Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

TRƯỜNG XƯA- ĐHKT- NGÔN NGỮ KIẾN TRÚC

Nức lòng với kỷ niệm xưa gợi về khi đọc các bài viết về trường xưa rất hấp dẫn của KTS đàn anh KTS Đỗ Xuân Đạm. Xin cám ơn và mạn phép " rốp" về lưu đây để tiện nghiền ngẫm!

Tôi học Kiến trúc thời Việt hóa Đại học



 
Tôi đặt cái tựa đề đao to búa lớn như thế nhưng các bạn đừng chờ đợi tôi viết được điều gì to tát, tôi không phải là người có chí kinh bang tế thế nên nào dám lạm bàn tới các vấn đề vĩ mô, quốc gia đại sự.
Bài cùng chuyên đề:
Tôi chỉ kể vài kỷ niệm của cái giai đoạn mà Bộ giáo dục VNCH chủ trương Việt hóa đại học, nói nôm na là dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính trong tất cả các trường Đại học của Việt nam.
Đúng lý ra thì trước khi ra quyết định đó, bộ Giáo dục phải mời các nhà ngôn ngữ, các nhà chuyên môn soạn các tự điển chuyên ngành trước để giáo sư và sinh viên có cơ sở sử dụng từ cho chính xác và thống nhất, nhưng họ đã “quên” nên thầy với trò mất toi mấy năm trời lúng ta lúng túng, nói tiếng Việt mà chêm tiếng nước ngoài tùm lum!
Dấu ấn của thời kỳ ấy còn lưu rõ nét trong ngôn ngữ kiến trúc ngày nay, tôi nghĩ các trường khác như trường Y, trường Dược tình trạng này cũng không khác gì trường ta.
Trước khi viết tiếp, tự đáy lòng mình tôi mời các bạn cùng thắp nén hương tưởng niệm những người thầy tôn kính của chúng ta, nay đã là người thiên cổ.
Xin các vị hiểu cho lòng tôi, tuyệt nhiên không có ý mạo phạm khi viết những chuyện này, mà chỉ do sự thôi thúc của kỷ niệm thân thương của những ngày xưa, đã từng được học dưới mái trường mái lợp fibro thân yêu, với lòng biết ơn các thầy, với tình thân thiết nègres – patrons.
Môn học khó hiểu nhất và ít từ Việt để dịch nhất có lẽ là môn géometrie descriptive, sau dịch là hình học họa hình, do thầy Trần văn Bạch phụ trách, thầy là một vị kỹ sư công chánh lão thành, học ở Pháp về, tôi được nghe kể rằng thầy đã từng làm Bộ trưởng công chánh, được mọi người trọng vọng, nhưng vì không đủ từ ngữ tiếng Việt để giảng bài nên thường thầy chỉ vẽ hình và chỉ trỏ là chính.
Vả thầy cũng bất cần cái qui định Việt hóa của bộ Giáo dục, thầy cứ dùng sách Pháp, đề thi cũng bê nguyên con trong sách Pháp.
Khi thấy học trò ngơ ngác, thầy hay gồng cánh tay lực sĩ của mình lên rồi dứ dứ nắm đấm dọa “Thầy khỏe lắm, ra công trường đứa nào cãi láo là thầy cho một thoi liền đó.”
Tôi chắc các bạn cùng lớp nhiều người cũng chẳng hiểu gì hơn tôi,  chỉ chờ thầy sơ ý là lén lấy sách của thầy tra phần bài giải.
Vị giáo sư thứ hai gặp khó khăn trong tiếng Việt có lẽ là thầy Bùi Quang Hanh, vị sư phụ có mái đầu bạc trắng, khi sửa bài thầy hay quơ cây bút chì vẽ vòng vòng trên bài của học trò,
“You phải làm vầy, cái nầy qua cái nầy như vầy mới hợp lý…”
Có anh chàng, khi đi sửa bài, vẽ bài không kỹ bị thầy truy, tưởng bở cũng quơ tay trình bầy:
“Thưa thầy em tính làm vầy, làm như vầy…”,
Thầy để cho anh ta nói một hơi rồi từ tốn bảo:
“Thôi you khỏi học nữa, để tui nói Khoa trưởng cấp cho you cái bằng kiến trúc sư nói!”, từ đó anh nào miệng nói mà tay không vẽ được ra thường bị gọi là architecte parlant.
Các vị giáo sư khác chuyển qua tiếng Việt có phần dễ dàng thoải mái hơn.
Nhờ  những nỗ lực của Tổng Nha Kiến thiết, Tổng cục gia cư và tờ tạp chí chuyên ngành XDM (nguyệt san hay tam cá nguyệt san gì đó) vài năm sau chúng tôi cũng đã có số vốn từ vựng chuyên môn tạm đủ dùng.
Tuy nhiên trong trường, chúng tôi vẫn giữ thói quen nói chuyện với nhau chen vào một số từ tiếng Pháp.
Nói cho thật lòng, trong sinh hoạt đồng môn nói làm cạc-nê sì-tê, cạc-nê-cồng, làm analo, làm esquisse, làm concours, làm projet, đớp valeur, ăn bài, phua bài, a-văng-xê, sa-rết, răng-đu… nghe nó đã hơn khi nói toàn tiếng Việt.
Nhân đây tôi cũng muốn ghi lại các từ mà hồi đó hay dùng, để các bạn tham khảo, kẻo lâu ngày bị tam sao thất bổn.
1. Analogue: Bài vẽ cổ điển phân tích học trên khổ giấy A1, ngày đó chưa có bút kim, chỉ dùng tire-ligne, com-pa mà phải vẽ cả một cái mái ngói, mỗi viên ngói là 2 đường cong khác nhau thì các bạn tưởng tượng xem chúng tôi phải bỏ biết bao nhiêu công sức hì hục…
2. Atelier: họa thất, ngôi nhà thân thiết của sinh viên kiến trúc chúng mình.
3. Béton armé: bê tông cốt sắt, môn học về kết cấu.
4. Carnet, hay carnet de croquis: là tập bản vẽ ghi lại những gì mình đã học, đã tìm tòi cho một môn học, gồm có các loại cạc-nê sì-tê (carnet de stéréotomie) môn thiết thể vật liệu, cạc-nê-cồng (carnet de construction) dày như quyển tự điển, làm nhanh cũng phải mất từ 3 tới 6 tháng. (Xem qua vài mẫu carnet de croquis…)
5. Changement d’esquisse: đổi partie trong họa cảo, lỗi phạm qui, bài bị loại không chấm.
6. Charetté: bài làm bị trễ, nguyên nghĩa là đẩy xe bò. Đối lại là Avancé, bài làm sớm.
7. Circulation: sự lưu thông, sự liên hệ giữa các thành phần của đồ án, một tiêu chí cực kỳ quan trọng trong khi binh bài.
8. Concours: bài thi 3 ngày, chỉ dành cho sinh viên cấp I, không có giảng đề, trên bảng A1, mỗi năm có 4 bài gồm:
- Goedeboeuf: đòi hỏi khả năng bố trí và thể hiện không gian nội thất.
- De Laon: đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú và sự bay bướm trong thể hiện.
- Labarre: đòi hỏi hiểu biết thật thấu đáo về lý thuyết kiến trúc của đề tài và khả năng bố trí tổng mặt bằng hợp lý, chặt chẽ.
- Rougevin: đòi hỏi kỹ năng thể hiện vật liệu như thật.
Tỷ lệ ăn concours là rất thấp, điển hình là bài Labarre “Bến du thuyền”, đề của thầy Huỳnh Kim Mãng, chỉ có 4 bài ăn trên tổng số hơn 200 bài nộp.
Bài  Đờ Lăng “Vườn trong mộng” , đề của thầy Nguyễn Trọng Kha, lập kỷ lục về số bài ăn, hình như 54 bài trên 242 bài nộp (tương đương với tỷ lệ “ăn” bài projet).



9. Construction: Môn học quan trọng nhất ở 2 năm thứ tư và thứ năm, thường nói gọn là cồng-cát và cồng-xanh (construction de quatrième classe et cinquième classe).
Bài thi cồng-cát chỉ là bảng vẽ A1 giải quyết một chi tiết lớn trong công trình, ví dụ như khai triển chi tiết thi công và thể hiện vật liệu cho cầu thang chính.
10. Cồng-xanh: phải vẽ ít nhất hai bảng A0, khai triển tất cả chi tiết (tỉ lệ 1/50, 1/20, 1/10, thậm chí có khi là 1/1) cho cả một ngôi nhà (thường chọn một bài projet second để khai triển), ngoài ra còn phải làm một quyển các-nê crồ-ki dày cui để nộp khi vào thi vấn đáp (orale), thầy vừa kiểm tra vừa hỏi các chi tiết trong đó, ai mà dùng đèn rọi để ‘can’ lại, không hiểu cho rõ là dễ bị thi kỳ hai lắm.
11. Contre ponsible: làm công-pông-sip là đồ lại bằng chì vào mặt sau của tờ giấy can để khi đặt suôi trên bảng vẽ dùng móng tay hay đồng xu cà mạnh thì hình vẽ từ giấy can in xuống mặt giấy canson, gọi là poncer, phải lót miếng giấy can trước khi cà thì giấy mới không bị giãn, hình vẽ không bị đề-phọc-mê (méo mó), làm analo rất cần kỹ thuật này vì như thế mới giữ cho giấy của bản vẽ sạch, khi đi ôm không bị ố.
12. Décors, décoration: môn trang trí nội thất.
13. Dessin: hội họa
14. Échelle: tỷ lệ
15. Fosse septique: hầm phân tự hoại.
16. Four: phua, là cái lò sưởi, ở bên Pháp trời lạnh, bài bị rớt thì liệng vào lò sưởi may ra còn được chút hơi ấm, vậy nên bài bị rớt gọi là phua.
17. Grand aigle, double grand aigle: xin đọc là gờ-răng-tẹc, đúp-gờ răng-tẹc, bảng vẽ khổ A1, khổ A0.
18. Hachuré: át-suya-rê, kẻ những đường cách khoảng đều nhau, như vết băm bằng rìu trên mặt gỗ.
19. Homogénité: đồng chất
20. Idées: ý tưởng.
21. Mal concordance: thường đọc tắt là Măng (M’ance), vẽ không ăn khớp giữa mặt bằng mặt cắt mặt đứng, lỗi này nặng, bài cũng bị đánh rớt.-”Mal concordance” = manque ……( đt : manquer = thiếu sót, trong Kt : khg ăn khớp )
22. Maquette: mô hình, cũng có nghĩa là bản vẽ trình bày cách sắp xếp các bản vẽ (“bố cục” – ghi chú của TL-KV) hay một cảnh diễn trên sân khấu.
23. Mention: Trị số
24. Mésopotamie: vùng đất còn nhiều di tích kiến trúc cổ, tụi tôi hay lấy chữ này, chỉ một chữ này thôi, hát nghêu ngao trong khi vẽ bài.
25. Modelage: khuôn mẫu một tiểu phẩm nghệ thuật.
26. Nègre: đàn em theo phụ với đàn anh, nguyên nghĩa là “mọi”.
27. Patron: đàn anh, nguyên nghĩa là “ông chủ”.
28. Ombre: bóng, thường nói đi ôm có nghĩa là dùng cọ tô bóng (chứ không phải là đi bia ôm đâu nghe).
29. Ordres: những kiểu thức kiến trúc cổ điển (La mã, Hy lạp)
30. Partie compacte: bố trí mặt bằng chặt chẽ, hướng nội.
31. Partie extensible: hướng ngoại, có thể mở rộng dễ dàng.
32. Plan, coupe, façade: Mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng.
33. Pers.: perpective, phối cảnh.
34. Planche, planchettette: bảng vẽ lớn nhỏ.
35. Porte mine: bút chì bấm.
36. Premìere mention: bài ăn hai trị số.
37. Poncer: pông-xê là cà cho cái hình vẽ đã làm công-pông-sip in lên giấy vẽ.
38. Repêché: đậu vớt
39. Stéréotomie: nói tắt là Sté., môn thiết thể vật liệu.
40. Rendu: thể hiện; rendering: làm nổi bật ý của partie.
Tôi đã bị rớt bài projet premìere “Hội chợ trong Thảo cầm viên” – đề của thầy Lê văn Lắm, vì partie đúng mà rendu sai, thầy Mãng chê tôi “em rendu sạch sẽ, đường đi trắng toát, các khối rời nhau như thế thì còn gì là ambiances của hội chợ”.
41. Tire-ligne: bút vẽ chuyên dùng, loại tốt nhất là của hãng Kern, Thụy sĩ, xứ sở làm đồng hồ, sài mòn vẹt mà nước xi vẫn sáng bóng.
42. Voyage, voyage d’étude: đi vòng vòng các họa thất xem thiên hạ làm bài ra sao, nhất là những lúc cạn ý.
Tôi biết mình viết còn thiếu sót, xin các bạn hiệu đính bổ sung  giùm cho.
Cảm ơn và Tạm biệt,
ĐỖ XUÂN ĐẠM   2-11-2010
-------

Tôi học Kiến trúc: “môn Lý thuyết Kiến trúc của Trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn (*)”


Học Kiến trúc thì cố nhiên môn lý thuyết kiến trúc là quan trọng nhất, vậy mà ngoài những bài kiến trúc nhập môn, kiến trúc cổ điển phân tích học ở năm thứ nhất, bài thi cũng chỉ là một bài tiểu đồ án (A2) thời các năm sau trong hệ thống các môn học scientifique không còn giảng dạy và không thi môn này nữa.
Các bạn thấy có lạ không?
Và như vậy thì kiến thức về kiến trúc sinh viên hấp thụ được từ đâu?
Sự thật là các trường kiến trúc theo hệ thống giảng dạy của trường Beax Arts Paris có một phương pháp truyền thụ lý thuyết kiến trúc thông qua việc cho sinh viên làm đồ án, rất độc đáo và hiệu quả.
Các đồ án được ra đề theo 18 thể loại, mỗi năm ra 8 đề cho 8 tháng học và một đề hè, như vậy hai năm thì ra hết một vòng và năm tiếp theo sẽ trở lại thể loại đầu tiên.
Các đề tài đó, theo tôi nhớ, nằm trong các lĩnh vực sau:
Dân dụng, Công trình công cộng, Công sở, Giáo dục, Y tế, Thể thao, Du lịch, Giải trí, Bến cảng, Sân bay, Nhà ga xe lửa, Bến xe, Trung tâm thương mại, Siêu thị, Hội chợ, …
Cả cấp II và cấp I đều làm cùng một đề tài, nhưng mức độ phức tạp và qui mô công trình khác nhau.
Ví dụ về giáo dục thì cấp II làm trường mẫu giáo, trường tiều học, cấp I làm trường trung học, trường đại học.
Một tuần trước ngày lãnh đề, vị giáo sư được phân công ra đề sẽ có một buổi giảng lý thuyết về đề tài đó tại hội trường lớn, tất cả sinh viên các lớp đều có quyền tham dự, sau buổi thuyết giảng giáo sư còn cung cấp danh mục các tài liệu, các cuốn sách mà mình đã tham khảo để sinh viên có thể vào thư viện nghiên cứu kỹ hơn.
Ngày lãnh đề thư viện đóng cửa, cổng trường cũng khóa từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, ngày làm họa cảo đồ án cấp II thì sinh viên cấp I không được vào trường, các giáo sư cũng tránh không vào trường, qui định này mang tính nguyên tắc thôi nhưng thường vẫn được mọi người tuân thủ nghiêm túc.
Họa cảo đồ án (esquisse de projet) là mặt bằng (plan) bố trí các thành phần chính của đồ án, tỷ lệ 1/100, diễn tả hình dáng phòng ốc, tỷ lệ các phòng chính, hành lang liên hệ giữa các phòng chức năng (parties) bằng chì trên giấy can hai lớp có lót giấy than, bản chính phải nộp lúc cuối giờ ngày đó, bản dưới thì sinh viên giữ lại để ghi nhớ parties của mình, điều này rất quan trọng, vì đổi parties là phạm trường qui, bài sẽ bị loại.
Qui định này rất hay vì nó buộc sinh viên phải theo dõi bài giảng lý thuyết của giáo sư ra đề cũng như tìm đọc tài liệu tham khảo thật nghiêm túc từ tuần trước, để chỉ trong 12 giờ của ngày làm họa cảo phải tìm ra một partie đúng cho đồ án của mình.
Một tuần lễ hoặc mười ngày sau tùy theo qui định của mỗi họa thất, sinh viên nộp bản lưu partie của mình cho vị giáo sư hướng dẫn, vị này nghiên cứu, phân loại các parties thành các nhóm và giảng lại những điểm chính của đề tài và định hướng tìm tài liệu nghiên cứu phát triển đồ án cho từng loại parties.
Sau đó còn có ít nhất là 3 buổi sửa bài để hoàn thiện đồ án.
Vì 5 họa thất có lịch sửa bài khác nhau nên sinh viên cũng có thể vào nghe ý kiến sửa bài của giáo sư các họa thất khác, gọi là đi chu du tìm ý (voyage d’étude).
Ba ngày trước ngày nộp bài là ngày căng bảng, bảng bồi giấy Canson phơi trắng khắp các bãi trống trong khuôn viên trường, cổng trường và cửa năm họa thất bắt đầu mở suốt ngày đêm.
Ngày cuối cùng trước giờ nộp bài giáo sư trưởng họa thất còn đi thêm một vòng nữa để chỉ bảo thêm, thường thì các thầy chỉ ghé các bài đã gần hoàn tất, đặc biệt là bài của học trò cưng.
Phòng chấm bài là một không gian rộng thênh thang, tất cả các bài được treo trên giá thành những hàng dài, sau khi niêm yết kết quả chấm bài, căn phòng này được mở cửa để sinh viên vào nghiên cứu, gọi là triển lãm, các dấu ghi của ban giám khảo trên bài còn giữ nguyên, giáo sư trưởng họa thất dẫn học trò đi voyage và giảng giải cho sinh viên của mình thật thấu đáo tại sao bài này đậu, bài kia rớt. Sinh viên cũng có quyền tranh luận thẳng thắn với thầy mình.
Như vậy mỗi kỳ làm một đồ án, sinh viên có ít nhất ba lần được nghe giảng lý thuyết, hai lần có cơ hội vào thư viện tham khảo tài liệu.
Vì vòng quay của các đề tài là 2 năm nên trong đời mỗi sinh viên, từ cấp II lên cấp I phải có ít nhất là ba lần làm đồ án trên cùng một đề tài, nghĩa là 3×3=9 cơ hội nghe giảng và 3×2=6 lần nghiên cứu tài liệu về mỗi thể loại công trình.
Trên thực tế thì cơ hội nhiều hơn nhiều lần lắm.
Sự tiếp thu của sinh viên được đánh giá bằng những trị số (valeur) mà họ đạt được.
Đủ 20 valeurs là người sinh viên đã hoàn toàn nắm vững lý thuyết kiến trúc.
Đó là lý do vì sao môn lý thuyết kiến trúc không dạy không thi trong hệ thống các môn học scientifiques mà vẫn được nghiên cứu rất sâu, rất thấu đáo.
Các bạn có đồng ý với tôi như thế không?
Cho dù như vậy mà sau khi tốt nghiệp tôi cũng chỉ dám tự cho mình có 2,5 – 3 điểm và thú thực là trong những thiết kế đầu đời tôi còn phạm nhiều lỗi ấu trĩ.
Ghi chú của KTS. ĐXĐ:
Đây là cái poster Dương Mạnh Tiến làm cho tôi, hồi xưa chỉ có hình trắng đen thôi.
Tôi vẽ khu vườn trong một chiếc ly pha lê dùng để uống rượu vang, thứ rượu mà khi người Bồ Đào Nha mang qua Trung quốc được người  Tầu gọi là rượu Bồ đào.
“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
(Bài Lương châu từ của Vương Hàn đời Đường)

ĐỖ XUÂN ĐẠM – Sài gòn, 24-10-2010

(*)(TL-KV) – Một số điểm đáng chú ý:
Năm 1945: Chính phủ Pháp công nhận văn bằng Kiến trúc sư của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Trường Kiến trúc thuộc Trường Mỹ thuật Đông Dương, sau này là Trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn) có giá trị để hành nghề tại Pháp và Đông Dương (N.Đ. 6-2-1945). Sau khi dời vào Đà Lạt được mấy tháng, vì thời cuộc, Trường Kiến trúc phải ngưng hoạt động.
Năm 1947: Trường Kiến trúc Đông Đương, sau mấy niên học ngưng hoạt động được mở lại tại Đà Lạt kể từ ngày 1 tháng 2 năm 1949.
Năm 1948: Được coi là một trường kiến trúc địa phương của Pháp. Trường Kiến trúc tại Đà Lạt phải chịu lệ thuộc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris về chương trình áp dụng, hệ thống kiểm soát, thi cử, cấp văn bằng (N.Đ. 6-9-1948).
http://trelangkienviet.com/2010/10/28/toi-ho%CC%A3c-kie%CC%81n-tru%CC%81c-%E2%80%9Cmon-ly%CC%81-thuye%CC%81t-kie%CC%81n-tru%CC%81c-c%E1%BB%A7a-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-cao-d%E1%BA%B3ng-ki%E1%BA%BFn-truc-sai-gon-%E2%80%9D/ 
---------

Tôi học kiến trúc, tôi làm concours…


 
Tối hôm thứ tư 24-9-2010 gặp các anh em đồng môn tại nhà hàng Đất Phương Nam đường Huỳnh Tịnh Của, Sơn Ốm và Tuấn võ sư mỗi người khen tôi một câu về bài viết “KTS – từ những điều nhỏ”.
Hóa ra được bạn bè khen đã thiệt.
Và chàng họ Lý dõng dạc hứa ”Hãy chờ đấy, ngày mai tớ sẽ lancer một bài “Xuân Đạm mạn hứng” được chưa?”.
Ngày hôm sau tôi mở mail ra chờ, hôm sau nữa, rồi hôm sau nữa… chưa thấy bài của Lý Thái Sơn!
Làm tôi nhớ câu chuyện hờn giận của đôi trai gái miệt vườn (chuyện bịa để cười chơi chớ không có ác ý nào đâu nghe) :
“Bữa qua qua nói qua qua mà qua hổng qua, bữa nay qua không nói qua mà qua lại qua, qua được thời qua qua, qua không qua thời đừng chờ qua, qua bắt em chờ qua qua mà qua hổng qua, em đừng giận qua nói qua mà  hổng qua nghe…”
Nghe phảng phất hơi hướng của những đôi uyên ương quá.
Tôi nói đùa vậy thôi chứ Lý Tiên sinh là người cẩn trọng, viết điều gì cũng đắn đo sau trước chứ đâu có ba mứa như tui đụng đâu viết đó.
Thôi, trong khi mỏi mòn chờ bài viết của chàng họ Lý, tui xin kể chuyện tui học kiến trúc như thế nào cho các bạn đọc chơi vậy.
 
Trường Kiến trúc khác hẳn các đại học khác vì phân thành hai tuyến học khác nhau.
Tuyến thứ nhất giống như các trường khác, là các môn học có giáo trình, có thi lên lớp gọi là les cours scientifiques, mỗi năm phải thi đậu đủ các môn học này để lên lớp và để đủ tiêu chuẩn hoãn dịch.
Hầu như tất cả sinh viên đều đạt và lên lớp.
Tuyến thứ hai là vẽ bài để có trị số (valeurs).
Có hai cấp: Cấp II và Cấp I (Second et première, xin đọc là sơ-gồng và prờ-mi-e).
10 trị số của sơ-gồng gồm đầu tiên là từ năm thứ hai phải “kiếm” đủ 3 trị số analogues, từ năm 1967 (nếu tôi nhớ không lầm) rút xuống còn 2 valeurs. Đó là chuẩn để bạn được làm đồ án kiến trúc (projet), 2 esquisse-esqisses, 6 projets, ngoài ra còn phải có 01 trị số hội họa (dessin), 01 trị số nặn tượng nữa mới được lên prờ-mi-e.
Lên cấp một còn cần đạt một điều kiện nữa là: phải là sv năm thứ tư đã đậu môn construction 4è của tuyến scientifique.
10 trị số của cấp 1 gồm 6 trị số bắt buộc phải đạt được bằng projets, 4 trị số còn lại có thể lấy từ esquisse-esquisse, concours hoặc projets.
Chuẩn cuối cùng để được làm luận án tốt nghiệp, gọi là chuẩn KTS (diplomable), là 3 trị số nghệ thuật (3 arts) gồm: hội họa (ví dụ như bài vẽ tượng đầu Vénus dưới 1 nguồn sáng duy nhất là một ngọn nến của Trần Đình Thục, Hội đồng giám khảo đã cho 20 là điểm tối đa, nhưng có vị còn thêm mũi tên lên, vị khác thêm dấu +, sau cùng vị chủ tịch hội đồng quyết định  bằng chữ Médaille), điêu khắc (ví dụ như một bas-relief cảnh kéo lưới, các tác phẩm này làm bằng đất sét nên chỉ một thời gian ngắn là nứt tan tành!) và một mô hình trang trí nội thất (ví dụ như bàn thờ trong nhà nguyện của một xóm chài).
Esquisse và concours rất khó kiếm được trị số, thưởng chỉ 3 tới 6 bài đạt trong số hàng hai trăm bài nộp.
Nhưng mọi người tham gia đông đảo vì được tự do sáng tác, ít tốn thời gian, và vì ai cũng muốn thành tích của mình có ít nhất là 1 trị số concour cho nó bay bướm, chứ tốt nghiệp với 10 trị số cấp một bằng cách toàn ăn projet thì sợ bạn bè chê là “thợ cày”.
Đã thế mà mỗi bài esquisse lại chỉ được có nửa trị số, có nghĩa là bạn phải có 2 bài esquisses được chấm đạt mới có 1 trị số esquisse được ghi vào học bạ, vì khó thế nên nhiều anh cứ ôm nửa trị số esquisse cày còng lưng năm này qua năm khác mà không kiếm được cái nửa còn thiếu kia!
Esquisse khó thế nhưng “ăn” thì sướng lắm, cái sướng thứ nhất vì nó là bằng chứng xác thực dưới mắt mọi người bạn thuộc loại sv có idées xuất sắc, lẽ thứ hai là bạn chỉ phải vẽ khoảng một tiếng đồng hồ trên một tờ giấy croquis thường rẻ tiền (giấy Canson đắt lắm), lẽ thứ ba là bạn toàn quyền chọn loại bút để thể hiện, cái sướng nhất là lúc chen nhau xem bảng kết quả do anh Đức của văn phòng nhà trường dán lên bảng niêm yết, chỉ việc liếc một cái vào ba bốn dòng có dấu ½ trị số một nếu đúng là tên mình thì nhẩy cẫng lên rồi hiu hiu, tà tà vào canteen tự thưởng một chai « 33 ».
Khi bạn lãnh đề cái projet cuối để nếu “ăn” là được lên prờ-mi-e thì hôm sau bạn có quyền xếp hàng lãnh luôn đề bài prờ-mi-e, đề esquisse và tuần sau lãnh cả đề concours.
Văn phòng nhà trường ít người nhưng làm việc ngăn nắp, cẩn trọng, chính xác và rất kịp thời nên nếu bạn ăn bài projet sơ-gồng cuối cùng thì tuần sau tên bạn đã có trong danh sách chấm bài cấp 1 trình cho hội đồng giám khảo.
Tôi đã làm như thế và gặp lúc số mạng hanh thông tôi ăn cả 4 bài, bác Triết ba của Hùng Sùi, sau khi cập nhật các trị số ấy vào học bạ, nói với tôi :
- Trường hợp của cậu thật là hi hữu, ăn một lúc ba valeurs rưỡi, bằng công sức cả năm của người ta đấy.
Hình như viết đến đây là “hơi bị dài”, đành để câu chuyện tôi học lý thuyết kiến trúc, tôi làm concours… lần sau viết tiếp vậy.
 (cố nhiên với cái ý là các bạn còn thích đọc các chuyện dông dài không đầu không đuôi của tôi ).

 


Kiến trúc sư – từ những điều nhỏ


Cơ duyên đưa tôi đến với nghề Kiến trúc sư nói ra thật trẻ con, …
Cuối năm Đệ tứ, trước khi cho tôi tiền đi chơi hè, Ba tôi ra cho tôi một câu hỏi  “Sau này anh sẽ làm nghề gì ?”, loay hoay mãi tôi chọn nghề  KTS, mặc dù lúc ấy tôi chưa thật sự hiểu mày ngang, mũi dọc của nghề  này như thế nào.
Lý do thứ hai là tôi vào trường xem mấy anh sinh viên KT, mới năm thứ hai mà vẽ  analogues đẹp như hình chụp.
Lý do thứ ba là khi cái chú nhóc tỉnh lẻ là tôi lò dò vác cái bằng Tú tài toàn phần vào chốn thành đô thì biết chương trình học của trường KT dài những 6 năm, tha hồ mà hoãn dịch, lại chỉ việc ghi danh thôi chứ không phải qua thi tuyển.
Với hành trang ngây ngô như thế tôi phom phom bước vào trường KT. Để bị dội ngay mấy gáo nước lạnh vào đầu, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa đen là trong lễ “ Rửa tội ” tôi lớ ngớ chen lên trước nên lãnh đủ cả một thau nước, đã bị  ướt như chuột lột mà còn có mùi gì khó ngửi nữa chứ, nghĩa bóng thì bài học lý thuyết đầu tiên là cái cầu tiêu !
Cố giáo sư Pham văn Thâng phán :
“Bổn phận của bọn cốt đột tụi mày là làm cho khách hàng khu vệ sinh và khu bếp thật tiện nghi trước khi tính đến chuyện gì khác.”
Ấy thế, từ cái con thỏ ngăn mùi hôi trong bàn cầu, từ cái hầm tự hoại ba ngăn với mấy con vi khuẩn yếm khí anaérobies ấy chẳng mấy chốc tôi đã học được nhiều điều lắm, biết hội họa, nặn tượng, biết binh bài, biết đi bóng, biết rendu, biết stéreotomie, construction, béton armé, concours, decors…
Lần đầu làm analogue, khi cầm cọ đi bóng cây cột tròn Corinthien chiếm gần hết chiều cao của tấm bảng A1 (grand aigle)  tôi liền học được một  “chân lý ” mà tôi đã áp dụng suốt đời là:
                  “Cứ làm tới đi, ăn thua mình gan hà!
Bởi thế hè năm thứ ba tôi đã ôm T, ê ke, giấy can theo ông bạn của Ba tôi xuống Bến tre vẽ nhà cho người ta, đúng đầu mùa sầu riêng nên sau bữa cơm đều được mời một chén hai múi sầu riêng mùi ngửi không nổi, kết quả là năm sau khi đi ngang qua chợ Tân định tôi nghe mùi sầu riêng thơm điếc mũi và từ đó biết mê sầu riêng.
Năm thứ tư tôi tự thiết kế nhà mình ở gần cầu Kiệu, 5m x 19m một trệt, 3 lầu (ghê chưa ?), nay người ta mở nhà hàng, khách đầy 3 tầng lầu mà vẫn không phải hút hầm cầu.
Năm thứ năm tôi được Ban đại diện sinh viên mời làm chef décorateur cho lễ Truyền thống của trường, và làm luôn một mạch 3 năm liền, nhờ kinh nghiệm này mà tôi làm sân khấu đại hội nhạc trẻ nổi đình đám, và thời sau giải phóng vật liệu khan hiếm, khi cải tạo lâu đài chú Hỏa ở Long Hải thành khách sạn sang, không có vải làm ri-đô tôi dám lấy bao bố ngâm nước javel tẩy trắng , đánh cho xù lông rồi phun nhũ và sơn lumineux làm màn trang hoàng đại sảnh và phòng khánh tiết, bên A chẳng biết là chất liệu gì cứ khen rối rít.
Sau khi ra trường được 5 – 6 năm tôi nghiệm ra một điều nho nhỏ khác là những gì mình học được phải có đủ thời gian “chín” để trở thành máu thịt của mình thời mới hữu dụng, bởi vậy tôi đặt ra một thang điểm cho riêng mình như thế này,
Nếu lấy thang điểm 10 thì :
- Khi vừa tốt nghiệp =  2,5- 3 điểm : chưa thể làm thiết kế một mình.
- 5 năm sau                =  4- 5 đ. : làm tốt công việc và là lực lượng mà xã hội cần nhiều nhất.
- 10 năm sau, có làm nghề và thường xuyên đọc sách =  6 –  6,5 đ. : xứng đáng chủ trì công việc và có gì đó để dạy bảo đàn em.
- Những người có tài năng sẽ vươn tới  7- 8 điểm và là đầu đàn của một hay vài thế hệ.
- 9 và 10 điểm là thiên tài nhiều thế hệ mới mong có một người, họ có khả năng xoay chuyển cả một trào lưu kiến trúc, như Le Corbusier, như Frank  L. Right…
Năm bốn mươi tuổi tôi lại nghiệm ra một chân lý nhỏ khác là chỉ nên thiết kế nhà ở cho người thân quen, vì mình hiểu tâm tư, lối sống của họ, mình có thể giảng giải cho họ hiểu cái mặt tiền là phục vụ cho người ở nhà đối diện, bên trong căn nhả mới thiết thân với cuộc sống thường ngày của họ, họ phải nhớ mình chỉ tạo ra không gian kiến trúc còn họ mới là người thực sống trong không gian đó, vì vậy họ phải chăm chút đến sự hoàn thiện sao cho sau này khỏi có những sự bất ý, và điều cực kỳ quan trọng là mình còn có cơ hội ghé thăm để kiểm nghiệm những gì mình đã làm ra xem nó có thật chuyển tải được những những gì là tâm đắc mà mình đã gởi gắm vào thiết kế trước đó không.
Từ đó tôi từ chối thiết kế cho người không quen, nhất là mấy ông bà làm tài lanh đi chụp một lô nhà mẫu về đưa cho mình.
Rồi khi làm qui hoạch, làm các building, các chúng cư,… tôi lại lo cho các cháu nhỏ từ 3 đến 5 tuổi, chưa được cha mẹ cho phép tự mình xuống sân chơi nhưng ở trong nhà thì quậy phá ồn ào trong khi mẹ bận lo bữa cơm chiều, hay ngày thứ bẩy, chúa nhật, ra khoảnh hành lang chung gặp gỡ  nhau cũng dễ bị mấy người khó tính mắng, chẳng biết sau này chúng lấy đâu ra kỷ niệm về bạn hàng xóm láng riềng, chẳng lẽ chúng cũng phải ngồi đọc báo như bố hay sao?
Rồi còn giầy dép ngày nay nhiều gấp ba bốn lần ngày xưa biết để vào đâu? 
Mùa mưa áo mưa đã làm ướt bẩn hành lang, chẳng lẽ cũng phải mang luôn vào nhà sao?
Xứ ta là xứ nhiệt đới, người ta phải tránh nắng chứ không thèm phơi nắng như người ở xứ ôn đới, các cao ốc từ khoảng ba giờ chiều đã tạo ra một vùng bóng mát quý giá, nếu bố trí các khối công trình khéo léo ta sẽ tạo được một vùng sân vườn mát mẻ cho toàn khối, một khu sân vườn của bóng công trình.
Nho nhỏ nhưng tôi tha lâu cũng đầy tổ phải không kiến?
Sài gòn 12-9-2010
KTS. Đỗ xuân Đạm

Đạm Xuân Mạn Hứng

(Hứng tình tản mạn nhân “Từ những điều nhỏ” của anh bạn già họ Đỗ ngày 12-09-2010 …) trên Sân chơi kiến trúc <Architecture – Playingfield – VN >
1 – Tự trích ngang :
  • Tên họ cúng cơm: LÝ – THÁI – SƠN
  • Secretname        : Không có
  • Nickname            : ỐM (phân biệt với MẬP (Laurel-Hardy) và các Sơn khác (Thầy cúng, Thầy pháp, Fulro, Dâm Tàu, Dâm Tây, Mọi, v.v…)
  • Prồmô = 65 + 66 + 67 (promo, tức promotion, tức K từ sau 1975)
  • Motto (tự chế) = “Once A., Ever A” (A vừa là Architect, vừa là hạng … A)
  • Chuyên trị = Sơn Thủy học (ShanShuilogy)… Xưa gọi là… Phong Thủy học (FengShui)
2 – Động cơ vào trường ?
Có hàng tá, đại khái :
  • Khoái tự do (nghề KTS/architect = nghề tự do/liberal profession) => ít chịu làm Nhà nước, tức làm cán bộ (dù là cán bộ Trưởng Ty, Phó Ty). Mỗi KTS đều là một ông … Trời con!
  • Ham lười (Lazy) hơn làm (Busy) => không thể làm Business, không thể là BUSINESSMAN (như hiện nay) được. Nếu có làm, cũng làm rất … dở.
  • Khoái chơi mà có kẻ chi tiền (đàn anh KTS. HERTZ luôn bu-loa Architecture = Jeu gratuit / Trò chơi (jeu = game) chẳng những được MIỄN PHÍ, mà còn được TRẢ PHÍ nữa. Vậy mà mấy anh cứ nói Phí thấp, Phí cao hoài. Lại còn bảo “chăn trâu” nầy nọ. Mới thấy TRI TÚC (Biết Đủ) có cái phong vị riêng …
  • Ham học (học ở những trường không phải thi tuyển, chỉ ghi danh + đóng tiền) có thể học 3, 4 trường một lúc … Thuở đó ai cũng bảo “connaissance générale” (kiến thức tổng quát) là cần. Chỉ tốt nghiệp Đại học một trường dễ bị … khuyết tật, khiếm khuyết gì gì …
  • Tha hồ trốn … “nghĩa vụ” : 6 năm + 1 năm thực tập (khoa duy nhất ở Đại học ngang với y khoa Bác sĩ).
  • Hành nghề tá lã trongngoài nước (các nước trong khối Liên hiệp Pháp + các nước công nhận văn bằng KTS lẫn nhau …)
  • Bị bạn hiền đồng hương “dụ dỗ” (Nguyễn-Văn-Hay/PROMO. 65 – nickname “ĐIÊN” – nổi danh vẽ tượng (dessin d’après l’antique) lúc mới đậu Tú Tài Toàn (Bac. 2).
3 – Học hành, thi cử ra sao ?
  • 6 năm (lý thuyết + thực hành) + 1 năm thực tập (tại một văn phòng KTS đã vào Đoàn).
  • Ngoài năm thứ nhất, 5 năm còn lại song song với các môn lý thuyết (khoa học ứng dụng và nghệ thuật tạo hình) phải hoàn thành 20 bài thực hành gồm :
+ 2 bài phân tích cổ điển (analogue) đầu năm thứ hai : ải bắt buộc phải vượt qua để được lên cấp II
+ 18 bài còn lại chia làm 2 cấp (I và II) bao gồm nhiều thể loại, mỗi thể loại đều có chung chế độ “giá trị” (valeur) gọi là “mention” (1 trị số) và giá trị “gia tăng” (giá trị gấp đôi, ví dụ : première mention = 2; seconde médaille = 2 , v.v…)
+ Thể loại phổ biến nhất = Đồ án (projet) + Họa cão – đồ án 8 giờ (Esquisse Projet). Loại EP nầy không được phép thay đổi “idée” (parti)
+ Thể loại thứ hai = Họa cão – Họa cão 8 giờ (Espuisse – Esquisse)
Lưu ý :   
-  Từ prồmô 1965 (năm người viết vào trường): mỗi cấp (I và II) được quyền “ăn” tối đa là 2 bài (2-valeur) và tối thiểu là 1 bài (1-valeur).
-  Trước 1965 : Thể loại nầy được coi là Rào cản sinh viên ra trường, vì là 2 trị số bắt buộc phải đạt được ở cấp II mới được lên cấp I và thêm 2 trị số nầy ở cấp I mới hội đủ điều kiện làm đồ án tốt nghiệp (diplômable). Do đó, trước 1965, số sinh viên ra trường lơ thơ như lá mùa… Đông.
  • Các thể loại họa cão 8 giờ khác :
+ GOEDEBOEUF    = Trang trí nội thất (Décor intérieur)
+  DE LAON           = Kiến trúc cảnh quan (Architecture paysagée)
+  LABARRE           = Bố cục lớn (# tổng mặt bằng 1 quần thể kiến trúc (grande composition)
+ ROUGEVIN         = Rendu/Ambiance/matière (chất liệu)
  • Bằng tốt nghiệp gọi là DPLG (Diplomé par le Gouvernement) tức bằng cấp quốc gia và được xếp học vị Tiến sĩ đệ tam cấp (Docteur à 3ème cycle) cao hơn một chút so với học vị cao học (Master) ở các trường Đại học khác. Trong khi đó – cũng 6 năm + 1 năm thực tập nội trú bệnh viện – nhưng Bác sĩ lại được xếp học vị Tiến sĩ quốc gia (Docteur d’Etat, tức tương đương Ph.Doctor của hệ thống Anh-Mỹ).
  • Xem tham luận đính kèm đọc tại ĐẠI HỘI IV KTS. TP.HCM NGÀY 16 – 17/11/2000.

4 – Đạo đức hành nghề ?
  • Dân Kiến hành nghề trong khuôn khổ Đoàn Kiến trúc sư quốc gia (ordre nationale des Architectes), được luật pháp công nhận (về mặt tổ chức nghề nghiệp) và bảo hộ (về mặt lao động). Mọi KTS hoặc tổ chức KTS nước ngoài phải chịu sự giám định, thỏa thuận của Đoàn mới được hành nghề tại VN (kèm theo điều kiện thời hạn quy định).
  • Ba lời thề CAO LỖ (theo KTS. MINH BÒ: Cao Lỗ là thánh tổ nghề kiến trúc Việt Nam của dân Kiến). Tương tự lời thề HIPPOCRATE của sinh viên trường Y, lời thề CAO LỖ được minh định trong văn bản NGHĨA VỤ LUẬN KIẾN TRÚC SƯ (Code du Devoir/Duty Code) theo đó, đoàn viên có bổn phận “cụ thể” (không trừu tượng mơ hồ chút nào)
1 – Khách hàng (xưa gọi là Thân chủ) là Thượng đế! “Binh” tối đa!
2 – Nhưng thượng đế có thể cũng có lỗi (ngài cũng là con người) Trong trường hợp nầy, KTS phải đứng về phe Nhà thầu hoặc nhà cung cấp vật liệu – thiết bị (người trung chính, công bình).
3 – Đồng nghiệp đều là Anh – Em (Tứ hải giai Huynh – Đệ) : kính trên, nhường dưới, không phá “giá”, không “nói xấu” Huynh đệ, không cho mượn chữ ký v.v…
(Tác dụng của 3 lời thệ ước khá “hiệu quả” : Trong nước, đi đâu cũng có quý nhân “thổ địa, thổ thần” phù hộ – khi đi tỉnh đừng quên mang theo quyển Danh bạ Hội viên – Ra ngoài nước, đến đâu cũng được chư vị patrons + nègres welcome hết mình. Không bỏ công rửa tội (bap-teme) hồi năm nhập môn thứ nhất).
6 – Được gì? mất gì?
  • Được : Từ khá nhiều đến quá nhiều ! Không có gì phải phàn nàn, miễn đừng quên lá bùa TRI TÚC (đọc 3 lần mỗi khi có khách hàng chơi… quịt).
  • Mất   : Tìm hoài chưa thấy. Ai thấy chỉ dùm ! Quá yêu nghề đâm ra… mù quáng?
7 – Ai bảo chăn trâu?
Đạm Xuân (họ Đỗ) và Hiến Hồng (họ Dương) quả … lắm chuyện ! KTS là trâu ? KTS là trẻ chăn? Lại nhớ đến giấc mơ Hồ – Điệp của cụ Tử họ Trang bên Tàu (Ai là bướm? Ai là Tiên? Ai là chủ ? Ai là tớ ?) hoặc bên cầu xem cá (Ai là ai? Anh là tui? Tui là Anh?).
8 – Úm ba la : Rời Forum ! Tốc tốc như luật định! C.U.again!
9 – Tái bút : Các thông tin về Trường có thể chưa chính xác! Rất mong nhận được sự điều chỉnh của quý đàn anh trong ngoài nước. Cảm ơn!
KTS. Lý Thái Sơn

Les carnet de croquis | Tập bản vẽ ghi và tìm tòi ý tưởng…


Theo KTS. Đỗ Xuân Đạm, Carnet hay Carnet de croquis là tập bản vẽ ghi lại những gì mình đã học, đã tìm tòi cho một môn học, gồm có các loại cạc-nê sì-tê (stéréotomie) môn thiết thể vật liệu, cạc-nê-cồng (carnet de construction),… Để học tập và hành nghề được tốt, mỗi sinh viên hay KTS cần “thủ sẵn” bên mình một quyển sổ thế này…

♦♦♦

http://trelangkienviet.com/2010/11/04/les-carnet-de-croquis-tap-ban-ve-ghi-va-tim-toi-y-tuong/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.