Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2024

1900 DALAT

 1900 DALAT

Sự ra đời của Đà Lạt (bài viết trên tuần san Indochine xuất bản năm 1944)

Tác giả: A. Baurit – Tuần san Indochine Số 180, Ra ngày 10/2/1944

https://chuyenxua.net/su-ra-doi-cua-da-lat-bai-viet-tren-tuan-san-indochine-phat-hanh-nam-1944/#google_vignette


 Người dịch: Đông Kha

Ngày nay, khi mà quy hoạch thành phố Đà Lạt đã trở nên hỗn loạn, nhiều người vẫn thường hay nhớ về thời vài chục năm trước và nuối tiếc cho một thành phố đã từng thơ mộng và lãng mạn. Để hiểu hơn về sự ra đời của Đà Lạt, mời các bạn đọc lại bài báo được in năm 1944, cách đây gần 80 năm, vào thời điểm Đà Lạt được ví như là một “ngôi sao mới” ở Đông Dương.

 Trước khi thời gian còn chưa kịp xóa đi những ký ức, tôi nhận thấy việc vạch ra những nét chính về hoàn cảnh ra đời và phát triển của thành phố Đà Lạt là một việc khá lý thú.

 Để có được thành quả nghiên cứu, không gì chắc chắn hơn là hỏi chuyện người đàn ông lớn tuổi ở thành phố cao nguyên này, ông (Élie Joseph Marie) Cunhac, người sáng lập và cũng là vị quan chức đầu tiên của thành phố này.

 Ông Cunhac rất muốn kể cho độc giả của tuần san Indochine những kỷ niệm mà ông đã lưu giữ suốt nửa thế kỷ qua, cùng bộ sưu tập ảnh đồ sộ của ông, những chứng vật của một thời kỳ, những bức ảnh thời nguyên sơ của điểm nghỉ mát xinh đẹp trên cao này.

Trước tiên, tôi hỏi ông Cunhac đã tới đây khi nào và trong trường hợp nào.

 Câu trả lời của ông chính là câu chuyện về sự thành lập của Đà Lạt: 

– Cao nguyên Đà Lạt được bác sĩ Yersin phát hiện vào năm 1893 sau nhiều lần thực hiện những cuộc thăm dò trong dãy Trường Sơn. Năm 1897, ông báo cáo những phát hiện của mình cho Toàn quyền Paul Doumer, khi đó đang dự định thành lập ở Đông Dương một trạm nghỉ mát trên cao cho người Châu Âu. Tháng 10 năm đó, một đoàn quân được thành lập với mục đích tìm ra con đường dễ nhất từ Nha Trang lên cao nguyên Langbian. Đại úy pháo binh Thouard được chỉ định làm chỉ huy trưởng, trung úy lính thủy đánh bộ Wolf làm phó chỉ huy. Thành viên đoàn gồm có: viên đội Cunhac với nhiệm vụ làm trợ lý đo vẽ địa hình; hạ sĩ Abriac chịu trách nhiệm về đội culi và vận chuyển; lính thủy đánh bộ Missigbrod (người vùng Poméranie) vốn là lính lê dương và là hầu cận của viên trung úy (Wolf), một tay rất tháo vát; cuối cùng là hai hay ba người lính An Nam và một người dẫn đường; người dẫn đường này chính là người lính bốn năm trước đã cùng bác sĩ Yersin lên cao nguyên. 

Chuyến đi như thế nào, chắc là nhiều khó khăn lắm? 

– Đoàn rời Sài Gòn, tới Nha Trang vào cuối tháng 10-1897 và chỉ ít lâu sau liền di chuyển lên vùng phía trên của lưu vực sông Nha Trang. Sau khoảng một tháng thám hiểm địa hình vô cùng khó khăn và nặng nhọc ở vùng núi nơi chỉ có một vài bộ lạc sống rải rác và chưa hàng phục, thậm chí là thù địch, đoàn tới được thung lũng Đa Nhim, thượng lưu sông Dran, ở xóm Loupah của người Thượng. Từ đây, đoàn men theo bờ phải của dòng sông tới Finnom (Phi Nôm), rồi vượt sông Datam (Đạ Tam) – một nhánh của sông Đa Nhim. Đi ngược theo dòng sông này (Datam), đoàn tìm tới gờ phía nam của cao nguyên, qua thác Prenn và cuối cùng dừng chân tại Đà Lạt, tại nơi mà nay là nhà nghỉ Auberge Savoisienne.

Auberge Savoisienne.
Auberge Savoisienne.

 Khi lên tới cao nguyên, đoàn ở đâu? 

– Sau thời gian dựng lều ở bên bờ sông Cam Ly, đoàn chuyển tới Dankia ở tạm, đây cũng là trung tâm làm việc và tiếp tế. Hơn nữa, nơi này còn có một làng Thượng khá lớn trong khi các vùng xung quanh đều hoang vắng. Về phía Maline cũng chỉ có hai hay ba xóm của người Lát là hết. Trên đó rất nghèo, chính vì thế hầu như không có người ở. Ở Dankia, chúng tôi có lợi thế là ở ngay khu vực trung tâm, vừa dựng được bản đồ vừa dễ dàng đổi đồ vật lấy thực phẩm. Chúng tôi để anh lính Missigbrod ở lại Dankia rồi xuống khỏi cao nguyên di chuyển một chút về phía biển. Anh này ở lại ngay lập tức đã bắt tay vào việc làm một vườn rau và chăn nuôi nhằm cung cấp thực phẩm cho cả đoàn. Đó chính là khởi đầu khiêm tốn của “Trại Dankia” sau này. Sau mười một tháng làm việc, đoàn trở về Sài Gòn vào tháng 9 năm 1898.

 Khi đó bắt đầu xây dựng Đà Lạt à? 

– Chưa! Sau khi tìm ra vị trí, toàn quyền Doumer tiếp tục cử một đoàn quân khác lên đường (1898-1899). Dưới sự chỉ huy của đại úy kỵ binh Guynet, đoàn có nhiệm vụ là vạch ra một con đường cụ thể lên cao nguyên. Trước tiên, đoàn phải làm một con đường không trải đá nhưng xe có thể đi được nối từ Phan Rang đi lên phía bắc tới chân dãy Trường Sơn, sau đó, làm tiếp một con đường có độ dốc trung bình 8% mà lừa có thể đi được, nối lên tới cao nguyên Lang Bian. Là một thành viên của đoàn, đầu tiên tôi đảm nhiệm vị trí thư ký đặc biệt cho viên đại úy, sau đó tôi được trao luôn nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng con đường như dự kiến. Điểm xuất phát của con đường là ở Xóm Gòn, cạnh bờ sông Phan Rang và dưới chân dãy Trường Sơn, nối tới điểm kế tiếp là Đá Bàn (Daban) trên đèo Krompha [Đèo Sông Pha hay Đèo Ngoạn Mục ngày nay], rồi từ Đá Bàn khởi đầu cho con đường leo lên cao nguyên. Để vượt sông Phan Rang, người ta làm một cây cầu nhỏ hai nhịp, loại tháo lắp được của công binh, đặt trên các giá đỡ. Cây cầu khi đó được đặt gần về phía thượng lưu của dòng sông so với vị trí của cây cầu đường sắt hiện nay. 

Con đường mòn lên cao nguyên được mở đi qua Dran và Arbre 

– Broyé [Cầu Đất]. Đoàn quân của đại úy Guynet hoàn thành nhiệm vụ vào thàng 10-1899 (?) 

Lúc đó Đà Lạt trông như thế nào? 

– Vẻ nguyên thủy của Đà Lạt hầu như chỉ bị thay đổi trong những năm gần đây. Tại khu vực hồ trung tâm [hồ Xuân Hương ngày nay] có một con suối nhỏ nằm trong khu vực của bộ lạc Lat được gọi là Da – Lat, sau vì một lý do nào đó người ta đổi tên nó thành Cam Ly (tên theo tiếng An Nam).



 Và ông Cunhac cho tôi xem một bức ảnh có một chiếc cầu nhỏ bắc ngang qua một con suối ngay vị trí nó mở rộng ra thành một cái hồ. Sau nhiều lần san lấp suối và đắp đường để băng qua suối, người ta xây một con đập chặn suối Cam Ly ngay phía trước cái ki-ốt ở chân đồi golf. Nhìn vào bức ảnh có thể thấy bên phải là đồi, bên trái là tòa công sứ, phía xa là hai đỉnh núi Lang Bian. Ngày nay, có thể biết được nền hành chính Đà Lạt được khởi đầu như thế nào là một điều khá lý thú, vì trong một thời gian dài, Đà Lạt chỉ là một thành phố triển vọng. Cho tới tận đầu thế kỷ [XX] Đà Lạt vẫn chỉ được xem là một nơi có triển vọng phát đạt trong tương lai, nhưng liệu tất cả chỉ có thế?

 Ông Cunhac nói tiếp: 

– Sau chuyến công tác của đoàn Gyunet, người ta thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Province du moi du Haut – Donnai) vào năm 1899 với tỉnh lỵ Djiring; công sứ là ông Ernest Outrey. Công việc chủ yếu của ông công sứ là tuyển nhân công phục vụ cho các đoàn nghiên cứu rải rác từ Biên Hòa qua Tánh Linh tới Djiring. Nhiệm vụ của các đoàn nghiên cứu này là thám sát và nghiên cứu để dựng lên một con đường sắt nối vùng ven biển với cao nguyên. Ngoài Đồng Nai Thượng, Đà Lạt cũng đồng thời nằm dưới quyền quản lý của ông Outrey.

 Năm 1900, ông cho xây dựng ở Đà Lạt một ngôi nhà sàn bằng gỗ lợp tôn tại vị trí nay là Tòa Đốc lý. Năm 1901, tỉnh Đồng Nai Thượng bị bãi bỏ, Djiring chỉ còn là một đại lý trực thuộc tỉnh Phan Thiết, trong khi Đà Lạt là đại lý trực thuộc tỉnh Phan Rang. Tôi là trưởng đại lý đầu tiên của Đà Lạt; người kế nhiệm tôi là ông Canivey.

 Sau khi rời Đà Lạt, tôi chuyển đến Djring làm trưởng đại lý từ năm 1903 đến năm 1915. Đà Lạt không còn là đại lý từ khi nào? 

– Khoảng tháng 2 – tháng 3 năm 1916 tỉnh Lang Bian được thành lập, với tỉnh lỵ là Đà Lạt. Tôi đồng thời được điều về làm công sứ cho tỉnh mới. Nhưng năm 1920, Đà Lạt lại trở thành một hạt tự trị được giao cho ông [Léon] Garnier làm Tổng ủy viên của Phủ Toàn Quyền. Tuy vậy, tôi vẫn ở lại làm công sứ tỉnh và kiêm nhiệm thêm chức Ủy viên phí cho ông Garnier.

 Lúc đó tòa nhà hành chính đặt ở đâu? 

– Tòa nhà hành chính là một cái nhà gỗ có lầu kiểu nhà ở miền núi Thụy Sĩ. Tôi ở trên lầu còn các văn phòng làm việc thì ở phía dưới. 

Còn nguồn gốc tòa nhà hành chính hiện nay như thế nào? 

– Đó là một cái chòi do thành phố Sài Gòn làm, trên mái hiện nay ta vẫn còn thấy một chữ S to cải bằng ngói đỏ để chỉ Sài Gòn. Ngôi nhà này đã được thành phố Đà Lạt mua lại.

 Thế còn những ngôi nhà khác?

 – Có một cái nhà dã ngoại (Sala) cho những người đi săn ở xa hẹn nhau tới tụ tập.

 Rồi ông cho tôi xem một bức ảnh khác, nhìn vào đó có thể thấy rõ phía trước ngôi nhà là tiền thân của khách sạn Desanti (nay là khách sạn Lac) là một dãy hươu bị bắn hạ nằm trên hàng hiên của khách sạn đầu tiên của Đà Lạt.





 Ông tiếp: – Ngoài ra còn có những ngôi nhà khác nữa mà hiện nay vẫn còn như ngôi nhà nhỏ một tầng nằm trước khách sạn Lac (trên miếng đất chìa ra của sân vận động); từ đèo Prenn đi vào Đà Lạt, ngôi nhà đầu tiên phía bên trái và ngôi nhà đầu tiên phía bên phải là hai ngôi nhà được xây dựng vào thời điểm bùng nổ của Đà Lạt. Về phía người An Nam, họ cũng tới Đà Lạt gần như cùng lúc với người Pháp, họ ở trên đồi phía tây nhìn xuống chợ. 

Thế còn Hồ Lac (hồ Xuân Hương), một vòng hoa điểm trang rất đẹp của Đà Lạt, được xây dựng từ khi nào bởi ai? 

– Hồ được hình thành trong thời gian gần đây. Lần đầu tiên hồ được xây dựng là từ đề xuất của tôi vào khoảng năm 1919, người thực hiện là ông Labbé, kỹ sư Sở Công Chính. Từ năm 1921 – 1922, những chỗ san lấp cũ để làm nền đường được nâng cao thêm theo lệnh của Công sứ Garnier.

 Sau đó một năm [1923], người ta tiếp tục xây dựng con đê thứ hai phía dưới hạ lưu con đê thứ nhất để tạo thành hai hồ.



 Hai con đê này đã bị áp lực nước lớn phá vỡ trong một cơn bão vào tháng 5 – 1932. Người ta liền làm hai con đê khác theo thông số cũ. Con đê hiện nay là đê mới bằng đá được xây dựng vào khoảng năm 1924 – 1935, chúng nằm lùi về phía hạ lưu một chút so với những con đê trước.





 Thời điểm Đà Lạt bắt đầu có du khách tới thì họ đi tới bằng đường nào? 

– Họ đi bằng đường từ Phan Thiết và Djiring. Trong 12 năm ở Djiring, với sự giúp đỡ của ông Garnier, khi đó là công sứ Phan Thiết, tôi đã nghiên cứu việc xây dựng một con đường không trải đá dành cho ô tô đi lên cao nguyên. Con đường này bắt đầu từ Gian-mau, cách Phan Thiết 19km, nối tới Djiring từ năm 1914; đoạn Djiring – Đà Lạt thì được xây dựng và hoàn thành trong khoảng từ 1914 – 1915.

 Lúc đó người ta vượt qua sông Đa Nhim như thế nào? 


– Ban đầu thì dùng những chiếc thuyền độc mộc của người Thượng. Sau đó tôi cho làm những chiếc lớn như kiểu phà, bên dưới là những chiếc thuyền độc mộc ghép lại, còn bên trên phủ ván gỗ. Dây cáp kéo phà ban đầu được làm bằng những sợi mây, sau đó bằng da trâu, cuối cùng được thay bằng cáp kim loại. Một thời gian sau, tôi lại thử làm một cây cầu vượt sông bằng cách ghép các thuyền độc mộc lại với nhau. Cuối cùng vào năm 1915, tôi dựng một cây cầu bằng gỗ. Cây cầu được làm bằng gỗ dầu, dài khoảng 100m, cách mặt nước trung bình khoảng 6m và có thể chịu được tải trọng 10 tấn. Do không có kinh phí nên tôi không thể mua được đinh để đóng cầu, đành phải ráp các thanh cầu với nhau bằng những chốt gỗ cứng, dù vậy vẫn rất hữu dụng. Nhớ lại những công trình đầu tiên của mình, ông đồng thời nhắc tới cây cầu hiện nay do công ty Levallois – Perret thực hiện. Rất thật lòng, ông so sánh cây cầu đầu tiên bằng thuyền thô sơ của mình với những công trình lớn hiện đại ngày nay, những thứ có thể chống trọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Đó là một tiến trình tất yếu, nhưng cần phải có ai đó đi trước xẻ đường để những người đi sau qua được dễ dàng hơn. Đà Lạt ngày nay có rất nhiều những dinh thự, khách sạn và biệt thự xinh đẹp, tựa như một góc nhỏ của nước Pháp, mọc lên giữa vùng đất mà một thời từng bị cô lập và thù địch. Để có được những thành quả này, chúng ta cần tri ân ba người: bác sĩ Yersin, người phát hiện ra cao nguyên; Toàn quyền Paul Doumer, người quyết định xây dựng điểm nghỉ mát trên cao nguyên; và ông Cunhac; người đầu tiên thực hiện dự án.


Tác giả: A. Baurit – Tuần san Indochine Số 180, Ra ngày 10/2/1944

Người dịch: Đông Kha

 Danh mục

Đà Lạt xưa.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.