Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Những lý luận về nghề kiến trúc

GS. Trương Quang Thao
http://pdarchitects.blogspot.com/2008/06/nhung-ly-luan-ve-nghe-kien-truc_05.html

Kiến trúc là một nghệ thuật có tính khoa học

Nhà kiến trúc không làm nên tác phẩm kiến trúc theo kiểu nhà họa sĩ vẽ tranh. Họa sĩ chọn đề tài cho bức tranh tương lai hoàn toàn tự do, không ai đặt hàng cả. Đối diện với chính tâm thức của mình trước khung lụa, nhà họa sĩ nhanh chóng hoàn thành bức tranh. Và nó là tác phẩm: dù to dù nhỏ, dù đẹp dù xấu, dù có người mua hay vĩnh viễn nằm ở góc tối căn nhà, mọi thứ ấy không hề làm "suy suyển" với tư cách tác phẩm của bức tranh. Còn nhà kiến trúc, phải có ai đấy đặt hàng và nêu ra những đòi hỏi cho công trình tương lai thì nhà kiến trúc mới "sáng tác" ra các bản vẽ. Mà bản vẽ kiến trúc đâu phải là kiến trúc, trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ là hình ảnh của kiến trúc tương lai. Còn phải qua giai đoạn xây dựng, tức là dùng vật liệu và với bàn tay người thợ, kiến trúc mới thành hình và chính những người thợ này mới là những người tạo nên chất lượng của kiến trúc. Chất lượng đó được làm nên bởi các kết cấu xây dựng, bởi cái không gian được tạo ra có đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng, vừa như một công cụ sử dụng, vừa như một vật thể nghệ thuật hay không. Cái vật thể nghệ thuật này không nằm riêng rẽ bên ngoài mà ở trong chính kết cấu xây dựng, cho nên tách rời kiến trúc với xây dựng là sai lầm, nếu không là vô ơn đối với những đồng tác giả góp công sức và tài năng tạo nên hình hài và dáng dấp cho công trình kiến trúc.



Hơn thế, nhà họa sĩ hành nghề tự do, còn hành nghề kiến trúc là một hệ thống các tổ chức và cơ chế phức tạp có liên quan đến hầu hết các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa..., bởi không có bất kỳ hoạt động nào mà không cần đến không gian kiến trúc - xây dựng, cho nên kiến trúc là một bộ phận của một thiết chế kinh tế to lớn: xây dựng cơ bản. Và kiến trúc sư (KTS) không chỉ hoạt động ở lĩnh vực "sáng tác", mà còn cả lập dự án, tư vấn thiết kế, nghiên cứu khoa học và quy hoạch giảng dạy đào tạo, thi công công trình và trùng tu di sản. Thử hỏi trong tất cả các khâu ấy trong bộ máy đồ sộ của xây dựng cơ bản, có nơi nào không có kiến trúc sư hoạt động, trong đó có các cơ quan quản lý từ Trung ương tới tỉnh, thành. Những người ấy đã làm gì để giảm nhẹ cái cơ chế "xin - cho", "vừa đá bóng - vừa thổi còi", "tự biên tự diễn", "khép kín chu trình" đang hành hạ ngành xây dựng cơ bản và nhân dân?

Xin nói thẳng rằng cái cơ chế "vừa đá bóng - vừa thổi còi" và "xin cho" lại là nguyên lý hoạt động của Hội trong việc xét chọn giải thưởng Kiến trúc hai năm một lần: sao lại có chuyện lạ đời là người gửi công trình lên Hội xét giải, người chấm giải và người trúng giải nhiều khi chỉ là một? Thiết nghĩ, việc để các cá nhân gửi "công trình" dự giải là không đúng. Công trình gửi lên tham dự giải phải do cơ quan, tập thể hay cộng đồng dân cư sử dụng công trình giới thiệu, còn Hội đồng chấm giải phải gồm những người không dính dáng chút gì tới quá trình tạo ra công trình ấy. Có thể mới bảo đảm tính khách quan cho các giải thưởng và chỉ có các công trình được người sử dụng tin dùng và có hiệu quả xã hội mới được đưa ra đấu giải.

Ở các thành phố đều có các Hội đồng Kiến trúc thường bao gồm các kiến trúc sư có chân trong Ban Chấp hành Hội làm nhiệm vụ xét chọn các giải pháp kiến trúc cho các công trình của thành phố ấy. Ông kiến trúc sư trưởng thành phố là người chủ trì Hội đồng, lại là người thay mặt lãnh đạo TP ra quyết định chọn phương án, lại cũng là Chủ tịch Hội KTS TP quản lý hàng chục các xưởng kiến trúc ăn theo con dấu của Hội với số phần trăm "đóng thuế" cho Hội. Thì, xin hỏi ngài KTS quan chức kia có khách quan được hay không khi ra quyết định?


Kiến trúc cần phải quan tâm tới nhu cầu của người dân

Quan điểm "kiến trúc vị nghệ thuật" của Hội đã biểu lộ rất rõ trong cuộc thi tìm phương án cho Tháp truyền hình ở Hà Nội vừa qua. Phương án do Hội đồng chấm giải (được Hội KTS Việt Nam bảo lãnh) chọn và trao giải nhất... có quá nhiều điều để... bàn cãi. Như trên đã đề cập, kiến trúc vừa mang tính công cụ vừa mang tính biểu trưng, nhưng đó không thể là hai vật thể tách rời nhau, mà phải quyện vào nhau, cái này vừa là cái kia. Đằng này, có đến hai công trình khác nhau, cái thứ nhất là cái tháp bình thường, cái tháp công cụ mà chỉ riêng mình nó không thôi đã hoàn toàn đủ để bảo đảm cho yêu cầu đề ra đối với công việc truyền hình; còn vật thể thứ hai chỉ dùng để... biểu trưng (!?) Lẽ ra cái chức năng biểu trưng ấy phải toát ra từ chính cái vật thể thứ nhất kia, chứ đâu phải chỉ vì để cho công trình "đậm đà bản sắc dân tộc" mà tạo ra cái con hạc (có phải bằng thép và dát vàng?!) hoàn toàn vô dụng và 100% không khả thi. Với kết quả cuộc thi mà các quan chức của Hội nguyện gánh vác trách nhiệm ấy đã phản ánh không những quan điểm "kiến trúc vị nghệ thuật" sai lệch mà còn cả quan điểm được gọi là "quyết định luận không gian" - tức là không gian quyết định hết thảy mà Le Corbusier - nhà kiến trúc lỗi lạc nhất thế kẻ 20 - đã chủ trương, hồi ông còn trẻ.

Bị phê phán nhiều bởi các nhà xã hội học và nhân học văn hóa về quan điểm nói trên, về già, trở lại thăm thị trấn công nghiệp Pessac, nơi ông đã từng "áp đặt" cho công nhân gốc Bắc Phi một thứ kiến trúc đậm mầu hiện đại chủ nghĩa, ông đã phải ngậm ngùi nhìn những ngôi nhà bị người ở thay đổi đến không nhận dạng ra được và công khai thừa nhận sai lầm của mình: "Các anh biết không, chính là cuộc sống luôn luôn có lý, còn nhà kiến trúc thì mãi mãi sai lầm". Nhưng đó là Le Corbusier, một lương tâm lớn của kiến trúc thế giới, còn ở ta thì sao? Tuy biết rất rõ rằng chung cư cao tầng không thích hợp cho người nghèo đô thị ở các khu vực bị giải tỏa, bởi cách đây hai năm có nhà xã hội học đã cảnh báo rằng 80% nhà ở căn hộ nhiều tầng đã "bị" các hộ nghèo "bán" cho các hộ có tiền, để đổi lấy đôi đồng dôi ra đi tìm nơi ở mới trên những đoạn kênh rạch ở ven ngoại... Dù biết tỏng tòng tong rằng nhà ở nông thôn là nhà tự xây, rằng tự cổ chí kim có người nông dân nào mua thiết kế của các nhà kiến trúc đâu, ấy vậy mà triển lãm về giải pháp nhà ở cho nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, viện nghiên cứu kiến trúc nọ đã đưa ra những mẫu nhà không rõ xây cất bằng vật liệu gì song "cực kỳ" hiện đại trong cách ở và thơ mộng trong cảnh trí sông nước. Có công ty còn giới thiệu cả nhà bằng xi-măng lưới thép, nhà bằng hợp kim nhẹ, v.v... nhưng đó là những công nghệ chưa và còn lâu mới ở trong tầm với của nông dân nước ta. Vấn đề là cần có một công nghệ thích hợp đối với kỹ thuật tự xây và vừa túi tiền của nông dân để họ có thể dựa vào đó mà tự làm lấy nhà ở cho mình.

Trong cuộc chạy đua vì tiền người ta không hề đếm xỉa tới nhu cầu chính đáng của người dân. Một kiến trúc sư nọ vẽ ra ngôi chợ cho các tiểu thương tại khu Văn Thánh... dưới dạng một "đại siêu thị" ba tầng cực kỳ hiện đại với đầy đủ thang cuốn, thiết bị bốc xếp... để cuối cùng các tiểu thương phải ngậm bồ hòn nhận chỗ trên tầng rồi bỏ đấy, vì tiền đã trao... và chợ hóa thành chợ "thanh vắng". Hình như giữa những nhà quản lý và nhà kiến trúc có sự móc nối để "tự kích cầu". Công trình càng to, càng hiện đại thì các người thiết kế và thi công càng nhận được nhiều tiền "công" và các nhà quản lý cũng nhận được món lại quả khấm khá. Cũng nằm ở xu thế "sáng tác" này là chuyện các nhà quản lý và kiến trúc sư đã lên hai tầng mái ngói đỏ tươi, đậm đà mầu dân tộc(!) cho chợ tình Bắc Hà, cách nay độ vài năm gì đó. Chắc chắn rằng cái chợ ấy đã bị từ chối, bởi cái không gian hiện đại kia làm sao chứa nổi nét đặc sắc của chợ văn hóa các dân tộc ít người? Cách đây độ một năm, sau Nghị quyết Trung ương về văn hóa, các nhà quản lý và kiến trúc sư hăng hái bắt tay vào xây dựng nhà Rông cho Tây Nguyên. Nhiều món tiền lớn bỏ ra để mua gỗ, vật liệu lợp, lập thiết kế... và thuê thợ thi công..., để rồi nhận lấy sự hờ hững của nhân dân các sắc tộc Tây Nguyên. Bởi đó không phải là nhà Rông của họ vì chúng được dựng lên để kiếm tiền bởi các KTS theo kiểu hội trường cấp xã, còn nhà Rông thật lại là nơi ở của các Thần Linh và được xây dựng bằng tâm thức ngưỡng mộ - hay bằng vô thức tập thể như các nhà phân tâm học khẳng định - của cư dân nền văn minh thực vật, lấy rừng làm môi sinh. Mà rừng Tây Nguyên thì chúng ta đã tàn phá để lấy gỗ, để trồng cà-phê... hết cả rồi, đâu còn là môi sinh cho họ, cho nền văn hóa của họ, cho các vị Thần Linh của họ. Đây quả là một thực trạng đáng buồn!

Văn hóa phương Đông vốn là văn hóa được dựng xây trên nền tảng của Tam giáo: Lão giáo cho ta Đạo, Nho giáo cho ta Lễ và Phật giáo cho ta Tâm. Đạo - Lễ - Tâm phối hợp sẽ tạo nên cái văn hóa ứng xử đúng đắn cho mọi người, với chức phận của từng cá thể trong công việc mình đảm nhận, với thiên chức của nghề nghiệp mình dấn thân. Tuy vậy khái niệm Đạo vẫn bao trùm hơn cả. Có đạo sẽ tạo ra Tâm, ra Lễ trong mọi hoạt động sao cho đúng với đạo làm người (nhân đạo), với bổn phận (đạo làm con, đạo thầy trò), với trách nhiệm sử dụng vũ khí (kiếm đạo, thương đạo) với lòng yêu nghệ thuật (thi đạo, vũ đạo, thư đạo) với thưởng thức cái đẹp (hoa đạo, trà đạo). Đạo của kiến trúc cũng không nằm ngoài những điều vừa nói.