Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

KIẾN TRÚC NHÀ SÀN DÂN TỘC K' HO

KIẾN TRÚC NHÀ Ở DÂN GIAN CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC LÁT
XÃ LÁT- LẠC DƯƠNG- LÂM ĐỒNG. 

THỰC HIỆN :
          KTS.TRẦN CÔNG HÒA
 

MỤC LỤC
PHẦN 1 :
NHỮNG NÉT CƠ BẢN VỀ SINH HOẠT – PHONG TỤC TẬP QUÁN – TÍN NGƯỠNG CỦA  DÂN TỘC K’HO  - XÃ LAT– LẠC DƯƠNG- LÂM ĐỒNG.
PHẦN 2 :
MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ NHÀ Ở CỦA DÂN TỘC K’HO  - XÃ LAT – LẠC DƯƠNG- LÂM ĐỒNG.
PHẦN 3 :
KIẾN TRÚC NHÀ Ở DÂN TỘC K’HO  - XÃ LAT – LẠC DƯƠNG- LÂM ĐỒNG ( NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT CÁC MÔ HÌNH  GỢI Ý GIẢI PHÁP Ở CHO NGƯỜI DÂN TỘC K’HO).
PHẦN 1
NHỮNG NÉT CƠ BẢN VỀ
Sinh hoạt – Phong Tục – Tập Quán – Tín Ngưỡng
Của các Dân tộc bản địa Lâm Đồng
Lời mở đầu
Lâm Đồng là một Tỉnh có nhiều dân tộc khác nhau. Hiện nay, ngoài dân tộc Kinh còn có 32 dân tộc thiểu số. Ngoài các dân tộc bản địa như Mạ, K'Ho, Chu Ru, còn có các dân tộc M'Nông, Raglai, Gié-triêng, X'Tiêng, Bru-Vân Kiều, Ba na, Ê Đê, Gia me, Chăm .v.v… Còn có các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc di chuyển vào như Hoa, Tày, Nùng, Thái,  Dao, H'Mông, Sán chay, Sán dìu, Thổ, Dáy…. Trong phạm vi của đề tài này, chúng tôi đề cập đến những nét cơ bản về Sinh hoạt – Phong tục – Tập quán – Tín ngưỡng của  dân tộc bản địa là K’ho.

NGƯỜI K 'HO.
 Người K ' Ho ở Lâm Đồng là một tộc người thuộc ngôn ngữ Môn – Khơ me. Họ cư trú ở nhiều nơi trong Tỉnh Lâm Đồng: Đà lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Đa Hoai. Người K 'Ho tập trung nhất là ở huyện Di Linh. Người K'ho ở Lâm Đồng hiện nay là 104.025 ( theo điều tra 01/ 10/ 1997) bao gồm các nhóm địa phương Srê, Nộp, Cờ dòn, Tố la, Măng tố ( Prô), Bajà, Ta ngâu ( Đạ ngao), Chil, Lạt.

  • SINH HOẠT KINH TẾ:

Người K 'ho chủ yếu làm kinh tế nương rẫy và ruộng nước. Nghề rẫy gắn liền với đời sống du cư, du canh theo chu kỳ 3 năm một lần dời chỗ ở. Nghề lúa nước gắn với đời sống định cư. Cây lương thực chính của các nhóm K 'ho là lúa, riêng đối với nhóm Chil lại là bắp.

  • VỀ XÃ HỘI :

Đơn vị tổ chức xã hội cao nhất của người K ' ho là Bon – Đây là một đơn vị tổ chức xã hội vừa là  một đơn vị kinh tế tự cung tự cấp của dân tộc K ' ho.
Bon là làng truyền thống theo kiểu một công xã nông thôn hoặc công xã láng giềng, mang đậm dấu vết của công xã thị tộc mẫu hệ. Đứng đầu Bon là già làng ( Kuang bon) . Ông là người có uy tín tuyệt đối sao với các thành viên khác trong làng.
Trong xã hội truyền thống, thì chủ làng, cùng với chủ rừng ( Tombri), thầy cúng và các gia trưởng hợp thành tầng lớp trên của người K ' ho. Sự khác biệt giữa các tầng lớp trong xã hội truyền thống chủ yếu dựa vào sự khác biệt chút ít về những tư liệu sinh hoạt truyền thống như ché, cổ chiêng..v.v. Chưa có sự bóc lột sức lao động của những thành viên khác trong cộng đồng. Nhưng trong xã hội đã xuất hiện sự phân tầng lớp kẻ giàu người nghèo.
Trong xã hội truyền thống của người K ' ho đã tồn tại hai hình thức tổ chức: gia đình lớn mẫu hệ và gia đình nhỏ mẫu hệ.
Điều đáng chú ý là dù ở gia đình lớn hay gia đình nhỏ những dấu ấn mẫu hệ vẫn được duy trì và bảo lưu. Con cái sinh ra đều mang họ mẹ. Chế độ hôn nhân một vợ, một chồng và cư trú bên vợ đã được xác lập và duy trì một cách khá chặt chẽ trong xã hội.

  • PHONG TỤC, TẬP QUÁN , TÍN NGƯỠNG:

Tín ngưỡng về siêu nhiên của người K ' ho cũng như của các dân tộc ít người khác ở Tây nguyên nói chung, tập trung vào ý niệm một bên là thần thánh luôn phù hộ con người và một bên là ma quỷ luôn luôn làm hại con người.
Về thần thánh ( Yang) trong quan niệm của người K ' ho có một vị thần tối cao đó là vị thần khai sáng vũ trụ và là vị thần bảo hộ tối cao của con người tên gọi là Nđu – Mặc dù vậy trong các dịp tế lễ người K ' ho ít cầu tới vị thần này mà thường  cầu xin các vị thần khác có ngôi vị thấp hơn như: thần mặt trời, mặt trăng, thần núi, thần sông, thần đất, thần ruộng, thần nhà, thần ché rượu, thần kho lúa, thần rừng... Đối nghịch với thần là ma quỷ (chà) luôn gây ra tai nạn cho con người như phá hoại mùa màng, gieo các bệnh tật. Do quan niệm về sự chi phối của thần và ma quỷ đối với đời sống, người K ' ho thường phải cúng kiến để cầu xin an lành vào các dịp như: mùa màng, hôn nhân, tang, ma , ốm đau.
Vì đời sống kinh tế của người K' ho cơ bản dựa vào nông nghiệp, cho nên những lễ nghi liên quan đến công việc làm ruộng rẫy, là những lễ nghi quan trọng nhất và được tiến hành thường xuyên. Ngoài lễ Đâm trâu( Nôsarpu) được tổ chức rất linh đình và mang nhiều ý nghĩa như mừng lúa mới, tạ ơn thần linh đã ban sự an lành cho làng; Người K ' ho đã có một một số lễ nghi nông nghiệp như: Lễ gieo giống ( Nhô Sih Srê), cúng trước khi gieo trồng. Lễ rửa " chân trâu" tiến hành sau khi gieo hạt một tháng, lúc này con trâu đã được nghỉ ngơi sau một thời gian cày bừa mệt nhọc, với mục đích cầu cho trâu mập mạp, sinh sản nhiều.
Lễ Nhô Wer cúng vào lúc lúa đã mọc đầy đồng. Lễ này để thần linh đã cho mưa thuận gió hòa.
Lễ Nhô kẹp – cử hành vào mùa lúa trổ bông.
Lễ Nhô tốt đông ( lễ trồng câu nêu) được cúng khi lúa chín.
Lễ cuối cùng trong một chu kỳ nông nghiệp là lễ Nhô Lir bông – Từ Lia bông có nghĩa là đậy nắp vựa thóc lại. Đấy là lễ tết của người K ' ho Sêrê. Lễ được tổ chức tại kho thóc của mỗi nhà có sự tham dự của chủ các bon, chủ gia đình khác trong họ.
Bên cạnh tín ngưỡng đa thần phổ biến và thống trị trong xã hội K ' ho, sau này ta thấy xuất hiện nhiều bộ phận dân chúng theo những tôn giáo từ bên ngoài du nhập vào như thiên chúa, tin lành.
PHẦN 2
MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ NHÀ Ở CỦA  DÂN TỘC K’HO- XÃ LAT– LẠC DƯƠNG- LÂM ĐỒNG
Về nhà ở của đồng bào dân tộc Lâm Đồng chúng ta có thể phân loại ra thành hai loại hình lớn: Loại hình truyền thống và loại hình hiện đại.
Trong loại hình thứ nhất chúng ta thấy có một quá trình tiến hoá rõ rệt từ nhà sàn dài đến nhà đất qua giai đoạn nhà sàn ngắn, tuy trong các loại hình này có những điểm chi tiết khác nhau do điều kiện môi trường, đặc trưng văn hoá từng dân tộc tạo nên. Còn về loại hình nhà dân tộc hiện đại, tuy chúng có khác nhau như là nhà sàn hay nhà đất nhưng đó chỉ là biểu hiện của sự giằng co giữa cái cũ và cái mới trong quá trình phát triển, còn về mặt cấu trúc cũng như về mặt kỹ thuật và vật liệu xây cất, đây là những nhà ở hiện đại theo đúng nghiã của chúng.
A. CÁC LOẠI HÌNH NHÀ Ở TRUYỀN THỐNG
1. Nhà sàn dài:
Nhà sàn dài là loại hình nhà ở cổ xưa trong xã hội truyền thống của các dân tộc Lâm Đồng. Khi các nhà thám hiểm Pháp đầu tiên đến vùng này như Henri Maitre- 1909, Patte,  vào đầu thế kỷ 20, họ vẫn còn thấy những nhà sàn dài 100 đến 120m. Những nhà dài như thế hiện nay ở vùng Lâm Đồng không còn nữa. .
Tuy nhiên loại nhà sàn phổ biến nhất ở Lâm Đồng là nhà sàn của người Mạ và người K'Ho, Srê, dài khoảng từ 20 đén 35m, rộng từ 3m đến 3,5m, cột nhà sàn cao từ 1m đến 1,5m, mỗi cửa đều có cầu thang lên xuống. Nhà sàn dài của người K'Ho, Srê ở Di Linh, đều có sàn hiên ở mỗi cửa ra vào và 1 sàn hiên khác rộng hơn ở một phiá hông nhà. Nhà sàn dài ở Lộc Trung không có sàn hiên trước cửa ra vào nhưng sàn hiên bên hông rộng và phát triển hơn đồng thời phiá sau có thêm những dãy sàn phụ.
Nhà sàn dài thường có hai mái lợp bằng lá "rsôi", một loại lá mây rất phổ biến trong vùng Mạ, hay bằng lá tranh. Lá "rsôi" được ghép thành từng tấm lớn dài 4,5m , khi dời nhà thì được dỡ ra và cuốn lại để mang theo. Vách và mặt sàn làm bằng lồ ô đập dập, kèo làm bằng tre và cột sàn bằng gỗ.
Kỹ thuật lắp ráp thô sơ, chủ yếu là sử dụng cột ngoãm rồi dùng dây mây để cột.
Cấu trúc bên trong rất đơn giản. Cả nhà là một buồng dài không vách, giữa nhà là một dãy bếp lửa, có nhà có đến 14 bếp dùng làm nơi nấu nướng, sưởi ấm cho các gia đình nhỏ ngoại trừ bếp khách không dùng gì khác hơn là để tiếp khách. Dọc theo vách đối diện với cửa ra vào là hàng ché, mà nhiều hay ít tùy theo mức độ giàu, nghèo theo thang bậc giá trị cổ truyền của xã hội. Có nhà có hàng trăm cái ché vừa cổ vừa mới, và niềm tự hào của một nhà giàu có trong xã hội xưa là có toàn ché cổ. Trên mái nhà phiá bên này là nơi giắt vũ khí. Phiá vách bên kia là nơi để củi và trên mái là nơi giắt các công cụ sản xuất.
Mỗi nhà dài đều có chỗ để tiếp khách chung cho cả nhà và thường trùng với chỗ ở của người có địa vị cao nhất. Đây có thể gọi là đầu nhà và cũng là nơi đặt bàn thờ (nao), là chỗ tôn nghiêm nhất trong nhà dài. Nói là bàn thờ nhưng cái "nao" xưa làm bằng ván gỗ có chạm trổ không còn nữa, giờ đây người ta chỉ còn nhận ra là chỗ thờ cúng nhờ những nhánh cây, bông lúa vắt trên mái đối diện với cửa ra vào. Những nhánh cây, bông lúa này là vết tích còn lại của các buổi cúng thần đã qua và sẽ được mang theo mỗi khi dời nhà.
Phiá trên trần nhà, trên các bếp lửa khoảng 1m có treo những cái "giá" hoặc " mẹt" tròn dùng để chưá các thức ăn cần hun khói hay để khô như thịt rừng, cá khô men rượu, tỏi hành… Ngoài ra, cũng dọc theo nhà, chúng ta còn thấy những tấm tre đan lơ lững, mỗi tấm chỉ dài độ vài mét treo lung chừng nhà dùng làm nơi để chiếu, chăn mền, gùi, rìu và các vật dụng khác như bầu nước…
Ngoài ra bên cạnh nhà dài còn có nhà kho, chuồng gia súc và nhà sản phụ là những kiến trúc phụ không thể thiếu được của loại hình nhà dài.
Nhà kho là nơi chứa lúa. Đó là một nhà sàn nhỏ, cột cao hơn nhà ở ( cao trung bình là 2,5m ) và cách nhà chính khoảng 10m. So với nhà ở, tuy nhỏ hơn nhưng nhà kho được xây cất tương đối chắc chắn và kỹ lưỡng hơn. Nhiều khi cửa kho được chạm trổ bằng những mô  típ  kỷ hà chứng minh cho sự chú ý của con người với mục đích làm đẹp và chăm sóc nhà kho. Nhà kho thường được xây cất riêng rẽ từng nhà  nhưng cũng có thể tập trung thành khu riêng biệt.
Ngược lại với nhà kho, chuồng gia súc được cất sơ sài hơn. Thường cũng là nhà sàn nhưng rất thấp và nhỏ đủ để cản gia súc không thoát ra được ra ngoài.
Nhà sản phụ cũng là một nhà sàn nhỏ ( cách đất khoảng 0,3m ) dài và rộng từ 3 đến 4m dùng để biệt lập người phụ nữ đang kỳ sinh nở. Bên trong bố trí rất giản dị gồm có một bếp lửa  để sản phụ sưởi ấm, kế bên là những vật dụng cần thiết cho người sản phụ như chăn , mền, bầu nước .v.v..
2. Nhà sàn ngắn:
Đứng về mặt phát triển xã hội, nhà sàn ngắn là giai đoạn chuyển tiếp từ nhà sàn dài đến nhà nền đất, cho nên từ cấu trúc đến kỹ thuật và vật liệu xây cất đều giống nhà dài. Cái khác chăng là loại nhà này ngắn hơn nhiều, chỉ dài khoảng từ 4 đến 8m. Nhà cũng lợp hai mái, cũng có sàn nhà hiên, cầu thang ..v.v… Bên trong cũng bố trí như vậy, cũng bếp lửa, trên treo " giá", treo " nia", cũng gác lững nhỏ dùng để xếp chăn, chiếu, nhưng phạm vi thu hẹp lại đủ cho một cặp vợ chồng và 1 – 2 đứa con nhỏ.
3. Nhà trệt ( nhà nền đất)
Nhà trệt là một bước phát triển rõ rệt so với hai loại hình trên về mặt kỹ thuật lắp ráp cũng như về cách bố trí bên trong.
Tuy vật liệu xây cất giống nhau như gỗ , tre, lá mây, tranh..v.v…nhưng nhiều nhà nền đất khác với nhà sàn bởi đầu hồi như kiểu mái nhà người Việt (4 mái). Về kỹ thuật xây cất và lắp ráp, tuy còn sử dụng cột ngoãm ở vài nơi, nhưng phần đông đã biết dùng mộng đẽo và cột cái để chống đỡ sườn  nhà. Nhưng cái biến đổi nhiều nhất là cách bố trí trong, nhiều nhà đã ngăn chia thành buồng có vách hẳn hoi và tuy bếp lửa vẫn còn để trong nhà nhưng sạp bàn ghế và sạp ngũ tre đã thấy xuất hiện. Theo chúng tôi, đây không phải vì nhu cầu sinh hoạt trong gia đình không thể diễn ra ngay trên nền đất dơ bẩn mà vì do ảnh hưởng bên ngoài trong quá trình tiếp xúc với người Việt hoặc người Chăm tạo nên.
 Mỗi đơn vị gia đình gồm có các nhà sau đây: Nhà sàn dài, một số nhà trệt ngắn nằm trước mặt và một số kho thóc nằm sau lưng hay bên cạnh. Nếu nhà sàn dài có hai hộ thì có hai nhà trệt ngắn, nếu có ba hộ thì có ba nhà trệt ngắn. Nhà sàn dài là chỗ nấu nướng, ăn uống và dành cho các ông bà già ngủ. Nhà trệt là nơi tiếp khách và là chỗ ngủ của thanh niên. Nhà trệt ngắm không có bếp, nhưng có giường, phản, người già thích ngủ ở nhà dài hơn.
Qua một đơn vị nhà dài vừa miêu tả như trên, chúng ta thấy rõ một quá trình biến đổi về nhà ở đang diễn ra tại vùng này. Chắc chắn đây là một bước quá độ từ nhà sàn dài đến nhà trệt ngắn, ở đó, nhà trệt ngắn đã được xác lập nhưng nhà sàn dài vẫn chưa mất hẳn vị trí của nó.

B. NHÀ Ở HIỆN ĐẠI
Chúng tôi dùng khái niệm "hiện đại" ở đây chỉ là tương đối để đối chiếu với khái niệm "cổ truyền" hay "truyền thống" mà chúng tôi dùng, cùng với ý nghĩa tương đối, trong phần trên. Nhà hoện đại đây không ý nghĩa là những ngôi nhà nguy nga làm bằng bê tông cốt sắt đầy đủ tiện nghi hiện đại..v.v…mà chỉ là những ngôi nhà dân tộc tương đối hiện đại về mặt kiến trúc, kỹ thuật lắp ráp cũng như về mặt vật liệu xây cất. Trong phần này chúng tôi cũng muốn chứng minh rằng về mặt nhà ở quá trình tiến lên vẫn là từ nhà sàn đến nhà trệt và điều kiện môi sinh không có, hay rất ít ảnh hưởng đến loại hình nhà ở. Duy chỉ có ảnh hưởng bên ngoài tác động nhiều về mặt kỹ thuật và vật liệu xây cất.
Nhà ở hiện đại gồm nhà sàn và nhà trệt.
1. Nhà sàn hiện đại :
Nhà sàn hiện đại tồn tại khá nhiều tại vùng người Kơho, Srê ở Di Linh . Đây là loại nhà  sàn ngắn, dài từ 8 đến 12 mét, rộng từ 5 đến 6 mét, cột sàn cao khoảng 0,5 mét làm bằng gỗ đẽo vuông rất chắc chắn, đôi khi còn có trụ bằng gạch xây để cũng cố thêm. Nhà lợp bằng tôn 4 mái, kỹ thuật lợp cũng khá tinh vi bằng đinh đầu tròn lớn, vách và mặt sàn bằng ván gỗ. Trước cửa ra vào là sàn hiên, mặt sàn cũng bằng ván, có thang để leo lên. Bước sàn lên trên, là một hành lang chạy chung quanh có lan can để vịn. Đôi khi hành lang chỉ có phân nữa nghĩa là chỉ có bên phía hông trái và sau lưng nhà. Kỹ thuật lắp ráp chủ yếu là cột đẽo có mộng, bắt thêm "bù loong" cho thêm chắc chắn.
Bên trong nhà chia thành nhiều buồng có vách ngăn và cửa ra vào. Buồng bên trái khi ta đi vào là buồng cha mẹ, buồng bên phải là của gia đình cô con gái. Gian chính giữa là phòng khách có bếp lửa để tiếp khách, còn bếp để nấu nướng thì xây cất bên ngoài ở phiá sau nhà.  Phòng khách là nơi để bàn thờ "nao", chiêng, ché và trống. Bàn ghế trong phòng  khách có nhưng còn ít. Trong  buồng có giường và đôi khi có tủ.
Nhà sàn người Chu Ru tại Đơn Dương còn hiện đại hơn nhiều, tuy cũng một kiểu kiến trúc nhưng chung quanh nhà có hành lang và cột sàn thấp hơn bằng gạch xây.
2. Nhà trệt hiện đại :
Nhà trệt hiện đại không khác nhà sàn từ cấu trúc kiến tạo đến cách bố trí bên trong. Kỹ thuật lắp ráp và vật liệu xây cất cũng giống nhau, duy chỉ có khác là nhà được xây dựng trên nền đất và hành lang phía trước được thay thế bằng một thứ hàng ba. Một số kiểu nhà trệt này có thêm một mái hiên trước đi thẳng vào cửa chính.
Một hiện tượng về nhà ở tại ấp Đạ Me xã Tu Tra I cho chúng ta thấy một quá trình chuyển sang nhà đất. Tại ấp  này chỉ còn duy nhất một nhà sàn ngắn truyền thống. Theo chủ nhà cho biết đây là nhà của ông khi xưa. Nhưng nay ông chỉ dùng nó làm nhà bếp, còn nhà ở chính của ông hiện tại là một nhà nền đất rất khang trang rộng rãi xây ở phía trước cách đó 5 mét.
Ngày nay, tuy xã hội cổ truyền của các dân tộc ở Lâm Đồng bị xáo trộn sâu rộng. Nhưng, nhìn chung địa bàn cư trú của họ vẫn còn tập trung tương đối theo từng tộc người: Người Mạ ở phía Tây thị xã Bảo Lộc, người Kơ ho, Srê ở phía Đông Nam huyện Di Linh và người Chu Ru, Raglai ở phía Đông huyện Đơn Dương. Chỉ có vấn đề là một phần lớn các làng người Kơho, Srê, Chil và Chu Ru đã bị dồn xuống đồng bằng đông dân cư nhưng lại ít đất canh tác. Vả lại số đất đai của các làng định canh định cư này, nay đã bạc màu trong tình trạng nguồn phân bón ngày càng hiếm hoi nên đời sống của đồng bào hiện nay gặp nhiều khó khăn.

NHÀ SÀN DÀI
Nhà sàn dài là loại hình nhà ở cổ nhất trong xã hội truyền thống của các dân tộc Lâm Đồng. Hiện nay sự tan rã của những "đại gia đình" đã kéo theo sự ra đi của những ngôi nhà dài vốn là kiến trúc truyền thống của họ. Ở Lâm Đồng hiện nay, xã Lộc Bắc huyện Bảo Lâm là một trong những xã hiếm hoi mà ta còn được may mắn nhìn thấy những ngôi nhà sàn dài mà người Mạ vẫn còn gọi là "Hìu rọt".
Vật liệu sử dụng trong ngôi nhà sàn dài chủ yếu là những loại có sẵn trong thiên nhiên (rừng) như gỗ, tre, nứa, lá, dây mây… Các loại vật liệu này sau khi lấy về được gia cố bằng cách tước vỏ, tạo ngoàm… tùy theo vị trí thích hợp, cụ thể trong kết cấu nhà mà người Mạ chọn loại vật liệu thích hợp.
Cột nhà và cột sàn thường được dựng đầu tiên theo trình độ kiến tạo nhất định. Hai hàng cột nhà chạy song song với nhau từng đôi một, số đôi cột này nhiều hay ít tuỳ theo độ dài của nhà. Nghiã là nhà càng dài thì số cột càng tăng. Sàn nhà bao gồm nhiều phần liên kết với nhau: Cột sàn bố trí dọc theo các đà ngang chạy từ mặt trước ra mặt sau nhà; Khoảng cách giữa cột sàn này và cột sàn kia trong cùng hàng không quá dày (0,8m – 1m); các hàng cột sàn cách nhau từ 1m – 2,5m trên kết cấu đà ngang là một lớp kết cấu đà dọc khá dày bằng tre hay lồ ô. Có những ngôi nhà kết cấu phần này ngược lại: đà ngang dày, đà dọc thưa, nhưng không phổ biến. Cột nhà cũng đồng thời đóng vai trò cột sàn được chôn xuống đất như cột sàn. Khoảng cách từ sàn nhà xuống mặt đất thường không quá 1,2m. Chiều rộng nhà thường lớn hơn khoảng cách cột này tới cột kia trong cùng đôi cột. Cột nhà nằm vào phiá trong mép sàn từ 0,5m đến 1m. Chiều rộng nhà vì thế tương ứng với chiều rộng mặt sàn khác với nhà của người Kinh, nhà dài của người Mạ không có kết cấu vì kèo, nghiã là không có xiên chính, kèo chính – kèo phụ. Trong nhà dài cột này liên kết với cột kia theo chiều dọc bằng mọt cây đà gác lên đà cột đã tạo ngoàm liên kết. Riêng hai đôi cột ở hai đầu hồi nhà là có sự liên kết giữa hai cột trong một đôi, nhưng xét cho cùng liên kết ở đây là phần hổ trợ cho liên kết xương vách.
Sàn nhà và cửa nhà dài:
Vốn là một nhà tập hơp nhiều tiểu gia đình chung sống nên nhà dài thường có nhiều cửa. Mỗi cửa tương ứng với một sàn lộ thiên (sàn hiên) được làm tiếp giáp với mặt sàn, thấp hơn mặt sàn 0,5 – 10cm. Cửa nhà có cấu tạo vòm, cửa mở vào phía t dây mây giữ cửa cố định sát trên mái nhà). Khi đóng cửa chỉ cần tháo dây mây hạ xuống. Toàn bộ nhà được lát kín bằng lồ ô đập dập. Riêng phần từ cửa vào (rộng 0,5m – 0,7m) lát bằng lồ ô nguyên cây như sàn lộ thiên. Ở mỗi sàn lộ thiên đặt một cầu thang lên xuống hoặc không đặt nếu mặt sàn thấp. Vách nhà thưng kín bằng phên lồ ô, là mây hay thân lau sậy sau khi đã hoàn thành kết cấu xương vách. Xương vách bao gồm hàng loạt liên kết ngang dọc hợp với mép sàn một góc vuông. Điều khá đặc biệt là mặt trước ngôi nhà phần xương vách nằm ngoài, thưng vách quay vào bên trong: Hai đầu hồi nhà thưng bằng mây là chính.
Bộ mái nhà có kết cấu riêng. Có thể hình dung mỗi bên mái là một khung hình chữ nhật, ở đó liên kết ngang dọc khá đều đặn bằng tre hay lồ ô. Cây nọ cách cây kia 0,4m – 0,5m. Liên kết mái tạo sự "gánh vác" đồng đều của toàn bộ khung mái khi tấm lợp được phủ lên.
Việc tạo ra tấm lợp không chỉ cần đòi hỏi thời gian mà cả sự khéo léo. Lá mây được chọn lợp nhà là loại lá không già và cũng không quá non (lá bánh tẻ). Sau khi lấy về phơi vài nắng thì đưa vào kết: từng tệp lá mây được xếp chồng như vảy cá, mức độ bền chắc của mái nhà phụ thuộc vào khoảng giữa các tệp lá trong liên kết bảo đảm bằng dây mây. Phên lá mây được đưa lên mái lợp theo chiều dọc củatệp lá, mái rũ xuống trùm hầu như toàn bộ phần vách nhà. Hai khung mái có độ rộng tương đương nhau nên số lượng phên lá mây lợp lên trên mỗi mái bằng nhau. Nóc nhà nơi bộ khung mái tiếp giáp cũng dùng lá mây nẹp kín.
Tóm lại : Nhà sàn dài là đặc trưng kiến trúc dân gian, truyền thống tiêu biểu, có nét đặc trưng riêng là :"Cửa vòm" (khi là phần xương mái đến nơi cửa họ uốn cong phần xương làm cho nó khum và nhô hẵn lên so với những chỗ mái bình thường khác). Theo quan niệm của đồng bào, họ muốn làm cho giống kiểu hang đá, nghiã là muốn tạo kiểu mái hang nơi cửa ra vào.

(Trong phần tổng hợp tư liệu trên
có sử dụng tài liệu của tác giả
nhà nghiên cứu dân tộc học
Mạc Đường, của tác giả Lý Ngọc Hiển)


PHẦN 3

KIẾN TRÚC NHÀ Ở DÂN TỘC DÂN TỘC K’HO  - XÃ LAT – LẠC DƯƠNG LÂM ĐỒNG.

NỘI DUNG
A - Con người và phong tục dân tộc K’HO
I- Giớí thiệu:
1.      Gốc tích và địa vực cư trú.
2.      Nhân dạng.
3.      Tính tình.
II- Đời sống cá nhân:
1.      Ăn uống.
2.      Hút thuốc.
3.      Y phục.
4.      Trang sức.
III- Sinh hoạt xã hội:
1.      Xã giao.
2.      Hôn nhân.
3.      Giáo dục – Y tế.
4.      Việc ma chay.
IV- Đời sống tinh thần:
1.      Tín ngưỡng.
2.      Âm nhạc.
V- Đời sống kinh tế:
1.      Trồng trọt.
2.      Chăn nuôi.
3.      Săn bắn, hái lượm.
4.      Tiểu thủ công nghệ.
5.      Thương mại.
B - Kiến trúc
I- Buôn làng.
II- Những yếu tố cơ bản thuộc về ngôi nhà.
1.      Nhà 1 hộ riêng lẽ.
2.      Nhà dài.
3.      Vật liệu xây dựng.
4.      Kết cấu.
5.      Không gian bên trong.
III- Nhà kho
IV- Nhà rẫy (nhà chòi)
V- Nhà làng.
VI- Nghiã địa
VII- Thần thoại về nhà ở.
C - Phương hướng nghiên cứu
* Nhà ở
I- Phương hướng.
II- Giải pháp đề nghị.
1.      Cải tạo ngôi nhà sàn hiện tại.
2.      Mẫu nhà sàn cải tiến
3.      Mẫu nhà mới.
III- Bố cục không gian ăn, ở cho 1 hộ.
IV- Vệ sinh ăn, ở.
V- Kỹ thuật xây dựng:
1.      Vật liệu.
2.      Kết cấu.
3.      Mái.
4.      Sàn.
5.      Vách tường.

KIẾN TRÚC NHÀ Ở DÂN TỘC DÂN TỘC K’HO  - XÃ LAT – LẠC DƯƠNG LÂM ĐỒNG
A - CON NGƯỜI VÀ PHONG TỤC DÂN TỘC K’HO.
I- GIỚI THIỆU:
1.      Gốc tích và địa vực cư trú:
Rất ít người biết rằng trước đây cả vùng Đồng Nai thượng thuộc Tỉnh Lâm Đồng có một "Tiểu quốc" của người Mạ nằm giữa Chân Lạp và Chiêm Thành. Tiểu quốc này mờ dần trên con đường Nam tiến của người Việt và bị xoá nhòa vào thế kỷ 17 khi cả Chân Lạp và Chiêm Thành thuộc về Việt Nam.
Hiện nay sắc tộc Mạ có hơn 30.000 người. Tuy ít nhưng chiếm cứ cả vùng Đồng Nai thượng rộng lớn chạy từ vùng Đơn Dương xuống tới Bảo Lộc, đông nhất ở Di linh, một số ít ở Long Khánh.
Mạa còn gọi là Cqâu Mạ, Châu Mạ, Chi Hạ. Mạa là một sắc tộc Thượng, có gốc tích Indonésien. Ngôn ngữ thuộc ngành Môn-K'hmer.
2.      Nhân dạng:
Người Thượng thường nhỏ người, cao trung bình 1m60, nặng từ 50kg đến 55kg, da ngăm đen hoặc nâu thẩm, tóc đen cứng, thỉnh thoảng lại hung hung do thiếu vitamin, có người lại có tóc loăn xoăn. Họ đi bộ rất khoẻ, gùi được nhiều. Nhưng nếu ta bắt họ khuân vác hay xách nặng thì họ không quen.
3.      Tính tình:
Thật thà, mộc mạc trong nếp sống bình dị sơ khai. Họ trở nên cộc cằn khi đụng chạm đến đời sống của họ.
·      Tính lười biếng, không thích suy nghĩ sâu xa, đầu óc họ thực tế hướng về cụ thể hơn là trừu tượng, không cần lợi vì ít nhu cầu.
·      Có tính di truyền bảo thủ, câu nệ tập tục.
·      Thích sống và hoạt động tập thể.
·      Tình cảm quyến luyến làng xóm, nhà ở, nương rẫy của mình.
·      Người đàn ông Mạ can đảm, hăng say chiến đấu, ảnh hưởng của những thế hệ trước.

II- ĐỜI SỐNG CÁ NHÂN:
1- Ăn uống:
Lúc ăn uống, người Thượng quen ăn bốc, họ cũng biết dùng chén, đũa. Một ngày, họ chỉ ăn hai bữa cơm; Một bữa lúc 7 giờ sáng, trước khi đi làm việc hay đi rẫy, chiều về dùng bữa tối trước khi đi ngũ. Món ăn chính là cơm nấu bằng gạo tẻ hay nếp, cũng có thể ăn độn trừ bữa. Thức ăn thông dụng là muối sống đâm nhỏ. Gia vị là ớt, tiêu. Họ thích ăn măng, cà, mướp nấu với muối. Cơm hay món ăn nấu một lần buổi sáng, để dành cả ngày. Họ nấu trong những cái nồi đất miệng hơi loe ra, đậy bằng là chuối. Ngày nay, họ dùng nồi đồng hay xoong chảo bằng nhôm mua ở chợ.
Rượu cần là một món ưa thích nhất của họ. Rượu ủ bằng cơm gại tẻ hay nếp, cũng có thể ủ bằng ngô, sắn hay khoai lang, bo bo. Men rượu làm bằng bột bắp củ riềng và vài thứ lá rừng. Rượu cần có vị chua chua ngọt ngọt, uống nhiều rất say. Rượu được hút bằng những cần trúc đã thông mắt..
  2- Hút thuốc:
Hút thuốc là một thói quen của người dân tộc Thượng cũng như uống rượu. Đàn bà, đàn ông, trai gái cho chí những em bé vài tuổi cũng biết hút thuốc. Họ hút bằng ống điếu, quấn lá, đàn bà ưa ăn thuốc.
  3- Y phục:
Không kể những lối phục sức phức tạp mà đồng bào Thượng trong nhiều năm gần đây đã chịu ảnh hưởng người Kinh, lối ăn mặc thuần túy của người Mạ rất đơn giản.
·        Đàn ông đóng khố và ở trần. Khố là một miếng vải hẹp, bề rộng từ 15cm – 20cm, dài 2m, đôi khi mặc thêm áo cánh cụt tay rộng, tay choàng thêm khăn về muà lạnh.
·        Đàn bà mặc "yêng" (váy). Đó là một tấm vải quấn nữa mình, dài tới đầu gối, khi mặc giao hai múi tới trước rồi quấn cho chặt. Mình để trần hoặc có thêm áo cánh cụt hay dài tay với những vết sọc ngang.
Ngoài ra, họ còn hay khoác 1 tấm choàng, để che thân hay che con nhỏ.
Đa số đàn bà  biết dệt vải.
Những lúc hội hè lễ phục tươm tất hơn.
4- Trang sức:
·      Cà răng: Thanh niên đến tuổi trưởng thành phải cà răng, vừa để biểu lộ lòng can đảm. Chỉ cà sát nướu 6 răng cửa hàm trên.
·      Căng tai: thành những lổ thật rộng bằng những khoanh ngà hay những vòng đồng.
Ngày nay, ở những nơi gần người kinh, tục lệ này đã được hủy bỏ dần dần.
·      Những đồ trang sức: cả đàn ông, đàn bà đều thích đeo những vòng đồng, những khoanh ngà, vòng cườm, xâu chuỗi cườm. Đàn ông thích cắm lên búi tóc những lông chim rừng.

III-SINH HOẠT XÃ HỘI:
1.       Xã giao:
Hiếu khách, phòng khách của họ là một bếp lửa ở giữa nhà. Bất kỳ khách lạ hay quen đến nhà cũng được chủ nhà ngồi bên bếp lửa, mời hút thuốc uống rượu cần rồi nói chuyện.
2.      Hôn nhân :
Trước đây theo chế độ mẫu hệ, ngày nay đã chuyển sang phụ hệ. Người con trai đi hỏi cưới vợ, nhưng lại ở rể nhà vợ. Nếu không muốn ở rể thì phải nộp của hồi môn (tổn phí, trâu, rượu…) và được sự đồng ý của nhà gái. Con gái lấy họ Mẹ.
Lễ hỏi chỉ có đơn sơ đôi sợi cườm, vòng đeo tay, chiếc nhẫn.
Lễ cưới theo nghi thức tín ngưỡng và vậ phẩm gồm có heo, dê, rượu cần.
Người Mạ cũng có chế độ đa thê với sự chấp thuận của người vợ cả.
Nếu cuộc sống gia đìng trở ngại cũng có thể ly dị.
3.      Giáo dục – Y tế:
Đối với họ chỉ là bước đầu, đa số mù chữ ngôn ngữ tiếng Thượng và tiếng Việt. Đồng bào Thượng bị bệnh rất nhiều, thuốc men không có. Họ chữa bệnh theo phù phép, cúng tế và lá cây rừng. Tại xã có trạm xá nhưng họ ít đến.
Khi có một sản phụ sắp sinh, họ để ở góc nhà chờ đợi phó mặc thiên nhiên. Do vậy số trẻ sơ sinh bị chết khá nhiều. Hiện tại y tế xã không quản lý được điều này.
Vấn đề vệ sinh trong buôn thượng là cả một vấn đề, trên nhà rận rệp, ruồi muỗi đầy rẫy, trong nhà tối om, xung quanh nhà rác rưới tràn ngập, nước sinh hoạt thiếu thốn nhất là về muà hạ khi sông suối cạn nước.
4.      Việc ma chay:
Khi có người chết, thân quyến lo khâm liệm, ngã trâu bò làm lễ cúng. Xóm làng vào rừng kiếm cây to (thường là cây bằng, gạo)đem về đục lỗ khoét rỗng bên trong như hình chiếc mõ dài, trên có nắp đậy. Khi liệm, để nghiêng người chết cho lọt vào, đến khi chôn thì lật ngữa xác người lên. Áo quan được đục lỗ ở phiá dưới và đưa để trên một cái vại. Hàng ngày, họ mang đi để ở nghiã địa, khi nào xác chết không chảy nước nữa mới mang đi chôn.

IV- ĐỜI SỐNG TINH THẦN:
1-/ Tín ngưỡng:
Do điều kiện kém văn minh nên họ có rất nhiều lễ lộc và cúng tế. Tất cả hành động từ sự canh tác, gặt hái, săn bắn, cưới hỏi, đình đám, ăn ở và mọi sinh hoạt trong xã hội bị bao trùm bởi những tín ngưỡng, dị đoan. Họ tin tưởng ở thần linh , núi sông, cây cối, đất đai. Tế lễ là một hình thức mua chuộc thần thánh qua trung gian thâỳ cúng (bojou). Một số lễ chính: lễ đâm trâu; cúng mồ mã; cúng ruộng nương; lễ tạ ơn; lễ cúng tại những nơi mà họ cho là có thần linh. Đau ốm cũng cúng bái.
Ngày nay, họ đã cố gắng khắc phục bỏ dần khi tiếp xúc nhiều với người Kinh.
2-/ Âm nhạc:
- Đơn giản kết hợp những ăm thanh man dại của núi rừng, vẫn giữ được bản chất nguyên vẹn buổi ban đầu.
- Những bài ca là những điệu hát thần thoại truyền khẩu.
- Nhạc cụ được chế biến từ những vật liệu thảo mộc tự nhiên, công chiêng…
- Vũ khúc bình dị như tâm hồn họ, đơn giản hòa với lời ca tiếng nhạc.
Ngày nay, nhạc mới cũng khá phổ biến, cây đàn guitar rất được thanh niên dân tộc sử dụng thành thạo và ưa thích đặc biệt.

V- ĐỜI SỐNG KINH TẾ:
1-/ Trồng trọt:
Người Mạ sinh sống bằng nghề làm rẫy, kỹ thuật rất đơn giãn. Về muà nắng họ đốn cây để cho khô rồi đem đi đốt, tro còn lại dùng làm phân bón đất. Khi muà mưa bắt đầu, họ lấy cây tre nhọn chọc lỗ và gieo lúa. Đến mùa gặt, đàn bà ra tuốt lúa bằng tay, cho vào gùi đem về cất trong nhà sàn. Lúa trồng trên đồi nên rất đễ bị nước cuốn trôi đi và thế nên cứ vài ba năm họ lại chọn nơi khác làm rẫy.
Kỹ thuật thô sơ, năng suất lúa rẫy kém, mỗi năm làm một mùa lúa nên không đủ dùng.
Họ còn trồng thêm hoa màu phụ như: bắp, sắn, khoai, đâu, chuối, miá, thuốc lá...
2-/ Chăn nuôi:
Có tính cách cá thể: heo, dê, gà trâu…
Trước đây họ nuôi trâu giống rất mập và thả đi tự do.
3-/ Săn bắn, hái lượm:
Những nơi gần sông suối, người Mạ cũng biết đánh bắt cá.
Họ vào rừng săn thú, thu lượm những lâm sản như quế, mật ong, sáp ong, dầu chai, củ măng rừng…
4-/ Tiểu thủ công nghệ:
Thường là thô sơ, có tính cánh gia đình.
- Đan gùi mây, đồ dùng bằng tre, mẫu nhà sàn nhỏ, cà nồi đất gia dụng.
- Dệt vải để mặc và trao đổi.
5-/ Thương mại:
Thu nhặt lâm sản để đem trao đổi với miền xuôi

B .KIẾN TRÚC
      Buôn làng
      Nhà ở
      Nhà kho
      Nhà rẫy
      Nghiã địa
      Nhà công cộng

I- BUÔN LÀNG:
Làng là đơn vị quan trọng trong xã hội người Thượng (người K’HO gọi là BON). Những người đã sống trong một làng có sự liên đới cổ truyền với nhau một cách mạnh mẽ và cả với những người ở khác làng mà cùng một sắc dân, toàn thể coi nhau như là phần tử trong một gia đình.. Sự cách nhau của các buôn làng tùy theo vị trí địa dư của từng bộ lạc và tùy theo sự canh tác của họ. Thường thì cách nhau 1,2,3 cây số. Những ngôi làng Châu Mạa thường được xây dựng ven bờ suối, ở chân núi, dọc theo những thung lũng nhỏ hẹp hoặc nằm rãi rác ở các sườn đồi hẻo lánh. Khu đất dựng buôn được khai hoang sạch sẽ chỉ chừa những cây lớn.
Nhà ở trong buôn bố trí tùy tiện, không theo một quy hoạch nào cả. Thường thì người nào chiếm được chổ nào thì làm nhà ở đó, thành ra sự đi lại trong buôn rất tự do và lộn xộn. Ở những khoảng trống là những nơi sinh hoạt lẽ tẻ, cũng là sân thả heo, gà…giếng nước chung. Xung quanh buôn làng có hàng rào với cổng đơn sơ. Những ngày lễ ở đầu buôn có treo vật biểu tượng như đầu trâu, cành lá, rua…
Đặc điểm buôn người Mạ không có nhà rông (nhà làng). Họ chỉ lấy nhà vị chủ làng làm nơi hội họp, tiêp khách.
Có những bộ lạc hướng nhà của họ về nhà chủ làng hoặc là hướng nhà về phiá con đường lớn hay dòng suối chảy ngang đó.
Thường ngày cả làng đi làm rẫy hay về chợ đổi chác thực phẩm, trong làng còn lại người già đau yếu và trẻ con.

II- NHỮNG YẾU TỐ CƠ BẢN THUỘC VỀ NGÔI NHÀ:
Qua khảo sát thực tế chúng tôi thấy có nhiều loại nhà nhưng thực tế có 2 loại chính:
1-/ Nhà cho hộ riêng rẽ, thường được lợp lá RSÔI
- Nhà sàn cao cẳng (1m-1,5m), kho ở bên ngoài nhà.
- Nhà sàn thấp cẳng (0,5m – 0,8m), kho ở bên ngoài nhà.
- Nhà có 1 phần hạ xuống đất, kho ở bên trong nhà.
2-/ Nhà hẹp và dài (sàn thấp) hơn 50m, có khi đến 70m – 80m dành cho nhiều hộ gia đình trong tôn tộc, kho lúa ở ngoài nhà.
- Loại chỉ lợp lá RSÔI.
- Loại lợp tranh hoặc vật liệu khác.
Kiểu nhà sàn thông thường cao cách mặt đất từ 0,8m tới 1m2, chiều cao trung bình của nhà là 4,5, dài khoảng 7m. Họ ở trên sàn là do nhiều lý do:
·      Đất có độ dốc nên làm nhà sàn để giải phóng mặt bằng.
·      Điều kiện khắc nghiệt của khí hậu miền núi, chống khí độc, thú dữ.
·      Đất dể thấm nước, đất tơi xốp, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù nên họ ở nhà sàn cho sạch sẽ.
·      Nhà sàn là sản phẩm kế thừa của tổ tiên, ít chịu suy nghĩ cải cách, họ hành động theo thói quen.
3-/ Vật liệu xây dựng:
- Là thảo mộc địa phương: tranh, tre, nưá, lá, vầu, hóp,mai bương dùng  làm bộ xương mái.
- Khung nhà: cột, quá giang, sà dọc, dầm sàn bằng gỗ tốt như : êrăng (cẩm lai), cà te (gụ), săn drao (giổi), Hlok (đinh hương) để làm cột. Grat (trám) làm quá giang, Kpang truột (ổi rừng) , hrat làm sà dọc và dầm sàn.
- Lạt buộc: ngoài tre còn phải kể đến song, mây và các dây rừng như đùng đình, thèm bép.
- Những vật liệu để làm vách: tre hay lồ ô đan thành phên hay là thanh tre chẻ nhỏ buộc khít vào nhau.
4-/ Kết cấu:
- Cấu trúc bộ sườn đơn giản. Mỗi vì gồm 2 cột cái (Kneh) đẽo tròn, chân cột chôn sâu xuống đất (1 heh = 0,4m) , đầu cột được khoét để ôm lấy xà dọc. Ngoài ra bên cạnh cây quá giang chính cũng có thể có 1 quá giang phụ cho mỗi vì cột, cây này cũng được ngàm ở hai đầu để giữ xà dọc.
- Không có vì kèo thật mà chỉ có những hàng kèo giả mặt kèo giả cách nhau 2 heh = 0,8m).
- Kết cấu sàn: dầm ngang được ốp vào cột cái bằng ngàm khoét vào dầm và cột xiết chặt bằng dây mây, cột theo hình chữ thập.
- Mái nhà thường có 2 mái, đôi khi có thêm 2 mái phụ ở đầu hồi, trên mái cũng như trên đường nóc không có trang trí gì cả.
- Vách phên ở 2 đầu hồi thẳng đứng, còn vách phên 2 bên thì ngã ra ngoài so với mặt sàn (hạ thu thượng thách).
- Nhà có 2 cửa đi đặt gần chính giữa 2 hồi. Cửa trước nhìn ra lối xuyên thôn dành cho khách và đàn ông, cửa sau dành cho đàn bà và người nhà. Chổ góc hai hồi nhà có sàn nước, dùng để rửa chân.
- Lên nhà bằng cầu thang bằng gổ hay tre.
- Nhà không có cửa sổ trông rất bưng bít, tối tăm.
5-/ Không gian bên trong:
Bước vào nhà chúng ta dễ để ý đến cái Bếp, nhà nhỏ thí, 2 cái.Nhà dài thì nhiều bếp, mỗi bếp một hộ, cạnh bếp có chổ để củi, phiá trên bếp là dựa treo bằng tre đan để hun khói thực phẩm (sấy thóc). Ché rượu đặt ở góc nhà, nơi dễ thấy nhất.
- Không có tủ, quần áo treo , móc rất luộm thuộm.
- Cả nhà sàn chổ nào cũng có thể ngũ được, chân quay về bếp lửa, đầu hướng về vách phiá trên. Vách bên kia để gùi đựng quần áo, nhà không có vách ngăn gì cả.
- Đôi khi trên xà ngang họ làm cái dàn để đựng đồ lặt vặt.
Ở những ngôi nhà dài chứa khoảng 10 gia đình, sống quây quần trong đó. Ở giữa nhà, là một dãy bếp đặt theo chiều dọc của nhà sàn, mỗi gia đình một bếp. Dọc theo mặt vách là một dọc chổ ngũ chạy từ đầu nhà đến cuối nhà và được chia thành từng ngăn cho mỗi gia đình, bên kia vách người gia đình để ché rượu, gùi thóc, gùi đựng quần áo và trên vách treo chiêng, còng, rìu, xà gạo, chổ để củi, đồ linh tinh.

III -  NHÀ KHO:
Tại xã LAT, người K’HO cất thêm 1 nhà sàn nhỏ để chứa lương thực, phiá dưới là chổ để công cụ, củi thô. Họ bố trí cách xa nhà ở từ 5m – 10m vì sợ nhở cháy nhà thì lương thực ăn quanh năm vẫn còn.
Kiến trúc cũng giống như nhà ở, chỉ có 1 cửa và vách không nghiêng ra, quy mô nhỏ và cao hơn nhà ở.

VI - NHÀ RẪY (CHÒI):
Ngoài nhà ở, Người Mạ còn cất thêm 1 chòi nhỏ nơi họ làm nương rẫy. Hiện nay có những lúc mà những gia đình sống ở trên rẩy luôn trong thời gian làm luá, vì rẫy của họ ở cách xa buôn làng, có chổ tít phiá bên kia sông Đồng Nai. Mỗi lần đi là họ dùng xuồng độc mộc xuôi theo dòng Đạ tẻh mà lên trên ấy. Lúc đó nhà cửa họ để trống như nhà hoang. Ta có thể thấy:
- Nhà: nơi ở chính thức, nơi thờ cúng, đón tiếp khách và tổ chức các nghi lễ trong năm (chức năng xã hội, tôn giáo và che đậy bảo vệ).
- Chòi: Dựng ở nơi sản xuất trong vòng vài ba năm. Khi nào đất hết màu mở, họ dời chòi đi nơi khác (chức năng liên quan đến sản xuất).
Khi vào 1 làng, ta ít gặp vườn tược, trái lại tới chòi, cây cối hoa màu rất nhiều. Chòi là nơi ở người sản xuất, đồng thời là nơi chăn nuôi. Khi cuộc sống đã định cư, nhưng sản xuất vẫn còn du canh thì cái chòi vẫn còn tồn tại.

V - NHÀ LÀNG:
Người Thượng không có nhà rông như phần lớn các dân tộc khác. Thay vào đó họ coi nhà của vị chủ làng là nơi đại diện cho làng. Phần lớn sinh hoạt của làng được tổ chức nơi đây.

VI - NGHIÃ ĐỊA:
Chổ ở cuối cùng, thường được đặt ở cuối làng, cây xanh cách ly chưa đủ bảo đảm.

VII- THẦN THOẠI VỀ NHÀ Ở:
Thuở ban đầu, loài người không có nhà, người ta ở trên cây rừng. Thấy cây nào được thì ở. Một hôm thần NDU thấy một người tên DOÊ đang ẩn núp trên ngọn câyMƠHI là cây thần thường trú ngụ. Muốn che chở người đó, thần Ndu làm cho lá cây không thấm nước mưa và mưa không ướt được. Từ ngày đó người đó kiếm cây MƠHI làm cây trú ẩn.
Sau đó BUNG về âm phủ đem tre, rồi rạ lên, BUNG dạy cho người ta làm nhà bằng tre, mái lợp rạ. Từ ngày cây đa lấy sắt cho con người ta, người ta mới làm ra dao, rìu, rựa. BUNG cho người ta tất cả cây to trên rừng, đủ các thứ gỗ để xây cất. BUNG còn dạy cách thức đẽo cột nhà.
Con mọt dạy cho người ta cách đục gỗ bằng cái khoan để chắp nối gỗ với nhau. Từ đó người ta mới bắt chước con mọt đẻo gỗ. Mỗi khi cần chắp nối thì đục 1 cái lổ trong khúc gỗ để đút một khúc gỗ khác vào.

C - PHƯƠNG HƯỚNG NGHIÊN CỨU
Nhằm mục đích cải tạo khu vực cư trú và nhà ở cho đồng bào dân tộc Mạ, chúng tôi thử đề nghị các giải pháp về ngôi nhà ở, sao cho phù hợp với sinh hoạt, phong tục tập quán của họ, dựa trên nghiên cưu về:
1-/ Con người và đặc tính dân tộc:
- Về hoàn cảnh địa lý, điều kiện thiên nhiên.
- Ngôi nhà truyền thống và mối quan hệ đối với con ngưới ấy
Để tìm ra:
- Những đặc điểm tiềm ẩn.
- Những bước phát triển và chiều hướng phát triển.
- Mối tương quan giữa nó với quá trình phát triển kinh tế xã hội. Từ đó chọn lọc, kế thừa và phát huy những điều tốt đẹp và cụ thể hoá qua ngôi nhà.
2-/ Ngôi nhà vẫn giữ được mối quan hệ truyền thống chặt chẽ với một số nhà khác trong nhóm tạo thành một đơn vị sinh hoạt và sản xuất tại điểm dân cư.
Sau đây có một số điều kiện làmtiền đề cho các giải pháp đề nghị:
VỀ QUY HOẠCH:
- Là một điểm định canh, định cư, bố cục không gian phải thể hiện tổ chức sản xuất mới (tập đoàn sản xuất, tiến lên hợp tác xã).
- Thể hiện được nếp sống nông thôn mới miền núi.
- Thể hiện được tính truyền thống về những sinh hoạt của người dân tộc.
VỀ KIẾN TRÚC:
- Kiến trúc phù hợp với khung cảnh địa phưong, gần gũi với tâm lý dân tộc của người địa phương.
- Tận dụng vật liệu địa phương, có biện pháp kỹ thuật kéo dài niên hạn sử dụng.
- ngôi nhà là nhân tố tích cực trong việc cải tạo và nâng cao đời sống cho người dân tộc.
- Giải pháp nhà nữa sàn nữa đất là một dạng trung gian trong quá trình phát triển hợp lý của ngôi nhà.
VỀ KỸ THUẬT:
- Phát huy và hợp lý hoá kinh nghiệm dân gian.
- Ban lắp ghép, cơ động, thi công đơn giản, dễ thực hiện với quy mô lớn.
- Hướng nghiên cứu dễ dàng để đi đến sản xuất hàng loạt.
- Sẵn sàng sử dụng vật liệu mới mà vẫn phù hợp với bao cảnh.

NHÀ Ở:
I -PHƯƠNG HƯỚNG NGHIÊN CỨU:
Qua tìm hiểu phong tục tập tập quán và thực tế tham quan đời sống của người Mạ ở Đạ tẻh, chúng tôi cố gắng nghiên cứu theo phương hướng sau:
- Nêu lên một số mặt không hợp lý của ngôi nhà dân, tìm cách cải tạo tốt hơn, đồng thời còn giữ lại những gì còn phù hợp để người sử dụng cảm thấy nét thân thuộc, không bỡ ngỡ cái mới lạ.
- Phát huy những kinh nghiệm dân gian theo hướng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bố trí lại nội ốc phù hợp với nhu cầu sử dụng và điều kiện thiên nhiên.
- Đáp ứng nhu cầu xây dựng trước mắt, làm phong phú mặt đứng, tránh đơn điệu, thống nhất kết cấu, tiện lợi chế tạo thi công.

II- CÁC GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ:
Theo tình hình thực tế tại Đạ tẻh hiện nay, có 3 hướng giải quyết:
1-/ Cải tạo ngôi nhà sàn hiện tại:
Đối với nhà trong buôn chưa dời đi, sẽ sắp xếp chổ ăn, chỗ ngũ cho hợp lý, có chú ý cải tạo cái bếp trong nhà sao cho khó bắt cháy và thoát khói dễ dàng.
2-/ Mẫu nhà sàn cải tiến:
Từ ngàn năm nay, người dân tộc tự bằng lòng với ngôi nhà sàn, xem như là một tổ ấm quen thuộc bảo vệ họ chống lại sức hủy hoại của thiên nhiên. Nhà sàn có những đặc điểm:
- Cao ráo tránh được ẩm thấp của núi rừng.
- Giải phóng mặt bằng không bị ảnh hưởng của thế đất.
- Tránh được thú dữ quấy phá.
- Tự bản thân nhà sàn sạch sẽ hơn nhà đất.
Và nhà sàn cũng có những khuyết điểm không tránh khỏi:
- Tốn gỗ nhiều hơn nhà đất.
- Bất tiện trong sinh hoạt và đi lại.
Sau khi chọn lựa chúng tôi thấy ở những vùng đất dốc hoặc có khả năng ngập nước thì mẫu nhà sàn cải tiến được xây dựng là thích hợp.
- Nhà được cải tiến trên cơ sở sinh hoạt truyền thống có bố trí buồng riêng cho phụ nữ. Nhà có trổ cửa sổ lấy ánh sáng và thông gió.
- Bếp tách riêng ra khỏi nhà và có hành lang che mưa nắng.
- Cầu thang lên nhà có mái che mưa nắng.
Nhà phù hợp cho 2 hai đoạn phát triển ít người và nhiều người.
3-/ Mẫu nhà mới:
Thời đại đã đổi thay, truyền thống của một dân tộc, thể hiện trong bất cứ lãnh vực văn hoá nào cũng phải đổi thay, tức là phát triển lên. Ngay về mặt kiến trúc, tổ tiên ta đã phải giải quyết một loạt vấn đề để tự bảo vệ chống lại sức tàn phá của thiên nhiên rồi sau đó chống lại chính đồng loại. Và cho đến nay, ngôi nhà sàn tồn tại trong thời gian qua có lẽ không còn thích hợp với môi trường đồng bằng đã khai thác tương đối thành thục ổn định, thiên nhiên không còn trở lại sau mỗi lần bị con người tác động nữa. Ngôi nhà đất ra đời với nhiều ưu thế hơn. Và để có một bước chuyển tiếp thích hợp trong vấn đề giải quyết nhà ở cho đồng bào dân tộc sao cho vẫn dung hòa được các yếu ố môi trường, vật tư, kỹ thuật, quan hệ xã hội, tâm lý con người. Chúng tôi đề nghị mẫu nhà: "vừa sàn vừa đất", có những đặc điểm sau:
- Được xây dựng ở vùng đất tương đối bằng phẳng.
- Vẫn giữ được tính "cao ráo chống ẩm thấp" của ngôi nhà dân tộc, thể hiện ở 2 phần:
·      Phần sàn ngũ thay giường (điều kiện trước mắt chưa có giường mà lại tạo nét quen thuộc cho người dân tộc) có thể sử dụng làm mặt bàn, mặt ghế, mặt phẳng sinh hoạt. Mặt sàn cách mặt đất tự nhiên bên ngoài khoảng 1m, cách mặt lối đi trong nhà khoảng30 phân.
·      Phần sàn phiá trong nhà được bịt kín chỉ chừa những lổ nhỏ để thông gió. Lối đi lại đắp cao 50 phân, chỉ cần ít đất đắp mà vẫn bảo đảm tính cao ráo , thoáng mát.
- Gầm sàn coi như ở ngoài nhà, sáng sủa, thoáng đãng, dễ quét dọn. Chỉ cần nền đất nện chặt.
- Giữa những hàng cột được đóng thành những kệ tủ để đồ đạc, vừa gọn ghẽ, vừa là vách ngăn. Ngoài ra còn làm cho liên kết ngôi nhà thêm bền vững.
- Nhà phù hợp cho 3 giai đoạn phát triển.

III- BỐ CỤC KHÔNG GIAN ĂN, Ở CHO MỘT HỘ:
Từ khi rời bỏ nhà sàn vùng rừng núi với chức năng cư trú, sinh hoạt là chính, để tiến về khai thác đồng bằng phì nhiêu, người dân tộc thiên về săn bắn, hái lượm, làm nương rẫy sẽ càng nhận ra được ưu thế của các yếu tố "đất", "nước" dưới sự tác động của năng lượng mặt trời và sức lao động của người khai thác biết lợi dụng thiên nhiên một cách có lợi nhất. Việc tạo nên 1 không gian cư trú gồm nhà ở, vườn, ao, chuồng được xem như một vòng khép kín về chuỗi thức ăn hay là mối cân bằng tự nhiên về sinh thái ở quy mô nhỏ là căn hộ 1 hộ. Điển hình gồm có:
* Nhà chính:
- Phòng chung:
. Nơi tiếp khách sang trọng, chổ để trưng bày, trang trí của chủ nhà.
. Nơi sinh hoạt gia đình.
. Góc làm việc học tập.
. Chổ ăn cơm.
. Có chổ ngũ cho con trai và khách khứa.
Sinh hoạt của gia đình dân tộc truyền thốngđược gợi lại ở không gian sinh hoạt chung. Phần riêng được dự trù nhưng đó chỉ là để ngũ, không bó buộc là không gian riêng của cá nhân nào.
- Phòng riêng:
. 1 phòng ngũ của cha mẹ.
. 1 phòng ngũ dành cho những sinh hoạt kín đáo cần thiết cho con gái lớn, sẽ trở thành nơi ngũ cho cặp vợ chồng mới, trong khi chờ ra riêng.
- Bếp:
Tách riêng nhưnh vẫn gần nhà chính, được nối bởi nhà cầu. Đối với người dân tộc bếp lửa có ý nghiã đặc biệt. Một nhúm lửa con con đã thay đổi cách sinh hoạt của loài người từ địa vị loài thú lên ngôi bá chủ các sinh vật. Lửa là công cụ lợi hại.
Nấu nướng thức ăn.
Rèn đúc vật dụng, làm đồ thủ công.
Xưa kia lữa đã từng vật đổ cây cối lớn, san bằng những khu rừng rậm rạp, âm u thành nương rẫy, đưổi các con vật làm hại người, từ con nhỏ bé như muỗi đến con to lớn như mãnh thú…
Phương thế đắc lực và đơn giản để chống lại sơn lam chướng khí
Lữa mang lại ấm áp, ánh sáng cho con người, có người là có lữa. Bởi thế người dân tộc dùng lữa và biết sợ lữa.
Theo thói quen, người già thích sống gần bếp lữa (bếp coi như là một lò sưởi).
Là chổ thuận tiện để sinh hoạt, tiếp khách thân mật.
Chổ để sinh hoạt, sản xuất phụ như đan gùi , giỏ…
Vì vậy bếp được bố trí sàn ngũ cho người già ở bên cạnh. Chung quanh có tường bao che bằng đất để chống cháy. Bếp cao ngang mực sàn, dưới có chổ để củi chẻ. Trên bếp có "dựa" dùng để sấy khô thực phẩm. Riêng khói được rút lên trên mái và thoát ra ở cửa mái.
- Nhà cầu: Không gian đệm giữa nhà và bếp, có thể giành cho sinh hoạt ban ngày như ăn cơm, tiếp khách, trẻ em chơi đùa hoặc làm nghề phụ như đan lát, dệt vải.
- Sân phơi: Dù to hay nhỏ, nhà nào cũng có sân. Sân là nơi để đập lúa, phơi phóng , đan lát, làm các nghề phụ. Ngoài tác dụng kinh tế, sân còn là nơi để tụ tập đông người mỗi khi gia đình có tang ma cưới xin. Hoặc những ngày đẹp trời cả gia đìng ra ngắm cảnh gío mát, trăng thanh, giải trí sau một ngày lao động mệt nhọc.
- Sân nước; giếng; nơi tắm giặt:
Bố trí hợp lý cạnh bếp, vừa kín đáo vừa thuận tiện sử dụng.
- Cầu tiêu gia đình: kiểu hố xí hai ngăn, dùng khạp ủ phân bón vườn. Với gia đình 6 người, mổi người 7lít phân/tháng, thời gian ủ là 2 tháng, thì chỉ cần 2 khạp 80 lít là tổ chức được nhà cầu này. Ngoài ra nhà cầu có thể bố trí gần, tiện lợi đi lại đêm hôm.
- Chuồng trại: phục vụ chăn nuôi gia đình, bảo đảm khoảng cách ly xa nhà, nguồn nước uống, có trồng cây xanh cách ly.
- Ao cá: Được đề nghị vì thấy có những tiện lợi sau:
. Lấy đất đào ao làm nền nhà, vách bếp.
. Lấy nước ao tưới vườn, rửa chuồng.
. Nước thải cho chảy xuống ao.
. Nuôi cá cải thiện bửa ăn.
Ngoài ra là các phần phụ thuộc linh tinh.

IV- VỆ SINH ĂN Ở:
1-/ Nước ăn và nước sinh hoạt:
- Nước ăn: nước giếng, nước mưa dự trữ.
- Nước sinh hoạt: giếng, suối.
2-/ Năng lượng nấu nướng:
- Trước mắt vẫn tạm dùng củi đốt, than, dầu lửa, thắp sáng thì xài đèn dầu, măng sông.
- Tương lai khi tiến lên sản xuất lớn, chăn nuôi của cụm hoặc buôn sẽ sử dụng hầm tự hoại cung cấp khí đốt cho các nhà. Khi có điện về đây sẽ thắp sáng bằng đèn điện.
3-/ Xử lý phân rác:
a- Nhà cầu gia đình: được đề nghị kiểu hố xí hai ngăn, vừa vệ sinh, vừa ủ được phân trồng vườn.
b- Phân chuồng và nước thải nhà bếp cho chảy xuống ao, phân sẽ tự rã tạo thức ăn cho cá.
c- Chất thải khác được xử lý tùy theo loại:
- Đốt lấy tro dùng cho hố xí hai ngăn.
- Chế biến làm thức ăn cho heo hoặc làm phân bón.
- Chôn lấp dưới đất.
4-/ Cải tạo vi khi hậu:
- Chọn nhà theo hướng tốt để đón gió mát.
- Dùng biện pháp nâng sàn đón gió.
- Trồng cây, làm dàn cây leo để giảm bức xạ nhiệt.
- Nắng mùa đông lấy trực tiếp vào nhà.
- Gió lạnh hoặc nắng chói được che đóng bằng cửa chống

V- KỸ THUẬT XÂY DỰNG:
1-/ Vật liệu xây dựng:
Đạ tẻh là vùng có nhiều vật liệu dùng được vào việc xây dựng, cho nên trước mắt sử dụng vật liệu sẵn có địa phương. Tương lai dự trù vật liệu địa phương có gia công, công nghiệp hoá chế tạo.
Trước mắt phải kể đến tre, không những nhiều về số lượng mà còn rất phong phú về chủng loại: tre, vầu, hóp, nứa, mai, hương, lồ ô…
- Gỗ rừng có nhiềi loại để làm nhà rất tốt như êrăng (cẩm lai), Gụ ( kate), săn drao ( giổi), hkok (đinh hương), opat ( trâm), kpang truột ( ổi rừng)
- Gỗ trồng có mít, xoan.
- Lạt buộc: tre, dang, mây song, và các loại dây rừng như đùng đình, thèm bép….
- Vật liệu lợp bằng thực vật: rơm, rạ, cỏ tranh, lá cọ, lá rsôi, nứa…
- Vật liệu làm tường vách: tre, gỗ, nứa, đất.
Các vật liệu kể trên được sử dụng kết hợp.
Vật liệu thảo mộc thường không bền, để có tuổi thọ cao, người ta tìm cách ngâm, tẩm chúng trước khi sử dụng. Kẻ thù nguy hiểm nhất của vật liệu này là mối mọt. Nhà làm bằng tre, nứa hay gỗ, nếu không ngâm chỉ được 4 – 5 năm. Nhưng nếu được ngâm kỹ có thể bền bằng mấychục năm. Tre nứa gỗ đem ngâm trong nước, tốt nhất trong bùn khoảng 1,2 năm mới vớt lên sử dụng.
Riêng lạt buộc thì không ngâm phải sấy khói ở dựa bếp, mối mọt không phá hoại mà độ bền dẽo lại tăng lên.
Ngoài ra nên khuyến khích các gia đình dân tộc tự chuẩn bị một phần nguyên liệu xây dựng bằng cách tự sãn xuất tại nhà để tăng thêm của cải xã hội trên đất thổ cư và đất kinh tế phụ như xoan, mít, rơm rạ, trấu, vôi…
2-/ Kết cấu:
Cải tiến và hợp lý hoá kết cấu nhà tre gổ cổ truyền theo hướng tiết kiệm và sản xuất cấu kiện điển hình hoá dựa theo module. Ở đây chúng tôi đề nghị module 2, có đặc điểm:
- Là tầm với tay của một người cao trung bình (1m65).
- Là khoảng cách làm việc thích hợp cho các cấu kiện như tre, gỗ.
- Bảo đảm không gian sử dụng phù hợp kích thước con người.
a- Cột: là bộ phận cơ bản tạo thành bộ khung nhà. Hệ khung cột biểu thị sức mạnh của ngôi nhà nên phải chọn cột kỹ càng.
- Muốn làm nhà cột chôn thường phải phải lấy gỗ có lõi chắc. Nhưng loại gỗ này chôn xuống đất hàng mấy chục năm vẫn không mối mọt, phần cột chôn cần ngâm tẩm hoá chất.
- Muốn làm nhà cột kể trên đá tảng, phải chọn gỗ mập, chắc.
b- Vì kèo: Do chất liệu lợp là thảo mộc cho nên vì kèo tam giác là thích hợp. Có thể sử gỗ và tre để làm vì kèo. Trong trường hợp muốn làm vì kèo hoàn toàn với tre thì theo hướng dẫn sau đây:
- Cột bằng diểu hoặc vầu Þ = 120mm, lỗ luồn quá giang nên đục trên đốt cột chừng 5 cm, đục vừa khít.
- Kèo: 2 cây diễn (vầu) Þ = 10cm, Phiá gốc cắt dưới đốt 5 cm đặt ngược lên trên, vì phần gốc phải cắt một nữa để nối đầu kèo cho nên phải khoẻ, không được đặt phía ngọn lên nóc kèo vì thân ngọn mỏng.
- Quá giang: tốt nhất là cây hop Þ = 6 –8 cm, thẳng đầu. Phiá gốc cắt dưới đốt cây 5 cm. Luồn hop ở đầu cột 1 rồi lần lượt cho qua các lỗ cửa chống đứng, cuối cùng qua lỗ đầu cột 2. Ở đầu này ngọn cạy hộp làm quá giang thường bị hỏng trong lỗ cột, ta dùng nút chêm bằng ngọn hóp có đường kính nhỏ hơn chêm vào.
- Nối quá giang: khi không có họp dài, đoạn nối cần có đốt khoẻ và nên đặt ở chân chống đứng thứ 2 để lỗ của chống đứng cũng tham gia ghì giữ mối nối. Hai đầu đoạn nối oốp 2 nữa ống tre và kẹp giữ bằng chốt tre.
- Chống đứng – chống chéo:
Dùng cây diễn phần ngọn cắt còn lại khi làm kèo cột. Chân các chống đứng cắt dưới đốt 5 cm và đục lỗ trên đốt 12cm để luồn quá giang, đầu thanh luồn  giữa 2 thanh kèo chốt bằng con sỏ. Đầu dưới chống chéo cắt vát 2 mặt để ăn khớp vào góc vuông giữa chống đứng và quá giang. Đầu trên cùng dùng con sỏ để nối với 2 thanh kèo.
- 2 chống chéo ở đầu cột, đầu chống chéo gần giáp đầu chống đứng phía trên, dưới quá giang và cột đều dùng chốt để liên kết.
- Để tránh biến dạng vì kèo còn được tăng cường thêm các chống đứng nhỏ ở 2 đầu quá giang, giằng đầu chống chéo ở cột với kèo.
- Ngoài ra còn được tăng cường thêm các giằng giữ các chông đứng và chống chéo song song với quá giang.
- Con sỏ bằng gốc tre đực già vót tròn đều va khi lắp vì kèo phải đóng thật chặt.
- Kèo tre nên làm 2 lớp được liên kết chắc bằng then cài hay buộc:
Lớp dưới là kèo lệ
Lớp trên là kèo ốp có đường kính lớn hơn đòn tay.
Phiá trên mỗi mấu có đục lỗ để đòn tay đi qua.
c-/ Mái:
Nhà lợp bằng chất liệu gì cũng phải có bộ khung để đồ vật liệu lợp. Bộ khung này gồm có đòn tay, rui, mè.
- Đòn tay làm bằng gỗ, tre, diễn hoặc hóp để nguyên cây. Đòn tay đặt trên lưng kèo, song song với nóc, cách nhau từ 50 cm – 70 cm.
- Rui: Đặt trên và thẳng góc với đòn tay, cách nhau từ 15cm – 20cm hoặc thưa hơn tùy theo cách lợp và số lượng lá. Rui có thể bằng vầu, nưá hoặc tre chẻ thành từng mảnh, bản to 4cm – 5cm.
- Mè: đè trên rui, song song với đòn tay, cách nhau 20cm – 30cm> Mè và rui tạo thành những ô chữ nhật 15cmx20cm hoặc 25cmx35cm.
Lợp mái:
Lợp bằng lá cọ, có 4 kiểu khác nhau:
. Đè mè – xé mép: người ngối lợp ngồi trên mái đưa đầu tàu lá chui xuống dời mè rồi xé 2 mép của nó vắt qua mè lên bên trên, hai mép lá đã là 2 cái móc giữ lấy tàu lá tại đây. Mỗi một ô chữ nhật được lợp 1 tàu lá theo kiểu như vậy. Bắt đầu lợp từ hàng mè dưới cùng đến hàng lá thứ 3, lấy một cái mè khác buộc lên hàng lá đó, rồi lại tiếp tục lợp.
. Khi 2 mái đã lợp lên tới đỉnh nóc thì người ta lợp phủ nóc theo kiểu cài găm và dóc lòng tôm là chắc chắn nhất.
. Đè mè: Kiểu lợp này mép lá không vắt qua mè mà cứ một hàng lá lại được buộc đè ra ngoài bằng một cái mè.
. Kiểu nảy mè: là sự kết hợp 2 kiểu trên: 1 đường mè xé mép lại đến một đường mè đè.
. Kiểu lợp chài: cho những công trình phụ, kiểu lợp lá này kém bền hơn mấy kiểu trên. Không cần rui, mè, tàu lá được buộc ngay vào đòn tay.
- Lợp bằng rơm rạ:  có 2 cách là rũ rối hay xếp thành từng lớp, mái lợp xong thường phải được phủ lên bằng một lớp mành thưa, bên trên mành được đè bằng một số bộ kèo chống gió.
- Lợp bằng cỏ tranh: tranh được đánh thành từng phên. Mỗi phên được gọi là một con tranh dài khoảng 1m –1,2m.
- Lợp bằng nưá: Nưá được đập dập thành từng phên như phên tranh.
d-/ Sàn: có 2 hướng sử dụng
- Sàn gỗ: theo thứ tự từ trên xuống có:
. Ván gỗ sàn có chiều dày 25mm.
. Dầm đở sàn.
. Dầm ngang.
- Sàn tre:
. Mặt sàn dùng tre bổ làm 4, vát nah84n , ken dầy.
. Thanh tre lót sàn, đường kính 60mm –80mm cách khoảng 150mm.
. Dầm ngang.
e-/ Vách tường:
- Đan bằng tre nứa: nứa đập dập cả cây rồi phanh ra thành từng phá rồi đan thành vách. Vách có thể đan theo kiểu nong đôi, nong ba hay nong chiếc. Nếu là tre thì pha cây tre thành từng nan nhỏ (2-4cm), rồi đan lại với nhau.
- Đối với vách bep thì kết hợp giữa đất , tre, nứa, rơm, rạ hoặc trấu. Kiểu vách này trước hết phải làm một bộ xương bằng tre hoặc nứa nguyên cây gồm những thanh ngang cách nhau chừng 15cm-20cm và những thanh đứng cách nhau từ 10cm-15cm. Chúng tạo thành những ô hình chữ nhật 10cmx15cm hoặc 15cmx20cm. Đât bùn mhào với rơm (rạ) vắt qua các ô của bộ khung, rổ vuốt hoặcc xoa bằng bàn xoa cho phẳng cả 2 mặt, lần lượt làm từ thấp lên cao.
Một kiểu khác là các thanh đứng được đan khít với nhau, bên ngoài trút bằng đất trộn trấu hoặc vôi và cát.
- Vách ngăn: làm thành từng tấm 70x180. Các tấm vách này liên kết với nhau theo kiểu bình phong nhẹ, cơ động, dễ thay thế từng phần. Vách ngăn có thể làm bằng sản phẩm phế liệu nông nghiệp như thân cây đay rộng, sậy, thân cây bắp, bã miá…
3-/ Thi công và bảo trì:
a- Tổ chức thi công:
Từ bao đời nay, người dân tộc vẫn có truyền thống tương trợ giúp đở nhau để giải quyết lấy nhà ở, chúng ta cần phát huy truyền thống tốt đẹp này. Để xây dựng nhà ở, gia đình dân tộc sẽ đóng góp tiền của, công sức, thời gian…dưới sự hướng dẫn và hổ trợ của tậpthể, nhà nước về mặt kỹ thuật, nguyên vật liệu cho vay vốn. Áp dụng phương pháp bán lắp ghép. Dự kiến sẽ tiêu chuẩn hoá và công nghiệp hoá chế tạo.
b- Các giai đoạn thi công:
Chuẩn bị vật kliệu, dụng cụ, nhân lực
Lấy đất đào ao làm nền
Dựng khung nhà
. Đối với nhà cột kê:
Lắp vì
Nâng vì
Đặt mộng nối vì
Làm mặt sàn
Kiến tạo mái và lợp mái
Làm vách làm buồng, cửa sổ, cửa đi
. Đối với nhà cột chôn
Dựng các cột
Lắp quá giang và xà dọc để hình thành bộ khung nhà
Điều chỉnh góc vuông thẳng đứng tạo thế cân đối và lớp chân cột
Làm lớp mặt sàn
Kiến tạo mái và lợp mái
Làm vách, làm buồng, cửa sổ, cửa đi
c- Bảo trì:
- Hệ cấu trúc tre, gỗ có cấu kiện gọn nhẹ, dễ tháo lắp cơ động tiện lợi cho việc thay thế những bộ phận hư hỏng hay mục mọt.
- Các phần vách cửa được làm dễ dàng trong những thời gian rỗi rãnh và thay thế bất kỳ lúc nào cần.
- Mái lợp tranh, lá hàng năm sẽ dồn xuống dưới và chôn lớp lá mới lên trên với khối lượng bằng 1/4 số vật liệu lợp.




PHẦN KẾT LUẬN:
Trước nhu cầu thực tế đang thôi thúc, chúng tôi hy vọng rằng những gì chấm dứt ở đây sẽ là khởi đầu cho những đề tài nghiên cứu chi tiết hơn, những nỗ lực, cố gắng mới trong công cuộc góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân tộc.










Xã Lát

Vị trí: Lạc Dương, Đà Lạt
Nằm dưới chân đỉnh Lang Biang hùng vĩ, xã Lát thuộc huyện Lạc Dương, nơi người dân tộc Lạch – những cư dân đầu tiên của thành phố cao nguyên xinh đẹp Đà Lạt – sinh sống là nơi để bạn dừng chân, tìm hiểu nhiều điều thú vị về con người và nếp sinh hoạt văn hóa ở đây.
Thuộc huyện Lạc Dương tỉnh Lâm đồng. Đó là khu vực dưới chân đỉnh Lanbiang, một trong 3 ngọn núi cao nhất của cao nguyên Lâm Viên. Đây là một trong những bản làng của đồng bào dân tộc tây Nguyên còn giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống. Đến nơi đây, du khách sẽ được thưởng thức những nét âm vang của núi rừng qua đêm lễ hội cồng chiêng, thưởng rượu cần cùng với thịt rừng nướng, xem các điệu múa cồng chiêng cùng những lời ca mang âm vang của núi rừng Tây Nguyên.





Đà Lạt về xã Lát có 12 km, nhưng là cả một quang đường hấp dẫn để khám phá. Những ngôi nhà bé như hộp diêm, những đồi thông bạt ngàn, những trang trại trồng rau, hoa quả, hoặc ngắm nhìn hồ Suối vàng lấp loáng dưới ánh mặt trời , nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho Đà Lạt. Tất cả đều là những bút vẽ chân thực nhất về một cao nguyên Lâm Viên.



Dân tộc Lạch – những cư dân đầu tiên của thành phố cao nguyên xinh đẹp Đà Lạt. Người Lạch (hay còn viết là Lat, MLates) là tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ người Kho sống lâu đời trên cao nguyên Lang Biang. “Lạch” theo tiếng địa phương có nghĩa là “rừng thưa” để chỉ vùng rừng thông và đồi trọc từ dãy Lang Biang trải dài xuống hướng Tây Nam bao gồm cả thành phố Đà Lạt hiện nay. Cộng đồng dân tộc Lạch, Kho này sinh sống ở nơi với cái tên rất quen như địa danh này đã trở thành thương hiệu: Xã Lát.





Xã Lát nổi danh hơn bất cứ địa danh nào ở Đà Lạt, và người dân ở đây có một cuộc sống kinh tế khá cao bởi nguồn thu du lịch. Gần như bất cứ ai đến xã Lát đều thích thâm nhập vào đời sống của cộng đồng người dân tộc  ở đây, cùng tham dự lửa trại, đi thăm vườn quốc gia BIdup, thăm suối Vàng suối Bạc.







Xã Lát còn là nơi tạo ra những tấm thổ cẩm với hoa văn độc đáo tinh tế, mà du khách thích mua để làm kỷ niệm cho chuyến dừng chân. Bên cạnh đó, những đội múa cồng chiêng, của xã Lát là minh chứng hùng hồn về một nền văn hóa đang phát triển ở nơi này. Những tiếng cồng chiêng ngoài việc đem lại niềm vui cho khách ghé chân, là nguồn thu nhập cho cộng đồng dân cư tại đây.






Độc đáo hơn là ở đây có lại nhạc cụ khèn Mbướt với âm thanh réo rắt càng làm cho du khách thích thú. Xã Lát có các buôn Đangya, Đưng, BNeur và có tới 8 đội cồng chiêng chuyên nghiệp luôn có mặt trong các lễ hội văn hóa của tỉnh và các Festival được tổ chức ở những nơi khác, đó chính là niềm tự hào của người xã Lát.





Vào nhà người Lạch, bạn sẽ nhận được lời “niêm xá” (lời chào) thân tình của người Trưởng thôn, được giới thiệu những chiếc cồng chiêng treo thiêng liêng bên bếp lửa. Để khi người trưởng thôn khua một tiếng chiêng, đã thấy âm vang của núi rừng, sông suối vọng về.






Ở quãng sân rộng phía trước, bạn sẽ được thưởng thức món thịt rừng nướng cùng với rượu cần, thứ rượu của lễ hội, của niềm vui, của ước mơ về cuộc sống giao hòa thân ái trong cộng đồng. Rượu ngâm bằng lá cây, gạo nếp nên ngọt lịm từ đầu lưỡi, uống vào cứ vui lâng lâng và ngây ngất không thôi.





Còn điệu múa của những chàng trai và thiếu nữ miền sơn cước nữa. Trong tiếng trống, tiếng chiêng và tiếng đàn vang dội, điệu múa đơn sơ rắn rỏi, mạnh mẽ nhưng uyển chuyển nhịp nhàng, làm cho núi rừng cũng muốn cất lên lời ca, hát về cuộc sống cộng đồng thân ái và đầy phấn khích của những con người nơi đây.

Một buổi chiều hòa mình vào cuộc sống nơi xã Lát dưới chân Lang Biang sẽ khiến bạn cảm thấy cuộc sống còn biết bao điều thú vị mà bạn cứ phải khám phá không ngừng.
---------


Dân tộc K ’ho

(LV) - Người K’ho là một trong các dân tộc bản địa của Tây Nguyên, họ sinh sống chủ yếu ở vùng Nam Tây Nguyên. Đến nay các lễ nghi phong tục cổ truyền của người K’ho vẫn còn được bảo lưu và phát huy.


Làng là đơn vị tổ chức xã hội mang tính cộng đồng của người K’ho. Mỗi làng dựng trên vùng đất hai ba cây số vuông có thể là sườn núi cao hoặc dưới thung lũng sâu. Ranh giới các làng được quy ước bằng các dấu mốc tự nhiên như sông suối, đỉnh dốc.
Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào K’ho tại khu du lịch Đồi Mộng Mơ, TP Đà Lạt, Lâm Đồng
Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào K’ho tại khu du lịch Đồi Mộng Mơ, TP Đà Lạt, Lâm Đồng.
Nhà ở của người K’ho có hai dạng: nhà sàn và nhà sạp. Nhà sàn thường là của gia đình giầu có và khá giả trong buôn. Nhà lợp tranh hai mái uốn, có vách phên nghiêng ra ngoài nẹp tranh để chống cái lạnh. Trước đây các nhà sàn thường được dựng cao hơn để phòng thú dữ, phía trước cửa thường có cầu thang rộng hoặc bằng một cầu thang buộc dây hay một cây gỗ có khắc bậc. Người nghèo do ít có điều kiện chuẩn bị nên hay làm nhà sàn thấp hoặc nhà trệt có vách hoặc hai mái úp xuống đất.
Người K’ho có thói quen làm vườn nhà và ngày nay đã bắt nhịp được với tập quán mới, chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả. Đồng bào có thói quen chăn nuôi gia súc làm sức kéo, nuôi gia cầm làm thức ăn và sản phẩm hàng hóa trao đổi. Một phần gia súc gia cầm được dùng vào công việc tế lễ của bà con các gia đình trong cộng đồng.
Nghề thủ công gia đình chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, những sản phẩm của đồng bào một phần đã thành hàng hóa giao lưu thị trường trong đó có đồ lưu niệm cho khách du lịch. Nghề dệt vải khá phổ biến với những sản phẩm hoa văn đặc sắc. Nghề gốm thủ công nặn tay chưa có bàn xoay cũng được bà con sản xuất quy mô nhỏ hộ gia đình.
Trước kia đồng bào sử dụng lương thực dưới dạng cơm lam nấu trong các ống tre tươi, sau đó mới có nồi đất, nồi đồng và gang thay thế. Các món ăn chủ yếu được chế biến khô để tiện ăn bốc. Nước uống đựng trong các ghè, vỏ quả bầu khô. Rượu cần được sử dụng rộng rãi nhất là trong các dịp nghi lễ, đàn ông, đàn bà K’ho đều hút thuốc theo kiểu lá thuốc phơi khô cuộn lại.
Ngôi nhà của đồng bào dân tộc K’ho tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Huyền
Ngôi nhà của đồng bào dân tộc K’ho tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Huyền.
Trang phục dân tộc K’ho có nhiều nét tương đồng với trang phục các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Đàn ông K’ho đóng khố, khoác chăn về mùa rét, mùa nóng ở trần, khố của họ quấn kiểu chữ T, có hoa văn dải dọc theo chiều dài thân khố để trang trí.
Phụ nữ K’ho mặc váy mặc áo chui, có ba loại áo ngắn thân, áo cộc tay, áo dài. Váy là tấm vải quấn quanh người và ngắn cạp. Nền váy màu đen, cạp, thân và gấu váy dệt những sợi hoa văn vàng, trắng. Mùa rét phụ nữ có thói quen quàng tấm chăn như nam giới. Trang sức K’ho có vòng cổ vòng tay bạc, hạt cườm, khuyên tai…
Hôn nhân ở người K’ho theo chế độ mẫu hệ nên gọi là tục bắt chồng (kup bao), để đến với hôn nhân người con trai vẫn thường chủ động làm quen với cô gái và dựa trên sự ưng thuận của đôi nam nữ, cấm kị hôn nhân cùng huyết thống con chú con bác, con dì con già (trừ trường hợp con cô con cậu có thể lấy nhau được). Theo chế độ mẫu hệ con trai lấy vợ ở rể, con cái mang theo họ mẹ.
Người con gái có quyền lựa chọn chồng, khi bằng lòng ai thì báo với mẹ cha và nhờ người mai mối. Người làm mối mang lễ vật gồm vòng đồng, chuỗi hạt cầu hôn thì sẽ tiến hành hôn lễ. Cô gái được mẹ cha, người mối dẫn đến nhà trai hôn lễ tổ chức tại đó với tiệc ăn uống của gia đình, cộng đồng. Sau lễ cưới chàng trai về ở bên nhà vợ, mang theo của hồi môn chiêng, ché, trâu, bò, đồ dùng cá nhân.
Luật tục K’ho trai gái quan hệ trước hôn nhân không bị cấm kỵ gay gắt nhưng khi đã có gia đình thì ngoại tình bị luật tục trừng phạt nặng nề. Hiện tượng ly hôn rất hiếm xảy ra và phải được chủ làng ưng thuận. Chế độ một vợ một chồng K’ho rất bền vững tạo ra mô hình gia đình phổ biến là hòa thuận.
Tang ma của người K’ho mang tính cộng đồng cao. Quan tài làm bằng cây gỗ khoét rỗng có nắp đậy và được trát kín kẽ hở bằng cơm nếp. An táng chôn theo đồ dùng cá nhân của người quá cố. Tương đồng với nhà dài của người sống, người K’ho quá cố cũng ở trong “mồ dài” mỗi gia đình có một khu mộ rộng có mái che, người chết sau chôn kế tiếp người chết trước.
Người K’ho tin rằng mọi mặt đời sống đều do các thế lực siêu nhiên quyết định và trong quan niệm của họ có một bên là thần thánh (Yang) luôn luôn phù hộ cho con người và đối lập với các thần linh là ma quỷ, gọi chung là Chà, luôn gây tai họa phá nhà, phá mùa, gieo rắc dịch bệnh, ăn linh hồn chết… Quan niệm của người K’ho là các thần thích uống rượu và ăn thịt, vì thế cúng thần linh thường có rượu cần, trâu, lợn, dê, gà… lễ cúng thần cúng Yang ở cấp độ gia đình và làng (bon), lễ cúng ở gia đình gồm lễ gieo hạt, lễ cầu lúa nhiều bông, lễ cầu lúa chín, lễ cúng ở cấp độ làng vào lúc lúa đứng cái xanh đòng. Khi thu hoạch xong các nhà làm lễ cúng bên các kho thóc.
Dân tộc K’ho có đời sống văn nghệ phong phú, độc đáo. Thơ ca của họ đậm chất trữ tình giàu nhạc điệu. Nhạc cụ có nhiều nét tương đồng với các dân tộc ở Tây Nguyên: Bộ cồng chiêng 6 chiếc, kèn ống bầu, đàn ống tre. Vũ điệu K’ho được biểu diễn trong các dịp lễ thần và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hệ thống câu đố, tục ngữ, thành ngữ, dân ca truyện cổ K’ho cũng rất phong phú.
Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng cuộc sống mới với những buôn làng văn hóa, những vùng chuyên canh cây lương thực, cây công nghiệp hình thành, những điểm sáng du lịch phát huy trở thành những nét mới trong đời sống đồng bào K’ho.
Dân tộc K’ho còn có tên gọi khác là Cơ Ho, Cờ Ho, Kơ Ho...
Nhóm địa phương gồm có Cơ Ho Srê, Cơ Ho Tơ Rinh (T’ring), Cơ Ho Nộp (Tu nốp), Cơ Ho Chil, Cơ Ho Lát (Lách), Cơ Ho Cờ Dòn.
Tiếng nói thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer. Gần đây người K’ho mới có chữ viết theo mẫu chữ Latinh.
Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người K’ho ở Việt Nam có dân số 166.112 người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Minh Phương


Nhà sàn của đồng bào K’ho: Đơn giản mà công phu
BT- ...Những căn nhà sàn dài, mái cao, đập vào mắt từ xa… vốn có của dân tộc thiểu số K’ho trên Tây nguyên dường như đã không hề  hiện diện ở  La Dạ, Đông Giang và Đông Tiến, là 3 xã có đông đồng bào K’ho của huyện Hàm Thuận Bắc hiện nay.
Hiện nay, nhà của đồng bào K’ho ở  3 xã nói trên  đa phần  giống như nhà  người Kinh, hoặc là những căn nhà sàn ngắn, mái thấp và sàn không quá cao so với mặt đất. Trong nhiều tài liệu cho hay: Người K’ho là một trong nhiều dân tộc thiểu số ở Nam Tây nguyên và Bình Thuận. Đã có một sự chuyển dịch của người K’ho từ  vùng Đồng Nai Thượng trước đây (Lâm Đồng) sang Bình Thuận. Quá trình chuyển dịch  này diễn ra dài lâu trong quá khứ và bộ phận người K’ho hiện nay tại Bình Thuận đã có sự giao thoa với nếp sống, sinh hoạt của người Kinh, vì vậy, chuyện làm nhà ở tất nhiên cũng ảnh hưởng. Trước đây, nhà ở của đồng bào K’ho  được làm theo hai dạng: nhà sàn dài hoặc nhà sàn ngắn. Nhà sàn dài, dài đến 100m, hai mái và không có vách ngăn. Nhà sàn dài là nơi sinh sống của nhiều thế hệ, nhiều gia đình, theo dạng mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng chiếm một khoảng trong căn nhà dài. Vật liệu sử dụng làm nên  nhà sàn dài là: gỗ, tre, nứa, lá, dây mây… Nhà càng dài, số cột càng tăng. Sàn nhà, bao gồm nhiều phần liên kết nhau: Cột sàn bố trí dọc theo các đà ngang chạy từ trước ra sau nhà; khoảng cách  các cột trong cùng hàng không quá dày (0,8m – 1m);  hàng cột này cách hàng cột kia từ 1m – 2,5m. Bên cạnh đà ngang là những đà dọc và khá dày bằng tre hoặc lồ ô. Khoảng cách từ sàn xuống mặt đất thường không quá 1,2m. Nhà sàn ngắn thường dài từ 4 - 8m,  duy nhất một cửa ra vào ở vị trí trung tâm căn nhà, bên ngoài cửa này là cầu thang gỗ lên xuống. Nhà sàn ngắn là nơi ở của những đôi vợ chồng trẻ, muốn ra riêng thay vì sống chung với người già, người lớn tuổi trong nhà dài như trước đây. 
Nhà sàn ngắn cũng không có vách ngăn. Vật dụng thường ngày được dắt trên vách nứa, đặt trên sàn, hoặc để dọc theo bốn vách nhà. Mới đây khi lên La Dạ, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân làm nhà sàn ngắn. Có thể nói, phần rui mè lợp mái, dù là mái tranh song khá dày, gần như chi chít. Trong toàn bộ căn nhà,  không hề đóng một cây đinh. Tất cả được buộc bằng dây mây và bằng ngoàm. Một phụ nữ K’ho, tuổi ngoài 40, cho hay: Căn nhà đang  làm là của vợ chồng con gái chị. Giống như người Kinh, chị cho đất để con làm nhà vì  không muốn con sống xa chị. Nhà làm bằng gỗ, tre, nứa, nhưng để được cái sườn nhà như tôi trông thấy, hai con chị mất hơn 2 tháng. “Nó phải tìm gỗ tốt làm cột, chặt le làm sàn. Dây mây cũng phải đi rất xa…”.  Theo chị này để hoàn thành căn nhà, kể cả  lợp tranh, người nhà của chị mất thêm chừng 2 tháng nữa. Tranh lợp trên mái nhà của đồng bào K’ho không đánh thành tấm rộng như người Kinh thường làm,  mà  được kết bằng cách gập đôi cọng tranh, giữa có thanh tre dài làm sống (như sống lưng), vì vậy rất cần nhiều rui mè làm giá đỡ. Nhà sàn ngắn có hai mái khá xuôi, lại thiếu cửa phụ nên rất tối…  Theo quan sát của nhiều người, từ nhà sàn ngắn chuyển sang nhà trệt hiện đại là khoảng cách không bao xa. Đây là điều lý giải vì sao tại La Dạ nhiều hộ đồng bào đã chuyển sang làm nhà trệt. Một khi không gian sống có sự thay đổi thì những tập quán mới sẽ hình thành.
Hoàng Hạc

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KIẾN TRÚC VÀ NHÀ Ở CỦA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ PHÍA BẮC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN THẾ KỶ X – XVIII

 TRN BÌNH

Tóm tt

Nghiên cu v kiến trúc, nhà ca các tc người thiu s khu vc min núi phía bc, giai đon X – XVIII gp rt nhiu khó khăn. Th nht do tài ghi chép, nghiên cu v các tc người giai đon này rt hiếm hoi, nếu không mun nói là không có. Th hai, vic xác đnh thành phn dân tc khu vc này, giai đon đang đ cp cũng chưa rõ ràng và chưa thng nht.
Tuy vy, bng các ghi chép ca tin bi, trong các loi chí mang tính đa phương, hoc vùng, kết hp vi nghiên cu thc tin v văn hóa các tc người, xu hướng biến đi ca văn hóa tc người trong khu vc min núi phía bc, chúng tôi mnh dn đưa ra các nhn xét v đc đim kiến trúc dân gian cũng như nhà , văn hóa ca các tc người nói trên.
Hy vng đây là nhng ý kiến có tính gi m và đnh hướng cho nhng nghiên cu tiếp theo, c v kiến trúc, nhà cũng như các thành t văn hóa khác ca các tôc người thiu s khu vc min núi phía bc nói riêng, Vit nam nói chung./.
                                                                                         
1. Tài liu ghi chép v kiến trúc nhà các tc người thiu s phía bc Vit Nam giai đon thế k X - XVIII
Trước hết xin được bàn v thành phn tc người khu vc min núi phía bc giai đon thế k X – XVIII. Cư dân được coi là bn đa, sinh sng trên lãnh th Đi Vit, An Nam và sau là Vit Nam bao gm: Các tc người nói ngôn ng Vit Mường (Vit, Mường, Th, Cht), trong đó, Vit (Kinh) và Mường tách thành hai tc người vào khong thế k th X, Th tách khi Vit (Kinh) đ hình thành tc người riêng vào khong thế k th XV – XVI (Hu Lê); Các tc người nói ngôn ng Môn – Khơ me min núi phía bc (Qung Bình tr ra), bao gm Mng (Xá Mng), Kháng (Xá Khao), Xinh Mun (Xá Puc), Ơ Đu (Tày Ht), Bru – Vân Kiu (Khùa, Trì, Mang Coong, Vân Kiu); Dân tc Tày vùng núi đông bc (Cao Bng, Lng Sơn).
Gia nhp thành phn dân tc Vit Nam vào khong t thế k th X cho đến th XVIII, là các tc người nói ngôn ng Tày – Thái ( Thái, Lào, L, B Y, Giáy, Nùng, Sán Chay) min núi phía bc. Đáng chú ý nht là dân tc Thái, h có mt Tây Bc khong thế k X- XI (không k người Tày Khao).
Các tc người gia nhp thành phn dân tc Vit Nam vào khong t thế k XV-XVIII bao gm: Các dân tc nói ngôn ng Hmông - Dao (Hmông, Dao, Pà Thn); Các dân tc nói ngôn ng Hoa (Hoa, Ngái, Sán Dìu); Dân tc Khơ Me; Mt s nhóm thuc khi cư dân nói ngôn ng Tng – Miến (La H, Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Công và Si La); Mt vài dân tc nói ngôn ng Ca Đai (C Lao, La Chí, Pu Péo, La Ha).
Có th nói, vic ghi chép v văn hóa và kiến trúc, nhà các tc người khu vc phía bc được quan tâm khá sm. Ngay t thế k IX, X,... đã có mt s sách ghi chép v phong tc các khu vc: Vit đin U linh ca Lý Tế Xuyên (7) thế k XIV), Lĩnh Nam Chích quái ca Vũ Quỳnh và Kiu Phú (thế k XV)... Thuc loi sách v đa chí có Dư đa chí ca Nguyn Trãi (thế k XV/1435)(8). Trong cun đa chí này, tác gi có ghi chép v sông núi, đt đai và sn vt các trn t Qung Nam tr ra. Thế k XVI (1553) trong Ô Châu cn lc (6 quyn), Dương Văn An ghi chép v vùng Ô Châu (ph Tân Bình và Triu Phong), đ cp đến các yếu t t nhiên, xã hi, con người, di tích, danh thng,… khu vc Qung Bình - Qung Nam. T thế k XVIII v sau, nhng ghi chép có liên quan đến các dân tc Vit Nam được các hc gi chú ý hơn, tiêu biu là các ghi chép ca Lê Quý Đôn, trong đó có nhng cun cha đng nhiu tư liu v văn hóa tc người như: Vân đài loi ng (3), Kiến văn tiu lc  Ph biên tp lc. Sau đó là mt s tác phm: Vũ trung tùy bút(5) ca Phm Đình H, Tang thương ngu lc (1) ca Phm Đình H và Nguyn Án, Hưng Hoá x phong th lc ca Hoàng Bình Chính, Ngh An ký ca Bùi Dương Lch,Hưng Hoá ký lược (4) ca Phm Thn Dut, Cao Bng ký lược ca Phm An Phú, Lch triu hiến chương loi chí, Lê Trc, S hc b kho, Phm Xuân Bng, Nht thng dư đa chí ca Lê Quang Đnh, Gia Đnh thành thông chí ca Trnh Hoài Đc, Ph Man tp lc, Vũ man tp lc (Tiu ph s),…
2. Mt s đc trưng chính ca nhà các tc người thiu s phía bc Vit Nam giai đon thế k X-XVIII
Các tài liu có được ch cho phép hiu biết hết sc khái quát v nhà ca ca các dân tc, trong giai đon thế k X – XVIII. S tư liu ít i có được trong lĩnh vc này ch yếu thu thp t mt vài cun sách đã đ cp trên. Đ b sung tư liu, chúng tôi có s dng các tài liu công b vào đu thế k XX. S dĩ các tài liu này có th tin cy, bi trong khong thi gian chúng ta đang nghiên cu, văn hóa các tc người thiu s rt ít biến đng, hoc biến đng không đáng k.
vùng thp, có th nói, nhà ca ca người Mường, Thái, Tày và mt s cư dân nói ngôn ng Tày - Thái khác, có nhiu nét tương đng v loi hình, kiến trúc, cách thc s dng, cũng như các kiêng k, nghi l liên quan. Điu này không ch các hc gi các thế k trước, mà còn đông đo các nhà nghiên cu hin nay tha nhn. Nhà sàn ca người Mường nhìn bên ngoài không khác gì nhà sàn ca người Tày, người Thái, nhưng nh bé và xây ct đơn gin, mc mc hơn. Nhà ca các tc người vùng thp đu được làm bng g, tre, na, lp bng c tranh hay lá c. Ngôi nhà c xưa thường chôn ct xung đt. Thiết kế nhà c truyn theo kiu vì ct, liên kết ch yếu là buc, gá hoc dùng ngom; mt gian chính, hai chái, hai mái chính hình thang cân và phng, hai mái đu hi nh và thp. Theo nhng nghiên cu ca J. Cuisinier và P. Grossin, người Mường Hòa Bình sng trong các ngôi nhà có mái khum khum ging như mai rùa (2, tr.138-139). Nhng ngôi nhà c ca h thường nh và thp, vách làm bng phên na, mái chy xung gn hết ca s. Ca s thường được thiết kế đu hi và vách phía sau. Đi vi người Mường, ca s gian th t tiên (voóng tông) rt linh thiêng, kiêng đưa đ vt và ngi da vào đó. Ti hai đu hi, có cu thang vi s bc l. Cu thang phía th t tiên (voóng tông) dành cho nam gii, cu thang phía bếp dành cho gii n. Cách b trí nơi ăn trên sàn tương đi thng nht. Phía trên (voóng tông), là nơi ng, phía dưới đt bếp và là nơi sinh hot ca gia đình. Tính theo chiu ngang sàn nhà, phía th t tiên (voóng tông), dành cho nam gii, phía giáp bếp là khu vc ca ph n, tiếp đó là sàn phơi và đ đng nước.
Trong t hp kiến trúc nhà truyn thng ca người Mường có chiếc lu nh đ th th thn, được dng dưới vườn, đi din vi mt tin ngôi nhà. Vai trò tâm linh ca chiếc lu này rt quan trng. Tuy thế, vic dng lu th th thn, đi vi người Mường, không phi bt c đa phương nào cũng có. Gm sàn nhà người Mường thường được dùng phn ln làm nơi nht trâu, bò, ln và các loi gia cm khác. Phn còn li là nơi đt các loi ci giã, đ nông c, và các đ dùng khác. Xung quanh khuôn viên cư trú ca h thường bao bc bng hàng rào tre, na hoc các loi cây gai (da, xương rng, găng,... ), có cng ra vào. Trong khuôn viên cư trú ca người Mường, ngoài nhà thường là vườn trng các loi cây ăn qu lưu niên, chè, mía, và các loi rau, đu khác.
Theo Robequain, người Thái nhà sàn hình ch nht. Mt trên sàn dùng đ , gm sàn dùng đ nuôi, nht gia súc có rào kín xung quanh. Sàn cao khong 2m, sàn trước nhà đ phơi phóng, ra ráy. Ti đây có vi nước đ ra chân trước khi vào nhà. Bếp đt gia sàn , ban th t tiên, ông táo góc nhà. Mt bng sinh hot trên sàn nhà chia làm hai phn: gian sát cu thang chính là nơi tiếp khách, dành cho đàn ông; gian phía trong, giáp cu thang ph là nơi dành cho n và nu nướng,...(6, tr.170-171)
Người Tày vùng phía đông và đông bc nhà sàn, có hai tng: tng trt nht gia súc; tng sàn đ . Sàn cách mt đát 1,60m, dát bng tre bương, thang lên làm bng g tròn buc ghép li vi nhau. Trước và sau sàn có sàn phơi phóng, nơi ra, có khi làm nơi ăn cơm, ng ngh vào mùa hè. Sàn nhà chính chia làm 2 phn:
- Na dành tiếp khách: trước ban th gia tiên đt mt c phn. Bên trái và bên phi đt 2 c phn khác, thp hơn đ làm nơi ng cho đàn ông.
- Phn dành cho tr con và đàn bà được làm thành nhiu bung kín.
- Chính gia mi phn đt 1 bếp. Khung bếp làm bng g, lót đt sét. Trên bếp có gác, dùng đ mui, hong khô các đ vt cn thiết.

Người Tày khu vc phía Tây vùng Đông Bc cũng nhà sàn. Nhng ngôi nhà này được b trí ca ra vào chính đu hi, tiếp theo đó là phòng đi có mái, phòng khách dành cho đàn ông, phòng cho ph n, cui cùng là sàn ra, phơi,... Mi khu vc đt mt bếp.
Người Cao Lan (nay thuc dân tc Sán Chay) hin đang cư trú Qung Yên, Ph Lng Thương, Vình Yên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Thanh Hóa,... Nhà ca h có kích thước khá ln. Sàn nhà dài đến 18 m, rng đến 8 m (theo Bonifacy). Nhà làm bng tre g, lp mái bng c gianh, sàn bng tre, cao hơn mt đt khong 1,60m; thang lên sàn làm bng tre, hoc bng tm g, đt đu hi. Nhà không có phên ngăn thành các bung; Bếp đt chính gia nhà. Sàn phơi đu hi, phía dành cho ph n. Gm sàn nhà là nơi nht gia súc, gia cm (6, tr.163).
vùng cao và ro gia, các dân tc sinh sng bng làm nương ry, c tây bc, đông bc và min núi bc Trung B,… đu nhà sàn, ngoi tr mt s nhóm trong khi các tc người nói ngôn ng Tng – Miến (Hà Nhì, Lô Lô, Si La,…) và Hmông - Dao nhà trt. Trong s các dân tc nhà sàn, cũng có mt s nhóm Dao, Tày (Lào Cai) trong các ngôi nhà na sàn, na trt. Kiến trúc nhà ca h đa s đơn gin (ct – xà – kèo), lp ráp bng ngoãm, buc bng dây, mái có khung gm kèo, đòn nóc, đòn tay, dui mè và lp bng c tranh, lá c, … Có mt s dng nhà đin hình như sau:
Người Dao vùng  t ngn sông Đà, nhà trt, hoc na sàn na trt, m ca hai đu hi; th t tiên, ăn và ng trên sàn; nu ăn, sinh hot trên phn nn đt.
 


Người Dao Chàm phía tây Cao Bng, trong nhng ngôi nhà sàn là chính, mt s ít nhà na sàn, na đt.
 


Các cng đng nói ngôn ng Môn - Khơ Me (Mng, Kháng, Xinh Mun, Ơ Đu,...) khu vc min núi Phía Bc, đu nhà sàn. Nhà sàn ca h không khác gì nhà ca người Thái Đen (Táy Đăm). Đó là loi nhà làm bng tre, g, lp bng có tranh, có mái hình mai rùa, ct chôn xung đt, gm sàn thp, không có lan can, trên nóc ti hai đu hi có trang trí khau cút,... Nhng ngôi nhà sàn kiu này, ngày nay chúng ta còn gp rt nhiu vùng người Mng (Mường Tè, Lai Châu). Đc bit, cung cách b trí, s dng mt bng sinh hot trên sàn ca các cư dân Môn – Khơ Me trong các ngôi nhà này, không khác gì người Thái Đen. Trong ngôi nhà sàn đó cũng có cu thang qun dành cho đàn ông, cu thang chan dành cho đàn bà; có tp cuông dành cho các chàng trai đến r (du khươi); trong nhà cũng chia làm hai na (theo chiu ngang sàn), bênqun dành đ th cúng gia tiên (phi hươn), tiếp khách, và dành cho đàn ông, bên chan dành cho vic nu ăn và là nơi sinh hot ca đàn bà;... Tt c nhng điu đó đu ging ht như người Thái Đen.
S tương đng đin hình gia ngôi nhà ca các tc người nói ngôn ng Môn – Khơ Me vi người Thái Tây Bc, được hiu theo nhiu cách. Mt s hc gi (trong đó có tác gi bài báo này) cho rng, đó đơn thun ch là s nh hưởng, tiếp thu văn hóa Thái các cng đng đó. Nhưng thc tế chưa hn vy, cũng như trang phc, mt s hc gi cho rng đó là s nh hưởng, tiếp nhn văn hóa Môn – Khơ Me ca người Thái. Cơ s ca nhn đnh này là ch, hin nay chúng ta thy các đc trưng kiến trúc, nhà ca các tc người nói ngôn ng Môn – Khơ Me phía bc vn hin din trong kiến trúc và nhà ca các tc người nói ngôn ng Môn – Khơ Me sinh sng khu vc Trường Sơn – Tây Nguyên. 
Đc bit hơn na, trong t hp kiến trúc nhà ca người Thái Đen cũng như các cư dân nói ngôn ng Môn – Khơ Me, hươn ni (nơi th cúng b m v), bao gi cũng được làm trong vườn và cách nhà khong dăm by mét. Đó là ngôi nhà sàn nh, din tích sàn khong 0,5 – 1m 2, có th có mt hoc hai mái, sàn ca nó chính là nơi th cúng b m v ca các ông ch nhà. Nhng ngôi nhà này ch được tu sa khi có cúng bái, hoc vào các dp tết nht. 
Loi hình nhà trt vùng Tây Bc ph biến các dân tc như nhà người Hmông, người Dao, người Tu Dí, Pa Dí, Hà Nhì Đen (Bát Xát, Lào Cai). Đin hình nht là loi nhà đt hình lô ct ca người Hà Nhì Đen Lào Cai. Đây là loi nhà phòng th vi tường đt trình dày ti 40-50cm. Ngoài cùng là ca vào hành lang, ca vào không gian chính trong nhà được thiết kế lch so vi v trí ca vào hành lang. Nhà loi này không có ca s, ch có mt hai l thông hơi nh hình phu phía gian khách. Loi nhà này không có ct, phn mái được thiết kế úp lên tường, vi khung là kèo, đòn nóc, đòn tay, rui, mè. Mái loi nhà này được lp bng c tranh, không đánh thành phên, lp rt dày (40-50cm).
Phn ln nhà đt ca các dân tc vùng cao Tây Bc đu thiết kế có mt s bung ng cho v chng ch nhà, v chng con trai mi cưới, và con gái chưa ly chng. Hu hết nhà đt đu có hai bếp, bếp nu cơm và bếp sưởi. Bếp nu cơm ca người Hà Nhì, Xa Phó, Si La... đu kiêng đ la khi có ánh nng mt tri. Khác vi vùng thp, nhà ca truyn thng ca các dân tc vùng cao được thiết kế có mái rt thp, gn sát mt đt đ chng chi, ngăn chn sương mù, mưa bi, gi cho không gian bên trong khô ráo, m áp.
 

3. Một vài nhận xét
Nghiên cu v nhà ca các tc người thiu s phía bc Vit Nam giai đon thế k X – XVIII là công vic hết sc khó khăn bi tư liu v thành t văn hóa này ca các tc người trong giai đon đó gn như không được ghi chép. Nói cho đúng, khi đó chúng ta chưa có Dân tc hc, và cũng chưa có các nhà Dân tc hc, các ghi chép ch là tình c, trong các cun đa phương chí.
Có phn hơi ch quan khi nhn xét rng: sau gn mt ngàn năm Bc thuc, các yếu t văn hóa ca cư dân An Nam b nh hưởng văn hoá Hán khá nhiu, trong đó nh hưởng v kiến trúc, trong đó có nhà cũng khá rõ ràng như ăn mc và m thc. Điu cn nhn thy đây là, sau khi giành được đc lp, các tc người Vit Nam li bt đu công cuc khôi phc li văn hóa truyn thng ca mình (tái cu trúc). Khi bàn v L ca nước Nam ta, Phm Đình H ghi: Nước Nam ta t khi thuc v Trung Hoa vn theo l nhà Hán, lâu sau dn dà mà sai đi, li thêm l giáo ca Tây Dương, và bên Lào, bên Thích, làm cho tp nhp lon x, t by gi mi trái khc c cu l. Trn Quc vượng khi bàn v Văn hóa Vit Nam thế k th X cũng nhn xét tương t:Thế k X làm nhim v lch s kết thúc chng đường dài gian kh ngàn năm chng Bc thuc v chính tr - quân s và tái cu trúc hóa nn văn minh Vit Nam và nhng “mnh vn’’ ca nn văn  minh Vit c và nhng nhân t ngoi sin (10,tr.145).
Có th nói, giai đon đang đ cp là giai đon gia tăng mnh m nht thành phn các dân tc Viêt Nam. Thc tế đó cũng làm gia tăng v phong phú ca kiến trúc dân gian và văn hóa ca các tc người phía bcVit Nam. Đu thế k th X, thành phn dân tc khu vc này ch bao gm các dân tc bn đa (Vit -  Mường, Môn - Khơ Me phía bc, Tày c,... ). Thế K XI – XIII gia tăng thêm các dân tc nói ngôn ng Thái. Khong thế k XV tr đi, nht là giai đon thế k XVII – XVIII tr đi, thành phn dân tc trong vùng được b sung thêm các tc người nói ngôn ng Hoa, Khơ Me, Hmông - Dao và Tng - Miến (Di). Chính vì thế mà trong các thế k sau, hoàn cnh xã hi được ci thin, giao lưu văn hóa din ra thường xuyên,... vic nh hưởng văn hóa ln nhau gia các tc người Vit Nam rt mnh m.
Vic nh hưởng văn hóa cũng như kiến trúc, nhà gia các tc người trong vùng giai đon chúng ta đang đ cp, ch tp trung các mi quan h Thái vi các tc Môn - Khơ Me Tây Bc và gia Vit vi Tày Đông Bc. Có th nói, quan h, giao tiếp văn hóa nói chung và kiến trúc, nhà nói riêng gia Thái vi các tc người nói ngôn ng Môn – Khơ me phía bc là khá sâu đm. Đến trước Cách mng tháng Tám 1945, vic Thái hóa văn hóa ca các cng đng Xinh Mun, Kháng, Mng, Ơ Đu,... gn như đã đt ti tt đnh. Không nhng ch trong nhng ngôi nhà kiu Thái, mc trang phc kiu Thái, thc hin các nghi l như người Thái, các cng đng này còn quên mt luôn c tiếng m đ ca mình và ly tiếng Thái làm công c giao tiếp duy nht ca mình. Đông Bc, nh hưởng văn hóa Vit (Kinh) đi vi cng đng Tày rt mnh m. Có th nói nhng biu hin ca Th Mai gia l trong đi sng ca cng đng, vic xut hin ch Nôm Tày và dùng ch Nôm ca người Tày s xut hin đình chùa miếu mo, các phường hi (phe,...),....  trong các làng Tày,.... đã khng đnh kết lun trên.
                                                                                                                T.B
Tài liu tham kho
1. Nguyễn Án – Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục, NXB Văn học, Hà Nội, 2001.
2. Jeanne Cuisinier, Người Mường (ĐLNV&XHH), NXB Lao Động, Hà Nội, 1995.
3. Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, NXB. Văn Hóa, Hà Nội, 1962.
4. Phạm Thận Duật, Phạm Thận Duật  toàn tập, NXB.Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000
5. Phm Đình H, Vũ trung tùy bút, NXB Văn hc, Hà Ni, 2001.
6. Nguyn Văn Huyên, Góp phn nghiên cu văn hóa Vit nam (tp I), NXB.KHXH, Hà Ni, 1995.
7. Lý Tế Xuyên, Vit đin u linh, NXB Văn hc, Hà Ni, 2001.
8. Nguyễn Trãi, Dư địa chí, NXB Sứ học, Hà Nội, 1960.
9. Trần Quốc Vượng (và các tác giả), Văn hóa học đại cương, NXB. KHXH, Hà Nội, 1996.
10.  Trn Quc Vượng, Văn hóa Vit Nam tìm tòi và suy ngm, NXBVăn hc, 2003.
11.  Vin Dân tc hc, Các dân tc ít người Vit Nam (các tnh phía bc), NXB KHXH, 1978.
12.  Vin Dân tc hc, Các dân tc ít người Vit Nam (các tnh phía Nam), NXB KHXH, 1984.
13.  Vin Dân tc hc, V vic xác đnh thành phn dân tc Vit Nam, NXB KHXH. 1975.
  
Dân tộc K ’ho
(LV) - Người K’ho là một trong các dân tộc bản địa của Tây Nguyên, họ sinh sống chủ yếu ở vùng Nam Tây Nguyên. Đến nay các lễ nghi phong tục cổ truyền của người K’ho vẫn còn được bảo lưu và phát huy.
Làng là đơn vị tổ chức xã hội mang tính cộng đồng của người K’ho. Mỗi làng dựng trên vùng đất hai ba cây số vuông có thể là sườn núi cao hoặc dưới thung lũng sâu. Ranh giới các làng được quy ước bằng các dấu mốc tự nhiên như sông suối, đỉnh dốc.
Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào K’ho tại khu du lịch Đồi Mộng Mơ, TP Đà Lạt, Lâm Đồng
Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào K’ho tại khu du lịch Đồi Mộng Mơ, TP Đà Lạt, Lâm Đồng.
Nhà ở của người K’ho có hai dạng: nhà sàn và nhà sạp. Nhà sàn thường là của gia đình giầu có và khá giả trong buôn. Nhà lợp tranh hai mái uốn, có vách phên nghiêng ra ngoài nẹp tranh để chống cái lạnh. Trước đây các nhà sàn thường được dựng cao hơn để phòng thú dữ, phía trước cửa thường có cầu thang rộng hoặc bằng một cầu thang buộc dây hay một cây gỗ có khắc bậc. Người nghèo do ít có điều kiện chuẩn bị nên hay làm nhà sàn thấp hoặc nhà trệt có vách hoặc hai mái úp xuống đất.
Người K’ho có thói quen làm vườn nhà và ngày nay đã bắt nhịp được với tập quán mới, chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả. Đồng bào có thói quen chăn nuôi gia súc làm sức kéo, nuôi gia cầm làm thức ăn và sản phẩm hàng hóa trao đổi. Một phần gia súc gia cầm được dùng vào công việc tế lễ của bà con các gia đình trong cộng đồng.
Nghề thủ công gia đình chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, những sản phẩm của đồng bào một phần đã thành hàng hóa giao lưu thị trường trong đó có đồ lưu niệm cho khách du lịch. Nghề dệt vải khá phổ biến với những sản phẩm hoa văn đặc sắc. Nghề gốm thủ công nặn tay chưa có bàn xoay cũng được bà con sản xuất quy mô nhỏ hộ gia đình.
Trước kia đồng bào sử dụng lương thực dưới dạng cơm lam nấu trong các ống tre tươi, sau đó mới có nồi đất, nồi đồng và gang thay thế. Các món ăn chủ yếu được chế biến khô để tiện ăn bốc. Nước uống đựng trong các ghè, vỏ quả bầu khô. Rượu cần được sử dụng rộng rãi nhất là trong các dịp nghi lễ, đàn ông, đàn bà K’ho đều hút thuốc theo kiểu lá thuốc phơi khô cuộn lại.
Ngôi nhà của đồng bào dân tộc K’ho tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Huyền
Ngôi nhà của đồng bào dân tộc K’ho tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Huyền.
Trang phục dân tộc K’ho có nhiều nét tương đồng với trang phục các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Đàn ông K’ho đóng khố, khoác chăn về mùa rét, mùa nóng ở trần, khố của họ quấn kiểu chữ T, có hoa văn dải dọc theo chiều dài thân khố để trang trí.
Phụ nữ K’ho mặc váy mặc áo chui, có ba loại áo ngắn thân, áo cộc tay, áo dài. Váy là tấm vải quấn quanh người và ngắn cạp. Nền váy màu đen, cạp, thân và gấu váy dệt những sợi hoa văn vàng, trắng. Mùa rét phụ nữ có thói quen quàng tấm chăn như nam giới. Trang sức K’ho có vòng cổ vòng tay bạc, hạt cườm, khuyên tai…
Hôn nhân ở người K’ho theo chế độ mẫu hệ nên gọi là tục bắt chồng (kup bao), để đến với hôn nhân người con trai vẫn thường chủ động làm quen với cô gái và dựa trên sự ưng thuận của đôi nam nữ, cấm kị hôn nhân cùng huyết thống con chú con bác, con dì con già (trừ trường hợp con cô con cậu có thể lấy nhau được). Theo chế độ mẫu hệ con trai lấy vợ ở rể, con cái mang theo họ mẹ.
Người con gái có quyền lựa chọn chồng, khi bằng lòng ai thì báo với mẹ cha và nhờ người mai mối. Người làm mối mang lễ vật gồm vòng đồng, chuỗi hạt cầu hôn thì sẽ tiến hành hôn lễ. Cô gái được mẹ cha, người mối dẫn đến nhà trai hôn lễ tổ chức tại đó với tiệc ăn uống của gia đình, cộng đồng. Sau lễ cưới chàng trai về ở bên nhà vợ, mang theo của hồi môn chiêng, ché, trâu, bò, đồ dùng cá nhân.
Luật tục K’ho trai gái quan hệ trước hôn nhân không bị cấm kỵ gay gắt nhưng khi đã có gia đình thì ngoại tình bị luật tục trừng phạt nặng nề. Hiện tượng ly hôn rất hiếm xảy ra và phải được chủ làng ưng thuận. Chế độ một vợ một chồng K’ho rất bền vững tạo ra mô hình gia đình phổ biến là hòa thuận.
Tang ma của người K’ho mang tính cộng đồng cao. Quan tài làm bằng cây gỗ khoét rỗng có nắp đậy và được trát kín kẽ hở bằng cơm nếp. An táng chôn theo đồ dùng cá nhân của người quá cố. Tương đồng với nhà dài của người sống, người K’ho quá cố cũng ở trong “mồ dài” mỗi gia đình có một khu mộ rộng có mái che, người chết sau chôn kế tiếp người chết trước.
Người K’ho tin rằng mọi mặt đời sống đều do các thế lực siêu nhiên quyết định và trong quan niệm của họ có một bên là thần thánh (Yang) luôn luôn phù hộ cho con người và đối lập với các thần linh là ma quỷ, gọi chung là Chà, luôn gây tai họa phá nhà, phá mùa, gieo rắc dịch bệnh, ăn linh hồn chết… Quan niệm của người K’ho là các thần thích uống rượu và ăn thịt, vì thế cúng thần linh thường có rượu cần, trâu, lợn, dê, gà… lễ cúng thần cúng Yang ở cấp độ gia đình và làng (bon), lễ cúng ở gia đình gồm lễ gieo hạt, lễ cầu lúa nhiều bông, lễ cầu lúa chín, lễ cúng ở cấp độ làng vào lúc lúa đứng cái xanh đòng. Khi thu hoạch xong các nhà làm lễ cúng bên các kho thóc.
Dân tộc K’ho có đời sống văn nghệ phong phú, độc đáo. Thơ ca của họ đậm chất trữ tình giàu nhạc điệu. Nhạc cụ có nhiều nét tương đồng với các dân tộc ở Tây Nguyên: Bộ cồng chiêng 6 chiếc, kèn ống bầu, đàn ống tre. Vũ điệu K’ho được biểu diễn trong các dịp lễ thần và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hệ thống câu đố, tục ngữ, thành ngữ, dân ca truyện cổ K’ho cũng rất phong phú.
Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng cuộc sống mới với những buôn làng văn hóa, những vùng chuyên canh cây lương thực, cây công nghiệp hình thành, những điểm sáng du lịch phát huy trở thành những nét mới trong đời sống đồng bào K’ho.
Dân tộc K’ho còn có tên gọi khác là Cơ Ho, Cờ Ho, Kơ Ho...
Nhóm địa phương gồm có Cơ Ho Srê, Cơ Ho Tơ Rinh (T’ring), Cơ Ho Nộp (Tu nốp), Cơ Ho Chil, Cơ Ho Lát (Lách), Cơ Ho Cờ Dòn.
Tiếng nói thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer. Gần đây người K’ho mới có chữ viết theo mẫu chữ Latinh.
Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người K’ho ở Việt Nam có dân số 166.112 người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Minh Phương
http://langvietonline.vn/54-Dan-Toc/129437/Dan-toc-K-ho.html

Kiến trúc của cư dân bản địa- DALAT.
    Cũng như các dân tộc thiểu số khác,dân tộc K’ho ở cao nguyên Lang Bian có một lối Kiến trúc truyền thống đơn giản phù hợp với môi trường sống gần gũi với thiên nhiên tại chỗ. Đó là kiểu kiến trúc nhà sàn với không gian sử dụng chính được đưa lên cao khỏi mặt đất tự nhiên một khoảng cách nhất định
     Thông th­ường, phần d­ưới sàn nhà để trống, hoặc có nơi sử dụng để chăn nuôi súc vật, hoặc là nơi chứa các vật dụng cần thiết khác.

Trong khi đó, nhà đất đã xuất hiện khá lâu trong kiến trúc của ng­ười thiểu số bản địa Đà Lạt, và trong thực tế, ngày càng tỏ ra lấn át loại hình "nhà sàn". Mặc dù vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu thì, nhà sàn vẫn là loại hình kiến trúc tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung; bởi vì, kiến trúc nhà cửa trước hết là một phản ứng tự nhiên của con ngư­ời trư­ớc hoàn cảnh thiên nhiên. Trong môi tr­ường sống tự nhiên của ngư­ời thiểu số bản địa, chính nhà sàn là giải pháp tốt nhất về không gian kiến trúc để họ có thể an toàn sinh sống, khắc phục đ­ược những hạn chế về khí hậu ẩm ­ướt, địa hình làm nhà không bằng phẳng và có thể chống lại sự tấn công của các loại thú dữ.
Về độ cao của mặt nhà so với mặt đất trong loại hình kiến trúc nhà sàn của ngư­ời thiểu số bản địa Đà Lạt, 
th­ường phổ biến từ 50 - 80cm, cá biệt có nhà mặt sàn chỉ cao chỉ khoảng 20 - 30cm. Đây cũng là một trong những đặc điểm khác với kiến trúc nhà sàn của một số dân tộc cư­ trú ở khu vực bắc Tây nguyên, nơi mà độ cao từ mặt sàn tới đất có thể 1,2 - 1,5m, thậm chí có nơi còn cao tới 2m. Mặt khác, một trong những đặc điểm về kiến trúc nhà ở truyền thống của ng­ười thiểu số bản địa là loại nhà dài, mà theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu thì đó là loại hình tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa. 
Tuy nhiên,  kiến trúc nhà dài của đồng bào thiểu số ở Đà Lạt hiện cũng không còn thấy xuất hiện trong môi trư­ờng kiến trúc của khu vực này. Tại thôn Manlin (Ph­ường 7) và xã Tà Nung, nhà ở của đồng bào thiểu số ở đây cũng không khác nhiều so với nhà ở của ngư­ời Việt. Sự biến dạng này cũng phù hợp với quy luật phát triển của xã hội ng­ười th­ượng nói chung và của ng­ười K'ho ở Đà Lạt nói riêng.
Cũng nh­ư những ngư­ời thiểu số khác ở Lâm Đồng, ngư­ời thiểu số Đà Lạt sử dụng kỹ thuật làm nhà cổ truyền rất đơn giản. Họ thư­ờng sử dụng cột ngoãm để gác cây hay chặt khấc rồi dùng dây mây buộc lại. Từng gia đình phải tự tìm kiếm vật liệu để làm nhà, đến khi dựng nhà thì có sự giúp đỡ của bà con trong buôn đến giúp đỡ. Trong từng ngôi nhà của người K'ho, kết cấu sàn thư­ờng gắn bó chặt chẽ với khung nhà, trong đó cột nhà giữ vai trò là cột sàn. Đây cũng là một kiểu kết cấu "sàn treo" mà theo nhiều nhà nghiên cứu thì đó cũng là một trong những đặc trư­ng của kiến trúc truyền thống của ng­ười Thư­ợng nói chung.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữ khung cột và bộ khung mái lại không đ­ược gắn chặt với nhau thành một kiến trúc hoàn chỉnh như­ trong kết cấu nhà của ng­ười Việt cổ truyền, trong khi đó thì mái nhà của ngư­ời thiểu số bản địa Đà Lạt, cũng như­ của Lâm Đồng là dạng mái nhà hai mái nghiêng. Riêng phần hai đầu hồi nhà đư­ợc lợp tranh thay cho việc che bằng vách nứa. Điều đáng chú ý nhất trong kiến trúc nhà ở của ngư­ời thiểu số bản địa là ở những cửa ra vào chính, thư­ờng có kết cấu dạng vòm mà bà con dân tộc gọi là "m'pồng me".

Ngoài ra, một đặc điểm khác trong kiến trúc nhà ở của ngư­ời thiểu số bản địa là hầu như­ không có cửa sổ. Phía trong ngôi nhà lại không ngăn thành từng phòng, kết hợp với việc chỉ có một cửa chính mái vòm. Thành thử, khi vào nhà, ngư­ời ta có cảm giác như­ đang ở trong một hang động nào đó vậy.
Trên đây chỉ là những nét rất khái quát về kiến trúc nhà ở cổ truyền của ng­ười thiểu số bản địa Đà Lạt. Những kiểu kiến trúc như­ thế này ngày nay hầu như­ chỉ còn lại những vết tích đơn giản trong một số ít ngôi nhà của bà con ng­ười Lạch ở thôn Manline (ph­ường 7) và xã Tà Nung mà thôi.

2. KIẾN TRÚC CỦA NGƯỜI VIỆT
Nói đến Đà Lạt, ngư­ời ta vẫn th­ường nghĩ ngay đến một vùng du lịch mà trong đời của mỗi một con ng­ời, ai cũng đều có một ­ước mong đ­ược một lần đặt chân tới. Ẩn hiện giữa những rừng thông bạt ngàn, những vư­ờn hoa muôn sắc màu là những công trình kiến trúc vừa duyên dáng lại vừa độc đáo. Cùng với cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc Đà Lạt chính là hạt nhân hấp dẫn lòng ng­ười. Có lẽ không ở đâu trên đất nư­ớc ta, kiến trúc và môi trư­ờng đã đ­ược hòa nhập một cách tài tình và khéo léo như­ ở Đà Lạt. Các công trình kiến trúc ở Đà Lạt, nhất là những công trình cũ, đều rất xinh đẹp, không cái nào giống cái nào, nh­ưng vẫn tạo nên một phong cách rất thống nhất…
Thực tế đã chứng minh Đà Lạt là một vùng di sản kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên cực kỳ lý thú. Đó là một sự thật không thể phủ nhận. Và cũng phải thấy rằng, từ một vùng rừng núi hoang vu, hẻo lánh, Đà Lạt đã phát triển một cách nhảy vọt để trở thành một đô thị hiện đại. Có thể nói, nếu không có nhu cầu xây dựng trạm điều dư­ỡng của ng­ời Pháp ở Đà Lạt, để từ đó phát triển dần thành một thành phố du lịch và nghĩ dưỡng nổi tiếng, thì ngày nay, có thể Đà Lạt vẫn chỉ là một vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh hoặc cũng chỉ là một thị trấn nhỏ th­ường thấy ở các vùng rừng núi của nư­ớc ta. Tuy nhiên, sự kiện này đều có hai mặt. Thủa ban đầu, đô thị Đà Lạt là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân Pháp, và nó chỉ phục vụ cho lợi ích cá nhân của ngư­ời Pháp ở thuộc địa. Như­ng mặt khác, đô thị Đà Lạt cũng là sản phẩm của nền văn hóa Pháp, sản phẩm của nền văn minh công nghiệp thế kỷ XX. Những tuyến đ­ường giao thông đ­ược mở mang thuận tiện và hữu ích. Những đồ án thiết kế cùng những công trình kiến trúc hiện đại, độc đáo, những thắng cảnh nhân tạo … đều là những sản phẩm đáng cho chúng ta trân trọng, giữ gìn và phát huy. Đó cũng là những sản phẩm mà nhân dân lao động, ngư­ời Kinh cũng như­ ng­ười Thư­ợng, đã phải đổ biết bao mồ hôi, n­ước mắt và xươ­ng máu để tạo lập nên và góp phần làm cho vùng đất này trở thành một đô thị đẹp nổi tiếng của nư­ớc Việt Nam ta.

Người giữ hồn văn hóa truyền thống của dân tộc K'Ho 
Trong một lần về dự Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Đơn Dương, chúng tôi theo chân các anh chị công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin đến thăm gia đình bà Roda Nai Linh ở tổ dân phố M’ Lọn, thị trấn Thạnh Mỹ - một trong 12 gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh được chọn đi dự Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn toàn quốc lần thứ II (năm 2013). Ở đây, người ta thường gọi bà bằng cái tên thân mật là “Mọ Hưng”, bởi bà là người giữ hồn văn hóa truyền thống của dân tộc K’Ho.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn, được làm bằng gỗ, rộng khoảng 60m2. Nội thất bên trong căn nhà này không giống như những ngôi nhà khác, mà thay vào đó là những đồ dùng gần gũi trong đời sống, như các dụng cụ sản xuất, canh tác, các vật dụng của đồng bào dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên. Các hiện vật trưng bày được sắp xếp, bài trí theo bố cục từng chủ đề như: Các loại nhạc cụ cồng, chiêng, đàn, sáo…; công cụ phục vụ săn bắt hái lượm như nỏ, cung tên, lao, xà gạc, nơm, chụp mối…; các vật dụng dùng trong sinh hoạt như nồi đồng, chóe, đồ gốm…; những sản phẩm đan lát như thổ cẩm, các loại gùi, nong nia…; những nhạc cụ dân tộc truyền thống được làm bằng tre, lồ ô hay quả bầu khô… Trong đó, nhiều hiện vật không chỉ có giá trị về vật chất mà còn có giá trị rất lớn về mặt tinh thần cho thế hệ con cháu mai sau. Đây thực sự là một bảo tàng thu nhỏ về văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc K’Ho nói riêng và đồng bào dân tộc ở Nam Tây Nguyên nói chung.
Hàng năm, gia đình bà đã đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, các đài truyền hình ở Trung ương, địa phương đã phản ánh qua các phóng sự ghi nhận những đóng góp của bà trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, qua đó nhằm tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo người dân địa phương và để thế hệ trẻ noi theo.
Bà Roda Nai Linh niềm nở cho biết: Bà con dân tộc K’Ho, Chu Ru ở Đơn Dương, vùng Nam Tây Nguyên có bề dày văn hóa truyền thống rất phong phú. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người nói chung, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, nhất là vào những năm 1990, khi cuộc sống của người dân còn khó khăn, người ta nghĩ nhiều đến cái ăn, cái mặc hàng ngày hơn là gìn giữ lại những chiếc trống da nai hay những chiếc chiêng cổ... Không ít người đã bán đi vật báu của gia đình, dòng họ mình. Trong thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế và cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số ở đây cũng không tránh khỏi sự tác động của văn hóa ngoại lai.



Ngôi nhà sàn của chị Roda Nai Linh - nơi lưu giữ và bảo tồn văn hóa bản địa. Ảnh: Văn Công
Trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại, hơn ai hết, với vai trò là cán bộ công tác trong Mặt trận Tổ quốc gắn bó mật thiết với cộng đồng, bà và các thành viên trong gia đình đã gìn giữ ngôi nhà sàn độc đáo nhất vùng này, cùng nhiều đồ vật có giá trị văn hóa của các dân tộc Nam Tây Nguyên. Điều đặc biệt, sau gần 70 năm xây dựng, ngôi nhà vẫn tồn tại, vẫn giữ được kiến trúc và hình dáng nguyên vẹn.
Không chỉ sưu tầm, lưu giữ và bảo quản những hiện vật gắn liền với đời sống vật chất của người dân bản địa, mà bà còn dày công sưu tầm và phát huy những sản phẩm văn hóa có giá trị trong đời sống tinh thần của người K’Ho. Bà Roda Nai Linh cho biết thêm: Trong một thời gian khá dài những bài hát, điệu múa Aria truyền thống của dân tộc K’Ho ở đây dường như bị lãng quên. Người già ai cũng lo thất truyền, còn lớp trẻ thì thờ ơ. Riêng bà Roda Nai Linh thì không nghĩ vậy mà bà tìm cách giữ và “truyền lửa” cho lớp trẻ. Sau những giờ lên lớp, các cháu nhỏ trong gia đình, trong khu dân cư được bà truyền dạy lại những bài hát, điệu múa Aria truyền thống của người K’Ho bằng niềm say mê cháy bỏng. Không phụ lòng bà, hết thế hệ này, đến thế hệ khác, các cháu của bà giờ đều là hạt nhân văn nghệ ở tỉnh và địa phương. Mỗi lần, huyện hay thị trấn tổ chức liên hoan văn hóa, văn nghệ, các thành viên trong gia đình bà đều tích cực tham gia và đạt giải cao. Điều đó càng thôi thúc bà và các con cháu ngày đêm luyện tập để truyền lại cho nhiều người cùng biết, cùng giữ lấy nét đẹp văn hoá K’Ho truyền thống của dân tộc mình.
Có thể nói, trong những năm qua các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực, giải pháp để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số bản địa. Việc bà Roda Nai Linh giữ được ngôi nhà sàn xưa với những hiện vật, những bài hát, điệu múa của đồng bào dân tộc mình thật đáng trân trọng.



Annam Miradores entre Dalat et Krong-pha illustrateur Récnault Sarasin.
Những kiểu nhà sàn ở giữa Dalat- Krongpha
Dòng suối Camly uốn quanh ngọn đồi bờ Tây. Trên đỉnh đồi là nơi cư trú của Toàn quyền-1911













Làng Thượng gần hạ lưu sông Neutong
Một kiểu nhà sàn ở Xã Lat