Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

ĐỀ TÀI NC:KIẾN TRÚC DÂN TỘC KƠ HO- BUÔN VĂN HÓA DU LỊCH TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC KƠ HO.






 
  





























 
 












QUY HOẠCH CHI TIẾT BUÔN VĂN HÓA DU LỊCH TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC KƠ HO.
A.    PHẦN MỞ ĐẦU:
     1/.Tên đồ án: Quy hoạch chi tiết Buôn văn hóa du lịch truyền thống dân tộc Kơ ho.
     2/.Địa điểm lập quy hoạch: Xã Lát, huyện Lạc Dương
     3/.Phạm vi ranh giới nghiên cứu  quy hoạch:
      Khu quy hoạch chi tiết có vị trí đầu thôn Đăngiơrit B, Xã Lát, huyện Lạc Dương, giáp ranh về phía Đông khu du lịch Đankia – Suối Vàng.
      -Phía Bắc      :Giáp Khu du lịch Langbiang.
      - Phía Đông   : Giáp thị trấn Lạc Dương.
      - Phía Tây     : Giáp khu du lịch Đankia- Suối Vàng.
      - Phía Nam   : giáp đường chính đi khu du lịch Đankia- Suối Vàng.

      4/. Quy mô lập quy hoạch:
      - Diện tích      : 30 Ha
      - Tỷ lệ bản đồ: 1/ 500       1/ 5.000         1/10.000
     5/.Thời hiệu lập quy hoạch:
      Quy hoạch chi tiết xây dựng được lập cho thời gian phát triển dài hạn từ 10 đến 15 năm và thời gian xây dựng đợt đầu là 5 năm.

B/. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU:
     1/.Sự cần thiết lập quy hoạch:
          Tỉnh Lâm Đồng là một trong bốn tỉnh Tây Nguyên có vai trò quan trọng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng  của khu vực. Là nơi hội tụ nhiều nền văn hoá dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Trong đó  dân tộc Kơho là một dân tộc luôn có một sức hút mãnh liệt đối với du khách trong và ngoài nước. Hàng năm khu du lịch Lang biang và các buôn làng người dân tộc Xã Lát, Huyện Lạc Dương đón hàng ngàn lượt khách du lịch đến cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với đồng bào dân tộc ở đây.
          Nhằm  tiếp tục đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ 2010-2015  và Nghị quyết Trung Ương V của Đảng vế phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần ổn định đởi sống đồng bào dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa cư dân bản địa của khách du lịch, cũng như mục tiêu góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch của Đà Lạt, việc hình thành ” Buôn văn hóa  du lịch truyền thống dân tộc Kơ ho” là sáng kiến cần thiết.
          Đồng thời để có cơ sở lập các dự án thu hút đầu tư và thuận tiện trong việc chỉnh trang phát triển, quản lý xây dựng, buôn văn hóa trên cần phải được nghiên cứu cẩn thận thể hiện qua đề tài nghiên cứu chi tiết.
          2. Mục Tiêu
- Hình thành một buôn làng đồng bào dân tộc bản địa gắn liền với khu du lịch Đan Kia – Suối Vàng  và khu du lịch Lang Biang, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương .
- Đáp ứng được nhu cầu tham quan tìm hiểu văn hóa cư dân bản địa của du khách trong và ngoài nước.
- Bảo tồn, phục hồi, gìn giữ và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc Cil nói riêng và dân tộc Kơho nói chung.
- Ổn định từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc.
- Phù hợp với chính sách của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc .

     3. Căn cứ lập đề cương nghiên cứu:
-  Bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500 có khoảng cao đều đường bình độ 0,5m
-  Bản đồ giải thửa tỷ lệ 1/2000.
- Tư liệu,
- Hình ảnh khảo sát địa diểm hiện trạng

     4. Vị trí và quy mô diện tích :
      a. Luận chứng về vị trí :
Luận chứng về lựa chọn vị trí khu quy hoạch dựa trên các yếu tố sau :
- Vị trí quy hoạch là một buôn làng dân tộc có từ xa xưa với các đặc trưng văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa. Tuy nhiên hiện nay các hộ đồng bào ở khu vực này do sống gần gủi với người kinh nên các phong tục tập quán cũng như các sinh hoạt đã ít nhiều thay đổi, họ không sống trong các ngôi nhà sàn dài mà hiện tại sống trong các ngôi nhà riêng lẻ như người kinh. Hình thức kiến trúc của những ngôi nhà cũng đã thay đổi.
- Đây là khu vực tiếp giáp và có mối quan hệ chặt chẽ với vùng du lịch Xã Lát: Khu du lich Đankia – Suối Vàng và khu du lịch Lang Biang, thuận tiện cho việc phát triển khai thác du lịch.
- Khu vực quy hoạch nằm trên một ngọn đồi cao, tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho việc xây dựng.
- Khu vực quy hoạch rất thuận tiện cho việc tiếp cận do nằm giáp ranh với thị trấn Lạc Dương, hiện tại đã có các đường cấp phối nối từ thị trấn tới khu vực quy hoạch.
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện , nước , thông tin liên lạc đã được cung cấp tương đối đầy đủ trong khu vực quy hoạch.
-   Vì vậy nhằm bảo tồn và phát huy các truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa cũng như thuận tiện cho việc khai thác du lịch, việc lựa chọn vị trí khu vực quy hoạch xây dựng buôn văn hóa du lịch truyền thống dân tộc Kơho như trên là thuận lợi nhất ( Xem bản vẽ sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng ).

       b. Luận chứng về quy mô khu quy hoạch :
Qua khảo sát thực địa và tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc bản địa , ngoài số ruộng rẫy tập trung , mỗi hộ gia đình dân tộc đều có một vườn nhỏ gắn liền với ngôi nhà đang ở , kèm theo các chuồng trại chăn nuôi nhỏ . Vì thế diện tích bố trí cho mỗi hộ phải đảm bảo ổn định  đời sống cùng các phong tục tập quán có sẵn .
      Diện tích khu đất quy hoạch dự kiến khoảng 30 ha, bố trí cho khoảng 50 hộ đồng bào sinh sống. Vì đây là một buôn làng làm du lịch nên đất ở chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng diện tích toàn khu quy hoạch.
Đất ở trong buôn dự kiến khoảng 10 đến 12 ha
Mỗi hộ dự kiến được bố trí từ 700- 1000m2 đất làm nhà và làm vườn.
- Hiện trạng khu đất dự kiến nghiên cứu quy hoạch chủ yếu là đất nông nghiệp, có khoảng 50 hộ người dân tộc nằm dọc theo đường cấp phối có sẵn , người dân chủ yếu sống vào nông nghiệp .
- Trong khu vực chưa có các công trình dịch vụ công cộng và phúc lợi xã hội như: chợ, nhà văn hóa, nhà trẻ, mẫu giáo …
- Phạm vi khu vực nghiên cứu là bản làng dân tộc có sẵn, nên có ít công trình kiến trúc kiên cố, chủ yếu là nhà cấp IV và nhà tạm.
- Trong khu vực quy hoạch đã có hệ thống cấp điện, hệ thống cung cấp nước sạch tập trung ( Do Pháp tài trợ ), hệ thống thông tin liên lạc chạy theo dọc đường cấp phối có sẵn. Đường giao thông chủ yếu là đường cấp phối và đường đất.
     5. Tính chất, động lực phát triển, định hướng phát triển không gian:
Là buôn làng bản địa phục vụ nhu cầu du lịch của du khách trong và ngoài nước.
Trên cơ sở các số liệu liên quan đã thu thập được, nội dung chủ yếu khi lập quy hoạch chi tiết cho khu dân cư như sau:
- Phân tích và đánh giá hiện trạng một cách đầy đủ toàn bộ khu vực dự kiến quy hoạch .
- Tổ chức phân khu chức năng hợp lý , cách ly an toàn về giao thông , môi trường đối với khu du lịch Đankia Suối Vàng và khu du lịch Lang Biang
- Định hướng phát triển không gian kiến trúc làm cơ sở cho việc thiết kế hệ thống kỹ thuật hạ tầng , phục vụ cho việc quản lý xây dựng .
-  Đảm bảo việc sử dụng đất một cách hợp lý
-  Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đồng bộ về: Giao thông, san nền, cấp thoát nước và cấp điện cho khu vực. Xử lý rác, chất thải.
Trên cơ sở thực trạng và yêu cầu cụ thể quy hoạch chi tiết “ Buôn văn hóa du lịch truyền thống dân tộc Kơho, Dự kiến sau khi hình thành toàn bộ khu ở mới sẽ có 50 hộ với 500 đồng bào dân tộc làm ăn sinh sống tại đây . Do vậy , cần phải tổ chức phân bổ không gian ở, không gian công cộng hợp lý tại từng khu vực để đảm bảo tốt nhất môi trường sống của cư dân nơi đây.








QUY HOẠCH MỘT BUÔN.Xưa nay buôn làng luôn là đơn vị sinh hoạt, là đại gia đình của người dân tộc. Do vậy bố trí quy hoạch nhà ở cho đồng bào dân tộc nên theo cơ cấu từng buôn. Người dân tộc có tập quán sống quây quần gần gũi bên nhau, Theo tiêu chuẩn của Nhà nước, mỗi hộ dân tộc miền núi được cấp 1.000m2 để làm nhà và làm kinh tế phụ của gia đình. Để duy trì tập quán sống tốt đẹp của người dân tộc, chúng tôi đề nghị bố trí đất làm kinh tế phụ của mỗi hộ sẽ nằm cạnh khu ở như là một vành đai xanh của mỗi buôn.
Theo tiêu chuẩn Quy hoạch, từ 50- 70 hộ được bố trí một Nhà trẻ; Chúng tôi đề nghị bố trí một Buôn có quy mô từ 50 hộ- 55 hộ, dân số từ 250 – 300 người.
Nếu chọn tiêu chuẩn đất cho mỗi hộ là 400m2, Diện tích đất ở cho mỗi Buôn là: 20.000m2. Như vậy mỗi hộ sẽ được bố trí thêm 600m2 đất làm kinh tế phụ ở vành đai xanh của mỗi buôn.
Trong buôn, nhà cửa được bố trí linh động theo điều kiện địa hình, gần khu kinh tế phụ, sao cho mọi nhà đều hưởng được nắng tốt, gió mát, có hướng nhìn về trung tâm Buôn, nơi có các công trình công cộng gồm Nhà làng, Nhà trẻ… Cứ 10- 12 hộ hình thành một nhóm nhà sử dụng chung một giếng nước. Như vậy một buôn gồm 3- 4 nhóm nhà được bố trí linh động giữ các khỏang cây xanh.







When!  

Lâm Đồng: Văn hóa góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế xã hội

VH- Là một tỉnh có hơn 40 dân tộc anh em sinh sống, văn hóa của Lâm Đồng được hình thành từ bản sắc văn hóa lâu đời của các dân tộc thiểu số bản địa gốc Tây Nguyên và nhiều dân tộc khác cũng như văn hóa của cư dân từ tất cả các vùng, miền trong cả nước đến định cư.

Chính sự đan xen, hòa quyện giữa các yếu tố văn hóa này đã tạo cho Lâm Đồng có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc riêng.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" ra đời và đã có sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong đời sống xã hội, hình thành nhiều phong trào văn hóa trong tỉnh, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhất là "Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng lên rõ nét, mức hưởng thụ văn hóa tăng, người dân được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng phổ cập và hiện đại; không còn "điểm trắng" về văn hóa.
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Vấn đề nhận thức, đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến quan trọng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội; thu hẹp dần khoảng cách trong đời sống văn hóa giữa nông thôn và thành thị.
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, trong đó có bản sắc văn hoá của các dân tộc trên địa bàn, nhất là dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Hằng năm, tỉnh đều triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu và trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc đã được gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới.
Các Đề án Bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở Lâm Đồng được quan tâm và thực hiện có hiệu quả, đã mở lớp truyền dạy cồng chiêng; trang bị các bộ chiêng truyền thống cho các địa bàn; tổ chức các mô hình bảo tồn văn hóa cồng chiêng tại cơ sở theo hướng sử dụng âm nhạc cồng chiêng vào hình thành sản phẩm du lịch; hằng năm đều triển khai các hoạt động tôn vinh các nghệ nhân dân gian văn hóa cồng chiêng tiêu biểu của tỉnh. 
Với thế mạnh về du lịch thì công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch luôn được chú trọng, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mang giá trị văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch văn minh, lịch sự, am hiểu lịch sử, văn hóa địa phương nhằm phục vụ tốt du khách. Phát huy tiềm năng du lịch sẵn có, tôn tạo, tu bổ các danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch, đã chú trọng bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa, nhất là sản phẩm văn hóa của các dân tộc bản địa gắn với du lịch, thể hiện tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều tiến bộ, tạo ra giá trị kinh tế cao trong sản xuất, nhất là ngành nông nghiệp. Lâm Đồng là một trong những tỉnh tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã trở thành phương thức sản xuất phổ biến của người nông dân, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của tỉnh…
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng)






       


Theo www.baovanhoa.vn
http://citinews.net/xa-hoi/lam-dong--van-hoa-gop-phan-thiet-thuc-vao-viec-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-UJXEPXQ/


Gìn giữ và phát triển Nhà Rông - nơi lưu giữ nét văn hóa cộng đồng

Nhà Rông ở Tây Nguyên nói chung và ở Kon Tum nói riêng được biết đến như "trái tim" của làng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng giống với các mái đình của dân tộc Kinh, Nhà Rông của làng ở Tây Nguyên là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của dân tộc.

 
 Nhà Rông. (nguồn: dacsantaynguyen.com)

Dân làng coi Nhà Rông rất trang trọng và thiêng liêng, nó gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng vì đây là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, việc gìn giữ và phát triển Nhà Rông luôn được chính quyền tỉnh Kon Tum cũng như chính đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm gìn giữ.
Sự quan trọng của Nhà Rông trong tiềm thức của người dân tộc thiểu số Kon Tum được hình thành từ chính sự quan niệm của đồng bào dân tộc, họ cho rằng: Nhà Rông thể hiện sự quyền uy, giàu có của dân làng mình. Nhà Rông cao to như thể là nơi các vị thần về trú ngụ, là nơi trung gian giữa người và Yang (trời). Các hoạt động tâm linh của dân làng đều diễn ra ở nhà rông. Trong bất cứ Nhà Rông nào đều phải có nơi để vật thiêng. Trên nóc các nhà rông đều phải trang trí thật đẹp với hoa văn, họa tiết mô phỏng hình mặt trời, rau dớn... Do vậy, làng nào cũng cần phải có Nhà Rông, làng nào không có nhà Rông thì bị coi là "làng đàn bà" như người dân tộc Ba Na ví von vì đó là những ngôi làng chưa ra làng, chưa xứng đáng là làng. Do vậy, Nhà Rông thường được các Già làng và những người lớn tuổi trong làng lựa chọn sao cho có vị trí quan trọng nhất, thường được chọn ở ngay chính giữa làng và được xây dựng đầu tiên. Sau đó, người dân mới dựng nhà ở xung quanh và mặt của nhà thường hướng về phía Nhà Rông. Đây là kiến trúc làng cổ mà hiện nay rất ít làng còn lưu giữ.
Theo già làng A Xép - dân tộc Bah Na (làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa thành phố Kon Tum) cho biết: Mỗi khi phải chuyển buôn đến một vùng đất khác hoặc do buôn đông người quá không có đất đủ sinh sống phải tách buôn thì già làng và mọi người đi tìm nơi mới, khi đã ưng ở đất đó thì tiến hành cất Nhà Rông, nếu trong thời gian dựng không có biến cố gì xảy ra gây đổ hoặc nguy hiểm đến tính mạng người nào thì coi như "giàng đã đồng ý" thì mới bầu già làng mới và cho nhổ nhà dân đến dựng xung quanh. Làng Kon Kơ Tu của A Xép khi mới thành lập cũng được xây dựng như vậy.
Đối với dân làng, Nhà Rông không phải là một ngôi nhà bình thường mà là một ngôi nhà thiêng. Có lẽ vì chính dân làng là người xây dựng Nhà Rông của mình bằng chính những giọt mồ hôi, công sức và cả tình cảm của mỗi người dân. Để xây dựng 1 Nhà Rông mới cần phải cả 1 quá trình nhiều năm mới hoàn thành và phải huy động tất cả người dân góp công sức để hoàn thành. Chính điều đó càng tạo nên sự kết nối cộng đồng sâu sắc trong lòng người đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Nhà Rông thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên khá đặc sắc và đa dạng. Với mỗi dân tộc khác nhau mà Nhà Rông được xây dựng với hình dáng khác nhau và có nhiều tên gọi khác nhau. Theo đó, Nhà Rông nhỏ và thấp thường là của người Giẻ Triêng, còn Nhà Rông của người Xê Ðăng lại vút cao uy vũ. Trong khi đó Nhà Rông của người Ba Na lại mềm mại nhưng vẫn không kém phần uy nghi trông như gà mẹ đứng giữa, các nhà sàn chung quanh là đàn gà con. Nhà Rông của người Gia Rai thanh thoát như lưỡi rìu dựng ngược vào trời xanh… Tuy vậy, các Nhà Rông đều có điểm chung khi mà mọi người dân đều đến đây để cùng nhau sinh hoạt cộng đồng.
Thực tế cho thấy, trong Nhà Rông hiện nay, nhiều làng đã treo ảnh, tượng Bác Hồ, cờ Tổ quốc; Quốc hiệu để tỏ lòng kính trọng, biết ơn công lao của Ðảng, Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc. Nhiều làng còn treo nội qui, hương ước của làng tại Nhà Rông để mọi người đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Bên cạnh việc sinh hoạt mang tính tín ngưỡng, cổ truyền, tâm linh, thì hiện nay nhiều làng còn tổ chức các sinh hoạt với nhiều hình thức mới như: tổ chức chào cờ đầu tuần, lễ mừng báo công, nơi phát động các phong trào lớn của các tổ chức, đoàn thể… Nơi đây, các phong trào như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào xây dựng nông thôn mới… cũng phát triển theo hướng có chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà Rông được sử dụng để hội họp, học tập quán triệt các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Ðảng và Nhà nước, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa mới như: Thông tin lưu động, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, mít-tinh... do các cơ quan, đoàn thể tổ chức.
Nhận thức đúng vị trí, vai trò quan trọng của Nhà Rông trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số, từ năm 1999, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum đã tiến hành khảo sát toàn diện thực trạng Nhà Rông trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị 21 về việc khôi phục và xây dựng Nhà Rông truyền thông cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 575 nhà rông trên tổng số 588 làng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 97,8%. Điều đáng nói là việc khôi phục và xây dựng mới Nhà Rông ở các thôn, làng phần lớn do nhân dân đóng góp ( xây dựng mới được hỗ trợ từ 7-15 triệu đồng/cái, trong khi giá trị thực để xây dựng 1 nhà rông phải từ 200-800 triệu đồng). Nhiều địa phương như: huyện Kon Plông có 100% làng có nhà rông; huyện Đăk Tô có gần 98%, thành phố Kon Tum 96%...
Đi khắp khu vực Bắc Tây Nguyên, những ngôi Nhà Rông được xây dựng nhìn như những lưỡi rìu đang vút ngược lên trời xanh hay như những chiếc thuyền căng lướt gió. Đó là nơi bắt đầu cho những tiếng cồng, tiếng chiêng vang ngân và nơi đây là hơi thở, đời sống và tâm hồn của mảnh đất Tây Nguyên./.
Theo TTXVN



Theo baoangiang.com.vn
http://citinews.net/xa-hoi/gin-giu-va-phat-trien-nha-rong---noi-luu-giu-net-van-hoa-cong-dong-NEW675Q/ 


Mô hình định cư truyền thống - Bảo tồn và phát triển tiếp nối

Viết emailIn
Các mô hình định cư truyền thống của Việt Nam đã có thời gian tồn tại và phát triển khá dài trong lịch sử và đạt được sự ổn định tương đối. Tuy nhiên trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, chúng đã và đang có nguy cơ mất đi những giá trị truyền thống. Việc nghiên cứu, bảo tồn mô hình định cư truyền thống cần được xem như là yếu tố quan trọng cần được gắn kết các nội dung trong quy hoạch nông thôn mới.  

Không gian định cư Đồng Văn – Mèo Vạc, Hà Giang 

Quá trình hình thành, phát triển và biến đổi

Mô hình quần cư truyền thống hình thành, phát triển phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản như nguồn tài nguyên, phương thức khai thác tài nguyên, phương thức giao thông đối ngoại, quản trị, tổ chức cuộc sống… Trong đó, nguồn tài nguyên chính là yếu tố gốc thu hút sự tập trung dân cư, bởi nó tạo ra khả năng sinh kế cho con người. Tuy nhiên chính phương thức canh tác, sản xuất mới đóng vai trò quyết định đến đặc điểm của mô hình định cư. Đối với phương thức giao thông đối ngoại cũng có ảnh hưởng lên mô hình định cư. Ở Việt Nam khi nghiên cứu các điểm định cư như ở Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Huyên trong cuốn sách Văn minh Việt Nam của NXB Hội nhà văn ấn hành năm 2005 cũng phát hiện ra rằng ở đây những làng cổ nhất đều nằm dọc theo sông ngòi. Điều này càng có ý nghĩa đối với các làng nghề truyền thống do nhu cầu vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm, nhất là các sản phẩm có khối tích lớn, do “đường bộ không mấy thích hợp cho việc vận chuyển hàng hóa nặng và cồng kềnh, bởi lẽ người và vật kéo vốn là những phương tiện vận chuyển chính được sử dụng không thể mang nhiều hàng được”. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều làng truyền thống nổi tiếng đều nằm bên sông, chẳng hạn làng gốm Kim Lan, Bát Tràng (Hà Nội) nằm bên sông Hồng, làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang) nằm bên sông Cầu, hay làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) nằm bên sông Nhuệ. Điều này cũng đúng cho cả các vùng miền khác, ví dụ làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế) nằm bên bờ sông Ô Lâu, hay làng gốm Thanh Hà (Hội An) nằm bên bờ sông Hoài… Những thành phố – chợ như đề cập trên đây cũng là những thành phố ven sông, bởi chúng cho phép tàu bè và thuyền buôn (kể cả từ nước ngoài) có thể tiếp cận dễ dàng. Còn yếu tố hệ thống quản trị thì tạo ra sự đa dạng của các mô hình định cư. 
Những thuộc tính gốc trên làm nên đặc điểm ban đầu của đơn vị định cư. Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển, các điểm định cư dần tích tụ và bổ sung những giá trị mới về mặt vật thể như: Di sản kiến trúc, quần thể kiến trúc bao gồm cấu trúc làng xóm, các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, đền, chùa, quán, nhà ở dân gian… Về mặt phi vật thể là di sản thể chế, các lễ hội gắn với nghề nghiệp, các sinh hoạt văn hóa tinh thần, phong tục tập quán…
Định cư là một quá trình, trong đó con người luôn luôn biến đổi để tồn tại. Theo tác giả Taylor & Francis có nêu: “những quá trình thích ứng để định cư bền vững của con người phụ thuộc vào cả những nguyên tắc sinh thái và tập tục văn hóa”… Yếu tố kinh tế, trong quá trình tồn tại, đặc điểm định cư truyền thống có thể phải thay đổi phương thức sản xuất. Yếu tố văn hóa xã hội, có thể tạo ra những biến động cho điểm định cư, trong đó đáng chú ý là sự thay đổi của quy mô và thành phần dân cư (di dân, gia tăng dân số tự nhiên và cơ học, dân cư không thường xuyên (do du lịch, việc làm, sự già hóa của dân cư…). Yếu tố sinh thái, sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sống (môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí… Yếu tố tài nguyên nhân văn là yếu tố được tích hợp vào sau nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định căn tính của điểm định cư. 

(nguồn: Ashui.com) 

Bảo tồn các mô hình định cư trong sự phát triển tiếp nối

Định cư là một quá trình, trong đó con người luôn luôn biến đổi để tồn tại. Những cơ chế duy trì cuộc sống của con người phụ thuộc vào khả năng thích ứng với những biến động của ngoại cảnh, ví dụ như điều kiện khí hậu và sự sẵn có của các nguồn tài nguyên, đặc biệt là thức ăn. Mô hình định cư con người là một trong những sản phẩm của quá trình đó.
Định cư bền vững có thể được hiểu là sự đảm bảo tồn tại lâu dài của những giá trị gốc và những giá trị tích hợp trong quá trình tồn tại và phát triển của đơn vị định cư cho các thế hệ tương lai nhưng không cản trở nhu cầu nâng cao chất lượng sống (văn hóa xã hội, môi trường và điều kiện sống, việc làm…) của con người. Tuy nhiên, không bao giờ đơn vị định cư có thể đạt được trạng thái bền vững tuyệt đối bởi những nhân tố cơ sở cho sự hình thành của nó (sinh thái, kinh tế, vật liệu, chính trị và xã hội) luôn luôn thay đổi, thay vào đó chúng ta cần tìm ra cách đảm bảo cho sự bền vững của nó trong sự biến đổi không ngừng của hệ sinh thái của con người.
Đối với các đơn vị định cư truyền thống đã tích hợp trong mình những giá trị di sản, cả vật thể và phi vật thể, để phát triển bền vững ngoài 3 trụ cột như quan điểm phổ biến hiện nay là bền vững về xã hội, bền vững về kinh tế và bền vững về môi trường, cần bổ sung trụ cột thứ tư – bền vững về tài nguyên nhân văn. Tài nguyên nhân văn bao gồm tài nguyên lịch sử và tài nguyên văn hóa, trong đó có cả những kỹ năng, kinh nghiệm, ứng xử… của con người được đúc kết qua nhiều thế hệ. Nhìn chung, trạng thái bền vững tương đối của một đơn vị định cư có thể đạt được nếu nó duy trì được sự cân bằng trong sự biến đổi của các yếu tố.
Những quá trình thích ứng để định cư bền vững của con người phụ thuộc vào cả những nguyên tắc sinh thái và tập tục văn hóa. Trong thực tế, một mô hình định cư thường xuyên phải chịu những tác động khác nhau. Khi những tác động đó đủ lớn có thể tạo ra sự mất cân bằng làm mô hình đó mất đi tính bền vững. Trong trường hợp đó sẽ có 2 khả năng xảy ra: Điểm định cư sẽ biến đổi một phần để đạt tới trạng thái cân bằng mới; điểm định cư sẽ không còn được duy trì và dần biến mất khi con người rời bỏ nó.
Về quan điểm và xu hướng bảo tồn, trong nghiên cứu các mô hình định cư hiện nay những nhà nghiên cứu xem xét chúng như một thực thể tĩnh tại, thụ động, và tách biệt, tức là không nhìn nhận chúng trong sự phát triển và biến đổi. Theo Marcel Vellinga, việc xem xét “truyền thống như là một quá trình thích ứng sáng tạo và có chủ ý của các kinh nghiệm quá khứ với nhu cầu và bối cảnh hiện tại sẽ mở rộng đáng kể phạm vi nghiên cứu kiến trúc bản địa, cho phép tập trung hướng nghiên cứu vào cả truyền thống cũ và truyền thống mới trong mối quan hệ tương hỗ với nhau”. Như vậy các mô hình định cư truyền thống không nên được xem xét như một đối tượng cố định, mà phải nhìn nhận chúng trong sự phát triển tiếp nối. Tức là tìm kiếm sự cân bằng mới của điểm định cư trên cơ sở để những giá trị truyền thống của địa điểm thích ứng với điều kiện mới.
Trong quá trình phát triển, những tác động lên các mô hình định cư truyền thống như quá trình đô thị hóa, tác động của biến đổi khí hậu, tác động của sự phát triển du lịch, tác động của ô nhiễm môi trường sống gây ra những biến đổi sâu sắc đối với mô hình định cư. Trong sự phát triển tiếp nối, các mô hình định cư truyền thống cùng những giá trị của chúng cần được kết hợp một cách tích cực và sáng tạo với những giá trị mới phù hợp với nhu cầu hiện tại và tương lai. Trạng thái cân bằng mới sẽ được thiết lập trên cơ sở bảo tồn được những giá trị đích thực của truyền thống và lịch sử và gia tăng chất lượng cuộc sống (cả về vật chất và tinh thần) của con người.
Để làm được điều đó, cần đánh giá cụ thể những tác động đối với mô hình định cư, từ đó xác định các vấn đề cốt lõi có thể là nguyên nhân làm đơn vị định cư mất đi tính bền vững cần thiết./. 
TS. Khuất Tân Hưng – Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 3+4/2015)  
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.