Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

KIẾN TRÚC Tây Nguyên

Tây Nguyên - một vùng nghệ thuật kiến trúc dân gian đặc sắc và phong phú của Việt Nam và Đông Nam Á

Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, tôi bắt đầu có những cuộc đi dài vào các buôn làng của các tộc người Tây Nguyên. Và, tôi đã được sống trong những ngôi nhà nhỏ nhắn, thơ mộng và ấm cúng của người Bana, Xơđăng, Giẻtriêng, Brâu, Rmăm..., trong những ngôi nhà mà, như các sử thi mô tả, dài “như tiếng chiêng ngân” của người Giarai, Êđê..., trong các ngôi nhà rông mái vút cao lên trời như chiếc rìu khổng lồ của các tộc người Môn - Khơme...


Dù đã có không ít lần được ở trong các ngôi nhà của người Hmông, người Tày, người Thái, người Mường ở vùng núi phía Bắc, nhưng mỗi khi vào với Tây Nguyên, được đến ở và nghiên cứu những di sản nghệ thuật kiến trúc của các tộc này, tôi vẫn có những cảm xúc rất riêng. Mặc dầu cùng là nhà sàn, cùng được làm bằng tre, gỗ, cỏ gianh, song, mây... lấy từ rừng và cùng ở trên các vùng núi cao..., nhưng vẻ đẹp của những ngôi nhà, từ nhà ở và nhà làng đến nhà mồ của Tây nguyên vẫn có những sắc thái đặc biệt, rất khác so với các ngôi nhà của đồng bào các tộc miền núi phía Bắc nước ta. Nhưng, những nét riêng đó của kiến trúc Tây Nguyên là gì, thì tôi vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thoả đáng, dù rằng tôi đã có những nghiên cứu khá sâu và kỹ về các loại hình của nhà mồ, nhà rông và nhà dài. Giờ đây, bằng những ghi nhận và nghiên cứu từ nhiều năm, tôi xin đưa ra những suy nghĩ ban đầu của mình về một vài nét đặc trưng lớn và chung nhất của kiến trúc Tây Nguyên.

Có lẽ cái gây ấn tượng mạnh nhất và lâu nhất của kiến trúc Tây Nguyên đối với tôi chính là tính biểu tượng rất mạnh mẽ và cũng rất nguyên sơ. Không ở đâu trên đất nước chúng ta, còn có được kiểu nhà ở dân gian vừa mạnh mẽ, đầy uy lực, vừa mang tính biểu tượng, vừa rất hùng tráng và vừa rất thân thương như những ngôi nhà dài của người Êđê và người Giarai. Cả ngôi nhà sàn là nơi ở của đại gia đình gồm hàng chục hộ (bếp) riêng đó vươn dài đến cả trăm mét (trước đây, còn có những ngôi nhà dài “bằng cả thôi ngựa hý” giữa bạt ngàn rừng già xanh thẳm. Theo lời các người già, ngôi nhà dài là hình tượng những con thuyền. Có được ở và được nhìn thấy những ngôi nhà dài này trong khung cảnh mà người Tây Nguyên đã sống cả nhiều mùa rẫy trước đây, khi rừng già vẫn còn ôm lấy họ theo đúng nghĩa đen, thì mới thấy những ngôi nhà dài đẹp và mạnh mẽ như thế nào. Chúng giống như những con thuyền đang lướt trên sóng xanh bạt ngàn vô tận của núi rừng (1). Rất tiếc là, giờ đây, lên Tây Nguyên, chúng ta sẽ rất ít được thấy vẻ đẹp vốn có của những ngôi nhà dài. Lý do thì nhiều, nhưng chủ yếu ở hai nguyên nhân chính: Cơ cấu đại gia đình đang bị giải thể và rừng ngày một mất đi. Kết quả là, cái cơ sở để cho ngôi nhà dài ra đời và tồn tại - hình thức sống theo đại gia đình - đã, đang và sẽ biến mất; rồi thì cái nền mang tính nghệ thuật tạo hình ảnh và ấn tượng cho ngôi nhà - con thuyền - cũng đang dần mất. Có lẽ, theo suy nghĩ của tôi, các nhà kiến trúc nên nghiên cứu và sử dụng tính hình tượng nghệ thuật của những ngôi nhà dài vào những công trình kiến trúc hiện đại trên Tây Nguyên. Tôi đã thấy những công trình kiến trúc hiện đại mô phỏng nhà dài rất thành công ở Tây Nguyên, như Toà Giám mục Buôn Mê Thuột (2).

Nếu như nhà dài là kiến trúc đặc trưng của các tộc người thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa Đảo (người Giarai, người Êđê...), thì dạng kiến trúc hoành tráng nhất và mang tính biểu tượng mạnh mẽ nhất của một số tộc nói tiếng Môn- Khơme (người Bana, người Xơđăng, người GiẻTriêng...) là những ngôi nhà chung của làng (nhà rông). Không chỉ là công trình kiến trúc to lớn nhất, nhà rông còn là một dạng kiến trúc mang tính biểu tượng nhất của các tộc người Tây Nguyên. Tại các làng của người Xơđăng và Bana, ngôi nhà rông vươn cao đầy uy lực, biểu tượng cho sức mạnh và sự giàu sang của làng. Có nơi, có tộc người làm nhà rông theo hình cái rìu sắc bén, “người bạn” thân thiết và gắn bó với những người đàn ông khi đi rừng và khi chiến đấu. Nhà rông - chiếc lưỡi rìu khổng lồ vươn lên giữa trời xanh và ngự trên bao la xanh thẳm của đại ngàn Tây Nguyên quả là một hình ảnh biểu tượng thật hùng tráng và ấn tượng. Mà, không chỉ có hình dáng biểu tượng mạnh mẽ, trong cuộc sống truyền thống xưa của người Tây Nguyên, nhà rông là nơi ngụ của thần linh, là nơi các già làng họp bàn và quyết định những công việc của cộng đồng, là nơi thanh niên đêm đêm ra ngủ, là pháo đài chiến đấu khi có giặc, là nơi tổ chức các lễ hội của làng... Năm 2001, trong đợt đi công tác ở tỉnh Kon Tum, tôi đã tới dự lễ khánh thành nhà rông của đồng bào Giẻ Triêng. Ngôi nhà rông thật lớn, thật vững trãi và có bộ mái xoè rộng như hai cánh chim khổng lồ thật ấn tượng. Và, thật bất ngờ đối với tôi, khi được nghe những người già kể cho nghe về sự tích nhà rông của tộc mình. Theo lời các già làng, nhà rông của người Giẻtriêng là hình ảnh con chim đại bàng, một hình ảnh thật sinh động và đầy sức mạnh. Lúc đó, tôi ngắm nhìn kỹ ngôi nhà rông mới làm và nhận thấy ngôi nhà quả là một con đại bàng khổng lồ với hai cánh đang xoè ra là hai mái nhà, đôi chân chim là những cột sàn, mình chim là phần thân nhà, đầu và đuôi đại bàng được làm bằng gỗ và gắn vào hai đầu nóc. Hơn thế nữa, chim đại bàng, xét về mặt tôn giáo - tín ngưỡng, chính là hình ảnh của vị thần trời mà người Giẻtriêng thờ phụng như đấng tối cao (3).

Một trong những loại hình kiến trúc đặc sắc nhất của một số tộc người Tây Nguyên là nhà mồ. Có lẽ hiếm có một tộc người nào ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam á lại sáng tạo ra những kiểu nhà mồ độc đáo và giàu tính nghệ thuật như các tộc người ở Tây Nguyên. Do có một quan niệm khá đặc biệt và rất nhân văn về cái chết và tang ma, nên người Tây Nguyên đã làm cho người chết ngôi nhà mồ mang đầy tính biểu tượng nghệ thuật và tổ chức cho người chết một lễ hội thật tưng bừng và cũng rất giàu tính biểu tượng nghệ thuật - lễ bỏ ma (hay bỏ mả) để linh hồn người chết ra đi về thế giới của mình và để người sống được giải phóng khỏi mọi ràng buộc với người chết. Ngôi nhà mồ ra đời để phục vụ cho những ngày lễ hội bỏ mả đó - một trong những lễ hội lớn nhất, dài ngày nhất và cũng mang nhiều màu sắc văn hoá- nghệ thuật truyền thống bản địa nhất (4). Có thể thấy một điều chắc chắn là, do tính chất và ý nghĩa của lễ hội, nên người Tây Nguyên muốn thông qua ngôi nhà mồ, giành cho linh hồn người chết tất cả những gì mình có thể có và có thể làm được. Thứ vật chất mà họ làm được đó, chính là ngôi nhà mồ. Có lên Tây Nguyên, có nhìn thấy những ngôi nhà mồ, đặc biệt khi chúng vừa được làm xong và đang là tâm điểm cho những lễ hội bỏ ma tưng bừng, thì mới thấy được cái đẹp huyền ảo của nhà mồ cũng như những giá trị nghệ thuật tạo nên những công trình kiến trúc - điêu khắc đó. Mà, nhà mồ không chỉ là công trình của kiến trúc và điêu khắc mà còn của các nghệ thuật hội hoạ, nghệ thuật đan, nghệ thuật sắp đặt. Có thể nói, trên Tây Nguyên, không có một loại hình kiến nào lại kết tinh vào mình gần như tất cả những tinh hoa của tất cả các thể loại nghệ thuật tạo hình như loại hình kiến trúc nhà mồ. Do vậy, mỗi kiểu nhà mồ của mỗi tộc người, thậm chí của mỗi nhóm tộc người nhỏ của một tộc trên Tây Nguyên đều tạo ra cho mình một sắc thái riêng và một biểu tượng riêng. Xin lấy ví dụ cụ thể bắt đầu từ loại hình nhà mồ của người Giarai, tộc thiểu số có số dân đông nhất trên Tây Nguyên. Cũng là nhà mồ, nhưng người Giarai Mthur có kiểu nhà mồ Kút thật hoành tráng và mang hình ảnh biểu tượng của cây vũ trụ khổng lồ cùng hình ảnh phồn thực của bà tổ nguyên sơ. Tất cả những thành tố ở đây đều cùng hợp lực để thể hiện thật hiệu quả những mục đích biểu tượng của mình: Bốn mái tranh cùng những chiếc cột trang trí mang đầy những hình chạm khắc ở bốn góc làm nền cho chiếc cột lớn cũng mang đầy những hình điêu khắc, ở chính giữa, vươn cao lên trời xanh để làm hình ảnh cho cây vũ trụ. Cũng để thể hiện cây vũ trụ, người Giarai Hđrung lại sử dụng cách làm nhà mồ có hai tầng mái nhỏ dần về phía đỉnh và bằng hình chạm khắc hoặc hình vẽ để mô tả khá hiện thực cây vũ trụ ở trên nóc của kiến trúc. Kiểu nhà mồ này được gọi là Bơxat Tơlo (nhà mồ đực). Cũng của người Giarai Hđrung, gần giống với kiểu nhà mồ đực, nhưng có kích thước lớn hơn, là kiểu nhà mồ Giép (có nghĩa là cao, lớn mà chỉ được làm khi có cúng trâu). Nếu như nhà mồ Kút, nhà mồ đực và nhà mồ Giép hướng lên cao để tạo ra hình tượng cây vũ trụ, thì nhà mồ hai mái có gờ nóc của người Giairai Aráp lại trải dài ra theo chiều dọc để tạo ra những không gian cho các tượng mồ (dựng xung quanh nhà mồ), cho các hình đan và vẽ thể hiện trời mây, cây cỏ (phủ lên hai mái) và các hình chạm khắc mô tả con thuyền đưa linh mang theo hình ảnh (được thể hiện bằng các hình chạm) của lễ hội bỏ ma tưng bừng để sẽ đi cùng linh hồn người chết (dựng dọc theo bờ nóc). Trong khi đó thì nhà mồ của người Giarai Tbuăn lại gây ấn tượng chủ yếu và rất huyền ảo bằng một cấu trúc bên cạnh có cây cột trang trí bằng chạm khắc và các chi tiết chạm khắc gắn vào để tạo thành hình ảnh cây vũ trụ - cột Kút - bàn thờ - nơi đặt đồ cúng cho người chết vào những ngày lễ hội bỏ ma.

Ngoài người Giarai, các tộc thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa Đảo khác trên Tây Nguyên như người Êđê, người Raglai... cũng có truyền thống làm nhà mồ. Và, nhà mồ của mỗi tộc này cũng có những nét rất riêng. Mặc dầu có nhiều nét giống với những kiến trúc hai mái cùng loại của người Giarai, nhà mồ của người Êđê lại có thêm một cấu trúc phụ hình chiếc thuyền dựng bên ngôi nhà mồ: Bàn thờ cúng cơm. Người Raglai cũng làm một hình con thuyền lớn cho ngôi nhà mồ. Nhưng, chiếc thuyền lại được đưa lên làm nóc cho ngôi nhà mồ. Do vậy, ngôi nhà mồ của người Raglai, đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, là hình ảnh con thuyền đưa linh có chức năng đưa linh hồn người chết sang thế giới bên kia.

So với của những tộc người Malayo - Pôlinêdiêng, thì, do không có tục chôn chung nên nhà mồ của các tộc người thuộc ngữ hệ Môn - Khơme không lớn bằng. Nhưng, các tộc Môn - Khơme trên Tây Nguyên cũng sáng tạo ra không ít kiểu nhà mồ thật ấn tượng và thật riêng. Bằng những hình đan, vẽ và điêu khắc gỗ, người Bana biến cả ngôi nhà mồ thành một vũ trụ thu nhỏ với các hình mặt trời, mặt trăng, các vì sao, chim muông, cỏ cây, hoa lá, thú vật, con người... Mặc dầu rất nhỏ, nhưng nhà mồ của người Brâu và RơMăm lại đẹp ở chiếc nắp quan tài lớn bằng gỗ chạm khắc hình những con voi, những ngôi tháp nhọn thật duyên dáng. Cũng vậy, những ngôi nhà mồ của người Mnông như thu mình lại để cho những hình điêu khắc gỗ lớn thể hiện những con chim công vươn cao đầu lên và như chuẩn bị đưa linh hồn người chết đi đâu đó, rất xa...

Tất nhiên, vì tính chất sử dụng và mang tính chức năng khác nhau, nên mỗi loại hình kiến trúc của các tộc người Tây Nguyên được thể hiện theo những hình tượng khác nhau. Không chỉ ở Tây Nguyên mà ở vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc nước ta, cũng như ở nhiều khu vực khác nhau trong các nước Đông Nam á, đồng bào thiểu số cũng có những loại hình kiến trúc khác nhau. Nhưng, qua sự chứng kiến cũng như qua nghiên cứu so sánh, chúng tôi nhận thấy, kiến trúc dân gian Tây Nguyên vẫn có những sắc thái riêng và sự phong phú riêng của mình. Trước hết, điều dễ nhận thấy nhất là, do hoàn cảnh địa lý và lịch sử đặc thù (cho đến tận thời hiện đại, những người dân ở đây vẫn còn sống theo những truyền thống văn hóa bản địa của mình), nghệ thuật kiến trúc của các tộc Tây Nguyên, xét về nhiều mặt, còn giữ lại được nhiều truyền thống nguyên sơ của mình. Nghệ thuật kiến trúc Tây Nguyên, cho đến trước thời hiện đại, hầu như chưa bị ảnh hưởng bởi các nền văn hoá lớn từ bên ngoài tới. Do vậy, như chúng tôi đã trình bày, bức tranh kiến trúc dân gian Tây Nguyên vẫn còn rất phong phú và huyền ảo như cuộc sống của con người và của thiên nhiên nơi đây. Cùng một kiểu loại kiến trúc, nhưng mỗi tộc, thậm chí mỗi nhóm tộc nơi đây lại có cách thể hiện riêng và có những hình tượng để biểu hiện riêng. Vì thế, kiến trúc dân gian Tây Nguyên không chỉ còn nguyên sơ mà còn rất đa dạng và rất phong phú về loaị hình và biểu tượng. Đúng là, không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc lại gọi Tây Nguyên là mảnh đất huyền ảo. Theo chúng tôi, chất huyền ảo cũng rất đúng với đặc trưng của kiến trúc dân gian Tây Nguyên.

Nhưng, ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, trong những chuyến đi điều tra nghiên cứu thực địa, chúng tôi đã nhận thấy, cứ mỗi năm trôi qua là mảng màu bản sắc kiến trúc dân gian của các tộc Tây Nguyên lại vừa nhạt đi vừa bị co hẹp lại. Việc gia tăng mô hình gia đình nhỏ hạt nhân, do những đổi thay về kinh tế - xã hội và văn hóa tác động, ngày càng phát triển, đã làm cho những ngôi nhà dài truyền thống phù hợp với mô hình đại gia đình của người Giarai, Êđê… đã không còn cơ sở văn hóa - xã hội để tồn tại nữa. Rồi thì, quá trình đô thị hóa ngày càng phát triển mạnh trong những năm gần đây đã, đang và sẽ xoá dần đi những ngôi nhà sàn ấm cúng và thơ mộng vốn đã tồn tại cả ngàn đời nay để thay bằng những khối nhà bê tông nhiều tầng tiện lợi, nhưng vô hồn. Cuộc sống hiện đại với những quy chế mới đã làm thay đổi, thậm chí thay thế hoàn toàn những giá trị truyền thống cũ. Do vậy, những ngôi nhà rông hoành tráng đầy chất sử thi cũng mất dần cơ sở xã hội và văn hóa để tồn tại. Rồi thì, những tác động của giao lưu văn hóa với các tộc người khác, với các tôn giáo khác, với thế giới bên ngoài… đã, đang và sẽ làm mai một, thậm chí làm mất hẳn nhiều phong tục, tập quán truyền thống, trong đó có phong tục tang ma, của các tộc người Tây Nguyên. Giờ đây, ở nhiều nơi, ở nhiều tộc người, lễ hội bỏ ma, một trong những lễ hội lớn nhất và đậm chất Tây Nguyên nhất, đã hoặc bị mất đi, hoặc bị biến sắc, hoặc bị giản đơn hóa… Thế là, những ngôi nhà mồ, những pho tượng mồ đắc sắc của Tây Nguyên đâu còn được làm nữa, vì hoàn cảnh cho chúng ra đời đã mất đi rồi…

Có thể thấy, do những tác động của đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt là do tác động mạnh mẽ của giao lưu, hội nhập và toàn cầu hóa, mà trong những năm gần đây, hầu như tất cả những cơ sở văn hóa - xã hội cũng như kinh tế của những mô hình kiến trúc dân gian đặc sắc của các tộc Tây Nguyên, như nhà dài, nhà rông, nhà mồ và thậm chí cả mô hình nhà sàn giản đơn nữa, cũng đã bị mất đi hoặc bị thay đổi. Và, hậu quả chắc chắn sẽ là, số lượng và chất lượng của các kiến trúc dân gian Tây Nguyên sẽ ít dần đi, sẽ “xấu” đi và rồi sẽ vĩnh viễn mất đi. Đó là cái giá mà nhiều dân tộc và nhiều nền văn hóa trên thế giới đã, đang và sẽ phải trả cho sự phát triển. Vậy chúng ta phải làm gì đối với những giá trị kiến trúc dân gian truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên?

Chúng tôi cho rằng, một trong những việc làm cấp bách và thiết thực nhất hiện nay là phải nghiên cứu cho thật khoa học và đầy đủ về những giá trị kiến trúc dân gian Tây Nguyên để lưu giữ lại cho các đời sau. Sau đấy là phải có cách bảo tồn một cách khoa học những di sản kiến trúc dân gian tiêu biểu của Tây Nguyên. Rồi thì, theo suy nghĩ của chúng tôi, các nhà quản lý xây dựng, các kiến trúc sư, các nhà xây dựng, các nhà đầu tư, các ban ngành của Nhà nước phải có những chính sách và những việc làm cụ thể để tạo ra những đô thị và những công trình kiến trúc hiện đại mới trên Tây Nguyên đậm sắc mầu văn hóa các tộc Tây nguyên. Có như thế, những truyền thống kiến trúc dân gian đầy bản sắc của Tây Nguyên mới được bảo lưu, gìn giữ và có điều kiện phát triển.


PGS.TS. Ngô Văn Doanh

___________________

1 - Có thể xem: Ngô Văn Doanh: “Nhà dài Êđê”, trong Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 404 - 419; Ngô Văn Doanh, “Người Êđê làm nhà dài như thế nào”, Văn nghệ dân tộc và miền núi, số 10(50)/1999, tr. 16 - 19.
2 - Có thể tham khảo bài viết của chúng tôi: Ngô Văn Doanh: “Kiến trúc nhà thờ Tây Nguyên”, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 5/ 1998, tr. 53 - 54.
3 - Có thể tham khảo thêm các bài viết của chúng tôi về nhà rông: Ngô Văn Doanh: “Trở lại Plêi Bông”, Văn nghệ Gia Lai - Kon Tum, số 3, 1987, tr. 102 - 108; Ngô Văn Doanh: “Nhà rông - từ cái nhìn khu vực Đông Nam á”, Nhà rông, nhà rông văn hoá, (kỷ yếu hội thảo khoa học), Viện Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2004, tr. 72 -77.
4 - Chúng tôi đã viết và công bố nhiều công trình và bài viết về lễ hội bỏ mả và nghệ thuật nhà mồ và tượng mồ Tây Nguyên, trong số đó, có hai cuốn sách:
a - Ngô Văn Doanh: Nhà mồ và tượng mồ Giarai Bơhnar, Sở Văn hoá - Thông tin và Thể thao tỉnh Gia Lai, Viện Đông Nam á, Pleiku, 1993.
b - Ngô Văn Doanh: Lễ hội bỏ mả Bắc Tây Nguyên, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1995...


http://vietnamarchitecture-nguyentienquang.blogspot.com/2011/08/tay-nguyen-mot-vung-nghe-thuat-kien.html 

Các mẫu nhà sàn  3D
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.