KIẾN TRÚC SƯ HUỲNH KIM MÃNG
Ông sinh năm 1919 tại Long Xuyên, trong một gia đình
nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ nhỏ Huỳnh Kim Mãng đã có chí lớn, mong muốn lớn
lên sẽ siêng năng học tập để vượt khỏi miệt vườn, trở thành người trí thức giỏi
giang.
Học hết bậc tiểu học ở Long Xuyên, lên Sài Gòn học
Trường trung học Pertrus Ký. Thấy sức học được, cả nhà dành dum để ông có tiền
ra Hà Nội thi vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ước gì được nấy, Huỳnh
Kim Mãng có tên trong danh sách thi đậu vào Khoa Kiến trúc, khoá 12
(1942-1947).
Cũng như các sinh viên kiến trúc cùng khoá, do thời
cuộc năm 1945, ông cũng phải bỏ học dở dang, trở về Sài Gòn chờ thời. Sau năm
1954, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương dời vào Đà Lạt. Ông và các sinh viên
giỏi cùng hoàn cảnh được học bổng sang Pháp học tiếp ngành kiến trúc tại
Beaux-Arts de Paris.
Sau 5 năm học tập, tốt nghiệp kiến trúc sư, về nước
làm công tác đào tao kiến trúc sư tại Trường Cao Đẳng Kiến Trúc Sài Gòn, sau
này là Trường Đại Học KiếnTrúc thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Vài năm sau được bổ
nhiệm làm Phó khoa (tương đương với Phó Giám đốc hoặc Hiệu phó trước và sau
đó). Nhận thấy sau khi rời ghế nhà trường lại làm ngay công việc giảng dạy rồi
làm quản lý (2 nhiệm kỳ Phó khoa), công việc bận rộn nên không có điều kiện
sáng tác, chưa có tác phẩm nên chưa yên tâm. Theo ông, đã là kiến trúc sư mà
không có tác phẩm thì áy náy lắm, đứng trên bục giảng càng khó nói hơn. Điều
này thôi thúc ông mở văn phòng kiến trúc để hành nghề, để sáng tác. Từ đầu thập
niên 1960 đến năm 1975 ông mở văn phòng kiến trúc tại Sài Gòn.
Vào thập niên 60, ngành Quy Hoạch trên toàn thế giới
vẫn còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, và tại Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam trước
75) lúc đó chỉ có 3 người có cả HAI VĂN BẰNG: Kiến Trúc Sư và Văn Bằng Phát Triển
Quốc Gia tại nước ngoài là: KTS Huỳnh Kim Mãng (GS Cao Đẳng Kiến Trúc Saigon),
KTS Lê Văn Lắm (Giám đốc Tổng nha Kiến thiết Đô thị) và người còn lại là KTS
Ngô Viết Thụ.
Thời gian đầu mở chung văn phòng kiến trúc với hai
kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng. Mấy năm sau mở riêng tại 129A Nguyễn
Huệ, 139Bis Võ Tánh, 84 Duy Tân. Kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng tham gia cuộc thi
THiẾT KẾ CHỢ BẾN THÀNH, đoạt Giải Nhất. Tác phẩm này cấu trúc hiện đại với giải
pháp kiến trúc hình xoắn ốc, được dư luận trong và ngoài giới nghề hoan nghênh.
CAO ỐC VĂN PHÒNG 20 TẦNG ở đường Đông Du, Quận I, Sài Gòn cũng đoạt Giải Nhất
trong một cuộc thi thiết kế tìm ý tưởng kiến trúc.
Các công trình đã xây dựng được đồng nghiệp đánh giá
cao như: HỘI TRƯỜNG RÙA và CÁC CÔNG TRÌNH THUỘC VIỆN ĐẠI HỌC CẦN THƠ, Ông cho
biết ở công trinh Hội Trường Rùa, ông đã mô phỏng hình con Rùa, và cách điệu
thêm đường nét của bộ mái chồng chập lên nhau trong kiến trúc Chùa Khmer, đặc
trưng cho miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
Công trình VĂN PHÒNG BỘ Y TẾ tại Quận I, Sài Gòn cũng là tác phẩm dày công
nghiên cứu thiết kế được giới nghề tâm đắc.
Ngoài ra Kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng còn cộng tác với
đồng nghiệp sáng tác một số công trình xuất sắc khác như:
Những năm 1960, ông cùng kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng
thiết kế QUẦN THỂ KIẾN TRÚC MIẾU BÀ CHÚA XỨ ở núi Sam xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc,
tỉnh An Giang. Các toà nhà cao 2-3 tầng, nhiều chức năng sử dụng, được tổ hợp một
cách khéo léo, có lớp lang, dẫn dắt đến từng toà nhà thuận tiện mà không chồng
chéo. Các nếp nhà tổ chức không gian hợp lý, trang trí công phu, gắn kết với
cây cỏ hoa lá tạo nhiều góc nhìn đẹp. Toà ngang, dãy dọc được phủ các lớp mái
ngói màu xanh, đan vào nhau một cách sinh động, hiếm thấy trong các công trình
kiến trúc cổ nước ta.
- Chỉnh trang KHU HÒA BÌNH: (CHỢ Dalat cũ--> Hội trường Hòa Bình) (cùng kiến trúc sư Lâm Du Tốt), Chỉnh trang Trung tâm thương mại Dalat- KHU HÒA BÌNH: --- CHỢ Dalat cũ--> Hội trường Hòa Bình- KTS Huỳnh Kim Mãng cùng kiến trúc sư Lâm Du Tốt. Chợ mới Dalat- Kts Nguyễn Duy Đức- KTS Ngô Viết Thụ; đặt trong
một không gian không lớn, địa hình lại mấp mô, các tác giả thành công về giải
pháp quy hoạch với hình khối ngôi nhà có độ lớn khiêm tốn song lại trở thành điểm
nhấn trong một tổng thể không gian đô thị.
Công trình KỸ NGHỆ SÚC SẢN VISSAN, quận Bình Thạnh,
Sài Gòn (cùng kiến trúc sư Lê Văn Lắm) đã khai thác tốt thế mạnh của kiến trúc
công nghiệp, tạo được hình khối kiến trúc công nghiệp hiện đại.
Sau ngày Giải phóng miền Nam kiến trúc sư Huỳnh Kim
Mãng thiết kế HỘI TRƯỜNG TỈNH UỶ CẦN THƠ; QUY HOẠCH CHUNG TP NHA TRANG.
Ông am hiểu sâu sắc lĩnh vực quy hoạch đô thị nên đã
dành phần lớn thời gian làm công tác giảng dạy và là Trưởng Bộ môn Quy hoạch,
Trường đại học Kiến trúc Saigon. Sau 75, trong nhiều năm ông được giữ lại làm
Trưởng Bộ môn Quy hoạch Trường đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1984, Vì lý do riêng, cũng như nhiều nhà trí thức
và KTS khác của thời trước 75, ông sang ngoại quốc....'đoàn tụ gia đình'!
Sau lần cuối cùng về thăm quê hương 2007, Kiến trúc
sư Huỳnh Kim Mãng từ trần đầu năm 2008 tại nước Bỉ.
*********
Ghi Chú: Nhiều bạn đề nghị chép phần comment của
GiaHao luôn vào đây để tiện việc chia sẻ, vì cũng là thông tin quan trọng.
Hội Trường Rùa và một số lớn các công trình khác tại
Viện Đại học Cần Thơ (kể cả khối Văn Phòng điều hành trên ĐL Hoà Bình - sau 75
bị chiếm, nay là Ngân Hàng VietcomBank) do KTS Huỳnh Kim Mãng quy hoạch và thiết
kế.
Các bạn để ý nhé, từ khi thành lập Viện ĐHCT chính
quyền SG đã chủ trương phong các GS có xuất thân từ ĐBSCL làm Viện Trưởng ( GS
Phạm Hoàng Hộ, Gs Nguyễn Duy Xuân) và việc quy hoạch, thiết kế phải do người có
xuất thân tại vùng đó thực hiện.
Vì vậy, Viện ĐH Huế do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế
(KTS Thụ người gốc Huế vào sinh sống ở Đalat).
Viện ĐH Saigon do Kiến Trúc Sư Phạm Văn Thâng và
Nguyễn Quang Nhạc thiết kế.
Viện ĐH Cần Thơ do KTS Huỳnh Kim Mãng - người xuất
thân từ Long Xuyên thiết kế là lẽ đương nhiên.
Các KTS trên đều học từ Pháp về.
Thầy Nhạc là Hiệu Trưởng ĐHKTruc Saigon, Thầy Thâng,
Thầy Mãng là Trưởng Khoa và là Phó hiệu trưởng ĐH Kiến Trúc Saigon thời trước
75. -----------------Nguyễn Ngọc SơnBài tổng hợp trên có lẽ đã dựa vào bài viết về kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng trong sách "Thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên" do Hội kiến trúc sư Việt Nam thực hiện năm 2008 (hình). Rất tiếc, bài viết đó có nhiều không tin không chính xác về Giáo sư Huỳnh Kim Mãng, cùng với nhiều thông tin không chính xác rất đáng tiếc khác về các kiến trúc sư miền Nam Việt Nam. Tôi xin có một ít góp ý nhỏ:1/ Năm sinh: Giáo sư Huỳnh Kim Mãng không sinh năm 1919. Giáo sư sinh năm 1920, cụ thể là ngày 20/07/1920.2/ Việc học thời thơ ấu: Giáo sư không từ Long Xuyên lên thẳng Sài Gòn mà học qua ở Cần Thơ trước khi lên Sài Gòn học tiếp.3/ Học Kiến Trúc ở Hà Nội:- Khóa: Giáo sư học khóa 1941, không phải khóa 1942. Mùa Hè năm 1941, Giáo sư Huỳnh Kim Mãng là một trong số 8 thí sinh trúng tuyển để vào học ở ban Kiến Trúc. Một số người khác trong khóa này về sau sẽ trở thành những kiến trúc sư nổi tiếng ở 2 miền: Lê Văn Cấu, Lâm Dũ Tốt, Đàm Trung Phương, Dương Hy Chấn.- Trường:Năm 1938, trường Mỹ Thuật Đông Dương đã được cải biến trở thành trường Cao đẳng Mỹ Thuật và Nghệ Thuật Ứng Dụng Đông Dương (L’Ecole Supérieure des Beaux-Arts et des Arts Appliqués de l’Indochine) theo Quyết đinh của Thống đốc Toàn quyền Đông Dương ngày 25/04/1938. Ban Kiến Trúc thuộc trường Cao đẳng Mỹ Thuật và Nghệ Thuật Ứng Dụng Đông Dương sau cải biến.Năm 1941 khi Giáo sư Huỳnh Kim Mãng vào học, chưa có trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.Năm 1942, theo Nghị định ngày 22/10/1942, Trường Mỹ Thuật và Nghệ Thuật Ứng Dụng Đông Dương được chia thành hai trường riêng biệt:+ Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương+ Trường Mỹ Nghệ Thực Hành Hà NộiBan Kiến Trúc từ đó mới thuộc trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.4/ "Sau năm 1954, trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương dời vào Đà Lạt" ---> thông tin này không chính xác.Năm 1944, ban Kiến Trúc đã dời vào Đà Lạt để tránh những đợt đánh bom của không quân Đồng Minh xuống Hà Nội vào các vị trí nghi ngờ có sự chiếm đóng của quân đội Nhật. Cùng năm 1944, ban Kiến Trúc được cải biến trở thành trường Kiến Trúc Đà Lạt, trực thuộc trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, trường Kiến Trúc tại Đà Lạt phải ngưng hoạt động cùng với sự giải thể của trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội. Vì vậy, năm 1954 không còn trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương nào nữa để dời vào Đà Lạt như trong bài tổng hợp.5/ "Sau 5 năm học tập, tốt nghiệp kiến trúc sư" ---> thông tin này không chính xác.Giáo sư Huỳnh Kim Mãng qua Pháp học kiến trúc vào năm 1949, vừa đi làm, vừa đi học, đến năm 1958, Giáo sư tốt nghiệp kiến trúc sư trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris và đô thị gia Học Viện Đô Thị, Viện Đại Học Paris.6/ Tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 chỉ có 3 người có cả hai văn bằng KTS và đô thị gia tại nước ngoài (Huỳnh Kim Mãng, Lê Văn Lắm, Ngô Viết Thụ) ---> thông tin này không chính xác.Trước 3 vị kể trên, tại Sài Gòn đã có sự hiện diện các kiến trúc sư - đô thị gia niên trưởng: Lữ Văn Nhiều, Nguyễn Duy Đức, Bùi Quang Hanh, chưa kể Giáo sư viện trợ của chính phủ Pháp là kiến trúc sư - đô thị gia Georges Louis Pineau, bậc Thầy lỗi lạc và khả kính của trường Cao đẳng Kiến Trúc Sài Gòn đến giữa thập niên 1960 mới hồi hương.7/ Phương án giải Nhất kiến trúc Chợ Bến Thành trong tương lai: Không có giải pháp kiến trúc hình xoắn ốc.8/ "Cao ốc văn phòng 20 tầng ở đường Đông Du": Đây là trụ sở Trung ương Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ Việt Nam ở góc đường Tự Do - Thái Lập Thành. Ngày 14/08/1975, đường Thái Lập Thành mới được đổi tên là đường Đông Du.9/ Chợ Đà Lạt: Kiến trúc sư của Chợ Đà Lạt là Nguyễn Duy Đức. Kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức đã thiết kế Chợ Đà Lạt từ khi Giáo sư Huỳnh Kim Mãng còn là sinh viên kiến trúc tại Pháp và chưa hồi hương.10/ Trường Đại Học Kiến Trúc Sài Gòn không có bộ môn Quy hoạch và Giáo sư Huỳnh Kim Mãng không phải là trưởng bộ môn Quy hoạch không có đó. Trường Đại Học Kiến Trúc Sài Gòn chỉ có ban Thiết kế Đô thị, đã được bãi bỏ sau năm 1971.11/ Năm mất: Giáo sư Huỳnh Kim Mãng không mất vào năm 2008. Giáo sư mất vào ngày 11/01/2007 tại Brussels. Việc này có thể được hỏi thêm qua Thầy Khương Văn Mười.12/ Viện Đại Học Huế không do một mình kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Viện Đại Học Sài Gòn không chỉ do kiến trúc sư Phạm Văn Thâng và Nguyễn Quang Nhạc thiết kế. Viện Đại Học Cần Thơ không do một mình kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng Thiết kế. Riêng Viện Đại Học Cần Thơ, số lượng kiến trúc sư tham gia lên đến chục người: Phạm Gia Hiến, Huỳnh Kim Mãng, Trần Văn Tải, Lê Văn Lắm, Nguyễn Quang Nhạc, Nguyễn Trọng Kha, Nguyễn Văn Quyện, Hồ Quang Tự,…
-----
Công trình VĂN PHÒNG BỘ Y TẾ tại Quận I, Sài Gòn cũng là tác phẩm dày công nghiên cứu thiết kế được giới nghề tâm đắc.
Bản đồ án dở dang chợ Bến Thành
>> Phố của anh, của em
Cuộc thi có giải nhất bằng hiện kim là 1,5 triệu đồng. Đây là một cuộc thi được giới chuyên môn đánh giá là khó, người dự thi đương nhiên thuộc giới kiến trúc, phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian để thiết kế đồ án chi tiết, mô hình để gửi về dự thi.
Tác phẩm phải hội đủ điều kiện về kỹ thuật chuyên môn, thẩm mỹ, tiện ích xứng đáng với ngôi chợ lớn nhất và quan trọng nhất miền Nam này.
Người dự thi có 3 tháng (từ 27.10.1970 đến 24.1.1971) để nghiên cứu thực hiện các bình đồ, họa đồ và cả mô hình nổi về ngôi chợ.
Trong thông báo về cuộc thi, chỉ quy định khái quát về những điểm căn bản: phải có tầng hầm, tầng trệt và 3 tầng lầu, mỗi tầng có chức năng riêng phù hợp.
Chợ mới phải có hệ thống thang máy, xử lý vệ sinh… Tất cả trên diện tích 12.000 m2, chiếm toàn bộ vị trí ngôi chợ cũ từ Công trường Diên Hồng đến đường Lê Thánh Tôn.
Do tính chất phức tạp và quy mô của bài dự thi, chỉ có 8 đồ án gửi đến ban tổ chức khi cuối hạn. Ban tổ chức cảm thấy bất ngờ và bối rối khi cả 8 bài dự thi đều rất công phu, hiện đại và có thể nói là “vĩ đại” như lời kiến trúc sư (KTS) Bùi Ngọc Hồ nói với báo chí.
Điều này đặt trên vai ban giám khảo trách nhiệm lớn. Trong ban giám khảo, có các KTS uy tín như KTS Vũ Tòng – đoàn trưởng KTS đoàn, KTS Phạm Văn Thâng là Khoa trưởng Đại học Kiến trúc Sài Gòn, cùng giới chức Tòa Đô chánh Sài Gòn lúc đó.
Sau một ngày xem xét chấm giải, cuối cùng đồ án của KTS Huỳnh Kim Mảng đoạt giải nhất. Do có khoảng cách với đồ án này, các đồ án còn lại không có giải nhì.
Giải ba trao cho đồ án của hai tác giả là Nguyễn Huy và Trần Phong Lưu, trị giá 400.000 đồng. Ba giải khuyến khích đồng hạng trị giá 200.000 đồng cho các KTS Nguyễn Kỳ, Đào Trọng Cương và Nguyễn Hữu Sơn.
KTS Huỳnh Kim Mảng vốn đã thực hiện nhiều công trình quan trọng trước đó như cùng tham gia lập đồ án xây dựng Trường Lasan Tabert (nay là Trường Trần Đại Nghĩa), rạp hát Victory Lê Ngọc, Trung tâm văn hóa Pháp.
Ông sinh năm 1920 tại Long Xuyên, từng theo học Đại học Kiến trúc Hà Nội từ 1941, tiếp tục học Đại học Kiến trúc Đà Lạt từ năm 1945 và đến 1949 sang Pháp học tại Trường cao đẳng Kiến trúc Paris. Ở đây, ngoài bộ môn kiến trúc, ông còn học thêm thiết kế đô thị tại Đại học Kiến thiết thiết kế đô thị. Ông tốt nghiệp năm 1955 và về Sài Gòn làm việc.
CÁC CHỨC VỤ:
- Nguyên trưởng bộ môn quy hoạch Đại học kiến trúc – Viện Đại học Sài Gòn.
- Nguyên Cố vấn Hội kiến trúc sư Tp.Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 1 (1981 – 1987)
TRÍCH NGUỒN ONLINE
Nói về bản thiết kế của mình, KTS Huỳnh Kim Mảng cho biết phải dùng tới 20 họa viên trong 3 tuần lễ để vẽ họa đồ, bình đồ, thực hiện mô hình nổi…
Cảm thấy chợ Sài Gòn vừa cũ kỹ và chật hẹp, ông đã tận dụng toàn thể diện tích hiện hữu của chợ gồm ngôi chợ chính phía trước và khu chợ bán trái cây phía sau.
Theo đồ án, chợ sẽ xây thành nhiều tầng. Tầng hầm làm bãi đậu xe 150 chiếc. Tầng trệt cao hơn mặt đất 1 m, chung quanh bán thịt các loại, hoa quả, và vào trung tâm là khu bán cá giữa nơi thoáng đãng, có ánh sáng rọi từ trên xuống.
Tầng 1 bán chạp phô, bách hóa các loại. Tầng 2 bán quần áo, vải vóc, làm văn phòng ngân hàng tư nhân. Tầng 3 là nơi vui chơi của trẻ em. Tầng thượng có nhà hàng, quán giải khát, rạp chiếu bóng, rạp cải lương.
Phía trước chợ còn có một ngôi tháp cao 50 m, phần trên tháp sẽ là một nhà hàng. Chợ có hệ thống thang máy, thang nâng hàng, hệ thống xử lý rác. Hàng hóa đưa vô chợ hoặc lên lầu đều có lối riêng, không dùng chung lối đi với khách.
Điểm nổi bật là càng lên cao, diện tích các tầng càng nới rộng ra, được xem là lối kiến trúc táo bạo, thẩm mỹ và đáp ứng nhu cầu buôn bán của chợ lúc đó.
Sở Thiết kế thuộc Tòa Đô chánh Sài Gòn lúc đó dự tính kinh phí xây chợ mới sẽ tốn khoảng 1,5 tỉ đồng, và có thể khởi xây năm 1972. Tuy nhiên, dự án này đã không bao giờ được thực hiện.
Lý do được báo chí sau này thuật lại là lúc đó dân chúng không đồng tình, muốn giữ lại ngôi chợ cũ vốn gần gũi, quen thuộc từ hơn nửa thế kỷ trước. Và hơn nữa ngân sách thành phố lúc đó không đủ để thực hiện.
KTS Huỳnh Kim Mảng sau 1975 trở thành cố vấn Hội KTS TP.HCM từ năm 1981 đến 1987. Sau này, ông ra nước ngoài sinh sống và mất tại Brussels (Bỉ) năm 2007, hưởng thọ 87 tuổi.
VIỄN TƯỢNG "ĐÔ THỊ MỚI” TẠI VIỆT NAM
- Kiến trúc sư – đô thị gia Huỳnh Kim Mãng -
Trong số này, Tạp Chí Đối Thoại rất hân hạnh giới thiệu
với độc giả bốn phương một bài tham luận rất công phu của Kiến trúc sư Mãng về
vấn đề đô thị, thiết kế ở Tây Phương và Việt Nam, làm thế nào để có thể rút và
áp dụng những kinh nghiệm của Tây Phương vào việc thiết lập những đô thị tương
lai hoàn toàn Việt Nam, dung hòa kỹ thuật Tây Phương với tinh thần khoáng đạt
nhân bản của Đông Phương, đặc biệt là tinh thần cầu tiến của dân tộc Việt Nam.
——- ——- ——-
Đô thị mới vẫn có suốt giòng lịch sử và khắp nơi.
Nhưng “Đô thị mới” hiện đại có một ý nghĩa riêng biệt:
với một họa đồ toàn bộ đã được phác họa trước, với một vị trí chọn lựa trên một
khoảng đất trống trải, đô thị sẽ được thực hiện toàn diện. Khi đô thị hoàn tất,
số người đã dự trù trước đến cư ngụ cùng lúc và đô thị sẽ sinh hoạt tức thời
theo chiều hướng đã được hoạch định.
Quan niệm này khác với đô thị mới sáng tạo (ville
créée) thường thấy: mặc dù quyết định thiết lập đô thị tại một địa điểm chọn lựa
được thực hiện, nhưng đô thị nầy cần một thời gian dài để phát triển, mức độ
phát triển và dân số không định trước.
Những đô thị khác đều thuộc loại đô thị tự nhiên phát
triển (villes spontanées).
A - Nhận xét về nguyên do thiết lập “Đô thị mới” tại
Anh quốc và tại Hoa Kỳ:
Tất cả khởi sự từ Anh quốc.
Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã khởi sự trước tiên tại đây
và đô thị phát triển một cách hỗn loạn với những hậu quả tai hại cho đời sống
đen tối của người công nhân như người ta đã biết.
Phản ứng tất nhiên phải phát sinh tại Anh.
Cuối thế kỷ 19, nhà xã hội học Ebenezer Howard đã đề
cao đời sống gần thiên nhiên chống lại đời sống chật vật và tăm tối giữa đô thị
kỹ nghệ. Sơ đồ một đô thị lý tưởng được ông phác họa, hình bánh xe với những đại
lộ vòng tròn bao quanh trung tâm đô thị và những vòng đai xanh dành riêng cho
những cơ sở công cộng.
Để thực hiện lý tưởng “đô thị công viên” (Cité-jardin)
nầy, hai đô thị mới Letciworth và Welwyn được xây cất trong vùng ngoại ô Luân
Đôn, nhưng luồng sóng đô thị chỉ thực sự phát động mạnh tại Anh quốc sau đệ nhị
thế chiến với khoảng 15 đô thị vệ tinh (villes satellites) do chánh quyền chủ
trương và thực hiện.
Ý nghĩa đô thị mới tại Anh quốc nhằm giới hạn và kiểm
soát sự phát triển lan rộng và hỗn loạn của những đại đô thị. Nhưng hiện nay
người ta nhận thức rằng không một sức mạnh nào có thể ngăn cản được áp lực bành
trướng của đô thị. Những kế hoạch giải tỏa đô thị, phân tán kỹ nghệ đã tỏ ra
khó thực hiện hoặc kém hữu hiệu.
Với những đô thị mới tại Hoa Kỳ như Reston hoặc
Columbia, v.v..., một phong trào nhằm cải tiến toàn diện đời sống đô thị đã khởi
sự.
Đô thị mới có tánh cách thí nghiệm: với một kế hoạch
và một họa đồ đã được nghiên cứu đầy đủ trước, với một vị trí chọn lựa thích ứng
sau khi thực hiện xong toàn diện, đô thị mới sẽ đem lại cho người dân một khung
cảnh hoàn toàn mới, loại hẳn những bất tiện và phiền phức của một đô thị thông
thường. Tại đây sẽ không có cảnh kẹt xe hàng giờ, người đi bộ sẽ tự do xê dịch
trong phạm vi dành riêng cho mình, cơ sở công cộng và giải trí đầy đủ, không
khí trong lành, sự sinh hoạt tiện lợi và thoải mái.
Điểm đặc biệt là công trình to tát này từ đầu đến cuối
đều do tư nhân đảm nhận. Những tiện nghi hoàn mỹ và những gia cư dành riêng cho
giới có lợi tức khiêm nhượng đòi hỏi nhiều phí tổn, do đó công cuộc đầu tư
không nhất thiết đem lại kết quả tốt về phương diện lợi tức.
Những công trình tương đương đã được thực hiện tại Phần
Lan và Thụy Điển đều do những chánh quyền có xu hướng xã hội chủ trương.
“Đô thị mới” Tây phương phải chăng là một giải đáp
tương lai cho bài toán đô thị cận đại?
Nhiều dấu hiệu cho thấy bài toán đã được đặt ra và giải
quyết ít nữa trên nguyên tắc. Những vùng đô thị khổng lồ đã được phác họa trong
đó đô thị mới chỉ là một tế bào.
Người ta có thể tin tưởng rằng rồi đây đô thị sẽ phát
triển mạnh và đời sống đô thị sẽ được cải thiện nếu những xã hội tiến triển muốn
tồn tại.
B – Kinh nghiệm “Đô thị mới “ Tây phương giúp cho Việt
Nam được gì?
Một vài đô thị lớn tại Việt Nam đã có những triệu chứng
khủng hoảng y như đô thị Tây phương trong thời gian qua: dân số vùng Saigon –
Chợ Lớn - Gia Định không ngớt gia tăng và hiện lên 2 triệu. Trung tâm Saigon
quá đông đảo, mật độ dân cư quá cao, người ở chồng chất, thiếu điện, điện thoại,
việc cung cấp nước chưa hoàn tất, vấn đề đổ rác yếu kém. Điển hình là nạn kẹt
xe: giờ đến và giờ tan sở, trên những trục lộ chính, hàng đoàn xe dồn đống, mọi
trục trặc bất thường làm tê liệt sự di chuyển.
Tình trạng khủng hoảng nhiều khi còn trầm trọng hơn
Tây phương gấp bội: chuyên chở công cộng hình như không có, những xóm lao động,
những khu ổ chuột chiếm một tỷ lệ khó tưởng tượng nếu có kiểm kê.
Những lỗi lầm mà đô thị Tây phương phạm phải cách nay
hơn một thế kỷ, hiện đô thị Việt Nam đang lâm vào một cách đương nhiên và dửng
dưng. Đáng lẽ chúng ta thấy trước và tìm biện pháp phòng ngừa; chúng ta còn có
thể rút kinh nghiệm Tây phương để đốt giai đoạn.
Một vài giải pháp theo khuôn mẫu Tây phương đã được áp
dụng: đèn báo hiệu xanh đỏ tại ngã tư đường, chỗ đậu xe trả tiền trong trung
tâm đô thị, cầu nổi để người đi bộ qua đường. Một vài thực hiện đã giúp ích một
cách hữu hiệu cho sinh hoạt thủ đô như hệ thống cung cấp nước Đồng Nai, Xa Lộ
Biên Hòa đã giúp rất nhiều, mà ít người nhận thấy, vào việc giải tỏa và phát
triển thủ đô về hướng Bắc.
Khu kỹ nghệ Biên Hòa là một thực hiện có kết quả tốt về
nhiều phương diện mặc dầu còn thiếu vài yếu tố để phát triển mạnh hơn. Những cư
xá hiện đang mọc lên nhiều nơi trong vùng ngoại ô không phải là một giải pháp tốt
để phát triển đô thị, đó chỉ là một giải pháp cấp thời để giải quyết vấn đề gia
cư. Một khu Đại học kiểu mẫu theo lối campus Âu Mỹ hiện đang tiến triển một
cách chậm chạp cạnh xa lộ và không biết bao giờ mới hoàn tất nếu có thể hoàn tất
được.
Tất cả thực hiện trên đều lủng củng, có tánh cách cục
bộ, hiệu quả không đồng đều và không nằm trong một kế hoạch toàn bộ.
Một đô thị vệ tinh theo kiểu Anh quốc sẽ giải quyết một
phần lớn bài toán đô thị nhưng nó quá xa vời đối với Việt Nam. Chiến tranh đã
làm đô thị suy đồi rất nhiều, hiện tình chánh trị không phải là một yếu tố thuận
tiện để phát triển, nhưng nguyên nhân chính và sâu xa là tình trạng kém mở mang
của chúng ta.
Trong lúc Tây phương đang nói tới những trang bị giải
trí, đang loại trừ những nguồn gốc làm ô nhiễm không khí và nước, đang cải thiện
khung cảnh sinh sống thì chúng ta còn đang lo cái ăn, cái mặc và chưa bao người
nghĩ đến cái ở. Hố cách biệt quá sâu và những giải pháp đã tỏ ra hữu hiệu tại
Tây phương không nhất thiết thích hợp với xã hội Việt Nam.
Trong chế độ tự do, chỉ những quốc gia giàu mạnh mới
có được một chương trình đô thị hóa hữu hiệu. Vài trường hợp ngoại lệ thường được
nhắc tới như Brasilia và Chandigard, hai thủ đô tân tiến nhất đã được thực hiện
tại những quốc gia còn đang trong thời kỳ mở mang. Những thủ đô mới này đã được
thiết lập vì lý do chánh trị và đã nặng về phương diện uy tín nhiều hơn là
phương diện thực tế.
C - Một con đường hoàn toàn Việt Nam để sáng tạo đô thị
Trong quá khứ gần đây, Việt Nam đã có vài đô thị mới
như Chương Thiện, Hậu Nghĩa và Tam Kỳ. Thị xã Cam Ranh vừa mới được thiết lập.
Những đô thị nầy, đúng ra là đô thị mới sáng lập chớ không có nghĩa “đô thị mới”
theo quan niệm đã nói ở trên.
Hậu chiến là một thời kỳ tái thiết và phát triển trong
đó đô thị sẽ đóng một vai tuồng quan trọng. Nếu kinh tế hậu chiến đặt nông nghiệp
lên hàng chánh yếu thì đô thị mới, nếu có, sẽ là những Chương Thiện, những Hậu
Nghĩa mới đi đôi với những công cuộc khẩn hoang và di dân lập ấp.
Người ta không thể đòi hỏi những trung tâm hành chánh
địa phương và những chợ nông nghiệp này một sự phát triển quá với khả năng của
nó. Nhưng với 10.000 dân hiện nay của Chương Thiện, người ta có thể tạo lập được
một đô thị tốt nếu khởi đầu công việc nghiên cứu được chín chắn hơn và việc thực
hiện được theo dõi kỹ càng hơn.
Đô thị phụ cận hay “đô thị vệ tinh” vẫn là một giải
pháp tốt đẹp để chỉnh trang đô thị với điều kiện là một khu kỹ nghệ phải được
thiết lập kế cận. Nếu tất cả kỹ nghệ phát triển trong tương lại được tập trung
tại đó thì việc kiểm soát ô nhiễm sẽ dễ dàng hơn.
Chỉ có chánh quyền mới đủ phương tiện thực hiện một đô
thị mới và chỉ có chánh quyền mới thực hiện được những cơ sở công cộng, những
công tác hạ tầng cơ sở. Tư nhân có thể khai thác những khu gia cư đã được dự
trù trước thay vì để cho họ chia lô và đầu cơ một cách vô trật tự như hiện thấy.
Trở ngại lớn lao sẽ là phương tiện: một chánh quyền nếu
chưa lo xong no cơm ấm áo cho dân thì làm gì có đủ ngân khoản to lớn để thực hiện
một đô thị?
Người ta không lấy làm lạ tại sao có những cư xá không
bao giờ hoàn tất với những nhà vừa cất xong đã có người đến ở trong lúc chưa có
điện, chưa có nước, đó là chưa nói tới chợ búa, trường học, cơ sở giải trí. Tất
cả những gia cư đã thực hiện xong chưa đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu gia
tăng dân số.
Có thể trông cậy vào viện trợ hoặc đầu tư ngoại quốc
chăng? Nhưng viện trợ chỉ có tánh cách hạn chế và nhiều khi không đi đúng với
nhu cầu thiết thực. Đầu tư ngoại quốc chỉ đến khi một nền kinh tế ổn định và
lành mạnh đã được chứng minh.
Chúng tôi không muốn kết luận bằng một sự bi quan tiêu
cực. Chúng ta còn có thể làm một cái gì đó để cho đời sống đô thị được khả quan
hơn.
Có lẽ động lực chính là một vấn đề ý thức.
Bao giờ cấp lãnh đạo hiểu rằng cai trị một đô thị là
quản trị một xí nghiệp, chỉnh trang một đô thị không phải trang hoàng mặt tiền
một vài đại lộ để có vẻ đẹp bề ngoài, cũng không phải dựng những bức tượng thô
sơ giữa những công trường, mà cải thiện tiện nghi và sinh hoạt của đô thị.
Thực hiện một vài cư xá, mở rộng một hai con đường
không giải quyết được gì; phải có chương trình, phải có kế hoạch toàn bộ và cơ
quan có thẩm quyền và phương tiện để thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Phương tiện
càng ít, sự nghiên cứu càng phải được thi hành đúng mức và chín chắn để tránh
phí phạm và sai lầm.
Không cần phải thực hiện những công trình đại quy mô
và ngoạn mục lẻ loi nếu xét ra không cần thiết. Trong lúc chưa có nhiều phương
tiện, chúng ta có thể làm được rất nhiều: Việt Nam sẽ làm một cuộc cách mạng đô
thị vĩ đại nếu thực hiện được hai việc sơ đẳng: sạch sẽ và trật tự.
Sạch sẽ trong đô thị để không còn những núi rác bên lề
đường, để cống rãnh không ứ nghẹt và hôi thúi, để công viên được xanh tươi.
Trật tự để không có việc chiếm ngụ và xây cất bừa bãi,
để đại lộ và lề đường được quang đãng không còn đầy chướng ngại vật, trật tự để
lưu thông được dễ dàng.
Tất cả đều do chính chúng ta.
Huỳnh Kim Mãng
[Trích lục tuyệt đối bởi NNS từ Tạp Chí Đối Thoại,
phát hành năm 1972 bởi Trung tâm Văn hóa Mỹ tại Sài Gòn.]
Thông tin thêm: Bài tham luận của Kiến trúc sư – đô thị
gia Huỳnh Kim Mãng là bài tham luận duy nhất của học giả Việt Nam trong tạp chí
Đối Thoại 1972. Danh mục các bài tham luận/ phỏng vấn gồm có:
- Ý tưởng chống thực tế - Edward P. Eichler và Bernard
Norwitch
- Hai kinh nghiệm Mỹ quốc – Wolf Von Eckardt
- Kinh tế các tân đô thị tân lập – Anthony Downs
- Chính trị các tân đô thị – Edward L. Logue
- Viễn tượng “Đô thị mới” tại Việt Nam – Huỳnh Kim
Mãng
- Họa sĩ của đô thị - James R. Mellow
- Thiết kế tương lai điện kỹ - Zbigniew Brezinski
- Làm xanh nước Mỹ - Peter L. Berger và Brigitte
Berger
- Thực tại luận và tiểu thuyết – John Updike
- Một người thế hệ tôi – John Updike
-Tien Dzung Le Mới kể chuyện Thầy cho tụi tôi giấy can, máy chụp hình, phim ảnh để đi làm đồ án tốt nghiệp với ae KT ở Văn Thánh ...Thầy rất thương học trò của mình...Sau 75 Thầy được cử đi Nga, thầy khg muốn đi nhưng cũng đi và khi về tụi tôi được nghe nhiều lắm về bên đó...
-Tony Trung Truc Vo Thay HK Mang cung la GS huong dan do an tot nghiep cua toi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.