Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

KTS Võ Đình Diệp


Võ Đình Diệp Nhà giáo – kiến trúc sư Phật tử tâm huyết

 | 18/12/2014 0 Comments
Kts. NGUYỄN HỮU THÁI
Vào năm 2003, nhà giáo – kiến trúc sư (KTS) Võ Đình Diệp cùng tôi đã bàn nhau chuẩn bị các bài giảng ngoại khóa về lịch sử kiến trúc Phật giáo cho Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Thiền viện Vạn Hạnh, thì tôi có việc phải đi Pháp. Không bao lâu sau đó, nghe tin anh đột ngột qua đời do bạo bệnh. Nhân ngày Nhà giáo, tôi viết về anh để tưởng nhớ một nhà giáo, một KTS Phật tử tâm huyết, suốt đời đã tư vấn thiết kế và tham gia xây cất nhiều công trình Phật giáo. Khi còn là sinh viên kiến trúc, anh đã tham gia thiết kế và xây dựng chùa Long Sơn ở Nha Trang. Trước năm 1975, anh đã làm chùa Huệ Nghiêm ở Phú Lâm. Sau ngày đất nước thống nhất, anh còn thiết kế thêm chính điện tu viện Quảng Hương Già Lam, tháp thờ cốt tại chùa Vĩnh Nghiêm, và công trình cuối đời là chùa Bát Nhã ở khu Bình Lợi, Bình Thạnh.

Am hiểu sâu sắc kiến trúc dân tộc
Anh thật xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo Ưu tú khi dồn nỗ lực và cả tấm lòng vào việc đào tạo kiến trúc trong suốt 40 năm qua. Chúng tôi tuy là đồng môn ngành kiến trúc những năm 1960, nhưng cuộc sống và hướng đi mỗi người mỗi khác. Tuy vậy, chúng tôi đều có chung niềm đam mê nghiên cứu kiến trúc dân gian và đào tạo lớp trẻ. Tôi cùng anh tìm hiểu nền kiến trúc dân tộc, mong kết hợp được kiến trúc truyền thống của đất nước với kiến trúc hiện đại phương Tây nhằm tạo một phong cách kiến trúc Việt hiện đại có bản sắc, phù hợp với môi trường khí hậu nhiệt đới. Và điều mong muốn lớn nhất của cả hai chúng tôi là làm sao truyền đạt được những hiểu biết đó, qua việc đổi mới đào tạo nhằm tạo được một thế hệ kiến trúc sư một đất nước Việt Nam độc lập tự chủ, đang nhanh chóng hội nhập với thế giới.
Tôi vẫn nhớ như in những ngày gian khó sau 1975, vậy mà chúng tôi vẫn miệt mài phát huy những ý tưởng đó qua các nghiên cứu, bài giảng và sách báo. Chúng tôi đã từng làm chung nhiều phương án quy hoạch, dự án nhà ở cho các tỉnh và cả bên Lào, viết chung các công trình nghiên cứu, xuất bản mấy cuốn sách về kiến trúc nhà ở nông thôn và các vấn đề môi trường vùng đất Nam Bộ.
Là một nhà giáo tận tâm, anh không nề hà bỏ công sức ra tiếp sức cho sinh viên nào dám mạnh dạn chọn những đề tài cần nhiều đầu tư suy nghĩ và nghiên cứu. Anh không ngại để sinh viên xông xáo vào các đề tài không thuộc phạm vi nghiên cứu của mình, vì quan niệm rằng “biển học thì mênh mông”, người thầy đưa ra phương pháp nghiên cứu để sinh viên tìm tòi thực hiện. Làm như vậy cả thầy lẫn trò đều cùng học hỏi được nhiều điều mới lạ. Cả luận văn đề tài kiến trúc nhà ở nông thôn hoặc công trình kiến trúc nhiệt đới, tôi nhận thấy đây là những công trình nghiên cứu khá công phu, nghiêm túc và sáng tạo, có lẽ không thua kém gì các công trình tương tự tại đại học Âu Mỹ.
Ước mong cải tiến việc đào tạo kiến trúc
Tôi biết anh là người suốt đời mong muốn cải tiến lề lối dạy để làm sao giúp được sinh viên thành đạt hơn khi vào nghề. Tuy ý thức rằng “một con én không làm nổi mùa xuân”, khó làm được gì nhiều trong hoàn cảnh chung của đất nước còn trì trệ và thiếu thốn mọi bề, song anh vẫn miệt mài nghiên cứu các phương pháp giảng dạy mới và thể nghiệm chúng. Anh mong muốn làm sao tạo phương  pháp học kiến trúc hiểu quả, cải biến dần các giáo trình không còn hợp thời và thể nghiệm lối giảng dạy cập nhật được các kiến thức mới của thế giới.
Anh đã thành công khi quy tụ chung quanh mình những nhà giáo tâm huyết, cùng lý tưởng và tìm cách chen vào chương trình chính quy các chuyên đề ngoại khoá như: “Kiến trúc nhiệt đới”, “Vật liệu, kết cấu, trang thiết bị hiện đại”, “Xã hội học đô thị”…
Nội dung và cách học mới đó rõ ràng đã mở được một tầm nhìn mới cho sinh viên. Anh thường nói rằng: “Muốn được lớp kiến trúc sư đạt được trình độ kỹ thuật thế giới thì khó, chứ đào tạo được một lớp kiến trúc sư am hiểu tường tận các vấn đề kiến thức-xây dựng tại chính ngay trên đất nước, địa phương mình thì ở trong tầm tay chúng ta”. Vào những năm 1990 khi đất nước mở cửa, anh và bạn bè tìm cách dạy làm sao để ít ra kiến trúc sư ta có thể hợp tác với chuyên gia nước ngoài, trang bị được đầy đủ kiến thức về vấn đề tại chỗ nhắm hỗ trợ cho họ thiết kế công trình ở nước ta một cách thiết thực và phù hợp hơn.
Người thiết kế nhiều công trình Phật giáo nhất
Suốt đời, anh là một người con Phật. Không phải chỉ vì anh là nhà kiến trúc trong thế hệ chúng tôi thiết kế nhiều công trình kiến trúc Phật giáo nhất, mà anh em coi trọng anh ở cái tâm của một Phật tử. Anh nghiên cứu một cách rất cẩn trọng kiến trúc và trang trí Phật giáo truyền thống, vì anh xem đó như một thành phần quan trọng nhất trong nền kiến trúc dân tộc. Anh từng say sưa phân tích và trình bày cho lớp Tây học chúng tôi hiểu rõ các đặc điểm kiến trúc dân tộc qua các công trình Phật giáo Việt Nam. Có lẽ cũng nhờ sự khơi gợi và truyền đạt kiến thức Phật giáo đó mà bản thân tôi về sau này chú ý tìm hiểu sâu hơn về kiến trúc Phật giáo xưa và nay của thế giới và Việt Nam.
Tuy vậy, cũng phải nói là cách tiếp cận về Phật giáo của anh và tôi không giống nhau. Tôi tiếp cận kiến trúc Phật giáo Việt Nam gần giống như một nhà nghiên cứu phương Tây, còn rất mù mờ về kiến trúc dân tộc. Điều này rất khác với Võ Đình Diệp, một Phật tử thuần thành mà lại am hiểu sâu sắc về kiến thức dân tộc lẫn đặc điểm kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam.
Tuy các công trình Phật giáo của anh chưa đạt được những gì anh thực sự mong muốn, nhưng phải chăng chúng đã có tác dụng mở ra một xu thế cách tân trong kiến trúc Phật giáo. Đường nét kiến trúc, phân bố không gian công trình Phật giáo của anh, nếu nhìn từ bên ngoài thì mang nét truyền thống, nhưng cách bố trí không gian lẫn tiện nghi, kết cấu công trình đã hướng theo kỹ thuật hiện đại, phục vụ được tốt hơn cho đời sống tâm linh thời đại mới.
Nếu tham quan những ngôi chùa do anh thiết kế vào nhiều năm trước, ta nhìn thấy anh vẫn còn tuân thủ khá nghiêm túc cách bố trí không gian truyền thống, chỉ cách tân về mặt kỹ thuật và tiện nghi. Tuy nhiên, vào những năm cuối đời, anh luôn trăn trở tìm tòi thể hiện những không gian mới nhằm đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt tâm linh và cuộc sống hiện đại, nếu cần phải phá cách lề lối suy nghĩ cũ. Và cái khó của nhà thiết kế là làm sao thuyết phục được người đầu tư xây dựng công trình.
Chùa Bát Nhã là điển hình cho xu thế thiết kế kiến trúc Phật giáo theo hình thức đó, khi anh mạnh dạn đưa các sinh hoạt tôn giáo lên tầng lầu trên và dành trọn không gian tầng triệt cho cơ sở phục vụ. Thậm chí ta còn nhìn thấy một sân thượng mở thoáng trên nóc chùa. Kỹ thuật xây dựng, vật liệu đều tân kỳ, nhưng bước vào chùa mới mà ta vẫn cảm thấy gần gũi, ấm cúng như vào một ngôi chùa cổ. Xuất hiện giữa một khu phố dân cư đông đúc, chùa Bát Nhã trông giống như một điểm nhấn tâm linh rất u tịch giữa chốn thị thành náo nhiệt.
Tiếc rằng KTS. Võ Đình Diệp chưa kịp thể hiện thêm những công trình Phật giáo theo khuynh hướng mới và có bản sắc đó, thì anh đã vội ra đi. Chúng ta đã mất đi một nhà giáo, một chuyên gia giỏi, và nhất là một Phật tử có tâm.■


Chùa Long Sơn


Chua Hue Nghiem

Chùa Bát Nhã

THIẾT KẾ MUSEUM

undefined
http://www.mediafire.com/download/cep897oo57ic4fm/data-Bao-tang-Ha-Noi.rar

-----------------