7 xu hướng thiết kế kiến trúc bền vững năm 2014
“Thành phố bền vững” hiện đang là từ ngữ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, số lượng công trình với những tính năng “xanh”
tân tiến và thân thiện với môi trường đang được phát triển với tốc độ
đáng ngạc nhiên. Trong phân khúc nhà ở, 62% các công ty xây dựng nhà ở
đơn chiếc đang triển khai các dự án công trình bền vững và các tính năng
xanh đang được áp dụng vào ít nhất 15% tổng số dự án của họ. Theo như
báo cáo gần đây của McGraw Hill, con số này có thể đạt tới 84% vào năm
2016. Hội đồng Công trình Xanh của Mỹ cũng đã đưa ra dự đoán rằng 55%
công trình thương mại sẽ xây dựng trong thời gian tới sẽ đủ điều kiện
được phân loại là công trình xanh (hai năm trước con số này là 44%).
Dưới đây là một số xu hướng thiết kế kiến trúc hàng đầu trong năm 2014:
- Công trình không tiêu tốn năng lượng Net Zero Energy Building: Hiện nay trong nhiều tiêu chuẩn vàng cho công trình Xanh thì các công trình Net Zero được định nghĩa là công trình tự sản sinh năng lượng nhiều hơn lượng tiêu thụ thực tế của chính công trình đấy. Thông qua một hay nhiều biện pháp kết hợp giữa sử dụng hiệu quả năng lượng và hệ thống năng lượng tái tạo tại chỗ, các tòa nhà như Trung tâm Cảnh quan bền vững tại Pittsburg. Giấy chứng nhận công trình Net Zero được cấp bởi ILFI (International Living Future Institute).
- Công trình bảo tồn và phục hồi nguồn nước: Nhận thức về vấn đề khủng hoảng nguồn nước trên quy mô toàn cầu hiện đang được nâng cao, do đó việc sử dụng công nghệ tiết kiệm nước trong lĩnh vực xây dựng đang được quan tâm. Bên cạnh các thiết bị lưu lượng sử dụng thấp và các biện pháp bảo tồn thông thường, hiện nay nhiều kiến trúc sư và kĩ sư đang hướng tới việc thu – xử lý – tái sử dụng ngay tại chỗ. Điển hình như công trình tại New York và Tòa nhà C.K. Choi tại Đại học British Columbia đã sử dụng kết hợp nhiều công nghệ khác nhau như: vệ sinh tự hoại, hệ thống nước xám, bể chứa nước mưa, vườn mưa và vùng ngập nước để nhằm duy trì việc sử dụng nước có trách nhiệm.
- Vật liệu sáng tạo: Vật liệu xây dựng hiện không còn bị giới hạn bởi các vật liệu thông thường được đặt hàng từ các xưởng sản xuất hay nhà máy. Kiến trúc sư ngày càng có nhiều sự lựa chọn, từ vật liệu tự nhiên như rơm, vật liệu tái chế hay các container vận chuyển cũ cho tới các vật liệu tiên tiến sử dụng công nghệ chuyển pha. Bất cứ là gì, miễn là vật liệu đó thỏa mãn tiêu chí thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng.
- Mái xanh: Nếu có cơ hội nhìn ngắm khu vực nội thành Mỹ từ trên không, hẳn bạn sẽ nhận thấy điều mà bạn khó có thể thấy cách đây 10 năm: những mảng màu xanh lá cây mọc lên không chỉ xung quanh, xen kẽ mà còn lên cả trên mái những tòa nhà. Mái xanh – mái công trình được phủ bởi lớp đất mỏng và thực vật – một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ trong xây dựng bền vững. Điều này hoàn toàn là dễ hiểu khi nó giảm chi phí cho việc sưởi ấm và làm mát, lọc nước mưa và giảm tốc độ dòng chảy, cải thiện chất lượng không khí và đồng thời kéo dài tuổi thọ cho kết cấu mái. Ngoài ra, mái xanh còn đóng góp không nhỏ vào tính thẩm mỹ cho công trình.
- Tích hợp nông nghiệp – đô thị: Mái xanh không phải là phương thức sử dụng cây cối duy nhất để tăng tính bền vững cho công trình đang được áp dụng trong bối cảnh hiện tại. Sự gia tăng nhu cầu các sản phẩm địa phương ngẫu nhiên đã dẫn tới việc khám phá ra nhiều phương thức để tích hợp giữa sản xuất thực phẩm với môi trường đô thị, điều này được thực hiện ngay trong chính bản thân ngôi nhà. Những khu vực vườn, nông trại trên mái như tại Brooklyn Grange, New York ngày càng trở nên phổ biến. Khu vườn đô thị tại Chicago của O’Hare đã chứng minh rằng một trang trại có thể đủ đẹp và sang trọng để sử dụng cho mục đích trang trí nội thất.
- Tự động hóa cho công trình: Khi xét đến hiệu năng sử dụng, công tác vận hành và bảo dưỡng công trình có vai trò quan trọng tương đương với bản thân kết cấu công trình. Hệ thống điều khiển máy tính đang được sử dụng ngày càng rộng rãi để theo dõi và kiểm soát các hệ thống bên trong công trình, bao gồm HVAC, chiếu sáng, hệ thống cơ khí và kiểm soát độ ẩm. Lợi ích từ những hệ thống này là vô cùng to lớn, bao gồm cả tiết kiệm năng lượng, phát hiện sớm hơn và giải quyết các vấn đề, hỏng hóc, đồng thời giảm nhu cầu sử dụng lao động cho bảo dưỡng, giảm cả chi phí bảo hiểm.
- Khu dân cư bền vững: Một công trình xanh riêng lẻ thôi cũng là rất tốt tuy nhiên ảnh hưởng của nó ít nhiều sẽ bị hạn chế. Do đó việc mở rộng cơ sở hạ tầng khu dân cư xanh, bền vững cho toàn bộ cộng đồng cùng có thể chung tay mang tới những hiệu quả sâu rộng hơn vì lợi ích môi trường và xã hội. Tương tự như những chứng chỉ xanh dành cho công trình riêng biệt, các nhà phát triển đang mong muốn ghi nhận nỗ lực của các khu phố, khu dân cư thông qua chứng nhận tương tự như LEED dành cho Phát triển vùng lân cận. Một lợi thế của công trình bền vững ở quy mô cộng đồng là nó có thể mang lại cơ hội tiếp cận công trình xanh dành cho các gia đình với mức thu nhập thấp và những đối tượng khác không đủ khả năng tiếp cận.
Nếu muốn
diễn tả xu hướng bao quát toàn bộ sự phát triển kiến trúc bền vững trong
thời gian vừa qua, từ “toàn diện” có lẽ sẽ thích hợp hơn cả. Ngày càng
có nhiều kiến trúc sư, kĩ sư và các nhà xây dựng đang đáp ứng với sự
thay đổi nhận thức về công trình xanh, rằng tất cả đều có kết nối với
nhau. Để thay đổi một khía cạnh của một công trình thì điều không thể
tránh khỏi là sự ảnh hưởng tới các cấu trúc khác cùng với tâm trạng và
sức khỏe của người sử dụng, thậm chí là của cả khu vực, cộng đồng. Hi
vọng rằng các nhà xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện những thay đổi tích
cực, điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta.
(Theo Sustainable Cities Collective)
Nhận diện 1 công trình kiến trúc xanh như thế nào?
Khi nhắc đến kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái là người ta
nghĩ đến những ngôi nhà trong những khu vườn nhiều cây xanh, những mảng
xanh tươi tốt. Hãy tìm hiểu về kiến trúc xanh qua tư vấn từ chuyên gia:
Ông Vũ Mạnh Hùng Kỹ sư xây dựng – giám đốc Cty CP Kiến Trúc Xây Dựng Phố
Xinh.
Trào lưu kiến trúc xanh đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong
các công trình kiến trúc, trong không gian sống và ngay cả không gian
làm việc như các cao ốc văn phòng nhằm góp phần bảo vệ môi trường và đem
lại sự thoải mái, thu giãn cho con người trong đời sống công nghiệp
hiện nay.
Kiến trúc xanh( Eco deaign, Green design) là kiến trúc
thân thiện với môi trường và không gian sống của con người. Kiến trúc
xanh tận dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tự nhiên như: gió, nước, ánh
sáng, tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm và suy thoái
môi trường.
Kiến trúc xanh được thể hiện thông qua những không gian xanh, những
mảng xanh... trong các công trình kiến trúc như: thảm cỏ, cây xanh, mặt
nước, vườn hoa. Kiến trúc xanh trong nội thất được thể hiện thông qua
những yếu tố như:
• Mảng xanh (bên trong, ngoài nhà, ban công, sân thượng, vườn đứng,
vườn treo...). Yếu tố cây xanh nhằm tạo ra một môi trường trong lành,
chống nóng, ngăn bụi, giảm ồn.
• Không gian mở: không gian thoáng mát tràn ngập ánh sáng và gió với hệ thống cửa mở với thiên nhiên, hệ thống giếng trời.
• Hệ thống mặt nước: hồ nước, tiểu cảnh... nhằm đem lại sự tươi mát, hài hoà, cân bằng.
Công trình kiến trúc xanh phải có vật liệu xanh
Vật liệu xanh là những loại vật liệu giảm thiểu tác động tiêu cực vào
môi trường trong suốt quá trình khai thác, chế tạo, vận chuyển, xây dựng
công trình, và cả khi phá dỡ công trình. Sử dụng vật liệu xanh nhằm
tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm
năng lượng, nhiên liệu (trong sản xuất, vận chuyển vật liệu và sử dụng,
khai thác công trình). Vật liệu xanh khi đã có mặt trong công trình cũng
không (hoặc giảm thiểu) ảnh hưởng tiêu cực, độc hại vào môi trường
sống, sinh hoạt.
Vật liệu xanh được phân loại như sau:
• Các loại vật liệu có khả năng tái chế, tuần hoàn trong tự nhiên, có
trữ lượng lớn, phát triển nhanh như một số loại tre, gỗ (với việc khai
thác và tái đầu tư hợp lý).
• Các loại vật liệu có sẵn ở địa phương, vật liệu dễ chế tác, thi công
như đất, đá, các loại cây thích hợp dùng trong xây dựng… nhằm làm giảm
chi phí vận chuyển, tiết kiệm năng lượng.
• Các loại vật liệu giảm độc hại tới môi trường (bụi, khí thải, chất
thải rắn…) trong quá trình sản xuất, thi công; ít ảnh hưởng tới tài
nguyên thiên nhiên; giảm tiêu thụ năng lượng. Ví dụ các loại gạch không
nung, bêtông nhẹ…
• Các loại vật liệu tái chế như kim loại, thuỷ tinh, giấy bìa, gỗ…; các
loại rác thải công nghiệp như chai lọ, container đựng hàng, xe hỏng…
Tuy nhiên dạng vật liệu xanh này bản chất là một cách tận dụng phế thải,
chủ yếu để làm những công trình tạm hoặc công trình đơn lẻ không yêu
cầu bền vững. Mặt trái khác có thể là ảnh hưởng độc hại từ những loại
vật liệu này.
Năng lượng và các tác động tới môi trường
Trong công trình kiến trúc xanh việc sử dụng năng lượng như thế nào rất
quan trọng như có nguồn điện mặt trời, năng lượng từ gió - nước. Mức
tiêu hao năng lượng cho các hoạt động sinh hoạt - công năng cần được
tính toán sao cho không hao phí vô ích, một công trình được thiết kế có
quá nhiều thiết bị sử dụng năng lượng không cần thiết thì không thể là
công trình kiến trúc xanh.
Hiện nay ở nhiều nước tiên tiến, việc thiết kế hệ thống xử lý nước, rác
thải hạn chế tối đa các tác động tiêu cực ra môi trường bên ngoài được
áp dụng rộng rãi, thậm chí việc tác động tới cảnh quan khi xây dựng công
trình cũng là 1 yếu tố “chấm điểm”.
Hướng tới kiến trúc xanh chính là hướng tới một cuộc sống có chất lượng và bền vững cho tương lai!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.