Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Đà Lạt: thành phố trong rừng, rừng trong thành phố

"Đà Lạt: thành phố trong rừng, rừng trong thành phố - Mô hình phát triển đô thị hiện đại và bản sắc" 

Thêm ý cho quy hoạch mở rộng lãnh thổ Đà Lạt gấp 8 lần



Ở ta, trong quá khứ, hầu hết các đô thị nảy sinh từ các trung tâm hành chính. Chẳng thế mà, đa phần các đô thị - thủ phủ của các huyện, các tỉnh trùng tên với các đơn vị hành chính ấy: tỉnh Nam Định – thành phố Nam Định, tỉnh Thanh Hóa – thành phố Thanh Hóa, tỉnh Tây Ninh – thành phố Tây Ninh, tỉnh Bến Tre – thành phố Bến Tre, v.v… 
Một số không nhiều thủ phủ của các đơn vị hành chính mang tên khác. Song, các thủ phủ - đô thị ấy vẫn dai dẳng mang vác trên mình cái bản chất trung tâm hành chính mà, hễ coi kĩ, nhận ra: cả kiến trúc lẫn con người đều bị chi phối.  
Đà Lạt nằm trong số ít những ngoại lệ. Nhìn từ bề sâu lịch sử, nhìn từ toàn cảnh quốc gia và từ hệ thống các đô thị, Đà Lạt trước tiên là một thành phố, có cái “Tôi” gọn và chắc, có cái “Tôi” khác biệt, có cái “Tôi” thành danh, nổi vượt hơn cả cái việc nó là trung tâm hành chính của một đơn vị lãnh thổ. Điều này có thể là bản chất cốt lõi, làm xuất phát điểm và làm một trong các hướng cho việc định đoạt chủ trương về cơi nới hoặc bành trướng thành phố.
Ở nửa sau thế kỷ 19, người Tây định cư ở xứ ta, khốn khổ vì sự nóng nực. Những chiếc quạt gió vận hành bằng cơ bắp không giải cứu được họ. Họ đành tìm đến những vùng đất mát lành hơn. Tam Đảo – Mẫu Sơn – Sa Pa ở Bắc, Bạch Mã – Bà Nà ở Trung, Đà Lạt trên cao nguyên, trở thành những khu nghỉ mát là nhờ thế.
Trong trường hợp Đà Lạt, sự mát lạnh quanh năm đã biến nó thành cái cỗ máy airconditioner khổng lồ, mà người Tây dạo đó chưa nghĩ ra, một mảnh đất oasis ước mơ giữa cả đại vùng nóng nực xích đạo. Người Tây du nhập mô hình thị trấn nghỉ mát – nghỉ dưỡng quen thuộc của xứ mình và cùng với đó, những hình mẫu kiến trúc mà họ lưu luyến. Cả hai cái đó đổ bộ lên đất Đà Lạt, tự nhiên như nảy sinh từ đất trời này. Thêm một yếu tố nữa, rừng thông. Rừng thông bạt ngàn, mà Đà Lạt từng lọt thỏm, cũng lại là cỗ máy khổng lồ thứ hai tinh lọc bầu không khí cho lá phổi. Có mát lạnh và không khí tinh khiết, Đà Lạt đã từng là chốn địa đàng.
Cả hai thứ ấy là tài nguyên hiếm hoi, không đâu ở ta sánh bằng, mà Đà Lạt sở hữu. Chúng không thể thiếu nhau. Hợp làm một, chúng tạo nên độ tiện nghi, sự cảm khoái thể xác, mà không một hệ thống công nghệ cao nào có thể tạo nên.
Tuy nhiên, cả sự mát lạnh và cả độ trong lành ấy của thiên nhiên lại bị thách thức thẳng thừng, kèm theo nguy cơ triệt tiêu, từ phía Đô thị. Cùng với sự phát triển thành phố, rộng lớn hơn, đàng hoàng hơn và giàu có lên, cái tài nguyên vô song và vô giá của đất trời Đà Lạt bị suy suyển – nóng hơn và ô nhiễm hơn.
Đó là điều thứ hai phải đặt vào bài tính vĩ mô cho mọi chiến lược và giải pháp mở rộng cũng như quy hoạch thành phố, với ý thức trách nhiệm và độ cẩn trọng cao, đối với hôm nay và mai sau. Bởi quy hoạch, xem ra, nhằm vào tương lai là chính.
Nhìn rộng hơn đòi hỏi về bảo tồn, bài tính sinh tử về sự CÂN BẰNG, giữa tài nguyên thiên nhiên Trời cho và công cuộc xây dựng đô thị, nên đặt vào hàng ưu tiên số một, làm trọng tâm, làm thước đo trong sự cân nhắc, cho sự hoạch định. Với Đà Lạt, lại càng hệ trọng, bởi thế mạnh trước tiên là từ đây.
Có lẽ không bao giờ đủ, không bao giờ thừa, với những phân vân và tự vấn. 


Người viết bài này không phản biện hồ sơ “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, mà chỉ xin góp thêm vài ý và vài ý tứ để những nhà quản lý và những nhà quy hoạch cân nhắc.
- So với quy hoạch chung được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2002, thành phố Đà Lạt mở rộng lãnh thổ hành chính gấp 8 lần. Nếu hiểu là sự điều chỉnh theo đúng nghĩa, thì quả đây là một quy hoạch điều chỉnh vô tiền khoáng hậu, chưa thấy trong thực tiễn xây dựng đô thị. Với sự mở rộng đất đai lên 8 lần và sự đô thị hóa tương ứng, thì đây chính là một chủ trương, một kế hoạch, một sự hoạch định với tầm và bước nhảy vọt vượt bậc mà những nội hàm và bài bản của “Điều chỉnh quy hoạch” thông thường không thể đáp ứng nổi. Nói như vậy, người viết không có ý định bày tỏ sự không tán đồng quyết định mạnh tay ở tầm quốc gia này, mà chỉ mong muốn ở các nhà quản lý và các nhà quy hoạch có sự cân nhắc thêm những luận cứ cho việc chiếm dụng đất đai, những tính toán khả thi cho công cuộc đô thị hóa một vùng lãnh thổ rộng gấp 3,5 lần tỉnh Bắc Ninh, rộng gần bằng Thủ đô sau mở rộng từ 01/8/2008. Do đó, tuy gọi là “điều chỉnh”, song nên coi đây là sự hoạch định một đô thị khổng lồ mới, hoặc một cấu trúc đô thị dạng “lâm – thị”, dạng “vùng – thị” cho riêng một trường hợp, với cách tiếp cận, sự nhận thức, sự tác nghiệp đa ngành và đa diện, cùng sự sáng tạo có tính chất khai phá. Tính đột phá của chủ trương, tính khác lạ của những nhiệm vụ đặt ra, hẳn đòi hỏi ở những nhà chuyên môn nhiều hơn rất nhiều so với những người làm quy hoạch điều chỉnh. Đòi hỏi số một có lẽ phải là tính và độ thuyết phục.
- Trong Hồ sơ quy hoạch điều chỉnh, bắt gặp những cụm từ: “bảo vệ cảnh quan thiên nhiên”, “rừng cảnh quan”, “cảnh quan rừng”. Cách tiếp cận như vậy gây e ngại. Trước tiên, 232.000 ha rừng (đồi núi + sông hồ + thảm thực vật + sinh vật) trên tổng diện tích 336.000 ha của thành phố mở rộng, phải được coi là tài nguyên thiên nhiên vô giá và đặc trưng, một tiềm năng nổi trội cho phát triển. Còn với thành phố, đó là yếu tố cơ bản và quan trọng hơn cả, với tư cách của vai trò khởi thị - tạo thị - định hình thị và tạo chất cùng danh cho thị. Tài nguyên này quyết định tính chất, cấu trúc không gian, tính riêng biệt và, sau hết, hình thái và diện mạo đô thị, với vai trò là yếu tố cảnh quan. Nhấn mạnh vào khía cạnh “cảnh quan”, vô hình trung ta mở đường cho việc đô thị hóa rừng, làm suy giảm vai trò chủ đạo và xuất phát điểm của nó. Một khi quỹ tài nguyên rừng được duy trì, trong sự nạm ghép nâng niu và khôn ngoan các cơ thể đô thị vào nó, con cháu mai này mới có cơ may vừa tiếp tục sở hữu tài nguyên rừng, vừa được sống trong một đô thị là một cấu trúc đan quyện, cộng sinh, tạo nên bởi thiên nhiên ít bị tổn thương và đô thị thông minh. Phải chăng, đó sẽ là dạng LÂM THỊ, mà tất thảy những gì cho sự tạo thành, dường như đã hiện hữu trong thấy. 
- Gây e ngoại cách đặt vấn đề về di sản kiến trúc đô thị của Đà Lạt, thường bắt gặp những cụm từ như “bảo tồn kiến trúc Pháp”, “bảo tồn các biệt thự cổ”, “bảo tồn trục di sản Hùng Vương – Trần Hưng Đạo – Trần Phú”, v.v… Thành phố Đà Lạt, ngay cả với những biến đổi lớn gần đây, vẫn tiếp tục còn là một cơ thể đô thị tổng hòa, là sản phẩm kiệt xuất của lịch sử phát triển đô thị và văn minh đô thị ở nước ta thời cận – hiện đại, là một dạng đô thị di sản, dĩ nhiên, sau Huế. Một chốn thị thành có ngày sinh tháng đẻ, xây dựng theo những đồ án quy hoạch có sự điều tiết, song theo một triết lý rõ ràng, có những công năng tạo thị được thực thi và với những biểu hiện kiến tạo thị sở, và điều đặc biệt có giá trị, là sự đan quyện giữa phần cứng của đô thị và phần mềm của nó – dân cư và văn hóa đô thị. Ta có thể mạnh dạn liệt Đà Lạt là một trong vài thành phố sở hữu cơ thể đô thị trong sự cân bằng tương đối, giữa cũ và mới, giữa kiến trúc và thiên nhiên, giữa đô thị - hoạt động kinh tế - cộng đồng… Nên chăng tránh sự chủ trương bảo tồn theo dạng danh mục công trình, theo diện hoặc theo mảng, mà cần phải đặt vấn đề mở hơn, khả thi hơn, đó là: bảo tồn tính toàn vẹn, đồng bộ và tính đa dạng. Bảo tồn tích cực với cách hiểu là sự tái sử dụng, cải tạo, thích nghi, và ở tầm nhìn vĩ mô, bảo tồn kết hợp với sự phát triển tiếp nối. “Di tích hóa” những di sản kiến trúc và đô thị dẫn tới xu hướng bảo tồn đơn chiếc trong sự đánh mất cái chung và, nguy hại hơn, tạo nên sự đối kháng giữa bảo tồn và phát triển. Trong ứng xử với các di sản văn hóa của thành phố này, phù hợp hơn cả là sự phối hợp nhuần nhị cả hai.
- Với một vùng lãnh thổ rộng lớn, với nền cảnh thiên nhiên đặc biệt phong phú và phức tạp, với dân số không tương xứng và với những cấu trúc đô thị đa phần là nhỏ (5 trên 7 thuộc loại IV và V), thì việc chọn “mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm” xem ra chưa phù hợp, ít tính khả thi về kinh tế, và đặc biệt có phần áp đặt cứng với thiên nhiên, dễ dẫn tới sự can thiệp vào những không gian rừng núi rộng lớn, xé nhỏ chúng.
- Một trong những định hướng chiến lược cho sự phát triển thành phố Đà Lạt mở rộng đột biến nên là sự bảo tồn – cải tạo – hiện đại hóa và kiện toàn thực thể đô thị hiện hữu; kế thừa những giá trị và ưu việt đã tạo nên đô thị Đà Lạt có thương hiệu, chuyển tải chúng vào cơ thể các cấu trúc đô thị mới và tạo sự tiếp nối, ngay cả ở tầm vĩ mô của thành phố mở rộng.
- Xuất phát từ việc quy hoạch và xây dựng thành phố Đà Lạt mới nhắm tới mốc năm 2050, thiết nghĩ có thể tính tới việc xây dựng nó thành một phức hợp đô thị, có thể là đầu ra duy nhất phù hợp cho bài toán đô thị Đà Lạt và có cơ may trở thành duy nhất trong số các đô thị Việt Nam, bằng cách tạo dựng những cấu trúc đô thị: “đô thị lõi” (center city), “nông thị” (agrocity), “lâm thị” (forestcity), “nghỉ dưỡng thị” (resortcity), “trí thị” (intelcity), v.v... Những định hướng được chọn cho phát triển và những điều kiện thực tế tại chỗ hình như hướng các nhà quy hoạch về sự sáng tạo nhiều hứa hẹn này.
- Cơ thể đô thị Đà Lạt cũ bị chất tải một cách thách thức bởi sự gia tăng dân số và sự xây cất các công trình hành chính và công cộng. Nên chăng tính tới khả năng thuyên chuyển các công trình này về đô thị Liên Nghĩa – Liên Khương, dành Đà Lạt cũ và lõi cho du lịch – dịch vụ - lễ hội là chính, củng cố thương hiệu đang phai mờ.
- Sau cùng, việc quy hoạch mở rộng và xây dựng một thành phố phức hợp tầm cỡ đòi hỏi những bước đi đúng, chắc, bền, và hữu hiệu. Không nên để những quy hoạch treo, những dự án triển khai dở dang, những sự chiếm dụng đất đai và núi rừng nham nhở… làm tổn hại đến hai tài nguyên – gia tài – di sản của Đà Lạt, đó là núi rừng và di sản văn hóa, chắc chắn đang và sẽ là những cái gốc, cái cốt, và cái nền để Đà Lạt to ra, giàu lên, mà vẫn giữ lấy thương hiệu./. 
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính 
(Bài tham luận tại hội thảo "Đà Lạt: thành phố trong rừng, rừng trong thành phố - Mô hình phát triển đô thị hiện đại và bản sắc" tổ chức ngày 28/9/2013 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
---------------

Phát triển để cho ai?

30/09/2013
TT - Những ngày qua, thành phố Đà Lạt diễn ra liên tục nhiều hội thảo, quy tụ rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... trong và ngoài nước tham gia. Ấy là bước tiến rốt ráo để Đà Lạt chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết lột xác thành một đô thị lớn và tìm đến một cơ chế đặc thù, đột phá vươn lên sau 120 năm hình thành và phát triển.
Mới đây, tại hội thảo “Đà Lạt thành phố trong rừng, rừng trong thành phố - mô hình phát triển đô thị hiện đại và bản sắc”, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nói một điều đáng lưu ý: “Nhiều người cứ nhìn Đà Lạt bằng cái nhìn của du khách và muốn Đà Lạt phát triển cho nhu cầu du lịch của mình chứ chưa để ý đến việc người dân Đà Lạt muốn gì”. Đây chính là một mệnh đề quan trọng khi nghĩ về sự phát triển của Đà Lạt.
Sự kiện mới nhất và ảnh hưởng lâu dài nhất tới vùng đất này là câu chuyện khai trương siêu thị Big C Đà Lạt. Hơn một tháng ròng, người dân Đà Lạt chen đông cứng mọi gian quầy hàng, bất kể giờ giấc... khi Big C mở cửa. Người ta xếp hàng hai giờ để mua được một con gà từ Big C. Người dân lao động hồ hởi với hộp cơm 15.000 đồng của Big C, với những món hàng khuyến mãi mà họ chưa từng thấy từ chợ Đà Lạt truyền thống. Đấy là một bước đột phá vào một thị trường vốn đóng cửa đã quá lâu.
Có vài người bạn tôi đi nhiều, biết nhiều nói rằng mình không ngờ về “cú sốc Big C” với dân Đà Lạt. Họ nghĩ rằng lẽ ra người Đà Lạt đã phải biết, phải được Big C, Metro, Co.op Mart... tương đương cư dân các thành phố khác như Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Cần Thơ, Đà Nẵng... Và cũng ít ai biết rằng tại thành phố du lịch Đà Lạt này chưa hề có một rạp chiếu phim 3D.
Đà Lạt là một thành phố được quy hoạch trước khi “chọn cư dân” đến ở. Nhiều du khách bảo vẫn thấy Đà Lạt không thay đổi so với cách đây mười, hai mươi năm. Nhiều người từ phương xa tới thì hài lòng và luôn mong muốn thành phố này cứ giữ nguyên vẻ lãng mạn, nho nhỏ, hiền lành của một phố núi đầy hồ, thông reo, biệt thự và sương mù. Nhưng với chính người Đà Lạt, đó là một sự thiệt thòi. Trong phát biểu của mình, kiến trúc sư Lưu nhắc rằng: “Đà Lạt cần phải phát triển bền vững cho du khách thưởng thức, nhưng cũng cần phải nâng cao đời sống của người dân. Chứ nếu chỉ nói chuyện phát triển mà bắt dân phải thế này thế nọ thì khó mà phát triển!”.
Nói đi rồi nói lại cũng phải trở lại câu hỏi: Đà Lạt phát triển cho ai? Trước hết, nó phát triển phải cho cư dân địa phương. Rồi sau đó mới trả lời tiếp các câu hỏi khác.
ĐÔNG BÌNH

Mô hình phát triển đô thị Đà Lạt hiện đại và bản sắc
Cập nhật lúc 15:14, Chủ Nhật, 29/09/2013 (GMT+7)
Đó là nội dung hội thảo khoa học “Đà Lạt: Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố - mô hình phát triển đô thị hiện đại và bản sắc” do UBND tỉnh Lâm Đồng và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Đà Lạt ngày 28/9.

Đa số các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đều nhất trí rằng: Cần có một triết lý, hướng tiếp cận chiến lược phát triển đô thị Đà Lạt trên “đôi chân” bảo tồn và hiện đại trong sự phát triển tiếp nối những giá trị hiện hữu khi mở rộng phát triển vùng đô thị Đà Lạt. Qua đó, thiết lập những đô thị vệ tinh hay đô thị đối trọng song không đánh mất đặc trưng đặc sắc của đô thị Đà Lạt - thành phố trong rừng, rừng trong thành phố.

Tìm kiếm mô hình phát triển đô thị Đà Lạt hiện đại và bản sắc, đề ra cơ chế đặc thù không nằm ngoài định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phố trong rừng. Ảnh: Thanh Toàn
Phố trong rừng. Ảnh: Thanh Toàn

Phát triển nhưng không đánh mất bản sắc

Đặt trong sự phát triển vùng đô thị Đà Lạt trên cơ sở Đà Lạt hiện hữu rộng hơn 39.271 ha được mở rộng theo đồ án quy hoạch thành phố trong tương lai lên tới 335.486 ha, gần gấp 8 lần Đà Lạt hiện nay là một vấn đề nan giải khi thực hiện mục tiêu xây dựng phát triển thành phố và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa, lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.

Giải pháp quy hoạch lựa chọn mô hình phát triển chuỗi các đô thị, liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối các vùng du lịch sinh thái, vùng cảnh quan rừng và nông nghiệp đặc trưng là vấn đề đang được đặt ra cho Đà Lạt. “Việc giữ gìn bản sắc để phát triển tiếp nối, đảm bảo tiêu chí: bền vững, khoa học, hiện đại là vấn đề khó khăn, phức tạp. Cần tìm kiếm, đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp thỏa mãn mục tiêu giữ gìn bản sắc, phát triển theo bản sắc vốn có của thành phố Đà Lạt không dễ dàng” - ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng nêu ra trong lời đề dẫn hội thảo.

Chính vì vậy mà theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: “Cảnh quan môi trường sẽ bị ảnh hưởng trong tiến trình đô thị hóa. Trong khi quy hoạch phát triển Đà Lạt phải là phát triển bền vững, nâng cao cảnh quan, kiến trúc và có tính đặc thù. Do vậy, cần có cơ sở lựa chọn để xây dựng một cơ chế đặc thù để phát triển Đà Lạt hiện đại song không đánh mất bản sắc vốn có”.

Vừa đòi hỏi phát triển thành phố Đà Lạt hiện đại, mở rộng trên lộ trình kiến tạo chuỗi đô thị vệ tinh song không đánh mất đặc trưng “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” quả là thách thức không nhỏ. Bởi tiến trình mở rộng đô thị không tránh khỏi nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở, áp lực gia tăng dân cư kéo theo áp lực quản lý xã hội. Trong khi đó, Đà Lạt là một trong những thành phố có diện tích rừng chiếm tỷ trọng cao so với diện tích tự nhiên thuộc vào bậc nhất thế giới với 231.648 ha rừng, chiếm 69% diện tích tự nhiên của thành phố mở rộng. “Đây là một trong những tiêu chí cực kỳ quan trọng cho việc quy hoạch và xây dựng thành phố mang tính hiện đại, thành phố xanh, thành phố sinh thái “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Và hiếm có thành phố nào trên trên trái đất lại có Khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm trong thành phố” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho hay.

Mô hình và chiến lược phát triển

Việc mở rộng không gian đô thị Đà Lạt không giống như mở rộng Thủ đô Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Khi nghiên cứu kỹ mới thấy mô hình mở rộng phát triển Đà Lạt là phát triển vùng đô thị mà hạt nhân là thành phố Đà Lạt hiện hữu. Khác với các đô thị theo xu hướng tập trung hóa nay phải sửa sai vì bê tông hóa cao độ thì Đà Lạt cần lựa chọn mô hình vùng đô thị. Cấu trúc vùng đô thị là một phức hợp đa dạng gồm có thành phố lớn, thành phố trung bình, các thành phố thị trấn nhỏ và các khu ở đan xen giữa chúng là các khu đệm sinh thái. Đây là một xu thế mà các đô thị trên thế giới đang lựa chọn phát triển. Điển hình như ở Đức, hầu hết các thành phố đều có cơ cấu dân số từ 30 - 100 ngàn dân với kiến trúc nhà ở thấp tầng, không bao bọc bởi nhà kính. Vậy Đà Lạt chọn sao cho hợp với xu thế thế giới mà các nước đang theo đuổi sau thời kỳ hậu công nghiệp, hậu đô thị hóa. Đấy là mô hình phi tập trung hóa với các đô thị phân tán, tạo ra chuỗi đô thị có dân cư thấp, dễ quản lý. Có như thế Đà Lạt mới vừa phát triển hiện đại, vừa giữ đựơc bản sắc.

Theo TS.KS Võ Kim Cương - Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Tp.HCM, cần phải có một triết lý để phát triển thành phố, từ đó đề ra được chiến lược thực hiện triết lý đó. Phát triển xanh là hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường như định hướng của Đà Lạt đặt ra là tạo không gian xanh “phố trong rừng, rừng trong phố”.

Phát triển xanh hướng tới phục vụ tốt nhất cho sức khỏe và cuộc sống con người. Tuy nhiên, quy hoạch phát triển không gian đô thị chỉ là một trong những biện pháp để triển khai chiến lược phát triển. Trong các chiến lược, chiến lược phát triển du lịch - nghỉ dưỡng là quan trọng nhất. Nông nghiệp, khai thác bảo vệ rừng, phát triển bất động sản, giao thông… đều hướng tới mục tiêu phát triển du lịch, thế mạnh của Đà Lạt. Và “không nên cầu toàn về quy hoạch chung của vùng Đà Lạt, chỉ nên xem nó là một nội dung có tính hướng dẫn trong chiến lược phát triển cũng như chiến lược phát triển các ngành, các lĩnh vực của thành phố. Cơ chế quản lý đặc thù cũng là một nội dung và cũng là để thực hiện các kế hoạch chiến lược” - TS.KS Võ Kim Cương nhấn mạnh.
Đồng chí NGUYỄN XUÂN TIẾN - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh:

Trên cơ sở các ý tưởng, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành góp ý vào lộ trình xây dựng cơ chế đặc thù tại hội thảo, tỉnh sẽ tổng hợp, bổ sung, hoàn chỉnh đề án phát triển thành phố Đà Lạt. Hội thảo đặt ra nhiều vấn đề, trong đó đặt ra mục tiêu làm gì để Đà Lạt phát triển nhanh, mạnh và bền vững với quy mô đô thị lớn hơn hiện hữu cho cả quá trình dài và phải được bao bọc bởi rừng, nhất là rừng thông. Trong thời gian tới, rừng thông phải được đưa vào bảo tồn chứ không chỉ bảo vệ như hiện nay. Tỉnh sẽ đề ra chiến lược phát triển nhưng không dàn trải, ưu tiên định hướng phát triển Đà Lạt cần đặt trong tổng thể phát triển kinh tế, giữ gìn cảnh quan, kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Vì vậy cần có cơ chế chính sách đặc thù cho một thành phố đặc thù như Đà Lạt để thành phố bước qua giai đoạn phát triển mới. 

GS.TS.KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam:

Thành phố Đà Lạt phải phát triển trên đôi chân bảo tồn và hiện đại. Vì vậy, cần chú trọng nhiều hơn vào chiến lược phát triển và có triết lý phát triển rõ ràng, trong đó có chiến lược phát triển đô thị. Còn chỉ dựa vào quy hoạch không thôi thì không nhìn ra kịch bản phát triển lâu dài. Điều e ngại là quy hoạch Đà Lạt đề ra xây dựng chuỗi đô thị với những cung đường vành đai, xuyên tâm – điều này phù hợp cho các thành phố lớn. Đà Lạt - đô thị di sản, nghỉ mát… phải bảo tồn cả thành phố chứ không chỉ là biệt thự mà nó là một phức hợp kiến trúc, cảnh quan, sinh thái tự nhiên. Gợi ý ở đây đó là Đà Lạt có vùng rừng núi đẹp vô song nên chăng hình thành chuỗi đô thị nhỏ mang bản sắc riêng, đặc tính riêng, chức năng riêng.

Ông ĐỖ VIẾT CHIẾN - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng:

Thành phố Đà Lạt là 1 trong 14 đô thị lớn của cả nước nên trong quá trình phát triển cần liên hệ, liên kết với hệ thống đô thị trong tỉnh, vùng và quốc gia trong đó có đô thị hạt nhân, tránh tình trạng tập trung quá mức vào đô thị hạt nhân. Hầu hết các đô thị đều hướng tới xây dựng đô thị tiện ích, bảo vệ môi trường, quản lý phát triển theo quy hoạch. Do đó, khi quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vấn đề cần quan tâm đó là tổ chức quản lý quy hoạch, có kế hoạch triển khai quy hoạch, phát triển khu vực ưu tiên để lập quy hoạch căn cứ trên các phân khu chức năng và phải công khai hóa các dự án đầu tư trên cơ sở các quy hoạch chi tiết. Đồng thời, Lâm Đồng cũng phải có chương trình phát triển toàn bộ hệ thống đô thị ở địa phương.
                                                                                                                                              
http://baolamdong.vn/xahoi/201309/mo-hinh-phat-trien-do-thi-da-lat-hien-dai-va-ban-sac-2274753/

HỒ XUÂN TRUNG
  (lược ghi)
Đà Lạt có diện tích rừng chiếm tỷ trọng cao so với diện tích tự nhiên thuộc bậc nhất thế giới
Chủ nhật, 29/09/2013, 21:03 GMT+7


Mô hình phát triển đô thị Đà Lạt hiện đại và bản sắc, là nội dung hội thảo khoa học “Đà Lạt: Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố - mô hình phát triển đô thị hiện đại và bản sắc” do UBND tỉnh Lâm Đồng và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Đà Lạt ngày 28/9. 

 Đa số các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đều nhất trí rằng: Cần có một triết lý, hướng tiếp cận chiến lược phát triển đô thị Đà Lạt trên “đôi chân” bảo tồn và hiện đại trong sự phát triển tiếp nối những giá trị hiện hữu khi mở rộng phát triển vùng đô thị Đà Lạt. Qua đó, thiết lập những đô thị vệ tinh hay đô thị đối trọng song không đánh mất đặc trưng đặc sắc của đô thị Đà Lạt - thành phố trong rừng, rừng trong thành phố.

Tìm kiếm mô hình phát triển đô thị Đà Lạt hiện đại và bản sắc, đề ra cơ chế đặc thù không nằm ngoài định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phố trong rừng. Ảnh: Thanh Toàn
Phố trong rừng. Ảnh: Thanh Toàn

Phát triển nhưng không đánh mất bản sắc

Đặt trong sự phát triển vùng đô thị Đà Lạt trên cơ sở Đà Lạt hiện hữu rộng hơn 39.271 ha được mở rộng theo đồ án quy hoạch thành phố trong tương lai lên tới 335.486 ha, gần gấp 8 lần Đà Lạt hiện nay là một vấn đề nan giải khi thực hiện mục tiêu xây dựng phát triển thành phố và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa, lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.

Giải pháp quy hoạch lựa chọn mô hình phát triển chuỗi các đô thị, liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối các vùng du lịch sinh thái, vùng cảnh quan rừng và nông nghiệp đặc trưng là vấn đề đang được đặt ra cho Đà Lạt. “Việc giữ gìn bản sắc để phát triển tiếp nối, đảm bảo tiêu chí: bền vững, khoa học, hiện đại là vấn đề khó khăn, phức tạp. Cần tìm kiếm, đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp thỏa mãn mục tiêu giữ gìn bản sắc, phát triển theo bản sắc vốn có của thành phố Đà Lạt không dễ dàng” - ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng nêu ra trong lời đề dẫn hội thảo.

Chính vì vậy mà theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: “Cảnh quan môi trường sẽ bị ảnh hưởng trong tiến trình đô thị hóa. Trong khi quy hoạch phát triển Đà Lạt phải là phát triển bền vững, nâng cao cảnh quan, kiến trúc và có tính đặc thù. Do vậy, cần có cơ sở lựa chọn để xây dựng một cơ chế đặc thù để phát triển Đà Lạt hiện đại song không đánh mất bản sắc vốn có”.

Vừa đòi hỏi phát triển thành phố Đà Lạt hiện đại, mở rộng trên lộ trình kiến tạo chuỗi đô thị vệ tinh song không đánh mất đặc trưng “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” quả là thách thức không nhỏ. Bởi tiến trình mở rộng đô thị không tránh khỏi nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở, áp lực gia tăng dân cư kéo theo áp lực quản lý xã hội. Trong khi đó, Đà Lạt là một trong những thành phố có diện tích rừng chiếm tỷ trọng cao so với diện tích tự nhiên thuộc vào bậc nhất thế giới với 231.648 ha rừng, chiếm 69% diện tích tự nhiên của thành phố mở rộng. “Đây là một trong những tiêu chí cực kỳ quan trọng cho việc quy hoạch và xây dựng thành phố mang tính hiện đại, thành phố xanh, thành phố sinh thái “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Và hiếm có thành phố nào trên trên trái đất lại có Khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm trong thành phố” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho hay.

Mô hình và chiến lược phát triển

Việc mở rộng không gian đô thị Đà Lạt không giống như mở rộng Thủ đô Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Khi nghiên cứu kỹ mới thấy mô hình mở rộng phát triển Đà Lạt là phát triển vùng đô thị mà hạt nhân là thành phố Đà Lạt hiện hữu. Khác với các đô thị theo xu hướng tập trung hóa nay phải sửa sai vì bê tông hóa cao độ thì Đà Lạt cần lựa chọn mô hình vùng đô thị. Cấu trúc vùng đô thị là một phức hợp đa dạng gồm có thành phố lớn, thành phố trung bình, các thành phố thị trấn nhỏ và các khu ở đan xen giữa chúng là các khu đệm sinh thái. Đây là một xu thế mà các đô thị trên thế giới đang lựa chọn phát triển. Điển hình như ở Đức, hầu hết các thành phố đều có cơ cấu dân số từ 30 - 100 ngàn dân với kiến trúc nhà ở thấp tầng, không bao bọc bởi nhà kính. Vậy Đà Lạt chọn sao cho hợp với xu thế thế giới mà các nước đang theo đuổi sau thời kỳ hậu công nghiệp, hậu đô thị hóa. Đấy là mô hình phi tập trung hóa với các đô thị phân tán, tạo ra chuỗi đô thị có dân cư thấp, dễ quản lý. Có như thế Đà Lạt mới vừa phát triển hiện đại, vừa giữ đựơc bản sắc.

Theo TS.KS Võ Kim Cương - Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Tp.HCM, cần phải có một triết lý để phát triển thành phố, từ đó đề ra được chiến lược thực hiện triết lý đó. Phát triển xanh là hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường như định hướng của Đà Lạt đặt ra là tạo không gian xanh “phố trong rừng, rừng trong phố”.

Phát triển xanh hướng tới phục vụ tốt nhất cho sức khỏe và cuộc sống con người. Tuy nhiên, quy hoạch phát triển không gian đô thị chỉ là một trong những biện pháp để triển khai chiến lược phát triển. Trong các chiến lược, chiến lược phát triển du lịch - nghỉ dưỡng là quan trọng nhất. Nông nghiệp, khai thác bảo vệ rừng, phát triển bất động sản, giao thông… đều hướng tới mục tiêu phát triển du lịch, thế mạnh của Đà Lạt. Và “không nên cầu toàn về quy hoạch chung của vùng Đà Lạt, chỉ nên xem nó là một nội dung có tính hướng dẫn trong chiến lược phát triển cũng như chiến lược phát triển các ngành, các lĩnh vực của thành phố. Cơ chế quản lý đặc thù cũng là một nội dung và cũng là để thực hiện các kế hoạch chiến lược” - TS.KS Võ Kim Cương nhấn mạnh.
 -----------------------------------------------------------

Trung tâm hạt nhân nửa tỉ USD

Viết email
Hội nghị “Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 10” vừa diễn ra tại Vũng Tàu. Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng phải xây dựng trung tâm hạt nhân tại Đà Lạt thì tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa đồng ý vì… sợ.

“Trắng” chuyên gia 

Chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử đã có, nhưng thiếu chuyên gia để thực hiện đang là vấn đề cấp bách được các nhà khoa học đề cập. 
  • Ảnh bên: Tỉnh Lâm Đồng chưa đồng ý việc xây dựng Trung tâm hạt nhân của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại Đà Lạt(Ảnh: Lê Tùng) 
Ông Lê Đình Tiến - Thứ trưởng Bộ KHCN - phát biểu: Chúng ta đang thiếu nhân lực, cán bộ năng lượng nguyên tử, cán bộ giỏi về điện hạt nhân (ĐHN). Hiện nay, các cán bộ trong nước đang gặp khó khăn trong việc thẩm định kết quả tư vấn cho 2 nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận do chúng ta đang rất thiếu chuyên gia, thiếu đội ngũ làm việc cho cơ quan pháp quy để đảm bảo an toàn an ninh cho hạt nhân, thiếu đội ngũ cán bộ xây dựng nhà máy ĐHN. Việc quản lý chất thải nhà máy ĐHN cũng đang là vấn đề quan trọng đang tranh cãi chưa đưa ra được hướng đi.
“Nếu cách làm không tốt thì hiệu quả sẽ hạn chế” - ông Tiến cho biết.
TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN - nhấn mạnh: Chúng ta cần đào tạo cán bộ đầu đàn, thực tế đào tạo nguồn nhân lực cho ĐHN hiện nay chúng ta chưa tập hợp được đội ngũ cán bộ trong nước để thực hiện đào tạo hiệu quả hướng đến ĐHN. Trong 5-7 năm tiếp theo, đào tạo chuyên gia là nhiệm vụ hàng đầu.
“Trong bao nhiêu năm qua từ khi triển khai nhiệm vụ chưa đào tạo được chuyên gia nào cả” - ông Thành bức xúc.
Cũng theo ông Thành, để làm được những điều này thì việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân là mục tiêu cực kỳ quan trọng. Đây là trung tâm quốc gia phục vụ tất cả các nhà khoa học, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu hạt nhân có liên quan khai thác. Trung tâm này được đầu tư khoảng 500 triệu USD do Nga giúp đỡ công nghệ thuộc Viện Năng lượng nguyên tử VN.

Lâm Đồng sợ hạt nhân! 

Ông Thành cho biết, về cơ bản, trung tâm này sẽ được xây dựng tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Những khúc mắc với địa phương đang được làm rõ để thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tỉnh Lâm Đồng chưa đồng ý việc xây dựng trung tâm có diện tích 100ha của Viện Năng lượng nguyên tử VN tại TP.Đà Lạt, do “sợ” hạt nhân và yêu cầu xây dựng trung tâm cách xa địa điểm dự kiến ban đầu thêm 30km.

Mô hình Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân. 
“Điều này là không thể thực hiện được. Chúng tôi sẽ tiếp tục thuyết phục tỉnh Lâm Đồng đồng ý xây dung, do trung tâm không hề có mối nguy hiểm hay đe dọa về hạt nhân” - ông Thành cho biết. 
Một phương án khác cũng đang được tính đến với nhiều thuận lợi. Nếu tỉnh Lâm Đồng không đồng ý xây dựng trung tâm tại địa phương thì sẽ chuyển về khu công nghệ cao (tỉnh Đồng Nai) - có nhiều thuận lợi về giao thông và tỉnh Đồng Nai đang rất “sẵn sàng” cho trung tâm này.
Tại hội nghị, các nhà khoa học cũng đã báo cáo các kết quả chính từ việc khởi động lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với nhiên liệu độ giàu thấp và tình hình thực hiện dự án ĐHN Ninh Thuận.
Ông Phan Minh Tuấn - PGĐ BQL Dự án ĐHN Ninh Thuận - cho biết: Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 được xây dựng cách TP.Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 25km về phía nam, có công suất khoảng 4.000MW, gồm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 2 tổ máy 1.000MW.
Sử dụng công nghệ lò nước nhẹ của Nga, đã được kiểm chứng, sử dụng nhiên liệu nhập khẩu, được đấu nối với lưới điện quốc gia bằng cấp điện áp 500kV hoặc 750kV. Dự kiến thời gian khởi công năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Hiện tại: Tư vấn đã nộp báo cáo khảo sát giai đoạn 1, đang triển khai khảo sát giai đoạn 2. Dự kiến hoàn thành việc lập hồ sơ phê duyệt địa điểm vào tháng 12.2013.
Dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 được xây dựng cách TP.Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 20km về phía bắc, công suất khoảng 4.000MW, gồm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 2 tổ máy 1.000MW, sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, sử dụng nhiên liệu nhập khẩu, đấu nối với lưới điện quốc gia bằng cấp điện áp 500kV hoặc 750kV. Hiện tại: Tư vấn JAPC và EVN phối hợp tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia Việt Nam về các lĩnh vực địa chất, công nghệ...
Ngoài ra, các dự án thành phần cũng đang được triển khai. Dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án ĐHN tại tỉnh Bình Thuận sẽ gồm khối quản lý là các cơ quan EVN, BQL dự án ĐHN Ninh Thuận, các Cty tư vấn của EVN, khối vận hành và bảo dưỡng 2 nhà máy khoảng 2.200 người... 

Bộ KHCN đã thống nhất phương án 

TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN - cho rằng: Khi đầu tư tiền của nhà nước để xây dựng trung tâm hạt nhân thì sau này phải khai thác hiệu quả. Nếu đưa trung tâm này ra xa TP.Đà Lạt, tổ chức làm không hiệu quả thì sẽ không thu hút được nguồn lực, lãng phí tiền của, hơn nữa dự án này cần đầu tư triển khai xây dựng sớm mới có tác dụng với nhà máy điện hạt nhân.
Hiện nay, viện đã đề xuất địa điểm xây dựng trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân cách trung tâm TP.Đà Lạt 13km và đã có đất từ dự án trung tâm ứng dụng hạt nhân công nghệ cao với 107ha, nhưng tỉnh Lâm Đồng họ “sợ” phóng xạ!
Mặc dù trong trung tâm sẽ có lò nghiên cứu hạt nhân quy mô nhỏ nhưng trên thế giới, nhiều nước vẫn đặt trong trường đại học và an toàn. Nếu đưa ra xa 30km ở vùng đất mới thì những người làm hạt nhân sẽ e ngại do phần lớn họ đều có nhà cửa tại TP.Đà Lạt.
Đồng thời sau này, khi mời các chuyên gia nước ngoài về làm việc phối hợp với Trường ĐH Đà Lạt sẽ hình thành một trung tâm nghiên cứu tập trung. Bộ KH&CN cũng đã thống nhất phương án này và coi như phương án tối ưu. Hiện, Bộ KH&CN đang làm việc với tỉnh Lâm Đồng để thống nhất phương án trình Thủ tướng phê duyệt. 
Hà Anh Chiến 
http://ashui.com/mag/chuyenmuc/nang-luong-moi-truong/9144-lam-dong-so-trung-tam-hat-nhan-nua-ti-usd.html

Thẩm định đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt

Ngày 01/08, Bộ Xây dựng đã tổ chức Thẩm định đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt (và vùng phụ cận) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ trưởng Trình Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong những năm qua Đà Lạt đã có bước phát triển mạnh, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị (ĐT) và nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng. Tuy nhiên TP cũng đã bộc lộ những bất cập trong quá trình phát triển. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh QHC nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của Đà Lạt và các khu vực xung quanh, làm sơ sở hoạch định không gian vùng của TP, đầu tư khai thác các nguồn lực cho hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Đà Lạt là TP du lịch, thành phố Festival hoa. Mục tiêu của đồ án điều chỉnh QHC là xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt thành một vùng ĐT đặc thù về khí hậu, cảnh quan, di sản kiến trúc và là trung tâm du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng chất lượng cao.
Để thực hiện đồ án, đơn vị tư vấn đã gắn sự phát triển không gian TP Đà Lạt với vùng phụ cận, đưa ra 02 ĐT vệ tinh có vai trò bổ trợ cho nhau, kết nối với một số ĐT sinh thái xung quanh để hỗ trợ cho sự phát triển của Đà Lạt, đưa Đà Lạt trở thành một đô thị không chỉ gắn với thiên nhiên mà còn là TP thiên nhiên gắn với ĐT.
Theo đánh giá của các chuyên gia Hội đồng thẩm định, đồ án đã được nghiên cứu kỹ, đưa ra các phương án có tính đột phá, tạo ra bước phát triển mới cho Đà Lạt. Tuy nhiên, cần có những biện pháp khống chế để tránh tập trung dân số tại khu vực trung tâm ĐT, không phá vỡ những địa hình đã có và cố gắng làm sao ít xâm phạm nhất đến rừng thông và các biệt thự…
Nhận định về đồ án, Bộ trưởng Trình Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự nghiên cứu nghiêm túc, công phu của đơn vị tư vấn. Theo Bộ trưởng, đồ án đã được nghiên cứu với phương pháp tiếp cận mới nhằm tạo tầm nhìn, mục tiêu phát triển cho Đà Lạt, phát huy, khai thác được các giá trị đặc thù về vị trí địa lý, cảnh quan, tài nguyên, văn hóa… Đồ án đã nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng ĐT, bảo vệ cảnh quan sinh thái, kiến trúc, những đặc thù của Đà Lạt. Đây không chỉ là trung tâm hành chính, kinh tế mà còn là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ.
Bộ trưởng chỉ đạo, tư vấn cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn chỉnh đồ án, làm rõ hơn nữa tính chất, chức năng của vùng phụ cần, vùng ảnh hưởng trực tiếp đến TP và nghiên cứu thêm các giải pháp về giao thông kết nối với các ĐT vệ tinh, nhất là giao thông công cộng. Đồng thời, bổ sung danh mục các dự án đầu tư, các chỉ tiêu về hạ tầng, và có quy chế quản lý cũng như lập kế hoạch phát triển ĐT trong trung hạn và dài hạn để cân đối các nguồn lực. Có chính sách đặc thù để TP thực hiện được QHC…
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cần chỉ đạo chủ đầu tư là Sở Xây dựng chỉ đạo tư vấn chỉnh sửa dưới sự kiểm soát của chủ đầu tư để đồ án cụ thể hóa được ý tưởng thành hiện thực và có báo cáo rõ những vấn đề chỉnh sửa.
Phạm Bùi -Thiên Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.