Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Quy hoạch Đà Lạt 2014


Diện tích Đà Lạt tương lai sẽ tương đương Hà Nội

TTO - Sáng 4-7, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng về việc “Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó, Đà Lạt trong tương lai sẽ có diện tích tương đương Hà Nội với 335.930ha gồm Đà Lạt hiện hữu và các đô thị vệ tinh nằm trong địa giới của các huyện lân cận như Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng và Lâm Hà với khoảng 700.000 dân. Theo quy hoạch điều chỉnh, Đà Lạt tương lai sẽ có diện tích gấp 10 lần hiện tại.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết đồ án quy hoạch điều chỉnh được nghiên cứu theo hướng xây dựng Đà Lạt tương lai thành đô thị loại 1 trực thuộc trung ương.
Theo ông Tâm, quy hoạch mới không nhằm mở rộng ranh giới hành chính của Đà Lạt tương tự tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội mà xác định những vùng đất tương đồng với Đà Lạt về mặt thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện phát triển kinh tế để mở rộng môi trường đầu tư cho Đà Lạt và vùng phụ cận. Đồng thời, tạo nên những đô thị vệ tinh hỗ trợ cho sự phát triển của Đà Lạt và lẫn nhau. Cạnh đó là xây dựng cơ chế đặc thù áp dụng chung cho Đà Lạt và các đô thị vệ tinh.
Theo đồ án, đến năm 2030 Đà Lạt trở thành một đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế gồm sáu đô thị vệ tinh lấy Đà Lạt hiện hữu là trung tâm, các đô thị còn lại đảm nhiệm các chức năng như trung tâm thương mại, vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng du lịch sinh thái… Đà Lạt tương lai được quy hoạch hội tụ các yếu tố để liên kết phát triển cùng các tỉnh Đông Nam bộ và duyên hải miền Trung.
Ths.KTS Thierry Huau (phải) cùng cộng sự bên lề chương trình công bố quy hoạch Đà Lạt mở rộng - Ảnh: MAI VINH
Tại buổi công bố, một vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển các công trình kiến trúc cổ trong quá trình triển khai quy hoạch đã được đặt ra. Ông Tâm giải thích một trục di sản sẽ hình thành dọc con đường Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương để dễ dàng quản lý và sử dụng hợp lý. Trục di sản này sẽ trở điểm kết nối các không gian khác của Đà Lạt trong tương lai như nhà hàng, khách sạn, công viên cây xanh. Ông Tâm cho rằng sau khi quy hoạch được công bố, tỉnh Lâm Đồng sẽ mời các chuyên gia từ Pháp chuyên về bảo tồn kiến trúc cổ của Pháp để giúp Đà Lạt.
Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do  Ths.KTS Thierry Huau và nhóm chuyên gia quy hoạch tại Pháp thực hiện với sự phản biện của các cơ quan chuyên môn quy hoạch trong nước. Tại chương trình công bố, ông Thierry Huau cũng nhấn mạnh về việc hình thành trục di sản tại Đà Lạt hiện hữu và tương lai. Ông nói: “Trên nền của quy hoạch, chúng ta sẽ thiết kế lại không gian của trục di sản từng bước một, làm sao đảm bảo tính kết nối với các không gian công cộng khác”.
Ông Thierry Huau cho rằng cần cải tạo không gian xung quanh khu vực chợ Đà Lạt và khu Hòa Bình. Ông nói: “Đây là cơ hội để thay đổi hình ảnh cũ kỹ của khu vực này, biến khu vực này trở thành điểm kết nối quan trọng với các khu phố xung quanh”.
Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất nông sản chất lượng cao xuất khẩu sang các nước phát triển - Ảnh: MAI VINH
Về quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, ông Thierry Huau góp ý cần nhìn nhận sản lượng sẽ thấp xuống nhưng chất lượng cao lên và đổi lại chúng ta sẽ có một Đà Lạt phát triển đúng tầm.
Ông nói: “Tầm nhìn đẹp hướng về Lang Biang đang bị chắn bởi các khu nông nghiệp với hàng loạt nhà lưới, nhà kính. Chúng ta cần nhìn lại về việc phát triển nông nghiệp trong lòng đô thị. Đà Lạt tương lai phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, cải tạo đất đai đã bị ô nhiễm. Tái tạo những thung lũng nhà kính thành những thung lũng hoa, thung lũng nông nghiệp xanh. Chúng ta sẽ lấy một thung lũng nào đó để thí điểm mô hình mẫu trước khi tiến hành đại trà điều này".
Bà Phan Thị Mỹ Linh, thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng hiện nay hình ảnh rừng trong thành phố bị tổn hại bởi công tác quản lý quy hoạch không hợp lý. Sắp tới việc triển khai đồ án quy hoạch mở rộng, sau khi có cơ chế đặc thù cần siết chặt công tác quản lý đất đai và xây dựng để cải tạo hình ảnh thành phố trong rừng - rừng trong thành phố.
Ngay sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng công bố điều chỉnh quy hoạch, các địa phương nằm trong vùng quy hoạch gồm TP Đà Lạt, các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà sẽ tiến hành công bố và trưng bày đồ án quy hoạch để người dân tham quan. Trước khi trình Chính phủ phê duyệt, đồ án này được đưa qua  Pháp để các chuyên gia tư vấn, đánh giá tính khả thi.  
 MAI VINH


Quy hoạch điều chỉnh Đà Lạt
http://www.baomoi.com/Xay-dung-Da-Lat-thanh-do-thi-loai-I-truc-thuoc-Trung-uong/148/14229638.epi

Ngày 4/7, tỉnh Lâm Đồng công bố Quyết định số 704 ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một góc thành phố Đà Lạt. (Nguồn: TTXVN)



Theo quy hoạch điều chỉnh, Đà Lạt được xây dựng thành đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, đủ điều kiện trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh việc điều chỉnh quy hoạch dựa trên chiến lược phát triển hệ thống đô thị của Việt Nam; Quy hoạch vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển thành phố Đà Lạt.

Mục tiêu chủ yếu là phát triển thành phố Đà Lạt nhanh và bền vững, hướng đến một thanh phố văn minh, thân thiện, đặc thù theo chuỗi đô thị với mô hình: thành phố trong rừng, rừng trong thành phố.

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận gồm thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930ha, dân số hiện tại gần 530.000 người. Trong đó, thành phố Đà Lạt có diện tích 39.440ha với dân số 212.000 người.

Dự kiến đến năm 2030 dân số của vùng đạt từ 700.000-750.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 500.000 người, tỷ lệ đô thị hóa từ 60-70% và thu hút khoảng 9-10 triệu khách du lịch.

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và tập trung cho ba khu vực với vùng phát triển đô thị khoảng 11.600ha, gồm trung tâm thành phố Đà Lạt và các đô thị chia sẻ chức năng, đô thị vệ tinh Liên Nghĩa-Liên Khương (huyện Đức Trọng), Finôm-Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), Lạc Dương (huyện Lạc Dương), Đ’ran (huyện Đơn Dương), Nam Ban (huyện Lâm Hà) và Đại Ninh (huyện Đức Trọng).

Vùng phát triển nông nghiệp và nông thôn có tổng diện tích 73.000ha, tập trung tại Đà Lạt và các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương.

Vùng bảo tồn phát triển rừng có tổng diện tích 232.000ha nằm tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng.

Đà Lạt đã trải qua quá trình hơn 120 năm hình thành và phát triển, hiện là thành phố đô thị loại I, thủ phủ tỉnh Lâm Đồng với quy mô trên 3.359km2.

Đà Lạt và vùng phụ cận có tính chất là trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế-văn hóa, khoa học-kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục-đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; trung tâm văn hóa-nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước./.

Quy hoạch Đà Lạt to hơn thủ đô!

TT - Một Đà Lạt hiện hữu không bằng 1/8 so với quy hoạch, nhưng lâu nay cũng đã bị chê là lộn xộn, bát nháo. Vì vậy không ít người lo khi Đà Lạt quy hoạch với diện tích lớn hơn cả thủ đô (đã mở rộng) thì sẽ quản lý như thế nào?
Đà Lạt và vùng phụ cận vừa được quy hoạch đến năm 2030 rộng gấp 8,5 lần hiện nay, to hơn cả thủ đô Hà Nội. Tại sao có quy hoạch này? Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến.
Kiến trúc sư (KTS) Trần Đức Lộc - trưởng phòng quy hoạch kiến trúc Sở Xây dựng Lâm Đồng - là người tiếp cận trực tiếp từ lúc khởi đầu của những đồ án quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận lần đầu tiên từ năm 1994 đến nay. Ông Lộc cho biết: “Rất nhiều người hỏi tại sao mở rộng Đà Lạt lên hơn 8 lần như vậy? Thật ra thì 8 hay 10 lần là cách mà mọi người tính toán, còn đối với những người làm quy hoạch thì đây là một sự lựa chọn cao trình phù hợp cho một Đà Lạt trong tương lai. Đầu tiên, chúng tôi chọn độ cao 1.000m cho Đà Lạt tương lai, sau đó tiếp tục đi và vẫn tiếp tục còn khí hậu lạnh tương đồng và đi mãi, đi mãi, sự lựa chọn cuối cùng là ở độ cao 850m so với mặt nước biển. Chính độ cao ấy đã quyết định một quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận được công bố như bây giờ. Nó không liên quan đến địa giới hành chính hay khoanh vùng về hạn chế diện tích của một Đà Lạt trong tương lai”.
* Thưa ông, như vậy việc quy hoạch trong trường hợp này không dựa trên cơ sở địa lý hành chính?
- Giữa tư duy quản lý hành chính và tư duy quy hoạch luôn có một biên độ nhất định. Câu chuyện quy hoạch là nhìn về tương lai, quản lý hành chính là cái đang diễn ra trong hiện tại. Khi làm việc, KTS người Pháp Thierry Huau nhắc đi nhắc lại về suy nghĩ của mình: “Bản đồ quy hoạch này là thể hiện ước mơ với những luận cứ khoa học rõ ràng. Phần thực hiện phải cần một cơ chế thích hợp và nỗ lực đi tìm nguồn lực”. Người làm quy hoạch mà bị lệ thuộc ranh giới hành chính thì anh không thể vượt ra khỏi hiện thực để hướng tới ước mơ.
* Vậy tại sao Đà Lạt phải có những quy hoạch mang tên “Đà Lạt và vùng phụ cận”?
- Từ năm 1994 cho tới nay, Đà Lạt đã có tới ba đồ án về “Đà Lạt và vùng phụ cận”. Năm 1994, quy hoạch “Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2010”; năm 2002 có tiếp một quy hoạch “Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020” và lần này, “Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch mới này khởi nguồn một mục tiêu xa hơn, rõ ràng hơn.
Năm 1994, tôi tham gia bản quy hoạch đầu tiên và có một điều tôi ngạc nhiên cho tới bây giờ là câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày ấy. Ông nói đi nói lại: “Đà Lạt không thể phát triển được nếu không có một vành đai và ngược lại, khu vực vành đai phát triển được phải nhờ vào động lực từ Đà Lạt”. Lúc đó trong vai trò trưởng phòng quy hoạch, tôi không hiểu làm sao một đồ án quy hoạch lại có thể vượt khỏi ranh giới quản lý hành chính. Năm 1994 và 2002, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt hai đồ án “Đà Lạt và vùng phụ cận”. Vai trò của hai đồ án này là làm thông thương hệ thống hạ tầng, kết nối Đà Lạt với các địa phương khác (Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, TP.HCM... bằng những quốc lộ, bằng sân bay Liên Khương...) và kết nối những “vùng phụ cận” của Đà Lạt một cách tự nhiên. Khi Đà Lạt thông đường 723 nối Nha Trang và Đà Lạt qua đèo Khánh Vĩnh, sân bay Liên Khương kết nối đường hàng không Đà Lạt thì quá trình thay đổi nhanh chóng diễn ra. Và ngay cả Đà Lạt, sân bay Liên Khương cộng với đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt đã biến vùng Đức Trọng thành một cánh tay nối liền Đà Lạt.
* Ý ông nói sự kết nối tương lai là không có ranh giới hành chính?
- Chính xác. Yếu tố địa hình cảnh quan thời tiết, khí hậu, môi trường... sẽ quyết định nơi người ta đến. Đó là lý do vì sao bản đồ án này chọn cao trình 850m chứ không phải ranh giới hành chánh. Tôi nuôi cá tầm, rau, hoa... không nhất thiết phải đến Đà Lạt. Muốn trồng atixô, có cần vào trung tâm Đà Lạt không? Dalat Hasfarm trồng hoa hay nuôi bò sữa hiện tại đâu nhất thiết phải chỉ ở Đà Lạt - họ đã sang Đơn Dương, Đức Trọng. Và trong tương lai, một TP Đà Lạt hiện đại không thể đầy ắp nhà kính trồng rau hoa, nó phải được dần chuyển sang vùng phụ cận nhưng vẫn chính là thương hiệu rau, hoa... Đà Lạt. Như thế, từ tiền đầu tư cho tới sự ổn định về môi trường, chất lượng sản phẩm... đều được bảo đảm. Những người làm du lịch không thể nghĩ rằng Lang Biang không phải là Đà Lạt mà chỉ thuộc huyện Lạc Dương... Thương hiệu Đà Lạt không thể chỉ được “định danh” trong 39.000ha như Đà Lạt hiện hữu nữa.
Thói quen ta hay nói tắt “Quy hoạch Đà Lạt” làm cho mọi người tưởng nó là quy hoạch hành chính. Thật ra đồ án không phải là quy hoạch ranh giới hành chính Đà Lạt mà mở ra một không gian kết nối để tận dụng tối đa thế mạnh về thương hiệu Đà Lạt, về môi trường, văn hóa xã hội mang tính tương đồng ở độ cao 850m so với mặt nước biển. Một trong những lý do mà Đà Lạt phải thuê KTS người Pháp, ngoài việc kết nối không gian nước Pháp với di sản văn hóa của Đà Lạt, còn một lý do khác: khi làm quy hoạch, những KTS này không bị giới hạn về địa lý hành chính như chúng ta.
* ThS.KTS THIERRY HUAU (chuyên gia quy hoạch đô thị người Pháp, một trong những tác giả của đồ án):
Thiết kế lại vườn địa đàng
Trong quá khứ, người Pháp quy hoạch Đà Lạt theo hướng lấy trung tâm là hồ Xuân Hương và mở rộng tầm nhìn về hướng Lang Biang. Điều này đã bị xâm phạm và bây giờ phải khắc phục rất vất vả để tầm nhìn đó trở lại. Đà Lạt không nên có những khu nhà quá lớn, những khối bêtông gây choáng ngợp. Trong đồ án quy hoạch, chi tiết này chúng tôi có nhắc tới. Tôi khuyến nghị chính quyền phải tuân thủ chặt chẽ đồ án quy hoạch mới này, tránh để lại những hậu quả tương tự. Nông nghiệp quy hoạch không đúng cách đã khiến “vườn địa đàng” Đà Lạt bị ảnh hưởng nặng. Đất đai, nước bị ô nhiễm. Trong đồ án, tôi đã chỉ ra rằng phải xây dựng nông nghiệp xanh công nghệ cao, dời những khu nhà lưới, nhà kính ra khỏi những thung lũng để trả lại những khoảng xanh.
Đà Lạt sẽ thay đổi nhiều theo hướng cảnh quan được thiết kế lại xanh hơn. Các vùng nông nghiệp có nguy cơ gây ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch được dời ra những vùng vệ tinh. Về đầu tư thương mại và phát triển dân số cũng vậy, tập trung ở các đô thị vệ tinh. Các khu dân cư mới ở đô thị vệ tinh cũng được định hướng những làng sinh thái. Đà Lạt đóng vai trò một thành phố lịch lãm kéo du khách về nhưng đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng thì các đô thị vệ tinh cùng giải quyết.
KTS NGÔ QUANG HÙNG (giám đốc Phân viện Nghiên cứu quy hoạch đô thị và nông thôn miền Nam):
Mở rộng để bảo vệ Đà Lạt hiện hữu
Một đô thị nhỏ như Đà Lạt không thể gánh quá nhiều chức năng du lịch, thương mại, nông nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận theo hướng mở rộng là để bảo vệ chính Đà Lạt hiện hữu đang mang trong mình rất nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Mở rộng Đà Lạt trong tương lai về hướng vùng phụ cận sẽ mở rộng môi trường đầu tư phát triển kinh tế, giảm áp lực gia tăng dân số, đảm bảo cho Đà Lạt phát triển hài hòa. Đà Lạt có còn là chính mình hay không còn phụ thuộc vào các vùng phụ cận. Điều chỉnh quy hoạch lần này cũng là để bảo vệ Đà Lạt hiện hữu trên cơ sở bảo vệ các vùng phụ cận có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng.
* Nhà điêu khắc PHẠM VĂN HẠNG:
Mở rộng thì đơn giản...
Tôi từng nghe tin quy hoạch Đà Lạt loáng thoáng trước đó vài năm, còn chính thức thì vừa nghe cách đây mấy ngày. Tôi không dám vui mừng. Nếu vui mừng thì sẽ bằng lòng, chúng ta nên lo thì mới mong được phát triển. Thực chất mà nói ngay trong Đà Lạt hôm nay cũng đã “lôm côm”. Cần hiểu rằng mở mang Đà Lạt rộng lớn ra thì đơn giản, nhưng việc quản lý và xây dựng một Đà Lạt như thế nào mới là vấn đề đáng đặt ra cho các nhà lãnh đạo.
Ai cũng biết Đà Lạt mang đậm kiến trúc của Pháp, được mệnh danh là “tiểu Paris”. Trước kia, những KTS Pháp đến đây quy hoạch là do ước mơ của những nhà lãnh đạo ngày hôm nay. Hãy làm Đà Lạt hiện tại ổn định quy hoạch trước khi mở rộng Đà Lạt. Việc quy hoạch cho tương lai phải gắn liền với thiên nhiên, sinh thái, ấy là thứ vô giá hiếm nơi nào như Đà Lạt được sở hữu. Ai phá bỏ thiên nhiên thì người ấy có tội với Đà Lạt. Tôi nghĩ rằng Đà Lạt nên đô thị hóa theo phong cách sinh thái, nhà nhà có vườn, phố phố có hoa, con đường có cây xanh.
Gấp 8,5 lần hiện nay, rộng hơn cả Hà Nội
Sau lễ công bố quyết định của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh “Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vào ngày 4-7, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chuẩn bị các bước để giới thiệu đồ án đến người dân tại Đà Lạt và các huyện có liên quan. Định hướng đến năm 2030, Đà Lạt và vùng phụ cận phát triển trở thành vùng đô thị loại 1 trực thuộc trung ương.
Theo quyết định này, phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930ha (lớn hơn cả Hà Nội bây giờ và hơn 8,5 lần Đà Lạt hiện hữu là 39.440ha), dân số khoảng 529.000 người. Mục tiêu đến năm 2030 Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Dự báo đến năm 2020, vùng đô thị này có khoảng 650.000 dân và tăng lên khoảng 750.000 dân vào năm 2030.
Theo đồ án, Đà Lạt tương lai sẽ gồm sáu đô thị vệ tinh lấy Đà Lạt hiện hữu là trung tâm. Đà Lạt (5.900ha) là đô thị đảm nhiệm chức năng của một trung tâm hành chính, nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc. Quy hoạch điều chỉnh chỉ ra mô hình phát triển và cấu trúc không gian cho Đà Lạt và vùng phụ cận trong tương lai. Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ phát triển theo các tuyến xuyên tâm và hướng tâm kết nối với TP.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên.
Ngoài Đà Lạt và đô thị trung tâm với vai trò là trung tâm hành chính, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, các đô thị vệ tinh được xác định: huyện Đức Trọng sẽ hình thành các khu đô thị là Liên Nghĩa - Liên Khương (2.600ha) và Fi Nôm - Thạnh Mỹ (1.700ha), Đại Ninh (350ha) và được định hướng trở thành trung tâm thương mại, giải trí và phát triển kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao; huyện Lâm Hà với đô thị Nam Ban (500ha) sẽ là trung tâm du lịch hỗn hợp, chế biến nông sản, công viên chuyên đề nông nghiệp công nghệ cao; huyện Đơn Dương sẽ hình thành đô thị Đ’Ran (350ha) có chức năng phát triển du lịch cảnh quan hồ; đô thị Lạc Dương (300ha) sẽ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ.
NHÓM PV - CTV

Phát triển theo mô hình chuỗi đô thị liên kết

(SGGPO).- Ngày 4-7, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định phê duyệt phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung của Đà Lạt và vùng phụ cận, bao gồm: thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, và một phần huyện Lâm Hà.
Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ được phát triển theo mô hình chuỗi đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp, phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa, lịch sử.
Dự báo phát triển vùng đô thị Đà Lạt đến năm 2030 sẽ có khoảng 700-750 ngàn người, trong đó khoảng 70- 80 ngàn người được quy đổi từ khách du lịch. Dân số đô thị khoảng 450-500 ngàn người, trong đó khoảng 40 ngàn người được quy đổi từ khách du lịch. Tỷ lệ đô thị hóa từ 60-70%; khách du lịch khoảng 9-10 triệu người.
Bình Nguyên
>> Đến năm 2030, xây dựng Đà Lạt thành đô thị đẳng cấp quốc tế 

QĐND - Thứ sáu, 04/07/2014 | 10:27 GMT+7
QĐND Online -  Sáng 4-7, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định, đến năm 2030, thành phố Đà Lạt sẽ bao gồm toàn bộ diện tích của Đà Lạt hiện nay cộng với các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần của huyện Lâm Hà, tổng diện tích tự nhiên gần 336.000 ha (tương đương diện tích Thủ đô Hà Nội), dân số khoảng 750.000 người.
Quang cảnh buổi lễ công bố
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Đà Lạt sẽ phát triển theo mô hình chuỗi đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm, kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa-lịch sử; đóng vai trò là trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế-văn hóa, khoa học-kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục-đào tạo và chuyển giao công nghệ mang tầm quốc tế.
Bản đồ quy hoạch Đà Lạt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Quyết định điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt của Thủ tướng Chính phủ lần này là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội tốt nhất để Đà Lạt phát triển. Tuy nhiên, quyết định cũng đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương phải tiếp tục cụ thể hóa bằng các đồ án quy hoạch chi tiết, những kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn với một bộ máy điều hành có năng lực, trách nhiệm và chuyên nghiệp”.
Tin, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Đà Lạt (28/03/2014 )
Bộ Xây dựng đã tổng hợp các ý kiến Bộ, Ngành hoàn chỉnh hồ sơ Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch Vương Anh Dũng:
Về ý kiến đề nghị cân nhắc phạm vi lập quy hoạch và ranh giới thành phố: Bộ tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa nội dung “...khu vực thành phố Đà Lạt, 03 huyện và một phần diện tích huyện Lâm Hà với diện tích 3308,28 km2...’ là phạm vi nghiên cứu quy hoạch không phải là ranh giới lập quy hoạch, đảm bảo phù hợp với chủ trương Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Công văn số 3697/VPCP-KTN ngày 1/6/2010 của Văn phòng Chính phủ. Về đề xuất ranh giới mới thành phố Đà Lạt sẽ được bổ sung vào yêu cầu nghiên cứu và làm rõ trong quá trình lập đồ án quy hoạch.
Về ý kiến cân nhắc mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương: Tiếp thu ý kiến và không đưa nội dung này vào mục tiêu phát triển của thành phố Đà Lạt.
Về nội dung quy hoạch cần gắn với quy hoạch phát triển giáo dục thành phố Đà Lạt và vùng Tây Nguyên: Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, trong thuyết minh nhiệm vụ đã nêu rõ căn cứ pháp lý để lập quy hoạch bao gồm các quy hoạch ngành đã được phê duyệt, bao gồm cả quy hoạch phát triển giáo dục, đào tạo.
Về bổ sung chỉ tiêu và quy mô sử dụng đất dành cho giáo dục, y tế: Theo Quy chuẩn quy hoạch xây dựng, chỉ tiêu đất xây dựng đô thị đã bao gồm cả chỉ tiêu sử dụng đất cho các công trình giáo dục, y tế, thể dục thể thao, thương mại...
Về đề nghị bổ sung căn cứ lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020: Tiếp thu và bổ sung ý kiến này vào căn cứ pháp lý lập quy hoạch trong thuyết minh nhiệm vụ quy hoạch.
Về dự báo tỷ lệ đô thị hoá 60 – 70%, chỉ tiêu đất xây dựng đô thị từ 200 – 300 m2/người chưa làm rõ được chức năng đô thị sinh thái và đa dạng sinh học theo tính chất của đô thị: Việc dự báo tỷ lệ đô thị hóa 60%-70% là phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của thành phố Đà Lạt trong tương lai cũng như định hướng phát triển đô thị toàn quốc.
Để đảm bảo tính chất của thành phố Đà Lạt là đô thị sinh thái và đa dạng sinh học, nhiệm vụ quy hoạch đã đề xuất chỉ tiêu 200-300m2 /người. Tuy nhiên, tính chất đô thị sinh thái sẽ được làm rõ thông qua các giải pháp tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch.
Về đánh giá kỹ nguồn tài nguyên khoáng sản, để có giải pháp quy hoạch hợp lý, tránh thất thoát tài nguyên: Tiếp thu và bổ sung ý kiến này vào yêu cầu nghiên cứu trong nội dung đánh giá hiện trạng.
Về chỉ tiêu cấp nước công nghiệp, đề nghị nâng cao hơn 25m3/ha: Nhằm đảm bảo tính chất đô thị sinh thái, dự kiến trên địa bàn thành phố Đà Lạt ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, kỹ thuật cao, do đó chỉ tiêu 25 m3/ha là phù hợp với tiêu chuẩn cấp nước.
Về bổ sung yêu cầu nghiên cứu về cấp nước: Tiếp thu và bổ sung ý kiến này vào yêu cầu nghiên cứu các giải pháp về nguồn cấp nước;
Về giải pháp thoát nước gắn kết với quy hoạch giao thông, đảm bảo tính đồng bộ: Tiếp thu và bổ sung ý kiến này vào yêu cầu nghiên cứu hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Về xem xét mức độ ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh tại huyện Lạc Thủy và Đức Trọng: Tiếp thu và bổ sung ý kiến này vào yêu cầu nội dung đánh giá môi trường chiến lược.
Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt (07/04/2014 )
Bộ Xây dựng nhận đã thỏa thuận với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020 trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản:
Về các khu dân cư hiện đang tồn tại, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND thành phố Đà Lạt và các Sở, ban, ngành có liên quan xác định cụ thể ranh giới, quy mô, các yêu cầu và nguyên tắc kiểm soát phát triển đối với từng khu vực làm cơ sở triển khai lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng nhằm nâng cao điều kiện sống, từng bước ổn định đời sống dân cư. Thống nhất việc di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm và hoạt động kém hiệu quả ra ngoài trung tâm thành phố, chuyển vị trí một số cơ quan, công trình công cộng và chuyển chức năng một số khu vực để tạo quỹ đất xây dựng trung tâm hành chính tập trung, trung tâm văn hóa thanh thiếu niên, công trình công cộng, thương mại dịch vụ và dân cư đô thị.Việc bố trí các trường học, bệnh viện và bổ sung một số tuyến đường giao thông cần được nghiên cứu trong quá trình lập Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 để phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của thành phố Đà Lạt.
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng quyết định nội dung cụ thể việc điều chỉnh cục bộ sau khi lấy ý kiến cộng đồng theo quy định hiện hành, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan cập nhật các khu vực được điều chỉnh vào quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, tổ chức công bố, công khai, cắm mốc giới ngoài thực địa, lưu trữ hồ sơ đồ án và tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu vực điều chỉnh cục bộ theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.
Thống nhất nhiệm vụ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020 với những nội dung:
Về ranh giới nghiên cứu: theo ranh giới xác định của đồ án được duyệt theo Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 27/5/2002 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch 409), phạm vi nghiên cứu cụ thể gồm: 12 phường và 04 xã; vùng phụ cận bao gồm 4 huyện xung quanh Thành phố (các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà). Tổng diện tích đất là 96.914 ha, trong đó thành phố Đà Lạt là 39.104 ha vùng phụ cận là 57.810 ha.
Đồ án này chỉ điều chỉnh cục bộ các khu vực nằm trong phạm vi ranh giới hành chính thành phố Đà Lạt, không điều chỉnh các vùng phụ cận.
Về điều chỉnh ranh giới, quy mô các khu vực và bổ sung các điểm tái cư, điều chỉnh chức năng sử dụng đất ở nội dung của tờ trình cần xem xét phù hợp với Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 27/5/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình lập đồ án quy hoạch cần nêu rõ sự cần thiết phải điều chỉnh, tính pháp lý, phân tích những hiệu quả nhằm phát triển hạ tầng, kinh tế, xã hội và ổn định các khu dân cư ở đây.
Di chuyển một số điểm công nghiệp ra ngoài trung tâm: Công ty đan len APEX chuyển ra đường Đặng Thái Thân; Khu Trại nấm; Xí nghiệp chăn nuôi gà chuyển về điểm công nghiệp tập trung tại xã Tà Nung để khu vực này chuyển thành đất ở phục vụ nhu cầu tái định cư.

Nguyên tắc chung: Giữ nguyên các tính chất, định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan của Quy hoạch 409 đã phê duyệt. Đối với việc điều chỉnh ranh giới, quy mô, bổ sung một số điểm dân cư phục vụ cho công tác tái định cư, chỉnh trang đô thị và điều chỉnh chức năng các khu đất:

Cần phân tích, đánh giá hiện trạng, xác định rõ các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang để đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về sử dụng đất, giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đối với từng khu vực; giải pháp về cải tạo mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển.

Điều chỉnh cục bộ các khu vực nêu trên không làm thay đổi các định hướng phát triển lớn về kinh tế xã hội, cơ cấu sử dụng đất, bố cục không gian kiến trúc, bố trí mạng lưới hạ tầng kỹ thuật chính được xác định tại Quy hoạch 409 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với thành phố Đà Lạt cần lưu ýgiữ gìn cảnh quan kiến trúc, mật độ, chiều cao và bản sắc riêng của thành phố.

Đối với việc di chuyển một số điểm công nghiệp ra ngoài trung tâm: Vị trí mới xây dựng điểm công nghiệp mới phải đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sống của khu dân cư. Những điểm công nghiệp có thải chất độc hại, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải ở cuối hướng gió chính, cuối các dòng sông, suối so với khu dân cư.

Thẩm định đồ án 
Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt (16/04/2014 )

Ngày 01/08, Bộ Xây dựng đã tổ chức Thẩm định đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt (và vùng phụ cận) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ trưởng Trình Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong những năm qua Đà Lạt đã có bước phát triển mạnh, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị (ĐT) và nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng. Tuy nhiên TP cũng đã bộc lộ những bất cập trong quá trình phát triển. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh QHC nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của Đà Lạt và các khu vực xung quanh, làm sơ sở hoạch định không gian vùng của TP, đầu tư khai thác các nguồn lực cho hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Đà Lạt là TP du lịch, thành phố Festival hoa. Mục tiêu của đồ án điều chỉnh QHC là xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt thành một vùng ĐT đặc thù về khí hậu, cảnh quan, di sản kiến trúc và là trung tâm du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng chất lượng cao.
Để thực hiện đồ án, đơn vị tư vấn đã gắn sự phát triển không gian TP Đà Lạt với vùng phụ cận, đưa ra 02 ĐT vệ tinh có vai trò bổ trợ cho nhau, kết nối với một số ĐT sinh thái xung quanh để hỗ trợ cho sự phát triển của Đà Lạt, đưa Đà Lạt trở thành một đô thị không chỉ gắn với thiên nhiên mà còn là TP thiên nhiên gắn với ĐT.
Theo đánh giá của các chuyên gia Hội đồng thẩm định, đồ án đã được nghiên cứu kỹ, đưa ra các phương án có tính đột phá, tạo ra bước phát triển mới cho Đà Lạt. Tuy nhiên, cần có những biện pháp khống chế để tránh tập trung dân số tại khu vực trung tâm ĐT, không phá vỡ những địa hình đã có và cố gắng làm sao ít xâm phạm nhất đến rừng thông và các biệt thự…
Nhận định về đồ án, Bộ trưởng Trình Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự nghiên cứu nghiêm túc, công phu của đơn vị tư vấn. Theo Bộ trưởng, đồ án đã được nghiên cứu với phương pháp tiếp cận mới nhằm tạo tầm nhìn, mục tiêu phát triển cho Đà Lạt, phát huy, khai thác được các giá trị đặc thù về vị trí địa lý, cảnh quan, tài nguyên, văn hóa… Đồ án đã nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng ĐT, bảo vệ cảnh quan sinh thái, kiến trúc, những đặc thù của Đà Lạt. Đây không chỉ là trung tâm hành chính, kinh tế mà còn là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ.
Bộ trưởng chỉ đạo, tư vấn cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn chỉnh đồ án, làm rõ hơn nữa tính chất, chức năng của vùng phụ cần, vùng ảnh hưởng trực tiếp đến TP và nghiên cứu thêm các giải pháp về giao thông kết nối với các ĐT vệ tinh, nhất là giao thông công cộng. Đồng thời, bổ sung danh mục các dự án đầu tư, các chỉ tiêu về hạ tầng, và có quy chế quản lý cũng như lập kế hoạch phát triển ĐT trong trung hạn và dài hạn để cân đối các nguồn lực. Có chính sách đặc thù để TP thực hiện được QHC…
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cần chỉ đạo chủ đầu tư là Sở Xây dựng chỉ đạo tư vấn chỉnh sửa dưới sự kiểm soát của chủ đầu tư để đồ án cụ thể hóa được ý tưởng thành hiện thực và có báo cáo rõ những vấn đề chỉnh sửa.
( Baoxaydung)

http://www.dalatgis.vn/File_Upload/Picture/240303.jpg

Đồ án ĐC Quy hoạch chung TP. Đà Lạt  2030- 2050.

https://www.mediafire.com/?5jxl5yjrj8xu7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.