Người vẽ những “ngôi nhà ánh sáng”
Năm 1936, giải pháp kiến trúc
“Nhà ánh sáng” cho người nghèo của kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đã gây
tiếng vang lớn ở Đông Dương. Tiếng vang ấy còn vọng sang một số nước
thuộc địa của Pháp ở châu Phi.
Tại đầu nguồn nước trong
Những năm học nghề đầu tiên, ông Nguyễn
Cao Luyện được thụ giáo với những người thầy kiến trúc giỏi nhất nước
Pháp: Arthur Kruze, Louis Georges Pineau, Ernest He’brard, Gaston Roger,
Jacques Lagisquet. Một năm thực tập tại Pháp sau đó là những ngày làm
việc với những kiến trúc sư (KTS) danh tiếng thế giới như Auguste
Perret, Le Corbusier. Họ có thể đã truyền dạy KTS Nguyễn Cao Luyện
nhiều phương pháp chính xác và hiệu quả. Nhưng cậu sinh viên tốt nghiệp
kiến trúc thủ khoa của ĐH Mỹ thuật Đông Dương lại đi theo một cảm hứng
khác. Đó là cảm hứng dân tộc.
“Tại nguồn nước bao giờ cũng trong”
– đó là quan niệm của Nguyễn Cao Luyện từ những ngày mới vào nghề. Cũng
với các bạn học tại Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm,
Trần Quang Trân, Trần Văn Cẩn… ông đi thăm chùa Kim Liên, chùa Láng,
chùa Tây Phương, chùa Phổ Minh, đình Đình Bảng… Họ vừa vẽ, vừa ghi, vừa
đắm mình trong không gian tĩnh mịch, đầy ắp cổ kính.
Những tinh hoa kiến trúc Pháp kết hợp
với sự am hiểu về nghệ thuật kiến trúc xây dựng cổ truyền của dân tộc đã
được ông thể hiện trong các đồ án của mình. Đó là những đường nét, hình
khối nhẹ nhàng có nhịp điệu, gây ấn tượng ở hệ thống mái đón nơi sảnh
vào và mái hắt đua rộng chạy suốt mặt nhà. Nguyễn Cao Luyện thường nhấn
mạnh việc khai thác yếu tố dân tộc với tính hiện đại. Nó thể hiện ở
đường nét đơn sơ mộc mạc của kiến trúc dân gian. Nó cũng thể hiện ở cách
tổ chức mặt bằng đáp ứng yêu cầu của cuộc sống đương thời. Nhờ đó, ông
tạo nên những không gian thông thoáng, hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm
của Việt Nam.
Nhà ánh sáng
Cuối năm 1935, KTS Hoàng Như Tiếp từ Huế
ra Hà Nội cùng làm việc với Nguyễn Cao Luyện. Trong những năm Mặt trận
Bình dân (1936 – 1939), hai ông đến bãi Phúc Xá (Hà Nội) rồi đưa ra kiểu
“Nhà ánh sáng”. Kiểu nhà nhằm thiết kế nơi ăn chốn ở văn minh cho người
lao động nghèo. “Nhà ánh sáng” làm bằng vật liệu rẻ tiền nhưng bền
chắc. Khung cột bằng bê tông đúc sẵn, vách bằng tre nứa, mái lợp tranh,
bàn ghế bằng trúc, mây. Thiết kế hợp vệ sinh và hiện đại, mỗi hộ có một
khu vệ sinh ở trong nhà, ứng dụng theo kiểu cách của Hà Lan. Giải pháp
kiến trúc “Nhà ánh sáng” cho người nghèo không những đã có tiếng vang
lớn ở Đông Dương thời đó, mà còn vọng sang một số nước thuộc địa của
Pháp ở châu Phi.
Cũng trong những năm này, Nguyễn Cao
Luyện còn hỗ trợ xây dựng trường và tham gia giảng dạy ở Trường tư thục
Thăng Long cùng với các trí thức nổi danh thời đó như Võ Nguyên Giáp,
Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Phan Anh, Nguyễn Lân, Vũ Đình Hòe, Xuân
Diệu, Lê Thị Xuyến…
Từ năm 1939, văn phòng KTS của Nguyễn
Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp có thêm KTS Nguyễn Gia Đức. Văn phòng kiến
trúc Luyện – Tiếp – Đức được tín nhiệm qua những đồ án sáng tác xây dựng
biệt thự, nhà phố ở Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn… để lại cho kiến trúc
Việt Nam nhiều di sản đậm nét sáng tạo. Biệt thự hai tầng của bác sĩ
Nguyễn Văn Luyện ở số 65 Lý Thường Kiệt (Hà Nội, nay là Đại sứ quán
Cuba) được thiết kế theo phong cách hiện đại nhưng bình dị. Sảnh vào,
cửa đi, cửa sổ, các mảng đặc rỗng có tỷ lệ hài hòa. Tòa nhà được nhiệt
đới hóa bởi nhiều ô văng, mái hai lớp có lỗ thông hơi là những yếu tố
cách tân thời đó. Biệt thự số 77 Nguyễn Thái Học của nha sĩ Nghiêm Mỹ có
hình khối mạnh mà vẫn sinh động, tạo nên những góc nhìn đẹp. Các biệt
thự khác ở 14 Phạm Đình Hổ, 74 Ngô Thì Nhậm, cụm biệt thự ở 16, 18, 20,
24 Phan Huy Chú cũng theo xu hướng này.
Kiến trúc phục vụ nhân dân
Cuộc cách mạng mùa thu năm 1945 như một
luồng gió mới đến với KTS Nguyễn Cao Luyện. Ông hăng say hoạt động xã
hội trong bầu không khí hân hoan của cả dân tộc vừa thoát ách áp bức
thực dân và quyết tâm bảo vệ nền độc lập non trẻ. Năm 1946, theo lời kêu
gọi Toàn quốc kháng chiến thiêng liêng, không chút đắn đo, ông rời bỏ
cơ ngơi và sự nghiệp ở Hà Nội lên Việt Bắc. Nguyễn Cao Luyện cùng với
Hoàng Như Tiếp là hai KTS đầu ngành, góp sức tập hợp, tổ chức các phòng
kiến trúc ở Liên khu 1, Liên khu 10, Liên khu 3, Liên khu 4.
Tại Tuyên Quang, “Thủ đô kháng chiến”
gió ngàn, Nguyễn Cao Luyện hào hứng sáng tác các kiểu nhà có nội dung sử
dụng và hình thức phù hợp với thời chiến như nhà triển lãm, chòi phát
thanh, trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính. Sau này, ông vẫn thể hiện
suy tư và hiểu biết tinh tế về nghề trong các sáng tác mở rộng tòa nhà
biệt thự làm trụ sở Quốc hội ở 35 Ngô Quyền, Hội trường Ba Đình. Ở công
trình UBND tỉnh Nghĩa Lộ ông chú trọng khai thác những nét độc đáo của
kiến trúc dân gian dân tộc Thái và đạt những hiệu quả nghệ thuật tốt.
Tiên phong đưa nghệ thuật sắp đặt vào kiến trúc
Để đánh dấu thắng lợi cuộc kháng chiến
chống Mỹ trên thành phố quê hương, KTS Nguyễn Cao Luyện đã sáng tác công
trình Bảo tàng Cổ vật bên hồ Thượng Lỗi (Nam Định). Công trình gần gũi
với tình cảm dân tộc bằng những hình ảnh kiến trúc quê hương quen thuộc
như mái đình, cầu đá, tượng đá; sắp đặt gắn với sân vườn, hồ ao. Hoàn
toàn có thể khẳng định, ở Việt Nam, Nguyễn Cao Luyện là người khởi xướng
và đi đầu trong nghệ thuật sắp đặt. Gần 30 năm sau xu hướng nghệ thuật
này mới phát triển trong giới mỹ thuật.
Trong những năm 1970, không mấy người ở
Việt Nam có thể biết (và hiểu) chủ nghĩa Biểu hiện và Tân biểu hiện. Bảo
tàng Cổ vật là một điểm sáng, độc đáo, mới lạ, trở thành một điểm nhấn
thú vị ở Nam Định với những người quan tâm đến mỹ thuật, kiến trúc, văn
hóa. Có thể xem đây như tác phẩm đầu tiên của kiến trúc hiện đại Việt
Nam theo xu hướng chủ nghĩa Biểu hiện, được đánh giá là một hành động
mang tính cách mạng, dũng cảm đột phá mở con đường mới cho kiến trúc
hiện đại Việt Nam, con đường tạo hình trong kiến trúc. Công trình vẫn
còn đó minh chứng cho tầm nhìn xa và lòng quả cảm của một nghệ sĩ chân
chính.
Người một thời mơ về “Ngôi nhà ánh sáng”
không dừng suy tư ở kiến trúc đơn thuần mà ông còn là nhà văn hóa nặng
lòng với cội nguồn dân tộc. Những yếu tố dân tộc được ông tìm tòi, khai
thác và kết hợp nhuần nhuyễn với các yếu tố hiện đại đã tạo nên một
phong cách riêng.
Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện
(1907-1987), lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo ở Nam Định.
Thường được cha đưa đi vãn cảnh chùa, ông sớm tiếp cận nghệ thuật dân
tộc, có cảm thụ sâu sắc vẻ đẹp truyền thống.
Năm 21 tuổi, ông thi đỗ vào khóa 3,
Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nguyễn Cao Luyện học ngành hội họa được một
năm thì chuyển sang ngành kiến trúc. Ông được thụ giáo những bậc thầy
kiến trúc nổi tiếng khi đó: Arthur Kruze (Chủ nhiệm khoa), Louis Georges
Pineau, Ernest He’brard, Gaston Roger, Jacques Lagisquet… Nguyễn Cao
Luyện đỗ thủ khoa khóa KTS đầu tiên 1928 – 1933 và được học bổng tu
nghiệp tại Pháp. 1933 – 1934, ông sang Paris, thực tập ở xưởng của KTS
Auguste Perret rồi chuyển sang xưởng của KTS Le Corbusier – là những KTS
danh tiếng hàng đầu thế giới. 1935, ông mở văn phòng KTS ở 42 Tràng Thi
(Hà Nội). Đây là văn phòng KTS đầu tiên của người Việt. Những công
trình đầu tay của Nguyễn Cao Luyện được xây dựng là Bệnh viện tư ở số
167 Phùng Hưng và Trường Thăng Long ở 20 Ngõ Trạm. Năm 1948, ông là sáng
lập viên Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày
nay). Năm 1950, ở Việt Bắc, ông đã mở lớp “họa viên” để tạo nguồn nhân
lực cho công tác thiết kế thời chiến và thời bình sau này. Năm 1961, ông
sáng lập, phụ trách lớp đào tạo KTS đầu tiên – tiền thân của Trường ĐH
Kiến trúc Hà Nội ngày nay. Ông cũng là hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Kiến
trúc.
Ông viết hai cuốn sách Từ những mái nhà tranh cổ truyền (1977) và Chùa Tây Phương, một công trình kiến trúc cổ độc đáo (1987).
Ông được nhà nước trao tặng Huân chương
Độc lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một (1996). Tên của ông đã được
đặt cho một con đường tại Q.Long Biên (Hà Nội) và một con đường tại
Q.Sơn Trà (Đà Nẵng).
|
Nguồn Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.