Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

KTS Huỳnh Tấn Phát

KTS Huỳnh Tấn Phát: biệt tài khai thác tinh hoa trong di sản kiến trúc truyền thống


 
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một trí thức yêu nước lớn, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng trong lịch sử hiện đại của nước ta. Con người và sự nghiệp của Huỳnh Tấn Phát luôn luôn gắn bó với vận mệnh đất nước.
Từ thời còn trai trẻ, ông đã ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng và trí tuệ làm đẹp cuộc đời. Từ những năm tháng nhân dân ta theo Đảng làm cách mạng giành độc lập vào Tháng Tám năm 1945 đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, và cả trong những năm đầu xây dựng đất nước ông đã trọn vẹn tâm và lực cho đấu tranh giành tự do, bảo vệ độc lập và xây dựng Tổ quốc giàu đẹp.
Huỳnh Tấn Phát sinh tại Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Năm 1933, ông thi đậu vào khóa VIII, khoa kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Sau 5 năm học tập, ông đỗ thủ khoa và trở về Sài Gòn, làm việc trong Văn phòng kiến trúc sư Chauchaon, người Pháp. Tuy mới ra trường, nhưng với năng khiếu bẩm sinh và năng lực sáng tạo dồi dào, ông được giao ngay thiết kế một công trình quy mô khá lớn, đó là Câu lạc bộ thủy quân ở Sài Gòn (sau này chính quyền Sài Gòn dùng làm Phủ Thủ tướng, nay là Văn phòng 2 Phủ Thủ tướng ở số 7 đường Lê Duẩn). Câu lạc bộ thủy quân tuy là công trình đầu tay của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, song giải pháp tổ chức không gian chặt chẽ, mạch lạc, sinh động, tạo được nhiều góc nhìn đẹp.
dsc1265g
Câu lạc bộ thủy quân ở Sài Gòn (nay là Văn phòng 2 Phủ Thủ tướng ở số 7 đường Lê Duẩn)
Hình dáng tòa nhà mô phỏng con tàu như đang lướt sóng ra khơi, rất phù hợp với nội dung và tính chất của câu lạc bộ thủy quân. Qua công trình đó, tài nghệ của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được khẳng định, giới nghề người Pháp kính nể và khách hàng tín nhiệm.
Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở Văn phòng kiến trúc ở số nhà 68-70 đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) và là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc tư ở Sài Gòn. Bị chèn ép đủ đường, song đức và tài của ông được nhiều người mến mộ và tin cẩn, cho nên vẫn có khá nhiều công việc, nhất là biệt thự, nhà mặt phố, không chỉ ở Sài Gòn – Gia Định, mà còn có nhiều công trình ở các tỉnh Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt, v.v.
Ông có biệt tài tổ chức không gian và khéo léo khai thác những tinh hoa của di sản kiến trúc truyền thống trong các thiết kế của mình.
Ngôi biệt thự ở 40/40 Lò Heo, nay là phường 4, quận Bình Thạnh được xây dựng ở vùng kênh rạch cho nên có tầng hầm cao, tạo nên lớp đế vững chãi để tránh ẩm và ngập lụt. Ngôi nhà có nhiều hiên chái, kết hợp với các lớp mái ngói cao thấp xòe rộng tạo nên những điểm nhìn đẹp hòa nhập vào cảnh trí thiên nhiên. Có thế nói, đây là một trong những tác phẩm đẹp của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Tiếc thay công trình đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Ngôi biệt thự ở 150 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 có may mắn hơn, được chăm sóc tốt (nay là Lãnh sự quán Nhật Bản) do đó còn giữ được hình khối đẹp, đường nét và tỷ lệ tinh tế trong một không gian được tổ chức đơn giản và mạch lạc. Tòa biệt thự ở số 6 Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh có cấu trúc rất Á Đông, phù hợp với vùng khí hậu nhiệt đới, nơi nắng gắt, mưa rào. Để khắc phục những nhược điểm của khí hậu địa phương, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã tạo nên những mái đón, mái đua và các lớp hiên, chái, nhà cầu có mảng tối, mảng sáng hài hòa với nhau hòa quyện với sân vườn bao quanh.
Năm 1941, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương, dự kiến xây dựng ở vườn Ông Thượng (nay là Tao Đàn) Sài Gòn.
Với năng lực và tài năng dồi dào, chỉ sau ít năm mở văn phòng, điều kiện để làm giàu một cách chính đang mở rộng trước mắt ông. Song, ông đã gác sang một bên để đi theo tiếng gọi của vận mệnh đất nước, dấn thân vào cuộc sống gian lao và hiểm nguy vì nghĩa lớn. Tháng 3-1945, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn. Mỗi khi có điều kiện ông lại mang tay nghề kiến trúc phục vụ cách mạng. Kỳ đài cao 15m dựng trong đêm 24-8-1945 tại ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi đã góp sức cùng với nhân dân trong ngày cướp chính quyền 25-8-1945 ở Sài Gòn.
Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ, năm 1954, ông được Đảng phân công hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Để tạo thế công khai hợp pháp, ông làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Từ đấy ông lại có dịp sáng tác nhiều. Đồ án thiết kế của ông tham dự cuộc thi thiết kế nhà văn hóa dự kiến xây dựng ở Khám Lớn Sài Gòn đã đoạt giải cao nhất.( Thư viện Sài Gòn (đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện) là một trong những công trình đẹp nhất Sài Gòn, được giới nghề và công chúng đánh giá cao về giải pháp tổ chức không gian và hình khối, chi tiết kiến trúc.)???
14tang
Thư viện Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)
Những năm chống giặc Mỹ xâm lược, với cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bận rộn suốt ngày đêm, song ông vẫn không rời cây bút vẽ. Ông coi việc thiết kế nhà cửa là thú vui tao nhã, ông đã thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình tại vùng căn cứ cách mạng. Năm 1972, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã phác thảo thị xã Lộc Ninh, thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, gồm 60 bản vẽ thiết kế quy hoạch và hàng chục công trình công cộng cùng nhà ở cho một đô thị mới. Đây là bút tích duy nhất về sáng tác kiến trúc của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát còn lưu lại, qua đó minh chứng thêm ông là người uyên thâm, có đầu óc thiết kế về quy hoạch đô thị và công trình với bút pháp già giặn, tinh tế. Tập bản vẽ này còn cho thấy những ý tưởng lớn lao của ông về xây dựng một thủ phủ của chính quyền cách mạng.
 Quy-hoach-CC-Cach-mang-Thu-phu-Loc-Ninh
Quy hoạch Căn cứ Cách mạng Thủ phủ Lộc Ninh – 1972
Sau ngày đất nước thống nhất, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặc dù bận việc lãnh đạo, nhưng ông vẫn dành thời giờ cho công tác kiến trúc, gặp đồng nghiệp, được Đại hội kiến trúc sư bầu làm Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam,… Ông lại có dịp bình tâm hoạt động nghề kiến trúc. Ông làm Trưởng ban chỉ đạo quy hoạch thủ đô và Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng thủ đô Hà Nội. Đồ án này đã vạch ra những nét cơ bản cho sự phát triển của thủ đô sau này. Ông đã chỉ đạo và góp ý kiến vào các dự án thiết kế quy hoạch các đô thị trong cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu-Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn,… Ông đã trực tiếp sơ phác tìm ý tưởng cho công trình Nhà hát Hòa Bình (quận 10, TP. Hồ Chí Minh), đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Thành Thế về công trình này.
 NH HB (Medium)
Nhà hát Hoà Bình, Q.10, Tp.Hồ Chí Minh – 1980
Năm 1996, KTS Huỳnh Tấn Phát có vinh dự được Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật, đợt I, với các tác phẩm : Quy hoạch thủ đô Hà Nội thiết kế năm 1981; chỉ đạo trực tiếp tham gia thiết kế các công trình: Sân bay Quốc tế Nội Bài, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Trung ương, thiết kế năm 1978; Bảo tàng Hồ Chí Minh, thiết kế năm 1979-1985.
Tháng 9-1989, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vĩnh biệt chúng ta. Đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân cả nước luôn luôn nhớ đến ông, con người có nụ cười không bao giờ tắt.
KTS. Đoàn Đức Thành
♦♦♦
http://trelangkienviet.com/2013/11/17/kts-huynh-tan-phat-biet-tai-khai-thac-tinh-hoa-trong-di-san-kien-truc-truyen-thong/ 

Tiểu sử KTS. Huỳnh Tấn Phát



KTS. Huỳnh Tấn Phát (1913-1989)
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh năm 1913, tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Khi đến tuổi học trung học, ông lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký. Năm 1933, ông thi vào học khóa 8 Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa năm 1938. Cuối năm 1938 khi vừa có tấm bằng kiến trúc sư hạng ưu, ông trở về Sài Gòn và làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Chauchon, người Pháp tại số 68-70 đường Mayer.
Năm 1940, ông là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc tư ở Sài Gòn. Năm 1941, ông đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu Trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương do Toàn Quyền Đông Dương Jean Decoux tổ chức.
Các biệt thự do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế trước năm 1943 ở Sài Gòn đến nay vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính rất phù hợp với khí hậu nóng, ẩm phương nam. Một số biệt thự vẫn còn đến ngày nay như Biệt thự số 7 Lê Duẩn; biệt thự số 151 Nguyễn Đình Chiểu; biệt thự số 6 Nguyễn Huy Lượng...
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ông là chủ nhiệm báo Thanh Niên hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền Phong, truyền bá quốc ngữ, cứu tế nạn đói ở Nam Bộ. Ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 5 tháng 3 năm 1945. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông cùng một số trí thức Nam Bộ tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Ông đã thiết kế và chỉ đạo thực hiện công trình Kỳ đài cao 15 m ghi tên 11 vị trong Lâm ủy Nam Bộ tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi chỉ trong đêm 24 tháng 8 năm 1945.
Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được bổ sung làm ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội. Chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông công tác bí mật ở Sài Gòn, bị Pháp bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn. Năm 1949, ông ra chiến khu, giữ chức Ủy viên Ủy Ban kháng Chiến hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, trực tiếp phụ trách Đài phát Thanh tiếng nói Sài Gòn-Chợ Lớn tự do.
Sau Hiệp định Geneve, ông ở lại Sài Gòn, làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Năm 1954, đồ án thiết kế của ông tham dự cuộc thi thiết kế nhà văn hóa dự kiến xây dựng ở Khám lớn Sài Gòn đã đoạt giải II (không có giải I) và Thư viện Sài Gòn (đồng tác giả với Nguyễn Hữu Thiện) là một trong những công trình đẹp nhất Sài Gòn được giới nghề và công chúng đánh giá cao.
Ông cũng tham gia các phong trào đòi hòa bình, tự do, dân chủ, thống nhất đất nước, đòi thi hành Hiệp định Genève. Năm 1960, ông bí mật thoát ly khỏi Sài Gòn, tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn-Gia Định. Tháng 6 năm 1969, ông được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính Phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày Việt Nam thống nhất.
Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1976, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông làm Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch Thủ đô và Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng thủ đô Hà Nội, chỉ đạo và góp ý kiến các dự án thiết kế quy hoạch các đô thị trong cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết , Nha Trang,Vũng Tàu-Côn Đảo,Tây Ninh….
Ông còn đảm trách các chức vụ: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông mất năm 1989 tại Tp.Hồ Chí Minh.


---------------

Nụ cười vui tia mắt thoáng buồn

23/02/2015 - 22:50 PM
LTS. Sinh thời, ông Trần Bạch Đằng viết về kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (tên thường gọi Tám Chí) như sau: “Anh không cầm súng, chưa bao giờ là chỉ huy quân sự, song lại cáng đáng một trận địa mà có lẽ không dễ có người thay: huy động lực lượng trí thức vào hàng ngũ đấu tranh giành độc lập dân tộc. Càng biết nhiều khía cạnh đời riêng của anh Phát, những mất mát của anh về những người ruột thịt, (cha, chú, cô của ông bị giết trong thời kỳ cách mạng còn ấu trĩ tả khuynh dù cho ông nội của ông là Thành Hoàng Huỳnh Văn Thiệu theo nghĩa quân Trương Định bị Pháp giết) càng khâm phục anh”.
Tướng Trần Văn Trà thì cho rằng: “Anh Phát không thuộc một gia đình “trơn tru”. Anh vẫn có tâm tư riêng”. Tâm tư đó thêm nặng trĩu khi con gái ông, chị Huỳnh Lan Khanh, trong một chuyến công tác ở chiến khu C, lọt vào vòng biệt kích Mỹ và đã hy sinh… Người Đô Thị trân trọng giới thiệu đoạn trích trong hồi ký Tháng ngày tôi sống với những người cộng sản của nhà nghiên cứu văn hóa, nhà từ điển học Thanh Nghị về kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Dù chỉ là đoạn ngắn ghi lại khoảnh khắc đặc biệt của lịch sử, khi kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đón những người trí thức Sài Gòn vào chiến khu chuẩn bị cho việc thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam năm 1968. Trên đường hành quân ngắn ngủi ấy, Thanh Nghị đã khám phá tư tưởng lớn và nỗi đau giấu kín trong nụ cười rất đặc biệt của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Có người gọi đó là “Nụ cười lặng im”. Người Đô Thị nương theo nụ cười ấy mà đặt tựa cho đoạn trích này là:
... Có lẽ tôi còn nhắc đến anh Tám đôi bận nữa trong sách này. Chắc chắn là anh không muốn, nhưng biết làm thế nào. Tôi cố hết sức trung thực trong việc kể lại mà anh thì lại thường có mặt trong những sự việc đó.
Theo kiểu cách văn nghệ, nói anh là vai chính thì hoàn toàn không đúng vì trên anh, chung quanh anh còn bao nhiêu người nữa, nhưng ác quá, anh lại trực tiếp liên hệ với chúng tôi trong suốt quá trình hình thành một mặt trận mới. Mặt trận Liên minh, về sau gọi là Mặt trận 2, một mặt trận chính trị liên hiệp hành động giữa những người yêu nước ở các đô thị với những người đã điều khiển hoặc đã tham gia cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ từ lúc khởi đầu trong tình thế mới, trong một khúc quanh lịch sử.
Dinh Bảo Đại - Đà Lạt, do KTS. Huỳnh Tấn Phát đồng thiết kế. Ảnh Trần Đức Tài
Tôi chưa thấy cần thiết phải nói tên thật của anh. Có lẽ rồi không nói cũng nên. Chỉ biết là anh phụ trách chúng tôi, về đường lối liên hiệp với nhiệm vụ và quyền hạn tương ứng. Anh từng sống ở đô thị, cùng thành phần xã hội, có lẽ anh hiểu được chúng tôi hơn. Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định lại là địa bàn hoạt động của anh từ bao nhiêu năm trước.
Tôi không nghĩ đây là sự khéo chọn mà là công việc đã được sắp xếp từ đầu, từ những nước đầu của một ván cờ sinh tử và cực kỳ khó khăn. Sự đòi hỏi của cách mạng, của toàn bộ chiến lược và sách lược để chiến thắng kẻ thù, không nhất thiết đó là xe hay pháo, nếu đúng thời cơ tốt vẫn làm nên việc lớn.
Từ phải: BS. Phùng Văn Cung, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Phát, Tôn Thất Dương Kỵ
Chưa trao đổi gì nhiều với nhau về đường hướng quan điểm, và thực nếu có sự bất đồng nào đó, có lẽ rồi cũng không hề gì. Lễ nghĩa mới là nặng, một cái nhìn, một lần nắm tay, một tiếng mời mọc vẫn nói lên đầy đủ. Đối với nhiều dân tộc, điều này rất dễ nhạy bén. Người ta hiểu sâu sắc rằng lời nói có thể là văn hóa nhưng một hạt phấn của tình cảm vẫn khó lòng che giấu.
Độc quyền yêu nước là một khái niệm vô cùng sai lầm. Công cuộc chống đế quốc xâm lược là nhiệm vụ, là tình cảm của cả dân tộc” - Huỳnh Tấn Phát
Việc anh Tám đi thực không có gì đặc biệt lắm, nếu là từ một người khác nhìn vào. Tôi đã đi trọn một đêm với anh trên con đường chỉ mới hôm qua thôi, với tuổi của anh, đi trở lại con đường đó rồi đi trở về lần nữa, tấm lòng của anh làm cho tôi suy nghĩ mãi cả cho đến bây giờ, qua suốt những tháng ngày tôi sống gần gũi với các anh ấy, nhiều việc còn dữ dội lớn lao gấp trăm lần trong cái chung của cách mạng, nhưng tôi vẫn riêng thương những cử chỉ nhỏ, rất gần với mình.
Thực chỉ mới mấy ngày, thời gian chưa đủ để tạo nên một ý niệm mới, một tình cảm mới rõ rệt, trong thực tế của cách mạng mà sự sống của tôi đang trong thời kỳ nhập thân, bao nhiêu chuyện xảy đến dồn dập. Phải lâu lắm về sau tôi mới đánh giá có phần chính xác được. Không phải là tôi không biết chờ đón cũng không phải là không độ chừng được những quy luật của cuộc sống mà thể xác của con người không thể vượt qua, nhưng vẫn có một cái gì đó khác thường khó nói.
Như việc tôi sắp kể. Thực đã hoàn toàn qua rồi, có vô tình gợi lại những tình cảm không vui, đó là điều mạn phép. Tôi chỉ muốn nói lên cái gì tôi không thể ngăn được mặt chủ quan của mình. Tôi nghĩ là trong cuộc đấu tranh ác liệt này trên trận địa đã phải ném ra sự sống còn của cả một dân tộc và tương lai của con người, sự riêng tư vẫn được mong như một làn gió thoảng có hương thơm.
Mấy anh mấy chị ở thành đã tới nơi. Thực vui như hội. Khu rừng vang tiếng nói cười của đủ lứa tuổi, thọ như cụ Tết (kỹ sư Lâm Văn Tết) và trai tráng như các cậu sinh viên. Phái nữ có chị Thảo (nhũ danh Ngô Thị Phú, vợ luật sư Trịnh Đình Thảo), cô Hoa (bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, nguyên bộ trưởng bộ Y tế chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) và chị Nga (Bùi Thị Nga, nguyên chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM), “hiền thê” của anh Tám.
Phải mất mấy ngày mà vẫn chưa hết chuyện kể về chuyến đi của mỗi người. Ai cũng có cái phần khá hấp dẫn của mình và hình như đã trở thành những kỷ niệm khắc sâu trong buổi đầu. Cụ Tết quá thất tuần, đã phải để cho một sinh viên cõng đi qua một cây cầu khỉ: cô Hoa phải mấy lần “chém vè” và suốt nhiều giờ tắm bùn bất đắc dĩ: chị Thảo cũng thế, lại còn nhận chìm xuồng, chiếc xách tay của chị bị ngập nước, khi đến trạm nghỉ, chị phải mất công một buổi sang ngồi phơi những tờ giấy năm trăm bị ướt nhẹp. Mọi câu chuyện được kể một cách ồn ào và linh hoạt qua đủ thứ giọng của ba miền: đặc biệt là giọng núi Ngự sông Hương của anh Dương Kỵ (giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ thuộc dòng dõi Từ Sơn Công Nguyễn Phúc Mão, con út của vua Gia Long, nguyên tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam - BT).
Nhìn cái tập thể nhỏ đang hình thành, tôi vừa mừng rỡ vừa ái ngại. Tôi cứ liếc trộm về phía anh Tám. Anh rất vui và rất thoải mái trong sự tiếp đón một số khách mang nhiều thể tài và nội dung như thế, từ nghiệp chủ đến thư sinh, từ những mái đầu bạc phảng phất thời xưa cổ đến mớ tóc xanh bồng bềnh thời trang hiện đại. Trong lời chào đón thân tình giữa cái không khí bà con đoàn tụ, tôi còn nhớ một câu nói của anh: “Độc quyền yêu nước là một khái niệm vô cùng sai lầm. Công cuộc chống đế quốc xâm lược là nhiệm vụ, là tình cảm của cả dân tộc. Chúng tôi được cái may mắn là những người đi trước. Chúng tôi đánh giá rất cao sự đóng góp của các anh, các chị”.
Công trình tiêu biểu do KTS. Huỳnh Tấn Phát thiết kế và đồng tác giả. Ảnh Quý Hòa
Anh Tám có vẻ xúc động. Sự xúc động này, ngày hôm đó, tôi để ý hình như anh cố giấu qua cái cười thường rất tươi của anh mà đôi nét thoáng buồn trong tia mắt vẫn khó che giấu được một thâm tình cố nén. Vì thói quen, tôi hay nhận xét thế thôi và nếu có đôi chút băn khoăn rồi cũng mất ngay trong tiếng cười tiếng nói của ngày đầu họp mặt. Mấy hôm sau vẫn bình thường. Anh Tám vẫn say sưa trình bày và trao đổi với chúng tôi tin tức và tình hình đang diễn biến.
Công trình tiêu biểu
Chỉ qua đêm kế, trên đường vào mật khu, tôi mới tình cờ được biết một tin liên quan tới anh. Tôi nín lặng. Suốt nửa đêm còn lại trên đường đi, cảnh rừng tự nhiên hiện ra với tôi trong một trạng thái xao xuyến khó hiểu. Đêm rừng sâu càng sâu hơn. Bóng tối như cũng chứa đầy uất ức. Cây gợi ý và đất cũng mang thêm vào những dấu chân nặng nghĩa nặng tình. Dù thế nào, bên cạnh một tình thương bao la cho đất nước, vẫn còn những đau xót của riêng mình đối với vợ, với con, với những người thân yêu. Tôi cảm biết là anh khéo giấu về cái tin ấy trong một tình hình đặc biệt đột biến mà tình cảm riêng tư khó để lộ nhưng sự che kín này làm cho tôi bất chợt được thoáng qua đôi mắt anh sự nghẹn ngào xót xa của một niềm mất mát, một cái gì gần gũi xé rút đi từ cốt nhục, từ trong hồn, từ trong tim. Tôi hiểu, vì tôi cũng có con gái, tuổi vừa lớn, tuổi đang vui, tuổi đang cười với mẹ với em. Con gái anh hy sinh, dù trong một tình huống cực kỳ gan góc nhưng lại thương tâm quá. Tôi không muốn kể chi tiết vì chi tiết nào cũng chưa đủ. Bắt đầu từ hôm đó, tôi cảm biết được sự sâu sắc hờn oán, độ căm thù trước đó vẫn có nhưng cũng là tản mạn trong cái tản mạn của những thành phố lớn. Ở đây khuôn mặt kẻ thù hiện ra rất rõ, vừa gớm ghiếc, vừa man rợ. Tôi nghĩ tới các con tôi, nếu cũng phải hy sinh, chắc không có cách nào khác, trong một cuộc chiến đấu mà cái từ một mất một còn không là chuyện văn chương nữa. Thực tế tiếp xúc đã dần dần trở thành da thành thịt, thành hơi thở, thành tư tưởng.
Tôi chỉ ân hận là trong mấy ngày qua, vô tình mình mải vui đùa.
Đến bây giờ thì những người chết đã yên vui. Lòng biết ơn của những ai còn sống thật là vô hạn.

KTS. Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15.2.1913 tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Là học sinh trường Pétrus Ký - Sài Gòn, năm 1933, ông thi vào cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa năm 1938. Cuối năm đó, ông trở về Sài Gòn và làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Chauchon (người Pháp) tại số 68 - 70 đường Mayer (nay là Võ Thị Sáu).
Năm 1940, ông là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc tư ở Sài Gòn. Năm 1941, ông đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương do Toàn quyền Jean Decoux tổ chức tại vườn ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn).
Các biệt thự do KTS. Huỳnh Tấn Phát thiết kế trước năm 1943 ở Sài Gòn đến nay vẫn còn giữ nguyên vẻ cổ kính rất phù hợp với khí hậu nóng, ẩm phương Nam như biệt thự 7 Lê Duẩn (văn phòng phía Nam của Chính phủ), biệt thự 151 Nguyễn Đình Chiểu, biệt thự 6 Nguyễn Huy Lượng... Ông cũng là người đồng thiết kế Dinh 3 - biệt điện của vua Bảo Đại, một di sản kiến trúc nổi bật của Đà Lạt.
Sau hiệp định Genève năm 1954, ông ở lại Sài Gòn, làm việc tại văn phòng KTS. Nguyễn Hữu Thiện. Năm đó, đồ án thiết kế của ông tham dự cuộc thi thiết kế nhà văn hóa dự kiến xây dựng ở Khám lớn Sài Gòn đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) và Thư viện Quốc gia Sài Gòn (đồng tác giả với KTS. Nguyễn Hữu Thiện và KTS. Phạm Quang Hanh) - một trong những công trình đẹp nhất Sài Gòn được giới nghề và công chúng đánh giá cao.
Ông tham gia các phong trào đòi hòa bình, tự do, dân chủ, thống nhất đất nước, đòi thi hành Hiệp định Genève. Năm 1960, ông bí mật thoát ly khỏi Sài Gòn, tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, giữ chức vụ phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Uỷ ban Trung ương, đồng thời là chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Tháng 6.1969, ông được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày Việt Nam thống nhất.
Năm 1976, KTS. Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Phó chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông làm trưởng ban chỉ đạo quy hoạch thủ đô và chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng Hà Nội, chỉ đạo và góp ý kiến các dự án thiết kế quy hoạch các đô thị trong cả nước như: Hà Nội, TP.HCM, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh... Ông còn là người thiết kế công trình nhà hát Hòa Bình (khánh thành năm 1985) - nhà hát đạt tiêu chuẩn hiện đại duy nhất của Sài Gòn từ sau 1975.
Dù đảm trách nhiều chức vụ quan trọng, nhưng lúc nào con người kiến trúc sư trong ông cũng đau đáu về những vấn đề quan trọng của quy hoạch và kiến trúc đô thị. Bất cứ khi nào có thể, ông đều vẽ nên những phác thảo kiến trúc. Trong chiến tranh, ngay sau ngày Lộc Ninh được giải phóng, ông cũng kịp đưa ra một thiết kế thủ phủ của cách mạng trên một vùng đồi xanh rất đẹp.

 Thanh Nghị

1 nhận xét:

  1. manhhai nhận xét
    Tác giả thiết kế Thư viện QG tại Saigon là hai KTS BÙI QUANG HANH và NGUYỄN HỮU THIỆN (hai thầy dạy tại ĐH Kiến Trúc Saigon), không liên quan gì đến ông HUỲNH TẤN PHÁT như nêu trong bài viết. Xin mời tham khảo tại đây (KTS Bùi Quang Hanh chứ không phải Hạnh như trong tài liệu này):
    www.gslhcm.org.vn/contents/gioi_thieu/view_contents?folde...
    - Cám ơn A. Hải đã góp ý chính xác! Hồi học ở SG, Hòa còn nhớ ở Sảnh TVQG có gắn một bảng đồng ghi tên tác giả công trình TVQG là 3 Vị: KTS BÙI QUANG HANH và KTS NGUYỄN HỮU THIỆN đúng như A. đã nói; Hình như còn có tên Thầy Phạm Minh Cảnh tính BTCT? Lúc nào thuận tiện A. check lại giùm Hòa.! MC & HNY!

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.