Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

QUY HOẠCH PHÂN KHU



ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP VÀ NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÂN KHU

Để có thể thực sự đổi mới phương pháp và nội dung các đồ án quy hoạch nói chung ở Việt nam, cần thay đổi một cách tổng thể toàn bộ hệ thống văn bản pháp quy hiện hành về quy hoạch (kể cả Luật Quy hoạch Đô thị mới được ban hành). Cần thoát khỏi những quan điểm, yêu cầu (đầu bài) đối với sản phẩm quy hoạch theo lối cũ – chỉ phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp. Đây chính là lý do vì sao, những nhà quy hoạch được đánh giá là tốt nhất trên thế giới, khi đến Việt nam cũng bị “bó tay”, không thể làm được quy hoạch “theo kiểu Việt nam”.
Việc các địa phương, các nhà đầu tư mong muốn có những đồ án quy hoạch tốt, đáp ứng được nhu cầu phát triển của thời đại là chính đáng. Nhưng sẽ không thể có đồ án tốt khi ngay từ đầu, đầu bài đã sai. Và kết quả là, hàng năm, Việt nam đang tốn kém nhiều triệu đô la (Mỹ) để mời các đơn vị tư vấn nước ngoài làm quy hoạch, nhưng cái mới chỉ đến trong vẻ ngoài hình thức, còn về bản chất, nội dung đồ án vẫn được trói buộc một cách “chính danh” – phải tuân thủ “hệ thống văn bản pháp quy về quy hoạch của Việt nam”. Cái mới trong quy hoạch đang được chú trọng là những bản diễn họa về những khu đô thị hoành tráng, những đại lộ khổng lồ băm nát hoặc lấn át các đô thị bé nhỏ; những khu đô thị mật độ thấp phủ cỏ xanh rì được coi là sinh thái; những đô thị mở rộng miên man với khả năng lấp đầy rất thấp (được trang điểm bởi những vành đai/hành lang/nêm… xanh), làm suy kiệt nền kinh tế… trong khi, những sai lầm đó, đáng lẽ, ngành đô thị Việt nam nói riêng, xã hội Việt nam nói chung phải tự học và nhận biết để mà tránh từ rất lâu. Lý do khiến cho chất lượng quy hoạch đô thị ở Việt nam thấp (dù cho được thực hiện bởi những đơn vị tư vấn quy hoạch đến từ nước ngoài) có rất nhiều và để khắc phục cũng không dễ, nhưng trước hết là do hệ thống văn bản pháp quy đưa ra các quy định/đầu bài saicho quy hoạch nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng.
Sau hơn 20 năm mở cửa giao lưu với nền kinh tế thị trường toàn cầu, mà nội dung và hình thức sản phẩm quy hoạch vẫn theo lối cũ (dù được minh họa cầu kỳ hơn), ngành quy hoạch đang góp phần gây khó khăn, cản trở quá trình phát triển của đất nước.
Bất chấp năng lực dự báo, cơ sở dữ liệu để dự báo và đánh giá nhu cầu phát triển và thị trường hầu như không có hoặc rất yếu, các quy hoạch chung lại phải đưa ra các bản vẽ quy hoạch xây dựng tương đối chi tiết như trong minh hoạ là quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Phú Xuyên trong đồ án Quy hoạch chung Hà Nội. Những bản vẽ này sau đó có tính pháp lý và trở thành rào cản cho phát triển hoặc dễ dàng bị thay đổi để thỏa mãn mong muốn của nhà đầu tư. (Lời bình của Nguyễn Đỗ Dũng, ảnh minh họa chụp từ thuyết trình “Hanoi Construction Master Plan 2030 and Vision 2050″ do đại diện công ty Perkin Estman báo cáo tại Đại hội của Hội Quy hoạch Hoa Kỳ, tháng 4/2012. Các quyết định quy hoạch như vị trí và chức năng đô thị thuộc về phía Việt Nam (thừa hưởng các đồ án trước đó và không dựa vào nghiên cứu) và phương pháp quy hoạch bị ràng buộc bởi luật pháp tại đây)
Mục đích của việc Bộ Xây dựng (BXD) đang làm Luật Đô thị là gì thì người viết bài này không được rõ (đã hỏi nhiều chuyên gia đến từ các nước, kể cả chuyên gia người Đức đang phụ giúp cho Cục Phát triển Đô thị của BXD làm Luật này, chưa tìm thấy ở đâu có Luật Đô thị mà chỉ có Luật Quy hoạch Đô thị). Nhưng nếu nhất định làm, thì cần tranh thủ cơ hội này để thay đổi lại Luật Quy hoạch Đô thị. Và những người tham gia làm luật, cần làm với trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, cần phải thực sự học hỏi những bài học kinh nghiệm của các nước đã phát triển hơn Việt nam (dù mục tiêu phát triển của đất nước chúng ta không thể chỉ là mãi mãi lẽo đẽo đuổi theo và thường là với một khoảng cách rất xa với những tiến bộ của nhân loại), không thể chỉ làm như một nhiệm vụ hành chính thông thường, làm cho xong, cho có đầu mục công việc đã làm.
Khi được chất vấn về những nội dung lạc hậu đang giảng dạy trong các khóa đào tạo về quy hoạch đô thị, nhiều thầy, cô lý luận rằng đó là do hệ thống văn bản pháp quy hiện hành của nhà nước ta về quy hoạch đô thị quy định như vậy, nên nhà trường phải dạy như vậy, để sinh viên ra trường có thể hành nghề. Xin phép không lạm bàn về vai trò của trường đại học ở đây. Chỉ xin hỏi “sẽ ra sao, nếu một ngày nào đó, hệ thống văn bản pháp quy của nhà nước thay đổi, đưa ra những yêu cầu tiến bộ hơn, đòi hỏi những sản phẩm khác từ quy hoạch? Lúc đó sinh viên tốt nghiệp của trường biết làm gì? Thầy/Cô sẽ làm gì?”.
Trong điều kiện chưa thay đổi ngay được hệ thống văn bản pháp quy về quy hoạch (hy vọng là việc này sẽ được làm nhanh hơn và thực tế có thể nhanh hơn vì Bộ Xây dựng cũng chính là cơ quan soạn thảo các văn bản pháp quy này để tự ban hành hoặc tư vấn cho Chính phủ và Quốc hội), mà hàng ngày, hàng giờ, các đồ án quy hoạch đô thị vẫn được lập, thẩm định và phê duyệt, cần và có thể có một số điều chỉnh ngay đối với nội dung đồ án quy hoạch. Trong đó, riêng về quy hoạch phân khu, xin có một số kiến nghị như sau:
Các yêu cầu  đối với sản phẩm quy hoạch được đặt ra trong Luật Quy hoạch Đô thị (QHĐT), về mặt ngôn từ, có thể đã là quen thuộc đối với các nhà quy hoạch và quản lý đô thị tại Việt Nam. Nhưng để đáp ứng được các yêu cầu này trong bối cảnh mới về kinh tế – xã hội – môi trường, phương pháp luận và các sản phẩm cụ thể của đồ án quy hoạch cần có những điều chỉnh thích hợp. Hay nói cách khác, cần “có cách hiểu Luật” khác đi.
Trước hết cần khẳng định “phân khu” là để kiểm soát, khuyến khích và quản lý phát triển và cải tạo đô thị… theo những tiêu chí và nội dung khác nhau, không chỉ đơn thuần là “phân khu chức năng” như được hiểu phổ biến hiện nay. Ý nghĩa của phân khu chức năng còn lại rất ít trong yêu cầu đối với quy hoạch đô thị đương đại (thậm chí bị các trường phái quy hoạch được coi là tiến bộ hiện nay chối bỏ) và nhất thiết phải luôn trả lời được câu hỏi“Tại sao?” đối với mọi quy định phân khu nói riêng và giải pháp quy hoạch nói chung.
Các nội dung của đồ án quy hoạch phân khu, tuy cụ thể hơn đồ án quy hoạch chung, nhưng cũng là đồ án phục vụ cho mục tiêu quản lý và cũng cần mang tính cấu trúc và nguyên tắc.
Luật đã nêu yêu cầu đối với tổ chức không gian  trong trong quy hoạch phân khu là “xác định nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan”. Đây là điểm tiến bộ của Luật, là quy định cho thấy rõ quan điểm về việc cần giảm sự cứng nhắc của đồ án quy hoạch phân khu và tiến đến phương pháp quy hoạch cấu trúc. Như vậy, ý nghĩa của bản tổ chức không gian trong quy hoạch phân khu chỉ là để minh họa chứ không phải là bản đồ quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan (có thể gọi như trước đây là : sơ đồ minh họa tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan”) và cách thể hiện phải làm sao diễn đạt được nguyên tắc tổ chức không gian (ngôn ngữ cấu trúc) chứ không đi vào mô tả chi tiết từng công trình như ở quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Nhưng đáng tiếc, sau đó, Luật lại đưa ra yêu cầu xác định “chỉ tiêu về dân số, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô phố”. Yêu cầu này, nếu được hiểu là các chỉ tiêu cứng nhắc như vẫn phổ biến hiện nay, sẽ mâu thuẫn với nội dung trên. Các chỉ tiêu này, tùy theo nhu cầu kiểm soát phát triển, cần được hiểu và quy định có thể là chỉ tiêu cứng – cụ thể, cũng có thể là chỉ tiêu mang tính ngưỡng hoặc thậm chí có những chỉ tiêu không quy định (hay nói cách khác quy định là được phát triển tự do). Kể cả quy mô, vị trí các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu, có thể được thay đổi linh hoạt cho phù hợp nhu cầu thực tế. Điều quan trọng hơn là cần khẳng định các nguyên tắc bắt buộc tuân thủ, ví dụ như: hệ thống không gian mở công cộng; Các hướng kết nối chính và khung hạ tầng kỹ thuật chính; Quy mô tối thiểu của các công trình phúc lợi công cộng do nhà nước đầu tư để đảm bảo phục vụ cho các thành phần khác nhau trong xã hội… Mặt khác, và đặc biệt cần nhấn mạnh là yêu cầu quy định chỉ tiêu “đến từng ô phố”,trong trường hợp có nhiều ô phố có cùng tính chất thì có thể quy định theo khu vực, tùy theo nội dung và mục tiêu quy hoạch của đồ án.
Hoàng Văn Nghiên – Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội:
Trong việc quy hoạch còn thiếu một điều rất quan trọng là: ai ra đầu bài quy hoạch? Do không rõ đầu bài nên không rõ lời giải… Hầu hết quy hoạch dù làm rất kỹ nhưng đều cất vào tủ, dùng để quản lý cũng không được mà để xây dựng cũng không xong. Nguyên nhân vì quy hoạch chung thì quá chi tiết mà quy hoạch chi tiết thì quá chung chung.
Nguồn: Hoàng Văn Nghiên. Đồ án quy hoạch là một sản phẩm đặc biệt. Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 1, 2003: 20-21;
Luật cũng đưa ra yêu cầu “bố trí mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật đến các trục đường phố phù hợp với các giai đoạn phát triển của toàn đô thị”. Thứ nhất, khái niệm trục đường phố là không rõ, cần cụ thể hóa thông qua hệ thống phân cấp đường theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam và tùy theo nội dung quy hoạch và mục đích kiểm soát, có thể quy hoạch đến đường khu vực hoặc phân khu vực. Thứ hai, yêu cầu phù hợp với các giai đoạn phát triển của đô thị cũng cần được hiểu là một lộ trình thực hiện (trong đó có thể có những vòng lặp lại) chứ không đơn thuần là 2 giai đoạn quy hoạch (5-7 năm và 20 năm) như trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Nội dung của báo cáo Quy hoạch chung thành phố New York tới năm 2030 bao gồm các phân tích, xác định vấn đề/thách thức, các giải pháp và các khu vực tiềm năng để phát triển và tái phát triển nhưng không đưa ra chương trình cụ thể về xây dựng cho các khu vực này như tại Việt Nam. Nội dung quy hoạch là tổng quát, bao gồm các thành phần: nhà ở và khu dân cư, công viên và không gian công cộng, khu vực đất công nghiệp bỏ hoang, sông ngòi và hồ, cấp nước, giao thông, năng lượng, chất lượng không khí, chất thải rắn và biến đổi khí hậu và một chương cho các vấn đề liên thông như sức khỏe cộng đồng, lương thực – thực phẩm, công trình xanh, cơ hội kinh tế và sự tham gia của công đồng,v.v… Nguồn: Thành phố New York (download toàn bộ báo cáo tại đây)
Trong mục nhà ở và khu dân cư, vốn gần nhất với đồ án quy hoạch xây dựng ở Việt Nam, Các khu vực phát triển mới hoặc tái phát triển được thể hiện theo các dạng: đã phê duyệt dự án, đã thực hiện quy hoạch (chưa phê duyệt), khu vực cơ hội (cho phát triển) và các khu vực trong bán kính 1/2 dặm tới nhà ga đường sắt đô thị (cơ hội cho gia tăng mật độ xây dựng). Nguồn: Thành phố New York
Một chiều cạnh rất quan trọng của quy hoạch đô thị là yếu tố thời gian. Không chỉ đơn thuần là mối quan hệ tuyến tính giữa thời gian và một chuỗi các hành động được sắp đặt trước, mà đồ án quy hoạch phân khu nói riêng và đồ án quy hoạch nói chung cần hình dung được một khu đất có thể dùng vào những mục đích rất khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Nếu những mục đích rất khác nhau đó cùng hướng theo một tầm nhìn chung thì tức là quy hoạch thành công. Nếu đồ án quy hoạch chỉ được hình dung là một bức tranh về những sản phẩm cuối cùng (được coi là hoàn thiện) cần đạt được và là một tập hợp thô sơ của những chỉ định cứng nhắc gắn với bức trang hoàn thiện cuối cùng đó, thì đồ án quy hoạch đô thị sẽ tiếp tục thất bại, tiếp tục bị chê trách là không những không dẫn dắt được mà còn gây cản trở cho quá trình phát triển của đất nước.
Đối với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, có 3 nguyên tắc cần được tuân thủ, đó là:
  1. Chỉ quy hoạch/khống chế/quy định những gì cần quy hoạch/khống chế/quy định;
  2. Chỉ quy hoạch/khống chế/quy định những gì có thể quy hoạch/khống chế/quy định;
  3. Không có một công thức chung cho các đồ án. Cần hài hòa giữa các yêu cầu chung, đưa ra sản phẩm quy hoạch đáp ứng những nhu cầu cơ bản với yêu cầu có những nội dung đặc thù của mỗi đồ án (trên cơ sở nghiên cứu bối cảnh riêng, những nhu cầu và vấn đề riêng của mỗi khu vực quy hoạch) để đáp ứng 2 nguyên tắc trên và đảm bảo khả năng phát huy các nguồn lực luôn luôn là hạn hẹp, để cạnh tranh và phát triển của mỗi khu đô thị.
Một trong những kết quả đầu ra quan trọng trong khuôn khổ các hoạt động của Hợp phần “Phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị nghèo” (SDU) thuộc Chương trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực môi trường (2005 – 2010) do Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện là cuốn “Sổ tay quy hoạch và thiết kế đô thị – phát triển năng động trong thời đại mới” (một phần nội dung quan tâm đến biến đổi khí hậu và sử dụng đồ họa trong quy hoạch và thiết kế đô thị).  Hy vọng người đọc sẽ tìm thấy những luận giải sâu rộng hơn và các ví dụ minh họa có thể tham khảo cho mục tiêu đổi mới quy hoạch đô thị tại Việt nam  (liên hệ với Vụ Khoa học Công Nghệ – BXD để có file hoặc tài liệu in).
Phạm Thị Huệ Linh 
File tham khảo: 385_ND 37 lap tham dinh phe duyet do thithong tu 10
Phạm Thị Huệ Linh là thạc sĩ về quản lý đô thị và là Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 4 thuộc Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị – Nông thôn, Bộ Xây Dựng
Minh hoạ và chú thích minh họa trong bài là của Nguyễn Đỗ Dũng, tác giả Huệ Linh không chịu trách nhiệm về các bình luận này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.