Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

LÝ SƠN ĐẢO NGỌC, QUẢNG NGÃI



Theo Đồ án Quy hoạch, huyện Lý Sơn có diện tích trên 1.530 ha, bao gồm diện tích đảo thuộc các xã: An Hải, An Vĩnh, An Bình với 1.038 ha và diện tích thềm nước cạn trên 491 ha; mật độ dân số khoảng 24 người/ha.
Trong đó, đảo lớn bảo tồn và phát triển hài hòa, tôn trọng cảnh quan, địa chất, môi trường và hệ sinh thái, hình dạng và cấu trúc không gian; giữ nguyên giá trị hình ảnh đặc trưng của đảo lớn. Xây dựng trục giao thông chính kết nối cảng Bến Đình với đường liên khu vực Đông - Tây, hình thành phố đi bộ, chợ đêm, khu thương mại dịch vụ sầm uất tại khu vực trung tâm huyện...
Tại đảo bé cần bảo tồn và giữ sự hoang sơ nguyên vẹn của đảo và đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng nhà ga, quầy bán vé, phòng chờ, cửa hàng, dịch vụ; không gian đón và trả khách.
Đây là huyện đảo có vị trí tiền tiêu cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển quốc phòng - an ninh, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; với nhiều tiềm năng phát triển về du lịch, nông nghiệp, thủy sản; nên việc quy hoạch sẽ tạo điều kiện để Lý Sơn phát triển đồng bộ và bền vững.
Ngọc Phó




8 giờ · 
Bài viết đã lâu nay thấy nhiều dự án lớn chuẩn bị đầu tư vào đảo Lý Sơn, nên đăng lại góp phần gìn giữ ĐẢO NGỌC LÝ SƠN!
Ngày 26/6/2017 được UNND tỉnh Quảng Ngãi mời nghe báo cáo và cho ý kiến về phương án Quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 huyện đảo Lý Sơn. Cá nhân tôi có một số ý kiến phản biện.
VIÊN NGỌC QUÝ GIỮA BIỂN KHƠI
- Được thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Quảng Ngãi. Đảo Lý sơn như một viên ngọc quý giữa biển khơi. Cách đất liền 28km về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Có diện tích toàn đảo 1039,84ha.
- Đảo Lý Sơn sở hữu một môi trường tự nhiên hấp dẫn, hệ sinh thái đa dạng cùng các tài nguyên du lịch phong phú về văn hóa, lịch sử. Có tiềm năng lớn để phát triển thành điểm du lịch đắc giá của tỉnh.
- Đảo Lý Sơn lưu giữ nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam. Những bằng chứng vật thể và phi vật thể còn lưu lại hàng trăm năm tại đảo, đã chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc.
- Đảo Lý Sơn được các chuyên gia Địa chất Quốc tế khảo sát nhận định vùng địa chất tại đảo Lý Sơn rất có giá trị. Vì vậy đảo Lý Sơn, xã Bình Châu huyện Bình Sơn và các vùng phụ cận có khả năng trở thành CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU. UBND tỉnh Quảng Ngãi đang có kế hoạch lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Cấp quốc gia và Toàn cầu.
- Từ ngày có điện lưới quốc gia, huyện đảo tiền tiêu của Tổ Quốc trên Biển Đông như bừng sáng bởi nét đẹp hoang sơ hiện có của đảo ngọc. Lượng khách du lịch ra thăm đảo ngày một tăng nhanh.
- Lý Sơn có nhiều hải sản tươi ngon và sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giá trị: Cua huỳnh đế, cua đá, tôm, mực, các loại cá biển…Đặc biệt tỏi Lý Sơn là món ăn gia vị rất ngon, mùi thơm, vị ngọt, ít cay nồng. Tỏi Lý Sơn là dược liệu quý. Những hợp chất quý có trong tỏi cũng được dân gian sử dụng như một bài thuốc chữa bệnh. Tỏi Lý Sơn được trồng ở đảo, bốn bề là biển, nguồn nước tưới là mạch nước ngầm dưới lòng đất, cát là những hạt được bào mòn từ rặng san hô biển. Tỏi Lý Sơn đã khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước.
- Ngư trường huyện đảo Lý Sơn gắn với ngư trường Hoàng Sa. Vì quần đảo Hoàng Sa gắn liền với đảo Lý Sơn hàng trăm năm và là bằng chứng lịch sử quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
NHỮNG BẤT CẬP QH XÂY DỰNG ĐẢO LÝ SƠN TL: 1/2000
DO ĐƠN VỊ TƯ VẤN LẬP
- Hồ sơ Quy hoạch mới chỉ dừng ở giai đoạn phát thảo tìm ý theo dạng sơ đồ. Hồ sơ in chưa đúng tỷ lệ 1/2000. Thành phần hồ sơ chưa đủ. Quy cách thể hiện hồ sơ màu chưa tuân thủ thông tư Bộ Xây Dựng. Chưa có thuyết minh. Tóm lại Hồ sơ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đảo Lý Sơn, chưa tuân thủ theo Thông tư số: 12/2016/TT-BXD, ngày 29/6/2016 của Bộ Xây Dựng về việc Quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch xây dựng vùng, Quy hoạch đô thị và Quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.
- Diện tích đất tự nhiên quy hoạch: 1039,84ha (bao gồm Đảo Lớn, Đảo Bé)
- Dân số hiện trạng: 21.795 người (bao gồm cả 3 xã An Vĩnh, An Hải, An Bình)
- So sánh BẢNG HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT và BẢNG QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT đến năm 2025 của Quy hoạch xây dựng đảo Lý Sơn. Đất nông nghiệp hiện trạng: 429,34ha. Đất nông nghiệp quy hoạch đến năm 2025: 274,74ha. Như vậy đất nông nghiệp quy hoạch đến năm 2025 bị cắt giảm 154,60ha. Đất nông nghiệp cắt giảm này được chuyển sang một số loại đất khác: Đất ở, đất hành chính, đất thương mại dịch vụ, đất công viên cây xanh, đất giao thông…(Diện tích đất ở và đất giao thông chiếm tỷ lệ rất lớn). Trong đó:
- Đất ở: Dành cho dân cư hiện có, dân cư tăng tự nhiên và dân cư tăng cơ học.
- Đất giao thông: Tạo mạng lưới giao thông rộng rãi, liên hoàn, đi lại thông suốt trên đảo.
- Đất thương mại dịch vụ: Xây dựng các công trình dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, chợ đêm. Phục vụ khách du lịch ra đảo ngày một đông đúc.
Quy hoạch quỹ đất có quá nhiều biến đổi:
- Quy Hoạch đảo Lý Sơn do áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quy phạm như trong đất liền nên việc lập Bảng quy hoạch sử dụng đất phải dựa vào dân số hiện trạng, hệ số tăng tự nhiên, tăng cơ học, số năm hướng đến quy hoạch. Tính được quy mô dân số cho quy hoạch dài hạn. Khi dân số tăng, bảng quy hoạch SDĐ sẽ thay đổi (vì đất đai cố định, không thể mở rộng) dẫn đến đất nông nghiệp bị cắt giảm để bù đắp cho các loại đất khác.
- Đảo Lý Sơn quy hoạch trở thành một khu đô thị mới. Dân số đông đúc, dịch vụ phát triển. Đất nông nghiệp ngày một bị thu hẹp, chuyển vào đất ở, đất giao thông, đất thương mại dịch vụ, đất giáo dục, đất công trình công cọng, đất y tế...Hệ thống hạ tầng xã hội phát triển để phục vụ cho cho nhu cầu đô thị. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng buột phải phát triển tương xứng. Vô tình phá vỡ nét đẹp hoang sơ vốn có của đảo Lý Sơn. Làm biến dạng đi giá trị văn hóa lâu đời. Hình thành nên một kiểu đô thị quen quen đâu đó? Nét đặc trưng hiện có của đảo Lý Sơn dần biến mất, liệu du khách có còn yêu mến nơi này?
MONG MUỐN Ở QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐẢO LÝ SƠN
- Không cho phát triển thêm dân số. Diện tích các loại đất vẫn giữ nguyên như bảng hiện trạng sử dụng đất.
- Quy hoạch xây dựng đảo Lý Sơn, nên hướng theo xu thế hiện đại, kết hợp với vẻ đẹp nguyên sơ. Quảng Ngãi đang là điểm đến hấp dẫn của du khách. Số lượng du khách ra đảo tăng đột biến. Lý Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Theo định hướng tỉnh Quảng Ngãi, phát triển du lịch sẽ là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xác định du lịch biển đảo là mũi nhọn.
- Không đụng chạm nhiều đến cảnh quan thiên nhiên. Hạn chế bê tông hóa vô hồn. Có kế hoạch phục hồi lại rặn san hô quanh đảo.
- Không làm xáo trộn, chuyển đổi các loại đất hiện có. Đặc biệt đất nông nghiệp cần phải giữ nguyên hiện trạng. Giá trị đất nông nghiệp ngoài đảo là rất quý, bởi đất chuyên dùng để trồng tỏi, trồng hành.
- Phát triển bền vững nông nghiệp, ngư nghiệp. Ngoài cảnh quan thiên nhiên, hoang sơ hùng vĩ. Du khách đến đây còn rất thích cánh đồng tỏi. Tạo nên phong cảnh đặc trưng của đảo.
- Có kế hoạch trồng thêm nhiều cây xanh, đặc biệt là cây bản địa: rừng dừa ven biển, rừng phi lao, rừng cây trên đồi, cây bàn trên các tuyến đường…Tạo nên một hệ sinh thái tươi xanh bền vững, nhằm phục hồi lại nguồn nước ngầm trên đảo.
- Giữ nguyên và mở rộng thêm trục đường giao thông chính hiện có, nối liền các xã trên đảo. Tiếp tục hoàn chỉnh trục đường ven biển, cải tạo lại bờ kè bê tông xây dựng quá cao làm ảnh hưởng đến view nhìn ra biển. Cải tạo và mở thêm nhiều đường xương cá, đường mòn nhỏ len lõi, nối liền các khu dân cư, cánh đồng tỏi, các điểm di tích, các điểm du lịch. Đi lại trên các tuyến đường này du khách sử dụng phương tiện xe đạp được người dân cho thuê.
- Theo hướng hòa quyện giữa du lịch và sinh hoạt nguyên sơ của miền biển đảo. Trong đó, mô hình du lịch trải nghiệm mới lạ cần nhân rộng như xây dựng bảo tàng biển và địa chất. Du lịch homestay trải nghiệm cuộc sống trên đảo Lý Sơn. Xây dựng hệ thống giao thông thân thiện môi trường, phương tiện đi lại bằng xe đạp, xe điện.
- Công trình hành chính, công trình văn hóa thể thao, công trình y tế, công trình trường học: Diện tích chiếm đất vẫn giữ nguyên vì dân số không tăng, có kế hoạch chỉnh trang lại mặt bằng tổng thể, cải tạo lại các công trình.
- Khu dân cư cũ: Cải tạo, sắp xếp lại khu dân cư. Chỉnh trang nâng cấp hệ thống giao thông trong khu dân cư cũ. Đồng thời đầu tư mới hệ thống cấp điện, cấp nước, và thoát nước bẩn đến từng hộ gia đình. Nhà ở hộ gia đình hiện có, cần có phương án cải tạo, sửa chữa để được khang trang.
* Khu dân cư xã An Vĩnh: Hình thành lâu đời, mật độ dân cư dày đặc. Cần chỉnh trang, đầu tư hệ thống hạ tầng KT, đặc biệt hệ thống giao thông, hệ thống cấp thoát nước cho khu dân cư.
* Khu dân cư xã An Hãi: Dân cư thưa, rất nhiều nhà vườn xưa cũ, có giá trị về mặc kiến trúc theo kiểu nhà rường miền Trung. Khai thác nơi đây để trở thành điểm du lịch khá lý thú.
* Khu dân cư xã An Bình (đảo Bé): Dân cư thưa thớt. Cần giữ nguyên giá trị hoang sơ cảnh quan nơi này.
- Các điểm di tích: Lý Sơn có nền văn hóa lâu đời, hình thành nên đời sống tâm linh của người dân Lý Sơn. Đây là nét đặc thù mà khách du lịch hiện nay rất thích. Cần tôn tạo, trùng tu phục chế các điểm di tích trên đảo: Đền, chùa, miếu, mạo, nhà thờ…
- Có hướng quy hoạch khu làng nghề truyền thống: Xưởng sản xuất tinh dầu tỏi, xưởng sản xuất tỏi đen, xưởng sản xuất nước mắm, xưởng sản xuất dầu phụng…Để phục vụ khách tham quan mua sản phẩm.
- Quy hoạch cấp điện và chiếu sáng trên đảo. Hiện nay rất thuận lợi, vì đã có điện lưới quốc gia.
- Quy hoạch cấp nước trên đảo. Nguồn nước ngầm trên đảo hiện nay không đủ để cấp cho dân cư và cấp tưới nông nghiệp, mùa khô hạn người dân rất khổ sở. Cư dân đảo Bé phải mua nước ngọt từ đảo Lớn. Cần mời chuyên gia tìm giải pháp để có nguồn nước cho đảo Lý Sơn.
- Quy hoạch thoát nước mưa. Cần chuyên gia tìm giải pháp thu gôm lượng nước mưa để tưới cho nông nghiệp.
- Quy hoạch TNB – VSMT, quản lý CTR và Nghĩa trang.
Nước thải khu dân cư phải được xử lý trước khi cho thoát ra biển.
Chú ý đến công tác vệ sinh môi trường. Rác thải phải được thu gôm, xử lý.
Nghĩa địa, trước mắt xây dựng nghĩa trang tập trung và chuyển dần sang hình thức hỏa tang.
Ý KIẾN ĐỀ XUẤT
- Đất nông nghiệp quy hoạch đến năm 2025, bị cắt giảm 154,6ha (là rất lớn) để chuyển đổi sang đất khác. Việc cắt giảm này sẽ tác động tiêu cực đến giá trị vẽ đẹp nguyên sơ của đảo. Cảnh quan thiên nhiên nhiều thay đổi. Giá trị văn hóa lâu đời bị biến dạng. Dân số cơ học tăng nhanh. Cuộc sống nông nghiệp người dân bị xáo trộn. Nét đặc trưng hiện có của đảo Lý Sơn là cánh đồng tỏi dần biến mất.
- Quy Hoạch đảo Lý Sơn không thể áp dụng hệ thống Tiêu chuẩn Quy phạm như Quy Hoạch các điểm Thị trấn, Thị tứ trong đất liền (vì đất đai cố định, không thể phát triển). Linh hoạt cách tính bảng Quy hoạch sử dụng đất. Hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cơ bản cần giữ nguyên. Có chăng chỉ chuyển đổi tăng giảm chút ít.
- Để giữ gìn cho đảo Lý Sơn giữ được vẽ đẹp hoang sơ hấp dẫn như hiện nay, cần có định hướng không cho phát triển thêm dân số. Dân số phát triển tự nhiên, nhà nước có chính sách giản dân, di dời vào đất liền. Quy hoạch các khu định cư trong đất liền, các hộ có con em học đến PTTH được cấp đất để vào đất liền đi học. Tương lai các em lập nghiệp, sinh sống trong đất liền. Bài toán tăng dân số tự nhiên ở đảo được giải quyết.
- Đảo Lý Sơn, xã Bình Châu và các vùng phụ cận cần được giữ gìn nguyên trạng, có chế độ bảo quản, chăm sóc đặc biệt. Nhiều khả năng được UNESCO công nhận CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU. Nếu thành hiện thực, thì đây là phúc lớn cho người dân Quảng Ngãi. Niềm tự hào cho nhân dân tỉnh nhà.
- Mấy năm trở lại đây, huyện đảo Lý Sơn đang là điểm nóng, kinh tế và cơ sở hạ tầng phát triển nhanh. Việc phát triển quá nóng trong khi chưa thực hiện xong quy hoạch tổng thể khiến hòn đảo bị “xẻ thịt” và bê tông hóa không thương tiếc.
- Theo chỉ đạo của tỉnh, việc chọn đơn vị tư vấn cần phải có uy tín, năng lực, kinh nghiệm. Theo tôi đơn vị tư vấn thực hiện đồ án quy hoạch này, tuổi đời và tuổi nghề thực sự còn quá trẻ, lại thêm áp lực về thời gian. Trong khi Đồ án quy hoạch đảo Lý Sơn lại quá đặc thù, quá to lớn và quá phức tạp. Liên quan đến nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, môi trường, cảnh quan thiên nhiên…cần phải được giải quyết thấu đáo. Với cách “giú ép” một đồ án lớn như vậy, sẽ nhiều bất cập, để lại nhiều lỗ hổng lớn. Hậu quả khôn lường cho công tác quy hoạch đảo Lý Sơn.
Đầu tháng 7/2017
KTS TRẦN BÁ PHƯỚC
PCT HỘI KTS QUẢNG NGÃI



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.