Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương


Những tác phẩm tiêu biểu của kiến trúc sư Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương


Tháng Bảy 8, 2008https://doanducthanhlg2014.wordpress.com/2008/07/08/nhung-tac-pham-tieu-bieu-cua-kien-truc-su-truong-cao-dang-my-thuat-dong-duong-2/
PHẦN I
Thế hệ kiến trúc sư đầu tiên có ý kiến nên dừng lại ở lớp kiến trúc sư đã tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương trước năm 1945, khoảng trên 50 kiến trúc sư như bài tôi đã viết đăng trên hai số Tạp chí Kiến trúc 6 và 7/ 2007. Theo tôi, thế hệ kiến trúc sư đầu tiên nên bao gồm cả những sinh viên kiến trúc thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, từ năm 1942 đến 1944, do chiến tranh nên các ông học dở dang, đến thập niên 50 mới có điều kiện làm đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư ở trong nước hoặc ở Pháp. Mặc dù thời gian khá dài, vào nghề muộn hơn nhiều, song tuổi tác của các ông đều rất cao, thấp nhất đến nay cũng trên 80 tuổi. Vậy thì thế hệ kiến trúc sư đầu tiên ở độ tuổi từ 80 đến 100 cũng tương đối hợp lý. Phân chia rạch ròi các thế hệ kiến trúc sư cũng khó, tôi dự kiến viết loạt bài về nội dung này có thể tạm chia như sau: Kiến trúc sư học ở nước ngoài hoặc trong nước tốt nghiệp từ đầu thập niên 60 đến cuối thập niên 70 là thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba tốt nghiệp trong hai thập niên 80 và 90, ra trường từ thế kỷ XXI trở lại đây thuộc thế hệ thứ tư. Như vậy đến nay nước ta có bốn thế hệ kiến trúc sư nối tiếp.
Các sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhập trường trong hai năm 1942 và 1943 ở Hà Nội, Năm 1944 do cuộc chiến nên sinh viên hai khoá này theo Khoa Kiến trúc chuyển vào Đà Lạt. Năm 1944, Khoa nâng thành Trường Kiến trúc Đà Lạt trực thuộc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và chiêu sinh năm học mới, cuối năm 1945 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương giải thể, các sinh viên phải bỏ sự nghiệp học tập để trở về quê hương.
ở miền Bắc, các sinh viên kiến trúc học dở dang không được học hết chương trình. Vào đời, các ông không có điều kiện học thêm, song một số ông đã lăn lộn với nghề ở chiến khu Việt Bắc, được Bộ Giao thông – Công chính giao trách nhiệm cho các kiến trúc sư ở Vụ Kiến trúc tổ chức nâng cao tay nghề, các bậc kiến trúc sư đàn anh tạo điều kiện cho các ông làm đồ án tốt nghiệp, giúp đỡ hành nghề nên đã có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp kiến thiết nước nhà.
ở miền Nam, phần lớn sinh viên kiến trúc học dở dang sau này đều có điều kiện học ở Trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp (Beaux- Arts de Paris), có văn bằng kiến trúc sư DPLG Paris (Architecte diplomé par le gouvernement Paris), hoặc tiếp tục học ở trong nước (Trường Kiến trúc Đà Lạt, Trường Kiến trúc Sài Gòn), khi tốt nghiệp có văn bằng kiến trúc sư. Điều kiện và môi trường hành nghề của kiến trúc sư ở miền Nam cũng thuận lợi hơn, do chiến tranh không ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thiết kế, xây dựng. Những tác phẩm của các ông đã đóng góp nhất định trong việc làm đẹp đất nước ta. Đi sâu vào nghệ thuật sáng tạo kiến trúc, các ông cũng có những thành công, nhiều tác phẩm mang tính tìm tòi khai phá, thúc đẩy phát triển nền kiến trúc nước nhà, đáng để hậu sinh nghiên cứu, học tập, phát huy. Mặt khác, nhiều kiến trúc sư đã có công lớn trong công tác đào tạo kiến trúc sư, tạo nên những thế hệ kiến trúc sư kế tiếp có kiến thức và trình độ đáp ứng với công cuộc xây dựng đất nước. Vì vậy, trong loạt bài viết “Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam”, nhận thấy có những kiến trúc sư thế hệ đầu tiên tuy không trực tiếp liên quan đến hoạt động này, song, vì những quan điểm như trên, tôi mạn phép nhân đây giới thiệu về sáng tác và sự nghiệp đào tạo kiến trúc sư của các ông cho có hệ thống, người viết mong được sự cảm thông.
Kiến trúc sư ĐÀM TRUNG LÃNG (sinh năm 1920) thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1942 (cùng khoá với Đàm Trung Phường, Dương Hy Chấn, Huỳnh Kim Mãng,…), học được một thời gian thì nhà trường giải thể, ông chuyển từ Đà Lạt ra Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến ông ra vùng tự do rồi lên Việt Bắc, công tác ở Vụ Kiến trúc (Bộ Giao thông- Công chính). Năm 1952, ở Tuyên Quang, ông được giao làm đồ án Quy hoạch thị trấn Đông Khê, tỉnh Cao Bằng. Đồ án đã được Bộ chứng nhận tốt nghiệp kiến trúc sư. Sau đó ông tham gia thiết kế xây dựng Khu Giao tế Lạng Sơn. Năm 1954, Giải phóng Thủ đô, ông công tác ở Cục thiết Dân dụng (Bộ Thuỷ lợi- Kiến trúc), Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước cho đến khi nghỉ hưu với chức năng chính là phụ trách tổ thiết kế điển hình các công trình dân dụng và chi tiết cấu tạo, nghiên cứu ban hành quy phạm, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.
Kiến trúc sư ĐÀM TRUNG PHƯỜNG (1923) là em trai kiến trúc sư Đàm Trung Lãng, cùng thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương một năm, cùng hoàn cảnh học hành. Ông làm công tác thiết kế kiến trúc từ năm 1948 ở Liên khu 3, năm 1952 lên Việt Bắc công tác ở Vụ Kiến trúc (Bộ Giao thông- Công chính), làm đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư ở Tuyên Quang. Sau đó, Bộ biệt phái ông sang Bộ Ngoại giao, chỉ huy xây dựng Khu Giao tế ở Lạng Sơn. Giải phóng Thủ đô, ông trở về Bộ Giao thông- Công chính, Nha Kiến trúc (Bộ Thuỷ lợi- Kiến trúc), Cục Đô thị và Nông thôn (Bộ Kiến trúc). Từ 1970 đến 1986, Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng). Ông đã trực tiếp hoặc tham gia khảo sát và chỉ đạo thiết kế nhiều đồ án quy hoạch chi tiết ở Hà Nội như: Công viên Thống Nhất, tiểu khu nhà ở Kim Liên; một số quy hoạch đô thị các thị xã, thành phố: Thái Nguyên, Việt Trì, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hải Dương, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La, Vũng Tàu,… Những năm sau này ông đề ra và thực hiện những chương trình và đề tài nghiên cứu đô thị hoá và quy hoạch phát triển lãnh thổ mang tính chiến lược như: Chương trình 28-01 (1981-1985) “Lập hệ thống sơ đồ tổ chức môi sinh và bảo vệ mô trường vùng Đông Nam Bộ”, Chương trình 28A(1986-1990) “Quy luật đô thị hoá- phân bố và phát triển mạng lưới dân cư ở Việt Nam trong thời kỳ tiến lên CNXH”. Năm 1991-1995, ông chủ trì chương trình khoa học- công nghệ cấp Nhà nước “ Nâng cao hiệu quả quản lý và xây dựng đô thị” và viết bộ sách 2 tập “Đô thị Việt Nam” trong khuôn khổ đề tài “Chiến lược xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam” . Nội dung bộ sách: đúc kết kinh nghiệm, xây dựng nguyên lý sau 30 năm phát triển đô thị Việt Nam, định hướng phát triển đô thị lâu bền những thập kỷ tới phù hợp với chính sách Đổi mới của Nhà nước và xu hướng toàn cầu của thế giới. Tác phẩm đã được tặng Giải thưởng Nhà nước, đợt 1, năm 2001.
Kiến trúc sư DƯƠNG HY CHẤN (1919-!988), thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1942, học dở dang. Mười năm sau làm đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư ở Tuyên Quang. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và sau ngày thắng lợi ông luôn là quan chức chính quyền thuộc tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo các phòng, cục, vụ, viện thuộc các bộ Giao thông- Công chính, Thuỷ lợi- Kiến trúc, Kiến trúc, Xây dựng; Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội,…Ông không trực tiếp thiết kế, song đã chỉ đạo thiết kế nhiều công trình, nhất là lĩnh vực thiết kế kiến trúc công nghiệp.
Kiến trúc sư HUỲNH KIM MÃNG (1919) từ Long Xuyên đến học ở Sài Gòn, ra Hà Nội thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cũng như các sinh viên kiến trúc cùng khoá học năm 1942, do thời cuộc ông cũng bỏ học dở dang. Đầu thập niên 50, ông cùng các sinh viên cùng hoàn cảnh sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp kiến trúc sư tại Beaux-Arts de Paris. Về nước, ông giảng dạy rồi làm Phó khoa (tương đương với Phó Giám đốc hoặc Hiệu phó trước và sau đó) Trường cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn (2 nhiệm kỳ), sau đổi thành Trường đại học Kiến trúc thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Ông mở Văn phòng Kiến trúc chung với KTS Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng, mấy năm sau mở riêng tại 129A Nguyễn Huệ, 139Bis Võ Tánh, 84 Duy Tân. Ông tham gia cuộc thi thiết kế chợ Bến Thành, đoạt Giải Nhất. Tác phẩm này cấu trúc hiện đại với giải pháp kiến trúc hình xoắn ốc, được dư luận trong và ngoài giới nghề hoan nghênh. Cao ốc văn phòng 20 tầng ở đường Đông Du, Quận I, Sài Gòn cũng đoạt Giải Nhất trong một cuộc thi thiết kế tìm ý tưởng kiến trúc. Các công trình đã xây dựng được đồng nghiệp đánh giá cao như: Hội trường Đại học Cần Thơ thuộc Viện Đại học Cần Thơ, tác giả mô phỏng hình con rùa, đặc trưng cho miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Văn phòng Bộ Y tế, Quận I, Sài Gòn. Ông cộng tác với đồng nghiệp sáng tác một số công trình xuất sắc: Miếu bà Chúa Xứ ở núi Sam xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang (cùng KTS Nguyễn Bá Lăng); chợ Đà Lạt (cùng KTS Lâm Du Tốt); công trình k? nghệ súc s?n VISSAN, quận Bình Thạnh, Sài Gòn (cùng KTS Lê Văn Lắm). Sau ngày Giải phóng miền Nam KTS Huỳnh Kim Mãng thiết kế nh Hội trường tỉnh Cần Thơ, quy hoạch chung thành phố Nha Trang; Trưởng Bộ môn Quy hoạch Trường đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1984 ông sang Bỉ, đoàn tụ với gia đình.
Kiến trúc sư VƯƠNG QUỐC MỸ (1920-1984) từ thị xã Hội An, Quảng Nam ra Hà Nội thi đỗ vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1943 (cùng khoá với Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Văn Thâng, Trần Văn Tải, Nguyễn Bá Lăng, Võ Minh Nghiệm,…). Do thời cuộc nên đang học dở dang thì Khoa Kiến trúc chuyển vào Đà Lạt rồi Trường giải thể, ông trở về quê hoạt động đoàn thể, cách mạng Tháng Tám ông tham gia giành chính quyền tại địa phương. Toàn quốc kháng chiến ông hoà vào Đoàn Văn nghệ Giải phóng ra Bắc rồi lên Việt Bắc, tham gia thiết kế xây dựng các công trình phục vụ Đại hội Đảng, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ. Năm 1952 làm đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư. Hoà bình lập lại, ông làm việc tại Viện Thiết kế Kiến trúc (Bộ Kiến trúc), chủ trì thiết kế một số công trình như: Rạp chiếu bóng Long Châu Sa ở Việt Trì (Phú Thọ), Trụ sở Khu uỷ Việt Bắc (Thái Nguyên), Khu Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), nhà khách của Trung ương ở Bãi Cháy (Quảng Ninh),…Ông được cử sang Liên Xô (cũ) làm luận án phó tiến sĩ về đề tài “Khí hậu và nhà ở”, là phó tiến sĩ đầu tiên trong giới nghề. PTS-KTS Vương Quốc Mỹ là Hiệu trưởng đầu tiên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội (1969), đến năm 1972 được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Kiến trúc, tức Bộ Xây dựng ngày nay. Ông qua đời tại Hà Nội khi còn đang tại chức.
(Xem tiếp phần II)
KTS ĐOÀN ĐỨC THÀNH

PHẦN II

Kiến trúc sư NGUYỄN QUANG NHẠC (1924-2004), PHẠM VĂN THÂNG cùng học một khoá (1943) ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội. Theo Khoa Kiến trúc vào Đà Lạt được một năm thì Trường Kiến trúc Đà Lạt giải thể. Năm 1950, hai ông cùng NGUYỄN VĂN HOA (sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) sang Pháp học, tốt nghiệp kiến trúc sư Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris cùng một năm, KTS Nguyễn Quang Nhạc ở lại hành nghề. Về nước, KTS Nguyễn Văn Hoa tiếp nhận Văn phòng kiến trúc của KTS Arthur Kruze và hợp tác với KTS Huỳnh Kim Mãng, Phạm Văn Thâng. Tháng10-1958, KTS Nguyễn Quang Nhạc về nước, khai trương Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Hoa –Thâng –Nhạc tại Sài Gòn. Nhóm kiến trúc sư ba thành viên này sáng tác theo phong cách Kiến trúc Hiện đại, thông thạo nhiều lĩnh vực: Quy hoạch đô thị, kiến trúc công nghiệp, kiến trúc dân dụng. Mỗi lĩnh vực lại có nhiều thể loại xuất sắc. Đến nay ít ai biết rạch ròi tác phẩm nào là của ai thiết kế chính, ai phụ. Chỉ biết văn phòng của bộ ba kiến trúc sư Hoa- Thâng- Nhạc đã thiết kế những công trình sau:

Về quy hoạch, có Khu đại học Viện Đại học Cần Thơ; Khu đại học Cộng đồng Duyên Hải , Nha Trang; Khu đại học Cộng đồng Tiền Giang, Mỹ Tho.

Kiến trúc công nghiệp là sở trường của Văn phòng kiến trúc. Những nhà máy đã thiết kế xây dựng: Nhà máy Nhuộm và hoàn tất VINATEFINCO, Gò Vấp; Nhà máy Len Vĩnh Thịnh, Thủ Đức; Nhà máy Giấy Cogido Biên Hoà, khu kỹ nghệ Biên Hoà; Nhà máy Giấy Tân Mai, Biên Hoà; Nhà máy Thuỷ tinh Khánh Hội; Viện Bào chế Mỹ Châu, đường Trương Minh Giảng; Viện Bào chế " La Thành Trung " đường Duy Tân; Viện Bào chế Roussel – đại lộ Nguyễn Huệ. Đặc biệt, Nhà máy Dệt VINATECO (Thắng Lợi) Gò Vấp là công trình công nghiệp hiện đại, ra đời sớm nhất ở n¬ước ta vào cuối thập niên 50 thế kỷ XX, công trình kết cấu vòm bê tông cốt thép, tổ chức dây chuyền hợp lý, quy trình kỹ thuật cao.

Cao ốc văn phòng: VINATECO đường Công Lý cũ, Sài Gòn (Nguyễn Thị Minh Khai); Trụ sở Sài Gòn Thuỷ cục, đường Hồng Thập Tự cũ, Sài Gòn; Ngân hàng Việt Nam Thương tín, đại lộ Hàm Nghi, Sài Gòn.

Chung cư  là thể loại được Văn phòng thiết kế nhiều ở Sài Gòn: Chung cư SIFO 1, đường Đoàn Tòng Bửu, Yên Đổ cũ; chung cư SIFO 2 ở 22 đường Gia Long cũ; chung cư COGISA 1, đường Bà Huyện Thanh Quan; chung cư COGISA 2, đường Phan Văn Đạt; chung cư BGl đường Thi Sách, chung cư BGl đường Hưng Long, Chợ Lớn; chung cư AD. DAVID đường Trư¬ơng Minh Giảng và chung cư Giáo sư, Viện Đại học Cần Thơ.

Biệt thự: Tổng Giám đốc SHELL đường Phan Đình Phùng cũ, Sài Gòn; Tổng Giám đốc Chartered Bank đường Phan Đình Phùng cũ, Sài Gòn; Giám đốc Chartered Bank, đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn; Tổng Giám đốc Việt Nam Thương tín Bank đường Phan Đình Phùng cũ, Sài Gòn; Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ; Biệt thự SHELL, Đà Lạt.

Cư xá (gồm biệt thự song lập, tứ lập nhà liên kế lầu): Cư xá Ngân hàng Quốc gia, Tân Thuận Đông, Sài Gòn; Cư xá Việt Nam Thương tín, đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn; Cư xá Việt Nam Thương tín, Thị Nghè, Sài Gòn.

Khách sạn Caravelle nay là Độc Lập (Văn phòng hợp tác với KTS ng¬ười Pháp Masso), Nhà hàng khách sạn ARCENCIEL đ¬ường Tản Đà, Chợ Lớn.

Văn hoá – Giáo dục: Trư¬ờng trung học S¬ư phạm Quy Nhơn; Trư¬ờng trung học Kỹ thuật Quy Nhơn; Trư¬ờng trung học kỹ thuật Đà Nẵng. Đặc biệt, kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc chủ trì thiết kế công trình Viện Văn hoá Pháp nay là Trung tâm Văn hoá với Pháp, 31 đư¬ờng Đồn Đất, Sài Gòn là một quần thể kiến trúc đẹp, hài hoà.

Giáo sư – Kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc không chỉ sáng tác kiến trúc mà còn giảng dạy tại Trường cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn (Trường đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) từ năm 1958 đến ngày hưu trí, năm 1990. Năm 1967-1971, Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc được bổ nhiệm làm Khoa trưởng (như Giám đốc, Hiệu trưởng) Trường đại học Kiến trúc thuộc Viện Đại học Sài Gòn, Đoàn trưởng- Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Kiến trúc sư Đoàn (trước ngày Giải phóng gần một năm, ngày1-7-1974, có 147 Đoàn viên). Từ năm 1975, Giáo sư làm Chủ nhiệm bộ môn Kiến trúc Dân dụng, được Nhà nước phong hàm Giáo sư bậc II. Năm 1997 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đợt I, cho tác phẩm: Viện Văn hoá Pháp, 31 Hòn Đất, Sài Gòn.

Giáo sư – Kiến trúc sư Phạm Văn Thâng cũng gắn bó với mái trường đào tạo kiến trúc sư ở miền Nam ngay từ cuối thập niên 50, khi mới về nước. Năm 1971-1974 ông được giao trọng trách làm Khoa trưởng Trường đại học Kiến trúc Sài Gòn. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông tiếp tục làm công tác giảng dạy cho đến thập niên 80 thì sống định cư ở Pháp.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa là kiến trúc sư tài ba, sáng tác nhiều. Sau này ông định cư ở Mỹ.

Kiến trúc sư TRẦN VĂN TẢI ra Hà Nội thi đỗ vào trường năm 1943 ở Hà Nội, theo Khoa Kiến trúc vào Đà Lạt, sau này ông tiếp tục học và tốt nghiệp kiến trúc sư ở Beaux-Arts de Paris, Pháp. Năm 1955 về nước và được bổ nhiệm ngay làm Giám đốc Trường cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn, ông là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên giữ cương vị này, suốt 12 năm. Giáo sư giảng dạy là chính, song cũng thiết kế một số công trình kiến trúc như Văn phòng Đại học Sài Gòn, Trường Sư phạm thực hành, Trường Kỹ thuật Vĩnh Long, ngôi biệt thự tại Làng Đại học Thủ Đức, Sài Gòn,…

Kiến trúc sư NGUYỄN BÁ LĂNG học kiến trúc năm 1943. Khi nhà trường giải thể ở Đà Lạt ông trở ra Hà Nội. Mười năm sau ông cùng gia đình di cư vào Nam, sống ở Sài Gòn. Nhà nghèo, không có điều kiện sang Pháp du học, mãi sau này ông mới theo học tại Trường cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn. Tốt nghiệp kiến trúc sư năm 1961, công trình tiêu biểu là chùa Vĩnh Nghiêm, thiết kế xây dựng cách đây vừa tròn 40 năm, có quy mô vào loại lớn nhất ở Sài Gòn. Kiến trúc sư thiết kế kết hợp kiến trúc hiện đại và dân tộc, dùng bê tông cốt thép thay kết cấu gỗ một cách hợp lý, mái ngói chồng diêm khai thác các mô típ trang trí nhuần nhuyễn. Ngôi chùa ngoài nơi thờ Phật với những lớp lang theo bố cục truyền thống còn kết hợp với chức năng khác của Phật giáo như giảng đường, lớp học, thư viện, phòng họp, nhà tăng,…Nổi bật trong quần thể kiến trúc là toà tháp bảy tầng, kề ngay bên toà chính điện. Miếu bà Chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc, An Giang (cùng với KTS Huỳnh Kim Mãng) cũng là một quần thể kiến trúc có quy mô lớn, cao hai ba tầng, nhiều chức năng sử dụng, trang trí công phu. Mái phủ ngói màu xanh, hiếm thấy trong các công trình kiến trúc cổ ở nước ta. Đi đôi với thiết kế kiến trúc chùa chiền, kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng còn viết sách, cuốn Kiến trúc Phật giáo Việt Nam là một trong những công trình nghiên cứu công phu nhất ở nước ta. Ông định cư ở Pháp từ năm 1975, đã qua đời vào thập niên 90.

Kiến trúc sư VÕ MINH NGHIỆM, ra Bắc học khoá 1943 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo Khoa Kiến trúc học ở Đà Lạt rồi Sài Gòn, cùng lớp với Nguyễn Bá Lăng. Ra trường ông vào ngành Công binh trong quân đội Sài Gòn, tu nghiệp nhiều năm ở Hoa Kỳ. Công trình ông sáng tác nhiều là các doanh trại quân đội, tác phẩm chính được nhiều người biết đến là Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt.

Kiến trúc sư NGÔ VIẾT THỤ (1926-2000) học Trường Kiến trúc Đà Lạt trực thuộc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1944, sau mấy năm gián đoạn, ôn luỵên tại nhà, năm 1950 ông vào học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Pháp. Năm 1955 đoạt Giải Nhất giải thưởng Roma về kiến trúc gọi là Khôi nguyên La Mã về cuộc thi thiết kế công trình Ngôi thánh đường trên đảo Địa Trung Hải, có quy mô 40 nghìn tín đồ. Đồ án được lọt vào vòng trong, bao gồm 10 tác phẩm xuất sắc nhất, cuối cùng tác phẩm của ông đã đứng đầu cuộc thi với số phiếu nhất trí cao: 28/29 thành viên Ban Giám khảo Quốc tế. Năm 1955-1958, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được cấp học bổng nghiên cứu và sáng tác ở lâu đài Médicis (La Mã) của Viện Hàn lâm Pháp. Thời gian này ông thiết kế đồ án quy hoạch chỉnh trang đô thành Sài Gòn- Chợ Lớn, tác phẩm được hoàn thành và trưng bày ở La Mã năm 1958, hai năm sau ông về nước và trưng bày đồ án này ở Sài Gòn. Tác phẩm của ông gây tiếng vang ở trong và ngoài nước. Năm 1962, Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (HFAIA) mời ông làm Viện sĩ Danh dự, ông là người châu á đầu tiên được vinh dự này. Những tác phẩm sau này của ông được nhiều người biết đến là: Dinh Độc Lập (1961-1966), Viện Đại học Huế (1961-1963), Khách sạn Hương Giang, Huế (1962); Làng Đại học Thủ Đức, Sài Gòn (1962); Viện hạt nhân Đà Lạt (1962-1965); Nhà thờ Bảo Lộc, Lâm Đồng; Nhà thờ Phủ Cam, Huế (1963); Trụ sở Hàng không Việt Nam (1972), Trường đại học Nông Lâm Súc, Thủ Đức (1975), Bệnh viện Sông Bé (1985), Khách sạn Century, Huế (1990),… Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sáng tác theo phong cách kiến trúc dân tộc và hiện đại, hỗn dung văn hoá Đông Tây, các tác phẩm của ông gần gũi với tình cảm người Việt Nam.

Kiến trúc sư VÕ THÀNH NGHĨA học khoá cuối cùng Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Đà Lạt với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, sau đó sang Paris học tiếp, tốt nghiệp kiến trúc sư và hành nghề tại Pháp. Ông có tác phẩm Đại sứ quán Việt Nam ở Paris, Pháp. Sân bay Nội Bài, Hà Nội do ông thiết kế đã thi công phần móng, thập niên 90 có chủ trương thay đổi về quy mô, kiến trúc sư Lương Anh Dũng thiết kế thi công theo phương án khác, như hiện nay.

Kiến trúc sư NGUYỄN MỸ LỘC học dở dang Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tốt nghiệp kiến trúc sư ở Pháp, văn bằng kiến trúc sư DPLG Paris. Về nước ông thiết kế một số công trình được giới nghề ở Sài Gòn và Huế đánh giá là có bản sắc dân tộc, ảnh hưởng phong cách kiến trúc Đông Dương. Ông có tác phẩm nổi tiếng được dư luận khen ngợi suốt gần 5 thập kỷ qua là nhà thờ Đức Mẹ hằng cứu giúp, xây dựng ở Huế năm 1958. Vào thời điểm đó mới có nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình do Cha Sáu thiết kế xây dựng; nhà thờ Vĩnh Trị, Nam Định do Cha Phaolô Cẩm thiết kế; nhà thờ Cửa Bắc do kiến trúc sư Ernes Hébrad thiết kế là những công trình theo xu hướng tìm tòi, khai thác kiến trúc dân tộc Việt Nam, còn hầu hết các nhà thờ Thiên Chúa giáo khác đều du nhập phong cách kiến trúc châu âu như Gothique, Romanesque,…Nhà thờ Đức Mẹ hằng cứu giúp ở Huế có mặt bằng đối xứng qua trục trung tâm. Bố cục mặt bằng có nhiều đổi mới: Không gian hành lễ và chính điện ở mặt trước, giữa có cánh phụ trồi ra hai bên và nổi bật ở giữa một tháp chuông cao vút, hậu cung ở phía sau. Hình thức kiến trúc mái sảnh vào chính, mái lớn gian hành lễ, mái nhỏ hai bên cánh và trên các lớp tường giật cấp, mái xoè rộng trên các tầng tháp đều mang đường nét kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Kiến trúc sư TÔ CÔNG VĂN học dở dang ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sang Pháp học Trường cao đẳng Mỹ thuật Paris, tốt nghiệp kiến trúc sư cuối thập niên 50. Ông đi đầu tào lưu sáng tác kiến trúc theo phong cách Hậu- Hiện đại. Những công trình được nhiều người biết đến là Khu tu viện và Câu lạc bộ Đắc Lộ của Dòng Tên ở Sài Gòn, Giáo hoàng Chủng viện ở Đà lạt. Giáo sư- kiến trúc sư Tô Công Văn dành nhiều năm giảng dạy, là Khoa trưởng Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn (năm 1974-1975). Sau này ông định cư và hành nghề ở Pháp.

Kiến trúc sư LÊ VĂN LẮM học kiến trúc dở dang ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương rồi sang Pháp học tiếp ở Beaux- Arts de Paris. Cuối thập niên 50 ông về nước, thiết kế công trình Trường Cảnh sát Thủ Đức, toà nhà Văn phòng Trung tâm Khuyếch trương; cộng tác với các kiến trúc sư Trần Văn Tải, Bùi Quang Hanh thiết kế Trường tiểu học Sư phạm thực hành Sài Gòn; cộng tác với kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng thiết kế công trình kỹ nghệ súc sản VISSAN. Ông từng là Tổng Giám đốc Tổng Nha Kiến thiết và thiết kế Đô thị.

Kiến trúc sư BÙI QUANG HANH học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó sang Pháp học tiếp, nhận văn bằng kiến trúc sư DPLG Paris. Về nước ông hợp tác với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, Huỳnh Tấn Phát thiết kế Thư viện Khoa học Tổng hợp Sài Gòn; hợp tác với các kiến trúc sư Mỹ thiết kế công trình Trường đại học Y khoa. Tham gia cuộc thi thiết kế kiểu nhà rẻ tiền do Kiến ốc Cục tổ chức. Cộng tác với kiến trúc sư Tải, Lắm thiết kế Trường tiểu học Sư phạm thực hành. Ông sớm ra định cư ở nước ngoài, song vẫn hành nghề ở trong nước, là kiến trúc sư ngoại kiều duy nhất được là đoàn viên Kiến trúc sư Đoàn ở Sài Gòn trước ngày giải phóng.

Năm 1945, với trên 20 sinh viên kiến trúc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương phải bỏ học do chiến tranh, 15 năm sau trong số đó đã có gần 20 người trở thành kiến trúc sư. Như vậy, thế hệ kiến trúc sư đầu tiên tốt nghiêp từ Trường Mỹ thuật Đông Dương và Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có khoảng 70 kiến trúc sư người Việt Nam. Các ông đã đặt nền tảng cho ngôi nhà Việt Nam từ cuối thế kỷ XX ngày thêm vững bền, hiện đại có bản sắc dân tộc./.

KTS ĐOÀN ĐỨC THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.