Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Thiết kế đô thị-URBANISME-Urban Planning

Urban Planning For Dummies


Urban Planning For Dummies
Jordan Yin

With the majority of the world's population shifting to urban centres, urban planning—the practice of land-use and transportation planning to help shape cities structurally, economically, and socially—has become an increasingly vital profession. In Urban Planning For Dummies, readers will get a practical overview of this fascinating field, including studying community demographics, determining the best uses for land, planning economic and transportation development, and implementing plans. Following an introductory course on urban planning, this book is key reading for any urban planning student or anyone involved in urban development.
With new studies conclusively demonstrating the dramatic impact of urban design on public psychological and physical health, the impact of the urban planner on a community is immense. And with a wide range of positions for urban planners in the public, nonprofit, and private sectors—including law firms, utility companies, and real estate development firms—having a fundamental understanding of urban planning is key to anyone even considering entry into this field. This book provides a useful introduction and lays the groundwork for serious study.
Urban Planning For Dummies.zip
Archive (.ZIP)
http://www.mediafire.com/download/49sojxounbk5y47/Urban+Planning+For+Dummies.zip
 http://e-boook.blogspot.com/2013/07/urban-planning-for-dummies.html

----------------------------------
http://www.tamdaoconf.com/vi/2015/08/23/3772/
------------------------------------------------------------------------
Văn hóa và Thiết kế đô thị





Ý tưởng QH&TK khu vực hồ Gươm của Nikken Sekkei Civil (Nhật Bản) năm 2009

Ngôi nhà xây phải có thiết kế. Đô thị xây lại càng phải có thiết kế hơn. Sau người chủ trương là nhà thiết kế kiến trúc. Tham gia vào thiết kế đô thị là sự vận động của thời gian và của xã hội. Đó là những phạm trù, sâu và rộng của Văn hóa đô thị.  
BẢN CHẤT RỘNG CỦA THIẾT KẾ ĐÔ THỊ 
Nếu quan niệm thiết kế đô thị không chỉ là những đồ án vẽ trên giấy, thì các đô thị Việt trong quá khứ xa xưa đã được tạo dựng theo thiết kế. Theo cách nghĩ đó, nghệ thuật xây dựng đô thị là sản phẩm kết tinh từ thiết kế đô thị. 
Hai nguyên tắc cơ bản chi phối thiết kế đô thị Việt truyền thống, đó là: 
- Về quy hoạch, sự phân chia rạch ròi lãnh thổ đô thị thành những khu tách biệt theo chức năng và theo cơ cấu xã hội; sự xếp đặt các công trình kiến trúc theo những trình tự cứng nhắc, cũng căn cứ vào chức năng và tôn ti trật tự xã hội. 
- Về kiến trúc, sự thể chế hóa các loại hình kiến trúc cơ bản; sự quy cách hóa cao độ quy mô, kích cỡ và kiểu cách kiến trúc của chúng thông qua số gian, cấu trúc và trang trí mái; phân cấp và chuẩn mực hóa các thủ pháp bài trí nội ngoại thất. 
Nhờ tuân thủ hai nguyên tắc trên mà Thăng Long và Huế là các đô thị Việt kinh điển, đặc trưng bởi sự thống nhất trên những cái lớn, sự đa dạng trong những cái nhỏ. Chúng là sản phẩm trực tiếp của chế độ phong kiến già dặn, đặt tôn ti trật tự làm nền móng cho tòa kiến trúc xã hội ngàn năm. Ở nền kiến trúc Trung Hoa, hai nguyên tắc nêu trên trị vì tuyệt đối, từ Tràng An đến Bắc Bình. 
Người châu Âu trong nghệ thuật xây dựng đô thị đặc biệt chú trọng hai yếu tố: trục lộ và sự gắn kết các công trình kiến trúc thành một thể không gian - thẩm mỹ. Cấu trúc điển hình của đô thị châu Âu, từ thời cổ đại, đã bao gồm: trục lộ, ô phố, quảng trường và quần thể kiến trúc. Roma, Paris và Saint - Peterburg là ba ví dụ chói lọi của nghệ thuật xây dựng đô thị Âu châu. 
Từ góc độ tổ chức không gian đô thị, tác giả bài viết này nhắc tới một nhận biết ở Roma: giữa những khối kiến trúc dày đặc của các ô phố, hiện hữu những cái sân - khoảng không khép kín tứ phía dành cho sinh hoạt cộng đồng. Từ đó mở ra những con phố, chảy và đột ngột hòa vào những quảng trường rộng lớn, nơi ngự trị cả một quần thể kiến trúc và điêu khắc. Giải quyết sự chuyển hóa không gian như thế, quả là biệt tài của các nhà tạo tác đô thị bậc thầy của Italia. 
Tinh hoa của nghệ thuật tổ chức không gian Á Đông là sự chuyển hóa không gian và cảnh quan kiến trúc trên những đường trục. Tinh hoa nghệ thuật tổ chức không gian Âu châu là quần thể kiến trúc. 
Từ sự xem xét lịch sử xây dựng đô thị, ta có thể đưa ra định nghĩa sau: Bản chất của thiết kế đô thị là sự phân định hợp lý việc sử dụng đất đai, sự sắp đặt đúng chỗ các công trình kiến trúc, sự tạo lập các mối liên kết kiến trúc và không gian giữa chúng, sự tạo lập trật tự đô thị theo nghĩa rộng, dẫn tới sự hình thành môi trường sống của xã hội đô thị và cùng với đó là cảnh quan đô thị. 
Đô thị - kiến trúc đô thị và con người, hai thực thể ấy, như nước với đất, song tồn trong thích ứng, điều chỉnh và hoàn thiện lẫn nhau theo thời gian, tạo nên những chốn đô thị - nhất thể, nơi không tách biệt cái nọ ra khỏi cái kia. 
VĂN HÓA PHẢI LÀ NỀN TẢNG CỦA THIẾT KẾ ĐÔ THỊ HIỆN NAY 
Hình hài và thể xác của các đô thị hiện hữu ở ta hầu hết khởi đầu từ thế kỷ XIX, định hình ở thế kỷ XX. 
Những đô thị lớn về không gian và về quỹ kiến trúc như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những đô thị có tích lũy kiến trúc đáng kể như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... đều chưa thể hiện đậm nét những nguyên tắc và thủ pháp xây dựng đô thị Á Đông hoặc Âu châu, như đã nêu một phần ở trên. Huế và Đà Lạt là những ngoại trừ. 
Thời Pháp thuộc để lại nhiều dấu ấn trên cơ thể các đô thị Việt Nam. Do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và do sự phát triển thuộc địa ở mức hạn chế, người Pháp chưa thể xây dựng những đô thị hoàn chỉnh, mà chủ yếu ở dạng những khu phố Tây, xây ghép vào phần đô thị bản địa, với sự cải tạo hạn chế thành phần này, hoặc ở dạng những cấu trúc đô thị xây mới, có quy mô không lớn. 
Thuộc dạng thứ nhất là các khu phố Tây ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng và Huế. Thuộc dạng thứ hai là các thành phố Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu. 
Ở Hà Nội, trong thiết kế đô thị người Pháp đã giải quyết thành công sự gắn kết và chuyển hóa giữa khu phố cũ của người Việt với khu phố thuộc địa, với sự xác lập vai trò trung chuyển đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm, quy mô và hệ tỷ xích không gian không tách biệt giữa hai phần mới và cũ. Đặc biệt họ đã tạo ra một trục phố, bắt đầu một cách kinh điển từ Nhà hát Lớn và quảng trường cùng tên, chuyển sang đường Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ và kết thúc bởi không gian quảng trường lớn, nơi tọa lạc Phủ Toàn quyền và các thiết chế kiến trúc có trọng lượng khác. Trục phố này tuy không thẳng, không đủ rộng và chưa định hình về phương diện tổng thể kiến trúc, song đã thực hiện xuất sắc vai trò gắn kết các không gian đô thị, khác biệt về hình thái với nhau. 
Về phương diện tạo lập những quần thể kiến trúc đô thị, do những hạn chế đã nêu trên, người Pháp thực hiện đầy đủ được những đồ án quy hoạch và kiến trúc, dẫn tới sự ra đời của không gian kiến trúc - thẩm mỹ, những quần thể kiến trúc hoàn chỉnh. Chẳng hạn, không gian được tạo bởi sự giao nhau của trục đường Ngô Quyền và trục vườn hoa Chí Linh, với những tòa nhà đường bệ đặt ở các vị trí phân tán, chưa tạo được sự phối hợp thể khối và hình thái kiến trúc để hình thành nên một quần thể kiến trúc đô thị thực thụ. Sự gắn kết không gian thành một thể đạt được nhờ hệ thống vườn hoa nhỏ và cây xanh. Phủ Toàn quyền, Nhà hát Lớn, Viện Pasteur... là những nhân tố gợi mở cho những quần thể kiến trúc. 
Ở Sài Gòn thời Pháp thuộc, không gian trục đường Nguyễn Huệ, bắt đầu từ đường Bạch Đằng trên bờ sông Sài Gòn, kết thúc bởi Tòa Thị chính phát triển về bề ngang và về đường bao, gắn kết vuông góc với trục đường Lê Lợi và giới hạn bởi Nhà hát Lớn Thành phố, đã tạo lập được một dạng quần thể - phức hợp kiến trúc đô thị - điểm nhấn trung tâm. Đây là ví dụ về một trung tâm đô thị đã được thiết kế từ phương diện quy hoạch, kết hợp trong mình các thành tố như trục đường, vườn hoa, các kiến trúc chủ đạo, sự liên kết chúng về hình khối, độ cao, về diện mạo kiến trúc. Quá trình thiết kế đô thị, bắt đầu từ hơn 100 năm trước, được tiếp nối ở các giai đoạn sau, đã dẫn tới sự hiện hữu của một thực thể đô thị tương đối liên hoàn, hiệu quả thẩm mỹ đô thị đạt được một cách sở thị. 
Trong công cuộc cải tạo và xây dựng đô thị ở ta trong thập niên qua, thiết kế quy hoạch đã được thực hiện và có tác dụng trong việc xác định các định hướng phát triển của từng đô thị, trong việc phân định chức năng các khu đất, đặc biệt là các khu trung tâm và các khu công nghiệp. Tuy vậy, vai trò của thiết kế đô thị trong quy hoạch đô thị nói chung mờ nhạt, hiệu quả về tổ chức không gian, về tạo dựng diện mạo và thẩm mỹ kiến trúc đô thị hết sức hạn chế. Hình thái tự phát của hầu hết các đô thị hôm nay chứng minh điều đó. 
Quy hoạch đô thị thường chỉ chi phối bình diện ngang, ít chi phối không gian ba chiều, lại càng không có ý nghĩa trong việc định đoạt diện mạo và chất lượng thẩm mỹ kiến trúc đô thị. Những phẩm chất này xuất hiện dần dà, một cách tự phát trong quá trình lấp kín hoặc sắp xếp lại khu đất hầu như không có sự điều tiết nào cả. Hoặc nếu có, hiệu quả cũng không đáng kể. 
Người thực thi thiết kế đô thị trong cuộc sống là một kiến trúc sư trưởng và một nhà quản lý kiến trúc đô thị - cả hai đều thiếu vắng ở đô thị nước ta. Thiếu uy lực của một bàn tay nhà quản lý, thiếu cá tính của một kiến trúc sư - nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc kiến trúc đô thị. Cơ chế tổ chức tưởng như hoàn hảo không thể thay thế cho những người cầm trịch. 
Những sự thiếu vắng ấy càng nhận ra, khi ngay ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta có thể nhận ra một tòa nhà hoặc vài ngôi nhà đẹp, song chúng ta không thể tìm ra một dãy nhà đẹp, một tổng thể kiến trúc đẹp, một panorama đô thị ôn hòa. 
Một vài ngôi nhà đẹp trên một phố không làm cho nó đẹp lên là bao nhiêu. Cả trăm ngôi nhà đẹp ở một thành phố không làm cho nó đẹp lên là bao nhiêu. Phố và thành phố chỉ đẹp thực sự, khi nó có được cái đẹp tổng thể. Cái đẹp tổng thể chỉ có thể có khi nó được trù liệu, được thiết kế. 
Một đoạn phố của đường Lê Thái Tổ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, dài dưới 200m, với dãy nhà hầu hết là hai tầng, với diện mạo kiến trúc khá đồng nhất, tạo nên cái chất thị thành, cái khung cảnh phồn hoa, mà Hà Nội ngày càng thiếu, cả khi nó đã trở nên khá đồ sộ và khá giàu sang như bây giờ. Hình như các thành phố ở ta đều thiếu dáng vẻ, thiếu cái chất thành thị và phồn hoa ấy. Vỡ nhẽ ra, cả đường rộng và nhà cao chưa hẳn đã có thành thị. Thành thị chỉ có khi kiến trúc đậm tính văn hóa, khi bầu không khí triết lọc và riêng biệt của văn minh đô thị kết tụ ở nơi ấy. 
Trong lịch sử, ít thấy các quần thể kiến trúc được kiện toàn theo một bản thiết kế và trong một khoảng thời gian ngắn. Quá trình kiện toàn diễn ra dần dà, thế hệ sau nhận biết ý đồ của thế hệ trước, bổ khuyết hoặc hoàn thiện nốt những gì còn dang dở. Các không gian kiến trúc đô thị ở Hà Nội, đặc biệt các không gian - điểm nhấn, lại không có được sự ứng xử như thế. Chúng không những không được cải tạo và hoàn thiện, mà ngược lại bị xáo trộn và bị chắp vá bởi những sự xây cấy, cơi nới, xây bao quanh, do sự phá vỡ hệ tỷ lệ xích không gian và hình khối đã được ước định. Những không gian đô thị Nhà hát Lớn, khu vực Nhà khách Chính phủ - Ngân hàng Nhà nước - vườn hoa Chí Linh, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trục Tràng Tiền - Hàng Khay... một khi được cải tạo và hoàn chỉnh theo những đồ án thiết kế đô thị bài bản, có thể trở thành những thành phần có giá trị của đô thị, xứng tầm với Thủ đô. Ở tình trạng hiện nay, chúng là hiện thân của sự dang dở, tưởng như đã vĩnh viễn hóa. 
Sự thiếu vắng thiết kế đô thị bên cạnh nền quản lý đô thị hiện có hiệu lực, đã dẫn đến tình trạng Hà Nội thiếu hẳn những nhân tố bắt buộc của mỗi đô thị lớn: Các điểm nhấn kiến trúc - cảnh quan ở các lối vào, các đại lộ, các đường trục và panorama đô thị. Các đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Khát Chân, Nguyễn Văn Cừ, Cầu Giấy... về thực chất, chỉ là những phố dài, không thể coi là những đại lộ theo đúng nghĩa. 
Thủ đô ta không có con đường - bộ mặt, con đường tiêu biểu, con đường - niềm hãnh diện và con đường - lời chào đón, để từ sân bay đi vào, lướt qua mà nhận ra và nghĩ ngay: Hà Nội đây. 
Thành phố Thái Nguyên và thành phố Việt Trì, xây dựng mới cách nay vài chục năm, lặp lại hoàn toàn mô hình phố - đường cổ truyền: Chúng được triển khai dọc hai bên quốc lộ, kéo dài hàng chục cây số. Những chuỗi nhà to và nhỏ, cao và thấp, được đánh tới số vài nghìn. Điểm nhấn, điểm nút, quảng trường, khoảng trống - đều không. Lẻ tẻ những ngôi nhà nào đó có vẻ được thiết kế, song đô thị thì không. 
Quán tính của tư duy lịch sử vẽ thay nhà quy hoạch. 
Quan sát những đô thị và những bộ phận cấu thành của chúng, hình thành tự phát theo thời gian và bởi logic vận động xã hội - cuộc đời những thế hệ, ta dừng lại ở một nghịch ý; giả sử chặt đẵn hết đi cây cối phủ kín kiến trúc, sẽ thấy gì? Ta sẽ thấy những thể khối đô thị vô định hình, sự hình thể hóa trần trụi những nhu cầu và những tham vọng chung đụng miễn cưỡng trong sự liền kề khối phố. 
Thiết kế đô thị “từ đầu” cần phải đặt ra và giải quyết hai bài toán, ngoài quy hoạch theo cách hiểu thông thường, đó là kiến tạo những cơ thể đô thị được trù liệu để tiến tới hoàn chỉnh về mọi phương diện, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến sự hiện hữu của mọi thành phần cấu thành nó. Các công trình kiến trúc phải được sắp đặt trong trật tự không chỉ riêng về mặt bình đồ, mà chúng phải được gắn kết và phối hợp về mặt không gian, hình khối và diện mạo. Thiết kế đô thị “can thiệp” có đối tượng là kiến trúc không gian của đô thị hoặc toàn đô thị hiện hữu. Nội dung chủ yếu của thiết kế đô thị trong trường hợp này là cải tạo, hoàn thiện và phát triển tiếp nối.
BA PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA THIẾT KẾ ĐÔ THỊ 
Loài người kiến tạo đô thị với những gì bao bọc nó và nằm trong phạm vi chi phối của nó, tạo ra thiên nhiên thứ hai. Thiên nhiên này là sản phẩm văn hóa kỳ vĩ và đặc trưng. Khi ta ví nó như một cỗ máy sống, ta chỉ nhìn nó ở góc độ công năng và từ tính chất vận hành của nó. Song, về thực chất, ta nên nhìn nhận đô thị là cái bản thể thứ hai của xã hội, cái bản thể không thuần túy là vỏ bao, là khuôn khổ. Càng tồn tại lâu trong thời gian, càng đạt được sự phát triển cao siêu hơn, đô thị càng trở thành những thực thể đan kết chặt chẽ hơn giữa con người và xã hội với cơ thể kiến trúc vĩ đại. Tạo tác ra đô thị, con người chưa hẳn đã nhận ra vai trò tạo tác ngược lại của đô thị đối với mình. 
Quy hoạch đô thị nói chung, thiết kế đô thị nói riêng, xử lý và can thiệp vào những mỗi quan hệ cực kỳ tinh tế và cực kỳ gốc rễ, giữa lịch sử - xã hội và vật thể đô thị. 
Thiết kế đô thị liên quan tới ba phạm trù cơ bản: Công năng, trật tự, thẩm mỹ. Công năng là xuất phát điểm, là nguyên cớ, là cái cần đáp ứng để đảm bảo cho sự vận hành. Trật tự là tổ chức, là sắp đặt, là sự giải quyết cân bằng các mối quan hệ trong điều tiết, đảm bảo cho tính bền vững. Thẩm mỹ là sự hài hòa giữa công năng và trật tự, sự hài hòa giữa vi mô và vĩ mô, giữa kiến trúc và môi trường, giữa hai cái nói trên với con người và xã hội, là sự kiến tạo môi trường nhân văn của đô thị. 
Thiết kế đô thị xử lý hai cục diện cơ bản, mang bản chất quyết định. Đó là thời gian và thực tế hiện hữu. Đối với các đô thị đã tồn tại trong lịch sử, kiến trúc sư thiết kế đô thị bắt buộc phải tính đến ba thì: dĩ vãng, hiện tại và tương lai. Dĩ vãng là lịch sử, là những giá trị truyền thống, là vấn đề kế thừa. Hiện tại có gốc, có nền tảng ở dĩ vãng, song lại có những nhu cầu của cuộc sống hôm nay cần được đáp ứng đầy đủ trong sự không phủ định dĩ vãng và sự bắc cầu sang mai sau. Tương lai là cái phải trù liệu, cái được tính tới ngay ở hôm nay. Từ đó, thiết kế đô thị làm sao để không trở nên lạc hậu, ngay cả khi đồ án chưa thực thi xong. 
Đô thị xây dựng từ đầu, kiến trúc sư thiết kế đô thị không bị trói tay bởi thì dĩ vãng, song họ bị ràng buộc một cách không thể chối bỏ với tài nguyên và nền cảnh thiên nhiên, mà đô thị được ghép đặt vào. Họ không thể không tính chuyện xây hôm nay mà quên dành cho ngày mai. 
Tất cả những điều trình bày ở trên đều nằm trong phạm vi bao trùm của văn hóa thiết kế đô thị và là những cốt lõi của nghệ thuật xây dựng đô thị. 
Chúng ta có thể, từ sự tiếp cận văn hóa, phân chia thiết kế đô thị thành hai dạng: thiết kế đô thị “từ đầu” và thiết kế đô thị “can thiệp”. 
Với dạng thiết kế đô thị “từ đầu”, đối tượng chính là những khu đô thị mới, từ dạng đô thị bắt đầu lịch sử của mình hôm nay. 
Trong thực tế thiết kế quy hoạch đô thị “từ đầu”, có thể nhận biết một số nét chính sau: 
- Chúng ta thiên về quy hoạch: Phân định đất đai theo công năng, hoạch định các tuyến đường giao thông, bố trí các khu hành chính, các khu công nghiệp, khu dân cư... 
- Các đồ án quy hoạch thường duy ý chí, minh họa các chủ trương nhất thời, thay vì những bài tính đô thị đích thực. Điều này dẫn đến tính phi thực tế và bất khả thi của quy hoạch. Đô thị ra khỏi tầm kiểm soát, trở nên hỗn mang. Còn các cơ quan quản lý thì luôn luôn yêu cầu các nhà quy hoạch điều chỉnh quy hoạch. Điều này là hiện tượng phổ biến ở nước ta. 
- Bệnh sơ lược trong quy hoạch dẫn đến sự nghèo nàn trong cấu trúc tổ chức cơ thể và không gian các khu đô thị và các đô thị mới. Chúng bị giản lược hóa đến mức vừa xây xong đã có nhu cầu cải tạo hoặc bổ sung. Chúng thiếu các không gian công cộng phân chia thành tầng bậc, thiếu các quảng trường và điểm nhấn kiến trúc cảnh quan, thiếu những hình thức kiến trúc góp phần tạo nên tiện nghi và diện mạo thành thị. Trong nhiều trường hợp chúng trở thành những nơi cư trú thuần túy, nơi sản xuất thuần túy. Điều này góp phần tạo nên sự mất cân bằng, bởi trong các cấu trúc trung tâm của đô thị không phát triển, những khu xây dựng mới, đơn giản về cấu trúc lại nhân nhân lên gấp bội. Tình trạng này thấy rõ về Hà Nội. Về phương diện nào đó, các khu đô thị mới, mà chủ yếu là các khu ở mới, đang mang trong mình hội chứng lỗi thời trước thời hạn, là mầm mống tiềm ẩn những mâu thuẫn đối kháng. 
Thiết kế đô thị “từ đầu” cần phải đặt ra và giải quyết hai bài toán, ngoài quy hoạch theo cách hiểu thông thường, đó là:
- Kiến tạo những cơ thể đô thị được trù liệu để tiến tới hoàn chỉnh về mọi phương diện, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến sự hiện hữu của mọi thành phần cấu thành nó, như đối với các khu ở cần có các trục lộ, phố - cửa hàng, các thể loại kiến trúc, các không gian công cộng và dịch vụ, các quảng trường, vườn hoa và diện tích cây xanh hồ nước, các điểm nhấn đô thị, các phối cảnh và cảnh quan kiến trúc...  
- Các công trình kiến trúc phải được sắp đặt trong trật tự không chỉ riêng về mặt bình đồ, mà chúng ta phải được gắn kết và phối hợp về mặt không gian, hình khối và diện mạo. 
Mỗi đô thị chỉ thực sự đẹp và hoàn chỉnh khi công trình kiến trúc lớn phải được đặt và thiết kế trong quần thể, khi các công trình kiến trúc thứ yếu khác phải được xây cất trong trật tự, lấy sự thống nhất về cơ bản để tạo nên vẻ đẹp từ trật tự thẩm mỹ đô thị. 
Ở các đô thị ngày càng lớn quá khổ hôm nay, vai trò quyết định diện mạo và thẩm mỹ không thuộc về mỗi ngôi nhà, thậm chí mỗi dãy phố nữa. Quy mô, tầm nhìn, tốc độ đang định đoạt những phạm vi mới trong cảm thụ thẩm mỹ đô thị. 
Thiết kế đô thị “can thiệp” có đối tượng là kiến trúc không gian của đô thị hoặc toàn đô thị hiện hữu. Nội dung chủ yếu của thiết kế đô thị trong trường hợp này là cải tạo, hoàn thiện và phát triển tiếp nối. 
Các cấu trúc không gian, như kiến trúc đường phố, như các quảng trường và kiến trúc bao quanh, như các quần thể hoặc phức hợp kiến trúc... là những thành phần cấu thành của quỹ kiến trúc đô thị. Chúng có giá trị đôi khi về lịch sử cuộc đời đô thị, hoặc giá trị về kiến trúc và cảnh quan, giá trị về sử dụng... Các đô thị cũ sở hữu quỹ kiến trúc đô thị lớn hoặc nhỏ, cổ hoặc cũ đều có giá trị, không dễ bề loại bỏ, cần phải kế thừa và duy trì trong sự phát triển tiếp nối. 
Từ đây sự can thiệp, mang nội dung cải tạo hoặc hoàn thiện, phải được đặt trên cơ sở hiểu biết tường tận, làm chủ thực sự cơ ngơi kiến trúc vốn có. Điều này chỉ có thể đạt được bởi việc thực hiện một loại công việc như khảo sát, điều tra, kiểm kê, đánh giá, xác định các đặc điểm của từng cấu trúc không gian đô thị hoặc của toàn đô thị. Chính việc tạo lập cơ sở mang tính phương pháp luận nêu trên sẽ đảm bảo cho thiết kế đô thị dạng “can thiệp” diễn ra theo giác độ tiếp cận văn hóa, phù hợp với cách ứng xử văn hóa trong cải tạo và hiện đại hóa các đô thị. 
Thiết kế đô thị “can thiệp” khác thiết kế đô thị “từ đầu” ở chỗ tập trung vào các nội dung tổ chức lại không gian, hoàn chỉnh và định hình diện mạo kiến trúc nhằm nâng cao tính ổn định của hình thái kiến trúc đô thị. Đồng thời nâng cao thẩm mỹ đô thị, từ các bộ phận cấu thành đến tổng thể. 
Nội dung cải tạo trong thiết kế đô thị “can thiệp” được hiểu là một loạt các phần việc như duy trì những công trình hoặc thành phần đô thị có giá trị này nọ, nâng cấp chúng và môi trường xung quanh về các phương diện; thích ứng chúng vào các yêu cầu sử dụng mới; khắc phục sự biến dạng của các công trình và của môi trường xung quanh theo hướng hiện đại hóa cùng sự giữ lại những công trình vốn có của những gì thời gian để lại. Cải tạo về bản chất là những hoạt động nhằm duy trì sự phát triển tiếp nối của các đô thị, một điều hoàn toàn tự nhiên trong logic phát triển. 
Nội dung hoàn thiện trong thiết kế đô thị “can thiệp” được hiểu là một loạt các phần việc về chỉnh trang nhằm khẳng định và nâng cấp diện mạo cơ bản đã hình thành; gắn nối các công trình lẻ tẻ qua các thời gian trong một không gian kiến trúc thâu tóm; bổ sung các công trình và các thành phần kiến trúc - tạo cảnh nhằm đưa kiến trúc không gian vốn có về dạng hoàn thiện và trong trường hợp có thể, tiến tới tạo lập các không gian đô thị mang tính chất quần thể. Việc bổ sung vào không gian kiến trúc có sẵn các công trình mới không bắt buộc là chúng phải đồng dạng với kiến trúc cũ, mà có thể ở dạng ngôn ngữ trung lập hoặc ôn hòa, thậm chí tương phản. Đưa giải pháp thiết kế kiến trúc tương phản vào một cơ thể đã hình thành thường dẫn đến nguy cơ làm tan vỡ nó, song ở một số ít trường hợp, các kiến trúc sư tài năng đã thành công. 
Đối với khu vực Hoàn Kiếm ở Hà Nội, đã có nhiều nghiên cứu nằm trong phạm vi thiết kế đô thị “can thiệp”, nhằm khẳng định và hoàn thiện diện mạo cùng chất lượng kiến trúc của trọng điểm văn hóa - lịch sử - cảnh quan - đô thị này. Việc chỉnh trang và nâng cấp tổng thể chưa được thực thi ở mức cần thiết, song những công trình xây trong mấy thập kỷ qua ít nhiều tác động tiêu cực đến các tế bào tinh tế của thành phần đô thị có một không hai này. 
Ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác, lúc này nhận rõ hơn bao giờ hết, bên cạnh quy hoạch phát triển đô thị, cần bắt tay vào thiết kế đô thị “can thiệp”. Chính đây là một giải pháp cơ bản cho việc khắc phục tình trạng hỗn mang và thiếu thẩm mỹ của các đô thị ở nước ta. 
YÊU CẦU THỰC TIỄN QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ TRONG THIẾT KẾ ĐÔ THỊ 
Giờ đây chúng ta nói nhiều về thiết kế đô thị. Sự phát triển thiếu điều tiết chẳng những thách thức thế hệ chúng ta, mà còn có nguy cơ trở thành di sản nặng nề cho con cháu. Thực tiễn quy hoạch và quản lý đô thị hôm nay đòi hỏi tạo lập hai cơ sở mang tính nền tảng cho thiết kế đô thị: 
- Nắm vững và hiểu rõ tình trạng của các đô thị từ các phương diện quỹ kiến trúc, đặc điểm tổ chức không gian và hình thái học đô thị, chất lượng kiến trúc thẩm mỹ... đồng thời đưa ra từ đó những giải pháp phù hợp cho thiết kế đô thị, vận dụng vào quy hoạch các đô thị mới và cải tạo các đô thị cũ. 
- Làm chủ tri thức và khai thác tối đa các bài học rút ra từ nghệ thuật xây dựng đô thị kinh điển và hiện đại. Nếu kiến trúc công trình và công nghệ xây dựng đã tiến rất xa, thì nghệ thuật tổ chức không gian đô thị cho đến nay vẫn có thể kế thừa hầu hết các thủ pháp đã được nâng thành nghệ thuật từ các thời trước. Chẳng hạn, các thủ pháp về tổ chức và phân định không gian, tổ hợp các quần thể, chuyển hóa không gian, tạo lập phối cảnh và panorama, điểm nhấn và đường bao, nhịp điệu và sự lặp lại... Dĩ nhiên, cần kết hợp các tri thức của nghệ thuật quy hoạch kinh điển với các thành tựu của quy hoạch đô thị hiện đại. 
Nội dung cuối này đặc biệt liên quan đến lĩnh vực đào tạo kiến trúc sư. Các kiến trúc sư trẻ bắt buộc phải làm chủ cho được kiến thức cơ bản về nghệ thuật xây dựng đô thị. Do vậy, bộ môn lịch sử xây dựng đô thị, nghệ thuật xây dựng đô thị phải được coi trọng đặc biệt trong đào tạo kiến trúc sư, nhất là kiến trúc sư thiết kế đô thị. 
Lúc này các nhà quy hoạch đô thị hầu như bị hút vào các dự án quy hoạch chung và quy hoạch điều chỉnh. Dễ hiểu, công cuộc đô thị hóa đang tăng tốc. Song xây dựng đô thị mà thiếu thiết kế đô thị đặt trên những nền tảng văn hóa, thì chẳng bao giờ chúng ta tiến tới được những chốn đô thị ngăn nắp, tiện lợi, dễ sống và đẹp trong sự hòa đồng. 
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
Nguồn: KTVN
http://cus.vnu.edu.vn/content/ha-tang-do-thi/van-hoa-va-thiet-ke-do-thi 
--------------
http://www.4shared.com/account/home.jsp#dir=5vPiXclS
http://www.4shared.com/zip/cwZdvBxZ/urban_design_guideline_vn.html




BỘ XÂY DỰNG


 
Số: 06/2013/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
                     Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2013

THÔNG TƯ
Hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị.
                                             Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
 1. Thông tư này hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và Thiết kế đô thị riêng.
2. Thông tư áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động Thiết kế đô thị tại Việt Nam.
Điều 2. Yêu cầu chung về Thiết kế đô thị
a)       Thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và đồ án quy hoạch chi tiết phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Các quy định trong Luật quy hoạch đô thị liên quan đến Thiết kế đô thị được cụ thể hóa tại các chương II, III, IV của Thông tư này.
b)       Đối với Thiết kế đô thị riêng phải lập nhiệm vụ và đồ án thiết kế. Cấp phê duyệt nhiệm vụ và đồ án Thiết kế đô thị riêng là Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch Kiến trúc (đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).
c)        Tổ chức, cá nhân tham gia lập nhiệm vụ và đồ án Thiết kế đô thị riêng phải có đầy đủ năng lực theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị. Kiến trúc sư chủ nhiệm đồ án Thiết kế đô thị riêng phải có kinh nghiệm về thiết kế kiến trúc công trình và bảo tồn di sản, di tích (tại khu vực có các di sản, di tích, kiến trúc cổ, cũ).
d)       Đối tượng lập Thiết kế đô thị riêng gồm: Thiết kế đô thị cho một tuyến phố; Thiết kế đô thị cho các ô phố, lô phố.
Chương II
THIẾT KẾ ĐÔ THỊ
TRONG ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG
Điều 3. Xác định vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị
1. Xác định khu vực nội đô hiện hữu; khu vực dự kiến phát triển mới; khu vực cảnh quan thiên nhiên, nhân tạo; khu vực bảo tồn và khu vực đặc thù.
2. Định hướng về hình ảnh đô thị và không gian kiến trúc theo tính chất, mục tiêu phát triển của từng khu vực .
Điều 4. Tổ chức không gian các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, quảng trường lớn, điểm nhấn đô thị
1. Định hướng tổ chức không gian các khu trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa - thể thao, tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế cho phù hợp với tính chất, chức năng đô thị.
2. Định hướng tổ chức không gian khu vực cửa ngõ đô thị về không gian kiến trúc cảnh quan, xác định vị trí và diễn họa ý tưởng hình khối các công trình điểm nhấn theo các hướng, tuyến giao thông chính hướng vào trong đô thị.
3. Tổ chức các trục không gian chính
a) Định hướng kiến trúc cho các trục đường chính, các khu vực đặc trưng trong đô thị theo nguyên tắc đảm bảo sự chuyển tiếp về hình ảnh kiến trúc đô thị đã phát triển qua các giai đoạn.
b) Đề xuất các trục chính đặc trưng khu vực đô thị.
c)  Đề xuất bảo tồn, khai thác cảnh quan thiên nhiên hiện hữu về địa hình, cây xanh, sông hồ, mặt nước, bổ sung thiết kế cảnh quan nhân tạo.
4. Tổ chức không gian quảng trường
a) Xác định quy mô, tính chất của quảng trường theo cấp quốc gia, cấp địa phương trong đô thị hoặc khu vực đô thị.
b) Nghiên cứu không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh quảng trường.
5. Tổ chức không gian tại các điểm nhấn đô thị
a) Xác định vị trí điểm nhấn của toàn đô thị và từng khu vực đô thị.
b) Trong trường hợp điểm nhấn là công trình kiến trúc hoặc cụm công trình kiến trúc, cần đề xuất định hướng về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh cho phù hợp; trường hợp tận dụng cảnh quan tự nhiên làm điểm nhấn cần có định hướng tôn tạo, khai thác.
Điều 5. Tổ chức không gian cây xanh, mặt nước
1. Tổ chức không gian cây xanh
a) Xác định không gian xanh của đô thị, bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, công viên hoặc rừng tự nhiên, nhân tạo trong đô thị.
b) Giải pháp cây xanh trong các trục không gian chính, các khu đô thị.

2. Tổ chức không gian mặt nước
       a) Đề xuất quy định bảo tồn, khai thác, phát huy cảnh quan mặt nước tự nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái.
b) Đề xuất vị trí quy mô các hồ nước nhân tạo bổ sung cho đô thị.
Điều 6. Yêu cầu thể hiện Thiết kế đô thị trong đồ án Quy hoạch chung
1. Phần thuyết minh diễn đạt đầy đủ các nội dung yêu cầu nêu ở Điều 3, 4, 5 phù hợp với các bản vẽ.
2. Hồ sơ gồm bản vẽ và mô hình
a) Phần bản vẽ: thể hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu ở Điều 4 và Điều 5 theo tỷ lệ 1/2000 - 1/1000. Các bản vẽ phối cảnh tổng thể và các góc nhìn chính mô phỏng không gian kiến trúc phù hợp, để làm rõ được các nội dung nghiên cứu.
b) Phần mô hình: trường hợp gợi ý cụ thể về một số không gian chính, mô hình thực hiện với tỷ lệ 1/1000 - 1/500. Mô hình tổng thể thực hiện tỷ lệ 1/5000 - 1/2000. Vật liệu làm mô hình phù hợp ý tưởng thiết kế.
Chương III
THIẾT KẾ ĐÔ THỊ
TRONG ĐỒ ÁN QUY HOẠCH PHÂN KHU
Điều 7. Xác định các chỉ tiêu khống chế về khoảng lùi
1. Xác định khoảng lùi trên cơ sở đánh giá hiện trạng cốt nền và kiến trúc cảnh quan, địa hình tự nhiên, tính chất và chức năng các tuyến phố chính.
2. Việc xác định khoảng lùi công trình phải phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.
Điều 8. Cảnh quan đô thị khu vực trung tâm, dọc các trục đường chính, các khu vực không gian mở, các công trình điểm nhấn
1. Cảnh quan đô thị khu vực trung tâm
a) Xác định mật độ xây dựng và chiều cao công trình kiến trúc của từng khu vực. Tỷ lệ (%) cây xanh trong khu vực trung tâm;
b) Nội dung thiết kế cải tạo, chỉnh trang đối với khu vực trung tâm hiện hữu và giải pháp kiến trúc cảnh quan khu vực trung tâm mới để tạo nét đặc thù đô thị.
2. Cảnh quan đô thị dọc các trục đường chính
a) Đề xuất nguyên tắc bố cục và hình khối kiến trúc trên cơ sở phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán văn hóa xã hội và đặc thù khu vực;
b) Cây xanh cho các trục đường chính: cần khai thác tối đa chủng loại cây xanh sẵn có tại địa phương.
c) Các tuyến đường sông cần bảo tồn cảnh quan tự nhiên, đề xuất ý tưởng thiết kế cảnh quan kiến trúc, kiến trúc của cầu, kè sông, lan can.
3. Các khu vực không gian mở
a) Đề xuất về chức năng cho các không gian mở trong khu vực nghiên cứu.
b) Xác định không gian kiến trúc cảnh quan mở về: hình khối kiến trúc, khoảng lùi, cây xanh, quảng trường.
c) Nghiên cứu không gian kiến trúc cảnh quan tại các ngã, nút giao thông đô thị lớn và trong từng khu vực.
4. Các công trình điểm nhấn
a) Cụ thể hóa Thiết kế đô thị theo đồ án quy hoạch chung, nêu ý tưởng kiến trúc công trình điểm nhấn theo tính chất công trình, cảnh quan xung quanh.
b) Điểm nhấn ở các vị trí điểm cao cần khai thác địa thế và cảnh quan tự nhiên, hoặc đã có công trình kiến trúc, hoặc đề xuất xây dựng công trình mới, giải pháp giảm thiểu sự lấn át của các kiến trúc xung quanh.
c) Điểm nhấn ở các vị trí khác được cụ thể bằng việc đề xuất xây dựng công trình hoặc cụm công trình kiến trúc, hoặc không gian kiến trúc cảnh quan.
5. Khu vực các ô phố
a) Xác định về mật độ, tầng cao xây dựng, ngôn ngữ và hình thức kiến trúc, thể loại công trình đối với khu vực đô thị mới. Giải pháp bảo tồn tôn tạo đối với khu phố cổ, khu phố cũ .
b) Giải pháp tổ chức cảnh quan cây xanh, mặt nước, tiện ích đô thị.
     Điều 9. Yêu cầu thể hiện Thiết kế đô thị trong đồ án Quy hoạch phân khu
1. Phần thuyết minh diễn đạt đầy đủ các nội dung yêu cầu nêu ở Điều 7 và Điều 8 phù hợp với các bản vẽ.
2. Hồ sơ gồm bản vẽ và mô hình
a) Phần bản vẽ: thể hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu ở Điều 7 và Điều 8 theo tỷ lệ 1/1000 - 1/500; các bản vẽ phối cảnh các tuyến trục chính làm rõ ý tưởng nghiên cứu. Không gian kiến trúc thể hiện được nét đặc trưng của đô thị.
b) Phần mô hình: trường hợp cần làm rõ một số không gian chính thì mô hình thực hiện với tỷ lệ 1/500 - 1/200. Mô hình tổng thể thực hiện với tỷ lệ 1/2000 - 1/1000. Vật liệu làm mô hình phù hợp ý tưởng thiết kế.
Chương IV
THIẾT KẾ ĐÔ THỊ
TRONG ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHI TIẾT
Điều 10. Xác định các công trình điểm nhấn trong khu vực quy hoạch theo các hướng tầm nhìn 
­1. Cụ thể hóa các công trình điểm nhấn được xác định từ quy hoạch phân khu, định hình thiết kế kiến trúc công trình phù hợp với tính chất sử dụng và tạo thụ cảm tốt.
2. Trong trường hợp điểm nhấn không phải là công trình kiến trúc, có sử dụng không gian cảnh quan là điểm nhấn thì cần cụ thể hóa về cây xanh, mặt nước, địa hình tự nhiên, nhân tạo.
Điều 11. Xác định chiều cao xây dựng công trình
1. Tổ chức không gian và chiều cao cho toàn khu vực nghiên cứu và cụ thể đối với từng lô đất.
2. Xác định chiều cao công trình trên cơ sở tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, phù hợp với mật độ xây dựng và cảnh quan, cây xanh, mặt nước trong khu vực đô thị đã được quy định trong quy hoạch phân khu.
Điều 12. Xác định khoảng lùi công trình trên từng đường phố, nút giao thông
1. Xác định cụ thể khoảng lùi đối với công trình kiến trúc trên từng đường phố, nút giao thông; đề xuất các giải pháp khả thi để sửa chữa những khiếm khuyết trong đô thị hiện hữu bằng các giải pháp: trồng cây xanh bổ sung, làm mái hiên dọc hè phố, hoặc bằng các biện pháp kỹ thuật khác.
2. Đề xuất khoảng lùi tạo không gian đóng/mở bằng phương án thiết kế trên cơ sở thực trạng và giải pháp nhằm làm phong phú không gian kiến trúc cảnh quan, đảm bảo tiện lợi trong khai thác sử dụng.
3. Việc xác định khoảng lùi tối thiểu của công trình phải tuân thủ quy hoạch phân khu, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.
Điều 13. Xác định hình khối, màu sắc, hình thức kiến trúc chủ đạo của các công trình kiến trúc
1. Đối với hình khối kiến trúc
a) Cụ thể hóa quy hoạch phân khu: thiết kế về tổ chức không gian cảnh quan, tạo lập hình ảnh kiến trúc khu vực.
b) Xác định khối tích các công trình bằng giải pháp: hợp khối hoặc phân tán.
c) Đề xuất giải pháp cho các kiến trúc mang tính biểu tượng, điêu khắc.
2. Đối với hình thức kiến trúc chủ đạo
a) Đề xuất hình thức kiến trúc chủ đạo là kiến trúc hiện đại hoặc kiến trúc kết hợp với truyền thống; kiến trúc mái dốc hoặc mái bằng, cốt cao độ của các tầng, hình thức cửa, ban công, lô gia.
b) Đề xuất các quy định bắt buộc đối với các kiến trúc nhỏ khác về: kích cỡ, hình thức các biển quảng cáo gắn với công trình.
3. Màu sắc chủ đạo của công trình kiến trúc phải phù hợp với tính chất và lịch sử khu đô thị, cảnh quan thiên nhiên khu vực, tập quán và sự thụ cảm của người bản địa về vật liệu, màu sắc.
Điều 14. Hệ thống cây xanh mặt nước và quảng trường
1. Đối với hệ thống cây xanh
a) Thiết kế hệ thống cây xanh phải sử dụng chủng loại cây xanh đô thị, đảm bảo yêu cầu về môi trường và cảnh quan, phù hợp với mặt cắt hè đường và điều kiện khí hậu thổ nhưỡng khu vực.
b) Xác định hệ thống cây xanh đường phố, vườn hoa, công viên.
2. Đối với mặt nước (sông, hồ): phải đề xuất phương án thiết kế trên cơ sở kết hợp giữa mặt nước và hệ thống cây xanh.
3. Đối với quảng trường: cụ thể hóa trên cơ sở quy hoạch phân khu. Đề xuất phương án kiến trúc khu vực bao quanh quảng trường, với việc sử dụng vật liệu, màu sắc, ánh sáng, cây xanh.
Điều 15. Yêu cầu thể hiện Thiết kế đô thị trong đồ án Quy hoạch chi tiết
1. Phần thuyết minh diễn đạt đầy đủ các nội dung yêu cầu nêu ở Điều 10, 11, 12, 13, 14 phù hợp với các bản vẽ.
2. Hồ sơ gồm bản vẽ và mô hình
a) Phần bản vẽ: thể hiện được các nội dung yêu cầu ở Điều 10, 11, 12, 13, 14 theo tỷ lệ 1/500 – 1/200. Các bản vẽ phối cảnh các góc, thể hiện được ý tưởng về không gian kiến trúc và kiến trúc nhỏ mang tính biểu tượng; điêu khắc trong đô thị cần làm rõ ý tưởng nghiên cứu. Không gian kiến trúc phải thể hiện được nét đặc trưng của đô thị.
b) Phần mô hình: trường hợp cần làm rõ một số không gian chính, mô hình thực hiện với tỷ lệ 1/200. Mô hình tổng thể thực hiện với tỷ lệ 1/1000-1/500. Vật liệu làm mô hình phù hợp ý tưởng thiết kế.
Chương V
THIẾT KẾ ĐÔ THỊ
TRONG ĐỒ ÁN THIẾT KẾ ĐÔ THỊ RIÊNG
Điều 16. Quy định về nhiệm vụ thiết kế
        1. Việc lập nhiệm vụ của đồ án Thiết kế đô thị riêng cần xác định phạm vi lập Thiết kế đô thị, mục tiêu, nguyên tắc và các quy định về nội dung cần đạt được đối với Thiết kế đô thị và hồ sơ sản phẩm của đồ án Thiết kế đô thị.
        2. Đánh giá hiện trạng và phân tích tổng hợp (lập bảng biểu hệ thống sơ đồ và các bản vẽ minh họa) về: số lượng, tương quan tỷ lệ (%) giữa các thể loại công trình, vật thể kiến trúc; khoảng lùi, chiều cao, màu sắc cho các công trình kiến trúc; cây xanh, địa hình cốt cao độ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
        3. Nội dung nghiên cứu thiết kế đồ án Thiết kế đô thị riêng
    a) Tổ chức không gian quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan.
     b) Bảo tồn đô thị đối với các đô thị cổ, đô thị cũ...( nếu có)
     c) Yêu cầu đối với hệ thống hạ tầng.         
          d) Đánh giá tác động môi trường.
       Điều 17. Nội dung đồ án Thiết kế đô thị cho một tuyến phố
          1. Nội dung thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố mới
          a) Đánh giá hiện trạng đề xuất Thiết kế đô thị về: mật độ, tầng cao, khoảng lùi, tỷ lệ cây xanh trên tuyến phố. Các nội dung này phải tuân thủ theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã được duyệt.
          b) Định hình các khối và hình thức kiến trúc chủ đạo, kiến trúc chính: màu sắc, vật liệu sử dụng trong kiến trúc; cụ thể hóa bằng thiết kế sơ bộ kiến trúc các công trình điểm nhấn và những kiến trúc nhỏ khác. Thiết kế tổng thể hệ thống cây xanh và cảnh quan, chỉ định chủng loại, kích cỡ cây xanh.
          2. Nội dung thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố cũ:    
a) Đánh giá hiện trạng kiến trúc trên tuyến phố.
          b) Xác định mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao:
- Đề xuất nội dung và phương án thiết kế khoảng lùi cho tuyến phố và từng công trình, tuân thủ nguyên tắc không được phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống khu vực và các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
- Phương án thiết kế cụ thể chiều cao kiến trúc công trình cho tuyến phố gắn với mật độ xây dựng. Giải pháp kiểm soát tầng cao cho cả tuyến phố, từng đoạn phố.
c) Định hình về kiến trúc:
- Về hình khối và hình thức kiến trúc chủ đạo: theo xu hướng truyền thống hoặc hiện đại hoặc kết hợp. Cụ thể hóa kiến trúc ở những thành phần như: mái, cốt cao các tầng, cửa, ban công, lô gia..
- Định hình công trình kiến trúc điểm nhấn. Đề xuất kiến trúc nhỏ mang tính biểu tượng, điêu khắc và trang trí gắn kết với ngôn ngữ hình khối chung của khu vực. Đối với các biển quảng cáo cần đề xuất kích cỡ, màu sắc, tỷ lệ phù hợp.
- Chỉ định màu sắc chủ đạo trên tuyến phố phù hợp với tập quán, văn hóa.
- Đề xuất giải pháp thiết kế cụ thể, có tính khả thi, sửa chữa những khiếm khuyết trong đô thị cũ bằng việc trồng cây xanh bổ sung, làm mái hiên dọc hè phố hoặc bằng các biện pháp kỹ thuật khác.
          d) Đối với hệ thống cây xanh và cảnh quan: lựa chọn chủng loại cây xanh có màu sắc, kích cỡ phù hợp với tuyến phố và sẵn có tại địa phương. Giải pháp thiết kế mặt nước kết hợp cây xanh đảm bảo phù hợp với cảnh quan xung quanh.
e) Đối với các khu di tích, các công trình di sản văn hóa cần khoanh vùng bảo vệ theo Luật di sản, kiểm soát việc xây dựng các công trình xung quanh.
3. Trong trường hợp hai tuyến phố cũ và mới liên thông cần phải đề xuất về giải pháp thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan đảm bảo sự kết nối hài hòa giữa tuyến phố mới và tuyến phố cũ.
4. Nội dung thiết kế hạ tầng kỹ thuật:
a) Về giao thông: xác định mặt cắt đường, vỉa hè, biển báo giao thông.
b) Hạ tầng kỹ thuật khác: xác định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, các yêu cầu cụ thể đối với tuyến phố, phạm vi và hành lang bảo vệ các công trình ngầm, nổi và trên cao. Đề xuất thiết kế sơ bộ các hệ thống trang thiết bị hạ tầng đồng bộ, các công trình tiện ích đường phố và chiếu sáng đô thị.
      Điều 18. Nội dung của đồ án Thiết kế đô thị cho một ô phố, lô phố
1. Nội dung Thiết kế đô thị riêng quy định tại điều này được áp dụng chung cho ô phố, lô phố trong đô thị cũ hoặc khu vực cần cải tạo.
2. Nội dung thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan:
a) Xác định mật độ xây dựng, tầng cao, khoảng lùi công trình trên ô phố.
- Khống chế chiều cao công trình tối đa, tối thiểu đối với ô phố, lô phố.
  - Đề xuất nội dung và phương án thiết kế khoảng lùi công trình không được phá vỡ cấu trúc truyền thống khu vực, đáp ứng tiện ích công trình và phù hợp với cảnh quan chung.
  - Quy định cụ thể giới hạn chiều cao tầng một (hoặc tầng trệt) trở xuống,  kích thước và cốt cao độ của các ban công, lô gia, mái.
     b) Định hình về kiến trúc:
- Công trình điểm nhấn, ngôn ngữ kiến trúc chủ đạo, bố cục và phân bổ các công trình theo chức năng, hình thức kiến trúc của từng thể loại công trình.
- Hình thức kiến trúc, giải pháp tổ chức các không gian lõi bên trong ô phố, lô phố: các không gian công cộng, giao thông nội bộ, không gian đi bộ, giải trí, thể dục thể thao, cây xanh, mặt nước.
- Giải pháp thiết kế phải kế thừa, đảm bảo hài hòa hình thức kiến trúc đặc trưng với kiến trúc mới, hiện đại.
- Đề xuất thiết kế kiến trúc nhỏ mang tính biểu tượng, điêu khắc và trang trí gắn kết với ngôn ngữ hình khối chung của khu vực. Đối với các biển quảng cáo cần đề xuất kích cỡ, màu sắc, tỷ lệ phù hợp.
- Sử dụng màu sắc, vật liệu cho công trình kiến trúc phải phù hợp với truyền thống và tập quán khu vực, hài hòa với cảnh quan tự nhiên chung đô thị.
          c) Đối với hệ thống cây xanh và cảnh quan: giải pháp thiết kế cây xanh kết hợp với mặt nước, cảnh quan tự nhiên khu vực. Lựa chọn chủng loại cây xanh sẵn có tại địa phương, có kích cỡ, màu sắc phù hợp phương án thiết kế.
          d) Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, khoanh vùng bảo vệ đối với các công trình di tích văn hóa lịch sử theo Luật di sản, các quy định quản lý xây dựng các công trình xung quanh.
           3. Nội dung thiết kế hạ tầng kỹ thuật:
   a) Về giao thông: xác định mặt cắt lòng đường, vỉa hè, biển báo giao thông. Thiết kế sơ bộ hình thức, màu sắc, vật liệu và chỉ định phương tiện giao thông cho các tuyến giao thông nội bộ;
   b) Hạ tầng kỹ thuật khác: đề xuất thiết kế sơ bộ các hệ thống trang thiết bị hạ tầng đồng bộ, các công trình tiện ích đường phố và chiếu sáng đô thị.
           4. Đối khu vực quảng trường chính, khu công cộng đặc thù trong đô thị và một số loại hình khác có thể áp dụng theo đồ án Thiết kế đô thị cho một ô phố.
          Điều 19. Quy định quản lý theo Thiết kế đô thị riêng
1. Quy định những vấn đề cụ thể trong công tác quản lý theo nội dung của đồ án Thiết kế đô thị riêng.
a) Về không gian kiến trúc cảnh quan.
b) Hệ thống hạ tầng đô thị và môi trường.
2. Tổ chức thực hiện theo đồ án Thiết kế đô thị riêng. Trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức cá nhân liên quan.
Điều 20. Yêu cầu nội dung thể hiện đối với bản vẽ Thiết kế đô thị riêng cho một tuyến phố, ô phố, lô phố
1. Phần thuyết minh diễn đạt đầy đủ các nội dung yêu cầu nêu ở Điều 17, 18 phù hợp với các bản vẽ.
2. Phần bản vẽ: thể hiện được các nội dung yêu cầu ở Điều 17 và 18.
a) Sơ đồ vị trí, mối liên hệ khu vực thiết kế với đô thị (trong đó xác định vị trí ranh giới khu vực thiết kế và giới hạn các vùng ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan khu vực).
b) Các bản vẽ mặt bằng hiện trạng (có phân tích đánh giá) thể hiện theo tỷ lệ 1/500 – 1/200 dựa trên cơ sở bản đồ địa hình có tỷ lệ tương ứng.
c) Các bản vẽ chi tiết (mặt bằng tổng thể, mặt đứng, phối cảnh minh hoạ) tỷ lệ 1/500-1/200. Trong trường hợp cần làm rõ kiến trúc một số công trình tiêu biểu, đặc trưng, điểm nhấn tại những khu vực cụ thể thì tỷ lệ bản vẽ 1/200-1/100
d) Bản vẽ quy định về kỹ thuật hạ tầng (mặt cắt cốt đường, cốt xây dựng nền đường, cốt xây dựng vỉa hè, các, trang thiết bị đường phố và các công trình tiện ích khác trong đô thị) thể hiện tỷ lệ 1/500
           3. Phần mô hình: mô hình thực hiện với tỷ lệ 1/500, vật liệu làm mô hình phù hợp ý tưởng Thiết kế đô thị. Trường hợp cần thiết phải làm rõ những khu vực có công trình, điểm nhấn, ý tưởng chính của đồ án thì mô hình thực hiện với tỷ lệ 1/200.


Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Tổ chức thực hiện
Vụ Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng - Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại thông tư này. 
Điều 22. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2013 và thay thế Điều 8, Điều 14 Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11/08/2010 của Bộ Xây dựng quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để xem xét giải quyết./.




Nơi nhận :
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Uỷ ban Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Văn phòng Chính phủ;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Các cơ quan trung ương của các đoàn thể;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh;
- Công báo, website: của Chính phủ, Bộ Xây dựng;
- Lưu: VP, PC, KTQH (05b).

 

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG


(đã ký)


   Nguyễn Đình Toàn





BỘ XÂY DỰNG
Số: 16/2013/TT-BXD
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2013

THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2013/TT-BXD
ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng
hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ -CP ngày 25 tháng 06 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Theo đề nghị của Vụ Quy hoạch - Kiến trúc;
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị:
1. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 2. Yêu cầu chung về Thiết kế đô thị
1. Thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và đồ án quy hoạch chi tiết phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Các quy định trong Luật quy hoạch đô thị liên quan đến Thiết kế đô thị được cụ thể hóa tại các chương II, III, IV của Thông tư này.
2. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đồ án Thiết kế đô thị riêng thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 32 của Luật quy hoạch đô thị.
3. Tổ chức, cá nhân tham gia lập đồ án Thiết kế đô thị riêng phải có đầy đủ năng lực theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị. Kiến trúc sư chủ nhiệm đồ án Thiết kế đô thị riêng phải có kinh nghiệm về thiết kế kiến trúc công trình và bảo tồn di sản, di tích (tại khu vực có các di sản, di tích, kiến trúc cổ, cũ).
4. Đối tượng lập đồ án Thiết kế đô thị riêng gồm: Thiết kế đô thị cho một tuyến phố; Thiết kế đô thị cho các ô phố, lô phố.”
2. Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau.
“Điều 16. Các cơ sở, yêu cầu để lập Thiết đô thị riêng
1. Thiết kế đô thị riêng cần xác định phạm vi lập Thiết kế đô thị, mục tiêu, nguyên tắc và các quy định về nội dung cần đạt được đối với Thiết kế đô thị và hồ sơ sản phẩm của đồ án Thiết kế đô thị.
2. Đánh giá hiện trạng và phân tích tổng hợp (lập bảng biểu hệ thống sơ đồ và các bản vẽ minh họa) về: số lượng, tương quan tỷ lệ (%) giữa các thể loại công trình, vật thể kiến trúc; khoảng lùi, chiều cao, màu sắc cho các công trình kiến trúc; cây xanh, địa hình cốt cao độ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
3. Nội dung nghiên cứu thiết kế đồ án Thiết kế đô thị riêng
a) Tổ chức không gian quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan.
b) Bảo tồn đô thị đối với các đô thị cổ, đô thị cũ...( nếu có)
c) Yêu cầu đối với hệ thống hạ tầng.
d) Đánh giá tác động môi trường. ”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 12 năm 2013.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để xem xét giải quyết./.

 
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Uỷ ban Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội và TP HCM;
- Công báo, website: của Chính phủ, Bộ Xây dựng;
- Lưu: VP, PC, KTQH (05b).
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(đã ký)

 
Nguyễn Đình Toàn

Số văn bản
16
Ký hiệu văn bản
2013/TT-BXD
Ngày ban hành
16/10/2013
Ngày có hiệu lực
3/12/2013
Ngày hết hiệu lực
Văn bản còn hiệu lực
Người ký
Nguyễn Đình Toàn
Trích yếu
Thông tư số 16/2013/TT-BXD ngày 16/10/2013 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị.
Cơ quan ban hành
Bộ Xây dựng
Phân loại
Thông tư
Lĩnh vực
Kiến trúc - Quy hoạch
Tệp đính kèm:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 102/TB-UBND
Lâm Đồng, ngày 05 tháng 09 năm 2013

THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN XUÂN TIẾN - CHỦ TỊCH UBND TỈNH TẠI BUỔI HỌP NGHE BÁO CÁO VỀ THIẾT KẾ ĐÔ THỊ QUANH HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ QUY HOẠCH VƯỜN HOA THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT (GIAI ĐOẠN 3)
Ngày 27 tháng 8 năm 2013, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp nghe báo cáo về thiết kế đô thị quanh hồ Xuân Hương và quy hoạch vườn hoa thành phố Đà Lạt (giai đoạn 3).
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở: Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt và đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch.
Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo về thiết kế đô thị quanh hồ Xuân Hương và Vườn hoa thành phố Đà Lạt (giai đoạn 3) và ý kiến thảo luận của các thành viên tham dự họp, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến kết luận như sau:
UBND tỉnh hoan nghênh UBND thành phố Đà Lạt và đơn vị tư vấn đã có những cố gắng trong nghiên cứu, đề xuất giải pháp thiết kế đô thị quanh hồ Xuân Hương và quy hoạch vườn hoa thành phố Đà Lạt, các ý kiến góp ý của các ngành, đơn vị tham dự tại cuộc họp là chuyên sâu; đề nghị UBND thành phố Đà Lạt, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh đồ án. Cụ thể như sau:
I. Đối với đồ án thiết kế đô thị quanh hồ Xuân Hương:
Hồ Xuân Hương là khu di tích thắng cảnh cấp quốc gia, việc quy hoạch và thiết kế đô thị để nhằm mục đích tôn tạo, giữ gìn và phát huy di tích danh lam thắng cảnh, hình thành khu vực đi bộ hấp dẫn và thu hút du khách. UBND tỉnh thống nhất một số giải pháp đề xuất về thiết kế đô thị khu vực quanh hồ Xuân Hương như sau:
1. Phương án thiết kế chiếu sáng đường phố, nghệ thuật dọc tuyến đi bộ, chiếu sáng mặt hồ và các công trình biểu tượng, điểm nhấn kiến trúc; các cột điện, cột đèn chiếu sáng không đặt vấn đề treo giỏ hoa (thay vào đó nghiên cứu một phần dành cho quảng cáo).
2. Thống nhất bố trí hệ thống cây xanh, vườn hoa và thảm cỏ nhằm tạo sự thông thoáng và tôn vẻ đẹp quanh hồ kcả ban ngày và ban đêm. Rà soát, sắp xếp lại các loại cây xanh, thiết kế cắt tỉa tạo dáng hình khối đối với các cây tùng thích hp, trồng mới các cây xanh đặc hữu của địa phương như cây thông, phượng tím, hoa anh đào...
3. Thảm cỏ, bồn hoa được tổ chức hài hòa với hệ thống đường đi dạo bộ và cây xanh tầm trung, tầm cao, trong đó sử dụng các loài hoa như cẩm tú cầu, bồ công anh, hồng dại và một số loài hoa đặc hữu khác của địa phương.
4. Hàng rào dọc khu vực sân golf: thiết kế các hàng rào hoa hoặc dây leo có hoa kết hợp hàng rào sắt hoặc các loại vật liệu xây dựng (nhưng phải mềm hóa vật liệu và kiu dáng kiến trúc); xác định các khu vực có các trục, góc nhìn đẹp, có giá trị về mặt cảnh quan, không xây dựng hàng rào che chắn, chỉ được phép làm hàng rào thấp và thoáng.
Tại khu vực Nhà nghỉ công đoàn và Chùa Quan thế âm cần nghiên cứu trồng hoa kết hp hàng rào hiện có;
5. Khu vực công viên Bà Huyện Thanh Quan (theo tên đồ án trước đây, nay là công viên Trần Quốc Toản) tiếp tục thực hiện phương án trồng cây xanh (cây thông, phượng tím và hoa anh đào) ở khu vực trên cao, các khu vực giáp đường Trần Quốc Toản trồng cỏ xen hoa Bồ Công Anh. Riêng khu A tchức dạng công trình văn hóa kết hp công viên chuyên đề vườn di sản Unessco (có biu tượng của các nước Asean).
6. Công viên mở hồ Xuân Hương (số 2, 4 đường Trần Quốc Toản): thiết kế, trồng b sung thêm hoa Cẩm Tú Cầu, nghiên cứu chuyn bờ taluy dọc đường Trần Quốc Toản thành thảm cỏ, có các biện pháp thích hp đtôn tạo các cây Hoa Anh Đào lâu niên;
7. Vườn Bích Câu: phải được nghiên cứu thiết kế đô thị trong tổng thể hồ Xuân Hương.
8. Các nội dung cụ thể khác:
- Đề xuất cung đường đi bộ (một phần quanh hồ Xuân Hương) từ Quảng trường Lâm Viên qua nhà nghỉ Công đoàn, cầu sắt, đến Đinh Tiên Hoàng gắn liền với các đầu mối tiếp cận và hệ thống bãi đậu xe, các tiện ích dành cho người đi bộ, các đim dừng chân...
- Đxuất quy định về quản lý cảnh quan quanh hồ Xuân Hương, quy định cụ thvề tầng cao tối đa, khoảng lùi tối thiu của các công trình kiến trúc quanh hồ; xác định các trục nhìn và tầm nhìn đẹp cần bảo tồn.
- Đối với giao thông khu vực trước Quảng trường Lâm Viên: áp dụng biện pháp kẻ vạch sơn nhằm giảm tốc độ lưu thông của xe cơ giới trên đường Trần Quốc Toản đoạn qua khu vực quảng trường kết hợp biện pháp phân luồng giao thông hợp lý;
- Các cây xanh phải di dời, thay thế phải có lộ trình và biện pháp thay thế thích hợp;
Ngoài ra, đồ án quy hoạch cần bổ sung và đề xuất đầy đủ các nội dung quy định đối với đồ án thiết kế đô thị được quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Xây dựng.
II. Về quy hoạch phân khu Vườn hoa thành phố Đà Lạt (giai đoạn 3) và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết giai đoạn 1, 2:
Giao các sở, ngành và UBND thành phố Đà Lạt tiếp tục nghiên cứu đồ án quy hoạch, có ý kiến đóng góp bằng văn bản gửi Sở Xây dựng xem xét, thẩm định.
Dự án Vườn hoa thành phố Đà Lạt với quy mô khoảng 38,87 ha là dự án công viên hoa lớn, có vị trí quan trọng;
Giải pháp quy hoạch cần lưu ý các nội dung sau:
- Nghiên cứu hoàn chỉnh hệ thống giao thông, các tuyến đường dạo bộ và hệ thống các điểm dừng chân có gắn với các trục, tầm nhìn đẹp; các phân khu chức năng và các vườn hoa chuyên đề phải được chuyn tiếp cho phù hp.
- Đxuất biểu tượng, công trình kiến trúc đặc trưng ấn tượng cho công viên hoa.
- Sản phẩm quy hoạch của công viên đáp ứng được nhu cầu đa thành phần, lứa tuổi của du khách.
- Đề xuất cơ cấu cây xanh, hoa dài ngày, ngắn ngày và phù hợp các mùa trong năm.
- Quy hoạch hệ thống hồ cảnh quan phải nghiên cứu cùng giải pháp thủy lợi và giải pháp xử lý, thoát nước vào hồ Xuân Hương.
- Các nội dung cụ thể khác: không chấp thuận hạng mục khách sạn trong công viên; bsung hệ thống công trình vệ sinh tại các vị trí phù hợp.
Các Sở, ngành góp ý bằng văn bản gửi Sở Xây dựng trước ngày 10/9/2013;
UBND thành phố Đà Lạt mời Hội Kiến trúc sư và Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng tham gia phản biện đồ án làm cơ sở xem xét thm định và phê duyệt; trong tháng 11/2013 hoàn tất việc trình thẩm định và phê duyệt, để trưng bày triển lãm nhân dịp 120 năm hình thành và phát trin của thành phố Đà Lạt.
UBND tỉnh trân trọng thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh để UBND thành phố Đà Lạt, Hội Kiến trúc sư, các sở ngành liên quan, chủ đầu tư vàđơn vị tư vấn biết, thực hiện./.


Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: XD, VHTT&DL, GTVT, KHĐT;
- UBND thành phố Đà Lạt;
- Lưu: VT, QH, TKCT.
TL. CHỦ TỊCH
CHÁNH VĂN PHÒNG




Phùng Khắc Đồng

 

 

 Thiết kế cảnh quan - KTS Diana Balmori

Trò chuyện với KTS Diana Balmori về thiết kế cảnh quan

Phóng viên: - Trong tác phẩm mang tên "Groundwork" của bà cùng với kiến trúc sư Joel Sanders, bà đã từng tranh cãi rằng các nhà thiết kế phải theo đuổi một phương pháp tiếp cận mới để có thể vượt qua được những suy nghĩ sai lầm trong việc phân tách giữa công trình và kiến trúc cảnh quan xung quanh nó. Nhận thức được sự tách biệt sai lầm này được bắt đầu như thế nào? Các kiến trúc sư công trình và kiến trúc sư cảnh quan đang làm gì để ghi nhớ và khắc phục điều này? 
KTS Diana Balmori (ảnh bên - © Margaret Morton): - Thông thường, các kiến trúc sư suy nghĩ kiến trúc là một vật thể mà môi trường xung quanh là cảnh quan, là phông nền cho vật thể đó, chỉ đơn giản là một môi trường mà bạn có thể đặt các vật thể kiến trúc vào trong đó, nhưng không phải là các vật thể có thể tương tác với chính vật thể đó. Ranh giới rõ ràng giữa công trình và cảnh quan được tính là cách xa 2 mét từ mép công trình, ranh giới của công trình, nơi mà cảnh quan thực sự được bắt đầu xem xét và thiết kế. Điều đó giải thích rằng sự phân tách giữa kiến trúc và cảnh quan diễn ra theo một cách rõ ràng và có thể nhìn thấy được, thông qua bản vẽ và thực tế xây dựng. Trong khi rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác thực sự bao trùm và tương tác với vật thể, kiến trúc trở thành một vật thể đa dạng và có định hướng.
Sự thay đổi trong mối tương quan giữa 2 lĩnh vực đã cho thất sự thật là không gian, vốn đã trở thành một nhân tố quan trọng hơn rất nhiều vật thể. Điều đó gia tăng vị trí của nghành thiết kế cảnh quan, mặt khác, làm lu mờ vị trí của vật thể kiến trúc hay công trình kiến trúc. Điều đó là cơ sở quan trọng cho sự thay đổi. Có rất nhiều bằng chứng cho điều đó đang xảy ra ngay tại thời điểm này, vì vậy khá nhiều kiến trúc sư công trình quan tâm đến hạng mục cảnh quan tại thời điểm này.
Các không gian đang thu hút chúng ta và cảnh quan là một chuyên ngành, những nguyên tắc, quy luật mà các ý tưởng nghệ thuật trở nên được đem ra tranh cãi và thảo luận. Nó trở thành nơi giao thoa giữa các sự tranh cãi, và mập mờ giữa ranh giới các quan điểm nghệ thuật, nhiều điều cân nhắc cần được xem xét. Tôi nói điều này vì hiện tại, nó đã xảy ra đúng như vậy rồi. Bạn đã từng trải nhiệm các vị trí, không gian nơi mà sự giao thoa này chưa xảy ra, bạn sẽ thấy những nơi mà nó sẽ xảy ra tương đối ít và những nơi mà sự giao thoa này rõ ràng và mạnh mẽ nhất.  
- Bà và KTS Sanders cũng đã từng tranh cãi rằng nếu kiến trúc sư công trình và kiến trúc sư cảnh quan cùng quan điểm và đồng thuận với nhau, công trình và cảnh quan sẽ tương tác và kết hợp tốt hơn và vận hành như là một sự kết nối, một hệ thống tương tác nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường. Những nguyên tắc này được đáp ứng như thế nào, điểm mấu chốt cho sự đồng thuận này là gì?
KTS Diana Balmori:  - Điểm quan trọng thực sự của sự đồng thuận này nằm ngoài vấn đề chuyên môn. Nó nằm ở việc chúng tôi cùng đi đến một định nghĩa mới về môi trường tự nhiên, định nghĩa đã được xây dựng mới và hoàn toàn thay đổi một cách đáng kể. Một trong những thay đổi đáng kể là việc chúng tôi xem mình là một phần của tự nhiên. Trước đó, chúng ta ở ngoài nó, tự nhiên ở ngoài kia và chúng ta tương tác với nó, ngược lại, nó cũng tương tác với chúng ta, nhưng chỉ khi chúng ta ở ngoài. Bây giờ, chúng tôi đã biết rằng chúng ta hoàn toàn tương tác với bất cứ cái gì, hành động gì mà chúng ta làm với tự nhiên, nó cũng sẽ ảnh hưởng ngược lại chúng ta. Đây là một cách tiếp cận nhìn mới về tự nhiên và hoàn toàn thay đổi các định hướng tư duy cơ bản của chúng tôi.
Không có một cách thức nào có thể tách biệt mối liên hệ giữa vật thể  kiến trúc và cảnh quan với nhau. Cả 2 chuyên gia, kiến trúc sư công trình và kiến trúc sư cảnh quan đều bắt đầu làm việc theo phương pháp mô phỏng tự nhiên theo đúng quy trình và chức năng vận hành của nó. Công trình đang cố gắng trở nên thích nghi như một thực thể sống hơn, cũng giống như một loài động vật được thở. Bạn có thể đem không khí và tống nó ra theo những cách khác nhau. Chúng tôi đang xem xét hệ thống sinh thái và để xem các công trình làm sao có thể bắt chước hoặc tuân theo các quy luật tự nhiên này một cách tốt hơn.

Dự án Hudson Yards, New York.
 (Ảnh: © Balmori Associates and Work AC)
Các kiến trúc sư cảnh quan đã từng làm việc với các thực thể sống từ rất lâu, vì vậy họ rất quan tâm đến việc làm sao hòa hợp thiết kế của họ với môi trường, họ hiểu được những khó khăn để duy trì đời sống và sự phát triển của hệ thực động vật như thế nào. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, họ có thể tìm ra những cải tiến kỹ thuật hóa các thiết kế để làm việc tuân theo hệ thống tự nhiên. Hệ thống kỹ thuật có thể tốt nếu nó hoạt động theo tự nhiên. Bạn không thể bắt chước tự nhiên một cách hình thức và máy móc được, bạn phải tìm hiểu đủ sâu để biết cách thức hệ thống tự nhiên hoạt động. Đó là một món quà vô giá. Và ngẫu nhiên, kiến trúc cảnh quan và kiến trúc sư công trình tìm thấy nhiều điểm chung hơn ở viêc ý tưởng tiếp cận vấn đề này. Và điều đó là khả thi để vượt qua ranh giới khác biệt này.
- Thay vì gắn kết tự nhiên vào trong thành phố, đô thị, điều mà có thể thực thi bằng việc bổ sung thêm các khu công viên, bạn có thể nói rằng, thành phố cần phải gắn kết với tự nhiên ngay bây giờ. Như vậy, sự khác biệt ở đây là gì? Kiến trúc sư cảnh quan làm gì để hoàn thành nhiệm vụ này?
KTS Diana Balmori: - Câu trả lời nằm ngay trong các đề xuất của tôi cho câu hỏi đầu tiên. Thành phố cũng như các đô thị cần phải hoạt động theo các nguyên tắc của tự nhiên. Điều đó mới thực là gắn kết thành phố với tự nhiên theo đúng ý nghĩa của nó. Tất cả các thành phần cần được đặt trong hệ thống tổng thể tự nhiên. Ví dụ, trong thế kỷ 19, các yếu tố nguồn nước được chú trọng, tập trung lại, vận chuyển bằng hệ thống ống thoát, đổ ra sông. Sự vận chuyển nguồn nước và nước thải là một phát minh có giá trị và bất ngờ, quan trọng với thành phố, hệ thống này cho phép thành phố phát triển.
Nhưng ngày nay, chúng ta có một hệ thống tự nhiên có thể sử dụng để thu gom nguồn nước, từng dự án theo dự án, xử lý tại một điểm, làm sạch và sau đó tái sử dụng một phần cho các mục đích khác nhau, một phần được trả lại tự nhiên thông qua quá trình bốc hơi của thảm thực vật. Những hệ thống này chỉ cần yêu cầu một số lô đất của thành phố được điều chỉnh. Chúng ta không cần nghĩ rằng phải lắp đặt cả một hệ thống cho thành phố hàng chục triệu đô la, bởi vì có thể mất hàng chục năm để thay đổi. Nếu chúng ta thay đổi thành phố bằng cách bổ sung thêm các hệ thống tự nhiên cục bộ có phương cách hoạt động tuân theo quy luật của tự nhiên, thì sau đó, thành phố sẽ được gắn kết với tự nhiên.
- Một số dự án của bà đã thay đổi cách thức mà con người tương tác với thành phố. Công ty của bà đã xây dựng kế hoạch cho khu kênh đào Framington tại New Haven, trải dài gần 26 km trên khu vực đường sắt bỏ hoang từ lâu, và quả thực, sự chuyển đổi này trở thành một bộ phận phía trước trung tâm Malone của đại học Yale. Dự án này trong giai đoạn 1 đã hoạt động thế nào, bà đã tìm ra người sử dụng nó như thế nào?
KTS Diana Balmori: - Đây là một dự án rất hữu ích. Với kích thước gần 26 km nhưng nó chỉ giới hạn đến ranh giới của thành phố vì đất đai còn lại thuộc quyền sở hữu của đại học Yale. 4 lô đất sẽ dẫn bạn đến trung tâm của thành phố thuộc về đại học Yale. Tôi đã thực hiện nghiên cứu cho toàn bộ dự án cảnh quan, chúng tôi đã tạo dựng bản ý tưởng đầu tiên, sau đó nó bi bỏ hoang một thời gian. Nó được chào bán như là các bãi đỗ xe và các công trình khác. Làm hồi sinh dự án này là cả một nỗ lực của cộng đồng. Họ đã yêu cầu tôi giúp đỡ và nói rằng, nếu bạn có thể thực hiện các bản vẽ để chúng ta có thể thuyết phục một số người, bởi vì hiện tại chúng tôi không thể thuyết phục họ. Vì vậy, tôi đã thực hiện một nghiên cứu cho họ và phát hiện ra cái gì thực sự trở thành trở ngại trong một thời gian dài. Tôi đã lấy hết diện tích 26 km, cụ thể một khoanh đất phía ngoài của New Haven, hình dáng giống như con rết với nhiều chân. Nơi nào giao cắt với các đường giao thông, nơi đó có thể được xem xét thay đổi. Bạn có thể thay đổi lối vào cho các công trình xung quanh, mở các đường khác nhau, đóng các đường khác lại. Nhóm đại diện cho cộng đồng đã có thể thuyết phục được thành phố. Họ đã được sự ủng hộ của tổ chức hoạt động cho quỹ đất công.
Để thương lượng với cơ quan quản lý đường sắt nhằm mua lại diện tích đất nêu trên. Thành phố lựa chọn một đơn vị kỹ thuật địa phương để xây dựng gần 26 km. Tất cả các dải công viên phát triển theo tuyến được xây dựng một cách đặc biệt với chiều rộng 3 mét, lát nhựa đường với hệ thống thẳm thực vật dọc theo 2 bên đường. Thật tuyệt đã chuyển đổi được dự án tránh được việc bán đi những lô đất có giá trị này.
Trong giai đoạn đầu của các dải công viên theo tuyến, chúng tôi xem xét việc kè lại bờ đất tạo nên tính liên tục cho hệ thống giao thông trong tương lai. Tuy nhiên, không ai thực sự nghiêm túc nghĩ rằng khu vực này có thể trở thành công viên. Bạn nên thử tách biệt hệ thống này ra khỏi khu dân cư của New Haven bởi vì những gì xảy ra là công viên theo tuyến này hầu hết chúng sẽ trở nên rất phổ biến. Nó được sử dụng cho việc chạy bộ, xe đạp, đi bộ và kết nối đến các nơi khác. Bản thân dự án trước đây, vẫn có những vấn đề liên quan đến tỷ lệ tội phạm cao, nhưng khi dự án công viên theo tuyến hoàn thành, tỷ lệ tội phạm đã giảm hẳn. Khi hình thành, dự án được sử dụng như là một mạng lưới vận chuyện và điều tiết giao thông.  
Khu trung tâm Yale sau đó quyết định thực hiện 4 lô đất của công viên theo tuyến. 4 lô đất này thực sự là một tuyến đường tuyệt vời đưa công viên đến khu trung tâm. Chúng tôi hoàn thành 2 lô đất đầu tiên trong năm ngoái và 2 lô còn lại sẽ được hoàn thành trong năm tới.


Dự án khu kênh đào Farmington tại đại học Yale, New haven New haven, CT. (Ảnh: © Balmori Associates)
- Một dự án khác mà bà thiết kế, Viện nghiên cứu thực vật học tại Bang Texas -  Forth Worth, dựa trên ý tưởng bãi đỗ xe, xóa nhòa ranh giới giữa tự nhiên và hệ thống hạ tầng giao thông. Thay vì là các bãi đất trống không sử dụng, giải pháp bãi đỗ xe với ý tưởng cung cấp dày đặc mạng lưới cây xanh theo những dãy nhỏ, giống như những dòng suối. Khi vừa bước khỏi xe, là bạn bắt đầu cảm nhận được không gian xanh và thảm thực vật xung quanh. Nó sẽ đảm đương vai trò gì cho những loại bãi đỗ xe kiểu như vậy, cung cấp đa dạng lợi ích và trở thành một xu hướng thiết kế? Chi phí để thực hiện một dự án như vậy khi so sánh với các bãi đỗ xe thông thường như thế nào? 
KTS Diana Balmori: - Chi phí cho việc xây dựng bãi đỗ xe loại này cao hơn một chút so với bãi đỗ xe thông thường. Nhưng khi bạn nhìn chúng qua một khoảng thời gian hoạt động, chúng sẽ rẻ hơn bạn nghĩ. Bãi đỗ xe thông thường được xây dựng vào giai đoạn cuối dự án, và các chủ đầu tư không muốn tốn nhiều chi phí cho hạng mục này. Vì vậy, nó dễ trở thành các khu vực xấu xí và không hiệu quả, phần kém bền vững nhất trong môi trường của chúng ta. Chỉ cần một chút nỗ lực, chúng ta có thể biến những bãi đỗ xe này thành không gian hiệu quả và đem lại lợi ích lâu dài.


Viện nghiên cứu thực vật học Bang Texas, Fort Worth (Ảnh: Beck. AerialPhotography, Inc.)
Ngoài bãi đỗ xe, có nhiều cách khác để sử dụng yếu tố tự nhiện gắn kết với thành phố. Tại thành phố Bilbao, chúng tôi đã chiến thắng cuộc thi thiết kế sân vườn, dự án Jardin. Chúng tôi là một trong 20 nhà thiết kế được mời tham dự trong việc tạo lập một mảnh vườn có diện tích 9 x 9 mét vuông. Chúng tôi đã đề xuất thành phố thay đổi hình dáng nhưng giữ nguyên kích thước. Và chúng tôi đã tạo khu vườn này trèo lên các cầu thang và biến không gian đó thành nơi trải nghiệm cho người sử dụng, một điểm đến đúng nghĩa của nó. Đó là một dự án hiện đại nhưng nó đã chuyển hóa một mảnh đất của thành phố trong vòng 5 tháng.


Mảnh vườn xanh leo trên các bậc thang (Ảnh: © Iwan Baan)
- Hầu hết các dự án khu dân cư của bà có khoảng sân vườn trên mái đều rất độc đáo. Bà có thể chia sẻ thêm giải pháp thiết kế cho dự án 684 Boadway, dự án mà đã tối đa hóa sự đa dạng sinh học, và dự án Solaire, được xem là dự án phủ xanh cảnh quan mái cho khu dân cư cao tầng đầu tiên ở Hoa Kỳ?
KTS Diana Balmori: - Khi lần đầu tiên, tôi thiết kế vườn trên mái cho dự án The Solaire, tôi rất thích tre, nhưng vấn đề là các nhà thầu thi công cảnh quan không có kinh nghiệm thi công với vật liệu này. Tôi muốn tạo nên một hiệu ứng lãng mạn và giàu chất thơ, vì tre có thể đung đưa và lắc lư theo gió, tạo nên những âm thanh hết sức thú vị. Nhưng tre là một loại thực vật cứng cáp và dẻo dai khi nó được sinh trưởng và cắm sâu xuống mặt đất, có thể được khai thác 1 tuần trong vòng 1 năm. Các nhà thầu đã quên mất thời điểm này, hầu hết các cây tre đều chết. Vì thế, chúng tôi thay thế bằng loại cây khác dễ trồng hơn.


Ý tưởng cảnh quan trên mái – Dự án The Solaire, Battery Park City, New York (Ảnh: © Balmori Associates)
Dự án 684 Broadway cũng là một ví dụ điển hình minh họa cho những gì mà Sanders và tôi đã thảo luận chi tiết trong tác phẩm Groundwork, nó là sự kết hợp thực sự giữa cảnh quan và hình dáng công trình. Chúng tôi sử dụng chiến lược bền vững nhằm tối đa hóa sự đa dạng sinh thái và thiết kế bền vững bằng cách mở rộng không gian xanh theo cả chiều đứng và ngang, cải tạo căn hộ và cảnh quan ngoại thất phần mái. Chúng tôi sử dụng nhiều loại cỏ tự nhiên nhằm tạo nên một không gian tương đối tĩnh lặng, hướng nội.
 

Dự án 684 Broadway, New York, Công ty Balmori Associates and Joel Sanders Architect. (Ảnh: © Mark Dye)
- Trong ấn phẩm xuất bản gần đây, "Tuyên ngôn Cảnh quan" (Landscape Manifesto), bà đề xuất 25 nguyên tắc để có thể suy nghĩ và làm việc tương tác với cảnh quan tự nhiên. Nguyên tắc nào ảnh hưởng đến bà nhiều nhất? Nguyên tắc nào quan trọng nhất cho chúng ta để nhớ và thực hành theo?
KTS Diana Balmori: - Thật sự tôi không thể nói nguyên tắc nào quan trọng hơn nguyên tắc nào. Đó không phải là những nguyên tắc cứng nhắc mà chỉ là những gợi ý, hướng dẫn. Tất cả 25 nguyên tắc đều quan trọng như nhau, điều đó lý giải tại sao chúng được nghiên cứu và viết khá chi tiết trong ấn phẩm. Tôi chỉ có thể nói, tại thời điểm này, có một vài nguyên tắc quan trọng với tôi, đó là các nguyên tắc:
Nguyên tắc 24 – Cảnh quan giống như một bài thơ, có tính gợi mở cao, và có thể mở ra nhiều sự tương tác giao thoa đa chiều, đa nghĩa;
Nguyên tác 15 – Cảnh quan tạo nên các không gian cho việc gặp gỡ, nơi mọi người có thể chia sẻ và cảm thấy thú vị trong sự đa dạng, bất ngờ của hình dáng không gian, khai phá và họ cảm thấy được tôn trọng như thế nào;
Tôi nghĩ trên quan điển cách tân này, không biết các thiết kế cảnh quan sẽ được sử dụng thì thú vị như thế nào. Mọi người sẽ sử dụng không gian theo cách mà tôi không thể tưởng tượng được và tôi thích thú với điều đó.
- Những thách thức nào với các nguyên tắc cảnh quan mà bà đề xuất bổ sung cho kiến trúc cảnh quan hiện đại?
KTS Diana Balmori: - Thách thực cho việc thiết kế cảnh quan ngày nay là các thành phố, cần phải học được cách xử lý các vấn đề liên quan đến thành phố như là một bộ phận của tự nhiên. Cảnh quan là một phân lớp rất quan trọng trong thành phố. Không giống như thế kỷ 19 – 20, chỉ cần bổ sung công viên trong trong thành phố. Việc đặt các câu hỏi trong vấn đề hạ tầng kỹ thuật, tính không thẩm thấu được của nó, đó là sự xử lý của các dòng suối và lạch trong thành phố, cũng như xem việc thành phố là một thực thể tổng thể. Điều đó cũng có nghĩa là tạo nên các đảo giao thông xanh cũng như mái nhà xanh hay tường xanh, hoặc tạo dựng các không gian công cộng hiện hữu, hoặc xây dựng các con đường và tạo thành các công viên dạng tuyến khỏi nó, nơi bạn có thể di chuyển đến các khu vực của thành phố bằng việc đi bộ và kết nối với nhiều khu dân cư mới khác nhau.
- Những nguyên tắc cảnh quan hướng đến việc xây dựng cuộc đối thoại về kiến trúc cảnh quan, và làm thế nào nội dung tranh luận này bao gồm cả việc hướng đến những người không phải là chuyên gia thiết kế?
KTS Diana Balmori: - Bằng cách sử dụng từ ngữ đơn giản, tránh dùng thuật ngữ, và các nội dung viết rõ ràng, chú thích đầy đủ. 
- 25 nguyên tắc cảnh quan được đăng trên mạng internet, luôn mời gọi mọi người đóng góp ý kiến và phát triển các nguyên tắc này. Dễ thấy nhất, bà cùng cộng sự đã kết hợp kiến trúc cảnh quan và các phương tiện truyền thông xã hội trên mạng cộng đồng thiết kế đô thị Twitter. Xin hãy chia sẻ những kinh nghiệm và đam mê trong kiến trúc cảnh quan và mạng lưới xã hội?
KTS Diana Balmori: - Bản thân tôi thích thú với việc hoạt động trong mối tương tác với xã hội. Tôi hứng thú với việc sử dụng thông tin điện tử cũng như mở cửa đón nhận nó. Tôi nghĩ kiến trúc cảnh quan đã tác động một phần đến sở thích của mọi người, những điều mà họ mong muốn trải nghiệm. Và thật giá trị biết bao nếu nhận được các thông tin phản hồi của người sử dụng. Thông tin điện tử cho phép chúng ta thực hiện các công việc liên quan đến truyền tải thông tin, nhưng không thể thay thế cho các buổi gặp mặt trao đổi trực tiếp ban đầu của dự án. Bằng cách "viết lại cấu trúc thành phố" chúng tôi làm rung động cộng đồng cho ngành khoa học này và sự thay đổi phức tạp trong sự tương tác tự nhiên và thành phố. Được hướng dẫn bởi cách thấu hiểu mới của tự nhiên như một mạng lưới cuộc sống liên kết chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau với xã hội, chúng tôi bắt đầu chuyển hóa những sự giao thoa này. Thay vì bố cục các không gian của thành phố một bên và các công viên một bên, tách rời và được bao bọc bởi các hàng rào, ranh giới, chúng tôi khao khát xây dựng các công thức liên kết lẫn nhau giữa tự nhiên và ranh giới không rõ ràng của khu đô thị và các thành phố. Thay vì con người, thực vật, động vật, tất cả được tách biệt trong các khu vực khác nhau được phân biệt theo chủng loài, chúng tôi nhận ra sự gắn bó đa cấp độ về đặc tính ở nhiều quy mô khác nhau.
Sự tạm thời không còn là trở ngại và đã được kỹ thuật hóa, chúng ta bây giờ đang khắc ghi nó như là một thủ thuật cho sự thay đổi. Hạ tầng kỹ thuật không còn là những suy nghĩ đi sau hành động. Chúng ta bắt đầu sử dụng một không gian chỉ sau khi bản quy hoạch tổng thể được thiết kế. Chúng ta đang đối đầu với các dự án công cộng kỹ thuật bằng việc thể hiện tính chất hỗn hợp và gắn kết với hệ thống tự nhiên sống động. Thêm vào đó, vẫn còn những e ngại với một vài khía cạnh của tự nhiên hoặc của thành phố, và phớt lờ các khía cạnh còn lại. Chúng tôi xem chúng như một tổng thể và hiểu rằng cần phải chuyển hóa chúng như thế nào để gắn kết với nhau một cách hiệu quả nhất.
- Các nguyên tắc cảnh quan đã từng đề cập kiến trúc cảnh quan là nghệ thuật mở rộng sự phân chia giữa văn hóa và tự nhiên. Bà đã thiết lập một ranh giới giữa nghệ thuật và thiết kế, nếu có, kiến trúc cảnh quan mở rộng sự chia cắt này như thế nào?
KTS Diana Balmori: - Tôi nghĩ thiết kế là một nghệ thuật và nó nên như vậy. Kiến trúc cảnh quan được thiết kế và cần đạt đến đỉnh cao của các giải pháp mỹ thuật nếu như nó muốn nhận được sự chấp thuận và thu hút công chúng. Cũng như là việc phân chia giữa văn hóa và tự nhiên, chúng tôi cuối cùng đang trong giai đoạn vượt qua nó bằng cách thấu hiểu rằng không có hệ thống tự nhiên nào mà không có sự sàng lọc. Bộ lọc là một phần của sự cân bằng.
- Ấn phẩm xuất bản có hình minh hoạt khá bắt mắt, các mặt cắt, mặt bằng và phối cảnh được sắp xếp khi thiết kế được xây dựng. Bà có bao giờ xem xét các bản vẽ minh họa này đơn giản là các thông tin thiết kế cho quá trình hay là các tác phẩm nghệ thuật riêng biệt ?
KTS Diana Balmori: - Các bản vẽ minh họa để thể hiện ý tưởng và thiết kế cho dự án, như bạn nói, được sắp xếp có trật tự. Nhưng bản thân các hình ảnh tạo nên sự quan trọng, không thể đứng một mình như một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng là một nghệ sỹ, việc truyền tải thông điệp, ý tưởng và cảm xúc rất quan trọng. Đôi khi các dự án đã xây dựng xong bị mất đi một phần của hình ảnh minh hoạ này.

25 nguyên tắc định hướng thiết kế cảnh quan:

1. Sự luyến tiếc quá khứ và giấc mơ không tưởng về tương lai đã bảo vệ chúng ta khỏi cái nhìn thiển cận các vấn đề hiện tại, kiến trúc cảnh quan phải vượt qua được những rào cản tâm lý này.
2. Tự nhiên là một dòng thay đổi mà con người đang nằm trong dòng chảy ấy. Sự tiến hóa là nằm trong chính lịch sử của chúng. Sinh thái là sự hiểu biết của chúng ta về những gì chúng đang hiện hữu và tồn tại.
3. Tất cả mọi việc trong tự nhiên đang thay đổi. Nghệ sỹ cảnh quan cần phải thiết kế đảm bảo đáp ứng được sự thay đổi này, trong khi vẫn tìm kiếm những ngôn ngữ và cách thể hiện mới nhằm tăng cường tính liên kết cùng tồn tại giữa con người và môi trường tự nhiên xung quanh.
4. Hình dáng cảnh quan tóm gọn trong các thứ giả định không nhìn thấy được. Để khai phá chúng, cần gắn kết với kinh tế và vận lộn với vấn đề thẩm mỹ.
5. Những quyết định/tiền lệ trong lịch sử không hỗ trợ cho những thành kiến phổ biến rằng sự can thiệp của con người vào tự nhiên luôn luôn có hại.  
6. Sự thay đổi đã diễn ra trước mắt chúng ta. Các nghệ sỹ cảnh quan và các kiến trúc sư cần cho sự thay đổi này một cái tên và làm cho chúng hiện hữu và thực tế. Các nhà chuyên môn về thẩm mỹ cần thực hiện chuyển hóa mối quan hệ giữa con người và phần còn lại của hệ thống tự nhiên vào trong các không gian công cộng.
7. Cảnh quan phải có tính hấp dẫn cao về mặt thị giác, liên kết đa chức năng và được hỗ trợ bởi cộng đồng là điều quan trọng cho đặc tính mới của cảnh quan miêu tả sinh động thế giới hiện hữu của chúng ta. 
8. Cảnh quan – thông qua những nguyên tắc thiết kế cảnh quan mới – xâm nhập vào thành phố và điều chỉnh cách sống và sinh hoạt của chúng ta.
9. Cảnh quan mới có thể trở thành những nơi cư trú cho các chủng loài mới, thu hút chúng ra khỏi môi trường cư trú cũ của nó.
10. Quan điểm mới của hệ thống cây xanh như là một tập hợp các chủng loài có liên quan và điều chỉnh, cộng sinh hỗ trợ nhau, hơn là từng chủng loài tách biệt, được minh họa tính lưu động – một dạng định hình chính cho hình dáng cảnh quan.
11. Những hình ảnh quen thuộc của tự nhiên đã sẵn sàng được chấp nhận, nhưng giống như một sân khấu được chuẩn bị kỹ lưỡng như được sử dụng sai mục đích bởi sự thiếu hiểu biết loài người.
12. Trong lịch sử thiết kế sân vườn theo hướng hiện đại (1780), Horace Walpole đã từng nói với William Kent: Đây là bước đầu tiên vượt qua ranh giới và thể hiện rằng toàn bộ môi trường tự nhiên là một khu vườn. Ngày nay, cảnh quan đã vượt qua khỏi ranh giới của nó theo một hướng đối lập với thành phố và biến thành phố trở thành một phần của tự nhiên.
13. Các không gian đô thị hiện hữu có thể được giải thoát khỏi những tương tác đe dọa hiện hữu với môi trường tự nhiên.
14. Nghệ sỹ cảnh quan có thể giúp bộc lộ các nguồn lực của tự nhiên nằm tiềm ẩn trong thành phố, tạo nên tính xác định và đặc trưng mới cho đô thị.
15. Cảnh quan có thể tạo nên các không gian giao lưu, gặp gỡ mọi người nơi mà mỗi người thích thú với hình dáng bất ngờ của không gian, được khám phá tại sao và như thế nào mà chúng hình thành và phát triển, được trân trọng.
16. Cảnh quan, giống như những khoảnh khắc, không bao giờ lặp lại lần thứ 2 khi đã trôi qua. Chính cái tính nhất thời và không cố định này là một tài sản quan trọng của thiết kế cảnh quan.
17. Chúng ta có thể nhấn mạnh mong muốn cho sự tương tác mới giữa con người và tự nhiên, nơi có rất ít sự hy vọng, các không gian vô chủ và chưa xác định rõ ràng.
18. Sự nổi lên của yếu tố cảnh quan trở thành một nhân tố mới cho các vũ đài chính trị.
19. Kiến trúc đáp ứng lại thành phố như là một sự tham dự liên tục đáp ứng với các yếu tố khí hậu, địa hình và lịch sử.
20. Cảnh quan có thể biểu hiện quan điểm ý tưởng nghệ sỹ không cần phải gây ấn tượng mạnh mẽ được xác định ý nghĩa trước đó.
21. Cảnh quan có thể làm cầu nối giữa chúng ta và các thành phần khác của tự nhiên, giữa con người và dòng sông.
22. Cảnh quan trở thành một nhân tố chính của không gian đô thị, không đơn thuần chỉ là những nơi đến.
23. Ranh giới giữa kiến trúc và cảnh quan là không rõ ràng, và được liên kết với nhau theo một cách nào đó.
24. Cảnh quan giống như một bài thơ, có tính gợi mở cao và mở rộng cho sự tương tác đa ngành và diễn giải đa nghĩa.
25. Chúng ta phải đặt các thành phố thế kỷ 21 vào trong môi trường tự nhiên hơn và việc đem môi trường tự nhiên vào trong thành phố. Đem thành phố vào tự nhiên có nghĩa là sử dụng những hệ thống kỹ thuật có chức năng tương tự mô phỏng chức năng vận hành của tự nhiên và xuất phát từ các quy luật vận động cốt lõi của tự nhiên.

KTS Trương Nam Thuận
 (tổng hợp và dịch từ ASLA)
Nguồn Ashui.com
http://bomonquyhoach.vuontaoxanh.com/thu-vien/tro-chuyen-voi-kts-diana-balmori-ve-thiet-ke-canh-quan/idt70/nid801.htm

http://landscapeandurbanism.blogspot.com/2010/11/landscape-manifesto.html 


'A Landscape Manifesto'

Always a big fan of manifestos - the recent release of Diana Balmori & Michael Conan's 'A Landscape Manifesto' aims to be an interesting read (I have a copy en route, so stay tuned for a more expansive review).


:: image via Amazon

Some info on the book, from the Manifesto Website.

"A Landscape Manifesto' is a new book by Diana Balmori that presents her theory and practice of urban landscape design as an art that spans the divide between culture and nature, while combining the science of ecology with formal aspects of aesthetics.  This timely Manifesto - consisting of 25 points - advocates a new language for landscape, reflecting the shift in our understanding of nature and how it interacts with "the city".
A Landscape Manifesto is much more than just a book to read, enjoy and set aside –– it's intended to spark a conversation about the infinitely changeable nature of our world, and how we might effect positive transformation where we live, work, sleep and play."
The points are concise and evocative - for instance #1 is timely in the current debate surrounding LU v. NU.
"Nostalgia for the past and utopian dreams for the future prevent us from looking at our present."
– Manifesto point #1, from The Landscape Manifesto by Diana Balmori.
As an adjunct to the book, and to meet some of the above goals of an expanded converstation, Balmori has launched a companion website and call for 'Post-It Landscape' to illustrate the key points of the manifesto.  A few examples are up on the site - giving some physical context to the narrative of the manifesto points, using a simple media of staged photographic elements.

For example Yen Trinh's example of Manifesto point #18 uses a contested space, specifically an East Village Community Garden, showing evolution of a grassroots process of reclaiming space, and some of the subsequent pressures for development that have made this particular landscape an 'actor' in the political arena.

It should be interesting to see these connections, gleaned from a range of sources - as a great example of new media (building on Balmori's very cool Twitter version of space planning on the 'Making Public Places' from 2009).

Look for info more soon, including a review and my own addition to the Post-It Landscape... and thanks to Monica @ Balmori for the heads up!

Still working on a landscape architecture manifesto, I was pleased to find Diana Balmori’s book A Landscape Manifesto (Yale University Press, 2010). She comes across in the above video as a thoughtful and likeable person. I also support the principles of her manifesto (see below) while thinking they could be shorter and clearer – her drawings and design work are strong in these respects (see, for example, Balmori’s Garden Climbs the Steps in Bilbao). The word ‘manifesto’ derives from the Latin manifestum, meaning clear or conspicuous. It came into English during the seventeenth century and the practice of issuing art and design manifestos became widespread in the 20th century. Let’s hope landscape architecture manifestos become widespread in the 21st century. Heidi Hohmann and Joern Langhorst got us off to a good start in 2004, with Landscape architecture: an apocalyptic manifesto, though its strength is in making the case for manifestos.

25 points: Diana Balmori’s Landscape Architecture Manifesto

1. Nostalgia for the past and utopian dreams for the future prevent us from looking at our present.
1. Sự luyến tiếc quá khứ và giấc mơ không tưởng về tương lai đã bảo vệ chúng ta khỏi cái nhìn thiển cận các vấn đề hiện tại.

 2. Nature is the flow of change within which humans exist.  Evolution is its history. Ecology is our understanding of its present phase.
2. Tự nhiên là một dòng chảy thay đổi mà con người hiện hữu trong đó. Sự tiến hóa là lịch sử của chúng. Sinh thái là sự hiểu biết của chúng ta về những gì chúng đang hiện hữu và tồn tại.

3.  All things in nature are constantly changing.  Landscape artists need to  design to allow for change, while seeking a new course that enhances the coexistence of humans with the rest of nature.
3. Tất cả mọi việc trong tự nhiên đang thay đổi. Nghệ sỹ cảnh quan cần phải thiết kế đảm bảo đáp ứng được sự thay đổi này, trong khi vẫn tìm kiếm những ngôn ngữ và cách thể hiện mới nhằm tăng cường tính liên kết cùng tồn tại giữa con người và môi trường tự nhiên xung quanh.
4.  Landscape forms encapsulate unseen assumptions. To expose them is to enter the economic and aesthetic struggles of our times.
4. Hình dáng cảnh quan tóm gọn trong các thứ giả định không nhìn thấy được. Để khai phá chúng, cần gắn kết với kinh tế và vật lộn với vấn đề thẩm mỹ.
5.  Historical precedents do not support the common prejudice that human intervention is always harmful to the rest of nature.
5. Những quyết định tiền lệ trong lịch sử không hỗ trợ cho những thành kiến phổ biến rằng sự can thiệp của con người vào tự nhiên luôn luôn có hại.

6.  Shifts are taking place before our eyes. Landscape artists and architects need to give them a name and make them visible.  Aesthetic expertise is needed to enable the transforming relations between humans and the rest of nature to break through into public spaces.
6. Sự thay đổi đã diễn ra trước mắt chúng ta. Các nghệ sỹ cảnh quan và các kiến trúc sư cần cho sự thay đổi này một cái tên và làm cho chúng hiện hữu và thực tế. Các nhà chuyên môn về thẩm mỹ cần thực hiện chuyển hóa mối quan hệ giữa con người và phần còn lại của hệ thống tự nhiên vào trong các không gian công cộng.

7.  High visibility, multiple alliances, and public support are critical to new landscape genres that portray our present.
7. Cảnh quan phải có tính hấp dẫn cao về mặt thị giác, liên kết đa chức năng và được hỗ trợ bởi cộng đồng là điều quan trọng cho đặc tính mới của cảnh quan miêu tả sinh động thế giới hiện hữu của chúng ta.

8.  Landscape—through new landscapes—enters the city and modifies our way of being in it.
8. Cảnh quan – thông qua những nguyên tắc thiết kế cảnh quan mới – xâm nhập vào thành phố và điều chỉnh cách sống và sinh hoạt của chúng ta.

9.  New landscapes can become niches for species forced out of their original environment.
9. Cảnh quan mới có thể trở thành những nơi cư trú cho các chủng loài mới, thu hút chúng ra khỏi môi trường cư trú cũ của nó.

10. The new view of plants as groups of interrelated species modifying each other, rather than as separate and fixed, exemplifies fluidity—a main motif of landscape form.
10. Quan điểm mới của hệ thống cây xanh như là một tập hợp các chủng loài có liên quan và điều chỉnh, cộng sinh hỗ trợ nhau, hơn là từng chủng loài tách biệt, được minh họa tính lưu động – một dạng định hình chính cho hình dáng cảnh quan.

11. Nostalgic images of nature are readily accepted, but they are like stage scenery for the wrong play.
11. Những hình ảnh quen thuộc của tự nhiên đã sẵn sàng được chấp nhận, nhưng giống như một sân khấu được chuẩn bị kỹ lưỡng như được sử dụng sai mục đích bởi sự thiếu hiểu biết loài người.

12. In his History of the Modern Taste in Gardening (l780), Horace Walpole says William Kent “was the first to leap the fence and show that the whole of nature was a garden.” Today landscape “has leapt the fence” in the opposite direction, to the city, making it part of nature.
12. Trong lịch sử thiết kế sân vườn theo hướng hiện đại (1780), Horace Walpole đã từng nói với William Kent: Đây là bước đầu tiên vượt qua ranh giới và thể hiện rằng toàn bộ môi trường tự nhiên là một khu vườn. Ngày nay, cảnh quan đã vượt qua khỏi ranh giới của nó theo một hướng đối lập với thành phố và biến thành phố trở thành một phần của tự nhiên.

13. Existing urban spaces can be rescued from their current damaging interaction with nature.
13. Các không gian đô thị hiện hữu có thể được giải thoát khỏi những tương tác đe dọa hiện hữu với môi trường tự nhiên.

14. Landscape artists can reveal the forces of nature underlying cities, creating a new urban identity from them.
14. Nghệ sỹ cảnh quan có thể giúp bộc lộ các nguồn lực của tự nhiên nằm tiềm ẩn trong thành phố, tạo nên tính xác định và đặc trưng mới cho đô thị.

15. Landscape can create meeting places where people can delight in unexpected forms  and spaces, inventing why and how they are to be appreciated.
15. Cảnh quan có thể tạo nên các không gian giao lưu, gặp gỡ mọi người nơi mà mỗi người thích thú với hình dáng bất ngờ của không gian, được khám phá tại sao và như thế nào mà chúng hình thành và phát triển, được trân trọng.

16. A landscape, like a moment, never happens twice. This lack of fixity is landscape’s asset.
16. Cảnh quan, giống như những khoảnh khắc, không bao giờ lặp lại lần thứ 2 khi đã trôi qua. Chính cái tính nhất thời và không cố định này là một tài sản quan trọng của thiết kế cảnh quan.

17.  We can heighten the desire for new interactions between humans and nature where it is least expected: in derelict spaces.
17. Chúng ta có thể nhấn mạnh mong muốn cho sự tương tác mới giữa con người và tự nhiên, nơi có rất ít sự hy vọng, các không gian vô chủ và chưa xác định rõ ràng.

18. Emerging landscapes are becoming brand new actors on the political stage.
18. Sự nổi lên của yếu tố cảnh quan trở thành một nhân tố mới cho các vũ đài chính trị.

19. Landscape renders the city as constantly evolving in response to climate, geography, and history.
19. Kiến trúc đáp ứng lại thành phố như là một sự tham dự liên tục đáp ứng với các yếu tố khí hậu, địa hình và lịch sử.

20. Landscape can show artistic intention without imposing a predetermined meaning.
20. Cảnh quan có thể biểu hiện quan điểm ý tưởng nghệ sỹ không cần phải gây ấn tượng mạnh mẽ được xác định ý nghĩa trước đó.

21. Landscape can bridge the line between ourselves and other parts of nature—between ourselves and a river.
21. Cảnh quan có thể làm cầu nối giữa chúng ta và các thành phần khác của tự nhiên, giữa con người và dòng sông.

22. Landscape is becoming the main actor of the urban stage, not just a destination.
22. Cảnh quan trở thành một nhân tố chính của không gian đô thị, không đơn thuần chỉ là những nơi đến.

23. The edge between architecture and landscape can be porous.
23. Ranh giới giữa kiến trúc và cảnh quan là không rõ ràng, và được liên kết với nhau theo một cách nào đó.

24. Landscape can be like poetry, highly suggestive and open to multiple interpretations.
24. Cảnh quan giống như một bài thơ, có tính gợi mở cao và mở rộng cho sự tương tác đa ngành và diễn giải đa nghĩa.

25. We must put the twenty-first century city in nature rather than put nature in the city. To put a city in nature will mean using engineered systems that function as those in nature and deriving form from them.
25. Chúng ta phải đặt các thành phố thế kỷ 21 vào trong môi trường tự nhiên hơn và việc đem môi trường tự nhiên vào trong thành phố. Đem thành phố vào tự nhiên có nghĩa là sử dụng những hệ thống kỹ thuật có chức năng tương tự mô phỏng chức năng vận hành của tự nhiên và xuất phát từ các quy luật vận động cốt lõi của tự nhiên.
http://www.gardenvisit.com/blog/2014/02/21/a-landscape-manifesto-by-diana-balmori/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.