1917, Le_Lang-Bian_(Indochine_francaise)_sanatorium_[...]Bouvard_Pierre
ĐÀ LẠT XƯA
- 1917 Le_Lang-Bian_(Indochine_francaise)_sanatorium_[...]Bouvard_Pierre
Quang cảnh Đà Lạt năm 1917 qua bài báo đầu tiên của người Việt
Nam viết về Đà Lạt.
Tạp chí Nam Phong số 9 và 10 ra
tháng 3 và 4 năm 1918 có đăng bài “Lâm Viên hành trình nhật ký” của ông Đoàn
Đình Duyệt. Đây có lẽ là bài báo đầu tiên của người Việt Nam viết về Đà Lạt.
Theo Đặng Ngọc Oánh trong Bulletin des Amis du Vieux Hué, số 2 năm 1918, Đoàn
Đình Duyệt giữ chức Thượng thư bộ Hộ, không kiêm Binh bộ sự vụ.
Xin nhắc lại về thời điểm năm 1917, đó là lúc
mà việc xây dựng Đà Lạt của người Pháp còn rất sơ khởi, hệ thống đường sá và hạ
tầng phục vụ cho mục đích du lịch và nghỉ dưỡng chỉ đang được tiến hành xây dựng
những bước đầu tiên.
Vào năm 1893, bác sĩ Yersin thám hiểm
Lang Bian rồi sau đó đề xuất toàn quyền Doumer xây dựng Đà Lạt thành trạm nghỉ
mát, rồi phải tới 10 năm sau đó, toàn quyền Albert Sarraut mới thể hiện quyết
tâm biến nơi này thành địa điểm nghỉ mát trên cao số một của toàn Đông Dương.
Thời điểm này, người Pháp có mặt ở Đông Dương rất đông đúc, họ ngày càng quan
tâm đến nơi nghỉ mát có khí hậu giống ở chính quốc.
Nghị định ngày 6/1/1916 đã chính thức hóa việc thành lập cùng lúc tỉnh Lang Bian (Lâm Viên) và thị xã Đà Lạt, được Toàn quyền Đông Dương quản lý trực tiếp. Giai đoạn từ giữa thập niên 1910 trở về sau được xem là thời của sự trỗi dậy của một thành phố. Để phục vụ cho số lượng khách du lịch Châu Âu tăng mạnh đến nơi này, toàn quyền Đông Dương lúc đó là Ernest Roume đã ra lệnh xây biệt thự và một khách sạn tráng lệ chưa từng có, khách sạn mang tên Lang Bian Palace, sau này được biết với tên Dalat Palace và vẫn còn cho đến hiện nay. Sự kiện xây dựng năm LangBian Palace năm 1917 cũng được người Pháp xem là dấu mốc khai sinh ra thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt. Thực tế, khách sạn này được xây năm 1916 nhưng tới 1922 mới khánh thành, vì vậy lúc ông thượng thư Đoàn Đình Duyệt phụng chỉ vua Khải Định lên Đà Lạt để xây dựng hành cung thì khách sạn Lanbian Palace vẫn đang được xây dựng. LangBian Palace, nay là Đà Lạt Palace Sau đây là bài viết trên Tạp chí Nam Phong: Tạp chí chúng tôi [Nam Phong] nhận được của ông Đoàn Đình Chi, viên chức giữ sổ sách Viện Hàn lâm, bản sao chép bài Lâm Viên hành trình nhật ký do Ngài Nam tước Đại thần Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công, kiêm Binh bộ sự vụ, sung chức Cơ mật Đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện, biên soạn. Chuyến đi này thực hiện trong năm ngoái, vào ngày mồng 10 tháng 7 Nam lịch. Khi ấy, Ngài Nam tước phụng chỉ đến tỉnh Lâm Viên mới thành lập để quan sát, đồng thời trù liệu xây cất hành cung. Lúc trở về, Ngài ghi chép tình hình các địa phương mà Ngài đã đi ngang qua, lập thành một bản trình tấu dâng lên Hoàng thượng [vua Khải Định], được Hoàng thượng châu phê: “Việc của cổ nhân, một viên chức há dám cẩu thả mà làm sao? Nhưng nay, Ninh Lãng có thể được coi là có lòng đối với nước nhà vậy. Hãy đem bản biên soạn này cùng lời châu phê chép lại phổ biến. Khâm thử!”. Tạp chí chúng tôi nhận được nhật ký này, xin công bố để độc giả cùng xem. [sau đây là nhật ký hành trình của Quan thượng thư Đoàn Đình Duyệt] Ngày mồng 8 tháng 7, bái nhận lệnh Hoàng thượng. Ngày mồng 10, 5 giờ rưỡi sáng, lên xe lửa khởi hành từ Thuận Hoá. 9 giờ tới đồn Đà Nẵng, Quảng Nam. Trưa ngày 11, nhổ neo rời bến đồn Đà Nẵng đi về phương Nam trong suốt 18 giờ liền. Ngày 12, lúc 4 giờ sáng, đến đồn Qui Nhơn dừng nghỉ. 3 giờ chiều cùng ngày, rời bến đồn Qui Nhơn để đi xuống hải cảng Ba Ngòi thuộc tỉnh Khánh Hoà. Cảng này mới thiết lập, đã có tên theo quốc âm, thần không dám dịch trở lại chữ Hán, sau đây xin cứ y theo âm ấy mà gọi. 3 giờ sáng ngày 13 đến nơi, hành trình suốt 12 giờ. Tính ra, từ Đà Nẵng đến Ba Ngòi, đi hết 30 giờ đường thuỷ. Trong mấy ngày đó, trời lặng sóng yên, suốt chuyến đi trên biển đều được yên ổn. Sáng hôm ấy, thần từ cảng Ba Ngòi lên đất liền, xem xét hình thế của cảng này: Từ bờ ngoằn ngoèo nhô ra biển một dãy núi, ba mặt cao ngất, ở giữa hình thành một cái vịnh sâu mà rộng. Tàu chiến có thể đậu trên một trăm chiếc. Trước vịnh duy nhất có một cửa ải, tàu chiến lớn có thể ra vào được. Quả là nơi trú đóng rất an toàn của tàu chiến, kín đáo như ao trời. Chốn này xưa kia vốn là một góc biển hoang vu, người không đặt chân đến. Nay Nhà nước bảo hộ tăng cường quản lý, thiết lập Nha Kiểm lâm, Nha Sen đầm, Toà Điện báo, Cục Thương chánh và Nhà khách công. Trước bến đang xây dựng một cầu tàu bắc ngang ra đến giữa vịnh, dài chừng trên một ngàn thước, đúc bằng xuy mông [xi măng]. Từ bờ biển ra tới cầu có đắp một con đường đá trên đó có đường ray cho xe bánh nhỏ chạy thông ra đến đầu cầu. Kinh phí phải lên đến ức, triệu. Tương lai, nơi này sẽ là bến neo thuyền lớn nhất của xứ Trung Kỳ. Buổi chiều, vào lúc 3 giờ 53 phút, từ Ba Ngòi lên xe lửa. 5 giờ 40 đến Cầu Bảo tức Phan Rang, thuộc phủ Ninh Thuận, lộ trình dài 47 ki-lô-mét, đi xe mất 1 giờ 47 phút. Lúc bấy giờ trời đã xế chiều, đến công quán dừng nghỉ. Ở đây là một bến đậu xe lớn, xe đi ba ngả: một ngả trở về hướng Bắc, đi Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hoà; một ngả theo hướng Nam đi về Sài Côn [Sài Gòn]; còn một ngả đi về phía Tây, đến Điếm Côn [Xóm Gòn], tức là tỉnh lộ đi Lâm Viên. Các khách buôn đa số đều dừng lại ở đây để chờ xe. Nhà nước hiện đang xây cất một lữ quán công cao ba tầng, lợp ngói. Người đến ăn ở có phòng riêng, trú ngụ rất an ổn. Lại có sở làm việc của quý quan bảo hộ và nhiều nhà lầu của quý điền chủ người Pháp. Cư dân thường dùng xe thồ do một ngựa kéo để chở thuê hành khách hoặc hàng hoá đưa lên xe lửa. Loại xe ngựa này có chừng 50 chiếc. Nơi đây quả là ngã tư hội tụ, tương lai hẳn sẽ ngày càng phồn thịnh. Sáng ngày 14, từ Cầu Bảo đi Điếm Côn. 5 giờ rưỡi lên xe, 7 giờ 15 phút đến nơi, đường dài 40 ki-lô-mét, xe lửa đi mất 1 giờ 45 phút. Đây là điểm chót của đường xe lửa. Đến đây xuống xe, rồi hoặc đi kiệu hoặc cưỡi ngựa men theo đường sống núi mà lên. Độ 3 tiếng đồng hồ thì tới Eo Gió, tiếng Tây gọi là Biên-uy [Bellevue], lộ trình dài 12 ki-lô-mét. Từ đỉnh Eo Gió cao cách đồng bằng 1.045 thước tây. Hai bên đường cây cối rậm rạp, tuyệt nhiên không có dân cư. Khách buôn lên xuống tuy đông nhưng rất ít có chỗ để dừng lại nghỉ ngơi. Trong khoảng đường 12 ki-lô-mét chỉ có Trạm Côn là một trụ sở và một trụ sở của đốc công ở Đá Bàn. Chốn rừng rú u tịch, đường đá gồ ghề khó đi. Khiêng kiệu phải dùng người Thượng mới đi được. Hiện nay Nhà nước bảo hộ đang dựa theo thế núi mở một con đường xoắn ốc, xe điện có thể chạy được, đồng thời để vận tải hàng hoá. Nhân công và kinh phí tốn không biết là bao nhiêu. Tương lai sẽ là con đường lưu thông chính, mà đoạn lớn được thi công đại quy mô là như vậy. Đến Eo Gió liền có xe điện của quý toà Đa Lạc [Đà Lạt] xuống đón. Lên xe lúc 11 giờ trưa, đến 12 giờ 50 phút tới Đa Lạc, tức tỉnh lỵ tỉnh Lâm Viên, đường bộ dài 61 ki-lô-mét. Tính từ Eo Gió trở lên thì xe chạy nhanh được trên khoảng đường chừng 50 ki-lô-mét. Đường lúc này bằng phẳng, có chỗ như miền trung châu. Ven đường có độ năm, ba cái sách [xóm có rào] của người Thượng. Nhà lụp xụp, thô sơ. Đất trồng lúa mỗi nơi chỉ được độ một, hai khoảnh nhỏ, còn lại là đất trống mênh mông, nhìn ra thấy hoang vu cả ngàn dặm tới tận cùng tầm mắt. Nếu di dân lập ấp, khai khẩn canh tác thì có thể có được hai, ba trăm thôn. Đó là đất đai ven hai bên đường, mắt có thể nhìn thấy được. Còn những nơi khác cách xa, bên sau non suối, chưa có thể khảo sát được. Từ 50 ki-lô-mét trở lên xa hơn, lại phải men theo núi mà đi. Trên dưới đồi núi chập chùng, lối đi quanh co. Vùng đất này sản sinh rất nhiều thông, hai bên đường đi nhìn thấy toàn màu xanh, một màu xanh biếc thật đẹp mắt. Lúc đến Đa Lạc, viên chức huyện Lâm Viên dẫn dân trong hạt, độ một nửa là người Hán [người Hoa] và người Thượng, ra đón mời vào huyện nha ngừng nghỉ. 3 giờ chiều đến yết kiến quý Khâm sứ Đại thần tại trú dinh. Ngài Khâm sứ kính chúc Hoàng thượng vạn an, thần đáp lễ. Thần đã điện về cho Viện để tâu lên Hoàng thượng. Vào lúc này, quý Công sứ ở Lâm Viên cùng quý quan chức đều có mặt nơi đây. Cuộc tiếp xúc giữa đôi bên thật vui vẻ. 5 giờ chiều, trở về huyện lỵ nghỉ ngơi. Trời vào tiết đầu thu, miền trung châu chưa bớt nóng mà ở đây thì trời đã lạnh dần, có mưa phùn, mặc áo lông cừu thật thích hợp. Xem khí hậu thấy giống như đầu xuân. Theo lời quý quan trú ở đây thì vùng đất này tới mùa đông hàn thử biểu có lúc xuống một, hai độ, giống như khí hậu miền Nam châu Âu. Đôi khi cũng có mưa tuyết. Quả là điều kỳ lạ trên đất nước Lĩnh Nam vậy. Người của quý quốc thích khí hậu ôn hoà nên mùa hè thường đưa gia quyến lên đây nghỉ mát. Chiều ngày 14 cho đến suốt ngày 15, ngoài trời mưa liên tục, không tiện đi xem phong cảnh. Chiều ngày 16, bất kể trời mưa, lên xe kéo ra đi. Nhìn bốn phía thấy núi cao vây bọc, rừng thông rậm rạp, ở giữa có chừng vài ngàn mẫu đều là núi bằng, đồi trọc cao thấp nhấp nhô. Từ các dinh thự, nhà cửa cho đến khách sạn, nhà ở của người dân, thảy đều xây cất trên đồi núi. Dưới chân núi nào cũng có đường cái đan chéo ngang dọc, xe điện có thể chạy được. Lại có những cánh đồng bằng bé nhỏ có thể cày cấy. Từ dưới đồng bằng nhìn lên, thấy trên núi lâu đài sắp xếp như quân cờ, la liệt như sao. Cảnh đẹp giống như tranh vẽ. Kiến trúc hiện đang có là Toà Công sứ, Nha Lục lộ, Nha Kiểm lâm, Nha Ngân khố, Phòng Điện báo, bệnh viện và cư xá cho binh lính đồn trú. Ngoài ra còn có những khách sạn xây cất theo kiểu phương Tây. Huyện nha của Lâm Viên cũng đặt ở đây. Vua Cao Man (Căm-pu-chia) có xây cất một nhà khách, mùa hè có khi đến đây nghỉ mát, lại còn mua một khu đất, định xây dựng một hai toà lâu đài, trang trí rất lộng lẫy. Đó là nghe quý Khâm sứ thuật lại và còn hướng dẫn đi xem khu đất ấy nữa. Quý quan đại thần của Nhà nước bảo hộ cũng trù tính xây thêm Phủ Toàn quyền và Toà Khâm sứ ở đây. Tương lai nơi này hẳn trở thành một đô hội lớn. Hiện đang chọn một khu đất để xây hành cung, nơi đó là một ngọn núi, đỉnh núi bằng phẳng, rộng chừng trên 10 mẫu, nằm gần ngọn núi xây cất Phủ Toàn quyền. Trên núi ấy hiện đang có những cây thông già xanh tốt, mỗi cây cao 6, 7 thước tây, mọc thành hàng như do người trồng, cảnh trí rất tự nhiên. Phía trước mặt có một con đường xe điện lưu thông được. Một dòng suối lượn quanh bao bọc từ bên phải ra đến phía sau núi. Thật là một địa điểm cao ráo quang đãng. Cũng thuộc phạm vi Đa Lạc và cách Đa Lạc 2 ki-lô-mét rưỡi có suối Cẩm Lệ [Cam Ly] từ trong Đa Lạc chảy ra, quanh co như một con sông, đến chỗ Cẩm Lệ thì có một khối đá lớn chắn ngang, dưới chân khối đá có một cái hồ lớn, từ mép hồ lên tới đầu khối đá cao độ 30 thước tây. Mặt khối đá có hai khe hở, nước từ khe hở chảy vọt xuống như hai cầu vồng dài. Giữa hồ nhô lên một cái gò như bãi trâu tắm. Quý quan đang xây một cái lầu tám góc, quanh lầu trồng những loài cây ra hoa, du khách đến đây ngồi nghỉ và hóng mát. Từ mặt tiền của lầu nhìn ra bốn phía, nước chảy vòng quanh, trăm hoa vây bọc. Bên kia bờ là một khối đá cao ngất, hai cầu vồng bắc ngang qua làn sóng bạc. Quả là chốn Bồng Lai tiên cảnh! Lại cách Đa Lạc 14 ki-lô-mét là Lâm Viên, nơi đây có một vườn hoa và một chỗ nuôi thú. Trong vườn đất đai phì nhiêu, bốn mùa đều có rau đậu phương Tây tươi tốt, xứng đáng được gọi là Đàn Hương Sơn trên đại lục. Đàn Hương Sơn thuộc vùng biển Tây bán cầu, đi theo đường biển thì 7 ngày tới châu Mỹ. Bốn mùa cây cỏ đều ra hoa, kết quả, nổi tiếng thế giới. Cách Lâm Viên phỏng chừng 5 – 6 ki-lô-mét còn có suối Đan Ki [Đăng Kia], tiếng Tây dịch là Ưng-kỳ-du-kiệt-từ [Ankroët]. Dòng suối ấy từ trong lòng đất chảy vọt ra. Từ hai khe đá, nước phun ra giao nhau rót xuống ngay giữa một thạch bàn. Tục truyền tiên ngồi tắm trên thạch bàn đó. Dưới thạch bàn lại có một hang đá lớn, nước suối chảy qua thạch bàn, trút xuống hang đá ấy từ độ cao trên 40 thước tây. Nước suối chảy rẽ làm 5 mạch. Từ ngoài nhìn vào, nước từ trong thạch bàn trào vọt ra, trút từ trên cao xuống thành 5 dòng như 5 con rồng phun nước. Tục gọi đó là hồ tiên tắm, hình thế thật lạ kỳ. Lại nghe nói gần Lâm Viên có một ngọn núi cao 2.200 thước tây là núi cao nhất Trung Kỳ. Đã mở một con đường nhỏ để tiện lên núi ngắm cảnh. Nếu đứng trên đỉnh núi này nhìn qua kính viễn vọng thì phía Tây thấy được nhà cửa của cư dân tỉnh Côn Tung [Kon Tum], phía Đông thấy tới biển. Đây cũng do quý Khâm sứ đại thần nói cho biết. Từ tỉnh hạt Lâm Viên, phía Nam thông xuống Sài Côn [Sài Gòn]. Đã có một con đường bộ, đi chừng một ngày thì tới nơi. Nửa ngày đi xe điện được 80 ki-lô-mét, đến bến xe Ma Lâm (thuộc tỉnh Bình Thuận), nếu đáp xe lửa vào Nam chừng 150 ki-lô-mét thì tớiâ Sài Côn. Từ Ma Lâm lại có một con đường đi về tỉnh Bình Thuận, cũng đi bằng xe điện. Tới bến xe Ma Lâm, lên xe lửa chạy theo hướng Đông Bắc độ trên 80 ki-lô-mét thì tới nơi. Thiết nghĩ, sau này khi kiến thiết xong hệ thống đường sá, đường bộ, đường thuỷ thông thương thì Lâm Viên sẽ là vùng đất rộng lớn, then chốt của Đông Dương. Tiếc rằng, lúc đến Đa Lạc trời mưa 4 ngày liên tiếp, ngày về thì vội gấp, nên chưa được đi theo quý Khâm sứ đại thần xem tất cả các thắng cảnh. Dường như nước non tươi đẹp vẫn còn đợi chờ khách hữu tình vậy. Ngày 18, giã từ để trở về. Lại đi theo con đường lúc đến, xuống tới Điếm Côn, lên xe lửa trở lại Cầu Bảo. Quý quan Đại lý đem xe song mã đón về phủ Ninh Thuận dừng nghỉ. Ngày 19, lại đáp xe lửa đi ngang qua Ba Ngòi và về nhanh đến Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hoà. Đường từ Cầu Bảo tới Nha Trang trên 70 ki-lô-mét, xe lửa chạy trong 3 giờ rưỡi thì đến bãi đậu xe [ga] Nha Trang, đường sắt Nam Kỳ chạy suốt đến đây. Bấy giờ có quý Công sứ đi xe điện đến đón. Bãi đậu xe này cách Toà Công sứ 5 ki-lô-mét và cách tỉnh thành 6 ki-lô-mét. Cũng vẫn đi xe điện đến quý toà, trao đổi bàn bạc, sau đó trở về tỉnh lỵ khám sát. 4 giờ chiều hôm ấy, lên xe điện từ tỉnh lỵ Khánh Hoà. 7 giờ tới phủ Ninh Hoà nghỉ lại. Phủ lỵ Ninh Hoà thuộc tỉnh Khánh Hoà, từ tỉnh thành tới phủ lỵ 60 ki-lô-mét. Trên đường đi, nhìn thấy địa thế tỉnh này rộng mênh mông, khí hậu lại rất ôn hoà, bốn mùa đều trồng lúa được. Nhìn lướt qua, thấy ruộng lúa cao thấp xen nhau. Đất này trồng lúa không phân thời tiết nên ngoài đồng lúa có chỗ mới cấy, có chỗ đã thành cây con hoặc có chỗ đã trổ bông, trông so le cao thấp không đều. Tất cả đều rất tươi tốt. Tiếc rằng ở đây dân cư còn ít, thôn xóm thưa thớt. Tuy là một vùng đất trung châu mà phần lớn vẫn còn là đất trống. Hiện nay, quý quan lập một số đồn điền đã dần dần có hiệu quả. Nếu địa phương này khuyên được dân ta bắt chước tốt sáng kiến trên đây, mộ dân khai hoang lập ấp, mở mang việc cày cấy thì đất ruộng ngày càng mở rộng, dân số ngày càng đông, tương lai có thể thành một trấn lớn phồn vinh. Ngày 20, 5 giờ sáng, từ phủ Ninh Hoà đi kiệu trong 10 tiếng đồng hồ thì đến Điều Kỳ [Diêu Trì] tức Đại Lãnh. Đây là chỗ giáp giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Thế núi rất cao, ngày xưa đường cái quan đi băng ngang qua rặng núi. Đi từ Bắc vào Nam hoặc từ Nam ra Bắc, hành trình đều ngót một ngày. Đường đi lên xuống, thế rất hiểm trở. Xe ngựa, kiệu võng đều không qua được. Nay quý quan dựa theo thế núi mở một con đường quanh co men theo bờ biển. Hễ gặp đá lớn đều phải dùng thuốc nổ bộc phá mới khai thông được. Đã khai thông được phỏng chừng 5 ki-lô-mét, nay mới đang thi công một đoạn đường lớn. Tiếng bắn đá như tiếng súng nổ liên hồi. Lúc bấy giờ, phái đoàn đi dọc theo con đường ấy. Trước khi qua phải bảo người đốc công cho tạm ngưng công tác ở tuyến tiếp giáp mới có thể đi qua được. Xem công trình to tát như vậy, đến lúc xong chắc kinh phí sẽ lớn đến khoảng “60 – 70 vạn nguyên. Con đường này mà xong thì từ Bắc Kỳ có thể đi xe điện thẳng vào Sài Côn, mọi sự đều nhanh chóng, lợi ích, có thể lường trước được vậy. Đi dọc hết đường núi, lại xuống đồng bằng, đến 7 giờ chiều thì đến phủ Tuy Hoà thuộc tỉnh Phú Yên, dừng lại nghỉ. Ngày 21, từ phủ Tuy Hoà đi xe kéo cho đến 9 giờ sáng thì vừa gặp xe điện của quý toà Công sứ Quy Nhơn lại đón. Thế rồi lên xe điện đi ngang tỉnh Phú Yên khám sát. 4 giờ chiều, từ Phú Yên lên xe. Từ đây cho tới Đà Nẵng đều đi bằng xe điện. 7 giờ chiều, về đến toà Công sứ Qui Nhơn. Toà Công sứ Bình Định đặt ở đây, cách tỉnh thành 20 ki-lô-mét. Trao đổi, bàn bạc ngay tại toà rồi nghỉ ngơi luôn ở đấy. Từ Phú Yên ra Bình Định có hai đèo Cù Mông và Phú Khê. Ngày xưa, dọc theo đèo mà đi, đường hiểm trở, xe điện không qua được. Nay dưới núi có mở đường nên xe chạy bình thản. Ngày 22, từ giã quý toà, đi đến tỉnh Bình Định khám sát. 4 giờ rưỡi chiều, đi cùng với quan tỉnh đến xem một đập đá mới đắp do Hội bảo nông của địa phương thuộc phủ An Nhơn, lưu vực sông Phương Mính, cách tỉnh thành 4 ki-lô-mét. Thấy cái đập xây bằng xi măng, chắn ngang lòng sông, dài chừng trên 100 thước tây, có 9 cửa thông nước sâu thẫm, uốn quanh theo thế nước. Chắn nước thì dùng những tấm ván đặt ngang để phân cấp, mỗi cấp đều có thước tấc nhất định, tuỳ lúc mà mở hoặc đóng, đã được định trước. Mỗi đầu đập ở hai bên bờ sông đều có xây một móng đá lớn đề phòng nước lũ đập mạnh làm lở bờ sông. Trên móng có xây một số ghế đá để cho người đi đường có thể ngồi quan sát. Quy cách trông khá tân kỳ. Lúc 7 giờ có khoảng vài trăm người già, trẻ, đàn ông, đàn bà vây quanh để xem. Họ đều nói : “Từ khi xây đập đến nay, hai mùa thu hoạch đều tốt, dân chúng vui mừng”. Số là nhà nông tỉnh này rất coi trọng việc đê đập. Phàm xây đập ngang hay dọc, thời hạn lấy nước, xả nước nhiều hay ít đều có văn thư giao ước. Nếu bội ước ắt liều mạng tranh giành. Quản trị tỉnh hạt này phải nắm rõ quy lệ về đập. Phàm đắp thêm một đường xe chạy, mở một cái mương hoặc di chuyển bờ đập như đập dọc đổi thành ngang, ngang đổi thành dọc, chỗ ất dời sang chỗ giáp, chỗ giáp dời sang chỗ ất chẳng hạn, phải họp những người dùng chung đập và những người cùng khúc sông, chất vấn nhau cặn kẽ, thuận tình thì mới được, nếu không ắt sẽ gây trở ngại. Cái đập đá này nguyên trước kia do hai người đàn bà mua đất tư và mở một khúc sông riêng, lấy nước từ 7 cái đập ở sông Đại An chảy trực tiếp tới phủ lỵ An Giang và đắp đập trên sóng lưng một nền đá, đã trải qua mấy trăm năm rồi. Nay dân vùng đập này còn lập miếu thờ hai người đàn bà ấy. Vì vật liệu xây dựng chủ yếu là gốc rạ, tre, gỗ và đất cát, do đó thường bị mưa to, lũ xuyên phá, mỗi năm đều phải làm lại, nhà nông phải chịu phí tổn đến gần ba ngàn nguyên, nhưng cứ mỗi lần mưa lũ thì đập vỡ, lại bị mất mùa. Vài năm trước đây, nông hộ Nguyễn Cẩn tự đứng ra xin cùng nhau đóng góp xây đập bằng xi măng, kinh phí dự trù lên đến trên một vạn nguyên. Năm ngoái đập hoàn thành. Toà tỉnh này đã cứu xét và ra thông tư, phàm người nào đã tham gia vào công trình đều được tưởng thưởng. Nay thần đến đây thấy đập quả thật kiên cố. Quy cách của nó rất tối tân so với các đập khác. Công cuộc cải tiến nông nghiệp của ta ở Trung Kỳ do dân khởi xướng bắt đầu từ cái đập này. Tỉnh hạt có vài chục cái đập. Nếu tất cả những nơi khác đều bắt chước đó mà làm, thật là lợi ích lâu dài. Ngày 23, lúc 6 giờ sáng, lên xe rời tỉnh lỵ Bình Định. 12 giờ đến tỉnh Quảng Nghĩa. 4 giờ chiều lại từ Quảng Nghĩa đi tiếp. Đến 6 giờ ra tới toà Đại lý phủ Tam Kỳ, dừng lại nghỉ. Ngày 24, lúc 6 giờ sáng, đi đến Bồng Miêu xem mỏ vàng. 11 giờ trở lại phủ Tam Kỳ. 2 giờ chiều, từ biệt phủ Tam Kỳ lên đường. 3 giờ tới tỉnh Quảng Nam. Chiều ngày 25, từ Quảng Nam trở ra Đà Nẵng, nghỉ ở đây. Sáng ngày 26, đáp xe lửa về đến An Cư, khám sát nhà nghỉ mát mới xây dựng. Đến 5 giờ chiều về tới kinh đô. Ngày 27, vội vào triều bái, phục mệnh. Chuyến đi này của thần là do vâng lệnh Hoàng thượng mà đi quan sát. Phàm vùng núi sông nào thần đã đến, đường sá nào thần đã đi qua, những gì mắt thấy tai nghe có liên quan đến chính sự hiện nay, cùng hành trình bằng đường thuỷ, đường bộ như thế nào, giờ giấc đi xe điện nhanh như bay ra sao thần đều chẳng dám không ghi chép từng ngày để làm thành một bản Lược khảo trong chuyến đi Nam. Còn như tìm hiểu cho tận cùng bờ cõi, khảo đính thư tịch và bản vẽ, do thần học vấn thấp kém, hiểu biết có chỗ không tới nơi, còn mong chờ có người thực hiện. Thần cẩn chí. [7, 153 – 154, 202 – 205]
Người dịch: PHẠM PHÚ THÀNH
Danh mụcĐà Lạt xưa
. Bác sĩ Yersin đã ghi lại trong hồi ký về cuộc thám hiểm mang tính lịch sử của ông như sau: “Chính trong lần khảo sát này, ngày 21-6-1893, tôi tiếp xúc lần đầu với cao nguyên Lang Bian. Lộ trình đi gần giống như lộ trình về sau được chọn để thiết lập một trong những con đường lên cao nguyên đi ngang qua Finom, Prenn để đến Đà Lạt. Vừa ra khỏi rừng thông, ấn tượng của tôi thật sâu sắc khi đứng trước một vùng cao nguyên mênh mông, hoang vắng và trơ trụi, gợi nhớ lại cảnh biển động vì một đợt sóng khổng lồ màu xanh dâng lên. Núi Lang Biang sừng sững ở chân trời phía Tây Bắc cao nguyên, làm tăng thêm vẻ đẹp của cảnh quan và tạo nên một hậu cảnh tuyệt mỹ. Tôi đi ngang qua cao nguyên để đến làng Thượng Đankia, tôi xuống cao nguyên Dran – Djiring ở phía dưới bằng một lộ trình khác đi ngang qua Ankroet và một chuỗi làng mang tên chung là Ri-ông. Về sau, tôi có dịp lên cao nguyên Lang Bian theo những con đường khác và đặc biệt biết được con đường nối liền các đỉnh núi từ Dran lên Đà Lạt qua Trạm Hành (Arbre Broyé), Cầu Đất (Entrerays), Trạm Bò (Le Bosquet) và cao nguyên Lang Biang nhỏ (Petit Lang Bian) mà viện Pasteur cách đây vài năm đã thiết lập một trạm thử nghiệm cây canh-ki-na”. Trong một diễn từ đọc ở buổi lễ đổi tên trường Trung học Đà Lạt thành tên trường Lycée Yersin, năm học 1934 – 1935, Yersin cũng chia sẻ cảm nhận của ông về Đà Lạt: “Các em khiến tôi hồi tưởng lại sự phát hiện cao nguyên Lang Biang vào tháng 6-1893 trong một chuyến đi khảo sát với mục đích thám hiểm vùng rừng núi Nam Trung kỳ lúc bấy giờ hoàn toàn không ai biết đến. Ấn tượng của tôi thật sống động khi vừa ra khỏi rừng thông, tôi đứng trên bờ của một cao nguyên mênh mông, trơ trụi và mấp mô có ba đỉnh núi Lang Bian chế ngự. Mặt đất nhấp nhô khiến tôi liên tưởng đến biển cả xao động vì một ngọn sóng khổng lồ như thỉnh thoảng thường thấy trên bờ biển miền Trung vào lúc trời sắp giông bão. Không khí mát mẻ làm cho tôi quên đi nỗi mệt nhọc và tôi nhớ lại niềm vui được chạy lên chạy xuống hết tốc lực trên những ngọn đồi xanh tươi như một cậu học trò nhỏ…“. Trường lycee Yersin Đà Lạt Có một sự nhầm lẫn phổ biến khi người ta nói về sự khai phá cao nguyên Lang Bian để hình thành Đà Lạt, hầu hết những câu chuyện đều có điểm giống nhau, nói rằng cao nguyên Lang Bian lần đầu được bác sĩ Yersin phát hiện ra vào ngày 21/6/1893. Tuy nhiên thực tế Yersin không phải là người Châu Âu đầu tiên đặt chân đến đây. Khi vùng đất này chính thức trở thành thuộc địa của Pháp năm 1867, ý thức được sự thiếu hiểu biết về phần lớn lãnh thổ Nam kỳ thuộc quyền quản lý của mình, chính quyền Pháp ở Nam kỳ đã tổ chức hàng loạt các cuộc thám hiểm thăm dò tại Tây Nguyên vào đầu những năm 1880. Chuyến thám hiểm đầu tiên được bác sĩ Paul Neis và trung úy Albert Septans thực hiện năm 1881, họ đã đến cao nguyên Lang Bian, ngược thượng lưu sông Đồng Nai để lên tận vùng đầu nguồn. Sau đó là hàng loạt cuộc thám hiểm khác nữa rồi mới đến chuyến đi của bác sĩ Yersin. Tuy nhiên, vào thời kỳ đó người Pháp vẫn còn bận tâm tới việc chinh phục toàn bộ Đông Dương nên cuộc thám hiểm của bác sĩ Paul Néis đã nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Dù không phải là người đầu tiên, nhưng cuộc thám hiểm của Yersin lên Lang Bian vào năm 1893 có ý nghĩa đặc biệt, có thể xem là tiền đề cho việc khai sinh ra Đà Lạt. Chuyến đi của ông được Bộ giáo dục ở thuộc địa giao cho nhiệm vụ thám hiểm khoa học, đánh giá tiềm năng phát triển và các nguồn lực chưa được khai thác. Ngoài ra Toàn quyền lúc đó là De Lanessan giao cho Yersin nhiệm vụ thực tế hơn: Nghiên cứu phương án làm tuyến đường bộ đi từ Sài Gòn thâm nhập trực tiếp vào xứ sở người Thượng. Alexandre John Émile Yersin sinh ngày 22-9-1863 tại một vùng quê miền núi ở Lavaux, thuộc tổng Vaud, Thụy Sĩ. 200 năm trước đó, tổ tiên của Yersin là người Pháp nhưng di cư sang thụy Sĩ. Ông là con út trong một gia đình có ba anh chị em. Cha của Yersin là giáo viên sinh học, thích nghiên cứu côn trùng học, từ trần ba tuần trước khi Yersin ra đời. Năm 20 tuổi (1883), Yersin học ngành y tại Lausanne (Thụy Sĩ), sau đó tiếp tục học tại Marbourg (Đức) và tốt nghiệp đại học Paris (Pháp) với luận án Tiến sĩ y khoa về bệnh lao của thỏ. Từ năm 1886, Yersin làm việc tại Viện Pasteur Paris và cộng tác với bác sĩ Roux tìm ra độc tố của vi khuẩn bệnh bạch hầu. Năm 1889, Yersin được trở lại quốc tịch Pháp. Trong những năm miệt mài nghiên cứu tại Viện Pasteur, Yersin đã chứng tỏ một thiên tài hiếm có, một con người giàu nghị lực, thông minh, ham tìm tòi, học hỏi. Tương lai tươi sáng mở ra trước mắt Yersin, nhưng Yersin lại hướng về những chân trời mới, muốn tìm ra lối thoát khỏi cuộc sống hiện tại: “Tôi luôn luôn mơ ước thám hiểm, khám phá đất lạ; khi còn trẻ, ta luôn luôn tưởng tượng những điều kỳ lạ sẽ đến, không có gì là không thể không làm được”. Năm 1890, Yersin bất ngờ tạm rời bỏ ngành vi trùng học, sống đời thuỷ thủ và nhà thám hiểm, mở đầu một quãng đời khác thường kéo dài hơn 50 năm. Ông xin vào làm việc cho hãng hàng hải Messageries Maritimes với hy vọng được đến các quốc gia thuộc địa. Từ tháng 10 năm 1890, Yersin phục vụ trên tuyến đường biển Sài Gòn – Manila với chức vụ y sĩ, và đến tháng 4 năm 1891, ông chuyển sang tàu Saigon hoạt động trên tuyến Sài Gòn – Hải Phòng. Ngày 29 tháng 7 năm 1891, trong lúc tàu dừng lại ở Nha Trang, Yersin thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên với ý định đi bằng đường núi từ Nha Trang về Sài Gòn trong vòng 10 ngày. Nhưng chuyến đi không thành công. Sau khi qua Phan Rang, Phan Rí và đến Ta La, vùng phụ cận của Di Linh ngày nay, Yersin được người dân bản địa cho biết phải mất ít nhất 9 đến 10 ngày để tới được Sài Gòn. Ông quyết định trở lại Nha Trang để kịp lên tàu và tiếp tục hành trình ra miền Bắc. Tháng 10 năm 1892, Alexandre Yersin trở lại Paris và tìm cách vận động để được tiếp tục thám hiểm. Nhờ sự giúp đỡ của một số người quen biết, đặc biệt là Louis Pasteur và Émile Duclaux, Yersin được Bộ giáo dục Pháp cấp kinh phí để thực hiện một nhiệm vụ khảo sát khoa học. Ông quay lại Sài Gòn vào đầu năm 1893, tới gặp Toàn quyền Jean-Marie de Lanessan và nhận nhiệm vụ khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên sâu vào vùng đất của người Thượng, kết thúc ở một địa điểm thuận lợi trên bờ biển Trung Kỳ. Ngày 24 tháng 2 năm 1893, Yersin cùng năm người khác rời Sài Gòn để thực hiện chặng đường đầu tiên từ Sài Gòn đi Phan Thiết, băng qua vùng Tánh Linh. Ngoài các dụng cụ thám hiểm, Yersin còn mang theo một số thuốc chủng bệnh đậu mùa để chủng ngừa cho người dân những vùng ông sẽ đi qua. Đoàn thám hiểm qua Tà Cú, Tánh Linh, rồi tới Phan Thiết, từ đây Yersin tới Nha Trang bằng đường Cái Quan để gặp công sứ Pháp ở Khánh Hoà Lenormand, sau đó trở lại Phan Rí. Sáng ngày 8 tháng 4 năm 1893, ông rời Phan Rí để thực hiện chặng đường thứ hai Phan Rí – Tánh Linh, băng qua vùng núi. Đoàn lữ hành trên đoạn đường này rất đông đảo, gồm có 80 dân phu, 6 ngựa cưỡi và một con voi. Ở Lao Gouan, ngày nay thuộc huyện Đức Trọng, Yersin gặp Tong Vit Ca, một người Việt nhận khoán việc thu thuế ở các tổng người Thượng trực thuộc Phan Rí. Tong Vit Ca ngỏ ý muốn tháp tùng Yersin đến Ta La. Đoàn thám hiểm tới Ta La ngày 25 tháng 4, ở đây Yersin chia tay Tong Vit Ca tiếp tục hành trình đến làng Droum, qua sông La Ngà trở về Tánh Linh. Ngày 30 tháng 5 năm 1893, Alexandre Yersin bắt đầu thực hiện chặng đường thứ ba từ Tánh Linh đi Phan Rang bằng một con đường núi khác với chặng trước. Sau khi men theo tả ngạn sông La Ngà để trở lại Droum, đoàn thám hiểm vượt qua sông đến Tia Lao, một địa điểm đã được ghi trên bản đồ của thiếu tá Humann. Ngày 11 tháng 6, Yersin đến Bross, nằm ở đáy một thung lũng sâu có sông Đồng Nai chảy qua, phía Bắc là ngọn núi Tà Đùng (Tadoung), ngày nay thuộc tỉnh Đắk Nông. Từ Tadoung, Yersin xuống núi để quay trở lại Rioung và để lại hành lý tại đây rồi bốn người phu khuân vác lên đường thám sát vùng núi Lang Biang. Sau hai ngày đường, vào 15 giờ 30 ngày 21 tháng 6 năm 1893, Yersin bước ra khỏi rừng thông và phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên. Trong nhật ký hành trình, ông chỉ ghi vắt tắt: “3h30: cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi”. Yersin ngủ lại một đêm ở Dankia rồi trở về Rioung dưới một cơn mưa tầm tã. Sau khi rời Rioung, đoàn thám hiểm men theo thung lũng sông Đa Nhim và đến Phan Rang ngày 26 tháng 6 năm 1893. Sau đây là bài viết chi tiết về những cuộc thám hiểm của Yersin và hành trình đặt chân lên Langbian được ông chép lại trong hồi ký.
TRÊN ĐƯỜNG THÁM HIỂM
Ngay trong chuyến đầu tiên nhìn thấy Nha Trang, phong cảnh Nha Trang đã quyến rũ tâm hồn Yersin. Yersin dự định đi bằng đường bộ từ Nha Trang đến Sài Gòn bằng cách trước tiên đi về hướng Tây đến tận dãy Trường Sơn, sau đó đi theo hướng Tây Nam để đến Sài Gòn. Yersin tính sẽ thực hiện chuyến đi ngang qua vùng rừng núi hoàn toàn chưa được biết đến trong 10 ngày, đủ thời gian để lên tàu trước khi tàu nhổ neo về lại Hải Phòng. Vào một ngày tháng 7 năm 1891, tàu cặp bến Nha Trang. Yersin liền đến gặp ông Lenormand, sĩ quan hàng hải, công sứ tỉnh Khánh Hoà, đang ở trong một mái nhà tranh trên bờ biển, gần một làng chài. Lenormand rất quan tâm đến ý định của Yersin, sẵn sàng giúp đỡ Yersin và nhờ các viên quan của thành Khánh Hoà tìm cho Yersin một người dẫn đường. Nhưng không một người dân nào ở đây có gan mạo hiểm lên đến dãy Trường Sơn, một vùng rừng núi được coi như bất khả xâm phạm! Lenormand khuyên Yersin thay đổi ý định, nên tiếp tục đi theo con đường cái quan đến Phan Rang, nơi ấy có thể có những đường mòn dẫn đến Trường Sơn. Trước đây, để tránh đàn áp tôn giáo, một linh mục truyền giáo ở Phan Rang đã trốn lên miền Thượng trong vùng rừng núi phía Tây. Yersin cưỡi ngựa đi trên đường cái quan lúc đó chỉ là một con đường mòn và đến Phan Rang trong thời gian ngắn nhất. Linh mục truyền giáo chỉ nhớ mang máng về lần trốn lên xứ Thượng và khuyên Yersin tiếp tục cuộc hành trình đến Phan Rí, ở đó chắc chắn Yersin sẽ tìm được người dẫn đường lên vùng rừng núi. Yersin tiếp tục đi đến Phan Rí. Viên quan địa phương tìm ngay cho Yersin một người biết rõ những nẻo đường tiến sâu vào dãy Trường Sơn. Không đợi đến ngày hôm sau, Yersin cùng một người hướng đạo khởi hành ngay từ giữa trưa. Về đồ đạc, Yersin chỉ mang theo vài hộp thịt bò, bánh quy khô do người nấu bếp trên tàu tặng Yersin. Tháng 7 là tháng của gió mùa Tây Nam, những trận giông bão dữ dội giáng xuống núi rừng. Trước khi đến thung lũng, Yersin đã bị mắc mưa. Dưới cơn mưa tầm tã, Yersin và người hướng đạo lặn lội trên con đường mòn hiểm trở. Trời tối đen như mực, hai người gặp một túp lều tồi tàn của người Thượng cất trên lưng chừng đồi và rất sung sướng xin được ngủ qua đêm. Ngày hôm sau, từ lúc bình minh, hai người lại tiếp tục đi trên con đường mòn thẳng đứng, trơn trợt, đầy vắt, leo lên một ngọn đèo cao khoảng 1.200m. Từ trên đỉnh đèo, Yersin nhìn thấy một thung lũng trồng lúa nước có nhiều buôn Thượng. Do trời mưa liên tục, cả vùng ngập nước, Yersin phải đi trên những chiếc cầu khỉ bắc cách mặt nước gần 1 mét.
Cuối cùng, hai người đi đến vùng Djiring (Di Linh ngày nay), có thể Yersin là một trong những người Pháp đầu tiên tiến sâu vào vùng này, vì thế sự hiện diện của Yersin đã gây cho dân làng không ít ngạc nhiên. Dân làng cho biết có thể tiếp tục cuộc hành trình đến Sài Gòn nhưng cần ít nhất từ 9 đến 10 ngày đường. Ngày kia, tàu lại nhổ neo ra miền Bắc, Yersin không thể đi tiếp nữa, phải ra bờ biển ngay. Yersin được biết Phan Thiết là một địa điểm gần nhất, chỉ cách một ngày đường. Tối hôm sau, Yersin đến Phan Thiết. Tại trạm thu thuế, Yersin được tiếp đãi chân tình. Người trạm trưởng cho Yersin một đôi giày ống thay thế cho đôi giày cũ đã bị rách tả tơi từ khi lên đến đỉnh đèo. Yersin lên một chiếc thuyền buồm ra Nha Trang và đến trạm thu thuế Nha Trang ở Chụt. Đêm hôm đó, tàu “Sài Gòn” cũng đến Nha Trang, Yersin kịp lên tàu đúng lúc tàu sắp nhổ neo lên đường đi Quy Nhơn. Về đến Hải Phòng, Yersin phải chịu một trận sốt rét ngã nước kéo dài suốt thời gian tàu dừng lại ở cảng này. Năm 1892, khởi hành từ Ninh Hoà, Yersin lên Daklak. Đến buôn M’ Goi, Yersin do dự trước hai nẻo đường: lên thung lũng sông Krong Kadoung rồi xuyên qua rừng núi đến thượng nguồn sông Đồng Nai hay xuôi dòng Krong Bung đến hợp lưu với sông Mekong? Nếu trời không mưa sớm, Yersin sẽ chọn nẻo đường thứ nhất, nhưng trời mưa suốt ngày đêm, Yersin sợ hư máy kinh vĩ, áp kế, máy ảnh, vì thế Yersin quyết định xuôi dòng sông Krong Bung (còn gọi là Xrê Pốc (Sré Poc) hay Xê Băng Can (Sé Bang Kane) tuỳ địa phương). Ngày 9-6-1892, Yersin đến Xtưng Treng (Stung Treng) trên bờ sông Mekong.
Sau một thời gian ở Paris, Yersin lại mong muốn tiếp tục thám hiểm, ông viết trong hồi ký: “Khi ta trở về với đời sống văn minh, ta vội quên nhanh nỗi mệt nhọc, gian lao, thiếu thốn trong chuyến thám hiểm. Nhưng rồi ta lại nuối tiếc cuộc sống mạo hiểm đầy những trường hợp bất ngờ, và ít nhà thám hiểm nào lại bằng lòng với chuyến thám hiểm đầu tiên. Tôi không bị loại khỏi quy luật này. Vừa mới khỏi bệnh kiết lỵ mắc phải trong chuyến đi năm 1892, tôi tìm mọi cách xin được tiến hành một chuyến đi mới với nhiệm vụ khoa học. Nhờ sự giúp đỡ của người thầy lỗi lạc của tôi là Pasteur và ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ngày 24-12-1892, tôi rời bến Marseille đi Sài Gòn. Chuyến đi khảo sát chủ yếu thám hiểm một vùng ở Nam Trung Kỳ nằm giữa bờ biển và sông Mekong, đầu nguồn của sông Đồng Nai và Sé Bang Kane. Vừa mới tới Sài Gòn, tôi đến trình diện với ông toàn quyền. Ông De Lanessan muốn chuyến đi của tôi đạt được kết quả thiết thực. Ông muốn tiếp tục ở Trung Kỳ những công việc ông đã bắt đầu thực hiện ở Bắc Kỳ và ông dự định xây dựng nhiều đường sá giúp cho giao thông được dễ dàng, cho phép tiến sâu vào nội địa, thương mại được thuận tiện và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Ông giao cho tôi nghiên cứu một dự án đường sá đi từ Sài Gòn tiến vào xứ Thượng; con đường này sẽ đi về phía Bắc để tới một địa điểm thuận tiện nhất trên bờ biển Trung Kỳ. Tôi phải trình bày lại hiện trạng tài nguyên của xứ sở này, khả năng chăn nuôi, nghiên cứu lâm sản, tìm kiếm những khoáng sản có thể khai thác trong núi rừng. Tôi chọn điểm xuất phát từ Biên Hoà. Từ đây, tôi ngược sông Đồng Nai để tiến sâu vào xứ Thượng.
Vài kiều dân đã lập nghiệp gần thác Trị An, rất có lợi nếu con đường đi gần đồn điền hay xí nghiệp khai thác lâm sản. Ông toàn quyền chỉ dẫn Trà Cú (Tra Cou) hay Tánh Linh (Tan Line) là một trong những điểm con đường phải đi ngang qua. Công việc đầu tiên phải làm là nghiên cứu một con đường nối liền Trị An với Trà Cú. Ông De Lanessan muốn đoạn đường này sẽ được thi công nhanh chóng. Để đi đến Trà Cú, ông cử thêm Vetzel, một trong những người kiểm lâm giỏi nhất ở Nam Kỳ và hơn nữa còn là một tay thợ săn voi và tê giác rất gan dạ. Khi chúng tôi cùng nghiên cứu xong đoạn đường này, ông Vetzel sẽ bắt đầu tích cực thi công. Tôi cần nói rằng ông Vetzel còn là một người bạn đường khả ái, chúng tôi rất tâm đầu ý hợp. Chính vì thế tôi thực sự buồn khi phải xa Vetzel ở Trà Cú để một mình tiếp tục cuộc hành trình. Về nhân viên người Việt, tôi có 4 người quê ở Sài Gòn: Bảy đã đi cùng tôi năm ngoái và 3 người phụ bếp. Đồ dùng của tôi đựng trong khá nhiều thùng nhỏ. Tôi phải tự hạn chế, chỉ mang theo những gì thật cần thiết, bỏ các dụng cụ cồng kềnh vì tôi sẽ đi đến xứ sở không dùng tiền, chỉ trao đổi hàng hoá. Máy kinh vĩ và 3 áp kế nhỏ loại bỏ túi giúp tôi xác định toạ độ địa điểm.
TỪ SÀI GÒN ĐẾN PHAN THIẾT
Ngày 24 tháng 2, tôi đi xe từ Sài Gòn đến Biên Hoà, còn những người Việt dùng thuyền tam bản chở hành lý ngược dòng sông. Đến Biên Hoà, tôi gặp Vetzel đang chờ tôi
. Chiếc thuyền máy của Ban Thanh tra giúp tôi vượt nhanh đoạn đường đến Trị An. Chúng tôi đến tận Tân Uyên, tiếp nhận hành lý rồi thuê một chiếc thuyền độc mộc nhỏ chở đến Trị An. Chúng tôi đến nơi vào buổi chiều ngày 26. Gần Trị An, ông Bénédeck có lập một đồn điền cà phê, cà phê sắp đến thời kỳ thu hoạch. Ngày 28 tháng 2, chúng tôi đi xe trâu từ Trị An đến Trà Cú. Chiếc xe toàn bằng gỗ, bánh xe có đường kính hơn 1,5 mét. Một chiếc mui nhỏ che hành khách và thùng hàng. Bánh xe cọ vào trục tạo ra một âm thanh đinh tai và đều đều vang đi rất xa. Điệu nhạc kinh khủng này không làm thú rừng hoảng sợ. Từ xe trâu, chúng tôi có thể bắn trúng nai, trâu rừng. Con đường chỉ là một khoảng trống trong rừng. Xe lên dốc, xuống suối, leo lên trên rễ cây. Khoảng cách được tính theo trạm. Một trạm khoảng một giờ xe trâu đi (3-4km). Khi đến mỗi trạm, chúng tôi tháo ách và cho trâu uống nước. Từ Trị An đến làng Thượng đầu tiên Vio-yang mất một ngày đường. Rừng bằng lăng rất đẹp. Người Việt đẽo thân cây dầu để cho dầu chảy ra rồi thỉnh thoảng dùng thìa gỗ múc dầu. Ở đây còn tìm thấy cây sao, vênh vênh,… Cũng như các làng Thượng ở Nam Kỳ, Vio-yang có một nhà chính dài và nhiều căn nhà nhỏ khác nằm rải rác trên một khoảng đất rất rộng. Chủ làng – gọi là Tổng Man – ở trong căn nhà chính. Một nhà dài được dùng làm nơi ở chung cho nhiều gia đình. Người Thượng ở Nam Kỳ có thân hình rất cân đối, nước da màu nâu đậm, tính tình hiền lành, nhút nhát, không thích sống xa quê hương. Họ trồng lúa rẫy, bắp và một ít thuốc lá. Khi thiếu gạo, họ ăn các loại củ tìm thấy trong rừng. Họ dùng cung tên săn mồi. Trên trần nhà, chúng tôi nhìn thấy nhiều hàm răng dưới của con nai được giữ gìn như chiến lợi phẩm trong những chuyến đi săn. Từ Vio-yang đến Trà Cú, chúng tôi đi ngang qua các làng Túc Trưng (Tiouk Trem), Thao Vieuk và Võ Đắt. Từ làng này đến làng khác, đường đi không thẳng tắp mà quanh co. Gần Trà Cú, chúng tôi ra khỏi rừng và vượt qua một cánh đồng rộng ngập lụt vào mùa mưa. Dòng sông La Ngà chảy ngang qua cánh đồng. Từ Trà Cú đến Tánh Linh, chúng tôi đi trong rừng mất 3 giờ. Tánh Linh là một làng Chăm gồm có một chục thôn nhỏ nằm giữa ruộng lúa. Cánh đồng Tánh Linh được giới hạn như sau: núi Ông về hướng Đông, núi Cà Tong về hướng Tây; sông La Ngà và dãy núi La Ngà về hướng Bắc, rừng ở hướng Nam. Một dòng suối lớn- suối Lạc – làm ngập cánh đồng vào mùa mưa. Người Chăm ở Tánh Linh không nhiều, khoảng hơn một trăm người. Cánh đồng Tánh Linh đầy thú rừng: nai, hươu, trâu, heo rừng. Đêm đêm chúng tôi nghe tiếng voi hú quanh trại. Một hôm, khi đi săn, chúng tôi gặp hai con voi cái chạy trốn ngang qua một vùng đầm lầy. Tôi đề nghị với người chủ làng được chích thuốc cho toàn dân trong làng. Ông chấp nhận ngay và dân nhiều buôn Thượng quanh vùng đến xin được chích thuốc. Ngày 18 tháng 3, Vetzel trở lại đường cũ về Sài Gòn, còn tôi tiếp tục đi đến Phan Thiết. Đường mòn từ Tánh Linh đến Phan Thiết không đi ngang qua một làng mạc nào, phải mất một ngày rưỡi; những người khuân vác đi mất hai ngày. Chúng tôi ngủ trong rừng tại một vùng có nhiều cọp, phải đốt một vòng lửa chung quanh trại để cọp hoảng sợ tránh xa. Trên con đường vòng phía Nam núi Ông, chúng tôi chỉ cần lên một dốc cao 100m để đến một trong những hoành sơn của dãy núi. Sau đó, chúng tôi đến vùng bằng phẳng trong rừng thưa. Cách Phan Thiết 6 giờ đi bộ, người Việt khai thác gỗ để làm cột nhà. Trước khi đến Phan Thiết, chúng tôi đi ngang qua làng Pu-la ít hiếu khách, rồi đến làng Pu-huê theo đạo Phật. Ở đây, chúng tôi được tiếp đãi rất ân cần. Cách nhà làng 5 phút, con sông Phan Thiết tạo nên một vũng nước khá sâu, dài khoảng 500m, trong đó sinh sống một loài cá sấu khổng lồ. Hình như nó đã ăn thịt nhiều người tắm nơi đây. Phan Thiết là một cảng thương mại lớn nhất trên bờ biển Trung Kỳ, giữa Sài Gòn và Quy Nhơn. Phan Thiết sản xuất muối, nước mắm và cá khô. Người Thượng khắp vùng đến đây trao đổi hàng hoá. Điều chứng tỏ Phan Thiết là một trung tâm thương mại quan trọng là ở đây có 500 người Hoa đến lập nghiệp. Ở Phan Thiết có một phó công sứ, một nhà bưu điện và một trạm thu thuế.
TỪ PHAN RÍ ĐẾN TÁNH LINH
Từ Phan Thiết, tôi đi trên con đường cái
quan đến Nha Trang để trình diện với công sứ Lenormand rồi trở về Phan Rí. Tôi
dự định lại đi từ Phan Rí vào xứ Thượng để tìm con đường tốt nhất nối liền Phan
Rí với Tánh Linh. Tôi dẫn theo một con voi của thành Khánh Hoà để chuyên chở đồ
đạc và nhiều con ngựa. Ở Phan Rí, các ông quan biết tôi có chích thuốc ngừa xin
tôi chích cho trẻ con trong vùng. Trong hai ngày, người Kinh và Chăm dẫn 1.200
em bé đến cho tôi chích thuốc. Ngày 8 tháng 4, từ sáng sớm, chúng tôi khởi hành
lên miền núi. Đoàn lữ hành của chúng tôi khiến cho dân chúng ven đường rất ngạc
nhiên. Họ chưa bao giờ thấy một đoàn nào như vậy: 80 người khuân vác, 6 con ngựa,
và nhất là voi! Từ Phan Rí, tôi đến Kalon-Madai ở chân núi. Đây là một làng
Chăm ở Bình Thuận mà người Kinh và người Thượng thường lui tới để buôn bán và
trao đổi hàng hoá. Ở Kalon có rất nhiều công. Vào lúc hoàng hôn, một khúc nhạc
lạc điệu vang lên. Đây là thời điểm tốt nhất để bắn vài con công. Có 2 nẻo đường
từ Kalon lên cao nguyên: một nẻo đi ngang qua Ta-ly đến Ta-la (2 ngày đường) và
một nẻo khác đến Lao-Gouan (1 ngày đường). Tôi đã biết con đường thứ nhất. Hai
năm về trước, tôi đã đi trên con đường này trong chuyến lên miền Thượng đầu
tiên. Lúc bấy giờ, thời tiết rất xấu. Tôi còn nhớ mãi tôi đã vượt hai ngọn đèo
cao 900 và 1.200m trong một cơn mưa tầm tã. Chúng tôi thử đi trên nẻo đường
khác. Đường mòn từ Kalon đến Lao-Gouan lúc nào cũng lên dốc, trong khi trên nẻo
đường Ta-ly – Ta-la có nhiều đoạn lên xuống liên tục. Đường dốc rất đứng. Người
quản tượng không bao giờ thấy cảnh tượng như vậy bèn giao cho những người khuân
vác mang hộ cả bành voi. Trong thực tế, đoạn đường dốc chỉ kéo dài 2 giờ rưỡi,
nhưng rất đứng vì chúng tôi leo từ 50m lên 950m. Từ độ cao 600m, chúng tôi đi
vào rừng thông. Từ đỉnh núi, chúng tôi nhìn thấy chân trời bao la. Ở phía Đông
Nam, một cánh đồng đầy bụi rậm giới hạn bởi những cồn cát trắng xoá, rồi Biển
Đông một màu xanh nhạt hoà với màu xanh của bầu trời ở chân trời xa. Về phía
Tây Bắc là cao nguyên miền Thượng với những rừng thông và bãi cỏ. Xa hơn nữa là
dãy núi mờ nhạt. Từ đỉnh đèo đến làng Lao-Gouan đi mất 5 phút. Làng có một loạt
xóm nhỏ nằm giữa ruộng lúa. Mỗi gia đình sống trong một nhà sàn nhỏ. Nhờ tiếp
xúc thường xuyên với người Chăm ở chân núi, dân làng Lao Gu-an cũng như các
làng nằm trên đỉnh núi giữa Phan Rí và Phan Rang (Lao-Gouan, K’Dòn, R’Lôm,
Bô-kran, M’Lọn, Đi-ôm) không còn mang tính chất thuần tuý miền Thượng, nói cả
hai thứ tiếng Mạ và Chăm. Khách không được tiếp trong nhà của chủ làng mà trong
nhà làng cất tại một nơi hơi cách xa làng. Dân làng mang đến cho chúng tôi nước,
lửa, chiếu và quà tặng cho khách. Đặc biệt, quà gồm có gà, trứng, chuối và một
ché rượu. Cũng như tại các nơi khác trên miền Thượng, chủ làng cử hành một nghi
lễ tôn giáo trong khi khách uống rượu cần. Người Thượng không thờ Phật, thần
linh chính của họ hình như là Yàng. Chủ làng đưa cho tôi một cái cần trúc để
tôi cắm vào ché rượu. Trong thời gian tôi uống rượu, chủ làng quỳ cạnh tôi cầu
nguyện Yàng phù hộ cho tôi. Người uống càng lâu thì những lời cầu nguyện càng
dài. Sau đó, rượu được hút ra tách và chuyền cho nhau uống xoay vòng. Nơi đây
không có giàn cồng chiêng như ở phía Bắc. Tuy nhiên, trong những ngày trọng đại,
hai người Thượng đeo mỗi người một cái chiêng trên vai trái, bàn tay trái giữ lấy
chiêng và dùng bàn tay mặt đánh vào chiêng, nghiêng người về phía trước và lần
lượt quay đầu sang hai bên. Một người Thượng ngồi trước một cái trống nhỏ hoà
âm theo. Ở Lao-Gouan, ông Tong Vit Ca đi theo tôi. Đây là một người Kinh có nhiệm
vụ thu thuế người Thượng trong các tổng thuộc Phan Rí. Ông ta khuyên tôi đi
vòng sang hướng Bắc thay vì đi thẳng theo con đường Tánh Linh và ông đi cùng
tôi đến Ta-la. Ngày 14 tháng 4, chúng tôi lên đường theo hướng Bắc, đi xuyên
qua những khu rừng thông rất đẹp trong vài giờ. Gần làng Ya, chúng tôi phải vượt
sông Đạ Đờng (Da Dong), một dòng sông rất rộng và là một trong hai nhánh sông
thượng nguồn sông Đồng Nai. Chúng tôi dừng lại ở Ri-ông nằm sát bên sông Đạ Đờng.
Giữa Lao Gu-an và Ri-ông phải mất một ngày đường. Chúng tôi đi qua các làng Ya,
Con Ta-ét, Đa Huynh (Du-u-in) trên dòng Cam Ly (Da Kem-lê) và Ê-a. Người Thượng
ở Ri-ông thuần thục hơn người Thượng ở Lao-Gouan và chỉ nói tiếng Mạ. Kiến trúc
cũng khác: không còn là nhà sàn, mái rơm thấp sát mặt đất, cửa không đặt ở hai
bên hông mà bên cạnh nhà. Người Thượng làm nghề rèn; hầu như cả làng khai thác
và rèn sắt, sản xuất được dao, rìu và các đồ dùng gia đình. Khi uống rượu, người
Thượng bắt đầu lấy một ít gạo lên men trong ché rượu rồi chà lên cột nhà khẩn cầu
Yàng. Tiếng Thượng gọi nghi lễ này là kép-ca. Người Thượng mê tín rất kỳ lạ: nếu
trong cơn giông bão, người ta đặt cạnh quả xoài một miếng thịt bò hay heo, những
thực phẩm này chắc chắn sẽ kéo sấm sét đến! Một ngày kia, tôi muốn thử nghiệm
xem sao. Người Thượng sợ hãi chạy trốn. Tôi phải trấn an họ và hứa không làm
như vậy nữa! Cao nguyên chung quanh Ri-ông trơ trọi có vô số đàn nai. Tôi săn
được rất nhiều thú rừng và chia thịt cho dân làng. Từ Ri-ông, nếu chúng tôi tiếp
tục đi về hướng Bắc, địa hình rất dốc, cao dần đến tận Lang Bian. Hai ông Néis
và Umann đã biết đến ngọn núi này cao hơn 2.000m. Sông Đồng Nai bắt nguồn từ
đây. Tôi dời chuyến thám sát Lang Bian sang thời gian sau, và hiện nay, Tong
Vit Ca hướng dẫn tôi đi về hướng Tây Nam. Trên đường đi, tôi dừng lại vài ngày ở
ba làng lớn: Kla Ka, Con Tan, La-ra nằm giữa cao nguyên trơ trụi đầy cỏ cao. Ở
Kla Ka, dân làng đốt cháy đồng cỏ, tổ chức săn bắn để chào mừng tôi. Đây là một
trong những cảnh tượng đẹp nhất tôi được xem. Người Thượng đốt lửa tạo thành một
vòng tròn lớn dài hàng kilomet. Lửa cháy dần vào bên trong, dồn thú rừng lại.
Thỉnh thoảng, một chú nai, một con bò rừng, một con cọp nhảy qua bức tường lửa
tìm cách trốn chạy, nhưng không thoát khỏi những viên đạn của tôi. Những con
chó càng làm cho cuộc săn bắn thêm hăng say kỳ lạ. Ở Con Tan, cả đoàn đều bị sốt
rét mặc dầu đã uống thuốc phòng bệnh. Những người Việt đều mắc bệnh nặng nhưng
tôi chỉ bị sốt nhẹ. Tôi chỉ bị sốt rét một lần trong suốt chuyến đi này. Từ Con
Tan đến La-ra, chúng tôi phải vượt sông Đồng Nai chảy trong một thung lũng hẹp
và rất sâu. Cao nguyên ở độ cao 950m, sông Đồng Nai chảy ở độ cao 650m. Ở
La-ra, trong đêm tối, một con cọp lẻn vào trong trại cố mang đi một người. Nhờ
báo động kịp thời, người Thượng thoát nạn nhưng sợ quá nên bị câm trong vài tiếng
đồng hồ. Tong Vit Ca nói với tôi có thể xem mộ của một vua Chăm gần làng. Tôi
yêu cầu ông ta dẫn tôi đến nơi. Chúng tôi đi cùng với 20 người Thượng. Mộ nằm ở
một nơi nào đó trên một ngọn đồi nhỏ đầy cây cối cách làng 1 giờ đi bộ. Chúng
tôi khảo sát ngọn đồi đủ mọi phía. Công việc thật không đơn giản vì dây leo chằng
chịt và vắt lúc nhúc trong khu rừng ẩm ướt. Sau 2 giờ tìm kiếm, người Thượng
nói với tôi có lẽ ngôi mộ đã chìm vào lòng đất và tôi phải làm phù phép để ra lệnh
cho ngôi mộ xuất hiện. Vì tôi không tin chắc lắm vào tài nghệ phù thuỷ của
mình, tôi ra lệnh trở về làng cũ. Rất có thể ngôi mộ nổi tiếng này chỉ là một tảng
đá có hình dạng kỳ lạ nhưng trí tưởng tượng của Tong Vit Ca đã biến hoá nó
thành mộ của vua Chăm. Ngày 25 tháng 4, tôi đến Ta-la, cảnh quan cao nguyên đã
thay đổi. Rất nhiều ngọn đồi chia cắt cao nguyên thành những thung lũng nhỏ với
ruộng nương hay thảm cỏ mịn, rậm rạp và rất tươi mặc dầu vào cuối mùa khô. Đồi
núi đầy thông cao từ 30 đến 50m trên cao nguyên ở độ cao 900m. Làng mạc rất nhiều,
bố trí thật ngoạn mục trên sườn đồi. Chánh tổng ở tại Ta-la. Nơi đây cũng có
nhà chung cho khách. Dòng suối lớn Da Ri-am – một nhánh của sông La Ngà – chảy
rất gần Ta-la, quanh đồi núi, cung cấp nước và giúp cho ruộng nương thêm màu mỡ.
Người Thượng ở vùng này rất giàu. Họ sở hữu những đàn trâu rất đông có hàng
trăm con. Vào những dịp lễ lớn, người Thượng giết một số trâu. Đối với mỗi con
trâu bị hạ, họ dựng cạnh lều một cây nêu bằng tre, cao 20m có những vật trang
trí bằng mây kết thành băng dài. Trong vài làng, tôi đếm được 30 cây nêu. Từ
xa, người ta tưởng như nhìn thấy một đoàn tàu bỏ neo trong hải cảng. Tôi dừng lại
vài ngày ở Ta-la. Nhân dịp này, tôi cưỡi ngựa chạy khắp vùng. Trong một chuyến
dạo chơi, người Thượng chỉ cho tôi một mỏ thiếc đẹp ở gần làng Ia Lone. Mỏ thiếc
ở ngay dưới dòng thác, nước chảy làm cho thiếc lộ ra. Tôi lấy vài mẫu thiếc.
Tôi để Tong Vit Ca ở lại Ta-la rồi tiếp tục lên đường đi Phan Thiết. Yan là một
làng quan trọng cuối cùng trên cao nguyên. Chúng tôi phải xuống thung lũng La
Ngà và xuôi dòng đến gần Tánh Linh. Thung lũng La Ngà rất sâu. Đường đi chạy
ngang qua một vùng rất mấp mô có một tộc người Mạ khác sinh sống. Làng mạc cũng
khác, không còn nhìn thấy những căn nhà dài dùng cho cả làng ở chung. Mỗi gia
đình có một nhà sàn vuông ngăn vách ở bên trong. Đây đó chúng tôi nhìn thấy các
chuồng bồ câu cất trên một cây trụ, trên lớp mái nhỏ là những hình hoa văn bằng
sắt. Tôi tưởng như đang đi vào một làng người Java vì người dân ở đây cũng thuộc
chủng tộc Mã Lai, họ quấn xà-rông và khăn đóng trong khi người Thượng quấn khố
ngang thắt lưng. Màu da của họ trắng hơn người Thượng, nét mặt cũng hoàn toàn
khác. Đây là một bộ tộc sống lẻ loi, không hoà đồng với các bộ tộc lân cận.
Thung lũng La Ngà là xứ sở của voi. Tôi bận quan sát thiên văn không thể đi săn
được nên giao cho Bếp – một người Việt – đi săn hộ tôi với khẩu súng ca-líp 8,
vũ khí đặc biệt dành cho loài thú to lớn này mà ông Vetzel đã ân cần cho tôi mượn.
Droum là buôn Thượng – Mã Lai đầu tiên chúng tôi gặp từ cao nguyên xuống. Buôn ở
trên độ cao 650m. Một ngày trước khi tôi đến, vào giữa trưa, cọp đã vồ mất hai
người đang trên đường đi làm rẫy. Cọp ăn thịt và mang một tử thi vào rừng xé
xác. Tôi đến tận nơi cách làng chỉ 10 phút. Xác tử thi còn nằm cạnh đường mòn
có vài cành cây phủ lên. Không thể nào đuổi theo cọp trong một khu rừng dày đặc,
tôi ít khi thấy nơi nào thảo mộc lại rậm rạp như ở đây. Từ Droum đến Tố La phải
vượt sông La Ngà. Người Thượng bắc một chiếc cầu tre dài 90m cho tôi cưỡi ngựa
đi qua. Vài năm trước, trong chuyến đi thám hiểm thượng nguồn sông La Ngà, ông
Umann đã viếng Tố La. Có khoảng hơn một chục buôn Tố La cách nhau khá xa. Ở
La-ya tôi gặp lại Bếp. Tối hôm qua, anh ta bắn bị thương vào đầu hai con voi,
nhưng những con vật này sau khi ngã xuống lại chồm dậy rồi lẩn trốn vào trong
lùm tre. Pè Ton là làng Thượng – Mã Lai cuối cùng trong thung lũng La Ngà.
Thung lũng mở rộng ra thành cánh đồng La Ngà. Tôi lại đi ngang qua khúc sông
này gần Barth-Nui, và sau 3 giờ đi bộ, tôi trở về Tánh Linh với những người dân
hiếu khách. TỪ TÁNH LINH ĐẾN PHAN RANG Trước khi đến Phan Rang bằng một con đường
khác con đường vừa đi qua, tôi có ý định xuống thung lũng La Ngà, men theo hữu
ngạn dòng sông để thử tìm xem con đường qua ngả này có tiện hơn không? Tôi khởi
hành vào ngày 22 tháng 5. Chuyến thám hiểm này có thể khó khăn vì mùa mưa đã đến.
Chúng tôi qua sông ở Bác Nui, rồi theo con đường đi về hướng Tây. Đường mòn dẫn
đến Blu rất tốt, nhưng từ làng này, hay nói đúng hơn từ Ba Kai (gần Blu) đến
Cao Cang không có con đường nào khác hơn là La Ngà. Cả cánh đồng đều bị ngập lụt.
Tuy nhiên, dân làng cam đoan với tôi nếu đi vòng lên hướng Bắc sẽ qua khỏi cánh
đồng và đến Cao Cang. Tôi đi theo lộ trình của ông Néis và Umann đi ngang qua
các làng Mé P’hou, B’ Sar (Bassar), Goumor trên sông Da Oui, một trong những
nhánh sông lớn của sông Đồng Nai. Từ Goumor, tôi đi theo một con đường khác tiến
về hướng Tây, rồi về hướng Nam. Tôi gặp những bộ tộc độc lập không đóng thuế
cho ai cả. Khắp nơi, họ tiếp đãi tôi rất ân cần nhưng hành trình cực kỳ vất vả
vì đường dốc và mới mở, vắt lại rất nhiều. Ở vài nơi, đi được 20 bước phải dừng
lại một lần để bắt cả một tá con vắt. Thật đúng là một cực hình! Tôi đi ngang
qua các làng: Mouur, Pron, Cone Hô, M’Srang, v.v… Người Thượng dệt vải làm mền,
khố, áo ngắn. Họ chỉ trồng lúa rẫy. Chủ làng tiếp khách, mời khách uống rượu và
nghe nhạc cồng chiêng. Bảy người Thượng mỗi người cầm một cái cồng xếp hàng
theo kiểu Ấn Độ rồi đi chậm chậm trong lều, dùng nắm tay phải đánh theo nhịp điệu.
Hoà âm rất khéo và cảm động! Ngày 20 tháng 5, dân làng cam đoan với tôi chiều
nay sẽ đến Cao Cang. Chúng tôi còn đi qua các làng Chang Muong, Con Hine. Trong
vài giờ, dưới cơn mưa, chúng tôi đi trong một khu rừng đầy vắt, và cuối cùng
chúng tôi đến… Đạ Cai, nơi tôi đã khởi hành cách đây 4 ngày! Rõ ràng không có
con đường nào khác con đường sông nối liền Đạ Cai với Cao Cang. Tôi đành phải
đi theo lối này. Đạ Cai cách La Ngà khá xa, nhưng cánh đồng đã bị ngập lụt,
chúng tôi có thể rời bến ở một địa điểm gần buôn và chèo thuyền đi giữa những
đám cỏ cao trong vài giờ. Dòng sông uốn khúc quá nhiều nên phải mất một ngày
chèo thuyền từ buôn này đến buôn khác. Ông Néis đã thăm Cao Cang và mô tả tỉ mỉ
Da Bakua, một tảng đá khổng lồ mà dân trong vùng tôn sùng như Thượng đế. Ở Cao
Cang, người Thượng không nói tiếng Mạ mà dùng một thổ ngữ rất gần với tiếng
Khmer. Tôi nhận xét thấy từ Đạ Cai đến Cao Cang có những bộ tộc khác nhau. Cao
Cang nối liền với Dong Ly – một làng nằm gần hợp lưu sông La Ngà và Đồng Nai –
bằng một con đường có thể đi xe trâu vào mùa khô, vào mùa này đường bị ngập nước.
Ngày 23 tháng 5, trong một ngày, tôi đi từ Cao Cang trở về Tánh Linh. Tôi chèo
thuyền từ Cao Cang đến Vio Deuk, rồi đi bộ từ Võ Đắt đến Tánh Linh. Từ chuyến
thám hiểm này, tôi rút ra một kết luận là đi theo hữu ngạn sông La Ngà không có
lợi, cả vùng là một cánh đồng ngập nước từ những trận mưa đầu mùa và có rất ít
dân cư sinh sống. Ngày 30 tháng 5, tôi trả về Phan Thiết con voi, các quản tượng
và một người Việt, tất cả đều bị sốt rét nặng không còn giúp tôi được nữa. Tôi
lại lên đường, tính men theo tả ngạn sông La Ngà lên tận Con Rum. Tôi muốn con
đường đi qua đây thay vì vượt sông La Ngà hai lần ở Bác Nui và Con Rum như tôi
đã đi đến Tánh Linh theo hữu ngạn. Từ Tánh Linh đến Ja Con phải mất nguyên một
ngày đường. Chúng tôi đi vòng núi Ông, leo lên những hoành sơn cuối cùng ở hướng
Bắc rồi đi vào vùng đồng bằng. Ja Con nằm trong một thung lũng có núi Snoung
bao bọc ở ba phía. Dòng suối chảy qua thung lũng là một nhánh sông Phan Thiết.
Từ Ja Con, chúng tôi vượt đèo đến Cà Dòn (Ca Yon). Trong vùng có rất nhiều voi.
Một anh thợ săn người Việt bắn chết vài con voi rất đẹp. Line Yan ở độ cao 430m.
Đây là một trong nhiều làng kiểu Thượng – Mã Lai nằm trong thung lũng tuyệt đẹp
Da Ross, một dòng sông nhỏ nước chảy mạnh như thác nhập vào sông La Ngà cách đó
khá xa. Từ Line Yan đến Con Rum, đoạn đường đi thật vất vả. Chúng tôi phải vượt
qua vô số đồi núi hiểm trở, không ngừng lên xuống dốc. Tôi không dừng lại ở Con
Rum, nơi tôi đã biết. Dân làng nói rằng từ hôm tôi đi cọp còn vồ mất hai người
Thượng! Như vậy tất cả là năm người! Từ Con Rum, tôi qua bên hữu ngạn sông La
Ngà trên một chiếc cầu còn tốt mặc dầu nước sông dâng cao. Ý định của tôi là
men theo hữu ngạn dòng sông lên thung lũng La Ngà. Tôi đi ngang qua nhiều làng
mang tên Tố La, lên dốc xuống đèo, rồi lại xuống đèo lên dốc, cuối cùng đến Tia
Lao có ghi trên bản đồ của Umann. Tia Lao cao 300m là một điểm ngoạn mục. Tôi
có thể ghi chính xác hình dáng toàn vùng và đánh dấu nhiều điểm quan trọng. Tôi
đặc biệt chú ý một ngọn núi cao hình như hoàn toàn lẻ loi ở hướng Bắc. Đó là
núi Tà Đùng (Ta Doum). Dưới chân núi, sông Đồng Nai chảy theo hướng Đông Tây;
xa hơn, dòng sông uốn khúc chuyển xuống hướng Nam. Vì thế tôi quyết định đến Tà
Đung. Ngày 9 tháng 6, tôi ngủ ở B’ Sar (Bassar), một làng trên cao nguyên gần
Yane, chỉ cách Yane bằng một thung lũng nhỏ của sông Đa Rê-am (nhánh sông lớn của
La Ngà). Cả vùng rất đông dân và giàu có. Đi trong một giờ, tôi gặp rất nhiều
buôn làng. Đất đai thật thích hợp cho chăn nuôi! Từ B’ Sar (Bassar) đến Bross,
chúng tôi đi mất hai ngày đường trong một vùng tuyệt đẹp. Khắp nơi chúng tôi đều
thấy buôn làng và nương rẫy. Bross nằm trong một thung lũng sâu có núi Tà Đung
hùng vĩ án ngữ về hướng Bắc. Dòng sông Đồng Nai chảy qua thung lũng này. Tôi có
ý định leo núi Tà Đùng. Nhìn từ xa, ngọn núi giống như một cái nón lá lớn chụp
trên cao nguyên. Khi đến gần, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều đỉnh núi cao và
thung lũng sâu, phía dưới những thác nước lạnh ngắt gầm vang. Chúng tôi có cảm
tưởng như đang ở trong vùng núi Alpes. Tôi bảo người Thượng ở Yane dẫn tôi lên
đỉnh núi cao nhất. Chuyến leo núi mất 2 ngày. Không có đường, chúng tôi phải ngủ
lại đêm trên núi, gần đỉnh núi ở độ cao 2.000m. Những con vắt nhỏ nhung nhúc ở
chân núi không còn xuất hiện ở đây nữa. Lúc nào chúng tôi cũng thật khổ cực vì
phải ở trong mây và mưa. Tôi lợi dụng ánh sáng của tia chớp để leo lên đỉnh núi
cao nhất (2.100m). Nơi đây rừng rậm rạp đến nỗi để nhìn cho rõ tôi phải leo lên
cây. Chân trời bao la nhưng khắp nơi màn mưa dày đặc ngăn cản không cho tôi xác
định vị trí chính xác được. Tôi xuống núi nhanh, trong cùng ngày tôi đến Con
Tan, nơi tôi đã qua khi đi từ Phan Rí đến Tánh Linh. Từ Con Tan đến Ri-ông, tôi
đi theo một con đường khác con đường tôi đã đi tháng trước. Việc này giúp tôi
ghi được nhiều làng mới trên bản đồ. Cuối cùng, tôi để đồ đạc lại ở Ri-ông và
cùng với bốn người khuân vác thám sát Lang Bian, ngọn núi cao ở thượng nguồn
sông Đồng Nai. Lang Bian ở phía Bắc Ri-ông cách hai ngày đường. Cao nguyên nhấp
nhô và cao dần từ 900m đến 1.200m. Từ 15 đến 20km trước khi đến chân núi, tôi
ra khỏi rừng và đứng trên một vùng hoàn toàn trơ trụi và đầy cỏ. Núi đồi nhấp
nhô khiến tôi có ấn tượng như đang đi trên một đại dương xao động vì những ngọn
sóng khổng lồ. Núi Lang Bian đứng sừng sững ở giữa như một hòn đảo và hình như
càng xa dần khi tôi đến gần. Người ta dễ tính sai khoảng cách trên những cánh đồng
bao la này. Dưới chỗ trũng, đất màu đen và đầy than bùn. Những đàn nai lớn để
yên cho tôi đến gần vài trăm mét, rồi vụt chạy ra xa, ngoái cổ lại tò mò nhìn
chúng tôi. Dân cư trong vùng thưa thớt, vài làng người Lạch (M’ Lates) tập
trung ở chân núi. Họ trồng lúa nước rất tốt. Chúng tôi qua sông Đồng Nai, chỉ
là một con suối rộng 3 mét, và đến Đăng Gia (Lang Ya hay Dan Ya) có chánh tổng
trú ngụ. Người Lạch nói cả tiếng Chăm và tiếng Mạ. Phụ nữ có vành tai khoét một
lỗ lớn và đặt vào đó những chiếc vòng to treo lủng lẳng những sợi dây thiếc
hình xoắn ốc rất nặng. Tôi được tiếp trong nhà chung. Mỗi chức sắc trong làng
mang đến một ché rượu. Trước mặt tôi có cả thảy 6 dãy ché. Rất may, họ không
đòi hỏi tôi uống lần đầu hết tất cả. Tôi chỉ ngủ lại đêm ở Đăng Kia, rồi trở về
Ri-ông dưới một cơn mưa tầm tã. Trời mưa khiến cho sườn dốc rất trơn trợt và biến
những dòng suối nhỏ thành những dòng sông thật sự, rất nguy hiểm khi vượt qua.
Trong thời gian tôi đi vắng, một con cọp cố vồ lấy một trong những con ngựa của
tôi đứng ngay trong hàng rào của trại. Anh thợ săn người Việt mà tôi để lại ở
Ri-ông tổ chức chiến đấu. Anh ta chỉ bắn bị thương con cọp. Con thú dữ này
trong khi chạy trốn đã vồ hai người Thượng bị thương nặng…” * Rời Ri-ông,
Yersin men theo thung lũng sông Đa Nhim và vượt sông Phan Rang. Từ ngày 19
tháng 7, Yersin lên miền núi tỉnh Khánh Hoà và Đắc Lắc để hoà giải những vụ
xung đột giữa các bộ tộc người Thượng. Thống đốc Nam Kỳ mong muốn Yersin thực
hiện một chuyến đi trong mùa mưa trên con đường Yersin đã đi qua trong mùa khô,
nhân tiện nhận xét thêm về phần đất bị ngập lụt và tầm quan trọng của các dòng
sông. Ngày 8 tháng 9, Yersin rời Nha Trang và đi theo con đường cái quan đến
Phan Rang. Một lần nữa, Yersin từ Phan Rang lên cao nguyên. Yersin đi ngang qua
các làng Đi-ôm, Bô Kran, K’ Dòn, Lao Gu-an, Ta-la, v.v… Khắp nơi Yersin được tiếp
đãi ân cần như trong chuyến đi vừa qua. Đồng lúa tươi tốt hứa hẹn được mùa lớn.
Đến Tánh Linh, Yersin thấy cả vùng bị ngập lụt. Nếu xây dựng một con đường từ
Tánh Linh phải nâng mặt đường cao hơn mặt ruộng, rất tốn kém. Về sau, con đường
từ Sài Gòn qua Tánh Linh đến bờ biển miền Trung không thực hiện được. Thay vào
đó là con đường Sài Gòn – Phan Thiết đi ngang qua Túc Trưng – Long Khánh – Hàm
Tân như hiện nay. KHẢO SÁT ĐẦU TIÊN CAO NGUYÊN LANG BI-AN Trong hai năm 1942 –
1943, tạp chí Đông Dương (Indochine) đã dành 9 số để đăng hồi ký của bác sĩ
Yersin viết về những chuyến đi lên Tây Nguyên, Kampuchea và Hạ Lào từ năm 1891
đến năm 1894: Nha Trang – Phan Rang – Phan Rí – Djiring – Phan Thiết (1891);
Ninh Hoà – Đắc Lắc – Xtưng Treng (1892); Biên Hoà – Lang Bi-an – Phan Rang;
Ninh Hoà – Đắc Lắc – Nha Trang- Tánh Linh – Biên Hoà (1893); Ninh Hoà – Đắc Lắc-
Công Tum – Gia Lai – A-tôpơ – Đà Nẵng (1894). Sau đây là bản dịch chương Khảo
sát đầu tiên cao nguyên Lang Bian: “Năm 1893, tôi thám hiểm miền Thượng ở phía
Đông dãy Trường Sơn giữa hai vĩ tuyến của Phan Thiết và Nha Trang và cố gắng
thiết lập một bản đồ. Tôi mang theo một máy kinh vĩ và một áp kế giúp tôi tính
toán các toạ độ địa lý để xác định các điểm đáng chú ý. Tôi lặn lội khắp vùng
trong 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 7), ghi các dòng sông, vị trí những nơi có
dân cư sinh sống, hình dáng những ngọn núi. Chính trong lần khảo sát này, ngày
21-6-1893, tôi tiếp xúc lần đầu với cao nguyên Lang Bian. Lộ trình đi gần giống
như lộ trình về sau được chọn để thiết lập một trong những con đường lên cao
nguyên đi ngang qua Phi Nôm, Prenn để đến Đà Lạt. Vừa ra khỏi rừng thông, ấn tượng
của tôi thật sâu sắc khi đứng trước một vùng cao nguyên mênh mông, hoang vắng
và trơ trụi, gợi nhớ lại cảnh biển động vì một đợt sóng khổng lồ màu xanh dâng
lên. Núi Lang Bi-an sừng sững ở chân trời phía Tây Bắc cao nguyên, làm tăng
thêm vẻ đẹp của cảnh quan và tạo nên một hậu cảnh tuyệt mỹ. Tôi đi ngang qua cao
nguyên để đến làng Thượng Đăng Kia, tôi xuống cao nguyên Đrăn – Djiring ở phía
dưới bằng một lộ trình khác đi ngang qua Ankroet và một chuỗi làng mang tên
chung là Ri-ông. Về sau, tôi có dịp lên cao nguyên Lang Bian theo những con đường
khác và đặc biệt biết được con đường nối liền các đỉnh núi từ Đrăn lên Đà Lạt
qua Trạm Hành (Arbre Broyé), Cầu Đất (Entrerays), Trạm Bò (Le Bosquet) và cao
nguyên Lang Bi-an nhỏ (Petit Lang Bian) mà viện Pasteur cách đây vài năm đã thiết
lập một trạm thử nghiệm cây canh-ki-na”. Vào năm 1897, Toàn quyền Paul
Doumer vừa mới tới Đông Dương đã thể hiện mong muốn xây dựng một trạm điều dưỡng
ở trên núi, nơi các quan chức và kiều dân có thể phục hồi sức lực nhanh chóng.
Khi đó, chính Yersin là người đã báo cáo lại với ông Toàn quyền về cao nguyên
Lang Bian – nơi ông thám hiểm vài năm trước đó, đáp ứng đầy đủ các điều kiện
thích hợp để xây dựng một trạm điều dưỡng ở trên núi. Năm 1899, Đích thân toàn
quyền Paul Doumer cùng bác sĩ Yersin tiến hành khảo sát cao nguyên Lang Bian.
Trong cùng năm đó, Doumer đã ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai
trạm hành chính ở Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Biang, tới năm 1901 thì ký
quyết định xây tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, mở ra cơ hội để Đà Lạt chuyển
mình thành một thành phố nghỉ dưỡng trong những năm sau đó. Danh mụcĐà Lạt xưa
Fr: fb.com/chuyenxua.net.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.