Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023

1908 DALAT,P. Duclaux.

 

1908 DALAT, à cheval dans la nature sauvage.P. Duclaux.  Indochine, Hanoi, 1941, No 40.

https://mydalat.wordpress.com/2016/09/26/dalat-nam-1908-55/


Đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn (ảnh do Yersin chụp vào những năm đầu thế kỷ XX)

Dalat năm 1908 (1/5)

25/09/2016 Bình luận về bài viết này

Tháng 3 năm 1899, bác sĩ Alexandre Yersin – người có công phát hiện ra Đà Lạt vào năm 1893 tháp tùng Toàn quyền Paul Doumer cưỡi ngựa từ Phan Rang lên cao nguyên Lang Biang để thị sát cao nguyên, dự định thành lập một nơi nghỉ dưỡng (sanatorium) hiện đại nằm trên đoạn đường xe lửa từ Sài Gòn, xuyên qua rừng núi đến Đà Lạt rồi xuống Quy Nhơn.

Ngày 1-11-1899, Paul Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai trạm hành chính ở Tánh Linh (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) và trên cao nguyên Lang Biang.

Năm 1902, Paul Doumer về Pháp. Mặc dầu nhiều phái đoàn tiếp tục lên cao nguyên Lang Biang khảo sát, lập dự án nhưng do đường lên cao nguyên quá khó khăn, thiếu kinh phí, Đà Lạt chưa phát triển trong hơn 10 năm.

Năm 1908, P. Duclaux đi ngựa từ Hà Nội vào Sài Gòn. Từ Vinh đến Sài Gòn ông đi mất 42 ngày. Trên đường đi, ông rẽ từ Phan Rang lên Đà Lạt.

Xin trân trọng giới thiệu ghi chép “Đà Lạt năm 1908” do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh biên dịch về hành trình của Yersin từ Đá Bàn (nay thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) lên Đà Lạt, xuống Djiring (nay là Di Linh), Gia Bắc (nay thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng).

Đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn (ảnh do Yersin chụp vào những năm đầu thế kỷ XX)

 34-Musique des Mois (Binh Thuan)

Đá Bàn, 27 tháng 3

Thế là tôi đang ở dưới chân núi, chỉ còn leo lên núi.

Ở Đá Bàn, tôi gặp một cánh rừng thưa lớn, một kiểu rừng dưới chân những ngọn núi ngày càng cao bao quanh thung lũng. Đêm dần buông, tôi vừa lòng đã đến nơi, hoàng hôn rất nguy hiểm trong xứ sở đầy cọp này. Ngựa và những người phục vụ đã đến đây trước tôi một giờ. Nhà khách là một kiểu nhà sàn ẩn mình dưới tán cây to đại úy pháo binh Troadec dùng để dựng trại khi khảo sát đường bộ. Từ 10 năm qua, nhiều phái đoàn tiếp tục khảo sát vùng đất này nhưng kế hoạch bị bỏ quên trong tủ hồ sơ.

Troadec về nhà sau một ngày làm việc, chúng tôi làm quen với nhau. Trong vùng đất hoang vu này, sự giao tiếp thật đơn giản. Sau khi tôi tắm xong, một bữa ăn đơn sơ được dọn ra. Chúng tôi trò chuyện rất lâu về vùng đất này và nhiều chuyện khác. Tình cờ cả hai chúng tôi cùng đọc những tác phẩm vừa mới xuất bản, chẳng hạn quyển Con rắn đen của Paul Adam và giây phút đàm luận văn chương trong túp lều gỗ ở một vùng hoang dã, dưới ánh sáng lờ mờ, giữa tiếng ngựa hoảng sợ thật là huyền diệu. Chúng tôi đi ngủ, giường ngủ chỉ là một tấm ván cưa thô sơ, đồ đạc duy nhất trong trạm, nhưng chúng tôi ngủ rất ngon, không cần mùng.

Tuy nhiên, đêm tối thường bị tiếng cọp gầm trong khu vực những người phục vụ và chuồng ngựa khuấy động. Lửa được đốt suốt đêm để đuổi cọp vì vùng đất này cũng như cả Nam Trung Kỳ có rất nhiều cọp. Vừa qua, ở Cù Mông, gần Quy Nhơn, tôi không thể nào bảo những người phục vụ ở trong vòng rào cao đi cắt cỏ ngựa vì đêm xuống, tôi chỉ cho ngựa ăn một ít mía.

Đà Lạt, 28 tháng 3

Đường đi gần 50 ki-lô-mét rất vất vả để đến được độ cao 1.500 mét. Thông thường hành trình gồm hai chặng, với những con ngựa tốt tôi chỉ thực hiện dễ dàng trong một ngày. Chúng tôi khởi hành từ sáng sớm sau khi uống cà phê và ăn cơm buổi sáng. Qua khỏi khu rừng thưa ở Đá Bàn, đường mòn ngoằn ngoèo leo lên khu rừng già hiểm trở. Ngựa chúng tôi tìm thấy lại những con đường mòn vùng Mường hay Mán chúng đã sinh ra vì ngựa chúng tôi đến từ vùng thượng du.

Đoàn người kiên nhẫn leo lên núi. Con đường mòn uốn lượn giữa những thân cây và tảng đá. Thỉnh thoảng từ một khoảng trống nhỏ chúng tôi nhìn thấy khu rừng phía dưới đoàn người vừa mới chậm chạp đi ra, và xa xa những dãy núi màu xanh hòa lẫn với màu xanh của biển cả không nhìn thấy được. Từ mười năm qua, đoàn người khuân vác đã tiếp tục đi trên con đường tiếp tế này, đi trên những chiếc cầu nhỏ và ngang qua những doanh trại bỏ hoang. Đoàn người không ngừng leo núi trong gần bốn giờ đến độ cao khoảng 1.000 mét, rừng cây thưa dần, thông xanh xuất hiện, chân trời quang đãng lộ ra. Những dãy núi tầng tầng lớp lớp trải dài đến vô tận.

Cuối cùng, đoàn người thình lình đến bờ cao nguyên. Con đường dẫn xuống một dòng sông vài nơi rộng đến hàng trăm mét đổ xuống thành thác nước, chảy xa dần về hướng tây và Sài Gòn, quanh co trong thung lũng không sâu trên cao nguyên. Dưới thung lũng nhỏ là Dran, nơi nhân viên công chính dựng trại. Schneider ngạc nhiên nhìn thấy sáu con ngựa lạ diễn qua trước nhà vội chạy theo tôi và giữ tôi lại. Đã đến giờ ăn trưa, tôi vui lòng dừng chân. Những người đơn độc này tiếp chúng tôi với tấm lòng hiếu khách thật chân thành, thân thiện và rộng mở mặc dầu thực phẩm chỉ là những sản phẩm thu được từ săn bắn. Hơn cả đối với người, đây còn là dịp may đối với ngựa được đến một nơi có những con ngựa khác, có thóc, ngô và cỏ để ăn đầy bụng.

Sau trận chiến năm 1901 ở Trung Quốc, pháo binh Pháp trở về nước đã để lại 150 hay 200 con la, đây là thời kỳ nhiều tham vọng chinh phục cao nguyên Lang Biang, khảo sát, tiếp tế,… Nhưng phần lớn con la bị chết vì chăm sóc, nuôi dưỡng kém. Đây là một trong những thất bại làm chậm trễ rất lâu quyết định cuối cùng.

Ăn xong, tôi siết chặt tay Schneider và tiếp tục lên đường, còn 35 cây số và phải đến trước khi trời tối. Con đò ở ngay cửa doanh trại. Đoàn người tiếp tục leo núi, nhẹ nhàng, thoải mái hơn sáng nay và không khí mát mẻ hơn. Còn 500 mét phải leo núi, không còn rừng rậm nhưng những đồi cỏ khô hay giữa rừng thông, phía dưới là thung lũng, những ngọn đồi nhấp nhô và dãy núi xa.

— P. Duclaux. Dalat de 1908, à cheval dans la nature sauvage. Indochine, Hanoi, 1941, No 40. Nguyễn Hữu Tranh biên dịch. Nguồn Báo Lâm Đồng.

------------

Dalat nhìn từ trên cao (ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ 1925-1930)

Dalat năm 1908 (2/5)


Một làn khói đơn độc vươn lên trước mắt chúng tôi. Khi đến một con đèo nhỏ, chân trời bất chợt mở ra về hướng Đà Lạt, những ngọn đồi đang bốc cháy! Ngọn lửa vừa vượt qua con đường chúng tôi đi và chuyển dần về hướng phải, để lại đằng sau những đám cháy, một vùng đầy tro và thân gỗ đen. Không còn nguy hiểm nữa, tất cả đã bị đốt cháy. Chúng tôi tiếp tục đi, lũ ngựa sợ sức nóng và mùi cây cỏ vì những bụi cây còn bốc cháy ven đường và hơi nóng vẫn còn thổi về hướng chúng tôi. Những người phục vụ đùa giỡn trước cảnh tượng kỳ lạ, mới mẻ này, bù lại cho những cánh đồng cỏ hoang vắng vừa trải qua. Tôi rất buồn nghĩ đến tất cả cỏ cây bị phá hoại, những cây non sắp vươn lên, đất đai giảm phì nhiêu mỗi khi ngọn lửa đi qua, động vật hoang dã bị thiêu rụi.

Sau những khu rừng dài hai hay ba cây số bị đốt thành tro, thân gỗ bốc cháy hay thành than, những đám cháy tiếp tục như những đảo nhỏ, đoàn người đi ngang qua một vùng hơi ẩm ướt đã ngăn chặn được tai họa và tìm lại được những đồi cỏ khô lượn sóng trên cao nguyên, xa xa là bóng dáng những đỉnh núi cao. Thỉnh thoảng đoàn người đi ngang qua những khu rừng thông màu xanh đậm giữa một đại dương cỏ khô vàng mênh mông. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy về phía trái một tấm bảng đóng trên một thân cây mang dòng chữ “Đường đi Djiring”. Sau đó vài cây số là Đà Lạt.

Dalat nhìn từ trên cao (ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ 1925-1930)

Dalat nhìn từ trên cao (ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ 1925-1930)

Đà Lạt! Tám hay mười mái nhà tranh của người Việt, một nhà sàn bằng ván thô sơ dành cho lữ khách, một vòi nước, quảng trường chợ, một nhà bưu điện đơn sơ. Trên một ngọn đồi, sau hàng rào và giữa rặng thông xanh, vài căn nhà gạch của trung tâm hành chánh Đà Lạt, vì chế độ cai trị ở đây thật đặc biệt: có một hội đồng và cả một viên thị trưởng. Ông Champoudry – Thị trưởng Đà Lạt – nguyên Cố vấn Hội đồng thành phố Paris bị thất cử được Doumer đem sang đây và coi như người sáng lập Đà Lạt. Còn cư dân? Vài chục người Việt bị đày, vài khách người Âu đi công tác hay trắc địa, những người thợ săn hay lữ khách hiếm hoi cùng đoàn tùy tùng. Tài nguyên? Gần như không có gì hết; không có một khoản ngân sách đáng kể, không có một sự trợ giúp nào cả. Vốn là dược sĩ chuyên trách về vấn đề vệ sinh thành phố Paris, ông thích thú thiết kế hệ thống thoát nước trong thành phố tương lai dựng lên trên sa mạc này và chờ đợi…

Nguyên Cố vấn Hội đồng thành phố Paris bị thất cử được Doumer đem sang đây và coi như người sáng lập Đà Lạt.

Vốn là dược sĩ chuyên trách về vấn đề vệ sinh thành phố Paris, ông thích thú thiết kế hệ thống thoát nước trong thành phố tương lai dựng lên trên sa mạc này và chờ đợi…

Dalat từ trên cao (ảnh chụp trong khoảng 1925-1930)

Dalat từ trên cao (ảnh chụp trong khoảng 1925-1930)

Trung tâm hành chánh của Đà Lạt không được nới rộng thêm chút nào, vẫn thuộc về tỉnh Phan Rang. Để tránh những sự tranh chấp về quyền hạn, ông Canivey – Đại diện của Công sứ – sống với gia đình và thuộc hạ cách xa 3km, ngoài phạm vi của Champoudry. Nơi đây, ông đích thực là chủ nhân, cai quản một vùng Thượng rộng lớn, để lại cho đối thủ bất hạnh của ông vài chục người Việt thường ra vào trong một làng nhỏ chật hẹp mà họ không dám bước chân ra ngoài.

Một phái đoàn công chánh cũng hiện diện tạm thời ở Đà Lạt gồm có đại úy Lavit – một người thợ săn, các ông Barbot và Vissac. Cả ba người đều đi vắng, tôi không gặp được ai.

Tôi mang đến cho ông Canivey một lá thư gửi từ Phan Rang và ông giữ tôi ở lại ăn cơm tối. Ông là một người ở lâu trên xứ Thượng, đã làm hết trách nhiệm, lúc hòa bình lúc chiến tranh, cố gắng khai hóa người dân bản địa, thỉnh thoảng buộc phải đánh nhau, bị thương nhiều lần trong những cuộc đụng độ nguy hiểm với những mũi tên tẩm thuốc độc, những chiếc cung tự động cài trong đám cỏ phóng ra những mũi dao khi người lạ tìm lối đi, những hầm chông cài trên đường, những trò ma thuật không thể dự kiến được.

Không những là một người am hiểu miền Thượng, ông còn là một tay thiện xạ có lẽ một phần vì ham thích nhưng chắc chắn vì hoàn cảnh bắt buộc.

Ở đây không có thịt nào khác ngoài thịt rừng; về rau, chỉ có vài loại rau do người Thượng mang đến hay những người lính tự trồng trọt. Phải thường xuyên chống lại cọp và beo rất nhiều trong khắp vùng. Chuyện cọp là chuyện thường ngày, không phải là chuyện vui đùa bịa đặt mà là một thực tế đáng lo ngại. Chó, ngựa, nhiều người giúp việc, nhiều người bưu trạm đã bị cọp vồ; nhiều người Âu cũng cùng chung số phận.

Dalat nhìn từ trên cao (ảnh chụp khoảng 1925-1930)

Dalat nhìn từ trên cao (ảnh chụp khoảng 1925-1930)

Sau khi ăn tối ở đồn cảnh binh, ông Canivey cho bốn người cầm đuốc đưa tôi về vì đường đi rất nguy hiểm từ khi mặt trời lặn. Ông nói với tôi rằng tôi đã lầm khi đến đây một mình.

Những con chó rừng còn nguy hiểm hơn nữa. Đây là một loại chó cao gần bằng cái bàn, ốm nhom nhưng cực kỳ hung dữ. Chúng kéo đi hàng đàn và đuổi theo con mồi không biết mệt. Chúng tấn công cả cọp và thường chiến đấu đến cùng, dù phải bỏ thây vài mạng. Một lần, con chó của đại úy Lavit – một người thợ săn dũng cảm – bị một đàn chó rừng đuổi theo đến tận trại. Chúng chỉ chịu bỏ đi khi tất cả mọi người trong trại vội vàng chạy ra xua đuổi chúng. Tôi đã từng nghe nói về những con chó rừng ở Quy Nhơn, nhưng những con chó rừng ở đây còn dễ sợ hơn.

Tất nhiên, Đà Lạt thiếu những trò giải trí quyến rũ. Ở trong nhà gỗ và ngủ trên giường gỗ không hấp dẫn du khách chút nào! Không có cỏ cho ngựa và cám bán với giá cắt cổ.

Những người phục vụ không quen với khí hậu, tôi lo ngại có người bị bệnh sẽ rất phiền phức vì tôi phải rời Sài Gòn vào ngày 6 hay ngày 8 tháng 4. Tốt nhất là khởi hành vào sáng ngày mai.

— Nguồn: P. Duclaux. Dalat de 1908, à cheval dans la nature sauvage. Indochine, Hanoi, 1941, No 40. Nguyễn Hữu Tranh biên dịch. Báo Lâm Đồng.

------------

Dalat năm 1908 (3/5)

26/09/2016 Bình luận về bài viết này

Đà Lạt, 29 tháng 3

Sáng hôm nay, chúng tôi lên đường, trở lại vài cây số để đi trên con đường đến Djiring như tấm bảng nhỏ đã ghi tôi thấy hôm qua.

Đường bắt đầu trên vùng đất đỏ, chạy giữa rừng thông thường phủ một màu xanh lên các ngọn đồi rồi xuống thấp dần, ít người đi lại, đường bị hư hại, ít được hay không được sửa chữa, cỏ mọc lấn lên đường. Đường chạy ven sườn đồi một thung lũng dài, hoàn toàn hoang vắng. Vài đàn nai đi ngang qua. Phía dưới thung lũng, khắp trên cao nguyên, nai là động vật duy nhất có thể thấy. Chúng tự do đi dạo theo từng đàn nhỏ và trong mùa này tìm cỏ xanh trên những vùng hơi ẩm ướt.

Các phụ nữ dân tộc bản địa Dalat, 1925

Các phụ nữ dân tộc bản địa Dalat, 1925

Đường càng ngày càng bị hư hỏng, hướng xuống thung lũng, vượt qua vài hố sâu. Đất đào đắp vẫn còn nhưng tất cả cây cầu không còn nguyên vẹn, đã gãy, chúng tôi phải đi vòng và vượt qua những dòng suối cạn. Lẽ nào đường đi đến Djiring mãi như thế này?

Trong thung lũng chúng tôi dần dần đến gần dòng sông. Tình hình càng ngày càng đáng lo ngại. Đường đã vắng vẻ, dòng sông càng vắng vẻ và hình như hoàn toàn hoang phế. Từ khi rời khỏi Đà Lạt đến đây, tôi chưa gặp một bóng người. Chúng tôi còn nhìn thấy vài cọc gỗ, thỉnh thoảng một hai tấm ván. Chúng tôi phải lội qua vùng sình lầy và đầm nước nhỏ. Trong cảnh hoang vắng tuyệt đối này, tôi nhớ đến vùng đầm lầy ở Sông Cầu, chúng tôi phải qua một vùng sình lầy dài khoảng 700 đến 800 mét, bùn ngập đến tận yên ngựa, chung quanh là những người Kinh chèo thuyền tam bản hay thuyền thúng.

Cuối cùng, con đường mòn hình như mất hút. Nhìn thấy một chiếc cầu xa xa, tôi cưỡi con ngựa tốt nhất mang dòng máu Ả-rập tiến ra phía trước để khám phá.

Khi ngựa đi qua cầu, một tấm ván gãy dưới chân trước. Con ngựa cố gắng phóng qua bờ bên kia, chiếc cầu gãy hoàn toàn. Hết đường, không thể tiếp tục đi nữa. Tôi dắt ngựa lội qua suối, quay trở lại, đi ngang qua vùng đầm lầy và thung lũng nhỏ, nhìn thấy lại đàn nai vẫn còn gặm cỏ. Sau bốn giờ đi đường vô ích, tôi dắt con ngựa bị thương, đi bộ trở về Đà Lạt, mất toi một ngày đường.

Tôi và những người phục vụ lo chăm sóc con ngựa, xoa bóp, lau vết trầy bằng nước nóng và thuốc sát trùng. Người phục vụ dựng lại lều tạm trong khuôn viên khách sạn vốn còn hoang vắng, người đầu bếp nấu bữa ăn. Chúng tôi đi tìm rất khó khăn thóc, ngô cho ngựa trên vùng đất thiếu mọi thứ, ngay cả cho người. Công việc xong, tôi đi hỏi tìm đường vì dĩ nhiên chúng tôi đã bị lạc đường.

Lỗi do tấm bảng chỉ đường. Ông Champoudry xin lỗi đã không gỡ tấm bảng chỉ đường vì quá ít khách qua lại. Đây là con đường mòn cũ, gọi là Preng, đã bị bỏ hoang từ 4 hay 5 năm nay và được thay thế bằng một con đường khác do Canivey xây dựng. Trong một cuộc đi dạo ngắn, ông Champoudry chỉ cho tôi hướng đi Djiring.

Một người dân bản địa trong buổi sáng Dalat sương mù, 1926

Một người dân bản địa trong buổi sáng Dalat sương mù, 1926

Buổi chiều, chúng tôi đi ngang qua những túp lều của người Kinh và nhìn thấy năm hay sáu người dân bản địa hiếm hoi đến trao đổi hàng hóa. Con ngựa vẫn đi khập khểnh nhưng hình như không nặng lắm. Ngày mai, nó lại mang yên nhưng hàng hóa ít nặng hơn.

— Nguồn: P. Duclaux. Dalat de 1908, à cheval dans la nature sauvage. Indochine, Hanoi, 1941, No 40. Nguyễn Hữu Tranh biên dịch. Báo Lâm Đồng.

---------

Thác Prenn

Dalat năm 1908 (4/5)

26/09/2016 Bình luận về bài viết này

Đa Nhim, 30 tháng 3

Sau chuyến đi gian khổ hôm qua, đường hôm nay không gặp khó khăn nào! Con ngựa vẫn còn đi khập khễnh nhưng bước đi không tệ. Trở ngại duy nhất là ngựa vẫn không có gì để ăn.

Ngay sau khi rời khỏi Đà Lạt, lần này, đường mòn rõ nét hơn, bắt đầu xuống một sườn đồi dài quanh co giữa những đồi thông, có những khoảnh rất đẹp gợi nhớ đến những khu rừng ở Pháp. Sau khi xuống dốc khoảng 10km, chúng tôi đến thung lũng Prenn mà chúng tôi đã đến hôm qua nhưng còn ở trên cao. Vài mảnh ruộng gợi nhớ về miền trung du Bắc Kỳ, hình như ruộng đất phải để nghỉ trồng từ 10 đến 15 năm sau thời gian trồng 2 hay 3 năm.

Thác Prenn

Thác Prenn

Những bụi cây và rừng cháy trải dài hàng cây số đến tận Phi Nôm (Phim-Nom), một trạm gác bỏ hoang, điêu tàn, vắng bóng người. Dĩ nhiên, rất hiếm du khách đi trên con đường này. Suốt cả ngày chúng tôi chỉ gặp mười người dân bản địa, một nhóm hai người và một nhóm bốn người đi ngang qua khi chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi. Mọi người đều ở trần, lưng đeo gùi, tay mang giáo mác, cung tên, xà gạc. Họ không đeo vòng đồng ở cổ tay và cổ chân như người dân tộc thiểu số ở Nha Trang nhưng đeo vòng cổ bằng thủy tinh.

Trong bốn người dừng chân dưới lùm cây lớn, tình cờ chúng tôi gặp một người biết nói một số ít tiếng Kinh. Chúng tôi trò chuyện và đề nghị thi bắn cung vào chiếc lá trên cành cây cắm xuống đất. Họ có những chiếc cung nhỏ thông thường – hình như vũ khí của họ mạnh hơn – và họ bắn rất chính xác. Sau khi bắn xong, người dân tộc thiểu số trao cung cho một người phục vụ của tôi bắn thử nhưng đều không trúng đích. Những người khác không dám thử vì sợ gặp điều rủi hay bùa ếm. Tôi đưa một đồng bạc mới, cả tám người dân tộc thiểu số đều cười mặc dầu chúng tôi đều không hiểu nhau.

Giai đoạn kế tiếp là con đường gần như bằng phẳng với những khu rừng thông rất đẹp và những cây rừng khác, những cánh đồng trơ trụi gợi nhớ đến những cánh đồng cỏ ở Bắc Mỹ có rất nhiều đàn nai và bò rừng. Thỉnh thoảng chúng tôi nhìn thấy những con nai và thường thấy những con trâu. Động vật hoang dã vẫn còn nguyên trên vùng này, trong khi ở Nam Kỳ đã giảm dần vì có nhiều thợ săn. Nhiều người nói động vật hoang dã ăn cỏ ngăn cản việc trồng trọt, người dân tộc bản địa có dùng thuốc độc trên những cánh đồng nhưng không làm được gì. Chắc chắn số lượng động vật nhìn thấy khắp nơi là rất nhiều. Từng lúc người ta có cảm tưởng như đang ở giữa những cánh đồng cỏ ở Aubrac vào mùa hè, nhưng cỏ nơi đây rất khác xa cỏ trên đồi núi ở miền Trung nước Pháp.

Chúng tôi phải đi giữa hai dòng sông vì vùng chúng tôi đi qua chiều nay tạo ra một loại cao nguyên. Tôi không có bản đồ và tôi không tin đã có bản đồ vùng này.

Cuối cùng, chúng tôi đi xuống sông Đa Nhim, sườn dốc rất xuôi. Nhưng muốn qua bên kia sông phải dùng đò, ở đây không có một chiếc đò nào và không một bóng người. Trạm ở phía bên kia sông nằm dưới tán cây với mái tranh nhìn rõ từ bên này sông. Tôi gọi đò nhưng vô ích. Tôi và người phục vụ cởi trần bơi qua sông, đàn ngựa bơi theo sau. Đến bờ bên kia, chúng tôi gặp một chiếc bè kết bằng tre. Vài phút sau, chúng tôi đến trạm, gặp vài người dân địa phương. Tại đây những con ngựa vẫn còn gặp khó khăn, không có gì để ăn, không thóc ngô, không có gì cả, rất ít cỏ, một ít lá tre khô và cứng. Tình hình rất đáng lo ngại. Động vật hoang dã sống được vì chúng có cả ngày để ăn, còn tôi thì phải lên đường…

— Nguồn: P. Duclaux. Dalat de 1908, à cheval dans la nature sauvage. Indochine, Hanoi, 1941, No 40. Nguyễn Hữu Tranh biên dịch. Báo Lâm Đồng.

-----------

Cao nguyên Langbian nhìn từ Di Linh

Dalat năm 1908 (5/5)

26/09/2016 Bình luận về bài viết này

Djiring, 1 tháng 4

Tôi ở lại suốt ngày ở đây để chăm sóc những con ngựa mà trong năm ngày đường vừa rồi mệt mỏi và gầy hơn ba mươi ngày từ Vinh đến Phan Rang. Ở đây ít ra cũng có cỏ và thóc nhờ ông Cunhac và ông Bonhotal, thanh tra cảnh binh, một người đã ở Đông Dương từ lâu, biết tiếng Kinh, Mường, một ít tiếng người dân tộc bản địa,…

Cao nguyên Langbian nhìn từ Di Linh

Cao nguyên Langbian nhìn từ Di Linh

Sự tiếp đãi giống như tại khắp Đông Dương: giản dị, thân thiết. Mọi người đều cảm thấy như ở nhà mình, không làm phiền nhau. Ai cũng đều có công việc riêng, tăng thêm vào bữa ăn số lượng hơn là chất lượng, kể nhiều chuyện không bao giờ viết được. Ông Cunhac và Bonhotal, nhất là ông Cunhac, đã ở từ lâu trên vùng đất này để chứng kiến và biết được những công việc các phái đoàn đã thực hiện trên cao nguyên Lang Biang. Bác sĩ, sĩ quan trắc địa, công chánh, bưu điện, nông nghiệp, lâm nghiệp đã lên Lang Biang từ đây hay Phan Rang, các dự án tiếp tục được soạn thảo tốn không ít kinh phí và nhất là nhiều người đã chết. Họ không hiểu kết thúc rồi sẽ ra sao. Như mọi lần, những người họ tham vấn là những nhân vật tại chỗ đã đi và biết nhiều chuyện.

Tôi tham quan Djiring. Đường không dài, vài chục nhà người Kinh, ba hay bốn người Hoa buôn bán nhỏ trao đổi với người dân tộc bản địa, công chức Pháp. Trung tâm hành chính này tuy có cả đại diện chính quyền và cảnh binh nhưng không bằng một xã nhỏ ở vùng nông thôn nước Pháp. Nhưng ông Cunhac yêu xứ sở này và quyết tâm ở lại.

Gia Bắc, ngày 2 tháng 4

Có thể nói hôm nay là ngày của cọp. Không vùng đất nào ở Nam Trung Kỳ có nhiều cọp như ở đây, người ta báo cho tôi đừng khởi hành quá sớm và nên đến nơi sớm. Những con ngựa được nghỉ ngơi và ăn uống kỹ hôm qua đã vượt chặng đường 45km trong 8 giờ, chỉ dừng chân ở trạm Giăng Ca (Yankar) để ăn. Sau một đoạn đường lên dốc nhẹ nhàng, chúng tôi đến đỉnh núi, nhìn cảnh núi non hùng vĩ,

Rồi xuống dốc, nhiều khu rừng rất đẹp.

Qua khỏi khu rừng thông, chúng tôi gặp những khu rừng hỗn giao. Chúng tôi đi giữa những rặng tre cao nhất tôi chưa từng thấy, cao 20 hay 50m, với những thân cây to bằng chân người. Tàn lá tre phủ bóng xuống mặt đất trên những lối đi đầy cỏ khô.

Trong xứ sở hoang vu này, chúng tôi chỉ tìm thấy được một ít cỏ cho ngựa vào giữa trưa trong một trạm tồi tàn, lá tre khô quá cứng. Buổi chiều, ở Gia Bắc (Yabak), chúng tôi nhận được một ít thóc nhưng không có cỏ. Đã năm giờ, thời gian đi cắt cỏ bị trễ, một hàng rào to lớn bao quanh trạm, đêm đêm người ta nghe tiếng cọp gầm. Hôm nay, tôi đã nhìn thấy trên đường đi hơn một trăm lần phân cọp và dấu chân trên những vùng đất ẩm ướt hay có cát. Tôi không bao giờ tin rằng ở đây có nhiều cọp như thế! Cảnh tượng này luôn ám ảnh tôi.

Bìa sách hướng dẫn săn bắn ở Langbian, 1920

Bìa sách hướng dẫn săn bắn ở Langbian, 1920

Hôm nọ, ngay cả ở Djiring, cọp đã vồ một con ngựa gần bưu điện vào lúc mười giờ sáng, cọp còn trở lại hai hay ba lần trong ngày. Vào lúc ba giờ chiều, cọp còn trở lại và thoát khỏi bốn viên đạn bắn cách xa mười lăm mét. Ông Cunhac nhận xét cọp là chúa sơn lâm, ở vùng này động vật hoang dã nhiều hơn con người.

Không đầy ba tháng đã có chín nhân viên bưu điện bị cọp vồ, khi thư từ không đến, người ta biết chuyện gì đã xảy ra.

Trên đường mòn Canivey, gần Đà Lạt, một người dân tộc thiểu số đã bị cọp vồ giữa ban ngày trong một đoàn 120 người. Trung úy Gauthier dẫn đầu đoàn bị cọp vồ ngay trên lưng ngựa vào lúc 4 giờ 30 chiều. Cọp vồ vào gáy và tha vào rừng. Bốn ngày sau, người ta tìm thấy một chiếc giày, vài mảnh quần áo, một cái sọ người. Ông chưởng ấn Montagne làm việc trong tòa công sứ Nha Trang cũng bị chết như vậy, ngay trên lưng ngựa và giữa ban ngày.

Ở Gia Bắc, từ khi mặt trời lặn, mọi người đều rút vào sau hàng rào tre dày ít nhất sáu mét. Người nấu bếp và người phục vụ rất hoảng sợ, người cận vệ đã cùng tôi vượt núi trong nhiều năm hơi bình tĩnh hơn. Những con ngựa cũng cảm thấy sự hiểm nguy, hí vang lên…

— Nguồn: P. Duclaux. Dalat de 1908, à cheval dans la nature sauvage. Indochine, Hanoi, 1941, No 40. Nguyễn Hữu Tranh biên dịch. Báo Lâm Đồng.

----------------

Sự ra đời của Đà Lạt (bài viết trên tuần san Indochine xuất bản năm 1944)

 ĐÀ LẠT XƯA


https://chuyenxua.net/su-ra-doi-cua-da-lat-bai-viet-tren-tuan-san-indochine-phat-hanh-nam-1944/



 

       











Ngày nay, khi mà quy hoạch thành phố Đà Lạt đã trở nên hỗn loạn, nhiều người vẫn thường hay nhớ về thời vài chục năm trước và nuối tiếc cho một thành phố đã từng thơ mộng và lãng mạn. Để hiểu hơn về sự ra đời của Đà Lạt, mời các bạn đọc lại bài báo được in năm 1944, cách đây gần 80 năm, vào thời điểm Đà Lạt được ví như là một “ngôi sao mới” ở Đông Dương.











 

Trước khi thời gian còn chưa kịp xóa đi những ký ức, tôi nhận thấy việc vạch ra những nét chính về hoàn cảnh ra đời và phát triển của thành phố Đà Lạt là một việc khá lý thú. Để có được thành quả nghiên cứu, không gì chắc chắn hơn là hỏi chuyện người đàn ông lớn tuổi ở thành phố cao nguyên này, ông (Élie Joseph Marie) Cunhac, người sáng lập và cũng là vị quan chức đầu tiên của thành phố này.

Ông Cunhac rất muốn kể cho độc giả của tuần san Indochine những kỷ niệm mà ông đã lưu giữ suốt nửa thế kỷ qua, cùng bộ sưu tập ảnh đồ sộ của ông, những chứng vật của một thời kỳ, những bức ảnh thời nguyên sơ của điểm nghỉ mát xinh đẹp trên cao này.

 Trước tiên, tôi hỏi ông Cunhac đã tới đây khi nào và trong trường hợp nào. Câu trả lời của ông chính là câu chuyện về sự thành lập của Đà Lạt:

 – Cao nguyên Đà Lạt được bác sĩ Yersin phát hiện vào năm 1893 sau nhiều lần thực hiện những cuộc thăm dò trong dãy Trường Sơn. Năm 1897, ông báo cáo những phát hiện của mình cho Toàn quyền Paul Doumer, khi đó đang dự định thành lập ở Đông Dương một trạm nghỉ mát trên cao cho người Châu Âu. Tháng 10 năm đó, một đoàn quân được thành lập với mục đích tìm ra con đường dễ nhất từ Nha Trang lên cao nguyên Langbian. Đại úy pháo binh Thouard được chỉ định làm chỉ huy trưởng, trung úy lính thủy đánh bộ Wolf làm phó chỉ huy. Thành viên đoàn gồm có: viên đội Cunhac với nhiệm vụ làm trợ lý đo vẽ địa hình; hạ sĩ Abriac chịu trách nhiệm về đội culi và vận chuyển; lính thủy đánh bộ Missigbrod (người vùng Poméranie) vốn là lính lê dương và là hầu cận của viên trung úy (Wolf), một tay rất tháo vát; cuối cùng là hai hay ba người lính An Nam và một người dẫn đường; người dẫn đường này chính là người lính bốn năm trước đã cùng bác sĩ Yersin lên cao nguyên.

 Chuyến đi như thế nào, chắc là nhiều khó khăn lắm?

 – Đoàn rời Sài Gòn, tới Nha Trang vào cuối tháng 10-1897 và chỉ ít lâu sau liền di chuyển lên vùng phía trên của lưu vực sông Nha Trang. Sau khoảng một tháng thám hiểm địa hình vô cùng khó khăn và nặng nhọc ở vùng núi nơi chỉ có một vài bộ lạc sống rải rác và chưa hàng phục, thậm chí là thù địch, đoàn tới được thung lũng Đa Nhim, thượng lưu sông Dran, ở xóm Loupah của người Thượng. Từ đây, đoàn men theo bờ phải của dòng sông tới Finnom (Phi Nôm), rồi vượt sông Datam (Đạ Tam) – một nhánh của sông Đa Nhim. Đi ngược theo dòng sông này (Datam), đoàn tìm tới gờ phía nam của cao nguyên, qua thác Prenn và cuối cùng dừng chân tại Đà Lạt, tại nơi mà nay là nhà nghỉ Auberge Savoisienne.

 Khi lên tới cao nguyên, đoàn ở đâu?

 – Sau thời gian dựng lều ở bên bờ sông Cam Ly, đoàn chuyển tới Dankia ở tạm, đây cũng là trung tâm làm việc và tiếp tế. Hơn nữa, nơi này còn có một làng Thượng khá lớn trong khi các vùng xung quanh đều hoang vắng. Về phía Maline cũng chỉ có hai hay ba xóm của người Lát là hết. Trên đó rất nghèo, chính vì thế hầu như không có người ở. Ở Dankia, chúng tôi có lợi thế là ở ngay khu vực trung tâm, vừa dựng được bản đồ vừa dễ dàng đổi đồ vật lấy thực phẩm. Chúng tôi để anh lính Missigbrod ở lại Dankia rồi xuống khỏi cao nguyên di chuyển một chút về phía biển. Anh này ở lại ngay lập tức đã bắt tay vào việc làm một vườn rau và chăn nuôi nhằm cung cấp thực phẩm cho cả đoàn. Đó chính là khởi đầu khiêm tốn của “Trại Dankia” sau này.



 Sau mười một tháng làm việc, đoàn trở về Sài Gòn vào tháng 9 năm 1898.

 

Khi đó bắt đầu xây dựng Đà Lạt à?

– Chưa! Sau khi tìm ra vị trí, toàn quyền Doumer tiếp tục cử một đoàn quân khác lên đường (1898-1899). Dưới sự chỉ huy của đại úy kỵ binh Guynet, đoàn có nhiệm vụ là vạch ra một con đường cụ thể lên cao nguyên. Trước tiên, đoàn phải làm một con đường không trải đá nhưng xe có thể đi được nối từ Phan Rang đi lên phía bắc tới chân dãy Trường Sơn, sau đó, làm tiếp một con đường có độ dốc trung bình 8% mà lừa có thể đi được, nối lên tới cao nguyên Lang Bian.

 Là một thành viên của đoàn, đầu tiên tôi đảm nhiệm vị trí thư ký đặc biệt cho viên đại úy, sau đó tôi được trao luôn nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng con đường như dự kiến.

 Điểm xuất phát của con đường là ở Xóm Gòn, cạnh bờ sông Phan Rang và dưới chân dãy Trường Sơn, nối tới điểm kế tiếp là Đá Bàn (Daban) trên đèo Krongpha [Đèo Sông Pha hay Đèo Ngoạn Mục ngày nay], rồi từ Đá Bàn khởi đầu cho con đường leo lên cao nguyên. Để vượt sông Phan Rang, người ta làm một cây cầu nhỏ hai nhịp, loại tháo lắp được của công binh, đặt trên các giá đỡ. Cây cầu khi đó được đặt gần về phía thượng lưu của dòng sông so với vị trí của cây cầu đường sắt hiện nay. Con đường mòn lên cao nguyên được mở đi qua Dran và Arbre – Broyé [Cầu Đất].

 Đoàn quân của đại úy Guynet hoàn thành nhiệm vụ vào thàng 10-1899 (?) Lúc đó Đà Lạt trông như thế nào? – Vẻ nguyên thủy của Đà Lạt hầu như chỉ bị thay đổi trong những năm gần đây. Tại khu vực hồ trung tâm [hồ Xuân Hương ngày nay] có một con suối nhỏ nằm trong khu vực của bộ lạc Lat được gọi là Da – Lat, sau vì một lý do nào đó người ta đổi tên nó thành Cam Ly (tên theo tiếng An Nam).

 

Và ông Cunhac cho tôi xem một bức ảnh có một chiếc cầu nhỏ bắc ngang qua một con suối ngay vị trí nó mở rộng ra thành một cái hồ. Sau nhiều lần san lấp suối và đắp đường để băng qua suối, người ta xây một con đập chặn suối Cam Ly ngay phía trước cái ki-ốt ở chân đồi golf. Nhìn vào bức ảnh có thể thấy bên phải là đồi, bên trái là tòa công sứ, phía xa là hai đỉnh núi Lang Bian.

 



 


 Ngày nay, có thể biết được nền hành chính Đà Lạt được khởi đầu như thế nào là một điều khá lý thú, vì trong một thời gian dài, Đà Lạt chỉ là một thành phố triển vọng. Cho tới tận đầu thế kỷ [XX] Đà Lạt vẫn chỉ được xem là một nơi có triển vọng phát đạt trong tương lai, nhưng liệu tất cả chỉ có thế?

 Ông Cunhac nói tiếp:

– Sau chuyến công tác của đoàn Gyunet, người ta thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Province du moi du Haut – Donnai) vào năm 1899 với tỉnh lỵ Djiring; Công sứ là ông Ernest Outrey. Công việc chủ yếu của ông công sứ là tuyển nhân công phục vụ cho các đoàn nghiên cứu rải rác từ Biên Hòa qua Tánh Linh tới Djiring. Nhiệm vụ của các đoàn nghiên cứu này là thám sát và nghiên cứu để dựng lên một con đường sắt nối vùng ven biển với cao nguyên.



 Ngoài Đồng Nai Thượng, Đà Lạt cũng đồng thời nằm dưới quyền quản lý của ông Outrey. Năm 1900, ông cho xây dựng ở Đà Lạt một ngôi nhà sàn bằng gỗ lợp tôn tại vị trí nay là Tòa Đốc lý.



 


 

 Năm 1901, tỉnh Đồng Nai Thượng bị bãi bỏ, Djiring chỉ còn là một đại lý trực thuộc tỉnh Phan Thiết, trong khi Đà Lạt là đại lý trực thuộc tỉnh Phan Rang.

 Tôi là trưởng đại lý đầu tiên của Đà Lạt; người kế nhiệm tôi là ông Canivey. Sau khi rời Đà Lạt, tôi chuyển đến Djring làm trưởng đại lý từ năm 1903 đến năm 1915.

 Đà Lạt không còn là đại lý từ khi nào?

 – Khoảng tháng 2 – tháng 3 năm 1916 tỉnh Lang Bian được thành lập, với tỉnh lỵ là Đà Lạt. Tôi đồng thời được điều về làm công sứ cho tỉnh mới. Nhưng năm 1920, Đà Lạt lại trở thành một hạt tự trị được giao cho ông [Léon] Garnier làm Tổng ủy viên của Phủ Toàn Quyền. Tuy vậy, tôi vẫn ở lại làm công sứ tỉnh và kiêm nhiệm thêm chức Ủy viên phí cho ông Garnier.

 Lúc đó tòa nhà hành chính đặt ở đâu?

– Tòa nhà hành chính là một cái nhà gỗ có lầu kiểu nhà ở miền núi Thụy Sĩ. Tôi ở trên lầu còn các văn phòng làm việc thì ở phía dưới.

 Còn nguồn gốc tòa nhà hành chính hiện nay như thế nào?

– Đó là một cái chòi do thành phố Sài Gòn làm, trên mái hiện nay ta vẫn còn thấy một chữ S to cải bằng ngói đỏ để chỉ Sài Gòn. Ngôi nhà này đã được thành phố Đà Lạt mua lại.

 Thế còn những ngôi nhà khác?

 – Có một cái nhà dã ngoại (Sala) cho những người đi săn ở xa hẹn nhau tới tụ tập.


Rồi ông cho tôi xem một bức ảnh khác, nhìn vào đó có thể thấy rõ phía trước ngôi nhà là tiền thân của khách sạn Desanti (nay là khách sạn Lac) là một dãy hươu bị bắn hạ nằm trên hàng hiên của khách sạn đầu tiên của Đà Lạt.



 

 Ông tiếp:

– Ngoài ra còn có những ngôi nhà khác nữa mà hiện nay vẫn còn như ngôi nhà nhỏ một tầng nằm trước khách sạn Lac (trên miếng đất chìa ra của sân vận động); từ đèo Prenn đi vào Đà Lạt, ngôi nhà đầu tiên phía bên trái và ngôi nhà đầu tiên phía bên phải là hai ngôi nhà được xây dựng vào thời điểm bùng nổ của Đà Lạt. Về phía người An Nam, họ cũng tới Đà Lạt gần như cùng lúc với người Pháp, họ ở trên đồi phía tây nhìn xuống chợ.

 Thế còn Hồ Lac (hồ Xuân Hương), một vòng hoa điểm trang rất đẹp của Đà Lạt, được xây dựng từ khi nào bởi ai?

– Hồ được hình thành trong thời gian gần đây. Lần đầu tiên hồ được xây dựng là từ đề xuất của tôi vào khoảng năm 1919, người thực hiện là ông Labbé, kỹ sư Sở Công Chính. Từ năm 1921 – 1922, những chỗ san lấp cũ để làm nền đường được nâng cao thêm theo lệnh của Công sứ Garnier. Sau đó một năm [1923], người ta tiếp tục xây dựng con đê thứ hai phía dưới hạ lưu con đê thứ nhất để tạo thành hai hồ.





 Hai con đê này đã bị áp lực nước lớn phá vỡ trong một cơn bão vào tháng 5 – 1932. Người ta liền làm hai con đê khác theo thông số cũ. Con đê hiện nay là đê mới bằng đá được xây dựng vào khoảng năm 1934 – 1935, chúng nằm lùi về phía hạ lưu một chút so với những con đê trước.





 

Thời điểm Đà Lạt bắt đầu có du khách tới thì họ đi tới bằng đường nào?

 – Họ đi bằng đường từ Phan Thiết và Djiring. Trong 12 năm ở Djiring, với sự giúp đỡ của ông Garnier, khi đó là công sứ Phan Thiết, tôi đã nghiên cứu việc xây dựng một con đường không trải đá dành cho ô tô đi lên cao nguyên. Con đường này bắt đầu từ Gian-mau, cách Phan Thiết 19km, nối tới Djiring từ năm 1914; đoạn Djiring – Đà Lạt thì được xây dựng và hoàn thành trong khoảng từ 1914 – 1915.

 Lúc đó người ta vượt qua sông Đa Nhim như thế nào?

– Ban đầu thì dùng những chiếc thuyền độc mộc của người Thượng. Sau đó tôi cho làm những chiếc lớn như kiểu phà, bên dưới là những chiếc thuyền độc mộc ghép lại, còn bên trên phủ ván gỗ. Dây cáp kéo phà ban đầu được làm bằng những sợi mây, sau đó bằng da trâu, cuối cùng được thay bằng cáp kim loại. Một thời gian sau, tôi lại thử làm một cây cầu vượt sông bằng cách ghép các thuyền độc mộc lại với nhau. Cuối cùng vào năm 1915, tôi dựng một cây cầu bằng gỗ. Cây cầu được làm bằng gỗ dầu, dài khoảng 100m, cách mặt nước trung bình khoảng 6m và có thể chịu được tải trọng 10 tấn. Do không có kinh phí nên tôi không thể mua được đinh để đóng cầu, đành phải ráp các thanh cầu với nhau bằng những chốt gỗ cứng, dù vậy vẫn rất hữu dụng.

 Nhớ lại những công trình đầu tiên của mình, ông đồng thời nhắc tới cây cầu hiện nay do công ty Levallois – Perret thực hiện. Rất thật lòng, ông so sánh cây cầu đầu tiên bằng thuyền thô sơ của mình với những công trình lớn hiện đại ngày nay, những thứ có thể chống trọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Đó là một tiến trình tất yếu, nhưng cần phải có ai đó đi trước xẻ đường để những người đi sau qua được dễ dàng hơn.

 Đà Lạt ngày nay có rất nhiều những dinh thự, khách sạn và biệt thự xinh đẹp, tựa như một góc nhỏ của nước Pháp, mọc lên giữa vùng đất mà một thời từng bị cô lập và thù địch. Để có được những thành quả này, chúng ta cần tri ân ba người: bác sĩ Yersin, người phát hiện ra cao nguyên; Toàn quyền Paul Doumer, người quyết định xây dựng điểm nghỉ mát trên cao nguyên; và ông Cunhac; người đầu tiên thực hiện dự án.

Tác giả: A. Baurit – Tuần san Indochine Số 180, Ra ngày 10/2/1944

Người dịch: Đông Kha.


https://chuyenxua.net/su-ra-doi-cua-da-lat-bai-viet-tren-tuan-san-indochine-phat-hanh-nam-1944/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.