Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Những khu nghỉ mát thời Pháp

Những khu nghỉ mát thời Pháp

Bài 1: Những bí ẩn "Trên đỉnh non Tản"

(TT&VH) - LTS: Ai đã từng đi Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì… cũng phải kinh ngạc trước những biệt thự, những nền móng biệt thự hoặc các phế tích kiến trúc mà người Pháp để lại. Sự hùng vĩ và đồ sộ của chúng, dù ở dạng phế tích, bị cây cỏ trùm lấp cũng đủ khiến cho nhiều người không thể ngờ rằng cách đây vài chục đến gần trăm năm, những nơi này đã "phồn vinh" đến như vậy.
Với loạt bài này, chúng tôi đã khảo cứu các tài liệu lưu trữ liên quan ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I mòng tìm kiếm lại lịch sử và diện mạo của các khu nghỉ mát trên núi thời thuộc Pháp.
Được đánh giá cao hơn Tam Đảo
Ngày nay, dù du lịch VQG Ba Vì đã tương đối phát triển, nhưng có lẽ không ít người, phần nào còn tưởng tượng quanh cảnh "trên đỉnh non Tản" vẫn đầy bí ẩn, huyền hoặc như trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân. Thật ra, vào thời Nguyễn Tuân viết câu chuyện này, đỉnh non Tản đã đang được Người Pháp chinh phục.
Núi Ba Vì

Tuy không được khai thác sớm như các khu nghỉ dưỡng trên núi khác ở Việt Nam (Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt) nhưng dãy núi Ba Vì thực sự được người Pháp quan tâm. Trong báo cáo ngày 30/8/1942 của Công sứ tỉnh Sơn Tây Fucat gửi Thống sứ Bắc Kỳ về dự án quy hoạch khu núi BaVì, ông đã đánh giá: “… khu núi Ba Vì sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng mang lợi ích cao hơn Tam Đảo…”.
“Thứ nhất, đường từ Hà Nội lên Ba Vì rất thuận tiện. Khoảng cách từ Hà Nội đến cốt 1000 chỉ có 67 km gồm các đoạn: Hà Nội - Sơn Tây: 41 km, Sơn Tây - cốt 400: 19 km, cốt 400 -cốt 1000: 7 km) Toàn bộ chỉ có 12 km đường núi. Độ dốc của núi Ba Vì không quá 10% (trong khi đó ở Tam Đảo là 14 %, thậm chí 16 %).
Thứ hai, khí hậu ở Ba Vì không ẩm ướt như Tam Đảo. Nhiệt độ không thay đổi quá nhiều (thấp nhất là 17độ 8 và cao nhất là 29 độ 6).
Ngoài ra, Ba Vì là một vùng rộng lớn. Dưới chân dãy núi có một khách sạn của người Âu ở Tống. Trung tâm Tống được coi là thành phố thứ 3 của Bắc Kỳ vì ở đây tập trung đông người Âu. Hơn nữa, trang trại của Marius Borel ở đây có khả năng cung cấp nguồn bơ sữa chất lượng hàng đầu. Việc này rất quan trọng, đặc biệt với trẻ em…”
Vào những năm 40 của thế kỷ trước, việc quy hoạch khu nghỉ dưỡng Ba Vì được bắt đầu bằng dự án quy hoạch cốt 400 năm 1940. Tổng diện tích đất quy hoạch khu nghỉ dưỡng cốt 400 rộng 196 ha (theo Nghị định số 6139-A ngày 28/11/1939 của Thống sứ Bắc Kỳ ).
Một phế tích thời Pháp

Quy hoạch tổng thể khu nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì gồm 3 khu nghỉ dưỡng tại cốt 400, cốt 600 và cốt 1000. Tuy nhiên, việc quy hoạch khu nghỉ dưỡng ở cốt 1000 được người Pháp đặc biệt quan tâm vì đây là độ cao lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng.
Khu nghỉ dưỡng cốt 1000 được quy hoạch năm 1943 theo Nghị định số 2815 ngày 5/4/1943 của Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn và thông báo bản đồ quy hoạch khu nghỉ dưỡng này. Khu nghỉ dưỡng cốt 1000 gồm 2 khu đất và được quy hoạch chi tiết theo hai nghị định:
“Nghị định số 2247-A ngày 19/4/1943 của Thống sứ Bắc Kỳ phê chuẩn bản đồ phân lô số 1 của khu nghỉ mát Ba Vì ở độ cao 1000 m theo bản đồ quy hoạch đã phê duyệt.
Khu số 1 gồm 5 khu vực: khu A dành để xây biệt thự, khu B dùng cho các đơn vị hành chính và các đơn vị dịch vụ công, khu C để xây khách sạn, khu D dành cho du lịch và rừng, khu E để làm khu vui chơi, giải trí
Nghị định số 5790 -A ngày 23/12/1943 của Thống sứ Bắc Kỳ phê chuẩn bản đồ phân lô số 2 của khu nghỉ mát Ba Vì ở độ cao 1000 m gồm 2 khu vực: khu A dành để xây biệt thự và khu E dùng làm công viên và khu vui chơi hoặc thể thao.”
Và dang dở
Ngay ra khi có quyết định về việc quy hoạch trên, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã cho đấu giá các lô đất cho tư nhân để xây dựng biệt thự và khách sạn. Ngoài diện tích xây dựng biệt thự, khách sạn đưa ra đấu giá, Chính quyền quyết định cho xây dựng các công trình khác. Theo bản đồ quy hoạch, các công trình công dự kiến xây dựng gồm:
Bản quy hoạch Ba Vì của người Pháp những năm 40 của TK 20

1. Trường Thanh niên (Camp de Jeunesse): trường Thanh niên đã hoạt động từ mùa hè năm 1940 với sự tham gia của 20 người Pháp và 40 người bản xứ. Đến mùa hè năm 1941, con số người tham gia lên đến 170 người (70 người Pháp, 100 người bản xứ). Hai công trình của Trường xây dựng năm 1941. Năm 1942, người ta mong muốn cải tạo công trình này để có thể nhận được 400 thanh niên, do đó đã đề nghị xây dựng thêm 2 nhà lớn, 24 nhà nhỏ và khu phụ (bếp, phòng ăn tập thể, nhà tắm, nhà vệ sinh…). Khu trường có diện tích khoảng 10 ha từ Sơn Tây về phía Sông Đà, chạy từ độ cao 650 m lên đến 850 m.

2. Một trại nghỉ hè ở cốt 600 dành cho trẻ em từ 5 đến 10 tuổi. Trại trẻ này là thử nghiệm thành công đầu tiên ở Bắc Kỳ. Trại trẻ nhận 50 trẻ em người Pháp từ 5 đến 10 tuổi vào tháng 7, 40 trẻ khác vào tháng 8, 2/3 trong số đó từ các gia đình nghèo khó hoặc thu nhập thấp, 1/3 trẻ em là con công chức hoặc binh sĩ đông con có thu nhập 700 đồng trở lên. Lúc đầu, trại trẻ dùng một khu nhà rộng thuê của Marius Borel với giá 1500 đồng. Năm 1942, Công sứ Sơn Tây đề nghị xây dựng trại trẻ. Theo nguyện vọng, Trại cần phải có 1 nhà cho 30 trẻ em nam, một nhà cho 40 trẻ em nữ, phòng ăn tập thể vừa dùng làm phòng học chung, và các công trình khác...
Theo quy hoạch, trại sẽ được xây dựng ở độ cao 680-700 m.

3. Khu biệt thự dành cho viên chức người Âu trên độ cao 700-1000 m.

4. Khu nhà dành làm văn phòng của Cơ quan Bưu điện, Cảnh sát, Y tế... ở độ cao 1000-1140 m.

5. Khu cửa hàng buôn bán ở độ cao 1000 m

6. Khu dành cho công sở hành chính và sân vận động ở độ cao 1000-1100 m

7. Nhà tù: nằm trên đỉnh núi.

Để chuẩn bị phục vụ cho các công trình xây dựng, toàn bộ đường lên cốt 1000 đã được ưu tiên thi công. Năm 1943 chỉ còn 2 km cuối chưa kết thúc vì lý do thời tiết. Hệ thống cấp điện cũng được chú trọng. Đến 1942, hệ thống điện đã cung cấp được cho khu vực cốt 400. Tuy nhiên, năm 1943, việc dẫn điện lên cốt 1000 mới chỉ được nghiên cứu.
Trên thực tế, cho đến cuối năm 1944, hầu hết các công trình trong quy hoạch trên đều chưa được thực hiện được. Khu vực quy hoạch để xây khách sạn biệt thự tư nhân được đấu giá bán cho tư nhân. Ngày 15/5/1943, phiên đấu giá 16 lô đất trong khu đất phân lô số 1 trên cốt 1000 được tổ chức tại Hà Nội. Một trong những điều kiện bắt buộc là cá nhân phải xây dựng công trình trong 2 năm kể từ khi thông báo kết quả đấu giá. Do đó, tại các khu vực này có thế đã có nhiều công trình được khởi công xây dựng.
Dự án quy hoạch khu nghỉ dưỡng Ba Vì của Pháp mới bắt đầu đã bị dừng lại kể từ năm 1945. Do đó, ngày nay du khách đến đây hầu như không tìm thấy công trình do Pháp xây dựng, có chăng chỉ là một số phế tích của các công trình còn dang dở.
Đỗ Hoàng Anh (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)

Bài 2: Đà Lạt và một kế hoạch táo bạo của người Pháp

Đà Lạt và kế hoạch táo bạo của người Pháp


Ai cũng biết, cuối thế kỷ 19 bác sĩ Yersin đã khám phá ra cao nguyên Langbian (Lâm Viên) rộng lớn (năm 1893) và là người đề xuất xây dựng Đà Lạt. Song không nhiều người biết rằng, trong thời kỳ thuộc địa, người Pháp từng có kế hoạch biến Đà Lạt thành "thủ đô hành chính của Đông Dương" thuộc Pháp.

Hồ Xuân Hương bên tay trái. Khách sạn Palace có thể thấy đằng sau hàng cây ở trung tâm

Ý tưởng đặt "thủ đô" Đông Dương ở Đà Lạt thời Pháp thuộc

Sau khi bác sỹ Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên, một số công trình đã được xây dựng. Song vì lý do khủng hoảng tài chính và nhiều khó khăn khác nên khu vực này đã bị “quên lãng” trong nhiều năm. Đến năm 1921, Chính quyền Pháp mới khởi động lại kế hoạch xây dựng đường sắt lên cao nguyên Lâm Viên. Tuyến đường sắt răng cưa này hoàn thành vào năm 1931, đánh dấu bước khởi đầu cho phát triển du lịch tại đây. Năm 1923, bản đồ quy hoạch Đà Lạt của kiến trức sư Hébra được phê duyệt.  Sau đó, rất nhiều công trình xây dựng được thực hiện tại thành phố xinh đẹp, thơ mộng này… Đà Lạt trở thành nơi nghỉ mát lớn nhất Đông Dương thu hút nhiều du khách.

Vào những năm 30 của thế kỷ 19, báo chí đã đề cập rất nhiều về vấn đề đặt thủ đô của Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt. Vào thời điểm đó, trụ sở của Phủ Toàn quyền Đông Dương đặt tại Hà Nội. Tuy nhiên trên thực tế, Toàn quyền Đông Dương vẫn thường làm việc tại cả 3 thành phổ (Sài Gòn, Hà Nội và Đà Lạt).

Cơ quan cảnh sát

Trong bài viết “Đà Lạt, thủ đô hành chính của Đông Dương?”(*), tác giả Pineau đã phân tích rất chi tiết về những điều kiện để lựa chọn thủ đô của các quốc gia như: Các nhân tố về lịch sử, địa lý, chính trị; xu hướng phát triển theo chế độ tập trung, xu hướng phát triển ra biển… Theo đó, Đà Lạt cũng cần đáp ứng được các điều kiện chung mới có thể trở thành thủ đô hành chính của Liên bang Đông Dương.

Tác giả đề cập đến quá trình lịch sử hình thành Đà Lạt từ năm 1893 đến 1932. Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã có nhiều thay đổi. Thành phố Đà Lạt đã được quy hoạch. Giao thông đường bộ và đường sắt được cải thiện rõ rệt.

Trong bản đồ quy hoạch và mở rộng Đà Lạt năm 1932 đã có kế hoạch biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính của Đông Dương. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 1932, để từ bỏ ý định trên, một chương trình quy hoạch mở rộng giới hạn ở việc chỉnh trang khu nghỉ mát trên núi đã được thực hiện.

Ga Đà Lạt

Những con tính của người Pháp


Ý tưởng lập thủ đô tại Đà Lạt không hề bị người Pháp lãng quên. Vấn đề này vẫn luôn được người Pháp nghiên cứu, cân nhắc. Trong bài viết của Pineau, tác giả đề cập đến các điều kiện để lựa chọn thủ đô như chế độ tập trung, an ninh, đường ra biển, điều kiện vệ sinh, vị trí địa lý.

“Về vị trí, Đà Lạt nằm giữa Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ, gần Cao Miên (Cambodge) và Bắc Lào và chỉ cách biển 150 km theo đường chim bay. Từ Sài Gòn lên Đà Lạt chỉ mất 5 giờ đi ô tô… Giao thông từ Đà Lạt lên cao nguyên Lâm Viên, sang Campuchia, Lào, xuống sông Mê Kông đều thuận lợi. Chỉ duy có Bắc Kỳ là nằm xa Đà Lạt.”

Nhà thờ Domaine

“Việc lựa chọn Đà Lạt đáp ứng được các điều kiện về xu hướng hiện đại theo chế độ  tập trung và liên bang…

Để đi ra biển, từ Đà Lạt người ta có thể đi qua Sài Gòn. Tuy nhiên, đường sắt Sài Gòn-Đà Lạt khá xa và tốn kém. Trong khi đó, người ta có thể ra biển từ vịnh Cam Ranh, một nơi tuyệt đẹp, kín đáo, an toàn và dễ phòng thủ.

Vấn đề an ninh ở đây không còn đặt ra từ đâu thế kỷ (thế kỷ 19)…. Đà Lạt an toàn hơn Hà Nội. Một thủ đô không chỉ là trung tâm chi phối tư tưởng và hoạt động chính trị mà còn  là một kho sức mạnh vất chất và tinh thần.

Ngoài yếu tố tự nhiên, khi lập thành phố, nhân tố con người vẫn mang tính quyết định… Điều quan trọng nhất là nguyện vọng và sự bền bỉ của con người. Đà Lạt, cũng như các thành phố khác, phụ thuộc chủ yếu vào nguyện vọng của con người”.

Nhà Địa Dư

Toàn quyền Jean Decoux ngay sau khi mới nhậm chức (1940) đã bắt tay thực hiện ý tưởng của các vị tiền nhiệm đó là biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính Đông Dương. Ông đã giao cho kiến trúc sư Lagisquet - trưởng phòng kiến trúc và quy hoạch đô thị - thiết lập đồ án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt.



Trung tâm Đà Lạt (Theo đồ án của KTS J. LAGISQUET)


Sau 20 năm kể từ đồ án quy hoạch lần đầu được thông qua, thành phố Đà Lạt được quy hoạch và chỉnh trang theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 26/4/1943. Theo bản đồ quy hoạch, khu trung tâm Đà Lạt được chia thành 15 khu: Dinh Toàn quyền Đông Dương, Văn phòng, sòng bạc, khách sạn, trung tâm văn hóa và thư viện, ngân hàng, trung tâm thương mại châu Âu, nhà thờ, Sở cảnh sát, trung tâm hành chính địa phương, chợ, trung tâm thương mại bản ngữ, khách sạn thành phố, đạo (trụ sở của cơ quan quản lý bản xứ), rạp chiếu bóng. 

Người Pháp đã từng có ý định biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính của Đông Dương. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, họ không thực hiện được.

Một biệt thự cổ

***
Đến năm 1945, Đà Lạt đã trở thành một thành phố tuyệt đẹp của vùng Viễn Đông lúc bấy giờ. Cách mạng tháng Tám thành công, chấm dứt thời kỳ đô hộ của người Pháp ở đây. Mặc dù sau đó, người Pháp có chiếm đóng lại Đà Lạt nhưng họ không đủ can đảm để thực hiện giấc mơ của mình.

(*) Dalat, capitale administrative de I'Indinechine?, PIMEAU, Revue juridique et économique de I'Indochine, 1937, p.46-81.

Bài: Đỗ Hoàng Anh (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)
Ảnh: vnafmamn.com
http://ashui.com/mag/chuyenmuc/quy-hoach-do-thi/413-da-lat-va-ke-hoach-tao-bao-cua-nguoi-phap.html
http://trieuxuan.info/?pg=tpdetail&id=619&catid=7

Bài 3: Sapa - "kinh đô nghỉ hè" thời Pháp

Thứ Tư, 29/10/2008 14:17 | In trang nàyIn bài viết
(TT&VH) - Sapa, một thị trấn du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Lào Cai nằm ở độ cao trên 1500 m. Đây là một trong bốn khu nghỉ dưỡng trên núi do người Pháp phát hiện và khai thác (Đà Lạt, Tam Đảo, Ba Vì) ngày từ những năm đầu của thế kỷ 20 ở Việt Nam. Thời kỳ đó, người Pháp có mục tiêu xây dựng một “kinh đô nghỉ hè” thực sự tại đây.
Ví với dãy Alpes và Pyrenees
Năm 1903, trong chuyến đi thực tế ở Lào Cai để lập bản đồ, đoàn trắc địa của Sở Địa lý Đông Dương đã phát hiện ra một nơi có phong cảnh tuyệt đẹp và khí hậu dễ chịu trên cao nguyên Lồ Suối Tủng (cao nguyên Sa Pa) thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Ngay lập tức người ta nảy ra ý tưởng xây dựng ở nơi đây một trại điều dưỡng. Tuy nhiên, ý tưởng này phải đến năm 1909 mới được Công sứ tỉnh Lào Cai Toures đề xuất. Mieville là người Pháp đầu tiên đến ở Sa Pa vào tháng 7 năm 1909 tại vị trí sau này xây dựng khách sạn Metropole.
Ngay sau đó, có rất nhiều bài nghiên cứu về Sapa, đặc biệt là bài “Khu nghỉ dưỡng” của Hautefeuille trên tạp chí Đông Dương năm 1910 có đoạn viết “Tôi hoàn toàn bị quyến rũ ngay từ chuyến đi Sa Pa lần đầu tiên. Con đường dẫn đến Sa Pa chạy qua khu vực có phong cảnh tuyệt đạp. Hai phần ba quãng đường xuyên rừng với vẻ đẹp hiếm thấy… Thung lũng giữa dãy Phanxipăng và cao nguyên Sa Pa (còn gọi là cao nguyên Lồ Suối Tủng) đẹp như thể thung lũng của dãy Pyrenees ở Tây Ban Nha…”.
Cảnh đẹp Sa Pa đã thu hút rất nhiều người Pháp đến đây. Năm 1910, đoàn lính lê dương đầu tiên đến để mở đường và lập trại lính. Đến 1919 trại điều dưỡng dành cho quân đội đã được xây dựng. Từ 1910 đến 1920, đã có 6 toà nhà được xây dựng. Năm 1920-1930, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ 3 khách sạn (Fansipan, Vaumousse, Morellon) và 28 ngôi nhà được xây dựng. Năm 1930-1940, 26 biệt thự, 1 nhà thờ và khách sạn Métropole được xây dựng. Năm 1940-1943, 8 biệt thự và 10 toà nhà được hoàn thành. Ngoài các công trình lớn, cho đến 1943 có rất nhiều công trình nhỏ khác. Cùng với việc xây dựng các công trình trên, người Pháp đã hoàn thiện hệ thống cung cấp điện, nước cho khu vực này. Hiện nay, công trình thuỷ điện Cát Cát vẫn còn hoạt động, cung cấp nước cho thị trấn Sa Pa.
"Thành phố - vườn bám vào sườn núi"
Năm 2004, bản Quy hoạch Sapa - với sự giúp đỡ của nhóm chuyên gia qui hoạch (QH) người Pháp đến từ Trường ĐH Bordeaux - đã được dư luận đánh giá cao, bởi sự trân trọng đối với vẻ đẹp của Phanxipăng. "Quy hoạch được triển khai trên 3 trục, trong đó trục 1 làm nổi bật giá trị của thị trấn trong phong cảnh của nó bằng việc cải tạo mặt tiền khu trung tâm cổ của thị trấn, mở ban công hướng đỉnh Phanxipăng".
Thật ra, ngay từ nửa đầu thế kỷ trước, khi xây dựng Sapa, người Pháp đã rất chú trọng đến quy hoạch khu nghỉ mát này. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, ngày 6/8/1942, Toàn quyền Đông Dương quyết định giao cho Sở Quy hoạch và Kiến trúc Đông Dương nghiên cứu lập bản đồ quy hoạch và mở rộng khu nghỉ dưỡng này. Vì lý do chiến tranh, dự án mở rộng trên không thực hiện được. Tuy vậy, cho đến nay, chúng ta đều biết đến sự phát triển mạnh mẽ của khu du lịch trong lịch sử.
Chánh Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương CERUTTI, trên Tạp chí Đông Dương (số 164-165, ngày 28-10-1943) viết: Sapa, khu nghỉ tuyệt đẹp gợi nhớ đến dãy núi Alpes, được xếp vào hàng các khu nghỉ có sự phát triển hỗn hợp. Sơ đồ kèm theo đây(…) cho chúng ta thấy cái nhìn toàn cảnh về việc quy hoạch và mở rộng nó. Những khu vực khác được đề cập trên bản vẽ tuỳ thuộc vào địa hình, diện mạo và thời gian có nắng tại đó. Chính vì vậy mà những địa điểm đẹp nhất trông ra thung lũng Mường Hoa và đỉnh núi Phanxipăng (giờ đây được trồng rau) đã được sử dụng vào việc xây dựng các toà biệt thự theo bản đồ quy hoạch. Một chương trình với các quy định về thẩm mỹ và vệ sinh cũng như những mục khác kèm theo sơ đồ này sẽ giúp Sapa giữ được nét riêng biệt của một thành phố - vườn bám vào sườn núi tạo ra những cảnh sắc và góc nhìn tuyệt đẹp. Chính điều đó sẽ đảm bảo việc gìn giữ cảnh quan tạo nên nét hoa mỹ của khu nghỉ trên cao này.
"Kinh đô mùa hè"
Theo tài liệu của Sở VH-TT Lào Cai, từ năm 1914, người Pháp đã có mục tiêu xây dựng một “kinh đô nghỉ hè” thực sự trên vùng núi miền Bắc Kỳ, theo hướng dân sự hoá. Cùng mùa hè năm đó, các nguyên vật liệu cần thiết để phục vụ xây dựng khi dinh thự nghỉ mát cao cấp và các khu nhà dịch vụ kèm theo đã được vận chuyển từ Hà Nội lên Sa Pa. . Khoảng thời gian giữa năm 1924 và 1940, có khoảng 100 biệt thự nữa được xây lên, trong số này hiện nay còn thấy một vài dấu tích.
Theo TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT Lào Cai thì vào đầu TK 20 "xây dựng Sa Pa thành kinh đô mùa hè là những kiến nghị trong các cuộc hội thảo, đăng trên các báo và tạp chí Đông Dương. Các nhà đầu tư liên tiếp đến Sa Pa. Năm 1916 Hiệp hội khuyến khích du lịch Sa Pa được thành lập. Từ năm cuối thập kỷ 20 đến đầu thập kỷ 40 của thế kỷ 20 , tốc độ xây dựng Sa Pa được đẩy mạnh nhanh chóng với 3 lần quy hoạch. Số khách du lịch lên Sa Pa tăng nhanh. tháng 8/1927 có 51 du khách đến Sa Pa nhưng tháng 8/1928 có 158 người đến Sa Pa . Cuối năm 1938 - 1939 có tới gần 3000 lượt du khách lên Sa Pa. Sa Pa thực sự là kinh đô mùa hè của du khách. Báo chí ở Hà Nội và Tạp chí Đông Dương, báo Đông Pháp ca ngợi Sa Pa là trạm điều dưỡng lý tưởng, là thần dược của kẻ liệt, là thiên đường của trẻ nhỏ, là bà chúa của khách du lãng, là cảnh quan xanh trong bất tận phơn phớt mây vờn".
***
Sapa đã kỷ niệm 100 năm du lịch được 5 năm. Đầu năm nay,dự án “đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được khởi công. Đây là một dự án thực sự có ỹ nghĩa đối với việc phát triển kinh tế tỉnh Lào Cai nói chung, trong đó đặc biệt phải kể đến việc phát triển du lịch Sa Pa - nơi mà người Pháp cách đây gần 100 năm đã gọi là "kinh đô mùa hè".
Đỗ Hoàng Anh (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)
Bài 4: Tam Đảo - "hòn ngọc" Đông Dương



Bài 4: Tam Đảo - hòn ngọc Đông Dương

Thứ Năm, 30/10/2008 11:46 | In trang nàyIn bài viết
(TT&VH) - Có lẽ không còn mấy ai nhớ rằng, người Pháp đã dùng cụm từ “hòn ngọc Đông Dương” để chỉ Tam Đảo ngót 100 năm trước. “Nhã hiệu” này đã chìm lấp theo thời gian, trong mây núi, cỏ hoang, dưới bước chân hàng triệu lượt người qua lại. 
* Lai lịch khách sạn cổ nhất Tam Đảo
Tài liệu thời Pháp ghi: Tam Đảo là một trạm nghỉ trên núi cao (930 mét) nằm trong vùng châu thổ Sông Hồng. Đây là khu nghỉ mát lý tưởng đối với các quan chức người Âu và gia đình của họ, nhất là vào những ngày nắng nóng. Trong suốt 15 năm, chính quyền thuộc địa đã chi vào đây khoảng 50.000 phơrăng mỗi năm.
Tài liệu lưu trữ về Tam Đảo tại Trung tâm lưu trữ quốc gia không nhiều, ngoại trừ một số thông tin như năm 1904, một phái đoàn quân sự được Phủ Toàn quyền giao nhiệm vụ tìm trong dãy núi Tam Đảo, một địa điểm thuận lợi để đặt một trạm nghỉ mát mùa hè. Phái đoàn đã báo cáo là ở độ cao 930 mét có một khoảnh đất hình vành chảo có thể đáp ứng những yêu cầu của dự án nói trên.
 Khách sạn Thác Bạc - cổ nhất ở Tam Đảo
Năm 1906, Phủ Toàn quyền quyết định xây dựng trạm nghỉ mát này. Một hợp đồng xây dựng đường sắt cáp kéo và một khách sạn lớn đã được ký kết giữa Chính quyền thuộc địa và một Công ty tư nhân. Nhiều công trình nghiên cứu tốn kém cũng đã được thực hiện nhưng việc thực hiện chương trình này ban đầu bị chậm lại và sau đó buộc phải từ bỏ hoàn toàn do chiến dịch Yên Thế và vì lý do tài chính. Ngay từ khi đó, người ta chỉ bằng lòng với việc nâng cấp con đường đi từ Vĩnh Yên lên núi và tiếp tục kéo dài thêm 300 - 400 mét rồi tới độ cao 930 mét.
Bên cạnh những căn nhà nghỉ của Công sứ Vĩnh Yên và của Phủ Thống sứ, cho đến tận năm 1912 ở Tam Đảo hầu như chỉ có nhà ở của lính gác chính, đồn lính khố xanh, một hoặc hai ngôi nhà nghỉ và hai hoặc ba hầm trú ẩn. Mặc dù vậy, lượng khách du lịch và khách nghỉ mát hàng năm đến đây ngày càng đông và vào năm 1913, một khách sạn đầy đủ tiện nghi với 16 phòng được mở, ngay lập tức khách sạn đó không còn một chỗ trống. Đó chính là Khách sạn - Nhà hàng Thác Bạc (Hôtel - Restaurant de la Cascade d’Argent) và là khách sạn đầu tiên và lớn nhất tại Tam Đảo.
Việc xây dựng Khách sạn - Nhà hàng Thác Bạc là dấu hiệu phát triển mang tính quyết định của trạm nghỉ. Vào đầu năm 1914, một ngôi làng được xây dựng gần khách sạn cùng với các toà biệt thự của tư nhân, của các Cty…
* Xây dựng ròng rã trong 40 năm
Từ 1907, Pháp “mộ phu” làm cầu cống và cho xây khu nghỉ mát trên một thung lũng tròn có đường kính khoảng 2km. Có vè rằng “Suốt năm làm ở đỉnh non/ Ở nhà cha mẹ vợ con mất nhờ/ Thân tôi khổ đến bao giờ…” Ròng rã trong khoảng 40 năm, Tam Đảo được xây dựng khá hoàn chỉnh với chừng trên 100 biệt thự lớn nhỏ, sân vận động, bể bơi, nhà thờ, dần dần hình thành 2 làng riêng: “làng Tây” và “làng An Nam”.
Có lẽ là do may mắn, chúng tôi có được trong tay một số ghi chép về quê hương Tam Đảo của Ban liên lạc đồng hương vùng đất này ở Hà Nội. Theo đó, từ năm 1902 trở về trước, Tam Đảo là một bản làng có hơn một chục hộ dân người Dao ở rải rác ven suối, lòng chảo thôn 1 và phía đông thôn 2 hiện nay. Khi Pháp xây dựng khu nghỉ mát, người Dao bỏ đi, sang Quân Chu (Thái Nguyên), xuống Lập Thạch(Vĩnh Phúc), một số sang Ba Vì (Hà Nội).
Sau Khách sạn- Nhà hàng Thác Bạc (năm 1913), từ năm 1914 trở đi, Pháp xây dựng các nhà bằng gạch đá ở Tam Đảo. Các thập kỉ 10, 20 thế kỷ trước, vật liệu xây dựng gồm đá khai thác tại chỗ, mái kết cấu gỗ và trần toóc xi. Nhà nhiều tầng có cầu thang gỗ, sàn dầm gỗ lát ván, hoặc sắt hình liên kết với gạch cuốn (nhà Toàn quyền, nhà ở của cha cố), ngói lợp chở từ Pháp sang như ngói nung Mác-xây, ngói đá mỏng (ác đoa), loại nhà này phần lớn nằm ở lòng chảo và ở sườn núi phía Tây (nhà Chánh xứ, nhà Hồ Đắc Điềm…)
Ông Nguyễn Hồng Hiệp – Chánh văn phòng huyện ủy, người sinh ra tại Tam Đảo nhận xét: “Sườn núi phía Tây về chiều nhiều ánh nắng, trong vùng không khí ẩm thì đó là một lựa chọn khôn ngoan”.
Đến thập kỷ 30, 40 đã xuất hiện nhiều nhà bê tông cốt thép kết hợp với tường gạch đá và được mở rộng về phía Đông Bắc. Tới năm 1945 có 143 biệt thự lớn nhỏ (lưu ý: chúng tôi vẫn đặt dấu hỏi về số biệt thự này), trong đó có dinh Toàn quyền, nhà kiểm lâm, nhà lục lộ…
Ban đêm ánh điện lấp lánh, rực sáng núi rừng.
Giữa lòng chảo là khu công viên – thể thao văn hóa: có bãi rộng, có bồn hoa, ghế đá, sân chơi trẻ em…Cây cỏ nhiều loại đưa từ Pháp sang (chỉ trồng được ở nơi mát); vào hè, trăm hoa đua nở, trăm màu khoe sắc; có bể bơi dành cho người lớn, có cả bể bơi dành cho trẻ con; có sân quần vợt, có nhà bắn bia; xa và cao hơn về phía Đông bắc có sân bóng đá… có các ki ốt (nhà lục lăng), ở những nơi có tầm nhìn rộng, gần khách sạn Metropole và gần nhà Toàn quyền, phía trước ki ốt có bàn đá hình cánh cung, mặt bàn vạch các mũi tên chỉ hướng và khoảng cách tới các địa danh trung du đồng bằng…
Toàn cảnh Tam Đảo thời Pháp thuộc
* Tam Đảo 2 và kế hoạch dang dở thời Pháp
Tam Đảo thời đó là một nơi thần tiên non bồng, chẳng thế mà người Pháp đã ví lòng chảo này là hòn ngọc Đông Dương.
Đầu những năm 1940, Pháp còn phát hiện về phía Tây và cách Tam Đảo hiện nay chừng 12km, còn một nơi nữa mà chúng gọi là Tam Đảo 2, cũng có thể lập thành khu nghỉ mát, rộng hơn lòng chảo hiện tại, cũng đẹp và cũng có nguồn nước sạch. Pháp đã bắt đầu mở đường, nhưng kế hoạch này dang dở.
Từ năm 1948, hoàn cảnh chiến tranh đã khiến Tam Đảo bị tàn phá. Tam Đảo – với mỹ tự “hòn ngọc Đông Dương” - đã bị lãng quên theo gió núi, sương rừng. Tuy nhiên, chỉ riêng năm 2007, đã có 919.900 lượt người đã đến Tam Đảo (914.000 trong nước, 5.900 nước ngoài). Nhưng có vẻ như còn không nhiều người biết về những gì đã diễn ra trên mảnh đất này. Thậm chí, rất ít người biết ai đã tìm ra Tam Đảo, cũng như đã từng có bao nhiêu biệt thự được xây dựng lên thời Pháp thuộc. Có đồng nghiệp của chúng tôi từng kể, ở lòng chảo này có từng có tròn 100 biệt thự Pháp cổ, và được bố trí xây dựng khéo đến nỗi, nếu đứng ở cửa bất kỳ biệt thự nào cũng có thể nhìn thấy 99 biệt thự còn lại xung quanh. Đó chỉ là một trong những câu chuyện được lan truyền đến mức trở thành… huyền thoại hóa về nghệ thuật quy hoạch lòng chảo Tam Đảo. Hỏi một vị lãnh đạo thị trấn này rằng, Tam Đảo từng có bao nhiêu biệt thự, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Chưa từng đếm lại bao giờ. Cỏ hoang che hết còn đâu…”
Ghi chép của Việt Thường - Hoàng Hằng
Bài sau: Những “nô lệ” đã làm nên "hòn ngọc" Tam Đảo

Bài 5: Những "nô lệ" đã làm nên "hòn ngọc Đông Dương"

Thứ Bảy, 01/11/2008 09:24 | In trang nàyIn bài viết
(TT&VH) - Làm nên giá trị của "hòn ngọc Đông Dương" như "nhã hiệu" dành cho Tam Đảo, phải chăng là những ông chủ người Pháp, những vị quan lớn đã có những biệt thự xa hoa trên lòng chảo này? Họ có đội đá, vác gạch lên đỉnh núi chăng? Không, chính những người phu phen thời đó đã vắt kiệt sức mình cho Tam Đảo mỹ lệ, và họ bị chính quyền thực dân đối xử như những nô lệ.
Trên 100 biệt thự được xây bằng công sức người Việt
Cựu Chủ tịch kiêm Bí thư Thị trấn Tam Đảo Nguyễn Thị Duyên, trong một bài viết ngày 7/11/1987 cho rằng, nơi này được Pháp chọn làm nơi nghỉ mát từ 1902 - 1905, việc xây dựng ròng rã từ 1905 đến 1941 thì cơ bản xong. Tổng cộng có 123 biệt thự (ít hơn con số thống kê của huyện Tam Dương là 143 biệt thự), một nhà tù, hai trại binh và một hệ thống nhà dịch vụ, trong đó có khách sạn 5 tầng Metropole. Hàng năm có hàng nghìn gia đình người Pháp lên nghỉ mát. Họ là những nhà tư sản, những quan cai trị cỡ bự như toàn quyền Đông Dương Catroux, Decoux, Thống sứ Bắc Kỳ Delsal, Chánh sứ Vĩnh Yên Removille… sống xa hoa trong những biệt thự lộng lẫy do chính tay những người lao động bản xứ Tam Đảo xây nên.
 Trồng su su trên nền biệt thự cũ
Theo ký ức của ông Nguyễn Hữu Chuân - người Tam Đảo, quá trình hình thành hòn ngọc Đông Dương này là quá trình tập trung và định cư người lao động, người làm thuê làm mướn, vì vậy cư dân Tam Đảo không có lịch sử lâu đời như những làng quê Việt khác, chỉ tròm trèm 100 năm. Và nửa thời gian đó - dưới thời thuộc Pháp - là nô lệ. Sau khi những người Dao bỏ đi, tất cả người Việt lên Tam Đảo đều là những nông dân phải rời bỏ quê cha đất tổ, tha phương cầu thực với hai bàn tay trắng, lao động để kiếm sống, hầu hết là người ở các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên…
Từ dân phu làm đường và khai thác vật liệu làm đường của người dân Tam Đảo tương lai bám dần vào hai bên đường để tiến vào lòng chảo. Di tích còn lại là đền thờ ở chân suối (km 13), đền Cậu (km 14), nơi ở là cái cốt cát xăng (km 19), Hương Canh (km 21), họ sống chui rúc trong các lán tranh tre ven đường và gửi gắm nỗi thống khổ của mình vào các đền chùa miếu mạo.
Phải kể đến từ những người lam lũ nhất như phá núi, làm đường, khênh kiệu, vận chuyển bằng khuân vác từ đồng bằng lên cao trên 900 mét. Để có được hòn ngọc Tam Đảo này và vận hành nó, người Nam ta đã đổ không biết bao mồ hôi xương máu và nước mắt. Pháp đã huy động phu phen của tỉnh Vĩnh Yên lên phá đá mở đường. Quan huyện Hương Canh phải đích thân xua dân làm đoạn đường từ km 20 đến km 24. Tại km 21, nơi có lán trại hồi đó, bây giờ còn cây gạo mà dân ta vẫn gọi là cây gạo Hương Canh. Quan thực dân thời gian đầu lên Tam Đảo bằng cách ngồi ghế song loan, phu phen mỗi chuyến 6 người, thay đổi vai, khiêng lặc lè từ km 13 lên lòng chảo.
 Phu khuân vác song loan từ độ cao 400m lên lòng chảo Tam Đảo (ảnh do Khách sạn Cây Thông - Tam Đảo sưu tầm)
Chỉ riêng chuyện làm sân vận động năm 1943, quan giục lính, lính ép dân - người lao động làm việc trong những ngày rét cắt ruột, có lúc nhiệt độ xuống tới 3 - 4 độ C, vừa cực nhọc vừa ăn uống kham khổ, roi vọt đánh đập, đói rét đã làm 23 người chết.
Những "cỗ máy người" cho các quan thầy ở Tam Đảo
Sau nhiều năm liên tục làm phu, làm thợ, đi buôn… họ ở lại đất này. Dân số Tam Đảo năm 1941 khoảng 1.000 người - năm cao nhất 1943 có xấp xỉ 6.000 người. Tất cả là những cỗ máy người phục vụ cho các quan thầy thượng lưu trên Tam Đảo.
Họ chia làm hai nhóm. Một bộ phận chuyên về “gác nhà”. Mỗi chủ biệt thự phải thuê người trông nom, nơi ở của họ là nhà bếp, nhà để xe, cá biệt có gia đình được ở ngay tầng một của biệt thự - khoảng 1/3 người gác các nhà nghỉ của các công sở Pháp là lính như các ông Ngũ Văn, Ngũ Tuyên, Ngũ Cát Tô hoặc nhân viên bậc thấp của chính quyền Pháp, số còn lại từ thợ thuyền chuyển sang gác nhà. Một bộ phận lớn còn lại chuyên làm thợ: mộc, nề, tạp dịch, sửa chữa đồ gỗ, đồ mây, ống nước… buôn thúng bán mẹt, trồng rau, chăn nuôi ở “làng An Nam”.
Mức sống của người gác nhà có nhỉnh hơn mức sống thợ thuyền ở “làng An Nam” một chút vì có lương tháng. Khi thôi không gác nhà có người lại chuyển xuống sống chen chúc trong “làng An Nam”…
Người gác nhà lỡ để mất mát gì thì bị chủ nhà hành hạ đủ tội, và cho lục soát cả làng An Nam. Lính khố xanh được phép bắn bia qua làng - lính đứng ở đầu dốc lối xuống của làng, bia lưng chừng núi cắt đường vào đền Đức Thánh Trần - những ngày này cả làng không dám ra khỏi nhà, biết đâu đạn lạc, biết đâu đạn rơi dọc đường.
Nhà pha (tiếng dân ta gọi người tù) bị đầy đọa quanh năm để phục vụ cho những ngày phè phỡn của quan thầy: dọn cây cỏ hai bên đường, cả những đoạn vách đá thẳng đứng, manh áo mỏng sao chống được rét; miếng cơm hẩm cá mắm sao đủ sức lao động khổ sai. Có người đi nghỉ khi chơi trên đầu Thác Bạc đã ngã chết, xác nằm lơ lửng ở khe đá giữa thác, chúng lại bắt nhà pha lấy xác lên. Theo ông Nguyễn Hữu Chuân, đã có người tù chọn cái chết để thoát cảnh trần gian cực nhọc: khi ngồi ở lề đường bên vách núi thẳng đứng đã ngả người cho lăn xuống thung lũng Thác Bạc. Tự tuyệt một kiếp người.
Bể bơi người Việt tuyệt đối không được sử dụng. Người Pháp sống đế vương trong các biệt thự đầy đủ tiện nghi, có bồi bếp, phục dịch từ ăn uống, giặt giũ, quét tước lau chùi nhà cửa... Mùa hè, bà con ở chân núi làng Mấu, làng Mạ… mỗi ngày đến vài chục người gánh gồng đủ mọi thứ lên bán như gạo, gà vịt, cá tươi, rau dưa, hoa quả… Cách một ngày một phiên chợ, thực phẩm ê chề, thịt lợn, thịt bò phải giữ nguyên tim, gan, óc để bác sĩ khám rồi mới bán.
Dân ta thì sống quá khổ - có gia đình đẻ 11 lần mà chỉ nuôi sống được 3, trẻ con mới 13, 14 tuổi đã phải đi đập đá, phụ hồ. Chỉ được phép đun nấu bằng lau sậy, củi khô; nhà nào mà chặt củi tươi là bị phạt.
Một số nhà chăn nuôi đã đấu thầu mua nước gạo của khách sạn Metropole, hay của trại lính Tây. Cơm thừa canh cặn của trại lính Tây được lén bán lại cho dân.
Đỉnh điểm về phân biệt tầng lớp có thể thấy chính ở đất này. Và không phải ai khác, chính người nô lệ Tam Đảo đã nổi dậy làm chủ số phận mình, thiêu đốt các biệt thự như trong một câu thơ làm chứng: “Đang đổ sụp một nguy nga man rợ/ Đang tan bay một xán lạn phù hoa…”
Việt Thường (Ghi chép)
Bài cuối: Toàn cảnh về các khu nghỉ trên núi thời Pháp
http://thethaovanhoa.vn/133N20081031093923406T0/bai-5-nhung-no-le-da-lam-nen-hon-ngoc-dong-duong.htm


Bài cuối: Toàn cảnh về các khu nghỉ trên núi thời Pháp

Thứ Hai, 03/11/2008 10:18 | In trang nàyIn bài viết
(TT&VH) - Trong 5 bài vừa qua, chúng tôi đã giới thiệu khái lược về quá trình hình thành cũng như hiện trạng của một số khu nghỉ trên núi nổi tiếng thời Pháp thuộc như Ba Vì, Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo. Để có một cái nhìn toàn cảnh về các khu nghỉ trên núi ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung, chúng tôi xin giới thiệu tóm lược bài viết của Chánh Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương CERUTTI trên Tạp chí Đông Dương, số 164-165, ngày 28-10-1943.
Phát triển mạnh sau năm 1940
 Toàn cảnh Tam Đảo qua tờ rơi của KS Thác Bạc thời Pháp
Trước năm 1940, khi các mối quan hệ với bên ngoài tự do hơn thì chỉ có hai khu nghỉ mát Tam Đảo và Đà Lạt vẫn còn được yêu thích do nằm gần thành phố Hà Nội và Sài Gòn. Đây là những địa điểm được binh lính trong quân đội thuộc địa - những người hiếm khi trở về Pháp và những ai vĩnh viễn ở lại xứ sở này đặc biệt đánh giá cao. Ngoài ra, rất nhiều người Âu mà chủ yếu là công chức có thời gian lưu trú tại thuộc địa trong thời gian ngắn thích vùng biển và các kỳ nghỉ trên núi cao hơn. Do vậy, vào thời điểm đó những khu nghỉ trên núi của Đông Dương còn phát triển sơ sài và mới chỉ hiện diện trên các bản vẽ và hình phác thảo nhưng lại thiếu ý tưởng chủ đạo cũng như chương trình tổng thể. Ngoại trừ trường hợp Đà Lạt: Những ý định tổ chức thành phố trong tương lai đã dẫn tới sự ra đời dự án Hébra vào năm 1923. Vì thế, vấn đề đặt ra khi đó là làm sao chuyển được thủ đô hành chính Đông Dương về Đà Lạt.
Vậy mà kể từ năm 1940, khi các mối quan hệ với bên ngoài bị huỷ bỏ, sự kéo dài thời gian lưu trú tại Đông Dương, nhu cầu nghỉ ngơi hồi sức, tìm kiếm sự trong lành của khí hậu vùng cao phù hợp với những cơ thể bị suy yếu hoặc kiệt sức do sống lâu tại thuộc địa, những người đang lại sức và một số bệnh nhân đã làm cho tỷ lệ người Âu đến sống tại các khu nghỉ trên núi ngày càng tăng. Song song với sự tăng trưởng dân số này là sự xuất hiện của những kẻ đầu cơ và nhiều cuộc nhượng địa ban đầu chỉ mang tính chất nông nghiệp sau nhanh chóng biến thành các lô đất. Điều này chỉ mang lại lợi nhuận cho những người được nhượng đất nhưng lại gây tổn hại lớn cho việc quy hoạch đô thị. Các nguồn vốn không được sử dụng đã được đầu tư tại đây.
Cũng vì thế mà phần lớn các khu nghỉ này được phát triển một cách vô kỷ luật do thiếu các dự án quy hoạch mang tính hợp pháp.

Những ý đồ bài bản
Ngay từ khi nắm quyền, Phó Đô đốc Decoux đã hiểu được sai lầm này đến từ đâu, mặt khác ông ta cũng nhận thức được vai trò quan trọng của các khu nghỉ này trong tương lai và đã quyết định chỉ đạo việc phát triển các khu nghỉ một cách hợp lý và theo các bản vẽ hài hoà. Hơn thế, ông ta còn áp đặt một số chương trình khác nữa.
 
Cũng kể từ giai đoạn này mà Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương ra đời và nhiệm vụ đầu tiên là nghiên cứu các trung tâm lớn, tiến hành quy hoạch và mở rộng các khu nghỉ trên núi cao. Cho đến nay, phần lớn các bản vẽ này vẫn được dùng để phục vụ các lợi ích công cộng.
Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương không chỉ tiến hành quy hoạch và mở rộng các trung tâm đã được thành lập như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo mà còn tiến hành nghiên cứu những khu nghỉ mới như Ba Vì với độ cao 1000 mét và Paksong trong tương lai.
Sự phát triển của Đà Lạt vượt qua khuôn khổ của một khu nghỉ thuần túy trên núi cao, trở thành một trong những trung tâm hấp dẫn của khu vực Viễn Đông.
Việc mở rộng Tam Đảo còn rất hạn chế do nằm trong một khoảnh đất trên chỏm núi. Vì vậy nó chỉ được phát triển về chiều cao nên đã có nhiều nhà cao tầng được mọc lên. Bản vẽ kèm theo đây sẽ cho bạn đọc thấy một cái nhìn bao quát về việc quy hoạch được dự kiến tại trung tâm này. Sân vận động, chắc chắn đẹp nhất Đông Dương được xây dựng vào năm 1942. Trạm nghỉ này còn có các khách sạn, sòng bạc, cửa hàng, một toà nhà hành chính…
Khu nghỉ mát Ba Vì với độ cao 1000 mới ra đời cách đây không lâu. Đầu năm 1942, nơi đây không có gì ngoài một dãy núi có rừng bao phủ, gồm ba đỉnh núi như tên gọi. Ba Vì khi đó được rất ít người hoặc gần như không ai biết đến. Xung quanh có vài con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo. Vào tháng 6 năm 1943, một con đường được mở chạy từ độ cao 600 mét lên tới 1000 mét. Tại đỉnh cao này có lô đất đầu tiên mà chúng tôi đang tái hiện và 24 lô khác đã được bán ngay lúc ấy. Đợt quy hoạch đầu tiên này là một phần trong sơ đồ tổng thể tập hợp 3 đỉnh núi trông ra phía quảng trường có đài phun nước và trò chơi quần, bao gồm việc xây dựng một tổ hợp các cửa hiệu, một trạm điện báo… thêm vào đó ở phía tây còn có một trạm xá... Trên các khu đất khác tạo thành chỏm tròn đỉnh núi là khu vực nhà nghỉ, biệt thự và một vườn trẻ. Ngoài ra, việc nghiên cứu quy hoạch các đỉnh núi khác bao gồm các dịch vụ chung của khu nghỉ vẫn được tiếp tục và tiến hành ngay sau khi thực hiện việc phân lô đầu tiên.
Các khu nghỉ khác ở Việt Nam và Đông Dương
Còn các khu nghỉ trên núi Bokor (còn gọi là núi Tà Lơn ở Campuchia), Bà Nà, Bạch Mã vốn được những người Âu ở Camphuchia và Việt Nam ưa chuộng thì cho đến nay do chưa phát triển nên vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu về mặt quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên, khu nghỉ trên núi Bạch Mã do thu hút được nhiều khách du lịch nên Sở Quy hoạch đô thị và Kiến trúc Trung Ương đã yêu cầu phải có một dự án quy hoạch và mở rộng.
Cuối cùng, Paksong nằm ở khu vực miền trung cao nguyên Bò Lô Vên (Hạ Lào), do sự phát triển của công cuộc khai thác thuộc địa của người Âu, nên khu nghỉ này đã được đề xuất trở thành thủ phủ hành chính của tỉnh Bò Lô Vên trong tương lai. Sơ đồ quy hoạch và mở rộng trung tâm này trong tương lai khi đó đang là đề tài của một số công trình nghiên cứu đặc biệt, bởi độ cao khoảng 1300 mét sẽ biến nó thành một nơi nghỉ mát phát triển mạnh không chỉ thu hút sự quan tâm của Đông Dương, đặc biệt là miền Trung, Hạ Lào và Camphuchia mà có thể còn thu hút cả khách du lịch Thái Lan và các nước khác. Thành phố mới sẽ nằm ở khu vực phía đông Paksong hiện nay trên vùng cao nguyên dốc thoải nối tiếp Phou - Thevada (núi Tiên thuộc huyện Paksong ngày nay), một vị trí đầy gió rất phù hợp với việc xây dựng và phát triển thành phố một cách hợp lý.
(*) Đầu bài và các tít phụ trong bài do TT&VH đặt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.