Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

PHONG THỦY-Feng Shui

 

PHONG THỦY

Tính khoa học trong Phong thuỷ và kiến trúc hiện đại

Kiến trúc sư Phạm Hoàng Cương
Thành viên nghiên cứu Phong Thủy Lạc Việt
Trung tâm nghiên cứu Lý Học Đông Phương
Trong quá trình đào tạo, nghiên cứu và thực hành của nhóm Phong Thủy Lạc Việt nhằm mục đích chứng minh tính khoa học của những giá trị ứng dụng trong Phong Thủy và tìm hiểu khám phá những bí ẩn của Phong Thủy, đã có những thành tựu nhất định. Ngoài những ứng dụng có hiệu quả trên thực tế, nhóm nghiên cứu đã có nhiều bài viết có giá trị về mặt lý luận hay đề ra những phương pháp nghiên cứu hiệu quả.
Dưới đây là bài viết của KTS Phạm Hoàng Cươngbàn về "Tính khoa học trong phong thủy và kiến trúc hiện đại" có nội dung so sánh những tri thức còn tiếp tục cần khám phá của phong thủy với kiến trúc và tính khoa học trong phong thủy.

Trong đời sống xã hội ngày nay có một xu hướng ngày càng nở rộ đó là là sự ứng dụng của Phong thuỷ trong mọi lĩnh vực liên quan đến xây dựng và kiến trúc. Từ việc xây dựng nhà cửa, tu tạo lăng mộ cho đến xây dựng các xưởng sản xuất và các cơ quan hành chính. Xu hướng này phải chăng là một sự tất yếu khi mà xã hội bắt đầu có sự sung túc thịnh vượng nên người ta đã rộng rãi nghĩ đến bắt chước người xưa? Hay chính tính hiệu quả của phong thuỷ được ứng dụng gần như suốt chiều dài của lịch sử văn minh Đông phương và ngày nay đã được khoa học coi như một đối tượng nghiên cứu? Vậy thực ra phong thuỷ là gì? Và nó có mối liên hệ thế nào với kiến trúc hiện đại mà lại được quan tâm như vậy.
Bài viết này không có tham vọng khám phá sâu vào những vấn đề định lượng và bản chất của phong thuỷ mà chỉ xin được đưa ra những kiến giải riêng về vấn đề này qua sự so sánh những quan niệm trong ứng dụng của phong thuỷ với kiến trúc hiện đại.
Thời gia gần đây, trào lưu ứng dụng Phong thuỷ trong các thiết kế về nhà ở dân dụng cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh v.v dường như là một xu hướng rất thịnh hành. Mặc dù vậy, có thể nói đại bộ phận dân chúng tuy ứng dụng phong thuỷ nhưng vẫn chưa hiểu hết giá trị thực của bộ môn này. Dường như họ vẫn tin vào nó như một thứ quyền năng huyền bí, hoặc như một thứ tôn giáo cao cả nào đó, số ít hiểu biết hơn thì coi đây như một liều Placebo diệu kì trong y học, một phần nhỏ hơn thì biết được tính ứng dụng khoa học của bộ môn này, nhưng số đông vẫn là những hiểu biết còn lệch lạc và chưa thấu đáo.
I - Vậy thực ra Phong thuỷ là gì?
Theo từ điển Hán Việt thì Phong là gió, thuỷ là nước. Phần lớn chỉ quan niệm đơn giản cho rằng: phong thuỷ là một khoa chuyên nguyên cứu về quan hệ giữa gió và nước và ảnh hưởng của nó đối với đời sống con người. Nhưng nếu chỉ hiểu như vậy thì quả là chưa đánh giá đúng cái chân giá trị và vai trò của Phong thuỷ trong đời sống con người!
Lịch sử hình thành các dân tộc phương Đông có khoảng trên dưới năm ngàn năm thì cũng gần hết chiều dài lịch sử đó đã thấy có sự xuất hiện của Khoa Phong Thuỷ. Những văn bản cổ xưa nhất đã ghi dấu lại bằng giáp cốt văn (chữ nòng nọc – Khoa đẩu) sau khi giải mã đã cho thấy rõ điều này.
Các thành ngữ trong dân gian như : “Chọn đất mà ở” (trạch địa nhi cư), “Gần nước hướng về mặt trời” (cận thuỷ hướng dương) cho thấy các quan niệm chọn đất có phương pháp đã phổ biến rộng rãi trong tư tưởng mọi người. Điều này chỉ ra rằng: đã có một hệ thống tư tưởng định hướng cho dân cư cổ đại trong việc chọn địa bàn sinh sống khi thòi kì quần cư bắt đầu. Dấu vết này cũng có thể nhận thấy trong Kinh Thi là tập hợp ca dao tục ngữ cổ, tương truyền do Khổng tử biên tập lại. Những sách vở được coi là vào thời kì Thương, Chu các địa danh đã có sự phân định khá chi tiết như đồi, núi, gò, đống chỉ những khu vực địa hình cao so với sông , suối, lạch, ngòi là những từ để mô tả những khu vực thấp trũng mang nước. Chứng tỏ con người thời kì này đã ý thức rất rõ về sự khác biệt giữa hình thể và tác dụng của nó ảnh hưởng thế nào đối với con người. Ngoài ra sử sách khi nói về sự kiện xe chỉ hưóng Nam cón từ thời thượng cổ cũng chỉ ra được thành tựu của con ngưòi trong việc định phưong hướng địa bàn.
Truyền thống ứng dụng phong thủy của nến văn hiến Việt cũng được nhắc nhở tới từ thời Hùng Vương dựng nước: Trong những câu chuyện truyền miệng của các cụ già ở đất Phong châu xưa, sự kiện Vua Hùng tìm đất đóng đô dựng nước vẫn luôn được nhắc đến với đầy lòng trân trọng và sự tự hào, Nhà nghiên cứu Phan Kế Bính cũng đã sưu tầm và biên soạn truyền thuyết này vào trong cuốn Nghìn xưa văn hiến do nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 1999
Như vậy có thể nói Phong thuỷ tồn tại song hành với lịch sử phát triển trải hàng nghìn năm. Tính hiệu quả của phong thủy trong xã hội Đơng phương là không thể phủ nhận. Phong thuỷ đã có những đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của các quốc gia Phương Đông, có tính tích cực như góp phần hoạch định những khu Kinh thành sầm uất náo nhiệt, kiến tạo nên những cung điện nguy nga, khiến Tây phương cũng phải ngưỡng mộ. Nhưng trong một số không ít các trường hợp do cách giải thích của những người làm nghề phong thủy vì mục đích vụ lợi hay do thiếu hiểu biết khiến ; khiến Phong thuỷ được hiểu như là một môn khoa học thần bí và bị ngộ nhận là bùa mê, thuốc lú làm tiền người dân, mê muôi một bộ phận dân chúng, gây những nghi ngờ không đáng có đối với bộ môn này.
Đã có thời gian Phong thuỷ được đánh đồng với tôn giáo. Thậm chí bị coi là nhảm nhí, là mê tín dị đoan cũng chính do cách giải thích thiếu hiểu biết của chính các thầy Phong thuỷ, muốn thần thánh hoá, làm thần bí phức tạp thêm trong con mắt của gia chủ nhằm trục lợi cho bản thân.
Trong bài viết này người viết xin đưa ra những luận điểm của mình với hy vọng đóng góp vào việc đưa môn Phong thuỷ dưới góc độ khoa học nhằm tránh sự hiểu nhầm sai lạc dễ đánh đồng một môn Khoa học cổ truyền với tôn giáo hay với mê tín dị đoan.

Ngày nay, phong thuỷ đã được coi là một đối tượng nghiên cứu khoa học. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã có những cơ quan nghiên cứu về phong thuỷ. Là một người nghiên cứu về phong thủy và là một nhà kiến trúc, tôi nhận thấy rằng: Nếu chúng ta loại bỏ những cách giải thích rời rạc, bí ẩn về những khái niệm trong phong thuỷ thì những phương pháp ứng dụng trên thực tế của phong thuỷ hoàn toàn mang tính khách quan, tính quy luật, tính nhất quán và khả năng tiên tri. Đấy là những yếu tố thoá mãn tiêu chí khoa học cho một phương pháp khoa học.
Căn cứ vào những tiêu chí này, chúng tôi có thể khẳng định rằng: Phong thuỷ là một phương pháp khoa hoc, hoàn toàn không mang tính tín ngưỡng hoặc mê tín dị đoan. Phong thuỷ là hệ quả của một tri thức nghiên cứu về các qui luật tương tác của thiên nhiên, môi trường và là phương pháp thay đổi chỉnh sửa những hiệu ứng tương tác của môi trường lên cuộc sống của con người.
Vấn đề còn lại là chúng ta cần phải tiếp tục coi phong thuỷ như là một đối tượng khoa học để khám phá những thực tại được thể hiện qua những khái niệm ngôn ngữ cổ trong phương pháp luận của phong thuỷ.
II – So sánh những tương đồng của Phong thuỷ với kiến trúc hiện đại.
A) Quan niệm cân bằng Âm Dương trong phong thuỷ và tính hài hoà trong kiến trúc hiện đại.
Trước đây có người đặt vấn đề rằng: Liệu có hay không tồn tại một Khoa Phong thuỷ ở Tây Phương hay một câu hỏi cụ thể hơn là: Các công trình Pháp trên Việt Nam đã tồn tại cả trăm năm nay, liệu có sử dụng giải pháp gì về Phong thuỷ không mà lại tồn tại dài lâu đến vậy?
Trước hết xin đưa ra quan điểm của nguời viết dưới góc độ một người được đào tạo chuyên môn về kiến trúc là: Để một công trình kiến trúc có thể tồn tại trong một khoảng thời gian dài hàng trăm năm ấy nó phải đạt đựơc ít nhất là hai yếu tố:
Thứ nhất là về tính thẩm mĩ của công trình; thứ hai là nó phải đạt về mặt hợp lí trong công năng sử dụng. Hay nói ngắn gọn là nó phải đẹp và hài hoà thì nó mới tồn tại lâu dài và thứ hai là phải hợp lý trong quá trình sử dụng thì nó mới được người đời trân trọng gìn giữ và không bị đập đi thay thế bằng công trình khác .

Đứng dưới góc độ Phong thuỷ mà nói thì khi mà công trình kiến trúc tồn tại được trong một thời gian dài thì các yếu tố về cân bằng Âm dương và ngũ hành phải đạt đến mức độ chuẩn mực. Tức là nó phải bao hàm cả yếu tố thẩm mỹ và tính hài hoà cân đối. Khi các yếu tố về Âm dương và ngũ hành cân bằng – tức là tính thẩm mỹ, tính hài hoà và cân đối cao - thì tự bản thân công trình sẽ có tác động tích cực đến ý thức con người, khiến ngưòi ta có những ý nghĩ trân trọng và có ý nghĩ bảo tồn nó.
Nói cụ thể hơn như chúng ta cũng biết trong ngôn ngữ tạo hình kiến trúc, sự phối hợp giữa các mảng đối lập tạo nên tính thẩm mĩ công trình (về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu). Trong cân bằng có yếu tố cân bằng động và cân bằng tĩnh, nhưng chung qui vẫn cần có sự cân bằng. Để có được sự cân bằng này thì việc điều chỉnh các mảng đối lập nhau như mảng đặc đối với mảng rỗng, phần gồ ghề với phần phẳng nhẵn, miếng có kính đối với phần thịt còn lại, phần diện tích sân vườn và phần diện tích công trình phải tìm được sự hài hoà nghĩa là đạt được những tỉ lệ chuẩn mực. Những yếu tố cần về sự hài hoà trong kiến trúc hiện đại trên đây cũng chính là quan niệm của phong thuỷ với khái niệm hài hoà Âm Dương và tính tương sinh của Ngũ hành.
Cân bằng Âm dương, Ngũ hành trong lý học Đông phương ngoài sự ứng dụng trong phong thuỷ, chúng ta cũng có thể thấy quan niệm này khi tới Đông y. Thuyết Âm Dương Ngũ hành ứng dụng trong Đông y quan niệm rằng: Khi con người được trạng thái cân bằng Âm Dương, Ngũ hành điều hoà thì sức khoẻ dồi dào, tâm sinh lý ổn định. Chỉ khi nào mà âm dương phân tán, Ngũ hành tạp loạn đưa đến mất cân bằng sinh học thì sẽ nảy sinh tật bệnh khi đó mới cần đến sự điều chỉnh lại của bác sĩ.
Như vậy, chúng ta thấy rằng: Quan niệm cân bằng Âm Dương, Ngũ hành hài hoà chính là một quan niệm phổ biến của thuyết Âm Dương Ngũ hành và cũng ứng dụng trong phong thuỷ.

Dưới đây là hình một công trình kiến trúc Tây phương có sự cân bằng và hài hoà Âm Dương theo cái nhìn của phong thuỷ Đông phương.
B) Tỷ lệ vàng trong nghệ thuật và kiến trúc phương Tây và khái niệm tỷ lệ “Tường minh” trong phong thuỷ Đông phương.
Trong các ngành nghệ thuật tạo hình nói chung và trong nghệ thuật Kiến trúc nói riêng tồn tại những con số, những tỷ lệ được coi là chuẩn mực. Con số và tỷ lệ này được tìm thấy qua quá trình lao động và đúc kết bằng kinh nghiệm khi quan sát và chọn lọc từ giới tự nhiên. Khi đem các con số, các tỷ lệ này vào ứng dụng trong các tác phẩm về nghệ thuật, các công trình kiến trúc thì luôn tạo được hiệu quả thẩm mỹ tuyệt vời. Tỷ lệ vàng ra đời từ đó
Trong phương pháp ứng dụng của Huyền không ta cũng tìm thấy có những sự liên hệ tương ứng . Khi quán xét 16 cách cục trong Huyền không, Ta nhận thấy trong bảng này gồm 17 cung cát và 28 cung hung và bán hung. Kết hợp với tỉ lệ “Tam phần nhân định Thất phần thiên”, được hình chữ nhật với tỷ lệ tương đương 28/17, 3 = 1,618. Đây chính là tỷ lệ vàng trong kiến trúc Phương Tây mà trong Phong Thuỷ Phương Đông gọi tỷ lệ cân bằng này là tỷ lệ “Tường minh”.
C) Quan niệm về vận động của khí trong phong thuỷ và cấu trúc nhà ở hiện đạiNgoài ra sự vận hành trơn tru của dây chuyền công năng tạo nên sự hợp lý của một công trình kiến trúc, cũng chính là sự vận động của dòng khí trong Phong thuỷ. Quan niệm của phong thuỷ cho rằng: khi dòng khí vận động không có sự hỗn loạn. Tức là sự bố trí hợp dây chuyền, sản xuất, hoặc cấu trúc bên trong ngôi nhà trong không bị chồng chéo, phức tạp thì công trình đó sẽ ổn định lâu dài. Hay nói cách khác một công trình không hợp lý về mặt công năng, không chóng thì chầy sẽ phải cải tạo lại, Quan niệm của Phong thuỷ cho rằng: khi các dòng khí chuyển dịch hỗn loạn thì tác động không tốt đối với chủ thể công trình. nếu cá nhân chủ thể công trình có nhận thức được điều này sẽ tự khắc điều chỉnh lại (tức là cải tạo sửa chữa), nếu không thì chính sự bất thường này sẽ tạo bất lợi tới chủ nhân công trình đó, nếu là cơ sở sản xuất kinh doanh thì sẽ thua thiệt, phá sản và rồi dễ bị các cá nhân khác thâu tóm dẫn đến sự thay đổi công trình.
Thực ra trong khi Phong thuỷ cổ truyền tồn tại cả ngàn năm trên vùng đất Phương Đông huyền bí thì ở bên trời Tây các ngành khoa học nghiên cứu về mối quan hệ giữa công trình, tự nhiên, thiên nhên và con người cũng tồn tại trong khoảng đó. Các dân tộc trên bán đảo Ban căng cả ngàn năm xưa cũng đề cao các yếu tố gió nước tác động đến cao người qua các nghiên cứu của Hipocrat Olimpia, Acrantit.. rồi cả người Ai cập cổ đại khi xây dựng Kim tự tháp bằng đã cũng dựa nào từ trường của trái đất để hoạch định trong xây dựng cả.
Trong Kiến trúc hiện đại ngày nay có một bộ môn nghiên cứu mà về cách thức vận hành và ứng dụng cũng có những điểm tương đồng với các phương pháp ứng dụng trong Phong thuỷ cổ truyền. Ví dụ như chúng ta có thể so sánh tính tương đồng trong môn Vật lí kiến trúc là một bộ môn nghiên cứu về ảnh hưởng tương tác của các yếu tố vật lí môi trường với con người và công trình và một bên là yếu tố ảnh hưởng cuả cảnh quan theo phương pháp Loan đầu Hình lý khí trong Phong thuỷ.
Cụ thể là Vật lí Kiến trúc trong nghiên cứu về sự phân bổ của gió tự nhiên trong phòng thì đưa ra những qui luật là không tạo các cửa đối nhau trong phòng, kể cả khi cửa sổ đối diện với cửa phòng. Lí do là khi các cửa đối nhau này hình thành thì đễ tạo các luồng gió xuyên phòng đột ngột không có lợi cho người ở, thứ hai là sự lưu thông không khí trong phòng kém dễ tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn yếm khí hoạt động, điều này không tốt cho sức khoẻ con người.
Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua hình minh hoạ dưới đây trong vật lý kiến trúc.

Trong quan niệm của yếu tố Cấu trúc hình thể - Dương trạch - thì sự vận hành của dòng khí được rất xem trọng và cũng không chấp nhận sự đối môn của các cửa thông nhau. Giả dụ như nếu gặp ba cửa liên tiếp thì các phong thuỷ gia kinh nghiêm sẽ lập tức chuyển cửa thứ ba sang một bên, hoặc sử dụng bình phong để thay đổi sự vận hành của dòng khí theo quan niệm phong thuỷ. Quan niệm phong thuỷ cho rằng: Khi dòng khí quá mạnh có thể biến thành xung sát khí. Bên cạnh đó trong môn này cũng rất chú trọng tìm cửa thoát khí sau khi đã tìm được cửa nạp khí quan trong, nhằm tránh hiện tượng bế khí có thể gây những trục trặc về sau này cho gia chủ.
Đó chính là những điểm tương đồng của Cấu trúc hình thể trong phong thuỷ với Vật lí Kiến trúc. Nhưng bên cạnh đó thì phong thuỷ còn chú trọng cả việc tìm cửa với sự tương quan của cửa đối với Thái cực còn gọi là tâm công trình và tác động của cảnh quan môi trường – phương pháp Loan đầu.
Trong các nguyên lí thiết kế dù là cơ bản nhất trong Kiến trúc cũng thấy có sự tương đồng. Ví dụ như khi Quán xét một khu đất để đưa ra bố cục công trình thì một Kiến trúc sư có nghề luôn phải chú trọng tìm đường to phố lớn, các trục giao thông chính để hướng công trình mình thiết kế về chỗ đó. Còn trong phương pháp ứng dụng của Phong thuỷ cũng lấy dương làm hướng, tức là cũng tìm luồng chảy của con sông, mặt hồ , hay luồng người đi lại trên đường phố để đón lấy dòng sinh khí vậy. Phong thuỷ gọi đây là sự vô tình hay hữu tình của công trình đối với các yếu tố tương tác còn lại. Hai khái niệm khác nhau của hai bộ môn khác nhau, nhưng đích đến thì hoàn toàn có sự thống nhất.
D) Cấu trúc hình thể trong phong thuỷ và kiến trúc hiện đại.
Ngoài ra chúng ta cũng có thể tìm khá nhiều những điểm tương đồng giữa Kiến trúc hiện đại và Phong Thuỷ ví dụ như: Phong thuỷ thường đặt Thuỷ trước công trình (Minh Đường tụ thuỷ) thì bên Tây phương việc hồ nứoc xen lẫn công trình cũng là điều được khuyến khích vì mặt nước thì ngoài việc tạo điểm nhấn sinh động, giúp tăng không gian tăng độ bề thế cho công trình nó còn cung cấp thêm các ion âm có lợi cho sức khoẻ, đồng thời những khu vực nào có hồ nước sẽ giúp điều tiết khí hậu. Khoa học nhận thấy rằng các khu vực gần biển hoặc nhiều sông hồ thì thường có lợi hơn các khu vực còn lại với nhiệt độ chênh lệch khoảng từ 1 đến 2 độ C.
Như vậy là qua những dẫn chứng căn bản ở trên, chúng ta cũng thấy được những sự tương quan ứng dụng của Phong thuỷ Đông phương với những tri thức khoa học và kiến trúc hiện đại và chúng ta về cơ bản cũng thấy được tính khoa học của phương pháp ứng dụng trong phong thuỷ Đông phương.
Nhưng tới đây có thể đặt vấn đề là nếu như vậy thì tại sao không bỏ Phong thuỷ cổ truyền mà chỉ cần ứng dụng những môn Khoa học hiện đại vì những tương ứng thay thế nó và những nghiên cứu khoa học của kiến trúc hiện đại lại còn có thực nghiệm chi tiết và cụ thể hơn, chứ không mang tính định tính khó kiểm chứng như Phong thuỷ.
Những điều này sẽ được lý giải ở phần tiếp theo dưới đây.

II - Phong thuỷ và những vấn đề cần tiếp tục khám phá dưói góc nhìn khoa học.
Quả thật Phong thuỷ là một môn học thuật cổ từ ngàn năm nay và với tri thức hiện đại thì chúng ta thấy rằng những ứng dụng phong thuỷ mới chỉ mang nặng định tính chứ chưa cụ thể chi tiết và mang tính định lượng như Khoa học hiện đại. Chúng ta cũng biết rất rõ điều này. Tuy nhiên trong Phong thuỷ đã có những ứng dụng thành công từ rất nhiều năm nay nhưng khoa học hiện đại với những công cụ tiên tiến nhất vẫn chưa thể giải thích nổi.
Như trong Phái Bát trạch thì dựa vào 8 hướng chính mà phân cung định hướng ra làm 8 quẻ, mỗi quẻ thì có một vai trò ảnh hưởng nhất định đối với chủ thể công trình. Như phương Nam chủ về Danh tiếng, Bắc thì chủ về Quan lộc địa vị, phương Đông chủ về gia đình sức khoẻ, Tây chủ về con cái , sự vui vẻ v.v. Khuyết hãm bất cứ một cung nào trong công trình thì đều ảnh hưởng đến chủ nhân công trình tương ứng về mặt đó. Trong các ứng dụng về phong thuỷ nhiều ngươì đều thừa nhận là có hiệu quả. Nhưng chúng vẫn tồn tại như một tiên đề và là hiện tượng cần tìm hiểu, khám phá của tri thức khoa học hiện đại.
Có thể dẫn chứng một trường hợp cụ thể một thời từng gây xôn xao dư luận . Đó là về một toà nhà chung cư hiện đại ở Hông kông, nơi những người nổi tiếng và thành đạt như Thành Long , Lý Liên Kiệt đẫ từng ở. Hiện tượng như sau:
Lúc xây dựng toà nhà thì mặt đứng toà nhà chưa hề có trổ lỗ thông khí (như trong ảnh), khi đó người dân trong khu dân cư hiện đại này toàn mắc những bệnh kì quái và gặp những chuyện không hay trong công việc. Sau khi đựoc xử lí theo tư vấn của chuyên gia về Phong thuỷ trích một lỗ trên mặt đứng toà nhà. Sau một thời gian thì thấy có sự thay đổi rất kì diệu: sức khỏe của đại bộ phận dân cư tăng lên trông thấy công việc thì trôi chảy hơn trước. Điều này Khoa học hiện đại cũng chưa có được những lí giải hợp lý, trong khi các thầy Phong thuỷ kinh nghiệm thì lại thấy rõ chân tướng của vấn đề. Những phong thuỷ gia cho rằng: Do toà nhà đã cản luồng khí được hình thành từ những dãy núi trước mặt, tạo nên một xung sát khí cho toà nhà này. Vì thế khi trổ một lỗ thông khí như hình dưới đây thì luồng khí trở nên thông thoáng, giải quyết sự bế khí theo Phong thuỷ (là một yếu tố xấu gây trì trệ bất lợi), từ đó tạo nên sự phát triển của ngôi nhà. Điều này khoa học chưa giải thích được.
Hình dưới đây thể hiện ô trống được thực hiện theo yêu cầu của phương pháp phong thuỷ.

Ngoài ra còn một số việc ngươì thật, việc thật như việc làm Phong thuỷ khu Trung tâm thương mại Simlim – Center, một khu thương mại chuyên bán hàng điện tử bên Singapore. Sau khi đạt được bố cục Phong thuỷ, nơi đây đã trở thành một trung tâm thương mại buôn bán Hàng công nghệ cao thuộc loại sầm uất nhất ở Singapore cũng như Đông nam á. Một điểm du lịch hầu như mọi khách du lịch khi qua Quốc đảo này đều muốn ghé qua. Khu du lịch này hàng năm đem lại những lợi nhuận rất đáng kể cho kinh tế nước này. Câu chuyện làm Phong thuỷ tại khu vực này đều được các hướng dân viên du lịch Singapore hướng dẫn rất chi tiết cho du khách và hầu hết người dân nước này đều biết.
Đối với những độc giả có quan tâm chủ đề Phong Thuỷ Lạc Việt trên trang Vietlyso.com đểu biết trường hợp nhà một người điên được hội viên Bigdog đưa lên nhờ giúp đỡ. Trường hợp này theo hội viên trên nói thì nạn nhân bị điên đến nỗi bệnh viện giả về, từ chối điều trị nhưng sau một thời gian nhà cửa được sự can thiệp của các chuyên gia Phong thuỷ của Trung tâm nghiên cứu lý học Đông phương tư vấn cho gia chủ cải tạo sửa chữa triệt để theo yêu cầu, tình hình đã thấy cải thiện rõ rệt, Trích nguyên văn lời hội viên Bigdog như sau : Hiện tình trạng của chủ nhà đã tiến triển rất nhiều. Từ chỗ bệnh viện Thanh Hoá ngừng điều trị Tây Y, chuyển qua Đông Y với ngầm hiểu là không cứu vãn được. đến nay chỉ sau hơn 1 tuần đã có thể đi chơi gần quanh xóm. Đã có thể nói chuyện vài ba câu đơn giản thể hiện sự phục hồi của não.Như vậy qua các dẫn chứng từ những thực tế khách quan trên thì ta có thể nhận thấy là về mặt lý thuyết Khoa Phong thuỷ có những mặt tương đồng với khoa học hiện đại. Bên cạnh đó về thực tế lại có những ứng dụng hết sức diệu kì mà khoa học ngaỳ nay vẫn chưa giải thích được. Điều này có thể bước đầu khẳng định môn Phong thuỷ có những giá trị không thể xem thường và những ứng dụng của nó còn vượt cả nhận thức của những khoa học Hiện đại
Nếu đi sâu vào nghiên cứu những lí thuyết được coi là nền tảng của môn Phong thuỷ này thì ta cũng thấy được những lý thuyết này liên quan đến một tri thức cao cấp là Thiên văn học và hiệu ứng tương tác của từ trường trái Đất.
III - Phong thuỷ và tri thức hiện đại
A) Phong thuỷ và thiên văn học

Những người am hiểu về Phong thuỷ cũng đều biết là lý thuyết khởi nguyên trong những ứng dụng của Phong thuỷ đều dựa vào Hà đồ và Lạc thư làm tiền đề rồi từ đó phát triển thành phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Ví dụ như luận điểm của phương pháp Bát Trạch thì dựa vào Lạc thư phối hợp với Hậu Thiên bát quái làm nên tảng để phân ra các mệnh quái đối với từng loại người, rồi từ đó kết hợp với các quái Phương vị rồi luận cát hung, trong khi Phái Huyền Không thì lấy Lạc thư dùng để phi tinh đồng thời cũng kết hợp với Hà đồ và Tiên Thiên bát quái để luận đoán các cục vượng suy theo từng vận trình v.v.
Mà Hà đồ và Lạc thư theo một số nhà nghiên cứu thì được tìm ra do sự quan sát của ngưòi xưa về sự chuyển dịch của các vì sao trên trời.

1 - Bản chất Hà Đồ:
Hà đồ hoàn toàn không phải là do con Long Mã hiện lên trên sông Hoàng Hà và vua Phục Hy căn cứ vào các vòng xoáy trên người vẽ ra như cổ thư chữ Hán nhắc đến. Theo những công trình nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương thì Hà Đồ chính là sự qui ước sự vận động có tính qui luật của ngũ tinh trong Thái Dương hệ. Điều này được mô tả như sau:
Quan sát kỹ hình ảnh Hà đồ và thử quan sát bầu trời ta có thể thấy:
Hàng tháng vào ngày 1, 6, 11 ,16, 21 ,26; hàng năm cứ vào tháng 1, tháng 6 thấy sao Thuỷ sắc đên xám ở Phương Bắc.( độ số 1 và 6)
Hàng tháng vào ngày 2, 7 ,12, 17 ,22, 27; hàng năm cứ vào tháng 2, tháng 7 thấy sao Hoả sắc đỏ đậm ở Phương Nam.( độ số 2 và 7)
Hàng tháng vào ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28; hàng năm cứ vào tháng 3, tháng 8 thấy sao Mộc
Sắc xanh ở Phương Đông .( độ số 3 và 8)
Hàng tháng vào ngày 4, 9, 14 ,19, 24 ,29; hàng năm cứ vào tháng 4, tháng 9 thấy sao Kim sắc đê trắng ở Phương Tây.( độ số 4 và 9)
Hàng tháng vào ngày 5, 10, 15 ,20, 25 ,30; hàng năm cứ vào tháng 5, tháng 10 thấy sao Thổ sắc vàng đục ở giữa bầu trời (độ số 5 và 10).

2 – Bản chất Lạc thư.
Quan sát kĩ hình ảnh của Tử vi viên và Thái vi viên sẽ thấy :
Năm chấm trắng chính giữa chính là toà Ngũ đế gồm 5 ngôi sao trong Thái vi viên.
Một chấm trắng chính giữa chính là sao Bắc thần, phương chính nam là chòm Thiên kỷ (gồm 9 sao), phương chính Tây chính là chòm Thất công( gồm 7 sao), Phương chính Đông gồm 3 sao trong chòm Câu trần. Bên phải là hai sao Hổ bôn, Bên trái là 4 sao Tứ phụ, bên phải Bắc Thần là chòm 6 sao Thiên trù, Bên trái Bắc cực là 8 sao của chòm Hoa cái.
Có thể nói Lạc thư và Hà đồ là những đồ hình căn bản trong tất cả các phương pháp ứng dụng của học thuật cổ Đông phương trong đó có phong thủy. Điều này cho chúng ta thấy nguồn gốc thiên văn là một yếu tố cấu thành quan trong của môn phongv thủy.
Như vậy chúng ta có thể thấy về cơ bản cội nguồn rất khoa học của Phong thuỷ chính là Thiên Văn học, vì dựa trên nguyên lý căn bản là những tri thức thiên văn học như đã trình bày ở trên.

B) Phong thuỷ và hiệu ứng từ trường trái đất.
Hiện tượng đầu tiên để minh chứng cho điều này chính là chiếc La kinh – một dụng cụ định hưởng cổ tương tự như La bàn hiện nay. Căn cứ sự đinh hướng của chiếc la kinh này và những nguyên lý căn bản từ tri thức thiên văn đã trình bày ở trên, tất cả mọi phương pháp ứng dụng của phong thuỷ được thực hiện dựa trên sự định hướng phương vị của la bàn. Hay nói cách khác: Phong thuỷ căn cứ vào hiệu ứng tương tác của từ trường trái Đất qua chiếc la kinh – tương tự như La bàn hiện nay.
Kết luận:
Có thể nói Khoa Phong thuỷ chính là sản phẩm sáng tạo của con người, nó được sớm hình thành cùng với sự phát triển của loài người từ xã hội sống quần cư đến xã hội văn minh, nó dựa vào các qui luận vận động khách quan và được tổng hợp lại bởi những tri thức của người xưa do đó nó có nhiều điểm tương đồng với các môn khoa học khác đặc biệt là những môn khoa học Hiện đại về xây dựng của Phương Tây. Thêm nữa với những nghiên cứu về Thiên văn học, ta cũng thấy rằng nền tảng lý thuyết cơ bản của Phong Thuỷ có liên hệ chặt chẽ tới môn khoa học cấp cao là Thiên văn học. Do đó việc nhìn nhận môn Phong thuỷ như một đới tương nghiên cứu của khoa học vì có đầy đủ những yếu tố đáp ứng cho một tiêu chí khoa học là một việc cần thiết nhằm phục vụ đời sống con người.

-----------------------------------
Sách tham khảo :
Tìm về cội nguồn Kinh Dịch tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh.Xb 2002
Hà Đồ trong Văn minh Lạc Việt tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh Xb:2007.
Phong thuỷ ứng dụng trong Kiến trúc hiện đại tác giả Trần Mạnh Linh Xb năm 2007.
Các giải pháp kiến trúc hậu Việt Nam tác giả : Phạm Đức Nguyên chủ biên. Xb năm 1998.
Việt Sử lược của tác giả Trần Trọng Kim.
Kiến trúc sư Phạm Hoàng Cương
Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương
http://www.lyhocdongphuong.org.vn/News/03/Tinh-khoa-hoc-trong-Phong-thuy-va-kien-truc-hien-dai/20/19/
Áp dụng phong thuỷ trong quy hoạch, kiến trúc.
GS.TS.VS Nguyễn Trường Tiến
Vietnam Geotechnical Institute (VGI) Vgi-vn
Phong thuỷ là gió và nước, song xét về thực chất là khí, là năng lượng. Sự thành tạo của vũ trụ, của mặt trời, mặt trăng, các vì sao, trái đất, con người, cỏ cây, muôn loài là từ khí, nước, gió, nắng và các loại vật chất. Con người được hiểu là một tiểu vũ trụ. Con người là phong thuỷ, là Thiên , Địa, Nhân hợp nhất.... 


1. Phong thuỷ là gì?
Phong thuỷ là gió và nước, song xét về thực chất là khí, là năng lượng. Sự thành tạo của vũ trụ, của mặt trời, mặt trăng, các vì sao, trái đất, con người, cỏ cây, muôn loài là từ khí, nước, gió, nắng và các loại vật chất. Con người được hiểu là một tiểu vũ trụ. Con người là phong thuỷ, là Thiên , Địa, Nhân hợp nhất. Muốn hiểu về phong thuỷ phải hiểu quy luật của trời đất và của chính con người với tâm hồn trong sáng, thánh thiện, tràn đầy tình thương yêu đúng như Cụ Khổng Tử dậy “Tâm còn chưa thiện, phong thuỷ vô ích”. Sự thay đổi của nhiệt độ, của áp suất tạo nên gió, không khí lạnh biến mây thành mưa. Nước mưa rơi xuồng ngấm vào đất mẹ, tạo nên suối, sông, hồ nước và chảy ra biển cả bao la. Nước lại bốc hơi lên thành mây. Cuộc sống của mỗi một giọt nước lại bắt đầu từ khí. Theo quan niệm của dịch học và hậu thiên bát quái, quẻ Khảm (Thuỷ) tương ứng với phía Bắc của sao Bắc đẩu, Đông Bắc là quẻ Cấn (núi đồi), Đông là quẻ Chấn (Mộc), Đông Nam là quẻ Tốn (Gió), Nam là quẻ Ly (Hoả), Tây Nam là quẻ Khôn (Đất), Tây là quẻ Đoài (Hồ nước), Tây Bắc là quẻ Càn (Trời). Trung tâm của vòng tròn là Thổ. Trời có 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc và 4 hướng Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc. Ngoài ra còn hai phương tương ứng với thượng (trời) và hạ (đất). Vì vậy vào năm 1554 cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nói “Việt Nam sẽ thịnh vượng, thanh hương vào khoảng 2044”, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tròn 99 tuổi (9*11) và Bác Hồ tròn 153 tuổi (9*17)” . Kinh nghiệm của tổ tiên dậy rằng: “ Nhất Vận, nhì Mệnh, tam Phong Thuỷ, tứ Phúc Đức và ngũ là Tri thức ( sự hiểu biết). Cụ Nguyễn Trãi hay nói đến chữ Nhân Nghĩa, Trí Nhân và chữ Thời, Cụ Khổng Tử dậy rằng “thời vận chưa tới, mưu cầu vô ích“ . Vận mệnh của đất nước, dân tộc, tổ chức, doanh nghiệp và từng con người là một quy luật không đổi. Vì vậy chúng ta phải biết và hiểu thời vận, mệnh để ứng xử phù hợp với quy luật của vũ trụ, trời đất , cây cỏ, muôn loài... Vận , Mệnh được coi là cứng, không đổi. Phúc đức và Tri thức là phần mềm có thể tu dưỡng, tích lũy để hình thành và để lại các giá trị cho muôn đời. Phong Thuỷ nằm giữa Vận , Mệnh và Phúc đức, Tri thức đóng vai trò trung tâm, kết nối giữa phần cứng Vận Mệnh với với phần mềm Phúc Đức, Tri thức. Vì nằm ở giữa, có âm có Dương, phong thuỷ là có thể lựa chọn, thay đổi, kế thừa và nâng cao phụ thuộc vào tâm đức và sự hiểu biết của con người.
Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim và Kim lại sinh Thuỷ là tương sinh của Mệnh của 5 vật chất cơ bản. Ngũ hành tương ứng với 5 hoạt động của con người và 5 mục tiêu của dân tộc Việt Nam :
Thuỷ = Khoa học = Dân giàu.
Mộc = Kỹ thuật = Nước mạnh.
Hoả = Công nghệ = Xã hội công bằng
Thổ = Đầu tư = Dân chủ .
Kim Thương mại = Văn minh.


Khởi thảo của các quẻ dịch là xuất phát từ các hào âm ( -- --) và Dương ( ---). Chồng các hào lên nhau thành 64 quẻ dịch. Kinh dịch được hiểu là sự dịch chuyển. Âm Dương được hiểu là trong dương có âm, trong âm có dương và mọi sự trên đời đều được quy về âm Dương. Cân bằng âm Dương là ổn định. Phát triển theo kinh dịch là bền vững, là thay đổi liên tục, đổi mới phù hợp với Vận, Mệnh, Phong Thuỷ.

Cụ Nguyễn Du có dậy “ Trăm năm tính cuộc vuông tròn, phải dò cho đến ngọn ngành lạch sông”. Có lẽ vì vậy để hiểu được phong thuỷ phải biết văn hoá Đông phương. Phải biết đạo làm người, được mô tả trên đồng tiền cổ: trời tròn, đất vuông. Nghĩa là con người phải sống tròn trịa với trời đất, tổ tiên, muôn loài, đồng thời phải chính tâm ( hình vuông ở giữa đồng itền ). Chúng ta cũng có thể gắn 12 con giáp khởi đầu là Tý (Chuột) trùng với Bắc ( Khảm Thuỷ) và quay tròn theo chiều kim đồng hồ của đồng tiền cổ : Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Như vậy trên vòng tròn của cồng chiêng và trống đồng... chúng ta đều có thể định vị được phương hướng, gắn với ngũ hành và quẻ dịch.

Nếu lấy tổng các số trong năm sinh của mình trừ đi 1 ta sẽ có số Phong Thuỷ, thí dụ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, số Phong Thuỷ sẽ là 4+1=5. Cụ Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1830 ( Canh Dần) có số Phong Thuỷ là 3. Người sinh năm 1891 (Tân mão) có số Phong Thuỷ là 9. Người sinh năm 1945 cũng có số Phong Thuỷ là 9. Ngườii sinh năm 2008 cũng có số Phong Thuỷ là 9. Tương ứng với số Phong Thuỷ của nam và của nữ xác định hướng tốt của từng người theo các Sao : Sinh khí, Thiên y, Diên niên, Phục vị. Người sống thường chọn hướng sinh khí để nhìn vào, hướng về, khi chết thường gối đầu vào hướng này để giúp con cháu.

Nghiên cứu năm sinh của con người và phong thuỷ trong 100 năm vừa qua có thể thấy 33% con người được sinh ra sẽ hợp với hướng tốt nhất là Tây Nam và Đông bắc 66% người còn lại được chia đều cho 6 phương ( Bắc, Nam, Đông , Tây, Tây Bắc, Đông Nam). Phong thuỷ ngày hôm nay có thể hiểu là môi trường. Phát triển bền vững được hiểu là sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý để không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Phong thuỷ đã có với con người khoảng 5000 năm.Sống phù hợp với phong thuỷ với quy luật của trời đất là giữ cho đất,nước, khí trong lành.


2. Phong thuỷ với con người.

Cách đây 2500 năm,Đức Phật Tổ là Thái tử Ân Độ bỏ cung điện đi tìm con đường giải thoát cuộc sống cho con người và muôn loài. Người nhận thức phải có sự hiểu biết (tri thức) mới có được tình yêu thương. Phải xuất phát từ tình yêu thương mới trồng được cây Phúc Đức. Sau nhiều năm tháng toạ thiền và sống cuộc đời khổ hạnh, Người mơ thấy mình gối đầu vào dãy Hymalaia (mái nhà của thế giới) tay trái chạm bờ biển Đông, tay phải chạm bờ biển Tây và chân chạm bờ biển Nam. Người đã tựa vào cây Bồ Đề, có lá hình trái tim để tu hành và trở thành Thích Ca Mầu Ni. ở Việt Nam có vua Trần Nhân Tông, vào tuổi 40 cũng bỏ triều đình, cởi áo bào đi tu ở Yên Tử và sáng lập nên Thiền Viện Trúc Lâm với các vị Thiền sư nổi tiếng, làm rạng rỡ non sông đất nước. Hiện ở chùa Lân, Yên Tử có tượng Phật, có cây khế cổ thụ mấy trăm năm tuổi và có quả cầu đá đường kính 1.6m,nặng 4.5 tấn nổi và quay trên mặt nước. Vận nước đã đến theo lời sấm Trạng Trình “bao giờ thạch nổi, mao chìm / đồng khô cạn nước, mới nên cơ đồ’. Đá nổi ở Yên Tử,dịch cúm gia cầm và hạn hán mấy năm nay đã ứng với lời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.Cũng có thể ngày xưa, vua Trần Nhân Tông đã cởi áo bào ở chùa Lân ngày nay và tựa vào cây khế (quả khế có hình sao năm cánh của ngũ hành) để thiền và ngộ. Người đã trở thành Tổ Sư của dòng tu thiền. Xuất phát từ lòng yêu thương và tri thức, Thích Ca Mầu Ni và Vua Trần Nhân Tông đều từ con người trở thành Phật. Vì vậy có thể hiểu rằng Phật là Người. Người là Phong Thuỷ như giấc mơ của Đức Phật. Phong Thuỷ được gắn liền với Long, Huyệt, Sa, Thuỷ, Hướng. Nhà phong thuỷ phải tìm mạch (Long),xem đất cát (Sa), quan sát nước chảy (thuỷ), tìm thấy Huyệt và lập Hướng. Long được hiểu là sự mạch lạc của núi, đá là xương Long. Núi (có tổ tông được gọi là Tổ Sơn) là nơi khởi nguyên mạch ( tương ứng với đầu người ). Sống lưng của núi, thế nằm của núi, nổi hay chìm, liên tục hay đứt quãng tương ứng với mỗi sao ngũ tinh và cửu tinh cho phép đánh giá mạch của núi. Sa được coi là núi nhỏ, đồi nhỏ quanh Long. Sa bên trái là Thanh Long, Sa bên phải là Bạch hổ (tương ứng với tay trái, tay phải của con người). Sa ở đằng trước la Chu tước, Sa ở đằng sau la Huyền Vũ. Thuỷ là dòng khi chảy từ long,theo sơn mạch. Thuỷ cũng như mạch máu của con người. Máu chảy từ tim đến các bộ phận cơ thể con người. Khí vào, ra con người bằng mũi, bằng da, bằng các luân xa và đặc biệt là từ đỉnh đầu (tổ sơn) và cũng đi khắp cơ thể. Đất có các huyệt, tương ứng với các huyệt của người trong Đông y. Trong một cuộc đất có thể tìm thấy một huyệt đạo quan trọng nhất, trong cơ thể con người, rốn có thể coi là tâm điểm. Nơi con người bắt đầu có sự sống. Đất có cỏ cây tương tự như con người có lông, tóc, lông mày, lông mi. Lá cây,hạt gạo, cá chép, cánh hoa sen...rất giống với đôi mắt của con người. Mắt của Người không thay đổi với thời gian và có tuyến lệ để khóc (khác với các loài động vật). Khi tìm về cội nguồn của phật giáo và loài người, mắt của con người được thờ một cách trân trọng nhất.

Từ rất xa xưa, người Việt Nam đã thờ cúng thánh thần, tổ tiên. Các làng quê Việt Nam có miếu, đền đình, cổng làng, đường làng, cây đa, giếng nước. Họ đều có quan niệm “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm / trông cho chân cứng đá mềm, trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”. Ca dao có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Ba cây chụm lại giúp người Việt ăn, mặc, làm nhà và đánh giặc là cây lúa, cây dâu và cây tre. Có lẽ vì vậy dân tộc Việt Nam mềm mại, dẻo dai, khó khuất phục vì biết chắt lọc các giá trị của nhân loại, của thế giới cho cuộc sống tâm tinh của mình. Người Việt Nam có truyền thống Sơn tinh, Thuỷ tinh, Thần núi và Thần sông. Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Tản Viên, Bà Chúa Liễu Hạnh là tứ bất tử của người Việt. Dòng dõi người Việt được coi là con rồng cháu tiên, gắn liền với núi và biển. Có lẽ vì vậy người Việt Nam thích sống thanh cao, rộng mở, hiên ngang song thật giản dị, thực tế. Cụ nguyễn Trãi nói “hoa thì thường héo/cỏ thường tươi “. Cụ Nguyễn Công Trứ nói “kiếp sau xin chớ làm người / làm cây thông đứng giữa đời mà reo” Cụ Nguyễn Trường Tộ muốn có thêm một chiếc đũa để “đất làm bàn tiệc/ biển làm ly”. Phong thuỷ, con người, các gía trị văn hoá luôn gắn kết với nhau, bổ xung cho nhau, tạo nguồn cho hứng khởi, cảm xúc và động lực để yêu thương, phát triển. Vô hình và hữu hình, vật chất và tâm linh, niềm tin và danh lợi… đều có thể quy về các giá trị Âm và Dương. Hiểu con người, hiểu chính mình, biết mình là ai để hiểu phong thuỷ, hiểu trời đất, hiểu cỏ cây và muôn loài. Có lẽ vì vậy Trời được coi là Cha, Đất là Mẹ, cỏ cây là anh em, bạn hữu. Sống phù hợp với phong thuỷ là trở về với cội nguồn, với Trống Đồng, làm một người tử tế, thông thiên văn, tường địa lý, hiểu lòng người với tâm hồn trong sáng và thanh cao nhất.
Phong thuỷ với kiến trúc Quy hoạch và Xây dựng
Văn minh của nhân loại đều phát triển dọc theo các dòng sông và bờ biển, gần với hồ nước. Sông được coi là con đường của Thiên tạo cho con người. Vì vậy nên học sông để làm đường. Con đường là nhân tạo. Cầu là nối hai bờ của một dòng sông (giao hoà giữa hai con đường Âm Dương) vì vậy phải được bố trí hợp lý. Kinh thành của các triều đại phong kiến thường toạ Bắc hướng Nam để các bậc Thiên tử cai quản bách tính...

Đông Tây được coi là hướng của Thần Thánh. Các vị thần linh lên cùng mặt trời ở phía Đông và hạ xuống ở phía Tây. Thánh địa Mỹ Sơn của Việt Nam được quy hoạch với các cửa vào Đông Tây. Hà Nội được coi là thủ đô của Việt Nam từ 1010. Thành phố bao bọc bởi các dòng sông Hồng, sông Tô lịch, sông Nhuệ, sông Đáy và nhiều hồ nước. Thật là một nơi tụ thuỷ. Các cuộc đất có sông suối bao quanh đều địa linh nhân kiệt. Nơi hội tụ của các con sông đều là đất lành chim đậu. Lịch sử 1000 năm của Thủ đô Hà Nội chứng tỏ, cứ lúc nào Hà Nội là thủ đô, thì Việt Nam độc lập và giữ được nước. Dòng sông Tô Lịch, Hồ Tây vốn gắn với sông Hồng, Các dãy núi ở phía tây chạy từ Tây Bắc của đất nước về đến Thanh Nghệ Tĩnh hình thành nhánh Bạch Hổ. Các dãy núi chạy tử Bắc xuống Đông bắc, Đông Triều, Yên tử, Quảng Ninh là Thanh long của Hà Nội. Long mạch của Hà Nội, khí thiêng của đất nước phụ thuộc vào Thanh Long và Bạch Hổ. Dòng sông Hồng chảy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam vào Việt Nam, tương tự dòng sông Cửu Long. Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam là các hướng gió chính của Việt Nam. Vì vậy trong quy hoạch cần tận dụng các hướng Tây Bắc - Đông Nam và Tây Nam - Đông Bắc. Tây Nam là vị trí của các nước Singapore, Malaixia, Thái Lan, Đông Bắc là vị trí cuả Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc. Đây là trục kinh tế năng động nhất của Châu á và của thế giới trong tương lai.
Bản đồ Việt nam hình chữ S dương, có chữ S âm, đối xứng hoàn toàn, ta sẽ có hình đất nước là số 8. Được hình thành bởi hai quả trứng của Lạc Long Quân và Âu Cơ, Đồng thời là số 8 của Phật giáo: bát đạo, bát nhã, 8 cánh hoa sen, 8 hướng... Nếu lấy tâm số 8 là thành phố Huế để vẽ một vòng tròn tiệm cận với Mục Nam Quan và Mũi Cà Mau ta sẽ có hình bát quái của văn hoá Đông phương. Hai mắt cá Âm Dương sẽ tương ứng với thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy chắc chắn Hà Nội mãi mãi là trung tâm chính trị , văn hoá và TP Hồ Chí Minh phải là trung tâm kinh tế của cả nước.


Trong một dự án quy hoạch bao giờ cũng cần xác định hướng chính của dự án. Tốt nhất dự án nên tựa vào núi cao, đồi lớn (không nhất thiết phải nhìn thấy) hoặc nhà cao tầng thay cho núi non. Dự án có thể hướng về vùng đất bằng phẳng, có sông hồ, hai bên có thanh long, bạch hồ. Đối xứng được là tốt nhất. Các đường vào của dự án có thể lựa chọn trùng với hướng Đông Nam– Tây Bắc, Đông Bắc – Tây Nam. Nếu dự án có sông nước bao quanh là lý tưởng như bản đồ huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng nơi đã sinh ra cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hình dạng của huyện Vĩnh Bảo giống một con chim Lạc Hồng khổng lồ, rất giống bản đồ sơ bộ quy hoạch Nghĩa trang Khoang Diệu tại Hoà Bình. Trục tâm linh của Nghĩa Trang Khoang Diệu là đường thẳng nối đỉnh núi Viên Nam (Vua Bà) với đỉnh núi Tản Viên. Nếu kéo dài trục này, sẽ gặp đỉnh núi K9 (Đá Chông, U Rồng) của Bác Hồ và nằm trên trục Đông Nam Tây Bắc, trùng với mệnh của chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1802 vua Gia Long lên ngôi và đã chọn kinh thành Huế theo hướng toạ Tây Bắc, hướng Đông Nam vì sự có mặt của dòng sông Hương, núi Ngự Bình và các Thanh Long Bạch Hổ trên dòng sông. Các kinh thành xưa thường có hào nước bao bọc, có thể là hình tròn hay hình bát quái tương ứng với 8 phương vị. Các dự án quy hoạch đều cần có tâm điểm (rốn của dự án) nơi tụ linh, tụ thuỷ để có thể hấp thụ được khí linh thiêng của trời đất và mang lại sự an lành cho con người. Trong quy hoạch dự án công viên nghĩa trang Khoang Diệu đã có ý tưởng xây dựng đàn Nam Giao và tháp chuông thờ Trống Đồng. Vì theo lời dậy của Cụ Khổng Tử, là ở đời có 3 việc phải lo “lo ăn cho người sống, lo tang và tế lễ”. Trong một dự án quy hoạch và kiến trúc không nên chỉ dùng các đường thẳng. Cần phải có các đường cong. Vì thẳng được coi là dương, cong được coi là âm. Như đã phân tích ở đặc tính của người Việt Nam là giống cây lúa, cây dâu, cây tre vì vậy cần sự mềm mại , dẻo dai và cân bằng âm dương.

Trong một đô thị mới rất cần có hồ nước “Nước chảy chỗ trũng” linh khí và năng lượng của trời đất có cơ hội tụ tập về hồ làm môi trường thân thiện hơn với con người. Hà Nội đẹp bởi có Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu,, hồ Ngọc Khánh, Thành Công, Voi phục... Hồ Hoàn Kiếm là tâm điểm của Hà Nội, có các Cụ Rùa sống hàng trăm năm gắn với truyền thuyết cho Lê Lợi mượn gươm quý. Sau khi vua Gia Long rời kinh đô về Huế, TS Vũ Tông Phan và sỹ phu Bắc Hà đã tụ họp về Đền Ngọc Sơn và xây dựng trường học tại trụ sở báo Nhân dân ngày nay. Nếu nối tâm hồ Hoàn Kiếm với tâm Hồ Tây chúng ta sẽ có trục Đông Nam - Tây Bắc. Tây Bắc được coi là cội nguồn của dân tộc. Hồ Hoàn Kiếm trở thành trung tâm của Hà Nội, là một điểm thiêng liêng. Có lẽ vì vậy mà cây ven hồ cứ muốn cúi rạp xuống nước để tận hưởng khí an lành, mọi người cứ muốn đến Hồ Hoàn Kiếm đi dạo và tìm kiếm sự an lành. Nơi đây còn có Tháp Bút và Nghiên mực của kẻ sĩ Bắc Hà để viết lên trời xanh.

Trong lịch sử Việt Nam, thần Kim Quy đã từng giúp Việt Nam xây dựng thành Cổ Loa và đánh giặc Minh. Truyền thuyết kể rằng , khi người Việt hỏi phải làm nhà như thế nào, Thần đã đứng trên chân của mình và nói cứ trông ta mà làm. Có lẽ vì vậy Người Việt cổ thường ở nhà sàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thích ở nhà sàn. Nhà sàn là một kiến trúc độc đáo vì có thể đón gió từ 10 phương. Có khả năng thông thoáng tốt nhất. Xây dựng nhà trên cọc cho phép không phải san ủi đất để tạo mặt bằng và tránh làm hỏng long mạch tự nhiên. Nhà ở trên cọc nên là giải pháp được chọn lựa để xây dựng các công trình ở vùng ngập lụt, lũ quét, gió bão vì giảm thiểu lực tác dụng lên công trình.

Đường nét các công trình xây dựng nên có các đường cong, nếu có thể làm các ô cửa số hình tròn như Trống Đồng Ngọc Lũ. Vật liệu xây dựng công trình, trang trí công trình có đủ ngũ hành. Tuy vậy bể nước và bếp không nên gần nhau. Cây cảnh, hòn non bộ, bể cá, chuông gió, tranh đá quý, đồng tiền cổ, lò sưởi, giếng trời, đài phun nước... đều có thể sử dụng để có sức khoẻ tốt và đón khí trong lành.

Kích thước công trình, chiều cao công trình, số tầng nhà, kích thước cửa, hướng nhà có thể lựa chọn tuỳ theo số phong thuỷ và thước lô ban của mỗi người (từ đầu xương khuỷu tay đến mắt cá bàn tay). Các số 1,3,5,7,9 là số dương, các số 2,4,6,8 là số Âm. Từng số tự nhiên đều có ý nghĩa. Số 1 và 9 là nhất dương, số 2 là âm dương, số 3 là thiên địa nhân, số 4 là bốn phương, 4 mùa, 4 đức, số 5 là ngũ hành, số 6 là bậc cao nhất của quẻ dịch. Số 7 là số của chúa, là 7 ngày trong tuần, 7 bậc Thiên đàng, là số của Nho giáo, số 8 là số của Phật. Số 9 là số của người Việt Nam. Vận con người, đất nước cũng theo số 9. Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên là 9 *20 =180 năm. Chúng ta đang ở vận 8, khởi đầu từ 2004 kết thúc 2023 và vận 9 từ 2024 đến 2043. Trong 1000 năm qua cứ đến vận 8 và vận 9 thì Việt Nam lại thịnh vượng , thanh hương. Các số tự nhiên là phản ánh khách quan quy luật của tự nhiên, của toán học, triết học, tâm linh học và nên được nghiên cứu kỹ để áp dụng trong quy hoạch kiến trúc, xây dựng và cuộc sống của con người.. Mọi vật có thể đổi thay, song Quy luật là bất biến.
Các ngôi chùa của Myama, Lào, Thái Lan... thường được thiết kế theo hình bát giác, hoặc tròn. Tượng Phật hướng về 4 hướng : Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc. Bốn hướng Bắc, Nam, Đông, Tây thường là cột. Có lẽ vì vậy Phật và Người là một. Mái các ngôi chùa thường cong để “mái chùa che chở hồn dân tộc/ ngàn năm sống mãi với tổ tông”. Câu đối đó làm chúng ta nhớ đến câu tục ngữ ”Âm phù , Dương trợ”.


Chúng ta có thể học nhiều lắm từ các công trình kiến trúc cổ để kết hợp giữa văn hoá Đông phương và văn minh phương Tây đồng thời phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam.

Việc lựa chọn địa điểm để quy hoạch một dự án và xây dựng một công trình nên xuất phát từ khoa học phong thuỷ và điều kiện kỹ thuật của đất nền. Chi phí nền móng có thể chiếm đến 40% giá trị xây lắp và 70% công trình bị hư hỏng do nguyên nhân nền móng. Về nguyên tắc một cuộc đất tốt phải có đất, nước, khí tốt. Có không khí trong lành, cây cỏ xanh tươi, đa dạng sinh vật và tạo nên sự an lành, sảng khoái. Khoa học phong thuỷ bao hàm cả những vật không thể nhìn thấy được và cả những phạm trù chỉ cảm nhận được bằng trực giác, trên cơ sở của quan sát, suy ngẫm và kết luận trên cơ sở của biện chứng.
Việc lựa chọn màu sắc cho công trình, cho vật dụng trong nhà và cho từng người cũng là một phạm trù của Phong thuỷ, vận mệnh và ngũ hành. Thuỷ xanh đen, Mộc màu xanh, Hỏa màu đỏ,Thổ màu vàng, Kim màu trắng.
4. Chúng ta nên làm gì?
Trong rất nhiều thập kỷ, phong thuỷ chưa được coi là một môn khoa học. Phong thuỷ gắn với sự thần bí và là lãnh địa riêng cuả các thầy địa lý. Chúng ta thiếu cả sách và giáo trình về phong thuỷ, thiếu các nhà nghiên cứu về phong thuỷ. Phong thuỷ là một giá trị văn hoá của nền triết học Đông phương được cả nhân loại quan tâm nghiên cứu và áp dụng. Phong thuỷ kết hợp với các kiến thức hiện đại của văn minh phương Tây cho phép chúng ta sử dụng hợp lý tài nguyên đất và nước, bảo vệ môi trường, xoá đói, giảm nghèo, phát triển bền vững. Âm Dương, Ngũ hành, dịch lý, phong thuỷ, Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo... cần được học tập, nghiên cứu, khai thác và ứng dụng trong thực tiễn.

Các kiến thức về Phong Thuỷ và Văn hoá Đông Phương nên được giảng dạy và ứng dụng trong kiến trúc quy hoạch xây dựng và trong cuộc sống con người. Chỉ có sự hiểu biết và tình thương yêu mới tạo nên những dự án/ công trình có chất lượng cao, giá thành hạ và có giá trị vĩnh hằng.Giá trị = Chất lượng / Giá thành. Trong đó giá thành là dương, chất lượng và giá trị là âm.

Sự phát triển thjnh vượng và thanh hương của đất nước phụ thuộc vào công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở và các công trình dân dụng, công nghiệp, một cách thông minh nhất và tâm linh nhất. Chúng ta có thể khai thông các dòng sông, nạo vét các lòng sông, phục hồi hồ nước, hạn chế việc san lấp, phá đồi núi. Phải khuyến khích việc trồng rừng, trồng cây vì lợi ích của 10 năm , 30 năm và vì nước mạnh.

Chúng ta có thể tập trung quy hoạch những vùng, khu đô thị lớn với quy mô hàng ngàn, hàng trăm héc ta với tầm nhìn hàng trăm năm.

Chúng ta có thể xây dựng những công trình có nền móng là tình thương yêu, giáo dục, đào tạo hiểu biết về phong thuỷ. Tầng 1 là của khoa học (Thuỷ) và sự nghiệp dân giàu. Tầng 2 là của kỹ thuật (Mộc) và nước mạnh, Tầng 3 là của công nghệ (Hoả) và xã hội công bằng. Tầng 4 là của Đầu tư (Thổ )và dân chủ. Tầng 5 là Thương mại (Kim) và văn minh. Mái nhà là các giá trị văn hoá. Nước mưa, nắng , gió lại đưa các giá trị văn hoá xuống đất làm nền cho cỏ cây, hoa lá xanh tươi và làm giàu thêm tình thương yêu.
 Chúng ta có thể quy hoạch và xây dựng các công viên nghĩa trang, các vườn lịch sử, các vườn tưởng niệm linh hồn người chết “Đền ơn đáp nghĩa” , “Uống nước nhớ nguồn‘ , “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Sống là vì mồ vì mả, không phải là vì cả bát cơm”, “Sống là gửi, thác là về”, “Sồng khôn, chết thiêng”... thờ cúng tổ tiên... Đây là những nét đặc sắc của văn hoá tâm linh. Có bạn quốc tế nhận xét rằng nếu Việt nam khai thác được các giá trị văn hoá tâm linh khoảng 50% chắc chắn sẽ thịnh vượng và thanh hương. 
5. Kết luận.
Con người là một tiểu vũ trụ, con người là Phong Thuỷ. Con người là Phật. Con người cũng có thể là cỏ cây hoa lá, muôn loài... Tất cả vũ trụ bao la, trời đất, con người, muôn loài đều nằm trong một hệ thống thống nhất, bé nhỏ như một chiếc khăn mùi xoa, một tờ giấy A4 và phẳng như màn hình máy tính. Cả hệ thống có quy luật tự nhiên, khách quan và không đổi. Cả thế giới loài người đang hội nhập. Đang trở thành mọt thị trường chung (Kim). Song theo quy luật của tự nhiên, lại biến đổi thành khí, thành nước, thành tình thương yêu (Kim sinh Thuỷ). Thành năng lượng Thuỷ lại nuôi sống cỏ cây (Mộc), muôn loài. Cây cối lại sinh năng lượng (Hoả) nuôi sống con người. Hoả lại sinh Thổ, như con người lúc ra đi lại gửi xác về cho đất. Chỉ còn khí lại bay lên theo quy luật. Thổ sinh Kim như đâu tư sinh lợi nhuận và làm cho cuộc sống con người có chất lượng hơn. Phong Thuỷ là khoa học, là một phần của văn hoá Đông phương gắn liền với các khái niệm của Âm Dương, Ngũ hành, Dịch lý, Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo. Xét về thực chất là triết học.
Phong Thuỷ là môi trường và năng lượng theo khái niệm hiện đại. Vân, Mệnh, Phong Thuỷ, Phúc đức, Tri thức đồng hành với con người từ hàng ngàn năm nay. Khó đổi Vận và Mệnh. Có thể thay đổi Phong thuỷ, Phúc đức và Tri thức con người. Có sự hiểu biết mới có tình thương yêu và mới có Phúc đức. Có Phúc đức mới hiểu được Phong Thuỷ. Có hiểu biết về Phong Thuỷ mới biết Vận, Mệnh. Biết mình là ai và có thể làm gì cho hợp với quy luật.

Sức khoẻ, thông minh, tâm linh, khôn ngoan và biết ứng xử là 5 tiêu chuẩn của con người. Rèn luyện sức khoẻ, học, đọc, quan sát, thảo luận, suy luận và tự nhận thức là một quá trình lặp đi lặp lại của con người để tự giải thoát mình và sống vì các giá trị vĩnh hằng.. Những nội dung trình bày trong bài viết này được chắt đọng từ nhiều năm học hỏi và chiêm nghiệm thực tế. Xin cám ơn tất cả những người thầy và người bạn đã giúp đỡ và chỉ giáo. Kinh nghiệm cho thấy rằng càng học, càng đọc và chiêm nghiệm thực tế càng thấy tri thức về Phong Thuỷ và Văn hoá Đông phương thật có giá trị và thật là mênh mông. Càng thấy mình còn dốt. Phải là một cái bình rỗng suốt đời của Khổng Tử để rót thêm tri thức của tiền nhân.
GS.TS.VS Nguyễn Trường Tiến
Nguồn: Vietnam Geotechnical Institute (VGI) Vgi-vn
http://www.lyhocdongphuong.org.vn/News/03/Ap-dung-phong-thuy-trong-quy-hoach-kien-truc-phan-4-5/20/29/
------------

Ứng dụng phong thuỷ vào thiết kế kiến trúc, quy hoạch, cảnh quan

Địa lý Phong Thuỷ xuất phát từ Trung Quốc cách đây hàng ngàn năm. Ảnh hưởng của Địa lý Phong Thuỷ có lúc bùng lên, có lúc lắng xuống. Hiện tại, giữa lúc khoa học kỹ thuật phát triển như bay vào vũ trụ, kỹ thuật computer, vẽ xong bản đồ gene của con người, etc... thì bên cạnh đó vẫn tồn tại việc nghiên cứu Địa lý Phong Thuỷ ở tất cả các nước có ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc và các nước Âu - Mỹ cũng lan rộng. VN hôm nay cũng mê phong thuỷ.
Phong thủy trong Kiến trúc và Quy hoạch Xây dựng: Mê tín hay khoa học ?Phong thủy lâu nay vẫn được coi là một lĩnh vực “nhạy cảm”, rộng lớn, liên quan đến nhiều vấn đề trong đời sống con người, vậy nên Viện Kiến Trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và Viện Kiến trúc Nhiệt đới
(Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) được coi là khá mạnh bạo khi lần đầu tiên tổ chức hội thảo “Phong thủy trong kiến trúc và quy hoạch xây dựng” (tại Đại Lải – Vĩnh Phúc); trong khi khoa Kiến trúc Đại học CPU Pomona, California đã có giáo sư Chen Ching ( từ Đại học Bắc Kinh) đến giảng dạy Ứng dụng phong thuỷ vào thiết kế kiến trúc và quy hoạch từ năm 1992.
Và cũng chính vì sự nhạy cảm của chủ đề mà Ban tổ chức đã đưa ra đầu bài: Hội thảo tập trung đề cập đến phần “dương trạch” quan hệ đến kiến trúc (KT) và quy hoạch xây dựng (QHXD)…
Khái niệm đa chiều
Có rất nhiều ý kiến định dạng phong thủy (PT) được đề cập tại hội thảo. Theo Ths.KTS Phan Đăng Trình, PT là một hiện tượng văn hóa có từ thời cổ đại, là thuật số đón lành, tránh dữ, phong tục dân gian lưu truyền sâu rộng, là quan niệm về mối quan hệ giữa con người với môi trường. PGS Lê Kiều thì “định nghĩa”: PT là địa thế, địa hình, là đất và nước quanh ta. PT là môi trường sống mà con người tồn tại trong đó. PT còn có nghĩa rộng là những hoạt động nghiên cứu về thiên văn, sao trời, vũ trụ trái đất, khí tượng, địa thế làm nhà, đặt mồ mả nên PT vừa gần gũi vừa xa lạ với con người…Còn KTS Lý Thái Sơn thì đưa ra nhận định: PT là nơi đan xen nhiều chiều (không chỉ về không gian địa lý, lịch sử, chủng tộc, dân tộc), phức tạp giữa các yếu tố khoa học tự nhiên và kỹ thuật (kiến trúc, xây dựng, quy hoạch đô thị - nông thôn, môi trường sinh thái, nghệ thuật tạo hình và tổ chức không gian) và khoa học xã hội nhân văn (tâm lý cư trú cá nhân, cộng đồng tín ngưỡng dân tộc, cách tư duy, kiểu sống) giữa vật thể và phi vật thể…Câu hỏi đặt ra là, vì sao lâu nay PT vẫn được coi là lĩnh vực nhạy cảm, không được nhìn nhận công khai? PGS.TS Doãn Minh Khôi cho biết: PT phân biệt thành hai loại dương trạch và âm trạch. Dương trạch nghiên cứu về thế giới “dương”, nơi con người sống và làm việc, đó là nhà ở, công sở, đô thị. Trong khi đó, âm trạch nghiên cứu về thế giới “âm”, nơi con người an nghỉ vĩnh viễn, đó là các công trình lăng mộ…Một lý do khác khiến PT càng trở nên “nhạy cảm” là vì “việc lãnh hội thi hành PT khó, nên lâu nay hình như ta chỉ nhìn nhận PT qua khía cạnh “pháp thuật” (ý kiến của ông Nguyễn Cảnh Mùi). Hay “Lý luận cơ bản của PT (kinh dịch, âm dương ngũ hành) thì rất trừu tượng, thuật ngữ sử dụng khác xa so với ngôn từ dùng hàng ngày… tạo ra một vẻ bí hiểm. Đọc và nghe về PT thấy một không khí sống chết đan xen, trời đất hòa hợp, rõ không ra rõ, mờ không ra mờ làm cho quần chúng có thể tin, có thể không tin nhưng cũng sợ (PGS Lê Kiều). Đơn giản hơn do “thiếu nghiên cứu, thiếu tư liệu, PT đã được xem như là một lĩnh vực huyền bí, siêu thực (GS.TS Nguyễn Bá Đang).
Sức hấp dẫn của phong thủy
Chính vì không được nhìn nhận một cách công khai nên trong các công trình xây dựng công cộng hay tư nhân, nếu có tham khảo PT thì cũng chỉ là tự phát, tùy tiện, dựa cách ngẫu nhiên vào lòng tin của chủ công trình với một thầy phong thủy nào đó mà không qua bất cứ hội đồng kiểm nghiệm, đánh giá nào.
Ông Nguyễn Văn Vịnh nêu một thực tế là giờ đây vào bất cứ nhà sách nào cũng có thể tìm thấy hàng loạt các cuốn sách viết về xây dựng, kiến trúc, sắp sếp nội thất, ngoại thất theo phong thủy… Nhiều sách đến mức những người iét kinh nghiệm chẳng biết mua sách nào cho phù hợp mục đích sử dụng. Theo ông Vịnh, tình hình này chứng tỏ hai vấn đề. Thứ nhất, PT được thừa nhận là cần thiết và có giá trị sử dụng. Thứ hai, xã hội thật sự có nhu cầu hiểu biết, ứng dụng thuật PT.
Còn theo ghi nhận của giới báo chí, hội thảo thu hút hàng trăm kiến trúc sư trong cả nước tham dự. 24 người đã gửi bài tham luận, trong đó có những bài tham luận dày cộm, thể hiện quá trình nghiên cứu công phu. Các diễn giả diễn thuyết say sưa, tranh luận đến cùng… Tất cả các yếu tố này cho thấy giới làm nghề kiến trúc đặc biệt hứng thú, quan tâm đến phong thủy.
Thái độ nào dành cho phong thủy?
Cho dù cách tiếp cận vè PT còn khác nhau, cách hiểu cũng chưa hẳn đồng nhất nhưng các ý kiến tại hội thảo có điểm có điểm chung là nghiên cứu, nhìn nhận PT theo hướng khoa học. TS.KTS Lê Đình Tri cho rằng: “Nếu nhìn trên khía cạnh khoa học, PT chính là quan hệ tự nhiên vốn có giữa từ trường trái đất, địa tầng và sức khỏe sinh lý con người”.
PGS.TS Nguyễn Minh Sơn thẳng thắn bày tỏ quan điểm: PT không thể là một bộ môn bí hiểm, thần kỳ, càng không phải là loại tri thức cao siêu thần bí từ các thầy địa lý nói ra. PT chỉ đơn giản là phương cách để chúng ta lựa chọn sắp đặt ngôi nhà của mình cho an toàn và tốt đẹp hơn. Ths. KTS Phan Đăng Trình đồng tình: “Lý luận PT về dương trạch có nhiều yếu tố hợp lý đáng để chúng ta tam khảo khi xây dựng, sửa chữa nhà ở”.
Đến đây, vấn đề mà các đại biểu quan tâm là có thể ứng dụng, tham khảo PT trong kiến trúc, quy hoạch xây dựng như thế nào? Ông Nguyễn Cảnh Mùi cho rằng: PT theo cách của kiến trúc hiện đại là phải đáp ứng những nguyên tắc như có cảnh quan tự nhiên đẹp, địa thế hài hòa, cao ráo, kết cấu vững chắc, ánh sáng đầy đủ, không khí trong lành, nguồn nước sạch sẽ, không có tiếng động, ồn ào, giao thông thuận lợi. Cảnh quan nhân văn thuận theo đạo lý tự nhiên…
TS Doãn Quốc Khoa thì bày tỏ quan điểm cá nhân: Ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa nói chung, những giá trị của PT có thể học tập, kế thừa trong QH xây dựng chủ yếu ở khía cạnh nhận thức và phương pháp. Cụ thể, đó là phương pháp tư duy tổng hợp; tính biện chứng trong nhận thức về cấu trúc của không gian xây dựng; giá trị nhận thức về mối quan hệ tác động con người – môi trường xây dựng, giá trị về vận dụng triết lý Phương Đông trong tổ chức không gian; giá trị về tính linh hoạt, không giáo điều trong vận dụng các nguyên tắc tổ chức không gian. Giá trị về tính hài hòa, cân bằng. Giá trị về kiến trúc – quy hoạch xây dựng nhiệt đới Việt Nam.
Phát biểu hội thảo, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn kết luận: PT là một loại hình văn hóa được xã hội, người dân Châu Á nghiên cứu, xem xét, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, PT cũng đã bắt đầu tràn sang các nước Châu Âu, bằng chứng là nhiều KTS Châu Âu đã đặt vấn đề nghiên cứu PT trong các dự án đô thị, nhà ở.
Các bài tham luận tại hội thảo đều cho rằng PT là khoa học, có giá trị ứng dụng trong thực tế cuộc sống, giúp con người có môi trường sống tốt hơn. Do vậy, nên chăng PT cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để nhận dạng bản chất khoa học và nếu thực sự PT là khoa học thì cũng nên chăng cần được nghiên cứu ứng dụng trong kiến trúc, quy hoạch xây dựng và đưa vào giáo.

Xin giới thiệu 1 bài viết về Phong Thuỷ của 1 KTS trong nước như 1 tài liệu tham khảo.
Nội dung lý luận của phong thuỷ là không giới hạn. Việc áp dụng các thuật phong thuỷ cho thiết kế cần nhuần nhuyễn vận dụng la bàn định hướng cuộc đất, áp dụng phi tinh sao vận khí, kết hợp với thuật bát trạch nhằm chiêu cát khí, tránh hung sát khí, đem lại sự hợp lý cho người cư trú.Những bước chính khi thực hiện một cuộc tư vấn ứng dụng phong thuỷ cho thiết kế nhà hoặc quy hoạch tổng mặt bằng.
1. Xem xét cuộc đất: Xem trên sơ đồ tìm hiểu cuộc đất tọa lạc ở đâu hoặc đến tận nơi để tiến hành khảo sát, ghi chép lại hoàn cảnh môi trường xem quanh cuộc đất, từ xa đến gần, về; Độ cao thấp của cuộc đất, đường giao thông đi lại, đường nước chảy tự nhiên, đường cấp nước dẫn đến hay tự cấp bằng giếng đào, đường cỗng rãnh thoát nước ra xung quanh chảy về hướng nào. Quy mô của nhà cửa xung quanh, các công trình hố hầm ngầm, đường điện cao thế, trạm biến thế, cột điện chiếu sáng, các cây cối quanh nhà v.v... và đo định hướng cuộc đất.

2. Đo hoặc xem hướng trên sơ đồ, bản vẽ là cách xem tương đối, không được chuẩn xác lắm theo cách làm của phong thuỷ.
Định cho được hướng bằng la kinh là phải đến tận nơi, trực tiếp đo vẽ để biết sơ đồ hướng cụ thể mới mong có được hướng cuộc đất chuẩn xác hơn. Việc đo độ chuẩn xác của thuật phong thuỷ là mẫu chốt, là yếu tố vô cùng quan trọng để định ra giải pháp cho thiết kế theo bát trạch, nhất là theo trường khí của sao sơn (sau nhà) và hướng (hướng phía trước nhà). Điểm nhà biết được hướng đất hướng nhà bằng độ số của nó là bao nhiêu thì phần lớn đối với các nhà thiết kế của chúng ta thường lơ mơ, đại khái.
3. Bước tính toán số liệu:
ghi tên, tuổi (ngày, tháng, năm sinh) của chính chủ, và tất cả các thành viên trong gia đình. Nếu cho cơ quan đơn vị. Xí nghiệp Công ty thì lấy cung mạng của chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các giám đốc, các nhân vật chủ chốt các phòng ban có tổ chức tránh đóng góp vào sự phát triển, quyết định toàn bộ hay một bộ phận trọng yếu nào của đơn vị. Chỉnh lý lại cung mạng để tránh sai tuổi chọn sai cung (Bởi tất cả các tuổi âm lịch được tính từ thời điểm phút đầu tiên của ngày, giờ phút lập xuân trở về sau. Thời điểm đó ứng vào dương lịch thì gần như rơi vào ngày 4 tháng 2 dương lịch hàng năm là ngày lập xuân - Sinh trước thời khắc lập xuân 4/ tháng 2 dương lịch được tính vào tuổi âm năm sau bất kể âm lịch rơi vào sinh trước tết hay sau tết bao nhiêu ngày).

4. Vẽ sơ đồ 8 hướng với 8 cung chính của khu đất hoặc sơ đồ của căn nhà. Đưa cung mạng hợp khí hướng của từng thành viên ghi vào trong hướng vị sẽ biết được tất cả sự hợp khắc tốt xấu của từng cung với từng người. Từ đó định ra các giải pháp xử lý cho một cuộc thiết kế hoàn hảo.
5. Với hướng cuộc đất khi chỉ duy nhất được một hướng mở cổng và cửa chính cửa ngôi nhà hay nhà xưởng. Nếu được hướng khí hợp tốt với chính chủ thì giải pháp đơn giản, nếu hướng xung khắc cung mạng chính chủ hoặc khắc nặng một thành viên nào trong nhà thì việc lựa chọn giải pháp cách mở cổng, cửa chính phải cân nhắc thận trọng, mở lệch chếch, mở sang một bên và bên nào và bên nào để có được trường khí tốt, trách phận “ Cửu tinh ngũ hành”.
Phân định hướng nhà, chúng ta lấy cửa ra vào làm chính. Hướng nhà vào ngõ (Đại môn) có mối tương quan mật thiết. Xác định hướng nhà, nếu có ngõ thì phải xác định hướng ngõ. Mở ngõ phải hợp với bổn mạng trạch chủ, và nếu ngõ phạm sai lệch khắc sát, thì dẫu hướng nhà cóa tốt bao nhiêu cũng chỉ phí công vô ích.
Chọn ngõ ra vào có đến 24 sơn hướng, phân định theo kinh điển của thuyết 24 Môn lầu ngọc bối, ta thường gọi là cung phúc đức, chọn hướng vị mở cửa nhà cũng vậy. Tôi rút ngọn bảng phân định hướng theo 24 sơn hướng áp dụng chọn nhanh vị trí để mở cổng ngõ cho nhà thiết kế được tốt như sơ đồ sau:
6. Sau khi xác định xong hướng mở cổng và cửa nhà, cần xác định vị trí bếp, hướng bếp, hướng bàn thờ, hướng ngũ cửa chính chủ và từng người.
Về bếp có 3 vấn đề cập:
- Vị trí đặt nhà bếp, buồng bếp, được chọn tốt là bếp ở vùng khí tốt của chính chủ. Hai trong buồng bếp đã chọn, xác định vị trí đặt bếp nấu ( bếp ga, lò bếp, bếp điện) rơi vào cung xấu với cung mạng chính chủ, tốt nhất ở vị trí tĩnh của buồng bếp. Ba là chọn hướng cửa lò bếp hướng về hướng tốt cung mạng chính chủ. 3 vấn đề này thường chúng ta không biết để có thể làm cho đúng. Chọn hướng bàn thờ hết sức cẩn thận chọn vị trí đặt và hướng của bàn thờ phù hợp khí hướng tốt của chính chủ. Chọn hướng ngủ theo hướng cung mạng từng người, đặt giường ở phòng ngủ vào vị trí cung con cái, cung tình duyên, cung tài lộc, cung danh tiếng và gia đạo, tránh tối đa đặt ở cung trí thức. Sự nghiệp và quý nhân phù trợ.
-Sắp xếp các vị trí phòng khách, phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng học, đọc sách, phòng tập thể thao, phòng kho, khu vệ sinh... đều theo quy luật vận dụng 8 cung ( Bát khí) như phần cơ sở lý luận đã phân tích ở trên.
7. Chọn thuỷ pháp: Khi làm nhà cửa, mọi người thường nhắc đến long mạch, sợ l
àm đứt long mạch v.v... Vậy tại thành phố với nhà ở của ta liền sát nhau như vậy, khí thuỷ, lại thuỷ và phong thuỷ được xem như là khí long mạch đi nổi, nó đem lại vương khí cho ngôi nhà hoặc sát khí cho ngôi nhà; theo luật phong thuỷ dương trạch là hết sức quan trọng.
Việc quyết định đưa đường nước dẫn vào và đường nước thải ra với người thiết kế chúng ta thường không biết quy luật, bố trí sắp xếp rất tuỳ tiện. Trong dương cơ (nhà cửa) có câu: “Cư trạch đương thôi hướng thuỷ vi tối yếu” nhà cửa nên xem hướng đường nước là quan trọng nhất. Và đã có quy đọng chọn ra 28 hướng thuỷ pháp cho việc bố trí đường nước cấp vào nhà (lai thuỷ) và đường nước phải ra (phóng thuỷ). Thực tế vận dụng với 24 đường cấp thải nước theo 24 sơn hướng còn thêm 4 hướng kèm ( do độ hướng nhà mà có hướng kèm) tổng cộng 28 hướng thuỷ pháp cho bố trí căn nhà. (nếu có cơ hội tôi sẽ trình bày sau).
- Chọn vị trí đặt bể nước ngầm (nếu có) ở cung khí tốt của căn nhà; bể xí tự hoại (hầm cầu, bể phốt) ở cung khí xấu của căn nhà nhưng cần chú ý thật nghiêm ngặt tuân theo quy định của thuật phong thuỷ; là bể nước sạch ngầm. Bể phốt, không được đặt tại vị trí trung cung, tức ở khoảng chính giữa của căn nhà. Bởi trung cung giữa nhà thuộc thổ là điểm quy tụ của 8 phương (như rốn con người) cần vượng mạnh, không thích hợp suy tuyệt. Lại bể nước, bể phốt thuộc thuỷ; Thuỷ thổ tương khắc khi đặt giữa nhà tạo nên khí xung sát, nhiễu loạn. Đấy là thuỷ trong nhà, ngoài nhà thì sao?.
Chú ý: Những đường nước cống rãnh, đường thoát nước mặt bên ngoài nhà và công trình cũng làm tăng khí vượng cho nhà hay làm suy khí cho căn nhà; được xem xét ứng dụng như sau:
- Nước bên ngoài chảy từ phải - qua trái, thì mở cửa cổng hay cửa nhà chếch chút ít về bên phải, nghĩa là mép trụ cổng, mép cửa nhà lui thụt vào trong 5 đến 10cm. (Tim nhà hơi lệch nghiêng về phải).
- Nước bên ngoài chảy trái - qua phải, thì mở cổng hay của nhà chếch về phía bên trái từ 5 đến 10cm (Tim nhà hơi lệch về phía trái)
- Nước từ hai bên chảy lại chính nhà thì lấy hướng cửa cổng mở chính giữa.
8. Chọn giải pháp sắp đặt và thiết kế:Khi thiết kế một công trình quy hoạch tổng thể lớn, hoặc công trình đơn thể, để đạt được hiệu quả chiêu cát tránh hung, đem lại hài hoà và hợp lý tốt cho sự tồn tại của công trình lâu dài, ngoài thách thức hướng độ, thuỷ pháp ra, người thiết kế cũng cần tìm hiểu và vận dụng thuật cửu cung trạch vận của Huyền không phù tinh; nó đánh dấu được khí hưng vượng suy bại của hướng cuộc và ngôi nhà theo từng thời điểm khi lập trạch (làm và lập trạch sử dụng) đến lâu dài sau này theo thời vận (thời gian và không gian của 180 năm Tam nguyên cửu vận và Đại tiểu vận). Qua cách lập hướng; Sơn hướng và hướng nhà ta có thể biết được vận khí cuộc đất và ngôi nhà, lựa chọn giải pháp bố trí sơn, núi non bộ, thuỷ, bể nước, Mộc các cây cối v.v... trong không gian quy hoạch ngoại thất cho phù hợp để tạo vượng vận liên tục cho căn nhà và người cư ngụ. Trấn và tránh sát khí bằng các thủ pháp của phong thuỷ.
Trên đây là những nội dung chính tôi đã vận dụng kiến thức của lý thuyết phong thuỷ, ứng dụng trong tước trạch (xem nhà cửa), tư vấn cho thiết kế và bản thân đang vận dụng để thiết kế những công trình có yêu cầu của các đối tác một cách có hiệu quả.
Còn chi tiết sắp xếp không gian bên trog các công trình thương mại - các công trình sản xuất, các văn phòng lớn nhỏ, các nhà khách sạn, các công sở và nhà ở phải vận dụng nhiều kiến thức của lý thuyết phong thuỷ hơn nữa mà trong hội nghị này tôi chưa trình bày.Trong dịp cho phép, tôi xin được trao đổi cùng tất cả quý vị.

KTS. Phùng Đạo Hợp (Tạp chí KTVN số 9 năm 2007)
* Xin được giới thiệu 1 số các tài liệu hữu ích để tham khảo, nghiên cứu về môn khoa học này:
1. Phong thuỷ và cuộc sống hôm nay Tác giả: Đoàn Văn Thông
2. Phong thuỷ học (2 tập) Tác giả: Trần Văn Hải
3. Dương trạch tam yếu Tác giả: Triệu Cửu Long
4. Nguyên lý chọn ngày theo lịch CAN CHI Tác giả: Hoàng Tuấn
5. Phong thuỷ thực hành Tác giả: Tống Thiều Quang
6. Quan niệm Phương Đông trong kiến trúc Phương Tây Ứng dụng Phong thuỷ và đời sống thiết kế nhà cửa và công việc Tác giả: Rosalyn Dexter - Hà Thiện Thuyên (biên dịch)
7. Phong thuỷ hiện đại Tác
giả: Trần Di Khôi
8. Sử dụng La bàn Tác giả: Thanh Thuỷ
9. Thẩm thị Huyền không học Tác giả: Thẩm Trúc Nhưng
Hội thảo Phong thuỷ trong kiến trúc và quy hoạch xây dựng (13/09/2007)
Phong thuỷ lâu nay vẫn được coi là một lĩnh vực “nhạy cảm”, rộng lớn, liên quan đến nhiều vấn đề trong đời sống con người. Hội thảo “Phong thuỷ trong kiến trúc và quy hoạch xây dựng” do Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và Viện Kiến trúc Nhiệt đới (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) tổ chức tại Đại Lải - Vĩnh Phúc, ngày 18 - 19/8/2007 với đầu bài: Hội thảo tập trung đề cập đến phần “dương trạch” quan hệ đến kiến trúc (KT) và quy hoạch xây dựng (QHXD)...
Khái niệm đa chiềuCó rất nhiều ý kiến định dạng phong thuỷ (PT) được đề cập tại hội thảo. Theo Ths.KTS Phan Đăng Trình, PT là một hiện tượng văn hoá có từ thời cổ đại, là thuật số đón lành, tránh dữ, phong tục dân gian lưu truyền sâu rộng, là quan niệm về mối quan hệ giữa con người với môi trường. PGS Lê Kiều thì “định nghĩa”: PT là địa thế, địa hình, là đất và nước quanh ta. PT là môi trường sống mà con người tồn tại trong đó. PT còn có nghĩa rộng là những hoạt động nghiên cứu về thiên văn, sao trời, vũ trụ, trái đất, khí tượng, địa thế làm nhà, đặt mồ mả nên PT vừa gần gũi vừa xa lạ với con người... Còn KTS Lý Thái Sơn thì đưa ra nhận định: PT là nơi đan xen nhiều chiều (không chỉ về không gian địa lý, lịch sử, chủng tộc, dân tộc), phức tạp giữa các yếu tố khoa học tự nhiên và kỹ thuật (kiến trúc, xây dựng, quy hoạch đô thị - nông thôn, môi trường sinh thái, nghệ thuật tạo hình và tổ chức không gian) và khoa học xã hội và nhân văn (tâm lý cư trú cá nhân, cộng đồng, tín ngưỡng dân tộc, cách tư duy, kiểu sống) giữa vật thể và phi vật thể...Câu hỏi đặt ra là, vì sao lâu nay PT vẫn được coi là lĩnh vực nhạy cảm, không được nhìn nhận công khai? PGS.TS Doãn Minh Khôi cho biết: PT phân biệt thành hai loại dương trạch và âm trạch. Dương trạch nghiên cứu về thế giới “dương”, nơi con người sống và làm việc, đó là nhà ở, công sở, đô thị. Trong khi đó, âm trạch nghiên cứu về thế giới “âm”, nơi con người an nghỉ vĩnh viễn, đó là các công trình lăng mộ... Một lý do khác khiến PT càng trở nên “nhạy cảm” là vì “việc lãnh hội thi hành PT khó, nên lâu nay hình như ta chỉ nhìn nhận PT qua khía cạnh “pháp thuật” (ý kiến của ông Nguyễn Cảnh Mùi). Hay “Lý luận cơ bản của PT (kinh dịch, âm dương ngũ hành) thì rất trừu tượng, thuật ngữ sử dụng khác xa so với ngôn từ dùng hàng ngày… tạo ra một vẻ bí hiểm. Đọc và nghe về PT thấy một không khí sống, chết đan xen, trời đất hòa hợp, rõ không ra rõ, mờ không ra mờ làm cho quần chúng có thể tin, có thể không tin nhưng cũng sợ (PGS Lê Kiều). Đơn giản hơn do “thiếu nghiên cứu, thiếu tư liệu, PT đã được xem như là một lĩnh vực huyền bí, siêu thực (GS.TS Nguyễn Bá Đang). Sức hấp dẫn của phong thuỷChính vì không được nhìn nhận một cách công khai nên trong các công trình xây dựng công cộng hay tư nhân, nếu có tham khảo PT thì cũng chỉ là tự phát, tùy tiện, dựa cách ngẫu nhiên vào lòng tin của chủ công trình với một thầy phong thủy nào đó mà không qua bất cứ hội đồng kiểm nghiệm, đánh giá nào. Ông Nguyễn Văn Vịnh nêu một thực tế là giờ đây vào bất cứ nhà sách nào cũng có thể tìm thấy hàng loạt các cuốn sách viết về xây dựng, kiến trúc, sắp xếp nội thất, ngoại thất theo phong thủy… Nhiều sách đến mức những người ít kinh nghiệm chẳng biết mua sách nào cho phù hợp mục đích sử dụng. Theo ông Vịnh, tình trạng này chứng tỏ hai vấn đề. Thứ nhất, PT được thừa nhận là cần thiết và có giá trị ứng dụng. Thứ hai, xã hội thật sự có nhu cầu hiểu biết, ứng dụng thuật PT. Hội thảo thu hút hàng trăm kiến trúc sư trong cả nước tham dự. 24 người đã gửi bài tham luận, trong đó có những bài tham luận dày cộm, thể hiện quá trình nghiên cứu công phu. Các diễn giả diễn thuyết say sưa, tranh luận đến cùng… Tất cả các yếu tố này cho thấy giới làm nghề kiến trúc đặc biệt hứng thú, quan tâm đến PT. Thái độ nào dành cho phong thuỷ?Cho dù cách tiếp cận về PT còn khác nhau, cách hiểu cũng chưa hẳn đồng nhất nhưng các ý kiến tại hội thảo có điểm chung là nghiên cứu, nhìn nhận PT theo hướng khoa học. TS. KTS Lê Đình Tri cho rằng: “Nếu nhìn trên khía cạnh khoa học, PT chính là quan hệ tự nhiên vốn có giữa từ trường trái đất, địa tầng và sức khỏe, sinh lý con người”. PGS.TS Nguyễn Minh Sơn thẳng thắn bày tỏ quan điểm: PT không thể là một bộ môn bí hiểm, thần kỳ, càng không phải là loại tri thức cao siêu thần bí từ các thầy địa lý nói ra. PT chỉ đơn giản là phương cách để chúng ta lựa chọn sắp đặt ngôi nhà của mình cho an toàn và tốt đẹp hơn. Ths.KTS Phan Đăng Trình đồng tình: “Lý luận PT về dương trạch có nhiều yếu tố hợp lý đáng để chúng ta tham khảo khi xây dựng, sửa chữa nhà ở”.Đến đây, vấn đề mà các đại biểu quan tâm là có thể ứng dụng, tham khảo PT trong kiến trúc, quy hoạch xây dựng như thế nào? Ông Nguyễn Cảnh Mùi cho rằng: PT theo cách của kiến trúc hiện đại là phải đáp ứng những nguyên tắc như có cảnh quan tự nhiên đẹp, địa thế hài hoà, cao ráo, kết cấu vững chắc, ánh sáng đầy đủ, không khí trong lành, nguồn nước sạch sẽ, không có tiếng động, ồn ào, giao thông thuận lợi. Cảnh quan, nhân văn thuận theo đạo lý tự nhiên… TS Doãn Quốc Khoa thì bày tỏ quan điểm cá nhân: Ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa nói chung, những giá trị của PT có thể học tập, kế thừa trong QH xây dựng chủ yếu ở khía cạnh nhận thức và phương pháp. Cụ thể, đó là phương pháp tư duy tổng hợp; tính biện chứng trong nhận thức về cấu trúc của không gian xây dựng; giá trị nhận thức về mối quan hệ tác động con người - môi trường xây dựng, giá trị về vận dụng triết lý Phương Đông trong tổ chức không gian; giá trị về tính linh hoạt, không giáo điều trong vận dụng các nguyên tắc tổ chức không gian. Giá trị về tính hài hòa, cân bằng. Giá trị về kiến trúc - quy hoạch xây dựng nhiệt đới Việt Nam.Phát biểu hội thảo, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn kết luận: PT là một loại hình văn hóa được xã hội, người dân Châu á nghiên cứu, xem xét, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, PT cũng đã bắt đầu tràn sang các nước Châu Âu, bằng chứng là nhiều KTS Châu Âu đã đặt vấn đề nghiên cứu PT trong các dự án đô thị, nhà ở. Các bài tham luận tại hội thảo đều cho rằng PT là khoa học, có giá trị ứng dụng trong thực tế cuộc sống, giúp con người có môi trường sống tốt hơn. Do vậy, nên chăng PT cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để nhận dạng bản chất khoa học và nếu thực sự PT là khoa học thì cũng nên chăng cần được nghiên cứu ứng dụng trong kiến trúc, quy hoạch xây dựng và đưa vào giáo trình đào tạo kiến trúc sư./Ứng dụng của phong thuỷ trong dân gianThs.KTS Phan Thanh Hải: Ngay từ thời Chúa Nguyễn, PT đối với đô thị Huế là một nhân tố vô cùng quan trọng, góp phần quyết định trong việc định hình bộ khung đô thị. ý tưởng QH về đô thị dựa trên nguyên tắc của PT thời kỳ này đã được triều Nguyễn sau đó kế thừa trọn vẹn và nâng lên một tầm cao mới.Tại Huế, các thành tố KT cấu thành nên kinh đô triều Nguyễn bao gồm cả KT dương cơ và âm phần đều được đặt trong một không gian thống nhất trong tính đa dạng, giới hạn từ núi về biển, lấy sông Hương làm trục liên kết tự nhiên rất hoàn hảo.Mã Đình Hoàn: Người Tày, Nùng xây dựng các công trình chủ yếu dựa vào địa thế, lệ thuộc vào không gian. Nơi làm nhà, xây dựng các công trình tâm linh là điểm giao hoà của trời đất, khí lành. Họ chọn những khu đất để xây dựng nhà ở, công trình phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo theo nguyên tắc: Tiền án (mặt trước) sông nước, ruộng phải thấp, hậu chẩm (phía sau) phải có thế dựa vào núi, đồi. Thế núi sông phải thuận. Núi theo hướng chung Tây Bắc, Đông Nam. Núi quần tụ theo dải. Dựng nhà, dựng đình, miếu thế đẹp nhất là Tiền tam sơn, hậu ngũ nhạc (phía trước có ba ngọn núi, phía sau vừa có rặng núi với 5 khe suối), long mạch phải chạy dài chiều thuận từ phía sau ra phía trước, nghĩa là thấp dần ra khoảng rộng. Trục thần đạo (là đường thẳng định vị hướng của công trình, từ tiền án đến hậu chẩm) phải đi vào giữa công trình xây dựng. Núi, đồi hai bên phải có thế tay ngai vững trãi...GS.TS.KTS Nguyễn Bá Đang: Thuật PT vẫn tồn tại, lưu truyền không công khai trong xây dựng dân gian như xem tướng đất, hướng nhà, cổng ngõ tốt - xấu, hay những tục lệ trong việc xây cất nhà cửa như xem ngày động thổ, đào móng, cất nóc... Trong các trường đào tạo kiến trúc, thuật PT được đề cập một cách khái quát trong nhân tố văn hoá có ảnh hưởng đến sự hình thành bản sắc của kiến trúc truyền thống Việt Nam (môn Lịch sử KT Việt Nam).TS Nguyễn Tiến Đông: Đình làng chỉ quay về hướng có con sông. Theo đúng thuyết PT thì trước mặt của kiến trúc là trường lưu thuỷ và chắc chắn các cụ sẽ chọn thế đất để cất đình là bên tả có Thanh Long, bên hữu có Bạch Hổ, phía sau là Hắc Quy, trước có án (Châu Tước). Như vậy, khi xây cất đình làng, vấn đề không phải là hướng mà là thế đất có hợp PT không, có hội tụ các yếu tố đã nêu không. Theo GS Hà Văn Tấn thì: Nhiều người cho rằng đình là trung tâm của làng. Sự thật không phải bao giờ cũng như vậy. Vị trí của đình tuỳ thế đất dựng đình. Mà đất dựng đình thì được chọn theo quan niệm PT trong tín ngưỡng truyền thống.

Thiết kế cửa sổ theo phong thủy:Cửa sổ là mắt và miệng của nhà và là nơi làm việc (1 cửa kính vỡ là các vấn đề về mắt sẽ xảy ra). Cửa sổ là nơi dẫn khí phải được mở hết ra phía ngoài hay phía trong thay vì kéo lên trên hay xuống dưới. Tốt nhất là 1 cửa sổ nên mở ra phía ngoài để cho khí dẫn vào và lưu chuyển, tăng cường khí chomoị ngừơi trong nhà và mang đến dịp cơ may trong việc làm sinh sống. Cửa mở ra là sự hoà điệu tích cựcdương các khí của ngừơi nhà đó ra ngoài. Cửa sổ mở bên trong khiến người chủ thành nhút nhát có hại cho khí.Cửa sổ nâng lên hạ xuống không bao giờ nên mở nửa chừng vì chỉ hấp thụ được một nửa khí ra vào từ cửa sổ và lại người ngoài nhìn vào có ý tưởng không hay.Dù cho khí hậu và vị trí địa lý có khác biệt và với những nhu cầu đặc biệtcửa sổ mở ra hướng Tây làm hại cho khí của người nhà. Mặt trời hướng Tây chói chang gây nhức đầu, cáu gắt và làm việc không hiệu quả. Tốt hơn là treo trái thuỷ tinh cầu để biến ánh mặ trời thành sắc độ cầu vồng làm mạnh cho khí trong cả phòng và tạo sự năng động.Đầu cửa sổ phải cao hơn đầu người cao nhất trong nhà. Cưa só phải tương đối rộng. Cửa sổ mành chắn khí lưu chuyển, làm hẹp tầm mắt và những dịp may.
Độ xéo
Xà, đại sảnh, tường hay cửa ra vào báo trước điều bất ngờ, những điều lạ hay tai hoạ xảy ra. Sự thay đổi thình lình này của công việc có thể kề cận với tai họa. làm việc dưới cầu thang xoáy ốc thì thường hư việc vì độ dốc xuống sẽ đem công viêc đi theo.
Cách chữa: Có vài cách chữa được đưa ra để lập lại quân bình theo ý thích cá nhân. Trong trường hợp xà hay trần ngiêng, treo 1 quả tua đỏ, màu đỏ, xà gỗ để làm đều độ nghiêng hay xây 1 xà nghiêng phụ.
Cửa ra vào ở bức tường nghiêng thì rất xấu và đặc biệt nếu nó đi vào phòng ngủ hay phòng tắm, người trong nhà sẽ là nạn nhân cho những bệnh tặt lạ lùng bất ngờ hay biến cố nào đó. để ngăn ngừa tai họa, treo lên một trại thủy tinh cầu trên một bên cửa ra vào cách khoảng gần 1 thước tây tính từ ngạch cửa đó. Phòng lớn bị xiên lệch ta treo ba trái cầu thủy tinh theo chiều dài của nó.Nếu cả 1 vách tường bị xiên lệch, nguồn khí sẽ bị dồn trong 1 góc nhỏ hơn 90 độ.
Cách chữa: Đặt 1 cây cảnh nơi góc xiên để giúp khí lưu chuyển.
* Chọn chỗ đặt bếp theo phong thủy : Đặt bếp ở vị trí nào là điều mà hầu hết những người xây nhà đều rất lưu tâm. Theo quan niệm của người phương Đông, khu vực này vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của gia chủ chứ không chỉ đơn thuần là một nơi để nấu nướng.
Trong nhà bếp, các chuyên gia phong thủy cũng chú ý nhất đến vị trí của hỏa lò và chỗ chuẩn bị đồ nấu nướng. Một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên khi đặt bếp là phải có sự tương ứng với cửa và chiều cao của chủ nhà. Theo quan niệm của người Trung Quốc, đông bắc là hướng tốt nhất để đặt bếp. Kế tiếp là hướng nam, hướng chính tây. Các hướng khác đều không tốt. Hoả lò tối kỵ đặt ngoảnh lưng với hướng nhà. Ví dụ, nhà quay về hướng bắc mà mặt bếp lại xoay về hướng nam là không thuận. Cổ nhân khuyên nên để lò nấu "tọa hung hướng cát", có nghĩa là nằm ở hướng dữ nhưng nhìn về phương lành: "Cửa bếp là nơi đưa củi vào đáy nồi để đốt, phải đặt nó quay về hướng lành, như thế nhanh có phúc". Không nên bố trí bếp quá lộ liễu, khiến người ta có thể nhìn thấy ngay từ ngoài hoặc để đường từ cửa đâm thẳng vào bếp vì như vậy dễ bị hao tán tài sản. Bệ đặt hỏa lò, theo các chuyên gia phong thủy, nên tựa vào tường cho vững chãi. Họ cũng yêu cầu tránh để góc nhọn chiếu vào khu vực nấu vì điều đó có thể làm hại tới hòa khí trong nhà. Đừng để bếp dưới xà ngang: dưới xà có bếp, nữ chủ nhân sẽ bị tổn hao. Còn nếu bếp đặt đối diện với nhà vệ sinh hay cửa phòng ngủ, sức khỏe của các thành viên trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Phong thủy học truyền thống cho rằng làm nhà bếp phải cầu "tàng phong tụ khí". Vì thế bếp nấu nhìn thẳng ra cửa chính hoặc sau bếp có cửa sổ đều không lành vì sợ gió thổi làm tắt đi ngọn lửa đầm ấm mang lại sung túc cho gia đình. Mặt khác, bếp thuộc hỏa, kỵ nhất với khí mát lạnh của nước. Do vậy, thứ nhất nên kiêng để bếp quay về hướng bắc (hướng thủy vượng), thứ hai không đặt bàn nấu trên rãnh, mương, đường nước, và cuối cùng tránh để hỏa lò kẹt giữa hai đồ đạc có mang theo "thủy" như tủ lạnh, bồn rửa, máy giặt... Ngoài ra, vị trí của bếp phải kê trên nền cao ráo, không khí thoáng và ánh sáng đầy đủ. Chân bếp không được gập gềnh. Nghiêng lệch là điều tối kỵ khi đặt bếp. Mái nhà bếp không được để dột, có nước rơi vào. (Theo: Nhavui)

*Bài trí phòng ngủ trẻ theo phong thủy:Người bố người mẹ nào mà chẳng hi vọng có thể cho con mình một điều kiện tốt nhất, không gian ở thoải mái và có lợi cho sự trưởng thành của trẻ nhỏ. Bởi vì vậy mà gia đình nào người làm bố làm mẹ cũng cố hết sức mình để sắp xếp bài biện phòng con cho đẹp nhất à phù hợp nhất. Vậy có những điều gì cần chú ý trong khi bài trí đây?
Chức năng cơ bản của phòng trẻ em: Chức năng chính của phòng trẻ em, là tạo ra một thiên đường an toàn và tự do cho trẻ. Trẻ em ở trong thiên đường của mình được học tập, vui chơi, nghỉ ngơi một cách tự do và thoải mái. Phụ huynh trong quá trình bày biện bố trí phòng cho con, về phương diện phong thuỷ nhất thiết phải suy nghĩ đến chức yêu cầu chức năng này. Hơn nữa bạn có thể thông qua các kĩ năng bài trí, phong cách, ánh sáng, gia dụng, cửa sổ và vật trang trí, để tìm kiếm những biện pháp duy trì các nguồn năng lượng, tạo điều kiện cho con bạn học tập tiến bộ, trí tưởng tượng phong phú, hoạt bát năng động, có những giấc mộng êm đềm và bình yên.

Một không gian riêng tư là cần thiết để tăng tính tự giác và độc lập của trẻ
Một không gian riêng tư là cần thiết để tăng tính tự giác và độc lập của trẻ:Trẻ trưởng thành đến một độ tuổi nhất định thì cần phải tương đối tự lập, không thích có người lớn đến làm phiền, nói cách khác, phòng cho trẻ cần có đủ tính riêng tư. Đồng thời, phụ huynh cũng không nên hoàn toàn để mặc con cái. Cần dựa trên nền tảng tôn trọng tính riêng tư của con mà nhẹ nhàng quan tâm.
Vị trí phòng của trẻ
Ở Việt Nam, trẻ em được coi là ánh nắng buổi sáng sớm 7, 8h. Gian phòng có thể đón năng lượng từ ánh sáng mặt trời buổi sớm là gian phòng dành cho trẻ lí tưởng nhất. Bởi vậy phòng trẻ nên nằm hướng Đông hoặc hướng Đông Nam của nhà. Chọn lựa 2 phương hướng này có thể kích thích sự phát triển ở trẻ, khiến cho bé càng ngày càng tiến bộ, hoạt bát đáng yêu, trưởng thành một cách ổn định. Nếu phòng ở hướng Tây ngũ hành thuộc kim, buổi chiều mới tiếp nhận ánh sáng, chỉ phù hợp cho việc ngủ chứ không phù hợp cho trẻ chơi đùa.


Phòng ngủ hướng Đông sẽ kích thích trí não của bé phát triển, năng động và thông minh hơn
Phòng ngủ hướng Đông sẽ kích thích trí não của bé phát triển, năng động và thông minh hơn. Lưu ý: Đông Phương thuộc quẻ Chấn , đại diện cho Trưởng nam, Nam Phương thuộc quẻ Tốn, đại diện cho Trưởng nữ. Tuỳ theo trong nhà có trẻ trai hay gái mà lựa chọn hướng phòng khác nhau.

Đồ dùng trong phòng trẻ nên vát cạnh tròn để tránh nguy hiểm
Bài trí trong phòng trẻ:Phòng của trẻ ngoài những đòi hỏi cần thiết như giường ngủ không được đặt dưới dầm ngang, không được để đầu giường quay về phía cửa sổ; ngoài ra phòng trẻ còn phải cách xa nhà vệ sinh, để tránh hơi độc từ đó bay vào, càng không nên để phòng có gió lùa phòng tránh việc trẻ bị cảm lạnh. Phòng trẻ cần có khoảng không gian, không nên bày biện quá phức tạp, đồ vật cũng không nên quá to làm chật căn phòng.Trẻ coi phòng của chúng là nơi chúng có được không gian riêng, là nơi chúng trưởng thành và trở nên độc lập, giảm dần tính ỷ lại. Bởi vậy trong phòng nên đặt 1 bộ bàn hoặc giá đựng đồ nho nhỏ..., bạn hãy để cho trẻ tự mình tổ chức và sắp đặt những đồ vật bày biện trên giá, xin đừng can thiệp.
Đồ dùng trong phòng trẻ nên vát cạnh tròn để tránh nguy hiểm: Ngoài ra cần phải chú ý, đồ vật trong phòng càng nhiều dạng tròn càng tốt, không nên dùng đồ bằng kính, để tránh vật nhọn và mảnh vợ gây nguy hiểm cho trẻ. Bên cạnh đó bạn nên dạy trẻ cách tự xếp lại đồ chơi, bồi dưỡng thói quen sống gọn gàng.
Nền nhà phòng của trẻ: Nền nhà cho phòng trẻ tốt nhất là bằng gỗ tự nhiên, vừa an toàn vừa sạch sẽ, cần tránh chất liệu bằng đá, 1 số loại đá chưa được kiểm chứng có mang tính phóng xạ. Cũng không nên lót thảm, mặc dù tính an toàn của thảm tương đối cao, không sợ trẻ bị trượt ngã, nhưng bên cạnh đó cũng có khuyết điểm là khả năng tích bụi khá cao, về lâu dài sẽ gây ra chứng viêm phế quản và bệnh về đường hô hấp.

Phòng trẻ nhỏ thường nhiều màu sắc và nên treo tranh với những hình vẽ tự nhiên
Màu sắc trong phòng trẻ: Màu sắc trong phòng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí của chúng. Đầu tiên, màu sắc phải nhẹ nhàng nhã nhặn, không được dùng màu nhức mắt như đỏ đậm tím đậm, cũng nên kị màu đen và trắng tinh. Màu xanh da trời làm điểm nhấn cho màu xanh cỏ, vàng nhạt, hồng phấn.. thì tương đối tốt, có thể đem lại hiệu quả hòa hợp.
Phòng trẻ nhỏ thường nhiều màu sắc và nên treo tranh với những hình vẽ tự nhiên: Thường thì trong phòng trẻ có treo tranh ảnh. Hình vẽ trên tường cần lấy tự nhiên làm chính, không nên treo những hình vẽ chiến sĩ áo giáp, những minh tinh trang điểm đậm.v.v. Bởi những bức tranh kiểu này ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ ngay từ khi trẻ còn đang nhỏ, tích cách già trước tuổi, không có lợi cho việc trưởng thành tự nhiên.Vị trí giường ngủTrong quá trình sắp đặt giường ngủ cho con, phụ huynh không những nên tham khảo những điều kiêng kị trong phòng của mình, mà còn cần chú ý những điều khác sau:Nếu trẻ là con một trong nhà, hướng giường của trẻ cần cùng hướng với giường của bố mẹ, điều này sẽ có lợi cho mối liên hệ tình cảm giữa bố mẹ và con cái. Nếu trong nhà có 2 đứa con cùng 1 phòng, thì 2 chiếc giường cũng cần cùng 1 hướng, để giảm bớt mâu thuẫn giữa cả 2.
Bố trí giường ngủ cùng hướng để giảm bớt mâu thuẫn giữa trẻ nhỏ: Đầu giường hướng về phía Đông hoặc Đông Nam tương đối tốt. Vì 2 hướng này ngũ hành thuộc Mộc, có lợi cho trưởng thành, chiều cao và sức khỏe của trẻ. Nhưng nếu như trẻ bị khó ngủ, thì cũng có thể chọn hướng yên bình như Tây hoặc Bắc. Còn giường trẻ hướng về phía Nam sẽ gây ra tính cách nóng nảy, hướng về phía Đông thì đểnh đoảng, Tây Nam thì nhút nhát rụt rè, Tây Bắc thì lớn trước tuổi.
Ánh sáng trong phòng :Trong phòng trẻ tốt nhất là dùng đèn tường có ánh sáng dịu thay cho đèn bàn và đèn sàn, vừa ấm áp vừa có thể tránh cho trẻ nghịch ngợm với dây điện hoặc giắc cắm. Nếu như sẻ đêm khó ngủ hoặc cứ về đêm là lại sợ sệt thì có thể lắp đặt 1 chiếc đèn nhỏ trên cao, khiến cho trẻ an tâm và cải thiện nỗi sợ bóng đêm.

Bố trí giường ngủ cùng hướng để giảm bớt mâu thuẫn giữa trẻ nhỏ
Những điều cần chú ý khác cho phòng trẻ:
1. Không được dùng giường người lớn thay cho giường trẻ, tránh nguy hiểm nếu như trẻ trong lúc ngủ lăn xuống dưới
2. Buổi tối cửa phòng trẻ cần phải đóng, cửa sổ phải kéo rèm, đến ban ngày mới kéo lên đón ánh sáng từ bên ngoài vào. Buổi tối thì phải kéo rèm xuống, tránh luồng ánh sáng và âm thanh ở bên ngoài, cho trẻ có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ. 3. Để giảm ảnh hưởng của luồng phóng xạ từ điện và nguy hiểm khi dùng điện, trong phòng trẻ tốt nhất không nên lắp đặt các loại đồ điện như tivi, đầu đĩa hay máy tính…
4. Phòng trẻ không nên đặt gương hoặc quá nhiều chuông gió, tránh cho trẻ phân tâm và thần kinh yếu.
5. Đồ chơi cho trẻ cần lấy đàn, xe hơi, xếp hình… những thứ phát huy sức sáng tạo của trẻ. Đồ chơi bằng gỗ là lí tưởng nhất ( trừ phi con bạn ngũ hành kị Mộc), bởi vì đồ gỗ vừa có lợi cho sự phát triển của trẻ, vừa là chất liệu từ thiên nhiên, chắc chắn và bền.
Bài: KTS Thùy Linh (Remak Architecture)

*Những điều kiêng kỵ và cách hóa giải khi đặt giường ngủ:Giấc ngủ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của con người, chính vì vậy phong thuỷ của giường ngủ cũng rất được quan tâm. Khi đặt giường ngủ có rất nhiều điều kiêng kỵ cần phải né tránh.
Đầu giường không nên để xà ngang ép đỉnh.Đầu giường có xà ngang ép đỉnh gọi là “huyền trâm sát” sẽ không có lợi cho sức khoẻ của gia chủ. Có ba biện pháp hoá giải như sau:
- Tránh: Đây là biện pháp tốt nhất bằng cách xê dịch đầu giường để tránh xà ngang, làm như vậy đã hóa giải được vị trí không gian ở đầu giường. Ngoài ra, ở đầu giường có thể đặt tủ, giá sách hay giá để dụng cụ để lấp vào, như vậy tránh cho đầu giường không trống trải hơn nữa có thể tiết kiệm được không gian.
- Che: Nếu diện tích căn phòng nhỏ hẹp hoặc vì nguyên nhân nào khác mà không “tránh” được thì có thể dùng phương pháp che bằng cách dùng tấm trần giả để che xà ngang. Làm như vậy sẽ bớt được áp lực về tâm lý.
- Ngăn: Nếu sử dụng biện pháp che mà gia chủ vẫn không an tâm thì có thể đổi giường thành giường hai tầng, tầng trên để chăn đệm còn tầng dưới để ngủ. Làm như vậy, chăn đệm ở tầng trên sẽ thay thế cho người chịu đựng những thiệt hại do xà ngang ép xuống.
Đầu giường không nên để đối diện với cửa phòng:Xét về Phong thuỷ học, đầu giường đối diện với cửa phòng là không tốt lành, bởi vì hiện tượng này sẽ dẫn tới sự suy sụp về sức khỏe và công danh của gia chủ. Trong trường này gia chủ nên xê dịch giường ngủ, không để giường ngủ và cửa phòng thành một đường thẳng. Nếu giường ngủ không thể xê dịch được thì hãy xoay lại để ngủ cũng là một cách hóa giải.
Đầu giường không nên kê quá sát vào cửa sổ.Nếu đầu giường kê quá sát vào cửa sổ thì sẽ không tốt. Không xét về Phong thủy học chỉ nói về môi trường sống, đầu giường kê sát vào cửa sổ khi nắng ánh mặt trời chiếu thẳng vào đầu giường, khi mưa nước mưa thẩm thấu qua cửa sổ sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của gia chủ. Để đảm bảo sức khỏe và gia cư an toàn, không nên kê đầu giường vào sát cửa sổ.
Đầu giường không nên chiếu thẳng vào gương.Trong Phong thủy, gương dùng để ngăn sát, tác dụng phản xạ trở lại sát khí xông thẳng vào cho nên (dù không phải là gương bát quái hay gương cửa) cũng không nên để chiếu trực tiếp vào giường ngủ. Nếu để gương chiếu trực tiếp vào đầu giường thường sẽ bị giật mình ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ dẫn tới hiện tượng mất ngủ, đau tim, tinh thần phân tán. Tốt nhất, nên treo gương ở phía trong cánh tủ quần áo để không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Đầu giường không nên kê sát nhà xí.Đầu giường không nên kê sát vào nhà xí vì nhà xí là nơi không sạch sẽ. Phương pháp hoá giải tốt nhất là kê đầu giường ra chỗ khác, không để đầu giường chiếu thẳng vào cửa phòng nhà xí.
Đầu giường không nên chiếu thẳng vào bếp đun.Trước phòng ngủ có bếp đun rất không có lợi cho sức khỏe vì lửa bếp cháy rừng rực, khói mỡ khi xào nấu xông vào rất không tốt với sức khỏe của con người, có thể sẽ sinh ra các chứng bệnh đau tim…Giường ngủ kiêng kê sát vào bếp đun.Bếp đun là nơi sinh hỏa nấu thức ăn, rất nóng bức vì thế mặc dù có tường, vách ngăn cách thì đầu giường cũng không nên kê sát vào bếp đun. Tốt nhất nên kê giường ra một chỗ khác của phòng ngủ, làm như thế có thể hóa giải được nhiều tai nạn và bệnh tật.Không nên để "lộ không" nơi đầu giường.
Đầu giường không nên “lộ không” điều đó có nghĩa là đầu giường không kê sát vào tường, không có chỗ dựa, không có chỗ che chở, vì thế hung nhiều cát ít. Nếu đầu giường không kê sát vào tường được thì cuối giường nên kê sát vào tường, còn nếu không có thể đặt kệ tủ sát đầu giường cạnh vách tường cũng là một cách hóa giải.
Giường ngủ kiêng chiếu thẳng vào ống khói.Phong thuỷ học cho rằng “ống khói làm cho chủ giường khó sinh nở”, vì thế giường ngủ không nên chiếu thẳng vào ống khói. Nếu xảy ra trường hợp trên thì phải kê giường ngủ ra chỗ khác để khi ngủ trên giường không nhìn thấy ống khói. Ngoài ra có thể dùng rèm để che cửa sổ để tránh nhìn thấy ống khói là được.
Giường ngủ kiêng cầu thang ép đỉnh.Giường ngủ đặt ở dưới chân cầu thang mặc dù là cầu thang ở bên ngoài phòng cũng không nên. Không xét về Phong thủy học, chỉ riêng tiếng bước chân đi lên xuống cầu thang cũng làm cho mất ngủ gây bất an.
*Cầu thang và phong thủy:Trong thiết kế nhà cửa, cầu thang luôn được coi là quan trọng nếu đã tính đến yếu tố phong thủy. Dưới đây là những nguyên tắc cơ bản trong thiết kế cầu thang.Cầu thang được xem là phương tiện "dẫn khí từ tầng này lên tầng kia nên thường phải được thiết kế sao cho rộng rãi, sáng sủa và không bị tù túng.Theo phong thủy, nếu cầu thang tối và thấp thì các luồng khí di chuyển trong nhà sẽ dễ bị chặn lại. Nếu gặp trường hợp này, bạn có thể treo một tấm gương lên trần để tăng cường chiếu sáng cũng như làm tăng nguồn khí, đồng thời tránh làm bậc thang trống dưới nền bậc vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc dẫn khí từ dưới lên trên.Nếu bậc thang nằm quá sát vách một bên vách thì bạn có thể treo một tấm gương trên tường để tượng trưng cho khoảng cách. Ngoài ra, để vừa tạo được sự thông thoáng vừa làm đẹp cho nhà, việc bố trí các chậu cây cảnh đặt dưới cầu thang cũng là cách giúp khí lưu chuyển từ dưới đất lên các tầng trên cùng.Theo nhiều chuyên gia về phong thủy, khi thiết kế nhà cần tránh đặt cầu thang chạy thẳng xuống cửa ra vào chính vì như vậy sẽ khiến cho khí (cũng như tiền của trong nhà) tuôn chảy mất. Để khắc phục khiếm khuyết này, bạn có thể treo một khánh nhạc hoặc quả cầu thủy tinh ở giữa bậc thang cuối với lối vào để làm nhẹ dòng khí lưu chuyển.Ở một góc độ khác, một cầu thang xoáy trôn ốc nhìn xuyên xuống như cái nút chai cũng làm nhiều gia chủ quan ngại. Cầu thang xoắn ốc không những hở bậc thang mà còn làm khí thoát ra giống như có một lỗ hổng trong nhà. Nếu kiêng kỵ và muốn khắc phục nhược điểm này, bạn có thể đặt một gói cây nhỏ hay vật gì xanh trên tay vịn rồi bố trí đèn trên trần chiếu xuống cầu thang từ đầu đến cuối để dẫn khí.
http://www.diaoconline.vn/web/chuyende/phongthuy/2007/11/28/114251/1326/
*Xem hướng cho nhà theo phong thủy:Phong thuỷ tốt xấu của một ngôi nhà là căn cứ trên nhiều loại yếu tố. Cụ thể như phương hướng, địa thế núi sông xung quanh, thời gian không gian hiện tại của ngôi nhà, và cũng tùy theo đại cuộc tốt xấu cuả sơn thủy mà suy đoán khu vực đại cát hay đại hung. Nếu là đại cát thì khu vực này sẽ đại thịnh, người dân sẽ giàu có, phát phúc hơn, còn nếu trong đại cuộc không tốt, thì khu vực này sẽ không thịnh vượng. Ngoài ra, cũng có thể có những căn nhà tốt hơn do là cách cuộc trung cát, bình cát. Chúng ta xem sự tốt xấu của phong thủy nhà ở, trước tiên là phải biết ngôi nhà này nằm ở hướng nào. Nếu dùng mắt thường để phán đoán phương hướng thì thường có sự sai lệch khá lớn, vì các mùa khác nhau có thể mặt trời sẽ mọc hoặc lặn hơi lệch hướng bình thường một chút. Thường trong phong thủy sử dụng la kinh để phán đoán, nếu không có la kinh, bạn có thể sử dụng la bàn thay thế để xác định phương hướng. Sử dụng la bàn, trước tiên phải xác định được hướng nào là hướng chính Bắc và hướng nào là hướng chính Nam. Với 360o Nam Bắc chia làm 8 phương vị bằng nhau, mỗi phương vị chiếm 45o, dùng hướng Bắc làm điểm trung tâm ở dưới. Bắc thiên (nghiêng về) đông 22.5o đều thuộc hướng Bắc, còn gọi là hướng “Khảm”. Từ hướng Bắc thuận theo chiều kim đồng hồ thì chia ra hướng Đông Bắc (Cấn), hướng Đông (Chấn), hướng Đông Nam (Tốn), hướng Nam (Ly), hướng Tây Nam (Khôn), hướng Tây (Đoài), hướng Tây Bắc (Càn). Tám phương hướng trên phân biệt ra dùng 1 đến 9 đại diện tham chiếu theo “Lạc thư cửu cung”. http://www.diaoconline.vn/web/chuyende/phongthuy/2007/11/07/044739/1234/
Khi dùng la bàn để đo phương hướng, là nhìn từ hướng chính diện bức tường nhà để quyết định vị trí ngôi nhà, nói một cách đơn giản, mặt cửa tòa cao ốc hướng ra đường lớn gọi là “hướng”, ngược lại mặt quay lưng với tường gọi là “tọa”. Ví dụ, đường của một ngôi nhà nằm ở hướng Bắc, nên gọi là tọa Ly (Nam) hướng Khảm (Bắc). Hoặc như đường của một ngôi nhà không cân bằng với nhà, nhưng vách tường ngôi nhà là nằm ở 20o Bắc thiên Đông, cũng cho là nằm trong phạm vi của hướng Đông Bắc, nên ngôi nhà này là tọa Khôn (Tây Nam) hướng Cấn (Đông Bắc).Phương hướng của các ngôi nhà khác cũng dùng phương pháp này để tính. Tuy nhiên, khi sử dụng la bàn để đo phương hướng cũng không hẳn chính xác hoàn toàn vì nhà thời nay thường dùng bêtông cốt thép, hoặc khối lượng sắt thép quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến từ tính trong la bàn. Vì vậy, nếu muốn biết vị trí chính xác của ngôi nhà thì nên ra bên ngoài cửa tòa nhà mà dùng la bàn để đo đạc ở nhiều địa điểm khác nhau. Khi đo đạc phương vị nhà ở, cũng cần chú ý đến phương vị của địa thế núi sông xung quanh. Ngọn núi cao hơn nhà mình ở gần đó là nằm ở hướng nào? Phương vị nhìn ra sông là hướng nào? Nếu như xung quanh ngôi nhà đều không nhìn thấy núi hay sông, thì những tòa lầu cao xung quanh có thể xem như núi, đường phố coi là sông, sau khi phán rõ Sơn và Thủy xung quanh ngôi nhà, thì bắt đầu phán đoán phong thủy ngôi nhà tốt hay xấu.
*Cách chọn nhà tránh sát cơ bản:Học phong thủy đại khái có thể chia làm hai bộ phận: một phần là “hình cách”, do môi trường địa lý của ngôi nhà, bố trí thiết kế nội thất tổ chức thành; phần thứ hai là “lý khí ” tính từ tọa hướng, thời gian không gian rồi tổng hợp hai bộ phận này lại để đoán định hung cát (tốt xấu) của ngôi nhà hay cát hung của phần mộ đó.Vị trí tốt cần nằm ở phương vị quan trọngThật ra thì lý luận cơ bản của “lý khí” không hề phức tạp, bốn mặt đông tây nam bắc có thể chia làm 3600 (người xưa thực tế chia làm 365.50 theo số ngày trái đất quay xung quanh mặt trời để chia, nhưng 5.5 độ muốn chia cho 4 phương rất khó chia, cho nên ước khoảng là 3600, 4 phương mỗi phương 900 ). Ngôi nhà trong một không gian thời gian, tọa hướng sẽ xuất hiện một hướng cát, một hướng hung cho nên nếu như hướng hung vừa đúng tọa độ ở các phương vị không quan trọng như nhà vệ sinh, còn vị trí tốt nằm ở cửa, phòng ngủ vị trí giường, vị trí bếp thì tự nhiên ngôi nhà sẽ có một phòng khách tốt, nếu như vị trí trong nhà lại ngược lại, thì đây sẽ trở thành ngôi nhà xấu.Trong một vòng 3600 có một số vị trí là phương hướng không tốt, những phương hướng này trong phong thủy chỉ thích hợp dùng xây chùa, xây đền, khi lựa chọn nhà ở phải cẩn thận, cần phải tránh hung, các hướng tốt còn lại sẽ dễ tìm hơn.Bốn hướng chính Nam, chính Bắc, chính Đông, chính Tây trong 3600 đều là phương vị đại hung.Ngoài bốn hướng chính ra, chính Đông Bắc, chính Đông Nam, chính Tây Nam, chính Tây Bắc cũng được gọi là “tứ ngung tạp sát”, cũng thuộc đại hung.Ngoài tứ chính và tứ ngung bát tạp sát ra, 3600 có thể chia làm 8 hướng, mỗi hướng 450, giữa 8 phương này, ví dụ vị trí bắc thiên nam 22.50 gọi là “bát quái không vong”, cũng thuộc không tốt.Ngoài ra mỗi phương hướng phối với bát quái, mỗi quái lại chia làm 3 phương hướng gọi là “tam sơn”, tổng cộng là 24 sơn. 24 sơn này lại có một số độ số gọi là phương vị “kiêm quái”, ngôi nhà tọa ở đây cũng xuất hiện hung ứng (hiệu ứng xấu) khác nhau.Những tọa hướng nêu trên, đều là lành ít dữ nhiều, các bạn khi chọn nhà có thể dùng để tham khảo, tránh mua lầm hung trạch, thì cát ứng (hiệu ứng tốt) tự nhiên sẽ đến.
http://www.diaoconline.vn/web/chuyende/phongthuy/2007/11/05/090748/1218/
* Phong thủy công ty và cơ sở kinh doanh:Từ xa xưa, người Trung Quốc đã rất tin tưởng và dành nhiều thời gian nghiên cứu thuật phong thủy. Không chỉ xem phong thủy khi xây nhà, các doanh nhân Trung Quốc thường thiết kế các tòa cao ốc của mình hoặc xây dựng văn phòng có hình dáng, cách bài trí phù hợp với phong thủy.Thực chất, phong thủy là bộ môn khoa học về môi trường sống và cách kết hợp các nhân tố tự nhiên như đất, nước... Trong kinh doanh, kiến thức phong thủy giúp doanh nhân xây dựng nhà xưởng, bố trí phòng ban, sắp xếp môi trường làm việc... một cách tốt nhất. Chính vì thế, ngày nay, rất nhiều doanh nhân chú trọng đến vấn đề này. Chúng tôi sẽ giúp bạn có được một căn phòng làm việc hấp thu linh khí trời đất, mang lại tài lộc. Vị trí phòng ốc Phòng làm việc của người quản lý hoặc chủ doanh nghiệp nên đặt ở trung tâm tòa nhà để tạo thế vững chắc. Nên xây theo hình vuông hoặc hình chữ nhật và đặt xa cửa ra vào. Riêng các phòng ban khác, bạn có thể bố trí như sau: - Phòng nghiên cứu ở hướng Đông - Bắc, tượng trưng cho kiến thức.
Phong thủy công ty và cơ sở kinh doanh
Từ xa xưa, người Trung Quốc đã rất tin tưởng và dành nhiều thời gian nghiên cứu thuật phong thủy. Không chỉ xem phong thủy khi xây nhà, các doanh nhân Trung Quốc thường thiết kế các tòa cao ốc của mình hoặc xây dựng văn phòng có hình dáng, cách bài trí phù hợp với phong thủy.Thực chất, phong thủy là bộ môn khoa học về môi trường sống và cách kết hợp các nhân tố tự nhiên như đất, nước... Trong kinh doanh, kiến thức phong thủy giúp doanh nhân xây dựng nhà xưởng, bố trí phòng ban, sắp xếp môi trường làm việc... một cách tốt nhất. Chính vì thế, ngày nay, rất nhiều doanh nhân chú trọng đến vấn đề này. Chúng tôi sẽ giúp bạn có được một căn phòng làm việc hấp thu linh khí trời đất, mang lại tài lộc. Vị trí phòng ốc Phòng làm việc của người quản lý hoặc chủ doanh nghiệp nên đặt ở trung tâm tòa nhà để tạo thế vững chắc. Nên xây theo hình vuông hoặc hình chữ nhật và đặt xa cửa ra vào. Riêng các phòng ban khác, bạn có thể bố trí như sau: - Phòng nghiên cứu ở hướng Đông - Bắc, tượng trưng cho kiến thức.
Phòng làm việc của người quản lý hoặc chủ doanh nghiệp nên đặt ở trung tâm tòa nhà để tạo thế vững chắc.

- Phòng tài vụ nên ở hướng Đông - Nam, trang trí thêm bể cá, tượng trưng cho tiền tài. - Phòng tiếp thị ở hướng Nam, tượng trưng cho danh vọng.
- Phòng Quản trị và Kế hoạch ở hướng Tây sẽ kích thích óc sáng tạo của nhân viên.
- Phòng Kinh doanh ở hướng Tây Bắc tạo nhiều thuận lợi cho việc mua bán. Sắp đặt nội thất.
-Bàn làm việc cũng quan trọng không kém trong việc chi phối hoạt động của doanh nhân. Bàn nên có hình bầu dục, tạo vẻ hài hòa. Vị trí ngồi làm việc không nên quay lưng ra cửa. Bạn hãy sắp xếp sao cho các chỗ ngồi có thể quan sát khắp phòng và kiểm soát được người ra vào.
- Sau lưng chỗ ngồi không nên có cửa sổ nhưng nên có vách tường hoặc bức họa núi non để tạo điểm tựa.
- Cửa sổ hướng ra khoảng không bao la, vườn cây xanh tốt... sẽ mang nhiều vận may cho việc kinh doanh.
- Xây hòn non bộ và hồ nước có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, tượng trưng cho sự thịnh vượng. Các dòng suối nhỏ nên chảy từ Bắc xuống Nam vì hướng Bắc liên kết với hành Thủy, tăng tài lộc.
- Không nên trang trí các vách tường với gương phản chiếu. Chúng sẽ tạo "sát khí" với ánh sáng chói lòa, làm mất cân bằng âm - dương. Ngoài ra, cầu thang không nên đặt ở hướng Tây Bắc hoặc đối diện với cửa ra vào.
*Phong thủy phòng sếp:Theo phong thủy học, việc đặt phòng làm việc đúng phương vị tốt lành sẽ giúp các sếp thêm đảm lược, trí tuệ, ảnh hưởng đến sự hưng suy trong quản lý, thành bại trong sự nghiệp.Vị trí bàn làm việcVị trí bàn làm việc đặt ở trung tâm nhiệm sở là tốt nhất. Nếu là nơi kinh doanh, bàn làm việc của người chủ phải đặt ở tầng một hoặc tầng hầm của lầu kinh doanh. Khi bố trí bàn làm việc như vậy, cần chú ý tới những điểm sau:Bàn làm việc không được kê đối thẳng với cửa ra vào để tránh không bị những tạp âm bên ngoài quấy nhiễu và người ngoài nhòm ngó. Làm như vậy để ngăn "sát khí" rất không lợi cho người ngồi điều hành.Sau lưng người ngồi phải có "chỗ dựa" như bức tường. Khoảng cách giữa lưng người ngồi với tường không được quá lớn. Phong thuỷ học cho rằng, làm như vậy sẽ tăng thêm tính tự tin cho người ngồi làm việc, tránh không có cảm giác trống trải.Trong trường hợp gian phòng làm việc có cửa sổ, thì cửa sổ không được đối diện với những biểu tượng không lành theo quan điểm của phong thủy, như ống khói, cột điện... Tốt nhất là nhìn qua cửa sổ thấy khoảng rộng bao la, vườn cây xanh tốt, cảnh núi non xanh biếc... Bên ngoài cửa sổ không nên có đường đi qua.Việc sắp đặt phòng làm việc lý tưởng nhất cho người lãnh đạo là: Sau bàn làm việc có tường chắc chắn, bên trái chỗ ngồi là cửa sổ, nhìn qua cửa sổ thấy một phong cảnh thiên nhiên đẹp, không khí thoáng đãng. Cửa ra vào ở góc bên phải phía trước bàn sẽ không bị tạp âm quấy nhiễu và không bị người ngoài nhìn ngó bất thường. Cửa ra vào mở ở phía bên trái bàn làm việc có thể thay đổi vị trí một chút, hiệu quả vẫn tốt.Những điều kỵKỵ bày đặt bàn viết đối diện với cửa và khi ngồi làm việc quay lưng ra cửa. Phong thủy cho rằng, cửa là khí khẩu vừa nạp sinh khí mà đồng thời cũng nạp sát khí. Ngồi quay lưng ra cửa thì sau lưng không có "chỗ dựa", thường xuyên thấy cột sống bị ớn lạnh vì sát khí. Cả tạp âm từ ngoài truyền vào sẽ kích thích sống lưng làm cho đại não không yên, người lãnh đạo ở vị trí này luôn ở trạng thái căng thẳng, tâm trí sẽ rối loạn, dễ mắc sai lầm khi ra quyết định.Kỵ ngồi cạnh cửa. Đặt bàn viết nên ở bên phải cửa ra vào, bàn làm việc với cửa ra vào hơi chếch với nhau và xa ra một khoảng cách. Nếu gần cửa ra vào quá, sẽ bị sát khí quấy nhiễu, sẽ giảm hiệu suất lãnh đạo, không những thế, phong thuỷ cho rằng sẽ gây bệnh.Kỵ sau chỗ ngồi có cửa sổ. Nếu kê bàn làm việc theo lối này, người ngồi sẽ ngăn đường đi của gió và ánh sáng, theo cách nói của phong thuỷ là chặn lại sự lưu thông của khí, biến sinh khí thành sát khí, người ngồi làm việc ở tư thế này, trước sau cũng bị suy vi.Kỵ gần cửa sổ có đường đi qua. Cửa sổ cũng là nơi nạp sinh khí và sát khí. Nếu gần đường qua lại, thường nạp vào phòng tiếng bước chân người đi, tiếng cười, tiếng nói, tiếng ta thán... chúng đều là sát khí theo cách nói của phong thủy, rất bất lợi cho việc điều hành và sự nghiệp của người làm việc tại đó. Nếu vì một lý do nào đó phải kê bàn làm việc ở đây, phải có rèm che kín. Nhưng tốt nhất là dời phòng làm việc đi nơi khác.Không kê bàn làm việc ở giữa phòng, vì sau lưng quá xa tường nhà, không có "chỗ dựa", người lãnh đạo trước sau sẽ bị cô lập.Đặt cột thuỷ tinh trên bàn làm việcPhong thủy học cho rằng, người ngồi làm việc phải được tiếp nhận sinh khí từ vũ trụ thì mới minh mẫn trong điều hành công việc. Để tăng khả năng tiếp nhận sinh khí từ vũ trụ, trên bàn làm việc phải đặt cột thuỷ tinh trong không màu, vật dụng này được phong thủy gọi là tháp văn xương. Nếu đặt 4 tháp văn xương trên 4 góc bàn làm việc, sẽ tăng thêm lòng hăng say công việc và sự minh mẫn cho người lãnh đạo.
* Trồng cây hài hòa phong thủy:“ Trước cau sau chuối” - quan niệm về cảnh quan cho nhà ởTrong Phong Thủy, cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam, thường có rất nhiều câu châm ngôn cửa miệng cha ông ta truyền lại nhằm đúc kết kinh nghiệm, giải pháp về phong thủy nơi ăn chốn ở sao cho dễ nhớ dễ thuộc. “Trước cau sau chuối” là một trong những kinh nghiệm về bố trí cảnh quan cho ngôi nhà. Ngôi nhà truyền thống đa phần đều quay về hướng Nam và lân cận Nam để đón gió mát và tránh nắng Tây cũng như gió Bắc lạnh. Vì thế phần trước của mỗi ngôi nhà nên trồng cau (hay nói chung là cây thân cột thẳng, lá đẹp như cau hoàng đế, thiên tuế, cọ, dừa cảnh, chuối rẽ quạt…) để vừa không ngăn cản nắng sớm và gió mát, ít rụng lá, vừa được dáng vươn cao thẳng đẹp như những hàng chào danh dự trước sân nhà.Tập tin:Lightmatter 
gardenflowers.jpg
Còn “sau chuối” là nên trồng những loại cây có lá to và dày, mọc nhanh và ken sát nhau (như chuối, bàng…) để những cây này ngăn gió lạnh hướng Bắc và Đông - Bắc, ngăn nắng gắt buổi chiều Tây - Bắc và giữ ấm cho phần sau nhà.
Khoa học tự nhiên và khoa học Phong Thủy đã chứng minh sự quan trọng của thực vật đối với không gian sống như cung cấp dưỡng khí, lọc giảm bức xạ và tiếng ồn, tạo cảm giác vui tươi sống động và thư giãn tinh thần… Đô thị ngày càng phát triển, khoảng không càng bị thu hẹp khiến mỗi người chủ nhà càng cần quan tâm hơn nữa đến việc bố trí cây xanh cho nội - ngoại thất sao cho Trường Khí ngôi nhà của mình được cải thiện tốt nhất.Cây không chỉ là vật trang tríCây cối luôn đóng vai trò liên kết giữa con người với thế giới tự nhiên. Do vậy, dùng cây cối trong nội thất chính là liệu pháp Tiếp Nối Khí một cách đơn giản và dễ điều chỉnh nhất. Một căn phòng làm việc có nhiều loại trang thiết bị, hãy thử đặt vài chậu kiểng, bình hoa trên bàn và giỏ lan trên bậu cửa sổ chảng hạn. Hiệu quả giảm stress sẽ đến rõ rệt nhờ việc hài hòa tính Âm Dương của các hành Mộc – Kim trong Ngũ hành.
Cũng cần quan niệm nhà ở không phải là rừng hay vườn cây, việc trồng cây phải tương quan hài hòa với tỷ lệ không gian sống. Cây cối nhiều quá nếu không có hệ thống sắp xếp hợp lý sẽ dẫn đến ẩm thấp, tối tăm, vướng víu tầm mắt và dễ sinh hỏa hoạn (Mộc sinh Hỏa). Ta có thể thấy, dù là lâu đài phương Tây hay nhà vườn phương Đông, dù được diện tích đất rộng nằm giữa vườn cây thì phần chung quanh ngôi nhà vẫn phải là một khoảng trống thoáng đãng, chọn lọc các loại cây và tránh tình trạng cây cối luộm thuộm che chắn hay mọc bừa bãi sát nhà ở.Tình trạng của cây cối cũng là thước đo Sinh Khí cho mỗi ngôi nhà. Khi một loại cây trồng có dấu hiệu tàn úa, cần khắc phục ngay để duy trì Trường Khí. Gần thì điều chỉnh tại cây đó như xới đất, tưới nước hay tỉa cành, xa hơn là quan sát cả không gian chung quanh xem có bị nắng nóng hay để cây quá sâu trong nhà khiến thiếu dưỡng khí hay không. Tốt nhất là nên chọn các loại cây phù hợp với cấu trúc, hình khối và hướng của nhà (cây ưa nước, ưa nắng hay thích bóng râm, cây sậm lá hay nhiều hoa…).Những bộ cây truyền thống và các quan niệm về cây cảnh hài hòa Phong Thủy
Tập tin:Hue02.JPG
Những bộ cây truyền thống được Phong Thủy xem là Cát Tường, mang lại Sinh Khí trong nhà ở, có thể sắp xếp tuơng ứng với các bộ sau:
a. Bộ Tứ Linh: Đa - Sung - Sanh - Si, vốn là những cây dáng lâu năm, dáng đẹp, rễ bám bền chắc và cành lá sum suê.
b. Bộ Tứ Quý: Tùng - Trúc - Cúc - Mai, tương ứng theo bốn mùa trong năm, trong đó Tùng và Trúc tượng trưng cho nam tử trượng phu, còn Cúc - Mai tương trưng cho nữ nhi hiền thục.c. Bộ Tam Đa: Sung sai quả tượng trưng cho Phúc, Lộc Vừng tượng tượng cho Lộc, Thiên Tuế hay Vạn Tuế tượng trưng cho Thọ.Các nghệ nhân cây cảnh thường tạo dáng cây theo các chủ đề truyền thống như Tam Cương Ngũ Thường, Tam Tòng Tứ Đức, Nhị Thập Tứ Hiếu… trong đó các phần Ngọn, Thân, Rễ tương đương với Thiên - Địa - Nhân, phải hài hòa không được xem nhẹ phần nào. Tiêu chuẩn cơ bản là Nhất Hình - Nhì Thế - Tam Chi - Tứ Diệp nhằm có được những dáng cây hài hòa, khỏe mạnh, vừa mang ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ truyền thống vừa tạo nên hình thế tươi đẹp cho người thưởng ngoạn và nơi ở.
Tập tin:Kuekenhoff 001.jpg

http://www.diaoconline.vn/web/chuyende/phongthuy/2008/01/28/084536/1604/
Phong cách vườn Châu Á
Trong một không gian sống hiện đại, nhu cầu có một khu vườn ngày càng lớn. Có rất nhiều phong cách khác nhau trong trang trí sân vườn, tuỳ thuộc vào thế đất, vào nhà và đặc biệt vào sở thích của gia chủ.

Trong khu vườn của người Châu Á thường hay dùng mặt nước tĩnh với hòn non bộ, cây thế tạo cảm giác yên bình, tĩnh lặng. Greenscape sẽ lần lượt giới thiệu với độc giả các phong cách vườn giúp độc giả trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể tự trang trí vườn cho mình theo ý thích.

Phần I: Phong cách vườn Nhật Bản
Mối khu vườn ở Nhật Bản đều có một đặc trưng riêng tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên của từng vùng. Với người Nhật Bản, một ngôi nhà truyền thống ngoài kiểu kiến trúc đặc Có lẽ cũng vì thói quen mang tính truyền thống đó mà ở Nhật Bản, bất cứ nơi đâu người ta cũng bắt gặp những khu vườn kiểu như vậy. Mục đích của việc tạo những khu vườn này là để con người có thể nghỉ ngơi, thư giãn và hoà mình với thiên nhiên, với cây cỏ, hoa lá…
Sự kết hợp hài hoà của thiên nhiên trong khu vườn Nhật (Nguồn: Greenscape.vn)

Vườn Nhật đơn giản mà sâu sắc vì đặc trưng của vườn Nhật mang đậm tính Thiền. Trong một vườn Nhật, đất là vật liệu làm nền cho cho những chất liệu căn bản như đá, nước và cây cối. Những chất liệu thiên nhiên này với những hình dạng khác nhau kết hợp lại làm nên khu vườn.Đá có ý nghĩa quan trọng trong vườn Nhật, nó như là bộ khung, là xương sống, là nền tảng của khu vườn. Nhiều chất liệu sử dụng trong vườn được thực hiện từ đá như đá giậm bước, móng cầu, tường, thạch đăng lung, thuỷ bồn. Đá được bố trí nằm riêng lẻ hay thành nhóm kết hợp với cây cỏ làm thành phông nền cho khu vườn.

Đá và sỏi là những vật không thể thiếu trong vườn Nhật (Nguồn: Greenscape.vn)

Cũng giống như hàng rào, đá có chức năng phân chia những khu vực trong vườn thành những không gian thân mật, riêng tư. Tuy vậy, cần phải cẩn thận khi lựa chọn mỗi viên đá cho khu vườn của mình. Giá trị nhất là những tảng đá có hình dạng thanh nhã, màu sắc, kết cấu hấp dẫn, gân đẹp, có vẻ sần sùi già nua và hoàn toàn tự nhiên, nếu có bám rêu và địa y thì càng thêm giá trị.

Đá được sử dụng làm đường dạo (Nguồn: Greenscape.vn)

Đi kèm với đá, nước là một chất liệu thống trị trong vườn Nhật. Nước có ý nghĩa thuần khiết, dù ở dạng này hay dạng khác, có thực hay là giả định thì nước vẫn là linh hồn của của vườn Nhật. Một hồ nước nhỏ đơn sơ cũng có thể thể hiện được sinh động nét lung linh, huyền ảo. Những lối đi quanh co cũng góp phần gắn kết khu vườn lại với nhau.Việc lựa chọn và trồng những cây thích hợp cả về chủng loại và kích cỡ là rất cần thiết. Đối với vườn Nhật thì thiết kế cây trồng có nghĩa bao gồm cả việc định dạng kích thước và hình dáng của từng cây trong khu vườn. Khu vườn càng nhỏ thì yêu cầu càng chặt chẽ.

Toàn cảnh khu vườn Nhật (Nguồn: Greenscape.vn)

Giống như sự cân bằng, tính đồng nhất là trọng tâm của nghệ thuật kiến tạo vườn Nhật. Khu vườn phải tạo cho người ngắm một cảm giác đồng nhất, chan hoà và không tách biệt với thiên nhiên. Hình dáng kiến trúc của ngôi nhà và dáng vẻ tự nhiên của khu vườn như hoà quyện được vào nhau. Tính đồng nhất cũng góp phần bổ sung cho khu vườn những dáng vẻ mới, hấp dẫn thể hiện được khoảng trống không và chỗ kín đáo, dự phù du và vĩnh cửu, sự mềm mại và cứng rắn.

Chòi nghỉ kết hợp làm nơi thưởng thức Trà đạo trong khu vườn (Nguồn: Greenscape.vn)

Ở Việt Nam, muốn làm kiểu vườn Nhật cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc như trên. Đối với đá, có rất nhiều chủng loại cho bạn lựa chọn như sỏi cuội to, đá granit, đá thấm thuỷ, đá hộc để trang trí cho khu vườn. Đẹp nhất là sỏi cuội to và đá granit. Ở khu vực nước nên dùng đá thấm thuỷ để tạo điều kiện mọc rêu làm tăng tính tự nhiên cho khu vườn. Cỏ Nhật được trồng làm nền cho khu vườn, tuy nhiên cần chú ý, cỏ Nhật chỉ thích hợp với diện tích rộng và không chịu bóng. Khu vực dưới các tán cây, bàn ghế, không nên trồng cỏ nhật vì dễ bị chết. Nên trồng thay bằng các loại cỏ tre, rau má, chua me đất…Cây bụi cắt xén có thể trồng các loại như mẫu đơn đỏ, hồng và hoặc hoa ngâu. Ngoài ra có thể điểm thêm các loại cây như hoa sưa, tường vi cho khu vườn thêm sinh động.

Ngôi nhà theo phong cách vườn Nhật (Nguồn: Greenscape.vn)

Những ngôi nhà với đường nét kiến trúc đơn giản, hài hoà rất phù hợp với phong cách của vườn Nhật. Bản thân gia chủ cũng là người trọng sự giản dị, thanh cao và triết lý thì mới có thể yêu nét đẹp đơn sơ của vườn Nhật.Làm vườn Nhật không cần diện tích rộng nhưng muốn đẹp đòi hỏi phải có sự tư vấn của kiến trúc sư hoặc có bàn tay chuyên nghiệp của người làm vườn chứ không thể là của những người nghiệp dư.

Tiểu cảnh vườn Thiền được bố trí ngay trước sân nhà (Nguồn: Greenscape.vn)

Cốt lõi mà kiến trúc sư của Greenscape muốn gửi gắm tới các bạn trong việc thiết kế vườn theo phong cách vườn Nhật chính là sự mô phỏng sống động vũ trụ, thiên nhiên trong đó có cả chính con người của mối chúng ta.
Người Trung Hoa xem vườn cảnh là một môn nghệ thuật không kém gì thư pháp và hội hoạ. Với mong muốn tái hiện vẻ đẹp sơn thuỷ vào nghệ thuật vườn, cho nên họ đã vận dụng nghệ thuật thi hoạ cổ truyền vào việc tạo dựng vườn cảnh nhằm mô phỏng cảnh đẹp thiên nhiên.
Phần II: Nghệ thuật vườn Trung Hoa chủ yếu nhấn mạnh việc mô phỏng tự nhiên và thay đổi tâm trạng cho người thưởng ngoạn bằng các thủ pháp chia cắt, đóng mở, rẽ ngoặt mang nhiều yếu tố sắp đặt. Đặc trưng của kiểu vườn Trung Hoa mà chúng ta dễ dàng nhận ra đó là lối kiến trúc gồm một nhà thuỷ tạ bên bờ nước, một nửa kiến trúc ở trên bờ, một nửa kiến trúc lấn ra hồ nước và đứng trên các cây cột. Ngoài ra, các lối đi thường lát gạch hay đá, những hình trang trí hay các bộ phận có kiến trúc vuông và tròn có ý nghĩa rất sâu sắc thể hiện “trời tròn đất vuông” cũng là những nét đặc trưng của kiểu vườn Trung Hoa.
(Nguồn: Greenscape.vn)

Vườn Trung Hoa không chỉ thể hiện nguyên lý âm dương ngũ hành, mà còn là sự kết hợp giữa thiên nhiên, triết lý, văn hoá, nghệ thuật rất cao, rất sâu sắc thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật trong không gian ba chiều của tự nhiên trong đó có hoa cảnh, cây cỏ, hồ nước, núi non…nhằm thể hiện sự gắn bó của con người với thiên nhiên.

(Nguồn: Greenscape.vn)

Có nhiều thủ pháp trong thiết kế vườn Trung Hoa từ bố cục, mặt bằng, cây cối để tạo ra một khung cảnh mô phỏng thiên nhiên. Tuy vậy, nên lưu ý, Trung Hoa là một nước khô và lạnh, còn Việt Nam là xứ sở của nóng ẩm, mưa nhiều do đó vận dụng phong cách vườn Trung Hoa phải chú ý đến bố cục, chọn lựa cây trồng cho phù hợp.

(Nguồn: Greenscape.vn)

Trước hết, thiết kế vườn phải tuân theo địa thế tự nhiên, bố cục linh hoạt. Tốt nhất trong khu vườn nên có giả sơn, cây cảnh, hoa cỏ, hồ ao, thuỷ tạ, cầu bắc ngang dòng nước, lối đi quanh co thì mới thể hiện được hết phong cách của vườn Trung Hoa. Thiết kế vườn theo kiểu Trung Hoa phải có tính lưỡng nguyên (hay âm dương) có nghĩa là trong cái nhỏ ẩn tàng cái lớn, trong cái hư chất chứa cái thực. Ví dụ, có thể diện tích vườn của gia chủ tuy nhỏ nhưng phải tạo được nhiều lối đi quanh co, cầu bắc phải có nhiều nhịp đan xen với các cảnh giả sơn và ao hồ. Hết cảnh này thì mở ra cảnh mới khiến cho người dạo chơi có cảm giác như quang cảnh mênh mông. Đó chính là thủ pháp tạo sự ẩn hiện.
(Nguồn: Greenscape.vn)

Khi thiết kế vườn chú ý nên tạo nhiều không gian, không gian được chia ra bởi tường vách, nhà cửa, khe nước, ao hồ…nhưng chúng phải tạo được cảm giác lưu thông, thoáng đãng. Khu vườn phải gợi được khung cảnh nên thơ, trữ tình kết hợp văn học với hội hoạ và thi pháp

(Nguồn: Greenscape.vn)

Cây trồng trong khu vườn cũng cần đáp ứng được ý đồ, bố cục của khu vườn, tạo ảo giác về phối cảnh và hài hoà về tỷ lệ với công trình kiến trúc. Các cây ven hồ có thể lựa chọn loại cây có dáng mảnh khảnh như liễu, trúc đào vàng, tường vi…

Đặc trưng của kiểu vườn Trung Hoa (Nguồn: Greenscape.vn)

Cây tạo phông nên chọn loại có lá nhỏ li ti để tạo phối cảnh sâu như me, muỗng, phượng. Cây cận cảnh có thể sử dụng cây bonsai hoặc loại có hoa đẹp như mẫu đơn, đỗ quyên, trà, nhài nhật. Cần chú ý đến mùa ra hoa để trồng đan xen cho khu vườn có hoa quanh năm, tạo vẻ sống động cho khu vườn.

*Ý kiến:
Giá như KTS. Phùng Đạo Hợp(tác giả) giải thích và chứng minh tính logic của Phong Thuỷ một cách rõ ràng, đầy đủ hơn qua một cuốn sách để thuyết phục bà con trong ngành kiến trúc được hiểu thêm; nhất là về việc ứng dụng lý thuyết Phong Thuỷ (Feng Shui philosophy) vào trong kiến trúc, xây dựng, trang trí nội thất như thế nào mà nhiều người Hoa từ TQ, ĐL, HK, VN... qua tới Mỹ, Canada, Âu Châu vẫn tin; cho dù thực tế không phải lúc nào cũng chính xác. Năm 1994, tôi được nghe ông Chao-Ching Fu (dạy kiến trúc Cheng Kung University, Taiwan) nói về ứng dụng Phong Thuỷ cùng với Ngũ Hành(Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ) vào trong kiến trúc Trung Hoa mà người Đài Loan rất tin tưởng. Bởi vậy, rất mong anh KTS. Phùng Đạo Hợp sẽ chia sẻ cho chúng ta biết thêm về Phong Thuỷ.
Publié par DAT NGUYEN à 17:54

Architects Guide to Feng Shui



Architects Guide to Feng Shui
Cate Bramble
Architectural Press (July 15, 2003)/ 224 pages / English


Cate Bramble has devoted her career to highlighting the differences between 'feng shui-lite' as a fashionable pursuit in contrast to the original intentions of the Chinese masters. Here she presents the authentic principles in a technical, no-nonsense pocket book specifically for architects.

As clients become more demanding and the competition for projects heats up, the architect is well advised to have many strings to their bow. This practical guide includes line illustrations that present the principles of feng shui, the Chinese art or practice in which a structure or site is chosen or configured so as to harmonize with the spiritual forces that inhabit it, and their application in architecture through planning principles, services, building elements and materials, in an accessible, easy reference format. The feng shui-savvy architect can also benefit from feng shui's ability to match structures and land, and the peculiar capacity of authentic feng shui to forecast development-related concerns including cost overruns, quality issues - even worker injuries and trade disputes!

The author explains feng shui from archaeological sources and evidence of practice in the east, contrasting it with what passes for feng shui in the west. She analyses the practice in terms of such concepts as western systems theory, viewshed, space syntax and the 'pattern landscape' theory of urban planning. For the first time, the Sustainable implications of feng shui design are explained with reference to the latest developments in behavioural and cognitve sciences, evolutionary biology and other western viewpoints.

* The first 'how to' guide on feng shui specifically written for architects
* Contains numerous technical illustrations to define and analyse the genuine design elements of feng shui, for quick and easy reference
* Supplies knowledge of the scientific, ethical and ecological principles of the original Chinese system, to impress your clients 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.