Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN KIẾN TRÚC, CẢNH QUAN ĐÀ LẠT “QUA CÁC THỜI KỲ”



PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN KIẾN TRÚC, CẢNH QUAN
ĐÀ LẠT “QUA CÁC THỜI KỲ”

                                                                                      KTS  Lê Tứ
                                                                                      KTS Trần Công Hòa
                                                                                    ( Hội KTS Lâm Đồng)
I Nhận diện di sản KT, cảnh quan đô thị Đà Lạt:
-        Từ ngày được thành lập đến năm 1954, Đà lạt được nhìn nhận là thành phố thuần Pháp: Qui hoạch tổng thể, quản lý xây dựng, quản lý kiến trúc, quản lý xã hội theo mô hình của Pháp.
-        Qui hoạch XD mang nặng kiểu thuộc địa: phân chia rõ khu Pháp, khu Việt và lấy suối Cam Ly làm phân ranh. Khu Pháp ( phía Nam suối Cam Ly) được đầu tư xây dựng đúng nghĩa, phân bố không gian rộng rãi, sang trọng… hình thành đủ các thể loại công trình kiến trúc đáp ứng cho cuộc sống của thành phố mới: các khu nhà ở, Khách sạn, Dinh thự cho quan chức, Biệt thự, Nhà thở, Bưu điện, Ngân khố, Trường học, Tu viện, Thư viện, khu thương mại…và các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng: Giao thông, Nhà máy điện, Đập nước tạo hồ cảnh quan, Nhà máy nước, Bể chứa nước trên đỉnh đồi cao, Gare hỏa xa…và ngay cả  Nghĩa trang Tây.
-        Khu Việt Nam ( phía Bắc suối Cam Ly), có khu thương mại dành cho cư dân, ngoài công trình dinh Tỉnh trưởng được xây dựng kiên cố, hầu hết còn lại là các công trình cho giới bình dân Pháp ( khu biệt thự hồ Vạn kiếp, hồ Mê Linh, khu Trần bình Trọng).
-         Tiếp nối sau năm 1954, nhiều kiến trúc công cộng mang dáng dấp hiện đại  được đầu tư xây dựng theo đà tiến phục vụ các nhu cầu của người Việt.
-        Trải dài hơn 100 năm TP Đà Lạt đã tạo ra rất nhiều di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị phong phú, cả về giá trị các loại hình kiến trúc và cả về giá trị văn hóa, lịch sử.
II. Quỹ Di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị TP Đà Lạt:
+ Trước năm 1954:
-        Hệ thống quỹ Dinh thự, biệt thự Pháp:
. Dinh thự ( 5): Dinh 1,2,3, Dinh Tỉnh trưởng, Dinh Nguyễn Hữu Hào.
. Các khu biệt thự: Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Nhà nghỉ đường sắt, Nguyễn Du- Quang Trung, Lê Lai. Các khu biệt thự ven hồ: Vạn kiếp( Cité Decoux), Mê Linh( Cité Saint Benoit)
-        Hệ thống công trình kỹ thuật đô thị:
. Đập tạo hồ nước Xuân Hương.
. Nhà máy nước
. Đài nước (Dinh Tỉnh trưởng)
. Nhà ga xe lửa và hệ thống đường sắt, đường bộ
-        Công trình giáo dục:
. Trường Grand lycée ( Cao đẳng sư phạm Đà Lạt).
. Trường Petit Lycée ( Cao đẳng nghề) đường Hoàng văn Thụ.
. Trường Franciscains ( Cơ sở 2 ĐHKT).
. Trường nữ Couvent des oiseaux ( Dân tộc nội trú) đường Huyền Trân Công Chúa.
. Trường La San Adran ( Sở giáo dục cũ)
-        Công trình tôn giáo, tín ngưỡng:
. Nhà thờ chính tòa ( Nhà thờ con gà- đường Trần Phú)
. Nhà thờ Domain de Marie và tu viện ( đường Mai hắc Đế)
. Tu viện Franciscan ( Hùng vương).Tu viện Nazarette ( Trần Phú).
. Chùa Linh Sơn (1938- đường Nguyễn văn Trỗi)
. Nhà thờ Tin Lành( 1942- đường Nguyễn văn Trỗi)
+Sau năm 1954:
-       Công trình công cộng, tín ngưỡng:
. Thao trường Đà Lạt ( đã tháo dỡ để xây dựng quảng trường TP).
. Câu lạc Bộ Thanh niên( đã tháo dỡ để xây dựng TT hoạt động thanh niên).
. Chợ Đà Lạt.
. Trường Đại học Đà Lạt.
. Tu viện dòng Chúa cứu thế.
. Nhà thờ Tin Lành.
. Chùa Linh Sơn.
. Trụ sở Giáo Hoàng học viện.
. Học viện quân sự ( trường võ bị).
. Lò nguyên tử Đà Lạt.
-        Hệ thống các công trình nhà ở:
. Nhà ở Phố kiểu mới, nhà vườn kiểu mới.
……….
          Việc liệt kê tổng quát ( theo giai đoạn) nhằm khẳng định di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị tại Đà Lạt vừa mang tính tập trung ( khu Pháp cũ) và tính đại diện phân bố rải rác các di sản trên toàn vùng TP. Nhiều kiến trúc mới sau 1954 có công năng thiết thực phục vụ cho đô thị, với phong cách hiện đại, đạt chuẩn về nghệ thuật kiến trúc và ít nhiều hòa nhập được với di sản kiến trúc Pháp đã có.
           Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng với khối lượng di sản kiến trúc Pháp rất lớn và phong phú về thể loại, cốt lõi cơ cấu qui hoạch chưa bị phá vỡ và may mắn được giữ gìn để tồn tại qua thời gian hàng thế kỷ. Đà Lạt xứng danh là bảo tàng kiến trúc Pháp so với các địa phương khác.  
III. Phát huy giá trị các di sản thời gian qua:
       Sau ngày thống nhất đất nước (1975), đồng bộ với việc tổ chức đồ án qui hoạch chung xây dựng TP Đà Lạt lần thứ nhất (1985), nhiều phân khu chức năng đã tận dụng quỹ nhà đất phù hợp. Nhận thức vấn đề di sản đô thị được nâng tầm ngay trong Lãnh đạo và nhân dân. Nhiều chương trình xây dựng mới đã né tránh việc đụng chạm trực tiếp đến các di sản…và tiếp nối việc xây dựng, cải tạo dần được Luật hóa đã tác động trực tiếp đến việc giữ gìn các di sản này. Nhiều chương trình nghiên cứu tìm hiểu về di sản cũng đã có những tác động nhất định.
-        Đề tài Điều tra quỹ kiến trúc thời Pháp thuộc của GS-TS-KTS Nguyễn Bá Đang góp phần đặt nền móng bước đầu cho việc nghiên cứu, cung cấp dữ liệu  mang tính hệ thống phục vụ việc bảo tồn di sản.
-        Hội nghị chuyên gia về quỹ KT đô thị Đà Lạt do GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính và các chuyên gia của Hội KTS VN và địa phương, khơi gợi việc tạo dựng phát triển Đà Lạt tiếp nối trong lâu dài theo hướng mỡ rộng các vùng phụ cận. Nội dung hội nghị đã được nguyên Thủ Tướng CP Võ Văn Kiệt quan tâm theo dõi và chỉ đạo thêm cho các Bộ Ngành TW.
-        Về phía Chính quyền địa phương, với nhận thức về việc phát triển đô thị Đà Lạt trên nền tảng phát huy các giá trị di sản KT, cảnh quan  mang tính sống còn. Trong thời gian dài vừa qua  nhiều chính sách liên quan đến phát triển TP như : đánh giá, phân loại quỹ biệt thự, sắp xếp khai thác hợp lý nguồn quỹ di sản hiện có, chuyễn đổi công năng…đã đem lại hiệu quả nhất định và khẳng định di sản kiến trúc, cảnh quan Đà Lạt vẫn đóng góp và phát huy giá trị cho đến hiện nay.
-        Đã có nhiều dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp , khai thác khá chuẩn mực các di sản kiến trúc, cảnh quan hiện có. Bên cạnh đó vì nhiều lý do, cũng đã có dấu hiệu của sự thiếu cân nhắc cả về phía nhà đầu tư và sự chủ quan của chính quyền đối với  một số di sản.
-        Đồ án QH chung Đà Lạt và vùng phụ cận theo QĐ 704/CP là chiến lược phát triển vùng Đà Lạt mở ra cơ hội cho việc giữ gìn các di sản kiến trúc, cảnh quan Đà Lạt trong sự phát triển tiếp nối. Nhiều định hướng và giải pháp chung để ứng xử với các vùng di sản đã được chú ý đúng mức. Bên cạnh việc rà soát mang tính tổng thể, Chính quyền Tỉnh LĐ, Sở XD, và TP Đà Lạt đang đặt sự quan tâm vào các qui hoạch phân khu và thiết kế đô thị cho các khu vực này nhằm bảo vệ và thực hiện đầu tư tôn tạo…vấn đề tiếp tục tìm kiếm  là việc gắn kết các di sản tham gia sinh hoạt của đô thị, tham gia các vùng hoạt động của đô thị  trong ý nghĩa phát huy sức sống mới cho di sản. Đây là bước đi cần thiết, quan trọng trong quá trình phát huy các giá trị của di sản đô thị.
IV. Đề xuất, kiến nghị:
    Trong suốt quá trình hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ, Đà Lạt đã tích lũy được một quỹ di sản kiến trúc đô thị đa dạng, phong phú, có giá trị văn hóa- lịch sử, giá trị kiến tạo hình ảnh đô thị và nỗi danh cho đến ngày nay. Di sản đô thị Đà Lạt có giá trị độc đáo về nghệ thuật qui hoạch, kiến trúc, cảnh quan, về công năng sử dụng.
    Phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị trong phát triển đô thị sẽ nâng cao giá trị của : Các khu vực đô thị ; mang nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương ; di sản kiến trúc tham gia các sinh hoạt của đô thị là góp phần bảo tồn di sản đô thị  và bảo tồn di sản đô thị là mang sức sống mới cho di sản kiến trúc.
    Khi nhìn vào giá trị kinh tế của di sản đô thị, phải xem công tác bảo tồn như một chiến lược đầu tư dài- thông minh cho tương lai. Cần có cái nhìn tổng thể về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đánh giá đúng nguồn lực mà di sản tạo ra. Cần chú ý là tại các nước đang phát triển thì bảo tồn các di sản là gánh nặng cho ngân sách… tuy nhiên, khi đạt đến ngưỡng phát triển nhất định thì di sản là chìa khóa vàng mở cửa cho sự kết nối với giới tinh hoa các nơi.
    Trong khuôn khổ các hoạt động liên quan đến di sản phải được thể chế hóa bằng chính sách và các công cụ mang tính Pháp chế, Xin có một số đề xuất:
-        TP cần thành lập Ban quản lý di sản đô thị ( BQL DS ĐT). Ban thực hiện nội dung QLNN, quản lý tập trung mọi hoạt động phát triển đô thị liên quan đến di sản, là đầu mối cần thỏa thuận về KT-QH cho các dự án xây dựng trong khu vực di sản hoặc vùng lõi trung tâm đô thị lịch sữ trước khi dự án phát triển mới được duyệt. BQL có trách nhiệm phối hợp chính quyền địa phương tổ chức quản lý, thực hiện, hướng dẫn, phổ biến kiểm tra giám sát các dự án bảo tồn, các dự án phát triển đô thị trong vùng lõi lịch sử.( Tham khảo BQl các khu phố cổ).
-        Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo tồn di sản: kiểm đếm, đánh giá, xác định giá trị, công nhận di sản, quản lý hồ sơ di sản, theo dõi, điều tiết các cơ quan quản lý và giới chuyên môn. Đào tạo nhân lực, có cơ chế kết nối tốt việc ứng dụng công nghệ trong quản lý bảo tồn di sản.
-        Xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp: ngân sách, xã hội hóa từ nhân dân, doanh nghiệp và các quỹ quốc tế.
-         Chính quyền điều tiết bằng chính sách, có ưu đãi, khuyến khích hổ trợ người dân. Ưu tiên vốn cho các dự án tôn tạo các di sản đô thị, các khu phố lịch sử, các kiến trúc tiêu biểu.
-        Xây dựng cơ chế tiếp nhận các sáng kiến cộng đồng, người dân, người nước ngoài.
-        Phát huy giá trị kinh tế của di sản  thông qua  hoàn thành, hoàn thiện hệ sinh thái di sản: các công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị, các dịch vụ đô thị liên quan di sản, các hoạt động đô thị ( ngày, đêm), lối sống của dân...
-        Kịp thời đánh giá khoa học và đầy đủ các di sản đô thị để xếp hạng. Nhanh chóng xác định tiêu chí, khoanh vùng khu di sản, điểm di sản… thống kê quỹ di sản… có đủ các thông tin về tình trạng…và các hướng dẫn bảo tồn…
-        Nhiều phương pháp đánh giá di sản( định lượng, định tính) và hoạt động bảo tồn trên thế giới đã được giới thiệu rộng rãi. Rất cần được các chuyên gia nghiên cứu vận dụng một cách khoa học vào điều kiện cụ thể cho các di sản kiến trúc, cảnh quan TP Đà Lạt.

                                                                                        Đà Lạt, ngày 23/12/2019