Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

1944- DALAT

 

Sự ra đời của Đà Lạt (bài viết trên tuần san Indochine xuất bản năm 1944).

 ĐÀ LẠT XƯA


https://chuyenxua.net/su-ra-doi-cua-da-lat-bai-viet-tren-tuan-san-indochine-phat-hanh-nam-1944/











  • 1933
1932












---------------

Ngày nay, khi mà quy hoạch thành phố Đà Lạt đã trở nên hỗn loạn, nhiều người vẫn thường hay nhớ về thời vài chục năm trước và nuối tiếc cho một thành phố đã từng thơ mộng và lãng mạn. Để hiểu hơn về sự ra đời của Đà Lạt, mời các bạn đọc lại bài báo được in năm 1944, cách đây gần 80 năm, vào thời điểm Đà Lạt được ví như là một “ngôi sao mới” ở Đông Dương.



 

Trước khi thời gian còn chưa kịp xóa đi những ký ức, tôi nhận thấy việc vạch ra những nét chính về hoàn cảnh ra đời và phát triển của thành phố Đà Lạt là một việc khá lý thú. Để có được thành quả nghiên cứu, không gì chắc chắn hơn là hỏi chuyện người đàn ông lớn tuổi ở thành phố cao nguyên này, ông (Élie Joseph Marie) Cunhac, người sáng lập và cũng là vị quan chức đầu tiên của thành phố này.

Ông Cunhac rất muốn kể cho độc giả của tuần san Indochine những kỷ niệm mà ông đã lưu giữ suốt nửa thế kỷ qua, cùng bộ sưu tập ảnh đồ sộ của ông, những chứng vật của một thời kỳ, những bức ảnh thời nguyên sơ của điểm nghỉ mát xinh đẹp trên cao này.

 Trước tiên, tôi hỏi ông Cunhac đã tới đây khi nào và trong trường hợp nào. Câu trả lời của ông chính là câu chuyện về sự thành lập của Đà Lạt:

 – Cao nguyên Đà Lạt được bác sĩ Yersin phát hiện vào năm 1893 sau nhiều lần thực hiện những cuộc thăm dò trong dãy Trường Sơn. Năm 1897, ông báo cáo những phát hiện của mình cho Toàn quyền Paul Doumer, khi đó đang dự định thành lập ở Đông Dương một trạm nghỉ mát trên cao cho người Châu Âu. Tháng 10 năm đó, một đoàn quân được thành lập với mục đích tìm ra con đường dễ nhất từ Nha Trang lên cao nguyên Langbian. Đại úy pháo binh Thouard được chỉ định làm chỉ huy trưởng, trung úy lính thủy đánh bộ Wolf làm phó chỉ huy. Thành viên đoàn gồm có: viên đội Cunhac với nhiệm vụ làm trợ lý đo vẽ địa hình; hạ sĩ Abriac chịu trách nhiệm về đội culi và vận chuyển; lính thủy đánh bộ Missigbrod (người vùng Poméranie) vốn là lính lê dương và là hầu cận của viên trung úy (Wolf), một tay rất tháo vát; cuối cùng là hai hay ba người lính An Nam và một người dẫn đường; người dẫn đường này chính là người lính bốn năm trước đã cùng bác sĩ Yersin lên cao nguyên.

 Chuyến đi như thế nào, chắc là nhiều khó khăn lắm?

 – Đoàn rời Sài Gòn, tới Nha Trang vào cuối tháng 10-1897 và chỉ ít lâu sau liền di chuyển lên vùng phía trên của lưu vực sông Nha Trang. Sau khoảng một tháng thám hiểm địa hình vô cùng khó khăn và nặng nhọc ở vùng núi nơi chỉ có một vài bộ lạc sống rải rác và chưa hàng phục, thậm chí là thù địch, đoàn tới được thung lũng Đa Nhim, thượng lưu sông Dran, ở xóm Loupah của người Thượng. Từ đây, đoàn men theo bờ phải của dòng sông tới Finnom (Phi Nôm), rồi vượt sông Datam (Đạ Tam) – một nhánh của sông Đa Nhim. Đi ngược theo dòng sông này (Datam), đoàn tìm tới gờ phía nam của cao nguyên, qua thác Prenn và cuối cùng dừng chân tại Đà Lạt, tại nơi mà nay là nhà nghỉ Auberge Savoisienne.

 Khi lên tới cao nguyên, đoàn ở đâu?

 – Sau thời gian dựng lều ở bên bờ sông Cam Ly, đoàn chuyển tới Dankia ở tạm, đây cũng là trung tâm làm việc và tiếp tế. Hơn nữa, nơi này còn có một làng Thượng khá lớn trong khi các vùng xung quanh đều hoang vắng. Về phía Maline cũng chỉ có hai hay ba xóm của người Lát là hết. Trên đó rất nghèo, chính vì thế hầu như không có người ở. Ở Dankia, chúng tôi có lợi thế là ở ngay khu vực trung tâm, vừa dựng được bản đồ vừa dễ dàng đổi đồ vật lấy thực phẩm. Chúng tôi để anh lính Missigbrod ở lại Dankia rồi xuống khỏi cao nguyên di chuyển một chút về phía biển. Anh này ở lại ngay lập tức đã bắt tay vào việc làm một vườn rau và chăn nuôi nhằm cung cấp thực phẩm cho cả đoàn. Đó chính là khởi đầu khiêm tốn của “Trại Dankia” sau này.

 Sau mười một tháng làm việc, đoàn trở về Sài Gòn vào tháng 9 năm 1898.

 

Khi đó bắt đầu xây dựng Đà Lạt à?

– Chưa! Sau khi tìm ra vị trí, toàn quyền Doumer tiếp tục cử một đoàn quân khác lên đường (1898-1899). Dưới sự chỉ huy của đại úy kỵ binh Guynet, đoàn có nhiệm vụ là vạch ra một con đường cụ thể lên cao nguyên. Trước tiên, đoàn phải làm một con đường không trải đá nhưng xe có thể đi được nối từ Phan Rang đi lên phía bắc tới chân dãy Trường Sơn, sau đó, làm tiếp một con đường có độ dốc trung bình 8% mà lừa có thể đi được, nối lên tới cao nguyên Lang Bian.

 Là một thành viên của đoàn, đầu tiên tôi đảm nhiệm vị trí thư ký đặc biệt cho viên đại úy, sau đó tôi được trao luôn nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng con đường như dự kiến.

 Điểm xuất phát của con đường là ở Xóm Gòn, cạnh bờ sông Phan Rang và dưới chân dãy Trường Sơn, nối tới điểm kế tiếp là Đá Bàn (Daban) trên đèo Krongpha [Đèo Sông Pha hay Đèo Ngoạn Mục ngày nay], rồi từ Đá Bàn khởi đầu cho con đường leo lên cao nguyên. Để vượt sông Phan Rang, người ta làm một cây cầu nhỏ hai nhịp, loại tháo lắp được của công binh, đặt trên các giá đỡ. Cây cầu khi đó được đặt gần về phía thượng lưu của dòng sông so với vị trí của cây cầu đường sắt hiện nay. Con đường mòn lên cao nguyên được mở đi qua Dran và Arbre – Broyé [Cầu Đất].

 Đoàn quân của đại úy Guynet hoàn thành nhiệm vụ vào thàng 10-1899 (?) Lúc đó Đà Lạt trông như thế nào? – Vẻ nguyên thủy của Đà Lạt hầu như chỉ bị thay đổi trong những năm gần đây. Tại khu vực hồ trung tâm [hồ Xuân Hương ngày nay] có một con suối nhỏ nằm trong khu vực của bộ lạc Lat được gọi là Da – Lat, sau vì một lý do nào đó người ta đổi tên nó thành Cam Ly (tên theo tiếng An Nam).

 

Và ông Cunhac cho tôi xem một bức ảnh có một chiếc cầu nhỏ bắc ngang qua một con suối ngay vị trí nó mở rộng ra thành một cái hồ. Sau nhiều lần san lấp suối và đắp đường để băng qua suối, người ta xây một con đập chặn suối Cam Ly ngay phía trước cái ki-ốt ở chân đồi golf. Nhìn vào bức ảnh có thể thấy bên phải là đồi, bên trái là tòa công sứ, phía xa là hai đỉnh núi Lang Bian.

 

 

 Ngày nay, có thể biết được nền hành chính Đà Lạt được khởi đầu như thế nào là một điều khá lý thú, vì trong một thời gian dài, Đà Lạt chỉ là một thành phố triển vọng. Cho tới tận đầu thế kỷ [XX] Đà Lạt vẫn chỉ được xem là một nơi có triển vọng phát đạt trong tương lai, nhưng liệu tất cả chỉ có thế?

 Ông Cunhac nói tiếp:

– Sau chuyến công tác của đoàn Gyunet, người ta thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Province du moi du Haut – Donnai) vào năm 1899 với tỉnh lỵ Djiring; Công sứ là ông Ernest Outrey. Công việc chủ yếu của ông công sứ là tuyển nhân công phục vụ cho các đoàn nghiên cứu rải rác từ Biên Hòa qua Tánh Linh tới Djiring. Nhiệm vụ của các đoàn nghiên cứu này là thám sát và nghiên cứu để dựng lên một con đường sắt nối vùng ven biển với cao nguyên.

 Ngoài Đồng Nai Thượng, Đà Lạt cũng đồng thời nằm dưới quyền quản lý của ông Outrey. Năm 1900, ông cho xây dựng ở Đà Lạt một ngôi nhà sàn bằng gỗ lợp tôn tại vị trí nay là Tòa Đốc lý.

 

 

 Năm 1901, tỉnh Đồng Nai Thượng bị bãi bỏ, Djiring chỉ còn là một đại lý trực thuộc tỉnh Phan Thiết, trong khi Đà Lạt là đại lý trực thuộc tỉnh Phan Rang.

 Tôi là trưởng đại lý đầu tiên của Đà Lạt; người kế nhiệm tôi là ông Canivey. Sau khi rời Đà Lạt, tôi chuyển đến Djring làm trưởng đại lý từ năm 1903 đến năm 1915.

 Đà Lạt không còn là đại lý từ khi nào?

 – Khoảng tháng 2 – tháng 3 năm 1916 tỉnh Lang Bian được thành lập, với tỉnh lỵ là Đà Lạt. Tôi đồng thời được điều về làm công sứ cho tỉnh mới. Nhưng năm 1920, Đà Lạt lại trở thành một hạt tự trị được giao cho ông [Léon] Garnier làm Tổng ủy viên của Phủ Toàn Quyền. Tuy vậy, tôi vẫn ở lại làm công sứ tỉnh và kiêm nhiệm thêm chức Ủy viên phí cho ông Garnier.

 Lúc đó tòa nhà hành chính đặt ở đâu?

– Tòa nhà hành chính là một cái nhà gỗ có lầu kiểu nhà ở miền núi Thụy Sĩ. Tôi ở trên lầu còn các văn phòng làm việc thì ở phía dưới.

 Còn nguồn gốc tòa nhà hành chính hiện nay như thế nào?

– Đó là một cái chòị (LE PAVILLON do thành phố Sài Gòn làm, trên mái hiện nay ta vẫn còn thấy một chữ S to cải bằng ngói đỏ để chỉ Sài Gòn. Ngôi nhà này đã được thành phố Đà Lạt mua lại.

23-LE PAVILLON DE LA COCHICHINE-1927



 Thế còn những ngôi nhà khác?

 – Có một cái nhà dã ngoại (Sala) cho những người đi săn ở xa hẹn nhau tới tụ tập.
 





Rồi ông cho tôi xem một bức ảnh khác, nhìn vào đó có thể thấy rõ phía trước ngôi nhà là tiền thân của khách sạn Desanti (nay là khách sạn Lac) là một dãy hươu bị bắn hạ nằm trên hàng hiên của khách sạn đầu tiên của Đà Lạt.

 

 

 Ông tiếp:

– Ngoài ra còn có những ngôi nhà khác nữa mà hiện nay vẫn còn như ngôi nhà nhỏ một tầng nằm trước khách sạn Lac (trên miếng đất chìa ra của sân vận động); từ đèo Prenn đi vào Đà Lạt, ngôi nhà đầu tiên phía bên trái và ngôi nhà đầu tiên phía bên phải là hai ngôi nhà được xây dựng vào thời điểm bùng nổ của Đà Lạt. Về phía người An Nam, họ cũng tới Đà Lạt gần như cùng lúc với người Pháp, họ ở trên đồi phía tây nhìn xuống chợ.

NHA SAN KHU THAO TRUONG


 Thế còn Hồ Lac (hồ Xuân Hương), một vòng hoa điểm trang rất đẹp của Đà Lạt, được xây dựng từ khi nào bởi ai?

– Hồ được hình thành trong thời gian gần đây. Lần đầu tiên hồ được xây dựng là từ đề xuất của tôi vào khoảng năm 1919, người thực hiện là ông Labbé, kỹ sư Sở Công Chính. Từ năm 1921 – 1922, những chỗ san lấp cũ để làm nền đường được nâng cao thêm theo lệnh của Công sứ Garnier. Sau đó một năm [1923], người ta tiếp tục xây dựng con đê thứ hai phía dưới hạ lưu con đê thứ nhất để tạo thành hai hồ.



 

Hai con đê này đã bị áp lực nước lớn phá vỡ trong một cơn bão vào tháng 5 – 1932. Người ta liền làm hai con đê khác theo thông số cũ. Con đê hiện nay là đê mới bằng đá được xây dựng vào khoảng năm 1934 – 1935, chúng nằm lùi về phía hạ lưu một chút so với những con đê trước.

1934 Dam





 







1933




 

Thời điểm Đà Lạt bắt đầu có du khách tới thì họ đi tới bằng đường nào?

 – Họ đi bằng đường từ Phan Thiết và Djiring. Trong 12 năm ở Djiring, với sự giúp đỡ của ông Garnier, khi đó là công sứ Phan Thiết, tôi đã nghiên cứu việc xây dựng một con đường không trải đá dành cho ô tô đi lên cao nguyên. Con đường này bắt đầu từ Gian-mau, cách Phan Thiết 19km, nối tới Djiring từ năm 1914; đoạn Djiring – Đà Lạt thì được xây dựng và hoàn thành trong khoảng từ 1914 – 1915.

 Lúc đó người ta vượt qua sông Đa Nhim như thế nào?

– Ban đầu thì dùng những chiếc thuyền độc mộc của người Thượng. Sau đó tôi cho làm những chiếc lớn như kiểu phà, bên dưới là những chiếc thuyền độc mộc ghép lại, còn bên trên phủ ván gỗ. Dây cáp kéo phà ban đầu được làm bằng những sợi mây, sau đó bằng da trâu, cuối cùng được thay bằng cáp kim loại. Một thời gian sau, tôi lại thử làm một cây cầu vượt sông bằng cách ghép các thuyền độc mộc lại với nhau. Cuối cùng vào năm 1915, tôi dựng một cây cầu bằng gỗ. Cây cầu được làm bằng gỗ dầu, dài khoảng 100m, cách mặt nước trung bình khoảng 6m và có thể chịu được tải trọng 10 tấn. Do không có kinh phí nên tôi không thể mua được đinh để đóng cầu, đành phải ráp các thanh cầu với nhau bằng những chốt gỗ cứng, dù vậy vẫn rất hữu dụng.





- Passage-du-donnai (Henri Paul Lecomte-1856-1934)


 Nhớ lại những công trình đầu tiên của mình, ông đồng thời nhắc tới cây cầu hiện nay do công ty Levallois – Perret thực hiện. Rất thật lòng, ông so sánh cây cầu đầu tiên bằng thuyền thô sơ của mình với những công trình lớn hiện đại ngày nay, những thứ có thể chống trọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Đó là một tiến trình tất yếu, nhưng cần phải có ai đó đi trước xẻ đường để những người đi sau qua được dễ dàng hơn.

 Đà Lạt ngày nay có rất nhiều những dinh thự, khách sạn và biệt thự xinh đẹp, tựa như một góc nhỏ của nước Pháp, mọc lên giữa vùng đất mà một thời từng bị cô lập và thù địch. Để có được những thành quả này, chúng ta cần tri ân ba người: bác sĩ Yersin, người phát hiện ra cao nguyên; Toàn quyền Paul Doumer, người quyết định xây dựng điểm nghỉ mát trên cao nguyên; và ông Cunhac; người đầu tiên thực hiện dự án.

Tác giả: A. Baurit – Tuần san Indochine Số 180, Ra ngày 10/2/1944

Người dịch: Đông Kha

---------------

Đà Lạt thủa ban đầu

10:09, 24/09/2010

Trong chuyến công du Ấn Độ năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer (Pôn Đu-me) được chứng kiến những trạm nghỉ dưỡng (sanatorium) tổ chức tốt và nhận thấy binh sĩ đóng tại các địa điểm trên độ cao từ 1.000m lên đến 2.000m, có khí hậu giống như ở châu Âu, không bị mắc những bệnh ở vùng nhiệt đới. Doumer rất mong muốn tìm một hay nhiều nơi tương tự dành cho công chức và binh sĩ Pháp mệt mỏi, đau yếu vì khí hậu nhiệt đới, tránh được cái nóng nung người ở đồng bằng, tận hưởng những giây phút yên tĩnh trong không khí mát lành để hồi phục sức khỏe.

Trong chuyến công du Ấn Độ năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer (Pôn Đu-me) được chứng kiến những trạm nghỉ dưỡng (sanatorium) tổ chức tốt và nhận thấy binh sĩ đóng tại các địa điểm trên độ cao từ 1.000m lên đến 2.000m, có khí hậu giống như ở châu Âu, không bị mắc những bệnh ở vùng nhiệt đới. Doumer rất mong muốn tìm một hay nhiều nơi tương tự dành cho công chức và binh sĩ Pháp mệt mỏi, đau yếu vì khí hậu nhiệt đới, tránh được cái nóng nung người ở đồng bằng, tận hưởng những giây phút yên tĩnh trong không khí mát lành để hồi phục sức khỏe.

Trong lá thư ngày 23-7-1897 gửi cho các khâm sứ, Doumer nêu ra bốn điều kiện cần thiết cho một nơi nghỉ dưỡng: độ cao tối thiểu 1.200 m, nguồn nước dồi dào, đất đai trồng trọt được, khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng.


Hồ Xuân Hương xưa. Ảnh từ internet

Ở miền Bắc, hai địa điểm được giới thiệu nhưng không được chấp nhận: đỉnh núi Ba Vì và cao nguyên giữa sông Hồng và sông Đà. Đỉnh núi Ba Vì quá chật hẹp và độ ẩm quá cao; đường giao thông lên các cao nguyên giữa thung lũng sông Hồng và sông Đà không thuận lợi.

Vũng Tàu nằm trên bờ biển, cách Sài Gòn 10 giờ theo đường sông, là một bãi biển mát mẻ hơn vùng nội địa nhưng không thể dùng làm nơi nghỉ dưỡng. Vùng đầm lầy dài hàng chục cây số ở gần Vũng Tàu là môi trường truyền bệnh sốt rét.

Nam Kỳ và Căm-pu-chia không có những vùng núi cao trên 1.000 m. Gần Tây Ninh có một đỉnh núi cao 884m; giữa Châu Đốc và Hà Tiên cũng có vài đỉnh núi khác cao 400 hay 500m.
Nhận được thư riêng của Doumer, bác sĩ Alexandre Yersin gợi ý thành lập nơi nghỉ dưỡng  ở Đà Lạt - Đăng Kia.

 



Cầu Ông Đạo năm 1957. Ảnh từ Internet

Từ tháng 10 năm 1897, Doumer cử một phái đoàn quân sự nghiên cứu tìm một con đường dễ dàng nhất đi từ Nha Trang lên cao nguyên Lang Bi-an. Phái đoàn đặt dưới sự chỉ huy của đại úy pháo binh Thouard (Tu-a), có trung uý thuỷ quân lục chiến Wolf làm phụ tá. Các thành viên khác của phái đoàn gồm có: Cunhac (Cuyn-hắc), phụ tá trắc địa viên; Abriac (A-bri-ắc), phụ trách vận chuyển hàng hoá, Missigbrott (Mít-xít-brốt), sĩ quan tuỳ tùng, rất tháo vát. Ngoài ra còn có hai hay ba dân binh và một người dẫn đường đã đi cùng với Yersin 4 năm về trước. Phái đoàn đi từ Sài Gòn đến Nha Trang và tiến vào thung lũng của sông Nha Trang. Sau một tháng khảo sát địa hình trong những điều kiện rất khó khăn và vất vả, đoàn người đến thung lũng sông Đa Nhim, gặp buôn Thượng La Pá (Loupah) gần Đrăn (Dran). Từ đây họ men theo hữu ngạn sông Đa Nhim đến Phi Nôm (Fimnom), ngược dòng suối Đạ Tam, vượt thác Pren (Prenn) và leo lên trên triền dốc cao phía Nam cao nguyên, đến Đà Lạt tại một địa điểm về sau xây cất quán Xa-voa (Auberge savoisienne).

Sau một thời gian dựng lều sống bên bờ suối Cam Ly, đoàn trú ngụ tạm thời ở Đăng Kia. Tại đây có một buôn lớn trong khi khắp vùng rất nghèo nàn và hoang vắng. Ở Măng Lin (Manline) có 2 hay 3 buôn người Lạch. Ở Đăng Kia, phái đoàn được thuận lợi là ở trung tâm của toàn vùng, rất tiện cho việc vẽ bản đồ và đổi vật dụng để lấy lương thực.

Thouard chứng minh không thể đi thẳng từ Nha Trang lên Lang Bi-an và phác thảo một con đường dài khoảng 122km đi từ Phan Rang, ngang qua Xóm Gòn, Đrăn, thung lũng sông Đa Nhim, Klong, Pren và đến Đà Lạt. Nhận thấy ở độ cao 1.000m, cao nguyên Lang Bi-an có nhiều nhánh của sông Đồng Nai, ông gợi ý xây dựng một con đường trực tiếp từ Sài Gòn lên Đà Lạt qua thung lũng sông Đồng Nai, tránh con đường đèo cao 800m lên Đrăn.

Sau 11 tháng khảo sát, vào tháng 9 năm 1898, phái đoàn trở về lại vùng biển, chỉ để Missigbrott ở lại, lập một vườn rau và chăn nuôi một ít gia súc. Đây là bước đầu của nông trại Đăng Kia.
Năm 1898, một trạm nông nghiệp và một trạm khí tượng được thiết lập ở Đăng Kia dưới sự quản lý của kỹ sư M. Jacquet (M. Giắc-kê), thanh tra nông nghiệp.

Trong báo cáo ngày 15-12-1901, kỹ sư A. D’André (A. Đăng-đrê), thanh tra nông nghiệp, trạm trưởng trạm nông nghiệp Lang Bi-an, cho biết trạm có diện tích 16,6706ha, trồng thử nghiệm nhiều loại cây:
- Rau: Măng tây, cà tím, xà lách, xà lách xon (cresson), bắp cải (các giống đỏ, Cabus, Joanet, Milan, Bruxelles, Quintal), cải bông, su hào, dưa leo, dưa chuột, hành tây, củ cải, cà rốt, củ dền, đậu xanh, đậu Hà Lan, cần, ngò tây, cà chua, a-ti-sô,...
- Cây ăn trái: pom, lê, đào, cam, chanh, ô-liu, nho, dâu tây,...
- Cây lương thực: bắp, lúa mì, đại mạch, yến mạch, khoai lang, khoai tây,...
- Cây công nghiệp: chè.

Về hoa, A. D’André ghi nhận: “Năm nay, một số lượng tương đối lớn giống hoa được trồng thử. Tôi có thể kể: hoa hồng, cúc, cúc tím, dong riềng, bóng nước (balsamine), sen cạn (capucine), cô-cơ-li-cô, thược dược, mõm sói, bất tử, forget-me-not (myosotis), phong lữ (géranium), móng rồng (phlox), hoa tím (violette), cúc lá nhám (zinnia), cúc trắng (marguerite), cẩm chướng, cẩm nhung, á phiện, tư tưởng (pensée)...

Tôi theo dõi các giống hoa cho kết quả tốt nhất và ít tốn công chăm sóc. Nói chung, có thể nói hoa ở Pháp và các vùng ôn đới rất thích hợp trên Lang Bi-an. Hoa phát triển tối đa và đẹp rực rỡ. Hầu hết các giống hoa đều cho hạt tốt đã được thu hái và giữ làm giống”.

Trạm cũng trồng thử củ cải dành cho chăn nuôi, giống Mammouth (Mam-mút) và Dizette (Đi-dét-tơ), và nuôi 250 gia súc.
A. D’André nhận xét: “Gia súc tăng trưởng tốt nhờ cỏ trên cao nguyên. Các con vật đưa từ Phan Rang lên rất ốm yếu và mệt mỏi vì đường xa, nhưng hồi phục lại sau 3 tháng. 7 con bò giống Bretagne (Brơ-ta-nhơ) lớn nhanh nhưng phải cho ăn thêm cỏ khô, bắp, khoai. 3 con mang từ Pháp sang và 4 con ra đời trên cao nguyên. Đôi khi đàn bò sinh ra những con lai rất đẹp. Hiện có 12 con.
Ngày 23-12-1900, tôi mang từ Phan Rang lên 10 con cừu, trong đó có một con cừu đực. Số cừu này là giống lai giữa cừu Ấn Độ và cừu Trung Hoa cho một loại len dài nhưng thô. Đàn cừu đã trải qua mùa khô và một phần của mùa mưa. Đến ngày 18 tháng 7 có tất cả 19 con. Rất tiếc một con cọp đã lẻn vào chuồng trong đêm tối và vồ mất 14 con. Tuy nhiên, 5 con sống sót còn hình dáng tốt và tôi nghĩ có khả năng nuôi cừu trên quy mô lớn vì, trừ tai họa này, không con thú nào mắc bệnh cả. Khí hậu và đồng cỏ hình như rất thích hợp.

Gia súc trong trại cung cấp mỗi tháng khoảng 50 thước khối phân chuồng. Nhờ lượng phân này, có thể đủ bón cho cây trồng. Từ tháng 5 đến tháng 10, trạm nông nghiệp sản xuất được mỗi tuần 2 lần khoảng 150kg rau các loại, con số này có thể lên đến 267kg. Nông sản có thể được coi như dồi dào”.

Trạm khí tượng hoạt động tương đối đều đặn cho đến cuối năm 1908, trừ năm 1905 bị gián đoạn trong một thời gian. Ngừng hoạt động từ cuối năm 1908, trạm tiếp tục công việc từ tháng 6 năm 1909 đến cuối năm 1911. Vào thời kỳ này, đài thiên văn trung ương Phù Liễn có nhiệm vụ tập trung và thông báo những số liệu khí tượng ở Đông Dương báo tin trạm Đà Lạt ngừng hoạt động vì không được trợ cấp.

Tuy nhiên, những số liệu khí tượng thu được trong 14 năm đủ để xác định điều kiện khí hậu của cao nguyên Lang Bi-an. Về nhiệt độ, đồ thị cho biết nhiệt độ tối cao khá đều, dao động giữa 270C và 300C trừ tháng 7 năm 1902, nhiệt độ lên đến 320C.

Từ 0oC vào tháng 1, nhiệt độ tối thấp giảm xuống còn -20C vào tháng 2 và lên cao khá đột ngột đến tháng 8 và tháng 9 (khoảng 90C), sau đó nhiệt độ giảm dần xuống còn 20C vào tháng 12.
Nhiệt độ trung bình hằng tháng thay đổi giữa 16,370C (tháng 1) và 19,570C (tháng 5). Từ mùa hè sang mùa đông, nhiệt độ chỉ cách nhau 3,20C. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 18,320C, gần giống như nhiệt độ trên bờ biển Địa Trung Hải vào mùa xuân.

Tháng 3 năm 1899, Doumer gửi điện tín cho bác sĩ Yersin báo tin ông sẽ đến Phan Rang trong vòng 48 giờ và sẽ cùng Yersin leo núi lên cao nguyên Lang Bi-an. Lúc bấy giờ, con đường cái quan từ Nha Trang đến Phan Rang chỉ là một con đường mòn không có cầu bắc qua sông. Yersin liền cưỡi ngựa đi suốt ngày đêm, chỉ dừng lại ở các trạm đặt cách nhau từ 15 đến 20 km. Ngày 25-3-1899, Yersin đến Nại (gần Phan Rang) đúng lúc tầu Kersaint (Kẹc-xen)  cặp bến.

Doumer nghỉ trong giây lát ở tòa công sứ Phan Rang, sau đó cùng đoàn tùy tùng cưỡi ngựa đi ngay, định chiều hôm ấy đến chân núi, cách Phan Rang khoảng 40km. Ngựa của Doumer phi nước đại. Nhờ giống ngựa tốt, Yersin đuổi kịp Doumer và đến Krong-pha khi trời chập choạng tối. Yersin dựng lều, lấy ra hai cái giường xếp và vài lon đồ hộp. Mãi đến khuya, đoàn tuỳ tùng và hành lý mới đến nơi.

Sáng hôm sau, khi trời vừa sáng, đoàn người bắt đầu leo núi. Con đường đèo thật gập ghềnh và hiểm trở, mọi người phải dắt ngựa đi bộ. Họ đến Đrăn vào lúc 10 giờ. Trên cao nguyên, chưa có một người Việt nào sinh sống. Đrăn chỉ là một buôn Thượng mà dân cư đều bị bệnh sốt rét hoành hành. Sau khi tắm sông và vội vàng ăn trưa, họ lại lên đường đi tiếp chặng cuối.

Trước khi đến Trạm Hành (Arbre Broyé), đoàn người lại dắt ngựa trên đoạn đường đèo, nhưng từ Trạm Hành đường đi dễ dàng hơn, họ tiếp tục lên yên.

Khi Doumer, đại úy Langlois (Lăn-gloa) và Yersin đến ven cao nguyên thì trời đã tối sẫm. Cả ba người bám sát nhau vì một lý do chính là trong đêm tối, chưa quen với địa hình, họ có thể bị lạc. Vào lúc 10 giờ, họ tới đồn lính ở vị trí Đà Lạt hiện nay. Đó là một mái nhà tranh đơn sơ. Ông Garnier (Gạc-ni-ê) - trưởng đồn - đang ngủ bỗng choàng dậy trước sự có mặt của khách lạ vì chưa được báo tin trước. Vào lúc 1 giờ khuya, đoàn tuỳ tùng đến. Viên công sứ Nha Trang nói với giọng hãi hùng: “Tôi nghe tiếng cọp gầm, tôi nhận ra tiếng cọp mà!”.

Từ sáng sớm, đoàn người khởi hành tiến đến Đăng Kia. Trời lạnh, trên đường đi họ gặp rất nhiều con cà tông.

Ở Đăng Kia, Doumer thanh tra trạm nông nghiệp và khí tượng, trình bày dự án thành lập nơi nghỉ dưỡng tương lai nằm trên đoạn đường xe lửa đi từ Sài Gòn, xuyên qua rừng núi đến Đà Lạt rồi xuống Quy Nhơn. Về sau, dự án không thực hiện được vì khi khảo sát thiết kế, các kỹ sư nhận thấy gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật hơn là thiết lập một đường xe lửa ven biển với một nhánh đường sắt phụ từ Phan Rang lên Đà Lạt.

 Ngày 28-4-1899, Doumer giao cho đại uý Guynet (Guy-nê) nhiệm vụ làm một con đường dài 110 - 120km đi từ Nại (gần bãi biển Ninh Chữ) lên cao nguyên Lang Bi-an. Đoạn đầu bằng đất đi từ Phan Rang đến chân núi Trường Sơn, đoạn sau là một con đường có độ dốc 8% dành cho lừa tải hàng lên núi.

Phái đoàn thứ hai này gồm có 20 người Âu, trong đó có bác sĩ Étienne Tardif (Ê-chiên-nơ Tạc-đíp) và hai người có mặt trong phái đoàn Thouard: Cunhac, Abriac.

Ngày 8-6-1899, Tardif tháp tùng Guynet lên Lang Bi-an. Ông nhận thấy có một khoảng cách rất lớn về nhiệt độ giữa đồng bằng và miền núi. Tardif mô tả Đà Lạt và Đăng Kia lúc bấy giờ như sau:
“Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lang Bi-an trên độ cao ít nhất là 1.500m. Đồn lính nằm trên lưng chừng đồi của một thung lũng rộng, nhìn xuống một vùng đất dốc thoai thoải ven bìa rừng thông. Một dòng suối có lưu lượng rất cao chảy dưới thung lũng. Nước suối trong mát, dễ uống và không có mùi vị.
Đồn lính Đà Lạt còn rất thô sơ. Trong đồn chỉ có vài người lính và thợ mộc.

... Đăng Kia ở phía Bắc Đà Lạt nằm trên độ cao 1.400m có 2 người Âu, khoảng 50 người Kinh và Thượng. Cách đó không xa là buôn Thượng với 40-50 hộ. Ông Canivey (Ca-ni-vây) và Missigbrott mỗi người ở trong một túp lều tranh cách nhau 800m. Họ lấy nước từ một con suối chảy vào sông Đồng Nai ở chân đồi”.

Trước thế kỷ XX, Đăng Kia là buôn lớn nhất trên cao nguyên Lang Bi-an, trong khi Đà Lạt vẫn còn hoang sơ. Nhưng so sánh giữa Đà Lạt và Đăng Kia, Tardif đề nghị chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng và phân tích:
“Điều kiện vệ sinh: Vị trí thuận lợi nhất để thành lập nơi nghỉ dưỡng là một địa điểm trống trải và dễ đến gần. Đó là trường hợp của Đà Lạt có thể đến một cách rất tự nhiên, trong khi phải đi quanh co thêm 13km mới đến Đăng Kia. Đà Lạt còn có một điểm thuận lợi nữa là đất đai dài liên tục với dốc thấp, trong khi Đăng Kia gồm một dãy đồi núi cách rời nhau bằng những thung lũng hẹp và lầy lội.
- Độ cao: Đà Lạt cao hơn Đăng Kia 100m. Có thể nói một cách chính xác rằng Đà Lạt ở trên cao và Đăng Kia nằm trong lòng chảo.
- Nước: Nếu trong tương lai, nơi nghỉ dưỡng trở thành trung tâm, chỉ cần xây dựng ở gần Đà Lạt một tháp nước là sẽ phân phối được nước cho mọi nhà; ở Đăng Kia, một công trình như vậy đòi hỏi rất nhiều khó khăn.
- Không khí: Về điểm này, Đà Lạt càng thuận lợi hơn Đăng Kia. Tôi chưa dám nói trước rằng nhờ độ cao, không khí Đà Lạt trong sạch hơn, nhưng chắc chắn là không khí Đà Lạt khô hơn.
Nằm gần đỉnh núi Lang Bi-an, trong mùa mưa Đăng Kia hứng hầu hết những trận mưa. Ở Đăng Kia, sương mù dày đặc hơn, gió và tia nắng mặt trời chỉ đến từ lúc 9 giờ hay 10 giờ sáng.

 



Một góc Đà Lạt xưa. Ảnh từ Internet
Cuối cùng, Đăng Kia không bao giờ có không khí rừng thông. Ngược lại, Đà Lạt nằm kề một rừng thông mênh mông tạo thành một hình bán nguyệt ở  Đông-Nam cao nguyên.

- Về thảo mộc, quanh Đăng Kia không có cây cối. Đồi núi chỉ phủ toàn một lớp cỏ xanh. Đà Lạt, trái lại, nằm cạnh một rừng thông và tùng, không khí đầy hương thơm nhựa thông trong lành.
Tính chất thổ nhưỡng ở Đà Lạt cũng tốt hơn ở Đăng Kia.

Nếu nơi nghỉ dưỡng đặt ở Đăng Kia, đây sẽ là một đồi núi mấp mô, ít đất bằng, không thuận tiện cho các phương tiện giao thông (xe hơi, xe điện, xe đạp) hoạt động. Về ban ngày, không có bóng cây, do đó không thể dạo chơi; ban đêm lại đầy sương mù.

Giá thành nước cung cấp đến tận nhà rất cao. Vấn đề giải quyết nước thải bằng những phương pháp cơ học hay hóa học ở Đăng Kia rất tốn kém. Nếu nước thải chảy vào sông Đồng Nai sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong mùa khô.

Ở Đà Lạt, với đất rộng, đồi núi thấp, một tháp nước và một hệ thống đường ống dẫn nước có thể cung cấp nước cho mọi gia đình. Nước thải cho chảy về Pren. Dưới thung lũng này có một dòng suối đầy nước, quanh năm chảy qua một vùng rộng lớn gần như hoang vu trước khi đổ vào sông Đa Nhim.

- Vật liệu xây dựng lại ở gần Đà Lạt và rất xa Đăng Kia.
- Về phương diện thẩm mỹ, Đà Lạt nằm ở một vị trí rất tuyệt diệu, chân trời lui về phía xa, tận dãy núi Lang Bi-an. Trái lại, từ lòng chảo Đăng Kia, chân trời bị những ngọn đồi xanh bao quanh, không có rừng, không có núi, chỉ nhìn thấy ánh mặt trời và đồi cỏ xanh”.

Do nhiều công nhân làm đường bị chết vì bệnh sốt rét, công luận lên tiếng phản đối trạm nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lang Bi-an. Đại uý Bernard (Bẹc-na) đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ về muỗi và bệnh sốt rét. Vào năm 1905, người ta dự định không thành lập trạm nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lang Bi-an nữa nhưng tại một địa điểm trong thung lũng sông Đa Nhim, trên độ cao 1.000m, giữa các làng Thượng ở Đi-ôm (Diom, Châu Sơn ngày nay) và La-bui (Lebuoi, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương ngày nay).

Một ý kiến khác là thành lập nơi nghỉ dưỡng trên cao nguyên Di Linh vì gần Nam Kỳ và trên đường từ Sài Gòn lên Lang Bi-an qua Phan Thiết, nhưng tại đây bệnh sốt rét rất nghiêm trọng. Tất cả nhân viên của phái đoàn nghiên cứu đường sắt do kỹ sư Blim dẫn đầu đều bị bệnh nặng và phải bỏ dở công việc. 12 trong số 24 tù nhân người Kinh đưa lên Djiring đã bị chết trong vòng một tháng.

Cao nguyên Lang Bi-an có ưu điểm là muỗi a-nô-phen rất hiếm, nhiệt độ về đêm xuống thấp đủ để ngăn cản mầm bệnh sốt rét phát triển.

Ngày 5-1-1906, Hội đồng Quốc phòng Đông Dương họp ở Đà Lạt gồm có Toàn quyền, Đại tướng Voyron (Vôi-rông), Thống đốc Nam Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ quyết định chọn cao nguyên Lang Bi-an làm nơi nghỉ dưỡng vì hội đủ các điều kiện quân sự và vệ sinh.

Lúc đầu, người ta chọn Đăng Kia, nhưng sau đó một địa điểm giữa Đà Lạt và Đăng Kia, và cuối cùng Đà Lạt

Theo Nghị định ngày 1-11-1899 do Toàn quyền Paul Doumer ký, tỉnh Đồng Nai Thượng được thành lập bao gồm vùng thượng lưu sông Đồng Nai đến biên giới của Nam Kỳ và Căm-pu-chia.

Tỉnh lỵ đặt tại Djiring và 2 trạm hành chánh (poste administratif) được thành lập ở Tánh Linh (Tân Linh) và trên cao nguyên Lang Bi-an. Ngoài các nhiệm vụ thường lệ, Ernest Outrey (Ẹc-nétx U-trây) - Công sứ tỉnh Đồng Nai Thượng - còn có nhiệm vụ đặc biệt giúp Sở Công chánh Đông Dương nghiên cứu và xây dựng con đường sắt ở Nam Trung Kỳ.

Từ năm 1898 đến năm 1900, các phái đoàn Odhéra (Ô-đê-ra), Garnier (Gạc-ni-ê) và Bernard (Bẹc-na) nghiên cứu con đường đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt (dài khoảng 300km) đã được Thouard gợi ý, đề nghị một con đường đi thẳng từ Đà Lạt đến Biên Hoà bằng cách dùng đoạn Đà Lạt - Phan Rang, sau đó đường tách ra từ Klong, vượt sông Đa Nhim, đi ngang qua Djiring và xuống thung lũng sông La Ngà để tiếp nối với con đường sắt ven biển về hướng Tánh Linh.

Phái đoàn Guynet (Guy-nê) (1899) và Buvigner (Buy-vi-nhê) (1900) lập đường Phan Rang - Xóm Gòn - Đrăn - Đà Lạt. Năm 1901, tổ chức các cơ sở tiếp tế cho Đà Lạt qua ngã đường Phan Rang - Đà Lạt, lập các trạm dọc đường, xây dựng vài căn nhà gỗ dành cho toàn quyền, bệnh viện, công sứ và cảnh binh. Một viên thị trưởng được chỉ định.

Khi còn ở Hà Nội, Doumer đã lập một chương trình xây dựng Đà Lạt.

Theo chương trình này, Đà Lạt là một thành phố toàn vẹn với các trụ sở hành chánh hoạt động về mùa hè, các trường trung học và doanh trại quân đội. Bản đồ phân lô đã bố trí các công trình kiến trúc từ dinh toàn quyền đến nhà ở của y tá, văn phòng công chánh, thuế vụ, thú y, thanh tra tài chánh, nông nghiệp,... Sở cảnh sát ở bên cạnh giải trí trường. Toà thị chánh rộng 306,88m2 với nhiều phòng. Nước được dự kiến cung cấp cho 10.000 dân, nguồn nước có thể thoả mãn trong tương lai cho 40.000 dân. Nước được lọc bằng phương pháp ozon hoá và có thể cả tia cực tím. Năng lượng thuỷ điện của các thác nước ở Ăn Krô-ét với nhà máy 2.760 mã lực sẽ cung cấp điện cho thành phố.

Năm 1902, Doumer về Pháp, dự án đồ sộ của ông ngưng lại, kinh phí bị cắt, những công trình xây dựng dở dang. Ở Đà Lạt chỉ còn vài nhân vật: một viên thị trưởng, một giám binh và một trưởng trạm nông nghiệp. Đà Lạt triền miên trong một giấc ngủ dài hơn 10 năm...

Trong thời gian này, các phái đoàn Beylié (Bây-li-ê) (1903), Pennequin (Pen-nơ-ken) (1904), bác sĩ Grall (Gran) (1904), Bizar (Bi-da) (1905), Garnier (1906), Cunhac (1907), Ducla (Đuy-cla) (Bộ Công chánh), bác sĩ Vassal (Viện Pasteur) vẫn nghiên cứu về Lang Bi-an và những con đường lên cao nguyên, kiến nghị xin tiếp tục xây dựng Đà Lạt, một địa điểm nghỉ dưỡng rất lý tưởng.

 


Đường Duy Tân ( nay là đường 3/2) năm 1950

Năm 1905, Đà Lạt có khoảng 60 người Kinh.
Năm 1907, Hôtel du Lac (Khách sạn Hồ) được cất bằng gỗ là khách sạn đầu tiên ở Đà Lạt.

Năm 1908, P. Duclaux (P. Đuy-clô) đi ngựa từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trên đường đi, ông rẽ từ Phan Rang lên Đà Lạt và đến Đà Lạt ngày 28-3-1908.

Ông nhận xét Đà Lạt lúc bấy giờ như sau:
“Đà Lạt! Tám hay mười mái nhà tranh của người Việt, một nhà sàn bằng ván thô sơ dành cho lữ khách, một vòi nước, quảng trường chợ, một nhà bưu điện đơn sơ. Trên một ngọn đồi, sau hàng rào và giữa rặng thông xanh, vài căn nhà gạch của trung tâm hành chánh Đà Lạt, vì chế độ cai trị ở đây thật đặc biệt: có một hội đồng và cả một viên thị trưởng. Ông Champoudry (Săm-pu-đry) - Thị trưởng Đà Lạt - nguyên Cố vấn Hội đồng thành phố Pa-ri bị thất cử được Doumer đem sang đây và coi như người sáng lập Đà Lạt.

Còn cư dân? Vài chục người Việt bị đày, vài khách người Âu đi công tác hay trắc địa, những người thợ săn hay lữ khách hiếm hoi cùng đoàn tuỳ tùng. Tài nguyên? Gần như không có gì hết; không có một khoản ngân sách đáng kể, không có một sự trợ giúp nào cả. Vốn là dược sĩ chuyên trách về vấn đề vệ sinh thành phố Pa-ri, ông thích thú thiết kế hệ thống thoát nước trong thành phố tương lai dựng lên trên sa mạc này và chờ đợi...

Trung tâm hành chánh của Đà Lạt không được nới rộng thêm chút nào, vẫn thuộc về tỉnh Phan Rang. Để tránh những sự tranh chấp về quyền hạn, ông Canivey (Ca-ni-vây) - Đại diện của Công sứ - sống với gia đình và thuộc hạ cách xa 3km, ngoài phạm vi của Champoudry. Nơi đây, ông đích thực là chủ nhân, cai quản một vùng Thượng rộng lớn, để lại cho đối thủ bất hạnh của ông vài chục người Việt thường ra vào trong một làng nhỏ. Tôi mang đến cho ông Canivey một lá thư gửi từ Phan Rang và ông giữ tôi lại ăn cơm tối.

Không những là một người am hiểu miền Thượng, ông còn là một tay thiện xạ có lẽ một phần vì ham thích nhưng chắc chắn vì hoàn cảnh bắt buộc. Ở đây không có thịt nào khác ngoài thịt rừng; về rau, chỉ có vài loại rau do người Thượng mang đến hay những người lính tự trồng trọt. Phải thường xuyên chống lại cọp và beo rất nhiều trong khắp vùng. Chuyện cọp là chuyện thường ngày, không phải là chuyện vui đùa bịa đặt mà là một thực tế đáng lo ngại. Chó, ngựa, nhiều người giúp việc, nhiều người bưu trạm đã bị cọp vồ; nhiều người Âu cũng cùng chung số phận.

Sau khi ăn tối ở đồn cảnh binh, ông Canivey cho bốn người cầm đuốc đưa tôi về vì đường đi rất nguy hiểm từ khi mặt trời lặn. Ông nói với tôi rằng tôi đã lầm khi đến đây một mình.

Những con chó rừng còn nguy hiểm hơn nữa. Đây là một loại chó cao gần bằng cái bàn, ốm nhom nhưng cực kỳ hung dữ. Chúng kéo đi hàng đàn và đuổi theo con mồi không biết mệt. Chúng tấn công cả cọp và thường chiến đấu đến cùng, dù phải bỏ thây vài mạng.

Một lần, con chó của đại uý Lavit (La-vi) - một người thợ săn dũng cảm - bị một đàn chó rừng đuổi theo đến tận trại. Chúng chỉ chịu bỏ đi khi tất cả mọi người trong trại vội vàng chạy ra xua đuổi chúng. Tôi đã từng nghe nói về những con chó rừng ở Quy Nhơn, nhưng những con chó rừng ở đây còn dễ sợ hơn.

Tất nhiên, Đà Lạt thiếu những trò giải trí quyến rũ. Ở trong nhà gỗ và ngủ trên giường gỗ không hấp dẫn du khách chút nào! Không có cỏ cho ngựa và cám bán với giá cắt cổ”.

Năm 1909, trạm khí tượng được chuyển từ Đăng Kia về Đà Lạt.
Năm 1910, ngừng xây dựng đường sắt từ Phan Rang đến Xóm Gòn vì thiếu kinh phí.
Năm 1902, tiếp tục xây dựng đoạn đường từ Phan Rang đến Xóm Gòn.
Năm 1913, xây dựng đường Djiring đi Ma Lâm - Phan Thiết.

Trích Đà Lạt năm xưa của Nguyễn Hữu Tranh

https://baolamdong.vn/dalatxuanay/201009/da-lat-thua-ban-dau-2429156/



--------------


https://chuyenxua.net/su-ra-doi-cua-da-lat-bai-viet-tren-tuan-san-indochine-phat-hanh-nam-1944/ 



Sự ra đời của Đà Lạt (bài viết trên tuần san Indochine xuất bản năm 1944)

 ĐÀ LẠT XƯA


https://chuyenxua.net/su-ra-doi-cua-da-lat-bai-viet-tren-tuan-san-indochine-phat-hanh-nam-1944/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.