Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

KTS Ernest Hébrard

KTS Ernest Hébrard


Sơ Lược



Ernest Hesbrard (1875 – 1933) là một kiến trúc sư người Pháp và là nhà thiết kế đô thị. Ông từng là sinh viên của trường Đại học Mỹ Thuật Paris, học trò của hai kiến trúc sư rất nổi tiếng người pháp là Leon Ginain và Scellier de Risors. Ernest Hesbrard đã hoàn thành các dự án lớn của mình ở Hy Lạp, Ma-rốc và Đông Dương thuộc pháp.

Ernest Hesbrard chủ yếu nổi tiếng với việc quy hoạch cải tạo thành phố Thessaloniki đã bị thiêu hủy sau trận đại hỏa hoạn năm 1917. Đồ án quét sạch mọi đặc trưng phương Đông của Thessaloniki, chỉ giữ lại phần di sản của kiến trúc Byzantyne và chuyển đổi nó thành một thành phố mang phong cách Châu Âu. Hébrard còn được biết đến qua các dự án khác như nâng cấp Casanblanca và cung điện Diocletian tại Split, và quy hoạch các thành phố ở thưộc địa của Pháp tại Đông Dương. Ông được coi là kiến trúc sư khởi nguồn cho phong cách Kiến trúc Đông Dương.

Phong cách kiến trúc Đông Dương đặc trưng bởi sự tích hợp một cách sáng tạo và nhuần nhuyễn các vật liệu xây dựng và chi tiết kiến trúc của các nước bản địa (cụ thể là các nước Đông Dương) vào kiến trúc thuộc địa Pháp thời kỳ đó. Phong cách kiến trúc Đông Dương hiện nay được nhiều nhà phê bình đánh giá cao.

Ernest Hesbrard và các vấn đề đô thị ở Đông Dương


 Quy Hoạch khu hành chính trung tâm của Ernest Hébrard

Đông Dương, với tư  cách là một bộ phận của Đế chế Pháp, cũng phải thi hành những điều kiện quy định như ở chính quốc. Trong những năm 20, luật này cũng được áp dụng ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Phnom Pênh. Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long yêu cầu lập ở Hà Nội một cơ quan trung ương về kiến trúc và quản lý đô thị. Năm 1923, Erest Hébrard được cử đứng đầu cơ quan này, có trách nhiệm ứng dụng ở Đông Dương những tiêu chuẩn và nguyên tắc xây dựng đô thị, không phải tuỳ theo điều kiện đất đai và sự vận động của dân cư, mà theo một nguyên tắc qui hoạch nhằm thúc đẩy sự phát triển. Quy hoạch chủ đạo của Hà Nội ra đời năm 1924 đã tạo điều kiện cho việc điều hoà trong những thập kỷ về sau sự phát triển của một thành phố vào loại quan trọng của Đế chế Pháp, đồng thời cũng là để tạo nên một hình thể đô thị xây dựng trên những nguyên tắc chặt chẽ, mang tính chất riêng của trường phái Pháp: đấy là một không gian tạo nên bởi những trục đường lớn, hài hoà với những quảng trường công cộng, mở ra những tầm nhìn lớn hướng về các công trình mang tính chất biểu trưng. 


 Hồ Hoàn Kiếm

Phần lớn quy hoạch chủ đạo năm 1924 ở Hà Nội dành cho khu vực dinh toàn quyền, bắt đầu từ phía Hồ Tây. Đối với Hébrard, người đã từng đưa ra qui hoạch mở rộng Đà Lạt, muốn thực hiện ở Hà Nội một quy hoạch như đã từng làm ở thành phố Rabat (Marốc). Ông đã xoá bỏ quy hoạch của Toà Thị chính Hà Nội năm 1890 do nhân viên Sở Công chính lập, và quy hoạch năm 1902 của Sở Địa lý Đông Dương lập. Hébrard đã đưa ra những nguyên tắc đơn giản là nét chung của chương trình đô thị thuộc địa thuộc trường phái Pháp: qui hoạch theo vùng, zoning, một từ thời thượng được dùng từ những năm 1910, từ bỏ quy hoạch dễ dãi của bố cục thành ô bàn cờ, mà ông cho là không có lợi vì nó ngăn cản việc nâng cao giá trị của những công trình lớn, việc trồng những hàng cây theo tập quán của Pháp, tạo nên nơi dạo chơi và hóng mát quí giá, sắp xếp những công viên lớn và lối đi đạo theo kinh nghiệm của thành phố Rangoon, cách bố trí đó đã tạo nên những khu vực dự trữ đất đai cho tương lai mà không phải để lại những đầm lầy ô nhiễm.


 Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia Việt Nam ( trước đây là Bảo Tàng Luis Finot )

Trong quy hoạch vùng, vệ sinh công cộng và phân bố các hoạt động dân cư cũng đã đặt ra một vấn đề đáng chú ý : đấy là sự chung sống của hai thế giới trên cùng một địa bàn, thế giới của thế lực thực dân và thế giới của người bản xứ. Xuất phát từ sự tách biệt thường có giữa thành phố bản xứ và thành phố người Âu, cái chính là sợ lây lan dịch bệnh, Hébrard vẫn nêu lên sự giao tiếp cần thiết của những thành phố hiện đại nước Pháp, sự tiếp cận giữa khu vực của người buôn bán và thợ thuyền, trên thực tế là cách biệt với khu vực cư trú của tầng lớp hữu sản, nhưng không có ranh giới rõ rệt.

 Khu Đấu Xảo

Việc cấu trúc theo các trục lộ lớn và bố trí các kiến trúc đồ sộ trong quy hoạch đã quyết định hình dáng đô thị ở thuộc địa, một mô hình trong đó hai mặt hoành tráng và duyên dáng bổ sung cho nhau. Mặc dù có sự áp dụng hạn chế trong không gian đô thị ở Hà Nội, rõ ràng quy hoạch chủ đạo đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của thành phố: quy hoạch năm 1929 do Sở Địa lý Đông Dương lập đã chứa đựng những nét lớn do Hébrad vạch ra, với việc mở ra những không gian công cộng, khai thác các đường phố chạy dài, sắp xếp các khu hành chính mới nằm về phía Tây Thành cổ và hướng phát triển đô thị về phía Hồ Tây. Chính đó là lúc mà thành phố Châu Âu, thông qua vấn đề đô thị hóa, bắt đầu áp đặt sự ''hiện đại hoá'' đối lập với sự đa dạng của các thành phố cũ, theo một sơ đồ phát triển mà ta có thể thấy ở Phnom Pênh, Sài Gòn, và cả ở những trung tâm đô thị lớn của Đế chế Anh như Rangoon và Delhi.



   



Đồ án quy hoạch Đà Lạt


Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long giao trách nhiệm cho kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết lập đồ án quy hoạch thành phố với nhiệm vụ thiết kế: Phát triển Đà Lạt từ một nơi nghỉ dưỡng thành thủ đô hành chính của Liên bang Đông Dương khi cần thiết. Với nhiệm vụ này, Đà Lạt sẽ không chỉ bao gồm những cơ quan hành chính của chính quyền trung ương mà còn phải đáp ứng đủ nhu cầu để thiết lập các doanh trại quân đội. Sau hai năm nghiên cứu, tới năm 1923, kiến trúc sư Ernest Hébrard hoàn thành đồ án, được Toàn quyền Maurice Long phê duyệt và đưa vào áp dụng từ tháng 8 cùng năm đó. Đà Lạt của Ernest Hébrard được quy hoạch theo quan điểm của các nguyên tắc “Quy hoạch thành phố vườn” và “Quy hoạch thuộc địa”, Đà Lạt sẽ là một thành phố nghỉ dưỡng miền núi kiểu mẫu. Những vấn đề phức tạp trong việc phát triển đô thị Đà Lạt lần đầu được đặt ra và nghiên cứu một cách tổng hợp và kỹ lưỡng. Kiến trúc sư đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ cảnh quan và bố cục không gian thẩm mỹ của thành phố. Trong đồ án, ý tưởng xuyên suốt của Ernest Hébrard là “thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố”, Đà Lạt sẽ là một đô thị sinh thái vắng bóng các ống khói công nghiệp.

 Đà Lạt

Trên một vùng thiên nhiên rộng lớn của cao nguyên Lâm Viên, Ernest Hébrard bố trí thành phố trong một không gian vừa phải, khoảng 30 000 hecta. Đó là diện tích hợp lý cho một đô thị quy mô 30 đến 50 ngàn dân và việc xây dựng chỉ được phép trong phạm vi này. Đường vòng Lâm Viên chạy quanh thành phố, vừa là đường ranh giới, vừa là đường giao thông phục vụ cho nhu cầu du lịch, ngoạn cảnh. Phía bên ngoài ranh giới này, vùng thiên nhiên sẽ được giữ gìn hoang sơ, hoàn toàn không có sự hiện diện của các công trình xây dựng. Điểm nổi bật trong đồ án của kiến trúc sư Ernest Hébrard là phương án giải quyết vấn đề cảnh quan đô thị. Tác giả sử dụng dòng suối Cam Ly như trục cảnh quan trung tâm, kết hợp cùng hệ thống các hồ nhân tạo nằm uyển chuyển theo địa hình với những con đường bao quanh men theo sườn các thung lũng. Bố cục chính của thành phố được tổ chức dựa trên trục cảnh quan này, mỗi hồ nước là một trung tâm cảnh quan của các công trình trong một phân khu chức năng. Trục đường xương sống kéo dài từ nhà ga xe lửa tới thác Cam Ly, dựa theo đường đỉnh của địa hình, ngày nay là các tuyến đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú và Hoàng Văn Thụ. Đứng trên tuyến đường này nhìn về phía bắc sẽ thấy một quang cảnh ấn tượng với hồ Xuân Hương, đồi Cù, một cánh rừng trải dài và núi Lang Biang ở cuối phía xa.

Trung tâm công cộng của thành phố được bố trí trên một đoạn của trục đường chính, các công trình tòa thị chính, ngân khố, sở cảnh sát, bưu điện... nằm bao quanh một quảng trường công cộng. Bên cạnh đó còn có thể thấy nhà thờ, trường học, thư viện, các khách sạn, văn phòng du lịch... cùng khu thương mại của người Pháp. Dinh Toàn quyền, Cao ủy phủ và Viện điều dưỡng nằm xa hơn về phía tây nam trên một ngọn đồi cao, khu vực Dinh III ngày nay. Phía nam suối Cam Ly, các đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ... là khu vực biệt thự dành cho người Pháp, được phân lô thành ba hạng: từ 2.000 m² đến 2.500 m², từ 1.000 m² đến 1.200 m² và từ 500 m² đến 600 m². Khu dân cư người Việt được bố trí một phần ở phía đông khu trung tâm, còn phần lớn tập trung quanh khu vực làng Việt Nam cũ phía hạ lưu hồ. Trong khu vực này sẽ có các công trình thiết yếu như chợ, trường học, bệnh viện, lò sát sinh, công viên, chùa chiền. Các dãy nhà liền căn được phép xây cất trong khu thương mại nhưng bị hạn chế xây dựng trong những khu dân cư. Nhà ga và đường xe lửa được bố trí gần lối vào của quốc lộ 20B, bên cạnh đó là khu vực dự kiến dành cho các khách sạn, kho hàng hóa và một số công xưởng. Đồ án quy hoạch của Ernest Hébrard ra đời năm 1923 và được áp dụng trong vòng gần 10 năm. Đến thập niên 1930, khi cuộc Đại khủng hoảng diễn ra, nền kinh tế khó khăn khiến giá trị áp dụng của đồ án Ernest Hébrard cần được xem xét lại.

Một số công trình kiến trúc và quy hoạch đô thị.

Quy hoạch cải tạo thành phố Thessaloniki tại Hy Lạp
Phương án quy hoạch Đà Lạt
Tòa nhà chính Trường Đại học Đông Dương (1923 – 1925)
Viện Pasteur Hà Nội
Sở Tài chính và Trước bạ Đông Dương
Bảo tàng Viễn Đông Bác cổ
Nhà Thờ Cửa Bắc

Xuân Đức_Homeclick.vn
Nguồn Tham Khảo:Internet
Sách: Kiến trúc Đông Dương
------

Ernest Hébrard- Kiến trúc sư đầu tiên đem "chất Pháp" vào Việt Nam

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-1

 

Kiến trúc sư Ernest Hébrard và sinh viên Kiến trúc Việt Nam thời Pháp thuộc

 

Tiểu sử

 

Ernest Hébrard (1875-1933) là kiến trúc sư, nhà khảo cổ học, nhà quy hoạch người Pháp. Ông là Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp. Ông được biết đến với đồ án quét sạch mọi đặc trưng phương đông của Thessaloniki, Hy Lạp, giữ lại phần di sản của kiến trúc Byzantine, và chuyển đổi nó thành một thành phố mang phong cách châu Âu.

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-2

 

Đồ án quy hoạch Thesaloniki, Hy Lạp

 

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-3

 

Một nhà hàng lấy tên vị kiến trúc sư vĩ đại ở Thesaloniki

 

Hébrard còn biết đến qua các dự án khác như là nâng cấp Casablanca và cung điện Diocletian tại Split, và quy hoạch các thành phố ở thuộc địa của Pháp ở Đông Dương.Ông là kiến trúc sư nổi tiếng đã có giải thưởng Prix de Rome. Hébrard được coi là kiến trúc sư khởi nguồn cho phong cách Kiến trúc Đông Dương. Trước khi trở thành Giám đốc sở quy hoạch kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp, Ernest Hébrard là giáo sư của trường Mỹ thuật Đông Dương, một viên chức cao cấp được chính phủ Pháp đưa sang để phụ trách công việc quy hoạch và kiến trúc của ba nước Đông Dương. Ông gọi nó là “phong cách kiến trúc Đông Dương” (style indochinois). Thực chất đây là một phong cách chiết trung Âu – Á, trong đó không chỉ có chi tiết kiến trúc của ba nước Đông Dương mà có cả chi tiết kiến trúc Trung Quốc. Hébrard sử dụng “phong cách kiến trúc Đông Dương” rất sáng tạo và đã để lại những công trình rất có giá trị nghệ thuật.

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-4

 

Nhà hát lớn Hà Nội được người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris.

 

 

Lịch sử hình thành “phong cách kiến trúc Đông Dương

 

Ra đời

“Phong cách kiến trúc Đông Dương” là tên gọi những sáng tạo của các kiến trúc sư Pháp. Kiến trúc này đã góp phần tôn vinh nghệ thuật kiến trúc dân tộc, mặc dù nó còn nhiều điểm chiết trung, pha trộn (vì người Pháp không sành kiến trúc cổ điển Việt Nam), nhưng nó đã khích lệ các kiến trúc sư Việt Nam, sinh viên của trường Mỹ thuật Đông Dương tiếp tục đi theo con đường nghệ thuật dân tộc.

Riêng về kiến trúc Pháp ở Hà Nội, các phong cách khác nhau được hình thành theo thời gian còn đến hôm nay như một bộ sưu tập trọn vẹn. Từ Kiến trúc thực dân đơn sơ thời kỳ đầu xâm chiếm đến Kiến trúc cổ điển, Kiến trúc địa phương Pháp thể hiện nỗi nhớ quê hương của người Pháp xa nhà, rồi Kiến trúc Đông Dương một thời rực rỡ đến Kiến trúc Art Deco, Kiến trúc tiền hiện đại những năm cuối thời kỳ thực dân, giữa thế kỷ trước.

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-5

 

Tác phẩm của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam nước Pháp.

 

Vì sao ra đời phong cách này?

Trước tiên, những kiến trúc mang từ Pháp sang, sau một số năm thì bộc lộ nhiều bất cập, nhất là không phù hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, gió mạnh… cũng như tập quán sinh hoạt, truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan Việt Nam. Sau nữa là lúc đó, vào những năm 30 – 40 của thế kỷ 20, ảnh hưởng của Pháp ở Việt Nam giảm sút. Để tranh thủ được lòng dân, để thân thiện hơn với Việt Nam, một số kiến trúc sư Pháp dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương nghĩ cách thiết kế những công trình mang tính chất Việt Nam để lấy lại lòng tin của dân Việt.

 

Đặc điểm kiến trúc

Kỹ thuật và vật liệu xây dựng: Sử dụng rộng rãi kỹ thuật và liệu xây dựng mới như hệ khung bê tông cốt thép chịu lực, khung thép tiền chế, sành sứ nhiều màu, ngói ardoise (đá xám chẻ), gạch caro. Các phương tiện kỹ thuật mới khá tiên tiến được áp dụng như: cột thu lôi, đèn điện, cổng sắt uốn.

Giải pháp kiến trúc: Áp dụng các giải pháp thông thoáng, cách nhiệt để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới như bố trí các dãy hành lang, dàn pergola rộng rãi chạy dọc theo công trình. Trên phần tường sát trần thường bố trí các lam gió để tạo sự thông thoáng và lấy sáng cho không gian bên trong. Đa số các công trình được bố trí thêm các sân trong, giếng trời để tăng sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên.

Mái: Sử dụng mái bằng (đối với các công trình lớn) hoặc mái lợp ngói (đối với các công trình nhỏ hơn). Mái ngói thường nhô ra xa để che nắng mưa, có bố trí các “khu đĩ” để tạo sự thông thoáng cho phấn bên trong. Xuất hiện các sênô thu nước mưa chạy dọc theo mái. Một số công trình sử dụng dạng mái vút cong ở các góc, mái chồng diêm theo kiểu kiến trúc truyền thống, có hoa văn trang trí ở đỉnh mái và các góc cong của mái.

Cửa: Bố trí nhiều cửa trên tường công trình. Cửa sổ cao, mở rộng để tăng sự thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên. Các công trình sử dụng phổ biến kiểu cửa lá sách, đảm bảo được sự thông gió tự nhiên cho không gian bên trong ngay cả trong lúc đóng. Cửa sổ không chỉ được bố trí trên tường công trình, mà còn được bố trí phía ngoài hành lang, đặc biệt là hành lang ở những phía chịu sáng trực tiếp của mặt trời.

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-6

 

Bên trong tòa nhà này được trang trí theo kiểu cổ điển  Pháp với nhiều cột trụ và cửa

Trang trí: Sử dụng rộng rãi các môtíp trang trí với màu sắc, kiểu dáng đa dạng.
Các môtíp trang trí Việt – Hoa như: “lưỡng long chầu nguyệt”, pháp vân, lân sư, rồng phụng, cỏ cây hoa lá…
Kiểu Khmer – Chăm như: rắn naga, hoa Mạn đà la, chữ viết…
Kiểu Phục hưng, cổ điển Pháp như: lan can con triện, gờ chỉ, tranh tượng, phù điêu, hoa lá, các thức cột…
Có lúc còn pha trộn cả những phong cách thời thượng của thế giới lúc bấy giờ như Art Nouveau, Art Déco.

Thực tế xây dựng cho thấy trào lưu phong cách Đông Dương do chính người Việt kế thừa cuối cùng đã chia ra thành hai hướng. Một hướng sa đà vào chủ nghĩa hình thức, nhân danh truyền thống, để rơi vào kiểu hoài cổ, phục cổ. Hướng còn lại, tích cực và sáng tạo hơn, tìm kiếm một phong cách hiện đại Việt Nam cho nền kiến trúc mới hòa nhập với trào lưu quốc tế hóa ở Việt Nam. Ví dụ tiêu biểu là công trình Thư viện Quốc gia Sài Gòn của KTS Nguyễn Hữu Thiện và Dinh Độc Lập của KTS Ngô Viết Thụ. Đây chính là sự kế thừa đúng theo tinh thần của phong cách kiến trúc Đông Dương trong giai đoạn nền kiến trúc Việt nam đã chuyển sang phong cách kiến trúc mới, mà các nhà nghiên cứu quốc tế gọi chung là “Phong cách hiện đại nhiệt đới Đông Nam Á” những năm 1960-1970.

 

 

Những công trình mang đậm dấu ấn của Ernest Hébrard

 

Tòa nhà chính Đại học Đông Dương (1924)

 

 

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-7

 

Mặt tiền của trường nhìn từ phố Lý Thường Kiệt. Công trình được xây dựng trong 4 năm (1923-1926) mang phong cách kiến trúc Đông Dương, có sự giao thoa Á – Âu

 

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-8



Họa tiết hoa văn trên cột làm chúng ta lạc vào kiến trúc các nước phương Tây

 

Kiến trúc sư E.Hébrard thiết kế Toà nhà chính của Đại học Đông Dương năm 1924. Hiện nay thì ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Dược Hà Nội nằm trên địa điểm của ĐH Tổng hợp Hà Nội (1956) và ĐH Đông Dương xưa (1926). Tọa lạc tại vị trí án ngữ của một đại lộ lớn lúc bấy giờ – Boulevard Carreau (phố Lý Thường Kiệt ngày nay), xế phía trước lại có một vườn hoa nhỏ, công trình đã tạo ra một điểm nhấn đô thị nổi bật.

 

Theo thiết kế ban đầu thì đây là một công trình mang phong cách Tân cổ điển với cấu trúc hình khối kiến trúc đăng đối hoàn toàn, mặt bằng không gian theo kiểu chính thống, nhấn mạnh khối sảnh trung tâm, hai phía là giảng đường lớn và thư viện được bố trí trên hai tầng nhà. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, Hébrard đã thay đổi hầu như hoàn toàn hình thức mặt đứng công trình bằng cách đưa vào khá nhiều thành phần kiến trúc Á Đông.

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-9

 

Các cột nhà được chăm chút cầu kỳ với các loại hoa văn uốn lượn và biểu tượng của ngành Y dược

 

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-10

 

Hoạ sĩ Victor Tardieu bên tác phẩm hội họa của mình (ảnh tư liệu của gia đình họa sĩ V. Tardieu). Bức tranh tường rộng gần 80m2 này được phục dựng năm 2006 tại giảng đường lớn mang tên Giáo sư Ngụy Như Kon Tum ở tòa nhà 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nay tòa nhà là biểu tượng của ĐHQGHN

 

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-11



Cầu thang lên tầng của các khoa làm bằng gỗ rất chắc chắn

 

Điểm nhấn cho khối trung tâm là bộ mái ngói nhiều lớp theo hình thức bát giác, giữa các lớp mái là các cửa nhỏ trang trí hoa văn bên cạnh hàng con sơn đỡ mái theo kiểu Trung Hoa cổ. Bộ mái ngói còn được sử dụng như một hình thức kết thúc phương đứng ở hai cánh nhà, ở tiền sảnh phía sau nhà. Các cửa sổ cũng được che bởi các ô văng chéo dán ngói. Cửa ra vào chính là một cửa dạng vòm có độ cao tương đương hai tầng nhà được trang trí bằng kính và kim loại theo phong cách Art Nouveau, không chỉ làm đẹp cho công trình khi nhìn từ ngoài vào mà làm tăng tính thẩm mỹ cho khu đại sảnh khi nhìn từ trong ra.

Nếu mặt ngoài toà nhà mang dáng vẻ Á Đông thì phần nội thất lại chủ yếu theo tinh thần kinh viện Châu Âu. Chính sảnh được phủ bởi một bộ vòm hai lớp với các hàng cột, các hoạ tiết trang trí kiểu Tân cổ điển. Các không gian lớn và thoáng đãng đặc trưng của các đại học lớn ở Pháp thời bấy giờ. Đặc biệt là trong giảng đường chính có bức tranh tường lớn nhất Việt Nam do hoạ sĩ Victor Tardieu thực hiện, mô tả cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20 với sự hiện diện của 200 nhân vật đại diện cho xã hội thời bấy giờ.

 

Công trình Đại học Đông Dương có thể được coi là thử nghiệm đầu tiên của E. Hébrard theo phong cách kết hợp nên còn thiếu sự ăn nhập giữa nội – ngoại thất công trình.

 

 

Trụ sở Bộ Ngoại giao (trước đây là Sở tài chính Đông Dương)

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-12

 

Mặt tiền của trụ sở Bộ ngoại giao ngày nay

 

Công trình trụ sở Bộ Ngoại giao được KTS Ernest Hébrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928. Đây là công trình duy nhất được xây dựng theo Đồ án Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương cũng do chính KTS Ernest Hebrard thiết kế. Theo quy hoạch, mặt bằng công trình có hình chữ H. Khối chính cao và rộng nhìn ra quảng trường án ngữ trục phố Chu Văn An (Vallenhoven) hội tụ với hai trục đường chéo phố Điện Biên phủ (Puginier) và Tôn Thất Đàm (Ollivier). Khối sau hẹp và thấp hơn nhìn ra không gian vườn- công viên lớn có đại lộ Paul Doumer (nay là Bắc Sơn) ở giữa, nối thẳng với quảng trường tròn Puginier (nay là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Đây là cách bố cục quy hoạch theo quan niệm “Thành phố – Vườn” thịnh hành thời bấy giờ, đồng thời cho thấy KTS Ernest Hébrard chịu ảnh hưởng rõ rệt của nghệ thuật thiết kế đô thị cổ điển Beaux-arts Paris và phong cách vườn-công viên Ba- rốc Pháp khi tổ chức các trục đại lộ nhiều hàng cây hội tụ hình tia trên những quảng trường rộng với các dạng hình học khác nhau, như trường hợp Versailles ở Pháp. May mắn là quy hoạch không được thực hiện trọn vẹn, bởi ngôn ngữ hình tia, nhiều đường chéo, hội tụ mâu thuẫn hoàn toàn với bố cục vuông vức truyền thống của Hoàng Thành ngàn năm.

Trung thành với nguyên tắc, KTS Ernest Hébrard thiết kế mặt bằng công trình hoàn toàn đối xứng qua trục chính theo kiểu kiến trúc Pháp kinh điển. Khối chính cao bốn tầng nhìn ra quảng trường cuối phố Chu Văn An. Khối sau nhìn ra công viên cao ba tầng. Tầng trệt thấp là nơi đặt các phòng phục vụ. Tầng trệt thấp là cần thiết tạo vẻ bề thế của công trình, nhưng quan trọng hơn, tạo điều kiện thông thoáng, chống nồm, ẩm để đảm bảo môi trường làm việc tốt nhất cho các phòng ở tầng trên.

 

Về hình thức, hệ mái ngói nhiều lớp kiểu kiến trúc phương Đông được Ernest Hébrard khai thác tài tình, đặc biệt là lầu mái lớn ở khối trung tâm mặt đứng chính, cùng với lớp mái phân tầng, che cửa sổ và mái tiền sảnh… Tất cả kết hợp hài hòa với nhau tạo nên vẻ đẹp độc đáo, nhưng gần gũi của kiến trúc công trình.

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-hébrard-13



Xung quanh tòa nhà là màu xanh của cây cối tạo cảm giác yên tĩnh, trong lành

 

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-14

 

Sở tài chính Đông Dương trước đây

 

Hệ mái còn có ý nghĩa quan trọng trong việc chống mưa hắt, che nắng, giảm bức xạ mặt trời. Cửa sổ rộng, trong kính, ngoài chớp, lại có mái che cùng hệ thống các lỗ thoáng ở thân tường trên cửa sổ sát trần và trên sàn làm tăng khả năng đối lưu không khí, thông thoáng tự nhiên đảm bảo điều kiện vi khí hậu trong phòng tốt nhất cả trong mùa hè nóng bức và mùa đông lạnh giá.

Trải qua gần trăm năm lịch sử, Công trình trụ sở Bộ Ngoại giao do KTS Ernest Hébrard thiết kế vẫn luôn được đánh giá là một công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu cho phong cách Kiến trúc Đông Dương, góp phần tạo nên vẻ đẹp kiến trúc đô thị riêng có và hấp dẫn của Hà Nội.

 

 

Trường Petrus Ký – Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong (1927)

 

Không chỉ nổi bật với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng mà nhắc đến trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhiều người đều biết đây với tư cách là một tổng hoà công kiến trúc đẹp, gói gọn trong khuôn viên xanh, rộng rãi lên tới 8 hecta. Với những hàng cây cổ thụ, tháp đồng hồ hay những dãy hành lang lát gạch caro ẩn nấp phía dưới những mái vòm cong độc đáo được xem là những điểm nhấn đặc biệt của ngôi trường.

Trường THPT Lê Hồng Phong dưới bàn tay tài hoa của Ernest đã trở thành ngôi trường tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Tây tổng hòa với nền giao thoa văn hóa bản địa Á Đông, tạo ra lối kiến trúc Đông Dương, tiêu biểu cho một thời kì lịch sử Việt Nam. Không gian kiến trúc của trường cũng là điển hình về giao lưu văn hóa Việt Nam và phong cách Art Deco, thể nghiệm sự thích nghi kỹ thuật mới vào điều kiện khí hậu bản địa.

Khuôn viên trường bao gồm ba dãy phòng học và một dãy hành lang trước bao quanh sân lớn ở giữa theo đúng như bản vẽ của kiến trúc sư. Các phòng học có hành lang thoáng đãng phía trước dẫn dắt, tạo sự thông thoáng, đón và tận dụng tối đa sáng trời. Hành lang được vận dung, thiết kế theo kiểu ống vòm để mang lại sự cách điệu cho toàn bộ công trình. Lan can hành lang không xây đặc toàn bộ mà được đục thành những lỗ hoặc đặt gạch vuông thông gió.

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-15

 

Lối vào sảnh chính gợi nhớ hình ảnh kiến trúc Khuê Văn Các ở Hà Nội với mái bốn vạt so le, tuy tỷ lệ các phần có khác

 

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-16



Ngôi trường là công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương

 

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-17

 

Sự giao lưu giữa văn hóa Việt Nam và phong cách Art Déco thể hiện rõ trên mái

 

 

Bảo tàng lịch sử Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Louis Finot)

 

Bảo tàng Louis Finot xây dựng trong những năm 1928-1932 cũng do kiến trúc sư Hébrard thiết kế là một thành công đầy ấn tượng của phong cách kiến trúc Đông Dương. Mặt bằng bảo tàng được kiến tạo theo yêu cầu của không gian kiến trúc trưng bày nên chỉ gồm hai thành phần chính: Không gian sảnh hình bát giác và một phòng trưng bày lớn, tổ chức theo hình thức xuyên phòng có sự chuyển tiếp được tổ chức khéo léo. Bên cạnh đó còn có một số không gian phù trợ tạo thành một tổng thể trưng bày khoáng đạt. Hệ thống mái chồng mái được tác giả sử dụng, đặc biệt trên khối sảnh bát giác và ở các không gian phù trợ khác cũng là yếu tố chủ đạo của hình thức kết hợp ở công trình này. Các cửa thông gió và lấy sáng được đặc biệt lưu ý, kết hợp với nhiều chi tiết kiến trúc Á Đông được xử lý khéo léo. Hệ thống cây xanh được kéo từ vườn hoa phía trước vào sâu trong sân Bảo tàng làm cho công trình dường như mọc lên từ khối cây xanh nhiệt đới. Là một công trình văn hoá thuộc loại lớn lúc bấy giờ, khu sảnh bát giác mang nhiều tính hình thức của chủ nghĩa biểu hiện là điều dễ thông cảm và tạo ra được ấn tượng tốt.

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-18

 

Toà nhà màu vàng tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc phương Đông

 

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-19

 

Màu sắc kết hợp hài hòa, hoa văn chạm khắc tinh tế, độc đáo

 

 

cha-de-kien-truc-dong-duong-ernest-hébrard-20

 

Bảo tàng 3 tầng với kiến trúc ngói nhiều lớp

 

Ngoài xây dựng nên các công trình tên tuổi gắn liền với lịch sử Việt Nam, KTS Hébrard còn phải “nhức nhối” đối với vấn đề quy hoạch đô thị ở Đông Dương. Bỏ qua sự so sánh một cách tuỳ tiện với một đường phố Paris, rõ ràng ở đây tác giả đã mô tả một thành thị như là sự đối lập với các thành phố châu Âu. Chính vì vậy mà những nhà kiến trúc đầu tiên đặt chân đến thuộc địa xa lạ này, đều mang theo một ý tưởng xây dựng đô thị theo mô hình của thành thị nước Pháp.

Năm 1895, ông viết thư gửi cho em gái đã mô tả Hà Nội như sau: “… Cái rét hanh của những ngày qua đã quét sạch bầu trời, ánh sáng chan hoà mở rộng chân trời, mở rộng bầu trời và ý nghĩ. Ánh sáng đó lan tràn, nở rộ, và tất cả cảnh quan rực rỡ này đón chào nó. Cứ cách một trăm bước lại có một lùm tre, một bìa rừng, dưới tán cây đa xuất hiện một ngôi chùa (…). Con đường đất len lỏi qua những lùm cây rậm rạp. Dưới cành lá là ngôi làng chạy dài vô tận, những ngôi làng nghèo nàn làm bằng phên đan, bằng chiếu và vách đất, nhưng cuộc sống vẫn sôi động biết bao! (…). Trên đường, những dòng người nhỏ bé gồm cả đàn ông và đàn bà bước đi nhanh như đàn kiến, tất cả đều tất bật, gánh gồng nặng trĩu ở hai đầu đòn gánh, họ từ ruộng đồng về, lùa theo đàn trâu. Đi cách xa Hà Nội đến 6 cây số vẫn là con đường chạy dài, chen chúc như đường phố Bac”.

 

Để có được một Hà Nội cổ phảng phất chút kiến trúc phương Tây như bây giờ thì không thể nào không nhắc tới kiến trúc sư Ernest Hébrard. 

https://designs.vn/ernest-hebrard-kien-truc-su-dau-tien-dem-quotchat-phapquot-vao-viet-nam/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.