Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

KIẾN TRÚC TÂY NGUYÊN.

Độc đáo kiến trúc nhà Tây Nguyên

Tôi đã từng kể các bạn nghe ý kiến của bà A.Tonia, nhà dân tộc học người UCraina rằng ” bà con các dân tộc TN rất thông minh khi tổ chức cuộc sống”. Vậy hãy để tôi  khoe sự thông minh ấy, trong vài nét về kiến trúc nhà ở Tây Nguyên  với mọi người nhé
Đến Tây Nguyên, điều đập vào mắt du khách trước tiên là những nhà rông mái cao vút như chiếc rìu khổng lồ tạc vào bầu trời xanh lồng lộng. Ở vùng Êđê, Jrai còn là căn nhà sàn “ dài bằng một tiếng chiêng ngân” mà Trường ca – sử thi Dam San đã nhắc tới.  Kiến trúc nhà ở & nhà mồ đó chính là những  đặc trưng cơ bản nhất của văn hoá vật thể các dân tộc thiểu số Trường Sơn- Tây Nguyên nói chung.
Vậy đặc trưng kiến trúc Tây Nguyên là gì?

Điểm đặc biệt thứ nhất : Vật liệu hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa, tranh….những loại cây cỏ hiện diện trong rừng. Không có bất cứ một  vật dụng nào bằng sắt thép hay những chất kết dính không mang tính tự nhiên. Phương tiện dùng để dựng nên căn nhà cũng rất đơn giản, chỉ với những chiếc rìu ( xagac).Mỗi một tộc người đều kiểu cách riêng, do chính các kiến trúc sư vai trần chân đất, đóng khố của cộng đồng tự “ thiết kế”, tạo hình.
Điểm đặc biệt thứ hai : các cột và xà nhà nhà sàn hay nhà Rông chỉ được đặt chồng lên nhau, hoặc ghép mấu ( theo dạng ngàm) vào nhau rất trùng khít .
Điểm đặc biệt thứ ba : Nhà còn là nơi nghệ thuật tạo hình tung tẩy trên các thân cột, xà ngang bằng chạm khắc nổi, vẽ những hình ảnh quen thuộc với cư dân rừng núi, như chim, rùa, kỳ đà, hoặc các hình sao, hình dấu nhân, mặt trời…
Nhà ở thường làm theo hướng  Bắc – Nam đón gió mát và không bị hắt nắng chiều
Nhà mồ làm theo hướng Đông – Tây, gió và nắng lồng lộng xua tan mùi hôi hám ( nếu có)
Nhà Rông :

Nhà Rông Sê Đăng                                                                          Nhà Rông Jrai
Các tộc người Bâhnar, Sê Đăng, Jrai, Triêng, Ca Tu… thường định cư một chỗ nên có nhà sinh hoạt cộng đồng, gọi chung là Rông. Ngôi nhà Rông của các cộng đồng làng đều là nhà sàn, phổ biến có hình dạng mái cao vút dáng như lưỡi rìu, vượt hẳn lên trên mái các ngôi nhà trong làng. Trên mái nhà rông, cầu thang lên xuống,các xà ngang, cột cái trong nhà trang trí nhiều mô típ hoa văn.
*  Nhà Rông của người Bâhnar và Sê Đăng có hình dạng tượng tự như nhau. Tuy nhiên bề ngang mái Rông Bâhnar thường  bằng chiều ngang nhà, trong khi mái rông Sê Đăng lại thót dần lại khi lên cao hơn. Thông thường Rông xử dụng gỗ chò chỉ, hoặc cà chít để làm cột; vách và sàn là nứa đập dập, các vì kèo bằng tre nứa và lợp bằng tranh.
Mái nhà Rông dốc, thường cao từ 10-15 m, có hai đầu hồi cũng nhỏ dần lên tận nóc. Một nửa phía trên mái nhà Rông của người Sê Đăng lợp  bằng hai lớp nứa đan cài các hoa văn hình quả trám  và kỷ hà rất đẹp, nửa mái dưới và hai đầu hồi mới lợp bằng tranh. Sau khi đã lợp mái, người ta mới đan phên nứa để làm vách, cũng đan hai lớp  để tránh mưa tạt.
Sàn nhà Rông bằng cây tre lớn, chẻ đôi, chặt hết “ mắt”, đập dập làm bốn mảnh, thường cách mặt đất chừng hơn 1 m. Có 8 cây cột cái ( đại thụ). Những nhà Rông lớn như của người Bâhnar Rngao ở làng Kon Rbang, thị xã Kon Tum có hệ thống cột to hơn một vòng tay ôm.
* Khác với các tộc người Sê Đăng, Bâhnar,Gươn hoặc Ưng của nhóm các tộc người Ca Tu, Jẻ, Triêng, Vân Kiều, Sơ Drá… cấu trúc tương tự như nhau, cũng cao lớn hơn nhà ở thông thường, mái nhà dạng ovan, hai đầu mái có hình ngọn rau Yớn ( dương xỉ), thường chỉ cách mặt đất chừng 1m. Các vì kèo phía trong được xếp thành hình vòng tròn, chụm lại ở trên nóc,xung quanh một cây cột cái chính giữa nhà, xà trang trí rất cầu kỳ bằng cách vẽ hoặc khắc nổi hình các con vật như : kỳ đà,rùa, rắn, thậm chí cả hình rồng. Các kèo buộc với nhau bằng dây mây trắng, thành những đường chéo rất công phu.
Nhà ở :

Nhà vòm M’Nông                                                            Nhà sàn Jẻ
Có thể chia nhà ở của các tộc người Tây Nguyên  làm ba loại hình dạng khác nhau :
*  Nhà sàn thuộc dạng kiên cố :
Của các tộc người Sê Đăng, Bâhnar, Êđê, Jrai : các cột nhà đều là thân cây gỗ lớn. Sàn cao.
* Nhà sàn thuộc dạng bán kiên cố ( nhà mu rùa ) :
Của nhóm Ca Tu, Jẻ, Triêng và một số tộc người khác như Brâu, Mnâm, Hrê, Ka Dong, K’Ho. Mạ…. Cột bằng cây gỗ loại vừa . Mái lợp tranh hình ovan.Hai đầu mái có thanh gỗ nhọn tượng trưng cho chiếc sừng trâu. Sàn lát bằng nứa, đập dập. Sàn chân thấp.
* Nhà dạng “ tạm ” ( nhà vòm ) :
Của nhóm các tộc người phía nam Tây Nguyên như Mnông, Jẻ Triêng, Stieng… cũng là nhà dài nhưng do có tập quán du cư, nên đều làm dạng nhà trệt bằng vật liệu không bền vững, như gỗ làm cột nhà thường là loại cây chỉ bằng bắp tay. Mái nhà lợp tranh rủ xuống sát đất, có hai cửa ra vào hình ovan. Dưới lớp tranh, trên hệ thống các vì kèo – dưới lớp tranh – là một tấm phên đan thưa thành các hình vuông, hoặc quả trám rất khéo léo.
Kiến trúc nhà dài Êđê,Jrai tiêu biểu cho nhóm ngôn ngữ Nam Đảo  :
Đập vào mắt du khách trước tiên là mái tranh ( hlang) , với hai đầu hồi nhọn nhô ra phía sàn hiên trước và sau nhà.  Mái thường lợp rất dày, đủ sức chịu đựng  vài chục năm mưa liên miên ở Tây Nguyên. Dột ở đâu, người ta gỡ tranh tại đó ra dặm lại, khiến trên mái nhà có những khoảng tranh mới cũ khác nhau, tạo nên một ấn tượng vui mắt.Cửa vào nhà Êđê ở hai đầu hồi.
Một căn nhà sàn Êđê, Jrai  có chiều dài thường từ 25-50m.Trong những ngôi nhà thông thường, hệ thống cột gồm 6 cây gỗ ( ana) lớn chạy song song hai bên lòng nhà. Đồng bộ với các cột (kmeh sang ) là hai cây xà nhà  (êyông sang) dài cũng suốt chiều dọc của căn nhà.
Người Jrai với tập quán chọn địa điểm cư trú gần kề sông nước ( sông A Yun Pa, Sông Ba, Sông Sa Thầy…), nên các cột nhà thường có độ cao hơn nhà Êđê, gần như lênh khênh trên hệ thống những cây gỗ nhỏ.Cửa vào nhà dài Jrai ở chính giữa hông nhà
Kiến trúc Nhà  Sê Đăng ( nhóm ngôn ngữ Nam Á ):
Nhà ở của Sê Đăng cũng được làm từ những nguyên liệu truyền thống vốn có sẵn ở núi rừng như: Gỗ, tranh, tre, nứa, lồ ô… Nhà sàn có độ dài  tuỳ thuộc vào số lượng thành viên trong từng gia đình,  từ mặt đất đến gầm sàn khoảng dưới 1m.
Mỗi ngôi nhà có hai cửa: Cửa chính cầu thang đặt ở khoảng giữa của ngôi nhà dành cho mọi người trong gia đình và khách. Trước cửa có làm sàn bằng ván gỗ hoặc tre nứa, không có mái che, để khách dừng chân trước khi lên nhà và để giã gạo; cầu thang phụ đặt ở đầu hồi phía nam dành cho trai gái đến tìm hiểu để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình.
Hầu như tất cả các tộc người  đều  sử dụng một loại nguyên liệu làm vách nhà bằng tre, nứa.Riêng với tộc người Tà Ôi & Ca Tu  làm vách nhà bằng vỏ cây achoong ( còn có tên gọi là cây ươi bay ), một loại cây chỉ có ở rừng miền núi vùng huyện A Lưới ( Thừa Thiên – Huế ).
Nhà mồ


Nhà mồ ở Tây Nguyên mô phỏng hoàn toàn hình dạng của ngôi nhà thường ngày vẫn sinh sống.( Đốí với người Êđê và Jrai là hình dạng ngôi nhà sàn dài ), tuy nhiên kích cỡ đã được thu nhỏ lại, chỉ vừa trùm lên và đủ che mưa nắng cho ngôi mộ.
Nhà mồ cũng chủ yếu làm bằng vật dụng gỗ, nứa, tranh tre có sẵn trên rừng. Cột gỗ là chủ yếu, không có các vì kèo, mà chỉ là những cột chống và phủ mái lên.Nhà mồ tạm thì mái có thể lợp tranh, nhưng sau lễ bỏ mả phải làm mái gỗ.Ở vùng người Ca Tu & Tà Ôi, nhà mồ được làm hoàn toàn bằng gỗ
Nhà mồ Êđê :
Người ta lồng 4 tấm gỗ xẻ nối vào nhau thành một chiếc khung hình chữ nhật, đặt bao quanh ngôi mộ.Trên những tấm ván này, có vẽ nhiều hoa văn  màu đen và đỏ. Mái cũng là những tấm gỗ đặt nằm ngang, ở hai đầu hồi có khắc nổi hình vành trăng khuyết, đây là thế giới của linh hồn.
Xung quanh nhà mồ có hàng rào bao. Ở 4 góc rào có các cột gơng kút, trên các cột này có thể là hình những chiếc nồi đồng, ngà voi . Hai cột gơng klao cao vút nối hai đầu mộ bằng một sợi dây da trâu, hiển thị con đường đi về làng trời của linh hồn. Đầu nhà mồ là nhà cúng cơm
Nhà mồ Jrai :
Thường rất đồ sộ. Ngoài khung gỗ hình chữ nhật úp sát lên ngôi mộ, người ta dựng bao quanh một ngôi nhà có mái cao tương tự như nhà Rông, mái hình chóp có 4 mặt. Trên chóp còn có một cột gưng klao mà đỉnh là tấm gỗ khoét thành hoa văn dạng sao và hình vuông kèm theo những hình vẽ đỏ đen, trắng. Cả ngôi nhà mồ được trang trí bằng rất nhiều hoa văn. Bốn cột gơng xung quang mộ đồng thời là bốn tượng gỗ liền trụ. Xung quanh nhà mồ Jrai là cả một không gian “ ngự trị” của các tượng mồ dày đặc và đa dạng hình tượng.
Nhà mồ  của người Bâhnar, Sê Đăng :
Mái ngôi mộ được vẽ vời rất công phu. Ngoài hình trăng khuyết là biểu tượng chung của thế giới người chết , người ta chủ yếu lấy những hoa văn quen thuộc với cuộc sống, như hình quả trám, hình tròn, lượn sóng, con mắt…để vẽ nên và rất nhiều tượng gỗ.
Nhà mồ của người Bâhnar Rngao vùng Đăk Hà ( Kon Tum) hoàn toàn khác hẳn khi làm bằng gỗ, trùm vừa đủ kín diện tích ngôi mộ, kê trên một giá gỗ thấp lè tè sát mặt đất.
Nhà mồ của người Ca Tu, Tà Ôi :
Thường dựng bằng gỗ lớn, chạm khắc rất nhiều hình rồng, kỳ đà, đầu và sừng trâu trên nóc và cũng sử dụng rất nhiều màu sắc ( thậm chí là loè loẹt) cho các cột nhà mồ.Mái thường thấp, muốn vào bên trong phải cúi người xuống.Tất cả gỗ xử dụng tại nhà mồ đều không để ở dạng thô mà có sự chau chuốt tỷ mỷ,mang tính mỹ thuật cao.
Vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc nhà Rông, nhà ở, nhà mồ Tây Nguyên, chính là một trong những nét đặc sắc làm nên diện mạo riêng, là một điểm nhấn quan trọng trong “ Không gian văn hóa cồng chiêng”, đã được UNESCO công nhận là “ Di sản văn hóa của nhân loại” .
Tiếc thay,  kiến trúc của nhà sàn ở Tây Nguyên ngày nay đang lùi dần vào quá vãng. Nhà mồ cũng đang biến dạng thành gạch đá thậm chí là gạch hoa.Không thể ép bà con các dân tộc thiểu số giữ mãi được những nếp nhà gỗ, tre nứa, tranh, vì nhu cầu thiết thực của cuộc sống hiện tại, cũng như không còn nguyên liệu để làm nhà truyền thống theo ý muốn. Nhưng thiết nghĩ, nếu các công trình công cộng của mỗi vùng, đều được xây dựng trên nguyên tắc đặc trưng của kiến trúc cổ truyền, chắc chắn tạo nên một không gian văn hóa ở không chỉ độc đáo mà còn riêng biệt cho mỗi địa phương, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số.
Linh Nga Niê Kdăm

2 nhận xét:

  1. xin chào! hiện tại em đang nghiên cứu về kiến trúc nhà Rông cho luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ. Vì học tập tại nước ngoài nên em không có nhiều điều kiện để khảo sát thực tế. anh/chị viết bài viết này có thể cho em xin email để trao đổi thêm về kiến trúc nhà Rông truyền thống không ạ?
    Địa chỉ email của em: diepnguyen71190@gmail.com
    Rất mong nhận được phản hồi từ tác giả bài viết. Em xin cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  2. kiến trúc tây nguyên có nét đẹp văn hóa riêng
    ấn tượng thật
    ---------------------------------maybaogocu-----------------------------------------------
    Bán máy bào gỗ đã qua sử dụng tốt nhất tại tphcm

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.