Xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm: Thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930 ha. Trong đó, thành phố Đà Lạt có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 39.440 ha.
Hiện trạng dân số năm 2011 khoảng 529.631 người; dự báo đến năm 2030 tăng lên khoảng 700.000 – 750.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 450.000-500.000 người. Dự báo khách du lịch khoảng 9-10 triệu người.
Mô hình và cấu trúc không gian
Về mô hình phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, Quyết định nêu rõ sẽ phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa - lịch sử.
Cấu trúc không gian là cấu trúc khung lưu thông bao gồm tuyến vành đai vùng đô thị, các tuyến xuyên tâm và hướng tâm kết nối với vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung bộ (Nha Trang, Phan Rang - Tháp Chàm, Phan Thiết) và Tây Nguyên (thành phố Buôn Mê Thuột).
Quy hoạch Đà Lạt điều chỉnh nêu rõ, Đà Lạt trong tương lai sẽ gồm 6 đô thị vệ tinh lấy Đà Lạt hiện hữu là trung tâm. Các đô thị vệ tinh đảm nhiệm các chức năng khác nhau và cùng kết nối. Đà Lạt (5.900 ha) là đô thị đảm nhiệm chức năng của một trung tâm hành chính, nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc.
Huyện Đức Trọng sẽ hình thành các khu đô thị là Liên Nghĩa - Liên Khương (2.600 ha) và FiNôm - Thạnh Mỹ (1.700 ha), Đại Ninh (350 ha) được định hướng trở thành trung tâm thương mại, giải trí và phát triển kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao. Huyện Lâm Hà với đô thị Nam Ban (500 ha) sẽ là trung tâm du lịch hỗn hợp, chế biến nông sản, công viên chuyên đề nông nghiệp công nghệ cao.
Định hướng phát triển không gian thành phố Đà Lạt theo mô hình tuyến vành đai và các trục hướng tâm theo hình nan quạt, kết nối với các trục cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng, cảnh quan địa hình và hệ thống công viên cây xanh; với mục tiêu nhằm bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế.
Phát triển du lịch, nông nghiệp
Quyết định nêu rõ, các không gian và hoạt động du lịch trong đô thị bao gồm: Phát triển du lịch di sản, văn hóa, lịch sử tại khu vực trục di sản; du lịch sinh thái, cảnh quan, văn hóa, Festival hoa tại các công viên đô thị và theo các tuyến cảnh quan suối, hồ và các công viên chuyên đề; du lịch cảnh quan nông nghiệp và trang trại giáo dục trong không gian nông nghiệp sạch; du lịch hội nghị - hội thảo tại khu đô thị trung tâm và khu du lịch hồ Chiến Thắng; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp các khu du lịch hỗn hợp; du lịch điều dưỡng, chữa bệnh tại khu du lịch hồ Chiến Thắng và các trung tâm y tế cấp vùng.
Tại huyện Đơn Dương sẽ hình thành đô thị Đ’Ran (350 ha) có chức năng phát triển du lịch cảnh quan hồ. Đô thị Lạc Dương (300 ha) được định hướng hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ. Diện tích đất nằm ngoài quy hoạch đô thị được tính toán để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào sản xuất nông sản xuất khẩu vào thị trường các nước phát triển.
Bên cạnh đó, các vùng nông nghiệp lớn sẽ được bảo tồn những nét đặc trưng bao gồm khu vực trồng rau và hoa ở Đà Lạt, khu vực hoa màu rộng lớn phía Nam, vùng trồng cà phê phía Tây và vùng trồng chè phía Đông thành phố Đà Lạt.
Ngày 23/10/2014 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định 2221/QĐ-UBND về việc ban hành quản lý theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 2221/QĐ-UBND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.