Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

DALATARCHI- DINH TỈNH TRƯỞNG


VILLAGE CAMP MILITAIRE ?  Trại lính trên đồi cao ( minh họa)
Trại lính trên đồi cao- (Camp Militaire- Plan Champourdry- 1906).

 Nhà Toàn quyền trên đỉnh đồi.(Mission Henri Maitre _1909-1910_ Les Jungles Mois).
Suối nhỏ Cam ly, xa xa Nhà Toàn quyền trên đỉnh đồi.
Đập chắn ngang dòng Cam Ly được xây dựng năm 1919 theo sáng kiến của Ô. Cunhac, KS Labbé thực hiện.
Cảnh quan Dalat năm 1920's (L'ancienne Villa du Gouverneur Général sur le plus haut sommet de plateau.)
Tòa nhà Toàn quyền cũ trên đỉnh đồi cao nhất trung tâm Dalat xưa.

Trên dồi cao làTòa nhà Toàn quyền, khu Thủy Lâm, khu Công chánh, Đập nước đường đi tạo hồ,  Trại lính trên sườn đồi bên trái hình.



Ancient Résidence- Nhà Toàn quyền cũ ( 1923- Hébrard Plan).

 Dinh Thị trưởng (Résidence du Maire)- được xây dựng xong trong năm 1927, đồng thời với Dinh Thống đốc Nam kỳ (Gouvernement de Cochichine - Trụ sở UBND Tỉnh ngày nay_  theo bài viết của KTS Hébrard đăng trên báo L'Éveil économique de l'Indochine... Số 616, tháng 4 năm 1929)!


1928 MAP

Hồ Thiên nga Dalat
1930 -Sân tennis-CLB thể thao

1930- DALAT STATION D' ALTITUDE
 1934- PICARD MAP- HÔTEL DU RÉSIDENCE MAIRIE
1934- PICARD MAP- RÉSIDENCE DE L' ADMINISTRATEUR MAIRIE


Dinh Tỉnh trưởng- 1950's


Trung tâm Dalat- Dinh Tỉnh trưởng 1960's

Không ảnh Khu Trung tâm- 1970

Trích Bản đồ 1963- Dinh Tỉnh trưởng.


Trích Bản đồ 1967- Dinh Tỉnh trưởng.

Không ảnh Dinh TT- 2014

Không ảnh Khu trung tâm
1968 - Photo by Bill Robie
-------------------------------

Ngày nay-Dinh Tỉnh trưởng.





------------------------------------



Dinh tỉnh trưởng nằm trên đường Lý Tự Trọng, P.2, TP Đà Lạt - Ảnh: N.H.T.
Dinh tỉnh trưởng nằm trên đường Lý Tự Trọng, P.2, TP Đà Lạt - Ảnh: N.H.T.

.......
Dinh tỉnh trưởng nằm trên một ngọn đồi cao có cao độ 1532 nằm ngay giữa trung tâm thành phố, đây là công trình được xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt,  là nơi ở và làm việc của thị trưởng Đà Lạt - cũng là tỉnh trưởng Tuyên Đức của chế độ cũ.

Sau 75,Dinh  từng được dùng làm Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng. Cho đến nay, tên gọi “Dinh tỉnh trưởng” vẫn được người dân ở Đà Lạt lẫn chính quyền dùng để chỉ công trình kiến trúc này.

Dinh hiện tại đều trong cảnh hoang tàn, đóng cửa kéo dài lâu nay, nhiều bộ phận kiến trúc xuống cấp nặng; trong khi ngọn đồi cùng không gian cảnh quan vốn diễm lệ bên ngoài bị xâm lấn dữ dội suốt mấy chục năm qua....

Theo N.H.T (Báo Tuổi trẻ)




















  
Ảnh đưa về từ báo mạng!



















































---------------------

Sở Văn hóa Lâm Đồng: Dinh Tỉnh trưởng trong diện bảo tồn theo pháp luật về di sản văn hóa

  14:15 | Thứ sáu, 29/10/2021 0
Văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng gửi Sở Xây dựng Lâm Đồng đã xác nhận: Dinh Tỉnh trưởng là một trong những biệt thự gắn với di tích, lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc.

Sau khi Người Đô Thị Online ngày 23.10 thông tin phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là nâng cao Dinh lên 28m, phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ… Tòa soạn nhận được một số tài liệu, văn bản liên quan đến Dinh Tỉnh trưởng do một cán bộ ở Đà Lạt cung cấp, nhằm bày tỏ quan điểm mọi hành xử liên quan đến thay đổi hiện trạng ban đầu của Dinh Tỉnh trưởng cần được tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành.

Dinh Tỉnh trưởng là một trong những dinh thự được xây sớm nhất tại Đà Lạt (thập niên 1910) nằm giữa mảng đồi xanh hiếm hoi còn lại của khu trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên 


Sau khi xác minh tài liệu, chúng tôi công bố nội dung văn bản số 827 ngày 10.6.2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng gửi Sở Xây dựng Lâm Đồng báo cáo thống kê nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước.

Tại văn bản này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là Sở Văn hóa - NV) cho biết, Dinh Tỉnh trưởng cũ (tọa lạc tại số 01, đường Lý Tự Trọng) là một trong những biệt thự gắn với di tích, lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc.

Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng được giao quản lý, sử dụng Dinh Tỉnh trưởng làm trụ sở cơ quan làm việc theo Quyết định số 423 ngày 12.8.2014 của Sở Văn hóa về việc giao cho Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh Lâm Đồng quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là khu nhà số 01, đường Lý Tự Trọng, phường 1, thành phố Đà Lạt sử dụng làm trụ sở làm việc.

Sau khi được bàn giao dưới sự cho phép của đơn vị quản lý biệt thự, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng đã tiến hành sửa chữa, cải tạo và chỉnh trang lại khuôn viên biệt thự nhưng vẫn giữ nguyên trạng, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của khu biệt thự; không tự ý phá dỡ hoặc cải tạo làm thay đổi mật độ xây dựng, số tầng và độ cao, kiểu dáng kiến trúc, màu sắc, thay đổi kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị của biệt thự; không cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng, thay đổi khuôn viên biệt thự dưới mọi hình thức.

Đơn vị cũng thực hiện đúng các quy định về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh công cộng, an ninh trật tự. Không chặt hạ cây xanh, không xây thêm công trình mới trên khuôn viên đất biệt thự khi không được chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

Cũng theo Sở Văn hóa, hàng năm Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng không có kinh phí để khôi phục, tôn tạo biệt thự hiện đã xuống cấp để khai thác, sử dụng có hiệu quả. Đồng thời vì đây là biệt thự nên không đáp ứng được nhu cầu sử dụng chức năng, nhiệm vụ của một trung tâm văn hóa nghệ thuật.

“Vì đây là một biệt thự có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu nằm trong diện bảo tồn, nên Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng xin đề xuất cần có một khoản kinh phí hàng năm để bảo trì, cải tạo và sử dụng khai thác hiệu quả biệt thự này”, báo cáo cho biết.

Dinh Tỉnh trưởng là một biệt thự có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu nằm trong diện bảo tồn tại Đà Lạt. Ảnh: Phúc Tiến


Văn bản nói trên của Sở Văn hóa phù hợp với Quyết định số 47 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Tại Quyết định này, Dinh Tỉnh trưởng được xếp vào danh sách biệt thự nhóm 1 - là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc.

Theo đó, ngoài việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định, Dinh Tỉnh trưởng còn được cấp giấy chứng nhận “Biệt thự có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc biệt thự có kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu”.

Việc quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc nhóm 1 (trong đó có Dinh Tỉnh trưởng) phải tuân thủ các quy định: Không làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của biệt thự. 

Trường hợp biệt thự hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sụp đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại đảm bảo giữ đúng kiểu dáng kiến trúc ban đầu khi được sự chấp thuận của UBND tỉnh. Đối với biệt thự gắn liền với di tích lịch sử văn hóa thì việc cải tạo, xây dựng các công trình phải có ý kiến thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Khoản 1 Điều 10 của Quyết định số 47 nghiêm cấm trong quản lý sử dụng biệt thự tự ý phá dỡ hoặc cải tạo làm thay đổi mật độ xây dựng, số tầng và độ cao, kiểu dáng kiến trúc, màu sắc, thay đổi kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị của biệt thự; cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng, thay đổi khuôn viên biệt thự dưới mọi hình thức.

Cũng theo Quyết định số 47, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định về quản lý, sử dụng biệt thự thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân vi phạm nếu gây thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường theo quy định hiện hành của pháp luật. Trường hợp vi phạm Khoản 1 Điều 10 nói trên, thì ngoài việc bị xử lý theo quy định, còn phải khôi phục lại nguyên trạng ban đầu.

Dinh Tỉnh trưởng đã được xếp vào danh sách biệt thự nhóm 1 - là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị đin hình về kiến trúcẢnh: Lê Quân


Trong diễn biến liên quan, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 diễn ra vào ngày 28.10, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online rằng Cục Di sản văn hóa có ý kiến gì về việc Lâm Đồng vừa quyết định nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, làm tổ hợp khách sạn, Ông Trần Đình Thành (Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa) cho biết Đà Lạt hiện có hai công trình được xếp hạng di tích quốc gia là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và Nhà ga xe lửa Đà Lạt. Hai công trình này chắc chắn được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa và thuộc thẩm quyền lên tiếng bảo vệ của Cục Di sản văn hóa khi công trình bị xâm phạm.

Với công trình Dinh Tỉnh trưởng, ông Thành nói UBND tỉnh Lâm Đồng cùng ngành văn hóa địa phương cần kiểm tra xem Dinh này đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích chưa, để có hướng khai thác sử dụng phù hợp. Danh mục kiểm kê này xác nhận công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khoa học.

Nếu công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích này thì sẽ được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Còn nếu công trình thuộc danh sách các biệt thự cần được bảo vệ như phản ánh, chưa đưa vào danh mục kiểm kê di tích, chưa là di tích cấp tỉnh hay cấp quốc gia thì việc bảo vệ, khai thác tuân theo Luật Kiến trúc năm 2019. Trong đó có quy định UBND cấp tỉnh sẽ định hướng bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn mình quản lý. 

Cũng theo ông Thành, tỉnh Lâm Đồng có những khu vực rất đặc thù về cảnh quan, kiến trúc. Nếu Dinh Tỉnh trưởng có giá trị kiến trúc như ý kiến của các nhà chuyên môn phản ánh gần đây thì UBND tỉnh Lâm Đồng nên xem xét trong các phương án bảo tồn, khai thác, phục vụ công trình này cho phù hợp hơn. Địa phương phải chủ động nhận diện các công trình có giá trị kiến trúc để định hướng, bảo tồn.

Đồ họa phương án 1 kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của nhóm KTS. Thierry Van de Winagaert đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn


Với những gì Người Đô Thị công bố ở trên và ý kiến của Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành, đã có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định Dinh Tỉnh trưởng (tồn tại hơn 110 năm) là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, có giá trị điển hình về kiến trúc để được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa và quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự trên địa bàn thành phố Đà Lạt theo Quyết định số 47 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Thực tế nhiều năm qua, Sở Văn hóa Lâm Đồng trong quản lý Dinh Tỉnh trưởng cũng đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Di sản văn hóa. 

Dinh Tỉnh trưởng cũng đáp ứng các điều kiện tại Khoản 1, Điều 29 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, để được xếp hạng là di tích cấp tỉnh (di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương), bao gồm: a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương hoặc gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử; b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị trong phạm vi địa phương; c) Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương; d) Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị trong phạm vi địa phương.

Người ta có thể khác nhau về quan điểm quy hoạch, khác nhau về lựa chọn kinh tế di sản hay kinh tế phân lô bán nền, nhưng khi đứng trước pháp luật thì không một ai có quyền nhân danh bất kỳ sự khác biệt nào để hành xử khác luật, phủ nhận các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa, về bảo tồn đã phủ bóng lên Dinh thự trăm năm.

Điều 14 của Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định, đối với di tích là công trình xây dựng, địa điểm gắn với các sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của danh nhân thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm các khu vực có công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu những diễn biến tiêu biểu của sự kiện lịch sử, những công trình lưu niệm gắn với danh nhân liên quan đến di tích đó;

Đối với di tích là quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm các khu vực có công trình kiến trúc, sân, vườn, ao, hồ và cả các yếu tố khác liên quan đến di tích đó…

Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I để bảo vệ cảnh quan và môi trường – sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

Đến đây, đã có thể minh định, không chỉ với phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn, mà ngay cả với hai phương án không được chọn, ngay từ khi đưa ra lấy ý kiến đã không phù hợp với các quy định của Luật Di sản văn hóa và quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Khu vực Đồi Dinh là mảng xanh còn sót lại của lõi trung tâm Đà Lạt. Các chuyên gia đề nghị cơ quan hữu quan địa phương phải triển khai quy hoạch phân khu trước khi làm quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu vực này của Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh


Người ta có thể khác nhau về quan điểm quy hoạch, khác nhau về lựa chọn kinh tế di sản hay kinh tế phân lô bán nền, khác nhau về định vị giá trị của Khu trung tâm Hòa Bình, trong đó có Dinh Tỉnh trưởng, như quan điểm của TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: “Khu Hòa Bình không chỉ là di sản riêng của Đà Lạt, mà còn là một phần di sản quan trọng của kiến trúc đô thị Việt Nam. Không gian Khu Hòa Bình đã đạt đến một tỉ lệ bão hòa, nên chỉnh trang để trả lại không gian xanh, thay vì cao tầng hóa. Việc cao tầng hóa tại đây chỉ nghĩ đến số mét vuông đạt được, nhưng sẽ gây hại cho cảnh quan tổng thể và tạo áp lực lớn lên hạ tầng, gây thiệt hại cho đời sống người dân trong khu vực…”;

Với quan điểm của KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam) tại cuộc họp với Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng: “Khu trung tâm Hòa Bình thật sự rất nhếch nhác; Công trình nhà hát xập xệ, không có giá trị kiến trúc. Dinh Tỉnh trưởng hiện có tình trạng xuống cấp. Hiện tại không gian cảnh quan khu vực đồi Dinh không được khai thác sử dụng, làm mất đi hiệu quả sử dụng đất cho yêu cầu phát triển đô thị, nhất là khu trung tâm thành phố…”.

Nhưng khi đứng trước pháp luật, trước các quy định của Luật Di sản văn hóa, trước các quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt đang còn đầy đủ hiệu lực, thì không một ai có quyền được phép nhân danh bất kỳ sự khác biệt nào để hành xử khác luật, phủ nhận các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa, về bảo tồn đã phủ bóng lên Dinh thự trăm năm.

Hữu Tiến - Anh Tân

  • Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới
  • “Số phận lạ kỳ” của Dinh Thượng thơ Sài Gòn và Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt
  • Chặn 'làn sóng' bê tông hoá để cứu tương lai đô thị di sản Đà Lạt
  • Hiểu sai về “phát triển” đô thị ở Đà Lạt
  • Đà Lạt quy hoạch khu Hòa Bình: Lời cảnh báo về một thành phố vô hồn!-------------------------------
  • ----------------------
  • Chủ tịch hội Trần Ngọc Chính: Khu đồi Dinh không khai thác, làm mất hiệu quả sử dụng đất

      18:15 | Thứ bảy, 30/10/2021 0
    KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, ý tưởng kiến trúc công trình khách sạn đồi Dinh hay và độc đáo, đáng được trân trọng với cách tiếp cận tư duy tạo được điểm nhấn cho đô thị. Hội hoàn toàn đồng ý lựa chọn phương án ý tưởng kiến trúc của EAI, là phương án nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, phần dưới và xung quanh xây tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...

    Lời toà soạn

    Biên bản cuộc họp giữa Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam mà Người Đô Thị công bố dưới đây diễn ra đã 4 tháng. Tuy nhiên, công luận chưa được biết nội dung, và nay lại thành một trong những căn cứ để tỉnh Lâm Đồng viện dẫn trong dự thảo văn bản đề nghị Hội Kiến trúc sư Việt Nam có ý kiến về phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trường: “Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức buổi làm việc với Sở Xây dựng Lâm Đồng, qua đó cơ bản thống nhất với phương án kiến trúc trên" (là phương án 1 - Hotel du Printemps của EAI: nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, phần dưới và xung quanh xây dựng tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...).

    Theo yêu cầu của một số chuyên gia, kiến trúc sư và bạn đọc đang quan tâm đến quy hoạch khu Hòa Bình và đồi Dinh của Đà Lạt sau khi đọc lược trích biên bản trên Người Đô Thị, chúng tôi đăng toàn bộ nội dung biên bản làm việc này để rộng đường dư luận. Tựa bài viết do tòa soạn đặt.

    Người Đô Thị

    Khu đồi Dinh là mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh


    Theo Biên bản cuộc họp giữa Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam với Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, sáng ngày 30.6.2021 tại trụ sở Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam ở Hà Nội đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý về phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng, thuộc quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.

    Thành phần tham dự phía Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam có: KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch hội), GS-TS-KTS. Đỗ Hậu (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký), TS-KTS. Trương Văn Quảng (Phó Tổng thư ký), ThS-KTS. Phan Thanh Mai (Chánh Văn phòng); Về phía tỉnh Lâm Đồng có ông Lê Quang Trung (Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng).

    Tại cuộc họp, ông Lê Quang Trung báo cáo về tình hình thực hiện các công tác chuyên môn quy hoạch sau khi tổ chức công bố quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt vào tháng 3.2019. Trong đó, gồm việc đã tổ chức mời thêm 3 đơn vị tư vấn tầm cỡ quốc tế có năng lực cao làm thêm các phương án ý tưởng kiến trúc công trình khách sạn đồi Dinh, đồng thời cũng có điều chỉnh cục bộ quy hoạch với việc quy mô công trình thương mại ở vị trí rạp Hòa Bình từ 4 tầng còn 1,5 tầng.

    Đối với các phương án ý tưởng kiến trúc khách sạn đồi Dinh, tỉnh đã tổ chức trưng bày lấy ý kiến và đạt đa số đồng thuận của công chúng. Ngày 12.4.2021, Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có kết luận lựa chọn Phương án 1 (đề xuất bởi EAI).

    Khu Hòa Bình - một không gian lịch sử, nhân văn đặc thù Đà Lạt. Theo Đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị khu trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt: Rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay bằng Trung tâm thương mại Hòa Bình, là khu phức hợp có tính chất giải trí có 5 tầng nổi. Công năng của rạp sẽ được xây dựng trong công trình ngầm. Ảnh: Lê Quân


    Ý kiến của các thành viên dự họp:

    TS-KTS. Trương Văn Quảng: "ý tưởng rất tốt, với việc tôn trọng quá khứ, hướng đến tương lai, biến công trình Dinh thành bảo tàng ở điểm cao mới, nhìn xuống toàn bộ khu trung tâm Đà Lạt. Ý tưởng thiết kế có sự kế thừa mạch hơi thở Đà Lạt của người Pháp xưa. Chắc chắn sẽ là một công trình đặc biệt có giá trị nếu được xây dựng. Công trình khách sạn đồi Dinh sẽ nổi bật hơn nữa trong tổng thể khu trung tâm Hòa Bình khi có sự cân đối hơn các mối quan hệ với kiến trúc cảnh quan môi trường trong toàn bộ khu trung tâm".

    ThS-KTS. Phan Thanh Mai: "Nhất trí giải pháp thiết kế kiến trúc của khách sạn, việc nâng công trình Dinh lên cao ở tầng trên cùng của khách sạn đã tôn vinh được không gian cảnh quan và giữ được di sản. Giải pháp thiết kế khách sạn độc đáo, tạo được công trình xanh, dù rất mới nhưng phù hợp với khu vực. Công trình khách sạn đã tích hợp được chức năng hội nghị, hội thảo cấp quốc tế là phù hợp với yêu cầu bổ sung chức năng mới cho thành phố để đáp ứng nhu cầu phát triển. Nếu công trình được xây dựng sẽ trở thành một biểu tượng kiến trúc mới của đô thị".

    GS-TS-KTS. Đỗ Hậu: "Khu Hòa Bình và đồi Dinh có vị trí rất quan trọng của đô thị di sản Đà Lạt. Tỉnh đã triển khai công tác lập quy hoạch và lấy ý kiến cộng đồng dân cư là những bước đi rất bài bản và nhận được sự tán đồng cơ bản với phương án 1, đó cũng là ý chí quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh, của người dân địa phương. Phương án chọn thể hiện sự quan tâm đến vấn đề bảo tồn, sử dụng hình thái kiến trúc rất phù hợp với địa hình, cảnh quan Đà Lạt, ý tưởng rất hay".

     KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) phát biểu khai mạc hội thảo: "Đà Lạt - Đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển”, diễn ra tại Đà Lạt ngày 27.11.2020. Hội thảo do UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức. Ảnh: báo Lâm Đồng

    KTS. Trần Ngọc Chính đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao tặng danh hiệu “Vì sự phát triển đô thị Việt Nam năm 2020” cho ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 2015 – 2020). Ông Việt là lãnh đạo đã ký Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12.2.1019 phê duyệt “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”gây tranh cãi suốt hơn hai năm qua. Ảnh: báo Lâm Đồng


    Kết luận cuộc họp, KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho biết:

    Ngày 15.5.2019 Hội có văn bản số 20/2019/CV-VUPDA gửi Sở Xây dựng Lâm Đồng, trong đó chỉ nêu các vấn đề chung do chưa được xem các phương án ý tưởng cụ thể về khách sạn đồi Dinh.

    Hiện tại khu trung tâm Hòa Bình thật sự rất nhếch nhác; Công trình nhà hát xập xệ, không có giá trị kiến trúc; Tổ chức giao thông chưa tốt; Bộ mặt thương mại dịch vụ khá lộn xộn, chưa có công trình đẹp đóng góp vào mỹ quan chung cho thành phố Đà Lạt; Không có công trình ngầm, chỗ để xe,...

    Dinh Tỉnh trưởng hiện có tình trạng xuống cấp, bị các nhà dân, nhà cao tầng xung quanh che khuất không gian và cảnh quan xung quanh. Hiện tại không gian cảnh quan khu vực đồi Dinh không được khai thác sử dụng, làm mất đi hiệu quả sử dụng đất cho yêu cầu phát triển đô thị, nhất là khu trung tâm thành phố.

    Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cơ bản tán thành với báo cáo tình hình triển khai quy hoạch và phương án đầu tư xây dựng khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt do Ban cán sự UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng (Báo cáo số 90 ngày 8.4.2021).

    Ý tưởng kiến trúc công trình khách sạn đồi Dinh hay và độc đáo, đáng được trân trọng với cách tiếp cận tư duy tạo được điểm nhấn cho đô thị. Tổ hợp công năng, không gian tích hợp được 3 trong 1, đó là: cải tạo cảnh quan đồi Dinh Tỉnh trưởng, có được một công trình khách sạn loại sang phục vụ nhu cầu của tỉnh, khách du lịch và trung tâm hội nghị quy mô cấp quốc tế. 

    Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam hoàn toàn đồng ý lựa chọn phương án ý tưởng kiến trúc của EAI (phương án 1) cũng như các nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch mà Sở Xây dựng đã nêu.

    Cuộc họp kết thúc lúc l l giờ 30 ngày 30.6.2021.

    Hữu Tiến - Anh Tân

    Một số quan điểm về quy hoạch Đà Lạt trên Người Đô Thị

    GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính: "Phải giữ cho được trung tâm – hạt nhân vô cùng đặc sắc của thành phố Đà Lạt là Hồ Xuân Hương và vùng đất bao quanh khỏi những công trình mới, như trung tâm thương mại (việc đã rồi), như dự án xây dựng khách sạn đồ sộ ở vị trí Dinh Tỉnh trưởng… Không thể xây dựng đô thị - di sản. Lịch sử tạo nên và lưu lại Đà Lạt – đô thị di sản. Đà Lạt đứng trước nguy cơ nhãn tiền, trở thành đô thị có di sản đô thị mà thôi...” (xem tại đây).

    TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: "Không gian khu Hòa Bình đã đạt đến một tỉ lệ bão hòa, nên chỉnh trang để trả lại không gian xanh, thay vì cao tầng hóa. Việc cao tầng hóa tại đây chỉ nghĩ đến số mét vuông đạt được, nhưng sẽ gây hại cho cảnh quan tổng thể và tạo áp lực lớn lên hạ tầng, gây thiệt hại cho đời sống người dân trong khu vực...” (xem tại đây).

    PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục: "Chính quyền Đà Lạt hiện nay đang nóng ruột phát triển thành phố bằng mọi giá, nhưng cái giá phải trả cho phát triển nóng là biến một thành phố “Tiểu Paris” của Đông Dương, được định dạng là "thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố" mê hoặc lòng người, trở thành một thành phố phi danh tính – không thể nhận dạng...” (xem tại đây).

    PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên: "Đà Lạt có thể tạo ra được một hoặc nhiều khu “di sản mới” thay vì hiện nay đang bức tử “di sản cũ” là di sản gốc mang đến giá trị cho Đà Lạt. Hãy nhìn từ giá trị cốt lõi của Đà Lạt, tiềm năng thực sự và những tiêu chí cần đạt được khi phát triển. Chắc chắn khi đó Đà Lạt sẽ có quyết định thông minh hơn, phù hợp hơn với đặc thù của đô thị" (xem tại đây).

    PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan: "Chính quyền Đà Lạt cần hiểu rằng thành phố này có nhiều yếu tố đặc thù, duy nhất, có tiềm năng trở thành một đô thị di sản, điều rất hiếm hoi trong tổng số hơn 800 đô thị Việt Nam hiện nay. Họ đang sở hữu một gia tài quý để phát triển thành phố lâu dài, bền vững, cho người dân Đà Lạt và cả quốc gia...” (xem tại đây).

    TS. Nguyễn Hồng Hạnh: "Đối với những khu vực trọng yếu, nhạy cảm về di sản, văn hóa, lịch sử như Khu Hòa Bình của Đà Lạt, chính quyền nên có một ứng xử khác, cần có trách nhiệm hoàn lại cho doanh nghiệp đã bỏ kinh phí ra tài trợ thực hiện đồ án quy hoạch, cho dù có theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Nên dùng tiền ngân sách địa phương cho việc nghiên cứu quy hoạch theo đúng quy định pháp luật" (xem tại đây). 

    KTS. Cao Thành Nghiệp: "Không thể sửa sai bằng việc tiếp tục làm cho cái sai ngày càng trầm trọng hơn. Bộ mặt đô thị khu trung tâm nhếch nhác thì đánh giá nhếch nhác ở điểm nào, cần chỉnh trang thiết kế cải tạo dựa trên cái đẹp, cái vốn có, chứ không thể bằng mọi giá đổi đất lấy hạ tầng. Sao có thể xây dựng trên đỉnh đồi cao nhất của khu trung tâm Đà Lạt (1525m) một công trình 10 tầng với hình thức kiến trúc như một khối bê tông quấn lấy công trình di tích cao hai tầng nằm kế bên?" (xem tại đây).

    >> Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi 

  • --------------------------

  • Quy hoạch khu Đồi Dinh và Đà Lạt: Cách ứng xử với di sản thể hiện mức độ văn minh đô thị

      14:17 | Thứ bảy, 30/10/2021 0

    Đà Lạt có thể tạo ra được một hoặc nhiều khu “di sản mới” thay vì hiện nay đang bức tử “di sản cũ” là di sản gốc mang đến giá trị cho Đà Lạt.

    Khu đồi Dinh - một di tích lịch sử thời kì đầu hình thành đô thị do người Pháp thiết kế, một mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Quốc Tuấn


    Đà Lạt cần những người ra quyết định tỉnh táo, không thể đánh đổi phát triển kinh tế trước mắt bằng bất cứ giá nào. Không thể vội vàng khi quyết định một vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến tương lai của đô thị.

    Chúng ta cũng không thể trách các kiến trúc sư nước ngoài, khi tham gia vào concept này, họ rõ ràng nhất nhất phải đáp ứng được các yêu cầu của cuộc thi. Nhưng việc ra đề bài, hay nói đúng hơn là ngay từ khâu quy hoạch, chỉ định cho xây công trình dịch vụ lưu trú trên đỉnh đồi Dinh, một di tích lịch sử thời kì đầu hình thành đô thị do người Pháp thiết kế, một mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt, đã là sai lầm (chúng tôi đã phân tích khía cạnh này nhiều lần trong các bài phản biện khi Đà Lạt mới công bố bản quy hoạch 1/500 cho trung tâm Đà Lạt).

    Các nguy cơ Đà Lạt sẽ đối mặt

    Nếu cố tìm cách cho xây theo thiết kế trên, Đà Lạt sẽ phải đối mặt với các nguy cơ:

    Nguy cơ phá vỡ cảnh quan: Khu đồi Dinh Tỉnh trưởng bị đè lên khối khách sạn cao 28m, chiếm chỗ quá lớn, ở tỷ lệ lớn, sẽ làm mất đường chân trời vốn bình yên của khu đồi Dinh và của cảnh quan chung Đà Lạt. Không còn điểm nhìn từ hồ Xuân Hương lên đỉnh LangBiang như ban đầu các quy hoạch gia người Pháp định hướng bài bản. Ở tỷ lệ nhỏ, mất những rặng Long não cổ thụ, công trình Dinh tỉnh trưởng bị đẩy vào môi trường xa lạ trên nóc khách sạn (không phải công trình văn hóa) và công chúng không thể tiếp cận.

    Nguy cơ tạo ra đô thị nén: Bản thiết kế mới cho Đồi Dinh sẽ gây sức ép cho khu Hòa Bình hiện đang quá tải. Và khi công trình cao tầng như khách sạn này được xây trên điểm cao nhất trung tâm là đồi Dinh thì tương lai sẽ còn nhiều công trình khác tiếp tục được cắm vào lõi di sản khu Hòa Bình này. Các chức năng mới khiến cho Đà Lạt sẽ bị nén như Sài Gòn, điều này làm mất đi hồn nơi chốn của một đô thị có giá trị đặc biệt như Đà Lạt.

    Khu đồi Dinh Tỉnh trưởng bị đè lên khối khách sạn cao 28m, chiếm chỗ quá lớn, ở tỷ lệ lớn, sẽ làm mất đường chân trời vốn bình yên ca khu đồi Dinh và của cảnh quan chung Đà Lạt. Ảnh: Đồ họa phương án 1 kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn


    Nguy cơ có những tiền lệ xấu: Nếu sau khi gạt qua dư luận và các góp ý của giới chuyên môn, gạt qua các giá trị bền vững, lâu dài, khách sạn trên đồi Dinh vẫn mọc lên thì đó sẽ là trường hợp điển hình của việc Luật Di sản văn hóa bị vi phạm dễ dàng tại Đà Lạt. Cho dù cuối cùng có hợp thức hóa để không phạm luật, thì đây vẫn là tiền lệ xấu về một đô thị có giá trị di sản nhưng đã khước từ nó để chạy theo kinh tế.

    Và trường hợp của đồi Dinh sẽ tạo ra nguy cơ cho các di sản khác: Để có thể phá di sản, người ta sẽ không chăm sóc để nó xuống cấp, sau đó lấy lý do “công trình cũ nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị, công trình cũ hỏng có nguy cơ sập, công trình để lâu không thể khai thác...” để phá hủy và thay thế bằng một kiến trúc xa lạ, thiếu bản sắc, thiếu đặc thù.


    Giải pháp cho đồi Dinh và cho Đà Lạt

    Trước mắt, cần có giải pháp giữ Dinh Tỉnh trưởng trong bối cảnh quần thể kiến trúc chung. Các tiện ích mới với khối tích đồ sộ (các khu dịch vụ lưu trú, các tòa nhà hiện đại) phải rời khỏi trung tâm. Trả lại không gian lịch sử và thảm cây xanh. Đầu tư để tôn tạo và đưa vào các chức năng văn hóa, cộng đồng. Tìm hướng tiếp cận giao thông cho khu đồi Dinh để nơi này đến được gần hơn với cộng đồng.

    Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có tiếng nói, đề nghị tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh lại bản quy hoạch 1/500, đối chiếu với bản Quy hoạch chung 1/2.000, xem xét tính khả thi và cân nhắc đến các công trình di sản, công trình giá trị để có định hướng bảo tồn phù hợp…

    Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao Lâm Đồng từng có văn bản cho biết Dinh Tỉnh trưởng là một trong những biệt thự gắn với di tích, lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc. Ảnh: Quốc Tuấn


    Về quy hoạch chung, nên học kinh nghiệm của Paris khi quy hoạch khu La Defence (khu thành phố mới) để giảm tải và giữ sạch hoàn toàn cho khu Paris cổ kính. Nhờ quan điểm quy hoạch này mà Paris có hai khu thu hút như nhau vì cả hai đều có nét đặc sắc, người Paris gọi đây là “Di sản cũ” và “Di sản mới”. Hay thành phố Putrajaya của Malaysia, xây năm 1995 về phía nam của Kuala Lumpur để giảm tải cho thành phố thủ đô này. Hiện nay tour du lịch qua Malaysia, ngoài tới Kuala Lumpur còn có tuyến du lịch tới thành phố mới Putrajaya... Theo cách này, Đà Lạt có thể tạo ra được một hoặc nhiều khu “di sản mới” thay vì hiện nay đang bức tử “di sản cũ” là di sản gốc mang đến giá trị cho Đà Lạt.

    Hãy nhìn từ giá trị cốt lõi của Đà Lạt, tiềm năng thực sự và những tiêu chí cần đạt được khi phát triển. Chắc chắn khi đó Đà Lạt sẽ có quyết định thông minh hơn, phù hợp hơn với đặc thù của đô thị, thỏa mãn được yêu cầu của cả chính quyền, người dân và khách du lịch.

    Toạ đàm "Từ tranh luận về đồi dinh nghĩ đến tương lai Đà Lạt" do Người Đô Thị và Save Heritage Vietnam đồng tổ chức, với sự tham dự của các chuyên gia là nhà quy hoạch, kiến trúc sư, luật sư, nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện tổ chức/dự án về bảo tồn văn hoá, kiến trúc, di sản đô thị... Ảnh: Trung Dũng


    Chọn cách ứng xử với di sản sẽ thể hiện mức độ văn minh của đô thị, sự nhạy bén, nhân văn và có tầm nhìn của những người lãnh đạo. Không thể vì mối lợi kinh tế trước mắt mà đánh mất giá trị bền vững của đô thị. Thiếu phân tích và đưa ra giải pháp vội vàng cho đô thị Đà Lạt sẽ có thể dẫn đến một sai lầm không thể sửa chữa được.

    Vì vậy các cơ quan ra quyết định hãy bình tĩnh và có trách nhiệm hơn ngay tại thời điểm này! Thành quả nào cũng phải đánh đổi bằng sự hy sinh, nhưng sự hy sinh này của Đà Lạt sẽ là tổn thất lớn, là sự mất mát không chỉ với Đà Lạt mà với tất cả chúng ta – đó là một đô thị không còn sức hấp dẫn.

    PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên

  • -----------------------

Giới kiến trúc sư lại phản đối dự án khách sạn trên Đồi Dinh, Đà Lạt
Phần âm thanh 09:08
Ảnh chụp từ trên cao: Đồi Dinh là không gian xanh lớn còn sót lại ở Đà Lạt, Việt Nam.
Ảnh chụp từ trên cao: Đồi Dinh là không gian xanh lớn còn sót lại ở Đà Lạt, Việt Nam. © Người Đô Thị

Từng là nơi ở và làm việc của các tỉnh trưởng trước đây, nằm trên một ngọn đồi ở trung tâm thành phố, Dinh Tỉnh trưởng là một trong những công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng sớm nhất và được xem là một trong những công trình đẹp ở Đà Lạt. Khu vực Dinh tỉnh trưởng, hay còn được gọi tắt là Đồi Dinh,  rộng gần 17.000m2, riêng dinh tỉnh trưởng có diện tích hơn 1.500m2. 

Đây là nơi duy nhất ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt có diện tích đất lớn, vị trí cao và đẹp nhất. Đồng thời, đây cũng là không gian xanh quan trọng bên cạnh đồi Cù. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 25/11/2021, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, cho biết về hiện trạng và giá trị cảnh quan của Đồi Dinh:

" Công trình này được xây từ đầu thế kỷ 20 và cho tới hiện nay thì kiến trúc vẫn trong tình trạng còn rất tốt, bao quanh Dinh Tỉnh trưởng là một khu rừng cây lớn. Đây có thể được xem là không gian xanh quan trọng nhất của khu Hòa Bình, bởi vì chung quan người ta đã xây dựng, bê tông hóa cũng khá nhiều. Lúc xưa, khu Hòa Bình có khá nhiều không gian xanh, hiện giờ thì đây là không gian xanh còn sót lại quan trọng nhất.

Dinh Tỉnh trưởng lúc trước có thời gian được giao làm bảo tàng nhưng hiện nay đang bị bỏ hoang để chờ làm dự án. Thật sự thì nếu giao lại cho các đơn vị công, tư để làm công trình công cộng thì tốt hơn, nhưng hiện giờ có lẽ là họ đang muốn làm dự án, nên tạm thời không có sử dụng."

Khu vực Đồi Dinh đẹp như thế, vậy mà chính quyền tỉnh Lâm Đồng vẫn không từ bỏ ý định xây tại đây một khách sạn cao tầng, mặc dù dự án này trước đây đã từng bị giới kiến trúc sư phản đối, nhất là vì bây giờ Đồi Dinh đã được xếp danh sách di sản văn hóa cần được bảo tồn. Gần đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông báo là trong 3 phương án kiến trúc khu vực Đồi Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt được đưa ra để lấy ý kiến, các lãnh đạo của tỉnh cuối cùng đã quyết định chọn phương án 1, tức là dự án Hotel du Printemps của kiến trúc sư Thierry Van de Winagaert.

Họ khẳng định là với phương án này, công trình Dinh Tỉnh trưởng sẽ “được giữ nguyên vẹn và nâng cấp trở thành một bảo tàng Đà Lạt ở điểm cao mới (dời lên độ cao 28 m), mở cửa cho mọi người; bên cạnh đó còn mang đến cho người dân thêm các trải nghiệm tiện ích hiện đại từ dịch vụ khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế, đến việc tham quan không gian, cảnh quan đặc sắc…, tạo được sự kết hợp giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại”. 

Đối với kiến trúc sư như ông Ngô Viết Nam Sơn, làm một dự án địa ốc trên Đồi Dinh sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề bản sắc và giữ gìn di sản cho Đà Lạt:

" Dự án quy hoạch đã đi sai với định hướng quy hoạch ban đầu mà thủ tướng phê duyệt, tức là khu này nằm trong khu đô thị lịch sử, phải ưu tiên cho việc bảo tồn và chỉnh trang, nhưng bây giờ không còn là bảo tồn.

Thứ hai, quy hoạch của thủ tướng quy định đây là chức năng văn hóa và là công trình công cộng, sau đó quy hoạch lại chuyển thành khu thương mại dịch vụ, trong đó có khách sạn nhiều tầng.

Từ cái sai về định hướng quy hoạch nó dẫn đến cái kiến trúc của cả ba phương án đều sai luôn, trong đó phương án mà thành phố muốn chọn xây dựng là phương án làm một cái đồi giả ở dưới. Gọi là đồi nhưng thật sự đây là một khách sạn nhiều tầng ở dưới và Dinh Tỉnh trưởng được nâng lên cao độ là 28 mét. Hình thức này chẳng khác gì mình xây dựng mới, bởi vì không gian di sản và rừng cây bị xâm phạm, cây bị chặt rất nhiều, cũng như ý nghĩ đối với một không gian công cộng, đối với người dân không còn như trước nữa.

Thành ra tôi nghĩ định hướng này không còn phù hợp, có thể là có những định hướng tốt hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, cũng như cho lợi ích dài hạn của địa phương.

Vấn đề này thì đã có nhiều kiến trúc sư cũng như chuyên gia trong và ngoài nước nhìn thấy và mọi người đều lên tiếng. Ở đây, chắc là có vướng víu gì đó. Tôi nghĩ nói chung là lãnh đạo đều mong muốn cho địa phương phát triển tốt, nhưng họ chưa được tư vấn tốt. Nhà đầu tư vẽ ra hình ảnh một khu cao tầng hiện đại, thì có lẽ lãnh đạo đang nghĩ rằng làm như vậy thì đô thị sẽ giàu có, mạnh hơn, tốt lên hơn.

Nhưng thật ra, việc xây dựng hiện đại và thậm chí cao tầng, nếu mình làm đúng chỗ thì rất tốt cho Đà Lạt. Tức là Đà Lạt có rất nhiều đất. Nếu như dự án tương tự như vậy được đưa ra khu ngoại vi thì có lẽ là nó tốt hơn. Nhưng nếu như mình xâm hại di sản của khu Hòa Bình để mình cắm một công trình cao 10 tầng thì thứ nhất là không gian xanh duy nhất còn sót lại sẽ không còn nữa, bởi vì một số lượng cây lớn sẽ bị chặt để làm công trình.

Thứ hai là công trình di sản Dinh Tỉnh trưởng từ muôn đời đã là công trình mang tính biểu tượng của khu Hòa Bình là khu di sản Phố Việt."

Điều khiến ông Ngô Viết Nam Sơn cũng như nhiều kiến trúc sư khác bức xúc nhất đó là việc “nâng cấp” Dinh Tỉnh trưởng thành một bảo tàng Đà Lạt ở “điểm cao mới”, nói rõ hơn là dời công trình này lên một độ cao 28 mét:

"Việc đưa lên trên cao như vậy, về mặt bảo tồn di sản, không có ai làm như vậy, bởi vì bảo tồn di sản không chỉ có bảo tồn cái nhà, mà không gian xanh bao quanh nó và ý nghĩa của toàn bộ không gian đó đối với người dân, vẫn bảo đảm cho họ tiếp cận một cách dễ dàng. Còn đây chẳng khác gì mình chuyển một di sản thật thành một di sản giả để mà nói là chúng tôi cũng có bảo tồn đó, chúng tôi đưa lên trên cao để tôn vinh nó, nhưng thật sự ra mục tiêu chính vẫn là để xây khách sạn 10 tầng ở dưới.

Nếu xây khách sạn thì không gian xanh của khu Hòa Bình không còn nữa. Ý nghĩa không gian công cộng cũng không còn, bởi vì người dân lúc trước đi bộ lên đồi, một khu không gian công cộng miễn phí, bây giờ phải đi thang máy lên và không loại trừ khả năng là sẽ bị thu tiền để đi lên không gian này.

Riêng công trình Dinh Tỉnh trưởng là một kết cấu bằng gạch, mình di dời tới lui, đưa lên trên cao như vậy thì thế nào nó cũng sẽ bị hư hại"

Nói chung, điểm sai cơ bản của các quy hoạch khu Đồi Dinh đó là vì chính quyền vẫn dựa trên "tư duy địa ốc", thay vì "tư duy bảo tồn", theo quan điểm của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:

" Họ đang muốn làm một dự án địa ốc ở đây, tức là vẫn có tư duy "địa ốc", có nghĩa là muốn tối đa hóa diện tích cây xanh còn sót lại, để xây dựng khách sạn 10 tầng, coi như là phục vụ lợi ích cho nhà đầu tư Nhưng một dự án như ở khu Đồi Dinh đúng ra phải làm theo tư duy "bảo tồn và chỉnh trang". Một mặt chúng ta phải đưa ra định hướng giữ gìn di sản này. Thứ hai phải giữ nguyên rừng cây ở đỉnh đồi, thậm chí phải làm thêm không gian xanh, công viên.

Bên cạnh đó, khi bảo tồn Dinh Tỉnh Trưởng, mình có thể chuyển đổi chức năng của nó thành chức năng văn hóa công cộng, như là bảo tàng, thư viện, nhà sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Bên cạnh đó có thể làm các tuyến đi bộ từ Dinh xuống các khu chung quanh, nối xuống chợ Đà Lạt, nối xuống Hồ Xuân Hương.

Chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm của thế giới làm tốt như thế này, ví dụ như đồi Monmartre, Paris, khu phố cổ Montréal, khu phố cổ Québec hay khu chợ Pike Place Market ở Seattle.

Tham khảo những kinh nghiệm đó mình sẽ thấy rằng nó đem lại lợi ích kinh tế rất lớn và phục vụ lợi ích cho người dân địa phương, làm cho họ giàu hơn. Trong khi mình làm dự án địa ốc thì nó chỉ phục vụ cho nhà đầu tư thôi. Người dân không những là không được lợi nhiều, mà còn bị cạnh tranh về dịch vụ thương mại, cũng như là người dân đang có một không gian xanh miễn phí tự nhiên bây giờ biến thành không gian dịch vụ thương mại có thu tiền. 

Chính quyền địa phương cũng không có thu lợi bao nhiêu, bởi vì khi là dự án như thế này thì phải đền bù giải tỏa rất là nhiều khu vực và xung quanh phải xây dựng, phải nâng cấp thêm rất nhiều hạ tầng cơ sở. Trừ những chi phí này, thu nhập của địa phương không có bao nhiêu hết."

Điều đáng nói là sau khi đã quyết định chọn phương án đó, chính quyền tỉnh Lâm Đồng mới có văn bản gửi Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị “góp ý bằng văn bản”. Họ lấy lý do “tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp”, nên không thể tổ chức làm việc trực tiếp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam để lấy ý kiến cho công trình này. Theo tin báo chí trong nước, Hội Kiến trúc sư đã có phản hồi, không đồng tình với phương án được chọn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.