Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

ĐỀ TÀI NC- GIÁ TRỊ CỐT LÕI ĐÀ LẠT

GIÁ TRỊ CỐT LÕI- THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT

Giá trị cốt lõi thành phố Đà Lạt.

Bảo tồn các giá trị cốt lõi, nổi bật của Thành phố Đà Lạt, đó là:
1.     Khí hậu mát mẻ,
2.     Cảnh quan thiên nhiên thơ mộng;
3.     Di sản kiến trúc Pháp độc đáo.
4.     Phong cách người Đà Lạt: hiền hòa, thanh lịch, mến khách;


I. PHẦN MỞ ĐẦU.
 Đà Lạt có môi trường thiên nhiên vốn là một vùng cảnh quan rừng thông tự nhiên miền núi độc đáo với khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm, được quy hoạch từ đầu với chức năng là một nơi nghỉ dưỡng, du lịch, và chức năng này luôn gắn liền theo tiến trình xây dựng phát triển của Thành phố.
Những người đầu tiên xây dựng Đà Lạt đã xác định một cách hợp lý những nét đặc thù chủ yếu của thành phố, bằng một câu phương châm ghép chữ theo tiếng La tinh rất khéo:
             “ Dat Aliis Lactiam, Aliis Temperiam”.
             «  Elle donne aux uns la jolie, aux autres la santé ».
        Có nghĩa là: « Cho người này niềm vui, cho người khác sức khỏe ».
Dalat1930 HUY HIEU TPt
Nguồn vui và sức khỏe là những điều kiện cần thiết và quý giá mà môi trường sống lý tưởng của thiên nhiên Đà Lạt dành tặng cho chúng ta.
Quá trình phát triển qua nhiều thời kỳ thăng trầm, Đà Lạt luôn nổ lực đáp ứng theo phương châm đó.
Lịch sử phát triển Quy hoạch của Đà Lạt dường như gắn bó với sự phát triển nghệ thụât quy hoạch đương đại của thế giới. Từ Chương trình phát triển năm 1900 của Toàn quyền Paul Doumer, Đồ án đầu tiên áp dụng phương pháp quy hoạch phân khu chức năng (Zoning) năm 1906 của Thị trưởng Champourdy, cho đến Đồ án Quy hoạch Jean O’Neil 1919, Đồ án Quy hoạch Thành phố cảnh quan bài bản của KTS Hébrard năm 1923; Đồ án Quy hoạch của KTS Pineau năm 1933; Đồ án Quy hoạch của KTS Mondet năm 1940; Đồ án Quy hoạch năm 1943 của KTS Lagisquet làm rõ nét dấu ấn của Thành phố vườn…; Dựa trên nền tảng quan trọng đó, những công trình kiến tạo, nghệ thuật kiến trúc được thiết kế khéo léo hòa nhập vào khung cảnh tự nhiên sẵn có, đã tạo nên cảnh quan đô thị Đà Lạt đặc sắc, nổi danh như là một trường hợp duy nhất trên thế giới. Đến nay, thành phố Đà Lạt chất chứa trong mình những di sản văn hoá quý báu trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc rất đặc sắc cần phải nghiên cứu tìm hiểu.
Bài học của quá khứ phần nào sẽ giúp chúng ta tìm hiểu và nhận ra được những giá trị đặc thù của kiến trúc Đà Lạt.
 Từ đó góp phần nêu lên những giải pháp  gìn giữ và phát triển tiếp nối theo hướng bền vững những giá trị đặc trưng của thành phố, trước sức ép của tiến trình đô thị hóa với những thay đổi nhanh chóng và phức tạp.
II. PHÂN TÍCH GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT.
1)    Giá trị kiến trúc đô thị Đà Lạt.
  • Thành phố cảnh quan,
  • Thành phố du lịch nghỉ dưỡng sinh thái.
  • Thành phố di sản: Bảo tàng ngoài trời kiến trúc địa phương Pháp.
2) Phân tích:
     a. Thành phố cảnh quan:
  • Về điều kiện tự nhiên độc đáo:
-             Vùng đất đầu nguồn sông suối đổ về đồng bằng lân cận. Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lang-Bian được bao bọc bởi mảng rừng thông dầy hơn 10 km, được mệnh danh là ” thành phố trong rừng”.
-                       Khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm.
-             Cảnh quan thiên nhiên rừng thông, thảm cỏ hòa quyện với cảnh quan không gian thoáng đảng của mặt nước.
-                       Địa hình miền núi tạo thành nhiều lớp phong cảnh phong phú đa dạng.
-                       Đất đai rộng rãi thích hợp trồng trọt rau hoa cây trái miền ôn đới.
  • Về mặt lý thuyết, học thuật:
· Thành phố vườn hiện đại kiểu mẫu, áp dụng  vào điều kiện thiên nhiên miền núi.
· Các đồ án quy hoạch chỉnh trang luôn mang tính kế thừa, được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng thời kỳ.
· Sự nhất quán trong thực thi những ý tưởng xây dựng Thành phố nghỉ dưỡng, du lịch,  phải là thành phố cảnh quan.
· Phân khu chức năng: Nghệ thuật bố trí sắp xếp các hình thái không gian, hình thái kiến trúc trong đô thị. - Phân khu chức năng linh hoạt rõ ràng, đảm bảo đặc tính thống nhất và thẩm mỹ cho  từng khu riêng biệt.
  • Nhận biết những đặc điểm nổi trội cuả  kiến trúc đô thị Đà Lạt.
-   Quy hoạch đô thị được bố cục bám theo địa hình:
-           Các đường phố  nối kết liền lạc, uốn lượn theo địa hình đồi núi thung lũng tạo khung sườn chính cho  cơ thể đô thị.
-           Phân khu chức năng linh hoạt rõ ràng, đảm bảo đặc tính thống nhất và thẩm mỹ cho  từng khu riêng biệt. Các khu biệt thự, dinh thự, khu phố thương mại, các ấp trồng rau và hoa…
-           Trung tâm duy nhất Hồ xuân hương, không gian mở: rộng thoáng - tự nhiên chuyển hoá mềm mại sang đồi và rừng thông.. Tầm nhìn chính cuả đô thị hướng về núi Lang Biang (Landmark- Điểm mốc đô thị).
-           Quỹ kiến trúc đa dạng về thể loại, phong phú về phong cach, chất lượng thẩm mỹ cao, hình thành một tài sản đô thị có giá trị.
  • Về ảnh hưởng quan trọng của quy hoạch đến kiến trúc công trình:
·  Khởi  đầu và qua các thời kỳ phát triển, xây dựng theo quy hoạch với ý tưởng cuả đô thị nghỉ mát- du lịch là thành phố cảnh quan. Kiến trúc Đà Lạt được hướng dẫn phát triển theo quy hoạch và được kiểm soát về mặt thẩm mỹ.
·  Khuôn viên được phân lô rộng rãi để đảm bảo cảnh trí thiên nhiên chung. Mật độ xây dựng có giới hạn cho phép rất thấp.
b) Thành phố sinh thái:
-                       Vùng đất đầu nguồn sông suối đổ về đồng bằng lân cận.
-                       Hạn chế các hoạt động gây uế nhiễm nguồn nước. Định hướng phát triển TP trở thành thành phố xanh phát triển bền vững, tiến đến thành phố sinh thái.

c) Thành phố di sản: Bảo tàng ngoài trời kiến trúc địa phương Pháp.
 Đà Lạt không phải là thành phố cổ kính, nhưng hơn 120 năm hình thành và phát triển cũng đã để lại những dấu ấn kiến trúc nhất định.
Người ta nhìn nhận Đà Lạt như là một "Bảo tàng kiến trúc địa phương của Pháp", từ các kiểu kiến trúc địa phương ở vùng miền Bắc, miền Đông nhiều đồi núi, cho đến các vùng phía Nam, phía Tây gần biển. Thật vậy, ngày nay tại Pháp cũng rất hiếm thấy các công trình ảnh hưởng theo các phong cách này, đôi khi  chúng cũng không còn  nguyên vẹn. Mặt khác, nếu muốn tìm hiểu trên thực tế  hình mẫu kiến trúc một thời ấy, người ta phải đi khắp nước Pháp mới thấy hết đặc trưng kiến trúc của từng miền, từng vùng của Pháp, nhưng chỉ cần đến Đà Lạt thì có thể đạt được nguyện vọng.
Đặc điểm chung dễ nhận thấy của các công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố Đà Lạt là dựa vào thiên nhiên có sẵn, nhẹ nhàng nép mình vào khung cảnh, tạo lập một công trình có dáng dấp như là một sản phẩm của tự nhiên, một bông hoa kiến trúc nở mọc lên từ đất, hòa nhập với thiên nhiên. Tất cả các kiến trúc đẹp đều chọn lựa bố cục tổng thể theo hình khối nằm ngang ổn định, gắn kết chặt chẽ với mặt đất, địa hình khu vực chung quanh.
Về phong cách và ngôn ngữ kiến trúc, chúng ta nhận thấy các công trình Kiến trúc đều có cơ sở thiết kế phải phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và với điều kiện sinh hoạt của cư dân. Những kiến trúc ở Đà Lạt đã được sáng tạo từ nguồn cảm hứng địa phương để tạo dựng thành kiểu kiến trúc độc đáo đầy bản sắc.
Trong kho tàng kiến trúc của Đà Lạt, kiến trúc dạng biệt thự chiếm tỉ lệ đa số, đó cũng là một đặc điểm khiến cho kiến trúc của Đà Lạt được đánh giá là có những giá trị đặc biệt, vì không đâu trên đất nước số lượng biệt thự lại chiếm một tỉ lệ lớn như ở Đà Lạt. Hơn nữa, hệ thống biệt thự rất đa dạng theo hình thức của các kiểu kiến trúc địa phương Pháp.
3. Sơ kết- Nhận định chung
Có lẽ bài hoc của quá khứ phần nào đã giúp chúng ta tìm hiểu và nhận biết ra được những yếu tố tạo ra những nét đặc thù của kiến trúc Đà Lạt:
- Điều kiện môi trường thiên nhiên độc đáo của vùng Đà Lạt: địa hình, địa thế, khí hậu thời tiết, vật liêu địa phương… luôn là đề bài hấp dẫn cho các giải pháp kiến trúc từ xưa đến nay.
- Những công trình quy hoạch và kiến trúc của thời Pháp thuộc đã tạo dựng thành diện mạo đặc thù đậm nét của thành phố: Đà Lạt như một thành phố cảnh quan mang màu sắc châu Âu giữa lòng châu Á
- So với cả nước, kiến trúc Đà Lạt tiêu biểu cho kiến trúc miền núi, kiến trúc xứ lạnh …( Từ mái nhà sàn của cư dân bản địa cho đến kiến trúc kiểu  Âu, Mỹ, Việt thời hiện đại).
- Kiến trúc hiện đại trước 75 do các KTS Việt Nam thiết kế cũng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp (Giáo Hoàng chủng viện- KTS Tô Công Văn; Trung tâm nghiên cứu nguyên tử- KTS Ngô Viết Thụ; Chợ Đà Lạt- KTS Nguyễn Duy Đức, Làng SOS…).
- Kiến trúc hiện đại sau ngày Giải phóng thể hiện qua một số công trình tiêu biểu đã cho thấy vẫn đang trong giai đoạn tìm tòi thử nghiệm, đã có một vài tín hiệu đáng mừng qua một số công trình mới được xây dựng gần đây, tuy cũng có nhiều công trình kiến trúc còn mang tính sao chép, lượm lặt, mang dáng dấp xa lạ, lạc lõng.
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã thúc đẩy sư phát triển của thành phố và sự bùng nổ trong xây dựng, với những hiện tượng tích cực cũng như tiêu cực đã cho thấy nhiều vấn đề cụ thể đã được đặt ra:
-   Làm thế nào giữ được những nét cũ, bằng chứng của quá khứ lịch sử có giá trị của Đà Lạt.
-   Nhu cầu cấp thiết về phát triển bền vững của kinh tế du lịch, giữ gìn hình ảnh và bản sắc của Đà Lạt- những lý do tìm đến của du khách.
-    Mối quan hệ ngành giữa quy hoạch đô thị và thiết kế công trình của thành phố Đà Lạt  là một sự gắn bó hữu cơ.
-   Là một đô thị được xây dựng theo chủ ý của con người, được khống chế từ quy mô cho đến chức năng, từ hình thức biểu hiện cho đến ý đồ thiết kế cảnh quan và vật liệu xây dựng,.. Đà Lạt thích hợp nhất đối với một đô thị nghỉ dưỡng, du lịch.
-   Thành phố Đà Lạt có nhiều lợi điểm mà nhiều thành phố khác ở Việt Nam không có được: đó là những yếu tố về khí hậu, địa hình, mặt  nước, thảm thực vật,... Đồng thời, về mặt lý luận cũng như lịch sử xây dựng đô thị thì có thể nói rằng nơi đây là một ví dụ điển hình về xây dựng và phát triển một thành phố vườn- thành phố cảnh quan- thành phố du lịch sinh thái…
-   Đà Lạt đang ôm trong mình một quỹ kiến trúc đô thị  độc đáo phong phú. Trên quan điểm phát triển có kế thừa, hình ảnh mong muốn trong tương lai của Đà Lạt sẽ là một sự tổng hòa giữa xưa và nay, giữa cổ kính và hiện đại, phấn đấu là một trung tâm di sản kiến trúc đô thị nổi bật.

-   Những giá trị quý giá về cảnh quan và quỹ kiến trúc của đô thị du lịch Đà Lạt cần phải được bảo tồn, phát huy nhằm tạo ra những giá trị nền tảng phục vụ cho yêu cầu phát triển du lịch, và như vậy sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của du lịch địa phương.
--------------------------
THAM KHẢO:
Bo tn các giá tr ct lõi ca Đà Lt
Đà Lạt từ lâu đã là địa danh được nhiều người biết đến với những nét đặc thù về khí hậu, cảnh quan, kiến trúc. Nhưng quá trình phát triển đang đặt đô thị này trước nhiều thách thức. Quy hoạch xây dựng Đà Lạt theo hướng nào để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa giữ được những giá trị đặc thù, đó là vấn đề được các nhà quản lý và chuyên gia về quy hoạch - kiến trúc quan tâm. 
Đà Lạt cần bảo tồn các giá trị đặc thù về cảnh quan, kiến trúc
Đà Lạt cần bảo tồn các giá trị đặc thù về cảnh quan, kiến trúc
Nhiều thách thức về đô thị
Năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra vùng đất hoang sơ, hùng vĩ trên cao nguyên Langbian, khởi đầu cho sự hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt. Trải qua hơn 120 năm, Đà Lạt đã trở thành đô thị nghỉ dưỡng nổi tiếng của cả nước với những giá trị đặc thù, như khí hậu mát mẻ, địa hình đồi dốc trập trùng, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và đặc biệt là vốn di sản kiến trúc biệt thự cổ. Hiện Đà Lạt còn hàng trăm căn biệt thự kiến trúc Pháp độc đáo. Các công trình được xây dựng hài hòa với thiên nhiên, sắp đặt khéo léo theo các dạng địa hình để tạo nên một đô thị có dáng vẻ riêng, được ví như “Paris thu nhỏ”. 
Nhưng quá trình đô thị hóa cũng đang khiến Đà Lạt đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đô thị. Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, thời gian qua, một số biệt thự được giao cho các nhà đầu tư khai thác nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều biệt thự xuống cấp, kinh phí để cải tạo, bảo tồn còn hạn chế, đã làm giá trị kiến trúc giảm dần qua thời gian. Bên cạnh đó, việc hình thành các công trình có kiến trúc mới, mật độ xây dựng tăng, cây xanh giảm, xây dựng các công trình xen kẽ trong các khu biệt thự… đã làm cho cảnh quan thơ mộng, hài hòa trước đây bị thay đổi. 
Cùng với sự mai một vốn di sản biệt thự cổ, vấn đề quy hoạch phát triển đô thị Đà Lạt cũng còn nhiều điều phải bàn. Tại hội thảo về bảo tồn và phát triển đô thị Đà Lạt vừa diễn ra, PGS-TS kiến trúc sư Doãn Minh Khôi (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, sự gia tăng dân số tại các khu vực dân cư và các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch khiến khu vực trung tâm Đà Lạt bị xây dựng dày đặc. Từ một thành phố có chức năng nghỉ dưỡng, tĩnh lặng và lãng mạn theo kiểu châu Âu đang biến đổi thành một thành phố nhộn nhịp. Yếu tố bản sắc có nguy cơ bị mất dần từ các dự án đầu tư xây dựng của cả tư nhân và nhà nước. Một số công trình đồ sộ tạo điểm nhấn quá lộ liễu, không đúng với kiến trúc đặc trưng của Đà Lạt. 
Còn theo TS Ngô Viết Nam Sơn (kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch phát triển đô thị), việc quy hoạch đô thị Đà Lạt hiện tại chưa nói rõ cách ứng xử với nhà cao tầng trong khu lõi trung tâm, mà chỉ nói chung chung tầng cao trung bình tối đa là 3-5 tầng, với một số công trình điểm nhấn cao trên 5 tầng. “Trên 5 tầng có thể hiểu là vẫn chưa xác định mức khống chế tầng cao tối đa, trong khi thực tế Đà Lạt hoàn toàn không nên cấp phép cho nhà cao tầng. Những công trình điểm nhấn cũng chỉ cần cao đến 9 tầng là đủ, do cộng hưởng chiều cao từ địa thế đồi núi”, ông Ngô Viết Nam Sơn phân tích. 
Hướng đến đô thị xanh

Từ phân tích nói trên, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc quy hoạch trung tâm đô thị Đà Lạt không nên là những công trình cao tầng, mà là không gian xanh; không định hướng phát triển theo chiều cao, mà theo chiều ngang, trong mối liên kết đan xen với cây xanh, mặt nước. Những khu vực xây dựng hiện hữu trong khu trung tâm đã có hiện trạng mật độ cao 50%-70%, thì nên có chính sách khuyến khích lập vườn xanh trên mái để trồng hoa, trồng rau… Những khu vực chưa xây dựng trong khu trung tâm thì nên giảm mật độ xây dựng và khuyến khích các kiến trúc phù hợp với tiêu chí đô thị du lịch xanh và kiến trúc bền vững. 
Cùng quan điểm, kiến trúc sư Doãn Minh Khôi cho rằng, các hoạt động xây dựng tại Đà Lạt cần phải chú trọng lồng ghép với bảo vệ tài nguyên rừng, đồi núi, hồ, suối và bảo tồn quỹ di sản kiến trúc đô thị. Để làm được điều đó, chúng ta cần ứng xử với thiên nhiên theo hướng chung sống hòa đồng và không quá tự nổi bật trong không gian thiên nhiên. Cần bảo tồn và nhân rộng những khoảng xanh của thành phố. Sự mở rộng của các khu dân cư và lan dần lên phía Bắc cũng cần phải được quan tâm để tránh ảnh hưởng tầm nhìn đến dãy Langbian - điểm nhấn cảnh quan của toàn thành phố.
“Định hướng phát triển tương lai của Đà Lạt, theo những phân tích về biến đổi hình thái đô thị, sẽ phải kế thừa và phát huy những giá trị sẵn có. Công tác quy hoạch sử dụng đất, bố trí cảnh quan và thiết kế kiến trúc cần có sự tiếp nối các giá trị mà trước đây Pháp đã thiết kế. Đà Lạt có thể trở thành một thành phố phục hưng của châu Á và tỉnh Lâm Đồng sẽ trở thành một mô hình mẫu cho nền kinh tế xanh, phát triển ổn định”, ông Doãn Minh Khôi kỳ vọng.
NAM VIÊN

-----------

Sống lại dòng ký ức trăm năm


Đô thị trên cao nguyên Lâm Viên, trong dòng chảy lịch sử đất nước, đã trải qua biết bao biến động, thăng trầm. Trải qua bao năm tháng, người dân Đà Lạt đã tạo dựng nên những nét giá trị tinh thần đặc sắc. Người Đà Lạt hôm nay luôn tự hào về thành phố của mình, nơi gắn liền với dấu chân cha ông một thuở, trong hành trình tạo dựng đô thị với muôn vất vả, gian nan...
Một góc Đà Lạt trong sương sớm.
Ngày đầu năm, anh bạn tôi Nguyễn Vũ Hoàng gọi mời: “Ghé Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Lâm Đồng cùng thưởng lãm một vùng ký ức. Chúng tôi đang trưng bày những hiện vật và hình ảnh quý về một thời hình thành đô thị Đà Lạt hồi đầu thế kỷ trước. May mắn, dù đó là những gì ít ỏi còn sót lại, nhưng vô cùng quý giá”.
Chỉ là 1.500 hiện vật, quá ít ỏi khi theo dấu 125 năm lịch sử đô thị.
Đó có thể là chiếc áo nông phu thời đầu thế kỷ trước mà đến giờ cháu con vẫn trân quý lưu giữ. Đó có thể là cây đèn bão mà tiền nhân của một gia đình nông dân nào đó vẫn thường xách ra thăm vườn trong những đêm đất trời nổi cơn mưa gió. Đó có thể là chiếc mâm gỗ mang vào từ cố hương và từng dọn những bữa cơm đạm bạc trong ngôi nhà gỗ thông ven rừng trong những buổi hoàng hôn buốt giá. Một chiếc ấm đun nước hay chiếc nĩa đinh ba. Đó cũng có thể là bộ trang phục bảnh bao đầu tiên của cô cậu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba sau lớp cha ông mở cuộc khai canh. Là chiếc bình pha cà-phê của nhà ai đó mới nổi lên sau vài mùa rau, hoa được giá; là chiếc máy hát quay tay của những nông dân tập làm thị dân khi văn minh Tây phương du nhập. Ký ức thời gian còn hiển hiện trong bức hoành phi hay bộ án thư sơn son thếp vàng gia tộc nào đó kỳ công mang từ quê cũ miền bắc vào,...
Khó có thể kể hết tên hiện vật, cũng như ghi đầy đủ gốc gác của những gì đã in đậm dấu ấn của một thời đã xa. Chỉ biết rằng, những hiện vật như đang nhẩn nha kể những chuyện buồn vui về một thời lập phố. Điều trân quý là ý tưởng, công sức sưu tầm và việc tổ chức trưng bày của các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Lâm Đồng. Trân trọng hơn nữa là qua đó biết rằng, người dân ở xứ sở này chưa bao giờ phai nhạt và lãng quên ký ức đô thị, ký ức của chính mình.
Phải chăng, ở đô thị cao nguyên này, có một vùng tâm thức lưu dân?
Ngày đó, những năm mở đầu thế kỷ 20. Trong 19 túp nhà gỗ ven đồi thời “đô thị hoang vu” trong bức ảnh tư liệu ghi thời điểm 1901, người ta nói có khoảng 10 người Việt đã sống ở đó. Họ có mặt trước khi ông kiến trúc sư Ê-nét Ê-brác (Ernest Hébrard) thực hiện đồ án quy hoạch đầu tiên cho Đà Lạt vào năm 1923. Họ có mặt khi nơi này chỉ mới có vài người Âu xách va-li từ phương xa đến. Có thể kể tên ông Pôn Săm-pu-đri (Paul Champoudry), thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt, vị thị trưởng không dân. Săm-pu-đri từng là ủy viên Hội đồng thành phố Pa-ri nhưng thất bại trong cuộc bầu cử năm 1896, được Toàn quyền Pôn Đu-me (Paul Doumer) kéo qua Đông Dương và bổ nhiệm làm người đứng đầu vùng đất này với nhiệm vụ tạo dựng một đô thị nghỉ dưỡng. Cùng với ông thị trưởng chỉ có một kế toán, vài hiến binh, một nhân viên thuế quan và bưu điện viên. Gia đình Khâm sứ Trung kỳ đương nhiệm Giăng Ô-véc-nhơ (Jean Auvergne) cũng kịp chiếm một trong những căn nhà đầu tiên trên vùng phố bắt đầu khởi lập hòng làm nơi nghỉ ngơi khi mùa hè miền trung bức bối. Ký vãng về đô thị Đà Lạt hồi đầu thế kỷ trước, là nhớ đến nhà bác học A-lếch-xăng-đrơ Y-éc-xanh (Alexandre Yersin), người khám phá ra vùng đất; nhớ đến những kiến trúc sư lừng danh tạo nên những đồ án quy hoạch qua các thời kỳ như Ê-nét Ê-brác, Lu-i Gioóc-giơ Pi-nô, Giắc La-dít-kết... dù phục vụ cho ý đồ thực dân, nhưng phần nào họ cũng là những người có đóng góp kiến tạo. Nhưng trên tất cả, lịch sử đô thị phải ghi nhớ, nhớ sâu sắc những dấu chân lưu dân người Việt đến từ tứ xứ. Người dân chính là “ký ức nền”, là chủ nhân truyền đời mãi mãi của xứ sở này.
Họ, những người đến từ các huyện Thanh Chương, Đô Lương (Nghệ An), Đức Thọ (Hà Tĩnh) từ năm 1927 rồi lập ấp Nghệ Tĩnh. Trong đình làng Nghệ của con dân xa xứ còn lưu danh các bậc tiền hiền: Nguyễn Thái Hiến, Nghiêm Trang, Phan Văn Lưu, Phan Diệm, Ngô Đức Thận...
Họ, hơn 100 nông phu thuộc tỉnh Hà Đông cũ (gồm các làng bên hồ Tây như Nghi Tàm, Quảng Bá, Vạn Phúc, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo) đến Đà Lạt từ năm 1938 đến 1942, lập nên ấp Hà Đông. Dân ấp bây giờ vẫn nhắc những cái tên tiền bối: Ngô Văn Hựu, Ngô Văn Hiện, Ngô Văn Bính, Lý Nhu, Trần Văn Y, Cả Tục, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Nhớn...
Họ, 11 trai đinh xứ Quảng lên làm phu Sở trà Cầu Đất thuộc Công ty cây trồng nhiệt đới của người Pháp, từ năm 1927 đã xin chính quyền thực dân và chính phủ Nam Triều lập làng Trường Xuân. Cái cớ mà ông Nguyễn Đình Sung, người đứng ra đại diện trình xin cho việc lập làng là “Người Việt Nam có tục thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên nên phải có làng, có đình, có hội...”.
Họ, những người dân xứ Thừa Thiên - Huế đến trong những năm 1930 đến 1940 rồi lập ấp Ánh Sáng.
Và cứ thế, người trước kẻ sau, những lưu dân dù đến với nơi này bằng con đường nào, bởi lý do nào thì họ cũng đã tụ cư thành làng, khai canh, lập vườn, sinh con đẻ cái truyền đời. Từ ấp Nghệ Tĩnh, Hà Đông, Ánh Sáng rồi đến làng Vạn Thành, Thái Phiên. Những phu hỏa xa, đồn điền, lục lộ, những người trốn tránh binh lửa điêu tàn nơi quê xứ cũng lập nên những Cầu Đất, Trạm Hành, Trại Mát, Trại Hầm, Đa Thiện, Xuân Thọ, Sở Lăng...
Họ đã đến và góp phần dựng nên xứ sở này. Tôi cứ mãi hình dung về những kiếp người thuở ấy. Họ đến đất này từ trăm năm trước, bởi những thân phận khác nhau, có người là kẻ bị đày, nhưng nhiều người khác lại là cu li, là phu phen tạp dịch, là nông dân tìm đất mới mưu sinh. Chiếc bồng vải vá víu chứa dăm nắm hạt giống, vài manh khố ôm áo rách, vài đồng chinh xèng. Lại có người gánh làng, gánh xã, gánh nền văn minh lúa nước cổ xưa,... với những niềm hy vọng mong manh về một tương lai tươi sáng. Trong cái lạnh lẽo mùa sương tháng giá, những con người cô hành lưu lạc ấy đã phải chống chọi nỗi nhớ quặn thắt về cố hương, dòng tộc, nhớ ruộng vườn thân thuộc, nhớ cây đa, bến nước, lũy tre làng, dòng sông xứ sở. Đất mới liệu có bao dung khi luôn phải chống chọi với thú dữ, với những trận dịch bệnh kinh người. Đặc biệt, họ phải đối diện sự áp bức, kỳ thị của người phương Tây, những giới chủ thực dân. Dù lịch sử đã bước qua thành phố này hơn một thế kỷ, nhưng vẫn không khỏi xót xa khi đọc lại nội dung mà quyền Thị trưởng Đà Lạt Lê-ông Gác-ni-ê (Léon Garnier) phúc trình lên Khâm sứ Trung kỳ Pi-e Pát-ki-ê (Pierre Pasquier) tháng 3-1924: “Trong chuyến viếng thăm Đà Lạt vừa qua cùng kiến trúc sư Ê-brác, ngài đã trực tiếp nhìn thấy sự cần thiết phải tống khứ những căn nhà của người bản xứ đang nằm ngay vị trí của ngôi chợ tương lai”. Trước đó, người thực hiện đồ án quy hoạch Đà Lạt năm 1919 Ô-niu (O’Neill) cũng đã dành cho dân Việt sự đối xử khinh miệt: “Khu vực bản xứ phải nằm cách xa hẳn khu vực người Âu. Vì thế, địa điểm đã được định sẵn ở ven suối Cam Ly, dưới hạ lưu đập chắn hồ...”. Văn khố lưu trữ đã kể lại thảm kịch vỡ chính con đập này vào tháng 3-1932 làm cho ngôi làng người Việt bị trôi và 17 lưu dân thiệt mạng mà chính quyền thực dân không đoái hoài thương xót...
Ngày đầu năm, dừng chân trước những hiện vật về một thời khởi nguyên lập phố, và suy ngẫm sâu hơn về dấu chân những người Việt đã có công lập đất mà lâu nay lịch sử đô thị Đà Lạt có phần ít đề cập đến.
Thực tế, hơn 100 năm trước, họ gánh vào đất mới những “tên xã, tên làng” rồi tự sưởi ấm tâm hồn, sưởi ấm lòng nhau trong những đêm rừng xưa hoang lạnh bằng nét riêng trong tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán và văn hóa cổ truyền của quê hương, xứ sở mình. Bởi hoàn cảnh lịch sử, thời đầu thế kỷ trước họ đã sống bên phần rìa đô thị nhưng chính họ đã góp phần không nhỏ làm nên hồn cốt đô thị của Đà Lạt. Có lẽ, chính bước chân tha hương nặng tình cố xứ, cảm thức lưu dân nơi đất lạ đã tạo nên những nét tính cách khác biệt, khác biệt cả phong cách giao tiếp, tạo dựng nên hành vi ứng xử giao hòa thân thiết, gần gũi, sẻ chia của người Đà Lạt trong cả không gian sống và phương thức mưu sinh. Dù lịch sử đất nước trải qua những biến động, thăng trầm, nhưng người dân Đà Lạt thì vẫn luôn giữ vững những giá trị tinh thần đáng yêu, đáng quý này.
UÔNG THÁI BIỂU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.