Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Đào Tạo Kiến Trúc.


Phỏng vấn KTS. Ngô Bách: Tư Duy Đào Tạo Kiến Trúc Ở Hai Miền Bắc, Nam

Kiến trúc sư Ngô Bách, ngoài vai trò là một kiến trúc sư giàu kinh nghiệm, còn là một thầy giáo nhiều tâm huyết với nghề. Ông sinh ra trong một gia đình gốc Hà Nội, được đào tạo kiến trúc ở miền Bắc từ những năm 1960, đã có thời gian làm việc và giảng dạy ở miền Bắc trước khi chuyển công tác vào miền Nam. Qua những câu chuyện ông kể, chúng ta phần nào có thể hiểu được tư duy đào tạo kiến trúc ở hai miền Bắc, Nam.

Homeclick.vn (HC): Chú có thể giới thiệu sơ qua về mình?
KTS NGÔ BÁCH (KTS.NB): Nhà tôi gốc Hà Nội. Bố tôi và nhiều anh em theo học ở trường Bưởi (thời Pháp), và đến tôi là trường Chu Văn An.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học ở trường Chu Văn An, tôi chưa thi vào đại học, mà xung phong đi nghĩa vụ quân sự đợt đầu của Thủ đô, tháng 10/1958, vào Quân chủng Hải quân.
Sau 4 năm hoàn thành nghĩa vụ, tôi trở về và thi vào Khóa 2 (1962) trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Sau khi ra trường, tôi được phân công về công tác tại Viện Thiết kế Quy hoạch – Bộ Xây dựng (từ 1967). Sau khi công tác được 6 năm ở viện, tôi được điều về giảng dạy tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, từ 1972 đến 1983.
Những nơi tôi đã công tác sau đó:
• Viện thiết kế Kỹ thuật Thương nghiệp – Bộ Nội thương
• Công ty Xây lắp Thủy sản 3
• Công ty Thiết kế và Xây dựng số 1 – DECOFI
• Phân viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Miền Nam – Bộ Xây dựng (hiện nay)
Song song với các thời gian trên, tôi được mời tham gia giảng dạy tại các trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Dân lập Văn Lang, Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

HC: Theo cháu được biết, đến năm 1961 Nhà nước mới cho phép mở lớp đào tạo kiến trúc đầu tiên. Trong hoàn cảnh mà ngành Kiến trúc còn khá xa lạ đối với người dân vào lúc đó, điều gì đã dẫn Chú đến với ngành Kiến trúc?
KTS.NB: Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, tôi có nhiều lựa chọn để thi vào đại học. Vốn có một số năng khiếu từ thời học cấp 2, cấp 3, thầy giáo và bạn bè khuyên tôi vào đủ ngành. Nào là trường nhạc, nào là trường mỹ thuật, nào là Đại học Tổng Hợp… Nhưng không đắn đo, tôi chọn kiến trúc. Tôi biết, trong kiến trúc có màu sắc, có chất liệu của hội họa, có mảng, có khối của điêu khắc. Tôi cũng thấy kiến trúc có nhịp điệu, có trường độ, cao độ của âm nhạc. Và có cả chất thơ văn của văn chương. Người kiến trúc sư biết khéo léo các mặt đó sẽ thành công.
Với suy nghĩ đó, tôi chọn ngành kiến trúc. Thêm nữa, chính sự “mới lạ” của ngành kiến trúc lúc đó đã mang đến cho thanh niên nhiều hứng thú để khám phá, để trải nghiệm. Đấy là những chọn lựa mà đến giờ tôi vẫn hài lòng, dù thời gian qua có nhiều thăng trầm trong ngành kiến trúc, và đến giờ vẫn chưa phải lúc ngành kiến trúc được trân trọng trong xã hội ta.

KTS. Ngô Bách - Chân dung do học trò thực hiện

HC: Điểm đến tiếp theo của các Kiến trúc sư sau khi tốt nghiệp vào khoảng thời gian đó như thế nào?
KTS.NB: Hoài bão thì nhiều. Nhiệt tình cũng lắm. Ai cũng muốn đóng góp gì đó cho bộ mặt kiến trúc nước nhà thêm đẹp. Thật tiếc! Thực tế không là màu hồng.
Khi ra trường, người kiến trúc sư “không có đất dụng võ”. Công trình ít. Sản phẩm làm không còn là “của mình”, phải ẩn trong cơ quan, tập thể. Thế là người kiến trúc sư “không có tên tuổi” với tác phẩm của mình. Đây là một bất hợp lý thời đó. Thật lạ, một nhà thơ làm ra một bài thơ vài câu, một nhạc sĩ làm một ca khúc ngắn gọn… cũng được mang tên. Nhưng kiến trúc sư thì không. Thế là vô tình đẩy kiến trúc sư vô trách nhiệm với tác phẩm của mình vì đã có tập thể chịu trách nhiệm.
Hướng đào tạo, nâng cao thời đó cũng “không có gì”. Ai là con ông to, ai có lý lịch tốt thì được gửi đi học nước ngoài. Thế là đẻ ra một loạt “tiến sĩ giấy”, “phó tiến sĩ giấy”, khi về cơ quan làm việc không bằng “kiến trúc sư nội” về nhiều mặt.
Đời sống khó khăn, cấm “thiết kế tư”, tất cả phải tự lo cho bản thân bằng đủ nghề.
“Bức tranh kiến trúc” thời đó thật ảm đạm.

HC: Chú đã trải qua những vị trí công việc nào sau khi tốt nghiệp?
KTS.NB: Tôi có hai mảng lớn trong suốt thời gian làm việc sau khi ra trường là: sáng tác thiết kế và giảng dạy. Tôi không giữ một vị trí lãnh đạo nào ở các nơi công tác, mà chuyên tâm vào sáng tác. Thật ra cũng có những chức vụ nho nhỏ, không đáng kể.

HC: Theo Chú, môi trường học tập ngành Kiến trúc vào thời điểm đó có đặc điểm gì đặc biệt, đáng ghi nhớ?
KTS.NB: Môi trường học tập ngành kiến trúc lúc đó thiếu thốn về mọi mặt. Cơ sở vật chất thiếu, từ cây bút, hộp màu, tờ giấy vẽ, đến bàn ghế, điện đóm, nhà cửa, trường lớp. Món ăn tinh thần cũng thiếu. Sách báo, tạp chí nghèo nàn, không biết tham khảo, tìm kiếm ở đâu.
Vậy mà vẫn có những thế hệ kiến trúc sư rất chất lượng. Họ biết tự vươn lên, tự làm mới mình, tự khẳng định mình. Ấy là điều đáng ghi nhớ, đáng tự hào.


Kiến trúc sư Ngô Bách với tác phẩm kiến trúc

HC: Điều gì đã khiến Chú quyết định vào Miền Nam?
KTS.NB: Không dễ để bỏ lại những công việc quen thuộc cùng những mối quan hệ tốt đẹp đã hình thành bao năm. Không dễ để rời xa cơ quan, bạn bè, sinh viên và những người thân.
Chuyện vào Nam của tôi là ngoài mong đợi, có chút gì đó như trốn tránh.

HC: Những khó khăn, thử thách mà Chú đã trải qua trong những năm tháng đầu ở Miền Nam?
KTS.NB: Khó khăn ư? Thật nhiều! Không nhà cửa, không gia đình, không hộ khẩu, không xe cộ đi lại. Và trong khi đại bộ phận anh em trong cơ quan, từ kiến trúc sư, kỹ sư, kỹ thuật viên, nhân viên phục vụ quý mến, vui vẻ thì lại có những người lãnh đạo nắm quyền sinh sát lại hằn học, đố kỵ, tiểu nhân… tìm cách chèn ép, vô hiệu hóa. Họ nghĩ mang tính địa phương, lo sợ có ngày tôi được cất nhắc vào vị trí lãnh đạo.
Rồi có lần, không chịu nổi sự chèn ép, hẹp hòi, tôi đã bỏ cơ quan, tự kiếm việc làm. Không nhà cửa, không gia đình, không hộ khẩu, không cơ quan. Nghĩa là không dưới 2~3 lần trở về con số 0 để làm lại từ đầu.
May thay, tôi vẫn còn nhiều bạn bè, còn nhiều sinh viên cũ quý mến, giúp đỡ. Và còn có những người lãnh đạo hiểu biết, tốt bụng đón chào, nâng đỡ một cách chân thành, cảm động.

HC: Chú đã trải qua những vị trí công việc nào từ khi đặt chân vào miền Nam đến nay?
KTS.NB: Công việc của tôi cũng xoay quanh ở hai mảng: sáng tác và giảng dạy. Tôi không có ý nguyện và khả năng làm lãnh đạo và làm kinh tế.
Đáng kể nhất là thời gian làm việc tại công ty DECOFI, là Giám đốc Xí nghiệp Thiết kế. Thời gian đó công việc nhiều, “làm ăn” rất tốt. Xí nghiệp tôi có gần 30 anh em, đủ các bộ môn, sống, làm việc vui vẻ, hòa thuận và kinh phí dồi dào, phong phú. Thu nhập của anh em khá cao.

HC: Có những điểm khác biệt nổi bật nào giữa các kiến trúc sư miền Nam và miền Bắc vào thời điểm lúc Chú mới vào làm việc ở miền Nam? Trình độ chuyên môn, quan điểm thẩm mỹ... Theo Chú thì nguyên nhân nào tạo nên những điểm khác biệt đó?
KTS.NB: Với các anh em khác thì tôi không rõ. Còn với riêng tôi, dường như không có mấy sự khác biệt. Tôi có thể hòa nhập ngay cùng đời sống kiến trúc miền Nam, và được đón nhận.
Tôi cũng không thấy khác biệt nhiều về trình độ chuyên môn và quan điểm thẩm mỹ.
Chi ly hơn, đi sâu hơn, tôi nhận thấy anh em kiến trúc sư miền Nam rất thành thạo trong việc tạo dựng công trình được trao chuốt, hấp dẫn. Nhưng về ý đồ kiến trúc, sáng tạo trong sáng tác thì họ ít chú ý hơn. Cũng phải, do chỉ cần đạt mục đích kinh tế nên họ chú trọng để đạt yêu cầu đó.

HC: Đào tạo kiến trúc ở hai miền vào thời điểm đó có những điểm khác nhau nổi bật nào?
KTS.NB: Thời gian tôi vào Sài Gòn là năm 1983, lúc đó hai miền không còn xa cách. Trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM và Đại học Kiến trúc Hà Nội đều thuộc Bộ Xây dựng, sau này mới chuyển sang Bộ Giáo dục & Đào tạo. Đội ngũ lãnh đạo trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM và một số anh chị em giảng viên cũng từng trưởng thành từ Đại học Kiến trúc Hà Nội, có xen kẽ một số thầy cô tốt nghiệp ở nước ngoài. Nên có thể nói mục đích, cách thức đào tạo kiến trúc sư hai miền là không có cách biệt.
Đi sâu hơn, có thể thấy sinh viên kiến trúc miền Nam luôn có ý thức thường trực là “làm kinh tế”, nói nôm na là kiếm tiền. Họ nắm bắt nhanh cách thức đó, ngay từ năm đầu đã có thể theo các đàn anh phụ giúp làm các công trình thực tế.

HC: Bằng kinh nghiệm của mình, Chú có nhận xét gì về môi trường làm việc giữa hai miền ngày xưa và hiện nay?
KTS.NB: Ít năm sau giải phóng 1975, môi trường làm việc tại miền Nam khá hơn. Đó là do:
- Cơ sở vật chất sẵn có từ trước.
- Phương tiện làm việc sẵn có từ trước.
- Công việc xây dựng công trình ở trong miền Nam sau giải phóng là khá hơn về các mặt. Vật liệu xây dựng, phương pháp và kỹ thuật thi công nổi trội hơn. Miền Nam sẵn có các công trình tiêu biểu đạt sự hoàn hảo.
Dần dần, và đến bây giờ, khoảng cách đó là không còn.

HC: Điều gì khiến Chú vẫn gắn bó với sự nghiệp đào tạo kiến trúc sư?
KTS.NB: Ngay sau khi tốt nghiệp ra trường, làm việc tại Viện Thiết kế - Bộ Xây dựng, tôi đã háo hức được sáng tác, được làm thật nhiều công trình.
Nhưng rồi, thực tế không thể có như mong ước đó, tôi chấp nhận điều chuyển về trường Đại học Kiến trúc Hà Nội giảng dạy. Lúc đó, tôi cũng chưa nghĩ việc giảng dạy sẽ gắn bó dài lâu với mình. Nhưng không khí học tập, không khí bạn bè và sinh viên đã cuốn hút tôi. Tôi mau chóng làm quen với việc giảng dạy, và cũng mau chóng được bạn bè, sinh viên đón nhận, quý mến.
Có lẽ tôi cùng một số thầy cô, ngoài những diễn đạt kiến trúc bằng ngôn ngữ khá tốt, còn có thể dùng nét vẽ thay lời nói, giúp sinh viên mau chóng nhận ra đúng sai, xấu đẹp. Những điều đó gây ấn tượng trong sinh viên, trong bạn bè và nhà trường.
Tôi thấy vui và dần dà hiểu rằng: việc giảng dạy cũng rất hay, cũng có phần “hợp” với bản thân bên cạnh khát vọng sáng tác. Thế nên tôi gắn bó với việc giảng dạy lúc nào không hay.

HC: Theo Chú, quá trình đào tạo kiến trúc sư hiện nay ở miền Bắc có những điểm gì khác biệt so với ở miền Nam? Tại sao lại có những điểm khác biệt đó? Truyền thống, đường lối, quan niệm...
KTS.NB: Trên cả hai miền Nam – Bắc, không có văn bản nào, không có tuyên ngôn nào, không có cương lĩnh nào đề cập đến hướng đào tạo kiến trúc sư. Nhưng thực tế đã có vài xu hướng khác nhau:
+ Theo truyền thống được đào tạo từ thời Pháp: kiến trúc sư phải là NGHỆ SĨ SÁNG TÁC.
- Đào tạo bài bản từ kiến thức cơ bản ban đầu. Đề tài giảng dạy nhiều, đi sâu từ nguyên lý thiết kế, thời gian sáng tác tìm ý đủ dài, thời gian thể hiện đủ dài.
- Có sự coi trọng NÉT VẼ, dùng nét vẽ thay mọi lời nói, để đạt ý tứ, mô tả cái hay, cái đẹp.
+ Xu hướng đào tạo kiến trúc sư nhanh, gấp để đáp ứng nhu cầu xây dựng cho xã hội.
Xu hướng này vô tình biến kiến trúc sư thành KỸ SƯ KIẾN TRÚC, biết vẽ nhà, bỏ qua cốt lõi sáng tác cần có của một kiến trúc sư, hoặc coi nhẹ yêu cầu sáng tác.
Xu hướng này, tiếc thay, vẫn đang tồn tại mạnh mẽ. Sản phẩm “ra lò” là hàng loạt kiến trúc sư cho thời mở cửa, mang tính thị trường, không cần vẽ (đã có máy vẽ), thiếu hụt những kiến thức cơ bản.
Xu hướng này gặp thời bùng nổ về xây dựng. Hàng loạt đô thị mới, thị trấn mới, thành phố mới mọc lên vội vã, không có phương hướng, không có định hướng. Thật buồn, tác phẩm xây dựng tràn lan sự SAO CHÉP, BẮT CHƯỚC, NHÁI THEO một cách thô thiển không ngượng ngùng.
Kết quả là: thiếu hẳn những nét ĐỘC ĐÁO, những nét RIÊNG BIỆT cho từng vùng, từng miền, từng thành phố. Từ Nam chí Bắc, công trình xây dựng cứ na ná giống nhau, không có một chút bản sắc nào!
Sự xuất hiện hàng loạt công trình thiết kế xây dựng do nước ngoài thiết kế đã mang đến sự phong phú về hình thức, cứu vãn được phần nào sự NGHÈO NÀN vốn có trong các thành phố, đô thị mới, cũ. Song đó là TỰ PHÁT, mạnh ai nấy làm. Rất cần có một bàn tay để định hướng, để điều chỉnh.

Nhìn chung, cách đào tạo kiến trúc sư trên toàn quốc cần được xét đến các yếu tố sau:
- Thứ nhất, Không có được CẨM NANG cho kiến trúc sư. Nói nôm na là thiếu hụt LÝ LUẬN HƯỚNG DẪN, không ai cho biết: Thế nào là Kiến trúc Dân tộc, Kiến trúc Hiện đại là gì; Bản sắc kiến trúc cho từng vùng, miền là gì; v.v…
Thế nên, thị trấn Sa Pa thơ mộng đã mọc lên một con phố chia lô (cỡ 4m ngang), cao 4~5 tầng, bê tông cốt thép, hình thức lấy từ vùng sâu, vùng xa. Người Pháp sang, hoảng hốt kêu. Và họ muốn hỗ trợ điều chỉnh để có một Sa Pa với những kiến trúc cần có. Ta cũng đã thấy, ở Sài Gòn, có nhà thờ Thiên chúa giáo với mái cong như đền, chùa Phật giáo. Thật tai hại.
- Thứ hai, Phải chấm dứt việc đào tạo ồ ạt. Đã đến lúc thừa thải kiến trúc sư. Đến mức có em mới ra trường không thể làm việc ở công ty này, công ty kia, và thất nghiệp. Nhưng chỉ qua một năm rưỡi cao học đã trở thành THẠC SỸ KIẾN TRÚC. Và với mác đó, em quay lại, nghiễm nhiên được chấp nhận, được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo, cầm cân nảy mực, sản xuất ra những sản phẩm “mì ăn liền”.
- Thứ ba, Gấp rút đào tạo chuyên ngành, chuyên biệt. Trong đó, chú trọng hàng đầu ngành Quy hoạch, vốn luôn là một định hướng cho kiến trúc, xây dựng. Quy hoạch tốt sẽ có những thành phố tồn tại dài lâu hàng thế kỷ, không có chuyên quy hoạch treo, không có chuyện ngập lụt, tắc nghẽn giao thông, đô thị na ná nhau, v.v…
Rồi ta sẽ có kiến trúc sư chuyên về cây xanh, về nội thất, về kiến trúc dân gian…

Gửi tình cảm và ước mơ qua những nét vẽ - Biệt thự Hoàng Mai - KTS. Ngô Bách

HC: Gần đây, các trường đào tạo kiến trúc xuất hiện khá nhiều trên khắp đất nước. Tư duy đào tạo mà các trường đó đang sử dụng có gì khác biệt so với các trường có truyền thống lâu năm?
KTS NB: Tôi cũng được mời tham gia giảng dạy tại các trường đó.
Mục đích tôi tham gia có lẽ cũng giống như các thầy cô khác. Cũng giống như thầy cô của các trường đó, là bài toán “làm ăn kinh tế”. Nghĩa là để có thêm thu nhập cho đồng lương ít ỏi, đắp đổi cho cuộc sống thường nhật đang khó khăn.
Cách thức đào tạo, xu hướng đào tạo cũng chỉ là sao chép lại những gì đã có của các trường truyền thống lâu năm. Tuy nhiên, cả các trường lâu năm, cả các trường mới sau này đều không có hướng đi dài hạn, thiếu hẳn tầm chiến lược.
Tôi trăn trở hai điều:
- Về thầy cô: Bản thân tôi và nhiều thầy cô cũng chỉ là các kiến trúc sư chưa qua đào tạo sư phạm. Đây cũng là sự thiếu hụt đào tạo. Các thầy cô cũng chỉ là giảng dạy theo kiểu “truyền miệng”. Nghĩa là biết gì, có kinh nghiệm gì thì đem ra chỉ bảo cho sinh viên.
Đã vậy, nhìn vào đội ngũ thầy cô, lắm khi giật mình. Tôi nhận ra một “thầy”, cùng ở cơ quan cũ. Ra trường, mang bằng cấp kiến trúc sư nhưng “thầy” đó không biết sáng tác, không biết thiết kế nên được bố trí vào bộ phận thi công, chạy vật tư. Vậy mà “thầy” đó nghiễm nhiên có mặt ở trường sớm hơn tôi nhiều. Tôi nghĩ: “thầy” đó làm sao có thể “cho ra lò” các kiến trúc sư tài năng được. Tôi đau lòng. Nhưng biết nói sao! Cả tôi và “thầy” đó cũng chỉ là loại công chức “làm công ăn lương” có thêm chút thu nhập mà thôi.
- Về sinh viên: Các em đều cố gắng, chăm chỉ và ít nhiều có hoài bão nghề nghiệp. Họ cũng mong muốn sớm ra trường, có bằng cấp, để đi làm, mưu sinh. Vậy thôi!
Thời buổi kinh tế thị trường đẻ ra các sản phẩm “mì ăn liền” cho xã hội, đâu chỉ riêng có ngành đào tạo kiến trúc. Thế nên, cũng đừng mong ước có được “đội ngũ” kiến trúc sư theo đúng nghĩa. Các em ở trong nhóm hướng dẫn của tôi cũng thiếu hụt đủ thứ. Nào là không nắm bắt nguyên lý thiết kế, không biết đủ các bài học cơ bản, kiến thức cấu tạo rất yếu.

HC: Theo Chú, việc đào tạo kiến trúc sư hiện nay đáp ứng được như thế nào đối với nhu cầu xã hội?
KTS NB: Như đã nói ở trên, việc đào tạo đó đáp ứng cho nhu cầu xã hội về “số lượng”, còn “chất lượng” thì…

HC: Nếu có quan điểm nhận xét rằng tất cả các trường hiện nay đều chỉ đào tạo ra "kiến trúc sư tổng hợp", không đáp ứng được ngay những nhu cầu thực tế sau khi ra trường thì Chú có nhận xét gì?
KTS NB: Không! Vẫn đáp ứng nhu cầu thực tế đấy chứ. Đáp ứng về số lượng.
“Kiến trúc sư tổng hợp” đẻ ra các công trình chung chung, không xấu cũng không đẹp, chẳng cần có bản sắc gì. Họ vẫn tồn tại, vẫn làm việc, công trình gì cũng có thể làm được.
Người có trí tưởng tượng có thể hiểu “bức tranh kiến trúc” của đất nước trong tương lai.

Một số tác phẩm Hội họa của KTS. Ngô Bách

HC: Theo Chú, việc đào tạo kiến trúc cần thêm những gì để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay và hướng đến hội nhập quốc tế?
KTS.NB: Khi chúng tôi đã có nhiều năm công tác, trong một dịp vừa là hội thảo, vừa là trò chuyện, các kiến trúc sư lão thành, và là các bậc thầy của chúng tôi, đều là kiểu mẫu đào tạo từ thời Pháp, đã có nhiều ý kiến hay mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ, còn suy nghĩ, còn trăn trở.
Các thầy của chúng tôi đánh giá:
- Nền kiến trúc của chúng ta chậm hơn thế giới hàng thế kỷ.
Nhận xét này, theo tôi, hiện giờ vẫn đúng.
Ta không có được các “nhà lý luận” để hướng dẫn các kiến trúc sư trẻ. Ví như có câu hỏi: “Thế nào là kiến trúc Việt Nam? Thế nào là kiến trúc dân gian?...” thì không một ai trả lời được.
Ở các lĩnh vực khác, như văn học, như mỹ thuật, như âm nhạc, như y học… dù ít dù nhiều, đã tồn tại đội ngũ những “nhà lý luận”, những “nhà phê bình”. Có họ, những người sáng tác, những người thực hiện mới có “chỗ dựa” để tự tin hành nghề. Ở các lĩnh vực đó, ta không mấy thua kém các quốc gia trong khu vực và có thể là thế giới.

Đào tạo kiến trúc sư cần thêm những gì ư để đáp ứng nhu cầu xã hội và để hội nhập quốc tế?!
Ta cần một cái TẦM CHIẾN LƯỢC, nhìn xa trông rộng. Nói nôm na là cần một “cái đầu”.
Có một ví dụ làm tôi suy nghĩ mãi, rất tâm đắc. Xin được kể ra đây câu chuyên đó.
Tôi hỏi một họa sĩ bậc thầy, tốt nghiệp từ thời Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông ta kể:
“Tôi qua Liên Xô, gặp dịp có triển lãm mỹ thuật một số nước Châu Á. Cũng tự hào khi thấy dư luận quốc tế đánh giá: Việt Nam là một trong ba đỉnh của Mỹ thuật Châu Á, đứng đầu là Nhật Bản và Trung Quốc.
Riêng gian triển lãm mỹ thuật của Nhật Bản, tôi phải xem đi xem lại tới 3~4 lần. Lúc đầu là sự ngạc nhiên, cảm thấy như mỹ thuật thế giới đã có trong mỹ thuật Nhật Bản. Từ sự ngạc nhiên đó, tôi đi sâu tìm hiểu thì vỡ ra một điều vô cùng thú vị.
Người Nhật biết “nhìn xa trông rộng” về đào tạo mỹ thuật. Nhà nước sẵn sàng bỏ kinh phí cho các họa sĩ trẻ ra nước ngoài, theo học bằng được các họa sĩ bậc thầy, theo các trường phái khác nhau. Thời gian học không hạn chế. Với lòng ngưỡng mộ, đam mê các bậc thầy thế giới đó, các học viên say sưa nghiên cứu, học hỏi, theo đuổi bằng được phong cách các bậc thầy đó.
Khi về nước, họ sẽ mang theo phong cách đó để sáng tác. Thế là ở Nhật có “Picasso Nhật Bản”, có “Gauguin Nhật Bản”, có “Renoir Nhật Bản”… Rồi thì, theo năm tháng, buộc họ phải “Nhật hóa” để tồn tại, để được công nhận, để không còn bị coi là “phiên bản sao chép” các bậc thầy kia. Vì thế, nền mỹ thuật Nhật Bản thật phong phú, đa dạng với trình độ thế giới.”
Ta có dám đào tạo kiến trúc sư theo dạng đó không? Và còn cần những gì nữa? Xin để cho các vị đầu ngành có chức, có quyền xem xét.
Thái Hòa - Homeclick.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.