Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Tháp Chàm

Tháp Chàm

Tháp Chàm, hay còn gọi là tháp Champa, là một dạng công trình thuộc thể loại kiến trúc đền tháp Champa, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chàm (còn gọi là dân tộc Chăm, sinh sống ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Có thể thấy vị trí phân bố các đền tháp là những nơi từng là nơi ở của người Champa, xa hơn nữa còn có những ngôi tháp có thể coi là tháp Champa trên đất nước Campuchia như tháp Damray Krap. Ngược lại, những yếu tố Java hay Khmer cũng được thấy trên các tháp Champa như ở Khương Mỹ, Hưng Thanh, Dương Long, hay có cả những ngôi tháp còn được người Champa gọi là "tháp Khmer" như tháp Champa Hoà Lai.Tháp Chàm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng Mặt Trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Các viên gạch liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững tới hàng chục thế kỷ.)
Tháp Đôi (Bình Định)
Ngày 1 tháng 10 năm 2006, Trung tâm Quản lý di tích-di sản tỉnh Quảng Nam chính thức công bố thông tin: các nhà khoa học của Đại học Milan, Ý khi đang làm việc trùng tu nhóm tháp G-thuộc Thánh địa Mỹ Sơn đã nhận biết được loại vật liệu kết dính để xây tháp Champa cách đây vài trăm năm. Đó là loại keo được tinh chế từ một loài thực vật vốn có rất nhiều trong khu vực quanh di sản Mỹ Sơn, mà người dân địa phương thường gọi là cây dầu rái. Ngoài ra, họ cũng đã phát hiện ra một loại hợp chất có nguồn gốc từ thực vật bản địa nói trên có trong gạch sử dụng để xây tháp. Như vậy, những điều bí ẩn xung quanh vật liệu được người Chăm sử dụng để xây dựng các công trình tôn giáo ở Việt Nam sau hơn 100 năm đã được giải mã. Trước đó, một người thợ thủ công tên là Lê Văn Chỉnh (thuộc tỉnh Quảng Nam) cũng đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu phương pháp xây dựng tháp Chăm đã phát hiện được hợp chất dầu rái trong gạch để xây tháp và chất kết dính, nhưng chưa được ai quan tâm thừa nhận.
Lịch sử xây dựng các đền tháp Champa kéo dài từ cuối thế kỷ thứ 7 đến đầu thế kỷ 17. Trong khoảng thời gian này, những người Champa xưa đã để lại một số lượng lớn các công trình kiến trúc đền tháp, thành luỹ, các tác phẩm điêu khắc. Hiện tại có trên hai mươi cụm di tích kiến trúc đền tháp và rất nhiều phế tích kiến trúc. Các di tích này có giá trị đặc sắc, mang tính toàn cầu, xứng đáng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Một trong những sự quan tâm ấy là việc tổ chức UNESCO đã công nhận Mỹ Sơn là di sản văn hoá thế giới cũng chính là việc đánh giá cao thành quả nghiên cứu về kiến trúc Champa nói chung.
Tháp Hoà Lai (Ninh Hải, Ninh Thuận)
Theo tiếng Chăm, các đến tháp Champa này được gọi là kalan, nghĩa là "lăng". Các lăng này được các đời vua Chăm xây dựng để thờ cúng các vị thần. Các vị thần được thờ phượng có thể là các vị thần Ấn Độ giáo tiêu biểu như Siva (thần hủy diệt), Ganesha (phúc thần đầu người mình voi)... hoặc đấy còn có thể là các vị Phật. Điều này tùy thuộc vào lòng tin và kính mộ của mỗi vì vua ở các triều đại khác nhau. Ở thánh địa Mỹ Sơn hiện nay phần lớn là công trình kiến trúc tôn giáo thờ các vị thần thuộc Ấn Độ giáo và Bà la môn giáo. Nhưng ở thánh địa Đồng Dương (thuộc địa phận huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đây là kinh đô Phật giáo lớn nhất của Champa.
Trong lĩnh vực văn hoá vật thể thì nghệ thuật Champa cổ và nghệ thuật Việt cổ có nhiều nét tương đồng. Nhìn chung thì nghệ thuật Champa có trước nghệ thuật Việt và đã đạt đỉnh cao ngay khi nghệ thuật Việt độc lập chưa ra đời.
Xét về mặt kiến trúc: các tháp Champa hầu hết ở trên những đồi cao hoặc núi thấp, được xây dựng thành từng cụm, hướng Đông nhìn ra biển đón dương khí thì chùa, tháp Việt Nam thời Lý, thời Trần cũng thường xây dựng trên gò, đồi và sườn núi, tạo nên cả một quần thể, hướng Nam hoặc Nam chếch Đông, đón dương khí. Tháp Việt Nam cũng vươn cao với nhiều tầng như tháp Champa và có bình diện vuông gần với các phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Tháp Champa cũng như tháp Lý - Trần về cơ bản cũng xây bằng gạch hoặc phụ thêm một số thành phần bằng đá. Có điều, tháp Champa được đục trực tiếp trên gạch sau khi xây, còn ở tháp Lý - Trần thì hình trang trí được in, khắc trực tiếp trên gạch, rồi sau đó mới mang nung, xây đến đâu là có hình trang trí cho chỗ đó rồi.
Phổ biến và cũng hấp dẫn nhất trong nghệ thuật Champa là các apsara, đa số thuộc đỉnh cao của điêu khắc Champa thuộc thế kỷ thứ 10. Các nhân vật kết hợp người với chim hoặc với thú đều có cả trong nghệ thuật Champa và nghệ thuật Việt.

Các phong cách kiến trúc Champa
Phong cách Hoà Lai và phong cách Đồng Dương (thế kỷ thứ 9)
Những ngôi đền tháp theo hai phong cách này có những hàng cột ốp và những cửa vòm khoẻ khoắn. Những băng trang trí cho công trình có rất nhiều họa tiết. Yếu tố tiêu biểu nhất cho phong cách Hoà Lai (nửa đầu thế kỷ thứ 9) là các vòm cửa nhiều mũi tròn trùm lên các cửa thật, cửa giả và các khám. Các cột ở khung cửa hình bát giác bằng sa thạch được trang trí bằng một đường các hình lá uốn cong. Khoảng giữa hai cột trụ ốp có trang trí hình thực vật. Ở bên dưới các cột trụ ốp là các hình kiến trúc thu nhỏ trong đó có hình người đắp nổi. Tất cả tạo cho các tháp Hoà Lai một vẻ đẹp trang trọng và tươi mát. Còn ở phong cách Đồng Dương (nửa sau thế kỷ thứ 9) thì các trang trí cây lá được biến thành những hình hoa hướng ra ngoài. Cái nhận thức cổ điển của nét lượn và tỷ lệ ở phong cách Hoà Lai đã bị biến mất và các tháp Đồng Dương trở nên mạnh mẽ hơn.
Phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ thứ 10)
Phong cách này thể hiện đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất là ở ngôi tháp Mỹ Sơn A1. Những cột ốp trên mặt tường đứng thành đôi một. Đứng giữa hai cột ốp là các bức tượng người. Các vòm cửa có hình dáng phức tạp nhưng không chạm khắc gì. Bộ diềm kép, các hình đá trang trí góc được khoét thủng. Thân chính của tháp được xây dựng có hình dáng cao vút lên và các tầng thu nhỏ dần lại. Những đặc trưng của phong cách Hoà Lai và Đồng Dương không còn thấy ở các tháp thuộc phong cách Mỹ Sơn A1.

Tháp PorXahinu (Bình Thuận)
Phong cách Bình Định (thế kỷ 11-13)
Sau hàng loạt những biến động về chính trị từ đầu thế kỷ 11, trung tâm chính trị của Champa được chuyển vào Bình Định và từ đó, phong cách nghệ thuật tháp Champa mới đã xuất hiện: phong cách Bình Định. Nếu như ngôn ngữ nghệ thuật chính của các tháp Champa thuộc phong cách trước là thành phần kiến trúc đều đi vào đường nét thì ở phong cách này đó lại là mảng khối: vòm cửa thu lại và vút lên thành hình mũi giáo, các tháp nhỏ trên các tầng cuộn lại thành các khối đậm, khỏe, các trụ ốp thu vào thành một khối phẳng, mặt tường có các gân sống.

Đặc trưng của các ngôi tháp Champa
Mọi ngôi tháp đều được xây bằng gạch hoặc chủ yếu bằng gạch. Gạch có màu đỏ hồng, đỏ sẫm, được nung trước với độ xốp cao, được xây không có mạch vữa và có thể có điêu khắc trực tiếp trên gạch.
Có chiều cao lớn hơn vài ba lần so với chiều ngang thân tháp. Tỷ lệ các phần của tháp có tính nhân bản, nghĩa là nó được xuất phát từ con người.
Tháp có phần ngọn được thu nhỏ dần hoặc giật cấp.
Các trang trí kiến trúc, điêu khắc có tính nhịp điệu, tính lặp lại và đồng dạng, đăng đối.
Đa phần các tháp có cửa quay ra hướng Đông, các phía còn lại là cửa giả, được bố trí đăng đối với cửa chính.

Tháp Swallow (Phú Yên)
Trong tháp theo nguyên mẫu có thờ thần Siva, biểu trưng là bộ ngẫu tượng Yoni và Linga được làm bằng sa thạch.
Tháp thường được đặt tại các vị trí thoáng, gò đồi cao, không gần chỗ người dân sinh sống.

Các công đoạn xây dựng tháp
Chuẩn bị chất kết dính.
Đúc gạch theo khuôn đã định sẵn. Nung gạch lần 1.
Xếp gạch theo mô hình tháp bằng chất kết dính.
Nung tháp.
Gọt dũa, trang trí và điêu khắc và hoàn chỉnh toàn bộ khối tháp.
Giá trị của kiến trúc đền tháp Champa
Các đền tháp Champa phản ánh đầy đủ và chân thực hoàn cảnh văn hoá Champa từ những giai đoạn đầu tiếp thu những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ cho đến những giai đoạn thích nghi, tiếp biến và trỗi dậy mạnh mẽ tính bản địa và sự giao lưu thường xuyên về mặt văn hóa bên cạnh các mặt kinh tế - chính trị với các dân tộc liền kề.
Giá trị nghệ thuật của các hình trang trí ngoài việc giúp cho các đền tháp đẹp hơn, còn có ý nghĩa văn hóa đặc biệt, giúp cho việc nghiên cứu sâu hơn về niên đại, phong cách và chức năng của các đền tháp. (Theo wikipedia)

Danh sách đền tháp Chăm Pa

Tháp Dương Long (Bình Định)
Sau đây là danh sách một số di tích đền tháp Champa (không xét đến các phế tích)
Thứ tự Tên di tích Địa điểm Niên đại
1 Nhóm tháp Liễu Cốc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế thế kỷ XIII
2 Nhóm tháp Mỹ Khánh xã Phú Diên, Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế thế kỷ XIII - IX
3 Nhóm tháp Bằng An làng Bằng An, xã Vĩnh Diện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thế kỷ IX - X
4 Nhóm tháp Mỹ Sơn xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
5 Nhóm tháp Chiên Đàn làng Chiên Đàn, xã Tam An, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam thế kỷ XI - XII
6 Nhóm tháp Khương Mỹ làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thế kỷ X
7 Nhóm tháp Cánh Tiên xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định thế kỷ XII - XIII
8 Nhóm tháp Phú Lốc xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định thế kỷ XIII
9 Nhóm tháp Bánh Ít thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định thế kỷ XI - XII
10 Nhóm tháp Thủ Thiện xã Bình nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thế kỷ XII - XIII
11 Nhóm tháp Dương Long xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thế kỷ XII - XIII
12 Nhóm tháp Bình Lâm xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định thế kỷ XII
13 Nhóm tháp Đôi thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thế kỷ XII
14 Nhóm tháp Nhạn thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên thế kỷ XII
15 Nhóm tháp Po Nagar thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà thế kỷ X - XIII
16 Nhóm tháp Hòa Lai làng Tam Tháp, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận thế kỷ IX
17 Nhóm tháp Po Klong Garai phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận thế kỷ XIII - XIV
18 Nhóm tháp Po Rome làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận thế kỷ XVII
19 Nhóm tháp Po Dam làng Tuy Tịnh, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận thế kỷ IX
20 Nhóm tháp Po Sah Inư phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận thế kỷ VIII
21 Nhóm tháp Yang Praong Bản Đôn, huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk thế kỷ XIII
http://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_%C4%91%E1%BB%81n_th%C3%A1p_Champa
Tháp Bình Lâm (Bình Định)Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng tháp Chăm phục vụ trùng tu và phát huy giá trị di tích.
Mã số đề tài: RD 21.
Chủ nhiệm đề tài: TS.Trần Bá Việt.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Viện KHCN xây dựng-BXD.
Địa chỉ tài liệu: KQNC.1086. Thư viện KHCN-Bộ Xây dựng.
Mục tiêu đề tài:
Theo các tài liệu được biết cho đến nay thì lịch sử xây dựng các đền tháp Chămpa kéo dài từ cuối thế kỷ VII đến đầu thế kỷ XVII. Trong khoảng thời gian chín thế kỷ xây dựng và sáng tạo, những người Chăm cổ đã để lại một số lượng lớn các di tích kiến trúc đền tháp, thành luỹ, các tác phẩm điêu khắc…Đó là sản phẩm văn hoá của tài năng và trí tuệ Chămpa trong suốt chặng đường dài lịch sử. Với trên 20 cụm di tích kiến trúc đền tháp còn lại và rất nhiều phế tích kiến trúc, bên cạnh đó là vô vàn hiện vật điêu khắc giá trị, đã minh chứng cho một nền văn hoá Chămpa rực rỡ, góp pầhn không nhỏ vào vào nền văn hoá Việt Nam phong phú, giàu bản sắc. Các di tích kiến trúc đền tháp Chămpa còn có giá trị đặc sắc nổi bật mang tính toàn cầu, xứng đáng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Một trong những sự quan tâm ấy là sự công nhân Mỹ Sơn là di sản văn hoá thế giới của tổ chức UNESCO…
Mặc dù các di tích kiến trúc đền tháp Chămpa luôn được quan tâm nghiên cứu, nhưng do đã trải qua thời gian dài tồn tại dưới tác động bất lợi của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh, nên phần lớn các di tích đã bị huỷ hoại, xuống cấp, mất mát ở nhiều mức độ khác nhau. Vì vậy, công việc nghiên cứu về các di tích kiến trúc đền tháp Chămpa cần phải luôn được thường xuyên, nhằm không ngừng bổ sung những thông tin khoa học về di tích làm cơ sở cho các giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị di tích.
Thực tế công tác bảo tồn tu bổ trong những năm qua có bước tiến và thành tựu đáng kể, song vấn đề cốt lõi xác định kỹ thuật xây dựng của người Chăm vẫn chưa được tập trung nghiên cứu.
Đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng tháp Chăm phục vụ trùng tu và phát huy giá trị di tích” sẽ đóng góp thêm những hiểu biết về kỹ thuật xây dựng các đến tháp Chămpa, kết hợp với việc khảo sát thực trạng kiến trúc và nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật…nhằm đạt được mục tiêu của đề tài là:
- Nghiên cứu công nghệ xây dựng các tháp Chăm để phục vụ một cách tốt nhất cho công tác tu bổ, phát huy giá trị của di tích kiến trúc của nền văn hoá Chăm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
- Đề xuất các quy trình về công nghệ vật liệu phục chế để trùng tu bảo tồn các tháp Chăm, trong quá trình chuẩn mực hoá công tác bảo tồn di tích ở nước ta.
Nội dung đề tài:
Chương I: Lược sử, khảo cổ, kiến trúc Chămpa.
Chương II: Thực trạng các di tích, phế tích kiến trúc đền tháp Chăm.
Chương III: Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng: Kỹ thuật xử lý nền, kỹ thuật xây dựng móng, kỹ thuật xây dựng đền tháp Chăm dưới góc độ kỹ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây gạch theo phương pháp mài chập, nghiên cứu xác định các thông số kỹ thuật của gạch trên các đền tháp Chăm, nghiên cứu thành phần pha và thành phần khoáng của gạch và của chất kết dính bằng phương pháp nhiễu xạ Rơnghen; nghiên cứu xác định thành phần hữu cơ có trong chất kết dính; nghiên cứu cấu trúc thô của gạch qua kính phóng đại quang học; nghiên cứu vi cấu trúc của gạch bằng kính hiển vi điện tử quét; nghiên cứu xác định lực liên kết giữa các viên xây; xác định cường độ chịu nén của khối xây; nghiên cứu sự ăn mòn vi sinh trên khói xây đền tháp Chăm; nghiên cứu khả năng chịu lực của kết cấu khối xây đến tháp Chăm; nghiên cứu kỹ thuật điêu khắc.
Chương IV: Nghiên cứu công nghệ phục chế khối xây mài chập.
Chương V: Định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các đền, tháp Chăm.
Kết quả đề tài:
Đã nghiên cứu phục hồi được công nghệ chế tạo gạch Chăm phục chế có tính chất giống như gạch Chăm, có thể gia công cưa cắt mài chập, đục chạm điêu khắc được.
Đề tài đã thành công trong việc sản xuất và chế tạo nhớt cây ô dước, gạch và kỹ thuật xây mài chập để triển khai phục chế tháp Bình Thạnh từ năm 1999 đến nay đảm bảo chất lượng tốt, chưa thấy hiện tượng hư hỏng.
Kết quả đề tài cũng khẳng định được rằng loại gạch đặc biệt nung giảm lửa, có chất đôn là thích hợp cho trùng tu tháp Chăm.
Kỹ thuật phục chế khối xây gạch Chăm có thể kết hợp với kỹ thuật gia cường, neo, đai giằng bằng thép hoặc bê tông để bảo tồn tối đa giá trị gốc, chân xác của di tích tháp Chăm, đồng thời kéo dài tuổi thọ cho di tích.
Đây là một bước tiến đặc biệt quan trọng trong quá trình nghiên cứu các tháp Chăm về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng suốt hơn một thế kỷ qua.
Đề tài đã đạt loại xuất sắc.

Tìm hiểu kỹ thuật xây dựng tháp cổ Chăm Pa tại miền trung Việt Nam
Ðối với các tháp Chăm, kỹ thuật xây dựng tháp thực chất là sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ của công nghệ xây dựng và điêu khắc. Mà biểu hiện vật chất của nó chính là tỷ lệ kiến trúc và nghệ thuật kết hợp kiến trúc với các dạng điêu khắc trang trí, đặc biệt là kỹ thuật xây dựng không mạch vữa. Qua đó nó thể hiện giá trị phi vật thể là nội dung thờ tự, tâm linh và cao hơn là ý nghĩa triết học của các đền tháp Chăm. Theo đó, việc nghiên cứu xác định được đúng kỹ thuật xây dựng tháp Chăm của người Chăm xưa sẽ giúp cho việc trùng tu được chuẩn xác, đưa ra được những phương tiện và phương pháp để bảo tồn trùng tu được tối đa các giá trị chân xác của di tích. Phương pháp tu bổ đó vừa đảm bảo được tính nguyên gốc, chính xác, phù hợp, cụ thể cho mỗi tháp và từng bộ phận chi tiết của các tháp Chăm. Ðồng thời qua đó có thể mở ra hướng trong nghiên cứu, tìm ra phương pháp xây mới có nhiều ưu điểm hơn phục vụ cho ngành xây dựng, thay thế cho lối xây bằng vữa xi măng + cát hoặc vôi + cát như hiện nay cũng như lý giải những ẩn số xung quanh các vấn đề như kỹ thuật, triết học, tâm linh... của người Chăm xưa. Ðiều này nhằm góp phần cho công cuộc trùng tu và phát huy các giá trị tại Mỹ Sơn nói riêng và các tháp có giá trị tại miền Trung nói chung.Như chúng ta đã biết, trong công tác trùng tu, đối với các tháp Chăm, yêu cầu bắt buộc của việc trùng tu ngoài nhiệm vụ hàng đầu là tu sửa khẩn cấp để bảo tồn kịp thời di tích và giá trị lịch sử của công trình cổ, còn đòi hỏi phải xây gạch theo kiểu cổ truyền của người Chăm xưa, tức là kỹ thuật thế nào đó để kết dính các viên gạch lại với nhau. Ngoài yêu cầu của độ bền vững ra, không còn để lộ khe hở, cũng như không để lộ cho thấy mạch hồ vữa của chất kết dinh (nếu có). Như thế, ngôi đền tháp sau khi phục chế mới không có sự khác biệt và giữ được nét đặc thù của tháp Chăm, đồng thời giữ được nét thẩm mỹ của màu sắc và hoa văn điêu khắc trên mặt tường ngôi tháp. Trên cơ sở đó, nhiều giả thuyết về kỹ thuật xây cất các ngôi tháp cổ của người Chăm xưa đã được đưa ra. Tuy nhiên một số luận cứ trong các giả thiết đó vẫn còn chưa rõ ràng và còn nhiều tranh cãi, mâu thuẫn làm vấn đề chưa ngã ngũ và đi đến tiếng nói chung. Vì vậy, qua nghiên cứu phân tích các thành phần hóa lý cũng như dấu tích còn lại trên bề mặt các Tháp cổ, cá nhân tôi và Cha là nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa - Hồ Xuân Em (đã mất) đưa ra một giả thuyết riêng. Giả thuyết có thể còn nhiều vấn đề cần tranh cãi và kiểm chứng, nhưng tôi cũng xin mạnh dạn đưa ra để cùng trao đổi nhằm góp phần vào tiếng nói chung trong công việc nghiên cứu và trùng tu các tháp.
Người Chăm xưa xây Tháp bằng gạch mộc chưa nung, tức là dùng những viên gạch còn sống, trong đó có chứa một ít cát (khoảng 10% - đây có thể là do nguồn đất sét làm gạch đặc thù hoặc cũng có thể do người ta pha vào khi làm gạch) nhúng nước rồi xát và ép chặt vào nhau để kết dính (điều này đã tạo nên một lớp vữa “giả tạo”. Thành ra cách xây này không vữa mà như là có vữa) rồi nung toàn khối. Trong đó, người Chăm xưa đã nghĩ tới phương pháp xây tháp theo nguyên tắc tạo ra một tổng thể đồng chất với bề dày tường lớn để có được lực liên kết bền vững nhất, đồng thời dễ dàng tạo ra được những tác phẩm điêu khắc có đường nét mỹ thuật cao. Nhưng vì đất sét là vật liệu lâu khô, lại phải nung qua lửa, đòi hỏi độ ẩm phải còn 20% trước khi nung nên người Chăm không thể đổ đất sét lỏng như hiện nay ta đổ bêtông mà trước tiên phải làm nên những viên gạch mộc, phơi qua vài ngày để gạch se lại, sau đó nhúng nước, xát và ép để viên này dính sát với viên kia, chồng lên và so le mí với nhau. Khi ngôi tháp xây xong thì toàn bộ ngôi tháp, nền và móng đã trở thành một tổng thể đất sét đồng chất (ngoại trừ một ít lanh tô hoặc trụ đá phải dùng trong kỹ thuật xây và có thể được xử dụng để gia cường sau khi xây). Tổng thể đất sét này được nung chín, tất nhiên sẽ có độ bền vững hơn là xây bằng gạch đã nung trước với hồ vữa, là 2 chất liệu khác nhau. Và cách xây và nung tháp của người Chiêm Thành thì bắt buộc phải “xây từ dưới lên trên và nung từ trên xuống dưới” nhằm tránh cho tháp khỏi bị đổ vì xây bằng gạch mộc.

Phần đỉnh tháp luôn luôn được xây nhỏ hơn phần đế và thân tháp để trọng tâm khó đổ ra ngoài. Vì vậy người Chăm xưa phải xây tường tháp rất dày từ 1m đến gần 2m. Cùng với việc xây từng đoạn xong để trong một ít thời gian cho gạch se cứng lại thì những yếu tố này góp phần làm giảm tải trọng bản thân của tháp lên các viên gạch. Xây tháp tới đâu thì đổ đầy đất ở trong lẫn ngoài lên tới đó, ngang với mặt tường đang xây, ém đất thật chặt để giữ tháp cho vững đồng thời để người thợ có điều kiện làm việc dễ dàng trong lúc xây và chạm khắc. Ðó cũng chính là một loại, vừa giàn giáo, vừa cốp pha (Scaffold and framework) trong ngành xây dựng, nhưng ngày nay thì người ta làm bằng gỗ và sắt. Sau đó thực hiện việc điêu khắc, trang trí trên gạch còn mềm ướt của Tháp. Xây tới đâu thì chạm khắc, trang trí tới đó. Có một điều, khi xây tháp phải đổ đất ở trong và ngoài ngôi tháp để giữ tháp cho vững, đồng thời làm phương tiện cho người thợ xây ngồi làm việc và lên xuống, ví dụ muốn xây một ngôi tháp có chiều cao 20m thì phải có diện tích mặt bằng để làm việc với đường kính là 30m, một ngôi tháp có chiều cao 10m thì phải có diện tích mặt bằng với đường kính 15m (vào khoảng 2/3 chiều cao), do đó nó có nhược điểm là ở những khu có tháp quây quần nằm gần sát nhau như ở Mỹ Sơn thì những ngôi tháp xây sau thường không được cao lắm.
Khi tháp xây lên tới đỉnh xong rồi lúc đó đỉnh tháp vẫn chừa lỗ trống chưa gắn vật trang trí vào. Người Chăm xưa để như vậy vài ngày cho gạch khô, se lại. Việc để cho gạch se khô lại (độ ẩm còn khoảng 20%) và việc pha thành phần cát vào trong gạch cũng là một kỹ thuật góp phần cho công đoạn nung tránh được sự nứt vỡ của vật liệu tại các mối liên kết. Sau đó bới dần đất ở phần đỉnh Tháp ra, chất cây khô chung quanh đốt cháy lên để nung phần đỉnh tháp cho chín. Khi phần đỉnh tháp đã được nung xong thì người ta bới đất để đốt lửa nung phần tháp tiếp theo ở dưới. Cứ thế, người ta đốt lửa nung dần từng phần cho đến hết phần chân tháp. Ðến đây, tháp đã khá vững chắc, người ta bới đất ở trong tháp ra để chất củi đốt lên nung thêm ở phần trong cho hoàn chỉnh, kết thúc công đoạn nung tháp. Ðối với đền tháp thì người Chăm xưa dùng phương pháp xây như trên. Còn đối với thành luỹ kiến trúc nhà ở, giếng nước và mồ mả thì người Chăm vẫn xây bằng gạch đã nung hoặc đá với vữa vôi + cát hoặc vôi với mật của đường mía. Trước đây ở Hội An, Thanh Chiêm và quanh tháp Bằng An có một đoạn thành và nhiều mồ mả của người Chăm xưa xây theo cách đó. Hiện nay, chỉ còn lại một ít giếng nước như giếng Bá Lễ, giếng Cô Tiên được xây bằng gạch nung với vữa vôi + đường.
Và cuối cùng, sau khi nghiên cứu để đưa ra giả thiết đó, tôi đã kiểm chứng bằng giải pháp thực nghiệm và thu được kết quả khả quan. Quá trình tiến hành thực nghiệm từ mô hình như sau: Tôi cho tiến hành xây và nung thử một ngôi tháp nhỏ bằng gạch mộc, có tỷ lệ gần đúng với tỷ lệ của ngôi tháp thật: cao 0,6m; rộng 0,3m; gạch cỡ :7cm x 4cm x 2cm. Ðịa điểm nung tại nhà Ông Lê Quốc Tuấn ở khối 5, Phường Thanh Hà, Hội An. Quá trình thực hiện xây và nung mô hình tháp đã được tôi thực hiện ghi hình lại. Kỹ thuật xây dựng được tiến hành theo đúng nguyên mẫu của giả thiết được đặt ra. Chúng tôi đã dùng những viên gạch mộc pha cát có kích thước như vậy nhúng nước rồi xát và ép để kết dính chúng lại với nhau. Sau đó thực hiện điêu khắc, trang trí trên mô hình của tháp, đợi vài ngày cho gạch se khô lại rồi nung toàn bộ ngôi tháp theo đúng phương pháp giả định đã được đặt ra. Ðó là chúng tôi cho nung phía bên ngoài và phía bên trong ngôi Tháp. Kết quả của quá trình thực nghiệm:
Công việc thực hiện điêu khắc cũng như việc xử lý, tạo hình các chi tiết trên Tháp được tiến hành khá dễ dàng trước khi nung vì được thực hiện trên gạch mộc.
Tháp sau khi nung nói chung là không khác biệt với Tháp Chăm cổ, rất vững chắc, không nghiêng, không đổ.
Cả ngôi tháp gần như không xuất hiện mạch vữa, tạo thành một khối gần như đồng nhất, có tính thẩm mỹ cao.Ðể góp phần gìn giữ, tôn tạo, nghiên cứu và phát huy các giá trị của khu di tích Mỹ Sơn, việc tìm hiểu kỹ thuật xây dựng các tháp Chăm cổ là một việc làm cần thiết không những cho hiện tại mà cũng cho cả tương lai. Do vậy, kính mong các nhà khoa học, nghiên cứu và các nghành liên quan:
Tiếp tục khảo sát thực địa, nghiên cứu, phân tích để kiểm chứng lại phương pháp xây tháp đã gợi ý.
Nếu thấy cần thiết, các nghành chức năng có thể tiến hành xây và nung thử một ngôi tháp lớn trên thực tế.Nếu với việc xác định đúng phương pháp, kỹ thuật xây dựng như vậy thì nó sẽ mở ra một phương pháp xây mới phục vụ cho ngành xây dựng, có nhiều ưu điểm hơn, thay thế cho lối xây bằng vữa xi măng + cát hoặc vôi + cát như hiện nay đồng thời điều đó sẽ là cơ sở rất quan trọng cho công tác trùng tu và là một bước tiến đặc biệt quan trọng trong quá trình nghiên cứu các tháp Chăm về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng suốt hơn một thế kỷ qua. Trên cơ sở thực hiện công việc nghiên cứu và thực nghiệm, mô hình về phương pháp và kỹ thuật xây dựng tháp bằng gạch mộc (gạch chưa nung, có pha cát) được thực hiện bằng cách nhúng nước rồi xát ép với nhau và thực hiện điêu khắc, trang trí trên gạch còn ướt đó, đợi cho gạch se khô lại rồi sau đó tháp được nung toàn bộ theo hình thức “Xây từ dưới lên và nung từ trên xuống” là một đề xuất. Rất có thể đó chỉ là một giả thuyết, còn nhiều vấn đề cần phải kiểm chứng và cũng vì rằng Chămpa là một phức hệ gồm nhiều tiểu quốc khác nhau nên từ ngày xưa cũng có thể có những kỹ thuật xây dựng khác nhau và cũng đã trải qua nhiều lần trùng tu trong quá trình tồn tại. Tuy nhiên, hy vọng giả thuyết này sẽ góp phần giúp các nhà khoa học và nghiên cứu có thể mở ra thêm một hướng mới trong công tác nghiên cứu xác định kỹ thuật xây dựng tháp.

http://mag.ashui.com/index.php/congdong/kysu/43-kysu/634-tim-hieu-ky-thuat-xay-dung-thap-co-cham-pa-tai-mien-trung-viet-nam.html
NHỮNG BÍ ẨN THÁP CHĂM
Ngang dọc miền Trung rất nhiều lần và lần nào cũng thế … tháp Chăm luôn gợi cho tôi những cảm xúc khó tả. Và thành thói quen, cứ có dịp về miền Trung tôi lại tìm đến tháp Chăm, bắt chuyện với những người đang trùng tu tháp, hỏi thăm các vị lo việc hương sự để mong được khám phá phần nào những bí ẩn của tháp. Không ít lần như thế tôi lại ra về và mang theo một bí ẩn khác của những ngôi tháp hầu như không đổi màu trước thời gian.
1. Những viên gạch kỳ lạ.Với mắt thường thì đó chỉ là những viên gạch mà chúng ta vẫn thường gặp nhưng chúng là nỗi băn khoăn triền miên của nhiều nhà nghiên cứu tháp Chăm. Là chất liệu duy nhất tính bằng đơn vị dùng để xây tháp nhưng các viên gạch này mang trong nó quá nhiều bí ẩn. Cùng một kích thước nhưng những viên gạch được đúc thí nghiệm theo quy trình thủ công hiện nay sẽ nặng hơn viên gạch Chăm cổ 1,3 lần. Độ bền chịu nén, độ dai va đập cùng những tính chất khác của gạch Chăm đều cao hơn gạch thông thường rất nhiều. Khi tạt nước vào một mặt bất kỳ của viên gạch Chăm thì các mặt còn lại thoát nước ra gần hết (điều này không xảy ra đối với gạch xây dựng thông thường). Một hướng dẫn viên du lịch “sống” lâu năm với tháp Chăm Mỹ Sơn cho biết nhiều viên gạch khi bị vỡ ra để lộ phần đất sống bên trong. Điều này có nghĩa là gạch chỉ được nung chín đều phần bên ngoài, bên trong vẫn còn “sống”. Điều kỳ lạ là phần “đất sống” bên trong những viên gạch gãy vỡ qua thời gian dài, dù nằm ngoài trời, chịu mưa chịu nắng vẫn không bị rả ra. Vậy, thành phần của chúng ngoài đất sét ra còn có những gì? Quy trình sản xuất gạch có gì khác thường? Các viên gạch này có góp phần vào quá trình làm tháp Chăm nhanh khô ráo sau những cơn mưa dầm?
2. Một thứ hỗn hợp kết dính chưa rõ thành phần.Điều dễ nhận thấy là những viên gạch tháp Chăm như được dán chặt vào nhau vì giữa chúng không có một đường lằn chứng tỏ có sự diện diện của vôi vữa. Đến nay người ta vẫn chưa biết rõ về chất kết dính này? Thành phần của nó gồm những gì? Phương thức tạo ra nó như thế nào? Khi dùng kỹ thuật “dán” chặt những viên gạch lại bằng chất kết dính thì, ngoài mục đích làm tháp vững chắc người ta còn có mục đích gì khác? Vì sao phải cần loại hỗn hợp kết dính này mà không dùng vôi vữa để xây tháp?

3. Một loại hình nghệ thuật tạo hình “rất ít xuất hiện” ở Đông Nam Á”.
Những hình trang trí ở tháp Chăm được tạo tác ngay trên gạch của thân tháp hoặc được đắp bằng sa thạch. Những hình tượng nghệ thuật sống động đó thể hiện một cách sinh động các nhân vật trong thế giới thần thoại Ấn. Điều này cho thấy sự tinh vi đến tuyệt diệu của nghệ thuật điêu khắc Chăm, đặc biệt là nghệ thuật tạo hình trên gạch. Có phải các nghệ nhân Chăm thực hiện kỹ thuật chạm trổ sau khi các tường gạch đã xây xong? Nếu như thế, những sai sót mắc phải trong quá trình tạo tác được giải quyết như thế nào? Những nghệ nhân điêu khắc là người kiêm luôn công việc xây dựng hay có hai nhóm thực hiện hai công đoạn nối tiếp nhau: xây dựng và trang trí? Phù điêu, tuợng trên tháp được tạo tác như thế nào? Giữa hỗn hợp kết dính “bí ẩn” với nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo hình Chăm có liên quan gì không?
4. Những khối gạch khổng lồ nhưng không bị nghiêng lún.Các tháp Chăm cao sừng sững nhưng dáng dấp thanh thoát; chỉ khi đến gần người ta mới thấy hết được vẻ đồ sộ của nó. Tháp hầu như là một khối đặc vì khoảng trống bên trong hầu như không đáng kể. Phần “ruột” của đa số các tháp chỉ vừa đủ chỗ cho một người hành lễ (một số tháp lớn thì bên trong cũng chỉ có một khoảng trống vừa đủ để người hành lễ đi một vòng quanh tuợng thần). Với chất liệu gạch và kiểu kiến trúc như thế chắc chắn sức nặng dồn lên nền móng là rất lớn. Thế nhưng các nhà kiến trúc Chăm đã xử lý móng như thế nào để giữ tháp đứng vững qua hàng trăm năm mà độ từ biến không biểu hiện ra ngoài thành sự cố nghiêng lún?
5. Những đền tháp qua hàng trăm năm bị thiên nhiên bào mòn nhưng không bị lộ chân móng?
Khu di tích thánh địa Mỹ Sơn nằm trong lòng chảo nên vấn đề này không khó lý giải. Riêng các tháp Chăm rải rác từ Bình Định đến Phan Thiết đều tọa lạc trên đồi cao nên chân móng của chúng đã đặt ra nghi vấn. Các ngôi tháp trên đồi này được xây dựng cách đây hơn năm trăm năm, thời kỳ các vị vua Chăm chuyển kinh đô từ Trà Kiệu vào Đồ Bàn. “Đất thánh của vương quyền Chămpa sau thế kỷ XIII có lẽ đã được dời vào vùng Đồ Bàn. Tuy nhiên vì tính chất đặc biệt quan trọng của nó, nên Mỹ Sơn hẳn không bị bỏ phế một cách đột ngột … sớm nhất cũng phải đến thế kỷ XV thì khu đất thánh này mới hoàn toàn bị bỏ hoang. Ấy là lúc vương quyền Chămpa đã dời đô về miền Phan Rang” [2: tr.20]. Qua mấy trăm năm trơ vơ giữa trời, hứng chịu biết bao trận mưa xối xả và những cơn gió mùa thổi tứ bề, chắc chắn đỉnh đồi phải bị bào mòn dữ dội, chân tháp theo đó cũng liên tục bị mài mòn, thế nhưng tháp Chăm vẫn không thấy dấu hiệu lộ ra chân móng. Phải chăng các nhà kiến trúc Chăm đã tính được độ lún của tháp theo thời gian để tháp không bị “tróc” ra khỏi ngọn đồi? Đều này khó có khả năng xảy ra vì trong xây dựng không ai dám phiêu lưu như thế? Vậy tháp Chăm “bình chân như vại” trên những đỉnh đồi bằng cách nào?
6. Một câu hỏi đặt ra từ kiểu dáng kiến trúc: Có phải Chăm pa đã từng giao lưu với phương Tây?Có vài trụ chống đỡ trong số các tháp của di tích Mĩ Sơn có kiểu dáng của kiến trúc Hi – La, đó là kết quả tiếp xúc văn hoá Chăm với văn hoá phương Tây hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Nếu có sự tiếp biến giữa văn hoá Chăm với văn hoá Hy La thì đó là sự tiếp biến do giao lưu trực tiếp hay thông qua lăng kính của văn hoá Ấn Độ?
7. Vì sao người ta “sợ hãi, kiêng dè khi nói đến hay đi qua” Tháp Chăm?
Vào cuối thế kỷ thứ VI, Đàn Hoà Chí, một vị tướng nhà Đường đánh được vào Mỹ Sơn nhưng khi trở về thì bị điên.
Trong đời sống dân gian hầu hết những câu chuyện kể lên quan đến tháp Chăm đều gieo nỗi ám ảnh và sợ hãi cho ngươi nghe.
Cho đến nay người ta vẫn còn sơ tháp Chăm: “người Jrai ở quanh khu vực này rất sợ Bang Keng. Họ (người dân buôn Jú và những vùng phụ cận) gọi đó là yang sang ia - nhà (của) thần nước. Tin theo tín ngưỡng cổ truyền, không chỉ có những người thuộc lớp tuổi trên 50 (trường hợp ơi Trinh) mà ngay cả những người còn trẻ, có học vấn, nhận thức nhất định (ama Trăng, 34 tuổi, cán bộ xã) cũng đều sợ hãi, kiêng dè khi nói đến hay đi qua Bang Keng(3).
8. Những điều nghe, thấy, đọc được về tháp Chăm.
* Về những viên gạch tự “rút nước”.
Trong dân gian, người miền Trung gọi gạch Chăm là “gạch vồ” có lẽ vì nó lớn như cái chày vồ. Những phát hiện gần đây cho thấy người Chăm đã sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau để làm gạch, kích cỡ các viên gạch ở mỗi nơi cũng khác nhau. Tại tháp Bang Keng thuộc địa phận buôn Jú, xã Krông Năng “gạch xây tháp có kích thước chủ yếu là rộng: 21,2cm; dài: 40,9cm; dày: 8,5cm; nặng: 14kg, nhưng đôi khi cũng có những viên nhỏ, mỏng hơn chút ít. Bằng mắt thường có thể nhận ra hai loại đất làm gạch khác nhau: loại thứ nhất pha cát nhiều hơn, viên gạch trắng, thớ có vẻ xơ; loại thứ hai được làm bắng đất đỏ, da mịn hơn và lòng trong đỏ”(3). Quanh khu vực tháp Yang Mum thuộc điạ phận Ayun Pa, Gia Lai các nhà điền dã đã được một linh mục cho xem “2 viên gạch đều có màu nâu đỏ, một viên hình vuông và một viên hình chữ nhật. Viên thứ nhất có kích thước 20 x 20 x 2,5cm. Viên thứ hai chúng tôi đo được: 24 x 12 x 7cm” cũng ở khu vực này họ đã tìm gặp được viên gạch “còn nguyên vẹn nhất, khoảng 85%, có kích cỡ rộng: 13cm; dài: 32cm; dày: 7,5cm; nặng: 5,5kg” (3). So sánh sơ bộ dưới đây cho phép chúng ta kết luận: gạch tháp Chăm không có một kích cỡ chung.

Nơi lấy mẫu Kích thước gạch
Dài
Rộng
Dày
Mỹ Sơn
31cm
17cm
5cm
Tháp Bang Keng, Gia Lai
40,9cm
21,2cm
8,5cm
Tháp Yang Mun, Gia Lai
20cm
20cm
2,5cm
24cm
12cm
7cm
32cm
13cm
7,5cm
Tại Mỹ Sơn “gạch Chăm có độ nung rất đều, không rắn lắm nhưng cũng không non. Có kích thước rất lớn khoảng 31cm x 17cm x 5cm. Chúng được xếp nằm khít nhau, không hề thấy mạch hồ dù rất mỏng” [2: tr.23]. Đoạn văn này đã nêu rõ một số đặc điểm của viên gạch Chăm. Điều đáng lưu ý ở đây là gạch “có độ nung rất đều, không rắn lắm nhưng cũng không non”. Do nung chín đều (tất nhiên chỉ quan sát bên ngoài) nên màu gạch giống nhau, sắc đỏ tươi. “Gạch không rắn lắm” sẽ có khả năng hút nước mạnh và tự rút nước nhanh. Một giả thuyết cho rằng sở dĩ tháp nhanh khô ráo là do trong quá sản xuất gạch, ngoài thành phần chính là đất sét ruộng, người ta còn gia thêm vỏ trấu cùng một ít vôi nung từ vỏ sò, vỏ ốc. Do có vỏ trấu nên khi nung xong, vỏ trấu cháy đi để lại những lỗ rỗng, viên gạch nhờ thế mà dễ thoát nước nhưng vẫn đủ độ chắc bảo đảm cho việc xây dựng tháp. Cũng có người cho rằng đất không lạ (vì khi xây thánh địa Mỹ Sơn người ta đã mang đất nhiều nơi về đó) nhưng kỹ thuật thì lạ. Chính kỹ thuật “đặc biệt” đã làm cho gạch Chăm có thành phần silic cao hơn gạch xây dựng thông thường rất nhiều và điều khác đáng lưu ý nữa là: bã thực vật trong những viên gạch Chăm cũng khá nhiều. Những viên gạch bị rơi ra, bị gãy vỡ thì dẫu không còn nằm trong cơ chế rút nước của tháp nhưng do thành phần cấu tạo đặc biệt nên tự thân chúng cũng nhanh khô ráo. Vì vậy, các mảnh vỡ của gạch dù nằm ngoài trời nhiều năm vẫn không bị mục rả. Liên quan đến hiện tượng tháp Chăm mau khô ráo sau những cơn mưa, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng chỉ mối tường tháp được xây bằng gạch nguyên vẹn, phần bên trong, giữa hai lớp tường “thường xây độn bằng gạch vụn được kết chặt lại bằng dầu Rái”. Nếu đúng như vậy thì nước mưa không thể thấm sâu vào thân tháp do dầu rái ngăn chận được nước. Như vậy, sau cơn mưa nước sẽ truyền theo thành tháp và rút xuống chân tháp khiến tháp nhanh chóng khô ráo. Một lý do khác nữa là kết cấu móng của tháp gồm đá tổ ong, sỏi, cát, tức toàn những vật liệu rút nước nhanh. Tháp Drang Lai ở Cheo Reo, “được nhắc đến như là một dấu tích về đền tháp của người Chăm… cái còn lại là “một cái nền đá ong và một chồng gạch” (3). Trên nền đất cũ của tháp Yang Mum “có rất nhiều mảnh gạch Chàm dùng để xây tường và rất nhiều mảnh đá ong thường được dùng để xây chân tháp… Tháng 6/1902, H. Parmentier đã đến và thấy các tháp ở khu rừng gần đấy bị che phủ bởi cây cối rậm rạp. Tháp (Yang Mum) được xây dựng trên nền đất đá ong; còn có một có bia, chữ còn đọc được và một hình Siva cưỡi trên con Nandin…”(3). Tương tự, trên nền cũ tháp Drang Lai (Drang Glai), “nay nằm trong nền nhà của ông Hà Văn Hồng (70 tuổi), khu phố 1 thị trấn Ayun pa… Người viết đã tìm thấy tại đây “9 viên đá ong khá nguyên vẹn, trong đó có 2 viên có 1 cạnh dọc được cắt lõm vào chừng 4cm để tạo gờ nối với những viên khác. Các viên đá ong này có kích cỡ tương đương nhau: 70 x 40 x 22cm”(3).
Có lẽ do những điều trên đây mà tháp Chăm mau khô và không bị rêu bám?
* Về hỗn hợp kết dính cổ xưa và nghệ thuật trang trí độc đáo.
Người ra đoán rằng thành phần chính của hỗn hợp kết dính đó là dầu Rái. “Về kỹ thuật xây dựng đền tháp, xưa kia, người Champa đã dùng một loại nhựa cây, mà cư dân địa phương ngày nay gọi là dầu Rái, tên khoa học là Dipterocarpus Alatus Roxb., để kết dính những viên gạch lại với nhau trong kết cấu tường tháp. Cây dầu Rái được trồng thành rừng tại miền Trung, thân cây tròn và thẳng; loại nhựa cây này có thể khai thác hàng năm với dung lượng lớn; có độ kết dính rất chặt và bền; hoàn toàn không thấm nước. Nhựa cây này rất dễ xử dụng, đem trộn dầu Rái với đất sét khô hay bột gạch, chúng sẽ tạo thành một loại vữa dễ khô cứng dưới nắng” [2: tr.14]. Một người thợ trùng tu tháp Nhạn (Phú Yên) cho biết thứ hỗn hợp đó gồm nhựa cây, xỉ mật, vỏ các loại sò, ốc và vài thứ khác chưa rõ. Nhựa cây ở đây có thể là nhựa dầu Rái, xỉ mật có thể lấy được trong quá trình ép mía làm đường vì khu vực miền Trung có nhiều vùng đất thích hợp cho cây mía. Tuy nhiên bí quyết làm thế nào để các chất liệu trên trở thành hỗn hợp kết dính thì hầu như chưa được phổ biến. Cũng theo lời những người thợ trùng tu tháp Nhạn, hiện nay họ phải dùng xi măng Nhật thay cho hỗn hợp kết dính cổ truyền này. Nói chưa được phổ biến vì ở Mỹ Sơn, người ta vẫn còn trông thấy một số thợ người Chăm nối các phiến đá có phương ngang theo kỹ thuật móc chữ T kết hợp đổ một thứ keo “bí mật” có độ kết dính cao vào; khi khô thì loại keo này “cứng như sắt”.
Độ kết dính giữa các viên gạch không chỉ do hỗn hợp kết dính mà còn do một kỹ thuật khác nữa - kỹ thuật mài chập. Các viên gạch được mài vào nhau đến khi mặt tiếp xúc thật khít và sau khi cho hỗn hợp kết dính vào giữa người ta còn tiếp tục mài vài lần nữa để tạo sự kết dính hoàn toàn trên bề mặt các viên gạch. Như vậy, có thể xác đoán hỗn hợp kết dính đó phải là chất lỏng sền sệt giống như hồ hoặc keo lỏng. Có nhà nghiên cứu gọi đó là “keo thực vật”.
Sở dĩ người Chăm dùng thứ hỗn hợp kết dính trên thay cho vôi vữa là có lý do. Vấn đề này liên quan đến kỹ thuật xây dựng và trang trí tháp. Về kỹ thuật xây dựng tháp, hỗn hợp kết dính (kết hợp kỹ thuật mài chập) tăng sự vững chãi và độ bền của tháp. Quy trình xây tháp và trang trí trên tháp được tiến hành gần như song song, tức là xây đến đâu là trang trí đến đó. Giả thiết cho rằng người ta xây lên một khối gạch lớn rồi nung thành ngôi tháp là không có sức thuyết phục. Theo những người làm gạch thủ công thì điều này không thể làm được vì khó có thế nung chín đều cả khối gạch mà chỗ mỏng nhất 6 tấc, chỗ dày nhất đến 3 mét và cao trên chục mét. Đó là chưa kể những viên gạch chưa nung ở lớp dưới cùng khó có thể chịu đưng được trọng lượng của cả khối gạch khổng lồ ở bên trên. Giả thiết khác cho rằng “sau khi tường tháp đã được xây lên, những nhà điêu khắc mới bắt đầu chạm trổ hoa lá, hình người…” [2: tr.24] cũng đặt ra một số nghi vấn như đã nêu ở mục 3. Để tạo tác hình tượng trên tháp, người thợ phải tiến hành khắc gọt các chi tiết hình khối của hình tượng nghệ thuật trên từng viên gạch rồi lắp dần vào. Tất cả những viên gạch (ở mỗi tháp) được làm giống nhau về kích cỡ và chất lượng. Quy trình xây tháp được tiến hành từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài. Công đoạn tạo hình chỉ thực hiện ở lớp ngoài cùng của tháp. Tất cả các khuôn mẫu của phù điêu và tượng nằm trong tâm thức của những nghệ nhân tạo hình. Chỉ những người thợ lành nghề và am hiểu nghệ thuật tạo hình của văn hoá Chăm mới tham gia phần trang trí vì chỉ có họ mới có thể phát hiện những viên gạch bị tạo tác lỗi và dứt khoát vứt nó đi để tạo tác viên khác. Từng viên, từng viên được lắp kế tiếp nhau, và cũng chỉ có loại hỗn hợp kết dính “đặc biệt” mới giúp các nghệ nhân lắp ghép chính xác các mẩu mảnh rời rạc thành hình khối sinh động. Rõ ràng, việc lựa chọn “keo thực vật” còn do yêu cầu của kỹ thuật trang trí chứ phải không chỉ do yêu cầu của kỹ thuật xây dựng. Bằng cách này, các tháp Chăm có được “những kiểu thức kiến trúc đa dạng, những kiểu cách hoa văn trang trí độc đáo”, thể hiện tài hoa của “những bậc thầy” về nghệ thuật xây gạch. Chúng ta thử tưởng tượng, nếu các phù điêu, các tuợng trên thành tháp, nóc tháp mà lồ lộ ra những mạch hồ thì còn gì là nghệ thuật! Lại nữa nếu như thế thì các mạch hồ làm sao có thể chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt của miền Trung qua hàng trăm năm.
* Về nền móng vững chãi của tháp.
Trong thuật ngữ xây dựng, khái niện từ biến để chỉ sự biến đổi hình dạng, trạng thái của công trình dưới sức nặng của khối vật liệu được sử dụng. Hầu hết các công trình kiến trúc đều có hiện tượng từ biến, nhưng do tính toán trước nên người ta không để xảy ra sự cố đáng tiếc. Với tháp Chăm, các nhà kiến trúc Chăm đã xử lý móng như thế nào để tránh hiểm hoạ của hiện tượng từ biến. Nói rõ hơn, trong khi một số tháp ở Thái Lan có hiện tượng nghiêng thì nhờ đâu mà các tháp Chăm ở Việt Nam không bị nghiêng lún. Theo những người trùng tu tháp Chăm ở Phú Yên và Khánh Hoà thì trước khi xây tháp, các nhà kiến trúc Chăm đã “khảo sát địa chất” một cách kỹ lưỡng. Vị trí xây tháp lý tưởng là phía dưới chân tháp có một khối đá tảng to lớn. Một khối gạch dù nặng nề đến mấy cũng chẳng gây được hiệu ứng từ biến khi được đặt trên khối đá Granit bệ vệ, vững chãi. Ở những nơi không tìm được khối đá tảng phía dưới thì người ta phải gia cố móng theo cách tạo “khối đá” nhân tạo. Những vùng có đá tổ ong cũng được xem là “địa thế tốt” để xây tháp. Có lẽ đây là một trong những nguyên do mà đa số tháp Chăm dọc miền Trung và Tây Nguyên được xây dựng trên vùng đồi núi hoặc nơi chỗ đất cao có đá tổ ong.
Để bảo vệ chân móng của tháp không bị “tróc” ra khỏi mặt đất trước sự bào mòn của mưa gió, các nhà kiến trúc Chăm đã làm phép tính có giá trị đến hàng nghìn năm. Năm 1998, khi đến tháp Nhạn (Phú Yên), một nghệ nhân gốc Chăm đang trùng tu tháp cho chúng tôi biết phần móng nằm rất sâu trong lòng đất, có nơi bằng hoặc hơn “phần bảy, phần mười” chiều cao lộ thiên của tháp. Nếu sự thực như vậy thì tháp phải được xử lý thoát nước tốt để phần chìm không bị hủy hoại. Trong thực tế, những ngôi tháp ở Mỹ Sơn cũng luôn nằm ở vị trí cao nhất trong thung lũng. Năm 2002, khi đến Mỹ Sơn, một hướng dẫn viên “tiết lộ” phần móng của các tháp ở đây cũng sâu từ 1,5m đến 2m. Tháp vững chãi và không nghiêng còn do chân tháp có một hệ thống trợ lực ngoại vi. Điều này đã được xác nhận qua lần khai quật mới đây (tháng 8/2008) tại tháp Bình Lâm (Bình Định). “Đặc biệt kết quả khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ hệ thống bó chân tháp bằng gạch dày 1,25m, phần cao nhất hiện còn 0,8m. Bó chân tháp được xây giật cấp và bẻ góc từ hai bên cửa giả phía Nam và phía Bắc ôm vòng qua trước tiền sảnh của vòm cửa chính…. Phần bó chân tháp bị chôn sâu trong lòng đất khoảng 1,5m. Đây là một phát hiện mới đối với kiến trúc tháp cổ Champa ở Bình Định” (4). Như vậy, lời của những người thợ trùng tu tháp Nhạn nói cách đây hơn 10 năm là có cơ sở! Và có thể họ còn biết nhiều điều bí ẩn khác nữa về tháp Chăm.
* Về các trụ có kiểu dáng kiến trúc Hy La ở khu thánh địa Mỹ Sơn.
Thật khó xác định những cây trụ này hiện diện ở khu thánh địa Mỹ Sơn bằng cách nào. Nếu có sự giao lưu trực tiếp giữa Chăm pa với phương Tây (chỉ có thể bằng đường biển) thì hiện tượng tiếp biến văn hoá có tính đơn lẻ như vậy thật hiếm thấy trong khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ. Nếu tiếp biến qua lăng kính văn hoá Ấn Độ thì các trụ này phải thuộc phong cách kiến trúc “phi Ấn”.
Chúng ta đã biết, trong vòng 7 thế kỷ xây dựng (từ TK. VII đến TK. XIII), Mỹ Sơn dung hợp nhiều kiểu kiến trúc truyền thống trong khu vực. Nghệ thuật kiến trúc ở đây thể hiện rất rõ quá trình chuyển hóa của nghệ thuật Champa. Đầu tiên và rõ nét nhất là phong cách kiến trúc Ấn Độ, tiếp đó là phong cách Indonesia qua kiểu dáng đền Pravanan, kiến trúc Campuchia với kiểu dáng Ăng co vat, kiến trúc Phật giáo đại thừa Việt Nam thời Lý Trần qua hình tượng các đài sen, và sau cùng là kiến trúc Hồi giáo. Các đền tháp thuộc khu thánh địa Mỹ Sơn, do vậy, được xây dựng theo các kiểu dáng một cách có hệ thống. Nhóm Mỹ Sơn E1 và F1 theo kiểu cổ đại hay kiểu Mỹ Sơn E1 (
thế kỷ 8). Nhóm Mỹ Sơn A2, C7 và F3 theo kiểu Hòa Lai (cuối thế kỷ 8 - đầu thế kỷ 9. Nhóm Mỹ Sơn A10, A11-13, B4, B12 theo kiểu Đồng Dương (cuối thế kỷ 9 - đầu thế kỷ 10). Nhóm Mỹ Sơn B5, B6, B7, B9, C1, C2, C5, D1, D2, D4 kiểu Mỹ Sơn A1 (thế kỷ 10). Nhóm Mỹ Sơn E4, F2, nhóm K theo kiểu chuyển tiếp Mỹ Sơn A1-Bình Định (đầu thế kỷ 11 - giữa thế kỷ 13). Nhóm Mỹ Sơn B1 và các nhóm G, H kiểu Bình Định (cuối thế kỷ 11 - cuối 3). (Các chũ cái La tinh A, B, C dùng để đánh dấu đền tháp nhằm giúp cho quá trình khảo sát được dễ dàng chứ không hàm nghĩa xếp loại thứ tự nào cả). “Ðền - tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng và tu bổ liên tục từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 13 … Các vương triều Champa sau khi lên ngôi thường xây dựng thêm hoặc tu bổ lại các đền thờ của các triều vua trước để tỏ lòng kính ngưỡng tiền nhân và chư thần hộ trì vương quốc” (5). Những cứ liệu này cho phép suy luận: hiện tượng tiếp thu và tổng hợp các kiểu kiến trúc gắn với tôn giáo, tín ngưỡng trong khu vực Mỹ Sơn là lẽ đương nhiên. Hơn nữa, Chăm pa nằm ở vị trí “trung lộ” của Đông Tây nên sự hiện diện của một trong các phong cách kiến trúc vừa nêu là điều dễ hiểu. Vấn đề còn lại là xác định các trụ trên thuộc phong cách kiến trúc nào? Ấn, Indonesia, Hồi hay Hy La?
Trước hết, hình bát giác của các trụ tự “khai nhận” mình không thuộc nhóm trụ tròn hoặc vuông của các đền chùa Đông Nam Á. Hình dáng đó gần với nhóm trụ Hy La. Nhưng nếu trụ La Mã thì vát bản to hình tròn, nếu trụ Hy lạp thì phần đáy tum như hình thoi; còn ở đây trụ lộ những góc hình tam giác và đặc biệt là sự hiện hiện của ngôi sao (một biểu tượng trên quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ - vùng đất mà có thể kiến trúc Hy-La “quá cảnh” trên đường đến Ấn Độ). Về mặt trang trí thì các trụ này trụ chỉ được trang trí một ít lá và hoa ở phần chân và đỉnh, không trang trí trên toàn thân cột. Đây là kiểu trang trí theo quy luật Hồi giáo. Kiểu trang trí này cũng có thể bắt gặp ở những khoảng tường trơn (không trang trí) trên một số tường tháp gần đó (có người cho rằng những khoảng trơn đó là “khoảng vắng” của nghệ thuật nhưng biết đâu lại là chỗ đánh dấu sự hiện diện của mỹ thuật Hồi giáo).
Đa số các trường hợp giao thoa, tiếp biến văn hoá thời trung cổ, đền đài là nơi thể hiện đặc điểm kiến trúc của nền văn hoá được tiếp nhận. Thánh địa Mỹ Sơn cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, đối với các trụ có kiểu dáng không thuộc phong cách Hy-La, cũng không hoàn toàn mang phong cách Hồi giáo như đã khảo sát thì phong cách kiến trúc mà người Chăm pa tiếp nhận ở đây thuộc nền văn hoá nào? Có lẽ phải chấp nhận tên gọi các trụ trên là “Hy - La - Hồi” như một số nhà nghiên cứu đã từng gọi. Và như vậy, các trụ đó thuộc một phong cách kiến trúc mà yếu tố Hồi giáo đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ Hy-La qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Ấn Độ. Khi đến Chăm pa yếu tố này vẫn giữ nguyên tính chưa ổn định về bản sắc của nó.
* Về sự linh thiêng của Tháp Chăm.
Có nhiều lý do đưa đến sự linh thiêng của tháp Chăm. Đối với người Chăm ở miền Trung thì tháp vừa là kiến trúc tôn giáo vừa là lăng mộ (kalan). “Ðền-tháp ở Mỹ Sơn được xem như tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo Champa. Ngôi đền chính hay Kalan là kiến trúc quan trọng nhất trong quần thể đền-tháp. Kalan tượng trưng cho một tiểu vũ trụ. Theo quan niệm của Ấn Ðộ giáo, Kalan có 3 phần:
Ðế tháp gọi là Bhurloka tượng trưng cho thế giới trần tục.
Thân tháp gọi là Bhuwarloka tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi con người tự thanh tịnh chính mình để có thể tiếp xúc với tổ tiên đã hòa nhập với thần linh;
Mái tháp gọi là Swarloka tượng trưng cho thế giới thần linh, nơi chư thần tụ tập”(5).
Trong Hin-đu giáo, Bàlamôn được xem là hình thức phát triển tiếp theo của đạo Vêđa. Bàlamôn giáo giữ vai trò đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Chăm. Bàlamôn giáo đi tìm chân lý đưa đến sự giải thoát. Chân lý đó là sự gặp gỡ giữa linh hồn cá thể (Atma) với linh hồn vũ trụ (Brahma). Linh hồn vũ trụ (Brahma) còn có nghĩa là Đại Hồn, là nguồn gốc của vũ trụ, là chúa tể của các vị thần, là đấng Tuyệt Đối. Brahma có quyền năng tối cao, hiện thân trong một thể gồm 3 ngôi: Thần Sáng Tạo (Brahma), Thần Bảo Tồn (Visnu), Thần Phá Hủy (Siva). Con người được giải thoát khi linh hồn cá thể tìm gặp được Đại Hồn, tức là đã nhập thân vào linh hồn vũ trụ.
Các tháp Chăm dọc miền Trung toạ lạc trên những đỉnh đồi cao, chung quanh có phong cảnh đẹp đẽ. Toàn cảnh tháp Chăm toát lên vẻ đẹp thanh thoát, tĩnh lặng. Tháp vừa là lăng mộ vừa là đền thờ thần, và là nơi tiến hành các nghi lễ thần thánh. Tất cả những yếu tố đó cho thấy tháp không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo nghệ thuật mà còn là hiện thân của triết lý giải thoát. Tháp là cầu nối giữa cuộc sống trần thế với đấng toàn năng Brahma. Tháp là nơi chuyển tiếp để linh hồn cá thể hoá thân vào linh hồn vũ trụ. Đó là “không gian thiêng” để con người từ biệt cõi trần, đi vào thế giới của đấng toàn năng.
Thung lũng Mỹ Sơn được người Chăm gọi là vùng đất thiêng, là vùng đất đã dâng cho thần (vì vậy trong suốt quá trình xây 72 đền tháp ở đây, vật liệu không được lấy trong thung lũng mà phải chuyển từ ngoài vào). Thực chất quần thể di tích kiến trúc Mỹ Sơn là “thánh địa” của các thầy tu (tăng lữ) và giới quý tộc. Giới này tin (và phải tin) rằng có Brahma - hiện thân của quyền năng tuyệt đối mà bất cứ ai cũng phải nể sợ. Trong vùng đất thiêng này có núi thiêng; trong núi thiêng có suối thiêng, trong suối thiêng có nước thiêng. Nước thiêng để dâng cúng và “tắm” cho tượng thần. Không ai được đến gần hay “dẫm” lên những cái thiêng ấy.

Đồng bào ‘Cao Nguyên’ sợ tháp Chăm vì tin rằng đó là nơi cư ngụ của thần nước; ở đó có Yang hay Yàng tức là Trời.
Đàn Hoà Chí bị điên sau khi giáp mặt với Mỹ Sơn có lẽ cũng do khủng hoảng tư tưởng. Đó là sự bế tắc không sao giải toả nổi trong tâm thần của một “trí nhân quân tử” vốn được lĩnh hội một cách bài bản nền văn hoá (Trung Hoa) trừu tượng lại bất ngờ đối diện với một nền văn hoá (Chăm) cụ thể đến “ghê hồn”.

Người chuyên trùng tu đền tháp Chăm Pa
Đó là ông Lý Văn Huân hơn 60 năm tuổi đời, trên 30 năm tuổi nghề và 21 năm gắng bó với các dự án gia cố, chống xuống cấp, trùng tu, tôn tạo tháp cổ, ông là bên B duy nhất thi công gia cố, trùng tu toàn bộ tháp Chăm Bình Định.
Vốn kiệm lời không thích nói về mình, nghiêm khắc, đôi khi hơi khó tính, “nói như đinh đóng cột” và nói đi đôi với làm, nhưng ông là người rất có uy tín không chỉ trong giới thầu xây dựng, trong đội ngũ công nhân lao động, mà còn được tín nhiệm cao đối với các chủ đầu tư công trình xây dựng dân dụng, công sở đến công trình cấp thoát nước… đặc biệt trong lĩnh vực gia cố, chống xuống cấp, trùng tu, tôn tạo tháp cổ Chăm Pa.
Công việc bảo tồn, gia cố, chống xuống cấp tháp cổ Chăm Pa Bình Định đã được chính quyền Sài Gòn triển khai từ những năm 1960, và có một số tháp đã được gia cố như: tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên. Thế nhưng, công tác bảo tồn những di sản quý giá ấy thực sự được quan tâm đúng mực kể từ khi xí nghiệp tu bổ di tích Trung ương phối hợp với các chuyên gia Ba Lan khảo sát, nghiên cứu toàn bộ hệ thế tháp cổ Chăm Pa vào năm 1984 và bắt đầu thi công gia cố, chống xuống cấp năm 1985.
Từ những ngày đầu tiên, ông Lý Văn Huân đã tham gia cùng với chuyên gia Ba Lan và xí nghiệp tu bổ di tích Trung ương chống xuống cấp tháp Đôi, tháp Dương Long bằng cách neo thép POK các khối điêu khắc đá dễ bị rơi đổ và gia cố chân tháp bị sạt lở. Ngoại trừ tháp Hòn Chuông nằm trên đỉnh núi Bà (Cát Tài - Phù Cát) chưa được trùng tu, còn lại 7 cụm 13 tháp Chăm Bình Định đều do bàn tay ông gia cố trùng tu trong suốt hơn 20 năm qua. Hiện nay, ông đang giữ kỷ lục người có thời gian tham gia vào số lượng dự án thi công gia cố, trùng tu tháp cổ Chăm Pa nhiều nhất nước.
Việc thất truyền kỹ thuật xây dựng tháp Chăm Pa đã dẫn đến không ít khó khăn trong công tác trùng tu. Hai cơ quan Trung ương tư vấn thiết kế trùng tu tháp cổ là: Xí nghiệp tu tổ di tích Trung ương và Trung tâm Triển khai và tư vấn xây dựng Miền Trung – Viện Khoa học Công nghệ xây dựng đã có những luận chứng khoa học khác nhau về giải pháp trùng tu (khác nhau về chất keo dính, về chất phụ gia, kích cỡ gạch, và cả nguyên tắc trùng tu).
Do vậy, trên cơ sở thiết kế dự toán của các cơ quan tư vấn Trung ương, mỗi tỉnh có một phương pháp trùng tu khác nhau. Trong nhưng năm qua, cả hai cơ quan tư vấn thiết kế trung ương đều chưa lập được một thiết kế, dự toán trùng tu cụ thể, đầy đủ một cách tương đối trong điều kiện có thể, đôi khi còn thiết kế trùng tu sai lệch nguyên gốc di tích. Do vậy, thiết kế trùng tu cần được hoàn chỉnh trong quá trình thi công. Nếu thiếu lương tâm nghề nghiệp, người trùng tu có thể dựa trên thiết kế chưa chuẩn xác ấy thi công sai lệch nguyên gốc di tích hoặc làm gian dối để có lợi nhuận cao hơn. Đó là điều tối kỵ trong nguyên tắc trùng tu di tích.
Nhiều năm qua cố chống xuống cấp các tháp, sáu năm trùng tu tháp Đôi, (1991 - 1996), tám năm trùng tu cụm tháp Bánh Ít (1997 - 2004), “nghề dạy nghề”, ông đã có nhiều tìm tòi, sáng kiến trong kỹ thuật trùng tu tháp cổ. Cho đến hiện nay. Bình Định được các nhà nghiên cứu Chăm Pa và các chuyên gia bảo tồn di sản văn hóa đánh giá là địa phương trùng tu tháp cổ Chăm Pa tốt nhất. Nhiều đoàn cán bộ của các tình Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa… đã đến tham quan học tập phương pháp trùng tu tháp Chăm Bình Định. Để có được thành công ấy, không thể không nhắc đến sự đóng góp rất lớn cả tâm và lực của ông Lý Văn Huân.
Hai bố con anh Trần Văn Châu - thợ chạm đá, có 10 năm làm việc cho ông Huân và vợ chồng ông Hồ Sỹ Hùng – thợ hồ, gần 30 năm đi theo ông Huân thi công từ các công trình dân dụng đến trùng tu tháp đều nhận xét rằng: “Ông là người chắc thiệt, và luôn chính xác như đồng hồ – tháng nào cũng vậy, ngày 15 làm lương là ngày 16 nhận tiền”.
Với tuổi U70 (dưới 70), lẽ ra ông đã “nghĩ hưu” sau khi hoàn thành dự án trùng tu cụm tháp Bánh Ít. Thế nhưng, được sự tín nhiệm của ngành Văn Hóa - Thông tin yêu cầu ông tiếp túc công tác, và có lẽ “ma Hời” vẫn chưa muốn cho ông nghĩ ngơi. Nên ông lại nhận thầu trùng tu, tôn tạo tháp Cánh Tiên. Hằng ngày (ngoại trừ ngày chủ nhật), từ tờ mờ sáng ông chạy xe máy gần 30 cây số từ Qui Nhơn lên tháp Cánh Tiên, trèo lên giàn giáo cao gần 30 mét để kiểm tra công việc ngày hôm trước và hướng dẫn thi công ngày hôm sau. Hiện nay, ông đang tư vấn thi công trùng tu cụm tháp Dương Long đợt một với kinh phí là 4 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh tháp Dương Long khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Đặng Hữu Thọ - giám đốc bảo tàng tổng hợp, phó ban trực bên chủ đầu tư các dự án trùng tu tháp cổ Chăm Pa Bình Định cho rằng: “về trùng tu tháp cổ Chăm Pa Bình Định, khó mà tìm được một B thứ hai am hiểu và tận tâm như ông Lý Văn Huân”.

Phong cách kiến trúc Champa
http://www.zenarch.vn/home/detail.php?iCat=39&iNew=82&module=newshttp://www.vanhoahoc.com/site/index.php?option=com_content&task=view&id=1132&Itemid=73
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huỳnh Thị Được Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ, NXB. Đà Nẵng, 2005.
2. Trần Kỳ Phương Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm, NXB. Đà Nẵng, 1988.
3.http://inrasara.com/index.php/2008/03/08/nguy%E1%BB%85n-quang-tu%E1%BB%87-phat-hi%E1%BB%87n-them/
4.http://vannghesongcuulong.org/vietnamese/tintuc_chitiet.asp?TTID=1830
5.http://www.vanhoahoc.com/index.php?option=com_content&task=viewid=851&Itemid=73
6.http://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BB%B9_S%C6%A1n

http://kientrucxd.blogspot.com/2009/07/thap-cham.html

http://nguyentienquang-huongtram.blogspot.com/2011/10/nguoi-cham.html  

Người Chăm

Người Chăm, còn gọi là người Chàm, người Chiêm Thành, người Chiêm, người Hời..., hiện cư ngụ chủ yếu tại Campuchia, Việt Nam, Malaysia, Thái LanHoa Kỳ. Dân số tại Việt Nam theo điều tra dân số 1999 là 132.873 người; theo tài liệu của Ủy ban Dân tộc Chính phủ Việt Nam năm 2008 là khoảng hơn 145.000 người, xếp thứ 14 về số lượng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cham woman.jpg
Phụ nữ người Chăm với trang phục truyền thống
Khu vực đông người sinh sống
 Campuchia 270.000
 Việt Nam 145.235
 Lào 15.000
 Malaysia 10.000
 Thái Lan 15.000
Cờ Hoa Kỳ Hoa Kỳ 200
 Pháp 1.000
 Ả Rập Saudi 100

Lịch sử

Người Chăm là một dân tộc đã từng có một quốc gia độc lập, hùng mạnh trong lịch sử; có nền văn hóa phát triển; có quan hệ đồng tộc, đồng tôn với các cộng đồng Chăm ở các nước khác như Campuchia, Thái Lan, Malaisya, Mỹ, Pháp, Australia, Canada,...Ở Việt Nam người Chăm có quan hệ gần gũi với nhóm dân tộc như Ê Đê, Gia Rai , Chu Ru , RaGlai.
Trước thế kỷ thứ 7 có vương quốc Lâm Ấp từ năm Sơ Bình thứ 3 nhà Hán (192) đến năm Đại Nghiệp thứ 1 nhà Tùy (605). Sau năm 605, tình hình nước Chăm Pa không rõ cho đến thế kỷ thứ 8. Các tên gọi khác nhau của vương quốc này theo văn bia tiếng Phạn và tiếng Chăm cổ là Campanagara, Nagara Campa, Nagar Cam. Còn sử sách Trung Quốc gọi là Lâm Ấp quốc (phiên âm theo tiếng Bắc Kinh hiện nay là Lin-yi-guo), Chiêm Bà Quốc, Hoàn Vương QuốcChiêm Thành quốc. Vương quốc này bắt đầu suy tàn từ đầu thế kỷ 15 sau cuộc can thiệp do quân đội nhà Minh dưới sự chỉ huy của vua Vĩnh Lạc Đế đối với ba triều đài: nhà Hậu Trần (Đại Việt), nhà Hồ (Đại Ngu) và triều đại Vijaya (Chăm Pa). Sau khi quân đội nhà Minh rút về, vương quốc Chăm Pa được phục hồi nhưng chia thành 2 tiểu vương quốc: Tiểu vương quốc Vijaya (Đồ Bàn: 1428-1471) và Tiểu vương quốc Panduranga (Phan Rang: 1433-1832). Tiểu vương quốc Vijaya bị quân đội Đại Việt tiêu diệt dưới sự chỉ huy của vua Lê Thánh Tông để thôn tính đất đai vào năm Hồng Đức thứ 2 nhà Lê tức năm 1471). Năm đó, tiểu vương quốc Panduranga cũng trở thành chư hầu của Đại Việt. Năm Hiển Tông thứ 2 chúa Nguyễn (năm Chính Hòa thứ 14 nhà Lê tức năm 1693), Nguyễn Hữu Cảnh đã một lần chinh phục Tiểu vương quốc Panduranga, đổi tên Chiêm Thành quốc thành Thuận Thành trấn, rồi đổi Thuận Thành trấn thành Bình Thuận phủ. Nhưng, năm 1694, trong khi Nguyễn Hữu Cảnh tây chinh đánh Campuchia, tướng người Chăm tên Ốc Nha Đạt và tướng người Thanh tên A Ban đã tập hợp được đông đảo lực lượng người Chăm Pa, nổi dậy và tiêu diệt toàn bộ lực lượng chúa Nguyễn tại đây. Chúa Nguyễn (vua Nguyễn Hiển Tông tức Nguyễn Phúc Chu) đã bất đắc dĩ cầu hòa với người Chăm Pa và cho phép người Chăm Pa phục hồi Thuận Thành trấn (Khu Tự trị Chăm Pa). Hòa ước giữa chúa Nguyễn và chúa Chăm Pa được ghi rõ trong Nghị Định Ngũ Điều vào năm Hiển Tông thứ 21 (năm Vĩnh Thạnh thứ 8 nhà Lê tức năm 1712) và được duy trì cho đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Sau cải thổ quy lưu (giải thể khu tự trị) vào năm 1832, một số người Chăm liên minh với Lê Văn Khôi, nổi dậy để phục hồi Thuận Thành trấn nhưng kết thúc thất bại. Hậu duệ của chúa Chăm Pa có ông Dụng Gạch, một vị hoàng tử anh hùng, phó chủ tịch ủy ban hành chính lâm thời huyện Hòa Đa (Bắc Bình ngày nay) phụ trách miền núi sau Cách mạng tháng Tám.
Chăm Pa thừa kế Lâm Ấp được thành lập sau cuộc nổi dậy của một viên quan địa phương (quan Công Tao) tên là Khu Liên (Kiu-lien) chống lại chính quyền nhà Hán năm 192 tại huyện Tượng Lâm, thuộc quận Nhật Nam (ngày nay là Huế). Lãnh thổ của Chăm Pa ngày nay thuộc thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và một số vùng Tây Nguyên. Lâm Ấp chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa và tôn giáo Trung Quốc nhưng sau các cuộc chiến với quốc gia láng giềng Phù Nam, cũng như sự thôn tính lãnh thổ của quốc gia này vào thế kỷ 4, đã hòa trộn văn hóa Ấn Độ. Theo văn bia tiếng Phạn tại Mỹ Sơn, vua Chăm Pa và vua Campuchia đều là hậu duệ của hoàng tử Asvattaman, một anh hùng lưu vong bạc mệnh trong sử thi Ấn Độ Mahabarata thuộc nhà Kuru. Riêng, các chúa Panduranga thì thuộc dõng Pandu nên Chăm Pa (Vijaya, thuộc nhà Kuru) và Panduranga (thuộc nhà Pandu) vốn là 2 quốc gia thù địch với nhau. Sử sách Trung Quốc luôn ghi rõ 2 nước Chiêm Thành (Chăm Pa) và Tân Đồng Long (Panduranga) là 2 quốc gia riêng.
Lịch sử của vương quốc Chăm Pa là các cuộc xung đột với Trung Quốc, Đại Việt, KhmerMông Cổ, cũng như xung đột nội bộ. Chính là do các cuộc xung đột này mà Chăm Pa mất dần lãnh thổ vào tay Đại Việt, một quốc gia có tổ chức chính quyền và quân sự hoàn hảo hơn. Chăm Pa trong quá khứ là một nước chư hầu của các triều đại phong kiến Trung Quốc và Đại Việt nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa và sự toàn vẹn lãnh thổ. Người Chăm Pa là những chiến binh giỏi đã sử dụng địa hình đồi núi để chiếm ưu thế. Năm Hồng Đức thứ 2 nhà Lê (1471), Tiểu vương quốc Vijaya chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với Đại Việt dưới triều đại vua Lê Thánh Tông. Khoảng 60.000 quân Chăm Pa bị giết và 30.000 bị bắt làm tù binh. Ngược lại, Tiểu vương quốc Panduranga tiếp tục phát triển dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn và vua Gia Long (Nguyễn Thế Tổ) trong các vùng thung lũng Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết. Tuy nhiên vua Minh Mạng đã không quan tâm Chăm Pa như vua cha nữa và thủ tiêu cơ chế tự trị của Thuận Thành trấn vào năm Minh Mạng thứ 13 nhà Nguyễn (1832).

Ngôn ngữ

Tiếng Chăm thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai-Đa đảo (Malayo-Polynesian) của hệ ngôn ngữ Nam Đảo (Autronesian).

Dân số và cư trú

Người Chăm được xác định là cư dân bản địa ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam và đã có quá trình định cư lâu đời ở khu vực này. Trải qua hàng ngàn năm, dưới những biến cố lịch sử, xã hội mà chủ yếu là do chiến tranh và mẫu thuẫn nội bộ, người Chăm không còn cư trú tập trung ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ mà phân bố rộng rãi ở khắp các tỉnh phía Nam Việt Nam và một số các quốc gia khác.
Hiện nay tổng số người Chăm trên thế giới khoảng 400.000 người, phân bố chủ yếu ở Campuchia, Việt Nam, Malaysia, Thái LanHoa Kỳ. Cộng đồng Chăm lớn nhất thế giới là vào khoảng trên 270.000 người tại Campuchia, được gọi là Khmer Islam; kế đến là Việt Nam; Thái Lan trên 15.000 người; Malaysia trên 10.000 người và Hoa Kỳ khoảng trên 200 người.
Một số người Chăm di cư sang các nước khác, như tộc Utsulđảo Hải Nam, đến bang Terengganu của Malaysia hay vùng Hạ Lào. Trong thế kỷ 20, nhiều người Chăm hoặc gốc Chăm di cư sang Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.

Phân bố dân cư ở Việt Nam

Trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 145.235 người Chăm sinh sống, sống rải rác ở các tỉnh phía Nam như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang,... Do đặc điểm cư trú, tính chất tôn giáo và sắc thái văn hóa mang tính vùng miền, người Chăm ở Việt Nam được chia thành 3 nhóm cộng đồng chính là: Chăm Hroi; Chăm Ninh Thuận - Bình ThuậnChăm Nam Bộ.
Nhóm Chăm Hroi bao gồm những người Chăm hiện đang sống rải rác từ Nha Trang trở ra, chủ yếu là Phú Yên và Bình Định; tổng số khoảng 20.500 người. Người Chăm Hroi có nguồn gốc từ những người Chăm cổ là một bộ phận của cộng đồng Chăm Việt Nam và từ lâu được gọi là Chăm Hroi.
Nhóm Chăm Ninh Thuận - Bình Thuận gồm những người Chăm cư trú ở Ninh Thuận, Bình Thuận, có tên gọi là Campaduraga; tổng số khoảng 98.000 người (Ninh Thuận: 66.000; Bình Thuận: 32.000), đây là nhóm cộng đồng Chăm lớn nhất chiếm khoảng 67,60% tổng số người Chăm ở Việt Nam.
Nhóm Chăm Nam Bộ bao gồm những người Chăm sinh sống chủ yếu ở An Giang, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam Bộ; tổng số khoảng 26.700 người, cư trú ở các tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước,... trong đó tập trung chủ yếu ở An Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Người Chăm ở đây có cùng nguồn gốc với người Chăm Hroi và người Chăm ở Ninh Thuận - Bình Thuận, nhưng do nguyên nhân lịch sử, nhiều người Chăm đã rời Việt Nam đến các nước như Campuchia, Thái Lan, Malaysia vào những thế kỷ trước. Từ cuối thế kỷ thứ XVIII đến đầu thế kỷ thứ XX, một bộ phận người Chăm ở Campuchia mâu thuẫn với người Khmer bản địa và sự ngược đãi của chính quyền Campuchia nên đã tìm về cư trú ở An Giang và Tây Ninh tạo nên cộng đồng người Chăm ở hai tỉnh này. Những năm sau đó, một bộ phận nhỏ người Chăm này chuyển đến một số tỉnh khác ở Nam Bộ để sinh sống.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Chăm ở Việt Nam có dân số 161.729 người, cư trú tại 56 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Chăm cư trú tập trung tại các tỉnh: Ninh Thuận (67.274 người, chiếm 41,6 % tổng số người Chăm tại Việt Nam), Bình Thuận (34.690 người, chiếm 21,4 % tổng số người Chăm tại Việt Nam), Phú Yên (19.945 người), An Giang (14.209 người), thành phố Hồ Chí Minh (7.819 người), Bình Định (5.336 người), Đồng Nai (3.887 người), Tây Ninh (3.250 người)[4]

Tín ngưỡng, Tôn giáo

Người Chăm có tín ngưỡng, tôn giáo rất phong phú. Tín ngưỡng của người Chăm có từ xa xưa và mang dấu ấn của thời nguyên thủy - Đó là sự tin tưởng của người Chăm vào sự tồn tại của một thế giới siêu nhân, nơi các thần linh ngự trị và cũng chính là nơi tồn tại của ma quỷ và linh hồn của những vật thể ở thế giới trần tục sau khi chết. Người Chăm luôn tin rằng tất cả các vật thể cũng như mọi người đều có linh hồn và linh hồn thì tồn tại vĩnh viễn dù con người có chết đi và các vật thể đã bị hư hại. Những linh hồn cùng với ma quỷ và thần linh luôn có những tác động, chi phối, ảnh hưởng đến thế giới hiện hữu, đến đời sống của cộng đồng cũng như đến từng thành viên trong cộng đồng người Chăm. Người Chăm thờ rất nhiều vị thần linh như Thần cây, Thần đá, Thần nước, thờ Linh hồn tổ tiên.
Người Chăm là một cộng đồng đa tôn giáo, niềm tin tôn giáo luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm lý của họ, chi phối hoạt động nhận thức, tình cảm, ý chí của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Người Chăm có niềm tin tôn giáo rất sâu sắc, chịu sự chi phối ràng buộc chặt chẽ bởi tôn giáo truyền thống.
Người Chăm theo Ấn Độ giáo, đạo Hồi, đạo Phật. Tôn giáo chính thời vương Chăm Pa cổ là Ấn Độ giáo và văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ. Tuy nhiên, cái gọi là đạo Bà La Môn (tức là tục Bachăm) ngày nay hoàn toàn không liên quan với Ấn Độ giáo này. Ngày nay, hầu hết người Chăm theo Hồi giáo. Hồi giáo của người Chăm có 2 loại: 1. là tục Bani và tục Bachăm, 2. là Hồi giáo Sunni (thuộc giáo phái Hanafi). Tục Bani và Bachăm là một tôn giáo chịu ảnh hưởng của Hồi giáo Shi'a (Ba Tư, Iran), họ rất tôn trọng Ali như Muhammad. Còn Hồi giáo Sunni thì không chấp nhận tôn trọng Ali như Muhammad. Theo Biên niên sử Mã Lai (1614), Hồi giáo đầu tiên ở thế giới Mã Lai cũng phát nguồn từ Iran, nhưng, sau này, người Ả Rập từ vùng Hadramaut (gọi là Hadrami) sang Mã Lai tuyên truyền, xuyên tạc Hồi giáo Shi'a là tà giáo, buộc người Mã Lai theo Hồi giáo Sunni cực đoan vào cuối thế kỷ thứ 18 - đầu thế kỷ thứ 19. Tục Bani là một hồi giáo bản địa hóa hiền lành, khoan dung, không cực đoan. Tục Bani giống giáo phái Alewi (một giáo phái Hồi giáo Shi'a ở Cộng hòa Suri ngày nay). Con đường tục Bani từ Iran chuyển bá chưa được làm rõ nhưng nhiều tài liệu Mã Lai, Java cho rằng chính Chăm Pa là trung tâm tuyên giáo Hồi giáo đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.
Người Chăm sống ở Myanma rất nhiều, là một trong bốn dân tộc lớn nhất Myanma. Hầu hết mang họ Aung cùng họ với họ Ung của người chăm ở Việt Nam (đã bị Việt hoá)

Đặc điểm kinh tế

Chăm là một dân tộc có nhiều ngành nghề truyền thống lâu đời như thêu, dệt, làm đồ gốm, làm gạch, chế tạo công cụ sản xuất, buôn bán, đóng thuyền, đánh cá, điêu khắc... đặc biệt là nghề trồng lúa nước được người Chăm phát triển từ rất sớm và luôn có những cải tiến về giống và thủy lợi.
Người Chăm sống ở đồng bằng, có truyền thống sản xuất lúa nước là chính. Kỹ thuật thâm canh lúa nước bằng các biện pháp giống, phân bón, thủy lợi khá thành thạo. Hai nghề thủ công nổi tiếng là đồ gốm và dệt vải sợi bông. Trước kia, người Chăm không trồng cây trong làng vì cho rằng cây sẽ là nơi cư trú của ma quỉ.

Tổ chức cộng đồng

Người Chăm thường sinh sống tập trung trong paley Chăm (làng Chăm). Mỗi paley có khoảng 300 đến 400 hộ gia đình, cùng theo một tôn giáo nhất định, gồm nhiều tộc họ sinh sống với nhau. Mỗi paley đều có một đơn vị hành chính của làng là: Hội đồng phong tục và Po Paley (Trưởng làng), trong đó, Po Paley là người đóng vai trò rất quan trọng trong Paley. Luật tục Chăm ghi:
Ếch có nắp đậy hang;
Làng có chủ cai quản

Po Paley được dân làng bầu, phải là người cao tuổi, có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, luôn vì mọi người, có lòng vị tha. Đồng thời Po Paley cũng phải là người lao động giỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất, gia đình hạnh phúc, con cháu xum họp đoàn kết. Người Chăm ví Po Paley như là cây cao, bóng cả:
Cây to lan tỏa một lòng,
Xòe ra che mát cho người dừng chân.

Hội đồng phong tục do dân làng bầu chọn và có nhiệm vụ trông coi về vấn đề phong tục tập quán, tín ngưỡng. Thành viên của Hội đồng phong tục đều là những người có uy tín trong tôn giáo, trong các tộc họ, là người am hiểu tập quán, phong tục lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm, có quyền phân xử những thành viên trong paley vi phạm Luật tục. Trong trường hợp người vi phạm ngoan cố thì khi cha, mẹ hoặc người thân chết, Hội đồng phong tục sẽ cấm các tu sỹ, chức sắc không được cúng lễ và xem như người vi phạm đã bị loại ra khỏi cộng đồng.
Người Chăm có tập quán bố trí cư trú dân cư theo bàn cờ. Mỗi dòng họ, mỗi nhóm gia đình thân thuộc hay có khi chỉ một đại gia đình ở quây quần thành một khoảnh hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trong làng các khoảnh như thế ngăn cách với nhau bởi những con đường nhỏ. Phần lớn làng Chăm có dân số khoảng từ 1.000 người đến 2.000 người.
Mỗi một dòng họ có một chiết Atâu, một Akauk Guăp và một vật tổ riêng. Luật tục Chăm quy định, Akauk Guăp phải là người cao tuổi, am hiểu phong tục tập quán, có uy tín trong dòng họ, gia đình giàu có, không được có chồng chắp vợ nối.
Hôn nhân gia đình
Chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng nữ thần vẫn tồn tại ở người Chăm. Đàn ông lo việc ngoài nhà, đàn bà lo việc trong gia đình và gia phả. Phong tục Chăm qui định con theo họ mẹ, họ bên mẹ được xem là gần (họ nội). Nhà gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ, đến khi chết đi nhà vợ có trách nhiệm thờ cúng đến hết tang, sau đó mang hài cốt về trả lại cho dòng họ nhà trai tiếp tục thờ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà tự để thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.

Nhà cửa

Nhà ở của người Chăm là một quần thể nhà trong một khuôn viên (bây giờ do việc quy họach phân lô đất theo kiểu nhà liên kế hẹp nên việc phát triển nhà theo quần thể trong một khuôn viên dần không còn nữa). Mối quan hệ của các nhà trong quần thể này đã thể hiện quá trình tan vỡ của hình thái gia đình lớn mẫu hệ để trở thành các gia đình nhỏ.
  • Bộ khung nhà của người Chăm ở Bình Thuận khá đơn giản. Vì cột cơ bản là vì ba cột (kèo được liên kết với cột hoặc không có vì kèo thì dùng tường thay thế kèo). Nếu là vì năm cột thì có thêm xà ngang đầu gác lên cây đòn tay cái nơi hai đầu cột con. Từ các kiểu vì này dần xuất hiện cây kèo và trở thành vì kèo.
  • Mặt trước nhà quay về hướng Nam hoặc hướng Tây. Gian giữ là trung tâm (người Chăm gọi là sang-yơ), phía phải là phòng ngủ của bố mẹ, bên trái là kho, sau là phòng ngủ của con cái. Mặt trước có một hiên ở giữa nhà.
  • Nhà bếp được xây dựng riêng biệt với nhà chính và ở phía Tây nhà chính, trong nhà bếp có khu bếp, khu chứa nước uống và kho chất đốt (củi, than, v.v.).
Nhà người Chăm ở miền Nam lại rất khác.
  • Nhà người Chăm ở An Giang: cách tổ chức mặt bằng sinh hoạt còn phảng phất cái hình đồ sộ của nhà sang yơ ở Bình Thuận.
  • Nhà người Chăm ở Châu Đốc: khuôn viên của nhà Chăm Châu Đốc không còn nhiều nhà mà chỉ có nhà chính và nhà phụ kết hợp thành hình thước thợ. Chuồng trâu bò và lợn được làm xa nhà ở.
Nhà ở là nhà sàn, chân rất cao để phòng ngập lụt. Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt hoàn toàn khác với nhà ở Bình Thuận cũng như ở An Giang.
Tập tin:In front of Chăm house.jpg

Trang phục

Có những nhóm địa phương khác nhau với lối tạo dáng và trang trí riêng khó lẫn lộn với các tộc người trong nhóm ngôn ngữ hoặc khu vực.

Trang phục nam

Tập tin:Cham music 1.jpg
Nhóm nhạc công người Chăm với trang phục nam truyền thống
Trang phục cổ truyền: Đàn ông lớn tuổi thường để tóc dài, quấn khăn. Đó là loại khăn màu trắng có dệt thêu hoa văn màu nhạt (vàng hoặc bạc), ở hai đầu khăn có các tua vải. Khăn đội theo lối chữ nhân. Những vị có chức sắc (tôn giáo), hai đầu khăn có hoa văn màu vàng, tua vải màu đỏ, quấn thả ra hai mang tai. Nam mặc áo có cánh xếp chéo và cài dây phía bên hông (thắt lưng), thường là áo màu trắng, trong là quần soọc, ngoài quấn váy xếp.

Trang phục nữ

Tập tin:Chau Doc, weaving loom.jpg
Phụ nữ Chăm ở Châu Đốc dệt vải theo phương pháp truyền thống
Về cơ bản, phụ nữ các nhóm Chăm thường đội khăn. Cách hoặc là phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đầu, hoặc quấn theo lối chữ nhân, hoặc với loại khăn to quàng từ đầu rồi phủ kín vai. Khăn đội đầu chủ yếu là màu trắng, có loại được trang trí hoa văn theo lối viền các mép khăn (khăn to), nhóm Chăm Hroi thì đội khăn màu chàm. Lễ phục thường có chiếc khăn vắt vai ngoài chiếc áo dài màu trắng. Đó là chiếc khăn dài tới 23 m vắt qua vai chéo xuống hông, được dệt thêu hoa văn cẩn thận với các màu đỏ, trắng, vàng của các mô tip trong bố cục của dải băng.
Nữ mặc áo cổ tròn cài nút phía trước ngực xuống đến bụng, quấn váy xếp (khi làm lễ) hoặc mặc váy ống (thông thường), đầu quấn khăn không ràng buộc về màu sắc.
      Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.