thẳng dứt khoát và thanh mảnh. Sau đó, do nhiều nguyên nhân, phong trào thể thao bơi lội ở Đà Lạt không phát triển được, Câu lạc bộ được giao thầu khai thác như một quán giải khát nhỏ. Sau 1975, nhà Thuỷ Tạ trở thành một nhà hàng nhỏ dưới sự quản lý điều hành của Công ty Du lịch Lâm Đồng. Công trình kiến trúc nhà Thuỷ Tạ luôn được tô điểm với màu vôi trắng như nổi lên những màu xanh của quang cảnh thiên nhiên và đã trở thành một hình ảnh đặc trưng của Đà Lạt.
2.1.6 Viện Nghiên cứu hạt nhân
Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt là công trình hiện đại do Mỹ viện trợ, được chọn lựa xây dựng trên một ngọn đồi rộng 21ha, nằm ở phía đông bắc trung tâm Đà Lạt. Công trình này được dư luận báo chí đương thời quan tâm giới thiệu rộng rãi cả trong và ngoài nước.
Đồ án Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt được xây dựng từ năm 1961, do KTS Ngô Viết Thụ đảm nhận cùng các KTS  phụ tá: KTS Nguyễn Mỹ Lộc, KTS Phạm Quỳnh Lân, KTS Vũ Tòng. Người Mỹ cung cấp một đồ án kiểu mẫu, theo đó lò nguyên tử sẽ đặt trong một toà nhà vuông nối tiếp là những khối chữ nhật dành cho các phòng vật lý và hoá học.

 
KTS Ngô Viết Thụ đã phát biểu trong một cuộc họp báo:
“... Đã có sáng kiến sửa đổi hình thức bên ngoài các toà nhà để trước hết được thích hợp với phong cảnh đồi núi xung quanh và sau là để phù hợp với nền văn minh cổ truyền của chúng ta. Vì vậy nên toà nhà vuông chứa lò nguyên tử đã trở thành hình ống, toạ lạc giữa một cái cung tròn gồm có những phòng vật lý và hoá học. Khoảng trống giữa khung tròn và toà nhà hình ống chứa lò nguyên tử đã được biến thành một biểu tượng cho bát quái đồ, hình tròn trong đó có sự kết hợp giữa lối kiến trúc tối tân của thời đại nguyên tử và lối kiến trúc cổ truyền”.
Lời nói đó nói lên ý đồ sáng tạo của các nhà kiến trúc: kết hợp hài hoà giữa công năng công trình kiến trúc với cảnh trí thiên nhiên của Đà Lạt.
Lò nguyên tử TRIGA Mark II  hình tròn, bán kính 10m, nhô lên với một khối hình ống có điểm những trụ đứng mảnh chia nhỏ mặt tường lớn khô khan. Xung quanh hạt nhân trung tâm đó là những hạng mục kiến trúc xen kẽ cách ly bằng thảm cỏ vườn hoa, nối kết với nhau nhờ những đường hành lang theo hình tròn và đường trục xuyên tâm.
Lò phản ứng được đưa vào vận hành từ tháng 3-1963 với công suất 250 kW, là loại lò TRIGA Mark II do hãng General Atomic của Mỹ chế tạo.
Ba mục tiêu chính của lò là nghiên cứu, huấn luyện, sản xuất đồng vị (chữ viết tắt TRIGA gồm: T - Training, R - Research, I - Isotope production, GA - General Atomic). Diện tích xây dựng công trình gần  2.000m2, kinh phí xây dựng khoảng 22.000.000 đồng (tiền Sài Gòn cũ); giá trị thiết bị nhập là 700.000 USD.
Sau ngày giải phóng, trên cơ sở cũ, Viện Nghiên cứu hạt nhân được thành lập theo Quyết định số 64/CP ngày 26-4-1976 của Thủ tướng Chính phủ. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, sự tài trợ của Cơ quan  Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Nhà nước đã đầu tư công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân. Ngày 20-3-1984, lò phản ứng với tên mới IVV-9 chính thức đi vào hoạt động với công suất 500 kW, tăng gấp hai lần so với trước.
2.1.7 Viện Sinh học Tây Nguyên
Viện Sinh học Tây Nguyên nguyên là tu viện Dòng Chúa Cứu Thế, nằm ở phía tây bắc thành phố Đà Lạt ở độ cao 1548m, thuộc khu đất có diện tích 35ha, do ông Jean O’Neill khai thác từ năm 1925. Năm 1942, ông Jean Baptiste Cassaigne, Giám mục Sài Gòn đứng tên mua lại. Năm 1948, các cha Dòng Chúa cứu thế khởi công xây dựng tu viện này, đến năm 1952 hoàn thành. Đường dẫn từ đường chính vào tu viện dài hơn 500m tiếp cận một sân rộng rãi và bằng phẳng, có tầm nhìn thoáng đảng. Công trình theo kiểu kiến trúc mới, nhưng có bố cục hình khối đối xứng, cao 4 tầng với một tầng hầm ở về phía sườn đồi thấp. Mặt ngoài, phần lớn được xây ốp đá kiểu, tạo cảm giác rất vững chắc và bề thế. Lối vào chính nằm giữa trục chính của toà nhà, được nhấn mạnh bằng khối mái đón vươn hẳn ra ngoài, được đỡ bằng 2 trụ xây đá kiểu vừa to vừa mạnh mẽ.
Các tiện nghi kỹ thuật rất hiện đại vào thời đó: sử dụng hầm khí sinh vật (biogaz) cung cấp khí đốt, hệ thống bơm nước từ thung lũng suối đưa lên công trình.
Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền địa phương đã sử dụng cơ sở này cho các hoạt động công ích. Đến ngày 5-9-1978, công trình được chuyển giao cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Đà Lạt (nay là Viện Sinh học Tây Nguyên).
2.1.8 Công ty Vắc-xin Pasteur Đà Lạt
Công ty Vắc-xin Pasteur Đà Lạt  nguyên là Viện Pasteur Đà Lạt.
 
Viện Pasteur Đà Lạt - viện Pasteur cuối cùng trong các viện Pasteur ở Đông Dương -  được khánh thành ngày 1-1-1936. Ngoài việc sản xuất vắc-xin, Viện Pasteur Đà Lạt còn có nhiệm vụ xét nghiệm nước và thực hiện các xét nghiệm khác về giải phẫu bệnh học, xác định sức khoẻ của người dân trên toàn vùng cao nguyên, không chỉ riêng cho Đà Lạt.
Kiến trúc của Viện Pasteur Đà Lạt chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu kiến trúc mới. Công trình được tổ hợp bởi những mảng khối hình chữ nhật. Sử dụng các hình khối mạnh mẽ, đường nét đơn giản, rõ ràng. Mặt đứng phản ánh khá trung thực cấu trúc của mặt bằng. Hệ mái bằng có phần tường xây cao hơn mái hắt là một nét mới trong hình thức kiến trúc thời kỳ này. Ôvăng đưa ra xa, xử lý thoát nước bằng hệ thống sênô đúc bêtông cốt thép. Toàn bộ cửa sổ đều có hình vuông vức, duy nhất một cửa sổ tròn nhấn mạnh ở vị trí lối vào chính.
2.1.9 Chợ Đà Lạt


Năm 1929, một ngôi chợ bằng gỗ, mái lợp tôle, có tên gọi là Chợ Cây được xây cất  tại vị trí Hội trường Hoà Bình hiện nay, thay cho khu họp chợ ở ấp Ánh Sáng. Chợ và khu vực chung quanh đã tạo nên một trung tâm rất sôi động của sinh hoạt thành phố lúc bấy giờ. Năm 1937, một trận hoả hoạn lớn xảy ra, thiêu rụi chợ với hàng quán chung quanh. Sau đó, nhà cầm quyền đương thời cho xây dựng lại ngôi chợ mới bằng gạch khang trang, đáp ứng nhu cầu mua bán sinh hoạt cho hơn 6.500 người dân. Công tác này được nhà thầu SIDEC đảm nhận. Chợ Đà Lạt hoàn thành một thời được xem như là biểu tượng của thành phố cao nguyên. Ngay mặt tiền ngôi chợ, trên tường đầu hồi (fronton) có gắn nổi huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc, người nữ mang gùi, người nam tay cầm ngọn giáo nhắm vào một con cọp. Bên dưới có một câu cách ngôn bằng tiếng latin chiết tự khéo léo thành danh xưng Dalat: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem có nghĩa là cho người này niềm vui, cho người khác sự mát mẻ. Họa báo Châu Á mới (L’ Asie nouvelle illustrée), số 56, xuất bản năm 1937 đã có bài viết về ngôi chợ: “Ngôi chợ này tuy kiến trúc giản dị, nhưng rất độc đáo”. Ngôi chợ đã trở thành biểu tượng của Đà Lạt, một hình ảnh quen thuộc trong ký ức của những người từng sống lâu năm ở đây.
Sau năm 1954, Đà Lạt trở nên đông đúc với số dân hơn 53.000 người. Năm 1958, chính quyền Sài Gòn đã cho chỉnh trang lại khu vực trung tâm thương mại. Vùng đất trống dưới thung lũng được tính toán xây dựng một ngôi chợ mới có 2 tầng và một sân thượng. Vào lúc đó, đây là một trong những ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam. Công trình do KTS Nguyễn Duy Đức thiết kế, nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu đảm nhận thi công.
Khi KTS Ngô Viết Thụ từ Pháp về, ông được mời tham gia đồ án chỉnh trang tổng thể khu vực thung lũng từ cầu Ông Đạo trở vô. Ông thiết kế bổ sung một cầu thang lớn nối từ khu Hòa bình vào tầng lầu của chợ, các dãy phố buôn bán và hệ thống đường giao thông bao quanh.
Riêng về ngôi chợ cũ, cùng thời gian đó, được thiết kế cải tạo thành rạp hát Hòa Bình với các cửa hàng thương mại dịch vụ chung quanh. Đồ án thiết kế do hai KTS Huỳnh Kim Mãng và Lâm Du Tốt thiết lập.
Năm 1993, nhân kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, chợ Đà Lạt được chỉnh trang nâng cấp mở rộng như hiện nay.
2.2   Khách sạn
2.2.1 Hôtel du Lac



Khu trung tâm Đà Lạt bên hồ lớn năm 1925 Năm 1907, khách sạn đầu tiên ở Đà Lạt được xây dựng theo dạng “Châlet” bằng gỗ mái lợp tôle dợn sóng có tên là Sala, sau này đổi  tên là Hôtel Desanti, cuối cùng đổi tên là Hôtel du Lac (Khách sạn bên hồ) khi hồ lớn được hoàn thành vào năm 1919. Lúc xưa đó là một quần thể kiến trúc gồm nhiều nhà nghỉ biệt lập nhỏ (Bungalow), nằm rải rác trong một công viên rộng rãi tiếp cận bờ hồ, được nối liền nhau nhờ một con đường nhỏ dẫn về  nhà đón tiếp có quy mô lớn hơn. Hiện nay vị trí khách sạn này là khách sạn Hàng không.
2.2.2 Sofitel Dalat Palace
Langbian Palace là một công trình kiến trúc có tầm cỡ được xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt với ý đồ  trang bị cho “Thủ phủ Đông Dương” một nơi đón tiếp du khách có đầy đủ tiện nghi. Năm 1916, Toàn quyền Roume  đã cho xây dựng một đại khách sạn và khách sạn Langbian Palace đã được khai trương vào năm 1922.
Khuôn viên khách sạn rộng đến 40.320m2, xung quanh công trình là vườn hoa, cây cảnh, thảm cỏ và rừng thông. Xét về vị trí xây dựng thì khách sạn này có ưu thế rất lớn. Nằm trên vị trí đã được quy hoạch dành riêng cho mình, công trình  có một cảnh quan kiến trúc tuyệt diệu. Cận cảnh là khuôn viên nhà Thủy Tạ, hồ Xuân Hương, đồi Cù,… Hậu cảnh là dãy núi Lang Biang xanh thẫm. Tất cả các  yếu tố này cùng hòa quyện với nhau trong một tổng thể  thống nhất, thật ấn tượng và quyến rũ. Cũng như những công trình kiến trúc khác trong tổng thể quy hoạch chung đương thời, khách sạn Palace  được thiết kế  có mặt tiền hướng  về phía núi Lang Biang. Nét độc đáo và bất ngờ nhất là tầm nhìn từ mặt đứng  chính của công trình ôm trọn chiều dài lớn nhất  của lòng hồ uốn lượn theo hình  dạng đồi Cù. Có một hệ thống bậc thang trải dài  theo sườn đồi, từ phía Hồ Xuân Hương đến tận lối vào chính. Chi tiết này làm cho khách sạn Palace thêm phần uy nghi, duyên dáng mà những khách sạn khác không có được.
Khách sạn Palace được xây dựng theo hình thức kiến trúc hiện đại kết hợp với trường phái cổ điển. Khách sạn gồm 3 tầng, phần tầng trệt nhô cao hơn mặt sân để tạo thêm một tầng hầm và lối vào với hệ thống bậc thang sang trọng. Là một công trình phát triển  theo chiều dài, khối chính giữa nhô cao 3 tầng với hệ mái bằng, hai khối ở hai bên thấp  hơn một tầng  và mái lợp ngói.
Mặt bằng hoàn toàn đối xứng qua hai trục  vuông góc. Nội thất được chia làm hai dãy phòng với một hành lang giữa. Các phòng khách, phòng họp có diện tích rộng, trang trí sang trọng nhưng vẫn tạo được cảm giác ấm cúng. Các phòng ngủ bố trí đều theo mạng lưới  cột 6m x 8m, được bày biện theo bố cục nội thất của các “Palace” Tây phương, với lò sưởi đốt củi và các tiện nghi sinh hoạt hiện đại.
Bên cạnh các phòng ngủ còn có phòng khánh tiết dùng cho hội họp, tiếp kiến, họp báo sang trọng. Khách sạn càng thêm phần lộng lẫy bởi những dãy đèn chùm quý dọc các hành lang. Cầu thang khách sạn được ốp gỗ và trang trí rất sang trọng. Cũng như đa số các công trình khác ở Đà Lạt, tại đây sàn nhà bằng bêtông cốt thép ốp gỗ cứng (sàn parquet) và vật dụng nội thất đều làm bằng gỗ, một loại vật liệu có rất nhiều ở địa phương.
Những yếu tố hiện đại ở mặt bằng kể trên lại được đặt trong hệ kết cấu  bao che với những  trang trí  theo hình thức kiến trúc cổ điển. Mặt đứng được tô điểm với nhiều họa tiết  trang trí  trau chuốt  trên khung cửa sổ, nhất là phần sát mái. Mái hắt trên tầng hai chạy viền xung quanh khối nhà, phía dưới có dãy trụ đỡ  tạo nên những điểm nhấn nhẹ nhàng, giảm bớt sự nặng nề của một khối công trình vuông vức. Sân thượng được viền quanh bằng tường chắn xây kép. Đặc biệt trên mặt đứng không thấy xuất hiện  hệ thống balcon hay logia như vẫn thường thấy trong kiến trúc khách sạn.
Đúng như tên gọi của mình, khách sạn này mang dáng dấp của một cung điện nguy nga. Tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ nhìn xuống hồ Xuân Hương thơ mộng, khách sạn Palace như một tòa lâu đài tráng lệ nổi bật giữa thảm cỏ mượt mà, như một dấu chứng kiến trúc mang đậm hình thức kiến trúc châu Âu đầu thế kỷ XX.
2.2.3 Novotel Dalat
Nằm trên đường Trần Phú, khách sạn Novotel Dalat nguyên là khách sạn Hôtel du Parc (Khách sạn Hoa viên) xây dựng vào năm 1932 và được thiết kế theo kiểu kiến trúc hiện đại.
Mặt bằng công trình có bố cục hợp khối hình chữ nhật, theo kiểu bố trí khách sạn kinh điển: hành lang ở giữa, các phòng khách sạn ở hai bên, được hưởng đầy đủ ánh sáng và khí trời tự nhiên. Có một trục đối xứng vuông góc với sảnh chính, hai khối ở hai đầu hồi có kích thước mở rộng hơn. Khách sạn gồm bốn tầng, trong đó có một tầng hầm. Chính giữa tầng trệt là đại sảnh có salon thư giãn tiếp khách. Giao thông đi lại gồm cầu thang bộ và thang máy, hai đầu có thêm hai khối thang phụ phòng khi thoát hiểm.
Ở các tầng trên, các phòng ngủ được bố trí  hai bên hành lang giữa. Đặc biệt mỗi phòng đều có một tiền phòng (phòng đệm) sang trọng, tạo không gian chuyển tiếp đổi hướng tránh tầm nhìn chính diện vào giường ngủ, sàn phòng và đa số các vật dụng làm bằng gỗ.
Mặt đứng sử dụng những đường nét mạnh mẽ, vuông vức. Không có sự xuất hiện của hệ balcon hay logia. Trên cùng là mái lợp ngói nhưng độ dốc rất nhỏ. Hệ console bằng bêtông cốt thép đỡ mái hắt vươn ra khoảng 1,5m, đặc biệt là  sự góp mặt của diềm mái ngói thay  cho ôvăng cửa sổ ở tầng trệt - một hình thức kiến trúc dân gian Việt Nam đã được đưa vào công trình.
2.2.4 Khách sạn Công đoàn
Khách sạn Du lịch Công đoàn nằm ở đường Yersin, xây dựng từ năm 1936.
Ngày trước, đây là biệt thự của bác sỹ Lemoine, nằm trên một ngọn đồi cạnh hồ Xuân Hương có diện tích hơn 15 ha. Sau đó bác sỹ Sohier thành lập một dưỡng đường tư. Kiến trúc mang dáng dấp vùng Bretagne với sự phô diễn các khối tường đầu hồi tam giác vững chắc và mạnh mẽ. Cảnh quan khu vực rất yên tĩnh, thơ mộng với rừng thông được gìn giữ tương đối tốt, trải tầm nhìn về mặt nước hồ Xuân Hương và toàn cảnh trung tâm thành phố xa xa.
2.3   Trường học
2.3.1 Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt
Trường Lycée Yersin được hình thành từ 2 trường: Petit Lycée (khánh thành năm 1927) và Grand Lycée (khởi công xây dựng năm 1929 và hoàn thành năm 1941). Ngày 28-6-1935, trường Grand Lycée mang tên Lycée Yersin. Về sau, trường đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Hùng Vương, hiện nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Trước đây, khuôn viên đất dành cho 7trường có tổng diện tích 22,3ha, nằm cạnh bờ hồ Xuân Hương. Toàn bộ khu vực chính gồm 8ha, nằm trên đỉnh đổi tương đối bằng phẳng. Sườn phía tây và tây nam nghiêng về phía hồ Xuân Hương. Sườn phía nam có độ dốc tương đối cao, nhìn xuống thung lũng, giáp Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt. Sườn phía bắc khá bằng phẳng có một sân bóng đa dụng.
Công trình này do kiến trúc sư  Moncet  thiết kế, với việc vận dụng táo bạo về mặt kích thước của kết cấu, cũng như dùng gạch ép ốp tường và mái lợp ngói ardoise (thạch bản) xanh đen được vận chuyển từ Pháp sang.
 
 Đây là một ngôi trường có kiến trúc độc đáo hiếm thấy không chỉ ở nước ta, được  xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XX, ảnh hưởng bởi hình thức kiến trúc tân cổ điển. Bố cục mặt bằng chặt chẽ, tổ hợp kiểu hành lang bên. Tầng trệt để trống làm sân chơi trong nhà (préau) với những cột tròn, khẩu độ  8 x 8m. Tầng lầu gồm các lớp học, bên ngoài mỗi lớp đều có tủ âm tường là nơi để áo khoác, áo mưa của học sinh. Nếu đứng trên quan điểm của các nhà kiến trúc  theo chủ nghĩa công năng thì việc lựa chọn hình dạng mặt bằng của các lớp học trong công trình này (tường không xây theo đường thẳng mà bị ép uốn cong theo hình dáng tổng thể, nhằm đề cao hình tượng nghệ thuật của công trình) gần như dẫn đến kết quả  “hình thức phi công năng”.
Khối lớp học “uốn mình” theo một đường cung tròn mềm mại (vòng cung ngoài dài 90m, vòng cung trong dài 77m), ôm lấy khoảng sân khá rộng và một tháp chuông lợp ngói thạch bản vút lên cao 54m, như một dấu ấn mạnh mẽ hình cây bút vươn cao giữa rặng thông xanh, soi bóng xuống mặt hồ Xuân Hương thơ mộng. Trên mặt  đứng khối lớp học, cứ mỗi bước cột lại có hai vòm cung tròn  xây bằng gạch đất nung  với tỷ lệ hài hòa tạo nên vẻ đẹp thanh thoát  cho khối nhà. Nét cách tân trong khối lớp học thể hiện ở phần mái dốc, bẻ góc ở phần đuôi mái, có hệ thống cửa sổ mái.
Cùng một trục với dãy lớp học chính, qua một dãy  hành lang nối  có mái che  bằng bê tông lượn sóng  và hai hàng cột tròn là khối hành chính. Đây là một tòa nhà hai tầng gồm ba phần mái nhà liên thông  nhau theo hình chữ U. Công trình được thiết kế theo hình thức tân cổ điển Pháp. Mặt bằng  hoàn toàn đối xứng, gồm 5 phần: phần giữa  là một  sảnh lớn, hai bên là hai buồng lớn và hai khối đầu hồi  là các  buồng nhỏ.
Song song với hai dãy  hành chính là hai dãy  nhà (mỗi dãy gồm một tòa nhà ba tầng, một tòa nhà hai tầng)  có kết cấu  và trang trí  mặt đứng đơn giản hơn, vừa dùng làm phòng học, vừa dùng làm ký túc xá cho học sinh. Vuông góc với các dãy nhà trên  là một  tòa nhà có quy mô  nhỏ hơn dùng làm hội trường, phòng thí nghiệm,… Lối đi giữa các khu được nối bằng những dãy hành lang có mái che  bằng bêtông lượn sóng, góp phần tô điểm  thêm cho nét duyên dáng của tổng thể.
Trong toàn bộ ngôi trường, đẹp nhất vẫn  là dãy lớp học chính với đường nét thanh nhã, rõ ràng, hài hòa với vật liệu xây dựng. Khối hành chính, khối lớp học và phòng thí nghiệm cũng kết thành một dạng kiến trúc Thụy Sĩ. Riêng dãy nhà nghỉ, nhà giặt, phòng hội trường,… lại được thiết kế theo dạng kiến trúc thông dụng của các trường học ở Pháp.
Nhìn chung, đây là công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn châu Âu, nhưng cũng đồng thời kết hợp được nhiều chi tiết kiến trúc bản địa để tạo thành một công trình kiến trúc hòa hợp giữa Đông và Tây. Được đánh giá là một kiến trúc theo phái hiện đại lúc bấy giờ, với công trình xây dựng trên vị trí tổng mặt bằng do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết lập, đây quả là một thành công của các tác giả khi gắn bó tổng thể công trình với địa hình khu vực, xứng đáng được các nhà phê bình, các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX. Ngày 28-12-2001, Bộ Văn hoá – Thông tin đã công nhận Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là Di tích Kiến trúc Quốc gia.
2.3.2 Trường Lê Quý Đôn
Trường Le Sacré Coeur thành lập năm 1941, hai năm sau đổi tên là trường Adran, dạy chương trình tiểu học, rồi mở thêm trung học. Đây là trường nam trung học dạy chương trình Pháp, có nội trú dành cho con em gia đình khá giả. Trường được xây dựng trên một khu đất tương đối bằng phẳng ở đường Lương Thế Vinh.
Trường được thiết kế có đầy đủ tiện nghi dành cho một trường nam trung học, gồm các khối lớp học, văn phòng, hội trường đa dụng, phòng thí nghiệm, khu nội trú, sân chơi, khu thể thao có cả sân bóng chuyền, bóng đá. Kiến trúc trường có đường nét ngay ngắn, khung sườn bê tông cốt thép, tường xây gạch, mái lợp ngói dốc được tô điểm thêm bằng các cửa sổ mái (lucarne). Hiện nay, trường Adran là trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, một phần là trường tiểu học thực nghiệm Lê Quý Đôn.
2.3.3 Trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng
Trước kia, trường nữ tu Couvent des Oiseaux còn có tên gọi là Đức Bà Lâm Viên (Notre Dame du Langbian), hiện nay là Trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng nằm ở góc đường Huyền Trân Công Chúa – Hoàng Văn Thụ, thuộc phường 5, thành phố Đà Lạt. Đây là trường nữ trung học đầu tiên dạy chương trình Pháp, xây dựng vào năm 1934, trên một đỉnh đồi khá bằng phẳng. Sườn phía đông bắc có độ dốc khoảng 30-400 đổ xuống đường Huyền Trân Công Chúa, phía đông có độ dốc nghiêng xuống thung lũng khóm Nam Thiên, phía bắc có độ dốc đổ xuống hướng Du Sinh.
 
Công trình này được thiết kế theo hình thức kiến trúc kết hợp, có thể tìm thấy ở đây những nét cổ điển xen lẫn hiện đại. Khối lớp học được thiết kế hai tầng, tổ hợp theo kiểu hành lang  bên. Mặt tiền có sảnh nhô ra, phía trên là hình tam giác. Tường ngoài tầng trệt  của một khối được ốp đá với những cửa sổ hình cung gãy, các tầng trên có tường xây gạch và cửa sổ ô vuông . Sự kết hợp theo kiểu dưới thô trên tinh này là nét đặc trưng của kiến trúc Phục Hưng. Phòng chờ ở sảnh chính rộng khoảng 30m2, có bậc cấp và hành lang để đi vào phía trong, hàng lang sau  đi vào lớp, nhà ngủ và nhà ăn. Công trình bám theo dáng địa hình, do đó có sự giật cấp, tạo ra các không gian phong phú và sinh động. Phía cánh sau bố trí nhà ở của các nữ tu, giáo viên và nhà hiệu trưởng.
Mặt bằng tổng thể  khá quy mô, có sân chơi trong trường, riêng sân trường phía trước rộng và khá đẹp.
Cạnh trường còn có một nhà nguyện dành cho khoảng 200 nữ tu với kiến trúc theo kiểu ogival, có một lầu chuông nhỏ, mặt bằng hình chữ nhật, bước cột tương đối nhỏ. Nội thất công trình thật ấn tượng với hệ thống chiếu sáng và kết cấu  đỡ mái. Mái có độ dốc khá lớn, đỡ mái là hệ khung bê tông cốt thép, li tô gỗ, mái lợp ngói đất  nung. Tường  rất thấp, không gian nội thất được chiếu sáng bởi những cửa sổ kính màu được chia ô nhỏ.
Cửa chính mang đậm nét kiến trúc gothic, có hình cung gãy và đá ốp dossage, các họa tiết trang trí (có tỷ lệ rất đẹp) làm bằng sắt được gắn trên hai cánh cửa gỗ. Tường ngoài khối nhà này cũng ốp đá theo kiểu dossage kết hợp  với bê tông phun gai  nhằm tạo nên những nét thô nhám, mạnh mẽ cho công trình. Điểm trên mảng tường lớn  là một vài cửa sổ hình lưỡi mác. Trường học và nhà nguyện nối nhau bởi một lối đi với hệ thống bậc thang và hành lang bằng đá.
Toàn bộ khu vực trường có kiến trúc khá đẹp và hài hòa với rừng thông bao bọc xung quanh, tạo không khí yên tĩnh, thoáng mát, rất phù hợp với việc giảng dạy và học tập.
2.3.4 Trường Đại học Đà Lạt
Theo đồ án quy hoạch Đà Lạt năm 1923 của KTS Hébrard, một vùng đất rộng lớn phía bắc thành phố được dành cho khu quân sự. Năm 1930, một trại lính được thành lập trên một khu đất cao ráo rộng 38ha, nằm cạnh sân golf, mang tên là trại Courbet (Camp Courbet). Năm 1939, trại lính chuyển thành Trường Thiếu sinh quân (École d’Enfants de Troupe). Đến năm 1957, Viện Đại học Đà Lạt được thành lập trên cơ sở trường này, thuộc quyền sở hữu của Hội đồng Giám mục Công giáo miền Nam Việt Nam. Chương trình chỉnh trang được KTS Nguyễn Mỹ Lộc nghiên cứu thiết lập dựa theo quan niệm mới về thiết kế trường đại học của Mỹ (The Long-range Campus). Đó là cách tổ chức, bố trí các công trình chức năng nằm phân tán trong công viên xanh đẹp, yên tĩnh, nối liền nhau bằng những con đường đầy hoa cỏ và bóng mát cây xanh. Có hơn 40 công trình làm thành một quần thể kiến trúc đẹp nằm ẩn mình trong rừng thông tĩnh lặng. Mỗi hạng mục kiến trúc đều có nét riêng, cũ có, mới có. Đa số là kiến trúc mới với mặt tường ốp đá và đá rửa. Nổi bật nhất là nguyện đường Năng Tĩnh với tháp chuông hình khối tam giác vững chãi vượt cao 38m lên nền trời xanh. Đối với cảnh quan thành phố, từ tầm nhìn chính, đây là điểm nhấn táo bạo nhưng đạt hiệu quả thẩm mỹ.
Sau năm 1975, trường được khôi phục như  là một trường đại học tổng hợp có quy mô vùng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực đa ngành cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Trường Đại học Đà Lạt là một trong những trường đẹp nhất trong cả nước với cách bố trí rất đặc trưng Đà Lạt: hơn 40 công trình lớn nhỏ nằm ẩn khuất trong khuôn viên cây xanh gần 30 ha rất thích hợp cho việc học tập, nghiên cứu khoa học.

Toàn cảnh Đại học Đà Lạt (1960)
Trong những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu to lớn của xã hội, trường đã không ngừng mở rộng quy mô đào tạo. Để kịp thời thích ứng với quy mô đào tạo mới này, nhà trường tiếp tục nâng cấp, cải tạo một số hạng mục đã xuống cấp, trong đó đáng chú ý là khu giảng đường A30 (xây dựng năm 1996 với diện tích sàn 1.000 m2), nhà A27 (xây dựng năm 1998 với diện tích sàn 2.959,5m2), nhà A8 (xây dựng năm 1992 với diện tích sàn 1.518m2), thư viện (xây dựng năm 2003 - 2004 với diện tích sàn 8.424 m2), nhà thể thao đa năng (xây dựng năm 2003). Nhà thể thao đa năng được bố trí thích hợp ở vị trí thung lũng, chung quanh có cây xanh bao bọc nên mặc dù sử dụng đường nét kiến trúc mới, hiện đại, mạnh khoẻ nhưng không ảnh hưởng lớn đến nét chung của tổng thể.
Trái lại, hai khu giảng đường A27, A30 đặt khá gần đường giao thông chính với hình thức khác hoàn toàn với các kiến trúc cũ hiện hữu, đã làm cho tổng thể có hiện tượng bị chia cắt đột ngột, mặc dù riêng bản thân công trình đã có được sự nghiên cứu công phu.
2.3.5 Trung tâm Đào tạo của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
Đây nguyên là Giáo hoàng Học viện Pio X, một cơ sở tôn giáo có dáng dấp hiện đại, nơi đào tạo linh mục cho toàn miền Nam trước đây. Đại chủng viện được xây dựng xong vào năm 1957, do KTS Tô Công Văn, giáo sư Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn thiết kế. Nằm bên cạnh Đồi Cù, thấp thoáng trong vườn cây xanh, Giáo hoàng Học viện Pio X là một công trình kiến trúc đẹp của thành phố Đà Lạt. Chính ở đây, kiến trúc đã giải quyết mối tương quan giữa con người và tự nhiên bằng một giải pháp tương đối êm đẹp. Để có chỗ cho hàng trăm người vừa ăn, vừa ở, vừa học tập trên một diện tích không lớn ở trung tâm thành phố, KTS Tô Công Văn đã giải quyết các khối nhà bốn tầng bố trí giật cấp theo địa hình sườn đồi và các phần phụ tận dụng khéo léo ở tầng hầm. Toàn bộ diện tích còn lại, hơn 80% là công viên cây xanh, sân tập thể thao, đường giao thông và đường đi dạo. Ở đây, nhu cầu ăn ở của con người đã được giải quyết đầy đủ,  cây cỏ, đường đi dạo, nơi giải trí, sân chơi chung và cho từng tầng đều đạt yêu cầu cao. Ngày nay, công trình này là Trung tâm Đào tạo của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
2.4   Kiến trúc dinh thự
Đà Lạt có một số dinh thự lớn như Dinh I, II, III,... Đây chính là những toà nhà lớn  được xây dựng đặc biệt dành cho các nguyên thủ quốc gia.
Đặc điểm của các dinh thự này là kiến trúc chính luôn ngự trị trên đỉnh đồi cao, nơi có điểm nhìn đẹp nhất, khống chế toàn bộ  khu vực chung quanh, thường gắn liền với khu vườn lớn bên cạnh làm nền đẹp cho công trình và làm nơi dạo chơi, ngoạn cảnh.
2.4.1 Dinh I
Dinh I là một hệ thống công trình rất lớn ở đường Trần Quang Diệu, thuộc phường 10, thành phố Đà Lạt, nằm cách trung tâm Đà Lạt chừng 4km về hướng đông nam, trên một ngọn đồi với cảnh quan đẹp và thơ mộng, độ cao 1550m có rừng thông bao quanh. Tổng diện tích khoảng 60ha, độ dốc trung bình khoảng 500. Nguyên đây là biệt thự của nhà triệu phú - một viên chức người Pháp - Robert Clément  Bourgery. Ông là chủ nhà máy điện ở Thượng Hải và đã cho xây dựng biệt thự này vào trước những năm 1940. Công trình được xây dựng ở giữa rừng thông, trên một chỏm đồi nhìn xuống thung lũng rừng săn bắn xưa kia của Bảo Đại.

Sau khi Bảo Đại được người Pháp  đưa trở lại nắm quyền (1949), thấy nơi đây  khá đẹp và yên tĩnh nên chính phủ Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng đã mua lại từ tháng 8-1949 và cho sửa sang toàn bộ dinh cơ này. Vua Bảo Đại đã dùng dinh cơ này làm tổng hành dinh và nơi làm việc cho các quan chức. Đến năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng làm dinh dành riêng  cho Tổng thống. Dinh được sửa sang lại, làm thêm đường hầm, hai bên có phòng làm việc của các phụ tá, sỹ quan,… Đường hầm này là lối thoát hiểm, kín đáo  thông ra một sân bay trực thăng nhỏ, đề phòng các cuộc pháo kích và đảo chính. Sau khi Ngô Đình Diệm bị trừ khử, dinh thự này vẫn được dùng làm nơi nghỉ mát của các nguyên thủ quốc gia kế tiếp của chế độ cũ cho đến năm 1975. Sau năm 1975, dinh được dùng làm nhà khách của Trung ương và sau đó do Công ty DRI quản lý và sử dụng.
Dinh nằm trong một rừng thông xanh thẫm. Lối vào dinh là một  con đường rải nhựa với hai hàng cây tràm thân trắng cao vút. Cuối con đường là một đảo hoa hình quả trứng (oval) làm bình phong trang trí để xoay chuyển hướng đến sảnh đón chính của toà nhà. Chính yếu tố này đã tôn thêm vẻ cổ kính cho công trình. Quanh đó còn có một số hạng mục công trình kiến trúc khác như nhà dành cho ngự lâm quân, nhân viên phục vụ và một hệ thống sân sườn, bể nước vòi phun, lối đi dạo, vườn ngự uyển dẫn vào rừng săn bắn có chỗ nghỉ chân với hồ tắm thiên nhiên tạo thành một quần thể kiến trúc đẹp, sang trọng và hoàn chỉnh.
Tòa nhà chính gồm một tầng hầm, một tầng trệt, một tầng lầu. Mặt bằng được bố cục đối xứng với lối vào chính giữa, hệ thống cầu thang và hành lang  mở ra hai bên. Tầng trệt có sảnh lớn, phòng tiếp khách, phòng họp lớn,... Lầu 1 gồm các phòng ngủ bao quanh một hành lang giữa.
Dinh I được xây dựng kiên cố, tường xây gạch đá, mái lợp ngói. Trên mái có nhiều cửa sổ, mái bẻ góc ở đuôi, có một số ống khói. Nét cổ điển không chỉ thể hiện ở  sự đối xứng nghiêm ngặt trong mặt bằng mà còn nằm trên hệ cửa sổ với những vòm cung tròn. Phần nửa dưới của tầng trệt xây bằng đá chẻ, phần còn lại xây gạch. Toàn bộ hệ thống cửa, cầu thang, sàn lầu, vật dụng đều bằng gỗ. Cửa chính cũng  có dạng vòm cung nguyên nhưng lại được kết hợp với mái đón bằng ngang, đó là một điểm cách tân trong kiến trúc dinh I. Mặt đứng công trình được trang trí với nhiều tiểu tiết càng làm tăng thêm dáng vẻ cổ kính, uy nghi mà tao nhã. Dinh I là một công trình kiến trúc độc đáo, thể hiện rõ những ảnh hưởng của trào lưu kiến trúc tân cổ điển của châu Âu.
2.4.2 Dinh II
Dinh II là dinh thự mùa hè của Toàn quyền Decoux hay còn gọi là Dinh Toàn quyền, là nơi ở và làm việc của Toàn quyền Decoux vào mùa hè hàng năm (từ tháng 5 đến tháng 10). Tọa lạc trên một đồi thông rợp bóng với độ cao 1539m so với mực nước biển, được bao bọc bởi đường Trần Hưng Đạo và Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Diện tích rộng khoảng 26ha, trong đó khu dinh thự 10ha và khu vực cảnh quan được quy hoạch 16ha.

Đây quả là một toà lâu đài tráng lệ gồm 25 phòng được bài trí cực kỳ sang trọng, nằm trên đỉnh đồi cao, quanh năm bát ngát thông xanh và xen giữa là những thảm cỏ mọc tự nhiên. Từ độ cao này, phía trước, qua  những tán lá thông có thể nhìn thấy thấp thoáng mặt hồ Xuân Hương gợn sóng lăn tăn ở cách xa khoảng 500m. Phía bắc hồ là đồi Cù với những mặt cỏ xanh mướt, và xa hơn nữa đỉnh núi Lang Biang ẩn hiện trong mây. Tất cả như một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp.
Công trình này do các KTS A.T. Kruzé, D. Veyssere, A. Léonard thiết kế và P. Foinet trang trí nội thất. Việc xây dựng tiến hành từ năm 1933 đến năm 1937 mới hoàn tất. Hình thức kiến trúc dinh thự này chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu cách tân kiến trúc châu Âu. Sự cách tân được thể hiện ở việc nó được thiết kế với các mái bằng đồ sộ, bố cục hình khối lớn ở dạng cân bằng không đối xứng. Cả mặt bằng và mặt đứng công trình đều được giải phóng khỏi thế đối xứng nghiêm nghị của trường phái cổ điển, đi vào khai thác các bố cục hình khối tự do.
Nhằm thỏa mãn mục đích vừa là nơi ở, nơi tiếp khách và nơi làm việc, nên mặt bằng công trình được bố trí khá hiện đại. Toàn bộ tầng trệt được bố trí cho các  phòng làm việc, phòng tiếp khách gắn liền với các tiểu kiến trúc công viên. Tất cả các phòng ngủ ở tầng trệt được nhóm lại xung quanh một sảnh lớn. Ở đây các tác giả dự kiến sự phát triển sau này của Đà Lạt có thể phải sử dụng các phòng ở riêng làm phòng khách lớn. Không gian kiến trúc ở đây như hòa trộn với nhau thông qua các lối đi vào cửa sổ bằng kính có khung thép rất lớn nhưng vẫn không phá vỡ không khí ấm cúng của các phòng. Cuối đại sảnh là một cầu thang lớn dẫn đến các phòng có bố cục không đối xứng nhưng lại rất hợp lý với đầy đủ tiện nghi được sắp xếp một các hài hòa. Toàn bộ tầng lầu được dành riêng cho sinh hoạt gia đình.
Mái hiên lối vào chính, đồng thời là sân trời cho tầng hai, có hình vòng cung. Các đầu máng xối cong là những đường nét đặc trưng của trào lưu hiện đại của công trình này. Dường như các kiến trúc sư  không quan tâm đến những chi tiết trang trí, do đó mặt đứng công trình thật đơn giản với những mảng - hình khối lồi lõm một cách linh động. Phía trước đại sảnh có một mái che vươn ra đón khách khi xe đỗ (porch), đây là một giải pháp nhằm tăng tính uy nghi, bề thế cho công trình.
Đặc biệt, đây là công trình đầu tiên sử dụng vật liệu đá rửa (màu sáng) phủ tường ngoài, cũng như các bộ phận vốn làm bằng gỗ thì nay được làm bằng kim loại mang từ Pháp. Công trình được gắn với một khoảng sân lộ thiên có đặt  vòi phun nước, có tượng thần vệ nữ sơn nhũ vàng. Xung quanh sân bao bọc bởi những bức tượng thật duyên dáng làm cho con người  dường như ấm hơn lên trong tiết trời se lạnh của thành phố cao nguyên.
Toàn quyền Decoux  đã cho xây dựng những đường hầm bí mật rất kiên cố nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ông và gia đình. Đường hầm này được nối vào hầm chứa rượu  với bề ngang chừng 1,5m, cao khoảng hơn 1m, có nhiều ngõ ngách và được đúc bằng bê tông chắc chắn.
Dinh II là một trong những công trình kiến trúc đẹp của Đà Lạt, mang nhiều dấu ấn gắn liền với lịch sử của đất nước. Sau 1975, nơi đây trở thành nhà khách Trung ương và hiện nay được dùng làm nhà khách của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
2.4.3 Dinh III 
Dinh III là tên gọi để chỉ biệt điện của vua Bảo Đại (Dinh Bảo Đại), vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, đồng thời cũng là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Sau khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền từ 1948 rồi thành lập “Hoàng triều cương thổ” vào 1950, nơi đây còn được gọi là biệt điện Quốc trưởng.
Công trình được xây dựng trong khoảng từ năm 1933 đến năm 1938. Dinh III được đánh giá là dinh thự đẹp đẽ và trang nhã nằm giữa một rừng thông thuần chủng, gắn liền với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn Thượng Uyển, rừng Ái  Ân và một hồ nước nhỏ hòa quyện vào nhau một cách rất hợp lý và thơ mộng. Dinh được bố trí  trên một đỉnh đồi mà trong dự án chỉnh trang Đà Lạt của KTS Hébrard dành cho dinh toàn quyền. Ngọn đồi này có độ cao 1539m ở đường Triệu Việt Vương.

 
Về hình thức kiến trúc, Dinh III cũng là một trong những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân về kiến trúc ở châu Âu.  Điểm đáng lưu ý ở đây là phía bên phải cổng vào và phía sau dinh có một vườn hoa nhỏ theo kiểu vườn hoa ở các cung điện của Pháp, bố cục theo hình kỷ hà. Tại  đây trồng nhiều cây cảnh được cắt tỉa đẹp, những cụm hồng quý nở quanh năm theo những bố cục đối xứng qua hai trục. Có một bồn hoa rộng phía trước dinh được chăm sóc chu đáo. Những con đường đi dạo nhỏ quanh dinh nằm ẩn mình dưới những tán lá thông, xen kẽ  giữa các đám cỏ xanh.
Tương tự như dinh II, dinh III cũng là một công trình đồ sộ với hệ thống mái bằng, các mảng - khối được bố cục cân đối nhưng không đối xứng một cách cứng nhắc. Phía trước sảnh chính cũng có mái hiên đưa ra che vị trí đậu xe. Tầng trệt là phòng khách, các phòng làm việc, văn phòng của vua Bảo Đại, thư viện, các phòng giải trí và một phòng ăn lớn. Đặc biệt, các phòng làm việc  đều được gắn với các tiểu cảnh kiến trúc,  các không gian trong và ngoài liên hệ với nhau qua các cửa đi và cửa sổ  bằng kính khung thép, tạo ra một khung cảnh hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên.
Toàn bộ tầng hai được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng sinh hoạt, các phòng ngủ của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, các công chúa và hoàng tử. Từ phòng ngủ của vua Bảo Đại có một cửa ra sân thượng còn gọi là Vọng Nguyệt Lâu. Đứng ở đây  có thể ngắm nhìn vườn hoa, đường đi  dạo, đồi thông và cả thung lũng phía xa xa. Ván gỗ vẫn là vật liệu chính để ốp cầu thang, sàn lầu và làm các vật dụng nội thất của dinh. Dinh III là một công trình kiến trúc đẹp, gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước ta.
Có thể thấy rằng, tất cả  các dinh thự đều được nằm ở vị trí  trên đỉnh đồi cao, chiếm một diện tích lớn với rừng thông bao phủ xung quanh. Công trình kiến trúc chỉ là một điểm nhấn nhẹ nhàng, thấp thoáng giữa cây cỏ, thiên nhiên. Như vậy, tất cả các dinh thự ở Đà Lạt tuy chịu ảnh hưởng của những hình thức kiến trúc khác nhau nhưng đều có giá trị và đặc biệt là sự hòa hợp với yếu tố tự nhiên, vừa tận dụng vừa tôn tạo thêm cho vẻ đẹp của thiên nhiên.
2.5 Kiến trúc biệt thự
Bên cạnh các dinh thự, hệ thống biệt thự ở Đà Lạt đã có nhiều đóng góp  rất lớn trong việc làm phong phú cảnh quan kiến trúc, và là một trong những nét đặc trưng của thành phố  này. Có lẽ, Đà Lạt là một thành phố có nhiều biệt thự nhất nước ta. Những kiến trúc xinh xắn là nơi cư ngụ  của một hộ  gia đình ẩn dưới những tán lá thông xanh thẫm và bao quanh bởi nhiều loại hoa và cây cảnh khác nhau. Các biệt thự được dựng lên  với những kiểu dáng hết sức đa dạng, hầu như mỗi ngôi biệt thự đều phô ra một diện mạo riêng, một vẻ đẹp  riêng. Điểm đáng chú ý  là gần như không có cái nào giống cái nào, nhưng nếu nhìn toàn cục thì nó lại có tính thống nhất và hài hòa với môi trường thiên nhiên, mặt khác nó còn góp phần đáng kể làm tăng thêm nét độc đáo và hấp dẫn cho thành phố cao nguyên xinh đẹp này.
Đa phần các biệt thự xây ở Đà Lạt từ năm 1940 trở về trước đều do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Sau năm 1940, có một số do kiến trúc sư Việt Nam được đào tạo ở Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng tham gia thiết kế xây dựng nhiều công trình.
Các kiến trúc sư Pháp đã có những quan niệm rất đúng đắn trong việc đưa ra các tiêu chí nhằm bảo vệ cảnh quan chung của thành phố. Mỗi biệt thự được xây dựng đều bám theo dạng địa hình, có vườn hoa, cây xanh, nằm cách xa nhau và có tầm nhìn cảnh quan đẹp (nhìn ra rừng thông, nhìn xuống thung lũng, nhìn về hướng các đỉnh núi Lang Biang). Số tầng cao của biệt thự được quy định không quá ba tầng kể cả tầng  trệt để không phá vỡ cảnh quan. Trong các bản vẽ  quy hoạch thành phố đã quy định rõ ràng vị trí cho phép xây dựng biệt thự. Tất cả các công trình xây dựng đều phải do kiến trúc sư thiết kế và chịu trách nhiệm về thẩm mỹ. Mọi dự án xây dựng đều phải qua phòng quy hoạch đô thị của Sở Công chánh.
Dựa theo diện tích đất xây dựng, người ta phân chia các biệt thự  ở Đà Lạt thành   một số loại nhất định. Biệt thự cao cấp có diện tích phân lô trên 1.500m2, là nơi ở hay nghỉ mát của các tầng lớp thượng lưu tập trung ở các trục đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Lê Lai, Nguyễn Du,… Hầu như các biệt thự này đều nằm xa trục đường chính và được bố trí  cách xa nhau từ vài chục đến vài trăm mét.
Về hình thức kiến trúc, các biệt thự Đà Lạt từ năm 1954 về trước chịu ảnh hưởng nhiều của kiến trúc địa phương Pháp. Nguyên nhân chính là do chủ nhà người Pháp ở trong cảnh xa quê mong muốn tìm lại hình ảnh của những “mái nhà kiểu Pháp” để có thể phần nào vơi đi nỗi nhớ quê hương. Các kiểu kiến trúc địa phương Pháp  du nhập vào Đà Lạt  được thể hiện dưới nhiều hình thức, theo nguyên mẫu hoặc được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.
Theo thống kê, đã có rất nhiều biệt thự được thiết kế theo hình mẫu của kiểu kiến trúc miền Bắc nước Pháp (chủ yếu là kiến trúc  Nomandie). Kiểu biệt thự này xuất hiện ở Đà Lạt hầu hết dưới dạng nguyên mẫu (áp đặt), rất ít  trường hợp  có sự thay đổi vì  khí hậu miền Bắc nước Pháp có nhiều điểm tương đồng với khí hậu Đà Lạt, cho nên kiểu mẫu này  hoàn toàn phù hợp để xây dựng tại đây. Mặt khác, có thể do số người Pháp định cư ở Đà Lạt là người gốc Bắc Pháp khá nhiều nên những “mái nhà quê hương” của họ chiếm tỷ lệ lớn.

 
Để phân loại cụ thể, các biệt thự  ở Đà Lạt thường có các phong  cách kiến trúc như sau:
Phong cách kiến trúc vùng Normandie 
Phong cách này có các đặc tính điển hình sau:
- Có hoặc không có lầu, biệt thự kiểu Normandie có khung sườn nhà bằng gỗ tốt, xây chèn gạch. Khung sườn nhà có tỷ lệ cân xứng dựa trên mặt bằng hình chữ nhật đơn giản.
- Đôi khi, phần tường dưới bệ cửa sổ được xây bằng đá chẻ hoặc bằng gạch nhỏ để trần không tô trát.
- Mái lợp ngói phẳng cỡ nhỏ, có cửa sổ mái tam giác (lucarne à fronton). Nhà có 2 hoặc 4 mái với mái vạt góc (croupe). Độ dốc mái lớn, đặc trưng kiểu kiến trúc xứ lạnh.
Phong cách kiến trúc vùng Bretagne 
- Hình khối thường nằm ngang, thấp và vững chắc, chống đỡ mưa và gió bão tốt.
- Sử dụng vật liệu tại chỗ để giới thiệu đặc điểm của vùng.
- Mái  thường được lợp bằng thạch bản (ardoise).
-  Tường đầu hồi (pignon) hình tam giác có đỉnh rất nhọn (độ dốc lớn), che kín bờ mái dốc và thường gắn kết với ống khói lò sưởi.
- Mặt tường nhà hướng nam được trổ một vài cửa sổ có kích thước vừa phải để che chắn tốt cho bên trong nhà.
- Cửa sổ mái (lucarne) hình tam giác có công dụng lấy sáng  cho tầng áp mái.
- Cửa đi và cửa sổ thường được xử lý có khung viền xây bằng đá chẻ kích thước lớn.
Phong cách kiến trúc vùng Provence
Phong cách này chịu ảnh hưởng kiến trúc Tây Ban Nha và vùng Địa Trung Hải. Các vùng này có khí hậu nóng, ít mưa nên kiểu kiến trúc này ở Đà Lạt đã có nhiều biến đổi cho phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết tại chỗ.
- Khối công trình có bố cục nằm ngang.
- Nhà mái ngói hoặc mái bằng, mặt bằng tự do. Đối với nhà lợp mái ngói, độ dốc của mái tương đối thoải. Thường sử dụng ngói ống hình máng (tuile canal) lợp âm dương. Độ vươn xa của mái không lớn và thường được trang trí thêm bằng 1 hoặc 2 hàng ngói ống bao quanh đầu bờ tường trông rất nhẹ nhàng đặc sắc (génoise).
Phong cách  kiến trúc vùng Basque
- Tường đầu hồi là mặt chính của kiến trúc (thường gọi là kiễu chữ A) nổi lên khung sườn gỗ. Có 2 mái không  cần phải đều nhau: mái dài, mái ngắn. Đôi khi mái dài gần sát mặt đất.
- Mái vươn xa ra khỏi tường  đầu hồi và được đỡ bằng các console gỗ.
- Tường xây gạch, quét vôi màu nhạt với nhiều  cửa sổ nhỏ bằng gỗ sơn màu sẫm.
Phong cách kiến trúc vùng Savoie
Đặc điểm kiến trúc gần giống như kiến trúc xứ Basque:
- Tường đầu hồi là mặt chính của nhà.
- Tầng dưới xây, tầng trên bằng gỗ, bao lơn dài suốt mặt tường.
- Hình thức kiến trúc có 2 mái, độ dốc vừa phải, mái vươn rất rộng trên tường đầu hồi để che chở cho các cửa đi, cửa sổ và cả balcon.
2.6   Kiến trúc nhà ở
2.6.1 Nhà phố
Trong các dự án quy hoạch của thành phố Đà Lạt, dạng nhà ở căn phố  chỉ được  xuất hiện ở những khu trung tâm  thương mại hoặc nằm dọc theo các trục đường dành cho thương mại như khu Hòa Bình, đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Văn Trỗi,… Nhà ở căn phố là loại hình cư trú dành cho các gia đình buôn bán nhỏ (chủ yếu là những gia  đình người Việt, ngoài ra có một số gia đình người Hoa) sử dụng  để ở  và kết  hợp với buôn bán nhỏ, được xây dựng  thành từng dãy nhà liên kế, mỗi dãy  có từ  6 đến 8 căn, mỗi căn có từ 2 đến 3 tầng. Điều này hoàn toàn phù hợp  với ý đồ quy hoạch chung của thành phố, với những quy định nghiêm ngặt về chiều cao tối đa cho mỗi công trình (nhỏ hơn hoặc bằng 3 tầng, kể cả tầng trệt).
Tương tự như dạng nhà phố trong giai đoạn Pháp  thuộc ở Hà Nội  hoặc Sài Gòn, mặt bằng mỗi nhà có hình chữ nhật, không đòi hỏi  diện tích  đất lớn (chiều rộng khoảng 4 - 5m và chiều dài khoảng 12 - 16m, tổng cộng khoảng 50 - 80m2/1 căn nhà). Mật độ xây dựng xấp xỉ 60 - 80% diện tích lô đất (mật độ xây dựng này đã được Sở Công chánh đề ra và các công trình đều được xây dựng đúng theo chỉ tiêu cho phép). Phần còn lại là các sân trong (patio) để lấy ánh sáng, xử lý thông thoáng vệ sinh, trồng cây xanh. Hệ thống sân trong này tạo thành những điểm xanh trong khu ở, đưa thiên nhiên vào nhà, lấy ánh sáng và cũng là một hệ thống thông gió tự nhiên làm môi trường sống trong lành hơn. Hiện nay, đa phần nhà phố đều xây dựng hết toàn bộ lô đất vì áp lực của giá trị sử dụng đất, cho nên các kiểu nhà phố như thế sẽ không đảm bảo điều kiện ăn ở, vệ sinh  tối thiểu.
Kiến trúc mỗi căn nhà phố giống hệt nhau, với 8m dài là không gian chính gồm: mặt tiền tầng trệt  dành cho việc buôn bán, phía trong có cầu thang lên lầu, phòng sinh hoạt chung và các phòng ngủ bố trí ở tầng trên; 4m tiếp theo là một khoảng sân trong dùng để thông gió và chiếu sáng tự nhiên có kèm theo khối vệ sinh - nhà tắm; 4m cuối cùng là một phòng gồm có bếp nấu kết hợp với không gian ăn và kho phụ. Kiến trúc mặt tiền tương đối đơn giản, không trang trí cầu kỳ. Đa số ngôi nhà có phần mái được lợp ngói màu đỏ, độ dốc  khoảng 300 - 450, phủ lên toàn bộ dãy nhà, tạo nên một thể thống nhất và hài hòa với hình dạng địa hình của thành phố.
Vật liệu sử dụng để xây dựng  thể loại nhà phố cũng tương tự như vật liệu dùng xây dựng các biệt thự: mái lợp ngói đất nung, các cửa sổ và cửa đi hầu hết làm bằng gỗ, trừ một số trường hợp bằng sắt - kính, sàn lầu và cầu thang ốp gỗ, tường xây gạch, đá, cũng có trường hợp sử dụng kết cấu bêtông cốt thép.
Các dãy phố thường được thiết kế uốn cong theo hình dạng địa hình và ôm sát theo lộ giới của những con đường, con dốc quanh co trong thành phố, tạo nên một nét đặc sắc riêng  cho thành phố cao nguyên này, đó là một sự độc đáo khó tìm thấy trong các đô thị khác ở Việt Nam. Việc xây dựng các dãy nhà  phố hay từng căn nhà đơn lẻ, cũng như số tầng cao tối đa của các công trình này đều được chính quyền thành phố kiểm soát chặt chẽ, và thực tế hầu như không có trường hợp vi phạm chính, vì thế  mà tất cả đều nằm trong một tổng thể thống nhất, hài hòa với cảnh quan, với ý đồ quy hoạch chung toàn thành phố.
2.6.2  Cư xá
Những nhà ở dạng cư xá thường dành cho gia đình của các công chức. Cư xá thường  có vị trí  gần những công trình công cộng và công sở, vì những công chức làm việc ở đó (như cư xá Nha Địa dư trên đường Yersin). Không gian sử dụng trong các cư xá được bố cục theo những kiểu dáng khác nhau, mỗi gia đình ở trong một căn hộ  riêng biệt, có cư xá bố trí  một căn hộ có hai tầng, nhưng cũng có loại cư xá bố trí mỗi căn hộ chỉ thuộc  một tầng, diện tích mỗi hộ khoảng 72 - 100m2. Mặt đứng rất đơn giản, không trang trí rườm rà, kiến trúc và kết cấu tương tự như trường hợp của nhà ở căn phố. Về mặt không gian kiến trúc, các nhà chuyên môn  gọi nhà cư xá gồm nhiều căn là thể loại biệt thự biến dạng và quy định hướng dẫn xây dựng giống như ở khu biệt thự (có khoảng thối lui so với lộ giới, có khoảng cách giữa các nhà, các căn nhà có chung một mái,…).
Biệt thự song lập với một diện tích sử dụng và sân vườn tương đối nhỏ cũng là dạng nhà ở cư trú dành cho một số hộ gia đình công chức. Kiểu nhà này xây dựng nhiều ở các khu cư xá công chức dọc theo các trục đường Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch,… Loại hình kiến trúc này có dạng kết cấu, cấu tạo và vật liệu xây dựng tương tự như kiến trúc biệt thự, nhưng phải có tường chung ở giữa chia không gian nhà thành hai không gian riêng biệt cho hai hộ.
2.6.3  Kiến trúc một khu dân cư ngoại thành
Có thể tham khảo hình thức dân cư đặc trưng của Đà Lạt tại các khu vực ấp Hà Đông, Nam Hồ. Ở đây nhà ở mang tính chất nhà vườn, diện tích mỗi lô đất từ 1500m2– 3000m2. Khoảng 500m2 – 700m2 đất dành cho nhà, công trình phụ và lối đi, còn lại là vườn cây ăn quả và rau hoa Đà Lạt. Để có thể trồng trọt được và tăng diện tích vườn rau, một số khu dân cư này đã tạo lập nên những thửa vườn bậc thang bám theo những sườn đồi. Đây cũng là một yếu tố góp phần tạo ra nét đặc sắc của cảnh quan thành phố Đà Lạt .
Kiến trúc từng công trình có thể chưa đẹp, vì lý do kinh tế cũng như trình độ thẩm  mỹ. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh, đây chính là một bức tranh phong cảnh đặc sắc.
Có thể nhìn thấy rõ từ trên quốc lộ 20, toàn bộ thôn ấp nằm dưới thung lũng, vào một buổi chiều mờ mờ sương khói, những ngôi nhà xinh xinh bé bé bên cạnh vườn cây ăn quả che khuất một phần, phần đất trồng rau bậc thang chạy dài thật ngoạn mục xuống con suối nhỏ bên dưới, những hồ chứa nước, những cụm khói bếp gợi nhớ bữa cơm chiều đầm ấm.
2.6.4  Nhà ở có vườn
Nhà ở có vườn dạng kiến trúc phổ biến trong địa bàn thành phố Đà Lạt. Trước năm 1963, tất cả đều được lợp mái ngói hoặc fibro sơn màu. Gắn liền với nhà là vườn tược, nơi tạo ra nguồn sống cho người dân. Ở đây, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh tế phụ, các loại hoa và rau quả. Yếu tố địa hình ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng các khu vực nhà ở trước đây, việc xây dựng phá vỡ địa hình tự nhiên là một điều nghiêm cấm. Tuy nhiên, trước áp lực của giá trị đất trung tâm, càng ngày các khu phố Đà Lạt càng giống vùng đồng bằng với các dãy nhà sát nhau và ngay với mặt đường giao thông, đắp và đào đất ở các địa hình dốc. Để đảm bảo vẽ đẹp tự nhiên của địa hình đồi núi, thành phố Đà Lạt có nhiều con đường xử lý được bằng những biện pháp kiến trúc đơn giản. Ở các trục đường Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu... tất cả các công trình kiến trúc đều có những khoảng lùi nhất định. Chính khoảng lùi này đã đảm bảo cho việc đi lại được dễ dàng, cũng như tạo một khoảng vườn hoa trước mỗi công trình.
Từ năm 1975 đến nay, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức và người lao động, các cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành xây dựng nhiều khu cư xá mới như cư xá Ngô Quyền, Thi Sách (1994); cư xá Đặng Thái Thân (1996); cư xá Nguyễn Trung Trực (1998 – 2002); cư xá Khe Sanh (2007 – 2008)… với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 30.000 m2 cho khoảng 500 căn hộ.
 
Cư xá Khe Sanh (2008)
2.6.5  Trục đường biệt thự
Mỗi một biệt thự là một đóa hoa kiến trúc xinh đẹp và thành phố Đà Lạt là một vườn hoa lớn với những trục đường biệt thự muôn hình muôn vẻ.
Trên các trục đường chính của thành phố từ đường Trần Hưng Đạo đến Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong,… chúng ta rất ít khi tìm thấy hai biệt thự giống nhau. Cũng mái ngói, cũng tường gạch nhưng mỗi biệt thự mang một dáng vẻ riêng, nói lên được quê hương, tính cách từng chủ nhân. Với tinh thần hoài niệm, nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, người Pháp đã xây dựng ở đây những ngôi biệt thự mang dáng dấp vùng quê mình tại Pháp. Các biệt thự này nằm rất xa đường, hầu như tất cả là mái ngói. Thông thường màu đỏ và màu xanh là hai màu tương phản trên pallet màu, rất ít khi hai màu này được xếp sát nhau.
Tuy nhiên, trên thực tế, trên trục đường này hay nói chung trên toàn thành phố, màu đỏ của ngói và màu xanh của cây qua một khoảng cách không gian nhất định lại tự hoà nhập với nhau và tạo thành những điểm ấm áp trong bức tranh xanh thẳm của nền rừng thông. Diện tích xây dựng của các trục biệt thự này thường không quá 20% đất. Phần còn lại chính là phần rừng thông có sẵn được giữ lại làm vườn dạo và cây xanh công trình. Chính tỷ lệ khống chế này đã tạo được một nét rất riêng cho các khu vực biệt thự Đà Lạt.
Khu cư xá Hỏa xa gồm 12 ngôi biệt thự nằm rải rác trên ngọn đồi cạnh nhà ga xe lửa. Kiến trúc đẹp đơn giản và mạnh mẽ mang dáng dấp vùng núi Alpes với tường xây đá kiểu, cửa cuốn vòm, mái ngói kéo lệch. Mỗi biệt thự một kiểu tạo thành một tổng thể phong phú nhưng rất hài hòa.
2.6.6  Nhà sàn
Buôn là đơn vị quan trọng trong xã hội đồng bào dân tộc bản địa. Những người đã sống trong cùng một buôn có sự liên đới cổ truyền với nhau một cách mạnh mẽ, cả những người tuy ở khác buôn nhưng cùng một sắc dân, toàn thể coi như là phần tử trong gia đình.
Sự cách nhau giữa các buôn tuỳ theo điều kiện địa hình, địa vật và nơi canh tác của họ. Thường thì cách nhau hai, ba cây số. Những ngôi làng người Lạch thường được quần tụ ven bờ suối, dưới chân núi, dọc theo thung lũng nhỏ hẹp hoặc nằm rải rác ở các sườn đồi hẻo lánh. Khu đất lập buôn được khai hoang sạch sẽ, trống trải, chỉ chừa lại những cây lớn.
Nhà ở trong buôn được dựng lên rất tuỳ tiện, không có một trật tự rõ rệt nào cả. Những khoảng trống còn lại là nơi sinh hoạt, ngồi chơi, phơi nắng, cũng là nơi thả heo gà,... Xung quanh buôn làng có hàng rào với cổng vào đơn sơ. Những ngày hội lễ, ở đầu buôn có treo các vật biểu tượng như: đầu trâu, cành lá,...
Đặc điểm của buôn người Lạch là không có nhà rông. Thay vào đó, nhà của vị già làng sẽ là nơi hội họp, tiếp khách.
Có những bộ tộc xoay hướng nhà của họ về phía nhà vị già làng hoặc về phía con đường lớn hay dòng suối chảy ngang qua.
Có 2 loại chính:
1) Nhà cho hộ riêng lẻ có các loại sau:
- Nhà sàn cao cẳng (1m-1,5m), kho thực phẩm ở bên ngoài nhà.
- Nhà sàn thấp cẳng (0,5m – 0,8m), kho ở bên ngoài nhà.
- Nhà có 1 phần hạ xuống đất, kho ở bên trong nhà.
2) Nhà hẹp và dài (sàn thấp) hơn 50m, có khi đến 70 – 80m dành cho nhiều hộ gia đình trong gia tộc, kho lúa ở ngoài nhà.
Kiểu nhà sàn thông thường cao cách mặt đất từ 0,8m tới 1,2m, chiều cao trung bình của nhà là 4 - 5m, dài khoảng 7m. Người Lạch ở trên sàn do nhiều lý do:
·  Đất có độ dốc địa hình nên làm nhà sàn để giải phóng mặt bằng.
·  Điều kiện khắc nghiệt của khí hậu miền núi, chống khí độc, thú dữ.
·   Đất dễ thấm nước, đất tơi xốp, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù nên họ ở nhà sàn cho sạch sẽ.
·   Nhà sàn là sản phẩm kế thừa của tổ tiên, người Lạch ít chịu suy nghĩ cải cách, thường hành động theo thói quen.
Vật liệu xây dựng
Người Lạch dùng các loại thảo mộc địa phương (tranh, tre, nứa, lá, vầu, hóp, mai, bương) làm bộ xương mái. Họ dùng gỗ tốt (cẩm lai, gụ, giổi, đinh hương) để làm cột, cây trám làm quá giang, ổi rừng làm sà dọc và dầm sàn.
Về lạt buộc, ngoài tre còn phải kể đến song, mây và các dây rừng như đùng đình, thèm bép,
Để làm vách, họ dùng tre hay lồ ô đan thành phên hoặc thanh tre chẻ nhỏ buộc khít vào nhau.
Kết cấu
Cấu trúc bộ sườn đơn giản. Mỗi vì kèo gồm 2 cột cái  đẽo tròn, chân cột chôn sâu xuống đất 0,4m, đầu cột được khoét để ôm lấy xà dọc. Ngoài ra bên cạnh cây quá giang chính cũng có thể có 1 quá giang phụ cho mỗi vì cột, cây này cũng được ngàm ở hai đầu để giữ xà dọc.
Nhà không có vì kèo thật mà chỉ có những hàng kèo giả mặt kèo giả cách nhau 0,8m.
Về kết cấu sàn, dầm ngang được ốp vào cột cái bằng ngàm khoét vào dầm và cột siết chặt bằng dây mây, cột theo hình chữ thập.
Mái nhà thường có 2 mái, đôi khi có thêm 2 mái phụ ở đầu hồi, trên mái cũng như trên đường nóc không có hoa văn trang trí gì cả.
Nhà có 2 cửa đi đặt gần chính giữa 2 hồi. Cửa trước nhìn ra lối xuyên thôn dành cho khách và đàn ông, cửa sau dành cho phụ nữ và người nhà. Chỗ góc 2 hồi nhà có sàn nước dùng để rửa chân.
Không gian bên trong
Nhà nhỏ có từ 1 đến 2 cái bếp, nhà dài có nhiều bếp, mỗi bếp một hộ.
Nhà dài chứa khoảng 10 gia đình, ở giữa nhà là một dãy bếp đặt theo chiều dọc của nhà sàn, mỗi gia đình một bếp. Dọc theo mặt vách là ch ng chạy từ đầu nhà đến cuối nhà và được chia thành từng ngăn cho mỗi gia đình. Trong nhà, họ để ché rượu, gùi thóc, gùi đựng quần áo và trên vách treo chiêng, còng, rìu, xà gạc, chỗ để củi,…
KTS TRẦN CÔNG HÒA

Kiến trúc Đà Lạt

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trường Cao đẳng Sư phạm, Ga Đà Lạtkhách sạn Dalat Palace, những công trình tiêu biểu của kiến trúc Đà Lạt.
Đà Lạt là thành phố may mắn được sở hữu một di sản kiến trúc giá trị, ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20. Từ một đô thị nghỉ dưỡng do người Pháp xây dựng, qua hơn một thế kỷ, Đà Lạt ngày nay đã trở thành một thành phố du lịch nổi tiếng với hơn 200 ngàn dân, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên. Lịch sử phát triển quy hoạch đô thị Đà Lạt nửa đầu thế kỷ 20 dường như gắn liền với sự phát triển nghệ thuật quy hoạch đương đại của thế giới. Từ chương trình xây dựng của Toàn quyền Paul Doumer, đồ án tổng quát áp dụng phương pháp quy hoạch phân khu chức năng của thị trưởng đầu tiên Paul Champoudry, đến những bản quy hoạch của các kiến trúc sư Hébrard năm 1923, Pineau năm 1933, Mondet năm 1940 và Lagisquet năm 1943, Đà Lạt luôn hiện lên như một thành phố nghỉ dưỡng miền núi kiểu mẫu với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Tuy chứa đựng những quan điểm đôi khi khác biệt, nhưng các đồ án quy hoạch thành phố luôn mang tính kế thừa lẫn nhau và được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế từng thời kỳ. Với sự nhất quán trong việc thực thi ý tưởng xây dựng một thành phố cảnh quan, các kiến trúc sư người Pháp đã tạo nên những đặc điểm nổi trội của kiến trúc đô thị Đà Lạt – như quy hoạch đô thị theo bố cục tự do, hạn chế can thiệp vào địa hình, các con phố uốn lượn theo đồi núi và thung lũng, những phân khu chức năng bố trí linh hoạt... – ít có thể thấy ở những thành phố khác của Việt Nam.
Với lịch sử hơn 100 năm, Đà Lạt tuy không phải một thành phố cổ kính nhưng cũng đã xây dựng được cho mình không ít những công trình kiến trúc độc đáo, đa dạng về thể loại và phong phú về phong cách. Những công trình kiến trúc xuất hiện dưới thời thuộc địa đều có cơ sở thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và điều kiện sinh hoạt của cư dân. Tuy Đà Lạt mang dấu ấn của các nhà kiến trúc người Pháp, nhưng những kiến trúc sư này khi sáng tác, thiết kế các công trình cũng đã chịu ảnh hưởng của đặc điểm thiên nhiên, đặc biệt là những điều kiện về khí hậu, thời tiết và cảnh quan môi trường nơi đây. Trải qua một thời gian dài xây dựng thành phố, phong cách kiến trúc của các công trình đã có nhiều thay đổi, từ phong cách kiến trúc thuộc địa tiền kỳ đơn giản, đến phong cách Tân cổ điển, phong cách kiến trúc địa phương Pháp, và phong cách kiến trúc hiện đại. Bên cạnh các công trình kiến trúc Pháp, kiến trúc Đà Lạt còn trở nên đa dạng hơn nhờ những ngôi chùa, thiền viện mang đậm nét Á Đông, những công trình mang nét kiến trúc của cư dân bản địa và những công trình do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế. Dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, nhưng hầu hết các công trình nổi tiếng của Đà Lạt đều hòa hợp với thiên nhiên, tạo nên những nét chấm phá trong bức tranh cảnh quan thành phố.
Tuy vậy, sau một thời gian dài phát triển thiếu quy hoạch và buông lỏng quản lý, kiến trúc đặc sắc của Đà Lạt đã chịu nhiều biến dạng. Những ngôi nhà xây cất trái phép, không phù hợp với quy hoạch, những công trình quy mô lớn phá vỡ cảnh quan, những ngôi nhà ống, nhà hộp xuất hiện dày đặc ở khu vực trung tâm, những khu rừng nội ô bị tàn phá... tất cả đã khiến bộ mặt kiến trúc của thành phố trở nên nhem nhuốc. Không ít những công trình kiến trúc giá trị chịu sự tàn phá của thời gian mà không có được sự bảo tồn chu đáo, nhiều ngôi biệt thự cổ bị bỏ hoang hoặc biến thành chung cư, nhà trọ. Năm 2010, chính quyền tỉnh Lâm Ðồng thông báo quyết định mời một nhóm kiến trúc sư thuộc Viện Thiết kế quy hoạch đô thị Paris và một công ty thiết kế quy hoạch khác của Pháp thực hiện quy hoạch lại Ðà Lạt.

Mục lục

 [ẩn

[sửa] Lịch sử quy hoạch đô thị

[sửa] Đồ án quy hoạch đầu tiên

Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer quyết định xây dựng một thành phố trên cao nguyên Lâm Viên, nơi nghỉ dưỡng dành cho những người Pháp tại Đông Dương. Khi còn ở Hà Nội, Paul Doumer đã cho thiết lập một “Chương trình xây dựng đầu tiên cho Đà Lạt” với chức năng: Đà Lạt sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cho những kiều dân và công chức với đường giao thông thuận lợi và dễ dàng; Đà Lạt là một trung tâm hành chính và doanh trại quân đội quan trọng, sẽ quy tụ một phần quân đội dự bị để được huấn luyện có đầy đủ sức khỏe, phòng khi cần đến.[1] Theo dự định của Paul Doumer khi đó, Đà Lạt sẽ là một thành phố hoàn chỉnh với đầy đủ các công trình kiến trúc, công sở, trường học, doanh trại quân đội... Trong bản đồ quy hoạch, các công trình quan trọng như dinh Toàn quyền, sở cảnh sát, tòa công sứ, khu công chính, bệnh viện, nhà ở công chức, doanh trại quân đội, khu giải trí, trường học... đều đã được bố trí cụ thể.[2] Nguồn nước được dự trù cho một đô thị 10 ngàn dân và có thể lên tới 40 ngàn trong tương lai. Điện sẽ được cung cấp từ một nhà máy thủy điện công suất 2.760 mã lực ở vùng thác Ankroet.[3] Những nét chính của đô thị tương lai được vạch theo các con đường mòn sẵn có của cư dân bản địa. Thành phố được bố trí ở phía nam dòng suối Cam Ly, còn phần phía bắc dành cho doanh trại quân đội.[1] Trong dự định Paul Doumer, Đà Lạt không chỉ là nơi nghỉ dưỡng mà còn đóng vai trò một trung tâm hành chính và giáo dục.[3] Thế nhưng Toàn quyền Paul Doumer trở về Pháp năm 1902 khiến toàn bộ công trình xây dựng bị dừng lại vì thiếu kinh phí, Đà Lạt bước vào một thời kỳ ngủ quên kéo dài hơn 10 năm.[1]
Vào năm 1906, thời kỳ nơi đây vẫn còn là một địa điểm hoang vắng, thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt Paul Champoudry đã thiết lập một đồ án tổng quát kèm theo Dự án chỉnh trang và phân lô cho thành phố trong tương lai.[1] Áp dụng phương pháp quy hoạch phân khu chức năng rất hiện đại thời kỳ đó, Paul Champoudry dự định thành phố sẽ nằm ở tả ngạn phía nam dòng suối Cam Ly, nơi có địa hình phù hợp để xây dựng các công trình đô thị thiết yếu, còn phần hữu ngạn được dành cho doanh trại quân đội. Trung tâm hành chính và dịch vụ công cộng sẽ cùng nằm trong một khu, thuận tiện cho việc phục vụ và đảm bảo an ninh, đồng thời giúp dễ dàng tạo dựng một bộ mặt đô thị khang trang.[4] Ở gần trung tâm thành phố, trung tâm thương mạichợ sẽ được thiết lập, bên cạnh các khách sạn và khu giải trí.[5] Theo dự định của Paul Champoudry, các con đường chính của thành phố sẽ được thiết kế với bề rộng 20 mét, các đường hạng hai sẽ rộng 16 mét, còn các nhánh đường phụ rộng 12 mét. Phần lớn đồ án này đã được thực hiện và hình thành nên những nét chính của đô thị Đà Lạt ngày nay.[4] Nhưng đến thập niên 1920, khi công cuộc kiến thiết thành phố được thực hiện mạnh mẽ, Toàn quyền Đông Dương nhận thấy cần xây dựng một đồ án quy hoạch mới để thay thế cho bản sơ phác của Champoudry.[4]

[sửa] Đồ án của Hébrard

Quang cảnh Đà Lạt khoảng cuối thập niên 1920, khu vực gần khách sạn Dalat Palace ngày nay.
Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long giao trách nhiệm cho kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết lập đồ án quy hoạch thành phố với nhiệm vụ thiết kế: Phát triển Đà Lạt từ một nơi nghỉ dưỡng thành thủ đô hành chính của Liên bang Đông Dương khi cần thiết.[4] Với nhiệm vụ này, Đà Lạt sẽ không chỉ bao gồm những cơ quan hành chính của chính quyền trung ương mà còn phải đáp ứng đủ nhu cầu để thiết lập các doanh trại quân đội. Sau hai năm nghiên cứu, tới năm 1923, kiến trúc sư Ernest Hébrard hoàn thành đồ án, được Toàn quyền Maurice Long phê duyệt và đưa vào áp dụng từ tháng 8 cùng năm đó.[4] Đà Lạt của Ernest Hébrard được quy hoạch theo quan điểm của các nguyên tắc “Quy hoạch thành phố vườn” và “Quy hoạch thuộc địa”, sẽ là một thành phố nghỉ dưỡng miền núi kiểu mẫu.[4] Những vấn đề phức tạp trong việc phát triển đô thị Đà Lạt lần đầu được đặt ra và nghiên cứu một cách tổng hợp và kỹ lưỡng.[6] Kiến trúc sư đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ cảnh quan và bố cục không gian thẩm mỹ của thành phố. Trong đồ án, ý tưởng xuyên suốt của Ernest Hébrard là “thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố”, Đà Lạt sẽ là một đô thị sinh thái vắng bóng các ống khói công nghiệp.[4]
Trên một vùng thiên nhiên rộng lớn của cao nguyên Lâm Viên, Ernest Hébrard bố trí thành phố trong một không gian vừa phải, khoảng 30 ngàn hecta. Đó là diện tích hợp lý cho một đô thị quy mô 30 đến 50 ngàn dân và việc xây dựng chỉ được phép trong phạm vi này.[6] Đường vòng Lâm Viên chạy quanh thành phố, vừa là đường ranh giới, vừa là đường giao thông phục vụ cho nhu cầu du lịch, ngoạn cảnh. Phía bên ngoài ranh giới này, vùng thiên nhiên sẽ được giữ gìn hoang sơ, hoàn toàn không có sự hiện diện của các công trình xây dựng.[6] Điểm nổi bật trong đồ án của kiến trúc sư Ernest Hébrard là phương án giải quyết vấn đề cảnh quan đô thị.[6] Tác giả sử dụng dòng suối Cam Ly như trục cảnh quan trung tâm, kết hợp cùng hệ thống các hồ nhân tạo nằm uyển chuyển theo địa hình với những con đường bao quanh men theo sườn các thung lũng. Bố cục chính của thành phố được tổ chức dựa trên trục cảnh quan này, mỗi hồ nước là một trung tâm cảnh quan của các công trình trong một phân khu chức năng.[7] Trục đường xương sống kéo dài từ nhà ga xe lửa tới thác Cam Ly, dựa theo đường đỉnh của địa hình, ngày nay là các tuyến đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú và Hoàng Văn Thụ. Đứng trên tuyến đường này nhìn về phía bắc sẽ thấy một quang cảnh ấn tượng với hồ Xuân Hương, đồi Cù, một cánh rừng trải dài và núi Lang Biang ở cuối phía xa.[7]
Trung tâm công cộng của thành phố được bố trí trên một đoạn của trục đường chính, các công trình tòa thị chính, ngân khố, sở cảnh sát, bưu điện... nằm bao quanh một quảng trường công cộng.[7] Bên cạnh đó còn có thể thấy nhà thờ, trường học, thư viện, các khách sạn, văn phòng du lịch... cùng khu thương mại của người Pháp. Dinh Toàn quyền, Cao ủy phủ và Viện điều dưỡng nằm xa hơn về phía tây nam trên một ngọn đồi cao, khu vực Dinh III ngày nay.[8] Phía nam suối Cam Ly, các đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ... là khu vực biệt thự dành cho người Pháp, được phân lô thành ba hạng: từ 2.000 m² đến 2.500 m², từ 1.000 m² đến 1.200 m² và từ 500 m² đến 600 m². Khu dân cư người Việt được bố trí một phần ở phía đông khu trung tâm, còn phần lớn tập trung quanh khu vực làng Việt Nam cũ phía hạ lưu hồ.[8] Trong khu vực này sẽ có các công trình thiết yếu như chợ, trường học, bệnh viện, lò sát sinh, công viên, chùa chiền. Các dãy nhà liền căn được phép xây cất trong khu thương mại nhưng bị hạn chế xây dựng trong những khu dân cư.[8] Nhà ga và đường xe lửa được bố trí gần lối vào của quốc lộ 20B, bên cạnh đó là khu vực dự kiến dành cho các khách sạn, kho hàng hóa và một số công xưởng.[8] Đồ án quy hoạch của Ernest Hébrard ra đời năm 1923 và được áp dụng trong vòng gần 10 năm. Đến thập niên 1930, khi cuộc Đại khủng hoảng diễn ra, nền kinh tế khó khăn khiến giá trị áp dụng của đồ án Ernest Hébrard cần được xem xét lại.[9]

[sửa] Đồ án của Pineau

Dự kiến Đà Lạt trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương đã không thành hiện thực, đồ án của Ernest Hébrard với tham vọng quá lớn trở nên không thực tế. Mặt khác, sau gần 10 năm thực hiện đã có những vấn đề phát sinh.[10] Hồ Xuân Hương trở thành trung tâm của thành phố khiến việc phân lô biệt thự phía bắc hồ đe dọa làm hỏng tầm nhìn về phía Lang Biang. Khu vực dành cho người Pháp và người Việt không còn đáp ứng đủ nhủ cầu. Ngoài dự kiến của Ernest Hébrard, từ thập niên 1930, nhiều khu biệt thư như Saint Benoit, Cité Decoux, Cité Bellevue... hay các ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh... có khuynh hướng phát triển về hướng bắc.[10] Khu vực rừng cảnh quanh và các khu nhượng địa trong trung tâm chiếm một diện tích quá lớn, làm trở ngại việc phát triển các trung tâm khác. Năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đã trình bày một nghiên cứu mới về “Chỉnh trang thành phố Đà Lạt”.[11]
Khác với đồ án của Ernest Hébrard, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đưa ra một quan niệm thực tế hơn: Đà Lạt trước mắt chưa là thủ đô hành chính hay thủ đô mùa hè của Liên bang Đông Dương, chương trình phát triển thành phố vì thế cần được giới hạn lại.[11] Trong nghiên cứu của Louis Georges Pineau, nguyên tắc định hướng vẫn là vấn đề bảo vệ cảnh quan đô thị. Kiến trúc sư đề nghị mở rộng hơn nữa các hồ nước và công viên, thiết lập các khu vực xây dựng phù hợp với cảnh trí và khí hậu địa phương.[11] Để bảo vệ “tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên với cảnh quan tuyệt vời”, Louis Georges Pineau đề xuất tạo lập một vùng bất kiến tạo rộng lớn hình rẻ quạt có gốc từ Đà Lạt và tỏa về hướng núi Lang Biang, trong khu vực này sẽ là công viên rừng săn bắn hoặc công viên rừng quốc gia.[9] Tuy không được chấp thuận,[3] nhưng một số ý tưởng của kiến trúc sư Louis Georges Pineau đã được lưu ý và thực hiện sau này, đặc biệt cảnh quan đã được gìn giữ với những khoáng địa rộng lớn, chờ đón những dự án đầu tư trong tương lai.[11] Đồ án của Louis Georges Pineau vẫn đặc biệt hấp dẫn và được những người kế nhiệm quan tâm nghiên cứu trong những dự án chỉnh trang đô thị Đà Lạt giai đoạn tiếp theo.[9]

[sửa] Đồ án của Mondet

Nhà thờ chính tòa Đà Lạt, còn được gọi nhà thờ Con Gà, được khánh thành năm 1942.
Vào năm 1940, kiến trúc sư H. Mondet đưa ra “Tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt”, phần nào trở lại quan điểm của Ernest Hébrard nhưng mang tính thực tế hơn. Mondet nhận xét: “Đà Lạt kéo dài quá mức từ tây sang đông, về cơ cấu chưa tạo thành một thể thống nhất. Điều này được lý giải vì người ta cảm thấy dễ dàng xây dựng dọc theo các con đường chính. Có một sự e ngại quá đáng khi người ta muốn bảo vệ cảnh quan bằng biện pháp mở rộng vùng cấm xây dựng quá lớn ở trung tâm thành phố. Đó là một nghịch lý cần xem xét. Muốn phát triển thành phố mà lại ngăn cấm xây dựng”.[12] Kiến trúc sư Mondet đã đề cập đến bài toán khó nhất cần giải quyết trong các đề án quy hoạch Đà Lạt: xây dựng và phát triển thành phố, nhưng vẫn bảo vệ được cảnh quan.[13]
Mondet đề nghị không kéo dài thành phố, thay vào đó tổ chức họp nhóm lại, mở rộng bằng cách ưu tiên sử dụng những lô đất gần trung tâm và được phát triển chung quanh một trục. Những khoáng địa dành cho tương lai chiếm một phần quan trọng ở ngay trung tâm đô thị.[12] Theo dự tính của Mondet, khu vực phân lô biệt thự cho người Pháp sẽ gồm 1.000 lô, kể cả những lô sẵn có. Khu vực dành cho người bản xứ đáp ứng khoảng 5.000 lô, khu ngoại ô gồm những khoáng địa rộng lớn được phân tách khoảng 1.500 đến 2.000 lô. Dự án chỉnh trang đô thị được Mondet chia thành bốn phần: giao thông, môi trường, khoáng địa và cây xanh, và cuối cùng là trung tâm công cộng.[12] Mondet đề nghị giữ nguyên hướng và chiều rộng các con đường nội thị, chỉ cần mở rộng tầm nhìn nơi các khúc quanh. Một số nút giao thông chính và chuyển lối vào từ đèo Prenn đến Đà Lạt cần bố trí lại ở vị trí mà du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố khi đặt chân đến Đà Lạt.[13] Hai bờ dòng suối Cam Ly cần chỉnh trang, có biện pháp dẫn dòng hợp lý hơn khi nước thoát ra từ hồ và xây dựng thêm một hồ tại thung lũng gần nhà ga xe lửa. Những khu vực khoáng địa vẫn được tôn trọng và được tổ chức thành những công viên, vườn trẻ, sân chơi thể thao, câu lạc bộ... nhưng vẫn đảm bảo tính bất kiến tạo cho khu vực này. Các trung tâm công cộng, hành chính được dự kiến hợp nhóm lại, còn trung tâm giải trí thể thao sẽ nằm ở phía nam Grand Lac, tức hồ Xuân Hương.[13] Tuy không được áp dụng, nhưng nhiều ý kiến của Mondet trong bản tiền dự án đã được các nhà quy hoạch kế tục chọn lọc sử dụng trong các bản đồ án sau này.[14]
Đà Lạt đầu thập niên 1940 đã là một đô thị xinh đẹp, hài hòa với những viễn cảnh rộng rãi và các khu vực được xây cất hoàn hảo. Nhưng Thế chiến thứ hai bùng nổ khiến dòng người tìm đến Đà Lạt ngày một đông, thành phố trở nên chật hẹp bởi sự phát triển quá độ và thiếu tổ chức, một vài khu dân cư được dựng lên gấp rút và tạm bợ.[14] Toàn quyền Jean Decoux quyết định phải thiết lập một “Chương trình chỉnh trang và phát triển Đà Lạt” có hiệu lực pháp lý để điều chỉnh sự phát triển của thành phố theo một trật tự hợp lý và hài hòa. Nhiệm vụ này được giao cho Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương nghiên cứu thực hiện.[15]

[sửa] Đồ án của Lagisquet

Ngày 27 tháng 4 năm 1943, đồ án chỉnh trang Đà Lạt của kiến trúc sư Jacques Lagisquet cùng nhóm nghiên cứu được Toàn quyền Jean Decoux chấp thuận và đưa vào áp dụng. “Chương trình chỉnh trang và phát triển Đà Lạt” được nghiên cứu theo những định hướng tổng quát, từ đó ban hành các chương trình, quy chế cụ thể có tính pháp lý để thực hiện và phát triển thành phố một cách hài hòa hợp lý, từ tổng thể đến các chi tiết.[12] Giống như Mondet, kiến trúc sư Jacques Lagisquet nhận thấy Đà Lạt có hình thể quá mảnh mai, khu gia cư không có bề sâu, thành phố thiếu đi sức sống và không có trung tâm hoạt động hấp dẫn để thu hút dân chúng. Các khu vực thương mại và trung tâm hành chính nằm phân tán, hầu như không đáp ứng được nhu cầu đương thời.[15] Trái lại, Đà Lạt theo đồ án của Jacques Lagisquet sẽ được tổ chức thành một thể thống nhất, tập trung chung quanh hai trục đường khung sườn của thành phố và sự phát triển được dự tính sẽ về phía nam suối Cam Ly, theo hướng tây và tây bắc.[16]
Trung tâm hành chính được tập trung lại theo trục chính, các cơ quan quan trọng được bố trí quanh hồ Xuân Hương: Văn phòng Toàn quyền nằm ở bờ đông, vị trí khách sạn Công đoàn ngày nay, Tòa thị chính ở bờ bắc và phía nam sẽ là Dinh Toàn quyền. Trung tâm thương mại của thành phố được tách thành hai khu vực: khu thương mại người châu Âu trên đường Trần Phú, gần bưu điện hiện nay, còn khu Hòa Bình và đường Nguyễn Chí Thanh dành cho hoạt động thương mại của người Việt.[16] Khu vực khách sạn nằm bên hồ Xuân Hương, giới hạn bởi đường Hồ Tùng Mậu và đường Trần Phú, có tầm nhìn hướng về phía hồ và núi Lang Biang, bên cạnh đó sẽ là khu giải trí và câu lạc bộ. Các trường học nằm rải rác trong thành phố và những cơ sở lớn đều có diện tích đất dự phòng để phát triển.[16] Trung tâm văn hóa với thư viện, bảo tàng... được thiết lập ở khu vực trung tâm thành phố. Jacques Lagisquet dự trù một diện tích 540 hecta với khoảng 2.200 lô đất gần các trung tâm công cộng sẽ dành cho biệt thự của người châu Âu.[17] Vấn đề khu dân cư người Việt – cho đến khi đó chỉ được bố trí ở những khu nhà tạm, khu vực phụ của thành phố – được giải quyết bằng nhiều phương án, dựa trên tính chất nghề nghiệp của người dân. Trước tiên, một khu thương mại với những dãy nhà phố nằm quây quần quanh chợ, tiếp đến khu biệt thự song lập và nhà liên kế dành cho công chức và thợ thủ công, những người vì công việc vẫn cần được bố trí gần trung tâm thành phố.[17] Sau cùng, một vùng ngoại ô phía tây bắc và đông nam được dành cho các thôn ấp Việt Nam với dáng dấp nông thôn, quần tụ các gia đình sản xuất nông nghiệp hoặc làm các nghề thủ công. Người dân ở đây được tự do xây cất nhà cửa theo dạng nhà của miền quê Việt Nam mà không hề ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan chung của thành phố.[17] Để bảo vệ tầm nhìn về núi Lang Biang, Jacques Lagisquet tiếp tục duy trì những khoảng trống rộng lớn hình rẻ quạt với gốc ở hồ Xuân Hương, hướng về phía bắc. Một phần diện tích trong khu vực này được dành cho các công viên, sân golf, sân thể thao, sân cắm trại của thanh thiếu niên... vẫn bảo đảm tính bất kiến tạo của toàn bộ khu vực.[18]
Về chức năng đô thị, đồ án Lagisquet đã làm rõ và nổi bật các đặc tính riêng của Đà Lạt: trung tâm hành chính trung ương, thành phố nghỉ dưỡng, thành phố học đường, trung tâm văn hóa, du lịch...[19] Kiến trúc sư Jacques Lagisquet đã giải quyết được vấn đề mâu thuẫn giữa tính tập trung của đô thị và tính tản mát của một thành phố vườn.[18] Các phân khu chức năng được tổ chức hợp lý, phù hợp với thực tế và xác định cụ thể phạm vi của những không gian trống, những khu vực bất kiến tạo để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Đồ án của Jacques Lagisquet cũng giải quyết nhu cầu nhà ở cho những di dân đang ngày một đông với những loại hình cư trú phù hợp với nghệ nghiệp của họ.[20] Đà Lạt thời kỳ này bước vào giai đoạn cực thịnh của thời Pháp thuộc, nhiều công trình công cộng và tôn giáo tiếp tục xuất hiện, các ngôi chùa Linh Sơn, Linh Quang với nét kiến trúc Á Đông làm phong phú thêm kiến trúc cảnh quan của thành phố.[20]

[sửa] Giai đoạn từ 1954 đến 1975

Bản đồ Đà Lạt năm 1963, có thể thấy hai hồ Vạn Kiếp và Mê Linh, ngày nay đã hoàn toàn biến mất.
Vào năm 1945, Đà Lạt đã có trên một ngàn biệt thự kiểu dáng phong phú, đa số được thiết lập theo trường phái kiến trúc địa phương Pháp và sử dụng những nguyên vật liệu tại chỗ như gạch, ngói, gỗ, đá... Mỗi ngôi biệt thự đều có khuôn viên rộng rãi, hợp thành một tổng thể đầy duyên dáng và đặc thù.[19] Nhưng trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1954, tình hình chính trị nhiều biến động phức tạp, giao thông trở ngại, dân số xáo trộn bởi những cuộc tản cư, Đà Lạt không có thêm nhiều công trình mới.[19] Sau Hiệp định Genève năm 1954, người Pháp rời khỏi Đông Dương, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền, Đà Lạt bước vào một giai đoạn phát triển mới với dân số đông hơn. Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam, chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm có kế hoạch phát triển Đà Lạt tương đối quy mô, vấn đề chỉnh trang đô thị và xây dựng các công trình công cộng được đặc biệt quan tâm.[19] Với điều kiện tự nhiên độc đáo, Đà Lạt được xác định không chỉ là nơi nghỉ dưỡng dành cho tầng lớp thượng lưu mà còn là một đô thị dành cho mọi người dân tới định cư, sinh sống. Thành phố khi đó được định hướng trở thành một trung tâm giáo dục lý tưởng, một địa điểm huấn luyện quân sự, nơi đào tạo và phát triển tôn giáo, và cũng là một vùng canh tác nông nghiệp.[21] Nhằm ổn định cho một bộ phận di dân đang xuất hiện ngày càng đông, những ấp nông nghiệp mới như Thánh Mẫu, Tùng Lâm, Thái Phiên, Đa Thiện... đã được hình thành.[22] Trong khi chờ đợi thiết lập một đồ án quy hoạch mới, chính quyền tiếp tục áp dụng đồ án của Jacques Lagisquet cùng một “Chương trình địa dịch”, nghiên cứu biên soạn lại phù hợp với điều kiện thực tế để giải quyết nhu cầu xây dựng và đảm bảo tính liên tục của quyền tư hữu đất đai, bất động sản. Việc xây dựng các công trình công cộng, các sơ sở tôn giáo, quân sự... được tính toán dựa trên những phần đất công sản còn lại.[21] Bộ mặt đô thị thời kỳ này được bổ sung bởi những công trình mang dáng vẻ hiện đại và do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, như Viện Đại học Đà Lạt, Trường Võ bị Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, chợ Đà Lạt, Giáo hoàng Học viện.[21]
Thập niên 1960, Đà Lạt một lần nữa chịu tác động bởi những biến cố chính trị. Cuộc đảo chính năm 1963 khiến dự án phát triển thành phố phải dừng lại sau một thời gian ngắn tiến hành. Khi cuộc chiến tranh Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt, các sỹ quan quân sự được chỉ định thay thế những nhà cầm quyền dân sự, việc xây dựng và quy hoạch thành phố ít được coi trọng.[23] Tuy vậy, bên cạnh các công trình quân sự, Đà Lạt thời kỳ này cũng có thêm một vài công trình mới cùng các nhà hàng, khách sạn mọc lên ở trung tâm thành phố.[21] Nhưng do thiếu định hướng quy hoạch tổng thể, không ít công trình được xây cất vội vã đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên cũng như sự phát triển cân đối của toàn thành phố.[24] Vào năm 1967, vấn đề môi sinh của Đà Lạt được các học giả đương thời lên tiếng báo động. Năm 1973, một đề án quy hoạch chỉnh trang Đà Lạt được thiết lập, trong đó nhấn mạnh đến các biện pháp bảo vệ môi sinh cho thành phố, đặc biệt ở khu vực lưu vực của hồ Xuân Hương.[25] Cảnh quan đô thị Đà Lạt giai đoạn này còn chịu ảnh hưởng xấu bởi nạn xây cất bất hợp pháp. Cùng với một số quan chức thế lực chiếm dụng đất, nhiều thương phế binh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa cũng đòi quyền lợi, xây dựng những ngôi nhà tạm bợ ở ngay trung tâm thành phố, một số người khác chiếm đất làm vườn ở những khu vực như ấp Ánh Sáng, khu Thao Trường.[21] Hiện tượng xã hội này trở thành một vấn đề nan giải trong việc quy hoạch và bảo vệ nét thẩm mỹ của Đà Lạt, vẫn tiếp tục tồn tại trong những giai đoạn tiếp theo.[26]

[sửa] Giai đoạn từ 1975 đến ngày nay

Quang cảnh thành phố Đà Lạt năm 2009.
Sau năm 1975, thành phố Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, có ranh giới hành chính mở rộng đến 417 km². Dân số thành phố cũng tăng lên mạnh mẽ, từ 85.833 người năm 1975 lên 160.663 người năm 1999.[25] Năm 1977, Đoàn quy hoạch Bộ Xây dựng được cử đến để thiết lập đồ án quy hoạch chung cho thành phố và hoàn thành bản “Sơ phác quy hoạch chung thành phố Đà Lạt”. Từ năm 1983, Ủy ban Xây dựng cơ bản tỉnh Lâm Đồng nhận nhiệm vụ kết hợp cùng các cơ quan nghiên cứu khác tiếp tục quy hoạch thành phố.[27] Tháng 3 năm 1985, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cùng Đoàn quy hoạch trung ương tới Đà Lạt, hợp tác cùng các cơ quan địa phương thiết lập “Luận chứng kinh tế kỹ thuật quy hoạch và cải tạo thành phố Đà Lạt”.[27] Tuy vậy, trong những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, do những khó khăn về kinh tế, cơ sở hạ tầng đô thị của Đà Lạt không được sửa chữa đã xuống cấp trầm trọng.[28] Cùng với khai thác rừng, việc mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp tiếp tục ảnh hưởng tới môi sinh và cảnh quan của thành phố. Cho tới đầu thập niên 1990, nhiều đồ án quy hoạch được thiết lập nhưng không một đồ án nào đủ thuyết phục để được áp dụng.[27] Thành phố phải gánh chịu những áp lực về khối lượng công trình xây dựng ngày càng tăng trong tình trạng không có đồ án quy hoạch chỉnh trang. Các khu dân cư phát triển không giới hạn đã làm thu hẹp và đảo lộn bố cục vùng cảnh quan.[29] Nhiều cụm rừng thông trong thành phố bị chặt phá để xây dựng hoặc phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Các hồ nước như hồ Xuân Hương, hồ Than Thở bị bồi lắng nghiêm trọng hơn, còn các khu vực bất kiến tạo bị chiếm dụng xây cất bất hợp pháp. Bố cục thành phố trở nên thiếu cân đối bởi sự tập trung quá mức vào khu trung tâm.[29]
Năm 1994, đồ án “Quy hoạch tổng thể thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2010” của Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đồ án quy hoạch chung, thành phố cũng tiến hành quy hoạch chi tiết các khu chức năng chính như khu trung tâm, các khu dân cư, khu du lịch...[26] Ngày 27 tháng 5 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020”. Theo quyết định của Thủ tướng, thành phố Đà Lạt có các chức năng và tính chất đô thị: trung tâm chính trị – hành chính, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam; trung tâm giáo dục và nghiên cứu khoa học của Việt Nam; khu vực sản xuất chế biến rau và hoa; giữ vị trí quan trọng về an ninh và quốc phòng.[26] Mặc dù vậy, trên thực tế quy hoạch đô thị Đà Lạt không tiến triển, thậm chí thụt lùi so với tốc độ phát triển chung. Trước sức ép của cơn lốc đô thị hóa, cảnh quan đô thị của thành phố ngày một biến dạng, nhiều công trình kiến trúc đặc sắc bị xâm hại. Nạn xây cất bất hợp pháp, lấn chiếm các khoảng trống và tàn phá rừng nội ô khiến bộ mặt kiến trúc Đà Lạt trở nên nhem nhuốc.[30] Năm 2010, Bộ Xây dựng cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã điểu chỉnh cục bộ “Quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020” với nội dung chính: di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm và hoạt động kém hiệu quả ra ngoài trung tâm thành phố, chuyển vị trí một số cơ quan, công trình công cộng và chuyển chức năng một số khu vực để tạo quỹ đất xây dựng trung tâm hành chính tập trung, trung tâm văn hóa thanh thiếu niên, công trình công cộng, thương mại dịch vụ và dân cư đô thị.[31] Cũng trong năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông báo ý định mời Viện Thiết kế quy hoạch đô thị Paris cùng một công ty thiết kế quy hoạch uy tín của Pháp quy hoạch lại thành phố Đà Lạt.
-----------------

Thiên nhiên của Đà Lạt vốn là một vùng, phong cảnh tự nhiên miền núi tuyệt đẹp được kết hợp hài hòa với những công trình sáng tạo của con người. Từ đầu thế kỷ này, Đà Lạt được lựa chọn xây dựng theo dạng một thành phố - vườn giữa những rừng thông với màu lá xanh tươi là những đỉnh núi hùng vĩ của rặng Lang Biang (cao hơn thành phố 700-900m) chế ngự mọi tầm nhìn từ thành phố. Dựa theo các sườn đồi là các tòa nhà xinh xắn với tường vôi, ngói đỏ, hình khối đa dạng ẩn hiện khi trên cao, khi dưới thấp dọc theo các trục lộ. Toàn bộ bức tranh đó được tô điểm thêm bằng hình ảnh phẳng lặng của mặt nước hồ tạo thành một bức tranh thủy mặc làm rung động lòng nguời.
Bài toán quan trọng hàng đầu trong lịch sử quy hoạch và phát triển TP. Đà Lạt là xây dựng được một thành phố sinh động, sung túc và đủ điều kiện tiện nghi cho cư dân và du khách mà vẫn bảo vệ được giá trị của phong cảnh thiên nhiên.
Các yếu tố hình khối chủ yếu trong bức tranh phong cảnh của Đà Lạt tạo nên sự xúc cảm cho con người bao gồm: địa hình của đồi núi, mặt nước của suối hồ, màu xanh của rừng thông và kiến trúc độc đáo của công trình xây dựng.
1.1 YẾU TỐ ĐỊA HÌNH
Cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang) với bề rộng 12 km có địa hình rất đặc biệt bao gồm những chuỗi đồi thoai thoải dạng cong tròn nhấp nhô, xen kẽ nối tiếp nhau trải dài 18 km đến tận chân rặng núi Lang Biang hùng vĩ án ngự ở phía Bắc như một tấm phông màu xanh thẫm. Sư xâm thực, nhất là sự xói mòn mãnh liệt của các dòng nước; đã mài dần mặt đất, đưa cốt liệu từ vùng đồi cao xuống vùng thung lũng thấp làm địa thế trở nên bằng phẳng hơn.
Đặc trưng của địa hình Đà Lạt là những hình khối chủ yếu, ổn định; chúng chia cắt không gian một cách mạnh mẽ thành những khu vực riêng biệt, rõ nét và tạo nên những chuỗi phong cảnh phong phú, đa dạng. Trong việc xây dựng thành phố trước đây, người ta đã tôn trọng nguyên tắc bảo vệ địa hình tự nhiên; việc áp dụng biện pháp san nền để biến đổi địa hình dốc thành bãi đất bằng đã không được áp dụng trên quy mô lớn.
Các quả đồi cao nhất với rừng thông xanh ngắt quanh năm, mà từ đó người ta có thể quan sát được toàn cảnh của thành phố, đã được chọn lựa để xây dựng những công trình dinh thự, tôn giáo uy nghi, sang trọng:
* Biệt điện số 1: cao độ 1.550,00; phía Đông của TP.
* Biệt điện số 2: cao độ 1.539,50; phía Đông Nam và trông thẳng xuống hồ Xuân Hương, trước đây được xây dựng làm dinh của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương.
* Biệt điện số 3: cao độ 1.539,00; phía Tây Nam của TP, trước đây là dinh của Hoàng đế Bảo Đại.
* Đồi "Ngọc Hoàng": cao độ 1.551,00; khu vực dự kiến để xây dựng Phủ toàn quyền Đông Dương theo đồ án quy họach năm 1923 của E. Hébrard, đến nay vẫn còn bỏ trống.
* Dinh tỉnh trưởng cũ: cao độ 1.532; án ngữ trung tâm Chợ Đà Lạt, mà ngày nay là Đài truyền hình Lâm Đồng.
* Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế: cao độ 1.548,20; phía Bắc của TP.
* Lăng Nguyễn Hữu Hào (cha vợ của vua Bảo Đại): cao độ 1.523,00; ở phía Tây của TP và trông xuống thác Cam Ly.
Với diện tích đất rộng lớn bao trùm hẳn một ngọn đồi, các công trình dinh thự nêu trên là một quần thể kiến trúc với tòa nhà chính đồ sộ, kiêu hãnh nằm trên điểm cao nhất; bao bọc xung quanh có hệ sân đường ngoạn cảnh, vườn hoa, bồn nước... dẫn dắt công trình hoà nhập vào khung cảnh thiên nhiên. Các tòa dinh thự này với màu tường sáng, chiếm lĩnh trên các đỉnh cao, ẩn hiện các rặng thông dày với màu lá xanh tươi là những điểm nhấn, điểm chấm phá trong bức tranh phong cảnh tổng thể của thành phố.
Các trung tâm công cộng về hành chính, văn hóa, giáo dục, du lịch, thương mại... (tòa hành chánh, bưu điện, nhà thờ, trường học, chợ, công sở...) được bố trí trên những ngọn đồi hay những khu đất rộng rãi và bằng phẳng nhằm xây dựng hệ thống giao thông dễ dàng thuận lợi với những đại lộ lớn, thẳng và ít dốc (như trục đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Chi Lăng, Phan Đình Phùng...). Ngoài ra, do không phải cải tạo địa hình nên các trung tâm này mặc dù chiếm những không gian lớn cũng không làm thay đổi các đường cong tự nhiên của địa thế.
Việc xây dựng các khu biệt thự rất được chú trọng do sự hòa nhập hoàn toàn của công trình kiến trúc vào thiên nhiên, với địa hình và rừng thông được giữ hầu như nguyên vẹn. Người ta đã sắp xếp các tòa biệt thự với nhiều tầng nhiều cấp theo sát đường đồng mức để bám lấy địa hình mà không phải phá hủy nó. Do lấy thiên nhiên làm nền, làm không gian chính của cảnh quan nên người ta đã khống chế phạm vi xây dựng ở mật độ rất thấp so với diện tích phân lô rất lớn.
Các khu vực đất thấp dưới các thung lũng lớn, ở khuất và xa trung tâm thành phố được bố trí cho khu vực dân cư làm nông nghiệp. Đất đai được phân lô đủ lớn để sản xuất và dựng nhà, do đó tính chất thành phố - vườn vẫn được tìm thấy tại khu vực này, (ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thiện, Thái Phiên, Nam Hồ, Trại Hầm, Trại Mát, Thánh Mẫu...). Do đặc tính của việc sản xuất nông nghiệp, người dân cần thửa vườn rộng và phẳng để tưới tiêu và chăm bón nên đã cải tạo địa hình dốc thành những thửa đất dạng bậc cấp đi từ các thung lũng lên các sườn đồi bao quanh. Trong chừng mực nào đó, việc cải tạo này dưới các thung lũng thấp không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan. Nhưng một khi phương thức canh tác này phát triển không kiểm soát được trong tầm nhìn của cảnh quan chính hay lan tràn vào lưu vực các suối chính thì nó thật sự trở thành một hiểm họa to lớn. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho hồ Mê Linh và hồ Vạn Kiếp đã hoàn toàn mất dạng và một phần của hồ Xuân Hương đã trở thành bãi đất bồi với cỏ mọc và trâu bò có thể qua lại được.
BẢNG 1*
Loại công trình Diện tích phân lô Mật độ xây dựng
Biệt thự loại A >2.000m2 <10%
Biệt thự loại B 1.500m2 15%
Biệt thự loại C 1.000m2 20%
Nhà biệt lập loại D 800m2 25%
Nhà biệt lập loại E 200-500m2 30%
Nhà phố loại F,G 80-100m2 60-70%
* Số liệu ghi nhận trước năm 1970
Trong chương trình sử dụng đất từ năm 1942 đến nay, để giải quyết việc di dân của người Việt, người ta đã thực hiện ý định bố trí khu ngoại ô của thành phố cho cư dân lao động sản xuất nông nghệp. Khu vực này trước đây được kiểm soát chặt chẽ trong một ranh giới nhất định. Trong một khoảng không gian rộng hình rẻ quạt về phía Bắc của thành phố, các quả đồi đẹp và hoang sơ từ hồ Xuân Hương đến tận rừng núi Lang Biang đã được giữ gìn để du khách thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên. Một vài công trình quốc gia như Lò phản ứng hạt nhân, Giáo hoàng học viện, Trường đại học Đà Lạt hình thành trong thập niên 1950-1960 trên những quả đồi có độ cao trung bình, thấp thoáng giữa những rặng thông đã tô điểm thêm vào bức tranh phong cảnh tĩnh mịch đó những nét chấm phá sinh động.
1.2 YẾU TỐ MẶT NƯỚC
Giữa các quả đồi là các thung lũng có nhiều suối nhỏ mà dòng suối quan trọng nhất chảy qua Đà Lạt là dòng Cam Ly. Việc sắp xếp thành phố đã được thực hiện phần lớn dọc hai bờ con suối này. Từ năm 1900, kỹ sư Rousselle đã có ý nghĩ tạo lập một hồ nước nhân tạo. Hồ Xuân Hương đã được thành hình một phần vào năm 1919 khi đắp xong đập thứ nhất, năm 1923 hồ được mở rộng, và đến năm 1935 thì hoàn chỉnh như ngày nay sau khi xây dựng đập Cầu Ông Đạo và loại bỏ các đập cũ bị bể vỡ. Từ đó đến nay việc tạo thêm các hồ nước nhân tạo đã gia tăng đều đặn và gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố, và là những công trình kỹ thuật có giá trị nhất nối liền con người với thiên nhiên.
Năm 1923 E. Hébrard đã đề xuất quy hoạch thành phố Đà Lạt xung quanh một chuỗi hồ nhân tạo, mỗi hồ nước là một nhân trung tâm của một phân khu chức năng, theo dòng Cam Ly kể từ thượng lưu sẽ gồm:
* Hồ Than Thở: ở đầu nguồn, vừa cung cấp nước uống vừa là hồ cảnh, đã cùng với các đồi thông chung quanh tạo thành bức tranh hữu tình nổi tiếng.
* Một hồ nước dự kiến tạo thành tại khu vực giữa Chi Lăng và Thái Phiên, là tâm điểm của Trung tâm hành chính trung ương.
* Hai hồ nước nhỏ dự kiến giữa khu vực trường học ở phía Nam và trại lính ở phía Bắc (khu vực phía Bắc Cô Giang ngày nay).
* Hồ Xuân Hương: rộng lớn nhất và tồn tại đến ngày nay, là bố cục của một công viên trung tâm. Các khách sạn du lịch và khu giải trí được bố trí ở bờ phía Nam, vườn hoa, sân golf và khu dự kiến phân lô biệt thự ở bờ phía Bắc. Bố cục chính của khu vực này đã được tổ chức theo đồ án của E. Hébrard, J. Lagisquet và hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể cho tới ngày nay, ngoại trừ việc dự kiến xây dựng biệt thự đã không được thực hiện do e ngại sẽ làm hủy hoại tầm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp về phiá Lang Biang.
* Hồ nước cuối cùng được dự kiến trước khi dòng suối chảy đến thác.
Mặc dù không được thực hiện trọn vẹn, sáng kiến này đến nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Nếu được thực hiện trong tương lai, sáng kiến này sẽ làm tăng vẻ đẹp của phong cảnh, vừa làm tăng giá trị của đất đai xung quanh các hồ, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong thành phố (Xem bản đồ E. Hébrard).
Tính đến nay, tại TP Đà Lạt đã xây dựng được 8 hồ lớn nhỏ với:
- Tổng diện tích lưu vực (TDTLV): 50km2
- Tổng diện tích mặt nước (TDTMN): 121 ha
- Tổng dung tích hồ (TDTH) : 6,16 triệu m3 nước.
(Không kể đến 2 hồ đã bị bồi lắng hoàn toàn là Vạn Kiếp và Mê Linh).
Nếu tính cả các hồ thuộc vùng phụ cận mà quan trọng nhất là các hồ: Dankia, Suối Vàng, Tuyền Lâm thì TDTLV là 100km2, TDTMN: 756 ha, TDTH: 18,24 triệu m3 nước.
Như vậy, tỷ lệ của diện tích mặt nước so với tổng diện tích đất của cao nguyên là khoảng 4%, một tỷ lệ khá cao nếu so sánh với những thành phố khác.
Ngoài công dụng cung cấp nước uống cho cư dân thành phố, điều hoà nước tưới cho nông dân, suối và hồ nước là trung tâm của các thắng cảnh: không cảnh đẹp nào của Đà Lạt mà thiếu vắng hình ảnh phẳng lặng và thoáng mát của mặt nước. Nó phản chiếu cảnh vật, làm tăng chiều cao không gian, điều hòa vi khí hậu, tạo bầu không khí trong lành và cảm giác thanh bình cho du khách.
Hồ Xuân Hương là bố cục chính của vùng trung tâm, nơi quần tụ của công trình khách sạn, công trình công cộng, khu thể thao, nhà thủy tạ tại bờ phía Nam. Khoảng trống của hồ đã tạo được tầm nhìn gắn bó với bờ đối diện là vùng đồi và các chòm thông xanh được giữ gìn như một công viên thiên nhiên dưới chân rặng núi Lang Biang. Điạ hình khu vực lồi lõm, đường vòng trên bờ quanh co ẩn khuất sau những rặng cây đã tạo nên cảm giác thú vị cho người ngoạn cảnh và làm cho mặt hồ như rộng lớn hơn.
Nhà thủy tạ (La Grenouillère) có kiến trúc đơn giản với mặt đứng chỉ gồm những nét thẳng, dứt khoát và thanh mảnh, được quét màu vôi trắng như nổi lên giữa màu xanh của quang cảnh thiên nhiên, đó là điểm nhấn không thể thiếu được tạo thêm sự duyên dáng cho mặt hồ.
Trong đồ án năm 1943 của KTS J. Lagisquet, người ta đã dự trù bố trí một công viên dạng bậc cấp từ Biệt điện số 2 đến hồ Xuân Hương, bao gồm những vườn hoa, cây cảnh, bể và thác phun nước, và các lối đi cho người thưởng ngoạn. Nếu thực hiện được dự án này, Đà Lạt sẽ có thêm một phong cảnh đặc sắc, liên hoan bao gồm kiến trúc nguy nga của dinh thự, có cây cảnh và vườn hoa rực rỡ trải dài từ trên đồi cao đến mặt hồ.
1.3 YẾU TỐ VỀ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH
Trong địa hình bằng phẳng, việc quy hoạch theo ô bàn cờ là giải pháp tối ưu về nhiều phưong diện. Để tạo hình cho đô thị trong trường hợp này người ta phải dùng đến các biện pháp: đắp đất tạo đồi, đào hồ tạo mặt nước, mở các quảng trường để tạo thành các không gian biến động.
Thành phố Đà Lạt với địa hình không bằng phẳng đã tạo thành những không gian linh động, biến đổi không ngừng trên mỗi bước đi.
Từ trên đường Trần Hưng Đạo, giữa rừng thông cao vút, khi nhìn qua phía Bắc ta sẽ có một phong cảnh kỳ ảo: dãy Lang Biang xanh thẫm hiện ra ở cuối chân trời với hình dáng hùng vĩ, mềm mại làm nền cho toàn cảnh bức tranh, gần hơn và dưới thấp là những quả đồi tròn ẩn hiện nhấp nhô, và đây đó là những rặng thông soi bóng xuống mặt hồ Xuân Hương phẳng lặng. Phong cảnh này lại được lặp lại nhiều lần với nhiều hình thái khác nhau trên các đoạn đường cao như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh...
Từ trung tâm thành phố, ta đã thấy xa xa ẩn hiện đỉnh tháp chuông của nhà thờ Chánh Toà trên những rặng thông. Khi vừa bước chân qua khỏi khúc quanh của dốc Lê Đại Hành, ta bất ngờ diện kiến một công trình sừng sững và cao vút. Tiếp sau sự ngạc nhiên đầy thích thú là cảm giác tôn kính và sự ngưỡng mộ đối với một công trình kiến trúc đặc sắc. Để giữ vẻ trang nghiêm, ngoài hình dáng kiến trúc đối xứng theo chủ nghĩa kiến trúc cổ điển, công trình còn được án ngữ bằng một đảo giao thông trước mặt tiền, để tránh cho đường lộ hướng trực tiếp vào cổng nhà thờ.
Vượt qua đèo Prenn giữa rừng thông san sát, vừa đến cửa ngõ thành phố tại bến xe, ta đã được thưởng ngoạn một tầm nhìn bao quát toàn bộ thành phố: từng lớp nhà xếp trên nhau và trải dài xuống thung lũng, ẩn hiện trong màu xanh của cây và sương khói. Về đêm, bầu trời dường như tràn xuống dưới chân du khách với muôn ngàn ánh sao lấp lánh, ở thành phố đồng bằng ta chỉ thấy được điều này từ trên máy bay.
1.3.1 Dinh thự
    Đà Lạt có các dinh thự lớn là Biệt điện số 1, 2 và 3. Đây chính là nơi để nghỉ mát và làm việc được xây dựng theo dạng cung điện dành cho các nguyên thủ quốc gia.
- Dinh 1 là một quần thể công trình lớn xây dựng trên một diện tích đất hơn 60 ha, ngôi nhà chính là một tòa nhà một hầm, một trệt, một lầu, mái lợp ngói đỏ, hình thức mang dáng dấp kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ XIX. Hai hàng cây cao có thân trắng xốp ven lối vào công trình nổi bật trong nền rừng thông sẫm. Giữa con đường là một đảo hoa xoay đến công trình chính, mặt bằng công trình đối xứng với lối vào ở giữa và hệ thống cầu thang, hành lang trổ ra hai bên. Quanh đó là một số biệt thự lớn khác (nhà cận vệ quân, ngự lâm quân, các nhà phục vụ...) và một hệ thống sân vườn, bể cảnh, đường đi dạo đã tạo thành một quần thể hoàn chỉnh.
- Dinh 2 và Dinh 3: Khác với trường phái học viện của công trình trên, đây là những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân kiến trúc ở châu Âu lúc bấy giờ (1920-1930) do Le Corbusier và Gropius đề xướng. Lúc này, kiến trúc đã bắt đầu phi đối xứng và đi vào yếu tố hình khối, bố cục tự do. Đây là những công trình đồ sộ với mái bằng, hình khối, bố cục tuy cân đối nhưng không đối xứng, có cùng một thời điểm xây dựng 1933-1938. Mặt bằng được bố cục tương đối hiện đại, toàn bộ tầng trệt dành cho các phòng làm việc và tiếp khách gắn với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn. Ở đây, không gian kiến trúc bên trong và bên ngoài hoà lẫn vào nhau quanh các lối đi và cửa sổ kính bằng khung thép rất lớn, hoặc qua các sân vườn có cột trụ bao quanh để tạo thành những không gian chuyển tiếp.
Toàn bộ phận lầu được dành riêng cho sinh hoạt gia đình. Hai công trình này đều có sảnh lớn vươn ra làm mái che để đón khách khi xe đỗ, đây là một phương pháp thể hiện mới tại thời điểm nhằm tạo thêm sự uy nghi, bề thế cho công trình.
Hình thức kiến trúc ở hai công trình này cũng bắt đầu khác, chủ yếu đi vào bố cục hình khối chứ ít đi vào chi tiết. Mặt bằng linh động, lồi lõm tạo thành những mảng hình khối lớn.
1.3.2 Biệt thự
Biệt thự được phân chia thành nhiều hạng theo diện tích phân lô của đất xây dựng - Biệt thự tiêu chuẩn cao (DTPL>1.500m2) là nơi ở hay nghỉ mát dành cho tầng lớp thượng lưu trước đây, gồm các khu Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Lê Lai, Nguyễn Du... đều nằm xa trục đường chính. Các ông trình được bố trí cách xa nhau từ vài chục đến vài trăm mét.
Tầng hầm được xây dựng theo địa hình với nền nhà rất cao (> 40cm) và thường có cầu thang được bố trí ngoài trời để vào tầng trệt. Tầng trệt có sảnh, tiền sảnh và phòng khách rộng rãi, độ cao tầng rất lớn (có khi đến 6m). Tầng trên là các phòng ngủ, phòng sinh hoạt gia đình hay terrasse...
Cũng như dinh thự, các biệt thự này được xây dựng theo hai thể loại:
- Thể loại thứ nhất theo trào lưu cổ điển được xây dựng nhiều vào thời kỳ đầu với bố cục mặt bằng đơn giản, thường đi sâu vào các chi tiết mặt đứng. Nhà mái ngói có độ dốc lớn, mặt bằng đơn giản có nguồn gốc từ kiểu kiến trúc xứ lạnh miền Bắc nước Pháp, loại biệt thự này thể hiện ở cách trình bày cầu kỳ của các chi tiết mái, cầu thang, chi tiết trang trí trên cửa sổ, cửa đi, và đặc biệt là những hoa văn ở những vòm cuốn giả trên cửa có tính nghệ thuật cao.
- Thể loại thứ hai với bố cục mặt bằng tự do và linh động, được bố trí tùy theo địa hình hay chức năng sử dụng, đã tạo thành hình khối công trình đa dạng hơn: mái nhà được lợp ngói hoặc làm mái bằng bêtông cốt thép, kiểu dáng tương tự kiến trúc miền Nam nước Pháp hay miền Địa Trung Hải, đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại. Loại này được xây dựng về sau và phát triển cho đến nay, kiến trúc hướng vào nghệ thuật tạo hình khối và tổ chức sân vườn chung quanh. Ở đây, không gian ở và môi trường tự nhiên đã được xử lý bằng những trung gian như mái hiên, vườn cảnh... tạo thành một hệ thống không gian liên tục.
Mỗi một biệt thự là một đóa hoa kiến trúc xinh đẹp và cả thành phố là một vườn hoa lớn với những trục đường biệt thự muôn hình muôn vẻ. Những tòa nhà này với kiểu dáng phong phú có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều thể loại kiến trúc nhà ở của nhiều địa phương của nước Pháp:
- Kiến trúc vùng Normandie (phía Tây Bắc nước Pháp): Kiểu nhà mái ngói lớn với phần đuôi được bẻ góc, có tường xây đá chẻ đến hệ cửa sổ và phần bên trên xây gạch để lộ các khung sườn gỗ.
- Kiến trúc vùng Bretagne (phía Tây nước Pháp): Kiểu nhà mái lợp bản thạch (ardoise) có tường xây đá chẻ với tường hồi có viền xây cao hơn mái.
- Kiến trúc vùng Pays Basque (phía Tây Nam nước Pháp): Có tường hồi quay ra mặt tiền với khung sườn nổi và có mái vươn rộng ra khơi tường.
- Kiến trúc vùng Savoie (phía Đông Nam nước Pháp): Đặc điểm như kiến trúc vùng Pays Basque nhưng tầng dưới được xây, còn tầng trên được đóng bằng gỗ và có balcon rộng...
Ngoài ra, thành phố cũng có các khu biệt thự hạng vừa (DTPL < 1.000m2) và các nhà biệt lập có sân vườn (DTPL<500m2) là loại công trình được phổ biến tại trung tâm thành phố, dành cho tầng lớp trung lưu, công chức trước đây như các trục: Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Bùi Thị Xuân... Nhà có mặt bằng đơn giản, mái lợp ngói, tường xây gạch quét vôi, có nơi làm bằng gỗ theo thiết kế điển hình (trước 1954). Để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của đồi núi, tất cả các công trình kiến trúc đều được xây dựng theo khoảng lùi quy định, nhờ khoảng cách này đường vào nhà dễ dàng với độ dốc nhỏ, cũng như tạo được một khoảng sân làm vườn hoa trước mỗi công trình.
1.3.3 Kiến trúc trường học
Đa số các ngôi trường lớn ở thành phố Đà Lạt đều có phong cách kiến trúc tương đối giống nhau. Mặt bằng ổn định gồm các dãy lớp học, một hoặc hai tầng. Đa số đều lợp mái ngói và console gỗ có nguồn gốc từ kiến trúc địa phương của Pháp, console có những chi tiết gia công rất công phu vừa để đỡ mái ngói vươn ra, vừa để trang trí. Đặc biệt, trường Lycée Yersin là một kiểu kiến trúc độc đáo về trường học hiếm thấy ở nước ta, mặt bằng tuy vẫn ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cổ điển, nhưng đã vượt lên bằng cách tự uốn mình theo một đường cung tròn mềm mại ôm lấy một khoảng sân bên trong rất lớn và bằng dấu nhấn mạnh mẽ là tháp chuông lợp bản thạch vươn cao giữa rặng thông và hướng về mặt nước hồ Xuân Hương.
Toàn cảnh Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt
(Trường Trung học Yersin cũ)
1.3.4 Công sở và công trình công cộng
Đại bộ phận các công sở ở thành phố Đà Lạt đều là những biệt thự lớn có sân vườn, công viên rộng rãi bao quanh, với hình thức kiến trúc đối xứng, trang nghiêm và có mặt bằng đơn giản.
Nha địa dư (hiện nay là Xí nghiệp bản đồ II) là một thí dụ điển hình của công trình kiến trúc đồ sộ có hình khối vuông vức với mái ngói cao, mặt tường bằng khối xây gạch đá tạo cho ta một cảm giác uy nghi, quyền lực. Tòa nhà được bố trí với hành lang giữa, hai dãy phòng làm việc ở hai bên và chính giữa là cầu thang, tiền sảnh.
Nằm bên cạnh Đồi Cù ẩn mình trong cây xanh, Giáo hoàng học viện Pio X là một công trình tân kỳ đã giải quyết thành công mối tương quan giữa kiến trúc và cảnh quan. Để bảo đảm được nhu cầu của hàng trăm người vừa sinh hoạt vừa học tập. KTS. Tô Công Văn đã thiết kế một khối nhà bốn tầng và một khối khác hai tầng bên nhau, toàn bộ diện tích đất còn lại (hơn 80%) được dành cho các vườn hoa, thảm cỏ, cây cảnh, sân thể dục thể thao, đường giao thông và đi dạo.
1.3.5 Nhà ở khu dân cư làm nông nghiệp
Nhà liền vườn là dạng kiến trúc nông thôn Việt Nam rất phổ biến trong khu ngoại ô thành phố và quây quần lại thành từng làng xóm (hay còn gọi là "ấp") mang tính địa phương của quê quán cư dân. Ấp của người Việt tại Đà Lạt quy tụ dọc theo các đường lộ ngoài khu trung tâm và phát triển sâu đến các dòng suối của khu vực. Đó là quần thể nhà ở kết hợp với vườn sản xuất các loại hoa, rau quả cho Đà Lạt. Các ấp nông nghiệp này hiện nay chiếm một bộ phận đất đai lớn của Đà Lạt (trên 20% diện tích thành phố).
Nhà ở là những ngôi nhà nền đất cao đến 40cm, có bố cục số gian lẻ thường là ba gian, có kết cấu khung gỗ chịu lực, mái lợp ngói hay tôn. Nhà thường có hiên phía trước, có khi ở đầu hồi hoặc quanh nhà, đó là không gian chuyển tiếp giữa trong và ngoài nhà, có tác dụng che nắng mưa, để đón khách hay nghỉ ngơi. Ngôi nhà thường được bố trí giữa vườn cây ăn quả, có sân rộng trước nhà cùng với mái hiên, dàn cây phong lan, cây kiểng, hòn non bộ tạo thành một tiểu cảnh mô phỏng thiên nhiên cô đọng và hữu tình.
Ta có thể quan sát một khu dân cư đặc trưng loại này tại ấp Hà Đông, Đa Thiện, Tùng Lâm hay Nam Hồ. Ở đây, nhà ở mang tính chất nhà vườn, diện tích cho mỗi lô đất từ 1.500m2-3.000m2 khoảng 100m2-200m2 đất dành cho nhà ở, nhà kho, công trình phụ và lối đi, còn lại là vườn cây ăn quả và rau hoa Đà Lạt.
Kiến trúc của từng công trình rất đơn giản, được xây dựng theo dạng nhà nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh, đây lại là một bức tranh đặc sắc ngoạn mục.
Từ trên quốc lộ 20, qua đoạn núi cao trên đường đi Trại Mát, ta quan sát được toàn bộ thôn ấp nằm dưới thấp với phần đất trồng rau rộng lớn dạng bậc thang chạy dài xuống tới đáy thung lũng với dòng suối nhỏ và hồ chứa nước. Đây đó là những mái nhà xinh xinh, nhỏ bé được che khuất một phần bởi những vườn cây ăn quả. Hiện còn rất nhiều vùng đất trống tương tự ven thành phố hội đủ những điều kiện để phát triển cho cư dân làm nghề nông, việc thành lập các thôn ấp như trên là một định hướng tốt đẹp góp phần giải quyết việc gia tăng dân số cho thành phố.
1.3.6 Nhà phố và nhà liền căn
Nhà phố trước đây chỉ được quy hoạch trong các trung tâm thương mại sử dụng để buôn bán và để ở, được xây dựng liên kế thành từng dãy 6-8 căn có từ 1-2 tầng lầu. Mặt bằng nhà là hình chữ nhật (rộng từ 4-5m, dài từ 12-16m) không đòi hỏi diện tìch đất lớn và có mật độ xây dựng 60-70% diện tích đất. Hiện nay, loại nhà này có khuynh hướng phát triển tràn lan, kể cả ngoài các khu thương mại do áp lực của sự khan hiếm đất xây dựng, điều này gây phương hại đến bộ mặt kiến trúc của thành phố do hình khối đơn điệu và nghèo nàn, mật độ xây dựng quá cao nên thiếu sân vườn và chỉ có điều kiện tối thiểu về chiếu sáng, thông gió tự nhiên.
1.4 YẾU TỐ CÂY XANH TRONG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN CỦA THÀNH PHỐ
Nói đến cao nguyên Lang Biang, người ta liên tưởng ngay đến rừng thông và thác nước. Rừng thông bao quanh Đà Lạt là rừng tùng loại (forêt de conifères) chiếm một diện tích rất lớn, ngoài ra cũng có nhiều rừng cây diệp loại (forêt de feuillus) như: giẻ, sồi...
Đà Lạt là một thành phố được hình thành giữa rừng thông. Sau quá trình xây dựng, những rặng thông còn lại đã được giữ gìn và trở thành cây xanh đô thị. Màu xanh của rừng thông đã là bức nền chính luôn gắn liền với mọi bức tranh của thành phố, tôn cao các phối cảnh đẹp của kiến trúc công trình và cũng che giấu những bề mặt xấu. Thông thường màu đỏ và màu xanh là hai màu tương phản khó hài hoà, nhưng trong bức tranh phong cảnh, màu đỏ gạch của mái ngói lại tạo thành những điểm nhấn ấm áp, nổi lên trong màu xanh thẫm của nền rừng thông.
Tỷ lệ xây dựng của toàn thành phố thường không quá 15% diện tích đất, một phần còn lại chính là rừng thông được giữ lại làm vườn cảnh, cây xanh công trình. Ngoài ra trong trung tâm thành phố, người ta đã dành một số khoảng đất trống được bảo vệ làm công viên. Đây là các rừng thông nhỏ liên hoàn lại thành mảng cây xanh cho toàn thành phố, tạo cho khung cảnh vẻ tĩnh mịch của rừng núi cao nguyên.
Ngoài thành phố là vùng đất rộng lớn về phía bắc được dành riêng để bảo tồn rừng cảnh quan phục vụ săn bắn, ngoạn cảnh và du lịch... nhiều khoảng trống khác được dành cho khu thể thao, cắm trại, công viên hay bất kiến tạo. Tổng cộng diện tích này lên đến 10.000 ha, chiếm 60% diện tích thành phố (theo đồ án quy hoạch của J. Lagisquet). Điều này nhằm bảo vệ những giá trị tự nhiên của thắng cảnh Đà Lạt, chống lại sự khai phá thái quá của con người.
Trong 100 năm qua, từ một vùng cao nguyên hoang dã, cư dân thưa thớt, Đà Lạt đã trở thành một thành phố nổi tiếng có trên mười vạn dân với mạng lưới kỹ thuật hạ tầng rộng khắp và những công trình kiến trúc đa dạng.
Lịch sử quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt có thể chia ra thành những giai đoạn sau đây:
2.1 Giai đoạn hình thành trạm nghỉ dưỡng vùng cao (1900-1922)
Vào những năm 1897-1899, khi quyết định chọn cao nguyên Lang Biang làm địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng theo đề nghị của Bác sĩ Yersin. Toàn quyền Doumer đã quyết định đặt trạm nghỉ dưỡng tại Dankia, cách Đà Lạt 15km về phía Bắc - Tây Bắc.
Nhưng đồng thời với việc xây dựng các tuyến giao thông các cơ sở hạ tầng ban đầu, đã xuất hiện nhiều ý kiến đề nghị chọn Đà Lạt thay vì Dankia.
Trong một điệp văn bàn về địa điểm xây dựng một trạm nghỉ dưỡng tại Lang Biang (30.3.1900). A. Capus - Giám đốc Nha nông nghiệp và thương mại Đông Dương - đã nêu rõ những ưu điểm của Đà Lạt: độ cao 1.500m, hoàn toàn thoáng đãng, tầng đất ngầm thẩm thấu trên nền đá hoa cương, có bóng mát của rừng từng loại. Có thể nhìn bao quát toàn thể cao nguyên và toàn dãy núi ở phía chân trời.
Năm 1902, trong một tác phẩm nhan đề "Phái đoàn Lang Biang" (La mission du Lang Biang). Bác sĩ E.Tardif đã phân tích những ưu thế của Đà Lạt so với Dankia, có thể tóm tắt như sau:
* Về địa hình: Đà Lạt ở độ cao trung bình 1.500m bao gồm những dãy đồi bằng phẳng có độ dốc thoai thoải, với lớp đất sét mỏng phù hợp cho việc trồng trọt. Trong khi đó, Dankia thấp hơn 100m, tức nằm trong lòng chảo giữa Đà Lạt và rặng núi Lang Biang, chỉ gồm những đồi núi nhỏ với độ dốc lớn và những thung lũng lầy lội có lớp đất sét quá dày nên ít thấm nước. Do các ưu thế đó, Đà Lạt có các điều kiện về vệ sinh, cấp thoát nước và xây dựng đường sá tốt hơn Dankia.
* Về khí hậu: Không khí Đà Lạt thoáng mát, trong lành và ít ẩm, trong khi Dankia nằm bên sườn núi Lang Biang có nhiều gió ẩm, mưa rào và sương mù kéo dài tới 9-10 giờ mới tan.
* Về cảnh quan và thảo mộc: Dankia có nhiều đồi cỏ xanh và tầm nhìn bị giới hạn trong lòng chảo, trong khi Đà Lạt lại có rất nhiều rừng thông với mùi hương thơm của nhựa lan tỏa khắp nơi và tầm nhìn bao quát được toàn cảnh cao nguyên với rặng núi Lang Biang hùng vĩ trải rộng phía chân trời.
* Nguồn vật liệu xây dựng: ở Đà Lạt gần hơn so với Dankia.
Cuộc tranh luận về địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng đã được giải quyết vào năm 1906, dưới thời Champoudry làm thị trưởng. Vốn là một trắc địa viên và từng làm Chủ tịch Hội đồng thị chính Paris, Champoudry đã sơ phác một họa đồ quy hoạch và phân lô cho thành phố Đà Lạt. Do có nhiều kinh nghiệm về vấn đề đô thị, ông đã thiết lập dự án theo phương pháp "zoning"(phân khu), thể hiện được ranh giới giữa những khu có chức năng khác nhau và dự trữ đất cho các công trình tương lai với những đặc đểm sau:
- Trung tâm công cộng và hành chính hợp thành một khu.
- Trung tâm thương mại thiết lập gần chợ và trung tâm thành phố (trong vùng này còn có khách sạn và khu casino). Nhà ga được dự trù ở gần địa điểm hiện nay và cạnh đó là trụ sở bưu điện.
- Đường sá được thiết kế với bề rộng 20m cho đường chính, 16m và 12m cho đường hạng 2.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, người Pháp không thể về nghỉ hè tại châu Âu đã lên nghỉ tại Đà Lạt với lượng người đông hơn. Đà Lạt đã trở thành trạm nghỉ dưỡng nổi tiếng và khoảng năm chục căn nhà gỗ đã được dựng lên gấp rút, nhịp độ xây dựng tăng lên với những công trình xây dựng, giao thông quan trọng: Hôtel du Langbian Palace, Hôtel du Parc, đường nội thị, Hồ Lớn Đà Lạt (nay là hồ Xuân Hương), quốc lộ Phan Rang lên Đà Lạt, bưu điện, trường Nazareth, ngân khố, nhà máy điện, nhà máy nước...
Trước sự phát triển này, chính phủ Đông Dương nhận thấy cần phải có một "Đồ án chỉnh trang tổng quát" để điều hành việc phát triển Đà Lạt. Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long đã giao trách nhiệm thiết lập đồ án cho kiến trúc sư Ernest Hébrard, một kiến trúc sư từng tham gia trùng tu thành phố cổ Salonique (ở Hy Lạp).
2.2 Giai đoạn phát triển thành phố (1923-1954)
Năm 1923, Hébrard hoàn tất đồ án, theo đó Đà Lạt sẽ là một thành phố nghỉ mát trên cao. Đây là lần đầu tiên các vấn đề phức tạp của đô thị Đà Lạt đã được nghiên cứu một cách công phu.
Thành phố được bố trí với diện tích vừa phải khoảng 30.000 ha (bề ngang 7 km theo hướng Đông Tây, bề sâu 4,3km theo hướng Nam Bắc) chiếm 14% diện tích cao nguyên. Đây là một diện tích hợp lý cho một thành phố vườn với quy mô dân số từ 30.000-50.000 dân. Ngoài phạm vi thành phố là cảnh quan của đồi núi và rừng thiên nhiên được giữ gìn như lúc ban sơ, với con đường Vòng Lâm Viên làm đường giao thông phục vụ nhu cầu du lịch, ngoạn cảnh và săn bắn.
Vấn đề bảo vệ cảnh quan và bố cục không gian mỹ cảm cho thành phố đã được tác giả quan tâm đặc biệt. Ý tưởng của tác giả là thiết lập một thành phố phong cảnh: thành phố trong rừng cây và rừng cây trong thành phố. Nét nổi bật của đồ án là cách giải quyết vấn đề cảnh quan đô thị. Dòng suối Cam Ly được tôn tạo tích cực để trở thành một trục cảnh quan hấp dẫn cho thành phố, với hệ thống 6 hồ nhân tạo lớn, nhỏ có các trục đường bao quanh men theo sườn các thung lũng. Bố cục chính của thành phố nghỉ mát và thủ đô tương lai được tổ chức quanh trục cảnh quan này, mỗi hồ là nhân của một phân khu chức năng như đã trình bày trong phần trên.
Nằm về phía Đông Bắc và cách ly hẳn với trung tâm thành phố là Trung tâm hành chánh trung ương bố trí xung quanh một hồ nhân tạo (dự kiến tại khu vực Thái Phiên và Chi Lăng ngày nay).
Nối với quốc lộ là trục đường xương sống của thành phố, kéo dài từ nhà ga đến thác Cam Ly, dựa theo đường đỉnh của địa hình khu vực (Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú ngày nay). Trung tâm công cộng và hành chính của thành phố được bố trí trên một đoạn của trục lộ, ngoài ra còn có ngân khố, bưu điện, cảnh sát, công chánh, nhà thờ, trường học, thư viện, khách sạn hạng 2, khu thương mại người Âu, văn phòng du lịch ...
Xa hơn về phía Tây Nam là Dinh Toàn quyền và cạnh đó là Viện điều dưỡng.
Khu vực phân lô biệt thự cho người Pháp được tập trung ở phía Nam suối Cam Ly (đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Cô Giang, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ, Huyền Trân Công Chúa ngày nay) được phân lô thành 3 hạng (>2.300m2; < 2.300m2; >700m2).
Khu vực dành cho người Việt Nam được bố trí một phần về phía nhà ga, về phía Đông và tập trung nhất ở khu vực làng Việt Nam cũ phía hạ lưu hồ (giới hạn bởi đường phân thủy qua đồi Dinh Thị Trưởng đổ về suối Phan Đình Phùng) gồm có : chợ, trường học, chùa, công viên, lò sát sinh, khu cư dân... Khu cư dân này được dự trù với nhiều nhà biệt lập và hạn chế những dãy nhà liền căn, loại nhà chỉ được cho phép xây cất trong khu thương mại.
Về công trình kỹ thuật có đường xe lửa và nhà ga được bố trí gần lối vào của quốc lộ 20B, cạnh đó là khách sạn, kho hàng, khu tiều công nghệ và công xưởng. Kèm theo đó là các giải pháp về cấp nước, cấp điện, thoát nước, xử lý rác, nghĩa địa, lò sát sinh...
Lộ giới và khoảng cách bắt buộc từ ranh giới đất đến mặt tiền công trình (còn gọi là khoảng lùi) đã được quy định cho từng cấp hạng đường (bảng 2)
BẢNG 2
Loại trục đường
Lộ giới (m)
Khoảng lùi (m)
Trục chính nhà ga Cam Ly
20
5
Đường cấp I khu dân cư
18
5
Đường cấp I khu thương mại
18
0
Đường cấp II khu dân cư
13
4
Đường cấp II khu thương mại
13
0
Đường cấp III
8
4
Luật lệ xây dựng trong Đà Lạt được áp dụng chặt chẽ với các quy định về sử dụng đường và quy định về xây cất công trình ban hành ngày 26.7.1923 và ngày 1.6.1923.
Sau khi Đà Lạt có định hướng để phát triển, một số công trình xây dựng và giao thông quan trọng đã được thực hiện:
- Trong các năm 1932, 1938 đã hoàn tất các công trình giao thông quan trọng đường Đà Lạt- Sài Gòn, đường sắt răng cưa đi từ Phan Rang lên Đà Lạt và nhà ga xe lửa. Do các điều kiện vận tải phát triển nên các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép... được vận chuyển dễ dàng đến Đà Lạt, không những đáp ứng được khối lượng xây dựng khổng lồ của thành phố mà còn đáp ứng được những đòi hỏi đa dạng về chất liệu của những công trình mỹ thuật cao.
- Các trục đường nội thị chính, khu trung tâm công cộng, khu thương mại người Việt, khu biệt thự người Âu, nhiều trường trung tiểu học nội trú quy mô lớn, doanh trại quân đội, nhà máy nhiệt điện (đường 3 tháng 2 ngày nay), nhà máy nước hồ Than Thở... đã được xây dựng.
Tuy nhiên đồ án E.Hébrard với ý đồ quá lớn không phù hợp với thực tế. Dự kiến Đà Lạt là thủ đô Đông Dương đã không trở thành hiện thực. Toàn quyền chỉ nghỉ mát mỗi năm một hay hai tháng trong một căn nhà tầm thường, không một cơ quan trung ương nào được dời về Đà Lạt. Do đó, những nguồn vốn to lớn để xây dựng chuỗi hồ, khu hành chánh trung ương đã không được đầu tư vào Đà Lạt.
Trong quá trình thực hiện đồ án, nhiều vấn đề thực tế đã phát sinh như sau:
- Hồ Xuân Hương đã thật sự trở thành trung tâm chính của Thành phố, cho nên việc phân lô biệt thự ở phía Bắc hồ sẽ đe dọa đến tầm nhìn viễn cảnh về phía núi Lang Biang,
- Khu phân lô dành cho người Âu cũng như khu vực dự kiến dành cho người Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu. Từ thập niên 30 đã phát triển ngoài dự kiến của E.Hébrard những khu biệt thự Saint Benoit, Cité Decoux, Cité Bellevue... và ấp Việt Nam như: Hà Đông, Nghệ Tĩnh... có khuynh hướng phát triển về phía Bắc.
- Khu vực rừng cảnh quan phục vụ du lịch và các khu nhượng địa trong trung tâm chiếm một diện tích quá lớn làm trở ngại việc phát triển các trung tâm khác.
Do các vấn đề nêu trên, việc thực hiện đồ án E. Hébrard cần phải được hiệu chỉnh cho phù hợp với thực trạng.
Vào năm 1933, kiến trúc sư Pineau trình bày một nghiên cứu mới về thành phố Đà Lạt: Đà Lạt trước mắt chưa là thủ đô hành chánh hay nghỉ hè của Đông Dương, thành phố nên tự giới hạn lại như một trạm nghỉ mát để chờ đợi sự phát triển trong tương lai và đề ra những định hướng bảo vệ cảnh quan thành phố;
- Mở rộng hồ nước và các công viên.
- Khu vực xây dựng phải phù hợp với cảnh trí và điều kiện khí hậu của địa phương.
- Bảo vệ tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên về phía rặng núi Lang Biang bằng cách thành lập một vùng bất kiến tạo ở phía Bắc Đà Lạt. Một số ý tưởng của Pineau đã được lưu ý và thực hiện sau này, đặc biệt là cảnh quan đã được giữ gìn với những khoáng địa rộng rãi, để chờ đón những dự án đầu tư lớn trong tương lai.
Vào năm 1940, kiến trúc sư H.Mondet trình bày một "tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt". Ông có nhận xét về Đà Lạt lúc đó như sau; "Đà Lạt kéo dài quá mức từ Tây sang Đông, về cơ cấu chưa thành một thể thống nhất". Nguyên nhân do việc xây dựng thường bám dọc theo các trục lộ lớn và do sự lo ngại quá mức khi người ta muốn bảo vệ cảnh quan bằng biện pháp mở rộng vùng cấm xây dựng rộng lớn ở trung tâm thành phố.
Đây cũng chính là bài toán khó nhất phải giải quyết trong các đề án quy hoạch tiếp theo của Đà Lạt: xây dựng và phát triển thành phố, nhưng vẫn bảo vệ được cảnh quan.
Do vậy, kiến trúc sư Mondet đã đề nghị một phương án không kéo dài thành phố nữa, mà tổ chức họp nhóm lại, mở rộng ra bằng cách ưu tiên sử dụng những lô đất gần trung tâm.
Công tác chỉnh trang được chia thành bốn phần:
- Về giao thông, đề nghị giữ nguyên hướng tuyến, chiều rộng đường nội thị chỉ cần mở rộng tầm nhìn các khúc quanh, bố trí lại một số nút giao thông chính và chuyển lối vào từ đèo Prenn đến Đà Lạt ở vị trí mà du khách khi đặt chân đến Đà Lạt sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố.
- Về vệ sinh môi trường, đề nghị tập trung chỉnh trang hai bờ suối Cam ly, có biện pháp dẫn dòng hợp lý hơn khi nước thoát ra từ hồ và xây dựng thêm hồ nước tại vị trí thung lũng gần nhà ga.
- Các khu vực khoáng địa được tôn trọng và được tổ chức thành những công viên, câu lạc bộ, sân thể thao, vườn trẻ... sao cho vẫn bảo đảm được tính chất bất kiến tạo của các khu vực đất này.
- Các trung tâm công cộng, hành chánh được dự kiến bố trí và hợp nhóm lại.
- Trung tâm giải trí và thể thao gồm có: sân golf, hồ nước, sân tennis, câu lạc bộ, thủy tạ, vườn trẻ, khu casino, công viên... sẽ được bố trí tại bờ phiá Nam Hồ Lớn.
Qua bản tiền dự án, KTS. H. Mondet đã đóng góp được nhiều ý kiến phù hợp với thực tế và hữu ích trong công tác chỉnh trang thành phố Đà Lạt và đã được các nhà quy hoạch kế tục chọn lọc trong các đồ án sau này.
Kể từ năm 1939, Đà Lạt bắt đầu phát triển trở nên thịnh vượng.
Do chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, liên hệ với bên ngoài bị đình trệ, thời gian lưu trú ở Đông Dương của người Âu kéo dài đã khiến dòng người đổ xô về Đà Lạt ngày càng đông. Những số vốn không sử dụng ở Nam Bộ đã được đầu tư vào Đà Lạt. Thị trường mua bán đất thành phố trở nên sôi động, những biệt thự mọc lên ngày càng nhiều. Nhà máy thủy điện Ankroet trên sông Da Dung cùng nhiều trường học, tu viện, nhà thờ, và nhiều công trình công cộng khác... đã được triển khai xây dựng trong giai đoạn này.
Nếu trong năm 1939 có 59 giấy phép xây dựng được cấp thì đến năm 1942 đã lên đến 300 giấy phép và toàn thành phố đã có 728 biệt thự. Dân số cũng đồng thời gia tăng nhanh chóng lên đến 20.000 vào cuối năm 1942.
Mặc dù Đà Lạt đã là một thành phố xinh đẹp, hài hòa với những viễn cảnh rộng lớn và có nhiều khu vực được xây dựng hoàn hảo, thành phố trở nên chật hẹp do dự phát triển quá độ và vô trật tự, một vài khu vực dân cư được dựng lên một cách vội vã và tạm bợ.
Trước tình hình đáng báo động này, chính quyền Đông Dương quyết định phải thiết lập ngay một "đồ án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt" Để điều chỉnh sự phát triển của thành phố theo một trật tự hợp lý và hài hoà. Những biện pháp bảo vệ cảnh quan và trật tự đô thị được áp dụng để chờ đợi ngày công bố đồ án chỉnh trang: bãi bỏ những nhượng địa trong vùng nội thành, giám sát các hầm đá, bổ sung các quy định về phân lô ở vùng vành đai và trong tỉnh Lang Biang, bãi bỏ khái niệm về vùng ngoại ô.
Công tác lập đồ án quy họach chỉnh trang được giao cho Nha quy hoạch đô thị và kiến trúc Đông Dương nghiên cứu thực hiện do KTS J.Lagisquet chủ trì nhóm nghiên cứu đồ án. Ngày 27.4.1943, đồ án chỉnh trang mới của Đà Lạt đã được Toàn quyền Decoux chấp thuận và ban hành áp dụng kèm theo một chương trình địa dịch (chương trình sử dụng đất).
Đồ án chỉnh trang và phát triển của Đà Lạt đã được nghiên cứu theo những định hướng tổng quát, từ đó ban hành các chương trình, quy chế cụ thể có tính pháp lý để thực hiện và để phát triển thành phố một cách hài hòa hợp lý từ tổng thể đến mỗi chi tiết.
Đồ án của J.Lagisquet ra đời cho đến nay vừa tròn 50 tuổi, nhưng trong một bối cảnh phát triển kinh tế có nhiều điểm tương đồng với ngày nay, việc nghiên cứu kỹ lưỡng đồ án này sẽ giúp chúng ta chọn lọc được những giải pháp bổ ích đóng góp cho những đồ án tương lai về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết mối liên hệ giữa đô thị và cảnh quan.
Cũng như H.Mondet, J. Lagisquet thấy rằng Đà Lạt có hình thể quá mảnh mai, khu gia cư lại không có bề sâu. Thành phố thiếu sức sống, không có trung tâm hấp dẫn thu hút dân chúng. Những khu vực thương mại, những trung tâm hành chánh thì phân tán và hầu như không đáp ứng được nhu cầu lúc đó.
Theo đồ án, Trung tâm thành phố được dự kiến tại bờ phía Nam hồ Xuân Hương và Đà Lạt sẽ được tổ chức thành một thể thống nhất, tập trung xung quanh 2 trục chính của thành phố và sự phát triển được dự trù dọc phía Nam suối Cam Ly, về hướng Tây và Tây bắc.
1) Trung tâm hành chánh được tập trung lại theo trục chính. Toàn bộ các cơ quan đầu não được bố trí quanh hồ Xuân Hương tạo nên một hạt nhân trung tâm: bờ phía Đông là Văn phòng Toàn quyền (khu nhà nghỉ Công đoàn ngày nay). Tòa thị sảnh ở bờ phía Bắc (nhà nghỉ Hương Trà), phía Nam là Dinh Toàn quyền (Dinh 2).
2) Trung tâm thương mại được phân tách thành hai khu vực: khu thương mại Việt Nam tại khu Hòa Bình và đường Nguyễn Chí Thanh, khu thương mại người Ấu trên đường Trần Phú (bưu điện ngày nay). Giữa hai khu vực này dự kiến sẽ xây dựng một chợ mới tại ấp Ánh Sáng.
3) Khu vực khách sạn giới hạn bởi đường Hồ Tùng Mậu và Trần Phú, có tầm nhìn trực tiếp và lý tưởng về phía hồ và dãy Lang Biang, gần đó là khu casino và câu lạc bộ (khu thao trường).
4) Một khu bệnh viện mới được dự trù ở Tây Nam thành phố để đảm đương nhiệm vụ mà bệnh viện cũ không còn đáp ứng đủ.
5) Các trường học được phân đều trong thành phố và những cơ sở chính được dự phòng đất đủ rộng để phát triển.
6) Trung tâm văn hoá được thiết lập ngay ở trung tâm thành phố bao gồm thư viện, trường Viễn Đông bác cổ và Nhà bảo tàng dân tộc học.
7) Khu dân cư được dự trù nới rộng:
- Diện tích xây dựng khu người Âu sẽ được mở rộng đến 540 ha, gồm khoảng 2.200 lô đất gần các trung tâm công cộng của thành phố.
- Vấn đề về khu cư dân Việt Nam đã được quan tâm giải quyết bằng nhiều phương án, những khu cư dân này cho đến lúc đó chỉ được bố trí ở những khu nhà tạm, khu phụ của thành phố. Những vùng đất mới sẽ được phân lô cho cư dân tùy theo tính chất nghề nghiệp của họ.
Trước tiên là một khu thương mại với những dãy nhà phố quây quần xung quanh chợ, tiếp đến là khu biệt thự song lập và nhà liên kế dành cho công chức và thợ thủ công là những người do việc làm vẫn được bố trí gần trung tâm thành phố.
Cuối cùng, một vùng đất rộng ở vành đai thành phố về phía Tây Bắc và Đông Nam đã được xác định cho những thôn ấp Việt Nam với dáng dấp nông thôn (hướng Bạch Đằng và hướng đi Trại Mát) mà ở đó sẽ quần tụ những người làm nông nghiệp hay nghề thủ công. Trong vùng này, cho phép mỗi cư dân có thể được phân một khoảng đất để trồng trọt, vừa nuôi sống gia đình vừa cung cấp rau, hoa, quả cho thành phố. Như thế, đặc tính của thành phố-vườn (Cité-jardin) cũng được thể hiện. Người dân có thể tùy ý xây cất theo dạng nhà của miền quê Việt Nam mà không hề ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc của toàn thành phố. Đất đai được sung dụng cho dân lao động Việt Nam làm nông nghiệp có diện tích đủ tiếp nhận một số dân gấp 5 lần số đương thời tức 75.000 người.
8) Cảnh quan về phía dãy núi Lang Biang được bảo vệ bởi những khoảng trống rộng lớn hình rẽ quạt cốc từ hồ Xuân Hương hướng về phía bắc. Một phần đất trong những khoảng trống đó được dành cho các hoạt động công cộng hay du lịch ngoài trời mà không ảnh hưởng đến tính chất bất kiến tạo của khu vực bao gồm: công viên, sân golf, sân thể thao, sân cắm trại cho thanh thiếu niên, sân bay. Một công viên được dự trù tại vị trí của Đồi Cù I phía Bắc hồ Xuân Hương sẽ là giao điểm của các đường trục của Dinh II, Văn phòng Toàn quyền và nhà Thủy Tạ.
Xa hơn về phía Bắc là các khu rừng cảnh quan phục vụ du lịch với ranh giới đã được xác định lại, được chia thành 2 khu vực:
- Một khu vực rừng bảo tồn thực vật phía tây Bắc, tuyệt đối cấm khai thác để bảo vệ cảnh quan của dãy Lang Biang.
- Một khu vực lâm trường khác sẽ chấp nhận việc khai thác tỉa một cách đều đặn và hợp lý mà vẫn bảo vệ được cảnh quan.
Về chức năng của thành phố, đồ án đã làm rõ và nổi bật các đặc tính riêng của Đà Lạt là: Trung tâm hành chánh trung ương, Trạm nghỉ mát vùng cao, Thành phố nghỉ dưỡng, Thành phố trường học, Trung tâm được tuyển chọn dành cho thanh niên, Trung tâm văn hoá tinh thần. Đồ án đã căn bản đề ra được những biện pháp giải quyết những vấn đề quan trọng và bức xúc của đô thị Đà Lạt như: giải quyết sự mâu thuẫn giữa tính chất tập trung của đô thị và tính chất tản mạn của thành phố-vườn, bố cục các phân khu chức năng của thành phố mạch lạc và phù hợp với thực tế hơn, xác định được cụ thể phạm vi các khoảng trống và những khu vực bất kiến tạo để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, có định hướng giải quyết nhà ở cho người di dân ngày càng đông hơn bằng nhiều thể loại nhà ở phù hợp với nghề nghiệp của họ.
Đồng thời với đồ án chỉnh trang, một kế hoạch thực hiện kéo dài 6 năm đã được Toàn quyền chấp nhận. Kể từ năm 1943, thành phố Đà Lạt nhờ có ngân sách trung ương hỗ trợ nên đồ án đã được triển khai thực hiện.
Kế hoạch áp dụng cho năm 1943 và 1944 đã được nghiên cứu bởi Tổng thanh tra Công chánh, bao gồm công tác xây dựng những đường lộ, các công trình công cộng và chuẩn bị mặt bằng để xây dựng các công trình tương lai theo họa đồ quy hoạch.
Dựa trên nền tảng đó, Đà Lạt được phát triển về mọi phương diện, đạt tới mức cực thịnh thời Pháp thuộc vào năm 1944.
Các cơ sở công cộng được xây cất như Lãnh địa Đức Bà, Nha địa dư, Cư xá công chánh, bưu điện, Chùa Linh Sơn, Linh Quang với nét kiến trúc Á Đông làm phong phú thêm kiến trúc cảnh quan Đà Lạt. Năm 1945, Đà Lạt đã có trên 1.000 biệt thự với nhiều kiểu dáng khác nhau. Nhà máy thủy điện Ankroët công suất 3.000kW bắt đầu hoạt động từ năm 1944.
- Đường sá cũng được cải tiến, Đà Lạt lúc đó có khoảng 94km đường và dự kiến sẽ đạt tới 140 km, đèo Prenn được mở theo tuyến mới. Việc lập ấp trồng rau được phát triển với các ấp Hà Đông (1938), Nghệ Tĩnh (1940), dân số tăng nhanh từ 13.500 người (1940) đến 25.500 người (1945).
Từ năm 1945-1954, tình hình chính trị bất an, giao thông bị trở ngại, dân số luôn bị xáo trộn bởi các cuộc tản cư. Năm 1949, Pháp tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, ngày 15.4.1950, Đà Lạt thuộc Hoàng Triều Cương Thổ và hạn chế sự nhập cư người Việt. Công việc xây dựng phát triển trong giai đoạn này theo đồ án của J. Lagisquet không có kết quả đáng kể ngoại trừ một số khu nhà ở và một số trường học.
2.3- Giai đoạn 1954-1975
Từ năm 1954 đến 1963, thời kỳ Ngô Đình Diệm làm tổng thống tại miền Nam, vấn đề xây dựng các công trình công cộng tại Đà Lạt được quan tâm đáng kể.
Đà Lạt là nơi nghỉ mát, một trung tâm giáo dục lý tưởng từ trung đến đại học, một nơi tổ chức huấn luyện quân sự, phát triển các trường tôn giáo và tu viện cũng như là nơi sản xuất rau hoa đặc sản cung cấp cho toàn vùng. Nhằm ổn định số người di dân mỗi ngày một gia tăng, một số ấp nông nghiệp mới được hình thành như ấp Tùng Lâm, Thánh Mẫu, Thái Phiên, Đa Thiện...
Trong khi chờ đợi soạn thảo đề án chỉnh trang mới cho Đà Lạt, đồ án J. Lagisquet và chương trình địa dịch năm 1943 dường như đã được tham khảo để giải quyết nhu cầu xây dựng. Công tác xây cất các cơ sở công cộng, tôn giáo, nghiên cứu khoa học, huấn luyện quân sự... được tính toán trên các phần đất công sản còn lại. Có thể kể đến một số công trình lớn đã được xây dựng trong giai đoạn này như sau: Chợ mới Đà Lạt (diện tích xây dựng : 5.400m2), khu Hoà Bình, Giáo hoàng học viện, Trường võ bị, Trung tâm nghiên cứu nguyên tử.
Để giải quyết nhu cầu nhà ở, Nha địa chính đề ra giải pháp cho phép người dân được khai thác tạm thời những lô đất đã được phân lô thuộc các thôn ấp. Đồng thời cơ quan Kiến ốc cục đã xây dựng nhiều căn nhà cho thuê hay trả góp.
Có thể nói, bộ mặt thành phố Đà Lạt đã được bổ sung bằng các công trình kiến trúc dáng dấp hiện đại, với đường nét thanh mảnh hơn và sử dụng đá rửa để trang bị mặt tiền nhà. Nhiều công trình đã góp phần tôn cao vẻ đẹp của thành phố nhưng cũng có những công trình xây cất vội vã không phù hợp với cảnh quan, nhưng đây là thời kỳ được ghi nhận có khối lượng xây dựng tương đối lớn kể từ khi thành phố do người Việt điều hành.
Việc xây cất từ thời kỳ này trở về sau, dù từng đồ án thiết kế công trình được xem xét phê duyệt, nhưng không được định hướng rõ trên một ý đồ quy hoạch tổng thể, nên đã có những công trình ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ đẹp hài hoà với thiên nhiên cũng như sự phát triển cân đối của toàn thành phố.
Từ 1963 đến 1975, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội không ổn định, nhất là sau năm 1965 khi Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến tại Việt Nam. Việc tôn tạo cảnh quan đô thị và phát triển quy hoạch thành phố hầu như dừng lại, chỉ tập trung xây dựng các công trình quân sự hay phục vụ lợi ích trước mắt như:
- Các trung tâm huấn luyện quân đội, cảnh sát, trạm radar ở núi Bà, mở rộng sân bay Cam Ly...
- Nhiều khách sạn, nhà hàng mọc dày đặc chiếm những khoảng trống ở khu trung tâm.
- Làng cô nhi SOS, trung tâm trẻ em khuyết tật, trường Lasan, trường Don Bosco.
- Đắp đập, xây dựng các hồ: hồ Dankia, Đa Thiện 1, 2, 3.
- Dự án đầu tư khai thác trung tâm nghỉ mát hồ Suối Vàng và dự án cải tạo nguồn nước cho thành phố là những sáng kiến mới nhưng chưa được triển khai thực hiện.
Vào năm 1967, vấn đề môi trường sinh thái của Đà Lạt đã được các nhà chuyên môn báo động và đến năm 1973 đề án quy hoạch chỉnh trang Đà Lạt đang được thiết lập, trong đó nhấn mạnh về các biện pháp bảo vệ suối ở Đà Lạt, nhất là các lưu vực của hồ Xuân Hương.
Vấn đề xây cất bất hợp pháp và chiếm đất làm vườn đã lan tràn dưới nhiều hình thức làm tổn thương nghiêm trọng vẻ mỹ quan của thành phố. Có hai hình thức chủ yếu: do các giới chức có quyền thế chiếm đất trống dự trữ và do thương phế binh (quân đội Sài Gòn) hay người tản cư chiếm đất xây cất nhà ở ngay tại khu vực trung tâm, với những loại nhà bằng ván lợp tôn kiểu ổ chuột (xuất hiện nhiều sau Tết Mậu Thân 1968 và nhất là vào cuối năm 1971).
2.3 Giai đoạn từ 1975 đến nay
Từ sau giải phóng và đất nước được thống nhất, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ, của tỉnh Lâm Đồng, có ranh giới mở rộng đến 417 km2. Dân số năm 1975 là 85.833 người, đến nay đã lên đến trên 130.000.
Công tác xây dựng cải tạo thành phố đã được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm ngay từ những ngày đầu. Năm 1977, Đoàn quy hoạch Bộ xây dựng đã trình bày "Sơ phác quy hoạch chung thành phố Đà Lạt", bao gồm nhiều tập thuyết minh và các sơ đồ kèm theo. Tiếp đó, từ năm 1983, cơ quan chuyên môn địa phương là ủy ban xây dựng cơ bản tỉnh được giao nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch chung thành phố Đà Lạt với một số vấn đề thực tế hơn.
Tháng 3.1985, Đoàn quy hoạch trung ương do KTS. Trần Ngọc Chính dẫn đầu đã đến Đà Lạt, phối hợp với các chuyên viên ủy ban xây dựng cơ bản để làm luận chứng kinh tế - kỹ thuật quy hoạch và cải tạo Đà Lạt.
Nhiều công trình có ý nghĩa phục vụ dân sinh đã được xây cất đáng kể như: nhà máy nước Suối Vàng, hồ Chiến Thắng, hồ Tuyền Lâm, Nghĩa trang liệt sĩ, hồ Thống Nhất, Nhà văn hóa thiếu nhi, cải tạo và nâng cấp Đồi cù, mở mang một số khu phân lô nhà ở (như tại đường 3/2...).
Còn lại là công tác cải tạo sửa chữa nhà ở, hay xây dựng xen cấy do nhân dân tự làm. (Số giấy phép xây dựng trong năm 1990 là 260, và năm 1992 là 379. Tốc độ gia tăng là 145% trong 2 năm).
Từ 1991 đến nay, Đoàn quy hoạch của Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Bộ xây dựng do KTS. Vũ Kim Long chủ trì đang tiến hành thiết lập đồ án "Điều chỉnh quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Đà Lạt", theo tinh thần chỉ thị số 19/CT ngày 22.1.1991 của HĐBT về việc chấn chỉnh và đổi mới công tác quản lý đô thị.
Nói chung đồ án quy hoạch chung Đà Lạt đã được thiết lập nhiều lần, nhưng hiện nay vẫn chưa có đồ án nào đủ sức thuyết phục và được thông qua. Thành phố Đà Lạt đang phải gánh chịu những áp lực về khối lượng công trình xây dựng ngày càng tăng trong tình trạng không có đồ án quy hoạch chỉnh trang. Công tác giải quyết xây dựng công trình đương nhiên gói gọn trong phạm vi nghiên cứu đơn lẻ và rất chủ quan. Nhiều vấn đề thực tiễn có tính chất quyết định của thành phố càng lúc càng trở nên phức tạp.
- Hạ tầng kỹ thuật thành phố bị xuống cấp trầm trọng.
- Khu dân cư phát triển không giới hạn làm thu hẹp và đảo lộn bố cục vùng cảnh quan. Các cụm rừng thông ngay trong thành phố bị chặt phá rất nhiều để xây dựng nhà cửa, làm vườn trên các đồi quanh Dinh thị trưởng cũ, đồi xung quanh các khu Dinh I, II, III, đồi Cảnh sát dã chiến, đồi thông xung quanh các khu biệt thự Cité Decoux, Saint Benoit, đồi Tùng Nguyên... Các hồ nước tiếp tục bị bồi lắng nghiêm trọng hơn (hồ Xuân Hương, hồ Than Thở). Nhiều vùng đất trong khu vực bất kiến tạo, các khoảng trống bảo vệ tầm nhìn cảnh quan bị chiếm dụng xây cất bất hợp pháp.
- Bố cục thành phố thiếu cân đối do sự tập trung quá mức vào khu trung tâm mà chưa có biện pháp mở mang phát triển khu vành đai để thu hút dân cư và các nguồn vốn đầu tư.
Kiến trúc cảnh quan của TP. Đà Lạt là một bức tranh có sắp xếp theo một bố cục, không theo dạng hình học nhưng vẫn tuân theo những nguyên tắc về sư phối hợp giữa 4 yếu tố hình khối: địa hình tạo khối và bộ khung của cảnh, mặt nước tô điểm cho cảnh và tạo sự tĩnh mịch tác động đến nội tâm con người, cây xanh là màu nền của bức tranh và là bộ lọc không khí chống bụi bặm và tiếng ồn, kiến trúc là nét nhấn, nét chấm phá của phong cảnh và là tiện nghi sinh sống của con người.
Về địa hình, cần bảo vệ những điểm cao và các đường cong của các ngọn đồi là hình dạng căn bản của cao nguyên, tránh sự cải tạo khai phá đất (san ủi mặt bằng, khai thác hầm cát đá...), cần có quy định về một khoảng trống bất kiến tạo đủ rộng để bảo vệ tầm nhìn về phía dãy núi Lang Biang là tấm phông chính của mọi bức tranh phong cảnh của Đà Lạt. Ngoài ra cũng cần có chương trình cải tạo các vùng trũng ẩm thấp trong khu trung tâm thành những vùng đất hữu dụng (công viên, khu gia cư...).
Về mặt nước, việc duy trì và xây dựng thêm nhiều hồ nhân tạo sẽ càng tô điểm phong cảnh và tạo được nhiều hạt nhân trung tâm của khu chức năng (khu công cộng, dân cư, du lịch...), cần có biện pháp tuyệt đối bảo vệ lưu vực các suối chính chống sự ô nhiễm và bồi lắng: thành lập chương trình tái định cư đồng bào sinh sống dọc theo lưu vực suối Cam Ly, đồng thời với chương trình dài hạn nạo vét phục hồi các hồ đã tồn tại.
Về cây xanh, tuyệt đối không khai thác cây xanh và rừng Đà Lạt. Trong thành phố, thông là cây xanh đô thị, và ở khu ngoại vi, rừng thông phục vụ du lịch, ngoạn cảnh, săn bắn, cắm trại, bảo vệ lưu vực các sông Đồng Nai, Đa Nhim... Cần quy định ranh giới cụ thể của rừng bảo tồn với những quy định nghiêm ngặt không cho phép xây cất, trồng trọt, khai thác lâm sản và khoáng sản, làm nhà máy...
Về kiến trúc công trình, phải tái khẳng định tính chất thành phố công viên, thành phố - vườn.
Họa đồ quy hoạch, phân lô xây dựng TP. Đà Lạt phải xác định thật rõ ràng ranh giới các phân khu chức năng. Khu danh lam thắng cảnh, khu công sở, khu biệt điện, khu biệt thự các hạng A, B, C..., khu nhà biệt lập, nhà song lập, khu nhà phố, khu nhà có vườn, khu thương mại, khu chung cư, khu công cộng, công viên, khu thể thao, du lịch, khoảng trống bất kiến tạo...
Kích thước lô đất phải được phân chia phù hợp với từng loại công trình để có được không gian trống kèm theo, dành cho vườn hoa cây cảnh hay để tạo sự thoáng đãng cho tầm nhìn cảnh quan chung. Để cụ thể hóa không gian trống kèm theo, cần phải có những quy định có tính chất bắt buộc cho từng loại công trình về mật độ tối đa của công trình được phép xây dựng trong lô đất và khoảng cách tối thiểu tính từ ranh giới lô đất đến công trình.
Tuyệt đối không cho phép xen cấy lẫn lộn các dạng nhà khác nhau trong cùng một phân khu hay chia cắt đất đã được phân lô hợp lý để xây dựng thêm công trình.
Hiện nay và trong tương lai, vấn đề giải quyết nhà ở cho cư dân của thành phố là bài toán nan giải nhất, nhưng cần phải được ưu tiên giải quyết để tránh sự lan tràn tự phát gây nguy hại đến các vùng cảnh quan của thành phố. Để tăng quỹ nhà ở, chúng ta có thể đa dạng hóa các trung tâm dân cư, trên nguyên tắc tạo thành các quần thể công trình - công viên hay công trình-vườn biệt thự các loại, nhà biệt lập có sân vườn, nhà vườn, quần thể nhà ở cao tầng có công viên bao quanh...
Quan trọng nhất và hơn bao giờ hết là đồ án cải tạo, chỉnh trang và phát triển của Đà Lạt cần được nghiên cứu kỹ về mọi mặt, sớm được ban hành kèm theo một chương trình sử dụng đất và điều lệ quản lý được duyệt, có tính chất pháp lý để thực hiện. Có như vậy, thành phố Đà Lạt mới có điều kiện để được phát triển cân đối, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên vốn là di sản độc đáo cần được chăm sóc và tôn tạo.
Đất đô thị là một tài sản vô giá chỉ có mất đi mà không thể tự sinh ra được. Giá trị của đất đô thị Đà Lạt không giới hạn trong phạm vi các khu dân cư hay thương mại, mà có giá trị ngay cả tại những khu rừng thông hay khoảng đất trống còn hoang sơ không có người ở, nó mang lại cho chúng ta môi trường trong lành, cảnh quan xinh đẹp và những nguồn lợi tức lớn lao từ ngành du lịch. Ngoài ra, quỹ đất còn là nguồn vốn để giữ gìn và phát triển đô thị bằng giá trị cho thuê sử dụng đất, thông qua những chương trình hợp lý mà vẫn bảo đảm được sự hài hòa của kiến trúc cảnh quan của thành phố.
Trên đây là một số suy nghĩ ban đầu để phụ họa vào việc giữ gìn bức tranh phong cảnh và kiến trúc cảnh quan của Đà Lạt. Những nét trên không phải là những sáng kiến mới được khám phá, mà thực tế đã được nhà quy hoạch và quản lý đô thị đặc biệt là các kiến trúc sư người Pháp, và sau đó là người Việt, nghiên cứu công phu và thực hiện thành công tại Đà Lạt, tạo nên những di sản nổi tiếng trong và ngoài nước. Lẽ nào chúng ta không tìm cách chọn lọc và áp dụng những thành quả đó để giữ gìn, tôn tạo và phát triển thành phố chúng ta ngày thêm đẹp hơn?
KS. NGUYỄN VINH LUYỆN
KTS. TRẦN CÔNG HÒA
KTS. NGUYỄN PHÁP
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Đặng Thái Hoàng, Lịch sử nghệ thuật quy hoạch đô thị, Nxb Khoa học và kỹ thuật, H.,1992.
2- Hàn Tất Ngạn, Kiến trúc cảnh quan đô thị, Nxb Xây dựng H.,1991.
3- Nguyễn Khởi, Kiến trúc Việt Nam, các dòng tiêu biểu, 1992.
4- Tập san Sử Địa, 5., 1971, Số 23-24.
5- A.Berjoan et J. Lagisquet, Les réalisations d'urbanisme à Dalat, H., Indochine, 1943, No164-165.
6- Ernest Hébrard, Futur plan de Dalat, H., 1923.
7- Etienne Tardif, La mission du Lang Bian (1899-1990), Ogeret et Martin, Vienne, 1902.
8- J.Lagisquet, Rapport de présentation, 1942.
9- L.G. Pineau, Dalat, capitale administrative de l'Indochine?, Revue indochinoise juridique et économique, H., 1937, No 2.
10- Physionomie de Dalat en 1937, L'Asie nouvelle illustrée, S., 1937, No 56.
-------------

Kiến trúc cảnh quan

Toàn cảnh hồ Xuân Hương vào lúc sáng sớm.

Thành phố Đà Lạt được xây dựng trên một vùng cao nguyên với cảnh quan tươi đẹp và khí hậu ôn hòa. Trên khung nền thiên nhiên, các công trình của con người in dấu tạo nên một khung cảnh đô thị đặc sắc và độc đáo. Địa hình nhấp nhô mềm mại của cao nguyên, không gian mặt nước của các suối hồ, không gian kiến trúc và di sản kiến trúc Pháp cùng màu xanh của các rừng thông, thảm cỏ là những yếu tố chính tạo nên cảnh quan đặc thù của thành phố.[32] Địa hình Đà Lạt chia cắt không gian một cách mạnh mẽ thành những mảng riêng biệt, rõ nét và tạo nên những lớp cảnh quan đa dạng. Khi kiến thiết thành phố, các kiến trúc sư đã tôn trọng nguyên tắc bảo vệ địa hình tự nhiên, không san lấp để tạo những không gian bằng phẳng mà dựa vào địa hình để xây dựng lên các công trình kiến trúc.[33] Những ngọn đồi cao, tầm nhìn đẹp được lựa chọn để xây dựng các dinh thự, công trình tôn giáo mang dáng vẻ uy nghiêm, trang trọng. Với khuôn viện rộng lớn bao trọn cả ngọn đồi, các công trình kiến trúc này là những quần thể kiến trúc quy mô nằm nép mình vào thiên nhiên, ẩn hiện trong màu xanh của rừng thông, tạo nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh.[32] Các trung tâm hành chính, văn hóa và thương mại như khu Hòa Bình, đường Trần Phú, đường Phan Đình Phùng... được bố trí trên những ngọn đồi hoặc các không gian rộng rãi, bằng phẳng, vì thế dễ dàng xây dựng hệ thống giao thông với những đại lộ thẳng và ít dốc. Do không phải cải tạo địa hình, các trung tâm này tuy chiếm những không gian rộng lớn nhưng không làm thay đổi các đường cong tự nhiên của địa thế.[34] Tương tự, các ngôi biệt thự kiến trúc Pháp được sắp xếp theo sát những đường đồng mức để bám lấy địa hình, xuất hiện với mật độ rất thấp và có khuôn viên rộng rãi, hòa nhập vào thiên nhiên.[34] Những khu vực đất thấp dưới các thung lũng lớn, ở khuất và xa trung tâm thành phố được bố trí cho khu vực dân cư sản xuất nông nghiệp. Vào năm 1943, kiến trúc sư Jacques Lagisquet đã sắp xếp những khu ngoại ô này, khi đó được kiểm soát chặt chẽ với một ranh giới nhất định, để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các di dân. Nhưng hiện nay, sự phát triển mất kiểm soát của các vùng canh tác nông nghiệp đã trở thành hiểm họa đối với cảnh quan và môi sinh của thành phố.[35]
Trong những thung lũng xen giữa các ngọn đồi của Đà Lạt, rất nhiều những dòng suối nhỏ chảy qua và quan trọng nhất trong số đó là suối Cam Ly. Từ những bản quy hoạch đầu tiên cho tới ngày nay, việc sắp xếp bố cục thành phố được thực hiện phần lớn dọc theo hai bờ của con suối này. Vào năm 1919, hồ Xuân Hương hình thành nhờ một đập nước được xây dựng trên dòng suối Cam Ly và đến năm 1935, hồ hoàn chỉnh như ngày nay sau khi xây xong đập Cầu Ông Đạo.[36] Kiến trúc sư Ernest Hébrard đã tạo tiền đề quan trọng cho cảnh quan thành phố khi đề xuất xây dựng một chuỗi hồ nhân tạo trong đồ án quy hoạch năm 1923.[37] Từ thời kỳ đó cho tới ngày nay, việc tạo lập các hồ nước vẫn được tiến hành đều đặn và gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố. Các công trình hồ nhân tạo không chỉ đem lại nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn tô điểm cho cảnh hoang sơ và là những trung tâm bố cục để sắp xếp các phân khu chức năng.[35] Tuy vậy, việc mở rộng diện tích nông nghiệp lan tràn vào khu vực các dòng suối lớn đã dẫn đến sự bồi lắng nhanh chóng của các hồ nước, nguyên nhân khiến hai hồ Vạn Kiếp và Mê Linh ngày nay đã hoàn toàn mất dạng.[35] Nhìn toàn cảnh, Đà Lạt hiện nay vẫn là một công viên khổng lồ với rừng thông bạt ngàn bao phủ.[37] Nhưng trong trung tâm thành phố, nhiều không gian xanh dần biến mất, nhường chỗ các công trình xây dựng. Những con phố thương mại như đường Phan Đình Phùng, đường 3 tháng 2, đường Nguyễn Văn Trỗi, khu Hòa Bình... hầu như vắng bóng cây xanh, trong khi đó nhiều khu du lịch lại mất đi nét hoang sơ bởi màu xanh tự nhiên bị thay thế bởi những chậu cây cảnh.[38] Thành phố Đà Lạt được ví như một bảo tàng về kiến trúc châu Âu với những công trình kiến trúc phong phú và độc đáo. Ngoài trừ hai điểm nhấn chủ yếu Nhà thờ chính tòaTrường Cao đẳng Sư phạm, các công trình kiến trúc của thành phố có độ cao vừa phải, hòa hợp với thiên nhiên, tạo nên bức tranh đô thị hài hòa và độc đáo.[39]

[sửa] Công trình kiến trúc

[sửa] Kiến trúc công cộng

Viện Sinh học Tây Nguyên, trước kia là tu viện Dòng Chúa cứu thế, xây dựng từ năm 1948 đến năm 1952.
Từ khi ra đời, Đà Lạt đã sớm trở thành một thành phố du lịch danh tiếng và cũng từng có những khoảng thời gian giữ vai trò hành chính quan trọng. Vì thế, trong thành phố ngày nay có thể thấy không ít những công trình công cộng và công sở mang kiến trúc giá trị, phần nhiều được xây dựng dưới thời thuộc địa. Trong số đó, nổi bật hơn cả là các công trình: ga Đà Lạt, Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt, Viện Sinh học Tây Nguyênchợ Đà Lạt. Một điểm khác biệt với những thành phố khác, nhiều cơ quan hành chính của Đà Lạt cũng như tỉnh Lâm Đồng được đặt trong các ngôi biệt thự Pháp xinh đẹp, vốn xuất hiện rất nhiều trong khắp thành phố.
Nằm trên một ngọn đồi cao phía bắc thành phố, Viện Sinh học Tây Nguyên vốn là tu viện Dòng Chúa cứu thế, xây dựng từ năm 1948 và hoàn thành năm 1952. Con đường chính dẫn vào viện dài hơn 500 mét, từ phía đường Dankia xuyên qua rừng thông, chạy dọc phía sau công trình rồi vòng tới khoảng sân trước.[40] Viện Sinh học Tây Nguyên mang phong cách kiến trúc hiện đại nhưng vẫn có bố cục hình khối đối xứng kinh điển. Quy mô của tòa nhà tương đối đồ sộ, gồm bốn tầng và một tầng hầm nằm ở phía sườn đồi thấp. Mặt ngoài công trình phần lớn được ốp đá, đem lại một cảm giác rất kiên cố và bề thế.[41] Các ô cửa vuông vức, những đường nét trang trí đơn giản, mạnh mẽ, tạo cho tòa nhà dáng vẻ nghiêm nghị, phù hợp với chức năng tu viện và công sở. Lối vào chính được nhấn mạnh bằng một khối mái đón vươn ra xa, đỡ bởi hai trụ xây đá kiểu vững chắc. Phía trên đỉnh trang trí một cây thánh giá và dòng chữ tiếng La Tinh đắp nổi, câu châm ngôn của Dòng Chúa cứu thế, Copiosa Apud Eum Redemptio, có nghĩa Ơn Cứu chuộc nơi Người Chứa chan. Vào thời kỳ xây dựng, tu viện Dòng Chúa cứu thế được trang bị những tiện nghi kỹ thuật rất hiện đại, sử dụng hầm khí sinh học để cung cấp khí đốt và hệ thống bơm lấy nước từ thung lũng suối đưa lên công trình. Bên trong tu viện được bố trí ấm cúng và trang nghiêm theo lối tu viện châu Âu.[41] Không như những công sở khác, Viện Sinh học Tây Nguyên ngày nay còn là một địa điểm du lịch, nơi trưng bày các mẫu động thực vật, đặc biệt các loài lan của vùng Tây Nguyên.[40]
Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt nằm ở số 14 đường Yersin, không xa Trường Cao đẳng Sư phạmnhà ga thành phố. Công trình được xây dựng từ năm 1939 và hoàn thành vào năm 1943, trụ sở của Sở Địa dư Đông Dương cũ. Khuôn viên của Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt rộng 30.670 mét vuông, nằm trên một sườn đồi dốc thoải, thấp hơn so với mặt đường Yersin. Tòa nhà chính là một công trình quy mô đồ sộ, mang sắc thái của một cơ quan hành chính và có hình thức thể hiện theo phong cách kiến trúc hỗn hợp.[42] Toàn bộ công trình gồm ba tầng: tầng hầm dùng làm kho bản đồ, tầng trệt dành cho các phòng hành chính và tầng hai là các phòng kỹ thuật. Ngoài ra, còn một tầng áp mái được dùng làm kho phụ. Mặt bằng tòa nhà ảnh hưởng bởi kiến trúc cổ điển với hai trục đối xứng và tổ hợp theo kiểu hành lang giữa. Ở tầng trệt, tiền sảnh và phòng tiếp khách chiếm vị trí trung tâm, kế đó tới hai dãy phòng hành chính nằm hai bên hành lang, kết thúc bởi hai khối cầu thang bố trí đối xứng hai đầu.[43] Trên tầng hai, các phòng kỹ thuật chiếm một không gian rộng lớn, được trang trí hệ vòm cuốn tại các bước nhịp theo phong cách kiến trúc Roman. Trên mặt đứng của công trình, những phân vị ngang được thể hiện rõ nét. Dưới tầng trệt, mảng tường lớn chính giữa được xây bằng gạch đất nung với năm cửa sổ vòm kích thước lớn.[42] Tầng hai và hai khối nhà hai bên bố trí những khung cửa sổ vuông vức đều nhau. Kết nối giữa sảnh chính với sân là những bậc thang đặt trên hệ kết cấu vòm bằng đá, tạo nên một nét đặc sắc của công trình, khác biệt với những công trình hành chính thông thường khác. Toàn bộ tường tòa nhà xây bằng gạch đá dày gần một mét, mái lợp ngói với độ dốc khá lớn theo kiểu kiến trúc vùng Normandie, mang lại cảm giác uy nghi, quyền lực, phù hợp với tính chất của một công trình hành chính quốc gia.[43]
Nhà ga xe lửa Đà Lạt, xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938, ngày nay trở thành một địa điểm du lịch.
Nhà ga xe lửa Đà Lạt được khởi công xây dựng năm 1932 và hoàn thành vào năm 1938, là nhà ga cuối của tuyến đường sắt Tháp Chàm–Đà Lạt. Công trình do kiến trúc sư Revéron thiết kế với khái niệm sáng tác theo hình thức kiến trúc Anglo-Norman mới, chịu nhiều ảnh hưởng từ trào lưu kiến trúc hiện đại.[44] Kiến trúc sư Moncet, người giám sát công trình, sau đó đã hoàn chỉnh thêm một số chi tiết của hồ sơ thiết kế. Ga Đà Lạt có chiều dài 66 mét, chiều rộng 11,5 mét và chiều cao đại sảnh 11 mét, nằm trên một khu vực bằng phẳng, rộng rãi cạnh đường Quang Trung. Mặt bằng công trình được tổ chức trên nguyên tắc đối xứng qua một trục vuông góc với mặt tiền, gồm một sảnh lớn 10 x 37 mét chính giữa và các phòng phụ nối dài sang hai bên.[44] Bố cục đối xứng còn thể hiện ở các chi tiết kiến trúc như những mái đỏ cao vút, những phần mái gấp, phần mái bẻ góc, những ô cửa sổ và bức tường xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa.[45] Nhìn bề ngoài, chi tiết gây ấn tượng nhất của nhà ga là hệ thống mái với ba chóp mái tiếp nối liền nhau chạy suốt từ đỉnh xuống bờ mái đón ở lối vào sảnh chính. Vuông góc với ba mái ngang này là hai mái chạy dọc về hai phía, bẻ góc ở phần rìa mái. Một hệ thống diềm mái bao quanh công trình, nối liền với hai mái đón phía trước. Tương ứng với ba chóp mái là ba cửa sổ với nhiều ô kính nhỏ, riêng chóp mái giữa còn trang trí một đồng hồ và dòng chữ DALAT khá lớn.[45] Trừ hai mái đón, hầu như tất cả các chi tiết của mặt trước nhà ga đều có thể tìm thấy ở mặt sau, nơi hành khách lên xuống tàu. Không gian nội thất, phòng chờ cho hành khách, được chiếu sáng lung linh bởi các ô cửa kính nhiều màu ở phần chân mái và chóp mái.[46] Kiến trúc, kích thước và cách bố trí của ga Đà Lạt có nhiều điểm tương đồng với nhà ga thành phố Deauville, vùng Normandie, miền Bắc nước Pháp.[47] Do cuộc chiến tranh Việt Nam, tuyến đường sắt Tháp Chàm–Đà Lạt ngừng hoạt động vào năm 1972. Tuy vậy, từ năm 1991, nhà ga cùng với đoạn đường sắt Đà Lạt–Trại Mát được khôi phục để phục vụ hoạt động du lịch. Ga Đà Lạt được xem như một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của thành phố, và cũng nằm trong số những nhà ga đẹp nhất Việt Nam.[48]

[sửa] Kiến trúc tôn giáo

Đà Lạt vốn là một thành phố đa dạng về tôn giáo với sự hiện diện của hầu hết những tôn giáo lớn ở Việt Nam. Dù tuổi đời chỉ hơn một thế kỷ, nhưng Đà Lạt đã xây dựng được cho mình hàng trăm ngôi chùa, thiền viện, nhà thờ và tu viện nằm rải rác khắp thành phố.[49] Nhìn chung, kiến trúc các cơ sở tôn giáo tại Đà Lạt không có sự khác biệt lớn so với những vùng miền khác. Tuy vậy các công trình ở đây vẫn có được nét riêng thông qua việc tổ chức không gian kiến trúc và sự phối trí hài hòa giữa thiên nhiên với công trình nhân tạo.[50]
Thiền viện Trúc Lâm, một quần thể kiến trúc Phật giáo nằm bên hồ Tuyền Lâm, khánh thành năm 1994.
Một trong những ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng nhất của Đà Lạt là chùa Linh Sơn, nằm ở số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi. Ngôi chùa này là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều hạng mục lớn nhỏ phân bố trong một khoảng không gian chừng 4 hecta, trên một ngọn đồi cao không xa trung tâm thành phố.[51] Chùa Linh Sơn có hai lối vào, một lối từ phía ngã ba đường Bùi Thị Xuân, một lối gồm những bậc thang nhỏ dẫn từ chân đồi lên tới khoảng sân tiền điện. Tòa chính điện gồm hai ngôi nhà nối liền nhau theo hình chữ Đinh. Không xa bên phải là một tòa bảo tháp hình bát giác, phía sau là Tổ đường thờ Bồ Đề Đạt Ma, cùng chư hương linh tăng sỹ và Phật tử.[52] Hai bên lối vào tiền sảnh trang trí hai tượng rồng nằm uốn khúc, há miệng. Bốn trụ lớn trước chính điện tạo thành ba cửa vào, phía trên là một mảng trang trí hoa văn hình chữ Vạn cách điệu. Bên phải tiền sảnh đặt tượng Hộ Pháp Vi Đà, bên trái đặt tượng Tiêu Diện Đại Sỹ.[52] Trong chính điện thờ tượng Phật Thích Ca bằng đồng tọa trên tòa sen, cao 1,8 mét. Trong khuôn viên của chùa còn có phòng phát hành kinh sách, nhà vãng sinh và một giảng đường lớn.[53] Nằm trên núi Phụng Hoàng cạnh hồ Tuyền Lâm, Thiền viện Trúc Lâm được Hòa thượng Thích Thanh Tứ khởi lập vào năm 1993 và hoàn thành vào năm 1994. Công trình là một quần thể kiến trúc rộng lớn, tọa lạc trên một khoảng không gian 24 hecta, được chia làm bốn khu vực: khu ngoại viện, khu tịnh thất hòa thượng, khu nội viện tăng và khu nội viện ni.[54] Từ phía hồ Tuyền Lâm, một con đường dốc quanh co giữa rừng thông, qua ba cổng với 140 bậc thang đá dẫn đến chính điện. Tòa chính điện là một công trình kiến trúc trang nhã, rộng 192 mét vuông, mái kép, lợp ngói men vàng. Không như những ngôi chùa khác, phần nóc mái chỉ trang trí một biểu tượng bánh xe chuyển pháp luân, còn các đầu đao cong vút lên mềm mại, hoàn toàn vắng bóng những trang trí long, lân, quy, phượng. Bên trong, giữa điện thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 2 mét, tay phải cầm cành hoa sen.[55] Chung quanh phía trên chính điện là những bức phù điêu chạm khắc tám tướng thị hiện của đức Phật và các bao lam, án thờ bằng gỗ được chạm khắc công phu. Bao quanh tòa chính điện là những công trình tham vấn đường, phòng trưng bày, nhà khách, thư viện, nhà tổ và các lầu chuông, gác trống, xen giữa bởi những lối đi nhỏ rợp bóng mát. Trong khuôn viên khu ngoại viện còn có hồ Tĩnh Tâm, đồi Thanh Lương, nhà khách nữ vãng lai và phía sau là điểm tới của hệ thống Cáp treo Đà Lạt.[55]
Domaine de Marie, nhà thờ Thiên Chúa giáo nằm trên đồi Mai Anh, phía bắc thành phố.
Những nhà thờ, nhà nguyện Thiên Chúa giáo là các công trình tôn giáo xuất hiện sớm nhất tại Đà Lạt. Năm 1917, Linh mục Nicolas Couvreur đã tới thị tứ hoang vắng này để thực hiện sứ mệnh mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Thiên Chúa giữa những người Pháp và một ít người Việt trong buổi đầu xây dựng thành phố. Vào năm sau đó, một dưỡng viện giáo đồ đã được dựng lên trên một quả đồi ở khu vực trung tâm thị tứ.[56] Tuy vậy, phải đợi đến những thập niên từ 1930 tới 1960, các nhà thờ và tu viện có kiến trúc quy mô mới bắt đầu xuất hiện. Nhà thờ chính tòa Đà Lạt được khởi công xây dựng vào năm 1931, tới ngày 25 tháng 1 năm 1942 mới chính thức được khánh thành. Công trình mang kiến trúc nhà thờ miền Bắc nước Pháp với quy mô khá đồ sộ, chiều dài 65 mét, nơi rộng nhất 14 mét và tòa tháp chuông cao 47 mét. Được xây dựng trên một chỏm đồi thấp nên nền đất gian cung Thánh của nhà thờ cao hơn phần nền đất phía tháp chuông, vì thế lối vào cửa được tạo bởi những bậc thang bộ ở chính giữa và hai đường vòng lên đối xứng hai bên.[57] Tháp chuông được xây phía trên chính lối vào, đỉnh mái mang hình cây thánh giá, phía trên gắn một mũi tên gió hình con gà bằng đồng. Trên tầng áp mái của gian cung Thánh, các cửa sổ trang trí bởi 70 tấm kính màu. Tường nhà thờ còn được gắn các bức phù điêu với kích thước 1 x 0,8 mét do nhà điêu khắc Xuân Thi thể hiện.[57] Bề ngoài công trình sơn màu hồng sẫm, giúp tôn thêm vẻ trang nghiêm của một ngôi thánh đường. Tọa lạc trên ngọn đồi phía tây bắc thành phố, thuộc giáo xứ Mai Anh Đà Lạt, Nhà thờ Domaine de Marie được xây dựng từ năm 1940 đến năm 1943. Kiến trúc nhà thờ là một sự pha trộn hài hòa giữa phong cách kiến trúc Tây phương và kiến trúc dân gian của cư dân bản địa. Công trình mang dáng dấp của một ngôi nhà rông, không có tháp chuông, đỉnh nhọn của nóc mái là nơi gắn thánh giá.[41] Lối vào thánh đường được che phủ bởi một mái phụ, hai lối đi lên từ hai phía với những bậc thang gợi đến nét kiến trúc nhà sàn của người Thượng. Tường nhà thờ trang trí nhiều cửa sổ nhỏ sâu vào bên trong, phần chân tường cho tới bệ cửa xây bằng đá chẻ theo phong cách kiến trúc Normandie. Các cửa sổ cũng như cửa sổ mái tạo bởi những tấm kính màu, giúp không gian bên trong cung Thánh lung linh và huyền ảo. Phía sau nhà thờ còn ba dãy nhà ba tầng của tu viện Dòng nữ tu Bắc Ái.[41]

[sửa] Kiến trúc trường học

Từ thời Pháp thuộc cũng như dưới thời Việt Nam Cộng hòa, thành phố Đà Lạt luôn được định hướng không chỉ trở thành một đô thị nghỉ dưỡng mà còn là một trung tâm giáo dục quan trọng. Các kiến trúc sư người Pháp cũng như người Việt đã xây dựng ở đây không ít những ngôi trường mang kiến trúc đặc sắc và giá trị, phần nhiều xuất hiện dưới thời thuộc địa và trong giai đoạn Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam. Đa số các ngôi trường lớn ở Đà Lạt đều mang phong cách kiến trúc tương đối giống nhau, mặt bằng ổn định gồm các dãy lớp học một hoặc hai tầng, mái lợp ngói và rầm chìa gỗ có nguồn gốc từ kiến trúc địa phương của Pháp.[58] Những ngôi trường xây dựng giai đoạn sau do các kiến trúc sư người Việt thiết kế thường có đường nét thanh mảnh hơn và mang dáng dấp hiện đại.[24]
Trường Cao đẳng Sư phạm, một công trình biểu tượng của Đà Lạt.
Công trình kiến trúc trường học nổi tiếng nhất của thành phố là Trường Cao đẳng Sư phạm, nguyên là trường Trung học Yersin, được xây dựng từ năm 1929 và hoàn thành năm 1941. Khuông viên của ngôi trường trước đây rộng 22,3 hecta, nằm trên đỉnh một ngọn đồi tương đối bằng phẳng gần hồ Xuân Hương, trong đó toàn bộ khu vực chính khoảng 8 hecta.[59] Kiến trúc sư Moncet khi thiết kế công trình đã có những vận dụng táo bạo về mặt kích thước của kết cấu, cũng như việc sử dụng gạch ép ốp tường và ngói thạch bản xanh đen cho hệ thống mái.[60] Trường Trung học Yersin có kiến trúc độc đáo hiếm thấy, ảnh hưởng bởi hình thức kiến trúc tân cổ điển.[59] Tòa nhà chính nằm uốn mình theo một đường cung mềm mại, vòng cung ngoài dài 90 mét, vòng cung trong dài 77 mét, ôm lấy một khoảng sân rộng. Tòa tháp chuông cao 54 mét, lợp ngói thạch bản, vươn lên mạnh mẽ như hình một cây bút giữa rặng thông xanh, soi bóng xuống mặt hồ Xuân Hương.[61] Ở mặt đứng tầng trệt, cứ mỗi bước cột lại có một vòm cung tròn xây bằng gạch đất nung với tỷ lệ hài hòa, trong khi đó các tầng lầu được trang trí bởi hàng cột trắng ghép từng đôi, tất cả tạo nên vẻ đẹp thanh thoát cho toàn khối nhà. Những nét cách tân còn thể hiện ở phần mái dốc, đuôi mái được bẻ góc cùng hệ thống cửa sổ mái.[61] Mặt bằng công trình được bố cục chặt chẽ, tổ hợp kiểu hành lang bên. Không gian tầng trệt để trống tạo thành sân chơi trong nhà với những cột tròn, khẩu độ 8 x 8 mét. Tầng lầu gồm các lớp học, bên ngoài mỗi lớp đều có tủ âm tường làm nơi để áo khoác, áo rét của học sinh.[59] Nếu đứng trên quan điểm của các nhà kiến trúc theo chủ nghĩa công năng thì việc lựa chọn một hình dáng cong mềm mại sẽ khiến các phòng học không được vuông vức, gần như dẫn đến một kết quả “hình thức phi công năng”.[61] Cùng một trục với dãy nhà chính, nằm đối diện cổng vào là khối nhà hành chính. Công trình được thiết kế theo hình thức tân cổ điển Pháp, hai tầng gồm ba phần mái liên thông, mặt ngoài hoàn toàn đối xứng. Đối diện với tòa nhà chính qua khoảng sân rộng, hai dãy nhà nằm song song, mỗi dãy gồm một tòa nhà ba tầng và một tòa nhà hai tầng.[61] Các tòa nhà này có kết cấu và trang trí mặt đứng đơn giản, được dùng làm phòng học và ký túc xá cho học sinh. Quần thể kiến trúc còn được tiếp nối bởi một tòa nhà có quy mô nhỏ hơn dùng làm hội trường và phòng thí nghiệm, nằm ở cuối sân, vuông góc với hai dãy nhà song song.[61] Tổng thể công trình, các khối nhà hành chính, khối lớp học và phòng thí nghiệm kết thành một dạng kiến trúc Thụy Sỹ, nhưng riêng dãy nhà nghỉ, nhà giặt, phòng hội trường, nhà của hiệu trưởng và tổng giám thị... lại được thiết kế theo dạng kiến trúc thông dụng của các trường học ở Pháp.[60]
Trường Dân tộc Nội trú, trước kia là trường nữ tu Couvent des Oiseaux, được xây dựng năm 1934.
Nằm trên một quả đồi góc đường Huyền Trân Công Chúa – Hoàng Văn Thụ, thuộc phường 5, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lâm Đồng vốn là trường nữ tu Couvent des Oiseaux được xây dựng năm 1934.[62] Công trình được thiết kế theo hình thức kiến trúc kết hợp, có thể tìm thấy những nét kiến trúc cổ điển xen lẫn những nét kiến trúc hiện đại. Khối nhà lớp học được thiết kế hai tầng, tổ hợp theo kiểu hành lang bên, nằm trải dài song song với đường Huyền Trân Công Chúa.[62] Ngoài mặt tiền, khối nhà chính giữa nhô ra với mái đón tạo lối vào chính, phía trên trang trí một chi tiết kiểu trán tường hình tam giác với dòng chữ đắp nổi “N.D du Lang Bian”, tức Notre Dame du Lang Bian, một tên gọi khác của trường.[63] Tường ngoài tầng trệt của một khối được ốp đá với những cửa sổ hình cung gãy, các tầng trên có tường xây gạch và cửa sổ ô vuông. Sự kết hợp giữa nét thô giáp bên dưới và vẻ tinh tế phía trên này là một đặc trưng của kiến trúc Phục Hưng.[62] Phòng chờ ở sảnh chính rộng khoảng 30 mét vuông, có bậc cấp và hành lang dẫn vào phía trong, hàng lang sau đi vào lớp, nhà ngủ và nhà ăn.[63] Phía sau bố trí nhà ở của các nữ tu, giáo viên và nhà hiệu trưởng. Công trình bám theo dáng địa hình, vì vậy có sự giật cấp, tạo ra các không gian phong phú và sinh động. Phía trái cạnh trường còn có một nhà nguyện dành cho khoảng 200 người, kiến trúc theo kiểu Ogival, có một lầu chuông nhỏ, mặt bằng hình chữ nhật.[64] Trước đây, Couvent des Oiseaux là một ngôi trường dành cho con gái những gia đình giàu có không chỉ ở Việt Nam mà cả Liên bang Đông Dương.[63]
Năm 1957, Viện Đại học Đà Lạt được thành lập với cơ sở là Trường Thiếu sinh quân cũ, nằm trên một vùng đất rộng lớn phía bắc thành phố.[65] Trong chương trình chỉnh trang, kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc đã dựa trên quan niệm mới về thiết kế trường đại học của Hoa Kỳ, bố trí các công trình chức năng nằm phân tán trong không gian xanh yên tĩnh, kết nối bởi những con đường đầy bóng mát.[66] Hơn 40 công trình, đa số theo kiến trúc mới với mặt tường ốp đá, tạo nên một quần thể kiến trúc rộng lớn, nổi bật bởi nguyện đường Năng Tĩnh với tháp chuông hình khối tam giác vững chãi cao 38 mét.[67] Sau năm 1975, Trường Đại học Đà Lạt ra đời dựa trên cơ sở Viện Đại học cũ, giữ vai trò một trường đại học tổng hợp của vùng Tây NguyênNam Trung Bộ. Với nhu cầu mở rộng. những giảng đường, thư viện và nhà thể thao tiếp tục mọc lên trong những thập niên gần đây. Một vài công trình trong số này mang hình thức kiến trúc hoàn toàn khác biệt so với những kiến trúc cũ đã hiện hữu, vì vậy đã tạo nên hiện tượng tổng thể bị chia cắt đột ngột.[66] Tuy vậy, Đại học Đà Lạt vẫn được xem như một trong những trường đại học đẹp ở Việt Nam với cảnh quan kiến trúc mang nét đặc trưng riêng của thành phố.[67] Cũng dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam, Giáo hoàng Học viện Pio X được xây dựng vào hoàn thành năm 1957, trở thành nơi đào tạo linh mục cho toàn miền Nam thời kỳ đó. Khác với Viện Đại học Đà Lạt, Giáo hoàng Học viện nằm gần trung tâm thành phố, trên một diện tích không quá lớn, và là nơi sinh hoạt và học tập của hàng trăm người.[68] Kiến trúc sư Tô Công Văn đã giải quyết bài toán bằng những khối nhà bốn tầng bố trí giật cấp theo địa hình sườn đồi và các phần phụ tận dụng khéo léo ở tầng hầm. Toàn bộ diện tích còn lại, hơn 80% là công viên cây xanh, sân thể thao, đường giao thông và đường đi dạo. Ngày nay, công trình này là Trung tâm Đào tạo của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nằm ở số 13 đường Đinh Tiên Hoàng.[68]

[sửa] Kiến trúc khách sạn

Khách sạn Dalat Palace, xây dựng năm 1916 và khánh thành năm 1922, một trong những công trình kiến trúc quy mô đầu tiên của Đà Lạt.
Khách sạn đầu tiên của Đà Lạt được xây dựng vào năm 1907, khi đó chỉ là một ngôi nhà gỗ đơn giản mang tên Sala, về sau đổi thành Hôtel du Lac, tức Khách sạn bên hồ, khi hồ Xuân Hương được tạo lập vào năm 1919. Cùng với thời gian, công trình này đã biến mất và vị trí đó ngày nay được thay thế bởi khách sạn Hàng Không nằm bên đường Hồ Tùng Mậu.[69] Năm 1916, với ý định trang bị cho thành phố một nơi đón tiếp du khách sang trọng và đầy đủ tiện nghi, Toàn quyền Ernest Roume cho xây dựng một đại khách sạn và Langbian Palace đã ra đời và được khai trương vào năm 1922.[69] Khách sạn, ngày nay mang tên Dalat Palace, chiếm trọn một quả đồi bên hồ Xuân Hương, khuôn viên rộng hơn 40 hecta với những vườn hoa, thảm cỏ, rừng thông. Dễ dàng nhận thấy công trình có lợi thế rất lớn về vị trí, nằm trong một khu vực được quy hoạch cho riêng mình, nhìn xuống nhà Thủy Tạ, hồ Xuân Hương, đồi Cù và phía xa là dãy núi Lang Biang xanh thẫm.[70] Một hệ thống bậc thang trải dài theo sườn đồi từ phía hồ Xuân Hương lên tới tận lối vào chính khiến công trình thêm phần uy nghi và duyên dáng. Khách sạn Dalat Palace mang hình thức kiến trúc hiện đại kết hợp trường phái cổ điển, gồm 3 tầng và phần tầng trệt nhô cao hơn mặt sân để tạo thêm một tầng hầm và lối vào với những bậc thang sang trọng.[71] Công trình có mặt ngoài đối xứng hoàn hảo, phát triển theo chiều dài, trong đó khối chính giữa nhô cao 3 tầng với hệ mái bằng, hai khối hai bên thấp hơn và mái lợp ngói. Những yếu tố hiện đại của mặt bằng lại được đặt trong hệ kết cấu bao che với những trang trí theo hình thức cổ điển. Mặt đứng được tô điểm bởi nhiều họa tiết trang trí trau chuốt trên khung cửa sổ, đặc biệt là phần sát mái. Khác với các khách sạn khác, Dalat Palace không có hệ thống ban công hay lô gia như vẫn thường gặp ở kiến trúc khách sạn.[71] Công trình kiến trúc nổi tiếng này không chỉ là một khách sạn sang trọng mà còn là một địa điểm gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, nơi Hoàng đế Bảo Đại lần đầu gặp Hoàng hậu Nam Phương, cũng là nơi đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam từng lưu lại trong thời gian Hội nghị Đà Lạt năm 1946.[72]
Nằm trên đường Trần Phú, không xa Dalat Palace, khách sạn Dalat Hotel Du Parc được xây dựng vào năm 1922 theo phong cách kiến trúc hiện đại. Công trình gồm bốn tầng, lợp mái đỏ, nằm dọc theo con phố. Mặt bằng khách sạn có bố cục hợp khối hình chữ nhật, theo kiểu thức bố trí khách sạn kinh điển: hành lang ở giữa, hai dãy phòng hai bên hưởng đầy đủ ánh sáng và khí trời.[71] Một trục đối xứng vuông góc với sảnh chính, hai khối hai đầu hồi có kích thước mở rộng hơn. Không gian chính giữa của tầng trệt là đại sảnh có sa lông thư giãn tiếp khách. Những tầng trên, các phòng khách sạn nằm hai bên một hành lang giữa, đặc biệt mỗi phòng đều có một phòng đệm, tạo không gian chuyển tiếp đổi hướng tránh tầm nhìn trực tiếp vào giường ngủ.[71] Mặt đứng khách sạn được trang trí bởi những đường nét mạnh mẽ và vuông vức. Giống như Dalat Palace, khách sạn Hotel Du Parc không có hệ thống ban công. Phía trên tầng trệt, một hệ thống diềm mái lợp ngói đỏ nhô ra, thay thế cho các ô văng cửa sổ. Chi tiết này là một hình thức kiến trúc dân gian Việt Nam đã được đưa vào công trình.[59] Khách sạn Du lịch Công đoàn nằm bên đường Yersin, trên một ngọn đồi cạnh hồ Xuân Hương có diện tích hơn 15 hecta. Khác với Dalat Palace hay Dalat Hotel Du Parc, công trình này vốn là biệt thự của bác sỹ Lemoine xây dựng từ năm 1936, về sau trở thành một dưỡng đường tư. Kiến trúc tòa nhà mang dáng dấp của vùng Bretagne với hệ thống mái ngói đỏ dốc và các khối tường đầu hồi tam giác vững chãi và mạnh mẽ. Khá giống với Dalat Palace, Khách sạn Du lịch Công đoàn cũng được đặt trong một khuôn viên rộng nhiều cây xanh với tầm nhìn xuống hồ Xuân Hương, nhưng về hướng trung tâm thành phố.[59]

[sửa] Kiến trúc dinh thự

Dinh I, Dinh IIDinh III, ba dinh thự lớn xây dựng trong khoảng thập niên 1920 và 1930, ngày nay đều là những công trình nổi tiếng của thành phố.
Trong những công trình kiến trúc tại Đà Lạt, có ba dinh thự lớn nằm trên ba ngọn đồi phía nam thành phố, được xây dựng trong khoảng thập niên 1920 và 1930, vốn dành cho những nhân vật đặc biệt quyền lực hoặc giàu có. Mỗi dinh thự là một quần thể kiến trúc với tòa nhà chính đồ sộ, ngự trị trên điểm cao nhất, khuôn viên rộng lớn bao trùm cả ngọn đồi cùng với những vườn hoa, bồn nước, lối đi dạo...[68] Tuy chịu ảnh hưởng bởi những hình thức kiến trúc khác nhau, nhưng các công trình này đều hòa hợp với thiên nhiên và trở thành điểm nhấn trong bức tranh cảnh quan thành phố.[48]
Dinh I tọa lạc trên một ngọn đồi cao 1.550 mét bên đường Trần Quang Diệu, có rừng thông bao quanh.[68] Tòa nhà được triệu phú người Pháp Robert Clément Bourgery xây dựng giữa thập niên 1920, sau đó được Hoàng đế Bảo Đại mua lại vào năm 1949 và sửa sang lại.[73] Đến năm 1956, nơi đây trở thành dinh thự dành riêng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, tiếp tục được tu sửa và trang bị thêm một đường hầm thoát hiểm.[73] Sau năm 1975, tòa nhà được sử dụng làm nhà khách trung ương rồi giao lại cho công ty DRI khai thác.[74] Dinh I nằm giữa một rừng thông xanh, lối vào trải nhựa với hai hàng cây tràm thân trắng hai bên. Cuối con đường, một đảo hoa hình ô van chia lối đi làm hai ngả và gặp lại nơi sảnh đón chính của công trình. Dinh được xây dựng kiên cố, gồm một tầng hầm, một tầng trệt và một tầng lầu, trong đó nửa dưới của tầng trệt xây bằng đá chẻ.[74] Nhìn mặt ngoài, công trình ấn tượng nhờ mái ngói đỏ, tường sơn vàng và những cửa sổ gỗ màu xanh. Ở tầng trệt, các cửa sổ với vòm cung tròn đem lại cho tòa nhà một nét cổ điển, riêng cửa chính tuy cũng dạng vòm cung nhưng lại được kết hợp cùng một mái đón bằng ngang. Phía tầng trên, các cửa sổ cao rộng vuông vức, phần mái cũng có cửa sổ, bẻ góc ở đuôi và trang trí một vài ống khói.[74] Mặt bằng công trình được bố cục đối xứng với lối vào chính giữa, hệ thống cầu thang và hành lang mở ra hai bên.[75] Tầng trệt bao gồm một sảnh lớn, phòng tiếp khách, phòng họp... còn lầu trên, các phòng ngủ bao quanh một hành lang giữa. Chung quanh công trình chính còn một vài hạng mục kiến trúc khác như nhà dành cho ngự lâm quân, nhân viên phục vụ và một hệ thống sân vườn, đài phun nước, lối đi dạo... tạo thành một quần thể kiến trúc đẹp, sang trọng và hoàn chỉnh.[75]
Khác với hình thức kiến trúc tân cổ điển của Dinh I, Dinh IIDinh III chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân kiến trúc ở châu Âu thập niên 1920 và thập niên 1930. Kiến trúc lúc này bắt đầu phi đối xứng và đi vào yếu tố hình khối, bố cục tự do.[75] Dinh II và Dinh III là những công trình tương đối đồ sộ với mái bằng, nhiều hình khối, bố cục cân đối. Không gian kiến trúc bên trong và bên ngoài hòa lẫn vào nhau qua các lối đi, những cửa sổ kính khung thép hay các sân vườn có cột trụ bao quanh để tạo thành những không gian chuyển tiếp.[75] Dinh II, hay còn gọi là Dinh Toàn quyền, là dinh thự mùa hè của Toàn quyền Jean Decoux, được xây dựng từ năm 1933 đến năm 1937. Công trình như một tòa lâu đài nhỏ với 25 phòng bài trí sang trọng, nằm trên đồi thông cạnh đường Trần Hưng Đạo, nhìn xuống hồ Xuân Hương.[76] Sự cách tân kiến trúc thể hiện ở các mái bằng đồ sộ, bố cục hình khối lớn theo dạng cân bằng không đối xứng.[77] Mặt bằng cũng mặt đứng của công trình đều được giải phóng khỏi thế đối xứng nghiêm nghị của trường phái cổ điển, đi vào khai thác các bố cục hình khối tự do.[76] Công trình có công năng hỗn hợp, vừa là nơi ở, cũng là nơi tiếp khách và làm việc, nên mặt bằng được bố trí khá hiện đại. Ở tầng trệt, các phòng làm việc, phòng tiếp khách gắn liền với những tiểu kiến trúc công viên, còn tất cả các phòng ngủ được nhóm lại xung quanh một đại sảnh.[77] Phía cuối sảnh, một cầu thang lớn dẫn đến các phòng có bố cục rất hợp lý với đầy đủ tiện nghi được sắp xếp hài hòa. Toàn bộ tầng lầu được dành riêng cho sinh hoạt gia đình. Mái hiên lối vào chính có hình vòng cung, đồng thời giữ chức năng sân trời cho tầng hai.[76] Mặt đứng công trình đơn giản với những mảng, hình khối lồi lõm một cách linh động, các đầu máng xối cong mang lại nét đặc trưng của trào lưu hiện đại. Đặc biệt, Dinh II sử dụng vật liệu đá rửa màu sáng để phủ tường ngoài và các bộ phận vốn chất liệu gỗ thì được thay thế bằng kim loại mang từ Pháp.[77] Bên phải công trình gắp với một khoảng sân lộ thiên có đặt đài phun nước, có tượng thần Vệ Nữ sơn nhũ vàng. Giống như Dinh I, sau năm 1975, Dinh II trở thành nhà khách trung ương và hiện nay giữ vai trò nhà khách của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.[76]
Dinh III là biệt điện của Hoàng đế Bảo Đại, vị quân vương cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Công trình nằm trên một ngọn đồi cao 1.539 mét bên đường Triệu Việt Vương, vị trí mà kiến trúc sư Ernest Hébrard khi quy hoạch thành phố dự định dành cho Dinh Toàn quyền.[78] Dinh III, cũng thường được gọi Dinh Bảo Đại, xây dựng trong khoảng từ năm 1933 đến năm 1938, do hai kiến trúc sư Paul Veysseyre và Huỳnh Tấn Phát thiết kế. Về hình thức kiến trúc, Dinh III có nhiều nét tương đồng với Dinh II, đều chịu ảnh hưởng bởi trào lưu cách tân kiến trúc ở châu Âu.[79] Công trình đồ sộ với hệ thống mái bằng, các mảng - khối được bố cục cân đối. Phía trước sảnh chính cũng có một mái hiên hình vòng cung vươn ra đón khách khi xe đỗ.[80] Tầng trệt được bố trí phòng khách, các phòng làm việc, văn phòng của vua Bảo Đại, thư viện, các phòng giải trí và một phòng ăn lớn. Tầng lầu được dành toàn bộ cho sinh hoạt gia đình với các phòng ngủ của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, các công chúa và hoàng tử cùng những phòng sinh hoạt.[79] Một sân thượng mang tên Vọng Nguyệt Lâu nối với phòng ngủ của vua Bảo Đại được sử dụng làm nơi ngoạn cảnh. Bên cạnh dinh, phía cổng vào có một vườn hoa nhỏ theo kiểu vườn hoa ở các cung điện Pháp, bố cục theo hình kỷ hà.[78] Khác với Dinh I và Dinh II, Dinh III ngày nay trở thành địa điểm du lịch, mở cửa đón du khách tới thăm.

[sửa] Kiến trúc biệt thự

Biệt thự số 16 Trần Hưng Đạo, còn mang tên biệt thự Hoa hồng, một hình thức hiện đại hóa kiến trúc Bretagne.
Bên cạnh các công trình kiến trúc lớn, hệ thống biệt thự ở Đà Lạt cũng góp phần quan trọng trong việc làm phong phú cảnh quan kiến trúc và tạo nên một trong những nét đặc trưng hấp dẫn của thành phố.[79] Các ngôi biệt thự ở đây được dựng lên với những kiểu dáng vô cùng đa dạng, nhưng tổng thể vẫn giữ được tính thống nhất và hài hòa với thiên nhiên.[81] Những ngôi biệt thự xây dựng từ năm 1940 trở về trước hầu hết đều do người Pháp thiết kế. Từ sau năm 1940, cùng với các kiến trúc sư người Pháp, một số kiến trúc sư người Việt được đào tạo ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng tham gia thiết kế xây dựng nhiều công trình.[82] Để bảo vệ cảnh quan thành phố, các kiến trúc sư người Pháp đã đưa ra những nguyên tắc chung cho việc thiết kế và xây dựng biệt thự. Các ngôi biệt thự được xây dựng bám theo dạng địa hình, nằm trên những đường đồng mức, có khuôn viên cây xanh, có tầm nhìn đẹp và không được quá gần nhau.[82] Để tránh phá vỡ cảnh quan, số tầng của biệt thự được quy định không quá ba tầng, kể cả tầng trệt. Trong các đồ án quy hoạch thành phố trước đây, những khu đất phân lô dành cho biệt thự luôn được quy định rõ. Tất cả các công trình xây dựng đều phải do kiến trúc sư thiết kế và chịu trách nhiệm về thẩm mỹ. Mọi dự án xây dựng đều phải trải qua sự xét duyệt của phòng quy hoạch đô thị thuộc Sở Công chánh.[82] Những tòa biệt thự có diện tích phân lô hơn 1.500 mét vuông dành cho tầng lớp thượng lưu ngày nay có thể tìm thấy trên các con đường Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Lê Lai hay Nguyễn Du. Hầu hết các biệt thự này nằm xa trục đường chính và được bố trí cách nhau từ vài chục tới vài trăm mét.[83] Những biệt thự hạng trung bình có diện tích phân lô nhỏ hơn 1.000 mét vuông và các ngôi nhà biệt lập có sân vườn được dành cho tầng lớp trung lưu và công chức, phổ biến tại trung tâm thành phố, trên các con đường như Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu hay Bùi Thị Xuân.[84]
Về hình thức kiến trúc, các biệt thự xây dựng trước năm 1954 chịu nhiều ảnh hưởng của kiến trúc địa phương Pháp. Những chủ nhân người Pháp sống xa quê hương đã xây dựng những ngôi nhà này để gợi lại hình bóng quê hương của họ.[82] Tuy vậy, các hình thức kiến trúc địa phương Pháp du nhập vào Đà Lạt được thể hiện dưới nhiều hình thức: một số theo nguyên mẫu, một số khác thay đổi để phù hợp với khí hậu địa phương, và một số kết hợp với kiến trúc Việt Nam tạo nên một hình thức kiến trúc mới. Những ngôi biệt thự kiến trúc miền Bắc nước Pháp xuất hiện rất nhiều tại Đà Lạt, hầu hết dưới dạng nguyên mẫu bởi khí hậu thành phố có nhiều điểm tương đồng khí hậu miền Bắc nước Pháp.[82] Nếu phân loại cụ thể, có thể thấy các biệt thự của Đà Lạt mang năm phong cách kiến trúc chủ yếu: kiến trúc vùng Normandie, kiến trúc vùng Bretagne, kiến trúc vùng Provence, kiến trúc xứ Basque và kiến trúc vùng Savoie.[85]
Biệt thự số 20 đường Trần Hưng Đạo, mang phong cách Normandie, một ví dụ điển hình cho kiến trúc biệt thự của Đà Lạt.
Những biệt thự phong cách kiến trúc Normandie có một hoặc hai tầng, khung sườn nhà bằng gỗ tốt, xây chèn gạch, phần tường dưới bệ cửa sổ đôi khi được xây bằng đá chẻ hoặc bằng gạch nhỏ để trần không tô trát. Khung sườn ngôi nhà có tỷ lệ cân xứng dựa trên mặt bằng hình chữ nhật đơn giản.[85] Các biệt thự này thường có hai hoặc bốn mái, các mái được lợp ngói phẳng cỡ nhỏ, độ dốc lớn và bẻ góc, trang trí bởi cửa số mái hình tam giác.[86] Những nét đặc trưng của phong cách kiến trúc Normandie có thể thấy ở những biệt thự số 22 đường Nguyễn Viết Xuân hay số 14, 18 và 20 đường Trần Hưng Đạo. Các biệt thự kiến trúc vùng Bretagne thường có hình khối nằm ngang, đầy vững trãi. Vật liệu xây dựng được lấy ở chính địa phương, mái mặt bên sử dụng ngói thạch bản, cửa chính và cửa sổ thường có khung viền chất liệu đá chẻ kích thước lớn.[86] Tường đầu hồi có dạng hình tam giác, che kín bờ mái dốc và thường gắn kết với ống khói lò sưởi. Cửa số mái hình tam giác có nhiệm vụ lấy ánh sáng cho tầng lầu hoặc cho tầng áp mái. Biệt thự số 16 đường Trần Hưng Đạo, còn mang tên biệt thự Hoa hồng, là một hình thức hiện đại hóa kiến trúc vùng Bretagne.[85]
Phong cách kiến trúc vùng Provence chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Ban Nha và vùng Địa Trung Hải. So với miền Bắc nước Pháp, vùng Provence có khí hậu nóng và ít mưa, vì thế kiểu kiến trúc này khi du nhập vào Đà Lạt đã có nhiều biến đổi để phù hợp với khí hậu địa phương. Các ngôi nhà phong cách Provence thường bố cục nằm ngang, mặt bằng tự do, mái lợp ngói hoặc mái bằng. Ở những ngôi nhà lợp ngói, độ dốc của mái tương đối thoải, sử dụng ngói ống hình máng lợp kiểu âm dương, mái không vươn quá xa và thường được trang trí một hai ống khói.[85] Một trong những ví dụ của kiểu kiến trúc Provence là ngôi biệt thự số 11 đường Lê Hồng Phong. Phong cách kiến trúc vùng Savoie và xứ Basque mang nhiều điểm tương đồng. Các ngôi nhà này có hình thức hai mái, mái vươn xa khỏi tường đầu hồi, và tường đầu hồi được sử dụng làm mặt chính của kiến trúc. Với phong cách xứ Basque, hai mái nhà không đều nhau, mái dài đôi khi gần sát xuống mặt đất. Các mái vươn xa khỏi tuờng đầu hồi và được nâng đỡ bởi các rầm chìa bằng gỗ. Tường nhà xây gạch, sơn màu nhạt với nhiều cửa sổ nhỏ bằng gỗ màu sơn sẫm.[85] Những biệt thự kiểu Savoie thường xây tầng dưới, tầng trên bằng gỗ có ban công dài suốt mặt tường, mái độ dốc vừa phải và vươn rất rộng trên tường đầu hồi để che chở cho các cửa đi, cửa sổ và cả ban công.[86]
Biệt thự số 20 đường Trần Hưng Đạo là một trong những ví dụ điển hình cho kiến trúc biệt thự tại Đà Lạt. Giống như nhiều ngôi nhà khác cùng con phố, biệt thự số 20 được xây dựng dành cho tầng lớp thượng lưu, có khuôn viên rộng rãi và nằm cách xa đường chính. Công trình chịu ảnh hưởng của kiến trúc Normandie, mang một vẻ đẹp mạnh mẽ và thanh nhã. Chi tiết gây ấn tượng nhất của tòa biệt thự chính là hệ mái khối tích lớn, lợp ngói đất nung.[87] Các sống mái đều được bẻ góc với nhiều kiểu cách đa dạng, một ống khói vươn cao giúp hệ mái có được nét duyên dáng hoàn hảo.[87] Nơi mặt tiền, một phần hệ mái kéo dài theo chiều xiên dốc mái xuống tận diềm mái của tầng trệt, một đặc điểm ít gặp trong phong cách kiến trúc địa phương Pháp. Tường ngoài tầng trệt một phần được xây bằng đá chẻ ốp theo dạng tổ ong. Hệ khung suờn chịu lực bằng bê tông nằm ở tường của tầng hai. Ngôi nhà còn được trang trí bởi rất nhiều cửa sổ và các rầm chìa gỗ màu xanh. Kiểu dáng kiến trúc của công trình mang vẻ đẹp mạnh mẽ, hài hòa và hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh của miền Bắc nước Pháp cũng như của Đà Lạt.[87] Cùng với một số biệt thự khác trên đường Trần Hưng Đạo, biệt thự số 20 được thành phố Đà Lạt giao lại cho khách sạn Dalat Cadasa Resort trùng tu và khai thác, như một trong những nỗ lực trong việc bảo tồn di sản kiến trúc của thành phố.

[sửa] Kiến trúc của cư dân bản địa

Giống như các dân tộc khác cư trú trên vùng Tây Nguyên, những người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho có một loại hình kiến trúc rất đơn giản, gần gũi với thiên nhiên và phù hợp với môi trường sống của họ.[88] Những buôn làng người Lạch thường quần tụ ven bờ suối, dưới chân núi, dọc theo những thung lũng nhỏ hoặc nằm rải rác trên các sườn đồi hẻo lánh. Khu đất lập buôn được khai hoang sạch sẽ, trống trải, chỉ chừa lại những cây lớn. Ở trong buôn, các ngôi nhà được dựng lên tùy tiện, thường không tuân theo một nguyên tắc chung nào.[89] Có những bộ tộc xoay hướng nhà của họ về phía nhà vị già làng hoặc về phía đường lớn hay dòng suối chảy ngang qua. Đặc điểm của buôn người Lạch là không có nhà rông, thay vào đó, nhà của vị già làng sẽ là nơi hội họp, tiếp khách. Những không gian trống còn lại trong làng là nơi sinh hoạt, vui chơi, cũng là nơi thả , lợn. Xung quanh buôn làng có hàng rào với cổng vào đơn sơ.[90] Khoảng cách giữa các buôn tùy thuộc vào điều kiện địa hình, địa vật và nơi canh tác của dân cư, thường vào khoảng 2 đến 3 km.[89] Cho đến tận ngày nay, kiến trúc nhà ở của cư dân bản địa Đà Lạt vẫn còn tồn tại hai loại hình mà người Việt thường quen gọi là nhà sàn và nhà đất. Trong đó, loại hình nhà sàn gần đây ít gặp hơn so với kiến trúc nhà đất, đặc biệt ở những vùng ven thành phố hay tại những khu vực mà người dân tộc thiểu số sống xen lẫn với người Việt.[88] Mặc dù vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu, nhà sàn vẫn là loại hình tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống của các dân tộc thiểu số.[91]
Những ngôi nhà sàn là phản ứng tự nhiên của con người trước hoàn cảnh thiên nhiên, giải pháp tốt nhất về kiến trúc giúp họ có thể sinh sống an toàn, khắc phục những hạn chế về khí hậu ẩm ướt, địa hình làm nhà không bằng phẳng và có thể chống lại sự phá hoại của các loài thú dữ. Những ngôi nhà sàn của người Lạch được phân thành hai loại chính: nhà cho từng hộ gia đình riêng lẻ và nhà dài cho nhiều hộ gia đình trong một gia tộc.[90] Cũng như những người thiểu số khác ở Lâm Đồng, người thiểu số Đà Lạt sử dụng kỹ thuật làm nhà cổ truyền rất đơn giản.[91] Họ sử dụng những vật liệu địa phương như tranh, tre, nứa, lá... làm bộ xương mái và các loại gỗ tốt như cẩm lai, gụ, giổi, trám, đinh hương... để dựng nên khung nhà. Cấu trúc bộ sườn ngôi nhà cũng rất đơn giản, mỗi vì kèo gồm hai cột cái đẽo tròn, chân cột chôn sâu xuống đất khoảng 40 cm, đầu cột được khoét để ôm lấy xà dọc. Về kết cấu sàn, dầm ngang được ốp vào cột cái bằng ngàm khoét vào dầm và cột siết chặt bằng dây mây, cột theo hình chữ thập. Mỗi ngôi nhà có hai cửa đi đặt gần chính giữa hai đầu hồi: cửa trước nhìn ra lối xuyên thôn dành cho khách và đàn ông, còn cửa sau dành cho phụ nữ và người nhà.[90] Hầu hết các ngôi nhà đều không có cửa sổ và bên trong không được ngăn thành từng phòng.[92] Trong những ngôi nhà nhỏ dành cho một hộ gia đình thường có một hoặc hai bếp. Nhưng đối với các ngôi nhà dài dành cho nhiều gia đình, có thể có đến 10 bếp lửa xếp thành dãy ở giữa và dọc theo chiều dài ngôi nhà, mỗi bếp dành cho một hộ gia đình. Khoảng không gian dọc theo mặt vách từ đầu nhà đến cuối ngôi nhà là chỗ ngủ, được chia thành từng ô cho mỗi gia đình.[90] Ngày nay, những nét kiến trúc của cư dân bản địa chỉ còn lại những vết tích đơn giản trong một số ít ngôi nhà ở thôn Manline thuộc phường 7 hay xã Tà Nung.[92] Những ngôi nhà của người dân tộc thiểu số giờ đây không nhiều khác biệt so với nhà ở của người Việt. Sự biến dạng này phù hợp với quy luật phát triển của xã hội người Thượng nói chung và của người Cơ Ho ở Đà Lạt nói riêng.[91]

[sửa] Bảo tồn cảnh quan và di sản kiến trúc

Một ngôi biệt thự bị bỏ hoang trên đường Nguyễn Du. Trong khắp thành phố, rất nhiều những ngôi biệt thự cổ đang bị bỏ hoang hoặc biến thành nhà trọ.
Vấn đề bảo tồn cảnh quan và di sản kiến trúc Đà Lạt đã được nhắc đến từ rất lâu. Trong những đồ án quy hoạch của Hébrard, Pineau, Mondet và Lagisquet, bảo vệ “tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên với cảnh quan tuyệt vời” luôn là mối lưu tâm đầu tiên của các kiến trúc sư. Vào cuối thập niên 1960, nhiều học giả bắt đầu lên tiếng cảnh báo về vấn đề môi sinh của Đà Lạt, đặc biệt là tiến trình bồi lắng quá nhanh của hồ Xuân Hương.[29] Cho tới những thập niên gần đây, sự phát triển dân số và quá trình đô thị hóa ồ ạt đã gây nhiều tổn hại tới cảnh quan thiên nhiên cũng như các di sản kiến trúc của thành phố. Nhiều khu rừng nội ô đã bị tàn phá nặng nề, dành diện tích cho các công trình xây dựng hoặc canh tác nông nghiệp. Vào thập niên 1960, diện tích rừng thông của thành phố Đà Lạt khoảng 90 ngàn hecta, nhưng tới năm 1978 con số giảm xuống chỉ còn 30 ngàn, và năm 2010 toàn bộ diện tích thông của Đà Lạt chỉ còn 14 ngàn hecta.[93] Những cánh rừng thông bên cạnh các thắng cảnh, dinh thự như Dinh I, Dinh III, Thung lũng Tình Yêu, đèo Prenn... dần bị thu hẹp. Ngoài ngoại ô, nhiều khu rừng bị đốn hàng loạt để khai thác nhựa hoặc đục thân cây thông lấy ngo dầu. Những dự án xây dựng bên hồ Tuyền Lâm cũng khiến hàng trăm ngàn cây thông nơi đây bị đốn chặt.[93] Việc thu hẹp diện tích rừng và mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp đã ảnh hưởng tới các hồ và nguồn nước của Đà Lạt. Hai hồ Vạn Kiếp và Mê Linh ngày nay đã hoàn toàn biến mất, còn những hồ như Than Thở, Dankia trở nên dần cạn,[94] khiến thành phố phải đối mặt với vấn đề thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.[95] Cảnh quan kiến trúc của Đà Lạt cũng bị biến dạng bởi sự phát triển thiếu quy hoạch. Nhiều ngôi nhà ống, nhà hộp mọc lên dày đặc trong khu vực trung tâm và hầu hết kiến trúc nhà ở của người dân chắp vá và không đồng bộ. Bên cạnh đó, những công trình quy mô lớn cũng làm phá vỡ cảnh quan của thành phố. Cho tới năm 2010, Đà Lạt vẫn không có một bản quy hoạch chi tiết, dù đã được quy hoạch chung nhiều lần.[94]
[...] nước ta chỉ có Huế và Đà Lạt được gọi là đô thị di sản. Trong khi Huế vẫn giữ được sự thống nhất và bản sắc kiến trúc của xã hội Việt Nam cuối thời kỳ phong kiến thì Đà Lạt đang phai phôi. Đà Lạt phát triển lớn mạnh nhưng sẽ trở thành như bất kỳ thành phố nào ở nước ta, nói khác hơn là Đà Lạt đang đánh mất cái mình đang có.[94]
—Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính
Không ít những di sản kiến trúc của Đà Lạt chịu sự tàn phá của thời gian mà không được bảo tồn chu đáo. Trong khuôn viên Trường Cao đẳng Sư phạm, một biểu tượng của thành phố, hàng trăm người dân sinh sống và xây dựng những ngôi nhà trọ dành cho sinh viên.[96] Tương tự, khuôn viên di tích kiến trúc nhà ga Đà Lạt cũng trở thành bãi tập kết gốm sứ, cây cảnh và là nơi những người nông dân trồng rau bắp cải. Khu lăng tẩm Nguyễn Hữu Hào từng bị bỏ quên một thời gian và trở thành nơi tập trung của những người nghiện ma túy cùng các hoạt động mại dâm.[97] Trên khắp thành phố, nhiều ngôi biệt thự cổ bị bỏ hoang hoặc “chung cư hóa”, một vài trong số đó còn bị gọi là những “biệt thự ma”.[98] Trong khoảng 1.900 ngôi biệt thự được xây dựng trước năm 1975, một nửa đã được thành phố cho các doanh nghiệp mua hoặc thuê lại để khai thác. Tuy vậy, phần lớn những ngôi biệt thự này vẫn rơi vào tình cảnh bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, còn một số khác nhường chỗ cho những nhà hàng, khách sạn mọc lên.[30] Trong những nỗ lực bảo tồn di sản kiến trúc của Đà Lạt, một số đã tìm được thành công. Những ngôi biệt thự bên đường Trần Hưng Đạo và khu biệt thự Lê Lai được các công ty Cadasa và Ana Mandara trùng tu, giữ nguyên vẹn kiến trúc cũ, đưa vào khai thác và trở thành những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.[98]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.