Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

ĐỒ ÁN QUY HOẠCH ĐÀ LẠT 1923- KTS ERNEST HÉBRARD






GIỚI THIỆU ĐỒ ÁN QUY HOẠCH ĐÀ LẠT 1923- KTS ERNEST HÉBRARD
 KTS Trần Công Hòa.
Giới thiệu:
Đà Lạt là một Thành phố trẻ, có môi trường thiên nhiên vốn là một vùng cảnh quan tự nhiên miền núi độc đáo với bầu khí hậu đặc biệt mát mẻ quanh năm đã tạo nên nét đặc thù rất riêng so với toàn vùng Đông Nam Á, được quy hoạch từ đầu. Lịch sử phát triển Quy hoạch của Đà Lạt gắn bó với sự phát triển nghệ thụât quy hoạch đương đại của thế giới.
Từ Chương trình phát triển năm 1900 của Toàn quyền Paul Doumer, Đồ án Quy hoạch đầu tiên năm 1906 của Thị trưởng Champourdy áp dụng phương pháp phân khu chức năng, Đồ án Quy hoạch năm 1919 của O’Neill; cho đến Đồ án Quy hoạch Thành phố cảnh quan bài bản của KTS Hébrard năm 1923; Đồ án Quy hoạch Pineau năm 1933; Đồ án Quy hoạch Mondet năm 1940; Đồ án Quy hoạch năm 1943 của KTS Lagisquet làm rõ nét dấu ấn của Thành phố vườn. Dựa trên nền tảng đó, những công trình kiến tạo có ý tứ, hòa nhập vào khung cảnh tự nhiên, đã tạo nên cảnh quan đô thị Đà Lạt đa dạng phong phú với những di sản văn hoá quý báu trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc.
Tạp chí L’Éveil Economique de l'Indochine số 332 ngày 21-10-1923 đăng bài viết trình bày đồ án quy hoạch Dalat năm 1923 của KTS Ernest Hébrard. Với mục đích giới thiệu tư liệu, chúng tôi chỉ lược dịch những ý tưởng chính của tác giả.
 
 






 

 


 


Đồ án quy hoạch Hébrard (1923): Ghi dấu Đà lạt là một trong những thành phố vườn đầu tiên trên thế giới.
KTS Ernest Hébrard (1875-1933) nổi tiếng vì công tác trùng tu Salonique tại Hy Lạp (1918), bắt đầu lập đồ án cho Đà Lạt đồng thời với đồ án của các thành phố: Hà Nội, Sài Gòn, Chợ Lớn, Hải Phòng và PnômPênh.
Đến năm 1923 KTS  E.Hébrard hoàn tất công tác, đồ án  được Toàn quyền phê duyệt và ban hành áp dụng vào thàng 8/1923, theo đó:
Đà Lạt sẽ là một thành phố nghỉ mát trên cao (Station d’Altitude) kiểu mẫu; thành phố được thiết kế theo quan điểm của các nguyên tắc về: “Quy hoạch thành phố vườn “.
Lần đầu tiên các vấn đề phức tạp của đô thị Đà Lạt đã được nghiên cưú một cách tổng hợp và nhiều giải pháp có ý nghĩa trong định hướng phát triển thành phố đã được đề xuất.
Ta có thể nói đồ án KTS E.Hébrard đã ghi dấu cho Đà Lạt xứng danh là một trong những thành phố vườn đầu tiên trên thế  giới. Phân tích đồ án và chương trình xây dựng ta thấy:
- Vấn đề bảo vệ, tôn tạo cảnh quan và bố cục không gian mỹ cảm cho thành phố, đã được tác giả quan tâm đặc biệt. Ý tưởng chính xuyên suốt là: xây dựng một “Thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố “.
- Trên một vùng thiên nhiên rộng lớn, thành phố được bố trí, sắp đặt trong mọt phạm vi có diện tích vừa phải khoảng 30.000 ha ( bề ngang 7 km theo hướng Đông – Tây, bề sâu 4,3 km theo hương Nam - Bắc ). Đây là một diện tích hợp lý cho một thành phố vườn với quy mô dân số từ 30.000 đến 50.000 dân ( lúc đó dân số Đà Lạt khoảng 1.500 người ). Việc cho phép xây dựng chì gói gọn trong ranh giới này (zône urbain).
Ngoài phạm vi của thành phố là cảnh quan của đồi núi và rừng thiên nhiên được giữ gìn như lúc ban sơ với con đường vòng Lâm Viên là đường giao thông phục vụ nhu cầu du lịch, ngoạn cảnh và săn bắn, không được  phép làm nhà ở.
Chúng ta có thể thấy: xác định ranh giới thành phố một cách rõ ràng, hợp lý,  sẽ là một kinh nghiệm quí giá trong việc gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, tránh được tình trạng lấn chiếm đất đai cần bảo vê, một cách vô tình hay cố ý!
- Nét nổi bật của đồ án là cách giải quyết vấn đề cảnh quan đô thị. Dòng suối Camly được chú ý tôn tạo một cách tích cực để trở thành một trục cảnh quan mặt nước hấp dẫn cho thành phố, với hệ thống các hồ nhân tạo lớn nhỏ có các tuyến đường dạo bao quanh, men theo sườn dốc nối kết liền lạc với nhau.
Bố cục chính của thành phố nghỉ mát và thủ đô tương lai, được tổ chức quanh trục cảnh quan này, mỗi hồ là nhân của một phân khu chức năng.
- Nối với quốc lộ là trục đường xương sống của thành phố kéo dài từ nhà Ga đến thác Camly dựa theo đường đỉnh của địa hình khu vực (đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ… ngày nay.). Tầm nhìn từ trục đường này về phía núi Lang bian lướt qua Hồ Xuân Hương, đồi Cù.. rất độc đáo và ấn tượng.
Trung tâm công cộng của thành phố được bố trí trên một đọan của trục lộ này gồm có:
· Trung tâm Hành chính địa phương với các công trình bố trí xung quanh một quảng trường công cộng: Toà Thi sảnh, Ngân khố, Bưu điện, Cảnh sát, Công chánh …
· Ngoài ra còn có nhà Thờ, Trường Sơ, Thư viện, Khách sạn hạng 2, Khu thương mại người Âu, Văn phòng du lịch …
· Xa hơn về phía Tây Nam, trên ngọn đồi cao là Dinh Toàn quyền, Cao ủy phủ và cạnh đó là Viên điều dưỡng ( khu Dinh 3 ).
Khu vực phân lô biệt thự cho người Pháp được bố trí phía Nam suối Cam Ly ( Đ. Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Cô Giang, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ, Huyền Trân Công Chúa,… ngày nay ).
Khu vực dành cho người Việt Nam được bố trí một số về phía Đông và tập trung ở hạ lưu hồ ( giới hạn bởi đường phân thủy qua đồi Dinh Thị trưởng đổ về suối Phan Đình Phùng ) gồm có: Chợ, Trường học, Chùa, Công viên, Lò sát sinh (abattoir), khu  dân cư….
Khu cư dân này được dự trù với nhiều nhà biệt lập với luật lệ hạn chế những dãy nhà liền căn (compartiments), loại nhà chỉ được cho phép xây cất trong khu thương mại (phân khu chức năng rõ rệt).
Về công trình kỹ thuật có đường xe lửa và Nhà gare được bố trí gần lối vào của quốc lộ 20B, cạnh đó là dự kiến là khách sạn, kho hàng, khu tiểu công nghệ và công xưởng.
Các giải pháp về cấp nước, cấp điện, thoát nước, xử lý rác, nghĩa địa, lò sát sinh (abattoir)… cũng được đề ra sao cho phù hợp với qui mô của thành phố.
Lộ giới và khoảng cách bắt buộc từ ranh giới đất đến công trình ( khoảng lùi ) đã được qui định cho từng cấp hạng đường. Luật lệ xây dựng trong Đà Lạt được áp dụng chặt chẽ với các qui định về sử dụng đường và qui định về xây cất công trình (Lois de Voiries & Règlement de voirie et de police de la zône urbaine de Dalat).
Từ đó, Đà Lạt được xây dựng, phát triển theo định hướng của đồ án.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.