nghiên cứu khoa học
Phương pháp luận nghiên cứu khoa học - TS. Đinh Tuấn Hải
Đây là những kinh nghiệm bản thân của TS. Đinh Tuấn Hải về "Phương pháp
luận Nghiên cứu Khoa học" đăng trên JVEEF. Mặc dù sẽ còn nhiều vấn đề
tranh luận, nhưng đây sẽ là những kinh nghiệm rất quý cho những ai làm
nghiên cứu, như là Sinh viên làm Nghiên cứu khoa học, cho các NCS, ….
Phương pháp luận nghiên cứu khoa học
TS. Đinh Tuấn Hải - Trường Đại Học Quốc Gia Yokohama
Bài viết đúc rút những suy nghĩ cũng như kinh nghiệm của tác giả trong thời gian nghiên cứu và học tập tại Nhật Bản.
1. Lời nói đầu
Hiện nay với chính sách mở cửa và phát triển kinh tế đúng đắn của chính
phủ, ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài học
tập, nghiên cứu với mục đích cố gắng tiếp thu các kiến thức tiên tiến
của thế giới để mang về phục vụ đất nước. Mặt khác, đội ngũ các nhà khoa
học, nghiên cứu viên và sinh viên trong nước cũng tích cực học tập,
nghiên cứu để nâng cao tư duy khoa học và đáp ứng các yêu cầu phát
triển. Tuy nhiên hiện nay đang có một khó khăn là nhiều người không biết
rõ ràng về việc thế nào là một nghiên cứu khoa học, các bước tiến hành
như thế nào và dự định đạt được kết quả gì. Nhiều trường hợp đã gặp rất
nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu nghiên cứu khi không biết cách định
hướng nghiên cứu, do vậy sau một thời gian nghiên cứu của họ đi vào ngõ
cụt hoặc không đưa ra được một kết quả cụ thể nào cả. Điều đấy dẫn đến
việc nghiên cứu phải chuyển sang hướng khác hoặc phải chấm dứt thất bại,
đồng nghĩa với việc tiêu tốn thời gian, tiền bạc và chất xám một cách
vô ích.
Nguyên nhân của các thất bại trong nghiên cứu khoa học thì rất nhiều.
Tuy nhiên theo tác giả thì nguyên nhân chủ yếu là do những nghiên cứu
viên đó không có một cái nhìn tổng quát về các việc cần phải làm theo
trình tự hợp lý trong quá trình nghiên cứu. Điều này là do họ không học
được cách hợp lý nhất khi tiến hành nghiên cứu khoa học. Vậy phải làm gì
để khắc phục nhược điểm này và giúp cho nhiều người trách được những
khó khăn mà những người đi trước đã gặp? Thông qua bài viết này, tác giả
muốn giới thiệu những ý kiến về việc tiến hành nghiên cứu khoa học như
thế nào cho tốt nhất, hiệu quả nhất. Toàn bộ những tranh luận tiếp theo
có thể coi là quan điểm riêng của tác giả, dựa vào kinh nghiệm làm việc
và nghiên cứu bản thân có được. Những ý kiến này có thể đúng, có thể
chưa đúng. Vì vậy tác giả sẵn sàng tranh luận công khai với bất kỳ ý
kiến phản đối hay đồng tình nào của người đọc.
2. Định nghĩa thế nào là một nghiên cứu khoa học
Hiện nay trong giới học thuật vẫn có tranh luận và chưa thống nhất về
việc xác định thế nào là một nghiên cứu khoa học. Việc xác định rõ định
nghĩa này là rất quan trọng đối với những người mới bắt đầu sự nghiệp
nghiên cứu, đặc biệt là sinh viên. Mọi người đều nói về cái “mới”, rằng
phải nghiên cứu một vấn đề mới thì mới đúng là một nghiên cứu khoa học.
Nếu như vậy thì sẽ có câu hỏi được đặt ra là: làm một vấn đề cũ thì sao
và thế nào là một vấn đề mới? Tác giả nhận thấy có rất nhiều nghiên cứu
về một vấn đề cũ nhưng vẫn có giá trị, được áp dụng tốt trong thực tế
sản xuất và được chấp nhận đăng trên nhiều tạp chí và hội thảo khoa học
quốc tế. Trong khi đó có nhiều nghiên cứu tự nhận là cho những vấn đề
mới nhưng lại không thu hút được quan tâm của mọi người và thường kết
thúc trong im lặng. Có nhiều nguyên nhân cho sự thất bại của các nghiên
cứu được cho là có chủ đề mới, hoặc là vấn đề mới nhưng không có giá trị
thực tế nên rất ít người muốn nghiên cứu, hoặc cái mới này chỉ có thể
áp dụng sau nhiều năm nữa nên hiện tại không ai quan tâm, hoặc vấn đề
mới quá khó hiểu đối với đồng nghiệp, hoặc dẫu là mới nhưng kết quả
nghiên cứu không đạt yêu cầu, v.v…
Tác giả đưa ra một số tiêu chí cụ thể để có một định nghĩa sơ lược thế
nào là một nghiên cứu khoa học. Vậy một nghiên cứu khoa học cần đáp ứng
ít nhất một trong các yêu cầu dưới đây:
- Phát hiện điều mới trong các quy luật và đặc tính của tự nhiên hoặc của xã hội.
- So sách giữa hai hoặc nhiều hiện tượng của tự nhiên hoặc của xã hội để chỉ ra sự giống nhau và khác nhau giữa chúng.
-Tìm kiếm phương pháp để giải quyết các khó khăn, trục trặc đang cản trở sự phát triển của tự nhiên và xã hội.
- Thay đổi hoặc lợi dụng các hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội để phục vụ tốt hơn cho con người và môi trường xung quanh.
- Nghiên cứu các hiện tượng / công việc đã xảy ra / thực hiện trong quá khứ để rút ra bài học cho hiện tại và tương lai.
- Dự đoán tương lai để có các hành động phù hợp trong hiện tại.
3. Trình tự các bước cần tiến hành trong nghiên cứu khoa học
Rất nhiều nghiên cứu viên gặp khó khăn trong giai đoạn đầu nghiên cứu vì
không biết làm gì trước, làm gì sau. Do vậy họ thường bố trí công việc
nghiên cứu lôn xộn, không có tổ chức. Điều này trái ngược hoàn toàn với
yêu cầu của nghiên cứu khoa học là phải được tổ chức một cách khoa học,
bài bản. Dẫu rằng tùy từng nghiên cứu cụ thể mà sẽ có các bước tiến hành
cụ thể, nhưng tác giả cho rằng người nghiên cứu nên tiến hành một số
bước bắt buộc theo trình tự thể hiện trên hình 1.
Hình 1. Thứ tự các bước thực hiện khi tiến hành nghiên cứu khoa học
Bước 1: Mô tả các khó khăn trên thực tế
Trong thực tế khi gặp khó khăn thì lúc đó mới cần tiến hành nghiên cứu
khoa học với mục đích là giải quyết các khó khăn đó. Vậy có thể nói việc
mô tả các khó khăn đang gặp phải chính là sự mở đầu cho một nghiên cứu.
Có rất nhiều nghiên cứu không chỉ ra được các khó khăn hiệu hữu vì vậy
tác giả không biết được tại sao những nghiên cứu này lại được tiến hành
và nhằm mục đích gì.
Bước 2: Tổng quan về các nghiên cứu liên quan
Đây là thời gian tìm hiểu xem vấn đề dự định nghiên cứu đã và đang được
nghiên cứu bởi các học giả khác chưa, ở mức độ nào qua đó có thể học
những điều hay và tránh được việc lặp lại trong nghiên cứu trước. Tuy
nhiên tác giả thấy có rất nhiều nghiên cứu viên không tìm hiểu về các
nghiên cứu đã thực hiện mà bắt tay vào nghiên cứu ngay, dẫn đến việc
không có một cái nhìn tổng quan về cần nghiên cứu.
Bước 3: Xác định mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu là những dự định đặt ra để giải quyết được các khó
khăn đã chỉ ra ở bước 1. Nghiên cứu viên phải luôn bám theo các mục tiêu
đã đề ra trong suốt quá trình và phải hoàn thành chúng trước khi nghiên
cứu được khép lại. Các nghiên cứu hiện nay thường thể hiện rất rõ ràng
phần này
Bước 4: Phương pháp nghiên cứu
Đây là phần chỉ ra hướng nghiên cứu mà nghiên cứu viên muốn tiến hành để
đạt được mục tiêu đề ra trong bước 3. Thông thường, các phương pháp thu
thập dữ liệu hay thí nghiệm và phân tích chúng phải được thể hiện rõ.
Ngoài ra, các giả thuyết và phạm vi nghiên cứu, kinh phí và thời gian
cần thiết, các đề xuất dự định, … cũng cần phải được chỉ ra một cách rõ
ràng.
Bước 5: Dữ liệu thực tế hoặc giả định cụ thể
Dữ liệu là phần rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Chúng có thể
được thu thập qua quá trình điều tra tại hiện trường hoặc là dữ liệu giả
định thu được từ thí nghiệm, mô phỏng. Những dữ liệu này có thể chỉ ra
những phát triển của thực tế trong quá khứ và hiện tại, qua đó có thể dự
đoán tương lai, so sánh với lý thuyết,… Thông thường, giai đoạn thu
thập dữ liệu tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của người nghiên
cứu và sự chính xác của dữ liệu sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng
của nghiên cứu.
Bước 6: Phân tích dữ liệu hoặc chạy chương trình
Đến đây nghiên cứu khoa học sẽ có 2 hướng đi. Một là phân tích các dữ
liệu thu thập được để có các kết luận cho những điều đã và đang xẩy ra
trong thực tế, từ đó có các đề xuất cho tương lai. Một cách khác là lập
ra các chương trình máy tính để mô phỏng, tính toán lý thuyết dựa vào
hoặc so sánh với các dữ liệu thực tế. Phần này thường liên quan tới các
chuyên môn sâu nên chỉ có những người có cùng lĩnh vực nghiên cứu mới
hiểu và quan tâm đến, còn độc giả thông thường nói chung không chú ý
đến.
Bước 7: Phát hiện hoặc đề xuất cái mới
Thường mỗi nghiên cứu khoa học sẽ tiến đến kết thúc sau khi một vài phát
hiện hoặc đề xuất mới được đưa ra. Những điều mới này chính là kết quả
cuối cùng của nghiên cứu có thể áp dụng làm cho thực tế hiện tại và
tương lai tốt hơn và phải thỏa mãn được các mục tiêu nghiên cứu đề ra
trong bước 3. Nhiều nghiên cứu không thể hiện rõ phần này sẽ gây khó
hiểu cho người đọc. Tác giả đề nghị phần này phải tách ra riêng biệt,
không nên gộp vào phần phân tích dữ liệu hoặc phần kết luận.
Bước 8: Kết luận
Đây là phần cuối cùng và được độc giả chú ý đến trước tiên để xem kết
quả của nghiên cứu rồi sau đó mới đến các phần khác nếu có quan tâm. Từ
“kết luận” cũng đã thể hiện rõ ý nghĩa của nó. Từ “kết” có nghĩa là kết
thúc, tổng kết. Người nghiên cứu phải đúc kết lại toàn bộ nghiên cứu
theo một trình tự khoa học và ngắn nhất để người đọc có thể hình dung
tổng thể toàn bộ quá trình. Từ “luận” là bình luận các kết quả thu được
về thực tế nghiên cứu xem tốt hay xấu, thỏa mãn hay chưa thỏa mãn, … .
Tác giả thấy đa phần các nghiên cứu chỉ chú trọng đến phần “kết” và chưa
có phần “luận”.
( Theo idr.edu.vn )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.