Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

KTS Lê Hiệp

KTS Lê Hiệp và đài Tưởng niệm Núi Nhạn

            Kiến trúc sư Lê Hiệp – tác giả đài Tưởng niệm Núi Nhạn (ở tỉnh Phú Yên), cũng là tác giả đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Độc lập-Tự do của Tổ quốc (ở quảng trường Ba Đình) mang lại cho ông vinh quang: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuậtGiải thưởng Quốc gia về Kiến trúc... Trong khuôn khổ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên giai đoạn 2006 – 2010, ông được trân trọng trao Tặng thưởng vì có tác phẩm để đời, đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Phú Yên.
Đài Tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên đặt trên Núi Nhạn, nguyên được xây dựng từ năm 1983, với tên đài Tưởng niệm liệt sĩ Bắc Phú Khánh, do nhóm tác giả KTS Tô Định chủ trì cùng các họa sĩ điêu khắc thực hiện; chủ đầu tư là UBND Tx.Tuy Hòa. Phương án kiến trúc khi đó, có mặt chính hướng Tây-Nam; theo phương mặt bằng, ước lệ hình con chim nhạn tung cánh về đồng bằng Tuy Hòa, trên nền khuôn viên hình ngôi sao năm cánh; khối công trình 2 tầng; tầng trên mái là trụ đài, cao 30m; tựa lưng vào trụ đài là cụm tượng điêu khắc: người mẹ giương bó đuốc, bên phải mẹ là anh bộ đội cầm súng xông lên, bên trái mẹ là bé trai cầm cuốn sách; khối tổng thể theo phương đứng chưa thể hiện rõ hình tượng gì; tầng dưới mái làm nơi trưng bày hiện vật… Năm 1986, khi thi công lên đến sàn mái và một phần trụ đài, thì xảy ra sự cố, xuất hiện các vết nứt ở hai cánh mái sảnh chính (phía Tây-Nam). Việc xử lý sự cố kéo dài, rồi ngừng hẳn khi tách tỉnh Phú Khánh. Năm 1989, sau ngày tái lập tỉnh Phú Yên, do phải tập trung đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, nên tỉnh cũng chưa có chủ trương ngay về xử lý công trình dở dang.
Đến năm 1995, khi nhu cầu xã hội đã “cần bánh mỳ và cần có cả hoa”, tỉnh Phú Yên chủ trương xây dựng lại Đài với tên gọi mới: đài Tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên, thường gọi là đài Tưởng niệm (trên) Núi Nhạn… Nhưng, với phương châm như là điều kiện, đặt ra: phương án mới phải trên cơ sở khắc phục sự cố, sử dụng lại toàn bộ khối công trình xây dựng dở dang và có được hình tượng nghệ thuật phù hợp tình hình mới. Công trình được giao cho sở Văn hóa-Thông tin (lúc đó) làm chủ đầu tư. Quá trình chuẩn bị đầu tư, nhiều lần tổ chức thi, tuyển chọn phương án, với đối tượng mời tham gia là các kiến trúc sư, họa sĩ, những người thiết kế trong cả nước. Năm 1997, phương án của KTS Lê Hiệp được hội đồng Xét tuyển, lựa chọn. Trong khoảng 8 - 9 phương án dự thi, chỉ duy nhất phương án của ông có giải pháp dùng ngôn ngữ kiến trúc để diễn tả hình tượng, là nét mới so với ý niệm “cũ” (cứ tượng đài thì nhất thiết phải có “tượng”!), được Hội đồng và đồng nghiệp đánh giá có ý tưởng độc đáo.
Trước khi tham dự cuộc thi, KTS Lê Hiệp chưa một lần dừng chân ở Phú Yên. Khi có thông tin cuộc thi, ông mới hiểu sơ lược theo tài liệu hướng dẫn; rồi ông tìm thêm tài liệu để hiểu sâu hơn về văn hóa - lịch sử vùng đất Phú Yên, về núi - tháp Nhạn. Ông nhận thức sâu sắc việc khai thác phông văn hóa tạo nền cho cảm xúc sáng tạo, thổi hồn vào tác phẩm. Ông từng giãi bày: “Mỗi vùng đất đều có những dấu hiệu văn hóa bản địa; để chắt lọc được tính bản sắc đặc trưng, người sáng tác phải có thái độ trân trọng tìm hiểu vùng đất đóHình tượng nghệ thuật của công trình kiến trúc phải mang bản sắc nơi đặt nó…”. Ông quan niệm, không có thứ nghệ thuật vô cảm và không chấp nhận tồn tại loạicông trình mẫu đặt ở đâu cũng được, nhất là thể loại công trình văn hóa.
Nghiên cứu tài liệu cuộc thi, ông nhận ra “Đây là một việc khó, nếu không nói là cực khó. Công trình làm mới hoàn toàn, thì cái khó trong tìm “tứ”, thể hiện hình tượng là một nhẽ. Đằng này, phải khắc phục sự cố, sử dụng lại khối công trình dở dang và có được hình tượng nghệ thuật mới, phù hợp, rồi tự thân công trình cũng có chức năng sử dụng cộng đồng, phải nghiên cứu tổ chức dây chuyền hoạt động hợp lý, đặc biệt là cho nghi lễ…”. Phương án sơ phác ban đầu của ông, cũng có hướng chính là Tây-Nam như công trình cũ. Khi ông Vũ Văn Thoại (nguyên Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Phú Yên, lúc đó là Giám đốc sở Văn hóa-Thông tin) đưa lên núi Nhạn thực địa, ông chợt phát hiện ra 3 bất ổn nếu Đài có mặt chính hướng Tây-Nam: 1) Không có sự “đối thoại”, thậm chí là “đấu lưng” với tháp Nhạn (một di tích kiến trúc cổ, trông ra hướng Đông); 2) Khi tiến hành nghi lễ với Đài, quan khách và dân chúng lại đi từ phía sau Đài, theo bên hông mới ra được mặt tiền; 3) Du khách viếng thăm núi Nhạn, thì “bị chiêm ngưỡng” phía hậu Đài. Ông quyết định thay đổi hướng mặt chính: lấy hướng Đông-Bắc và mọi việc trở nên ổn thỏa: vẫn tôn trọng phương châm đặt ra (khắc phục sự cố, sử dụng lại khối công trình dở dang) bằng cách không tập trung tải trọng ở vị trí hai cánh mái sảnh chính (phía Tây-Nam), tạo nên sự tiếp nối đến tương lai [cùng nhìn về một hướng Đông] của 2 “thế hệ-thời đại” [tháp Nhạn-quá khứ và Đài-hiện tại, mới], việc tiến hành nghi lễ cùng sự chiêm ngưỡng của du khách đều thuận; những yếu tố về chất liệu, ánh sáng thiên nhiên, màu… cũng theo đó được giải tỏa. Nhưng, ý tưởng đổi hướng chính đó, lúc ban đầu, không dễ dàng được đồng thuận.
Ý tưởng Con chim nhạn ở công trình cũ chưa thành công do thể hiện ở phương mặt bằng. Ông trăn trở, tìm ra được “cái tứ” hình tượng thể hiện ở phương đứng: Đàn chim nhạn [những người con Phú Yên]bay ra [vươn lên] biển cả [không gian, thời đại mới] trên cơ sở phát triển “tứ” cũ (một con chim nhạn). Tuy vậy, ông vẫn khiêm nhường: “Tôi đâu có đề xuất nào mới mẻ hơn? Vẫn là Chim nhạn…”.
Một sự tuyệt vời, khi đài Núi Nhạn hoàn thành, nhiều người “phát hiện”, tự cảm thụ hình tượng bằng nhiều hình ảnh khác, tùy góc độ, cự ly, thời gian quan sát: là Rừng cờ, Ngọn lửa,  Ngọn sóng, là Cánh buồm… Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật thẩm mỹ, tính đa nghĩa trong nghệ thuật, nhất là loại hình nghệ thuật tạo hình, biểu hiện như kiến trúc. Người sáng tác thường tích hợp nhiều vốn sống, lưu giữ và gửi gắm vào tác phẩm khi cảm xúc thăng hoa. Nhưng để truyền đạt được vốn cảm xúc đó tới cộng đồng thì không dễ dàng. Và đây là khía cạnh thành công lớn của ông: Làm cho tác phẩm kiến trúc của mình nói được.
“Tứ” là vậy, nhưng, không thể mô tả thực đàn chim theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”, phương cách đó không phải là ngôn từ nghệ thuật kiến trúc, giải pháp kỹ thuật cũng bất khả thi. Ông lại trăn trở tìm giải pháp thể hiện “cái tứ” bằng ngôn ngữ kiến trúc. Chiêm ngưỡng các công trình của ông đã hoàn thành và chiếm đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc, người ta nhận ra được “bút pháp” của ông, rất riêng. Chuyện thú vị, khi đài Núi Nhạn hoàn thành, vì có vị trí xây dựng ngay trên đường thiên lý Bắc Nam, nên rất dễ quan sát; một người bạn của ông đi qua thành phố Tuy Hòa, tình cờ thấy đài Núi Nhạn, liền bấm điện thoại hỏi ngay: “Hình như ông có làm một cái gì trên một quả núi ở Tuy Hòa thì phải?”... Trên các trục đường chính hướng tâm về thành phố Tuy Hòa, người ta đều chiêm ngưỡng được bóng dáng (profile) Đài rất ấn tượng.
Phương án của ông được chọn lựa, mới chỉ là ý đồ phác thảo ở mặt phẳng (trên bản vẽ), ông tiếp tục dựng mô hình (bằng thạch cao, bằng gỗ…) thể hiện ý tưởng ở không gian ba chiều, rồi chụp hình, dựng video clip 3D; không ai “bắt” ông làm, chế độ thì không có khoản này, chi phí lúc đó cũng không nhỏ; nhưng, ông vẫn làm, để thuyết phục hơn chủ đầu tư và cấp thẩm duyệt; cũng là làm cơ sở cho tính khả thi khi khai triển thiết kế kỹ thuật - thi công.Vấn đề sử dụng tầng dưới, ở công trình cũ, khi đó kết hợp trưng bày ở vùng Bắc Phú Khánh các hiện vật của cuộc kháng chiến cứu nước (vì Bảo tàng tỉnh đặt ở Nha Trang, thủ phủ Phú Khánh cũ). Nay, đã tái lập tỉnh, có Bảo tàng tỉnh rồi, việc sử dụng tầng dưới trưng bày là không còn thích hợp. Ông đề xuất lập trụ bia (tứ giác), bố trí trụ bia đăng đối theo trục chịu lực công trình, chiều cao bia và kích thước chữ phải tính để dễ tra tìm, đọc; ghi tên các liệt sĩ theo quê quán; trụ bia phân theo cấp huyện, mặt trụ bia phân theo cấp xã (với đơn vị hành chính tại thời điểm thi công); các liệt sĩ quê quán ở nơi khác, đặc biệt tỉnh Hải Dương kết nghĩa, được lập trụ bia riêng. Hiệu quả khi công trình hoàn thành, nội thất tầng dưới rất thuận lợi cho người thăm viếng, không gian hết sức trang nghiêm, ấm cúng.
Do khả năng ngân sách, mãi đến năm 2004, công trình mới được tỉnh quyết định xây dựng, rồi thực thi và hoàn thành vào tháng 5/2007. Do đặc thù công trình “không mẫu mực” này, bản vẽ không thể thể hiện hết mọi chi tiết và không ai có thể thực hiện giám sát quyền tác giả thay ông, nên ông thường xuyên phải “bay vô” công trường, hướng dẫn chủ đầu tư và nhà thầu, trong khi khoản chi phí giám sát tác giả hết sức nhỏ nhoi.Quá trình xây dựng đài Núi Nhạn, ông vinh hạnh 2 lần được cụ Sáu Dân chia sẻ, động viên ngay tại công trường, bởi ông có mối “lương duyên” với cụ Sáu. Trước năm 1992, cụ Sáu chưa hề biết ông. Khi phương án đài Bắc Sơn của ông (đạt giải Nhì cuộc thi) được Thủ tướng chọn để xây dựng, rồi quá trình xây dựng đài Bắc Sơn, ông được trở thành bạn vong niên và tâm giao với cụ Sáu.
Trong giới nghề, ông được tôn là “kiến trúc sư của tượng đài”. Có người phát hiện ra điều lý thú này: các nguyên thủ quốc gia quốc tế, đến Việt Nam, đều nghiêm trang khi quốc ca Việt Nam – nguyên là bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao - vang lên. Giờ đây, trong nghi lễ Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia quốc tế cũng đều kính cấn trước đài Bắc Sơn – tác phẩm của kiến trúc sư Lê Hiệp.Kể từ khi ông tiếp cận, “thai nghén” đến khi “sinh ra” đứa con sáng tạo - đài Tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên - mất 10 năm trời (1997 - 2007), dài hơn mọi công trình khác của ông. Công lao, sự cần cù, sáng tạo… của ông đã được đền bù: năm 2008, đài Tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên đạt giải Ba-Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc; năm 2011, ông được tỉnh Phú Yên trao Tặng thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên, giai đoạn 2006 – 2010. Cũng lại một sự thú vị, trùng hợp tình cờ: trong số các văn nghệ nhân được trao Tặng thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên đợt này, có 3 người con (Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Lê Hiệp) của quê hương Thanh Hóa, cố hương của Phù nghĩa hầu-Quận công Lương Văn Chánh, vị khai quốc công thần, Thành hoàng của Phú Yên.
Cách trên 400 năm, Lương Công Chánh có công lao khai phá, mở mang bờ cõi, KTS Lê Hiệp có công làm công trình dở dang thành tác phẩm nghệ thuật để đời, đều ở trên miền đất Phú Yên../.
viết ngày 15-10-2011;
nhằm ngày 19-9-Tân Mão, ngày kỵ của Phù Nghĩa hầu, Quận công Lương Văn Chánh.

KTS Lê Hiệp, sinh ngày 28-3-1942 tại Thanh Hóa; hiện cư trú tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1966. Giai đoạn 1967 - 1994, ông là giảng viên đại học Kiến trúc Hà Nội; giai đoạn 1994 - 2002, ông vừa hành nghề tại Cty Thiết kế (thuộc sở Nhà đất Hà Nội), vừa thỉnh giảng ở một số trường đại học; hiện nay, ông nghỉ hưu, nhưng vẫn tham gia hành nghề tại Cty Tư vấn kiến trúc (thuộc hội Kiến trúc sư Việt Nam).
Các công trình tiêu biểu:
* Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Độc lập-Tự do của Tổ quốc (đài Tưởng niệm Bắc Sơn, trên quảng trường Ba Đình) Hà Nội; đạt giải Nhì cuộc thi thiết kế năm 1992; được Thủ tướng Võ Văn Kiệt lựa chọn làm phương án xây dựng; khánh thành ngày 7-5-1994;
* Đài Tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Tuyên Quang; năm 1995; đạt giải Nhất - Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc năm 1996;
* Nhà bia Tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Bắc Ninh; năm 1996.
* Đài Tưởng niệm liệt sĩ thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; năm 1997; đạt giải Khuyến khích - Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc năm 1998; * Đài Tưởng niệm liệt sĩ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; 1999 – 2001;* Tượng đài Chiến thắng Điện biên Phủ (tham gia phần Kiến trúc); 2003 – 2004;
* Đài Tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên (đài Tưởng niệm trên Núi Nhạn); 1997 – 2007; đạt giải Ba - Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc năm 2008;
* Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ công an Hà Nội; năm 2010;* Đài Tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Bắc Ninh; (hiện đang thiết kế).
Các Giải thưởng đã được trao:
* Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2001;
* Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc, các năm: 1996, 1998, 2008;
* Tặng thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2006 - 2010;

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.