Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

KTS Nguyễn Văn Hoa

Một tài liệu hiếm hoi được chia sẻ từ những người con của Cố KTS Nguyễn Văn Hoa, trong Văn phòng KTS tư vụ Nguyễn Văn Hoa - Phạm Văn Thâng- Nguyễn Quang Nhạc, nổi tiếng ở Miền Nam trước 75!
Xin Cám ơn A. Thanh Nguyen, A. Nguyễn Duy Tâm....!!!

Vài nét về nghệ thuật kiến trúc của
kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa (1916-2005).
Nghệ thuật kiến trúc của ông Nguyễn Văn Hoa chịu ảnh hưỏng của trào lưu Hiện đại vào thời của ông. Sinh tại Cần Thơ năm 1916 trong một gia đình trung lưu, ông theo học tại trường Pétrus Ký trước khi vào học trường Mỹ Thuật Hà Nội dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Arthur Kruze. Ông là một sinh viên giỏi của trường và sau này ông theo Giáo sư Kruze vào Đà Lạt khi Giáo sư Kruze, lúc đó là Hiệu trưởng trường Mỹ Thuật Hà Nội, chuyển trường vào thành phố này sau cuộc đảo chánh của Nhật vào năm 1945.
Giáo sư Kruze nhanh chóng nhận ông làm người cộng tác trong văn phòng kiến trúc sư Kruze và Nguyễn Văn Hoa, đặt tại một biệt thự của ông ngoại tôi, ở số 10 đường Glaieuls (-Ngô Đình Khôi- Nguyễn Viết Xuân), Đà Lạt. Gia đình ba tôi thì thuê một căn nhà đối diện, ở số 3 cùng đường.
 



Biệt thự số 3 đường Nguyễn Viết Xuân.

Cùng với G.S. Kruze, ba tôi đã thực hiện một số công trình như nhà săn bắn của cựu hoàng Bảo Đại tại Ban Mê Thuột, đã bị thiêu hủy sau một tai nạn hỏa hoạn năm 1969, và trang trí du thuyền Hương Giang, cũng của ông Bảo Đại. Nhưng tại Việt Nam thời đó, cũng như tại Đà Lạt, mặc dù nơi đây là một trung tâm hành chính cao cấp, mọi việc còn như đang ở một trạng thái chờ đợi và cơ hội kinh doanh còn rất thưa thớt. Ba tôi có tham dự nhiều cuộc săn bắn với đoàn tùy tùng của ông Bảo Đại. Mẹ tôi kể rằng vì tiền thu nhập kém cỏi của ba tôi nên nhiều lúc bà phải bán nữ trang để chi tiêu trong nhà.
Năm 1953, văn phòng kiến trúc sư Kruze - Nguyễn Văn Hoa chuyển về Sài Gòn đặt tại một biệt thự trệt kiểu thuộc địa ở số 12 đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch). Lúc ban đầu, văn phòng kiến trúc sư chỉ chiếm hai phòng bên trái, phần còn lại do gia đình tôi ở, gồm cha mẹ tôi, em gái, em trai tôi và tôi. Em trai út của tôi lúc đó chưa sinh. Vào khoảng năm 1955 hay 1956, khi công việc khá hơn, ba tôi mua một biệt thự cũng xây theo lối thuộc địa, ở số 18 đường Phùng Khắc Khoan, cho gia đình tôi ở. Sau năm 1975, ngôi biệt thự này hầu như giữ nguyên không thay đổi, trở thành toà lãnh sự Indonesia. Sau khi gia đình tôi dọn về đây thì toà nhà số 12 Duy Tân, được nới rộng phía sau để xây một phòng làm việc lớn cho họa viên, hoàn toàn dành cho văn phòng kiến trúc của ba tôi cho đến năm 1975.




Sau trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954, ông Kruze vĩnh viễn rời Việt Nam trở về Pháp. Vào lúc đó, hay là vài năm sau đó, ba tôi lập ra văn phòng kiến trúc Nguyễn Văn Hoa - Phạm Văn Thâng, sau đó văn phòng kết nạp thêm một kiến trúc sư tốt nghiệp ở Pháp vừa trở về năm 1958 là ông Nguyễn Quang Nhạc. Tôi không giải thích được một cách chắc chắn lý do hùn hạp giữa ba tôi và các kiến trúc sư Thâng và Nhạc, cả hai đều tốt nghiệp Trường Quốc gia Mỹ Thuật Paris, chỉ suy đoán thôi, vì nay cả ba người đều đã mất. Có thể là ba tôi sau khi đã thực hiện một số dự án lớn với Giáo sư Kruze, một số đã hoàn tất và một số còn đang trong quá trình thực hiện, như khách sạn Caravelle, toà nhà BGI, trụ sở BNCI…, ông muốn mở rộng thêm địa bàn hoạt động của văn phòng kiến trúc, vì vậy ông kết hợp với các kiến trúc sư Thâng và Nhạc để sử dụng những kiến thức chuyên môn của hai người này về thiết kế đô thị, về xây dựng cơ sở giáo dục và khu dân cư, từ đó đa dạng hóa lãnh vực hoạt động của văn phòng kiến trúc. Ngoài ra ba tôi, một người tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Hà Nội, khi kết hợp với hai kiến trúc sư trẻ mới tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Paris về, có thể là muốn họ đem lại một luồng gió mới và những ý tưởng mới cho văn phòng kiến trúc.
Trên đây chỉ là những suy đoán của tôi, nhưng việc các kiến trúc sư kết hợp với những đồng nghiệp khác để tăng khả năng chuyên môn và tầm hoạt động là điều thường thấy. Dù sao, văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa - Phạ̣m Văn Thâng - Nguyễn Quang Nhạc, chỉ trong vài năm đã trở thành một trong những văn phòng kiến trúc lớn nhất và nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam cho đến năm 1975.
Ba tôi thật sự bắt đầu nổi tiếng khi khách sạn Caravelle hoàn thành vào năm 1959, cao ốc đầu tiên cao hơn 10 tầng tại Sài Gòn, và cũng là cao ốc đầu tiên có hệ thống trung ương điều hoà không khí. Sau đó là trụ sở ngân hàng Việt Nam Thương Tín, các nhà máy Cogido và Vinatexco, cao ốc 22-24 đường Gia Long, và rất nhiều biệt thự tư nhân mà ba tôi đảm trách luôn phần trang trí nội thất… Vì ông là một trong những kiến trúc sư được biết đến nhiều nhất lúc đó, nên, qua trung gian của ông Arthur Gardiner, Giám đốc USAID, chính phủ Mỹ mời ông sang Hoa Kỳ thực hiện một chuyến du hành khảo sát.
Tôi có thể nói là kỹ thuật của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, qua ảnh hưởng của trường phái Hiện đại, có những nét tiêu biểu như là những đường nét thẳng, những khối đơn giản, những tỷ lệ cổ điển. Không có trang trí rườm rà. Mỗi thứ đều ở đúng chỗ và có lợi ích riêng. Mặt tiền được xây dựng với nhiều lớp để bắt mắt hơn, tạo nên cảnh tranh tối tranh sáng, với những hoa gió, những mái hiên, những tấm cản ánh mặt trời có công dụng che nắng, mưa. Vì vậy mặt tiền không bao giờ phẵng lì. Ông cũng dùng ô gạch Ceram bằng sứ để tăng thêm màu sắc.
Vì ba tôi cũng có học về công chính trước khi học kiến trúc nên ông thích thử nghiệm nhiều kỹ thuật xây cất khác nhau. Ông đã "phát minh" ra mái nhà có chứa 30 cm nước để cách nhiệt, chống lại ánh nắng gay gắt của vùng nhiệt đới. Ông thực hành kỹ thuật này lần đầu tiên chính tại ngôi nhà số 18 Phùng Khắc Khoan, nơi chúng tôi ở, khi ông xây một cánh phía sau để làm nhà ở. Sau này, mái nhà có lớp nước được thay thế bởi một mặt bằng trồng cây cỏ (biệt thự Shell Oil), tiền thân của những mái nhà sinh thái ngày nay.
Văn phòng kiến trúc Hoa-Thâng-Nhạc hoạt động như bao văn phòng kiến trúc sư, luật sư, bác sĩ khác. Ba tôi dĩ nhiên là "đối tác chính", nhưng mỗi thành viên có khách riêng, có dự án riêng của mình. Họ hoạt động hoà hợp với nhau và phong cách mỗi người không khác mấy so với những người kia. Họ chia nhau sở phí và chia nhau tiền lời, theo tỷ lệ số công trình của mỗi người. Ba tôi bỏ ra rất nhiều thời giờ trên bàn vẻ, một mình trong phòng làm việc hay cùng với các họa viên trong phòng vẻ lớn. Ông thích bàn bạc mọi chi tiết về xây cất, vì ba tôi tính rất cẩn thận, một người thích hoàn thiện.

  Sau đây là danh sách một số công trình do Văn phòng Nguyễn Văn Hoa - Phạm Văn Thâng - Nguyễn Quang Nhạc đã thực hiện do ba tôi chịu trách nhiệm chính (không theo thứ tự thời gian):

-          Khách sạn Caravelle
-          Ngân hàng BNCI, đường Tôn Thất Đạm
-          Hội Việt Mỹ, đường Mạc Đỉnh Chi
-          Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, đại lộ Hàm Nghi
-          Nhà máy giấy Cogido, Biên Hoà
-          Nhà máy Vinatefinco, Gò Vấp
-          Nhà máy dệt Vinatexco, Gò Vấp
-          Nhà bào chế thuốc Roussel, đại lộ Nguyễn Huệ
-          Nhà bào chế thuốc OPV, đại lộ Nguyễn Huệ
-          Cao ốc 22-24 đường Gia Long (Lý Tự Trọng)
-          Nhà bào chế thuốc La Thành Trung


Biệt thự tư nhân:

-          Biệt thự Bác sĩ Phạm Kim Tương, đường Hoàng Văn Thụ
-          Biệt thự Bác sĩ Nguyễn Văn Út, 153 đường Pasteur.
-          Biệt thự Giám đốc Shell Oil, 178 đường Phan Đinh Phùng ̣(Nguyễn Đình Chiểu)
-          Biệt thự Chartered Bank
-          Biệt thự Giám đốc Việt Nam Thương Tín , 41 đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu)
-          Biệt thự ông Nguyễn Cao Thăng,174-176 đường Phan Thanh Giãn (Điện Biên Phủ)
-          Biệt thự ông Đỗ Kiến Nhiễu, gần trường đua ngựa Phú Thọ
-          Biệt thự ông Trần Quí Thân, đường Trần Cao Vân
-          Hai biệt thự của công ty Shell tại Đà Lạt.

1 trong 2 Biệt thự của công ty Shell- Dalat 1980. (Nay, khu này: Trung tâm Hành chính Tỉnh LĐ).


Trích Bản đồ Dalat 1963


1969
 1969
Nhà thiếu nhi 1986
TTTCT LĐ- 2016
TTTCT LĐ-2016





 Các công trình khác:

-          Nhà săn bắn của cựu hoàng Bảo Đại ở Ban Mê Thuột
-          Phi cảng Liên Khàng Đà Lạt
-          Phi cảng hành khách Tân Sơn Nhất
-          Viện đại học Cần Thơ
-          Bệnh viện Bác sĩ Trần Đình Dệ, 179 đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa).






    
Các công trình khác của Văn phòng Nguyễn Văn Hoa - Phạm Văn Thâng - Nguyễn Quang Nhạc do một trong hai kiến trúc sư Thâng hoặc Nhạc chịu trách nhiệm chính:

-          Toà Đại sứ Anh tại Sài Gòn  (British Embassy), đường Thống Nhất
-          Alliance Française, đường Thái Văn Lung
-          Viện Đại học Cần Thơ
-          Viện Đại học Duyên Hải, Nha Trang
-          Viện Đại học Tiền Giang, Mỹ Tho
-          Trường Hành chánh Quy Nhơn
-          Trường Kỹ thuật Quy Nhơn
-          Trường Kỹ thuật Đà Nẵng
-          Biệt thự ông Phạm Văn Thâng tại Sài Gòn
-          Biệt thự ông Nguyễn Quang Nhạc tại Thủ Đức

Sự nghiệp ba tôi bị gián đoạn vì những biến cố năm 1975. Ông mất tại Hoa Kỳ năm 2005, bên cạnh vợ, con và cháu.


Người viết: Nguyễn Duy Tâm
02 – 2016

Vài chi tiết về tác giả:
Tốt nghiệp Trường Quốc gia Mỹ thuật Paris (Kiến trúc), 1966
Tốt nghiệp Học viện Đô thị hoc thuộc Viện Đại học Paris, 1968
Kiến trúc sư DPLG, 1966-1970, Paris
Kiến trúc sư  AIA, 1970-2008. Principal, KCF/ FEEK/SmithGroup Architects, Washington DC.

Email: tam.nguyen42@gmail.com



Tài liệu
10 rue des Glaieuls

Hải Thượng 6 bis

số nhà hiện nay: Hải thượng 28/3

Kiến trúc sư Đoàn- B.75










Một biệt thự kiểu mới ở Dalat rất có thể là tác phẩm của KTS Nguyễn Văn Hoa!- (chưa tìm ra dấu vết!)








ALBUM Dad's Designs Architect Nguyễn Văn Hoa (1916-2005) www.flickr.com/photos/7559152@N05/albums/72157637566495676

1 nhận xét:

  1. Chào bạn. Mình bên Công Ty Cổ Phần Thi Công Mộc Phát Rất vui được hợp tác
    Bạn có thểm tham khảo công ty mình tại các bài báo
    sàn gỗ kỹ thuật
    sàn gỗ thermo ash
    Thank bạn

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.