Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Nhà sàn cột bê tông

Nhà sàn cột bê tông lên ngôi

Duy Hùng   -Thứ Hai, 25/03/2013,
Trung tuần tháng 3, về các xã thuần nông của huyện Yên Sơn và Hàm Yên (Tuyên Quang), đi trên con đường bê tông phẳng mịn, nhìn nếp nhà sàn bằng cột bê tông khang trang sạch đẹp, trong chúng tôi hiện lại hình ảnh đậm nét của miền quê núi.
Những ngôi nhà sàn cột gỗ lâu ngày hư hỏng, nay được bà con thay bằng cột bê tông, đang tạo phong trào rộng khắp các thôn bản của đồng bào Dao, Cao Lan, Tày. Sự thay đổi chất liệu làm nhà từ vật liệu khó kiếm sang vật liệu có sẵn trên thị trường đã khẳng định tư duy mới của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang trong tiến trình hội nhập.
VỪA RẺ VỪA BỀN
Đến thôn Phúc Long 3, xã Thành Long (Hàm Yên), chúng tôi vào thăm gia đình anh Đặng Văn Chính, vừa hoàn thành ngôi nhà sàn 3 gian 2 chái với 4 hàng chân vững chãi. Chị Bàn Thị Hiền (vợ anh Chính) cho biết: "Do ngôi nhà gỗ mục hỏng, lẽ ra phải làm cách đây 3 năm nhưng gỗ rừng không còn, gỗ rừng trồng cây còn quá nhỏ. Hơn nữa mua gỗ ngoài thị trường giá lại quá cao, cả gia tài của gia đình không đủ mua được nửa số cột cần làm nhà.
Trong lúc khó khăn ấy, các hộ nghèo có nhà dột nát được huyện hướng dẫn làm nhà bê tông, thấy vậy vợ chồng tôi đi xem tham khảo nhiều nhà sàn cột bê tông, nhưng chung quy lại có 3 mẫu chính là mẫu nhà 3 hàng chân; nhà 4 hàng chân (kiểu nhà của người Cao Lan và người Dao); nhà có từ 5 đến 6 hàng chân (kiểu nhà của người Tày).
Để tiết kiệm vật liệu, vừa có ngôi nhà đẹp lại chắc chắn, chúng tôi chọn mẫu nhà, phần mái làm theo kiểu của người Tày, chân cột làm theo kiểu của người Dao. Sau 2 tháng thi công, khi hoàn thành ngôi nhà chi phí hết 130 triệu đồng, số tiền làm nhà chỉ bằng 1/3 số tiền so với làm nhà gỗ".
Anh Tướng Văn Thao ở thôn Đồng Trò, xã Tứ Quận (Yên Sơn) đón tiếp chúng tôi niềm nở và bảo, làm nhà sàn kiểu này (nhà sàn cột bê tông) vừa bền đẹp lại dễ làm. Nhà ít người nên chỉ làm 1 gian, 2 chái với 28 cột làm từ bê tông cốt thép, phần lòng nhà chỉ có 110 m2 nhưng được thiết kế chắc chắn và phù hợp với địa thế.

Ngôi nhà sàn cột bê tông của gia đình anh Tướng Văn Thao ở thôn Đồng Trò, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn
Anh Thao cho biết thêm, làm nhà bằng cột bê tông vừa rẻ, lại bền vững, bà con người Dao chúng tôi thích nhất kiểu nhà này bởi nó chống được gió bão. Cũng bởi các cột bê tông đều có móng sâu từ 0,9 đến 1,1 m và phần chân đế đổ vuông 90 x 90 cm, các cột, xà gắn kết nhau bằng xi măng cốt thép. Tính riêng phần vật liệu cho ngôi nhà này tiêu tốn hết 8,3 tấn xi măng, 160 cây sắt có đường kính từ 12 đến 16 mm. Tính cả vật liệu xây dựng và tiền công thợ, chi phí hết 118 triệu đồng cho ngôi nhà này.
Ông Nguyễn Văn Đàm, Trưởng thôn Đồng Trò, đi cùng chúng tôi tâm sự, nề nếp sinh hoạt ở nhà sàn của đồng bào đã in đậm trong tiềm thức của nhiều thế hệ. Do nguyên liệu gỗ làm nhà khó khăn, có hộ đã làm nhà đất, nay có phong trào làm nhà sàn bằng cột bê tông lại quay sang làm nhà sàn. Trong thôn Đồng Trò có 140 hộ, có tới 80% là nhà sàn, trong số đó có 34 hộ làm nhà sàn bằng cột bê tông.
Vào mùa hoa gạo, mỗi khi đến thôn bản của đồng bào các dân tộc ở miền núi Tuyên Quang, chúng ta thường được thưởng thức món ăn: xôi đỗ đen, lợn thui, măng đắng, rau rớn, mật ong..., tất cả thực phẩm đều "chuẩn GAP". Dẫu nhịp sống ngày nay có hối hả, bận rộn, nhưng mỗi khi bước chân vào những căn nhà sàn lát ván gỗ, chúng ta cảm thấy sự thư thái, bớt đi sự căng thẳng thường nhật.
Cuộc sống ngày nay, việc chung sống của nhiều thế hệ trong một nhà không còn, thay vào đó là nhu cầu tách hộ, nhu cầu đất ở ngày càng tăng, chính vì đó mà một cụm dân cư có nhiều dân tộc chung sống đan xen, hòa đồng. Trong mối giao hòa của cộng đồng các dân tộc, bà con đã biết chắt lọc những ưu điểm của từng kiểu mẫu nhà để ghép vào ngôi nhà của mình vừa bền đẹp, lại có nhiều tiện ích.
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, việc chỉnh trang khu dân cư xây dựng đời sống văn hóa, những ngôi nhà sàn cột bê tông đều không có chuồng gà, chuồng lợn dưới gầm sàn, thay vào đó là nơi để lương thực, xe máy, công nông, máy tuốt lúa và công cụ lao động.
Phong trào xây dựng làng văn hóa, bố trí khu dân cư tập trung không chỉ giữ lại được bàn sắc văn hóa của bà con dân tộc mà còn tôn vinh, lưu giữ giá trị truyền thống và phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng.
Khác với nhiều nơi, ngay khi triển khai Chương trình xây dựng NTM, đầu năm 2010, huyện Hàm Yên đã định hướng khá rõ, việc làm nhà ở cho đối tượng các hộ nghèo. Ông Hà Phúc Phình, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, cho biết, cùng với việc vận động bà con trong khu dân cư giúp nhau ngày công, vật liệu làm nhà, huyện có bản vẽ mô hình làm nhà sàn cột bê tông phù hợp với tập quán của đồng bào và nguồn vốn hộ trợ theo Chương trình 167.
Đối tượng xóa nhà tạm cho hộ nghèo, được hỗ trợ 8,4 triệu đồng, nếu làm nhà sàn cột bê tông được vay thêm 8 triệu để mua xi măng, sắt thép. Thực hiện phương châm "Nhà nước và cộng đồng chung tay làm nhà cho hộ nghèo", bà con trong khu dân cư đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau tre, gỗ từ rừng trồng để hộ nghèo lát sàn nhà.
Do đặc điểm khí hậu của miền núi, vào thời điểm tháng 3 và 4 nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, nhà đất lát nền gạch hoa thường ướt nền (do bị nồm), nhưng làm nhà sàn dẫu có mưa phùn thì nền nhà vẫn khô ráo. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở đất đá nếu ngôi nhà sàn làm bằng gỗ dễ bị đổ sập, thì ngôi nhà cột bê tông có đổ hố móng khung nhà được liên kết bằng khung cứng xi măng cốt thép vững chắc hơn.
Với tập quán của đồng bào miền núi thường chọn thế nhà, lưng tựa vào sườn núi, mặt hướng ra đồng ruộng, phía trước nhà có ao cá, tạo nét phong thủy hài hòa. Giờ đây, khi vào buổi chiều tà, đi vào các bản, làng của đồng bào, lấp ló những mái nhà sàn, thấy làn khói mờ lan tỏa, hương vị của miền quê núi thật lắng đọng.
Hỗ trợ xi măng, thép cho hộ nghèo
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong tiêu chí nhà ở khu dân cư, trước mắt tập trung vào xóa nhà tạm, xóa nhà dột nát cho đồng bào các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Với phong trào làm nhà sàn cột bê tông cho đối tượng hộ nghèo và gia đình chính sách thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Đáp ứng nguyện vọng của bà con các dân tộc trong tỉnh, Tuyên Quang đã có chủ trương hỗ trợ một phần xi măng, sắt thép, để giúp đồng bào là đối tượng hộ nghèo thay ngôi nhà dột nát. Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Tuyên Quang đã lựa chọn tiêu chí mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân để làm khâu đột phá.
Nhà sàn cột tròn đổ móng, các xà, dầm và các vì kèo được đúc bằng bê tông cốt thép theo kiến trúc nhà gỗ; đòn đỡ sàn và ván sàn bằng gỗ; mái nhà lợp bằng ngói hoặc lá cọ; xung quanh được bưng bằng gỗ. Theo kiến trúc trên, không chỉ lưu giữ nét thẩm mĩ của ngôi nhà sàn truyền thống, mà còn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi.
Là tỉnh có truyền thống bảo vệ và phát triển rừng, Tuyên Quang có chủ trương hỗ trợ xi măng, sắt thép cho hộ nghèo, gia đình chính sách làm nhà, khắc phục được tình trạng phá rừng, nhất là khu vực rừng nguyên sinh. Điều dễ nhận thấy, mỗi xã có từ 3 đến 4 đội thợ làm nhà sàn bằng cột bê tông, trong đó mỗi đội thợ có từ 7 đến 9 người, không chỉ tạo được việc làm, mà còn góp phần đáng kể vào tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng nông thôn.
Trong điều kiện kinh tế phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại, nhu cầu tiện nghi sinh hoạt ngày càng cao nhưng nhiều hộ dân vẫn mưu cầu có nếp nhà sàn, cũng bởi sự phóng khoáng của nơi ở và gần gũi với thiên nhiên. Những ngôi nhà sàn cột bê tông phù hợp với điều kiện kinh tế, bản sắc văn hóa và hoàn cảnh tự nhiên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.