Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

KÝ ỨC ĐÀ LẠT

ĐỊA CHÍ ĐÀ LẠT- LƯỢC SỬ QUY HOẠCH ĐÀ LAT-Kiến trúc cảnh quan

PHẦN THỨ NHẤT
CHƯƠNG I- LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
Đà Lạt, thành phố trẻ trên Tây Nguyên, đã trở thành một địa danh rất quen thuộc với mọi người Việt Nam và du khách quốc tế.
Đà Lạt được ghi nhận hình thành từ năm 1893 khi bác sỹ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên và nhờ đó ông có ý kiến hết sức thuyết phục khi Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương hỏi tìm một địa điểm vùng cao để xây dựng nơi nghỉ dưỡng. Từ đó, thành phố Đà Lạt dần dần hình thành và đã trải qua không ít thăng trầm.                    
1.     THỜI KỲ TRƯỚC NĂM 1945
1.1   Giai đoạn trước thế kỷ XX
Từ xa xưa, Đà Lạt và cả cao nguyên Lâm Viên là địa bàn cư trú của người Lạch, Chil, Srê thuộc dân tộc Cơ Ho.
Trên bản đồ đạo Ninh Thuận, ở khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận có ghi 3 chữ “Lâm Sơn Phần”.
Khi huyện Tân Khai được thành lập, Đà Lạt nằm trong tổng Lâm Viên với 17 buôn và 268 suất đinh.
Với nhiệm vụ tìm hiểu thượng lưu sông Đồng Nai, bác sỹ Paul Néis và trung uý Albert Septans có đến thăm một số làng người Lạch trên cao nguyên Lâm Viên ngày 16-3-1881 và ghi chép được nhiều số đo khí tượng và nhân trắc học cư dân trong vùng.
Ngày 21-6-1893, trong một chuyến thám hiểm vùng rừng núi ở Nam Trung Kỳ giữa biển Đông và sông Mê Công, đầu nguồn sông Đồng Nai và Xê Băng Can, bác sỹ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên.
Nhân một chuyến thăm một vài nơi nghỉ dưỡng vùng cao ở Ấn Độ, toàn quyền Paul Doumer bắt đầu quan tâm đến việc tìm kiếm những nơi nghỉ dưỡng cho người da trắng ở Đông Dương. Trong thư gửi cho các khâm sứ, công sứ, ông nêu bốn điều kiện cần thiết cho một trạm nghỉ dưỡng: độ cao trên 1200 mét, nguồn nước dồi dào, đất đai canh tác được và khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng. Nhờ chuyến thám hiểm Lâm Viên năm 1893, Yersin đã đề xuất chọn cao nguyên Lâm Viên làm nơi nghỉ dưỡng và được Toàn quyền Paul Doumer ghi nhận.
   Năm 1897, Paul Doumer cử một phái đoàn quân sự, dưới sự chỉ huy của đại úy Thouard, nghiên cứu con đường từ Nha Trang lên Lâm Viên. Sau 11 tháng làm việc, Thouard đã chứng minh không thể đi thẳng từ Nha Trang lên được Lâm Viên và phác thảo một con đường đi từ Phan Rang lên Đà Lạt qua ngã Fimnom và cũng gợi ý xây dựng trực tiếp một con đường từ Sài Gòn lên.
Năm 1898, khi đoàn Thouard chưa kết thúc, các đoàn tiếp theo do Garnier, Odhéra, Bernard cùng tiến hành khảo sát con đường Phan Thiết – Djiring – Đà Lạt. Missigbrott, một thành viên tùy tùng đoàn Thouard, đã ở lại sau chuyến khảo sát để lập vườn rau và chăn nuôi gia súc, tạo cơ sở cho trạm nông nghiệp và trạm khí tượng sau này.
Bản đồ đạo Ninh Thuận
Ngày 1-11-1899, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng với thủ phủ là Djiring và hai trạm hành chính là Tánh Linh và Lâm Viên (đặt tại Đà Lạt bây giờ). Đó là tiền đề pháp lý đầu tiên cho việc hình thành chức năng hành chính của Đà Lạt.
1.1   Giai đoạn 1900 - 1915
Sau khi Paul Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và trạm hành chính ở Lâm Viên, Champoudry được cử lên Đà Lạt bấy giờ với tư cách như một “Thị trưởng”. Trước khi về nước (1902), ông còn quyết định thành lập tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt (1901). Kế hoạch lập thành phố trên cao bị gián đoạn, các công trình gần như bỏ dở do khó khăn về đầu tư và trở ngại giao thông.
Toàn quyền Paul Beau (nhiệm kỳ 1902-1908) tiếp tục cử nhiều đoàn khảo sát cao nguyên Lâm Viên như các đoàn quân sự do tướng Beylié (1903), tướng Pennequin (1904), đại uý Bizar (1905) chỉ huy, các đoàn y tế có bác sỹ Grall (1904), bác sỹ Vassal (1905),... Giai đoạn này có nhiều người tham gia khảo sát bị chết vì sốt rét, nên dự án bị lên án và thậm chí có ý kiến đề nghị huỷ bỏ. Người Pháp còn cho tìm kiếm thêm địa điểm thay thế tại thung lũng sông Đa Nhim và trên cao nguyên Djiring. Nhưng chính nhờ các đoàn khảo sát này mà người ta càng khẳng định chắc chắn hơn việc chọn  Đà Lạt.
Ngày 5-1-1906, sau khi tham khảo ý kiến các đoàn khảo sát và theo đề nghị của bác sỹ Tardif, Hội đồng quốc phòng Đông Dương (gồm có Toàn quyền, Tướng Voyron, Thống đốc Nam Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ) họp tại Đà Lạt đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên làm nơi nghỉ dưỡng vì hội đủ điều kiện cần thiết, đồng thời xác định vị trí Đà Lạt hiện nay thay cho Đan Kia.
Tuy vậy, cho đến hết nhiệm kỳ của Toàn quyền Klobukowski (1908 - 1910), mọi hoạt động chẳng tiến triển được bao nhiêu. Thị trưởng Champoudry cùng hội đồng thị xã của ông trong giai đoạn này “không có một khoản ngân sách đáng kể, không có một sự trợ giúp nào cả”. Trong giai đoạn ngắn này cũng có vài công trình được xây dựng, đáng lưu ý là trạm khí tượng từ Đan Kia chuyển về; một lữ quán cho khách vãng lai, tiền thân của Khách sạn Hồ (Hôtel du Lac) đặt ở vị trí Khách sạn Hàng Không ngày nay; đường sắt Tháp Chàm - Xóm Gòn hoàn thành sau sáu năm xây dựng (1909).

Nhiệm kỳ kế tiếp của Toàn quyền Albert Sarraut mang lại cho Đà Lạt ít nhiều sinh khí. Sự đe doạ của Nhật Bản khiến Chính phủ Pháp nới rộng quyền hạn cho Toàn quyền, cho phép cai trị bằng những nghị định do chính ông ban hành. Ông còn cho phát triển ngành y tế, tổ chức lại giáo dục và chỉ thị hoàn thành xây dựng các công trình đường sá lên  Đà Lạt trước năm 1914.
Năm 1913, hoàn thành tuyến đường Phan Thiết - Djiring; năm 1914, tuyến Djiring- Đà Lạt. Đường sắt Phan Rang - Krongpha được đưa vào sử dụng cho phép sự buôn bán và đi lại giữa Đà Lạt và vùng xuôi phát triển. Đến năm 1915, từ Sài Gòn có thể đi  Đà Lạt bằng hai con đường: Sài Gòn - Ma Lâm -  Đà Lạt (354km) mất một ngày rưỡi và Sài Gòn - Phan Rang - Đà Lạt (414km) mất hai ngày.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, làn sóng người Âu đầu tiên  lên  Đà Lạt vì điều kiện về quê hương trong những ngày nghỉ phép gặp khó khăn. Họ muốn đến nghỉ dưỡng ở  Đà Lạt, một vùng khí hậu lý tưởng gợi nhớ quê hương. Đường sá lúc này khá thuận tiện. Điều đáng tiếc là cơ sở vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách.
1.3   Giai đoạn 1916 - 1945
Đây là giai đoạn có nhiều biến động lịch sử. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai đã làm cho tình hình chính trị xã hội có nhiều thay đổi.
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất trở nên sôi động. Nếu số vốn đầu tư của tư bản Pháp từ năm 1888 - 1918 là 492 triệu quan thì giai đoạn từ 1924-1930 đã tăng vọt lên, cụ thể là : 1924: 170, 1925: 195, 1926:625, 1927: 705, 1928: 735, 1929: 755, 1930: 585 triệu quan. Năm 1917, Hãng Kinh tế Đông Dương (Agence économique de l’Indochine) được thành lập tại Paris với nhiệm vụ quảng cáo về khu vực này. Tình trạng lạm phát ở Pháp làm cho đồng bạc Đông Dương và các nguyên liệu tăng giá. Điều đó đã thúc đẩy sự đầu tư của tư bản Pháp trong 6 năm nói trên đạt tới con số 3 tỷ quan. Sau khủng hoảng kinh tế từ năm 1930, nền kinh tế Việt Nam lại sôi động hơn vì sự đầu tư ngày càng nhiều của tư bản Pháp.
Chính sự đầu tư đó đã làm tăng số người ngoại kiều tới lập cư ở Việt Nam, chẳng hạn người Pháp đạt tới con số 30 ngàn người (1937), Hoa kiều 466 ngàn người (1943). Hai cuộc chiến tranh làm cho nhu cầu nghỉ ngơi tại chỗ của người ngoại quốc tăng lên.  Đà Lạt lúc này được nhiều người biết đến, nhất là sau một số bài giới thiệu và quảng cáo trên báo chí của Pháp.
Chính sách cai trị của nhà nước bảo hộ đã chuyển sang chế độ trực trị. Triều đình Huế không có quyền kiểm soát nền ngoại giao và quân đội, chỉ giữ lại cho mình một nền hành chính hình thức, bắt đầu từ việc các công chức Pháp được biệt phái đến các cơ quan Việt Nam với tư cách phụ tá, dần dần họ lấn quyền, biến những quan lại người Việt trở thành phụ tá.
*
Nghị định 6-1-1916 của Toàn quyền Roume về việc thành lập tỉnh Lâm Viên (bao gồm vùng rừng núi các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng) cũng chỉ mới mở rộng sự tiếp xúc của người Âu và các tỉnh lân cận với  Đà Lạt. Địa giới tỉnh Lâm Viên được xác định như sau: phía bắc là sông Krông Knô, phía đông nam là sông Krông Pha, phía nam là sông La Giai (một nhánh sông Phan Rí), phía tây là biên giới Cămpuchia.  Nhưng Đà Lạt chưa đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho nghỉ dưỡng, đặc biệt là cơ sở pháp lý chưa thực sự bảo đảm cho ai muốn đầu tư xây dựng tại đây.
Ngày 20-4-1916, Hội đồng nhiếp chính của vua Duy Tân đã thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Tinh thần của Dụ này là trao toàn bộ quyền hạn cho Toàn quyền Đông Dương đối với Đà Lạt, nói cách khác là cho người Pháp toàn quyền sở hữu đất đai (mua bán, sang nhượng) trong khu vực và dưới quyền điều hành trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Dụ này được triển khai và bổ sung thêm trong các nghị định ngày 30-5-1916, ngày 5-7-1918, ngày 30-7-1926.
Ngày 31-10-1920, Toàn quyền Maurice Long ký nghị định thành lập khu tự trị Lâm Viên (thực hiện Dụ 11-10-1920 của triều đình Huế tách cao nguyên Lâm Viên ra khỏi tỉnh Lâm Viên). Phần đất còn lại của tỉnh Lang Bian mang tên Đồng Nai Thượng, tỉnh lị đặt tại Djiring. Công sứ Đồng Nai Thượng đóng tại Đà Lạt trong khi chờ xây dựng các cơ sở cần thiết ở Djiring.
Cùng ngày, một nghị định khác của Toàn quyền Đông Dương ấn định khu tự trị trên cao nguyên Lâm Viên thành thị xã Đà Lạt và xác định nâng Đà Lạt lên thị xã hạng hai với những quy chế rộng rãi.
Một nghị định khác cùng ngày về sự thành lập tại Đà Lạt Sở Nghỉ dưỡng Lâm Viên và Du lịch Nam Trung Kỳ nêu rõ:
“Giám đốc Sở Nghỉ dưỡng Lâm Viên và Du lịch Nam Trung Kỳ là Đại biểu của Toàn quyền Đông Dương ở  Đà Lạt và kiêm nhiệm chức vụ Thị trưởng Đà Lạt.
Đại biểu chịu trách nhiệm tổ chức khu tự trị trên cao nguyên Lâm Viên và vùng phụ cận, đặc biệt là xây dựng nơi này thành một nơi nghỉ dưỡng và một trung tâm du lịch hấp dẫn. Giám đốc có sứ mạng góp phần tôn tạo cảnh quan và tài nguyên du lịch ở Nam Trung Kỳ, cũng như các bãi tắm có thể được thiết lập.
Đại biểu quản lý và kiểm tra các công trình xây dựng từ ngân sách của khu tự trị Lâm Viên; có quyền hạn của một viên chức hành chính địa phương về các công trình thực hiện từ ngân sách, kể cả công trình xây dựng đường lên cao nguyên Lâm Viên  từ biên giới Nam Kỳ và Tháp Chàm.
Ông phải được tham khảo ý kiến về các điều kiện hoạt động, thời gian biểu và giá cả các dịch vụ vận tải đường bộ, đường sông và đường biển lên Lang Bian và đề nghị, nếu cần thiết, những sự thay đổi và cải tiến các dịch vụ.
Ông được quyền sử dụng bưu chính và viễn thông trong những điều kiện được quy định dành cho khâm sứ ghi trong bảng C và D của Nghị định ngày 17-4-1916, cũng như các công sứ, trưởng trạm hành chánh và cảnh binh của tỉnh Đồng Nai Thượng, Khánh Hoà, và Bình Thuận, hội  đồng kỹ thuật công chánh và nhà ở dân dụng, nhân viên đường sắt tuyến đường Sài Gòn – Khánh Hòa và  Đà Lạt, nhân viên và giám đốc các sở dưới quyền.
Công sứ ở Djiring, Phan Thiết và Nha Trang hợp tác với đại biểu.
Một kỹ sư trưởng hay một kỹ sư, một kiến trúc sư hay một thanh tra chính hay thanh tra nhà ở dân dụng, do Tổng Thanh tra Công chính chỉ định với sự thoả thuận của Đại biểu Toàn quyền Đông Dương ở Đà Lạt, có nhiệm vụ nghiên cứu và theo dõi tất cả các vấn đề đòi hỏi thẩm quyền kỹ thuật đặc biệt và các vấn đề mà Đại biểu xét thấy cần thiết.”
Để hoàn chỉnh hơn, một nghị định nhằm tổ chức lại thị xã Đà Lạt được ký ngày 26-7-1926. Các nghị định này đã đưa địa vị Đà Lạt lên cao hơn: vừa trở thành đơn vị trực thuộc Toàn quyền, vừa có tính tự trị cao hơn so với các thị xã khác. Tinh thần đó cũng đã được duy trì trong thời kỳ Pháp thuộc và kéo dài mãi cho đến tận năm 1975.
Dân số Đà Lạt tăng dần, đến năm 1923 là 1.500 người và năm 1925 dân số lên tới trên 2.400 người.
Về mặt hành chính, Đà Lạt trong giai đoạn này trở thành một đơn vị tự trị. Về mặt pháp lý, công sứ - thị trưởng Đà Lạt có những quyền hạn cho phép tiếp nhận đầu tư từ ngoài vào. Lúc này, việc mua các lô đất ở  Đà Lạt trở nên sôi động trong giới quan chức và kinh doanh người Pháp. Những công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng: khách sạn Palace (1916 - 1922), ngăn đập xây hồ trên dòng Cam Ly (1919), nhà máy điện (1918),  nhà bưu điện, kho bạc, trường học (1920). Số nhà gỗ tăng lên rất nhanh.
Năm 1919, Labbé - kỹ sư công chánh, xây dựng 1 đập  tạo 1 hồ nước trên dòng suối Cam Ly.
Buôn người Lạch trước khi xây dựng Hồ Lớn






Nhiều khu phố được thành lập phía nam, đông - nam và tây của Hồ Lớn. Người Việt sống trong làng Đa Lạc ở phía bắc suối Cam Ly và hướng tây - bắc.
Ngày 16-8-1921, Toàn quyền René Robin thành lập khu bảo tồn Trạm Bò rộng 8.000ha. Năm 1921, trạm xá Đà Lạt chỉ là một mái nhà tranh, đến năm 1922 bệnh viện được xây dựng.

Năm 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt. Tháng 8-1923, công trình được hoàn thành với tầm nhìn và dự kiến lớn: xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Theo đồ án quy hoạch, trên dòng suối Cam Ly sẽ có một chuỗi hồ từ đầu thác Cam Ly lên đến hồ Than Thở, hồ lớn nhất là ở khu vực Học viện Lục quân ngày nay. Khu công sở sẽ bố trí dọc theo trục này. Nhiều đề nghị của tác giả đã không thực tế, vì ngân sách Đông Dương lúc bấy giờ không đủ khả năng đem đồ án đó ra thực hiện. Ngoài ra, người ta còn trách tác giả không để ý đúng mức đến cảnh trí của vùng trải ra từ đồi đến núi Lâm Viên có giá trị thẩm mỹ rất lớn. Dù sao bản quy hoạch cũng đã góp phần cho việc mở mang thị xã trong những bước đầu theo một định hướng nhất quán.
*
Ban đầu một hội đồng thị xã gồm 4 người (2 Pháp, 2 Việt Nam) được khâm sứ Trung Kỳ chỉ định giúp việc cho đốc lý. Đến năm 1930, thị xã Đà Lạt đã có dáng dấp của một thành phố và hội đồng thị xã được tăng lên 9 người (6 Pháp, 2 Việt Nam và 1 Hoa).
Đây là thời kỳ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tương đối lớn.  Đà Lạt đã có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để phát triển. Bộ máy hành chính của người Pháp và  cơ sở hạ tầng đến giai đoạn này được xây dựng gần như đầy đủ: hệ thống giao thông đường bộ từ Sài Gòn, Phan Thiết, Phan Rang được hoàn tất, kể cả đường sắt Tháp Chàm -  Đà Lạt (1932).
Năm 1933, một chương trình chỉnh trang mới đã được kiến trúc sư Pineau thiết lập theo một quan điểm thực tế hơn. Ông cố gắng bảo tồn các thắng cảnh và đã dự trù nhiều khoảng đất trống. Phía bắc được mở ra cho dân cư đến sinh sống. Theo đồ án này, thị xã bao quanh hồ từ phía tây đến phía đông bắc. Hầu hết những nét chủ đạo của chương trình này đã được giữ lại trong chương trình 1943.
Hệ thống điện, nước, bệnh viện, chợ,... cũng đã được xây cất. Việc mua bán, sang nhượng cũng như thầu khoán trong xây dựng dễ dàng, nên khá nhiều công trình lớn được mọc lên trong giai đoạn này.
Năm 1927, xây dựng thêm một nhà máy điện mới.
Năm 1930, doanh trại Courbet được thành lập.
Năm 1932, đường bộ Đà Lạt trực tiếp nối với Sài Gòn đi ngang qua đèo Blao bắt đầu khai thông.
Năm 1935, khánh thành trường Lycée Yersin .
Năm 1936, thành lập Viện Pasteur.
Năm 1937, khai thông đường số 21 nối Đồng Nai Thượng với Đắc Lắc, dinh Toàn quyền được khởi công xây dựng.
Năm 1938, xây dựng xong ga  Đà Lạt.
Năm 1939, Trường Thiếu sinh quân được thành lập trên khu vực Trường Đại học  Đà Lạt ngày nay.
Các biệt thự xinh đẹp ở đường Hoa Lay-ơn (Rue des Glaïeuls), Hoa Hồng (Rue des Roses), cư xá Saint Benoit,... mọc lên. Tốc độ xây dựng tương đối nhanh, chẳng hạn như số lượng biệt thự ở  Đà Lạt vào các năm như sau: 1936: 327, 1937: 378, 1938: 398, 1939: 427.
Năm 1937, một chiến dịch tuyên truyền và tiếp thị cho  Đà Lạt được phát động trên báo chí Pháp và Đông Dương. Báo L’Asie nouvelle illustrée dành riêng số 56 để viết chuyên đề về  Đà Lạt. Đà Lạt đươc ca ngợi là vùng du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao  và săn bắn lý tưởng, một trung tâm giáo dục có thứ hạng của Pháp tại Đông Dương (sau Hà Nội và Sài Gòn).
Đồi Cù (1937)
Du khách lên  Đà Lạt ngày một đông, các buồng trong khách sạn được đặt thuê từ nhiều tháng trước. Công ty du lịch được thành lập với 80 nhân viên. Dịch vụ du lịch và xây dựng đã thu hút khá nhiều luồng cư dân lên  Đà Lạt.
Dân số Đà Lạt tăng nhanh, đến năm 1939, lên đến 11.500 người. Họ là những người phu làm đường, phu đồn điền, thợ xây dựng ở lại định cư tại  Đà Lạt. Trạm Nông nghiệp Đan Kia không thể cung cấp đủ thực phẩm cho thành phố, ấp trồng rau Hà Đông được thành lập do nhu cầu nói trên (1938). Việc đến định cư lẻ tẻ ở vị trí các ấp Tân Lạc, Trại Hầm, Nam Thiên,  Trại Mát, đồn điền trà và canh-ki-na ở Xuân Trường, Xuân Thọ,... làm tăng thành phần cư dân  Đà Lạt lên ít nhiều. Lúc này  Đà Lạt và vùng phụ cận sản xuất rau, canh-ki-na, trà và các loại hoa. Thành phần cư dân Pháp chủ yếu là các quan chức dân sự và quân sự, một số giáo viên và học sinh ở các trường học.
Người Việt, người Hoa và người Thượng, trừ một số ít là viên chức hạng thấp, phần lớn sống bằng những nghề dịch vụ như: buôn bán, thợ xây dựng và làm vườn. Đà Lạt chia thành hai khu vực: người Pháp ở phía nam suối Cam Ly, đa số người Việt ở phía bắc suối Cam Ly.
Cơ sở văn hoá và giáo dục ở giai đoạn này cũng khá phát triển. Một số trường học như Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux, Thiếu sinh quân (École des enfants de troupe) thu hút học sinh từ khắp nơi trong nước và các nước ở Đông Dương đến học.
Có thể nói, trong những năm này, Đà Lạt chuyển sang giai đoạn phát triển. Nhu cầu xây dựng thủ phủ Đông Dương bị chìm đi, nhưng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng tăng lên, dịch vụ du lịch, sự phát triển nghề làm vườn với các giống rau quả ôn đới làm cho cư dân  Đà Lạt tăng vọt lên hẳn so với giai đoạn trước. Càng ngày người ta càng phát hiện ra những ưu điểm mới của Đà Lạt, một địa điểm thích hợp cho việc nghiên cứu và học tập. Lúc này Đà Lạt đã có thể xứng đáng được gọi là thành phố trên cao nguyên. Nhịp độ phát triển này vẫn có thể tiếp tục kéo dài đến những năm sau nếu Chiến tranh thế giới thứ hai không xảy ra vào năm 1939 làm tăng nhịp độ xây dựng  Đà Lạt cao hơn trước.
*
Năm 1940, Toàn quyền Decoux ngay khi mới nhậm chức đã bắt tay thực hiện ý tưởng của các vị tiền nhiệm là biến Đà Lạt thành trung tâm hành chính. Năm này, kiến trúc sư Mondet phần nào trở lại quan điểm của Hébrard, đã chỉnh lại đồ án của Hébrard cho phù hợp thực tế hơn: mở rộng  Đà Lạt theo hướng nam - bắc và quy tụ tập trung các khu vực chức năng lại thành từng cụm. Ngoài các khu vực dành cho các biệt thự và cho nhà của thường dân, đồ án dự trù xung quanh hồ Đà Lạt những trung tâm công cộng gồm có:
-        Trung tâm hành chánh tập hợp các nha sở thuộc phủ toàn quyền Đông Dương và toà thị chính tập hợp tất cả các ty sở trực thuộc thị xã.
-        Trung  tâm thương mại.
-        Trung tâm giải trí và thể thao (sân cù, hồ, thao trường, trường đua ngựa, câu lạc bộ, nhà thuỷ tạ, vườn trẻ, casino,…).
Mặc dù đây là một đồ án rất đầy đủ về nhiều khía cạnh như giao thông đường sá, bảo vệ môi trường, các khu vực tự do và các khu có cây nhưng đã không được chấp thuận.
Ngày 8-1-1941, tỉnh Langbian (Lâm Viên) được thành lập, Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Langbian, tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng đặt tại Djiring.
Về mặt hành chính, thành phố được điều hành theo tinh thần của Nghị định 30-7-1926, khi khu tự trị Lâm Viên thành thị xã Đà Lạt. Thị xã hạng hai này được cai trị bởi một đốc lý người Pháp với sự phụ tá của viên thư ký thị xã thuộc ngạch quan cai trị thuộc địa Pháp. Triều Nguyễn có cử thêm một quản đạo và một tri huyện người Thượng cùng đóng tại Đà Lạt. Thị xã có một khoản ngân sách riêng do quyền sở hữu đất đai và quyền thu những khoản thuế bất thường. Nguồn ngân sách này được quy định nghiêm ngặt dùng để duy tu và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng của thị xã.
Munier đã viết trong tạp chí Indochine về Đà Lạt:
“Không ai có thể phủ nhận  Đà Lạt chiếm một vị trí đặc biệt thuận lợi ở Viễn Đông. Khí hậu, danh lam thắng cảnh, tiềm năng phát triển làm cho  Đà Lạt thành một nơi được ưu đãi, không nơi nào có thể so sánh được.  Đà Lạt có thể trở thành một nơi nghỉ mát lớn ở Viễn Đông… Đà Lạt là xứ sở của hoa, xứ sở của thông, xứ sở của rau... thích hợp cho sinh hoạt trí thức,  Đà Lạt còn  có vùng ven săn bắn lý tưởng.”
Chiến tranh một lần nữa làm tăng làn sóng du khách  lên  Đà Lạt. Hàng hoá từ Pháp sang gặp khó khăn, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã phải áp dụng chính sách tự túc,  Đà Lạt được chú ý ngày càng nhiều.
Toàn quyền Decoux đã giao cho kiến trúc sư Lagisquet thiết lập đồ án chỉnh trang và mở rộng  Đà Lạt. Trong thời gian chờ quy hoạch mới, một số biện pháp bảo vệ như bãi bỏ việc sang nhượng đất đai, kiểm soát các hầm đá, quy định mới về phân lô... được đưa ra áp dụng nghiêm ngặt. Chương trình chỉnh trang mới này đã được Toàn quyền ban bố theo Nghị định ngày 27-4-1943. Thị xã được chia ra thành 21 khu vực, đặc tính của mỗi khu vực được ấn định rất cụ thể: 7 khu vực cho nhà ở với 5 hạng biệt thự, nhà liên căn, nhà chung cư, 2 khu vực cho khu thương mại, khu riêng cho công sở, khách sạn, trường học, thể thao, trồng trọt chăn nuôi, làng nông thôn, bệnh viện và 4 khu vực không được xây cất, bất kiến tạo dành cho du lịch và tạo các khoảng không.
Đồ án chỉnh trang còn dự trù các khoản địa dịch khác như vấn đề thẩm mỹ, việc phân lô và mua bán đất đai của tư nhân, việc xây cất nhà cửa và khai thác các đất đai ấy, việc khai thác các hầm đá, việc trừng phạt các vụ vi phạm đồ án này.
Sau gần ba mươi năm xây dựng,  Đà Lạt vào năm 1945 đã trở thành một thành phố tuyệt đẹp của vùng Viễn Đông lúc bấy giờ. Sinh hoạt của “Thủ đô mùa hè” hết sức nhộn nhịp.
Tốc độ phát triển đô thị cao nhất từ trước đến nay: hơn 500 biệt thự được xây cất trong vòng 5 năm bằng số biệt thự xây trong 30 năm trước: năm 1940 có 550 biệt thự, đến năm 1943 có 810 biệt thự và đến năm 1945 có 1.000 biệt thự.
Năm 1939 xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, liên lạc với nước ngoài bị gián đoạn, người Pháp phải ở lại Đông Dương trong thời gian lâu hơn khiến cho số người lên nghỉ mát ở  Đà Lạt luôn luôn tăng lên.
Vốn đầu tư không sử dụng ở Nam Kỳ được đưa lên  Đà Lạt. Khắp nơi người ta bán đất, xây dựng các biệt thự. 
Tháng 10-1942, nhà máy thủy điện Ankroet được khởi công xây dựng.
Tháng 2-1943, bắt đầu xây dựng đường Prenn mới thay đường Prenn cũ  (đường Khe Sanh, Mimosa ngày nay).
Năm 1944, Trường Kiến trúc thuộc Trường Cao đẳng Đông Dương được chuyển từ Hà Nội vào  Đà Lạt (thuộc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris).
Cuối 1944, Sở Địa dư Đông Dương dời từ Gia Định lên  Đà Lạt.
Toàn quyền Decoux chủ trương lấy  Đà Lạt làm “thủ đô mùa hè” của Đông Dương, mỗi năm nhiều quan chức làm việc ở đây đến 6 tháng. Ngoài việc xây dựng đô thị, chính quyền còn chú trọng đời sống kinh tế và văn hoá của  Đà Lạt. Về kinh tế, các trục đường giao thông với miền xuôi được sửa sang và mở rộng. Nhờ thế, việc lưu thông hàng hoá (vật liệu xây dựng cũng như hàng hoá nông nghiệp thực phẩm) lên  Đà Lạt được nhanh chóng. Tại  Đà Lạt , người Pháp cho mở rộng diện tích trồng rau hoa. Cư dân người Kinh tăng nhanh: 25.000 người (1944). Các khu dân cư được xây dựng nhiều. Khu vực phía bắc suối Cam Ly, dốc Nhà Làng (đường Nguyễn Biểu), đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng), đường An Nam (Nguyễn Văn Trỗi),...
Đời sống văn hoá  Đà Lạt cũng phát triển nhanh chóng nhờ hệ thống trường học khá phong phú, các công trình thể thao, các cơ sở lớn của tôn giáo đều được xây xong năm 1942. Cảnh quan  Đà Lạt ở khu trung tâm gần như hoàn chỉnh và được giữ nguyên mãi đến sau này.
2.     THỜI KỲ  1945 – 1954
Chiến tranh thế giới lần thứ hai đi vào giai đoạn khốc liệt, quân đội Đồng Minh, đi đầu là Liên Xô mở chiến dịch phản công phe phát xít. Từ năm 1940, một số đảng viên bắt liên lạc với nhóm “Tiến Bộ” thành lập Ban Cán sự và Uỷ ban Mặt trận Phản đế  Đà Lạt.
Sau cuộc Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945),  Nhật kéo quân lên Đà Lạt chuẩn bị đối phó với Đồng minh, Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật được thành lập. Nguyễn Tiến Lãng, sau đó Hoàng thân Ưng An được cử làm Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên.
Phối hợp với Uỷ  ban khởi nghĩa tỉnh Khánh Hòa, trong sáu ngày (23 - 28-8-1945), nhân dân đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên được thành lập do ông Phan Đức Huy làm Chủ tịch, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp. Từ sau sự kiện lịch sử trọng đại này, sự vận động của lịch sử Việt Nam đã thay đổi, người Pháp không còn khả năng và hết tham vọng thực hiện giấc mơ  phát triển Đà Lạt thành thủ phủ Đông Dương.
Đây là thời kỳ giao thời, bộ máy chính quyền do người Pháp cai trị chuyển dần sang người Việt Nam. Tình hình Việt Nam lúc này nổi bật lên một số sự kiện quan trọng.
Pháp tái chiếm Việt Nam với ý đồ giành lại quyền hành ở Đông Dương. Thierry d’Argenlieu, Cao uỷ Pháp tại Đông Dương, ngoan cố chống đối nền độc lập của Việt Nam, tìm cách phá hiệp định sơ bộ 6-3-1946, tự ý thành lập xứ Nam Kỳ tự trị. Tháng 5-1946, Đà Lạt chứng kiến hội nghị trù bị cho hội nghị Fontainebleau (7-9-1946), một hội nghị không đem đến kết quả mong muốn. Dưới áp lực của các kiều dân Pháp ở Đông Dương, chính quyền Pháp tìm cách thoả hiệp với các đảng phái khác ở Việt Nam và dùng cả quân sự nhằm cô lập và đẩy Chính phủ Việt Minh sang phía đối lập. Kết cục là đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Uỷ ban hành chính được đổi là Uỷ ban hành chính kháng chiến.
*
Năm 1946, đáp lời kêu gọi kháng chiến của Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Lâm Viên, đại bộ phận nhân dân Đà Lạt đã tản cư rút xuống vùng ven. Dân số  Đà Lạt bị giảm xuống đột ngột, năm 1946 còn 5.200 người. Vài năm sau, người  Đà Lạt mới hồi cư trở lại và đến 1947 dân số lên đến 18.513 người và cuối năm 1952 lên đến 25.041 người. Trong thời kỳ này, người Pháp đang thắng thế về mặt quân sự, Việt Minh rút lui vào rừng núi để lập căn cứ kháng chiến.
Cuộc chiến ngày càng bất lợi cho thực dân Pháp, chính quyền ở Đông Dương đang tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Các đảng phái theo chủ nghĩa quốc gia chống đối cộng sản nhóm họp tại Hương Cảng quyết định thành lập Mặt trận quốc gia đặt dưới quyền lãnh đạo của Bảo Đại, tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Pháp nếu Pháp thừa nhận nền độc lập của Việt Nam.
Để chuẩn bị cho Bảo Đại trở về nước, cả hai phía đã tiến hành một loạt hoạt động. Ngày 8-3-1949, một thoả hiệp được ký giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại, đến 30-12-1949 nước Pháp tuyên bố  cho Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp.
Ngày 15-4-1950, Bảo Đại ký Dụ số
6-QT/TD thành lập Hoàng triều Cương thổ bao gồm cao nguyên miền Bắc và miền Nam.

Ngày 14-12-1950, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Nam Trung Bộ Nguyễn Duy Trinh ký nghị định sáp nhập hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 22-2-1951, Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ký nghị định hợp nhất  hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 11-4-1951, phi trường Liên Khàng sáp nhập vào Đà Lạt.
Ngày 30-10-1951, sáp nhập làng Đa Phú, Phước Thành, Trại Mát vào Đà Lạt.
Ngày 10-11-1951, Bảo Đại ký Dụ số 4-QT/TD ấn định ranh giới thị xã Đà Lạt: phía bắc đến Đan Kia, phía đông đến núi Láp-bê Nam, phía nam được xác định theo tọa độ (117 grat 8804 kinh độ đông, 13 grat 2304 vĩ độ  bắc), phía tây - nam đến sân bay Cam Ly. Diện tích 67 km², chưa kể sân bay Liên Khàng với 34 km².
Trong giai đoạn này, bộ máy hành chính vẫn giữ nguyên hiện trạng của giai đoạn trước. Thị xã do một thị trưởng quản lý với sự tham dự của Hội đồng thị xã. Thị trưởng có hai phó thị trưởng phụ tá và một thư ký của Hội đồng thị xã. Hội đồng gồm 22 thành viên được phân bổ như sau: 10 uỷ  viên chính thức người Việt Nam do chỉ định và 4 dự khuyết do dân bầu, 6 uỷ viên chính thức người Pháp và 2 dự khuyết do Khâm sứ chỉ định bằng nghị định. Nhiệm kỳ của Hội đồng  thị xã và Hội đồng khu phố là hai năm.
Về tổ chức hành chính, Đà Lạt có văn phòng toà thị chính và các sở: Y tế, Quản lý đường bộ, Cảnh sát, Thú y, Thuế và An ninh.
Các đơn vị hành chính cấp dưới là 10 khu phố với 30 ấp:
Khu phố Ấp
I Ánh Sáng, An Hoà, Đa Hoà, Ga
II Nam Thiên, Mỹ Thành, Đa Cát, Đa Trung, Đa Thuận, Đa Thành
III Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Đinh Công Tráng, Bạch Đằng, Cao Thắng
IV Tây Hồ, Đa Lợi, Sào Nam
V Phước Thành
VI Đông Hòa, Tây Thuận, Trung An
VII Saint Jean, An Lạc, Xuân An
VIII Tân Lạc
IX Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thiện
X Đa Phước

Đà Lạt còn là thủ phủ của Hoàng triều Cương thổ, Cao nguyên miền Nam, nên có nhiều công sở các cơ quan liên tỉnh, quốc gia và liên bang đóng tại đây.
Cơ quan liên tỉnh:  Nha An ninh Đặc biệt, Thanh tra Tiểu học, Hạt Đường sắt, Chi cục Thuế quan, Chi cục Bưu chính - Viễn thông, Đài Phát thanh Đà Lạt, Sở Thông tin.
Cơ quan Cao nguyên miền Bắc và Cao nguyên miền Nam: Khâm sứ, Tổng thư ký, Thanh tra hành chính và chính trị, Thanh tra lao động, Ban hành chính và thanh tra địa phương, Thanh tra thuỷ lâm, Khu công chính Cao nguyên miền Nam và các sở thuộc Cao nguyên miền Nam: Tài chính, Nông nghiệp, Thú y, Thuế, An  ninh và Cảnh sát quốc gia, Xã hội.
Cơ quan quốc gia: Văn phòng quốc trưởng, Tòa Hoà giải, Trường Quốc gia Hành chính, Trường trung học Bảo Long, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp.
Cơ quan liên bang: Toà án hành chính hỗn hợp, Sở Địa dư Đông Dương, Trường trung học Yersin, Bệnh viện Dân y, Sở Hàng không dân dụng Liên Khàng, Sở Nội vụ, Sở Kỹ thuật vô tuyến, Sở An ninh, Viện Pasteur.
Cơ quan quân sự: Đà Lạt là tổng hành dinh của đại tá tư lệnh khu Đồng Nai Thượng,  trung đoàn Ngự Lâm Quân cũng đóng tại đây, bệnh viện Catroux tiếp nhận bệnh nhân trong quân đội bảo vệ thị xã và các phân đội biệt động của cơ quan an ninh quốc gia bảo đảm an ninh cho thành phố.
Sự cố gắng của chính quyền Pháp và chế độ Hoàng triều Cương thổ trong giai đoạn này là hạn chế đến mức tối đa các luồng cư dân của người Việt Nam lên  Đà Lạt, làm cho dân số suốt 9 năm trời hầu như không hề thay đổi, vẫn giữ mức của năm 1945 tuy có thay đổi về cơ cấu.
Đà Lạt tuy bình  yên  nhưng  không  được xây cất gì thêm, ngoại trừ trường dành cho học sinh miền núi (École  montagnarde du Lang Bian) vào tháng 3-1947, theo chủ trương chia để trị và việc thành lập “Tây Nguyên tự trị” của D’Argenlieu. Một đường hàng không Hà Nội – Đà Lạt  được xây dựng xong (1948).  Đà Lạt vẫn là nơi nghỉ ngơi du lịch của quan chức người Pháp và bản xứ.
Trong khoảng thời gian 1945 - 1954, mạng lưới trường học phát triển rộng khắp với nhiều loại hình đa dạng. Trước hết, Trường chỉ huy liên quân thành lập 1950 và Trường Quốc gia Hành chính thành lập ngày 1-1-1953. Cho đến năm 1953  Đà Lạt có tất cả 3 trường trung học công lập (Lycée Yersin, Lycée Bảo Long, Lycée vietnamien), 7 trường sơ học công lập (trường Nam  Đà Lạt, Nữ  Đà Lạt, Đa Nghĩa, Đa Thành, Xuân An, Tây Hồ và Đa Phước), 5 trường tiểu học công lập (trường Đa Lợi, Trung Bắc, Đa Phú, Phước Thành, Tây Hồ và trường miền núi Lang Bian. Về trường tư thục, Đà Lạt có 4 trường trung tiểu học (Notre Dame du Lang Bian, Adran, Ste Marie, Tuệ Quang) và 5 trường sơ tiểu học trong đó có một trường  Hoa. Ngoài ra, còn phải kể đến trường thiếu sinh quân Đà Lạt được thành lập từ trước.
Trung tâm Đà Lạt (1950)
Bản đồ thị xã Đà Lạt năm 1953

3.   THỜI KỲ 1954 - 1975

Theo Hiệp định Genève (1954), nước Việt Nam tạm chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Ngay từ năm 1954, chính quyền Sài Gòn đã cố gắng xác lập một nền hành chính mang sắc thái riêng. Dụ số 21 bãi bỏ chế độ Hoàng triều Cương thổ được ký vào ngày 11-3-1955. Theo Dụ số 17 ngày 14-12-1955, các Phủ Thủ hiến được thay bằng Toà Đại biểu, nhưng  Đà Lạt vẫn trực thuộc Tổng thống như tinh thần của sắc lệnh số 4 ­- QT/TD ngày 13-4-1953.  Giai đoạn này có biến động cơ học về dân số, vì  dòng người Bắc di cư vào năm 1954.
Năm 1956, dân số Đà Lạt là 58.958 người, trong đó người Việt Nam: 58.445, Hoa kiều: 1.307, Pháp kiều: 206. Thành phố Đà Lạt đặt dưới quyền Đô trưởng và Hội đồng đô thị giúp việc. Đô thị Đà Lạt giữ nguyên 10 khu phố như cũ, chỉ thêm làng Liên Hiệp (vùng sân bay Liên Khương) và 5 ấp mới: khu phố I có ấp Ga chia thành 2 ấp Cô Giang, Chi Lăng; khu phố III thêm ấp Kim Thạch; khu phố IV thêm ấp Thái Phiên; khu phố V thêm ấp Tùng Lâm.
Ngày 19-5-1958, ông Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 261 – VN cắt bớt đất  Đà Lạt chuyển sang tỉnh Tuyên Đức và cử thị trưởng  Đà Lạt kiêm luôn tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức. Chức vụ này được cụ thể hoá như một sự kết hợp giữa hai toà thị chính và toà hành chính theo sự vụ lệnh 68 VP/NV ngày 9-11-1960, do thị trưởng  Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức ký. Tỉnh Tuyên Đức gồm thị xã Đà Lạt và 3 quận Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng. Xuân Thọ, Thái Phiên lúc này thuộc tổng Phước Thọ, quận Lạc Dương, Xuân Trường thuộc tổng Xuân Lạc, quận Đơn Dương. Nền hành chính của thời kỳ Ngô Đình Diệm vẫn giữ nguyên tinh thần của sắc lệnh ngày 13-4-1953. Do vậy, dân số  Đà Lạt đã giảm xuống còn 43.000 người.
Từ khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cuộc chiến ở Việt Nam ngày càng khốc liệt hơn, các sỹ quan thay thế các thị trưởng dân sự. Những cố gắng xây dựng quy hoạch mới cho đô thị  Đà Lạt đều không thành công.
Trung tâm Đà Lạt (1960)
Về tổ chức hành chính, Đà Lạt được chia thành 10 khu phố, 1 xã Liên Hiệp và 1 ấp Thái Phiên. Mỗi khu phố gồm nhiều ấp, mỗi ấp đều có ấp trưởng trực tiếp quản lý mạng lưới liên gia, mỗi liên gia có từ 10 - 30 gia đình đặt dưới sự giám sát của liên gia trưởng về mọi mặt hành chính cũng như an ninh trật tự.
Năm 1961, toà thị chính Đà Lạt tách ra khỏi toà hành chính Tuyên Đức, nhưng đến năm 1964 lại được sáp nhập thành toà hành chính  Đà Lạt - Tuyên Đức. Chỉ đến năm 1966  Đà Lạt mới có trụ sở hành chính riêng biệt với cơ quan tỉnh. Mặc dù trong lúc này hay lúc khác, chức tỉnh trưởng và thị trưởng có thể do một người đảm nhận. Chế độ tự trị và độc lập của thị xã vẫn được giữ nguyên tinh thần cũ của thời Pháp thuộc. Vai trò của Hội đồng thành phố vẫn chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống chính trị của Đà Lạt.
Ngoài bộ máy hành chính của địa phương, đóng tại Đà Lạt còn nhiều trụ sở của cơ quan hành chính liên tỉnh, quốc gia
Nền kinh tế của Đà Lạt vẫn giữ nguyên định hướng như trước: phát triển kinh tế nghỉ dưỡng – du lịch và nông nghiệp trồng rau hoa. Đặc biệt, từ năm 1958, sau Đại hội Lâm Viên - Đà Lạt, chính quyền Sài Gòn với  Chương  trình   khai  thác  Cao  nguyên Trung Phần muốn biến Đà Lạt thành trung tâm du lịch quốc tế đã mở ra  hướng dịch vụ mới về giáo dục và nghiên cứu khoa học. Hàng loạt trường học, cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo được mở ra:
-        Viện Đại học  Đà Lạt (1957).
-        Trung tâm Sơn cước, Giáo hoàng Học viện, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, Phòng Thống kê địa phương  Đà Lạt, Trường Võ bị liên quân đổi thành Trường Võ bị quốc gia (1958).
-        Chi nhánh Nha Văn khố quốc gia, Thư viện  Đà Lạt (1958).
-        Hội Việt Mỹ (1963).
-        Trường Đại học Chiến tranh chính trị (1966).
-        Trường Chỉ huy và Tham mưu - Trung tâm Văn hóa Pháp (1967).
Ngoài ra, không kể các trường sơ tiểu học,  Đà Lạt còn có 24 trường trung học, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề, trong đó có những trường nổi tiếng như Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux, Adran,... Đặc biệt là các loại hình trường nội trú thu hút học sinh từ mọi miền đến học tập.
Các công trình phục vụ du lịch được tiếp tục xây dựng và sửa chữa: Chợ  Đà Lạt, đường xung quanh hồ Xuân Hương, khu vực trung tâm, mở rộng và sáp nhập vào Đà Lạt sân bay Liên Khương (1961), một loạt các khách sạn như Mộng Đẹp, Ngọc Lan, Duy Tân, Anh Đào,… đều được xây dựng trong thời gian này.
Các điểm du lịch hồ Than Thở, thác Prenn, Thung lũng Tình Yêu,… được tôn tạo và xây dựng thêm (hồ Đan Kia, Đa Thiện 1, 2, 3) hấp dẫn du khách. Hàng loạt biệt thự do các quan chức, tướng tá Sài Gòn xây dựng tập trung ở khu vực đường Nguyễn Du, Quang Trung, Nguyễn Đình Chiểu, Lữ Gia, Trần Bình Trọng.
Chùa chiền, các tu viện của các dòng tu Thiên Chúa giáo và Tin Lành được xây dựng làm cho sinh hoạt văn hoá  Đà Lạt ngày càng đa dạng và phong phú. Đến năm 1975,  Đà Lạt đã có hơn 40 chùa, trong đó có những chùa đẹp có nhiều du khách vãn cảnh như: chùa Linh Sơn, chùa Linh Quang, chùa sư nữ Linh Phong, Thiên Vương Cổ Sát (còn gọi Chùa Tàu)... Nhà thờ, tu viện của 29 dòng tu Thiên Chúa giáo và các cơ sở văn hoá giáo dục do các giáo hội lập ra đã làm tăng vẻ trang nghiêm cho cảnh quan  Đà Lạt.


Bản đồ Đà Lạt năm 1963, có thể thấy hai hồ Vạn Kiếp và Mê Linh, ngày nay đã hoàn toàn biến mất.
Vào năm 1945, Đà Lạt đã có trên một ngàn biệt thự kiểu dáng phong phú, đa số được thiết lập theo trường phái

4.  THỜI KỲ SAU NĂM 1975

Mùa xuân 1975 đã mở đầu một trang sử mới của dân tộc, trong đó có  Đà Lạt. Ngày 3-4-1975, chính quyền cách mạng, chính quyền của nhân dân, đã làm chủ thành phố. Lúc này thành phố  Đà Lạt, cũng như các địa phương khác ở miền Nam nước ta, đều trong chế độ quân quản. Thời gian ban đầu Đà Lạt trực thuộc tỉnh Tuyên Đức (4-4-1975), sau đó chuyển sang khu VI (6-5-1975). Ngày 5-6-1976,  Đà Lạt được xác định là thành phố tỉnh lị của tỉnh Lâm Đồng.
Tình hình kinh tế hậu chiến của cả nước gặp không ít khó khăn. Thành phố du lịch  Đà Lạt, trong bối cảnh chung đó, càng gặp khó khăn hơn.
4.1   Giai đoạn 1975 – 1985
Về tổ chức hành chính, Đà Lạt có những thay  đổi:
Theo Quyết định ngày 20-9-1975 của Bộ Chính trị, Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Lạt trực thuộc Trung ương.
Ngày 20-12-1975, Bộ Chính trị ra quyết định điều chỉnh lại việc hợp nhất trên, Đà Lạt trực thuộc khu VI.
Tháng 2-1976, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra nghị định hợp nhất thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức thành tỉnh Lâm Đồng.
Đà Lạt gồm 3 khu phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Đến tháng 2-1979, Đà Lạt được bổ sung thêm phần đất vùng kinh tế mới Tà In (xã Đà Loan, huyện Đức Trọng ngày nay).
Ngày 14-3-1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 116 - CP chia một số huyện thuộc Lâm Đồng, xác định Đà Lạt gồm 6 phường và 3 xã (Tà Nung mới thành lập và xã Xuân Trường, Xuân Thọ).
Công tác an ninh, ổn định chính trị, cải tạo xã hội được đặt lên hàng đầu, khách du lịch trong và ngoài nước vắng hẳn, thỉnh thoảng mới có một vài đoàn du lịch đi theo chế độ  bao cấp. 
Mục tiêu của  Đà Lạt lúc này là tập trung ổn định các cư dân vùng nông thôn, mở rộng địa giới  Đà Lạt ra các vùng ven như Thái Phiên (1975), Xuân Trường, Xuân Thọ (1979), đặc biệt là ổn định vùng đồng bào dân tộc ít người với việc sáp nhập thêm xã dân tộc ít người Tà Nung vào thành phố  Đà Lạt. Vùng nông nghiệp được kiến  thiết lại, đường sá ở các khu  vực này được sửa sang và làm mới. Hệ thống mạng lưới điện đưa vào phục vụ nông thôn và sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng.
Các hồ được nạo vét và xây dựng như:
-             Đập I Đa Thiện (1977).
-             Hồ Chiến Thắng (1981).
-             Hồ Xuân Hương (1983 – 1984).
-             Hồ Tuyền Lâm (1984).
Nông dân Đà Lạt trong giai đoạn này sớm tiếp cận với việc ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô vào sản xuất khoai tây. Đến năm 1978, diện tích khai hoang tăng 40%, trồng rừng 43%.
Chăn nuôi được khuyến khích với đàn bò 3.746 con, đàn heo 7.500 con, xí nghiệp gà  Đà Lạt 30.000 con (1981).
Nghề trồng hoa vẫn được duy trì như trước đây, một vài ngành như trồng lan xuất khẩu được rộ lên trong giai đoạn này do nhu cầu thị trường Liên Xô và Đông Âu, nhưng lại lắng xuống do biến động chính trị, kinh tế du lịch gặp nhiều khó khăn.
Hình thức du lịch công đoàn mang lại cho du lịch  Đà Lạt nét khởi sắc. Một vài thắng cảnh được tôn tạo như khu vực thác Datanla, hồ Tuyền Lâm, Thung lũng Tình Yêu, thác Cam Ly,… Một số dinh thự và biệt thự được đưa vào phục vụ du lịch với hình thức liên doanh.
Nhà nghỉ Đồng Tháp, khách sạn Hải Sơn được khởi  công vào những năm cuối của giai đoạn này.
Một số công trình văn hóa được đầu tư xây dựng: Nghĩa trang Liệt sỹ, Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình… làm tăng thêm cơ sở sinh hoạt văn hóa của  Đà Lạt.
Ngoài việc mở rộng mạng lưới điện đưa vào phục vụ tận các làng nông nghiệp, một thành tựu quan trọng khác là hoàn thành việc xây dựng nhà máy nước Suối Vàng với sự viện trợ của Đan Mạch vào năm 1984 (công suất 18.000m3/ngày), bảo đảm cho nhân dân  Đà Lạt và du khách đủ lượng nước cần dùng với chất lượng cao hơn.
Những năm đầu tiên của chế độ mới, chính quyền và nhân dân  Đà Lạt đã làm được khá nhiều việc để giải quyết những khó khăn. Tuy nhiên, nhiều khó khăn và lo toan trước mắt đã cản trở tầm nhìn xa của  Đà Lạt. Vẻ đẹp của thành phố bị xuống cấp ngày một rõ rệt. Trước hết đường sá nội thị bị hư hỏng vì vốn đầu tư ít ỏi lại tập trung cho các con đường ngoại vi. Việc mở rộng diện tích nông nghiệp làm cho các hồ bị bồi lấp nhanh chóng. Việc khai thác rừng làm cho khí hậu và cảnh quan ngày một xấu. Quan trọng hơn, nguồn nước của các nhà máy thủy điện Đa Nhim và Trị An ngày càng bị thiếu hụt vào mùa khô.
4.2   Giai đoạn từ sau năm 1986
Ngày 6-6-1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 67-HĐBT điều chỉnh địa giới hành chính: Đà Lạt từ 6 phường lên 12 phường và 3 xã như trước.
Đà Lạt được xác định là một trong những trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng của cả nước, ngành du lịch - dịch vụ trở thành kinh tế động lực của địa phương.
Dự án VIE/89/003 của Tổ chức du lịch quốc tế (OMT) cũng đã xác nhận  Đà Lạt là một trong các hạt nhân của tổ chức đó.
Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố  Đà Lạt xác định là Trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng cả nước và quốc tế.
Năm 1996, Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng thời kỳ 1996 - 2010.
Ngày 24-7-1999, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại hai.
Ngày 27-5-2002, Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng và vùng phụ cận đến năm 2020.
Căn cứ vào những chức năng và tính chất được xác định, Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt đã ban hành một số văn bản pháp lý về phát triển du lịch Đà Lạt.
Bản đồ ranh giới hành chính thành phố Đà Lạt 2007
Ngày 20-11-2001, Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ V (khoá VII) thông qua Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển kinh tế du lịch thời kỳ 2001 – 2005 và định hướng đến năm 2010. Nghị quyết nêu rõ: “Phấn đấu đến năm 2010, xây dựng Đà Lạt xứng đáng là một trong những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng lớn của cả nước; đưa ngành du lịch – dịch vụ thật sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh” và  đề ra bốn nhiệm vụ và giải pháp lớn như sau:
a.          Nâng cao chất lượng các dịch vụ và sản phẩm du lịch hiện có, phát triển mạnh các sản phẩm du lịch mới.
b.         Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái phục vụ du lịch.
c.          Tăng cường công tác quản lý nhà nước, củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ trên lĩnh vực dịch vụ du lịch.
d.         Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển du lịch.
Năm 1986, dân số Đà Lạt là 112.000 người và đến năm 2007 là 197.013 người.
Công tác dân số – gia đình – trẻ em đạt kết quả khả quan, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi qua các năm đều giảm, năm 2007 còn ở mức 11,5%; mức độ tăng tự nhiên dân số hàng năm giảm từ 2% (năm 1993) xuống còn 1,76% (năm 2000) và đến  năm 2007 chỉ còn 1,37% nhưng lại gia tăng cơ học.
Trong những năm 1990, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GDP) bình quân hàng năm là 13,3%, cao hơn mức trung bình của cả nước và toàn tỉnh. Trước thềm thiên niên kỷ mới GDP có chiều hướng tăng lên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 là 17%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 23 triệu USD và tạo việc làm mới cho 3.000 lao động. Hộ đói nghèo đã giảm, đời sống  xã hội được nâng lên. Trong những năm 1990, tỷ lệ hộ đói nghèo từ 5 đến 8%, đến nay chỉ còn ở mức 3,2% tổng số hộ trên địa bàn (theo tiêu chuẩn quy định mới). Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của thành phố Đà Lạt đạt
13,4 triệu đồng/năm.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố hàng năm đều tăng, nhất là từ năm 1996 trở lại đây, tỷ lệ thu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nhờ có nhiều biện pháp quản lý thu tích cực và những năm gần đây có cơ chế giao khoán quyền sử dụng đất để tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trong quá trình phát triển, Đà Lạt luôn là đơn vị đóng góp cho ngân sách toàn tỉnh lớn nhất, bình quân cả thời kỳ hàng năm chiếm tỷ lệ hơn 45%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng đều theo các năm, năm 1994 đạt 91 tỷ đồng thì đến năm 2002 đạt 238 tỷ đồng và đến năm 2007 đạt 325 tỷ.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng về du lịch - dịch vụ từ 51,13% (1993) lên 61,94% (2000) và đạt tới 72,1% (2007), công nghiệp - xây dựng từ 23,45% giảm xuống còn 16,1% và trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp ở mức 25,42% giảm xuống còn 11,8%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 đạt 1.518 tỷ đồng.
Đến nay, cơ sở hạ tầng của Đà Lạt phát triển khá tốt. Toàn bộ mạng lưới hệ thống cấp điện nội thành đã được cải tạo với 30km dây dẫn trung - cao thế bằng cáp ngầm và hệ thống hạ thế bằng cáp xoắn có vỏ bọc cách điện ở các khu vực tập trung dân cư trên địa bàn. Đầu năm 2003 đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải, cải tạo suối Phan Đình Phùng, suối Cam Ly.
Hàng  loạt  khách  sạn,  nhà  hàng được xây dựng, tân trang. Nhiều biệt thự ở khu vực đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Lê Lai, đường 3 tháng 4,… được đưa vào phục vụ du lịch.
Hệ thống điện thoại tự động 2.000 số được xây dựng, mạng lưới điện mở rộng, hệ thống cấp nước nâng lên 25.000m3/ngày vào năm 2000. Nâng cấp sân golf, khách sạn Palace, chợ  Đà Lạt,...
Sản xuất nông lâm nghiệp giảm về tỷ trọng nhưng tổng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi hàng năm đều tăng. Đà Lạt vẫn là một trung tâm rau hoa, đặc biệt là những chủng loại rau hoa ôn đới. Thủ công nghiệp  Đà Lạt những năm gần đây được chú ý. Hàng mỹ nghệ mây tre và chạm bút lửa phụ thuộc thị trường nên lên xuống thất thường, nay được thay thế bằng nghề đan thêu ngày càng thu hút nhiều lao động của thành phố (hiện nay có 2.500 người có tay nghề cao).
Giáo dục Đà Lạt mở ra những triển vọng mới,  thu  hút  nhiều  học sinh và sinh viên  từ  các địa phương khác đến đây học tập. Loại hình trường công lập, trường dân lập, trường tư thục, trường chuyên, trường dân tộc nội trú,… làm cho hệ thống trường lớp ở  Đà Lạt đa dạng hơn. Đến đầu năm học 2007 - 2008, trên toàn địa bàn có  53.530 học sinh các cấp. Số lượng sinh viên các trường đại học và cao đẳng là 20.000 người, chưa kể các lớp học ngắn hạn, ban đêm do các Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học dân lập Yersin Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Lâm Đồng, Trung tâm Bồi dưỡng - Đào tạo Cán bộ tại chức tỉnh,… tổ chức.
Việc giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, chống những biểu hiện vi phạm trật
tự quản lý đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị và trên địa bàn dân cư đã từng bước trở thành ý thức của cả cộng đồng.
Trung tâm Đà Lạt (2007)
Trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Lạt
Năm 1993, lễ hội kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển được tổ chức trọng thể tại sân vận động thành phố Đà Lạt.
Từ đó về sau, nhiều lễ hội tiếp tục được tổ chức: kỷ niệm 110 năm Đà Lạt hình  thành  và  phát triển (2003), kỷ niệm
30 năm giải phóng Đà Lạt (2005), lễ hội văn hoá trà (2006), lễ hội hoa Đà Lạt (2005 và 2007).
Cùng với không khí tưng bừng của ngày hội với những sân khấu hoành tráng, khu hội chợ nhộn nhịp, nhiều công trình được xây dựng hay tôn tạo: đường Hoàng Văn Thụ, đường ven hồ Tuyền Lâm, công viên Yersin, công viên Ánh Sáng, vườn hoa thành phố,…
Nhân dịp lễ hội, thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều con đường hẻm, cầu nhỏ, hội trường, vườn hoa,… cũng được nhân dân đóng góp xây dựng tại các khu phố, thôn xã làm cho bộ mặt đô thị Đà Lạt ngày càng khang trang, sạch đẹp và văn minh hơn.

-----------------------------------------
Chương IV
CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT
GIAO THÔNG

1. giao thông đưỜng bỘ
1.1 Thời kỳ trước thế kỷ XX
Trước thế kỷ XX, khi cao nguyên Lâm Viên là vùng đất hoang sơ, cư dân sử dụng các con đường mòn để đi lại, giao thương giữa các buôn làng hoặc đi đến các vùng đồng bằng duyên hải. Hàng năm vào các kỳ chợ phiên, người dân tộc đi thành từng đoàn xuống các vùng đồng bằng duyên hải để trao đổi hàng hoá, hành trình thường kéo dài cả tháng. Họ mang theo những sản phẩm miền núi như thú rừng, mật ong, trâu bò, nông sản để đổi lấy gạo, muối, cá khô và nông cụ.
Các đường mòn chính nối vùng cao nguyên Lâm Viên với vùng Bình Thuận, Ninh Thuận gồm:
- Đường mòn Ta Mon còn gọi là đường Phan Rí. Năm 1890, bác sỹ Yersin đã theo đường này để thám hiểm cao nguyên lần thứ nhất.
- Đường mòn Dran qua đèo Ngoạn Mục xuống Sông Pha (Krông Pha), hình thành tuyến quốc lộ 27 (QL 11 cũ).
- Đường mòn từ Djiring đi Ma Lâm (Phan Thiết), sau này hình thành tuyến quốc lộ 28 (RL 194, QL 12 cũ).
- Đường mòn B’Sar – Mê Pu xuống Bình Thuận.
Bên trong vùng đất rộng lớn của cao nguyên Lâm Viên, các bộ tộc Lạch sống và canh tác rải rác theo từng buôn nhỏ bên các dòng suối Cam Ly (Đạ Lạch), suối Prenn, suối Trea, dọc các con suối đổ vào sông Đạ Đờng, trong khu vực các hợp lưu của dòng Đa Sar,…
Những tuyến đường mòn nối giữa các buôn đã hình thành hệ thống  giao thông sơ khai trong vùng cao nguyên:
- Đường mòn theo suối Cam Ly (Đạ Lạch) và các phụ lưu nối các buôn Rơhang Bon Yô (Học viện lục quân), Bon Đơng (Trường Cao đẳng Sư phạm), Klir Tơwach (Hồng Lạc), Đa Gut (Mỹ Lộc), Rơhang Pang Mlơi (gần thác Cam Ly), Măng Lin; về phía đông, nối với đường đi Dran; phía tây nối với đường đi Tà Nung. Từ tuyến đường mòn trên hình thành các tuyến đường mòn khác.
- Các đường mòn đi về phía bắc, tây bắc dọc theo Suối Vàng, sông Đạ Đờng nối với các buông Bon Ding, Bon Nơr, Đăng Gia, Bon Đơng, Ankroet,… nối với đường đi Đam Rông.
- Các đường mòn đi về phía đông bắc theo các phụ lưu của sông Đa Sar nối với các buôn Rơhang Biêng,…
- Đường mòn đi về phía nam theo suối Trea nối các buôn Đa Pla, Đa Trea,… đi R’Lang; theo các suối Datanla, Prenn nối buôn Prenn,… đi Klong.
1.2 Thời kỳ 1893 – 1954
Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương từ năm 1896 đến năm 1902, với mục đích khai thác kinh tế Việt Nam đã đưa ra chính sách đầu tư nhiều tham vọng vào các công trình lớn, khởi xướng nhiều chương trình phát triển bao gồm xây dựng các thành phố nghỉ mát; công trình cảng biển, đường bộ, điện tín – điện thoại và đường sắt.
Năm 1901, Toàn quyền Paul Doumer về Pháp, các chương trình xây dựng Đà Lạt với quy mô lớn bị đình trệ do thiếu kinh phí; từ năm 1908 đến năm 1910, việc xây dựng hầu như dừng lại. Từ năm 1915, Đà Lạt phát triển trở lại vì Thế chiến thứ nhất xảy ra khiến người Pháp không thể về chính quốc nghỉ hè và các đường giao thông đến Đà Lạt đã hoàn tất giai đoạn sơ khởi. Đà Lạt thật sự trở thành một thành phố khi trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Lang Bian thành lập năm 1916 và được xây dựng theo quy hoạch thiết kế đô thị của kiến trúc sư Ernest Hébrard vào năm 1923.
1.2.1 Giao thông đối ngoại
Các tuyến đường đối ngoại đầu tiên của Đà Lạt được thiết lập chủ yếu nối với hai tuyến đường xương sống xuyên Việt, là quốc lộ 1 và đường sắt, tạo sự thông thương với Sài Gòn, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, cao nguyên Lâm Viên có thể nối với quốc lộ 14 cũng đang trong giai đoạn xây dựng vào đầu thế kỷ XX.
Nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu các tuyến đường đã được cử lên cao nguyên Lâm Viên:
- Năm 1897 – 1898, đoàn công tác khảo sát địa hình của đại úy Thouard  và Garnier đã được cử đi thực địa, để nghiên cứu lập tuyến đường bộ và đường sắt.
Đoàn của Thouard tìm kiếm và nghiên cứu một con đường đi từ bờ biển  đến cao nguyên Lâm Viên.  Thouard nhận định rằng tuyến đường trực tiếp từ Nha Trang đến Đà Lạt không thể thực hiện được và đã sơ phác một tuyến đường từ Phan Rang qua Xóm Gòn, Dran, K’Long, Prenn và đến Đà Lạt. Ông cũng đề xuất một con đường khác đi thẳng từ Sài Gòn đến Đà Lạt, qua các thung lũng của sông Đồng Nai, thuận lợi hơn đường Phan Rang vì không phải vượt qua các dãy núi cao trên 800m giữa Dran và Sông Pha.
- Năm 1898 – 1900, các đoàn công tác của Odhéra, Garnier và Bernard nghiên cứu tuyến đường từ Sài Gòn đến Đà Lạt theo ý tưởng của Thouard, dự kiến tách với đường đi Phan Rang tại Fimnom, qua Djiring, xuống thung lũng vùng La Ngà và nối với đường sắt đi dọc bờ biển tại Tánh Linh.
- Năm 1899 – 1900, các đoàn công tác của đại úy Guynet và Buvigner hoàn tất  nghiên cứu của Thouard về việc thiết lập tuyến đường bộ Phan Rang – Đà Lạt.
Đoàn công tác do Guynet chỉ huy và Cunhac làm thư ký, gồm 20 người Pháp, 70 lính tập và 1.500 phu làm đường, đã khai phá con đường đất từ Cửa Nại (Phan Rang) đến Đà Lạt. Tuyến đường dài khoảng 120 km, được thực hiện trong thời gian 13 tháng; chỉ dùng cho voi, ngựa chở hàng hoá và người đi bộ.
Năm 1905, việc xây dựng rải đá tuyến đường này lên Đà Lạt được tiến hành, nhưng  công việc tiến triển chậm; từ năm 1908 đến năm 1910, việc xây dựng hầu như dừng lại.
Năm 1912, Toàn quyền Albert Sarraut đầu tư nguồn vốn lớn để giải quyết vấn đề giao thông cho Đà Lạt và quyết định năm 1914 hoàn thành tuyến Phan Thiết – Djiring; cải thiện tuyến Djiring – Đà Lạt, tuyến Đà Lạt – Sông Pha và đưa vào khai thác tuyến đường sắt Tháp Chàm – Xóm Gòn. Một trạm dịch vụ vận tải ô tô cũng được thiết lập giữa Sông Pha và Đà Lạt.
Năm 1915, Toàn quyền Roume quyết định tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của Đà Lạt, hệ thống giao thông được hoàn thiện tạo điều kiện cho dòng người đến nghỉ mát một cách thuận lợi và cũng là điều kiện về giao thông để Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ vào năm 1916.
Hai tuyến quốc lộ đầu tiên nối Đà Lạt và duyên hải đã được thiết lập, gồm tuyến Phan Thiết (Ma Lâm) – Djiring – Đà Lạt và tuyến Phan Rang – Đà Lạt.
Tuyến đường bộ Phan Thiết (Ma Lâm) – Djiring – Đà Lạt
Ma Lâm nằm trên tuyến đường sắt, cách Sài Gòn 197km và có đường bộ nối với Phan Thiết. Năm 1901, Outrey nhận biết về khả năng mở tuyến đường bộ từ Ma Lâm đi Đà Lạt qua Djiring. Tuyến Ma Lâm – Đà Lạt sẽ tạo được sự thông thương giữa Đà Lạt với Sài Gòn là trung tâm kinh tế phía Nam.
Từ năm 1906,  các đoàn công tác của Garnier và Cunhac tiến hành công tác khảo sát và nghiên cứu. Năm 1907, Cunhac đã tiến hành xây dựng tuyến đường, việc thi công rất khó khăn và vất vả, nhiều phu và kỹ thuật viên ngã bệnh do thương hàn và sốt rét. Việc xây dựng được thực hiện trong nhiều giai đoạn; năm 1910, tuyến đường hoàn thành 54km, từ  Srépa - Km 43 đến Tam Bố (Tambou) - Km 97,50.
Năm 1913, việc xây dựng được đẩy nhanh bằng nguồn vốn tín dụng của ngân sách; đoạn đường từ Ma Lâm đi Djiring dài 79 km được khai thông và đoạn từ Djiring đến Đà Lạt được tiếp tục hoàn thiện. Trưởng đồn Djiring đã huy động nhân công người dân tộc, xây dựng cây cầu bằng gỗ vượt sông Đa Nhim tại Đại Ninh để ô tô có thể qua lại và thay thế phà nổi ghép bằng thuyền độc mộc.
Tháng 10 năm 1914, toàn bộ tuyến đường được hoàn thành, chiếc ô tô đầu tiên khởi hành từ Phan Thiết đã tới Đà Lạt trong một ngày đường. Do giao thông qua ngã Phan Rang không thuận lợi nên trong thời kỳ này việc giao thông giữa Sài Gòn với Đà Lạt chủ yếu thông qua tuyến đường Ma Lâm – Đà Lạt.
Lúc đó, đoạn quốc lộ 1 giữa Sài Gòn – Phan Thiết chưa hình thành, giao thông được thực hiện qua tuyến đường sắt mới xây dựng. Chuyến đi từ  Sài Gòn lên Đà Lạt dài 354km kéo dài trong thời gian 1,5 ngày, trước tiên bằng xe lửa từ Sài Gòn đi Ma Lâm dài 197km và sau đó đi bằng  ô tô từ Ma Lâm đến Đà Lạt trên đoạn đường bộ dài 157km.
Khi tuyến đường từ Sài Gòn đi Phan Thiết được hoàn thành, du khách đã có thể sử dụng ô tô từ Sài Gòn đi Đà Lạt qua Phan Thiết trên tuyến đường dài 375km. Từ Phan Thiết, tuyến đường đi qua những ruộng nước, vượt qua các đèo Yabach (độ cao 850m), đèo Haloum (độ cao 1030m), dãy núi Braian (độ cao 1000m); và từ đèo Đatroum, độ cao 1200m, tuyến đường chuyển nhanh xuống độ cao 1020m tại Djiring. Cảnh quan dọc đường rất đẹp, hơi hoang dã với rừng rậm và những đoạn đường dốc khúc khuỷu.
Từ năm 1914, hãng xe khách “Société des Correspondances Automobiles du Langbian” (SCAL) cho chạy những xe hơi hiệu Lorraine - Dietrich trên lộ trình này, Đà Lạt bắt đầu thu hút du khách đến nghỉ mát và săn bắn vào mùa hè.
Đoạn Ma Lâm – Djiring hình thành liên tỉnh lộ 194 (RL 194), sau này là quốc lộ 12 (RC 12), liên tỉnh lộ 8 và hiện nay là quốc lộ 28. Đoạn Djiring – Đà Lạt sau này là một đoạn thuộc quốc lộ 20.
Tuyến đường bộ Phan Rang – Đà Lạt
Năm 1901, Outrey chỉ đạo việc thiết lập tuyến dịch vụ vận chuyển đầu tiên từ Phan Rang đến Đà Lạt theo tuyến đường đất và triển khai việc thi công rải đá. Đến năm 1902, việc xây dựng bị ngưng trệ do thiếu hụt về tài chính.
Năm 1915, hành trình từ Sài Gòn đến Đà Lạt qua ngã Phan Rang dài 415 km, đi mất 2 ngày. Đoạn Sài Gòn qua Phan Rang đến Xóm Gòn dài 360km đi bằng đường xe lửa. Đoạn Xóm Gòn đi Đà Lạt dài 55km phải đi mất nửa ngày và bằng nhiều phương tiện đoạn Xóm Gòn – Đá Bàn (5km) đi bằng ô tô, đoạn từ Đá Bàn lên đèo Ngoạn Mục (8km) đi bằng kiệu hay ngựa, đoạn từ  Ngoạn Mục – Dran (7km) đi bằng ô tô; từ Dran - Trạm Hành là đường mòn và từ Trạm Hành – Đà Lạt là đường ô tô đi được. 
Các đoạn còn lại của tuyến Phan Rang – Đà Lạt được khẩn trương xây dựng và đến năm 1919 thì hoàn thành toàn tuyến. Sau khi vượt  đèo Ngoạn Mục đến Dran, tuyến đường nối với đường bộ Djiring – Đà Lạt tại Fimnom. Năm 1920, khai thông thêm tuyến đường từ Dran – Trạm Hành – Đà Lạt.
 
 Đường sắt và đường bộ trên đèo Dran

Quốc lộ 20, đường bộ Sài Gòn – Blao –  Đà Lạt
Tháng 7 năm 1932, đường bộ từ Sài Gòn lên Đà Lạt qua đèo Blao dài 305km được hoàn tất, hình thành quốc lộ 20. Xe ô tô có thể đi thẳng từ Sài Gòn lên Đà Lạt, giao thông thuận lợi hơn và du khách đến Đà Lạt ngày càng đông do thời gian đi lại được rút ngắn.
Để dễ dàng cho việc giao thông của xe cộ qua đèo Prenn, từ tháng 2 năm 1943, đoạn đường từ thác Prenn – Đà Lạt được cải tiến bằng cách bỏ đoạn đường cũ, thay bằng đoạn đường mới, theo sườn núi khác. Đoạn đường chỉ còn dài 8,6km thay vì 14km như trước; số khúc quanh chỉ còn 79 thay vì 134; bề rộng tối thiểu là 7m trong khi đường cũ chỉ rộng 5,5m; độ dốc đường cũ từ 8 – 10%, trong khi đoạn đường mới chỉ từ 3 – 7%.
Đèo Prenn

Quốc lộ 21, tuyến Đà Lạt - Buôn Ma Thuột
Năm 1938, đường bộ từ Liên Khương đến Fillan (Phi Liêng) được hoàn thành, đoạn tiếp theo là đường mòn đi Buôn Ma Thuột.
Tuyến đường hình thành quốc lộ 21 (RC 21), hiện nay là quốc lộ 27.
Như vậy, vào cuối những năm 1930, đã hình thành hệ thống các đường quốc lộ, liên tỉnh lộ chính thông thương trong khu vực giữa Đà Lạt, Đồng Nai Thượng; Sài Gòn, Phan Thiết, Phan Rang; Lộc Ninh, Đắc Nông và Buôn Ma Thuột.
1.2.2 Giao thông nội thị
Từ năm 1902 đến năm 1908,  nhiều đoàn công tác được cử đến cao nguyên Lâm Viên như đoàn công chánh của Ducla (1905) khảo sát các tuyến đường đối ngoại và trong khu vực trung tâm Đà Lạt; các đoàn quân sự của tướng Beylié (1903), tướng Pennequin (1904) và đại úy Bizar (1905) khảo sát các địa điểm để xây dựng doanh trại quân đội.
Một trong những lợi điểm  mà Đà Lạt được lựa chọn để trở thành trung tâm nghỉ dưỡng thay vì Dankia, là do điều kiện giao thông dễ dàng hơn. Đà Lạt có địa thế trống trải, kéo dài liên tục và có độ dốc thoải trong khi khu vực Dankia gồm những quả đồi nhỏ lại bị chia cắt bởi nhiều thung lũng sình lầy.
Năm 1906, Đà Lạt chính thức được xác định là địa điểm để xây dựng thành phố. Theo “Chương trình xây dựng ban đầu”, Đà Lạt có mô hình của một thành phố hoàn chỉnh, có bố trí các khu chức năng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Những nét căn bản của thành phố với những trục đường chính được vạch ra dựa theo những đường mòn có sẵn chạy dọc theo các sườn núi hay các đường phân thủy, tạo nên bộ khung của hệ thống giao thông nội thành tồn tại đến ngày nay.
Trong giai đoạn đầu từ 1906 – 1914, Đà Lạt không thay đổi nhiều do đường giao thông còn khó khăn và kinh phí đầu tư còn hạn chế. Đà Lạt chỉ có một vài ngôi nhà trong khu vực trung tâm và giao thông  chủ yếu vẫn còn sử dụng ngựa hoặc đi bộ.
Từ năm 1914, Đà Lạt phát triển nhanh hơn. Các tuyến giao thông ngoại thị từng bước được hoàn thành đã tạo điều kiện vận chuyển hành khách và hàng hoá thuận lợi hơn đến Đà Lạt. Những công trình công cộng đầu tiên được xây dựng và  các trục đường chính trong thành phố cũng được hình thành:
- Trục đường chính phía nam suối Cam Ly nơi đặt địa điểm của khu trung tâm hành chánh, gồm các đường Graffeuil (Hùng Vương) – Paul Doumer (Trần Hưng Đạo)– Yersin (Trần Phú) – Jean O’Neill (Hoàng Văn Thụ). Trục đường này nối với quốc lộ 11 đi Trại Mát, Dran và Phan Rang và nối với quốc lộ 20 đi Sài Gòn qua đường đèo Prenn cũ (Mimosa).
- Đường Dankia, từ Đà Lạt đi về phía bắc rồi tách thành hai hướng nối với Ankroet và núi Lang Biang. (Hồ Lớn – Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Công Trứ – Xô-viết Nghệ Tĩnh).
- Các tuyến đường (đập) qua Hồ Lớn, đường quanh hồ Lamartine (Bà Huyện Thanh Quan)  và trong khu vực phía nam Hồ Lớn như đường Long (Nguyễn Trường Tộ) - Pierre Pasquier (Hồ Tùng Mậu).
Nút giao thông trước khách sạn Palace (1930)

Từ năm 1923 trở đi,  quy hoạch thành phố được thực hiện theo đồ án của KTS Ernest Hébrard. Những quy định về quản lý đường công cộng và quản lý xây dựng được ban hành theo các quyết định ngày 1-6-1923 và ngày 26-7-1923 của Toàn quyền Đông Dương.
Từ các trục đường chính của thành phố đã phát triển thêm những đường chính khu vực (đường cấp 1 khu dân cư và đường cấp 1 khu thương mại): đường Pasteur (Lê Hồng Phong); Gia Long (Lê Đại Hành),  Đồng Khánh (Nguyễn Chí Thanh), Van Vollenhoven (Phan Bội Châu), Khải Định (Nguyễn Văn Cừ), Maréchal Foch (3 tháng 2), Milice (Lê Thị Hồng Gấm), Marché (Khu Hoà Bình), Annam (Nguyễn Văn Trỗi); Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng); Hôpital (Hải Thượng); Thouard (Bùi Thị Xuân) đến trại lính Courbet (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng); nhà ga (Nguyễn Trãi, Yersin); tuyến đường 99 điểm ngoạn cảnh (đường vòng Lâm Viên).
Bên cạnh đó một số tuyến nhánh chính cũng được hình thành: đường vòng khu vực Dinh Toàn quyền Đông Dương (Khởi nghĩa Bắc Sơn);  Robinson (Huyền Trân Công Chúa) - khu vực tây nam thành phố đến các hầm đá; các đường Avenue des Missions (Nhà Chung), Rue de l’Evêque d’Adran (Hà Huy Tập), Carrières (Dốc Nhà Bò), đường Trại Hầm đến các khu dân cư của người Việt; đường Prenn (đường 3 tháng 4 + đèo Prenn); các đường đến các nhượng địa của người Pháp như: Jean O’Neill (Hoàng Văn Thụ), Grillet (An Sơn), Bourgery (Trần Quang Diệu), …
Trong thập kỷ 1930, Đông Dương tìm lại được sự thịnh vượng và Đà Lạt đã thu hút được nguồn tài chính lớn để phát triển, tiếp tục được đầu tư và bắt đầu trở thành một thành phố nghỉ mát nổi tiếng. Đến trước thế chiến thứ hai, các cơ sở hành chính và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Đà Lạt được xây dựng gần như đầy đủ. Các tuyến đường bộ ngoại thị được hoàn thiện và hình thành thêm, đảm bảo điều kiện về vận tải cho sự phát triển của Đà Lạt.
Cùng với các công trình xây dựng, các tuyến đường giao thông trong khu vực nội thành tiếp tục được mở mang: đường cấp 2 khu trung tâm thương mại quanh chợ; đường khu dân cư Saint Benoit (Mê Linh), Bellevue (Lê Lai), Cité des Pics (Vạn Kiếp),… ấp Hà Đông (1938), Nghệ Tĩnh (1940), Đa Phú (1952); đường René Robin (Quang Trung), (Cô Giang, Phó Đức Chính, Lữ Gia, Mê Linh); đường Trại Hầm (Hoàng Hoa Thám), Bourgery (Trần Quang Diệu).
Từ năm 1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bắt đầu bùng nổ, Đà Lạt thu hút thêm một lượng vốn đầu tư lớn; thành phố phát triển một cách kỳ diệu và trở thành thành phố nghỉ dưỡng vùng cao quan trọng không những của Đông Dương mà của cả vùng Viễn Đông, lượng khách du lịch hàng năm cũng không ngừng tăng cao.
Giao thông là vấn đề hàng đầu và được quan tâm đầu tư. Lối vào Đà Lạt của quốc lộ 20 được cải tiến.
Tới năm 1942, đường bộ nội thành tại Đà Lạt đã có mạng lưới chính cơ bản hình thành như ngày nay và có tổng cộng 92 km, bao gồm 17 km đường nhựa, 40 km đường đá và 35km đường đất.
Tốc độ tăng trưởng nhanh đã đặt ra nhiều vấn đề đô thị nghiêm trọng. Mặc dù đã hình thành nhiều khu phố kiểu dáng đẹp với đường trải nhựa rộng rãi, nhưng thành phố phát triển thiếu trật tự và trải dài mảnh mai từ đông sang tây.
Toàn quyền Decoux không những muốn Đà Lạt được cải tạo, chỉnh trang mà hơn thế nữa còn muốn định hướng đến một thành phố lớn trong tương lai. Đồ án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt được kiến trúc sư Lagisquet nghiên cứu từ năm 1940 và được phê duyệt vào năm 1942. Bên cạnh những giải pháp quy hoạch đô thị cho việc xây dựng một thành phố vườn, việc bảo vệ cảnh quan, việc hình thành mới các trung tâm thương mại và các khu dân cư của người Âu và Việt,…  vấn đề giao thông đã được đồ án nêu lên như là bài toán cơ sở hạ tầng chủ yếu hàng đầu.
Đường bộ và giao thông Đà Lạt được H. Mondet và J. Lagisquet đánh giá trong các tài liệu “Tiền dự án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt” (năm 1940) và “Báo cáo quy hoạch” (năm 1942) như sau:
Nhìn chung, bề rộng đường nội thị phù hợp với giao thông nhưng các nút giao thông và quảng trường cần được cải tạo và mở rộng tầm nhìn. Hệ thống đường cũ cùng hướng tuyến được tôn trọng, tuy nhiên cần được cải thiện để làm giảm độ dốc hoặc mở rộng phù hợp với mật độ giao thông của tuyến đường.
Đường giao thông được đánh giá rất quan trọng trong khu vực dân cư. Thoạt nhìn, số lượng đường có vẻ quá nhiều so với nhu cầu, nhưng đó là hệ quả tất yếu của việc xây dựng đường trong khu vực có địa hình đồi núi để tránh độ dốc cao. Để phục vụ cho những khu vực phân lô mới tại Cam Ly, Cité des Pics, Cité Saint Benoit,… đồ án cũng dự kiến quy hoạch thêm 50km đường mới sẽ được thiết lập thêm vào đường có sẵn.           
Đồng thời với đồ án chỉnh trang, một kế hoạch thực hiện kéo dài 6 năm được phê duyệt. Từ năm 1943, ngân sách trung ương hỗ trợ việc thực hiện đồ án tại Đà Lạt. Kế hoạch 1943 và 1944 đã được Tổng Thanh tra Công chánh chuẩn bị, bao gồm việc xây dựng đường lộ, công trình công cộng và chuẩn bị mặt bằng để xây dựng các công trình tương lai.
1.3 Thời kỳ 1954 – 1975
1.3.1 Giao thông đối ngoại
Để phục vụ cho mục đích quân sự trên vùng cao nguyên, chính quyền Sài Gòn đã tập trung đầu tư sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường quan trọng, có khả năng đảm bảo giao thông thuận lợi giữa Đà Lạt, Tuyên Đức và Lâm Đồng với Sài Gòn và các tỉnh duyên hải Trung Bộ.
Sau năm 1965 do tình hình chiến tranh ác liệt, một số tuyến đường liên tỉnh nối với Đà Lạt không thể khai thác được như: quốc lộ 21 đi Buôn Ma Thuột; liên tỉnh lộ 8 đi Phan Thiết, Quảng Đức.
1.3.2 Giao thông nội thị
Từ năm 1954 đến 1963, một số đường nội thị được xây dựng mới hoặc cải tạo:
- Đường Chợ Đà Lạt, đường Nguyên Tử Lực; đường khu vực Viện Đại học Đà Lạt, Trường Võ bị Quốc gia,…
- Đường nội bộ trong những khu dân cư như: Đa Thiện, Đồng Tâm, Thiện Mỹ,…
Từ năm 1963 đến năm 1975, tình hình an ninh không ổn định, việc phát triển đô thị hầu như dừng lại, chỉ tập trung cho công trình quân sự hay có lợi ích trước mắt, hệ thống đường bộ nội thị hầu như không thay đổi. Công tác cải tạo đáng kể nhất là rải đá, láng nhựa một số tuyến đường trong nội thành như Nguyễn Đình Chiểu,… hoặc thảm bêtông nhựa các tuyến đường chính như đường Trần Hưng Đạo,…
Công tác bảo dưỡng đường được thực hiện cho một số tuyến đường khu vực trung tâm. Các tuyến đường vùng ven, đường nông thôn bị hư hỏng xuống cấp. Đến năm 1974, nhiều đường nội thành bị rạn nứt, gợn sóng, có nhiều ổ gà, nhiều chỗ bị lồi lún hoặc mặt đường mòn hết nhựa, mép đường bị nước xói lở. Ty Công chánh Đà Lạt đã có kế hoạch chỉnh trang, tuy nhiên mới thực hiện được một phần.
1.4 Thời kỳ sau năm 1975
Từ năm 1975 - 1985, sau thời gian dài chiến tranh và do không có điều kiện đầu tư cải tạo nên hệ thống đường bộ tiếp tục bị xuống cấp trầm trọng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói chung, đường bộ nói riêng chậm phục hồi và chưa được phát triển đồng bộ theo yêu cầu phát triển kinh tế.
Từ năm 1986, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã quyết định thực hiện công cuộc đổi mới, mở ra chính sách phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đà Lạt chuyển qua thời kỳ mới, việc chỉnh trang phát triển đô thị được đưa vào chương trình mục tiêu phát triển chung của cả nước, tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt.
1.4.1 Giao thông đối ngoại
Hệ thống giao thông đường bộ đối ngoại của thành phố Đà Lạt là đầu mối giao thông của tỉnh Lâm Đồng thuộc mạng lưới giao thông vận tải vùng Tây Nguyên, đồng thời hoà nhập vào mạng giao thông quốc tế sang Lào và Campuchia thông qua các quốc lộ 20, 27, 28, 55. Đã hình thành một mạng giao thông đường bộ nối vùng Tây Nguyên với các tỉnh ven biển miền Trung, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, có tuyến đường bộ xuyên suốt các tỉnh Tây Nguyên (quốc lộ 14). Mạng lưới giao thông từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện đã hình thành các trục tỉnh lộ.
Nhìn chung, mạng lưới đường bộ được hình thành hợp lý không những đáp ứng được chiến lược phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, mà còn từng bước mở rộng giao thương giữa thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh lân cận. Tuy nhiên do nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp nên tốc độ phát triển còn chậm, một số đoạn chưa thông tuyến, chỉ khai thác từng đoạn; chất lượng công trình nền mặt đường, cầu cống còn thấp và chưa đồng bộ. Trước năm 2000, mạng lưới đường bộ được củng cố, ngăn chặn tình trạng xuống cấp của các công trình hiện có và xây dựng một số tuyến mới. Từ sau năm 2000, mạng lưới đường bộ được hoàn thiện và xây dựng mới một số tuyến cao tốc.
Quốc lộ 20
Quốc lộ 20 là tuyến quan trọng nhất nối thành phố Đà Lạt với quốc lộ 1 (tại ngã ba Dầu Giây – tỉnh Đồng Nai) về Thành phố Hồ Chí Minh và nối với quốc lộ 27 tại Dran để về Phan Rang và các tỉnh Nam Trung Bộ.
Toàn tuyến dài 268 km được rải nhựa và có 29 cầu. Đoạn từ ranh giới Đồng Nai (Km 75 + 600) đến Đà Lạt dài 156km được rải bêtông nhựa tiêu chuẩn cấp III miền núi, cầu cống chủ yếu tải trọng tương đương H30 – XB80 khổ 7m.
Chiều dài tuyến trong địa phận tỉnh Lâm Đồng là 192km, số cầu trên tuyến là 26 cầu với chiều dài 782m.
Đoạn từ Đà Lạt đến Dran, dài 36km, đường hẹp, chỉ đạt đường cấp IV – V miền núi, cầu hẹp hơn với tải trọng tương đương H13.
Năm 1990 – 1992, mặt đường được nâng cấp thảm nhựa 5cm đoạn từ Dầu Giây đến Đà Lạt, cải tạo một số cống và tổ chức thu phí hoàn vốn. Hiện nay, đang tiếp tục mở rộng nâng cấp những đoạn qua thị trấn Di Linh, Đức Trọng.
Phục hồi, cải tạo đường Mimosa
Đường Mimosa (Prenn cũ) được khởi công cải tạo, nâng cấp từ năm 2001 và hoàn thành cơ bản vào năm 2007, chiều dài tuyến là 10,88km. Tuyến đường mở ra thêm lối ra vào thành phố và giảm mật độ giao thông trên đèo Prenn.
Đèo Mimosa

Đường cao tốc từ sân bay Liên Khương đến chân đèo Prenn
Đường cao tốc từ sân bay Liên Khương đến chân đèo Prenn (Km 203 + 600 đến Km 222 +800), được khởi công xây dựng từ năm 2004. Công trình được đầu tư theo hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Tổng vốn đầu tư là 632 tỷ đồng gồm vốn BOT đầu tư xây dựng công trình là 437 tỷ đồng và vốn ngân sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 195 tỷ đồng.
Quốc lộ 27
Quốc lộ 27 nối Đà Lạt với Buôn Ma Thuột và Phan Rang, trong đó, phần trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng dài 123,6km, tổng số cầu trên tuyến là 23 cầu với chiều dài 684m.
Quốc lộ 28
Quốc lộ 28 nối Phan Thiết với quốc lộ 20 để đến Di Linh, Đức Trọng và Đà Lạt. Đoạn trong địa phận tỉnh Lâm Đồng dài 96,6km, nằm gọn trong địa phận Di Linh từ ranh giới tỉnh Bình Thuận đến phà Kinh Đức trên sông Đồng Nai (ranh giới tỉnh Đắc Nông).
Đường Trường Sơn Đông
Đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài 671km đường cấp IV, xuất phát từ thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), lần lượt đi qua 7 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và kết thúc tại cầu Suối Vàng nối với tỉnh lộ 722, từ Đà Lạt đến huyện Đam Rông.
Tỉnh lộ ĐT 722
Tỉnh lộ ĐT 722 từ Đà Lạt đi Đam Rông có chiều dài 92,5km, điểm đầu tại ngã ba Tùng Lâm, đi qua hồ Suối Vàng – Dankia, Láng Tranh, Đưng K’Nớ, Đạ Long, Đạ Tông và Đam Rông. Tuyến đường cũng là hành lang song song với QL 27 vùng tây bắc của tỉnh Lâm Đồng, nơi còn nhiều khó khăn về kinh tế xã hội.
Tỉnh lộ ĐT 723
Trước đây, tỉnh lộ ĐT 723 chỉ dài 45,4km, nối Đà Lạt (từ ngã ba đường Hồ Xuân Hương) đến hai xã Đạ Sa, Đạ Chais thuộc huyện Lạc Dương. Đường rất xấu, chỉ có 2km đường cấp phối, còn lại là đường đất.
Theo yêu cầu phát triển kinh tế du lịch cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng cho khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, từ cuối năm 2004, tuyến đường ĐT 723 được đầu tư nối dài về phía đông bắc thông với Khánh Vĩnh, Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hoà).
Ngày 27-4-2007, tuyến đường mới dài 130,6 km, nối trực tiếp Đà Lạt với Nha Trang được thông xe giai đoạn 1, trong đó đoạn trên địa phận tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 54km.
Hành trình giữa hai thành phố du lịch nổi tiếng đã được rút ngắn 98km so với lộ trình cũ Đà Lạt – Phan Rang – Nha Trang (dài 228km). Tuyến đường mới cũng mở ra cơ hội phát triển cho 3 huyện vùng sâu là Diên Khánh, Khánh Vĩnh (Khánh Hoà), Lạc Dương (Lâm Đồng).
 
 Tỉnh lộ ĐT 723 (Đà Lạt – Nha Trang)
Tỉnh lộ ĐT 725
Tỉnh lộ ĐT 725 có chiều dài 143,6km, xuất phát từ cổng sân bay Cam Ly đi qua xã Tà Nung, qua Nam Ban, thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà), Đinh Trang Thượng (Di Linh), Tân Rai (huyện Bảo Lâm) về Lộc Bắc và điểm cuối là thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh). Tỉnh lộ ĐT 725 tạo ra hành lang nam bắc thứ hai song song với QL 20 nối liền 4 huyện và thị trấn với Đà Lạt.
Đường chuyên dùng
Để tham quan Núi Bà, du khách có thể đi đường Lang Biang từ cầu Phước Thành đến chân núi dài 2,2km và đường lên đỉnh núi dài 4,6km, đường bêtông nhựa nên việc lưu thông thuận lợi.
Kể từ khi các công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi và Đại Ninh được đầu tư xây dựng, giao thông từ thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đến tỉnh Bình Thuận trở nên phong phú hơn với việc hình thành các tuyến đường chuyên dùng nối từ quốc lộ 20 đến các nhà máy thuỷ điện nêu trên.
1.4.2 Giao thông nội thị
Đường nội thị Đà Lạt sau thời kỳ chiến tranh đã bị hư hỏng khá nhiều, từ năm 1975 đến năm 1985 do thiếu kinh phí để bảo trì và đầu tư cải tạo nên càng xuống cấp trầm trọng hơn. Trong giai đoạn này chỉ có một số ít đường nông thôn được sửa sang và làm mới để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Công tác đầu tư phát triển giao thông được xác định là một chương trình trọng điểm, do đó, mặc dù vốn đầu tư còn hạn chế nhưng Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND thành phố Đà Lạt đã tập trung vào những tuyến đường đối ngoại quan trọng, xây dựng hệ thống đường giao thông rộng khắp và nâng cấp mạng lưới đường nội thị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tạo thêm sức thu hút cho ngành du lịch, phục vụ đi lại của nhân dân và du khách.
Mạng lưới giao thông nội thị cơ bản không thay đổi, một số tuyến đường được cải tạo mở rộng hoặc xây dựng mới phù hợp với lưu lượng giao thông và định hướng phát triển của thành phố.
Cải tạo nâng cấp và xây dựng mới đường nội thị
Từ giữa thập niên 1990, hệ thống đường nội thị được đầu tư nâng cấp từ nhiều nguồn ngân sách tập trung của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt.
Giao thông từng bước được cải thiện và đường phố cũng trở nên khang trang hơn.
Ngân sách hàng năm đầu tư cho các công trình giao thông gia tăng nhanh chóng: năm 1995 khoảng 10 tỷ đồng, năm 2000 khoảng trên 30 tỷ đồng và đến năm 2005 đã lên đến trên 100 tỷ đồng.
Các trục lộ chính được đầu tư nâng cấp, mặt đường và giao lộ được cải tạo, mở rộng để bảo đảm lưu lượng và tầm nhìn giao thông. Danh mục các con đường được khởi công như sau: Năm 1995 – 1996: các trục đường Trần Phú, Đinh Tiên Hoàng, Phù Đổng Thiên Vương, Yersin, Quang Trung, nút Kim Cúc, 3 tháng 4, Hồ Tùng Mậu. Năm 2000 - 2003: Phan Chu Trinh, Hồ Xuân Hương, Nguyên Tử Lực, Hoàng Văn Thụ, Xô viết Nghệ Tĩnh.
Bên cạnh công tác sửa chữa để ngăn chặn tình trạng xuống cấp; mạng lưới đường nội thị được trùng tu, cải tạo hệ thống thoát nước và nâng cấp mặt đường từ kết cấu láng nhựa thành bêtông nhựa.
Một số đường vành đai và đường đến các khu du lịch được đầu tư xây dựng mới như  đường Trúc Lâm Yên Tử (1998), Cam Ly – Măng Lin (2002), Tùng Lâm – Suối Vàng (2004), Dinh III – hồ Tuyền Lâm (2004), Mai Anh Đào (2006), đường trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm,…
Đường giao thông nông thôn
Các xã trực thuộc thành phố Đà Lạt đều nằm trên những trục lộ chính nên việc giao thông đều thuận lợi. Xã Xuân Trường, Xuân Thọ nằm trên quốc lộ 20 và xã Tà Nung nằm trên đường ĐT 725.
Hệ thống đường giao thông nông thôn bao gồm các đường vào các khu vực sản xuất nông nghiệp, đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn, đường liên buôn,…
Với chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách và nhân dân đóng góp, nhiều tuyến đường cũng đã được sửa sang, nâng cấp, nhựa hoá hoặc làm mới để phục vụ sản xuất và dân sinh.
Năm 2007, Đà Lạt có 88km đường giao thông nông thôn, trong đó xã Tà Nung có 34km, xã Xuân Thọ có 29km, xã Xuân Trường 20km, đường Đất Mới dài 5km.
Chương IV
CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT
GIAO THÔNG
  2. giao thông hàng không
Giao thông hàng không của thành phố Đà Lạt được thực hiện chủ yếu qua cảng hàng không Liên Khương và sân bay Cam Ly.
2.1 Cảng hàng không Liên Khương
2.1.1 Vị trí
Cảng hàng không Liên Khương có tên giao dịch tiếng Anh là Lien Khuong Airport, tên viết tắt theo mã AITA: DLI, mã OACI: VVDL;  nằm ở toạ độ 11o 45’ 15”  vĩ độ bắc và 106o 25’ 09” kinh độ đông, thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 28km về phía nam và trung tâm thị trấn Liên Nghĩa 4km về phía bắc. Cao độ cảng hàng không Liên Khương là 962m so với mực nước biển. Đường băng có chiều dài 2.350m với mặt bêtông nhựa.
 
 Ga hàng không Liên Khương
Khoảng cách theo đường chim bay từ cảng hàng không Liên Khương đến một số cảng hàng không khác tại Việt Nam là: Liên Khương – Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh): 214km, Liên Khương – Nội Bài (Hà Nội): 968km.
2.1.2 Quá trình hình thành
Giai đoạn trước năm 1954
Sân bay Liên Khương được người Pháp xây dựng trong 3 năm và đưa vào hoạt động vào năm 1933, với một đường hạ cất cánh bằng đất nện cứng dài 700m. Khi đó, sân bay được xếp hạng ba, chỉ đáp ứng cho loại tàu bay nhẹ dưới 2 tấn.
Năm 1945, trong thế chiến thứ hai, để đáp ứng nhu cầu chiến tranh, phát xít Nhật đã  đã tu bổ sân bay  Liên Khương. Đường hạ cất cánh được rải cán đá sử dụng cho tàu bay chiến đấu Zéro.
Năm 1947, sân bay được mở rộng hơn và thiết lập đường bay Hà Nội – Đà Lạt vào năm 1948.
Năm 1953, Ty Liên lạc Hàng không tại Đà Lạt được thành lập. Tháng 10 năm 1955, Ty này được đặt dưới sự quản trị của Nha Hàng không Dân sự Quốc gia thuộc Bộ Công Chánh.
Giai đoạn 1954 – 1975
Năm 1960, sân bay Liên Khương được cải tạo nâng cấp, đường hạ cất cánh được kéo dài 1.480m, rộng 37m, mặt đường băng được tráng nhựa. Sân bay được trang bị đèn MIL và các thiết bị phù trợ không vận giúp cho tàu bay có thể hạ cất cánh vào ban đêm và khi thời tiết xấu.
Năm 1961, sân bay Liên Khương được trang bị thêm các thiết bị liên lạc – thu phát thanh mới thay thế các thiết bị cũ, giúp cho việc liên lạc với các tàu bay hạ cất cánh hay bay ngang không phận được hoàn hảo hơn. Đồng thời, chính quyền Sài Gòn đã ban hành những quy định mới về thủ tục an ninh hàng không và quy định những liên lạc trao đổi tin tức  giữa sân bay và Trung tâm không lưu tại Sài Gòn nhằm bảo đảm an toàn cho các chuyến bay. Sân bay được sử dụng chung cho các tàu bay dân sự và quân sự.
Nhà ga hàng không dân dụng được xây dựng theo kiến trúc nhà 3 tầng, cấp I. Công trình được khánh thành vào ngày 24-2-1961 với công suất 50.000 khách/năm, khoảng 120 hành khách/giờ cao điểm.
Những năm 1964 – 1972, toàn bộ đường hạ cất cánh, sân đậu, đường giao thông được tiếp tục nâng cấp, phủ bêtông nhựa dày từ 8 – 10cm và có thể sử dụng cho tàu bay dưới 35 tấn; diện tích sân đỗ tàu bay 23.100m2; đường ô tô có chiều dài 2.100m.
Sân bay đảm bảo hạ cất cánh cho những loại tàu bay phản lực cánh quạt Viscount hay những loại tàu bay Douglas DC 3, DC4.
Giai đoạn sau 1975
Từ sau ngày 30-4-1975, sân bay Liên Khương được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành. Sân bay có khả năng tiếp nhận các loại tàu bay dân dụng thân hẹp, bay tầm ngắn như  YAK-40, ATR-72, Fokker-70 (áp suất bánh hơi 8 kg/cm2).
Đến năm 1980, cảng hàng không Liên Khương được chuyển giao cho  Cụm cảng hàng không miền Nam quản lý.
Ngày 2-9-2003, Cụm cảng hàng không miền Nam khởi công thực hiện dự án “Cải tạo mở rộng, nâng cấp đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay cảng hàng không Liên Khương”. Quy mô đảm bảo khai thác được các loại tàu bay dân dụng thân hẹp, bay tầm ngắn đến trung bình như A-320, A-321 và tương đương, cảng hàng không Liên Khương  đạt tiêu chuẩn cấp 4C theo phân cấp của ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế : International Civil Aviation Organisation) và sân bay quân sự cấp 2.
Ngày 11-8-2006, cảng hàng không Liên Khương  đã đưa đường hạ cất cánh mới vào khai thác sử dụng. Hiện tại, cảng hàng không Liên Khương  với tổng diện tích đất 160ha, có một đường hạ cất cánh  dài 2.350m, rộng 37m; một đường lăn dài 94m, rộng 19m; sân đậu tàu bay có diện tích 23.100m2 với 5 vị trí đậu tàu bay cho tàu bay ATR-72 và Fokker-70; sân đậu ô tô có diện tích 1.478m2. Nhà ga hành khách có diện tích 1.000m2. Trang thiết bị mặt đất có xe nạp điện tàu bay, xe chở khách, xe chở hàng, xe cứu thương, xe cứu hoả.
2.2 Sân bay Cam Ly
Sân bay Cam Ly là một sân bay nhỏ trong 4 sân bay của tỉnh Lâm Đồng, có tên giao dịch tiếng Anh là Cam Ly Airport, tên viết tắt theo mã IATA: N/A; mã OACI: VVCL. Sân bay Cam Ly nằm ở độ cao 1505m, có toạ độ 11o56’34” vĩ độ bắc và 108o24’54” kinh độ đông, thuộc phường 5, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 3km về phía tây.
Phía nam, sân bay Cam Ly tiếp giáp với tỉnh lộ 725 đi Tà Nung; phía đông giáp suối Cam Ly; phía tây và bắc giáp với đồi núi và thung lũng trống. Cao độ sân bay Cam Ly là 1.505m so với mực nước biển. Đường băng theo hướng 10L/28R có chiều dài 1.390m với mặt bêtông nhựa.
 Trước năm 1975, sân bay Cam Ly là sân bay quân sự của quân đội Mỹ và Sài Gòn. Lúc đó, sân bay còn là một thương cảng xuất rau cho quân đội Mỹ.
Sau năm 1975, sân bay Cam Ly là sân bay của Học viện Lục quân, sau đó chuyển giao cho Cụm cảng hàng không miền Nam quản lý. Sân bay Cam Ly được sử dụng chủ yếu làm sân bay quân sự và có thể phục vụ cho các tàu bay nhỏ bao gồm tàu bay thể thao và trực thăng. Hiện nay, sân bay không có chuyến bay thường xuyên theo lịch.
Chương IV
CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT
GIAO THÔNG

3. giao thông ĐƯỜNG SẮT
Giao thông đường sắt của thành phố Đà Lạt được thực hiện qua tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt, xây dựng từ 1903 đến 1928, khai thác vận tải toàn tuyến từ 1932 và ngưng hoạt động từ cuối thập niên 1960. Từ năm 1991, đoạn đường sắt Đà Lạt – Trại Mát được khôi phục để khai thác phục vụ tham quan du lịch.
3.1 Quá trình hình thành
Quá trình hình thành tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt gắn với quá trình hình thành của đường sắt Việt Nam và thành phố Đà Lạt.
Chương trình Đường sắt Đông Dương do Toàn quyền Paul Doumer khởi xướng,  được thực hiện từ năm 1896 đến năm 1936. Với đạo luật năm 1898 cho vay khoản ngân sách 200 triệu franc với lãi suất 3,5%  đã cho phép thực hiện chương trình này trên quy mô lớn và hình thành những tuyến chính của đường sắt Việt Nam vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Sài gòn với chiều dài 1.726km là tuyến xương sống, từ đó toả ra các nhánh: nhánh Hà Nội – Lào Cai  nối với đường sắt đi Vân Nam (Trung Quốc); nhánh Hà Nội – Lạng Sơn nối với đường sắt đi Quảng Tây (Trung Quốc); nhánh Tháp Chàm – Đà Lạt; nhánh Dĩ An – Lộc Ninh; nhánh Gia Định – Hóc Môn. Tổng chiều dài đường sắt hoàn thành là 2.443km với khổ đường hẹp loại 1 mét. Chương trình đường sắt Đông Dương cũng dự kiến sẽ xây dựng tuyến Sài Gòn – Phnom Penh, kéo dài đến biên giới  Thái Lan nối với đường sắt đi Bangkok, tạo sự thông thương chiến lược quan trọng bằng đường sắt giữa Trung Quốc đến Thái Lan và có thể tiếp tục mở rộng đến Indonesia, hình thành tuyến Xuyên Á qua khu vực Đông Nam Á. Dự kiến này tuy chưa thực hiện trọn vẹn, song với tầm nhìn rộng lớn nên ý tưởng này vẫn mang giá trị cho đến ngày nay.
Sau khi quyết định thành lập trạm nghỉ dưỡng tại cao nguyên Lâm Viên, để giải quyết vấn đề giao thông đối ngoại cho thành phố tương lai, song song với việc thực hiện các dự  án xây dựng đường bộ, vào năm 1901, Toàn quyền Paul Doumer cũng đã chỉ thị việc nghiên cứu dự án xây dựng tuyến đường sắt nối từ tuyến chính Hà Nội – Sài Gòn đến Đà Lạt và quyết định thành lập chi nhánh đường sắt Sài Gòn – Khánh Hoà lên Đà Lạt. Cùng năm đó, tuyến đường sắt Sài Gòn – Khánh Hoà đã được khởi công, đến năm 1908 thực hiện được 132km đến Sông Dinh, và đến năm 1913 hoàn thành tới Nha Trang.
Nhiều đoàn công tác đã được cử đi khảo sát lập tuyến đường sắt từ cao nguyên đến bờ biển như đoàn của Garnier vào năm 1897 và một đoàn khác của đại uý Baudesson vào năm 1901.
Sau khi Paul Doumer về nước, cùng với những khó khăn về kinh tế, chính trị và quân sự của Pháp vào đầu thế kỷ XX, việc thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đã bị gián đoạn nhiều lần.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được xây dựng theo loại đường đơn, khổ hẹp loại 1 mét  và được thực hiện trong 3 giai đoạn :
3.1.1 Xây dựng đoạn từ Tháp Chàm đến Xóm Gòn (1903 – 1916)
Tuyến đường khởi công xây dựng vào năm 1903 nhưng đến năm 1908 mới thực hiện những công việc xây dựng cơ sở hạ tầng của đoạn đầu tiên và ngưng thi công vào năm 1910 do thiếu kinh phí. Năm 1913, tuyến đường được tiếp tục xây dựng lại nhờ vào những khoản tín dụng của ngân sách,  hoàn thành đặt ray (1915) và đưa vào khai thác (1916) với  2 chuyến tàu mỗi tuần.
Từ ga Tháp Chàm, nhánh đường sắt đi theo hướng tây bắc, vòng qua đồi tháp Pô Klông Garai, sau đó đi trong vùng đồng bằng về phía những thung lũng của rặng núi Đông Đại; qua các ga Lương Nhơn (Km 06+198,30), Đồng Mé (Km 13+887,70), Tân Mỹ (Km 21+418,60), Quảng Sơn (Km 29+550,00) và Xóm Gòn (Km 38,00)
Qua Tân Mỹ, một cây cầu 8 nhịp bằng kim loại, có kiến trúc đẹp, được xây dựng trên những mố đỡ bêtông để đường sắt vượt qua sông Cái, một dòng sông có lũ lớn bất thường.
3.1.2  Xây dựng đoạn từ  Xóm Gòn đến Sông Pha (1916 – 1917)
Tuyến đường sắt được kéo dài đến Sông Pha (Km 40+591,70) vào năm 1917. Đây là đoạn ngắn và dễ thi công, ngoại trừ  việc xây dựng một cây cầu tại cửa ngõ vào Sông Pha.
Lúc đó, hành trình tiếp theo từ Sông Pha về Đà Lạt  được thực hiện bằng kiệu khiêng và ngựa. Đến năm 1919, mới hình thành tuyến đường ô tô đi Ngoạn Mục, Dran nối với đường đi Đà Lạt tại Fimnom.
3.1.3 Xây dựng đoạn từ  Sông Pha đến Đà Lạt (1922 – 1932)
Năm 1922, sau một thời gian gián đoạn, đoạn đường sắt còn lại được Toàn quyền Long giao cho Công ty Xây dựng châu Á (Société d’Entreprises Asiatiques - SEA) đảm nhiệm việc xây dựng. Việc điều hành thực hiện dự án tuyến đường sắt Sông Pha - Đà Lạt được SEA giao cho M. Porte, một  kỹ sư  ưu tú, với sự tham gia của các kỹ sư Thụy Điển  vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng những tuyến đường sắt trong vùng núi khó khăn.
Nếu đoạn đầu qua vùng đồng bằng từ Tháp Chàm đến Sông Pha được xây dựng thuận lợi, thì  đoạn còn lại từ Sông Pha đến Đà Lạt gặp nhiều thử thách cam go do phải vượt qua nhiều rặng núi có độ cao rất lớn; công việc thi công rất gian nan do địa thế hiểm trở, rừng rậm và khí hậu khắc nghiệt. Tuyến đường sắt được xây dựng uốn lượn theo các sườn núi với nhiều đoạn đường cong bán kính nhỏ, vượt qua nhiều đường hầm, cầu và những tường chắn vách núi dựng đứng. Hướng tuyến táo bạo nhưng cũng đầy cảm hứng khi  đi qua những vùng có phong cảnh tuyệt đẹp và hùng vĩ.
Công trường thi công đường sắt Sông Pha – Đà Lạt đã phải đào 5 đường hầm với tổng chiều dài 1.090m: hầm số 1 dài 163m và hầm số 2 dài 70m trên đoạn Sông Pha – Eo Gió; hầm số 3 dài 630m trên đoạn Trạm Hành – Cầu Đất; hầm số 4 dài 98m và hầm số 5 dài 129m trên đoạn Cầu Đất – Đa Thọ.
Hệ thống đường sắt răng cưa Sông Pha - Đà Lạt
Tuyến đường sắt Đà Lạt đã được lắp đặt khoảng gần 16km đường răng cưa  loại Abt - 2 lưỡi,  trên ba đoạn có độ dốc lớn nhất từ 10 đến 12%: Đoạn đường răng cưa Sông Pha – Eo Gió dài khoảng 9 km, độ dốc 12%. Đoạn đường răng cưa Dran – Trạm Hành dài khoảng 4km, độ dốc 11,5%. Đoạn đường răng cưa Đa Thọ – Trại Mát dài khoảng 2km, độ dốc 6%.
Khi đến Sông Pha ở cao độ 186 m, cảnh vật và địa hình biến đổi hoàn toàn và trước mặt là những rặng núi cao sừng sững án ngữ  đường lên cao nguyên. Khoảng cách đường chim bay từ  Sông Pha đến Eo Gió chỉ khoảng 7,6km nhưng độ chênh cao lên đến trên 805 m. Tuyến đường vượt qua đèo Ngoạn Mục dài 10km với triền dốc thẳng đứng, qua đoạn đường ray răng cưa thứ nhất và qua 2 đường hầm: đường hầm số 1 gần Cà Bơ và đường hầm số 2 tại đoạn cuối đường răng cưa gần ga Eo Gió. Trên tuyến đường độc đạo này đã được bố trí  một điểm giao và tránh nhau cho những đoàn tàu lên và xuống tại Cà Bơ (K’Beu – Km 46+717,70).
Sau khi vượt qua đèo Ngoạn Mục đến ga Eo Gió (Km 50+521,70) ở cao độ 991m, tuyến đường đi tiếp qua đoạn đường khá bằng phẳng để đến ga Dran/Càn Rang  (Km 55+671,12) ở cao độ 1.016m. 
Đoạn đường từ Dran – Trại Mát có trắc dọc lên xuống rất phức tạp, có thể chia thành 3 đoạn nhỏ:
-        Từ Dran đến Trạm Hành (Km 61+450,00) ở cao độ 1514m, đoạn đường ngắn khoảng 5km và là đoạn thứ hai có đường ray răng cưa. Tuyến đường uốn lượn quanh co qua những quả đồi để vượt độ cao và tránh những trở ngại của địa hình.
-        Từ Trạm Hành đến Đa Thọ, đoạn đường dài khoảng 11km qua ga Cầu Đất (Km 65+937,43), đi theo đường dốc xuống liên tục trên đường ray thông thường và qua 3 đường hầm: đường hầm số 3 dài nhất toàn tuyến, đường hầm số 4 và đường hầm số 5 dưới quốc lộ 20,  để tiếp cận đến ga Trạm Bò (Đa Thọ, Km 72+510,65) ở cao độ 1.402m.
-        Từ Đa Thọ đến Trại Mát, đoạn đường dài hơn 5 km đi qua đoạn thứ ba có đường ray răng cưa. Đây là trở ngại cuối cùng để vào cửa ngõ Trại Mát (Km 77+570,00) ở cao độ 1488m và đến cao nguyên.

Chuyến tàu đến Đà Lạt
Đoạn đường cuối cùng từ  Trại Mát đến Đà Lạt có chiều dài 6,55km với đường ray thông thường. Từ ga Trại Mát, tuyến đường uốn vòng theo các ngọn đồi của khu vực Sào Nam, Chi Lăng và qua dưới cầu ô tô đường Trần Quý Cáp để đến ga Đà Lạt (Km 84+084,22) ở cao độ 1.550m.
Sau 25 năm xây dựng với chi phí khoảng 8 triệu đồng Đông Dương, đến năm 1928, trong thời kỳ suy thoái về kinh tế, tuyến đường sắt đã được khánh thành và từng bước khai thác trên toàn tuyến: từ Tháp Chàm đến Sông Pha dài 41 km, khai thác từ năm 1917; từ Sông Pha đến Eo Gió dài 10 km, khai thác từ năm 1928; từ Ngoạn Mục đến Dran dài 5km, khai thác từ năm 1929; từ Dran đến Trạm Hành dài 5 km, khai thác từ năm 1930; từ Trạm Hành đến Đà Lạt dài 23km, khai thác từ năm 1932.
Một trục lộ giao thông quan trọng đã hình thành nối Đà Lạt và các khu vực khác của Việt Nam qua tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm và tuyến Xuyên Việt Hà Nội – Sài Gòn khi đoạn cuối giữa Tuy Hoà – Đại Lãnh được khánh thành vào ngày 4-10-1936.
Một nhà ga tạm thời đã được xây dựng gần vị trí nhà ga hiện nay, với hình dáng như những nhà ga nhỏ ở miền quê nước Pháp.  Vào thời kỳ đó, việc khai thác tuyến đường sắt và các nhà ga do SGAI quản lý. Ngày nay, ngôi nhà này đã được tháo dỡ sau khi xây dựng xong nhà ga mới.
 Nhà ga tạm thời
Nhà ga hiện nay của Đà Lạt, được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938 để thay thế nhà ga tạm thời, nằm trên đường Nguyễn Trãi.
Công trình do các kiến trúc sư Révéron và Moncet thiết kế theo kiến trúc, kích thước và cách bố trí tương tự  như nhà ga thành phố Deauville – vùng Calvados phía bắc nước Pháp.
Cùng với nhà ga Hà Nội, nhà ga Đà Lạt là công trình nhà ga có kiến trúc ấn tượng nhất của Việt Nam.
Chương IV
CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT
ĐIỆN LỰC

1. quá trình hình thành
1.1 Thời kỳ 1918 – 1928
Năm 1918, nhà máy điện (nhà đèn) đầu tiên của Đà Lạt với công suất 50kW và đường dây hạ thế được xây dựng để cung cấp chủ yếu cho công sở và Khách sạn Hồ (Hôtel du Lac).
Với một loạt công trình mới, nhà máy điện đầu tiên không còn đủ công suất cung cấp, năm 1927, một nhà máy điện mới được khởi công xây dựng nằm trong quy hoạch của Hébrard, và sau hơn một năm thi công, được khánh thành vào năm 1928.
Nhà máy này tọa lạc tại số 118 đường 3 tháng 2 hiện nay, và vẫn còn nguyên số khắc 1928 ở mặt tiền trên cao của nhà máy. Ban đầu, nhà máy có 3 tổ máy hoạt động bằng dầu mazout: tổ máy số 1 có công suất 200kW, điện áp 3,3kV do hãng SIERRA ALSTHOM (Pháp) chế tạo; tổ máy số 2 và số 3: mỗi máy có công suất 400kW, điện áp 3,3kV do hãng WINTERTHUR (Thụy Sĩ) chế tạo.
 
 Nhà máy điện Đà Lạt
Nhà máy ban đầu chỉ có các đường dây 3,3kV cung cấp chủ yếu cho khu công sở và các khách sạn dọc đường Trần Hưng Đạo, Trần Phú hiện nay, khu vực gần nhà máy như trường tiểu học Pháp, bệnh viện,…
1.2 Thời kỳ 1928 - 1954
Năm 1929, nông trại O’Neill ở hạ lưu thác Cam Ly tự thiết kế và thi công một công trình thủy điện gồm một đập nước cao 15m, dày từ 54m đến 65m và hai tổ máy công suất 55Hp và 260Hp, tương đương 40kW và 190kW cung cấp điện cho thắp sáng, bơm nước, ướp lạnh, đóng chai sữa. Đáng tiếc, đến năm 1932, trong một cơn bão mạnh, mưa lớn, nước dâng nhanh trên dòng Cam Ly, đập nước bị phá hỏng và nước cuốn phăng hoàn toàn công trình.
Sự phát triển rất nhanh các công trình và các khu dân cư đòi hỏi các công trình đường dây và trạm điện cũng phải được thi công nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu. Hàng loạt  các đường dây và trạm điện được xây dựng như : Pasteur, Couvent des Oiseaux (Trường Dân tộc Nội trú),  Camp Militaire (Lý Thường Kiệt), Gare (Ga) và trạm nhà máy nước Hồ Than Thở, Joffre (Ngã 5 Đại học), Dragages (Cung Thiếu Nhi), Saint Benoit (Mê Linh), Bellevue (Lê Lai), Decoux (Vạn Kiếp), Nouvelle Usine des Eaux (nhà máy nước hồ Xuân Hương), Tour de Chasse (Hùng Vương), Nha Địa Dư (Cục Bản Đồ), Cầu Quẹo.
Nhà máy thủy điện Ankroët
Năm 1942, Decoux quyết định thi công nhà máy thủy điện Ankroёt theo đồ án quy hoạch của Lagisquet. Đây là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam được khởi công vào tháng 10 năm 1942 và khánh thành vào năm 1945.

 Nhà máy thủy điện Ankroet
Nhà máy thủy điện Ankroёt lúc bấy giờ thuộc quyền quản lý của Sở Công chánh Đông Dương, các hạng mục chính của nhà máy gồm có :
- Hồ đập Đan Kia: Cao trình đỉnh đập đất: 1427m; cao trình đỉnh tràn đập đá: 1421,8m; diện tích lưu vực: 141km2; dung tích hữu dụng: 15,2  x 106m3; đường hầm đáy đập đá đường kính 1,6m, dài 160m với cao trình 1410,8m.
- Hồ đập Ankroët nhận nước từ hồ Dankia và cung cấp cho nhà máy qua đường thủy đạo. Cao trình đỉnh đập đá: 1410,72m; diện tích lưu vực: 145km2; dung tích hữu dụng: 106 m3.
- Thủy đạo bao gồm: đường hầm bêtông cốt thép đường kính 1,6m, dài 482m, cao trình 1406,72m; giếng điều áp bê tông cốt thép đường kính 3,8m; đường ống thép đường kính 1,5m/1,3m, dài 50m; van cầu đường kính 1,3m; đường ống thủy áp bằng thép đường kính 1,3m, dài 182m; nhà máy hầm xả cao trình 1321m.
- Nhà máy có 2 tổ máy  công suất 300 kW/máy do hãng Bell của Mỹ sản xuất.
- Đường dây trung thế gồm: Đường dây 31,5kV, Suối Vàng  - Đơn Dương, dài  44km; đường dây 15kV, Suối Vàng - Đà Lạt (trạm Thi Sách) dài 12km; đường dây 31,5kV, Suối Vàng – Đơn Dương, cung cấp điện cho thị trấn Dran và một số khu vực trên tuyến đường dây đi ngang qua như: Đa Thành, Tùng Lâm, Thánh Mẫu, Trại Mát, Xuân Thọ, Cầu Đất, Trạm Hành; đường dây 15kV Suối Vàng - Đà Lạt cung cấp điện cho nhà Dòng Chúa Cứu Thế, Domaine de Marie và khu vực lân cận.
Quản lý sản xuất điện và bán điện tại Đà Lạt từ năm 1918 thuộc Công ty CEE (Compagnie des eaux et d’électricité de l’Indochine, Công ty Điện Nước Đông Dương). Kể từ năm 1945, việc sản xuất điện và bán điện tại Đà Lạt còn có thêm Sở Công chánh Đông Dương là đơn vị quản lý nhà máy thuỷ điện Ankroët. Sở Công chánh Đông Dương kinh doanh điện các khu vực sau: Đa Thành 1 + Đa Thành 2 (từ cuối đường Hai Bà Trưng đến Suối Vàng); Thánh Mẫu, Trại Mát, Cầu Đất, Trạm Hành, Dran.
1.3 Thời kỳ 1954 – 1975
Đến năm 1956, thành phố Đà Lạt đã được xây dựng và phát triển gần như toàn cảnh năm 1975. Dân số năm 1955 đã đạt 53.390 người, tăng gần gấp 3 lần năm 1948 (18.513 người), nhu cầu sử dụng điện năng từ đó cũng tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu điện năng sinh hoạt và chuẩn bị cung cấp điện cho công trường xây dựng hồ đập và nhà máy thuỷ điện Đa Nhim, nhà máy điện Đà Lạt và thuỷ điện Ankroët được lắp đặt thêm các tổ máy để tăng cường công suất:
Tại nhà máy điện Đà Lạt, lắp đặt thêm tổ máy CHICAGO do Mỹ sản xuất, công suất 1.250kW, điện áp 3,3kV và vận hành phát điện năm 1957.
Tại nhà máy thuỷ điện Ankroët, lắp đặt thêm 2 tổ máy lớn, công suất 1.250kW, tua bin loại FRANCIS trục ngang hiệu NEYPRIC và máy phát hiệu ALSTHOM do Pháp sản xuất, điện áp máy phát 6,6kV, vận hành phát điện năm 1957.
Đồng thời với việc lắp đặt các tổ máy trên, tiến hành thi công đường dây 31,5kV  Đa Phú - Đà Lạt và nâng cấp đoạn 15kV Suối Vàng - Đa Phú lên 31,5kV để nhà máy điện Đà Lạt hoà điện với nhà máy thuỷ điện Ankroët, tăng công suất chuyển tải cung cấp cho Dran và công trường xây dựng nhà máy thuỷ điện Đa Nhim.
Đoạn đường dây 15kV Đa Phú – Đà Lạt được cải tạo thành 3,3kV để cung cấp điện từ nhà máy điện Đà Lạt đến đường Hai Bà Trưng, Bạch Đằng. Đường dây 31,5kV từ Dran được kéo dài đến đèo Ngoạn Mục xuống công trường xây nhà máy thủy điện Đa Nhim tại chân núi.
Từ năm 1928 đến năm 1968, CEE chỉ quản lý độc nhất 1 cấp điện áp trung thế 3,3kV và 1 cấp điện áp sinh hoạt là 110V.
Đến năm 1957, Sở Công Chánh Đông Dương bàn giao nhà máy thủy điện Ankroёt cho Quốc gia Trùng tu Điện lực cuộc.
Nhà máy thủy điện Đa Nhim
Nhà máy thủy điện Đa Nhim được Nhật Bản viện trợ để bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm đóng Việt Nam năm 1945 và do Liên Hiệp Quốc tổ chức đấu thầu. Một loạt công ty công nghiệp lớn của Nhật Bản tham gia: tư vấn thiết kế: Nippon Koei; hồ đập: Kajima Hazama Gumi; đường ống: Sakai; máy phát: Mitsubishi; tuabin: Toshiba; biến thế chính: Fuji Denki; tủ bảng điện, rơle tự động hoá: Hitachi. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1959, vận hành chính thức 2 tổ máy 1, 2 vào ngày 15-1-1964 và 2 tổ máy 3, 4 vào tháng 12-1964, với tổng công suất 160MW. Đây là nhà máy có công suất lớn nhất nước. Đường dây 230kV để chuyển tải điện về Sài Gòn cũng là đường dây cao thế lớn nhất nước lúc bấy giờ.
Năm 1968, Công Ty CEE hết thời hạn quản lý kinh doanh bàn giao lại cho Quốc gia Trùng tu Điện lực cuộc kinh doanh, hệ thống điện Đà Lạt – Đơn Dương thuộc Trung tâm Điện lực Đà Lạt, trụ sở tại số 118 đường 3 tháng 2 hiện nay.
Sau khi tiếp nhận, Trung tâm Điện lực Đà Lạt phát triển lưới điện 6,6kV, cải tạo dần một số tuyến 3,3kV nâng lên 6,6kV và mở rộng khu vực cấp điện.
Đến năm 1970, Quốc gia Trùng tu Điện lực cuộc giải thể, bàn giao Trung tâm Điện lực Đà Lạt cho Công ty Điện lực Việt Nam (CDV).
Về mặt kỹ thuật, thời gian này bắt đầu áp dụng các kỹ thuật xây dựng lưới điện theo tiêu chuẩn của Mỹ: thay trụ điện bêtông vuông bằng trụ bêtông ly tâm tròn, trạm điện xây kín là trạm treo,… Với kỹ thuật mới này, công tác phát triển đường dây và trạm được thực hiện nhanh chóng hơn.
Đến năm 1973, dự án đường dây 66 kV Đa Nhim - Đà Lạt, Đa Nhim - Tháp Chàm - Cam Ranh hoàn thành. Thành phố Đà Lạt có thêm một nguồn điện lớn là trạm 66kV Đà Lạt tại số 2 đường Hùng Vương, kèm theo trạm là khu văn phòng, cư xá tương đối hoàn chỉnh.
Thông số kỹ thuật của trạm Đà Lạt
Về mặt kỹ thuật, với dung lượng 12.000kVA, điện  áp 66/6,6kV, 6 phát tuyến, trạm Đà Lạt khá hiện đại gồm: máy biến áp 12.000kVA có bộ tự điều áp dưới tải (tự động điều chỉnh điện áp khi đang mang tải); các máy cắt là loại hợp bộ trong thùng kín rất an toàn cho nhân viên thao tác; máy tải ba (power line carrier) liên lạc trực tiếp với cơ quan  điều hành nhà máy Đa Nhim.
Sau khi có trạm Đà Lạt, khu vực 3,3kV phía đông và đông bắc hồ Xuân Hương được nhanh chóng cải tạo lên 6,6kV và phát triển cung cấp điện.
Trong năm 1968,  Hợp tác xã điện khí hóa nông thôn Tuyên Đức được thành lập từ nguồn vốn viện trợ Mỹ và thực hiện kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh Tuyên Đức là Thái Phiên, ngoại vi Dran, Tùng Nghĩa, huyện Đức Trọng.
Từ 1970, Trung tâm Điện lực Đà Lạt và nhà máy thuỷ điện Đa Nhim thuộc quyền quản lý của Khu Điện lực Cao Nguyên. Khi trạm 66kV Đà Lạt xây dựng xong, Khu Điện lực Cao Nguyên chuyển văn phòng về trong khuôn viên trạm năm 1973, nay là văn phòng Điện lực Lâm Đồng (2 Hùng Vương, Đà Lạt).
Tại nhà máy điện Đà Lạt, năm 1970, lắp đặt thêm 1 máy phát điện Diesel CATERPILLAR 400kW do Mỹ sản xuất để đáp ứng nhu cầu phụ tải bấy giờ, song tổ máy này hư hỏng ngay từ khi lắp đặt chạy thử. Đến năm 1971, lắp đặt thêm 2 máy SACM của Pháp chạy bằng dầu Diesel công suất 2 x 1.200kW. Hai máy này đặt trên giàn có bánh xe rất tiện dụng để vận chuyển đến nơi cần sử dụng.
Hai máy phát SACM được điều động ra miền Bắc năm 1976. Máy CATERPILLAR bị hư hỏng không vận hành được nên thanh lý cùng với bốn tổ máy đầu tiên vào năm 1993 - 1994 và tháo dỡ tạo mặt bằng sắp xếp cho Phòng Điều độ và Phân xưởng sửa chữa cơ điện.
1.4     Thời kỳ sau năm 1975
Từ tháng 4-1975, chính quyền cách mạng tiếp quản:
-   Nhà máy thuỷ điện Suối Vàng gồm 4 tổ máy, tổng công suất 3.100kW, 2 hồ Đan Kia và Suối Vàng.
-   Nhà máy điện Đà Lạt: 6 tổ máy tổng công suất 4.550kW.
-   Lưới chuyển tải và trung thế 31,5kV: 41km. Lưới trung thế Đà Lạt gồm lưới 6,6kV: 23,02km và lưới 3,3kV: 23,05km. Lưới trung thế Đơn Dương gồm 15kV: 8,13km và 8,6kV: 8,7km.
Sau khi tiếp quản, nhà máy điện Đà Lạt, nhà máy thuỷ điện Suối Vàng (Ankroët) và hệ thống điện vận hành bình thường nên việc cung cấp điện cho Đà Lạt không bị gián đoạn.
SẢN LƯỢNG ĐIỆN NĂM 1975
Đơn vị: kWh
Đà Lạt
Đơn Dương
Tỉnh Lâm Đồng
Điện nhận lưới
3.247.042
207.056
3.704.298
Điện thương phẩm
2.231.124
150.340
2.544.455
Khách hàng
6.237
585
9.229
Từ ngày 13-9-1976, Sở Quản lý và Phân phối Điện Lâm Đồng trực tiếp quản lý Trung tâm Điện lực Đà Lạt, Trung Tâm Điện lực Lâm Đồng (Bảo Lộc) và Hợp tác xã Điện hoá nông thôn Tuyên Đức. Bộ máy quản lý lúc đó gồm có: 3 phòng ban thuộc Văn phòng Sở và 2 chi nhánh điện Bảo Lộc và Đức Trọng.
Tuy gặp khó khăn về tài chánh, vật tư ngành điện như dây cáp, trụ điện, thiết bị điện, song với sự cố gắng vượt bậc, ngay trong năm đầu tiên ngành điện lực đã có thêm gần 2.000 khách hàng (11.600 khách hàng năm 1976 so với 9.229 khách hàng năm 1975).
Để tăng cường độ ổn định hệ thống, tháng 4-1978, đường dây 15kV Đà Lạt – Đức Trọng thi công hoàn tất,  liên kết với đường dây 15kV Đơn Dương – Đức Trọng trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lưới điện vùng Đức Trọng – Lâm Hà. Đường dây này được cung cấp từ tuyến F6 (6,6kV) của trạm Đà Lạt qua một máy nâng thế 3.000kVA – 6,6/15kV.
Tại Đà Lạt, trong thời gian này nhu cầu tưới tiêu bằng động cơ điện của các hợp tác xã và tập đoàn nông nghiệp tăng rất nhanh, các đường dây trung thế được thi công đến các vùng rau.
Tháng 4-1984, nhà máy nước Đan Kia xây dựng xong bằng vốn viện trợ của Chính phủ Đan Mạch, sử dụng chung nguồn nước từ hồ Đan Kia với nhà máy thuỷ điện Suối Vàng. Nguồn điện của nhà máy nước được cung cấp từ nhà máy thuỷ điện Suối Vàng qua đường dây 6,6kV dài 4,1 km. Từ đó, nhà máy nước Đan Kia trở thành khách hàng lớn nhất của Điện lực Lâm Đồng.
Đến năm 1988, các tuyến trung thế 3,3kV tại Đà Lạt được cải tạo và nâng cấp lên 6,6kV hoàn tất. Điện áp trung thế 3,3kV sau 60 năm vận hành (từ năm 1928) được chính thức xóa bỏ.
Điện bình quân đầu người tăng từ 19,2kWh/người (1976) lên 76kWh/người (1990), tăng 3,96 lần.
Trong năm 1993, tại Đà Lạt cải tạo xong lưới hạ thế 110V lên 220V. Vậy là sau 75 năm sử dụng, điện áp dân dụng 110V được xoá bỏ. Một công trình ảnh hưởng lớn đến sự ổn định cung cấp điện là việc lắp đặt biến áp 12.500kVA – 66/15kV do Công ty Điện lực 2 điều động cho trạm Đà Lạt 1, nâng dung lượng trạm lên gấp đôi và với điện áp 15kV có thể chuyển tải cự ly xa hơn về hướng Trại Mát – Đa Thọ. Công trình này được đóng điện ngày 10-11-1994.
Ngày 12-10-1999, hoàn thành nâng công suất máy số 3 của nhà máy thuỷ điện Suối Vàng từ 300kW lên 1.600kW, hiệu HARBIN do Trung Quốc chế tạo.
Đến tháng 7-2000, Điện lực Lâm Đồng tiếp nhận quản lý đường dây 66kV Đa Nhim – Đà Lạt và trạm Đà Lạt 1 66kV – 22.500kVA – 66/15/6,6kV. Tiếp nhận 2 hạng mục này, tuy có tăng thêm nhiệm vụ công tác quản lý đường dây và trạm cao thế, song lại thuận tiện trong công tác điều độ lưới điện do được lệnh trực tiếp cho Trạm thay vì phải qua Công ty truyền tải điện 4.
Năm 2003, tiến hành nâng cấp đường dây 66kV Đa Nhim – Đà Lạt lên 110kV và đến ngày 15-4-2003, hoàn thành trạm Đà Lạt 1 mới 40MVA–110/22/15kV, với kỹ thuật mới, hệ thống đóng cắt bằng khí SF6 và rơle bảo vệ kỹ thuật số với tổng mức đầu tư 35.799.159.000đ.
Trong năm 2003, hoàn thành dự án cải tạo và phát triển lưới điện thành phố Đà Lạt bằng vốn vay ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á). Đây là 1 trong 3 dự án ngầm hoá đường dây trung thế, trạm phân phối kín hợp bộ và đường dây hạ thế có bọc cách điện ABC trong nội ô 3 thành phố Đà Lạt, Cần Thơ, Biên Hòa.
Dự án được triển khai thực hiện theo Hiệp định số 1585 VIE (SF) ký ngày 25-11-1998 giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tổng mức đầu tư 5.675.929 USD từ vốn vay ADB và 78.337.000.000 VNĐ vốn đối ứng trong nước. Dự án được khởi công ngày 16-11-2001 và nghiệm thu đóng điện vận hành ngày 20-4-2003.
Kèm theo dự án, ngành điện còn nhận được các dụng cụ, thiết bị thử nghiệm hiện đại phục vụ công tác kiểm tra vận hành thử nghiệm thiết bị, cáp ngầm trung thế dưới lòng đất. Dự án tại Đà Lạt hoàn thành đóng điện vận hành sớm nhất, Đà Lạt là thành phố đầu tiên trong cả nước có hệ thống điện hiện đại trong nội ô thành phố.
Sau khi vận hành hệ thống mới này, lưới 6,6kV và 15kV tại Đà Lạt được chính thức xoá bỏ, thống nhất cấp trung thế 22kV. Nội ô thành phố không còn đường dây trung thế trần chạy dọc các tuyến phố, các trạm điện cũ và đường dây hạ thế không có bọc, do đó giảm tối thiểu sự cố cho đường dây, thiết bị và con người, tăng mỹ quan đô thị.
Ngày 30-5-2004, đường dây 110kV Đức Trọng – Đà Lạt dài 41km đóng điện vận hành chính thức thuận lợi, linh hoạt cho công tác vận hành điều độ, giảm thời gian mất điện cho thành phố Đà Lạt khi có sự cố đường dây hoặc trung đại tu đường dây 110kV.
Nâng cấp nhà máy thuỷ điện Suối Vàng
Ngày 6-11-2004, tại nhà máy thuỷ điện Suối Vàng đã hoàn thành lắp đặt 2 tổ máy mới hiệu HARBIN, công suất mỗi máy 1.400kW và toàn bộ tủ bảng điện điều khiển bảo vệ của Trung Quốc. Như vậy, toàn bộ các tổ máy cũ của Pháp đã chính thức được thay thế bằng 3 tổ máy HARBIN, với tổng công suất 4.400kW, tăng sản lượng bình quân năm lên 24x106kWh. Tổng mức đầu tư là 36.923.299.000 VNĐ (2.491.000 USD).
Ngoài công tác lắp đặt 2 tổ máy mới, dự án còn bao gồm các hạng mục chính: xử lý trượt nền đường ống áp lực bằng phương pháp neo khối trượt nền đá gốc bằng cáp thép neo và khung bêtông cốt thép; xử lý thoát lũ hạ lưu nhà máy; gia cố các mố neo, mố đỡ; thiết lập và chuẩn hoá hệ thống quan trắc; xây dựng mới phòng điều khiển trung tâm kèm hệ thống đo lường, bảo vệ thiết bị nhà máy.
Chi nhánh Điện lực Đà Lạt thành lập ngày 7-9-2004, chấm dứt tình trạng quản lý chồng chéo, trùng lắp của một số phòng ban thuộc hệ thống Điện lực trên địa bàn Đà Lạt.
TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC ( 2000 – 2006)
Điện thương phẩm
(106 kWh)
Khách hàng (hộ)
P max (MW)
Lưới trung thế (km)
2000
190,77
51.767
52,6
1.196,2
2006
416,536
183.260
105
2.240,8
Tăng trưởng (%)
218,34
354
200
188,16
2.  ĐIỆN NĂNG VÀ ĐỜI SỐNG
Trước năm 1975, tại Đà Lạt, điện năng chủ yếu đáp ứng nhu cầu ánh sáng sinh hoạt gia đình và đường phố vì bấy giờ các thiết bị điện trong gia đình còn rất ít. Một phần khá quan trọng còn lại cung cấp cho các nhà máy bơm nước, cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Về công nghiệp, chủ yếu điện năng chỉ cung cấp cho vài cơ sở công nghiệp nhỏ như nhà máy chè Cầu Đất và một số cơ sở gia công chế tạo cơ khí.
Điều này thể hiện rất rõ qua số liệu đến cuối năm 1975, lượng điện năng cung ứng cho ánh sáng sinh hoạt (1,7 x 106kWh) gấp 3,35 lượng điện năng cung ứng cho công nghiệp và phi công nghiệp và gấp 71,2 lượng điện năng cung ứng cho nông nghiệp.
Nhiều năm trước, một xứ sở được xem là có điện khi điện bình quân đầu người đạt 100kWh/người/năm. Điện bình quân đầu người là điện năng bình quân mỗi người tiêu thụ trong 1 năm. Năm 1975, điện bình quân đầu người của thành phố Đà Lạt là 26kWh/người/năm.
Trong 10 năm đầu (1975 – 1985), với sự phát triển của một số nhà máy công nghiệp địa phương như nhà máy cơ khí tỉnh, nhà máy phân bón Trại Mát, các nhà máy luyện thiếc tại Đà Lạt, Đức Trọng, các nhà máy chế biến trà tại Di Linh, Bảo Lộc, các nhà máy cưa xẻ và chế biến gỗ,… lượng điện năng cung ứng ngành công nghiệp tăng nhanh.
Từ năm 1975 trở về trước, nông dân tưới tiêu bằng phương tiện thủ công, dùng đôi thùng gánh nước cho các mảnh vườn nhỏ, với các nông trại lớn như các đồi chè, cà phê chủ yếu nhờ lượng mưa hàng năm, một số ít đã sử dụng máy bơm nước chạy bằng xăng/diesel, nhưng số người sử dụng điện cho canh tác không đáng kể. Sau năm 1975, với sự hình thành các tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp có sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và nguồn vốn của hợp tác xã, lưới điện cung cấp cho các tập đoàn, hợp tác xã phát triển rất nhanh. Hơn nữa, tập quán của nông dân cũng thay đổi, phát triển theo tiến bộ của xã hội, các mảnh vườn riêng cũng được trang bị bơm tưới bằng động cơ nổ và động cơ điện.
Vì vậy, trong 10 năm (1975 – 1985), điện năng cung cấp cho nông nghiệp và công nghiệp tăng rất nhanh, cụ thể như sau:
- Về nông nghiệp: tăng 114,97 lần (2.740.000kWh/ 23.800kWh).
- Về công nghiệp - phi công nghiệp: tăng 29,2 lần (14,89x106/0,507 x 106kWh).
Trong thời gian này điện năng ánh sáng sinh hoạt cũng tăng 5,057 lần (8,58x106/1,7x106 kWh), một phần do các gia đình có thêm một số vật dụng gia đình dùng điện như tủ lạnh, truyền hình,… song lượng gia tăng chính là do tăng dân số cơ học và tự nhiên.
Sau 10 năm, điện bình quân đầu người của thành phố Đà Lạt năm 1985 đạt 102,61kWh/người/năm, theo tiêu chuẩn được xem là địa phương có điện.
Năm 1990, điện bình quân đầu người của thành phố Đà Lạt đạt 167,7kWh/người/năm.
Năm 1995, điện bình quân đầu người của thành phố Đà Lạt đạt 302,47kWh/người/năm.
Sau năm 1995, điều kiện đời sống chung của cộng đồng phát triển đáng kể, từ đó, các thiết bị sử dụng điện trong các gia đình tăng nhanh. Hơn nữa, lượng khách du lịch đến địa phương gia tăng, số lượng khách sạn mới được xây dựng nhiều. Nông dân ứng dụng kỹ thuật trồng hoa mới, dùng ánh sáng điện nhiều để điều chỉnh sự tăng trưởng của cây hoa. Vì vậy, lượng điện năng cung ứng cho 2 lãnh vực công nghiệp – phi công nghiệp và ánh sáng sinh hoạt ngày càng tăng nhanh.
Năm 1996, điện bình quân của tỉnh Lâm Đồng đạt 110,7kWh/người/năm, bấy giờ tỉnh Lâm Đồng mới được xem là địa phương có điện. Lúc này, điện bình quân đầu người của thành phố Đà Lạt là 313,2kWh/người/năm, gần gấp 3 lần số điện bình quân của tỉnh Lâm Đồng.
Năm 2000, điện bình quân của thành phố Đà Lạt là 397,4kWh/người/năm, và của tỉnh Lâm Đồng là 184,9kWh/người/năm.
Năm 2007, điện bình quân đầu người của thành phố Đà Lạt là 701,37 kWh/người/năm, và của tỉnh Lâm Đồng là 371,07 kWh/người/năm. Như vậy, so với điện bình quân đầu người của thành phố Đà Lạt là 26kWh/người/năm vào năm 1975, đã tăng 26,97 lần sau 32 năm.
Ngày 25-5-2007, đường dây 31,5kV Suối Vàng – Đa Nhim vận hành từ 1945 được cải tạo thành 22kV. Vậy là sau 62 năm, cấp trung thế 31,5kV được xoá bỏ.
Trong hơn 30 năm, từ năm 1975 đến năm 2007, lượng điện năng sử dụng toàn xã hội tăng rất nhanh ở một địa phương không có nền công nghiệp lớn là một thành quả đáng kể nhờ thay đổi phương thức sản xuất cũ trong nông nghiệp và công nghiệp, nên lượng điện năng cung cấp cho nông nghiệp tăng 585,46 lần, cho công nghiệp tăng 272,22 lần và cho sinh hoạt tăng 165,27 lần.
ĐIỆN NĂNG
 
1975
(106 kWh)
2007 (106kWh)
Tỷ lệ gia tăng (lần)
Nông nghiệp
0,0238
13,934
585,46
Công nghiệp và phi công nghiệp
0,507
138,02
272,22
Sinh hoạt
1,70
280,964
165,27

HỆ THỐNG CẤP THOÁT NƯỚC
1. HỆ THỐNG CẤP NƯỚC SẠCH
Hệ thống cấp nước sạch của Đà Lạt ra đời ngay trong giai đoạn đầu thời kỳ hình thành thành phố.
Trước đây, việc cung cấp nước cho thành phố được giải quyết bằng cách sử dụng một phần của nước suối Cam Ly, qua các hồ Than Thở và hồ Xuân Hương; sau năm 1975, nguồn cấp nước được bổ sung thêm từ hồ Chiến Thắng và hồ Đan Kia. Hiện tại, thành phố Đà Lạt được cung cấp nước sạch từ ba nhà máy nước hồ Than Thở, Xuân Hương và Suối Vàng với công suất lớn nhất tổng cộng là 31.000m3.
1.1  Quá trình hình thành
Nhà máy cấp nước đầu tiên được ghi nhận hoạt động từ năm 1920, có công suất nhỏ chỉ bảo đảm việc cung cấp nước sạch cho các công trình và dân cư lúc đó còn thưa thớt, tập trung quanh Hồ Lớn. Nhà máy này đã được tháo dỡ và không còn tài liệu cụ thể về công trình.
1.1.1 Thời kỳ trước năm 1945
Năm 1937, hồ Than Thở được xây dựng tại thượng lưu suối Cam Ly. Đây là hồ cảnh quan đồng thời cũng là hồ chứa bảo đảm việc cung cấp nước cho thành phố Đà Lạt. Năm 1937, Sở Công chánh đã thiết lập một kế hoạch phát triển hệ thống cấp và phân phối nước. Nhà máy nước hồ Than Thở, xây dựng năm 1938, có công suất lớn nhất là 4.300m3/ngày. Nhà máy này xử lý nước từ hồ Than Thở, nước được lắng, lọc, khử trùng và chứa tại bể chứa nước sạch 300m3. Sau đó nước sạch được bơm đến 3 bể chứa thông nhau có dung tích tổng cộng là 1.875m3; một bể chứa tại dinh Toàn quyền, một gần dinh Thị trưởng (Resimaire 1) và một trong khu vực Viện Pasteur (Calypso).
 
 Nhà máy nước hồ Than Thở
Từ những bể này, nước sạch được cung cấp  cho khu vực cao của thành phố; vùng cao nhất của khu vực này được cung cấp bởi một trạm bơm tăng áp. Giai đoạn tiếp theo hoàn thành vào năm 1943, bao gồm việc xây dựng thêm một bể chứa chính (Resimaire 2) và 2 bể chứa thứ cấp (Tây Hồ 1, 2), cùng việc phát triển mạng lưới ống thoát nước.
Lượng nước sạch tiêu thụ năm 1938 là 191.819m3 và năm 1939 là 235.797m3.
1.1.2 Thời kỳ 1945 – 1975
Do nhu cầu nước sạch gia tăng cùng với sự phát triển của thành phố, vào năm 1949, nhà máy nước hồ Xuân Hương được xây dựng với công suất 8.400m3/ngày. Nhà máy này xử lý nước từ hồ nhân tạo Xuân Hương, có bể chứa nước sạch 200m3, sau đó bơm nước sạch đến vị trí thứ nhất là 3 bể chứa thông nhau (Resimaire) ở dinh Thị trưởng có dung tích  tổng cộng là 1.600m3 và đến vị trí thứ hai là 2 bể chứa thông nhau (Calypso) có dung tích tổng cộng 575m3. Từ những bể này, nước sạch được cung cấp cho những vùng thấp của khu vực cao của thành phố.
Hệ thống cấp nước trên cung cấp cho khu vực dân cư có diện tích 10km2  so với diện tích toàn thành phố lúc đó là 69km2. Khu vực phục vụ nằm giữa cao độ 1465 đến 1560m so với mực nước biển, được chia làm 1 khu vực thấp và 2 khu vực cao.
Tổng sản lượng nước sạch sản xuất năm 1973 là 2.226.609m3 và lượng nước bán là 847.080m3. Lượng nước bán chỉ bằng 38% lượng nước sản xuất, phần còn lại là nước công tác dùng cho bản thân nhà máy và nước thất thoát do rò rỉ qua mạng ống phân phối. Nếu lượng thất thoát được loại trừ, nhà máy có thể cung cấp nước sạch cho 60% dân số của thành phố. Trong sản lượng nước bán năm 1973, nước bán cho gia dụng là 70%, thương mại và du lịch là 8%, hành chánh, sử dụng công cộng là 22%. Nước bán cho mỗi  người dân khoảng 35m3 mỗi năm.
Vào năm 1974, công suất tổng cộng của  hai nhà máy Than Thở và Xuân Hương đã không còn đủ cung cấp nước sạch cho toàn thành phố Đà Lạt. Số hộ có đồng hồ nước là 3.085 với dân số khoảng 27.000 người, phần dân cư còn lại sử dụng nước sinh hoạt từ suối, giếng cạn hay từ các bể chứa nước mưa. Phần lớn mạng lưới phân phối bằng ống gang lắp đặt từ năm 1938 – 1949, đã bị ăn mòn và đóng cặn, áp lực nước ở một số vị trí vùng cao trở nên quá nhỏ vào giờ cao điểm.
1.1.3 Thời kỳ sau năm 1975
Do nguồn nước thô và hệ thống cấp nước từ hồ Than Thở và hồ Xuân Hương không còn đảm bảo về số lượng và chất lượng nên việc phát triển một hệ thống cấp nước mới trở nên cần thiết đối với sự phát triển của thành phố Đà Lạt.
Công trình cung cấp nước thô từ hồ Chiến Thắng
Hồ Chiến Thắng nằm ở phía bắc thành phố Đà Lạt, được xây dựng và hoàn thành vào năm 1981. Hồ có diện tích lưu vực 6,5km2, diện tích mặt nước 43ha và dung tích 2,15 triệu m3. Hồ Chiến Thắng cung cấp nước thô cho nhà máy nước hồ Xuân Hương với lưu lượng 3.120m3/ngày qua một trạm bơm có 2 máy bơm điện (công suất mỗi bơm 265m3/giờ – cột nước 15m) và một đường ống truyền tải dài 4,8km, Ø300 bằng gang.
Công trình cấp nước sạch Đan Kia
Dự án cấp nước sạch Đan Kia được nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư năm 1974. Sau ngày thống nhất đất nước, dự án được tiếp tục thực hiện theo Hiệp định ngày 19-11-1975 giữa Chính phủ Đan Mạch và Chính phủ Việt Nam. Tổng mức vốn đầu tư của dự án là 12,17 triệu USD, trong đó vốn vay của Chính phủ Đan Mạch là 6,25 triệu USD và vốn của Chính phủ Việt Nam là 5,92 triệu USD.
Công trình cấp nước sạch Đan Kia được khởi công xây dựng từ năm 1980 và hoàn thành vào năm 1984. Nhà máy này xử lý nước thô từ hồ Đan Kia, sau đó bơm nước sạch đến bể chứa đồi Tùng Lâm có dung tích  5.000m3 và từ đó đến các bể chứa có sẵn của thành phố. Từ những bể này, nước sạch được cung cấp cho các khu vực của thành phố.
Nguồn vốn vay của Chính phủ Đan Mạch được đầu tư cho các hạng mục thiết kế; cung cấp thiết bị cơ khí, thiết bị điện, ống chuyển tải và giám sát thi công. Nguồn vốn của Chính phủ Việt Nam đầu tư cho các hạng mục xây dựng công trình; lắp đặt thiết bị cơ khí, thiết bị điện và đường ống chuyển tải.
Công trình cấp nước sạch Đan Kia có công nghệ và trang thiết bị hiện đại, đã cải thiện việc cung cấp nước sạch với chất lượng tốt cho  thành phố Đà Lạt với công suất tối đa 25.000 m3/ngày cho dân số thiết kế khoảng 179.000 người. Dự án cũng chuẩn bị quỹ đất dự phòng dành cho việc mở rộng hệ thống với công suất tối đa 45.000m3/ngày cho dân số tương lai khoảng 250.000 người.
 
 Công trình cấp nước sạch Đan Kia  (1986 )
Lúc đó, nhà máy nước hồ Than Thở và nhà máy nước Hồ Xuân Hương dự kiến chỉ còn làm nhiệm vụ dự phòng vì máy móc thiết bị tại 2 cơ sở này quá lạc hậu.
Cải tạo nâng cấp hệ thống cấp nước năm 1997 – 1999
Trong những năm 1997-1999, với sự giúp đỡ của Chính phủ Đan Mạch, giai đoạn hai của dự án cấp nước đã được thực hiện với mục tiêu chính là cải tạo và mở rộng hệ thống đường  ống phân phối nước, nâng cấp trang  thiết bị  các nhà máy nước, nâng tổng công suất cấp nước sản xuất tại hai nhà máy nước Suối Vàng và nhà máy nước hồ Xuân Hương, đảm bảo cấp nước sạch  cho nhu cầu của thành phố.
Các hạng mục đầu tư trong dự án này bao gồm:
-  Cải tạo nâng cấp trạm bơm cấp I hồ Chiến Thắng cấp nước thô cho nhà máy Xuân Hương với lưu lượng 6.360m3/ngày-đêm.
-  Cải tạo một số hạng mục của nhà máy nước Suối Vàng gồm: thay mới 2 bơm cấp II; xây thêm 1 bể bùn; nạo vét trạm bơm nước thô và xây kè chắn.
-  Cải tạo nâng cấp nhà máy hồ Xuân Hương với công suất 6.000m3/ngày-đêm.
-  Lắp đặt hệ thống kiểm soát mực nước các cụm bể chứa trung gian Scada.
-  Cải tạo, lắp đặt mới 73 hạng mục thuộc mạng lưới đường ống có tổng chiều dài gần 60km với các đường kính Ø100, Ø150, Ø 200, Ø 300, Ø 500.
Mạng đường ống phân phối  được  xây dựng và cải tạo nhiều lần, tới năm 2000 đã bao gồm 12km đường ống chuyển tải nước thô, gần 100km đường ống phân phối được thay thế mới, một hệ thống 11 bể chứa nước làm nhiêm vụ điều áp và điều hòa lưu lượng. Phạm  vi  phục vụ của mạng cấp  nước  hiện nay bao phủ hầu hết nội thành. Hệ thống có chất lượng phục vụ khá tốt, tỷ lệ thất thoát nước dưới 20%, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn khu vực và là một trong các hệ thống cấp nước tốt ở Việt Nam hiện nay.
Hiện trạng cấp nước
Số khách hàng vào năm 2007 là 35.349 tương ứng với khoảng 89% dân số, tăng 11,5 lần so với năm 1974.
Cùng với thời gian, sản lượng nước thương phẩm, số lượng khách hàng gia tăng theo dân số và sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Sản lượng nước thương phẩm năm 2007 là 9.821.013m3, tăng 11,6 lần so với năm 1973 (847.080m3).
Sản lượng nước sản xuất tổng cộng năm 2007 là 12.110.440m3, trong đó nhà máy hồ Xuân Hương: 1.870.157m3, nhà máy hồ Than Thở: 1.016.434m3 và nhà máy Suối Vàng: 9.223.849m3.
Giá nước năm 2007 là 2.500 – 5.000đ/m3 cho nước phục vụ sinh hoạt, 4.000đ/m3 cho khối hành chánh sự nghiệp, 5.000đ/m3 cho sản xuất và 7.000đ/m3 cho kinh doanh dịch vụ.
1.2 Các công trình cấp nước
1.2.1 Nhà máy nước hồ Than Thở
Nhà máy nước hồ Than Thở, còn được gọi là nhà máy nước cũ, được xây dựng vào năm 1938, có công suất lớn nhất là 8.400m3/ngày. Nhà máy bao gồm 1 công trình thu nước thô, 1 nhà máy bơm và châm hoá chất, 1 bể kết cợn, 2 bể lắng hình chữ nhật, 8 bể lọc cát hở và một bể chứa nước sạch.
Công trình thu nước thô trước đây từ hồ Than Thở gồm một đường ống hút bằng gang Ø300 từ hồ vào nhà máy. Sau năm 1981, nước thô được chuyển tải từ hồ Chiến Thắng.
1.2.2 Nhà máy nước hồ Xuân Hương
Nhà máy nước hồ Xuân Hương có địa điểm gần trung tâm thành phố, được xây dựng năm 1949. Công trình thu nước thô hồ Xuân Hương trước đây sử dụng ống Ø300 bằng gang đặt trên cầu đỡ bằng bêtông, đến nay không còn sử dụng. Sau năm 1981, nước thô được chuyển tải từ hồ Chiến Thắng.
Nhà máy gồm có công trình thu nước thô, 1 nhà máy bơm và châm hoá chất, 2 bể lắng động, 3 bể lọc cát nhanh loại hở và 1 bể chứa nước sạch.
Nhà máy đã được nâng cấp trong dự án giai đoạn II vào năm 1997 với công suất 6.000m3/ngày đêm.
1.2.3 Công trình cấp nước sạch hồ Đan Kia
Hồ Đan Kia
Hồ Đan Kia và Suối Vàng được xây dựng hoàn thành năm 1945 trên sông Đạ Đờng để phục vụ công trình thủy điện Ankroёt, có diện tích lưu vực 141km2, dung tích hữu dụng 15,2 triệu m3.
 
 Hồ Đan Kia
Công trình cấp nước sạch Đan Kia bao gồm:
-       Trạm bơm nước thô với 5 tổ máy tại hồ Đan Kia, 1 trạm biến áp và 1 đường ống chuyển tải nước thô giữa trạm bơm nước thô đến nhà máy xử lý;
-       Nhà máy xử lý nước sạch với công suất 25.000m3/ngày, đặt tại vị trí gần bờ hồ gồm: bể trộn và phân phối, 3 bể lắng gia tốc, 6 bể lọc nhanh phổ thông (lọc hở) có mái che, 1 bể chứa nước sạch 3.000m3, trạm bơm nước sạch với 6 tổ máy và một trạm biến áp;
-       Đường ống chuyển tải nước sạch Ø600 dài 7.200m từ trạm bơm nước sạch đến bể chứa Tùng Lâm;
-       Bể chứa nước sạch dung tích 5.000m3 đặt tại đồi Tùng Lâm (Pin Thouard) với cao trình đáy bể là 1560m;
-       Đường ống chuyển tải từ bể chứa Tùng Lâm về thành phố Đà Lạt gồm 2,8km ống thép Ø600, tiếp theo phân thành 2 nhánh: nhánh 1 gồm 5,4km ống thép Ø500 phân tiếp thành 2 nhánh Ø300 dài 6,5km (cấp nước cho các bể Hùng Vương, Gougal và Dinh 1) và nhánh 2 gồm 1km ống thép Ø500 và 2km ống Ø300 (cấp nước cho các bể Resimaire và Calypso).
1.3 Mạng lưới phân phối
Mạng lưới phân phối cũ gồm có khoảng 8.000m ống gang lắp đặt từ năm 1938, 24.500m ống lắp đặt năm 1948 - 1949, 5.000m ống lắp đặt năm 1967 và 18.000m ống gang lắp đặt năm 1974 – 1975.  Ống bao gồm các loại Ø40, 60, 80, 100, 150 và 200mm.
Hiện nay, mạng lưới gồm 33.000m ống chuyển tải Ø500 – 600 và trên 160.000m ống phân phối Ø100 – 300. Sơ đồ hệ thống cấp nước Đà Lạt thuộc sơ đồ đài đầu, cấp nước theo lưu vực.
LƯU VỰC
Lưu vực
Bể cấp nước
W (m3)
Cốt địa hình (m)
Tùng Lâm Tùng Lâm
5.000
1561,3
Cao Thắng Cao Thắng
1.000
1536
Calypso Calypso
1.000
1536,3
Resimaire Resimaire
1.730
1531,6
Dinh I Dinh I
500
1545
Dinh II Dinh II
500
1536,3
Tây Hồ Tây Hồ
2.700
1550,9
Trại Mát Trại Mát
500
1610
Tổng dung tích điều hòa (m3)
13.000
Sơ đồ mạng lưới cấp nước thành phố Đà Lạt thuộc loại sơ đồ mạng lưới hỗn hợp, đường ống tại khu trung tâm, giữa các đường phố chính được kết lại thành những vòng khép kín. Dẫn vào các điểm sử dụng nước tập trung, các khu dân cư là các đường ống cụt. Khoảng cách giữa hai điểm xa nhất của mạng lưới từ Cam Ly đến Phát Chi (Xuân Trường) khoảng 35km. Tổng chiều dài của đường ống thuộc mạng cấp I và cấp II xấp xỉ 200.000m.
HỆ THỐNG CẤP THOÁT NƯỚC
2. HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC  
2.1  Suối
Giữa các dãy đồi thấp ở vùng trung tâm và các đỉnh núi cao xung quanh Đà Lạt có các dòng chảy của các suối thượng nguồn sông Đa Nhim, Đạ Đờng, Cam Ly; những dòng sông này là các nhánh chính đổ vào sông Đồng Nai. Nguồn nước của các dòng sông rất lớn trong mùa mưa nhưng lại cạn kiệt trong mùa nắng.
Về phía bắc, các con suối chảy theo hướng đông nam - tây bắc và đổ vào hồ Suối Vàng như suối Phước Thành, suối Đa Phú. Phía đông có các con suối nhỏ chảy về sông Đa Nhim, thượng nguồn hồ Đơn Dương. Các con suối phía nam chảy theo hướng đông bắc -  tây nam đổ về suối Đạ Tam như suối Datanla, Prenn. Chảy qua trung tâm thành phố là suối Cam Ly có chiều dài 20km trong địa phận Đà Lạt với diện tích lưu vực khoảng 50 km2. Mạng lưới suối nhỏ khá dày với mật độ bình quân 1,2km/km­2­.
Suối Cam Ly bắt nguồn gần một ngọn núi cao ở huyện Lạc Dương, chảy qua các hồ nhân tạo gồm: hồ Than Thở, hồ Mê Linh đến hồ Xuân Hương, sau đó đổ về thác Cam Ly.
Trong mùa mưa, lưu lượng nước trung bình lớn nhất vào tháng 9 – 10 từ 2 – 2,5 m3/s. Vào mùa khô các suối gần như cạn kiệt, lưu lượng nước trung bình vào các tháng 2 – 4 từ 80–90 l/s, kiệt nhất vào tháng 3 có khi xuống còn 40 l/s.
Việc quy hoạch và xây dựng thành phố đã được thực hiện phần lớn dọc hai bờ suối và theo ý tưởng hình thành các khu chức năng của thành phố dựa vào một chuỗi hồ nhân tạo.
2.2 Hồ
Hồ ở Đà Lạt chủ yếu là hồ nhân tạo, phân bố rải rác với số lượng khoảng 16 hồ lớn nhỏ. Một số hồ bị bồi lấp, trở thành vườn trồng rau như hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Các hồ  lớn  ở Đà Lạt tạo thành các thắng cảnh,  điều hoà nguồn nước tưới như hồ Đa Thiện, hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm, hồ Xuân Hương. Hồ Suối Vàng được sử dụng để sản xuất  thủy điện. Trước năm 1984, nguồn nước thô để sản xuất nước sạch cho thành phố Đà Lạt được cung cấp từ các hồ Xuân Hương, hồ Chiến Thắng, hồ Than Thở; sau đó nguồn nước chính được cung cấp từ hồ Đan Kia. Hồ Đan Kia và Suối Vàng (Ankroёt) ở phía tây bắc Đà Lạt có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của cư dân thành phố.
DIỆN TÍCH, DUNG TÍCH HỒ


 

Tên hồ
Địa điểm
 Diện tích 
lưu vực (km2)
Diện tích
mặt nước (ha )
Dung tích hồ
(triệu m3)
Hồ Tuyền Lâm
Phường 4
32,8
296,0
10,6
Hồ Xuân Hương
Trung tâm thành phố
26,0
33,0
0,7
Hồ Chiến Thắng
Học viện Lục quân
6,5
43,0
2,15
Hồ Đập 3 Đa Thiện
Phường 8
4,500
28,000
0,485
Hồ Than Thở
Phường 12
5,340
5,910
0,131
26/3 Tự Phước
Phường 11
0,650
0,800
0,096
Hồ 6 Đa Lộc - Lộc Quý
Xuân Thọ
1,200
0,700
0,056
Hồ 8 Đa Lộc - Lộc Quý
Xuân Thọ
1,600
0,500
0,082
Hồ 1 Đất Làng
Xuân Trường
0,500
0,800
0,128
Hồ 5 Cam Ly Dốc Trời
Phường 5
1,100
4,000
0,250
Tà Nung
Tà Nung
2,570
0,350
0,130
Vạn Kiếp
Phường 7
2,000
3,000
 Cạn
Vạn Thành 2
Phường 5
2,000
1,440
0,922
Suối Vàng
Lạc Dương
145
 
1,00
Đan Kia
Lạc Dương
141
 
15,2
Hồ Than Thở
Hồ Than Thở là hồ đầu tiên từ thượng lưu suối Cam Ly và là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Lạt. Hồ có diện tích lưu vực là 5,31km2, diện tích mặt hồ là 5,91ha, dung tích hồ lớn nhất là 350.000m3. Dung tích hồ giảm dần đều đặn do sự lắng đọng của bùn đất bị bào mòn trong lưu vực, hiện nay chỉ còn lại khoảng 130.000m3.
Hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương là hồ nhân tạo ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt. Hồ đầu tiên được hình thành vào năm 1919 sau khi đắp xong đập thứ nhất (từ nhà Thủy Tạ ngày nay đến ngã ba đường Đinh Tiên Hoàng), hồ được mở rộng vào năm 1923 sau khi đắp đập thứ hai; đến năm 1932, bão lớn đã phá hủy hai đập trên. Từ năm 1934 đến năm 1935, một chiếc đập lớn (cầu Ông Đạo) được xây dựng phía dưới hai đập trước kia và đã tạo thành hồ Xuân Hương ngày nay.
Hồ Xuân Hương là một thắng cảnh được công nhận di tích lịch sử - văn hoá, cùng với Đồi Cù hình thành một công viên và cũng là hạt nhân của khu trung tâm thành phố, nơi quần tụ các công trình phục vụ du lịch, thương mại, nhà hàng, khu thể thao, các công trình công cộng.
Diện tích lưu vực suối Cam Ly tính đến cầu Ông Đạo là 24,5km2, dung tích hồ khi xây dựng năm 1935 là 1,2 triệu m3, diện tích mặt hồ khi xây dựng là 43ha, chiều dài suối đến đập là 8km. Dòng chảy trung bình nhiều năm là 0,7m3/s, tổng lượng nước đến bình quân hàng năm là 22,1 triệu m3.
Công trình gồm hồ chứa, xi phông xả lũ, đập đất và cầu giao thông. Cao trình mực nước gia cường là 1478,5m, cao trình mực nước dâng bình thường là 1478,0m.
Hồ Xuân Hương bị bồi lắng với tốc độ khá nhanh và nghiêm trọng. Năm 1974, dung tích hồ còn 0,9 triệu m3; đến năm 1997, dung tích hồ chỉ còn 0,72 triệu m3 nước và diện tích mặt hồ là 32ha.
Cải tạo hồ Xuân Hương
Công trình hồ Xuân Hương đã trải qua nhiều lần sửa chữa; năm 1947, sửa chữa cống xả cát; năm 1953, tu sửa các vết nứt trên kết cấu bêtông; năm 1979, gia cố sân tiêu năng và gia cố 3 đoạn trong 3 cống xi phông 5, 6, 7; năm 1984, nạo vét một phần bồi lắng, gia cố nền xi phông bị xói, gia cố bêtông cốt thép trong các cống xi phông; năm 1990, xây dựng sân tiêu năng bằng bêtông cốt thép.
Đợt sửa chữa quy mô nhất được thực hiện vào năm 1998 – 1999, bao gồm 4 hạng mục chính: sửa chữa gia cố công trình xi phông tháo lũ kết hợp với cầu giao thông; nạo vét hồ, khôi phục diện tích mặt nước và dung tích ban đầu của hồ; tôn tạo bờ hồ chống sạt lở, xây dựng các tiểu công viên, cầu ngoạn cảnh; xây dựng 4 hồ lắng ngăn chặn bồi lắng và hạn chế ô nhiễm nguồn nước.
2.3   Hệ thống thoát nước
Nhiều khu vực tại Đà Lạt có hệ thống thoát nước sử dụng chung cho nước mưa và nước thải sinh hoạt, mỗi hệ thống bao phủ những lưu vực nhỏ. Nước thoát trong hệ thống cống và mương rãnh thường chạy dọc theo đường giao thông, chảy vào các suối nhỏ, ao hồ và sau đó thoát chung vào các suối chính.
Năm 1974, hệ thống thoát nước mưa gồm có 1.095m mương xây gạch, 1.079m cống bê tông Ø800, 383m cống bêtông Ø1000 và 350m cống bêtông Ø150.
Năm 2000, Đà Lạt có tổng cộng  khoảng 41.700m mương cống các loại, bao gồm: 15.646m mương xây kín, có nắp đan (gạch, đá hộc), 4.628m mương xây hở (gạch, đá hộc), 20.730 mương đất, 3.200m cống tròn bêtông cốt thép (Ø800 và 1.000mm).  Cống rãnh thoát nước chỉ được xây dựng trên khoảng 60% tổng chiều dài các tuyến đường phố, nước thải thoát chung với nước mưa trong cùng một hệ thống mương - cống - rãnh. Cùng với sự phát triển đầu tư của hệ thống đường nội thị, hệ thống thoát nước cũng dần dần được xây dựng đầy đủ và kiên cố hơn. 
Trong thời kỳ đầu hình thành thành phố, hệ thống cống nước thải không được đặt ra như một vấn đề cấp thiết, do việc xây dựng hệ thống này rất khó khăn trong điều kiện địa hình đồi núi nhấp nhô, bị chia cắt, trải rộng và mật độ dân cư còn rất thấp; phương tiện xử lý nước thải phổ biến nhất chỉ là bể tự hoại. Tuy nhiên, khi thành phố phát triển và dân số gia tăng, lượng nước thải không được xử lý đã có nhiều tác động xấu đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước và làm giảm vẻ hấp dẫn của cảnh quan.
HỆ THỐNG CẤP THOÁT NƯỚC
3.    HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI TẬP TRUNG
Hệ thống xử lý nước thải tập trung là một hạng mục thuộc Dự án Vệ sinh thành phố Đà Lạt, thực hiện theo hiệp định ký kết năm 2000 giữa Chính phủ Đan Mạch và Việt Nam. Tổng mức vốn đầu tư ban đầu khoảng 321 tỷ, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đan Mạch là 257 tỷ và vốn của Chính phủ Việt Nam là 64 tỷ.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung được khởi công xây dựng từ tháng 3-2003. Các công trình đầu mối được hoàn thành, bắt đầu hoạt động từ tháng 12-2005 và đến cuối năm 2007 thì hoàn thành hạng mục đấu nối nước thải từ các hộ thoát nước trong phạm vi dự án.
Phạm vi dự án của hệ thống xử lý nước thải tập trung nằm trong khu vực trung tâm thành phố bao gồm toàn bộ các phường 1, phường 2 và một phần các phường 5, 6 và 8. Khu vực này có mật độ dân số cao và có lượng nước thải lớn thoát ra suối Phan Đình Phùng, hồ Xuân Hương và suối Cam Ly.
Ranh giới khu vực này như sau: phía tây giáp trục đường Mai Hắc Đế – Ngô Quyền – Bạch Đằng; phiá bắc giáp đường Hai Bà Trưng nối dài – La Sơn Phu Tử – Nguyễn Công Trứ; phía đông giáp đường Đinh Tiên Hoàng và phía Nam giáp suối Cam Ly từ hồ Xuân Hương đến cầu Ma Trang Sơn. Nước thải sinh hoạt của khoảng 7.400 căn nhà trong khu vực này được tách riêng, thu vào hệ thống cống nước thải, chảy về trạm bơm chính và từ đây, nước thải được bơm theo đường ống áp lực về nhà máy xử lý trước khi đổ ra hạ lưu suối Cam Ly.
Hệ thống cống nước thải được xây dựng mới, tách biệt với hệ thống thoát nước có sẵn, với chiều dài  khoảng 43km. Trạm bơm chính với công suất 500m3/giờ được xây dựng tại vị trí gần cuối đường Nguyễn Thị Định. Tuyến ống áp lực chuyển tải nước thải từ trạm bơm chính về nhà máy xử lý nước thải có chiều dài 2,2km.

Nhà máy xử lý nước thải tập trung
Nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất 7.100m3/ngày, được xây dựng trên lô đất có diện tích 7,5ha tại hạ lưu suối Cam Ly – cuối đường Kim Đồng. Tại đây, nước thải được xử lý bằng công nghệ xử lý cơ học và sinh học trước khi xả ra hạ lưu suối Cam Ly.
Nhà máy bao gồm những hạng mục chính như sau: hệ thống chắn rác gồm các lưới thô 60mm và mịn 4 mm, máy cuốn và ép rác tự động; bể lắng cát gồm 3 ngăn, kích thước chung 19,4m x 3,5m x 1,5m; 2 bể lắng hai vỏ, với kích thước mỗi bể: 25,8m x 7,4m x 11,05m; 2 bể lọc sinh học nhỏ giọt với đường kính mỗi bể 22m, chiều cao 5,95m; 2 bể lắng thứ cấp với đường kính mỗi bể 31m, chiều cao 2,5m; trạm bơm tuần hoàn với kích thước: 9,8m x 4,5m x 5,3m; 3 hồ sinh học và khử trùng với diện tích 2,5 ha; 2 sân phơi bùn có mái che diện tích 4.000m2, gồm 20 ô, kích thước mỗi ô: 34,2m x 6,4m; hệ thống đường ống kỹ thuật đường kính từ Ø150 đến Ø700; máy phát điện dự phòng công suất 60 kVA và trạm biến áp 160 kVA; phòng điều hành; văn phòng làm việc và xưởng.
4. CẢI TẠO SUỐI PHAN ĐÌNH PHÙNG VÀ SUỐI CAM LY

Trong khuôn khổ của Dự án Vệ Sinh, suối Phan Đình Phùng và suối Cam Ly cũng được tiến hành chỉnh trang nhằm tôn tạo cảnh quan, ngăn chặn sự xói mòn hai bờ suối và cải thiện điều kiện dòng chảy để thoát nước lũ, hạn chế tình trạng ngập lụt cục bộ một số khu vực ven suối.
4.1   Suối Phan Đình Phùng
Công trình được hoàn thành vào tháng 8 năm 2005. Phạm vi công trình từ cầu  La Sơn Phu Tử  đến ngã ba suối Cam Ly, với chiều dài 1.850m.
Suối được mở rộng có mặt cắt ngang hình thang với chiều cao H = 2,3m; bề rộng mặt trên Bm = 6 –7,5m; bề rộng đáy Bđ = 2,4 – 4,4m. Lòng suối  được gia cố  bằng kết cấu bêtông đúc sẵn kết hợp với khối xây đá chẻ. Hai bên bờ suối  bố trí đường giao thông, phía đông có đường rộng 3,5m và phía tây có đường rộng 2m.
4.2    Suối Cam Ly
Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2003. Phạm vi công trình từ cầu Ông Đạo đến thác Cam Ly, với chiều dài 2.150m. Công trình gồm 2 đoạn:
- Đoạn 1: Từ sau hồ Xuân Hương  đến  suối Phan Đình Phùng dài 1.090m. Suối được mở rộng có mặt cắt ngang hình chữ nhật 5 x 1m và hình thang với chiều cao H=2,5m; bề rộng mặt trên Bm = 15m; bề rộng đáy Bđ = 10m.
- Đoạn 2: Từ suối Phan Đình Phùng đến thác Cam Ly dài 1.060m. Suối được mở rộng có mặt cắt ngang hình chữ nhật 5 x 1m và hình thang với chiều cao H = 2,5m; bề rộng mặt trên Bm = 25m; bề rộng đáy
Bđ = 20m.

Lòng suối  được gia cố  bằng kết cấu bêtông đúc sẵn kết hợp với khối xây đá chẻ. Hai bên  bờ suối có hành lang bảo vệ, chiều rộng mỗi bên là 3 m. Dọc suối xây dựng 3 cầu giao thông nhỏ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
 KS NGUYỄN VĨNH LUYỆN
KS LÊ VĂN LẬP
PHẦN THỨ TƯ
VĂN HÓA XÃ HỘI
CHƯƠNG II: QUY HOẠCH VÀ KIẾN TRÚC

QUY HOẠCH

1.   QUY HOẠCH QUA CÁC THỜI KỲ
1.1   Thời kỳ trước năm 1945
1.1.1 Chương trình xây dựng đầu tiên
Khi còn ở Hà Nội, Toàn quyền Paul Doumer đã cho thiết lập một “Chương trình xây dựng đầu tiên cho Đà Lạt” với chức năng:
- Đà Lạt sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cho những kiều dân và công chức với đường giao thông thuận lợi và dễ dàng.
- Đà Lạt là một trung tâm hành chính  và doanh trại quân đội quan trọng, sẽ quy tụ một phần quân đội dự bị để được huấn luyện có đầy đủ sức khỏe, phòng khi cần đến.
Theo chương trình này, Đà Lạt sẽ là một thành phố hoàn chỉnh với đầy đủ các công trình kiến trúc, các trụ sở hành chính, các trường học, doanh trại quân đội,…
Những đường nét ban đầu của thành phố tương lai đã được vạch ra dựa theo những con đường mòn có sẵn của người dân tộc ở trong vùng. Bố cục chính của thành phố được sắp xếp dọc theo bờ phía nam suối Cam Ly trong vùng cao nguyên rộng lớn với cao độ trung bình 1500m. Vùng phía bắc suối Cam Ly được dành cho doanh trại quân đội.
Đã có bản đồ cụ thể bố trí các công trình: dinh Toàn quyền, toà công sứ, khu công chính, đồn cảnh sát, bệnh viện, nhà ở công chức, khu giải trí, trường học, doanh trại quân đội. Nguồn nước được dự trù cho 10.000 dân (tương lai lên đến 40.000 dân), được lọc bằng phương pháp ozon. Điện được cung cấp từ một nhà máy thủy điện công suất 2.760 mã lực ở vùng thác Ankroët.
Năm 1902, Toàn quyền Paul Doumer thuyên chuyển về Pháp, tất cả các chương trình phát triển bị đình trệ, lãng quên và kinh phí bị cắt. Những công trình xây dựng tại Đà Lạt bị ngưng lại, chỉ còn mươi căn nhà gỗ nghèo nàn, đơn sơ. Thời gian này kéo dài khoảng hơn 10 năm.
1.1.2 Đồ án quy hoạch đầu tiên (1906)
 Năm 1906, ông Paul Champoudry - Thị trưởng  Đà Lạt - đã thiết lập một họa đồ tổng quát cho Đà Lạt kèm theo Dự án chỉnh trang  và phân lô cho thành phố trong tương lai.
Do ông Champoudry đã có ít nhiều kinh nghiệm về vấn đề đô thị (ông đã từng là Chủ tịch Hội đồng thành phố Paris), nên đồ án thiết lập đã phân định được quy mô diện tích, ranh giới giữa những khu đất có chức năng khác nhau và ấn định vị trí  cho các công trình tương lai. Đây là một áp dụng của phương pháp quy hoạch “zonning” (quy hoạch phân khu chức năng) rất hiện đại lúc bấy giờ, theo đó thành phố tương lai được bố trí thành các khu chức năng như sau:
- Trại lính nằm ở phía bắc cao nguyên, hữu ngạn  suối Cam Ly. Thành phố tương lai nằm ở phía nam, tả ngạn suối Cam Ly, nơi có nhiều ngọn đồi nối tiếp nhau, tương đối cao ráo, cho phép dễ dàng xây dựng các công trình cần thiết của đô thị.
- Trung tâm dịch vụ công cộng và hành chính hợp thành một khu để thuận tiện phục vụ, bảo đảm an ninh, đồng thời dễ tạo dựng bộ mặt đô thị khang trang.
- Trung tâm thương mại được thiết lập gần chợ và gần trung tâm thành phố. Trong vùng này còn có khách sạn và khu giải trí (casino).
- Nhà ga được dự trù không xa vị trí hiện nay và gần đó có trụ sở bưu điện và các công trình phục vụ đô thị khác.
- Đường sá được thiết kế với bề rộng 20m cho đường chính, 16m cho đường hạng hai và 12m cho các nhánh đường phụ.
Một phần lớn đồ án này đã được thực hiện và hình thành hệ thống khung sườn chính cho thành phố hiện nay. Tuy nhiên chưa có những quy định có  tính pháp lý bắt buộc để hướng dẫn cho sự phát triển thành phố.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, thực dân Pháp tăng cường mở rộng khai thác thuộc địa trên quy mô lớn với mục đích nhanh chóng ổn định và phát triển kinh tế ở chính quốc bị kiệt quệ nặng sau chiến tranh. Người Pháp sang Đông Dương nhiều hơn và mở rộng các hoạt động kinh tế. Người ta không dừng lại ở những vị trí từng công trình, mà đã bắt  đầu ý thức phải nghiên cứu tổng thể các công trình, kể cả thiết kế các đồ án mở rộng trong tương lai của các đô thị cùng với việc áp dụng những nguyên tắc thiết kế đô thị hiện đại thịnh hành trên thế giới.
Trước sự chuyển biến này, bản sơ phác của ông Champoudry có lẽ đã không còn phù hợp nữa. Toàn quyền Đông Dương nhận thấy  cần phải có một “Chương trình chỉnh trang tổng quát” cho Đà Lạt để quản lý, điều hành việc phát triển xây dựng thành phố một cách hợp lý và thẩm mỹ.
1.1.3 Đồ án quy hoạch Hébrard (1923)
Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long đã giao trách nhiệm cho kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết lập đồ án với nhiệm vụ thiết kế: Phát triển Đà Lạt từ một nơi nghỉ dưỡng  thành một thủ đô hành chính Đông Dương khi cần thiết, bao gồm các công sở của chánh quyền trung ương, ngoài ra còn phải đáp ứng đủ các nhu cầu của việc thiết lập các doanh trại quân đội.
Sau hai năm nghiên cứu, đến năm 1923, KTS Hébrard hoàn tất công tác, đồ án  được Toàn quyền phê duyệt và ban hành áp dụng vào tháng 8-1923. Theo đó, Đà Lạt sẽ là một thành phố nghỉ mát trên cao (station d’altitude) kiểu mẫu; thành phố được thiết kế theo quan điểm của các nguyên tắc về “Quy hoạch thành phố vườn“ và “Quy hoạch thuộc địa”. Lần đầu tiên các vấn đề phức tạp để phát triển  đô thị Đà Lạt đã được đặt ra, được nghiên cứu một cách tổng hợp và nhiều giải pháp có ý nghĩa trong định hướng phát triển thành phố đã được đề xuất.
Vấn đề bảo vệ, tôn tạo cảnh quan và bố cục không gian mỹ cảm cho thành phố được tác giả quan tâm đặc biệt. Ý tưởng chính xuyên suốt là: Xây dựng cho được một “thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố”, một thành phố sinh thái không có ống khói của ngành công nghiệp.
Trên một vùng thiên nhiên rộng lớn của cao nguyên Lang Biang, thành phố được bố trí, sắp đặt trong một phạm vi có diện tích vừa phải khoảng 30.000 ha (bề ngang 7km theo hướng đông - tây, bề sâu 4,3 km theo hướng bắc - nam). Đây là một diện tích hợp lý cho một thành phố vườn với quy mô dân số từ 30.000 đến 50.000 dân (lúc đó dân số  Đà Lạt khoảng 1.500 người). Việc cho phép xây dựng chỉ gói gọn trong ranh giới này.
Ngoài phạm vi của thành phố là cảnh quan của đồi núi và rừng thiên nhiên được giữ gìn như lúc ban sơ với con đường vòng Lâm Viên vừa là đường giới hạn vừa là đường giao thông phục vụ nhu cầu du lịch, ngoạn cảnh và săn bắn, không được  phép làm nhà ở.
Nét nổi bật của đồ án là cách giải quyết vấn đề tạo dựng cảnh quan cho thành phố nghỉ dưỡng du lịch. Dòng suối tự nhiên Cam Ly được tôn tạo tích cực để trở thành một trục cảnh quan trung tâm hấp dẫn cho thành phố, với hệ thống các hồ cảnh nhân tạo lớn nhỏ, uyển chuyển theo địa hình, có các tuyến đường dạo bao quanh, men theo sườn dốc, nối kết liên lạc với nhau theo sơ đồ hình mạng nhện.
Bố cục chính của thành phố nghỉ mát và thủ đô tương lai được tổ chức quanh trục cảnh quan này, mỗi hồ là một trung tâm cảnh quan của các công trình trong một phân khu chức năng.
Nối với quốc lộ là trục đường xương sống của thành phố kéo dài từ nhà ga xe lửa đến thác Cam Ly, dựa theo đường đỉnh của địa hình khu vực (đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ,… ngày nay). Tầm nhìn từ trục đường này lướt qua hồ Xuân Hương, đồi Cù, rừng dự trữ thiên nhiên,... hướng về phía núi Lang Biang ở cuối chân trời đặc biệt rất sinh động và ấn tượng.
Trung tâm công cộng của thành phố được ưu tiên bố trí trên một đoạn của trục lộ này gồm có trung tâm hành chính địa phương với các công trình sắp xếp xung quanh một quảng trường công cộng: toà thị sảnh, ngân khố, bưu điện, cảnh sát, công chánh,…
Ngoài ra còn có nhà thờ, trường học, thư viện, khách sạn hạng 2, khu thương mại người Âu, văn phòng du lịch,…
Xa hơn về phía tây nam, trên ngọn đồi cao là dinh Toàn quyền, Cao ủy phủ và cạnh đó là Viện điều dưỡng (khu Dinh 3).
Khu vực phân lô biệt thự cho người Pháp được bố trí phía nam suối Cam Ly (đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Cô Giang, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ, Huyền Trân Công Chúa ngày nay) được phân lô thành 3 hạng:
- Hạng 1: từ 2.000m2 đến 2.500m2.
- Hạng 2: từ 1.000m2 đến 1.200m2.               
- Hạng 3: từ 500m2 đến 600m2.          
Khu vực dân cư dành cho người Việt Nam được bố trí một số về phía đông khu trung tâm và phần lớn được bố trí tập trung ở các khu vực có dòng chảy tự nhiên thuộc hạ lưu hồ (giới hạn bởi đường phân thủy qua đồi dinh thị trưởng đổ về suối Phan Đình Phùng) gồm có: chợ, trường học, bệnh viện, chùa, công viên, lò sát sinh, các khu  nhà phố thương mại, các khu  nhà ở,…
Khu dân cư này được dự trù với nhiều nhà biệt lập với luật lệ hạn chế những dãy nhà liền căn, loại nhà chỉ được cho phép xây cất trong khu thương mại (phân khu chức năng rõ rệt).

 
Về công trình kỹ thuật, đường xe lửa và nhà ga được bố trí gần lối vào của quốc lộ 20B, cạnh đó là khu vực dự kiến dành cho khách sạn, kho hàng, khu tiểu công nghệ và công xưởng.
Các giải pháp về cấp nước, cấp điện, thoát nước, xử lý rác, nghĩa địa, lò sát sinh,… cũng được đề ra sao cho phù hợp với quy mô của thành phố.
Lộ giới và khoảng cách bắt buộc từ ranh giới đất đến công trình (khoảng lùi) đã được quy định cho từng cấp hạng đường. Luật lệ xây dựng trong nội thị Đà Lạt được áp dụng chặt chẽ với các quy định về sử dụng đường và quy định về xây cất công trình.
Sau gần 10 năm áp dụng, tình hình có nhiều biến đổi, cuộc khủng hoảng năm 1933-1935 xảy ra, tình hình kinh tế tài chính khó khăn khiến người ta phải xem xét lại giá trị áp dụng của đồ án Hébrard. Những vấn đề mới được đặt ra:
Vì lý do kinh tế, việc thực hiện đồ án rất tốn kém (chủ yếu là hệ thống cảnh quan chuỗi hồ).
Nét đẹp cảnh quan từ tầm nhìn toàn cảnh bị đe dọa bởi ý định phân lô xây dựng biệt thự ven Hồ Lớn ở trung tâm (phía trên một phần đồi Cù hiện nay).
Cần có một đồ án chỉnh trang mới, chính xác, cụ thể hơn, kèm theo những quy định có hiệu lực pháp lý để hướng dẫn mọi công tác xây dựng, nhất là những sáng kiến tư nhân khi họ có yêu cầu xây dựng công trình, nhà cửa.
1.1.4 Đồ án quy hoạch Pineau (1933)
Vào năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau (1898 - 1987) trình bày một nghiên cứu mới về “Chỉnh trang thành phố Đà Lạt” có quan niệm thực tế hơn Hébrard: Trước mắt Đà Lạt chưa là thủ đô hành chính hay là thủ đô nghỉ hè của Đông Dương, chương trình phát triển đựợc giới hạn lại, chỉ chỉnh trang một nơi nghỉ dưỡng với mức phát triển tương đối vừa phải. Những nguyên tắc định hướng cho nghiên cứu này là vấn đề bảo vệ cảnh quan thành phố:
-  Mở rộng hơn nữa hồ nước và các công viên.
-  Thiết lập những khu vực xây dựng phù hợp với cảnh trí và phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.
 - Bảo vệ “tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên với cảnh quan tuyệt vời” bằng cách đề nghị thành lập một vùng bất kiến tạo rộng lớn hình rẽ quạt có gốc từ Đà Lạt hướng về núi Lang Biang, trong đó là công viên rừng săn bắn hoặc là công viên rừng quốc gia.
Những ý tưởng của đồ án Pineau rất có giá trị, đặc biệt hấp dẫn và đã được những người kế nhiệm quan tâm nghiên cứu trong các dự án chỉnh trang thành phố Đà Lạt kế tiếp.
Trong thời gian này, Đà Lạt  thay đổi rất ít, cuộc khủng hoảng đã lên đến cao độ, ngân sách bấp bênh, tình thế chung không được ổn định. Công việc của Pineau đương nhiên bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy vậy cũng có một số công tác được thực hiện gắn liền với việc chỉnh trang các công trình hiện hữu và cảnh quan được giữ gìn với những khoáng địa (đất trống) rộng rãi, để chờ đón một khả năng tốt hơn trong tương lai.
1.1.5 Đồ án quy hoạch Mondet (1940)
Vào những năm 1940, kiến trúc sư Mondet trình bày một “Tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt”. Kiến trúc sư Mondet nhận xét rằng:
“Đà Lạt kéo dài quá mức từ tây sang đông, về cơ cấu chưa tạo thành một thể thống nhất. Điều này được lý giải vì người ta cảm thấy dễ dàng xây dựng dọc theo các con đường chính. Có một sự e ngại quá đáng khi người ta muốn bảo vệ cảnh quan bằng biện pháp mở rộng vùng cấm xây dựng quá lớn ở trung tâm thành phố. Đó là một nghịch lý cần xem xét. Muốn phát triển thành phố mà lại ngăn cấm xây dựng”.
Do vậy, kiến trúc sư Mondet đã đề nghị  một  phương án không kéo dài thành phố nữa mà tổ chức hợp nhóm lại, mở rộng ra bằng cách ưu tiên sử dụng những lô đất gần trung tâm và được phát triển chung quanh một trục. Những khoáng địa được dành cho tương lai chiếm một phần quan trọng ở ngay trung tâm đô thị. Sự phân lô được tính toán khoảng 6.000 lô, trong đó khu người Âu khoảng 1.000 lô, kể cả các lô có sẵn. Khu người bản xứ đáp ứng khoảng 5.000 lô, khu ngoại ô gồm những khoáng địa rộng lớn được phân tách khoảng 1.500 – 2.000 lô.
Ngoài ra công tác chỉnh trang cụ thể những công trình hiện có được chia thành 4 phần :
- Giao thông tổng quát.
- Cải tạo vệ sinh môi trường.
- Khoáng địa và kế hoạch trồng cây.
- Trung tâm công cộng.
Thành phố trở nên chật hẹp với sự phát triển quá độ và vô trật tự, một vài khu vực dân cư được dựng lên một cách gấp rút, tạm bợ, mặc dù Đà Lạt đã là một thành phố xinh đẹp, hài hòa với những viễn cảnh rộng rãi và những khu vực được xây dựng hoàn hảo.
Trước tình hình này, Toàn quyền Decoux quyết định phải thiết lập ngay một “Chương trình chỉnh trang và phát triển Đà Lạt” có hiệu lực pháp lý để điều chỉnh sự phát triển của thành phố theo một trật tự hợp lý và hài hòa.
Theo tinh thần nghị định ngày 3-9-1941, công tác này được giao cho Sở Quy hoạch Đô thị và Kiến trúc Trung ương nghiên cứu thực hiện.
Trong lúc đó, những biện pháp bảo vệ được áp dụng để chờ đợi ngày công bố  đồ án chỉnh trang: bãi bỏ những nhượng địa  trong vùng nội thành, giám sát khai thác hầm đá, bổ sung các quy định về phân lô ở vùng vành đai và trong tỉnh Lang Bian, bãi bỏ vùng ngoại ô.
1.1.6 Đồ án Lagisquet (1943)
Ngày 27-4-1943, đồ án chỉnh trang mới của Đà Lạt do kiến trúc sư Lagisquet chủ trì nhóm nghiên cứu đồ án đã được Toàn quyền Decoux chấp thuận và ban hành áp dụng.
“Chương trình chỉnh trang và phát triển  Đà Lạt” đã được nghiên cứu theo nguyên tắc tổng quát hướng dẫn việc thiết lập các tài liệu, những quy định có tính chất pháp lý để phát triển thành phố một cách hài hoà, từ tổng thể đến chi tiết các thành phần. Chính nhờ sự tham khảo những nguyên tắc này mà các vấn đề khác nhau đặt ra cho Đà Lạt  đã có được lời giải đáp hấp dẫn.
Người ta đã thấy rằng Đà Lạt có một hình thể kéo dài quá mức, kéo dài từ tây sang đông trên một đường mảnh mai. Khu gia cư không có bề sâu, thành phố thiếu sức sống, không có trung tâm hoạt động và hấp dẫn  để thu hút dân chúng. Những khu vực thương mại, những trung tâm hành chánh thì phân tán và hầu như không đáp ứng được nhu cầu hiện thời.
Trái lại, theo họa đồ chỉnh trang mới Đà Lạt sẽ được tổ chức thành một thể thống nhất, tập trung xung quanh hai trục đường khung sườn của thành phố. Sự phát triển được dự trù  về phía nam, tây và tây bắc thành phố (thuộc hạ lưu Hồ Lớn).
 

 
Khu dân cư được dự trù phát triển thật rộng rãi. Diện tích xây dựng khoảng 180 ha, sẽ được mở rộng đến 300%, gồm khoảng 2.200 lô đất. Những khu gia cư sắp xếp thứ tự xung quanh một trung tâm đã được chọn lựa. Trên bờ phía nam của Hồ Lớn có những khách sạn, khu giải trí, khu thương mại,... Những cực phát triển được sắp xếp gần đó sẽ tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh.
Trung tâm hành chính được bố trí phân tán hay tập trung lại tùy theo chuyên ngành, được sắp xếp xung quanh hồ tạo nên một điểm nhấn trung tâm lớn và lộng lẫy sẽ làm nổi bật cảnh trí chung của thành phố.
Ở phía bắc, tòa thị sảnh mới vươn lên trên nền cây xanh che phủ những biệt thự sáng sủa với đường nét giản dị. Phía tây là khu thương mại sống động, phía nam có những khách sạn lớn, một khu giải trí (casino), có thể phản chiếu ánh đèn trên mặt hồ trong suốt vào ban đêm. Về phía đông, tháp chuông của trường Lycée Yersin, tòa nhà  vĩ đại  của văn  phòng Toàn quyền,  giới hạn đường chân trời, tạo thành một điểm sáng. Nhà thờ, dinh Toàn quyền, trụ sở hành chánh nổi lên ở chân trời thứ hai.
Tác giả đồ án cũng  quan tâm giải quyết vấn đề gia cư cho dân lao động Việt Nam. Những cư dân này chỉ được bố trí ở những khu có tính cách phụ thuộc. Những vùng rộng lớn đã được sung dụng  tùy theo tính chất khác nhau của các tầng lớp cư dân. Trước hết, một khu thương mại quây quần  xung quanh chợ, tiếp theo là khu biệt thự song lập  và nhà liên kết đặc biệt dành cho thợ thủ công, người lao động mà công việc của họ cần được bố trí gần trung tâm thành phố.
Một vùng đất rộng được xác định cho những thôn ấp Việt Nam với dáng dấp nông thôn và tiểu thủ công. Ở đó sẽ quần tụ những người làm nghề thủ công, sản xuất nhỏ hay trồng trọt. Khu vực này được ấn định ở vành đai  thành phố. Những tính chất của vùng này đã được chỉ định, cho phép mỗi cư dân  có một khoảnh đất để làm ăn  sinh sống, vừa nuôi sống gia đình vừa đóng góp sản phẩm  thặng dư cho thành phố.
Như thế, đặc tính của thành phố vườn cũng sẽ được thấy rõ trong vùng này. Những gia cư sẽ biểu hiện tính cách nông thôn và những điều khoản được dự trù để ngăn chặn những chuồng trại lợp tôn rỉ.  Đất đai được sung dụng cho dân lao động làm nông nghiệp có diện tích đủ tiếp nhận một số dân gấp 5 lần dân số đương thời (gần 11.000 ha).
Cuối cùng, đồ án cố gắng đánh dấu đặc tính riêng của Đà Lạt là thành phố nghỉ dưỡng, thành phố trường học, trung tâm tuyển chọn huấn luyện thanh niên, trung tâm văn hoá,…
Một khu bệnh viện được dự trù ở tây nam thành phố để đảm đương nhiệm vụ phục vụ cho yêu cầu  lúc bấy giờ. Các trường học được phân đều trong thành phố tùy theo điều kiện thích hợp. Những cơ sở chính có đủ đất để phát triển. Những không gian mới đã được dành cho những trường học trong tương lai. Một khu thể thao với khoáng địa rộng lớn được chỉnh trang dành cho sân vận động, sân golf, sân thể thao, sân chơi các loại,... Một nơi cắm trại dành cho thanh niên được phát triển về phía tây.
Trung tâm văn hoá được thiết lập ngay ở trung tâm thành phố có thể bao gồm Trường Viễn Đông Pháp và cả nhà bảo tàng.
1.2 Thời kỳ 1945 - 1954
Năm 1945, Đà Lạt đã có trên 1.000 biệt thự với muôn vàn kiểu dáng khác nhau, đa số được thiết lập theo trường phái kiến trúc địa phương Pháp, sử dụng vật liệu tại chỗ như gạch, ngói, đá, gỗ,... Mỗi biệt thự đều được phân lô có sân vườn rộng rãi thành từng khu vực (cité), tạo nên một tổng thể duyên dáng rất đặc thù.
Công việc xây dựng trong giai đoạn này kể như không có kết quả bao nhiêu ngoài một số khu nhà ở và một số trường học.
1.3 Thời kỳ 1954 – 1975
Sau Hiệp định Genève (1954), người Pháp ra đi khỏi Việt Nam, đất nước tạm thời bị chia cắt, Đà Lạt  bắt đầu bước phát triển mới với dân số đông hơn.
1.3.1 Giai đoạn 1954 - 1963
Ngô Đình Diệm làm Tổng thống, vấn đề chỉnh trang Đà Lạt được đặc biệt quan tâm. Với các điều kiện tự nhiên độc đáo, Đà Lạt được xác định không còn là nơi nghỉ mát dành riêng cho giới thượng lưu, tư sản, mà là cho mọi người dân đến đây để định cư làm ăn sinh sống.
Thành phố được định hướng trở thành thành phố nghỉ mát nổi tiếng, một trung tâm giáo dục lý tưởng từ bậc tiểu học – trung học đến đại học, một nơi huấn luyện quân sự tốt, một vùng đất ẩn cư để đào tạo và phát triển cơ sở tôn giáo, cũng như là nơi sản xuất đặc sản rau hoa quả cung cấp cho toàn vùng và xuất khẩu.
Trong khi chờ đợi thiết lập đề án chỉnh trang mới cho Đà Lạt, đồ án Lagisquet (1943) kèm theo một “Chương trình địa dịch” đã được chính quyền đương thời dựa theo, nghiên cứu biên soạn lại cho phù hợp với điều kiện thực tế để giải quyết nhu cầu xây dựng, công nhận và đảm bảo tính liên tục của quyền tư hữu đất đai, nhà cửa. Công tác xây cất các cơ sở công cộng được tính toán trên các  phần đất công sản còn lại. Có thể kể đến một số công trình mới đã được xây dựng trong giai đoạn này như sau:
Khu Chợ Mới Đà Lạt và quảng trường trước chợ, Khu Hội trường Hòa Bình, Giáo hoàng Chủng viện, Viện Đại học Đà Lạt, Trường Võ bị Đà Lạt, Trường Đại học Quân sự, Thao trường, Lữ quán Thanh niên, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử,...
Có thể nói bộ mặt thành phố Đà Lạt  đã được bổ sung bằng các công trình mang dáng dấp hiện đại do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế.
1.3.2 Giai đoạn 1963 – 1975
Đà Lạt ít nhiều chịu tác động của tình hình chính trị không ổn định với sự can thiệp  Mỹ, các tướng lĩnh Sài Gòn thi nhau tranh giành quyền lực. Nhất là vào năm 1965, Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến tại Việt Nam, tiến hành xây dựng trước tiên các cơ sở hạ tầng phục vụ ý đồ quân sự: các trung tâm huấn luyện quân sự, thiết lập trạm radar trên núi Lang Biang, một trạm khác ở Cầu Đất, sân bay Cam Ly, sân bay Liên Khương. Bên cạnh đó, nhiều công trình dân dụng cũng được đầu tư xây dựng: Làng cô nhi SOS, Trung tâm trẻ khuyết tật, Trường Kỹ thuật Lasan, Trường Don Bosco, Trường Phao- lồ,... Các công trình dịch vụ thương mại, các khách sạn, nhà hàng mọc lên ở khu trung tâm thành phố.
Các dự án quốc tế đầu tư  xây dựng như: Dự án cải tạo nguồn nước mới cho thành phố lấy từ hồ Dankia do Đan Mạch tài trợ; Dự án khai thác du lịch “Trung tâm nghỉ mát hồ Suối Vàng“ ở Dankia do công ty Sanyei -(Hongkong) thiết lập,…
Đáng chú ý, vào năm 1967, vấn đề bảo vệ môi sinh của Đà Lạt (qua tiến trình bồi lắng nhanh hồ Xuân Hương) đã được  các  học giả đương thời lên tiếng báo động. Đến năm 1973, đề án quy hoạch chỉnh trang Đà Lạt  đã được cơ quan chuyên môn lập xong có đề ra biện pháp bảo vệ môi sinh ven sông suối ở Đà Lạt, nhất là các lưu vực đổ về hồ Xuân Hương. Ở các vùng này, theo khuyến cáo, chỉ được trồng cây gây rừng,  không được khai thác trồng rau làm nông nghiệp, vì đó là tác nhân gây ra  ô nhiễm và bồi lấp các hồ ở hạ lưu.
Trong khi đó, việc xây cất bất hợp pháp xảy ra dưới nhiều hình thức đã làm mất vẻ mỹ quan của thành phố. Có hai hình thức chủ yếu:
Một số quan chức có quyền thế trong chính quyền Sài gòn tranh thủ thời cơ chiếm đất trục lợi.
Loại nhà tạm bợ gỗ tôle xuất hiện sau Tết Mậu Thân (1968)  và nhiều nhất vào cuối năm 1971 do thương phế binh ngụy đòi hỏi quyền lợi đua nhau lấn chiếm, đa số ở ngay khu vực trung tâm.
Đồng thời với sự chiếm đất làm nhà cũng có người chiếm đất làm vườn như khu ấp Ánh Sáng, khu Thao Trường,...
Đây là một hiện tượng xã hội của sự phát triển đô thị đặt ra những vấn đề nan giải trong công tác chỉnh trang bảo vệ nét đặc thù,  vẻ thẩm mỹ của thành phố Đà Lạt và vẫn còn tồn tại cho đến nay.
1.4 Thời kỳ từ năm 1975 đến nay
1.4.1 Giai đoạn 1975 – 1985
Năm 1977, Đoàn Quy hoạch Bộ Xây dựng đã được cơ quan chuyên môn Trung ương cử vào để thiết lập quy hoạch chung cho thành phố Đà Lạt. Công trình để lại cho thành phố là hồ sơ “Sơ phác quy hoạch chung thành phố Đà Lạt” bao gồm tài liệu thuyết minh và các sơ đồ kèm theo.
Từ năm 1983, cơ quan chuyên môn địa phương là Uỷ ban Xây dựng cơ bản tỉnh Lâm Đồng được giao nhiệm vụ phối hợp với các ban ngành, nghiên cứu tiếp quy hoạch chung cho  Đà Lạt với các vấn đề thực tế mới phát sinh.
Đến tháng 3-1985, đoàn cán bộ quy hoạch Trung ương đã tiếp tục đến Đà Lạt  phối hợp với địa phương để thiết lập “Luận chứng kinh tế kỹ thuật quy hoạch và cải tạo thành phố Đà Lạt”.
1.4.2 Giai đoạn từ năm 1985 đến nay
Quy hoạch tổng thể thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2010 do Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (Bộ Xây dựng) lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 620/TTg ngày 27-10-1994.
Theo quyết định này, Thành phố Đà Lạt có các chức năng như sau:
-  Trung tâm nghĩ dưỡng- du lịch của cả nước, có ý nghĩaTrung taâm nghæ döôõng - du lòch cuûa caû nöôùc, coù yù nghóa lieân quoác gia.
-  Trung taâm vaên hoaù, tænh l tænh Laâm Ñoàng vaø ñaàu moái giao löu kinh teá quan troïng cuûa tænh.
- Trung taâm giaùo duïc, ñaøo taïo vaø nghieân cöùu khoa hoïc - kyõ thuaät cuûa tænh vaø vuøng phía Nam.
Từ khi quy hoạch chung Đà Lạt được phê duyệt, chính quyền địa phương đã cho tiến hành quy hoạch chi tiết các khu chức năng chính của thành phố như khu trung tâm, các khu nhà ở, quỹ đất xây dựng nhà ở, chỉnh trang các khu du lịch,… Đồng thời hệ thống kỹ thuật hạ tầng cũng được nâng cấp một bước với các dự án đầu tư về cấp thoát nước, giao thông, cải tạo lưới điện, bưu điện,…
Tình hình phát triển kinh tế xã hội với tốc độ cao đã tác động ít nhiều đến việc xây dựng và phát triển thành phố theo quy hoạch được duyệt từ năm 1994.
Đến ngày 27-5-2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020 theo Quyết định số
409/QĐ-TTg.

Theo quyết định này, thành phố Đà Lạt được bổ sung chức năng và có 5 tính chất cơ bản:
- Là trung tâm chính trị – hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ và đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng, là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng.
- Là một trong những trung tâm du lịch, đặc biệt là  tham quan,  nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo và sinh thái của vùng và cả nước.
- Là một trong những trung tâm đào tạo đa ngành, trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của cả nước.
- Là khu vực sản xuất chế biến rau và hoa chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
- Có vị trí quan trọng về an ninh và quốc phòng.
Đây là cơ sở quan trọng để Đà Lạt được chỉnh trang, xây dựng và phát triển có định hướng, xứng danh là thành phố du lịch xinh đẹp và thơ mộng trên cao nguyên...
 KTS TRẦN CÔNG HÒA
http://www.dalat.gov.vn/web/books/diachidalat/phan4/chuong2.htm
--------------

Kiến trúc cảnh quan Đà Lạt

hiên nhiên của Đà Lạt vốn là một vùng, phong cảnh tự nhiên miền núi tuyệt đẹp được kết hợp hài hòa với những công trình sáng tạo của con người. Từ đầu thế kỷ này, Đà Lạt được lựa chọn xây dựng theo dạng một thành phố - vườn giữa những rừng thông với màu lá xanh tươi là những đỉnh núi hùng vĩ của rặng Lang Biang (cao hơn thành phố 700-900m) chế ngự mọi tầm nhìn từ thành phố. Dựa theo các sườn đồi là các tòa nhà xinh xắn với tường vôi, ngói đỏ, hình khối đa dạng ẩn hiện khi trên cao, khi dưới thấp dọc theo các trục lộ. Toàn bộ bức tranh đó được tô điểm thêm bằng hình ảnh phẳng lặng của mặt nước hồ tạo thành một bức tranh thủy mặc làm rung động lòng nguời.
Bài toán quan trọng hàng đầu trong lịch sử quy hoạch và phát triển TP. Đà Lạt là xây dựng được một thành phố sinh động, sung túc và đủ điều kiện tiện nghi cho cư dân và du khách mà vẫn bảo vệ được giá trị của phong cảnh thiên nhiên.

Các yếu tố hình khối chủ yếu trong bức tranh phong cảnh của Đà Lạt tạo nên sự xúc cảm cho con người bao gồm: địa hình của đồi núi, mặt nước của suối hồ, màu xanh của rừng thông và kiến trúc độc đáo của công trình xây dựng.

1.1 YẾU TỐ ĐỊA HÌNH
Cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang) với bề rộng 12 km có địa hình rất đặc biệt bao gồm những chuỗi đồi thoai thoải dạng cong tròn nhấp nhô, xen kẽ nối tiếp nhau trải dài 18 km đến tận chân rặng núi Lang Biang hùng vĩ án ngự ở phía Bắc như một tấm phông màu xanh thẫm. Sư xâm thực, nhất là sự xói mòn mãnh liệt của các dòng nước; đã mài dần mặt đất, đưa cốt liệu từ vùng đồi cao xuống vùng thung lũng thấp làm địa thế trở nên bằng phẳng hơn.
Đặc trưng của địa hình Đà Lạt là những hình khối chủ yếu, ổn định; chúng chia cắt không gian một cách mạnh mẽ thành những khu vực riêng biệt, rõ nét và tạo nên những chuỗi phong cảnh phong phú, đa dạng. Trong việc xây dựng thành phố trước đây, người ta đã tôn trọng nguyên tắc bảo vệ địa hình tự nhiên; việc áp dụng biện pháp san nền để biến đổi địa hình dốc thành bãi đất bằng đã không được áp dụng trên quy mô lớn.
Các quả đồi cao nhất với rừng thông xanh ngắt quanh năm, mà từ đó người ta có thể quan sát được toàn cảnh của thành phố, đã được chọn lựa để xây dựng những công trình dinh thự, tôn giáo uy nghi, sang trọng:
* Biệt điện số 1: cao độ 1.550,00; phía Đông của TP.
* Biệt điện số 2: cao độ 1.539,50; phía Đông Nam và trông thẳng xuống hồ Xuân Hương, trước đây được xây dựng làm dinh của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương.
* Biệt điện số 3: cao độ 1.539,00; phía Tây Nam của TP, trước đây là dinh của Hoàng đế Bảo Đại.
* Đồi "Ngọc Hoàng": cao độ 1.551,00; khu vực dự kiến để xây dựng Phủ toàn quyền Đông Dương theo đồ án quy họach năm 1923 của E. Hébrard, đến nay vẫn còn bỏ trống.
* Dinh tỉnh trưởng cũ: cao độ 1.532; án ngữ trung tâm Chợ Đà Lạt, mà ngày nay là Đài truyền hình Lâm Đồng.
* Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế: cao độ 1.548,20; phía Bắc của TP.
* Lăng Nguyễn Hữu Hào (cha vợ của vua Bảo Đại): cao độ 1.523,00; ở phía Tây của TP và trông xuống thác Cam Ly.
Với diện tích đất rộng lớn bao trùm hẳn một ngọn đồi, các công trình dinh thự nêu trên là một quần thể kiến trúc với tòa nhà chính đồ sộ, kiêu hãnh nằm trên điểm cao nhất; bao bọc xung quanh có hệ sân đường ngoạn cảnh, vườn hoa, bồn nước... dẫn dắt công trình hoà nhập vào khung cảnh thiên nhiên. Các tòa dinh thự này với màu tường sáng, chiếm lĩnh trên các đỉnh cao, ẩn hiện các rặng thông dày với màu lá xanh tươi là những điểm nhấn, điểm chấm phá trong bức tranh phong cảnh tổng thể của thành phố.
Các trung tâm công cộng về hành chính, văn hóa, giáo dục, du lịch, thương mại... (tòa hành chánh, bưu điện, nhà thờ, trường học, chợ, công sở...) được bố trí trên những ngọn đồi hay những khu đất rộng rãi và bằng phẳng nhằm xây dựng hệ thống giao thông dễ dàng thuận lợi với những đại lộ lớn, thẳng và ít dốc (như trục đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Chi Lăng, Phan Đình Phùng...). Ngoài ra, do không phải cải tạo địa hình nên các trung tâm này mặc dù chiếm những không gian lớn cũng không làm thay đổi các đường cong tự nhiên của địa thế.
Việc xây dựng các khu biệt thự rất được chú trọng do sự hòa nhập hoàn toàn của công trình kiến trúc vào thiên nhiên, với địa hình và rừng thông được giữ hầu như nguyên vẹn. Người ta đã sắp xếp các tòa biệt thự với nhiều tầng nhiều cấp theo sát đường đồng mức để bám lấy địa hình mà không phải phá hủy nó. Do lấy thiên nhiên làm nền, làm không gian chính của cảnh quan nên người ta đã khống chế phạm vi xây dựng ở mật độ rất thấp so với diện tích phân lô rất lớn.
Các khu vực đất thấp dưới các thung lũng lớn, ở khuất và xa trung tâm thành phố được bố trí cho khu vực dân cư làm nông nghiệp. Đất đai được phân lô đủ lớn để sản xuất và dựng nhà, do đó tính chất thành phố - vườn vẫn được tìm thấy tại khu vực này, (ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thiện, Thái Phiên, Nam Hồ, Trại Hầm, Trại Mát, Thánh Mẫu...). Do đặc tính của việc sản xuất nông nghiệp, người dân cần thửa vườn rộng và phẳng để tưới tiêu và chăm bón nên đã cải tạo địa hình dốc thành những thửa đất dạng bậc cấp đi từ các thung lũng lên các sườn đồi bao quanh. Trong chừng mực nào đó, việc cải tạo này dưới các thung lũng thấp không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan. Nhưng một khi phương thức canh tác này phát triển không kiểm soát được trong tầm nhìn của cảnh quan chính hay lan tràn vào lưu vực các suối chính thì nó thật sự trở thành một hiểm họa to lớn. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho hồ Mê Linh và hồ Vạn Kiếp đã hoàn toàn mất dạng và một phần của hồ Xuân Hương đã trở thành bãi đất bồi với cỏ mọc và trâu bò có thể qua lại được.
BẢNG 1*


Loại công trình Diện tích phân lô Mật độ xây dựng
Biệt thự loại A >2.000m2 <10%
Biệt thự loại B 1.500m2 15%
Biệt thự loại C 1.000m2 20%
Nhà biệt lập loại D 800m2 25%
Nhà biệt lập loại E 200-500m2 30%
Nhà phố loại F,G 80-100m2 60-70%

* Số liệu ghi nhận trước năm 1970
Trong chương trình sử dụng đất từ năm 1942 đến nay, để giải quyết việc di dân của người Việt, người ta đã thực hiện ý định bố trí khu ngoại ô của thành phố cho cư dân lao động sản xuất nông nghệp. Khu vực này trước đây được kiểm soát chặt chẽ trong một ranh giới nhất định. Trong một khoảng không gian rộng hình rẻ quạt về phía Bắc của thành phố, các quả đồi đẹp và hoang sơ từ hồ Xuân Hương đến tận rừng núi Lang Biang đã được giữ gìn để du khách thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên. Một vài công trình quốc gia như Lò phản ứng hạt nhân, Giáo hoàng học viện, Trường đại học Đà Lạt hình thành trong thập niên 1950-1960 trên những quả đồi có độ cao trung bình, thấp thoáng giữa những rặng thông đã tô điểm thêm vào bức tranh phong cảnh tĩnh mịch đó những nét chấm phá sinh động.
1.2 YẾU TỐ MẶT NƯỚC
Giữa các quả đồi là các thung lũng có nhiều suối nhỏ mà dòng suối quan trọng nhất chảy qua Đà Lạt là dòng Cam Ly. Việc sắp xếp thành phố đã được thực hiện phần lớn dọc hai bờ con suối này. Từ năm 1900, kỹ sư Rousselle đã có ý nghĩ tạo lập một hồ nước nhân tạo. Hồ Xuân Hương đã được thành hình một phần vào năm 1919 khi đắp xong đập thứ nhất, năm 1923 hồ được mở rộng, và đến năm 1935 thì hoàn chỉnh như ngày nay sau khi xây dựng đập Cầu Ông Đạo và loại bỏ các đập cũ bị bể vỡ. Từ đó đến nay việc tạo thêm các hồ nước nhân tạo đã gia tăng đều đặn và gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố, và là những công trình kỹ thuật có giá trị nhất nối liền con người với thiên nhiên.
Năm 1923 E. Hébrard đã đề xuất quy hoạch thành phố Đà Lạt xung quanh một chuỗi hồ nhân tạo, mỗi hồ nước là một nhân trung tâm của một phân khu chức năng, theo dòng Cam Ly kể từ thượng lưu sẽ gồm:
* Hồ Than Thở: ở đầu nguồn, vừa cung cấp nước uống vừa là hồ cảnh, đã cùng với các đồi thông chung quanh tạo thành bức tranh hữu tình nổi tiếng.
* Một hồ nước dự kiến tạo thành tại khu vực giữa Chi Lăng và Thái Phiên, là tâm điểm của Trung tâm hành chính trung ương.
* Hai hồ nước nhỏ dự kiến giữa khu vực trường học ở phía Nam và trại lính ở phía Bắc (khu vực phía Bắc Cô Giang ngày nay).
* Hồ Xuân Hương: rộng lớn nhất và tồn tại đến ngày nay, là bố cục của một công viên trung tâm. Các khách sạn du lịch và khu giải trí được bố trí ở bờ phía Nam, vườn hoa, sân golf và khu dự kiến phân lô biệt thự ở bờ phía Bắc. Bố cục chính của khu vực này đã được tổ chức theo đồ án của E. Hébrard, J. Lagisquet và hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể cho tới ngày nay, ngoại trừ việc dự kiến xây dựng biệt thự đã không được thực hiện do e ngại sẽ làm hủy hoại tầm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp về phiá Lang Biang.
* Hồ nước cuối cùng được dự kiến trước khi dòng suối chảy đến thác.
Mặc dù không được thực hiện trọn vẹn, sáng kiến này đến nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Nếu được thực hiện trong tương lai, sáng kiến này sẽ làm tăng vẻ đẹp của phong cảnh, vừa làm tăng giá trị của đất đai xung quanh các hồ, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong thành phố (Xem bản đồ E. Hébrard).
Tính đến nay, tại TP Đà Lạt đã xây dựng được 8 hồ lớn nhỏ với:
- Tổng diện tích lưu vực (TDTLV): 50km2
- Tổng diện tích mặt nước (TDTMN): 121 ha
- Tổng dung tích hồ (TDTH) : 6,16 triệu m3 nước.
(Không kể đến 2 hồ đã bị bồi lắng hoàn toàn là Vạn Kiếp và Mê Linh).
Nếu tính cả các hồ thuộc vùng phụ cận mà quan trọng nhất là các hồ: Dankia, Suối Vàng, Tuyền Lâm thì TDTLV là 100km2, TDTMN: 756 ha, TDTH: 18,24 triệu m3 nước.
Như vậy, tỷ lệ của diện tích mặt nước so với tổng diện tích đất của cao nguyên là khoảng 4%, một tỷ lệ khá cao nếu so sánh với những thành phố khác.
Ngoài công dụng cung cấp nước uống cho cư dân thành phố, điều hoà nước tưới cho nông dân, suối và hồ nước là trung tâm của các thắng cảnh: không cảnh đẹp nào của Đà Lạt mà thiếu vắng hình ảnh phẳng lặng và thoáng mát của mặt nước. Nó phản chiếu cảnh vật, làm tăng chiều cao không gian, điều hòa vi khí hậu, tạo bầu không khí trong lành và cảm giác thanh bình cho du khách.
Hồ Xuân Hương là bố cục chính của vùng trung tâm, nơi quần tụ của công trình khách sạn, công trình công cộng, khu thể thao, nhà thủy tạ tại bờ phía Nam. Khoảng trống của hồ đã tạo được tầm nhìn gắn bó với bờ đối diện là vùng đồi và các chòm thông xanh được giữ gìn như một công viên thiên nhiên dưới chân rặng núi Lang Biang. Điạ hình khu vực lồi lõm, đường vòng trên bờ quanh co ẩn khuất sau những rặng cây đã tạo nên cảm giác thú vị cho người ngoạn cảnh và làm cho mặt hồ như rộng lớn hơn.
Nhà thủy tạ (La Grenouillère) có kiến trúc đơn giản với mặt đứng chỉ gồm những nét thẳng, dứt khoát và thanh mảnh, được quét màu vôi trắng như nổi lên giữa màu xanh của quang cảnh thiên nhiên, đó là điểm nhấn không thể thiếu được tạo thêm sự duyên dáng cho mặt hồ.
Trong đồ án năm 1943 của KTS J. Lagisquet, người ta đã dự trù bố trí một công viên dạng bậc cấp từ Biệt điện số 2 đến hồ Xuân Hương, bao gồm những vườn hoa, cây cảnh, bể và thác phun nước, và các lối đi cho người thưởng ngoạn. Nếu thực hiện được dự án này, Đà Lạt sẽ có thêm một phong cảnh đặc sắc, liên hoan bao gồm kiến trúc nguy nga của dinh thự, có cây cảnh và vườn hoa rực rỡ trải dài từ trên đồi cao đến mặt hồ.
1.3 YẾU TỐ VỀ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH
Trong địa hình bằng phẳng, việc quy hoạch theo ô bàn cờ là giải pháp tối ưu về nhiều phưong diện. Để tạo hình cho đô thị trong trường hợp này người ta phải dùng đến các biện pháp: đắp đất tạo đồi, đào hồ tạo mặt nước, mở các quảng trường để tạo thành các không gian biến động.
Thành phố Đà Lạt với địa hình không bằng phẳng đã tạo thành những không gian linh động, biến đổi không ngừng trên mỗi bước đi.
Từ trên đường Trần Hưng Đạo, giữa rừng thông cao vút, khi nhìn qua phía Bắc ta sẽ có một phong cảnh kỳ ảo: dãy Lang Biang xanh thẫm hiện ra ở cuối chân trời với hình dáng hùng vĩ, mềm mại làm nền cho toàn cảnh bức tranh, gần hơn và dưới thấp là những quả đồi tròn ẩn hiện nhấp nhô, và đây đó là những rặng thông soi bóng xuống mặt hồ Xuân Hương phẳng lặng. Phong cảnh này lại được lặp lại nhiều lần với nhiều hình thái khác nhau trên các đoạn đường cao như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh...
Từ trung tâm thành phố, ta đã thấy xa xa ẩn hiện đỉnh tháp chuông của nhà thờ Chánh Toà trên những rặng thông. Khi vừa bước chân qua khỏi khúc quanh của dốc Lê Đại Hành, ta bất ngờ diện kiến một công trình sừng sững và cao vút. Tiếp sau sự ngạc nhiên đầy thích thú là cảm giác tôn kính và sự ngưỡng mộ đối với một công trình kiến trúc đặc sắc. Để giữ vẻ trang nghiêm, ngoài hình dáng kiến trúc đối xứng theo chủ nghĩa kiến trúc cổ điển, công trình còn được án ngữ bằng một đảo giao thông trước mặt tiền, để tránh cho đường lộ hướng trực tiếp vào cổng nhà thờ.
Vượt qua đèo Prenn giữa rừng thông san sát, vừa đến cửa ngõ thành phố tại bến xe, ta đã được thưởng ngoạn một tầm nhìn bao quát toàn bộ thành phố: từng lớp nhà xếp trên nhau và trải dài xuống thung lũng, ẩn hiện trong màu xanh của cây và sương khói. Về đêm, bầu trời dường như tràn xuống dưới chân du khách với muôn ngàn ánh sao lấp lánh, ở thành phố đồng bằng ta chỉ thấy được điều này từ trên máy bay.
1.3.1 Dinh thự
    Đà Lạt có các dinh thự lớn là Biệt điện số 1, 2 và 3. Đây chính là nơi để nghỉ mát và làm việc được xây dựng theo dạng cung điện dành cho các nguyên thủ quốc gia.
- Dinh 1 là một quần thể công trình lớn xây dựng trên một diện tích đất hơn 60 ha, ngôi nhà chính là một tòa nhà một hầm, một trệt, một lầu, mái lợp ngói đỏ, hình thức mang dáng dấp kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ XIX. Hai hàng cây cao có thân trắng xốp ven lối vào công trình nổi bật trong nền rừng thông sẫm. Giữa con đường là một đảo hoa xoay đến công trình chính, mặt bằng công trình đối xứng với lối vào ở giữa và hệ thống cầu thang, hành lang trổ ra hai bên. Quanh đó là một số biệt thự lớn khác (nhà cận vệ quân, ngự lâm quân, các nhà phục vụ...) và một hệ thống sân vườn, bể cảnh, đường đi dạo đã tạo thành một quần thể hoàn chỉnh.
- Dinh 2 và Dinh 3: Khác với trường phái học viện của công trình trên, đây là những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân kiến trúc ở châu Âu lúc bấy giờ (1920-1930) do Le Corbusier và Gropius đề xướng. Lúc này, kiến trúc đã bắt đầu phi đối xứng và đi vào yếu tố hình khối, bố cục tự do. Đây là những công trình đồ sộ với mái bằng, hình khối, bố cục tuy cân đối nhưng không đối xứng, có cùng một thời điểm xây dựng 1933-1938. Mặt bằng được bố cục tương đối hiện đại, toàn bộ tầng trệt dành cho các phòng làm việc và tiếp khách gắn với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn. Ở đây, không gian kiến trúc bên trong và bên ngoài hoà lẫn vào nhau quanh các lối đi và cửa sổ kính bằng khung thép rất lớn, hoặc qua các sân vườn có cột trụ bao quanh để tạo thành những không gian chuyển tiếp.
Toàn bộ phận lầu được dành riêng cho sinh hoạt gia đình. Hai công trình này đều có sảnh lớn vươn ra làm mái che để đón khách khi xe đỗ, đây là một phương pháp thể hiện mới tại thời điểm nhằm tạo thêm sự uy nghi, bề thế cho công trình.
Hình thức kiến trúc ở hai công trình này cũng bắt đầu khác, chủ yếu đi vào bố cục hình khối chứ ít đi vào chi tiết. Mặt bằng linh động, lồi lõm tạo thành những mảng hình khối lớn.

1.3.2 Biệt thự
Biệt thự được phân chia thành nhiều hạng theo diện tích phân lô của đất xây dựng - Biệt thự tiêu chuẩn cao (DTPL>1.500m2) là nơi ở hay nghỉ mát dành cho tầng lớp thượng lưu trước đây, gồm các khu Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Lê Lai, Nguyễn Du... đều nằm xa trục đường chính. Các ông trình được bố trí cách xa nhau từ vài chục đến vài trăm mét.
Tầng hầm được xây dựng theo địa hình với nền nhà rất cao (> 40cm) và thường có cầu thang được bố trí ngoài trời để vào tầng trệt. Tầng trệt có sảnh, tiền sảnh và phòng khách rộng rãi, độ cao tầng rất lớn (có khi đến 6m). Tầng trên là các phòng ngủ, phòng sinh hoạt gia đình hay terrasse...
Cũng như dinh thự, các biệt thự này được xây dựng theo hai thể loại:
- Thể loại thứ nhất theo trào lưu cổ điển được xây dựng nhiều vào thời kỳ đầu với bố cục mặt bằng đơn giản, thường đi sâu vào các chi tiết mặt đứng. Nhà mái ngói có độ dốc lớn, mặt bằng đơn giản có nguồn gốc từ kiểu kiến trúc xứ lạnh miền Bắc nước Pháp, loại biệt thự này thể hiện ở cách trình bày cầu kỳ của các chi tiết mái, cầu thang, chi tiết trang trí trên cửa sổ, cửa đi, và đặc biệt là những hoa văn ở những vòm cuốn giả trên cửa có tính nghệ thuật cao.
- Thể loại thứ hai với bố cục mặt bằng tự do và linh động, được bố trí tùy theo địa hình hay chức năng sử dụng, đã tạo thành hình khối công trình đa dạng hơn: mái nhà được lợp ngói hoặc làm mái bằng bêtông cốt thép, kiểu dáng tương tự kiến trúc miền Nam nước Pháp hay miền Địa Trung Hải, đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại. Loại này được xây dựng về sau và phát triển cho đến nay, kiến trúc hướng vào nghệ thuật tạo hình khối và tổ chức sân vườn chung quanh. Ở đây, không gian ở và môi trường tự nhiên đã được xử lý bằng những trung gian như mái hiên, vườn cảnh... tạo thành một hệ thống không gian liên tục.
Mỗi một biệt thự là một đóa hoa kiến trúc xinh đẹp và cả thành phố là một vườn hoa lớn với những trục đường biệt thự muôn hình muôn vẻ. Những tòa nhà này với kiểu dáng phong phú có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều thể loại kiến trúc nhà ở của nhiều địa phương của nước Pháp:
- Kiến trúc vùng Normandie (phía Tây Bắc nước Pháp): Kiểu nhà mái ngói lớn với phần đuôi được bẻ góc, có tường xây đá chẻ đến hệ cửa sổ và phần bên trên xây gạch để lộ các khung sườn gỗ.
- Kiến trúc vùng Bretagne (phía Tây nước Pháp): Kiểu nhà mái lợp bản thạch (ardoise) có tường xây đá chẻ với tường hồi có viền xây cao hơn mái.
- Kiến trúc vùng Pays Basque (phía Tây Nam nước Pháp): Có tường hồi quay ra mặt tiền với khung sườn nổi và có mái vươn rộng ra khơi tường.
- Kiến trúc vùng Savoie (phía Đông Nam nước Pháp): Đặc điểm như kiến trúc vùng Pays Basque nhưng tầng dưới được xây, còn tầng trên được đóng bằng gỗ và có balcon rộng...
Ngoài ra, thành phố cũng có các khu biệt thự hạng vừa (DTPL < 1.000m2) và các nhà biệt lập có sân vườn (DTPL<500m2) là loại công trình được phổ biến tại trung tâm thành phố, dành cho tầng lớp trung lưu, công chức trước đây như các trục: Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Bùi Thị Xuân... Nhà có mặt bằng đơn giản, mái lợp ngói, tường xây gạch quét vôi, có nơi làm bằng gỗ theo thiết kế điển hình (trước 1954). Để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của đồi núi, tất cả các công trình kiến trúc đều được xây dựng theo khoảng lùi quy định, nhờ khoảng cách này đường vào nhà dễ dàng với độ dốc nhỏ, cũng như tạo được một khoảng sân làm vườn hoa trước mỗi công trình.

1.3.3 Kiến trúc trường học
Đa số các ngôi trường lớn ở thành phố Đà Lạt đều có phong cách kiến trúc tương đối giống nhau. Mặt bằng ổn định gồm các dãy lớp học, một hoặc hai tầng. Đa số đều lợp mái ngói và console gỗ có nguồn gốc từ kiến trúc địa phương của Pháp, console có những chi tiết gia công rất công phu vừa để đỡ mái ngói vươn ra, vừa để trang trí. Đặc biệt, trường Lycée Yersin là một kiểu kiến trúc độc đáo về trường học hiếm thấy ở nước ta, mặt bằng tuy vẫn ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cổ điển, nhưng đã vượt lên bằng cách tự uốn mình theo một đường cung tròn mềm mại ôm lấy một khoảng sân bên trong rất lớn và bằng dấu nhấn mạnh mẽ là tháp chuông lợp bản thạch vươn cao giữa rặng thông và hướng về mặt nước hồ Xuân Hương.

Toàn cảnh Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt
(Trường Trung học Yersin cũ)

1.3.4 Công sở và công trình công cộng
Đại bộ phận các công sở ở thành phố Đà Lạt đều là những biệt thự lớn có sân vườn, công viên rộng rãi bao quanh, với hình thức kiến trúc đối xứng, trang nghiêm và có mặt bằng đơn giản.
Nha địa dư (hiện nay là Xí nghiệp bản đồ II) là một thí dụ điển hình của công trình kiến trúc đồ sộ có hình khối vuông vức với mái ngói cao, mặt tường bằng khối xây gạch đá tạo cho ta một cảm giác uy nghi, quyền lực. Tòa nhà được bố trí với hành lang giữa, hai dãy phòng làm việc ở hai bên và chính giữa là cầu thang, tiền sảnh.
Nằm bên cạnh Đồi Cù ẩn mình trong cây xanh, Giáo hoàng học viện Pio X là một công trình tân kỳ đã giải quyết thành công mối tương quan giữa kiến trúc và cảnh quan. Để bảo đảm được nhu cầu của hàng trăm người vừa sinh hoạt vừa học tập. KTS. Tô Công Văn đã thiết kế một khối nhà bốn tầng và một khối khác hai tầng bên nhau, toàn bộ diện tích đất còn lại (hơn 80%) được dành cho các vườn hoa, thảm cỏ, cây cảnh, sân thể dục thể thao, đường giao thông và đi dạo.

1.3.5 Nhà ở khu dân cư làm nông nghiệp
Nhà liền vườn là dạng kiến trúc nông thôn Việt Nam rất phổ biến trong khu ngoại ô thành phố và quây quần lại thành từng làng xóm (hay còn gọi là "ấp") mang tính địa phương của quê quán cư dân. Ấp của người Việt tại Đà Lạt quy tụ dọc theo các đường lộ ngoài khu trung tâm và phát triển sâu đến các dòng suối của khu vực. Đó là quần thể nhà ở kết hợp với vườn sản xuất các loại hoa, rau quả cho Đà Lạt. Các ấp nông nghiệp này hiện nay chiếm một bộ phận đất đai lớn của Đà Lạt (trên 20% diện tích thành phố).
Nhà ở là những ngôi nhà nền đất cao đến 40cm, có bố cục số gian lẻ thường là ba gian, có kết cấu khung gỗ chịu lực, mái lợp ngói hay tôn. Nhà thường có hiên phía trước, có khi ở đầu hồi hoặc quanh nhà, đó là không gian chuyển tiếp giữa trong và ngoài nhà, có tác dụng che nắng mưa, để đón khách hay nghỉ ngơi. Ngôi nhà thường được bố trí giữa vườn cây ăn quả, có sân rộng trước nhà cùng với mái hiên, dàn cây phong lan, cây kiểng, hòn non bộ tạo thành một tiểu cảnh mô phỏng thiên nhiên cô đọng và hữu tình.
Ta có thể quan sát một khu dân cư đặc trưng loại này tại ấp Hà Đông, Đa Thiện, Tùng Lâm hay Nam Hồ. Ở đây, nhà ở mang tính chất nhà vườn, diện tích cho mỗi lô đất từ 1.500m2-3.000m2 khoảng 100m2-200m2 đất dành cho nhà ở, nhà kho, công trình phụ và lối đi, còn lại là vườn cây ăn quả và rau hoa Đà Lạt.
Kiến trúc của từng công trình rất đơn giản, được xây dựng theo dạng nhà nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh, đây lại là một bức tranh đặc sắc ngoạn mục.
Từ trên quốc lộ 20, qua đoạn núi cao trên đường đi Trại Mát, ta quan sát được toàn bộ thôn ấp nằm dưới thấp với phần đất trồng rau rộng lớn dạng bậc thang chạy dài xuống tới đáy thung lũng với dòng suối nhỏ và hồ chứa nước. Đây đó là những mái nhà xinh xinh, nhỏ bé được che khuất một phần bởi những vườn cây ăn quả. Hiện còn rất nhiều vùng đất trống tương tự ven thành phố hội đủ những điều kiện để phát triển cho cư dân làm nghề nông, việc thành lập các thôn ấp như trên là một định hướng tốt đẹp góp phần giải quyết việc gia tăng dân số cho thành phố.

1.3.6 Nhà phố và nhà liền căn
Nhà phố trước đây chỉ được quy hoạch trong các trung tâm thương mại sử dụng để buôn bán và để ở, được xây dựng liên kế thành từng dãy 6-8 căn có từ 1-2 tầng lầu. Mặt bằng nhà là hình chữ nhật (rộng từ 4-5m, dài từ 12-16m) không đòi hỏi diện tìch đất lớn và có mật độ xây dựng 60-70% diện tích đất. Hiện nay, loại nhà này có khuynh hướng phát triển tràn lan, kể cả ngoài các khu thương mại do áp lực của sự khan hiếm đất xây dựng, điều này gây phương hại đến bộ mặt kiến trúc của thành phố do hình khối đơn điệu và nghèo nàn, mật độ xây dựng quá cao nên thiếu sân vườn và chỉ có điều kiện tối thiểu về chiếu sáng, thông gió tự nhiên.

1.4 YẾU TỐ CÂY XANH TRONG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN CỦA THÀNH PHỐ
Nói đến cao nguyên Lang Biang, người ta liên tưởng ngay đến rừng thông và thác nước. Rừng thông bao quanh Đà Lạt là rừng tùng loại (forêt de conifères) chiếm một diện tích rất lớn, ngoài ra cũng có nhiều rừng cây diệp loại (forêt de feuillus) như: giẻ, sồi...
Đà Lạt là một thành phố được hình thành giữa rừng thông. Sau quá trình xây dựng, những rặng thông còn lại đã được giữ gìn và trở thành cây xanh đô thị. Màu xanh của rừng thông đã là bức nền chính luôn gắn liền với mọi bức tranh của thành phố, tôn cao các phối cảnh đẹp của kiến trúc công trình và cũng che giấu những bề mặt xấu. Thông thường màu đỏ và màu xanh là hai màu tương phản khó hài hoà, nhưng trong bức tranh phong cảnh, màu đỏ gạch của mái ngói lại tạo thành những điểm nhấn ấm áp, nổi lên trong màu xanh thẫm của nền rừng thông.
Tỷ lệ xây dựng của toàn thành phố thường không quá 15% diện tích đất, một phần còn lại chính là rừng thông được giữ lại làm vườn cảnh, cây xanh công trình. Ngoài ra trong trung tâm thành phố, người ta đã dành một số khoảng đất trống được bảo vệ làm công viên. Đây là các rừng thông nhỏ liên hoàn lại thành mảng cây xanh cho toàn thành phố, tạo cho khung cảnh vẻ tĩnh mịch của rừng núi cao nguyên.
Ngoài thành phố là vùng đất rộng lớn về phía bắc được dành riêng để bảo tồn rừng cảnh quan phục vụ săn bắn, ngoạn cảnh và du lịch... nhiều khoảng trống khác được dành cho khu thể thao, cắm trại, công viên hay bất kiến tạo. Tổng cộng diện tích này lên đến 10.000 ha, chiếm 60% diện tích thành phố (theo đồ án quy hoạch của J. Lagisquet). Điều này nhằm bảo vệ những giá trị tự nhiên của thắng cảnh Đà Lạt, chống lại sự khai phá thái quá của con người.

Trong 100 năm qua, từ một vùng cao nguyên hoang dã, cư dân thưa thớt, Đà Lạt đã trở thành một thành phố nổi tiếng có trên mười vạn dân với mạng lưới kỹ thuật hạ tầng rộng khắp và những công trình kiến trúc đa dạng.
Lịch sử quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt có thể chia ra thành những giai đoạn sau đây:

2.1 Giai đoạn hình thành trạm nghỉ dưỡng vùng cao (1900-1922)
Vào những năm 1897-1899, khi quyết định chọn cao nguyên Lang Biang làm địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng theo đề nghị của Bác sĩ Yersin. Toàn quyền Doumer đã quyết định đặt trạm nghỉ dưỡng tại Dankia, cách Đà Lạt 15km về phía Bắc - Tây Bắc.
Nhưng đồng thời với việc xây dựng các tuyến giao thông các cơ sở hạ tầng ban đầu, đã xuất hiện nhiều ý kiến đề nghị chọn Đà Lạt thay vì Dankia.
Trong một điệp văn bàn về địa điểm xây dựng một trạm nghỉ dưỡng tại Lang Biang (30.3.1900). A. Capus - Giám đốc Nha nông nghiệp và thương mại Đông Dương - đã nêu rõ những ưu điểm của Đà Lạt: độ cao 1.500m, hoàn toàn thoáng đãng, tầng đất ngầm thẩm thấu trên nền đá hoa cương, có bóng mát của rừng từng loại. Có thể nhìn bao quát toàn thể cao nguyên và toàn dãy núi ở phía chân trời.
Năm 1902, trong một tác phẩm nhan đề "Phái đoàn Lang Biang" (La mission du Lang Biang). Bác sĩ E.Tardif đã phân tích những ưu thế của Đà Lạt so với Dankia, có thể tóm tắt như sau:
* Về địa hình: Đà Lạt ở độ cao trung bình 1.500m bao gồm những dãy đồi bằng phẳng có độ dốc thoai thoải, với lớp đất sét mỏng phù hợp cho việc trồng trọt. Trong khi đó, Dankia thấp hơn 100m, tức nằm trong lòng chảo giữa Đà Lạt và rặng núi Lang Biang, chỉ gồm những đồi núi nhỏ với độ dốc lớn và những thung lũng lầy lội có lớp đất sét quá dày nên ít thấm nước. Do các ưu thế đó, Đà Lạt có các điều kiện về vệ sinh, cấp thoát nước và xây dựng đường sá tốt hơn Dankia.
* Về khí hậu: Không khí Đà Lạt thoáng mát, trong lành và ít ẩm, trong khi Dankia nằm bên sườn núi Lang Biang có nhiều gió ẩm, mưa rào và sương mù kéo dài tới 9-10 giờ mới tan.
* Về cảnh quan và thảo mộc: Dankia có nhiều đồi cỏ xanh và tầm nhìn bị giới hạn trong lòng chảo, trong khi Đà Lạt lại có rất nhiều rừng thông với mùi hương thơm của nhựa lan tỏa khắp nơi và tầm nhìn bao quát được toàn cảnh cao nguyên với rặng núi Lang Biang hùng vĩ trải rộng phía chân trời.
* Nguồn vật liệu xây dựng: ở Đà Lạt gần hơn so với Dankia.
Cuộc tranh luận về địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng đã được giải quyết vào năm 1906, dưới thời Champoudry làm thị trưởng. Vốn là một trắc địa viên và từng làm Chủ tịch Hội đồng thị chính Paris, Champoudry đã sơ phác một họa đồ quy hoạch và phân lô cho thành phố Đà Lạt. Do có nhiều kinh nghiệm về vấn đề đô thị, ông đã thiết lập dự án theo phương pháp "zoning"(phân khu), thể hiện được ranh giới giữa những khu có chức năng khác nhau và dự trữ đất cho các công trình tương lai với những đặc đểm sau:
- Trung tâm công cộng và hành chính hợp thành một khu.
- Trung tâm thương mại thiết lập gần chợ và trung tâm thành phố (trong vùng này còn có khách sạn và khu casino). Nhà ga được dự trù ở gần địa điểm hiện nay và cạnh đó là trụ sở bưu điện.
- Đường sá được thiết kế với bề rộng 20m cho đường chính, 16m và 12m cho đường hạng 2.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, người Pháp không thể về nghỉ hè tại châu Âu đã lên nghỉ tại Đà Lạt với lượng người đông hơn. Đà Lạt đã trở thành trạm nghỉ dưỡng nổi tiếng và khoảng năm chục căn nhà gỗ đã được dựng lên gấp rút, nhịp độ xây dựng tăng lên với những công trình xây dựng, giao thông quan trọng: Hôtel du Langbian Palace, Hôtel du Parc, đường nội thị, Hồ Lớn Đà Lạt (nay là hồ Xuân Hương), quốc lộ Phan Rang lên Đà Lạt, bưu điện, trường Nazareth, ngân khố, nhà máy điện, nhà máy nước...
Trước sự phát triển này, chính phủ Đông Dương nhận thấy cần phải có một "Đồ án chỉnh trang tổng quát" để điều hành việc phát triển Đà Lạt. Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long đã giao trách nhiệm thiết lập đồ án cho kiến trúc sư Ernest Hébrard, một kiến trúc sư từng tham gia trùng tu thành phố cổ Salonique (ở Hy Lạp).

2.2 Giai đoạn phát triển thành phố (1923-1954)
Năm 1923, Hébrard hoàn tất đồ án, theo đó Đà Lạt sẽ là một thành phố nghỉ mát trên cao. Đây là lần đầu tiên các vấn đề phức tạp của đô thị Đà Lạt đã được nghiên cứu một cách công phu.
Thành phố được bố trí với diện tích vừa phải khoảng 30.000 ha (bề ngang 7 km theo hướng Đông Tây, bề sâu 4,3km theo hướng Nam Bắc) chiếm 14% diện tích cao nguyên. Đây là một diện tích hợp lý cho một thành phố vườn với quy mô dân số từ 30.000-50.000 dân. Ngoài phạm vi thành phố là cảnh quan của đồi núi và rừng thiên nhiên được giữ gìn như lúc ban sơ, với con đường Vòng Lâm Viên làm đường giao thông phục vụ nhu cầu du lịch, ngoạn cảnh và săn bắn.
Vấn đề bảo vệ cảnh quan và bố cục không gian mỹ cảm cho thành phố đã được tác giả quan tâm đặc biệt. Ý tưởng của tác giả là thiết lập một thành phố phong cảnh: thành phố trong rừng cây và rừng cây trong thành phố. Nét nổi bật của đồ án là cách giải quyết vấn đề cảnh quan đô thị. Dòng suối Cam Ly được tôn tạo tích cực để trở thành một trục cảnh quan hấp dẫn cho thành phố, với hệ thống 6 hồ nhân tạo lớn, nhỏ có các trục đường bao quanh men theo sườn các thung lũng. Bố cục chính của thành phố nghỉ mát và thủ đô tương lai được tổ chức quanh trục cảnh quan này, mỗi hồ là nhân của một phân khu chức năng như đã trình bày trong phần trên.
Nằm về phía Đông Bắc và cách ly hẳn với trung tâm thành phố là Trung tâm hành chánh trung ương bố trí xung quanh một hồ nhân tạo (dự kiến tại khu vực Thái Phiên và Chi Lăng ngày nay).
Nối với quốc lộ là trục đường xương sống của thành phố, kéo dài từ nhà ga đến thác Cam Ly, dựa theo đường đỉnh của địa hình khu vực (Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú ngày nay). Trung tâm công cộng và hành chính của thành phố được bố trí trên một đoạn của trục lộ, ngoài ra còn có ngân khố, bưu điện, cảnh sát, công chánh, nhà thờ, trường học, thư viện, khách sạn hạng 2, khu thương mại người Âu, văn phòng du lịch ...
Xa hơn về phía Tây Nam là Dinh Toàn quyền và cạnh đó là Viện điều dưỡng.
Khu vực phân lô biệt thự cho người Pháp được tập trung ở phía Nam suối Cam Ly (đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Cô Giang, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ, Huyền Trân Công Chúa ngày nay) được phân lô thành 3 hạng (>2.300m2; < 2.300m2; >700m2).
Khu vực dành cho người Việt Nam được bố trí một phần về phía nhà ga, về phía Đông và tập trung nhất ở khu vực làng Việt Nam cũ phía hạ lưu hồ (giới hạn bởi đường phân thủy qua đồi Dinh Thị Trưởng đổ về suối Phan Đình Phùng) gồm có : chợ, trường học, chùa, công viên, lò sát sinh, khu cư dân... Khu cư dân này được dự trù với nhiều nhà biệt lập và hạn chế những dãy nhà liền căn, loại nhà chỉ được cho phép xây cất trong khu thương mại.
Về công trình kỹ thuật có đường xe lửa và nhà ga được bố trí gần lối vào của quốc lộ 20B, cạnh đó là khách sạn, kho hàng, khu tiều công nghệ và công xưởng. Kèm theo đó là các giải pháp về cấp nước, cấp điện, thoát nước, xử lý rác, nghĩa địa, lò sát sinh...
Lộ giới và khoảng cách bắt buộc từ ranh giới đất đến mặt tiền công trình (còn gọi là khoảng lùi) đã được quy định cho từng cấp hạng đường (bảng 2)

BẢNG 2


Loại trục đường
Lộ giới (m)

Khoảng lùi (m)
Trục chính nhà ga Cam Ly
20
5
Đường cấp I khu dân cư
18
5
Đường cấp I khu thương mại
18
0
Đường cấp II khu dân cư
13
4
Đường cấp II khu thương mại
13
0
Đường cấp III
8
4
Luật lệ xây dựng trong Đà Lạt được áp dụng chặt chẽ với các quy định về sử dụng đường và quy định về xây cất công trình ban hành ngày 26.7.1923 và ngày 1.6.1923.
Sau khi Đà Lạt có định hướng để phát triển, một số công trình xây dựng và giao thông quan trọng đã được thực hiện:
- Trong các năm 1932, 1938 đã hoàn tất các công trình giao thông quan trọng đường Đà Lạt- Sài Gòn, đường sắt răng cưa đi từ Phan Rang lên Đà Lạt và nhà ga xe lửa. Do các điều kiện vận tải phát triển nên các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép... được vận chuyển dễ dàng đến Đà Lạt, không những đáp ứng được khối lượng xây dựng khổng lồ của thành phố mà còn đáp ứng được những đòi hỏi đa dạng về chất liệu của những công trình mỹ thuật cao.
- Các trục đường nội thị chính, khu trung tâm công cộng, khu thương mại người Việt, khu biệt thự người Âu, nhiều trường trung tiểu học nội trú quy mô lớn, doanh trại quân đội, nhà máy nhiệt điện (đường 3 tháng 2 ngày nay), nhà máy nước hồ Than Thở... đã được xây dựng.
Tuy nhiên đồ án E.Hébrard với ý đồ quá lớn không phù hợp với thực tế. Dự kiến Đà Lạt là thủ đô Đông Dương đã không trở thành hiện thực. Toàn quyền chỉ nghỉ mát mỗi năm một hay hai tháng trong một căn nhà tầm thường, không một cơ quan trung ương nào được dời về Đà Lạt. Do đó, những nguồn vốn to lớn để xây dựng chuỗi hồ, khu hành chánh trung ương đã không được đầu tư vào Đà Lạt.
Trong quá trình thực hiện đồ án, nhiều vấn đề thực tế đã phát sinh như sau:
- Hồ Xuân Hương đã thật sự trở thành trung tâm chính của Thành phố, cho nên việc phân lô biệt thự ở phía Bắc hồ sẽ đe dọa đến tầm nhìn viễn cảnh về phía núi Lang Biang,
- Khu phân lô dành cho người Âu cũng như khu vực dự kiến dành cho người Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu. Từ thập niên 30 đã phát triển ngoài dự kiến của E.Hébrard những khu biệt thự Saint Benoit, Cité Decoux, Cité Bellevue... và ấp Việt Nam như: Hà Đông, Nghệ Tĩnh... có khuynh hướng phát triển về phía Bắc.
- Khu vực rừng cảnh quan phục vụ du lịch và các khu nhượng địa trong trung tâm chiếm một diện tích quá lớn làm trở ngại việc phát triển các trung tâm khác.
Do các vấn đề nêu trên, việc thực hiện đồ án E. Hébrard cần phải được hiệu chỉnh cho phù hợp với thực trạng.
Vào năm 1933, kiến trúc sư Pineau trình bày một nghiên cứu mới về thành phố Đà Lạt: Đà Lạt trước mắt chưa là thủ đô hành chánh hay nghỉ hè của Đông Dương, thành phố nên tự giới hạn lại như một trạm nghỉ mát để chờ đợi sự phát triển trong tương lai và đề ra những định hướng bảo vệ cảnh quan thành phố;
- Mở rộng hồ nước và các công viên.
- Khu vực xây dựng phải phù hợp với cảnh trí và điều kiện khí hậu của địa phương.
- Bảo vệ tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên về phía rặng núi Lang Biang bằng cách thành lập một vùng bất kiến tạo ở phía Bắc Đà Lạt. Một số ý tưởng của Pineau đã được lưu ý và thực hiện sau này, đặc biệt là cảnh quan đã được giữ gìn với những khoáng địa rộng rãi, để chờ đón những dự án đầu tư lớn trong tương lai.
Vào năm 1940, kiến trúc sư H.Mondet trình bày một "tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt". Ông có nhận xét về Đà Lạt lúc đó như sau; "Đà Lạt kéo dài quá mức từ Tây sang Đông, về cơ cấu chưa thành một thể thống nhất". Nguyên nhân do việc xây dựng thường bám dọc theo các trục lộ lớn và do sự lo ngại quá mức khi người ta muốn bảo vệ cảnh quan bằng biện pháp mở rộng vùng cấm xây dựng rộng lớn ở trung tâm thành phố.
Đây cũng chính là bài toán khó nhất phải giải quyết trong các đề án quy hoạch tiếp theo của Đà Lạt: xây dựng và phát triển thành phố, nhưng vẫn bảo vệ được cảnh quan.
Do vậy, kiến trúc sư Mondet đã đề nghị một phương án không kéo dài thành phố nữa, mà tổ chức họp nhóm lại, mở rộng ra bằng cách ưu tiên sử dụng những lô đất gần trung tâm.
Công tác chỉnh trang được chia thành bốn phần:
- Về giao thông, đề nghị giữ nguyên hướng tuyến, chiều rộng đường nội thị chỉ cần mở rộng tầm nhìn các khúc quanh, bố trí lại một số nút giao thông chính và chuyển lối vào từ đèo Prenn đến Đà Lạt ở vị trí mà du khách khi đặt chân đến Đà Lạt sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố.
- Về vệ sinh môi trường, đề nghị tập trung chỉnh trang hai bờ suối Cam ly, có biện pháp dẫn dòng hợp lý hơn khi nước thoát ra từ hồ và xây dựng thêm hồ nước tại vị trí thung lũng gần nhà ga.
- Các khu vực khoáng địa được tôn trọng và được tổ chức thành những công viên, câu lạc bộ, sân thể thao, vườn trẻ... sao cho vẫn bảo đảm được tính chất bất kiến tạo của các khu vực đất này.
- Các trung tâm công cộng, hành chánh được dự kiến bố trí và hợp nhóm lại.
- Trung tâm giải trí và thể thao gồm có: sân golf, hồ nước, sân tennis, câu lạc bộ, thủy tạ, vườn trẻ, khu casino, công viên... sẽ được bố trí tại bờ phiá Nam Hồ Lớn.
Qua bản tiền dự án, KTS. H. Mondet đã đóng góp được nhiều ý kiến phù hợp với thực tế và hữu ích trong công tác chỉnh trang thành phố Đà Lạt và đã được các nhà quy hoạch kế tục chọn lọc trong các đồ án sau này.
Kể từ năm 1939, Đà Lạt bắt đầu phát triển trở nên thịnh vượng.
Do chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, liên hệ với bên ngoài bị đình trệ, thời gian lưu trú ở Đông Dương của người Âu kéo dài đã khiến dòng người đổ xô về Đà Lạt ngày càng đông. Những số vốn không sử dụng ở Nam Bộ đã được đầu tư vào Đà Lạt. Thị trường mua bán đất thành phố trở nên sôi động, những biệt thự mọc lên ngày càng nhiều. Nhà máy thủy điện Ankroet trên sông Da Dung cùng nhiều trường học, tu viện, nhà thờ, và nhiều công trình công cộng khác... đã được triển khai xây dựng trong giai đoạn này.
Nếu trong năm 1939 có 59 giấy phép xây dựng được cấp thì đến năm 1942 đã lên đến 300 giấy phép và toàn thành phố đã có 728 biệt thự. Dân số cũng đồng thời gia tăng nhanh chóng lên đến 20.000 vào cuối năm 1942.
Mặc dù Đà Lạt đã là một thành phố xinh đẹp, hài hòa với những viễn cảnh rộng lớn và có nhiều khu vực được xây dựng hoàn hảo, thành phố trở nên chật hẹp do dự phát triển quá độ và vô trật tự, một vài khu vực dân cư được dựng lên một cách vội vã và tạm bợ.
Trước tình hình đáng báo động này, chính quyền Đông Dương quyết định phải thiết lập ngay một "đồ án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt" Để điều chỉnh sự phát triển của thành phố theo một trật tự hợp lý và hài hoà. Những biện pháp bảo vệ cảnh quan và trật tự đô thị được áp dụng để chờ đợi ngày công bố đồ án chỉnh trang: bãi bỏ những nhượng địa trong vùng nội thành, giám sát các hầm đá, bổ sung các quy định về phân lô ở vùng vành đai và trong tỉnh Lang Biang, bãi bỏ khái niệm về vùng ngoại ô.
Công tác lập đồ án quy họach chỉnh trang được giao cho Nha quy hoạch đô thị và kiến trúc Đông Dương nghiên cứu thực hiện do KTS J.Lagisquet chủ trì nhóm nghiên cứu đồ án. Ngày 27.4.1943, đồ án chỉnh trang mới của Đà Lạt đã được Toàn quyền Decoux chấp thuận và ban hành áp dụng kèm theo một chương trình địa dịch (chương trình sử dụng đất).
Đồ án chỉnh trang và phát triển của Đà Lạt đã được nghiên cứu theo những định hướng tổng quát, từ đó ban hành các chương trình, quy chế cụ thể có tính pháp lý để thực hiện và để phát triển thành phố một cách hài hòa hợp lý từ tổng thể đến mỗi chi tiết.
Đồ án của J.Lagisquet ra đời cho đến nay vừa tròn 50 tuổi, nhưng trong một bối cảnh phát triển kinh tế có nhiều điểm tương đồng với ngày nay, việc nghiên cứu kỹ lưỡng đồ án này sẽ giúp chúng ta chọn lọc được những giải pháp bổ ích đóng góp cho những đồ án tương lai về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết mối liên hệ giữa đô thị và cảnh quan.
Cũng như H.Mondet, J. Lagisquet thấy rằng Đà Lạt có hình thể quá mảnh mai, khu gia cư lại không có bề sâu. Thành phố thiếu sức sống, không có trung tâm hấp dẫn thu hút dân chúng. Những khu vực thương mại, những trung tâm hành chánh thì phân tán và hầu như không đáp ứng được nhu cầu lúc đó.
Theo đồ án, Trung tâm thành phố được dự kiến tại bờ phía Nam hồ Xuân Hương và Đà Lạt sẽ được tổ chức thành một thể thống nhất, tập trung xung quanh 2 trục chính của thành phố và sự phát triển được dự trù dọc phía Nam suối Cam Ly, về hướng Tây và Tây bắc.
1) Trung tâm hành chánh được tập trung lại theo trục chính. Toàn bộ các cơ quan đầu não được bố trí quanh hồ Xuân Hương tạo nên một hạt nhân trung tâm: bờ phía Đông là Văn phòng Toàn quyền (khu nhà nghỉ Công đoàn ngày nay). Tòa thị sảnh ở bờ phía Bắc (nhà nghỉ Hương Trà), phía Nam là Dinh Toàn quyền (Dinh 2).
2) Trung tâm thương mại được phân tách thành hai khu vực: khu thương mại Việt Nam tại khu Hòa Bình và đường Nguyễn Chí Thanh, khu thương mại người Ấu trên đường Trần Phú (bưu điện ngày nay). Giữa hai khu vực này dự kiến sẽ xây dựng một chợ mới tại ấp Ánh Sáng.
3) Khu vực khách sạn giới hạn bởi đường Hồ Tùng Mậu và Trần Phú, có tầm nhìn trực tiếp và lý tưởng về phía hồ và dãy Lang Biang, gần đó là khu casino và câu lạc bộ (khu thao trường).
4) Một khu bệnh viện mới được dự trù ở Tây Nam thành phố để đảm đương nhiệm vụ mà bệnh viện cũ không còn đáp ứng đủ.
5) Các trường học được phân đều trong thành phố và những cơ sở chính được dự phòng đất đủ rộng để phát triển.
6) Trung tâm văn hoá được thiết lập ngay ở trung tâm thành phố bao gồm thư viện, trường Viễn Đông bác cổ và Nhà bảo tàng dân tộc học.
7) Khu dân cư được dự trù nới rộng:
- Diện tích xây dựng khu người Âu sẽ được mở rộng đến 540 ha, gồm khoảng 2.200 lô đất gần các trung tâm công cộng của thành phố.
- Vấn đề về khu cư dân Việt Nam đã được quan tâm giải quyết bằng nhiều phương án, những khu cư dân này cho đến lúc đó chỉ được bố trí ở những khu nhà tạm, khu phụ của thành phố. Những vùng đất mới sẽ được phân lô cho cư dân tùy theo tính chất nghề nghiệp của họ.
Trước tiên là một khu thương mại với những dãy nhà phố quây quần xung quanh chợ, tiếp đến là khu biệt thự song lập và nhà liên kế dành cho công chức và thợ thủ công là những người do việc làm vẫn được bố trí gần trung tâm thành phố.
Cuối cùng, một vùng đất rộng ở vành đai thành phố về phía Tây Bắc và Đông Nam đã được xác định cho những thôn ấp Việt Nam với dáng dấp nông thôn (hướng Bạch Đằng và hướng đi Trại Mát) mà ở đó sẽ quần tụ những người làm nông nghiệp hay nghề thủ công. Trong vùng này, cho phép mỗi cư dân có thể được phân một khoảng đất để trồng trọt, vừa nuôi sống gia đình vừa cung cấp rau, hoa, quả cho thành phố. Như thế, đặc tính của thành phố-vườn (Cité-jardin) cũng được thể hiện. Người dân có thể tùy ý xây cất theo dạng nhà của miền quê Việt Nam mà không hề ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc của toàn thành phố. Đất đai được sung dụng cho dân lao động Việt Nam làm nông nghiệp có diện tích đủ tiếp nhận một số dân gấp 5 lần số đương thời tức 75.000 người.
8) Cảnh quan về phía dãy núi Lang Biang được bảo vệ bởi những khoảng trống rộng lớn hình rẽ quạt cốc từ hồ Xuân Hương hướng về phía bắc. Một phần đất trong những khoảng trống đó được dành cho các hoạt động công cộng hay du lịch ngoài trời mà không ảnh hưởng đến tính chất bất kiến tạo của khu vực bao gồm: công viên, sân golf, sân thể thao, sân cắm trại cho thanh thiếu niên, sân bay. Một công viên được dự trù tại vị trí của Đồi Cù I phía Bắc hồ Xuân Hương sẽ là giao điểm của các đường trục của Dinh II, Văn phòng Toàn quyền và nhà Thủy Tạ.
Xa hơn về phía Bắc là các khu rừng cảnh quan phục vụ du lịch với ranh giới đã được xác định lại, được chia thành 2 khu vực:
- Một khu vực rừng bảo tồn thực vật phía tây Bắc, tuyệt đối cấm khai thác để bảo vệ cảnh quan của dãy Lang Biang.
- Một khu vực lâm trường khác sẽ chấp nhận việc khai thác tỉa một cách đều đặn và hợp lý mà vẫn bảo vệ được cảnh quan.
Về chức năng của thành phố, đồ án đã làm rõ và nổi bật các đặc tính riêng của Đà Lạt là: Trung tâm hành chánh trung ương, Trạm nghỉ mát vùng cao, Thành phố nghỉ dưỡng, Thành phố trường học, Trung tâm được tuyển chọn dành cho thanh niên, Trung tâm văn hoá tinh thần. Đồ án đã căn bản đề ra được những biện pháp giải quyết những vấn đề quan trọng và bức xúc của đô thị Đà Lạt như: giải quyết sự mâu thuẫn giữa tính chất tập trung của đô thị và tính chất tản mạn của thành phố-vườn, bố cục các phân khu chức năng của thành phố mạch lạc và phù hợp với thực tế hơn, xác định được cụ thể phạm vi các khoảng trống và những khu vực bất kiến tạo để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, có định hướng giải quyết nhà ở cho người di dân ngày càng đông hơn bằng nhiều thể loại nhà ở phù hợp với nghề nghiệp của họ.
Đồng thời với đồ án chỉnh trang, một kế hoạch thực hiện kéo dài 6 năm đã được Toàn quyền chấp nhận. Kể từ năm 1943, thành phố Đà Lạt nhờ có ngân sách trung ương hỗ trợ nên đồ án đã được triển khai thực hiện.
Kế hoạch áp dụng cho năm 1943 và 1944 đã được nghiên cứu bởi Tổng thanh tra Công chánh, bao gồm công tác xây dựng những đường lộ, các công trình công cộng và chuẩn bị mặt bằng để xây dựng các công trình tương lai theo họa đồ quy hoạch.
Dựa trên nền tảng đó, Đà Lạt được phát triển về mọi phương diện, đạt tới mức cực thịnh thời Pháp thuộc vào năm 1944.
Các cơ sở công cộng được xây cất như Lãnh địa Đức Bà, Nha địa dư, Cư xá công chánh, bưu điện, Chùa Linh Sơn, Linh Quang với nét kiến trúc Á Đông làm phong phú thêm kiến trúc cảnh quan Đà Lạt. Năm 1945, Đà Lạt đã có trên 1.000 biệt thự với nhiều kiểu dáng khác nhau. Nhà máy thủy điện Ankroët công suất 3.000kW bắt đầu hoạt động từ năm 1944.
- Đường sá cũng được cải tiến, Đà Lạt lúc đó có khoảng 94km đường và dự kiến sẽ đạt tới 140 km, đèo Prenn được mở theo tuyến mới. Việc lập ấp trồng rau được phát triển với các ấp Hà Đông (1938), Nghệ Tĩnh (1940), dân số tăng nhanh từ 13.500 người (1940) đến 25.500 người (1945).
Từ năm 1945-1954, tình hình chính trị bất an, giao thông bị trở ngại, dân số luôn bị xáo trộn bởi các cuộc tản cư. Năm 1949, Pháp tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, ngày 15.4.1950, Đà Lạt thuộc Hoàng Triều Cương Thổ và hạn chế sự nhập cư người Việt. Công việc xây dựng phát triển trong giai đoạn này theo đồ án của J. Lagisquet không có kết quả đáng kể ngoại trừ một số khu nhà ở và một số trường học.

2.3- Giai đoạn 1954-1975
Từ năm 1954 đến 1963, thời kỳ Ngô Đình Diệm làm tổng thống tại miền Nam, vấn đề xây dựng các công trình công cộng tại Đà Lạt được quan tâm đáng kể.
Đà Lạt là nơi nghỉ mát, một trung tâm giáo dục lý tưởng từ trung đến đại học, một nơi tổ chức huấn luyện quân sự, phát triển các trường tôn giáo và tu viện cũng như là nơi sản xuất rau hoa đặc sản cung cấp cho toàn vùng. Nhằm ổn định số người di dân mỗi ngày một gia tăng, một số ấp nông nghiệp mới được hình thành như ấp Tùng Lâm, Thánh Mẫu, Thái Phiên, Đa Thiện...
Trong khi chờ đợi soạn thảo đề án chỉnh trang mới cho Đà Lạt, đồ án J. Lagisquet và chương trình địa dịch năm 1943 dường như đã được tham khảo để giải quyết nhu cầu xây dựng. Công tác xây cất các cơ sở công cộng, tôn giáo, nghiên cứu khoa học, huấn luyện quân sự... được tính toán trên các phần đất công sản còn lại. Có thể kể đến một số công trình lớn đã được xây dựng trong giai đoạn này như sau: Chợ mới Đà Lạt (diện tích xây dựng : 5.400m2), khu Hoà Bình, Giáo hoàng học viện, Trường võ bị, Trung tâm nghiên cứu nguyên tử.
Để giải quyết nhu cầu nhà ở, Nha địa chính đề ra giải pháp cho phép người dân được khai thác tạm thời những lô đất đã được phân lô thuộc các thôn ấp. Đồng thời cơ quan Kiến ốc cục đã xây dựng nhiều căn nhà cho thuê hay trả góp.
Có thể nói, bộ mặt thành phố Đà Lạt đã được bổ sung bằng các công trình kiến trúc dáng dấp hiện đại, với đường nét thanh mảnh hơn và sử dụng đá rửa để trang bị mặt tiền nhà. Nhiều công trình đã góp phần tôn cao vẻ đẹp của thành phố nhưng cũng có những công trình xây cất vội vã không phù hợp với cảnh quan, nhưng đây là thời kỳ được ghi nhận có khối lượng xây dựng tương đối lớn kể từ khi thành phố do người Việt điều hành.
Việc xây cất từ thời kỳ này trở về sau, dù từng đồ án thiết kế công trình được xem xét phê duyệt, nhưng không được định hướng rõ trên một ý đồ quy hoạch tổng thể, nên đã có những công trình ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ đẹp hài hoà với thiên nhiên cũng như sự phát triển cân đối của toàn thành phố.
Từ 1963 đến 1975, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội không ổn định, nhất là sau năm 1965 khi Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến tại Việt Nam. Việc tôn tạo cảnh quan đô thị và phát triển quy hoạch thành phố hầu như dừng lại, chỉ tập trung xây dựng các công trình quân sự hay phục vụ lợi ích trước mắt như:
- Các trung tâm huấn luyện quân đội, cảnh sát, trạm radar ở núi Bà, mở rộng sân bay Cam Ly...
- Nhiều khách sạn, nhà hàng mọc dày đặc chiếm những khoảng trống ở khu trung tâm.
- Làng cô nhi SOS, trung tâm trẻ em khuyết tật, trường Lasan, trường Don Bosco.
- Đắp đập, xây dựng các hồ: hồ Dankia, Đa Thiện 1, 2, 3.
- Dự án đầu tư khai thác trung tâm nghỉ mát hồ Suối Vàng và dự án cải tạo nguồn nước cho thành phố là những sáng kiến mới nhưng chưa được triển khai thực hiện.
Vào năm 1967, vấn đề môi trường sinh thái của Đà Lạt đã được các nhà chuyên môn báo động và đến năm 1973 đề án quy hoạch chỉnh trang Đà Lạt đang được thiết lập, trong đó nhấn mạnh về các biện pháp bảo vệ suối ở Đà Lạt, nhất là các lưu vực của hồ Xuân Hương.
Vấn đề xây cất bất hợp pháp và chiếm đất làm vườn đã lan tràn dưới nhiều hình thức làm tổn thương nghiêm trọng vẻ mỹ quan của thành phố. Có hai hình thức chủ yếu: do các giới chức có quyền thế chiếm đất trống dự trữ và do thương phế binh (quân đội Sài Gòn) hay người tản cư chiếm đất xây cất nhà ở ngay tại khu vực trung tâm, với những loại nhà bằng ván lợp tôn kiểu ổ chuột (xuất hiện nhiều sau Tết Mậu Thân 1968 và nhất là vào cuối năm 1971).

2.3 Giai đoạn từ 1975 đến nay
Từ sau giải phóng và đất nước được thống nhất, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ, của tỉnh Lâm Đồng, có ranh giới mở rộng đến 417 km2. Dân số năm 1975 là 85.833 người, đến nay đã lên đến trên 130.000.
Công tác xây dựng cải tạo thành phố đã được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm ngay từ những ngày đầu. Năm 1977, Đoàn quy hoạch Bộ xây dựng đã trình bày "Sơ phác quy hoạch chung thành phố Đà Lạt", bao gồm nhiều tập thuyết minh và các sơ đồ kèm theo. Tiếp đó, từ năm 1983, cơ quan chuyên môn địa phương là ủy ban xây dựng cơ bản tỉnh được giao nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch chung thành phố Đà Lạt với một số vấn đề thực tế hơn.
Tháng 3.1985, Đoàn quy hoạch trung ương do KTS. Trần Ngọc Chính dẫn đầu đã đến Đà Lạt, phối hợp với các chuyên viên ủy ban xây dựng cơ bản để làm luận chứng kinh tế - kỹ thuật quy hoạch và cải tạo Đà Lạt.
Nhiều công trình có ý nghĩa phục vụ dân sinh đã được xây cất đáng kể như: nhà máy nước Suối Vàng, hồ Chiến Thắng, hồ Tuyền Lâm, Nghĩa trang liệt sĩ, hồ Thống Nhất, Nhà văn hóa thiếu nhi, cải tạo và nâng cấp Đồi cù, mở mang một số khu phân lô nhà ở (như tại đường 3/2...).
Còn lại là công tác cải tạo sửa chữa nhà ở, hay xây dựng xen cấy do nhân dân tự làm. (Số giấy phép xây dựng trong năm 1990 là 260, và năm 1992 là 379. Tốc độ gia tăng là 145% trong 2 năm).
Từ 1991 đến nay, Đoàn quy hoạch của Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Bộ xây dựng do KTS. Vũ Kim Long chủ trì đang tiến hành thiết lập đồ án "Điều chỉnh quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Đà Lạt", theo tinh thần chỉ thị số 19/CT ngày 22.1.1991 của HĐBT về việc chấn chỉnh và đổi mới công tác quản lý đô thị.
Nói chung đồ án quy hoạch chung Đà Lạt đã được thiết lập nhiều lần, nhưng hiện nay vẫn chưa có đồ án nào đủ sức thuyết phục và được thông qua. Thành phố Đà Lạt đang phải gánh chịu những áp lực về khối lượng công trình xây dựng ngày càng tăng trong tình trạng không có đồ án quy hoạch chỉnh trang. Công tác giải quyết xây dựng công trình đương nhiên gói gọn trong phạm vi nghiên cứu đơn lẻ và rất chủ quan. Nhiều vấn đề thực tiễn có tính chất quyết định của thành phố càng lúc càng trở nên phức tạp.
- Hạ tầng kỹ thuật thành phố bị xuống cấp trầm trọng.
- Khu dân cư phát triển không giới hạn làm thu hẹp và đảo lộn bố cục vùng cảnh quan. Các cụm rừng thông ngay trong thành phố bị chặt phá rất nhiều để xây dựng nhà cửa, làm vườn trên các đồi quanh Dinh thị trưởng cũ, đồi xung quanh các khu Dinh I, II, III, đồi Cảnh sát dã chiến, đồi thông xung quanh các khu biệt thự Cité Decoux, Saint Benoit, đồi Tùng Nguyên... Các hồ nước tiếp tục bị bồi lắng nghiêm trọng hơn (hồ Xuân Hương, hồ Than Thở). Nhiều vùng đất trong khu vực bất kiến tạo, các khoảng trống bảo vệ tầm nhìn cảnh quan bị chiếm dụng xây cất bất hợp pháp.
- Bố cục thành phố thiếu cân đối do sự tập trung quá mức vào khu trung tâm mà chưa có biện pháp mở mang phát triển khu vành đai để thu hút dân cư và các nguồn vốn đầu tư.
Kiến trúc cảnh quan của TP. Đà Lạt là một bức tranh có sắp xếp theo một bố cục, không theo dạng hình học nhưng vẫn tuân theo những nguyên tắc về sư phối hợp giữa 4 yếu tố hình khối: địa hình tạo khối và bộ khung của cảnh, mặt nước tô điểm cho cảnh và tạo sự tĩnh mịch tác động đến nội tâm con người, cây xanh là màu nền của bức tranh và là bộ lọc không khí chống bụi bặm và tiếng ồn, kiến trúc là nét nhấn, nét chấm phá của phong cảnh và là tiện nghi sinh sống của con người.
Về địa hình, cần bảo vệ những điểm cao và các đường cong của các ngọn đồi là hình dạng căn bản của cao nguyên, tránh sự cải tạo khai phá đất (san ủi mặt bằng, khai thác hầm cát đá...), cần có quy định về một khoảng trống bất kiến tạo đủ rộng để bảo vệ tầm nhìn về phía dãy núi Lang Biang là tấm phông chính của mọi bức tranh phong cảnh của Đà Lạt. Ngoài ra cũng cần có chương trình cải tạo các vùng trũng ẩm thấp trong khu trung tâm thành những vùng đất hữu dụng (công viên, khu gia cư...).
Về mặt nước, việc duy trì và xây dựng thêm nhiều hồ nhân tạo sẽ càng tô điểm phong cảnh và tạo được nhiều hạt nhân trung tâm của khu chức năng (khu công cộng, dân cư, du lịch...), cần có biện pháp tuyệt đối bảo vệ lưu vực các suối chính chống sự ô nhiễm và bồi lắng: thành lập chương trình tái định cư đồng bào sinh sống dọc theo lưu vực suối Cam Ly, đồng thời với chương trình dài hạn nạo vét phục hồi các hồ đã tồn tại.
Về cây xanh, tuyệt đối không khai thác cây xanh và rừng Đà Lạt. Trong thành phố, thông là cây xanh đô thị, và ở khu ngoại vi, rừng thông phục vụ du lịch, ngoạn cảnh, săn bắn, cắm trại, bảo vệ lưu vực các sông Đồng Nai, Đa Nhim... Cần quy định ranh giới cụ thể của rừng bảo tồn với những quy định nghiêm ngặt không cho phép xây cất, trồng trọt, khai thác lâm sản và khoáng sản, làm nhà máy...
Về kiến trúc công trình, phải tái khẳng định tính chất thành phố công viên, thành phố - vườn.
Họa đồ quy hoạch, phân lô xây dựng TP. Đà Lạt phải xác định thật rõ ràng ranh giới các phân khu chức năng. Khu danh lam thắng cảnh, khu công sở, khu biệt điện, khu biệt thự các hạng A, B, C..., khu nhà biệt lập, nhà song lập, khu nhà phố, khu nhà có vườn, khu thương mại, khu chung cư, khu công cộng, công viên, khu thể thao, du lịch, khoảng trống bất kiến tạo...
Kích thước lô đất phải được phân chia phù hợp với từng loại công trình để có được không gian trống kèm theo, dành cho vườn hoa cây cảnh hay để tạo sự thoáng đãng cho tầm nhìn cảnh quan chung. Để cụ thể hóa không gian trống kèm theo, cần phải có những quy định có tính chất bắt buộc cho từng loại công trình về mật độ tối đa của công trình được phép xây dựng trong lô đất và khoảng cách tối thiểu tính từ ranh giới lô đất đến công trình.
Tuyệt đối không cho phép xen cấy lẫn lộn các dạng nhà khác nhau trong cùng một phân khu hay chia cắt đất đã được phân lô hợp lý để xây dựng thêm công trình.
Hiện nay và trong tương lai, vấn đề giải quyết nhà ở cho cư dân của thành phố là bài toán nan giải nhất, nhưng cần phải được ưu tiên giải quyết để tránh sự lan tràn tự phát gây nguy hại đến các vùng cảnh quan của thành phố. Để tăng quỹ nhà ở, chúng ta có thể đa dạng hóa các trung tâm dân cư, trên nguyên tắc tạo thành các quần thể công trình - công viên hay công trình-vườn biệt thự các loại, nhà biệt lập có sân vườn, nhà vườn, quần thể nhà ở cao tầng có công viên bao quanh...
Quan trọng nhất và hơn bao giờ hết là đồ án cải tạo, chỉnh trang và phát triển của Đà Lạt cần được nghiên cứu kỹ về mọi mặt, sớm được ban hành kèm theo một chương trình sử dụng đất và điều lệ quản lý được duyệt, có tính chất pháp lý để thực hiện. Có như vậy, thành phố Đà Lạt mới có điều kiện để được phát triển cân đối, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên vốn là di sản độc đáo cần được chăm sóc và tôn tạo.
Đất đô thị là một tài sản vô giá chỉ có mất đi mà không thể tự sinh ra được. Giá trị của đất đô thị Đà Lạt không giới hạn trong phạm vi các khu dân cư hay thương mại, mà có giá trị ngay cả tại những khu rừng thông hay khoảng đất trống còn hoang sơ không có người ở, nó mang lại cho chúng ta môi trường trong lành, cảnh quan xinh đẹp và những nguồn lợi tức lớn lao từ ngành du lịch. Ngoài ra, quỹ đất còn là nguồn vốn để giữ gìn và phát triển đô thị bằng giá trị cho thuê sử dụng đất, thông qua những chương trình hợp lý mà vẫn bảo đảm được sự hài hòa của kiến trúc cảnh quan của thành phố.
Trên đây là một số suy nghĩ ban đầu để phụ họa vào việc giữ gìn bức tranh phong cảnh và kiến trúc cảnh quan của Đà Lạt. Những nét trên không phải là những sáng kiến mới được khám phá, mà thực tế đã được nhà quy hoạch và quản lý đô thị đặc biệt là các kiến trúc sư người Pháp, và sau đó là người Việt, nghiên cứu công phu và thực hiện thành công tại Đà Lạt, tạo nên những di sản nổi tiếng trong và ngoài nước. Lẽ nào chúng ta không tìm cách chọn lọc và áp dụng những thành quả đó để giữ gìn, tôn tạo và phát triển thành phố chúng ta ngày thêm đẹp hơn?

KS. NGUYỄN VINH LUYỆN
KTS. TRẦN CÔNG HÒA
KTS. NGUYỄN PHÁP
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Đặng Thái Hoàng, Lịch sử nghệ thuật quy hoạch đô thị, Nxb Khoa học và kỹ thuật, H.,1992.
2- Hàn Tất Ngạn, Kiến trúc cảnh quan đô thị, Nxb Xây dựng H.,1991.
3- Nguyễn Khởi, Kiến trúc Việt Nam, các dòng tiêu biểu, 1992.
4- Tập san Sử Địa, 5., 1971, Số 23-24.
5- A.Berjoan et J. Lagisquet, Les réalisations d'urbanisme à Dalat, H., Indochine, 1943, No164-165.
6- Ernest Hébrard, Futur plan de Dalat, H., 1923.
7- Etienne Tardif, La mission du Lang Bian (1899-1990), Ogeret et Martin, Vienne, 1902.
8- J.Lagisquet, Rapport de présentation, 1942.
9- L.G. Pineau, Dalat, capitale administrative de l'Indochine?, Revue indochinoise juridique et économique, H., 1937, No 2.
10- Physionomie de Dalat en 1937, L'Asie nouvelle illustrée, S., 1937, No 56.
Tác giả:
Thiên nhiên của Đà Lạt vốn là một vùng, phong cảnh tự nhiên miền núi tuyệt đẹp được kết hợp hài hòa với những công trình sáng tạo của con người. Từ đầu thế kỷ này, Đà Lạt được lựa chọn xây dựng theo dạng một thành phố - vườn giữa những rừng thông với màu lá xanh tươi là những đỉnh núi hùng vĩ của rặng Lang Biang (cao hơn thành phố 700-900m) chế ngự mọi tầm nhìn từ thành phố. Dựa theo các sườn đồi là các tòa nhà xinh xắn với tường vôi, ngói đỏ, hình khối đa dạng ẩn hiện khi trên cao, khi dưới thấp dọc theo các trục lộ. Toàn bộ bức tranh đó được tô điểm thêm bằng hình ảnh phẳng lặng của mặt nước hồ tạo thành một bức tranh thủy mặc làm rung động lòng nguời.
Bài toán quan trọng hàng đầu trong lịch sử quy hoạch và phát triển TP. Đà Lạt là xây dựng được một thành phố sinh động, sung túc và đủ điều kiện tiện nghi cho cư dân và du khách mà vẫn bảo vệ được giá trị của phong cảnh thiên nhiên.
1- CÁC YẾU TỐ HÌNH KHỐI TẠO THÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
Các yếu tố hình khối chủ yếu trong bức tranh phong cảnh của Đà Lạt tạo nên sự xúc cảm cho con người bao gồm: địa hình của đồi núi, mặt nước của suối hồ, màu xanh của rừng thông và kiến trúc độc đáo của công trình xây dựng.
1.1 YẾU TỐ ĐỊA HÌNH
 Cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang) với bề rộng 12 km có địa hình rất đặc biệt bao gồm những chuỗi đồi thoai thoải dạng cong tròn nhấp nhô, xen kẽ nối tiếp nhau trải dài 18 km đến tận chân rặng núi Lang Biang hùng vĩ án ngự ở phía Bắc như một tấm phông màu xanh thẫm. Sư xâm thực, nhất là sự xói mòn mãnh liệt của các dòng nước; đã mài dần mặt đất, đưa cốt liệu từ vùng đồi cao xuống vùng thung lũng thấp làm địa thế trở nên bằng phẳng hơn.
Đặc trưng của địa hình Đà Lạt là những hình khối chủ yếu, ổn định; chúng chia cắt không gian một cách mạnh mẽ thành những khu vực riêng biệt, rõ nét và tạo nên những chuỗi phong cảnh phong phú, đa dạng. Trong việc xây dựng thành phố trước đây, người ta đã tôn trọng nguyên tắc bảo vệ địa hình tự nhiên; việc áp dụng biện pháp san nền để biến đổi địa hình dốc thành bãi đất bằng đã không được áp dụng trên quy mô lớn.
Các quả đồi cao nhất với rừng thông xanh ngắt quanh năm, mà từ đó người ta có thể quan sát được toàn cảnh của thành phố, đã được chọn lựa để xây dựng những công trình dinh thự, tôn giáo uy nghi, sang trọng:
* Biệt điện số 1: cao độ 1.550,00; phía Đông của TP.
* Biệt điện số 2: cao độ 1.539,50; phía Đông Nam và trông thẳng xuống hồ Xuân Hương, trước đây được xây dựng làm dinh của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương.
* Biệt điện số 3: cao độ 1.539,00; phía Tây Nam của TP, trước đây là dinh của Hoàng đế Bảo Đại.
* Đồi "Ngọc Hoàng": cao độ 1.551,00; khu vực dự kiến để xây dựng Phủ toàn quyền Đông Dương theo đồ án quy họach năm 1923 của E. Hébrard, đến nay vẫn còn bỏ trống.
* Dinh tỉnh trưởng cũ: cao độ 1.532; án ngữ trung tâm Chợ Đà Lạt, mà ngày nay là Đài truyền hình Lâm Đồng.
* Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế: cao độ 1.548,20; phía Bắc của TP.
* Lăng Nguyễn Hữu Hào (cha vợ của vua Bảo Đại): cao độ 1.523,00; ở phía Tây của TP và trông xuống thác Cam Ly.
Với diện tích đất rộng lớn bao trùm hẳn một ngọn đồi, các công trình dinh thự nêu trên là một quần thể kiến trúc với tòa nhà chính đồ sộ, kiêu hãnh nằm trên điểm cao nhất; bao bọc xung quanh có hệ sân đường ngoạn cảnh, vườn hoa, bồn nước... dẫn dắt công trình hoà nhập vào khung cảnh thiên nhiên. Các tòa dinh thự này với màu tường sáng, chiếm lĩnh trên các đỉnh cao, ẩn hiện các rặng thông dày với màu lá xanh tươi là những điểm nhấn, điểm chấm phá trong bức tranh phong cảnh tổng thể của thành phố.
 Các trung tâm công cộng về hành chính, văn hóa, giáo dục, du lịch, thương mại... (tòa hành chánh, bưu điện, nhà thờ, trường học, chợ, công sở...) được bố trí trên những ngọn đồi hay những khu đất rộng rãi và bằng phẳng nhằm xây dựng hệ thống giao thông dễ dàng thuận lợi với những đại lộ lớn, thẳng và ít dốc (như trục đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Chi Lăng, Phan Đình Phùng...). Ngoài ra, do không phải cải tạo địa hình nên các trung tâm này mặc dù chiếm những không gian lớn cũng không làm thay đổi các đường cong tự nhiên của địa thế.
Việc xây dựng các khu biệt thự rất được chú trọng do sự hòa nhập hoàn toàn của công trình kiến trúc vào thiên nhiên, với địa hình và rừng thông được giữ hầu như nguyên vẹn. Người ta đã sắp xếp các tòa biệt thự với nhiều tầng nhiều cấp theo sát đường đồng mức để bám lấy địa hình mà không phải phá hủy nó. Do lấy thiên nhiên làm nền, làm không gian chính của cảnh quan nên người ta đã khống chế phạm vi xây dựng ở mật độ rất thấp so với diện tích phân lô rất lớn.
 Các khu vực đất thấp dưới các thung lũng lớn, ở khuất và xa trung tâm thành phố được bố trí cho khu vực dân cư làm nông nghiệp. Đất đai được phân lô đủ lớn để sản xuất và dựng nhà, do đó tính chất thành phố - vườn vẫn được tìm thấy tại khu vực này, (ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thiện, Thái Phiên, Nam Hồ, Trại Hầm, Trại Mát, Thánh Mẫu...). Do đặc tính của việc sản xuất nông nghiệp, người dân cần thửa vườn rộng và phẳng để tưới tiêu và chăm bón nên đã cải tạo địa hình dốc thành những thửa đất dạng bậc cấp đi từ các thung lũng lên các sườn đồi bao quanh. Trong chừng mực nào đó, việc cải tạo này dưới các thung lũng thấp không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan. Nhưng một khi phương thức canh tác này phát triển không kiểm soát được trong tầm nhìn của cảnh quan chính hay lan tràn vào lưu vực các suối chính thì nó thật sự trở thành một hiểm họa to lớn. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho hồ Mê Linh và hồ Vạn Kiếp đã hoàn toàn mất dạng và một phần của hồ Xuân Hương đã trở thành bãi đất bồi với cỏ mọc và trâu bò có thể qua lại được.
BẢNG 1*

Loại công trình Diện tích phân lô Mật độ xây dựng
Biệt thự loại A >2.000m2 <10%
Biệt thự loại B 1.500m2 15%
Biệt thự loại C 1.000m2 20%
Nhà biệt lập loại D 800m2 25%
Nhà biệt lập loại E 200-500m2 30%
Nhà phố loại F,G 80-100m2 60-70%
 * Số liệu ghi nhận trước năm 1970
Trong chương trình sử dụng đất từ năm 1942 đến nay, để giải quyết việc di dân của người Việt, người ta đã thực hiện ý định bố trí khu ngoại ô của thành phố cho cư dân lao động sản xuất nông nghệp. Khu vực này trước đây được kiểm soát chặt chẽ trong một ranh giới nhất định. Trong một khoảng không gian rộng hình rẻ quạt về phía Bắc của thành phố, các quả đồi đẹp và hoang sơ từ hồ Xuân Hương đến tận rừng núi Lang Biang đã được giữ gìn để du khách thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên. Một vài công trình quốc gia như Lò phản ứng hạt nhân, Giáo hoàng học viện, Trường đại học Đà Lạt hình thành trong thập niên 1950-1960 trên những quả đồi có độ cao trung bình, thấp thoáng giữa những rặng thông đã tô điểm thêm vào bức tranh phong cảnh tĩnh mịch đó những nét chấm phá sinh động.
1.2 YẾU TỐ MẶT NƯỚC
Giữa các quả đồi là các thung lũng có nhiều suối nhỏ mà dòng suối quan trọng nhất chảy qua Đà Lạt là dòng Cam Ly. Việc sắp xếp thành phố đã được thực hiện phần lớn dọc hai bờ con suối này. Từ năm 1900, kỹ sư Rousselle đã có ý nghĩ tạo lập một hồ nước nhân tạo. Hồ Xuân Hương đã được thành hình một phần vào năm 1919 khi đắp xong đập thứ nhất, năm 1923 hồ được mở rộng, và đến năm 1935 thì hoàn chỉnh như ngày nay sau khi xây dựng đập Cầu Ông Đạo và loại bỏ các đập cũ bị bể vỡ. Từ đó đến nay việc tạo thêm các hồ nước nhân tạo đã gia tăng đều đặn và gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố, và là những công trình kỹ thuật có giá trị nhất nối liền con người với thiên nhiên.
 Năm 1923 E. Hébrard đã đề xuất quy hoạch thành phố Đà Lạt xung quanh một chuỗi hồ nhân tạo, mỗi hồ nước là một nhân trung tâm của một phân khu chức năng, theo dòng Cam Ly kể từ thượng lưu sẽ gồm:
 * Hồ Than Thở: ở đầu nguồn, vừa cung cấp nước uống vừa là hồ cảnh, đã cùng với các đồi thông chung quanh tạo thành bức tranh hữu tình nổi tiếng.
* Một hồ nước dự kiến tạo thành tại khu vực giữa Chi Lăng và Thái Phiên, là tâm điểm của Trung tâm hành chính trung ương.
 * Hai hồ nước nhỏ dự kiến giữa khu vực trường học ở phía Nam và trại lính ở phía Bắc (khu vực phía Bắc Cô Giang ngày nay).

 * Hồ Xuân Hương: rộng lớn nhất và tồn tại đến ngày nay, là bố cục của một công viên trung tâm. Các khách sạn du lịch và khu giải trí được bố trí ở bờ phía Nam, vườn hoa, sân golf và khu dự kiến phân lô biệt thự ở bờ phía Bắc. Bố cục chính của khu vực này đã được tổ chức theo đồ án của E. Hébrard, J. Lagisquet và hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể cho tới ngày nay, ngoại trừ việc dự kiến xây dựng biệt thự đã không được thực hiện do e ngại sẽ làm hủy hoại tầm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp về phiá Lang Biang.
* Hồ nước cuối cùng được dự kiến trước khi dòng suối chảy đến thác.
Mặc dù không được thực hiện trọn vẹn, sáng kiến này đến nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Nếu được thực hiện trong tương lai, sáng kiến này sẽ làm tăng vẻ đẹp của phong cảnh, vừa làm tăng giá trị của đất đai xung quanh các hồ, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong thành phố (Xem bản đồ E. Hébrard ).
Tính đến nay, tại TP Đà Lạt đã xây dựng được 8 hồ lớn nhỏ với:
- Tổng diện tích lưu vực (TDTLV): 50km2
- Tổng diện tích mặt nước (TDTMN): 121 ha
- Tổng dung tích hồ (TDTH) : 6,16 triệu m3 nước.
(Không kể đến 2 hồ đã bị bồi lắng hoàn toàn là Vạn Kiếp và Mê Linh).
Nếu tính cả các hồ thuộc vùng phụ cận mà quan trọng nhất là các hồ: Dankia, Suối Vàng, Tuyền Lâm thì TDTLV là 100km2, TDTMN: 756 ha, TDTH: 18,24 triệu m3 nước.
Như vậy, tỷ lệ của diện tích mặt nước so với tổng diện tích đất của cao nguyên là khoảng 4%, một tỷ lệ khá cao nếu so sánh với những thành phố khác.
Ngoài công dụng cung cấp nước uống cho cư dân thành phố, điều hoà nước tưới cho nông dân, suối và hồ nước là trung tâm của các thắng cảnh: không cảnh đẹp nào của Đà Lạt mà thiếu vắng hình ảnh phẳng lặng và thoáng mát của mặt nước. Nó phản chiếu cảnh vật, làm tăng chiều cao không gian, điều hòa vi khí hậu, tạo bầu không khí trong lành và cảm giác thanh bình cho du khách.
Hồ Xuân Hương là bố cục chính của vùng trung tâm, nơi quần tụ của công trình khách sạn, công trình công cộng, khu thể thao, nhà thủy tạ tại bờ phía Nam . Khoảng trống của hồ đã tạo được tầm nhìn gắn bó với bờ đối diện là vùng đồi và các chòm thông xanh được giữ gìn như một công viên thiên nhiên dưới chân rặng núi Lang Biang. Điạ hình khu vực lồi lõm, đường vòng trên bờ quanh co ẩn khuất sau những rặng cây đã tạo nên cảm giác thú vị cho người ngoạn cảnh và làm cho mặt hồ như rộng lớn hơn.
 Nhà thủy tạ (La Grenouillère) có kiến trúc đơn giản với mặt đứng chỉ gồm những nét thẳng, dứt khoát và thanh mảnh, được quét màu vôi trắng như nổi lên giữa màu xanh của quang cảnh thiên nhiên, đó là điểm nhấn không thể thiếu được tạo thêm sự duyên dáng cho mặt hồ.
Trong đồ án năm 1943 của KTS J. Lagisquet, người ta đã dự trù bố trí một công viên dạng bậc cấp từ Biệt điện số 2 đến hồ Xuân Hương, bao gồm những vườn hoa, cây cảnh, bể và thác phun nước, và các lối đi cho người thưởng ngoạn. Nếu thực hiện được dự án này, Đà Lạt sẽ có thêm một phong cảnh đặc sắc, liên hoan bao gồm kiến trúc nguy nga của dinh thự, có cây cảnh và vườn hoa rực rỡ trải dài từ trên đồi cao đến mặt hồ.
1.3 YẾU TỐ VỀ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH
 Trong địa hình bằng phẳng, việc quy hoạch theo ô bàn cờ là giải pháp tối ưu về nhiều phưong diện. Để tạo hình cho đô thị trong trường hợp này người ta phải dùng đến các biện pháp: đắp đất tạo đồi, đào hồ tạo mặt nước, mở các quảng trường để tạo thành các không gian biến động.
Thành phố Đà Lạt với địa hình không bằng phẳng đã tạo thành những không gian linh động, biến đổi không ngừng trên mỗi bước đi.
Từ trên đường Trần Hưng Đạo, giữa rừng thông cao vút, khi nhìn qua phía Bắc ta sẽ có một phong cảnh kỳ ảo: dãy Lang Biang xanh thẫm hiện ra ở cuối chân trời với hình dáng hùng vĩ, mềm mại làm nền cho toàn cảnh bức tranh, gần hơn và dưới thấp là những quả đồi tròn ẩn hiện nhấp nhô, và đây đó là những rặng thông soi bóng xuống mặt hồ Xuân Hương phẳng lặng. Phong cảnh này lại được lặp lại nhiều lần với nhiều hình thái khác nhau trên các đoạn đường cao như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh...
 Từ trung tâm thành phố, ta đã thấy xa xa ẩn hiện đỉnh tháp chuông của nhà thờ Chánh Toà trên những rặng thông. Khi vừa bước chân qua khỏi khúc quanh của dốc Lê Đại Hành, ta bất ngờ diện kiến một công trình sừng sững và cao vút. Tiếp sau sự ngạc nhiên đầy thích thú là cảm giác tôn kính và sự ngưỡng mộ đối với một công trình kiến trúc đặc sắc. Để giữ vẻ trang nghiêm, ngoài hình dáng kiến trúc đối xứng theo chủ nghĩa kiến trúc cổ điển, công trình còn được án ngữ bằng một đảo giao thông trước mặt tiền, để tránh cho đường lộ hướng trực tiếp vào cổng nhà thờ.
Vượt qua đèo Prenn giữa rừng thông san sát, vừa đến cửa ngõ thành phố tại bến xe, ta đã được thưởng ngoạn một tầm nhìn bao quát toàn bộ thành phố: từng lớp nhà xếp trên nhau và trải dài xuống thung lũng, ẩn hiện trong màu xanh của cây và sương khói. Về đêm, bầu trời dường như tràn xuống dưới chân du khách với muôn ngàn ánh sao lấp lánh, ở thành phố đồng bằng ta chỉ thấy được điều này từ trên máy bay.
1.3.1 Dinh thự
     Đà Lạt có các dinh thự lớn là Biệt điện số 1, 2 và 3. Đây chính là nơi để nghỉ mát và làm việc được xây dựng theo dạng cung điện dành cho các nguyên thủ quốc gia.
- Dinh 1 là một quần thể công trình lớn xây dựng trên một diện tích đất hơn 60 ha, ngôi nhà chính là một tòa nhà một hầm, một trệt, một lầu, mái lợp ngói đỏ, hình thức mang dáng dấp kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ XIX. Hai hàng cây cao có thân trắng xốp ven lối vào công trình nổi bật trong nền rừng thông sẫm. Giữa con đường là một đảo hoa xoay đến công trình chính, mặt bằng công trình đối xứng với lối vào ở giữa và hệ thống cầu thang, hành lang trổ ra hai bên. Quanh đó là một số biệt thự lớn khác (nhà cận vệ quân, ngự lâm quân, các nhà phục vụ...) và một hệ thống sân vườn, bể cảnh, đường đi dạo đã tạo thành một quần thể hoàn chỉnh.
 - Dinh 2 và Dinh 3: Khác với trường phái học viện của công trình trên, đây là những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân kiến trúc ở châu Âu lúc bấy giờ (1920-1930) do Le Corbusier và Gropius đề xướng. Lúc này, kiến trúc đã bắt đầu phi đối xứng và đi vào yếu tố hình khối, bố cục tự do. Đây là những công trình đồ sộ với mái bằng, hình khối, bố cục tuy cân đối nhưng không đối xứng, có cùng một thời điểm xây dựng 1933-1938. Mặt bằng được bố cục tương đối hiện đại, toàn bộ tầng trệt dành cho các phòng làm việc và tiếp khách gắn với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn. Ở đây, không gian kiến trúc bên trong và bên ngoài hoà lẫn vào nhau quanh các lối đi và cửa sổ kính bằng khung thép rất lớn, hoặc qua các sân vườn có cột trụ bao quanh để tạo thành những không gian chuyển tiếp.
 Toàn bộ phận lầu được dành riêng cho sinh hoạt gia đình. Hai công trình này đều có sảnh lớn vươn ra làm mái che để đón khách khi xe đỗ, đây là một phương pháp thể hiện mới tại thời điểm nhằm tạo thêm sự uy nghi, bề thế cho công trình.
 Hình thức kiến trúc ở hai công trình này cũng bắt đầu khác, chủ yếu đi vào bố cục hình khối chứ ít đi vào chi tiết. Mặt bằng linh động, lồi lõm tạo thành những mảng hình khối lớn.
 1.3.2 Biệt thự
 Biệt thự được phân chia thành nhiều hạng theo diện tích phân lô của đất xây dựng - Biệt thự tiêu chuẩn cao (DTPL>1.500m2) là nơi ở hay nghỉ mát dành cho tầng lớp thượng lưu trước đây, gồm các khu Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Lê Lai, Nguyễn Du... đều nằm xa trục đường chính. Các ông trình được bố trí cách xa nhau từ vài chục đến vài trăm mét.

 Tầng hầm được xây dựng theo địa hình với nền nhà rất cao (> 40cm) và thường có cầu thang được bố trí ngoài trời để vào tầng trệt. Tầng trệt có sảnh, tiền sảnh và phòng khách rộng rãi, độ cao tầng rất lớn (có khi đến 6m). Tầng trên là các phòng ngủ, phòng sinh hoạt gia đình hay terrasse...
Cũng như dinh thự, các biệt thự này được xây dựng theo hai thể loại:
- Thể loại thứ nhất theo trào lưu cổ điển được xây dựng nhiều vào thời kỳ đầu với bố cục mặt bằng đơn giản, thường đi sâu vào các chi tiết mặt đứng. Nhà mái ngói có độ dốc lớn, mặt bằng đơn giản có nguồn gốc từ kiểu kiến trúc xứ lạnh miền Bắc nước Pháp, loại biệt thự này thể hiện ở cách trình bày cầu kỳ của các chi tiết mái, cầu thang, chi tiết trang trí trên cửa sổ, cửa đi, và đặc biệt là những hoa văn ở những vòm cuốn giả trên cửa có tính nghệ thuật cao.
 - Thể loại thứ hai với bố cục mặt bằng tự do và linh động, được bố trí tùy theo địa hình hay chức năng sử dụng, đã tạo thành hình khối công trình đa dạng hơn: mái nhà được lợp ngói hoặc làm mái bằng bêtông cốt thép, kiểu dáng tương tự kiến trúc miền Nam nước Pháp hay miền Địa Trung Hải, đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại. Loại này được xây dựng về sau và phát triển cho đến nay, kiến trúc hướng vào nghệ thuật tạo hình khối và tổ chức sân vườn chung quanh. Ở đây, không gian ở và môi trường tự nhiên đã được xử lý bằng những trung gian như mái hiên, vườn cảnh... tạo thành một hệ thống không gian liên tục.
 Mỗi một biệt thự là một đóa hoa kiến trúc xinh đẹp và cả thành phố là một vườn hoa lớn với những trục đường biệt thự muôn hình muôn vẻ. Những tòa nhà này với kiểu dáng phong phú có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều thể loại kiến trúc nhà ở của nhiều địa phương của nước Pháp:
 - Kiến trúc vùng Normandie (phía Tây Bắc nước Pháp): Kiểu nhà mái ngói lớn với phần đuôi được bẻ góc, có tường xây đá chẻ đến hệ cửa sổ và phần bên trên xây gạch để lộ các khung sườn gỗ.
 - Kiến trúc vùng Bretagne (phía Tây nước Pháp): Kiểu nhà mái lợp bản thạch (ardoise) có tường xây đá chẻ với tường hồi có viền xây cao hơn mái.
 - Kiến trúc vùng Pays Basque (phía Tây Nam nước Pháp): Có tường hồi quay ra mặt tiền với khung sườn nổi và có mái vươn rộng ra khơi tường.
 - Kiến trúc vùng Savoie (phía Đông Nam nước Pháp): Đặc điểm như kiến trúc vùng Pays Basque nhưng tầng dưới được xây, còn tầng trên được đóng bằng gỗ và có balcon rộng...
Ngoài ra, thành phố cũng có các khu biệt thự hạng vừa (DTPL < 1.000m2) và các nhà biệt lập có sân vườn (DTPL<500m2) là loại công trình được phổ biến tại trung tâm thành phố, dành cho tầng lớp trung lưu, công chức trước đây như các trục: Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Bùi Thị Xuân... Nhà có mặt bằng đơn giản, mái lợp ngói, tường xây gạch quét vôi, có nơi làm bằng gỗ theo thiết kế điển hình (trước 1954). Để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của đồi núi, tất cả các công trình kiến trúc đều được xây dựng theo khoảng lùi quy định, nhờ khoảng cách này đường vào nhà dễ dàng với độ dốc nhỏ, cũng như tạo được một khoảng sân làm vườn hoa trước mỗi công trình.
 1.3.3 Kiến trúc trường học
 Đa số các ngôi trường lớn ở thành phố Đà Lạt đều có phong cách kiến trúc tương đối giống nhau. Mặt bằng ổn định gồm các dãy lớp học, một hoặc hai tầng. Đa số đều lợp mái ngói và console gỗ có nguồn gốc từ kiến trúc địa phương của Pháp, console có những chi tiết gia công rất công phu vừa để đỡ mái ngói vươn ra, vừa để trang trí. Đặc biệt, trường Lycée Yersin là một kiểu kiến trúc độc đáo về trường học hiếm thấy ở nước ta, mặt bằng tuy vẫn ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cổ điển, nhưng đã vượt lên bằng cách tự uốn mình theo một đường cung tròn mềm mại ôm lấy một khoảng sân bên trong rất lớn và bằng dấu nhấn mạnh mẽ là tháp chuông lợp bản thạch vươn cao giữa rặng thông và hướng về mặt nước hồ Xuân Hương.

Toàn cảnh Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt
(Trường Trung học Yersin cũ)

 1.3.4 Công sở và công trình công cộng
 Đại bộ phận các công sở ở thành phố Đà Lạt đều là những biệt thự lớn có sân vườn, công viên rộng rãi bao quanh, với hình thức kiến trúc đối xứng, trang nghiêm và có mặt bằng đơn giản.
Nha địa dư (hiện nay là Xí nghiệp bản đồ II) là một thí dụ điển hình của công trình kiến trúc đồ sộ có hình khối vuông vức với mái ngói cao, mặt tường bằng khối xây gạch đá tạo cho ta một cảm giác uy nghi, quyền lực. Tòa nhà được bố trí với hành lang giữa, hai dãy phòng làm việc ở hai bên và chính giữa là cầu thang, tiền sảnh.
 Nằm bên cạnh Đồi Cù ẩn mình trong cây xanh, Giáo hoàng học viện Pio X là một công trình tân kỳ đã giải quyết thành công mối tương quan giữa kiến trúc và cảnh quan. Để bảo đảm được nhu cầu của hàng trăm người vừa sinh hoạt vừa học tập. KTS. Tô Công Văn đã thiết kế một khối nhà bốn tầng và một khối khác hai tầng bên nhau, toàn bộ diện tích đất còn lại (hơn 80%) được dành cho các vườn hoa, thảm cỏ, cây cảnh, sân thể dục thể thao, đường giao thông và đi dạo.
 1.3.5 Nhà ở khu dân cư làm nông nghiệp
 Nhà liền vườn là dạng kiến trúc nông thôn Việt Nam rất phổ biến trong khu ngoại ô thành phố và quây quần lại thành từng làng xóm (hay còn gọi là "ấp") mang tính địa phương của quê quán cư dân. Ấp của người Việt tại Đà Lạt quy tụ dọc theo các đường lộ ngoài khu trung tâm và phát triển sâu đến các dòng suối của khu vực. Đó là quần thể nhà ở kết hợp với vườn sản xuất các loại hoa, rau quả cho Đà Lạt. Các ấp nông nghiệp này hiện nay chiếm một bộ phận đất đai lớn của Đà Lạt (trên 20% diện tích thành phố).
 Nhà ở là những ngôi nhà nền đất cao đến 40cm, có bố cục số gian lẻ thường là ba gian, có kết cấu khung gỗ chịu lực, mái lợp ngói hay tôn. Nhà thường có hiên phía trước, có khi ở đầu hồi hoặc quanh nhà, đó là không gian chuyển tiếp giữa trong và ngoài nhà, có tác dụng che nắng mưa, để đón khách hay nghỉ ngơi. Ngôi nhà thường được bố trí giữa vườn cây ăn quả, có sân rộng trước nhà cùng với mái hiên, dàn cây phong lan, cây kiểng, hòn non bộ tạo thành một tiểu cảnh mô phỏng thiên nhiên cô đọng và hữu tình.
Ta có thể quan sát một khu dân cư đặc trưng loại này tại ấp Hà Đông, Đa Thiện, Tùng Lâm hay Nam Hồ. Ở đây, nhà ở mang tính chất nhà vườn, diện tích cho mỗi lô đất từ 1.500m2-3.000m2 khoảng 100m2-200m2 đất dành cho nhà ở, nhà kho, công trình phụ và lối đi, còn lại là vườn cây ăn quả và rau hoa Đà Lạt.
 Kiến trúc của từng công trình rất đơn giản, được xây dựng theo dạng nhà nông thôn Việt Nam . Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh, đây lại là một bức tranh đặc sắc ngoạn mục.
 Từ trên quốc lộ 20, qua đoạn núi cao trên đường đi Trại Mát, ta quan sát được toàn bộ thôn ấp nằm dưới thấp với phần đất trồng rau rộng lớn dạng bậc thang chạy dài xuống tới đáy thung lũng với dòng suối nhỏ và hồ chứa nước. Đây đó là những mái nhà xinh xinh, nhỏ bé được che khuất một phần bởi những vườn cây ăn quả. Hiện còn rất nhiều vùng đất trống tương tự ven thành phố hội đủ những điều kiện để phát triển cho cư dân làm nghề nông, việc thành lập các thôn ấp như trên là một định hướng tốt đẹp góp phần giải quyết việc gia tăng dân số cho thành phố.
 1.3.6 Nhà phố và nhà liền căn
 Nhà phố trước đây chỉ được quy hoạch trong các trung tâm thương mại sử dụng để buôn bán và để ở, được xây dựng liên kế thành từng dãy 6-8 căn có từ 1-2 tầng lầu. Mặt bằng nhà là hình chữ nhật (rộng từ 4-5m, dài từ 12-16m) không đòi hỏi diện tìch đất lớn và có mật độ xây dựng 60-70% diện tích đất. Hiện nay, loại nhà này có khuynh hướng phát triển tràn lan, kể cả ngoài các khu thương mại do áp lực của sự khan hiếm đất xây dựng, điều này gây phương hại đến bộ mặt kiến trúc của thành phố do hình khối đơn điệu và nghèo nàn, mật độ xây dựng quá cao nên thiếu sân vườn và chỉ có điều kiện tối thiểu về chiếu sáng, thông gió tự nhiên.
 1.4 YẾU TỐ CÂY XANH TRONG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN CỦA THÀNH PHỐ
 Nói đến cao nguyên Lang Biang, người ta liên tưởng ngay đến rừng thông và thác nước. Rừng thông bao quanh Đà Lạt là rừng tùng loại (forêt de conifères) chiếm một diện tích rất lớn, ngoài ra cũng có nhiều rừng cây diệp loại (forêt de feuillus) như: giẻ, sồi...
 Đà Lạt là một thành phố được hình thành giữa rừng thông. Sau quá trình xây dựng, những rặng thông còn lại đã được giữ gìn và trở thành cây xanh đô thị. Màu xanh của rừng thông đã là bức nền chính luôn gắn liền với mọi bức tranh của thành phố, tôn cao các phối cảnh đẹp của kiến trúc công trình và cũng che giấu những bề mặt xấu. Thông thường màu đỏ và màu xanh là hai màu tương phản khó hài hoà, nhưng trong bức tranh phong cảnh, màu đỏ gạch của mái ngói lại tạo thành những điểm nhấn ấm áp, nổi lên trong màu xanh thẫm của nền rừng thông.
 Tỷ lệ xây dựng của toàn thành phố thường không quá 15% diện tích đất, một phần còn lại chính là rừng thông được giữ lại làm vườn cảnh, cây xanh công trình. Ngoài ra trong trung tâm thành phố, người ta đã dành một số khoảng đất trống được bảo vệ làm công viên. Đây là các rừng thông nhỏ liên hoàn lại thành mảng cây xanh cho toàn thành phố, tạo cho khung cảnh vẻ tĩnh mịch của rừng núi cao nguyên.
Ngoài thành phố là vùng đất rộng lớn về phía bắc được dành riêng để bảo tồn rừng cảnh quan phục vụ săn bắn, ngoạn cảnh và du lịch... nhiều khoảng trống khác được dành cho khu thể thao, cắm trại, công viên hay bất kiến tạo. Tổng cộng diện tích này lên đến 10.000 ha, chiếm 60% diện tích thành phố (theo đồ án quy hoạch của J. Lagisquet). Điều này nhằm bảo vệ những giá trị tự nhiên của thắng cảnh Đà Lạt, chống lại sự khai phá thái quá của con người.
 2- VẤN ĐỀ KIẾN TRÚC CẢNH QUAN TRONG NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA ĐÔ THỊ ĐÀ LẠT
 Trong 100 năm qua, từ một vùng cao nguyên hoang dã, cư dân thưa thớt, Đà Lạt đã trở thành một thành phố nổi tiếng có trên mười vạn dân với mạng lưới kỹ thuật hạ tầng rộng khắp và những công trình kiến trúc đa dạng.
Lịch sử quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt có thể chia ra thành những giai đoạn sau đây:
 2.1 Giai đoạn hình thành trạm nghỉ dưỡng vùng cao (1900-1922)
 Vào những năm 1897-1899, khi quyết định chọn cao nguyên Lang Biang làm địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng theo đề nghị của Bác sĩ Yersin. Toàn quyền Doumer đã quyết định đặt trạm nghỉ dưỡng tại Dankia, cách Đà Lạt 15km về phía Bắc - Tây Bắc.
 Nhưng đồng thời với việc xây dựng các tuyến giao thông các cơ sở hạ tầng ban đầu, đã xuất hiện nhiều ý kiến đề nghị chọn Đà Lạt thay vì Dankia.
 Trong một điệp văn bàn về địa điểm xây dựng một trạm nghỉ dưỡng tại Lang Biang (30.3.1900). A. Capus - Giám đốc Nha nông nghiệp và thương mại Đông Dương - đã nêu rõ những ưu điểm của Đà Lạt: độ cao 1.500m, hoàn toàn thoáng đãng, tầng đất ngầm thẩm thấu trên nền đá hoa cương, có bóng mát của rừng từng loại. Có thể nhìn bao quát toàn thể cao nguyên và toàn dãy núi ở phía chân trời.
 Năm 1902, trong một tác phẩm nhan đề "Phái đoàn Lang Biang" (La mission du Lang Biang). Bác sĩ E.Tardif đã phân tích những ưu thế của Đà Lạt so với Dankia, có thể tóm tắt như sau:
 * Về địa hình: Đà Lạt ở độ cao trung bình 1.500m bao gồm những dãy đồi bằng phẳng có độ dốc thoai thoải, với lớp đất sét mỏng phù hợp cho việc trồng trọt. Trong khi đó, Dankia thấp hơn 100m, tức nằm trong lòng chảo giữa Đà Lạt và rặng núi Lang Biang, chỉ gồm những đồi núi nhỏ với độ dốc lớn và những thung lũng lầy lội có lớp đất sét quá dày nên ít thấm nước. Do các ưu thế đó, Đà Lạt có các điều kiện về vệ sinh, cấp thoát nước và xây dựng đường sá tốt hơn Dankia.
 * Về khí hậu: Không khí Đà Lạt thoáng mát, trong lành và ít ẩm, trong khi Dankia nằm bên sườn núi Lang Biang có nhiều gió ẩm, mưa rào và sương mù kéo dài tới 9-10 giờ mới tan.
 * Về cảnh quan và thảo mộc: Dankia có nhiều đồi cỏ xanh và tầm nhìn bị giới hạn trong lòng chảo, trong khi Đà Lạt lại có rất nhiều rừng thông với mùi hương thơm của nhựa lan tỏa khắp nơi và tầm nhìn bao quát được toàn cảnh cao nguyên với rặng núi Lang Biang hùng vĩ trải rộng phía chân trời.
 * Nguồn vật liệu xây dựng: ở Đà Lạt gần hơn so với Dankia.
 Cuộc tranh luận về địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng đã được giải quyết vào năm 1906, dưới thời Champoudry làm thị trưởng. Vốn là một trắc địa viên và từng làm Chủ tịch Hội đồng thị chính Paris , Champoudry đã sơ phác một họa đồ quy hoạch và phân lô cho thành phố Đà Lạt. Do có nhiều kinh nghiệm về vấn đề đô thị, ông đã thiết lập dự án theo phương pháp "zoning"(phân khu), thể hiện được ranh giới giữa những khu có chức năng khác nhau và dự trữ đất cho các công trình tương lai với những đặc đểm sau:
 - Trung tâm công cộng và hành chính hợp thành một khu.
 - Trung tâm thương mại thiết lập gần chợ và trung tâm thành phố (trong vùng này còn có khách sạn và khu casino). Nhà ga được dự trù ở gần địa điểm hiện nay và cạnh đó là trụ sở bưu điện.
 - Đường sá được thiết kế với bề rộng 20m cho đường chính, 16m và 12m cho đường hạng 2.
 Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, người Pháp không thể về nghỉ hè tại châu Âu đã lên nghỉ tại Đà Lạt với lượng người đông hơn. Đà Lạt đã trở thành trạm nghỉ dưỡng nổi tiếng và khoảng năm chục căn nhà gỗ đã được dựng lên gấp rút, nhịp độ xây dựng tăng lên với những công trình xây dựng, giao thông quan trọng: Hôtel du Langbian Palace, Hôtel du Parc, đường nội thị, Hồ Lớn Đà Lạt (nay là hồ Xuân Hương), quốc lộ Phan Rang lên Đà Lạt, bưu điện, trường Nazareth, ngân khố, nhà máy điện, nhà máy nước...
 Trước sự phát triển này, chính phủ Đông Dương nhận thấy cần phải có một "Đồ án chỉnh trang tổng quát" để điều hành việc phát triển Đà Lạt. Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long đã giao trách nhiệm thiết lập đồ án cho kiến trúc sư Ernest Hébrard, một kiến trúc sư từng tham gia trùng tu thành phố cổ Salonique (ở Hy Lạp).

 2.2 Giai đoạn phát triển thành phố (1923-1954)
Năm 1923, Hébrard hoàn tất đồ án, theo đó Đà Lạt sẽ là một thành phố nghỉ mát trên cao. Đây là lần đầu tiên các vấn đề phức tạp của đô thị Đà Lạt đã được nghiên cứu một cách công phu.
Thành phố được bố trí với diện tích vừa phải khoảng 30.000 ha (bề ngang 7 km theo hướng Đông Tây, bề sâu 4,3km theo hướng Nam Bắc) chiếm 14% diện tích cao nguyên. Đây là một diện tích hợp lý cho một thành phố vườn với quy mô dân số từ 30.000-50.000 dân. Ngoài phạm vi thành phố là cảnh quan của đồi núi và rừng thiên nhiên được giữ gìn như lúc ban sơ, với con đường Vòng Lâm Viên làm đường giao thông phục vụ nhu cầu du lịch, ngoạn cảnh và săn bắn.
Vấn đề bảo vệ cảnh quan và bố cục không gian mỹ cảm cho thành phố đã được tác giả quan tâm đặc biệt. Ý tưởng của tác giả là thiết lập một thành phố phong cảnh: thành phố trong rừng cây và rừng cây trong thành phố. Nét nổi bật của đồ án là cách giải quyết vấn đề cảnh quan đô thị. Dòng suối Cam Ly được tôn tạo tích cực để trở thành một trục cảnh quan hấp dẫn cho thành phố, với hệ thống 6 hồ nhân tạo lớn, nhỏ có các trục đường bao quanh men theo sườn các thung lũng. Bố cục chính của thành phố nghỉ mát và thủ đô tương lai được tổ chức quanh trục cảnh quan này, mỗi hồ là nhân của một phân khu chức năng như đã trình bày trong phần trên.
 Nằm về phía Đông Bắc và cách ly hẳn với trung tâm thành phố là Trung tâm hành chánh trung ương bố trí xung quanh một hồ nhân tạo (dự kiến tại khu vực Thái Phiên và Chi Lăng ngày nay).
 Nối với quốc lộ là trục đường xương sống của thành phố, kéo dài từ nhà ga đến thác Cam Ly, dựa theo đường đỉnh của địa hình khu vực (Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú ngày nay). Trung tâm công cộng và hành chính của thành phố được bố trí trên một đoạn của trục lộ, ngoài ra còn có ngân khố, bưu điện, cảnh sát, công chánh, nhà thờ, trường học, thư viện, khách sạn hạng 2, khu thương mại người Âu, văn phòng du lịch ...
 Xa hơn về phía Tây Nam là Dinh Toàn quyền và cạnh đó là Viện điều dưỡng.
 Khu vực phân lô biệt thự cho người Pháp được tập trung ở phía Nam suối Cam Ly (đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Cô Giang, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ, Huyền Trân Công Chúa ngày nay) được phân lô thành 3 hạng (>2.300m2; < 2.300m2; >700m2).
Khu vực dành cho người Việt Nam được bố trí một phần về phía nhà ga, về phía Đông và tập trung nhất ở khu vực làng Việt Nam cũ phía hạ lưu hồ (giới hạn bởi đường phân thủy qua đồi Dinh Thị Trưởng đổ về suối Phan Đình Phùng) gồm có : chợ, trường học, chùa, công viên, lò sát sinh, khu cư dân... Khu cư dân này được dự trù với nhiều nhà biệt lập và hạn chế những dãy nhà liền căn, loại nhà chỉ được cho phép xây cất trong khu thương mại.
 Về công trình kỹ thuật có đường xe lửa và nhà ga được bố trí gần lối vào của quốc lộ 20B, cạnh đó là khách sạn, kho hàng, khu tiều công nghệ và công xưởng. Kèm theo đó là các giải pháp về cấp nước, cấp điện, thoát nước, xử lý rác, nghĩa địa, lò sát sinh...
 Lộ giới và khoảng cách bắt buộc từ ranh giới đất đến mặt tiền công trình (còn gọi là khoảng lùi) đã được quy định cho từng cấp hạng đường (bảng 2)
 BẢNG 2

Loại trục đường Lộ giới (m) Khoảng lùi (m)
Trục chính nhà ga Cam Ly 20 5
Đường cấp I khu dân cư 18 5
Đường cấp I khu thương mại 18 0
Đường cấp II khu dân cư 13 4
Đường cấp II khu thương mại 13 0
Đường cấp III 8 4

 Luật lệ xây dựng trong Đà Lạt được áp dụng chặt chẽ với các quy định về sử dụng đường và quy định về xây cất công trình ban hành ngày 26.7.1923 và ngày 1.6.1923.
Sau khi Đà Lạt có định hướng để phát triển, một số công trình xây dựng và giao thông quan trọng đã được thực hiện:
 - Trong các năm 1932, 1938 đã hoàn tất các công trình giao thông quan trọng đường Đà Lạt- Sài Gòn, đường sắt răng cưa đi từ Phan Rang lên Đà Lạt và nhà ga xe lửa. Do các điều kiện vận tải phát triển nên các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép... được vận chuyển dễ dàng đến Đà Lạt, không những đáp ứng được khối lượng xây dựng khổng lồ của thành phố mà còn đáp ứng được những đòi hỏi đa dạng về chất liệu của những công trình mỹ thuật cao.
 - Các trục đường nội thị chính, khu trung tâm công cộng, khu thương mại người Việt, khu biệt thự người Âu, nhiều trường trung tiểu học nội trú quy mô lớn, doanh trại quân đội, nhà máy nhiệt điện (đường 3 tháng 2 ngày nay), nhà máy nước hồ Than Thở... đã được xây dựng.
 Tuy nhiên đồ án E.Hébrard với ý đồ quá lớn không phù hợp với thực tế. Dự kiến Đà Lạt là thủ đô Đông Dương đã không trở thành hiện thực. Toàn quyền chỉ nghỉ mát mỗi năm một hay hai tháng trong một căn nhà tầm thường, không một cơ quan trung ương nào được dời về Đà Lạt. Do đó, những nguồn vốn to lớn để xây dựng chuỗi hồ, khu hành chánh trung ương đã không được đầu tư vào Đà Lạt.
Trong quá trình thực hiện đồ án, nhiều vấn đề thực tế đã phát sinh như sau:
 - Hồ Xuân Hương đã thật sự trở thành trung tâm chính của Thành phố, cho nên việc phân lô biệt thự ở phía Bắc hồ sẽ đe dọa đến tầm nhìn viễn cảnh về phía núi Lang Biang,
 - Khu phân lô dành cho người Âu cũng như khu vực dự kiến dành cho người Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu. Từ thập niên 30 đã phát triển ngoài dự kiến của E.Hébrard những khu biệt thự Saint Benoit, Cité Decoux, Cité Bellevue... và ấp Việt Nam như: Hà Đông, Nghệ Tĩnh... có khuynh hướng phát triển về phía Bắc.
 - Khu vực rừng cảnh quan phục vụ du lịch và các khu nhượng địa trong trung tâm chiếm một diện tích quá lớn làm trở ngại việc phát triển các trung tâm khác.
 Do các vấn đề nêu trên, việc thực hiện đồ án E. Hébrard cần phải được hiệu chỉnh cho phù hợp với thực trạng.
 Vào năm 1933, kiến trúc sư Pineau trình bày một nghiên cứu mới về thành phố Đà Lạt: Đà Lạt trước mắt chưa là thủ đô hành chánh hay nghỉ hè của Đông Dương, thành phố nên tự giới hạn lại như một trạm nghỉ mát để chờ đợi sự phát triển trong tương lai và đề ra những định hướng bảo vệ cảnh quan thành phố;
 - Mở rộng hồ nước và các công viên.
 - Khu vực xây dựng phải phù hợp với cảnh trí và điều kiện khí hậu của địa phương.
 - Bảo vệ tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên về phía rặng núi Lang Biang bằng cách thành lập một vùng bất kiến tạo ở phía Bắc Đà Lạt. Một số ý tưởng của Pineau đã được lưu ý và thực hiện sau này, đặc biệt là cảnh quan đã được giữ gìn với những khoáng địa rộng rãi, để chờ đón những dự án đầu tư lớn trong tương lai.
 Vào năm 1940, kiến trúc sư H.Mondet trình bày một "tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt". Ông có nhận xét về Đà Lạt lúc đó như sau; "Đà Lạt kéo dài quá mức từ Tây sang Đông, về cơ cấu chưa thành một thể thống nhất". Nguyên nhân do việc xây dựng thường bám dọc theo các trục lộ lớn và do sự lo ngại quá mức khi người ta muốn bảo vệ cảnh quan bằng biện pháp mở rộng vùng cấm xây dựng rộng lớn ở trung tâm thành phố.
 Đây cũng chính là bài toán khó nhất phải giải quyết trong các đề án quy hoạch tiếp theo của Đà Lạt: xây dựng và phát triển thành phố, nhưng vẫn bảo vệ được cảnh quan.
 Do vậy, kiến trúc sư Mondet đã đề nghị một phương án không kéo dài thành phố nữa, mà tổ chức họp nhóm lại, mở rộng ra bằng cách ưu tiên sử dụng những lô đất gần trung tâm.
 Công tác chỉnh trang được chia thành bốn phần:
 - Về giao thông, đề nghị giữ nguyên hướng tuyến, chiều rộng đường nội thị chỉ cần mở rộng tầm nhìn các khúc quanh, bố trí lại một số nút giao thông chính và chuyển lối vào từ đèo Prenn đến Đà Lạt ở vị trí mà du khách khi đặt chân đến Đà Lạt sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố.
 - Về vệ sinh môi trường, đề nghị tập trung chỉnh trang hai bờ suối Cam ly, có biện pháp dẫn dòng hợp lý hơn khi nước thoát ra từ hồ và xây dựng thêm hồ nước tại vị trí thung lũng gần nhà ga.
 - Các khu vực khoáng địa được tôn trọng và được tổ chức thành những công viên, câu lạc bộ, sân thể thao, vườn trẻ... sao cho vẫn bảo đảm được tính chất bất kiến tạo của các khu vực đất này.
- Các trung tâm công cộng, hành chánh được dự kiến bố trí và hợp nhóm lại.
 - Trung tâm giải trí và thể thao gồm có: sân golf, hồ nước, sân tennis, câu lạc bộ, thủy tạ, vườn trẻ, khu casino, công viên... sẽ được bố trí tại bờ phiá Nam Hồ Lớn.
 Qua bản tiền dự án, KTS. H. Mondet đã đóng góp được nhiều ý kiến phù hợp với thực tế và hữu ích trong công tác chỉnh trang thành phố Đà Lạt và đã được các nhà quy hoạch kế tục chọn lọc trong các đồ án sau này.
 Kể từ năm 1939, Đà Lạt bắt đầu phát triển trở nên thịnh vượng.
 Do chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, liên hệ với bên ngoài bị đình trệ, thời gian lưu trú ở Đông Dương của người Âu kéo dài đã khiến dòng người đổ xô về Đà Lạt ngày càng đông. Những số vốn không sử dụng ở Nam Bộ đã được đầu tư vào Đà Lạt. Thị trường mua bán đất thành phố trở nên sôi động, những biệt thự mọc lên ngày càng nhiều. Nhà máy thủy điện Ankroet trên sông Da Dung cùng nhiều trường học, tu viện, nhà thờ, và nhiều công trình công cộng khác... đã được triển khai xây dựng trong giai đoạn này.
 Nếu trong năm 1939 có 59 giấy phép xây dựng được cấp thì đến năm 1942 đã lên đến 300 giấy phép và toàn thành phố đã có 728 biệt thự. Dân số cũng đồng thời gia tăng nhanh chóng lên đến 20.000 vào cuối năm 1942.
 Mặc dù Đà Lạt đã là một thành phố xinh đẹp, hài hòa với những viễn cảnh rộng lớn và có nhiều khu vực được xây dựng hoàn hảo, thành phố trở nên chật hẹp do dự phát triển quá độ và vô trật tự, một vài khu vực dân cư được dựng lên một cách vội vã và tạm bợ.
Trước tình hình đáng báo động này, chính quyền Đông Dương quyết định phải thiết lập ngay một "đồ án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt" Để điều chỉnh sự phát triển của thành phố theo một trật tự hợp lý và hài hoà. Những biện pháp bảo vệ cảnh quan và trật tự đô thị được áp dụng để chờ đợi ngày công bố đồ án chỉnh trang: bãi bỏ những nhượng địa trong vùng nội thành, giám sát các hầm đá, bổ sung các quy định về phân lô ở vùng vành đai và trong tỉnh Lang Biang, bãi bỏ khái niệm về vùng ngoại ô.
 Công tác lập đồ án quy họach chỉnh trang được giao cho Nha quy hoạch đô thị và kiến trúc Đông Dương nghiên cứu thực hiện do KTS J.Lagisquet chủ trì nhóm nghiên cứu đồ án. Ngày 27.4.1943, đồ án chỉnh trang mới của Đà Lạt đã được Toàn quyền Decoux chấp thuận và ban hành áp dụng kèm theo một chương trình địa dịch (chương trình sử dụng đất).
 Đồ án chỉnh trang và phát triển của Đà Lạt đã được nghiên cứu theo những định hướng tổng quát, từ đó ban hành các chương trình, quy chế cụ thể có tính pháp lý để thực hiện và để phát triển thành phố một cách hài hòa hợp lý từ tổng thể đến mỗi chi tiết.
 Đồ án của J.Lagisquet ra đời cho đến nay vừa tròn 50 tuổi, nhưng trong một bối cảnh phát triển kinh tế có nhiều điểm tương đồng với ngày nay, việc nghiên cứu kỹ lưỡng đồ án này sẽ giúp chúng ta chọn lọc được những giải pháp bổ ích đóng góp cho những đồ án tương lai về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết mối liên hệ giữa đô thị và cảnh quan.
 Cũng như H.Mondet, J. Lagisquet thấy rằng Đà Lạt có hình thể quá mảnh mai, khu gia cư lại không có bề sâu. Thành phố thiếu sức sống, không có trung tâm hấp dẫn thu hút dân chúng. Những khu vực thương mại, những trung tâm hành chánh thì phân tán và hầu như không đáp ứng được nhu cầu lúc đó.
 Theo đồ án, Trung tâm thành phố được dự kiến tại bờ phía Nam hồ Xuân Hương và Đà Lạt sẽ được tổ chức thành một thể thống nhất, tập trung xung quanh 2 trục chính của thành phố và sự phát triển được dự trù dọc phía Nam suối Cam Ly, về hướng Tây và Tây bắc.
 1) Trung tâm hành chánh được tập trung lại theo trục chính. Toàn bộ các cơ quan đầu não được bố trí quanh hồ Xuân Hương tạo nên một hạt nhân trung tâm: bờ phía Đông là Văn phòng Toàn quyền (khu nhà nghỉ Công đoàn ngày nay). Tòa thị sảnh ở bờ phía Bắc (nhà nghỉ Hương Trà), phía Nam là Dinh Toàn quyền (Dinh 2).
 2) Trung tâm thương mại được phân tách thành hai khu vực: khu thương mại Việt Nam tại khu Hòa Bình và đường Nguyễn Chí Thanh, khu thương mại người Ấu trên đường Trần Phú (bưu điện ngày nay). Giữa hai khu vực này dự kiến sẽ xây dựng một chợ mới tại ấp Ánh Sáng.
 3) Khu vực khách sạn giới hạn bởi đường Hồ Tùng Mậu và Trần Phú, có tầm nhìn trực tiếp và lý tưởng về phía hồ và dãy Lang Biang, gần đó là khu casino và câu lạc bộ (khu thao trường).
 4) Một khu bệnh viện mới được dự trù ở Tây Nam thành phố để đảm đương nhiệm vụ mà bệnh viện cũ không còn đáp ứng đủ.
 5) Các trường học được phân đều trong thành phố và những cơ sở chính được dự phòng đất đủ rộng để phát triển.
 6) Trung tâm văn hoá được thiết lập ngay ở trung tâm thành phố bao gồm thư viện, trường Viễn Đông bác cổ và Nhà bảo tàng dân tộc học.
 7) Khu dân cư được dự trù nới rộng:
 - Diện tích xây dựng khu người Âu sẽ được mở rộng đến 540 ha, gồm khoảng 2.200 lô đất gần các trung tâm công cộng của thành phố.
 - Vấn đề về khu cư dân Việt Nam đã được quan tâm giải quyết bằng nhiều phương án, những khu cư dân này cho đến lúc đó chỉ được bố trí ở những khu nhà tạm, khu phụ của thành phố. Những vùng đất mới sẽ được phân lô cho cư dân tùy theo tính chất nghề nghiệp của họ.
Trước tiên là một khu thương mại với những dãy nhà phố quây quần xung quanh chợ, tiếp đến là khu biệt thự song lập và nhà liên kế dành cho công chức và thợ thủ công là những người do việc làm vẫn được bố trí gần trung tâm thành phố.
 Cuối cùng, một vùng đất rộng ở vành đai thành phố về phía Tây Bắc và Đông Nam đã được xác định cho những thôn ấp Việt Nam với dáng dấp nông thôn (hướng Bạch Đằng và hướng đi Trại Mát) mà ở đó sẽ quần tụ những người làm nông nghiệp hay nghề thủ công. Trong vùng này, cho phép mỗi cư dân có thể được phân một khoảng đất để trồng trọt, vừa nuôi sống gia đình vừa cung cấp rau, hoa, quả cho thành phố. Như thế, đặc tính của thành phố-vườn (Cité-jardin) cũng được thể hiện. Người dân có thể tùy ý xây cất theo dạng nhà của miền quê Việt Nam mà không hề ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc của toàn thành phố. Đất đai được sung dụng cho dân lao động Việt Nam làm nông nghiệp có diện tích đủ tiếp nhận một số dân gấp 5 lần số đương thời tức 75.000 người.
 8) Cảnh quan về phía dãy núi Lang Biang được bảo vệ bởi những khoảng trống rộng lớn hình rẽ quạt cốc từ hồ Xuân Hương hướng về phía bắc. Một phần đất trong những khoảng trống đó được dành cho các hoạt động công cộng hay du lịch ngoài trời mà không ảnh hưởng đến tính chất bất kiến tạo của khu vực bao gồm: công viên, sân golf, sân thể thao, sân cắm trại cho thanh thiếu niên, sân bay. Một công viên được dự trù tại vị trí của Đồi Cù I phía Bắc hồ Xuân Hương sẽ là giao điểm của các đường trục của Dinh II, Văn phòng Toàn quyền và nhà Thủy Tạ.
 Xa hơn về phía Bắc là các khu rừng cảnh quan phục vụ du lịch với ranh giới đã được xác định lại, được chia thành 2 khu vực:
 - Một khu vực rừng bảo tồn thực vật phía tây Bắc, tuyệt đối cấm khai thác để bảo vệ cảnh quan của dãy Lang Biang.
 - Một khu vực lâm trường khác sẽ chấp nhận việc khai thác tỉa một cách đều đặn và hợp lý mà vẫn bảo vệ được cảnh quan.
 Về chức năng của thành phố, đồ án đã làm rõ và nổi bật các đặc tính riêng của Đà Lạt là: Trung tâm hành chánh trung ương, Trạm nghỉ mát vùng cao, Thành phố nghỉ dưỡng, Thành phố trường học, Trung tâm được tuyển chọn dành cho thanh niên, Trung tâm văn hoá tinh thần. Đồ án đã căn bản đề ra được những biện pháp giải quyết những vấn đề quan trọng và bức xúc của đô thị Đà Lạt như: giải quyết sự mâu thuẫn giữa tính chất tập trung của đô thị và tính chất tản mạn của thành phố-vườn, bố cục các phân khu chức năng của thành phố mạch lạc và phù hợp với thực tế hơn, xác định được cụ thể phạm vi các khoảng trống và những khu vực bất kiến tạo để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, có định hướng giải quyết nhà ở cho người di dân ngày càng đông hơn bằng nhiều thể loại nhà ở phù hợp với nghề nghiệp của họ.
 Đồng thời với đồ án chỉnh trang, một kế hoạch thực hiện kéo dài 6 năm đã được Toàn quyền chấp nhận. Kể từ năm 1943, thành phố Đà Lạt nhờ có ngân sách trung ương hỗ trợ nên đồ án đã được triển khai thực hiện.
 Kế hoạch áp dụng cho năm 1943 và 1944 đã được nghiên cứu bởi Tổng thanh tra Công chánh, bao gồm công tác xây dựng những đường lộ, các công trình công cộng và chuẩn bị mặt bằng để xây dựng các công trình tương lai theo họa đồ quy hoạch.
 Dựa trên nền tảng đó, Đà Lạt được phát triển về mọi phương diện, đạt tới mức cực thịnh thời Pháp thuộc vào năm 1944.
 Các cơ sở công cộng được xây cất như Lãnh địa Đức Bà, Nha địa dư, Cư xá công chánh, bưu điện, Chùa Linh Sơn, Linh Quang với nét kiến trúc Á Đông làm phong phú thêm kiến trúc cảnh quan Đà Lạt. Năm 1945, Đà Lạt đã có trên 1.000 biệt thự với nhiều kiểu dáng khác nhau. Nhà máy thủy điện Ankroët công suất 3.000kW bắt đầu hoạt động từ năm 1944.
 - Đường sá cũng được cải tiến, Đà Lạt lúc đó có khoảng 94km đường và dự kiến sẽ đạt tới 140 km, đèo Prenn được mở theo tuyến mới. Việc lập ấp trồng rau được phát triển với các ấp Hà Đông (1938), Nghệ Tĩnh (1940), dân số tăng nhanh từ 13.500 người (1940) đến 25.500 người (1945).
Từ năm 1945-1954, tình hình chính trị bất an, giao thông bị trở ngại, dân số luôn bị xáo trộn bởi các cuộc tản cư. Năm 1949, Pháp tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, ngày 15.4.1950, Đà Lạt thuộc Hoàng Triều Cương Thổ và hạn chế sự nhập cư người Việt. Công việc xây dựng phát triển trong giai đoạn này theo đồ án của J. Lagisquet không có kết quả đáng kể ngoại trừ một số khu nhà ở và một số trường học.
 2.3- Giai đoạn 1954-1975
 Từ năm 1954 đến 1963, thời kỳ Ngô Đình Diệm làm tổng thống tại miền Nam, vấn đề xây dựng các công trình công cộng tại Đà Lạt được quan tâm đáng kể.
 Đà Lạt là nơi nghỉ mát, một trung tâm giáo dục lý tưởng từ trung đến đại học, một nơi tổ chức huấn luyện quân sự, phát triển các trường tôn giáo và tu viện cũng như là nơi sản xuất rau hoa đặc sản cung cấp cho toàn vùng. Nhằm ổn định số người di dân mỗi ngày một gia tăng, một số ấp nông nghiệp mới được hình thành như ấp Tùng Lâm, Thánh Mẫu, Thái Phiên, Đa Thiện...
 Trong khi chờ đợi soạn thảo đề án chỉnh trang mới cho Đà Lạt, đồ án J. Lagisquet và chương trình địa dịch năm 1943 dường như đã được tham khảo để giải quyết nhu cầu xây dựng. Công tác xây cất các cơ sở công cộng, tôn giáo, nghiên cứu khoa học, huấn luyện quân sự... được tính toán trên các phần đất công sản còn lại. Có thể kể đến một số công trình lớn đã được xây dựng trong giai đoạn này như sau: Chợ mới Đà Lạt (diện tích xây dựng : 5.400m2), khu Hoà Bình, Giáo hoàng học viện, Trường võ bị, Trung tâm nghiên cứu nguyên tử.
 Để giải quyết nhu cầu nhà ở, Nha địa chính đề ra giải pháp cho phép người dân được khai thác tạm thời những lô đất đã được phân lô thuộc các thôn ấp. Đồng thời cơ quan Kiến ốc cục đã xây dựng nhiều căn nhà cho thuê hay trả góp.
 Có thể nói, bộ mặt thành phố Đà Lạt đã được bổ sung bằng các công trình kiến trúc dáng dấp hiện đại, với đường nét thanh mảnh hơn và sử dụng đá rửa để trang bị mặt tiền nhà. Nhiều công trình đã góp phần tôn cao vẻ đẹp của thành phố nhưng cũng có những công trình xây cất vội vã không phù hợp với cảnh quan, nhưng đây là thời kỳ được ghi nhận có khối lượng xây dựng tương đối lớn kể từ khi thành phố do người Việt điều hành.
 Việc xây cất từ thời kỳ này trở về sau, dù từng đồ án thiết kế công trình được xem xét phê duyệt, nhưng không được định hướng rõ trên một ý đồ quy hoạch tổng thể, nên đã có những công trình ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ đẹp hài hoà với thiên nhiên cũng như sự phát triển cân đối của toàn thành phố.
 Từ 1963 đến 1975, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội không ổn định, nhất là sau năm 1965 khi Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến tại Việt Nam. Việc tôn tạo cảnh quan đô thị và phát triển quy hoạch thành phố hầu như dừng lại, chỉ tập trung xây dựng các công trình quân sự hay phục vụ lợi ích trước mắt như:
 - Các trung tâm huấn luyện quân đội, cảnh sát, trạm radar ở núi Bà, mở rộng sân bay Cam Ly...
 - Nhiều khách sạn, nhà hàng mọc dày đặc chiếm những khoảng trống ở khu trung tâm.
 - Làng cô nhi SOS, trung tâm trẻ em khuyết tật, trường Lasan, trường Don Bosco.
 - Đắp đập, xây dựng các hồ: hồ Dankia, Đa Thiện 1, 2, 3.
 - Dự án đầu tư khai thác trung tâm nghỉ mát hồ Suối Vàng và dự án cải tạo nguồn nước cho thành phố là những sáng kiến mới nhưng chưa được triển khai thực hiện.
 Vào năm 1967, vấn đề môi trường sinh thái của Đà Lạt đã được các nhà chuyên môn báo động và đến năm 1973 đề án quy hoạch chỉnh trang Đà Lạt đang được thiết lập, trong đó nhấn mạnh về các biện pháp bảo vệ suối ở Đà Lạt, nhất là các lưu vực của hồ Xuân Hương.
 Vấn đề xây cất bất hợp pháp và chiếm đất làm vườn đã lan tràn dưới nhiều hình thức làm tổn thương nghiêm trọng vẻ mỹ quan của thành phố. Có hai hình thức chủ yếu: do các giới chức có quyền thế chiếm đất trống dự trữ và do thương phế binh (quân đội Sài Gòn) hay người tản cư chiếm đất xây cất nhà ở ngay tại khu vực trung tâm, với những loại nhà bằng ván lợp tôn kiểu ổ chuột (xuất hiện nhiều sau Tết Mậu Thân 1968 và nhất là vào cuối năm 1971).
 2.3 Giai đoạn từ 1975 đến nay
 Từ sau giải phóng và đất nước được thống nhất, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ, của tỉnh Lâm Đồng, có ranh giới mở rộng đến 417 km2. Dân số năm 1975 là 85.833 người, đến nay đã lên đến trên 130.000.
 Công tác xây dựng cải tạo thành phố đã được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm ngay từ những ngày đầu. Năm 1977, Đoàn quy hoạch Bộ xây dựng đã trình bày "Sơ phác quy hoạch chung thành phố Đà Lạt", bao gồm nhiều tập thuyết minh và các sơ đồ kèm theo. Tiếp đó, từ năm 1983, cơ quan chuyên môn địa phương là ủy ban xây dựng cơ bản tỉnh được giao nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch chung thành phố Đà Lạt với một số vấn đề thực tế hơn.
 Tháng 3.1985, Đoàn quy hoạch trung ương do KTS. Trần Ngọc Chính dẫn đầu đã đến Đà Lạt, phối hợp với các chuyên viên ủy ban xây dựng cơ bản để làm luận chứng kinh tế - kỹ thuật quy hoạch và cải tạo Đà Lạt.
 Nhiều công trình có ý nghĩa phục vụ dân sinh đã được xây cất đáng kể như: nhà máy nước Suối Vàng, hồ Chiến Thắng, hồ Tuyền Lâm, Nghĩa trang liệt sĩ, hồ Thống Nhất, Nhà văn hóa thiếu nhi, cải tạo và nâng cấp Đồi cù, mở mang một số khu phân lô nhà ở (như tại đường 3/2...).
 Còn lại là công tác cải tạo sửa chữa nhà ở, hay xây dựng xen cấy do nhân dân tự làm. (Số giấy phép xây dựng trong năm 1990 là 260, và năm 1992 là 379. Tốc độ gia tăng là 145% trong 2 năm).
 Từ 1991 đến nay, Đoàn quy hoạch của Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Bộ xây dựng do KTS. Vũ Kim Long chủ trì đang tiến hành thiết lập đồ án "Điều chỉnh quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Đà Lạt", theo tinh thần chỉ thị số 19/CT ngày 22.1.1991 của HĐBT về việc chấn chỉnh và đổi mới công tác quản lý đô thị.
 Nói chung đồ án quy hoạch chung Đà Lạt đã được thiết lập nhiều lần, nhưng hiện nay vẫn chưa có đồ án nào đủ sức thuyết phục và được thông qua. Thành phố Đà Lạt đang phải gánh chịu những áp lực về khối lượng công trình xây dựng ngày càng tăng trong tình trạng không có đồ án quy hoạch chỉnh trang. Công tác giải quyết xây dựng công trình đương nhiên gói gọn trong phạm vi nghiên cứu đơn lẻ và rất chủ quan. Nhiều vấn đề thực tiễn có tính chất quyết định của thành phố càng lúc càng trở nên phức tạp.
 - Hạ tầng kỹ thuật thành phố bị xuống cấp trầm trọng.
 - Khu dân cư phát triển không giới hạn làm thu hẹp và đảo lộn bố cục vùng cảnh quan. Các cụm rừng thông ngay trong thành phố bị chặt phá rất nhiều để xây dựng nhà cửa, làm vườn trên các đồi quanh Dinh thị trưởng cũ, đồi xung quanh các khu Dinh I, II, III, đồi Cảnh sát dã chiến, đồi thông xung quanh các khu biệt thự Cité Decoux, Saint Benoit, đồi Tùng Nguyên... Các hồ nước tiếp tục bị bồi lắng nghiêm trọng hơn (hồ Xuân Hương, hồ Than Thở). Nhiều vùng đất trong khu vực bất kiến tạo, các khoảng trống bảo vệ tầm nhìn cảnh quan bị chiếm dụng xây cất bất hợp pháp.
 - Bố cục thành phố thiếu cân đối do sự tập trung quá mức vào khu trung tâm mà chưa có biện pháp mở mang phát triển khu vành đai để thu hút dân cư và các nguồn vốn đầu tư.
 3- PHẦN KẾT

Kiến trúc cảnh quan của TP. Đà Lạt là một bức tranh có sắp xếp theo một bố cục, không theo dạng hình học nhưng vẫn tuân theo những nguyên tắc về sư phối hợp giữa 4 yếu tố hình khối: địa hình tạo khối và bộ khung của cảnh, mặt nước tô điểm cho cảnh và tạo sự tĩnh mịch tác động đến nội tâm con người, cây xanh là màu nền của bức tranh và là bộ lọc không khí chống bụi bặm và tiếng ồn, kiến trúc là nét nhấn, nét chấm phá của phong cảnh và là tiện nghi sinh sống của con người.
 Về địa hình, cần bảo vệ những điểm cao và các đường cong của các ngọn đồi là hình dạng căn bản của cao nguyên, tránh sự cải tạo khai phá đất (san ủi mặt bằng, khai thác hầm cát đá...), cần có quy định về một khoảng trống bất kiến tạo đủ rộng để bảo vệ tầm nhìn về phía dãy núi Lang Biang là tấm phông chính của mọi bức tranh phong cảnh của Đà Lạt. Ngoài ra cũng cần có chương trình cải tạo các vùng trũng ẩm thấp trong khu trung tâm thành những vùng đất hữu dụng (công viên, khu gia cư...).
 Về mặt nước, việc duy trì và xây dựng thêm nhiều hồ nhân tạo sẽ càng tô điểm phong cảnh và tạo được nhiều hạt nhân trung tâm của khu chức năng (khu công cộng, dân cư, du lịch...), cần có biện pháp tuyệt đối bảo vệ lưu vực các suối chính chống sự ô nhiễm và bồi lắng: thành lập chương trình tái định cư đồng bào sinh sống dọc theo lưu vực suối Cam Ly, đồng thời với chương trình dài hạn nạo vét phục hồi các hồ đã tồn tại.
Về cây xanh, tuyệt đối không khai thác cây xanh và rừng Đà Lạt. Trong thành phố, thông là cây xanh đô thị, và ở khu ngoại vi, rừng thông phục vụ du lịch, ngoạn cảnh, săn bắn, cắm trại, bảo vệ lưu vực các sông Đồng Nai, Đa Nhim... Cần quy định ranh giới cụ thể của rừng bảo tồn với những quy định nghiêm ngặt không cho phép xây cất, trồng trọt, khai thác lâm sản và khoáng sản, làm nhà máy...
 Về kiến trúc công trình, phải tái khẳng định tính chất thành phố công viên, thành phố - vườn.
 Họa đồ quy hoạch, phân lô xây dựng TP. Đà Lạt phải xác định thật rõ ràng ranh giới các phân khu chức năng. Khu danh lam thắng cảnh, khu công sở, khu biệt điện, khu biệt thự các hạng A, B, C..., khu nhà biệt lập, nhà song lập, khu nhà phố, khu nhà có vườn, khu thương mại, khu chung cư, khu công cộng, công viên, khu thể thao, du lịch, khoảng trống bất kiến tạo...
 Kích thước lô đất phải được phân chia phù hợp với từng loại công trình để có được không gian trống kèm theo, dành cho vườn hoa cây cảnh hay để tạo sự thoáng đãng cho tầm nhìn cảnh quan chung. Để cụ thể hóa không gian trống kèm theo, cần phải có những quy định có tính chất bắt buộc cho từng loại công trình về mật độ tối đa của công trình được phép xây dựng trong lô đất và khoảng cách tối thiểu tính từ ranh giới lô đất đến công trình.
 Tuyệt đối không cho phép xen cấy lẫn lộn các dạng nhà khác nhau trong cùng một phân khu hay chia cắt đất đã được phân lô hợp lý để xây dựng thêm công trình.
 Hiện nay và trong tương lai, vấn đề giải quyết nhà ở cho cư dân của thành phố là bài toán nan giải nhất, nhưng cần phải được ưu tiên giải quyết để tránh sự lan tràn tự phát gây nguy hại đến các vùng cảnh quan của thành phố. Để tăng quỹ nhà ở, chúng ta có thể đa dạng hóa các trung tâm dân cư, trên nguyên tắc tạo thành các quần thể công trình - công viên hay công trình-vườn biệt thự các loại, nhà biệt lập có sân vườn, nhà vườn, quần thể nhà ở cao tầng có công viên bao quanh...
 Quan trọng nhất và hơn bao giờ hết là đồ án cải tạo, chỉnh trang và phát triển của Đà Lạt cần được nghiên cứu kỹ về mọi mặt, sớm được ban hành kèm theo một chương trình sử dụng đất và điều lệ quản lý được duyệt, có tính chất pháp lý để thực hiện. Có như vậy, thành phố Đà Lạt mới có điều kiện để được phát triển cân đối, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên vốn là di sản độc đáo cần được chăm sóc và tôn tạo.
 Đất đô thị là một tài sản vô giá chỉ có mất đi mà không thể tự sinh ra được. Giá trị của đất đô thị Đà Lạt không giới hạn trong phạm vi các khu dân cư hay thương mại, mà có giá trị ngay cả tại những khu rừng thông hay khoảng đất trống còn hoang sơ không có người ở, nó mang lại cho chúng ta môi trường trong lành, cảnh quan xinh đẹp và những nguồn lợi tức lớn lao từ ngành du lịch. Ngoài ra, quỹ đất còn là nguồn vốn để giữ gìn và phát triển đô thị bằng giá trị cho thuê sử dụng đất, thông qua những chương trình hợp lý mà vẫn bảo đảm được sự hài hòa của kiến trúc cảnh quan của thành phố.
 Trên đây là một số suy nghĩ ban đầu để phụ họa vào việc giữ gìn bức tranh phong cảnh và kiến trúc cảnh quan của Đà Lạt. Những nét trên không phải là những sáng kiến mới được khám phá, mà thực tế đã được nhà quy hoạch và quản lý đô thị đặc biệt là các kiến trúc sư người Pháp, và sau đó là người Việt, nghiên cứu công phu và thực hiện thành công tại Đà Lạt, tạo nên những di sản nổi tiếng trong và ngoài nước. Lẽ nào chúng ta không tìm cách chọn lọc và áp dụng những thành quả đó để giữ gìn, tôn tạo và phát triển thành phố chúng ta ngày thêm đẹp hơn?

KS. NGUYỄN VINH LUYỆN
KTS. TRẦN CÔNG HÒA
KTS. NGUYỄN PHÁP

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Đặng Thái Hoàng, Lịch sử nghệ thuật quy hoạch đô thị, Nxb Khoa học và kỹ thuật, H.,1992.
2- Hàn Tất Ngạn, Kiến trúc cảnh quan đô thị, Nxb Xây dựng H.,1991.
3- Nguyễn Khởi, Kiến trúc Việt Nam , các dòng tiêu biểu, 1992.
4- Tập san Sử Địa, 5., 1971, Số 23-24.
5- A.Berjoan et J. Lagisquet, Les réalisations d'urbanisme à Dalat, H., Indochine, 1943, No164-165.
6- Ernest Hébrard, Futur plan de Dalat, H., 1923.
7- Etienne Tardif, La mission du Lang Bian (1899-1990), Ogeret et Martin, Vienne , 1902.
8- J.Lagisquet, Rapport de présentation, 1942.
9- L.G. Pineau, Dalat, capitale administrative de l'Indochine?, Revue indochinoise juridique et économique, H., 1937, No 2.
10- Physionomie de Dalat en 1937, L'Asie nouvelle illustrée, S., 1937, No 56
http://www.dalat.gov.vn/web/books/caonguyen/kientruc.htm
.
 

Biệt thự Đà Lạt

LÊ PHỈ


Đà Lạt là thành phố của tình yêu. Những căn biệt thự nơi đây cũng mang hơi thở của tình yêu, đẹp, mang dấu ấn riêng.
Nước Pháp tuy là một quốc gia độc lập lâu đời, nhưng về kiến trúc thì thật đa dạng.

Kể từ Đại chiến thế giới lần thứ 2 về trước, kiến trúc cổ điển của Pháp thực là đặc sắc. Hàng ngàn lâu đài mỗi cái một kiểu. Từ Château de Versailles đến Château de Fontaine - Bleau sang các Château vùng sông Loire, sông Seine,... ở mỗi nơi kiến trúc mỗi thay đổi. Phía Bắc Pháp phần lớn có kiến trúc chung loại Anglo-Normand, có thể phân ra vùng Normandie, vùng Bretagne, vùng cực Bắc, vùng Bắc Paris, vùng Tây - Bắc. Kiến trúc vùng Alsace - Lorraine - Strasbourg có phần lai kiến trúc Đức. Kiến trúc miền Đông từ Nantes xuống đến Bordeaux là kiến trúc miền biển.

Kiến trúc miền Trung là vùng cao nguyên Trung bộ. Kiến trúc miền Vosges xuống kiến trúc miền núi Alpes, kiến trúc cực Nam vùng Marseille - Carmargue tức vùng Provence và kiến trúc vùng Đông - Nam Montpellier sang Toulouse và kiến trúc xứ Basque lai Tây Ban Nha. Chính sự đa dạng ấy đã tạo cho kiến trúc Pháp mang tính quốc tế. Do đó khi đi chiếm thuộc địa, các kiến trúc sư Pháp đã mang theo tinh túy của mình xây các biệt thự theo kiến trúc của các địa phương Pháp. Người Pháp sang Việt Nam cũng không quên điều đó.

Riêng ở Đà Lạt các kiến trúc sư Hébrard, Pineau, Moncet, Lagisquet là những nhà quy hoạch đô thị thường hay nói: "Ai đi xa cũng muốn mang màu sắc quê hương, nhất là kiến trúc, đến chỗ mình mới đến ở". Đó là sự thực, vì kiến trúc các biệt thự nhà cửa ở Đà Lạt sao tránh khỏi hình ảnh của kiến trúc các địa phương nước Pháp. Từ người Pháp nghèo có cái nhà nho nhỏ cho đến biệt thự lớn, cái nào cũng do các kiến trúc sư thiết kế và cái nào cũng theo ý của chủ nhà: Ngôi nhà phải giống như nhà của họ ở bên Pháp để cho đỡ nhớ và khỏi quên quê hương.

Hơn 1.500 biệt thự phần lớn là loại kiến trúc miền Bắc nước Pháp. Có lẽ cũng có ảnh hưởng của kiến trúc vùng núi nên các biệt thự đầu tiên, các nhà gỗ lợp ngói, lợp tôn đều giữ nguyên kiến trúc cũ. Nếu có thay đổi chỉ là số ít bố cục.

Nhiều nhất và cũng đặc biệt nhất là loại biệt thự có khung sườn bằng gỗ tốt xây chèn gạch. Sàn bằng một hai lớp gỗ hay bằng sàn ghép. Kiến trúc sàn gỗ, trần gỗ gây nên cảm giác ấm cúng cho xứ lạnh. Đó là loại kiến trúc miền Bắc nước Pháp từ thành phố Rouen về phía Lille. Hệ khung cột giữ cho nhà vững chắc đều bằng gỗ, sau đó xây chèn gạch, nhìn bức tường từ xa giống như có sơn cột và thanh chống, thanh giằng giả. Phổ biến là các nhà ở chung quanh viện Pasteur, khu biệt thự bên đường Trần Hưng Đạo, đường Huỳnh Thúc Kháng. Thời gian đầu xi măng chưa lên được, nhà xây gạch toàn bằng vôi tôi trộn chất nhớt lấy ra từ lá cây giã ra. Các tường gạch xen chèn vào các khung gỗ vẫn không nứt nẻ. Lúc làm họ chọn gỗ tốt kể cả gỗ thông, có nhà làm đã bảy, tám mươi năm vẫn còn tốt. ở Đà Lạt không có mối mọt nhiều, gỗ chỉ hư hỏng khi mục, khi thanh gỗ nào mục thì thay thanh đó mà mảng tường không hề nứt đổ.

Các biệt thự đầu tiên một tầng, có loại hai mái cân xứng, có loại mái dài mái ngắn, đầu hồi nhô ra mặt trước. Biệt thự sang trọng một hai tầng thì cầu thang đặt ở trong nhà (cầu thang gỗ hay xây có tay vịn gỗ). Vào các năm 1920 - 1940 ở Đà Lạt chỉ có gỗ là nhiều, còn thép phải nhập từ Pháp và đưa từ Sài Gòn lên nên cấu trúc ít dùng thép. Các côngxon của những nhà xây thường đúc theo kiểu tam giác, cạnh lớn uốn cong. Còn các biệt thự kiến trúc kiểu Bắc Pháp thì côngxon bằng gỗ đục mộng chắc chắn. Lò sưởi thường bố trí ở phòng khách, phòng ăn hay phòng ngủ chính. Trang thiết bị trong phòng vệ sinh đều nhập từ Pháp.

CÁC ĐẶC ĐIỂM

1. Người Pháp có hai quan niệm làm cho Đà Lạt trở thành nơi an dưỡng đẹp, đó là:

- Xây các biệt thự có vườn hoa, xa cách nhau, có tầm nhìn đẹp: nhìn ra rừng thông, nhìn xuống thung lũng, nhìn về hướng các đỉnh núi Lang Bian. Các dinh thự đều chiếm cao điểm (Đà Lạt có 99 cao điểm). Các biệt thự đều ẩn mình trong rừng thông. Thời trước trong bài viết của một du khách Pháp đã tả Đà Lạt như sau: "Từ xa ta thấy những thảm cỏ xanh rì (đó là những rừng thông) nối tiếp nhau đến tận chân trời, trong đó có những nụ hoa đỏ (đó là mái ngói của những biệt thự ) nổi lên".

- Đà Lạt chỉ được xây cất biệt thự không quá ba tầng (kể cả tầng trệt) vì làm cao tầng sẽ phá cảnh rừng thông. Và đặc biệt là về hướng Tây - Bắc và Bắc của hồ Lớn (nay là hồ Xuân Hương) không được xây dựng nhà cửa như phía Đông - Bắc vòng về phía Tây bờ hồ.

2. Mọi sự xây dựng trên thành phố đều phải do kiến trúc sư thiết kế. Có kiến trúc sư chịu trách nhiệm về thẩm mỹ. Mọi sự xây dựng phải qua phòng quy hoạch đô thị của Sở Công chánh và nơi này phải chịu trách nhiệm về mọi sự xây dựng.

Người Pháp dự định dân số Đà Lạt có thể đến 300.000 người, nhưng cho đến lúc họ rời Việt Nam thì mới chỉ trên 20.000 (người Pháp 2.500) nên việc xây dựng còn ít và dễ kiểm soát.

3. Người Pháp đi tha phương luôn luôn hướng về quê hương, được thể hiện trong kiến trúc và trong cuộc sống. Do đó trên 1.000 biệt thự thì kiến trúc các địa phương Pháp ảnh hưởng nhiều nhất là:

- Kiến trúc Anglo - Normand;

- Kiến trúc miền cao nguyên trung phần Pháp;

- Kiến trúc miền núi Alpes và phía Nam;

- Kiến trúc miền Pyrénées và Basques.

Đặc điểm của các kiến trúc này là:

- Mái nhà: Loại hai mái ít dốc, ở hai đầu có hai mái ngắn (miền Nam).

Loại hai mái có các mái nhô: nếu các mái nhô tròn là của miền Trung và Bắc Pháp, nếu các mái nhô nhọn và cao có cửa kính lớn (có cũng hai mái) là của miền Nam Paris.

Loại mái dài, mái ngắn dốc nhiều là loại nhà vùng núi, từ vùng Vosges xuống Alpes, mùa tuyết tan dễ tháo nước.

Loại mái dốc xây đá chẻ là loại nhà kiểu Anglo - Normand (nhiều ở vùng biển Normandie).

Loại mái nhà lợp ardoise (đá mài miếng mỏng màu đen) là loại của miền cao nguyên miền Trung nước Pháp.

- Ống khói lò sưởi: ống khói lò sưởi có cái thấp nếu mái ít dốc, có cái cao nếu mái dốc nhiều. Lò sưởi ở miền Bắc Pháp thường có ba ống tròn ở trên đầu chóp để che mưa, tuyết khỏi vào nhiều hoặc chỉ có một ống tròn ở giữa tấm che.

Ống khói, lò sưởi miền Trung và Nam cho khói ra 4 phía có tấm che bên trên.

Ống khói lò sưởi xây có cẩn đá và một phía uốn tròn là kiểu mới cải tiến để cho hợp với nét cao nguyên.

- Tường xây: Tường xây có khung cột bằng gỗ là kiến trúc miền Bắc Pháp, Bắc Paris (nhất là vùng Rouen, quê hương của Jeanne d'Arc).

Tường xây bằng đá chẻ là của vùng Trung Pháp hay Đông - Nam Pháp.

- Mái nhô: Mái tròn nhô lên có cửa sổ kính là của vùng Bắc Pháp.

Hai mái cao nhô ra và có cửa kính lớn là của miền Trung Pháp.

Mái nhô ra và có cửa kính dài, kiểu được cải tiến ở Đà Lạt.

Các mái nhô cốt để sử dụng các phòng trên mái nhà mà người Pháp gọi là tầng áp mái (mansarde). Nó cũng làm đẹp cho mái nhà của biệt thự, nhất là những mái nhà quá lớn rộng.

- Lò sưởi trong nhà: Lò sưởi trong nhà là một dạng kiến trúc trang trí vừa là để sưởi những ngày lạnh. Chỉ cần đếm số lượng lò sưởi nhiều hay ít trong biệt thự ở Đà Lạt mà biết nội thất sang trọng hay không.

Những người quen sống ở Đà Lạt ít thấy cái lạnh của Đà Lạt. Nhưng những ai từ xứ nóng đến thì cái lạnh vô cùng thấm thía. Phòng khách biệt thự nào cũng nối liền phòng ăn, nơi đây thường có một lò sưởi và cũng thường để một khúc gỗ để trang trí khi không đốt lửa.

Phòng ngủ của gia đình chủ nhân cũng có lò sưởi. Sở dĩ có lò sưởi mà không làm ngợp thở khi ngủ là nhờ có ống hút đi lẫn khói cả khí cacbonic.

Ở Pháp mỗi biệt thự đều có nơi treo áo, mũ trước khi vào nhà, nhưng ở Đà Lạt rất ít nhà có, mà thường ở lối vào nhà có một khoảng lõm vào hoặc nhô ra để khi trời mưa lạnh khách đến có chỗ trút bỏ áo mưa, nón v.v...

- Vườn cảnh và cổng ra vào:Người Pháp và kiến trúc sư Pháp rất chú ý đến ngoại thất, đặc biệt là vườn cảnh, vì họ biết khí hậu Đà Lạt thích hợp với những loại hoa từ Pháp đưa sang. Từ cổng vào nhà, lối đi trong vườn, vườn trước và sau nhà đều trồng hoa, đem lại cái đẹp cho con người. Thường thiết kế phòng khách sâu về sau để có tầm nhìn ra một vườn hoa rộng, nhìn xuống thung lũng hay rặng thông đẹp. Các biệt thự ít đất thì thường có bồn hoa đúc ở trước các cửa sổ, quanh chân tường nhà. Nó tạo nên màu sắc điểm tô cho căn nhà khi từ ngoài bước vào.

Cổng vào cũng thay đổi tùy ý của mỗi kiến trúc sư hay mỗi chủ nhà. Số nhà có cổng đi thẳng vào mặt trước không nhiều. Cổng vào và lối đi vào thường lệch sang một phía để vườn hoa rộng dễ tạo thành một mảng lớn, khi ra vào nhà có tầm nhìn bao quát vườn hoa. Nhà vườn rộng, có xe ô tô thường làm cổng vào, cổng ra riêng biệt, đường xe vào ra không cần trở đầu.

BIỆT THỰ ĐẶC BIỆT

Biệt thự số 14, 18, 20 ở đường Trần Hưng Đạo xây theo kiến trúc Bắc Pháp, sườn gỗ tường trám gạch, nhiều kiểu khác nhau.

Biệt thự số 16 Trần Hưng Đạo là nhà của một kiến trúc sư Pháp xây theo kiến trúc hiện đại, xinh xắn, nhìn cột lò sưởi có thể biết là nhà thuộc kiến trúc mới vì không xây thẳng, vuông vức mà xây cong về một phía và có cẩn đá chẻ.

Biệt thự số 22 Trần Hưng Đạo trước là tư hữu của một Thống sứ Nam Kỳ. Nhà có vẻ đồ sộ, chỉ một tầng trệt có gara, nhà ở cho người giúp việc các phòng phục vụ và tầng lầu có bậc thang lên phía trước (hai bên), trên có giàn hoa và một cầu thang đi ở trong từ tầng trệt lên. Tầng lầu có trần khá cao, có treo đèn chùm nay đã mất. Các phòng bố trí ở hai bên phòng khách rộng, phòng vệ sinh không riêng biệt mà hai phòng dùng chung ở cuối hành lang. Nhà này xây gạch kiên cố, kiến trúc có vẻ nặng nề. ở đường Trần Hưng Đạo và Hùng Vương, các biệt thự mỗi nhà một kiểu, nhưng kiến trúc thì khá xinh xắn và bố cục hợp lý.

Biệt thự Merionnet của công ty Shell (trước đây) rất kiên cố, ở gần cuối đường Lê Thái Tổ, do công ty Shell xây. Biệt thự có hình khối kiến trúc đẹp giống như những biệt thự vùng phía Nam nước Pháp từ Grenoble xuống Marseille. Cách bố trí tiền sảnh rất sinh động và có vẻ đẹp riêng. Bố cục bên trong chia phòng rộng, sàn gỗ nên rất ấm cúng.

Với các biệt thự của Pháp thì nhà bếp, chỗ ở cho người giúp việc, gara ở một nhà riêng. Bếp của gia đình ở ngay trong nhà kề với phòng ăn. Biệt thự này cũng có nhiều lò sưởi.

Biệt thự đường Quang Trung, nay là trụ sở Mặt trận Tổ quốc tỉnh, là một biệt thự mà mặt trước có vẻ cầu kỳ. Tuy nhiên cũng thuộc loại cấu trúc miền Nam nước Pháp. Mặt trước xây uốn nên phòng khách có hình cung. Mái lợp ngói nhưng gần sát mái lại có một đường viền bằng ngói cuốn, trông có vẻ cổ kính.

Biệt thự đường Cô Giang nay là cư xá cho viện Hạt nhân. Biệt thự này được xây theo lối xứ Basques ở Đông - Nam nước Pháp, sát Tây Ban Nha, ở đầu dãy núi Pyrénées. Đặc điểm của nhà là mái dốc. Mới trông có vẻ như một góc của lâu đài. Vì biệt thự này nhỏ nên bố cục bên trong không lớn và đơn giản.

Biệt thự của bác sĩ Lemoine sau là Bệnh viện tư của bác sĩ Sohier, nay là nhà nghỉ của Công đoàn.

Nhà này xây năm 1935 cùng lúc với nhà Ga Đà Lạt. Bác sĩ Lemoine (là rể của Công sứ Cunhac) làm biệt thự này chỉ định để ở. Trong đồ án quy hoạch của kiến trúc sư Lagisquet vị trí này đã được chọn để làm khu làm việc cho Phủ Toàn quyền...

Biệt thự làm trên đỉnh đồi trông ra hồ núp trong một rừng thông dày đẹp và thơ mộng. Nhà thầu Ưng Thận xây cất biệt thự bằng gạch và xi măng cốt thép. Đứng ngoài nhìn cả bốn mặt đều tuyệt đẹp. Khi bác sĩ Sohier mua lại để làm bệnh viện đã sửa sang thêm.

Khu biệt thự của Sở Hỏa xa cũ: nay là nhà nghỉ của đường sắt. Khu này có đến 10 biệt thự nằm vây quanh trên một ngọn đồi sát đường Quang Trung và cùng sát Ga Đà Lạt. Các biệt thự kiến trúc hoàn toàn khác nhau. Ngày trước Sở Hỏa xa làm cho gia đình nhân viên ở nên các nhà đều nhỏ, nhưng hai tầng. Đứng ngoài, nhất là phía trường Trung học Yersin nhìn sang thì khu biệt thự này nổi bật trên nền xanh thẫm của rừng thông chạy dọc đường Quang Trung.

Khu biệt thự Bellevue: sau này gọi là khu Lam Sơn ở cuối đường Trần Bình Trọng, gồm hơn 10 biệt thự hai bên đường Lê Lai. Các biệt thự này trước của gia đình người Pháp giàu có, nên kiến trúc mỗi ngôi một khác.



Biệt thự đầu tiên bên tay trái là Villa Alheimar xây theo kiến trúc mới cao ba tầng (một trệt, hai lầu). Các biệt thự nối tiếp, mỗi cái đều nằm trong một diện tích rộng trong khu rừng thông. Cảnh trí đẹp mắt và hữu tình. Các biệt thự trong khu này khó phân biệt kiểu dáng kiến trúc. Có lẽ các kiến trúc sư vẽ theo ý chủ nhân. Trong nội thất sự phân bố về phòng ốc cũng đều khác nhau, nhưng tựu trung biệt thự nào cũng đầy đủ tiện nghi: điện nước, vệ sinh, đường sá khá hoàn chỉnh.

Biệt thự Nhà máy đèn: Vào năm 1928, sau khi làm Nhà máy đèn xong thì cũng xây luôn biệt thự của Giám đốc nhà đèn. Biệt thự này xây theo kiến trúc vùng Bắc Pháp có tường xây trong bộ khung gỗ và hiện nay vẫn còn đẹp, chắc chắn. Đặc biệt là các biệt thự này chỉ có cửa kính (ô nhỏ). Cột gỗ chống thường được sơn màu xanh và màu nâu xen trong màu vôi vàng, hồng trắng của tường gạch.

Các biệt thự của người Việt Nam cũng được xây giống như của người Pháp, vì do các nhà thầu lấy đồ án của Pháp xây có đôi chút sửa đổi, nhưng cách bố trí bên trong không rộng rãi và nhất là các trang thiết bị không sang trọng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.