Đà Lạt thí điểm xây dựng mô hình “làng đô thị xanh”
TS Phạm S |
(Xây dựng) - Ngày 03/9/2015, tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt… Đây là căn cứ quan trọng để tỉnh Lâm Đồng thí điểm xây dựng mô hình “làng đô thị xanh” (green village) cho TP Đà Lạt. Nhằm tìm hiểu rõ hơn về mô hình “làng đô thị xanh”, hiện rất mới ở Việt Nam, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, TS Phạm S.
Theo Quyết định số 1528/QĐ-TTg, TP Đà Lạt được áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển gì, thưa ông?
- Với mục tiêu phát triển, xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có cảnh quan thiên nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt. Theo đó UBND tỉnh Lâm Đồng được thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong và ngoài nước lập một số quy hoạch phân khu chức năng đặc thù. Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng được trực tiếp kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng; các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông công cộng, kết cấu hạ tầng quan trọng…, các công trình, dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết định 1528/QĐ - TTg đã đề cập một số cơ chế đặc thù khác, tạo cơ hội tốt cho TP Đà Lạt phát triển theo đúng mục tiêu trong tương lai... Nội dung mang tính đột phá và rất mới là tỉnh Lâm Đồng được thí điểm xây dựng mô hình “làng đô thị xanh” tại TP Đà Lạt (theo Đồ án quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Hiện nay Việt Nam chưa có khái niệm hay tiêu chí về “làng đô thị xanh”. Với góc độ vừa là nhà khoa học, vừa là nhà quản lý của tỉnh Lâm Đồng, ông có phác họa, hình dung như thế nào về mô hình “làng đô thị xanh”?
- Trước hết, có thể khẳng định việc Thủ tướng Chính phủ cho phép Đà Lạt thí điểm xây dựng mô hình “làng đô thị xanh” là hoàn toàn mới trong điều kiện ở Việt Nam, trên cả cơ sở pháp lý và thực tiễn. Nhằm hướng đến việc xây dựng khái niệm, tiêu chí “làng đô thị xanh”, vào ngày 23/4 này, tại Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp với Bộ Xậy dựng tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc về "Làng đô thị xanh".
Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu các làng đô thị xanh của các quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và điều kiện thực tế ở Việt Nam, tôi cho rằng “làng đô thị xanh” là một phân khu đô thị có quy mô hợp lý, có kết cấu phức hợp của một đô thị, song có tất cả các đặc điểm của làng. “Làng đô thị xanh” có không gian quy hoạch kiến trúc, công trình hạ tầng đô thị hài hòa đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống xã hội của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có một số nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng “làng đô thị xanh” là đô thị được quy hoạch với mật độ che phủ của cây xanh cao. Ông có nhận định như thế nào trước những quan điểm nói trên?
- Theo tôi, quan điểm này chỉ đúng một phần chứ chưa trúng theo quan điểm toàn diện của “làng đô thị xanh” như tôi vừa đề cập. Bởi một “làng đô thị xanh” không chỉ có mật độ cây xanh cao mà còn phải bao hàm các yếu tố xanh khác như quy hoạch tổng thể với mật độ phù hợp để tạo kiến trúc cảnh quan xanh, sản xuất nông nghiệp xanh, quản lý môi trường xanh, hạ tầng xanh, các hoạt động kinh tế theo xu hướng xanh...
Tại “làng đô thị xanh”, phương thức quản lý hành chính của các cấp chính quyền cơ sở cũng chuyển đổi dần. Thay vì dùng quá nhiều mệnh lệnh hành chính, yêu cầu công dân phải làm theo pháp luật, phương thức quản lý sẽ chuyển sang chiều sâu, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động pháp luật một cách thân thiện, để mọi công dân hiểu, hài lòng, tự giác chấp hành, tuân thủ. Đây chính là sự hình thành “ý thức xanh”. Tất cả mọi hoạt động đời sống xã hội của cộng đồng trong “làng đô thị xanh” luôn có tính nhân văn cao. Người dân trân trọng và bảo vệ môi trường sống…
Đối với điều kiện cụ thể của Đà Lạt, theo ông, mô hình thí điểm "làng đô thị xanh" cần được tiến hành theo các nội dung nào?
- Trong điều kiện cụ thể tại Đà Lạt, chúng tôi đề xuất mô hình thí điểm "làng đô thị xanh" theo một số nội dung. Về quy mô, các mô hình thí điểm cần có khoảng 200 - 300ha. Nếu quy mô quá lớn thì các điều kiện cần và đủ, nguồn lực để thực hiện kết cấu phức hợp sẽ khó thỏa mãn yêu cầu "làng đô thị xanh". Ngược lại, nếu quy mô quá nhỏ sẽ khó xử lý mối quan hệ giữa kiến trúc, hệ sinh thái đô thị và môi trường đô thị để đạt mục tiêu thân thiện với môi trường. Mô hình “làng đô thị xanh” cần sự đồng đều về kiến trúc. Trong điều kiện thực tế tại Đà Lạt, theo tôi, nên sử dụng đồng đều (khoảng trên 70%) kiến trúc dạng nhà biệt lập và liền kề, thiết kế nhà một trệt, một lầu hoặc một trệt hai lầu, mái nhà chữ A
Gần 30% công trình còn lại có kiến trúc theo hướng hiện đại, phân bố hài hòa với không gian quy hoạch, chủ yếu là các công trình dịch vụ cao cấp như khu vui chơi giải trí công cộng, trung tâm thương mại tiện ích…, nhằm tạo điểm nhấn trong không gian "làng đô thị xanh".
Về mật độ xây dựng, “làng đô thị xanh” ưu tiên đất dành cho đường đi bộ, sau đó đến giao thông công cộng, công trình nhà ở, các công trình dịch vụ. Mật độ xây dựng công trình có mái che và không có mái che không quá 30%.
Đặc biệt, “làng đô thị xanh” phải đồng bộ về hạ tầng. Đường giao thông đối nội kết nối thông suốt với đường giao thông đối ngoại, chỉ tập trung một đầu mối chính, phân cấp đường rõ ràng. “Làng đô thị xanh” khuyến khích người dân đi bộ trong làng đô thị và sử dụng phương tiện xe công cộng giảm khí thải nhà kính như xe điện, xe đạp… Hệ thống điện sinh hoạt được thiết kế thân thiện, khoa học, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tự nhiên như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Ngoài ra, “làng đô thị xanh” phải có hệ thống dịch vụ tiện ích, đảm bảo không gian vui chơi giải trí và thể dục thể thao, có các giải pháp bảo vệ và xử lý môi trường.
Về phát triển kinh tế, song song với giải quyết việc làm thông qua dịch vụ tổng hợp và văn phòng ngay trong lòng đô thị như các đô thị khác, “làng đô thị xanh” không thể thiếu sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Làng đô thị xanh” phải đảm bảo “3 không”: Không có hộ nghèo, không có tệ nạn xã hội và không có hộ gia đình vi phạm pháp luật… Các hoạt động dịch vụ và quản trị "làng đô thị xanh" phải đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần xây dựng phong cách người Đà Lạt thanh lịch, hiền hòa, mến khách.
Trân trọng cảm ơn ông!
i-xanh.html
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.