Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

KTS. Ernest Hébrard



Ernest Hébrard và vấn đề đô thị ở Đông Dương
Bỏ qua sự so sánh một cách tuỳ tiện với một đường phố Paris, rõ ràng ở đây tác giả đã mô tả một thành thị như là sự đối lập với các thành phố châu Âu. Chính vì vậy mà những nhà kiến trúc đầu tiên đặt chân đến thuộc địa xa lạ này, đều mang theo một ý tưởng xây dựng đô thị theo mô hình của thành thị nước Pháp.
Năm 1895, trong thư gửi từ Hà Nội về cho em gái, Louis Lyautey (1854 - 1934), hồi đó chưa mang hàm thống chế, đã mô tả Hà Nội như sau:  

“… Cái rét hanh của những ngày qua đã quét sạch bầu trời, ánh sáng chan hoà mở rộng chân trời, mở rộng bầu trời và ý nghĩ. Ánh sáng đó lan tràn, nở rộ, và tất cả cảnh quan rực rỡ này đón chào nó. Cứ cách một trăm bước lại có một lùm tre, một bìa rừng, dưới tán cây đa xuất hiện một ngôi chùa (...). Con đường đất len lỏi qua những lùm cây rậm rạp. Dưới cành lá là ngôi làng chạy dài vô tận, những ngôi làng nghèo nàn làm bằng phên đan, bằng chiếu và vách đất, nhưng cuộc sống vẫn sôi động biết bao! (...). Trên đường, những dòng người nhỏ bé gồm cả đàn ông và đàn bà bước đi nhanh như đàn kiến, tất cả đều tất bật, gánh gồng nặng trĩu ở hai đầu đòn gánh, họ từ ruộng đồng về, lùa theo đàn trâu. Đi cách xa Hà Nội đến 6 cây số vẫn là con đường chạy dài, chen chúc như đường phố Bac”.

Nhà hát Lớn và phố Tràng Tiền (không ảnh 1921)

Bỏ qua sự so sánh một cách tuỳ tiện với một đường phố Paris, rõ ràng ở đây tác giả đã mô tả một thành thị như là sự đối lập với các thành phố châu Âu. Chính vì vậy mà những nhà kiến trúc đầu tiên đặt chân đến thuộc địa xa lạ này, đều mang theo một ý tưởng xây dựng đô thị theo mô hình của thành thị nước Pháp.

Nếu như nước Pháp có nhiều nhà kiến trúc tài năng, đã được mời thiết kế và quy hoạch nhiều thành phố lớn trên thế giới như thủ đô Washington của Mỹ năm 1792, Canberra thủ đô nước Úc năm 1911, dự án mở rộng Rio de Janeiro ở Braxin, mở rộng Philadelphia ở Mỹ năm 1917, Habana (Cuba), Angora (Thổ Nhĩ Kỳ)... thì ngay tại nước Pháp lại không có một quy chế rõ rệt trong việc thiết kế đô thị. Phải sau nhiều cuộc tranh luận ở nghị viện, ngày 14-3-1919, đạo luật Cornudet mới được thông qua nhằm đặt quy tắc cho việc xây dựng đô thị, trong tình hình nhiều thành phố nước Pháp vừa bị tàn phá sau cuộc Chiến tranh thế giới.

 Hồ Hoàn Kiếm nhìn từ trên cao

Đạo luật qui định mọi đơn vị hành chính có 10.000 dân trở lên đều phải có một qui hoạch thiết kế, mở rộng và làm đẹp. Các thành phố lớn nước Pháp phải có một dự án tăng trưởng tổng thể, phải tính đến các mặt vệ sinh, khảo cổ học và thẩm mỹ. Đạo luật 1919 còn được bổ sung năm 1924, và áp dụng cho đến năm 1940, khi chính phủ bù nhìn thời Đức chiếm đóng ở Vichy, không hiểu vì lý do gì lại ra quyết định bãi bỏ. Việc ban hành luật Cornudet năm 1919 đánh dấu một bước quan trọng trong việc thiết lập quy chế quản lý đô thị.

Đông Dương, với tư  cách là một bộ phận của Đế chế Pháp, cũng phải thi hành những điều kiện quy định như ở chính quốc. Trong những năm 20, luật này cũng được áp dụng ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Phnom Pênh. Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long yêu cầu lập ở Hà Nội một cơ quan trung ương về kiến trúc và quản lý đô thị. Năm 1923, Erest Hébrard được cử đứng đầu cơ quan này, có trách nhiệm vận dụng ở Đông Dương những tiêu chuẩn và nguyên tắc xây dựng đô thị, không phải tuỳ theo điều kiện đất đai và sự vận động của dân cư, mà theo một nguyên tắc qui hoạch nhằm thúc đẩy sự phát triển. Qui hoạch chủ đạo của Hà Nội ra đời năm 1924 đã tạo điều kiện cho việc điều hoà trong những thập kỷ về sau sự phát triển của một thành phố vào loại quan trọng của Đế chế Pháp, đồng thời cũng là để tạo nên một hình thể đô thị xây dựng trên những nguyên tắc chặt chẽ, mang tính chất riêng của trường phái Pháp: đấy là một không gian tạo nên bởi những trục đường lớn, hài hoà với những quảng trường công cộng, mở ra những tầm nhìn lớn hướng về các công trình mang tính chất biểu trưng.

Nhà hát Lớn và phố Tràng Tiền (không ảnh 1921): bố cục đường phố theo hình ngôi sao.

Một phần lớn qui hoạch chủ đạo năm 1924 ở Hà Nội dành cho khu vực dinh toàn quyền, bắc đầu từ phía Hồ Tây. Đối với Hébrard, người đã từng đưa ra qui hoạch mở rộng Đà Lạt, muốn thực hiện ở Hà Nội một qui hoạch như đã từng làm ở thành phố Rabat (Marốc). Ông đã xoá bỏ qui hoạch của Toà Thị chính Hà Nội năm 1890 do nhân viên Sở Công chính lập, và qui hoạch năm 1902 của Sở Địa lý Đông Dương lập. Hébrard đã đưa ra những nguyên tắc đơn giản là nét chung của chương trình đô thị thuộc địa thuộc trường phái Pháp: qui hoạch theo vùng, zoning, một từ thời thượng được dùng từ những năm 1910, từ bỏ qui hoạch dễ dãi của bố cục thành ô bàn cờ, mà ông cho là không có lợi vì nó ngăn cản việc nâng cao giá trị của những công trình lớn, việc trồng những hàng cây theo tập quán của Pháp, tạo nên nơi dạo chơi và hóng mát quí giá, sắp xếp những công viên lớn và lối đi đạo theo kinh nghiệm của thành phố Rangoon, cách bố trí đó đã tạo nên những khu vực dự trữ đất đai cho tương lai mà không phải để lại những đầm lầy ô nhiễm.
Quy hoạch khu hành chính trung tâm của E. Hébrard

Về vấn đề zoning, vệ sinh công cộng và phân bố các hoạt động dân cư cũng dã đặt ra một vân đề nghiêm trọng: đấy là sự chung sống của hai thế giới trên cùng một địa bàn, thế giới của thế lực thực dân và thế giới của người bản xứ. Xuất phát từ sự tách biệt thường có giữa thành phố bản xứ và thành phố người Âu, cái chính là sợ lây lan dịch bệnh, Hébrard vẫn nêu lên sự cần thiết tiếp xúc những thành phố hiện đại nước Pháp, sự tiếp cận giữa khu vực của người buôn bán và thợ thuyền, trên thực tế là cách biệt với khu vực cư trú của tầng lớp hữu sản, nhưng không có ranh giới rõ rệt.

Khu Đấu Xảo

Cấu trúc theo các trục lộ lớn và bố trí các kiến trúc đồ sộ trong quy hoạch đã quyết định hình dáng đô thị ở thuộc địa, một mô hình trong đó hai mặt hoành tráng và duyên dáng bổ sung cho nhau. Mặc dù có sự áp dụng hạn chế trong không gian đô thị ở Hà Nội, rõ ràng qui hoạch chủ đạo đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của thành phố: qui hoạch năm 1929 do Sở Địa lý Đông Dương lập đã chứa đựng những nét lớn do Hébrad vạch ra, với việc mở ra những không gian công cộng, khai thác các đường phố chạy dài, sắp xếp các khu hành chính mới nằm về phía Tây Thành cổ và hướng phát triển đô thị về phía Hồ Tây. Chính đó là lúc mà thành phố châu Âu, thông qua vấn đề đô thị hóa, bắt đầu áp đặt sự ''hiện đại hoá'' đối lập với sự đa dạng của các thành phố cũ, theo một sơ đô phát triển mà ta có thể thấy ở Phnom Pênh, Sài Gòn, và cả ở những trung tâm đô thị lớn của Đế chế Anh như Rangoon và Delhi.

H.M phỏng dịch từ cuốn   
Hanoi- Le cycle des métamophoses
IPRAUS-2001
Nguồn:http://vietnam.vn/c1034n20100719150333398/ernest-hebrard-va-van-de-do-thi-o-dong-duong.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.