Nguyễn Hồng Ngọc [1]
Bộ môn Kiến trúc, Khoa Xây Dựng Dân dụng và Công nghiệp, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng.
Tóm
tắt: Quá trình phát triển của Hội An đã và đang đặt ra những thách thức
cho công tác quy hoạch cũng như quản lý. Phương pháp generative do
Christopher Alexander và các đồng sự phát triển đưa ra một cách tiếp cận
mới cho phát triển bền vững của đô thị, đó là: phát triển lần lần, luôn
luôn tôn trọng cái toàn thể, luôn phát triển các trường trung tâm và ưu
tiên phát triển các kiểu mẫu nhân văn. Trong bài này tác giả cũng giới
thiệu một đồ án quy hoạch Hội An dựa theo phương pháp generative như một
ví dụ minh họa cho phương pháp này.
Vấn đề của Hội An
Hội
An đã nhận được quyết định trở thành thành phố loại III từ ngày 29
tháng 1 năm 2008. Thành phố hiện có diện tích 6145 ha, khu vực đất liền
khoảng 4500 ha và xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) khoảng 1500 ha. Dân số
năm 2009 khoảng 87400 người.
Trong
các đô thị của cả nước, thành phố Hội An có một lịch sử khá độc đáo.
Thành phố Hội An trong quá khứ đã là một điểm giao thương quan trọng
trong bản đồ thương mại thế giới. Từ trước khi vùng đất Hội An trờ thành
đất của người Việt, đô thị cổ này đã có mối quan hệ giao thương tận
Trung Đông, Srilanka v.v...Vào khoảng thế kỷ XVII Hội An trở thành nơi
buôn bán tấp nập, cửa ngõ duy nhất của xứ Đàng Trong với thế giới bên
ngoài. Vào thế ký XX Hội An có cái may mắn thoát được sự tàn phá của hai
cuộc chiến tranh trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Sau khi trở thành di
sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm ngày 4 tháng 12 năm 1999 và
Cù Lao Chàm được công nhận là Khu Dự Trữ Sinh Quyển Thế Giới, Hội An
ngày càng nổi tiếng và trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.
Cùng
với làn sóng thu hút đầu tư của cả nước, Hội An cùng với thành phố Đà
Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang trở thành điểm đến rất hấp dẫn với
các nhà đầu tư. Tuy nhiên Hội An cũng đang đứng trước mâu thuẫn rất lớn
giữa việc bảo tồn và phát triển. Sự xuống cấp của những công trình
trong khu phố cổ. Áp lực lớn của các nhà đầu tư trong vấn đề đất đai.
Tổng doanh thu từ du lịch chiếm trên 65% tổng GDP của thành phố, cho
thấy nền kinh tế của Hội An là nền kinh tế dựa quá nhiều vào du lịch.
Làm thế nào phát triển tốt, mang lại lợi ích cho người dân và nhưng vẫn
bảo tồn được giá trị của đô thị cổ là một vấn đề mà Hội An đang phải cố
gắng giải quyết.
Giới thiệu generative code
Generative code[2] do
Christopher Alexander và các cộng sự phát triển. Trước khi đi sâu vào
generative code, tôi muốn giới thiệu về tiểu sử rất đặc biệt của ông.
Christopher sinh ở Vienna Áo, lớn lên ở Anh, nhận học bổng vào học Vật
lý và Hóa học tại đại học Cambridge, trong thời gian học đại học ông
cũng nghiên cứu toán. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành kiến trúc và Thạc sĩ
Toán tại đại học Cambridge năm 1958. Sau đó ông sang Havard nghiên cứu
về lĩnh vực nhận thức, là người đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Kiến trúc tại
Đại học Harvard. Ông đoạt Huy chương Vàng đầu tiên của Hội Kiến trúc sư
Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu kiến trúc. Ông đã đưa và triển khai
khái niệm pattern language (kiểu mẫu ngôn ngữ) trong cả hai lĩnh vực
kiến trúc và tin học. Kiểu mẫu ngôn ngữ sau này đã được phát triển thành
ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng trong tin học và là một trong những
khái niệm căn bản trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thời gian sau này ông
nổi tiếng với generative process trong quá trình xây dựng thành phố,
công trình kiến trúc
Hai công trình lớn của ông có ảnh hưởng trong kiến trúc và đô thị là: Một kiểu mẫu ngôn ngữ (A Pattern Language) và Tự nhiên tính của trật tự (The Nature of Order).
- Một kiểu mẫu ngôn ngữ (A Pattern Language[3]):
Christopher
quan sát tất cả các truyền thống xây dựng trên thế giới và phát hiện ra
những dạng tổ chức không gian trong kiến trúc và đô thị có mối liên hệ
mật thiết với nhận thức, cũng như cảm giác của con người. Ông gọi mỗi
kiểu tổ chức không gian đó là một pattern (kiểu mẫu). Trong các tổ chức
không gian đó con người cảm thấy thoải mái hơn, không gian trở nên thân
thuộc hơn. Trong 253 pattern mà ông phát triển ông đã đề cập đến cả tổ
chức không gian đô thị và không gian kiến trúc. Không chỉ thế, các
pattern này có thể được tổ chức với nhau tùy theo người sử dụng (như một
dạng thư viện để có thể phối hợp từng pattern lại). Những người sử dụng
có thể không phải là kiến trúc sư hoặc người chuyên về xây dựng nhưng
họ vẫn có thể tạo dựng những không gian sống và sinh họat cho bản thân
mình và cộng đồng (đây là sự bắt đầu cho ý tưởng về quá trình phát triển
dân chủ, từ dưới lên (bottom up) trong kiến trúc và quy hoạch đô thị).
Thành công của A Pattern Language rất lớn, nó trở thành tác phẩm kiến trúc bán chạy nhất của mọi thời đại.
- Tự nhiên tính của Trật tự (The Nature of Order): Sau Một kiểu mẫu ngôn ngữ, Christopher Alexander hầu như im lặng suốt 28 năm đề viết bộ bốn cuốn sách Tự nhiên tính của Trật tự. Có thể coi Tự nhiên tính của Trật tự như một sự nâng cấp vượt bậc của Một kiểu mẫu ngôn ngữ.
Với những đóng góp của Christopher Alexander trong một lĩnh vực mới của
toán học là Lý thuyết về sự phức tạp (Theory of Complexity, có khi còn
được viết là Chaos Theory- lý thuyết về sự hỗn độn). Ông và những người
tiên phong nhận thấy rằng các vấn đề của thành phố cũng như các hệ thống
phức tạp khác không thể giải quyết bằng các công cụ truyền thống là các
khoa học phát triển từ khoa học của Newton vốn nghiên cứu các quan hệ
hai biến, đối tượng của loại khoa học này là các đối tượng không phức
tạp. Cũng không thể tiếp tục sử dụng các công cụ của khoa học nghiên cứu
về những đối tượng phức tạp không có tổ chức (unorganized complexity)
là khoa học thống kê vốn nghiên cứu về các đại lượng trung bình (average
variables). Cần phải có một môn khoa học mới nghiên cứu về các đại
lượng phức tạp có tổ chức (theory of organized complexity). Sự cần thiết
này được đề cập đến từ những năm 50-60 của thế kỷ trước bắt đầu trong
sinh học. Ngày nay khoa học này đã có những thành công trong toán học,
lĩnh vực nhận thức, tin học v.v…và đến lượt Christopher đóng góp trong
kiến trúc và thiết kế đô thị. Thực ra không thể nói rằng Chris vay mượn
các ý tưởng từ lý thuyết về sự phức tạp bởi vì chính ông cũng là một
trong những người tiên phong có đóng góp trong môn khoa học này. Thậm
chí ông còn đi xa hơn khi cho rằng thế kỷ 21 phải là thế kỷ mà kiến trúc
và các môn học về môi trường xây dựng phải trở thành khoa học căn bản
cho các ngành khoa học khác (như cơ học của Newton đã đặt nền móng cho
toàn bộ lâu đài khoa học thế kỷ 19, 20). Lý luận của ông và một nhà toán
học khác là Salingaros còn đi xa hơn khi cho rằng môi trường xây dựng
(công trình, thành phố) chứa đựng những thông tin tiềm tàng cho môn khoa
học mới về sự phức tạp này. Khi nghiên cứu những thông tin này các khoa
học khác có thể có được những những hiểu biết sâu sắc cho khoa học của
mình. Chẳng hạn chúng ta vừa mới thấy rằng những nghiên cứu của
Christopher Alexander trong ngôn ngữ kiểu mẫu của kiến trúc và đã có
những phát triển quan trọng trong lĩnh vực tin học và nhận thức.
Sở
dĩ phải giới thiệu hơi dài như trên vì tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò
của Christopher Alexander trong việc tạo dựng một nền khoa học mới, cũng
như cách ông nhận thức về kiến trúc với cách tiếp cận hoàn toàn khoa
học.
Tự nhiên tính của Trật tự (The Nature of Order) là
bộ bốn cuốn sách nói về kiến trúc và quy hoạch đô thị, nhưng không chỉ
có thế, từ kiển trúc Christopher trình bày luôn quan điểm vũ trụ luận
của mình (cosmology), trong đó ông chứng minh rằng một cơ sở tinh thần
và cảm xúc của cá nhân phải là căn bản cho mọi hành động xây dựng hoặc
kiến tạo thế giới. Về kiến trúc và đô thị: ông trình bày quá trình
generative. Ông cho răng trong quy hoạch và kiến trúc việc tìm kiếm một
quá trình phát triển bền vững cho thành phố không chỉ dừng lại ở việc
giảm CO2 gây hiệu ứng nhà kính, hoặc giảm tiêu thụ các nguồn năng lượng,
mà cần phải có một giải pháp căn bản cho quá trình phát triển. Khi
quan sát tự nhiên Chris nhận thấy rằng tự nhiên luôn luôn tiến hóa theo
qua trình lần lần (stepwise process), mỗi quá trình phát triển trên nền
tảng của cái đã có trước đó luôn luôn theo hướng tạo ra một toàn thể
(the wholeness), mỗi bước phát triển đều chữa lành những gì là khiềm
khuyết của toàn thể đó để tạo ra một cái toàn thể lành mạnh hơn.
Kiến trúc và quy hoạch đô thị cũng phải như vậy, phải phát triển lần lần
và hướng theo việc từng bước hoàn thiện để tạo thành một toàn thể. Như
vậy không thể tạo ra một “kế hoạch” trước cho kiến trúc và đô thị, không
thể lập trước một “plan” cho chúng; cũng như tự nhiên không có trước
một plan cho một chiếc lá, một ngọn núi, nhưng tạo ra những chiếc lá
khác nhau, những ngọn núi, những con sóng khác nhau, nhưng lại gần gũi
nhau về hình thức (có cùng một pattern) và quan trọng nhất tất cả đều
rất đẹp, rất bền vững. Bí mật của tự nhiên là sử dụng một số
quy luật (nhiều khi rất đơn giản), khiến tự nhiên phát triển theo quy
luật đơn giản đó nhưng lại tạo ra một thế giới vô cùng phong phú
(chẳng hạn trình tự di truyền của bốn phân tử tạo nên hệ gene đã phối
hợp với nhau một cách về bản chất là đơn giản (gồm có phối hợp, phân
chia, gập lại, nhập vào[4]…)
để tạo nên thế giới sinh vật. Phần lớn độ phức tạp của cơ thể sống xuất
hiện trong quá trình phân biệt lần lần- stepwise differentiation- các
mô. Khi nhìn vào các đô thị truyền thống người ta cũng nhận thấy một quá
trình tương tự, chẳng hạn trong các đô thị Hồi giáo truyền thống, một
số quy luật đơn giản đã tạo nên một đô thị hài hòa, đẹp nhưng cũng rất
phức tạp- đó là nhờ quá trình generative biến mối cái toàn thể hiện tại
(existing whole) thành một cái toàn thể mới (the new whole). Từ đó
Christopher Alexander cho rằng cần phải có một quá trình phát triển
thích hợp mà ông gọi là quá trình biến đổi bảo toàn cấu trúc
(structure-preserving transformation) đó là quá trình biến đổi
(transform) và thích ứng (adaptation) dựa trên điều kiện hiện tại nhằm
tạo nên một cái toàn thể (the wholeness). Theo Michael Mehaffy,
Christopher Alexander đã triển khai generative code (Luật xây dựng theo
quá trình sinh trưởng) với những thuộc tính căn bản sau[5]:
1- Luật xác định quá trình phát triển lần lần, quá trình generative
2- Luật
quy định rằng trong quá trình này, hành động của con người sẽ theo các
quy luật, phối hợp với các đánh giá dựa trên cảm xúc (cảm xúc cũng là
cái đo lường được và là dữ kiện đáng tin), trong việc thích ứng với cái
đã có trước.
3- Tại mỗi bước luật dựa trên các điều kiện-đã-trở-thành-hiện-tồn lúc đó như một tổng thể
4- Tại mỗi bước nó xác định phần yếu nhất của cấu trúc và hành động để cải thiện và tăng cường cấu trúc
5- Tại mỗi bước nó có thể áp dụng các kiểu mẫu và các giải pháp đã được luật hóa trước đó và thay đổi chúng theo điều kiện mới.
6- Tại mỗi bước nó phân biệt không gian theo một sơ đồ gọi là các “trung tâm”
7- Các trung tâm được phân biệt thông qua 15 quá trình biến đổi duy trì cấu trúc.
8- Cở sở hạ tầng theo sau. Giống
như quá trình biến đổi hình thức của cơ thể sống (morphogenesis), các
mô được hình thành trước, sau đó là các mạch máu. Các kiểu mẫu nhân văn
(human pattern) và không gian nhân văn phải đi trước sau đó mới là đường
xá, mạng lưới đường ống thoát nước, và những thứ tương tự theo sau-
không phải ngược lại
9- Sự biểu hiện thị giác theo sau.
Các kiểu mẫu và không gian nhân văn đi trước, các [công trình] biểu
hiện thị giác và các công trình tạo điểm nhấn theo sau- không phải ngược
lại. Nếu không chúng ta chỉ đơn giản buộc mọi người sống trong các khối
điêu khắc không liên hệ
10- Vào cuối mỗi chu kỳ, kết quả được đánh giá và chu kỳ được lặp lại
Cụ
thể luật được vận dụng như thế nào? Christopher đã trình bày từng bước
đi cụ thể từ việc kiến tạo tầm nhìn (vision), hiểu biết các điều kiện
hiện tại cho đến từng giai đoạn thực hiện generative code, và từng bước
nhỏ mà ông gọi là quá trình mở ra (unfolding) để đi đến việc tạo ra từng kiểu mẫu. Các quá trình mở ra (phát lộ) này có thể hình dung một cách dễ hiểu như quá trình gập mảnh giấy của nghệ thuật xếp giấy Origami của người Nhật, chỉ với một vài thao tác gập đơn gian người ta có thể tạo ra những con vật khác nhau. Các bước của unfolding có thể đơn giản nhưng kết quả tạo ra rất sâu sắc.
Hình
1: Ví dụ các dự án của Alexander sử dụng phương pháp generative. Những
hình thức đơn lẻ có vẻ đơn giản và thậm chí khiêm tốn, nhưng tính chất
phức tạp nảy sinh từ môi liên hệ qua lại hơn là từ những cố gắng quá đà
nhằm tạo ra các hình thức mới. Kết quả tạo ra một sự mới mẻ sáng tạo
nhưng cũng có tỷ lệ rất tế vi. Nguồn: Từ ngôn ngữ kiểu mẫu (From Pattern
Languages).
Theo Christopher Alexander để quá trình biến đổi luôn luôn duy trì được cái toàn thể cần phải có một hệ thống các trường trung tâm (centers). Các
trường trung tâm có thể có hình thức bất kỳ: một điểm nhấn trong đô
thị, một vùng, một khu phố v.v…miễn là chúng phải có quan hệ chặt chẽ
với nhau, một trường trung tâm này có thể nằm trong trường trung tâm
khác, một trường trung tâm này là một phần của trung tâm khác v.v…Hệ
thống các trường trung tâm có thể có mối quan hệ thứ bậc, quan hệ kiểu
mạng lưới hoặc bán giao thoa hoặc là tổng hợp của các kiểu quan hệ trên[6].
Qua
quá trình nghiên cứu Christopher Alexander đã phát hiện một điều quan
trọng là: thay vì một số lượng cực lớn các kiểu cấu trúc của các trường
trung tâm, chỉ có 15 cách tổ chức các trường trung tâm để tạo nên một
cấu trúc sống động và một toàn thể. Dưới đây tôi xin dịch 15 thuộc tính
do Michael Mehaffy tóm tắt lại:
Hình 2: 15 thuộc tính của quá trình biến đổi tự nhiên mà trong đó các trường trung tâm được tạo nên.
1.
Levels of scale (Các quy mô đa dạng); 2 Strong centers (Các tâm mạnh); 3
Boundaries (Các đường ranh giới); 4 Alternating Repetition (Sự lặp lại
xen kẽ); 5 Positive Space (Không gian tích cực); 6 Good Shape (Hình dạng
đẹp); 7 Local Symmetries (Sự đối xứng cục bộ); 8 Deep Interlock and
Ambiguity (Sự cài chặt và sự nhập nhằng); 9 Contrast (Sự tương phản); 10
Gradients; 11 Roughness (Sự thô); 12 Echoes (Tiếng vọng); 13 The void
(Khoảng trống); 14 Sự đơn giản và tỉnh lặng bên trong (Simplicity and
inner calm); 15 Not-separateness (Sự không phân ly).
Nguồn: Mehaffy
1.
CÁC QUY MÔ ĐA DẠNG: Cấu trúc của các trường trung tâm xảy ra ở các cấu
hình tương tự nhau ở những quy mô khác nhau, thường có những quy mô
chênh lệch rất lớn. Tương tự như khái niệm cấu trúc lặp trong toán học
(fractal structure).
2.
CÁC TRƯỜNG TRUNG TÂM MẠNH: Một số trường trung tâm sẽ có vai trò quan
trọng hơn các trung tâm khác và có thể hấp dẫn các trung tâm thứ cấp
quan nó
3.
CÁC RANH GIỚI: Các trường trung tâm có thể hình thành các cấu trúc được
liên kết bao bọc vòng quanh các trường trung tâm khác để hình thành
đường ranh giới.
4. SỰ LẶP LẠI XEN KẼ: Các trung tâm có thể hình thành từng cặp xen kẽ lặp lại.
5.
CÁC KHÔNG GIAN TÍCH CỰC: Khi các cấu trúc của các trường trung tâm bao
bọc nhau và chứa đựng không gian, không gian đó cũng hình thành một cấu
trúc hiệu quả của các trường mà không hình thành các vùng chen chúc
nhau, lãng phí và bất đối xứng.
6.
HÌNH DẠNG ĐẸP: Đây là thuộc tính ngược với các thuộc tính ở trên: khi
cấu trúc của các trường trung tâm hình thành một nhóm các trường trung
tâm, các cấu trúc lớn hơn này có hiệu quả hơn vì không phải là những
vùng chen chúc, lãng phí hay phi trật tự.
7.
ĐỐI XỨNG CỤC BỘ: Trong khi cấu hình của các trường trung tâm ở quy mô
lớn có thể là rất phi đối xứng, các vùng cục bộ thường hình thành các
cụm rất đối xứng…
8.
CÀI VÀO NHAU CHẶT VÀ SỰ NHẬP NHẰNG: Các vùng lân cận có thể cài vào
nhau theo một cách phụ thuộc, đến điểm mà sự mập mở của một hình thức
trong mối quan hệ với hình thức khác. Một ví dụ rõ ràng là là ảo quanh
quang học của một hình dạng có dạng cái bình, hoặc có thể được xem như
là mặt nhìn bên của các hình thù khác nhau.
9. SỰ TƯƠNG PHẢN: Các vùng kề cận có thể không liên tục một cách đột ngột
10. GRADIENTS. Các vùng kề cận có thể thể hiện một sự biến đổi dần dần giữa chúng với nhau.
11.
SỰ THÔ. Một vùng có thể có một cấu trúc phức tạp ở quy mô nhỏ hơn trông
có vẻ như hỗn độn hoặc “thô”: thực chất nó là một hình thức của cấu
trúc được biến đổi ở quy mô nhỏ hơn.
12.
TIẾNG VỌNG: Một vùng có thể thể hiện sự đối xứng một phần với các thực
thể khác (sự đối xứng trong nghĩa chung nhất, có nghĩa là các cấu hình
đẳng cự).
13. KHOẢNG TRỐNG: Một vùng có thể không có trường trung tâm bên trong.
14.
SỰ ĐƠN GIẢN VÀ TĨNH LẶNG BÊN TRONG: Một vùng có thể chứa đựng một không
ngờ rất ít trường trung tâm bên trong nó với tác động mạnh của nó lên
người quan sát.
15.
KHÔNG PHÂN LY. Mỗi vùng được kết nối tới các vùng khác bao gồm cả ngừoi
quan sát và thế giới của họ, và cuối cùng tới cả vũ trụ. Thuộc tính
không phân ly thể hiện mối liên hệ này đối với người quan sát, có thể
khơi gợi một cảm giác sâu sắc khi đáp lại.
Với
15 thuộc tính này người thiết kế đã có một công cụ rất mạnh dùng để tạo
ra những hình thức sống động, những cấu trúc toàn thể cho kiến trúc và
đô thị.
Áp dụng generative code cho Hội An
Quy hoạch theo quá trình generative có thể là một định hướng tốt cho Hội An. Một nhóm sinh viên năm thứ tư[7]
dưới sự hướng dẫn của tác giả đã thử đặt ra nhiệm vụ tiến hành quy
hoạch cho Hội An theo phương pháp generative. Điểm mấu chốt trong đồ án
này là sử dụng khái niệm trường trung tâm trong phương
pháp generative. Nhóm tác giả đã chọn khu vực phố cổ, khu vực An Bàng và
cánh đồng liền kề và khu vực Rừng Dừa Bảy Mẫu là các trung tâm hiển
hiện- tức là phần quan trong nhất trong không gian Hội An, phần cần phải
phát triển và làm tốt thêm. Đồng thời cũng xác định các trường trung tâm tiềm ẩn là
khu vực nghề gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng và khu đất ven biển- đó là
những vùng đang có tiềm năng để trở thành các thành phần quan trọng của
không gian thành phố Hội An, nhiệm vụ của quá trình generative là giúp
đỡ chúng thành các trung tâm hiển hiện. Trong các bản vẽ dưới đây người
đọc có thể thấy quá trình phát triển lần lần của các trường trung tâm.
Các trường trung tâm được xác đinh và phát triển qua sáu bước (hoặc có
thể gọi là vòng lặp). Trong quá trình phát triển đó các trường trung tâm
được tổ chức mạnh thêm, rõ rằng và cụ thể thêm. Để đi từ chỗ xác đinh
sơ bộ một vùng đến mức độ xác định cụ thể kích thước lô đất, hệ thống
giao thông, mật độ xây dựng v.v…Quá trình thành lập và phát triển các
trường trung tâm này luôn tuân thủ điều kiện các kiểu mẫu nhân văn đi trước hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi sau. Cụ thể là:
- Ở vòng lặp thứ nhất và thứ hai: Xác định vị trí các tâm. Xác định các tâm hiển hiện và tiền ẩn.
- Ở
vòng lặp thứ ba phát triển các tâm hiển hiện: xác định mạng lưới cây
xanh hiện hữu và cây xanh mới. Xác định các công trình, các trung tâm
văn hóa, tôn giáo, giáo dục trên địa bàn. Đồng thời cũng xác định rõ hơn
các trung tâm tiềm ẩn: xác định ranh giới của chúng.
- Ở
vòng lặp thứ tư: bố trí khu dân cư cho các trường trung tâm: khu vực
phố cổ, khu vực An Bàng và khu vực Rừng Dừa Bảy Mẫu. Bước đầu xác định
mảng xanh cho phường Thanh Hà và xã Cẩm Hà.
- Ở vòng lặp thứ năm: xác định khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại phường Thành Hà. Định hình rõ hơn khu dân cư.
- Ở
vòng lặp thứ sáu: xác định mạng lưới giao thông cho toàn thành phố, bao
gồm mở đường mới nối phía Điện Bàn với Hội An, giảm thiểu tác động tiêu
cực của con đường này đến cánh đồng xã Cẩm Châu, tổ chức các cầu qua
sông Thu Bồn. Nhóm quy hoạch cũng tính toán đến việc giảm thiểu tác động
tiêu cực của cầu vượt sông Thu Bồn và đường dẫn cầu đến khu Rừng Dừa
Bảy Mẫu.
Tuy
rằng quá trình thực hiện các vòng lặp trên chỉ mang tính minh họa và đồ
án chắc còn có thiếu sót nhưng nhóm quy hoạch đã biết vận dụng bước đầu
phương pháp generative vào quy hoạch thành phố Hội An.
Hình 3: Bước 1- Xác định các trường trung tâm hiển hiện và tiềm ẩn
Hình 4: Bước 2- Xác định ranh giới các trường trung tâm hiển hiện và vị trí các trường trung tâm tiềm ẩn.
Hình
5: Bước 3- Xác định ranh giới khu vực cây xanh, khoảng không gian mở,
các công trình tôn giáo, văn hóa. Xác định vị trí của các trung tâm tiềm
ẩn.
Hình
6: Bước 4- Bố trí khu dân cư cho các trung tâm hiển hiện và khu vực cây
xanh, không gian mở cho các trung tâm tiềm ẩn ở bước trước.
Hình 7: Bước 5- Xác định vị trí và ranh giới của khu công nghiệp phường Thanh Hà
Hình 8: Bước 6- Xác định mạng lưới giao thông và hạ tầng khác.
Kết luận
Từ
những phân tích về những thách thức đối với công tác quy hoạch Hội An
nói trên và giới thiệu về phương pháp generative, có thể nhận định rằng
phương pháp generative là một hướng đi phù hợp cho một đô thị cổ Hội An.
Chỉ bằng cách phát triển dần dần, luôn luôn tôn trọng tính toàn thể
trong toàn bộ quá trình, ưu tiên không gian xanh, các công trình văn
hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, giáo dục, rồi mới đến khu dân cư và cuối cùng
là hệ thống cơ sở hạ tầng như đường sá, thoát nước, cấp nước, Hội An
mới đảm bảo quá trình phát triển bền vững của mình.
[1] Email: ngocfulbright@gmail.com
[2]
Generative code: Là loại luật khống chế, quy định quá trình generative
(có thể tạm dịch là quá trình sinh trưởng hoặc quá trình tiến hóa), hàm ý
là quá trình phát triển lần lần, tựa như quá trình tiến hóa, cái tổng
thể mới phát triển thêm trên nền của cái tổng thể cũ. Phần sau của bài
viết này sẽ giải thích rõ hơn về luật này.
[3] Christopher Alexander và những người khác. Một kiểu mẫu ngốn ngữ (A pattern Languae-Towns, Buildings- Construction). Nxb Đại học Oxford (Oxford University Press), 1977.
[4] Mehaffy Michael W (2008). Phương
pháp generative trong thiết kế đô thị: đánh giá một quá trình
(Generative Method in Urban Design: a progress assessment) của Michael
Mehaffy, Tạp chí Đô thị học (Journal of Urbanism). Số 1, Tr 57-75.
[5]
Mehaffy, Michael W. Từ Ngôn ngữ kiểu mẫu đến generative code: Báo cáo
về Công trình của Alexander Christopher và đồng sự và những ứng dụng để
tạo ra các khu vực truyền thống. (From Pattern Languages to Generative Codes: A
Report on The Work of Christopher Alexander and Colleagues, and Its
Application to the Regeneration of Traditional Settlements). Download từ
trang web của Mạng Quốc tế về Kiến trúc và đô thị truyền thống
(International Network for Traditional Buildings, Architecture, and
Urbanism). http://www.intbau.org/india/Downloads/indiantraditions/Michael_Mehaffy.pdf. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010.
[6] Xem Mehaffy.
[7]
Nhóm gồm các sinh viên năm thứ tư lớp 06KT: Huỳnh Gia Tùng, Hoàng
Nguyên Trung, Nguyễn Ngọc Lệ Quỳnh, Võ Kim Phúc, Trần Nguyễn Hồng Nhung
ngành Kiến trúc, Bộ Môn Kiến trúc, Khoa Xây Dựng Dân Dụng&Công
Nghiệp, Trường Đại Học Bách Khoa, Đại Học Đà Nắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.