Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Bạch Đằng Giang

Giải mã bí ẩn bãi cọc Bạch Đằng Giang

(Lịch sử Việt Nam) - 726 năm trước, nước Đại Việt bé nhỏ đã đánh tan tác 600 chiến thuyền và 40 vạn quân Nguyên Mông trong trận thủy chiến Bạch Đằng. Dòng chảy thời gian hơn 700 năm đã che phủ nhiều bí ẩn quanh trận thủy chiến oanh liệt này.

Giải mã bí ẩn bãi cọc Bạch Đằng Giang
Bia ghi nhớ bãi cọc Bạch Đằng Giang ở Yên Giang năm 1288.
Phóng viên trở lại nơi này, tìm lại dấu tích của chiến địa lừng lẫy trong lịch sử.
Từ Hà Nội, TS Nguyễn Việt về Quảng Ninh lần theo dấu vết khảo cổ và thư tịch bạc màu thời gian, cùng các cộng sự thực hiện dự án khảo sát đáy sông, biển Vân Đồn, Bạch Đằng để tìm kiếm những gì còn lại từ các trận thủy chiến oanh liệt.
Các thợ lặn và chuyên gia khảo cổ từ Hàn Quốc cũng được mời tham gia khảo sát. Họ hi vọng có thể tìm thấy dấu vết đoàn thuyền chiến bại của đội quân Nguyên Mông.
“726 năm là quãng thời gian khá dài, nhưng có lẽ cũng không thể làm tan biến hết được những con thuyền được đóng từ gỗ quý chìm sâu dưới đáy nước” – một chuyên gia khảo cổ nước trầm ngâm tâm sự.
“Cổ họng” chiến bại
Những ngày ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, nơi Bạch Đằng giang hòa vào biển Đông, tôi cố gắng lần tìm lại dấu vết trận thủy chiến oanh liệt của quân dân nhà Trần 726 năm trước.
Dòng chảy thời gian cùng bao thời cuộc thăng trầm đã làm cảnh vật dải sông núi hùng thiêng này đổi thay rất nhiều so với sử xưa ghi chép.
Tuy nhiên, điều đặc biệt là nhiều người dân ở đây như “pho sử sống” từ những ký ức tổ tiên mình truyền đời để lại. Không chỉ các nhà nghiên cứu lịch sử, cán bộ bảo tàng địa phương, mà cả cụ già giữ đền, cô hàng nước, anh xe ôm đều có thể dẫn tôi đến được những bãi trận địa năm xưa…
Chiều muộn, cơn mưa dông từ ngoài biển đang vần vũ kéo vào đất liền cùng thời sự ở Hoàng Sa làm trĩu lòng người. Tôi tranh thủ việc đầu tiên là ghé đền Trần Hưng Đạo, để được thắp nén hương trước tượng thờ vị danh tướng.
Người địa phương đều tin rằng ông linh thiêng lắm, còn tôi thầm xin ông dẫn đường cho mình trở lại đúng nơi chiến trường vệ quốc năm xưa.
Cụ thủ hương Lê Hữu Lâm, 84 tuổi, trao cho tôi nén hương đỏ lửa rồi trầm tư kể rằng dưới từng tấc đất này đều đẫm dày trầm tích chiến trận.
Đền Trần nằm ngay bên bờ sông Bạch Đằng, và con sông lịch sử hùng thiêng đất Quảng Ninh này được các nhánh sông lớn nhỏ hợp thành trước khi đổ ra biển Đông.
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, đến phần Quảng Yên đã mô tả rất tỉ mỉ về sông Bạch Đằng: “Bạch Đằng giang nằm cách huyện Yên Hưng 5 dặm về phía tây. Nguồn từ sông Lục Đầu, tỉnh Hải Dương, chảy qua địa giới huyện Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày nay – PV), chia làm hai chi: một chi do sông Mỹ Giang chảy về phía đông 17 dặm, qua núi Châu Cốc (Hang Sơn) chảy về phía đông bắc 25 dặm hợp dòng đổ về xã Đoan Lễ làm thành sông Bạch Đằng (phía nam là địa giới huyện Thủy Đường, phía bắc là địa giới huyện Yên Hưng). Bạch Đằng chảy về hướng nam đến phía đông bến đò xã Yên Hưng chia ra một chi thông với sông Tranh, còn dòng chính thì chảy sang phía nam 29 dặm đổ ra cửa biển Bạch Đằng. Năm Minh Mạng thứ 17 đúc Cửu Đỉnh khắc vào Nghị Đỉnh. Năm Tự Đức thứ ba liệt vào hàng sông lớn, ghi vào tự điển thờ”.
Sách Nam Phong trong phần khảo về địa dư và lịch sử tỉnh Quảng Yên cũng ca ngợi dòng sông lịch sử này: “Bạch Đằng là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), phía đông ngạn thuộc xã Yên Hưng, phía tây ngạn thuộc về xã Đoan Lễ, huyện Thủy Đường. Thủy trào sâu 2 trượng 5 thước, thủy tịch sâu 1 trượng 7 thước. Giữa sông có một bãi ám sa, bến đò ở đó mênh mông rất rộng”.
Ngoài tên Bạch Đằng giang đã lưu danh chính sử, người địa phương còn truyền đời gọi dòng sông này là sông Rừng và Vân Cừ.
Hai cái tên phát nguồn từ chính đặc điểm địa lý tự nhiên thuở ấy với các cánh rừng bạt ngàn che phủ đến tận bờ bãi sông xưa. Đến giờ tuy rừng xưa đã mất, nhưng cái tên quen gọi đó vẫn còn gắn bó với nhiều địa danh đất này như chợ Rừng, phà Rừng, làng Rừng, giếng Rừng…
Các đền miếu xưa ở đây vẫn còn nguyên vẹn các cột, kèo gỗ rừng quý như lim, táu. Và đặc biệt, bãi cọc hiểm yếu làm nên chiến thắng Bạch Đằng được lấy từ chính cánh rừng ngay bên bờ sông này.
Còn tên Vân Cừ của Bạch Đằng giang cũng là một cái tên cổ ngợi ca vẻ đẹp lẫn địa thế hiểm yếu có giá trị vệ quốc. Nguyễn Trãi viết Dư địa chí đã thốt lên: “Sông Vân Cừ rộng 2 dặm 69 trượng, sâu 5 thước, trên có núi non cao vót, nước suối giao lưu, sóng tung lên tận chân trời, thật là nơi hiểm yếu. Nước ta khống chế kẻ Bắc, sông này là chỗ cổ họng”. Từ Ngô Quyền đến vua tôi nhà Trần đều nhìn thấy rõ địa thế hiểm yếu này để quyết định giăng những trận thủy chiến quyết định với kẻ thù xâm lược.

Bia lưu danh công đức của triều Trần bên bờ sông Bạch Đằng- Ảnh: Quốc Việt.
Con đường xâm lược của quân phương Bắc
Trên con đường về cửa sông Bạch Đằng, TS Nguyễn Việt tâm sự từ lâu ông đã không chỉ khảo sát bãi chiến địa này, mà còn cố gắng lần dấu thủy lộ xâm lược của quân phương Bắc.
Một trọng tâm trong công trình khảo sát đáy biển Vân Đồn mà ông và nhóm chuyên gia Hàn Quốc đang thực hiện chính là tìm lại nơi đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ bị đánh tan tác.
Thư tịch cổ ghi rằng mùa đông năm 1287, toàn bộ quân lương Nguyên Mông do Trương Văn Hổ cầm quân áp tải đã bị vị thủy tướng nước Việt Trần Khánh Dư đánh chìm tại vùng biển này. Một trận chiến bất ngờ, nhanh chóng, báo trước chiến bại ê chề lần thứ ba của cả đoàn quân thủy bộ xâm lược Nguyên Mông.
Theo TS Nguyễn Việt, công trình khảo cổ nước này thành công sẽ góp phần làm rõ thêm con đường xâm lược của quân phương Bắc.
Các thư tịch, sử liệu cổ của nước Việt và Trung Quốc đều nhắc đi nhắc lại từ xa xưa đường biển dọc theo Quảng Ninh, qua Vân Đồn vào hệ thống cửa sông Bạch Đằng, tiến sâu vô nội địa nước Việt đã được các đoàn quân phương Bắc nhiều lần sử dụng để xâm lược quốc gia phía Nam.
Từ năm 43 sau Công nguyên, cánh thủy quân Đoàn Chí của Mã Viện đã theo thủy lộ này vào hội với binh mã nhà Hán ở vùng Lục Đầu để giao chiến với Hai Bà Trưng.
Đến năm 546, thủy quân nhà Lương lại vào cửa ngõ Bạch Đằng đi lên sông Luộc, đánh nước Vạn Xuân ở miền Chu Diên. Sang các năm 938, 981, 1288, quân dân nước Việt do Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo cũng lần lượt phải vệ quốc trước các đội quân xâm lược Nam Hán, Tống, Nguyên Mông ở cửa ngõ phên giậu này của Tổ quốc.
Từ phương Bắc, các triều đại Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều nghiên cứu kỹ lưỡng thủy lộ an toàn này xuất phát từ duyên hải Quảng Đông xuyên qua vùng vịnh Quảng Ninh, vào hệ thống cửa sông Bạch Đằng của nước Việt.
Nhiều tác giả Trung Hoa còn đặt tên cho đường biển xâm lược này là Đông Kênh. Nhìn trên bản đồ chiến lược, quân phương Bắc có thể theo thủy lộ này tiến rất nhanh vào kinh thành Thăng Long mà không phải vượt qua địa hình rừng thiêng nước độc, đối đầu với nhiều trận địa phòng thủ nếu đi đường bộ.
Đặc biệt, tàu thuyền qua biển Quảng Ninh cũng tránh được mối nguy bão tố với nhiều hòn đảo lớn nhỏ che chắn. Ngoài ra, từ con đường này, thủy quân còn nhanh chóng hội với sức mạnh kỵ binh ngay khi vừa vào đến đất liền.
Tuy nhiên, những người ái quốc cũng nhìn thấy rõ địa thế hiểm yếu của thủy lộ này để đánh bại các đoàn quân xâm lược.
(Theo Tuổi Trẻ)
http://trandaiquang.net/giai-ma-bi-an-bai-coc-bach-dang-giang.html 

CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG (9/4/1288)
Trận Bạch Đằng năm 1288 đã chôn vùi đạo quân cuối cùng, đập tan mưu đồ xâm lược của đế quốc cường thịnh và tàn bạo bậc nhất trong thời đại bấy giờ.
Trong lần xâm lược thứ ba, ngoài bộ binh (bao gồm cả kỵ binh ), nhà Nguyên còn dùng một lực lượng thủy binh khá mạnh và mang theo lương thực đầy đủ. Hàng năm chục vạn quân (Đại Việt sù ký toàn thư, bản dịch đã dẫn, tập II, trang 58-60) đượ chia thành ba đạo:
- Đạo quân do Thoát Hoan chỉ huy chiếm phần lớn quân số, theo đường Lạng Sơn tiến vào.
- Đạo quân do Ái Lỗ chỉ huy từ Vân Nam theo sông Hồng tiến xuống.
- Đạo thủy quân do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy với hơn 600 chiến thuyền từ Quảng Đông (Trung Quốc) theo sông Bạch Đằng tiến vào rồi hội quân ở Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương).
Ngoài ra, có đội thuyền vận tải do Trương Văn Hổ cầm đầu chở 70 vạn hộc lương theo sau.
Đối với Hốt Tất Liệt và triều đình nhà Nguyên, cuộc viễn chinh lần thứ 3, ngoài âm mưu xâm chiếm nước ta mở đường bành trướng xuống Đông Nam á, còn là cuộc phục thù cay cú của tên bạo chúa phong kiến cuồng chiến. Những tướng từng chỉ huy quân địch đều thiện chiến, hầu hết đã quen thuộc chiến trường Đại Việt.
Thân vương Thoát Hoan giữ chức tổng chỉ huy là người đã cầm đầu cuộc xâm lược lần trước. Chính hắn đã mở những cuộc hành quân đầy máu lửa từ rừng núi Lạng Sơn, Lạng Giang đến Vạn Kiếp, Thăng Long, giết chết bao nhiêu dân lành, triệt hạ nhiều làng mạc của ta.
Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Lưu Khuê là những viên tướng theo A Lí Hải Nha (A-rít-kha-y-a), phụ tá của Thoát Hoan, trong cuộc xâm lược thứ hai đã từng hoạt động ở khắp vùng đồng bằng sông Hồng.
Ô Mã Nhi mang danh hiệu "dũng sĩ" - Ô Mã Nhi Bạt Đô - quen thủy chiến, đã từng thống lĩnh thủy binh ở vùng sông Lục Đầu, Bài Than, Đông Ngạn và dẫn quân đuổi theo vua Trần về Thiên Trường (Nam Định).
Phàn Tiếp lần này được thăng làm tham tri chính sự, quyền ngang với Ô Mã Nhi. Trương Văn Hổ là một tên cướp biển vùng vẫy khắp miền biển Quảng Đông, Phúc Kiến (Trung Quốc) đã đầu hàng nhà Nguyên.
Trước khi tiến quân, bọn cướp nước chuẩn bị khá chu đáo Từ kinh nghiệm thất bại trước, lần này chúa Nguyên ra lệnh cho Thoát Hoan, Áo Lỗ Xích phải hành quân thận trọng: "Không được cho Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường" (Nguyên sử, An Nam truyện, q. 209).
Cuối năm 1287, quân Nguyên từ nhiều hướng tiến vào nước ta. Đạo quân chủ lực do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy, từ Quảng Tây ào ạt vượt biên giới tiến vào vùng Lạng Sơn. Trần Quốc Tuấn đích thân chỉ huy mặt trận xung yếu này. Theo kế hoạch của vị tổng chỉ huy, quân ta chặn đánh quyết liệt Ở một số nơi rồi dần dần rút lui tránh quyết chiến với giác. Quân địch tiến xuống Vạn Kiếp.
Ở vùng biển đông - bắc, thủy binh của Ô Mã Nhi bị chặn đánh ở Ngọc Sơn (mũi Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh), An Bang (Quảng Yên, Quảng Ninh). Chúng có bị thiệt hại nhưng vẫn mở đường theo sông Bạch Đằng tiến lên Vạn Kiếp hội quân với Thoát Hoan. Trong lúc đó, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ chở nặng còn chậm chạp tiến theo sau, trên đường vào vịnh Bái Tử Long và Hạ Long. Phó tướng Trần Khánh Dư đã mưu trí bố trí quân mai phục ở Vân Đồn - Cửa Lục (Quảng Ninh) đón đánh, tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền lương của địch. Chiến thắng Vân Đồn - Cửa Lục đã đánh vào chỗ yếu có tính chất chiến lược của địch, làm phá sản từ đầu kế hoạch tiếp tế lương thực của chúng, do dó ảnh hưởng đến toàn cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba của quân Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho quân dân ta nhanh chóng chuyển nên phản công chiến lược.
Thoát Hoan xây dựng vùng Vạn Kiếp thành một căn cứ quân sự, để một số quân ở lại đóng giữ, rồi tiếp tục tiến về Thăng Long. Đạo quân Ái Lỗ cũng từ Vân Nam tiến xuống phối hợp. Triều đình và quân ta tạm thời rút khỏi kinh thành. Từ Thăng Long. Thoát Hoan huy động quân thủy bộ theo lưu vực sông Hồng đuổi theo ráo riết. Ô Mã Nhi de dọa vua Trần: “Ngươi chạy lên trời ta theo lên trời, ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước” (Từ Minh Thiện, Thiên Nam hành ký, bản Thuyết phu, trang 12). Nhưng không sao bắt được những người lãnh đạo kháng chiến của ta, quân giặc mặc sức tàn sát nhân dân. Chúng sục sạo vào phủ Long Hưng (Đông Hưng, Thái Bình), quật lăng mộ Trần Thái Tông - ông vua anh hùng của cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Chúng triệt hạ các điền trang thái ấp, gây trăm ngàn tội ác. Sứ nhà Nguyên cũng phải ghi nhận chúng "đốt phá chùa chiền, đào bới lăng mộ, cướp giết người già trẻ con, tàn phá sản nghiệp của trăm họ, không có điều gì không làm" (Từ Minh Thiện, Thiên Nam hành ký, bản Thuyết phu, trang 16). Một dải đồng bằng từ Thăng Long đến các lộ Hồng, Khoái đều tiêu điều, xơ xác.
Quân địch đã chiếm được kinh thành và nhiều vùng rộng lớn nhưng âm mưu đánh nhanh thắng nhanh, tiêu diệt quân chủ lực và bộ máy lãnh đạo kháng chiến của ta không thực hiện được. Cùng với cuộc chiến đấu ở chiến trường ven biển tiêu diệt thuyền lương giặc, nhân dân các lộ, phủ đều thực hiện vườn không nhà trống, thành lập các đội dân binh chiến đấu chống giặc cướp bóc lương thực, tiêu hao lực lượng địch. Nguyên sử chép “Người Giao Chỉ đem hết thóc gạo cất giấu đi nơi khác" (Nguyên sử, Phàn Tiếp truyện, bản in Thương vụ ấn thư quán).
Đã gần 2 tháng đóng ở Thăng Long, mấy chục vạn quân Nguyên lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Ngày 10 tháng 2 năm 1288, Ô Mã Nhi được lệnh đem thủy quân đón đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ - vì tưởng rằng bọn này đang trên đường vào Đại Việt. Thủy quân địch đến cửa Đại Bàng (Văn Úc, Hải Phòng) bị quân ta chặn đánh, bắt được hơn 300 thuyền chiến (Nguyễn Sĩ Chân trong bài Một số tư liệu mới phát hiện về hành cung Lưu Đồn và trận thủy chiến cửa Đại Bàng (08/01/1288) tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3-1997 lại cho cửa Đại Bàng là cửa Sông Hóa (còn gọi là cửa Thái Bình) thuộc tỉnh Thái Bình. Xin ghi lại để bạn đọc tham khảo.). Bị thiệt hại nặng, Ô Mã Nhi vẫn phải cố gắng đi tìm kiếm đoàn thuyền lương. Đến Tháp Sơn (Đồ Sơn, Hải Phòng), chúng lại bị quân ta đón đánh. Và đến An Bang thì chúng biết đoàn thuyền lương đã bị tiêu diệt, Ô Mã Nhi theo đường sông Bạch Đằng trở lại Vạn Kiếp.
Đến đây, chiến lược đánh nhanh thắng nhanh bị phá sản và hy vọng chiếm đóng lâu dài của Thoát Hoan cũng tiêu tan theo đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Những thắng lợi của ta ở Đại Bàng và Tháp Sơn lại gây thêm cho chúng những tồn thất nặng nề.
Thắng lợi của quân dân miền đông - bắc khiến cho Thoát Hoan mau chóng sa vào thế cô lập, khốn quẫn và suy yếu. Mất sạch lương thực, lại bị tiêu diệt một bộ phận thủy quân, chúng hoang mang lo lắng. Giặc đi đến đâu đều gặp vườn không nhà trống và những trận chiến đấu bền bỉ, mưu trí của quân dân ta. âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh không thể nào thực hiện được. Từ những trận Đại Bàng, Tháp Sơn và các trận đánh tiêu hao liên tục của ta, chúng dự đoán chủ lực của ta sắp ra quân và sẽ có những trận phản công mạnh mẽ giáng lên đầu chúng như những trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương của cuộc kháng chiến lần thứ hai cách ba năm trước. Thoát Hoan và các tướng lĩnh của hắn lo lắng thấy đóng quân ở Thăng Long rất nguy hiểm .
Đầu tháng 3, Thoát Hoan phải bỏ Thăng Long chuyển quân về Vạn Kiếp là căn cứ quân sự chúng đã dày công xây dựng khi mới tiến quân vào nước ta. Nhưng căn cứ Vạn Kiếp cũng không còn là nơi an toàn của chúng nữa. Ban đêm, quân ta mở những trận tập kích liên tiếp vào đồn trại giặc làm cho chúng bị tiêu hao, mệt mỏi, rã rời.
Nguy cơ bị tiêu diệt đã đến, chúng bàn với nhau: "Ở Giao Chỉ không có thành trì để giữ, không có lương thực để ăn mà thuyền lương của Trương Văn Hổ không đến. Vả lại khí trời nóng nực, lương hết, quân mệt, không lấy gí chống giữ lâu được lấy làm hổ thẹn cho triều đình, chi bằng nên toàn quân mà về thì hơn” (Nguyên sử, q. 209, An Nam truyện). Cuối cùng, chúng nhất trí với nhau “nên về, không nên ở" (An Nam chí lược, q. 4, bản chép tay) hòng bảo toàn lực lượng, tránh những đòn phản công của quân ta.
Nhưng rút về bằng cách nào? Có kẻ muốn hủy thuyền đi bộ, có kẻ muốn đi cả bộ cả thuyền. Bàn luận phân vân, đầu óc Thoát Hoan càng rối loạn. Hủy bỏ hơn 600 chiến thuyền một lúc, không phải là chuyện đơn giản, vừa thiệt hại vừa nhục nhã. Vả lại tập trung mấy chục vạn quân rút theo đường bộ thì chậm chạp và tính mạng thật khó an toàn. Cuộc rút lui đường bộ lần xâm lược trước đã cho chúng một bài học: trận Vạn Kiếp tiêu diệt phần lớn lực lượng của chúng và ngay Thoát Hoan cũng phải chui vào ống động mới thoát chết qua được biên giới. Cuối cùng, Thoát Hoan quyết định chia quân hàm hai đạo theo hai dường thủy bộ rút về nước.
- Quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy đi theo đường Lạng Sơn, có A Bát Xích (A-ba-tri) dẫn kỵ binh đi trước mở đường.
- Quân thủy do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy rút về theo đường sông Bạch Đằng. Cùng theo đạo quân này có thân vương Tích Lệ Cơ và viên quan Vạn hộ thủy quân Trương Ngọc. Để bảo đảm an toàn hơn, Thoát Hoan phái một đội kỵ binh theo dọc sông hộ tống.
Trong hai lần kháng chiến trước, triều Trần và Trần Quốc Tuấn đã tổ chức những trận phản công đánh vào căn cứ đóng quân của địch, đồng thời cũng đã mở những trận quyết chiến tiêu diệt quân địch trên đường rút lui.
Trong cuôc kháng chiến thứ nhất, số quân địch chỉ hơn 3 vạn. Quân ta mở cuộc phản công vào Đông Bộ Đầu đánh thẳng vào đại bản doanh của địch. Chúng bị đánh bật ra khỏi Thăng Long và tháo chạy thảm hại về nước.
Trong cuộc kháng chiến thứ hai, tổng số quân xâm lược của địch lên đến khoảng nửa triệu. Vào giai đoạn phản công chiến lược, quân dân ta trước hết tiến công tiêu diệt các cứ điềm của địch bảo vệ mặt nam Thăng Long như Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương rồi tiến lên bao vây uy hiếp trung tâm đầu não của địch ở Thăng Long. Và khi quân địch rút lui, quân dân ta đã chặn dường tiêu diệt đại bộ phận.
Nhưng trong cuộc kháng chiến thứ ba này, quân ta chưa phản công, quân địch đã từ Thăng Long rút về Vạn Kiếp, rồi từ Vạn Kiếp chuẩn bị rút về nước. Biết rõ âm mưu của địch, Trần Quốc Tuấn chủ trương không mở trận quyết chiến đánh vào căn cứ Vạn Kiếp.
Từ nhiều nguồn tin tức thu thập ở Thăng Long, ở Vạn Kiếp, quân ta đã nắm được lực lượng và kế hoạch rút lui của địch. Tổng số quân xâm lược khi tiến vào nước ta – theo Đại Việt sử ký toàn thư - là 50 vạn quân và riêng đạo quân Thoát Hoan tiến vào vùng Lạng Sơn đã đến 30 vạn quân. Sau mấy tháng xâm lược, quân địch có bị hao tổn, nhất là thủy quân, nhưng số quân vẫn rất đông. Số quân đó tập trung ở Vạn Kiếp và sẽ theo hai đường thủy, bộ rút về nước. Một vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng được đặt ra và giải quyết là tiêu diệt địch trên cả hai hướng hay trên một hướng, hướng nào là chủ yếu.
Bộ binh và kỵ binh là binh lực chủ yếu và sở trường của đế quốc Mông - Nguyên. Đại bộ phận quân địch rút lui bằng đường bộ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thoát Hoan. Số quân rút lui bằng đường thủy còn tùy thuộc vào số lượng khả năng vận chuyển của thuyền chiến địch. Khi tiến sang xâm lược nước ta cuối năm 1287, đoàn thuyền chiến của địch gồm 620 chiếc (Theo Nguyên sử (q. 209) và An Nam chí lược (q. 4), lúc đầu nhà Nguyên huy động 500 thuyền chiến sang đánh nước ta. Sau đó, theo Nguyên sử (q. 14), nhà Nguyên bổ sung thêm 120 chiếc lấy ở Quỳnh Thôn (Hải Nam) và Nam Ninh (Quảng Tây), đưa tổng số thuyền chiến của địch lên 620 chiếc). Sau mấy trận đánh ở chiến trường vùng ven biển đông bắc, số thuyền chiến của địch có bị hao hụt, nhưng chúng lại cướp bóc và đóng thêm thuyền để bù vào. Số thuyền chiến địch sử dụng trong cuộc rút lui này có khoảng trên 600 chiếc. Theo những tài liệu đương thời thì mỗi thuyền chiến của quân Nguyên lúc đó có thể chở được trên dưới 100 người (Theo The book of Marco Polo của H. Yule, London, 1921), thì mỗi thuyền quân Nguyên chở được hơn 100 binh sĩ. Theo Nguyên sử (q. 13 và 129) thì lần đánh Chăm-pa quân Nguyên dùng 200 thuyền chiến chở 15.000 quân, nghĩa là mỗi chiếc chơ khoảng dưới 100 người). Như vậy số quân địch rút lui bằng đường thủy có khoảng trên 6 vạn. Biết rõ nhược điểm của đạo quân này - số quân ít, rút lui bằng đường thủy nguy hiểm, phải đương đầu với quân thủy mạnh và sở trường của đối phương, Thoát Hoan cho Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp rút quân trước và phái một đội kỵ binh đi trên bờ hộ tống ra đến cửa biển. Đạo quân bộ đông và mạnh của Thoát Hoan vẫn đóng quân ở Vạn Kiếp để hỗ trợ cho quân thủy rút lui an toàn rồi mới rút quân theo đường bộ qua Lạng Sơn.
Quyết tâm của Trần Quốc Tuấn và quân dân ta là tiêu diệt tới mức tối đa cả hai đạo quân địch, không cho chúng thoát khỏi những đòn phản công quyết liệt. Nhưng rõ ràng quân ta không đủ lực lượng để đồng thời bố trí hai trận đánh lớn trên hai hướng rút lui tiêu diệt gọn hai đạo quân thủy bộ của địch.
Nếu ta tập trung lực lượng tiêu diệt đạo quân bộ thì đạo quân thủy rút lui trước sẽ thoát khỏi đòn trừng phạt của quân dân ta. Hơn nữa, tiến công đạo quân bộ là đánh vào chỗ mạnh, chỗ sở trường của địch. Đạo quân này tập trung phần lớn lực lượng viễn chinh của địch, gồm hàng chục vạn quân, chưa bị suy suyển gì mấy trên đất nước ta.
Với tư tưởng “giặc cậy trường trận ta cậy đoản binh, lấy đoản chế trường", Trần Quốc Tuấn chủ trương trước hết tập trung lực lượng tiêu diệt thật gọn, thật nhanh đạo quân thủy của địch. Quân ta có đủ khả năng thực hiện một trận quyết chiến chiến lược như vậy. Đạo quân thủy bị tiêu diệt sẽ tác động mạnh mẽ đến tinh thần của đạo quân bộ rút lui sau.
Bọn này đông nhưng đang bị uy hiếp liên tục và gặp nhiều khó khăn về các mặt. Tin thất bại thảm hại của đạo quân thủy sẽ làm cho tinh thần bọn chúng vốn đã suy yếu, càng bị sụp đổ nhanh chóng. Chúng sẽ tháo chạy trong cảnh hỗn loạn với tâm lý thất bại. Trên đường rút chạy của địch, ta không chặn lại tiêu diệt toàn bộ, không đánh những trận tiêu diệt lớn. Nhưng theo kế hoạch của Trần Quốc Tuấn, quân chủ lực của triều đình phối hợp với các đội dân binh, bố trí những trận phục kích, tập kích, truy kích, đánh địch liên tục trên đoạn đường dài từ Vạn Kiếp đến tận biên giới. Đại quân của ta sau khi tiêu diệt đạo quân thủy có thể nhanh chóng vận động đến tham gia những trận đánh tiêu diệt đạo quân bộ. Như vậy, cả hai đạo quân thủy bộ của địch đều bị tiêu diệt, trong đó đạo quân thủy bị tiêu diệt gọn, toàn bộ; đạo quân bộ bị tiêu diệt liên tiếp từng bộ phận một và cuối cùng cũng bị tiêu diệt nặng nề.
Chọn đạo quân thủy của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp làm đối tượng quyết chiến trước hết và chủ yếu là kết quả của sự xét đoán, phân tích rất chính xác, khoa học của vị thống soái thiên tài Trần Quốc Tuấn. Đánh vào đạo quân thủy là phát huy chỗ mạnh của ta, đánh vào chỗ yếu của địch, là gây chấn động mạnh đến tâm lý, tinh thần của đạo quân bộ, tạo điều kiện đề quân dân ta thừa thắng xốc tới tiêu diệt tiếp đạo quân này.
Trong cuộc kháng chiến thứ ba, chiến trường ven biển giữ một vị trí rất quan trọng. Nếu như trong cuộc kháng chiến trước, hai tháng cuối của đợt phản công chiến lược, Trần Quốc Tuấn lấy đồng bằng ven sông Hồng làm địa bàn mở các trận quyết chiến đầu tiên thì trong cuộc kháng chiến này, khi quân Nguyên tiến vào Vạn Kiếp, Thăng Long, quân ta lại rút về vùng ven biển và đông - bắc, chuẩn bị một địa bàn chiến lược quan trọng ở vùng này.
Đại quân của hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông chỉ huy kéo về đóng ở vùng Hiệp Môn (Kinh Môn, Hải Dương) (Theo Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Hải Dương, và Bài thơ đề núi Dương Nham của Phạm Sư Mạnh đời Trần). Chủ lực của Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư đóng ở vùng Yên Hưng, Vân Đồn đến An Bang (đều thuộc Quảng Ninh). Nguyên sử (Lai-a-bát-xích truyện) ghi rõ: "Nhật Huyên (chỉ vua Trần - T.G.) không đầu hàng, mà lại chạy ra giữ cửa biển Trúc Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và An Bang (Quảng Ninh)". Cho đến nay ở vùng An Hải (Hải Phòng), Phụ Dực (Thái Bình) vẫn còn những di tích các kho lương thực của quân đội nhà Trần, chẳng hạn thôn Phú Xá An Hải), thôn A Sào (Phụ Dực). Cả vùng Hải Đông, An Quảng là địa bàn chiến lược cho cuộc phản công của quân dân ta trong kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba. Việc tập trung quân, chuẩn bị lương thực ở vùng này và những chiến thắng Vân Đồn, Đại Bàng, Tháp Sơn chứng tỏ: nhà chiến lược thiên tài Trần Quốc Tuấn đã sớm có ý định lấy miền ven biển đông bắc làm chiến trường chính, lấy đạo quân thủy của địch làm đối tượng liêu diệt chủ yếu để giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh.
Thủy chiến vốn là sở trường của quân dân Đại Việt, đồng thời lại là chỗ yếu của quân Nguyên. Thủy binh giặc phần lớn là quân tân phụ (quân miền Nam của nhà Nam Tống cũ) vùng Quảng Đông, Quảng Nam (Nguyên sử, q . 209, An Nam truyện), tinh thần chiến đấu kém. Tuy được chuẩn bị công phu, thuyền vững chắc, vũ khí đầy đủ, song thủy binh địch đã chịu nhiều thất bại, lại không thiện chiến bằng kỵ binh và bộ binh. Mặt khác, trong đám quân rút lui theo đường thủy hẳn có cả một bộ phận kỵ binh và bộ binh chở bằng thuyền. Bọn này tất không quen tác chiến trên sông biển. Còn quân dân ta, sông nước đã quen, lại chiến đấu ngay trên đất nước mình, nắm vững địa hình địa vật, thuộc từng ngọn núi, khúc sông. Hai cuộc kháng chiến trước, thủy binh ta đã phối hợp chặt chẽ với bộ binh trong các trận quyết chiến ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, tiêu diệt hàng chục vạn quân địch. Trong cuộc kháng chiến này, vừa qua quân thủy đã lập nên chiến công Vân Đồn - Cửa Lục vang dội. Giờ đây, miền ven biển là chiến trường chính, quân thủy lại phối hợp với quân bộ, đóng vai trò quân chủ lực giải quyết chiến trường. Việc lựa chọn đối tượng và địa bàn quyết chiến của Trần Quốc Tuấn là hoàn toàn chính xác. Trần Quốc Tuấn chính là người vạch kế hoạch phản công và trực tiếp chuẩn bị, chỉ huy trận quyết chiến này.
Đại quân của hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông chỉ huy kéo về đóng ở vùng Hiệp Môn (Kinh Môn, Hải Dương) (Theo Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Hải Dương, và Bài thơ đề núi Dương Nham của Phạm Sư Mạnh đời Trần). Chủ lực của Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư đóng ở vùng Yên Hưng, Vân Đồn đến An Bang (đều thuộc Quảng Ninh). Nguyên sử (Lai-a-bát-xích truyện) ghi rõ: "Nhật Huyên (chỉ vua Trần - T.G.) không đầu hàng, mà lại chạy ra giữ cửa biển Trúc Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và An Bang (Quảng Ninh)". Cho đến nay ở vùng An Hải (Hải Phòng), Phụ Dực (Thái Bình) vẫn còn những di tích các kho lương thực của quân đội nhà Trần, chẳng hạn thôn Phú Xá An Hải), thôn A Sào (Phụ Dực). Cả vùng Hải Đông, An Quảng là địa bàn chiến lược cho cuộc phản công của quân dân ta trong kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba. Việc tập trung quân, chuẩn bị lương thực ở vùng này và những chiến thắng Vân Đồn, Đại Bàng, Tháp Sơn chứng tỏ: nhà chiến lược thiên tài Trần Quốc Tuấn đã sớm có ý định lấy miền ven biển đông bắc làm chiến trường chính, lấy đạo quân thủy của địch làm đối tượng liêu diệt chủ yếu để giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh.
Thủy chiến vốn là sở trường của quân dân Đại Việt, đồng thời lại là chỗ yếu của quân Nguyên. Thủy binh giặc phần lớn là quân tân phụ (quân miền Nam của nhà Nam Tống cũ) vùng Quảng Đông, Quảng Nam (Nguyên sử, q . 209, An Nam truyện), tinh thần chiến đấu kém. Tuy được chuẩn bị công phu, thuyền vững chắc, vũ khí đầy đủ, song thủy binh địch đã chịu nhiều thất bại, lại không thiện chiến bằng kỵ binh và bộ binh. Mặt khác, trong đám quân rút lui theo đường thủy hẳn có cả một bộ phận kỵ binh và bộ binh chở bằng thuyền. Bọn này tất không quen tác chiến trên sông biển. Còn quân dân ta, sông nước đã quen, lại chiến đấu ngay trên đất nước mình, nắm vững địa hình địa vật, thuộc từng ngọn núi, khúc sông. Hai cuộc kháng chiến trước, thủy binh ta đã phối hợp chặt chẽ với bộ binh trong các trận quyết chiến ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, tiêu diệt hàng chục vạn quân địch. Trong cuộc kháng chiến này, vừa qua quân thủy đã lập nên chiến công Vân Đồn - Cửa Lục vang dội. Giờ đây, miền ven biển là chiến trường chính, quân thủy lại phối hợp với quân bộ, đóng vai trò quân chủ lực giải quyết chiến trường. Việc lựa chọn đối tượng và địa bàn quyết chiến của Trần Quốc Tuấn là hoàn toàn chính xác. Trần Quốc Tuấn chính là người vạch kế hoạch phản công và trực tiếp chuẩn bị, chỉ huy trận quyết chiến này.
Đặc điểm địa hình nổi bật của vùng thượng lưu Bạch Đằng là sông, núi, rừng tiếp liền nhau.
Bên tả ngạn sông Bạch Đằng xưa kia là một cánh rừng sâu thuộc trại Yên Hưng, lộ Hải Đông. Cánh rừng chạy sát đến bờ sông tiếp liền với những bãi sú, vẹt ven sông. Rừng xưa không còn nữa nhưng vẫn lưu lại một số địa danh cho đến nay như: sông Rừng, bến Rừng, làng Rừng, chợ Rừng, giếng Rừng...
Bên hữu ngạn, từng ngọn núi nhấp nhô của vùng núi đá Tràng Kênh phía đông huyện Thủy Nguyên kéo nhau chạy sát tới bờ sông. Ở dấy có nhiều thung lũng nhỏ nằm gọn giữa những ngọn núi đá vôi nối liền với lạch nước ra tận sông mà nhân dân địa phương gọi là áng núi như: áng Hồ, áng Lác, áng Chậu, áng Táu...
Các sông Khoai, sông Xinh bên tả ngạn và sông Giá, sông Thải, sông Gia Đước chạy bên các áng, len qua dãy núi là những nơi giấu quân và đường vận động thuận lợi của quân thủy. Những ngọn núi cao chắn tầm mắt địch. Áng núi và lạch sông là nơi có thể tập trung quân thủy bộ với khối lượng lớn, nơi giấu quân vững chắc và kín đáo, vị trí xuất kích bí mật và dễ dàng, từng đội thuyền ra vào nhẹ nhàng, nhanh chóng. Có thể nói đây là một trận địa mai phục lý tưởng của quân ta.
Sau khi trực tiếp đi xem xét, nghiên cứu kỹ địa hình, Trần Quốc Tuấn đã chọn vùng thượng lưu sông Bạch Đằng làm trận địa quyết chiến thực hiện ý đồ chiến lược: chặn đứng và tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy của địch.
Đoạn sông Bạch Đằng này, kể từ chỗ tiếp nước sông Đá Bạc cho đến ghềnh Cốc và cửa sông Kênh, sông Rút, dài khoảng hơn 5 ki-lô-mét. Lòng sông rộng trên dưới 1 ki-lô-mét. Đó là một đoạn sông đủ dài và rộng để dồn trên 600 thuyền chiến của địch lại mà tiêu diệt. Địa hình sông nước, núi rừng hai bên bờ hiểm trở, có đủ điều kiện để bố trí một trận địa mai phục lớn, phối hợp chặt chẽ thủy quân và quân bộ.
Để bảo đảm thắng lợi thật giòn giã, oanh liệt, Trần Quốc Tuấn đã tập trung cho trận Bạch Đằng một lực lượng quân sự khá mạnh. Không có một tài liệu nào ghi chép cụ thể số lượng quân dân ta tham chiến trong trận Bạch Đằng. Nhưng do vị trí và ý nghĩa chiến lược của trận quyết chiến, chắc chắn Trần Quốc Tuấn đã tập trung về Bạch Đằng một bộ phận quan trọng quân đội chủ lực của triều đình kết hợp với quân đội của các vương hầu và lực lượng vũ trang của nhân dân.
Vào đầu thời Trần, quân đội thường trực của nhà nước gồm quân cấm vệ của triều đình và quân các lộ, không quá 10 vạn người.(Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Binh chế chí, sách đã dẫn). Nhưng trải qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược năm 1258 và 1285, lực lượng quân sự nước Đại Việt đã trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc, bao gồm quân đội chủ lực của triều đình, quân đội của các vương hầu và các đội dân binh của các làng xã. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, riêng số quân của bốn con trai của Trần Quốc Tuấn là Hưng Vũ vương, Minh Hiến vương Uất, Hưng Nhượng vương Tảng, và Hưng Trí vương Hiến đem đến hội ở Vạn Kiếp đã lên đến 20 vạn. Và theo bài thơ của vua Trần Nhân Tông thì lúc đó số quân ở Hoan, Diễn (Nghệ An, Hà Tĩnh ) có đến 10 vạn (Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh, nghĩa là Hoan Diễn còn kia chục vạn quân).
Theo phương châm của Trần Quốc Tuấn: "Quân cần tinh không cần nhiều”, quân đội chủ lực của nhà Trần không nhiều lắm về số lượng nhưng rất tinh nhuệ. Quân đội đó được tổ chức chặt chẽ, huấn luyện chu đáo, lại được tôi luyện trong chiến tranh yêu nước nên có tinh thần chiến đấu cao, bản lĩnh chiến đấu vững vàng.
Quân đội chủ lực đời Trần gồm đủ các binh chủng: bộ binh, kỵ binh, tượng binh, thủy binh. Thủy binh của ta thường dùng những thuyền chiến nhẹ, cơ động rất nhanh, dễ dàng. Một sứ giả nhà Nguyên có mô tả thuyền của ta: "thuyền nhẹ và dài, ván thuyền rất mỏng, đuôi giống như cánh uyên ương, hai bên mạn thuyền cao hẳn lên. Mỗi chiếc có đến 30 người chèo, nhiều thì tới hàng trăm người. Thuyền đi nhanh như bay" (Trần Phu, An Nam tức sự, bản chép tay). Thủy binh là một binh lực mạnh, sở trường của quân ta.
Bên cạnh quân đội chủ lực của triều đình, quân đội của các vương hầu và lực lượng vũ trang của nhân dân các làng xã giừ vai trò chiến lược quan trọng trong kháng chiến. Từ cuộc kháng chiến lần thứ hai, các đội dân binh đã được thành lập rộng khắp các làng xã từ vùng đồng bằng đến miền núi rừng. Các đội dân binh có mặt khắp mọi nơi và mọi lúc đó là cơ sở của cuộc chiến tranh du kích rộng rãi đời Trần làm cho quân địch hao mòn, mệt mỏi và không cướp bóc được lương thực để nuôi quân.
Bước sang giai đoạn phản công, nhiều đội dân binh các lộ phủ đã tập hợp lại thành những lực lượng lớn cùng phối hợp chiến đấu với quân đội chủ lực của triều đình. Nhiều trận quyết chiến trong cuộc kháng chiến lần trước đã có sự tham gia tích cực và có hiệu quả của những lực lượng dân binh như vậy.
Toàn bộ lực lượng quân sự hùng hậu đó, ngoài bộ phận làm nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, cần được tính toán sử dụng hợp lý và thích đáng cho nhiệm vụ uy hiếp căn cứ Vạn Kiếp và hai hướng tiến công đánh vào hai đạo quân rút lui của địch. Trần Quốc Tuấn vừa tập trung lực lượng cho trận quyết chiến Ở Bạch Đằng, vừa phải bố trí một lực lượng cần thiết để sẵn sàng chặn đánh đạo quân bộ của Thoát Hoan gồm hàng chục vạn quân.
Trong số quân đội chủ lực được huy động cho trận Bạch Đằng, ta thấy có phần lớn thủy binh và những lực lưượng bộ binh tinh nhuệ của nhà Trần như đạo quân của Trần Quốc Tuấn, đạo quân của hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, đạo quân Thánh dực nghĩa dũng do Nguyễn Khoái chỉ huy, đạo quân Hữu vệ thánh dực do Phạm Ngũ Lão chỉ huy...
Đặc biệt trong trận Bạch Đằng, cùng tham gia chuẩn bị và chiến đấu với quân đội chủ lực còn có nhiều đội dân binh, và sự đóng góp hết sức to lớn của nhân dân địa phương.
Toàn bộ lực lượng quân sự trên đây đều đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, có sự tham dự của hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Dưới trướng Trần Quốc Tuấn có nhiều danh tướng nhà Trần như: tướng Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh dực nghĩa dũng, tướng Phạm Ngũ Lão chỉ huy quân Hữu vệ thánh dực, nội minh tự Đỗ Hành; có những tướng soái thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần như Trần Quốc Hiện, Trần Quốc Bảo, có nhiều người chỉ huy tài giỏi xuất thân nô tì hay bình dân như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Xuân và biết bao nhiêu người chỉ huy dân binh mưu trí, dũng cảm.
Trần Quốc Tuấn đã dùng đại bộ phận quân thủy bộ, bố trí thành một trận địa mai phục lớn ở thượng lưu sông Bạch Đằng. Đây là một trận thủy chiến nên thủy quân của ta giữ vai trò quan trọng. Một bộ phận thủy quân mạnh lợi dụng ghềnh Cốc và các bãi cọc nhọn được bố trí ở cửa sông Chanh, sông Kênh, sông Rút làm nhiệm vụ chặn đầu, bịt kín mọi lối tháo chạy của địch ra biển. Một bộ phận khác giấu quân trong các nhánh sông đổ ra thượng lưu sông Bạch Đằng và hạ lưu sông Đá Bạc làm nhiệm vụ khóa đuôi, dồn đoàn thuyền của địch vào trận địa quyết chiến. Một số thuyền chiến nữa mai phục sẵn trong sông Giá, sông Thải, sông Gia Đước và các nhánh sông bên hữu ngạn, bất ngờ đánh tạt ngang vào đội hình hành quân của đoàn thuyền chiến địch, dồn chúng về bên tả ngạn để rồi tiêu diệt trước bãi cọc. Nhiều bè nứa, thuyền nan chứa đầy củi khô tẩm các thứ nhựa và dầu cháy, cũng được chuẩn bị sẵn ở chân núi Tràng Kênh để bất ngờ lao vào đoàn thuyền giặc, thực hiện kế hoạch đánh hỏa công. Một đội thuyền chiến nhẹ của ta còn săn sàng khiêu chiến để nhử địch nhanh chóng lọt vào trận địa mai phục.
Bộ binh của ta một phần mai phục ở núi Tràng Kênh để phối hợp với thủy binh chiếm giữ điểm cao lợi hại này và sẵn sàng đánh bật quân địch xuống sông nếu chúng dám liều lĩnh đổ bộ lên. Lực lượng mai phục ở Tràng Kênh do tướng Trần Quốc Bảo chỉ huy (Theo Đại Nam nhất thống chí, Gia phả họ Vũ Đình ở Minh Tân và di tích núi Hoàng Tôn). Đại bộ phận bộ binh bố trí mai phục trong những cánh rừng và bãi sú vẹt ven sông bên tả ngạn, nhiều nhất là ở vùng cửa sông Chanh, sông Kênh, sông Rút. Đây sẽ là nơi hàng trăm thuyền chiến của địch bị dồn lại và quân thủy bộ của ta phối hợp với nhau, đánh cả trên sông, trên bờ, tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Như vậy là một cạm bẫy lớn, hết sức lợi hại của quân dân ta đã được giương sẵn ở Bạch Đằng. Nhưng muốn cho trận địa mai phục phát huy hết tác dụng của nó thì một yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm bí mật và phải làm sao dẫn dắt quân địch lọt vào cạm bẫy theo đúng đường và thời gian có lợi nhất cho ta.
Trần Quốc Tuấn bố trí một lực lượng quân đội phối hợp với các đội dân binh địa phương đánh địch trên suốt đường rút lui của chúng từ Vạn Kiếp đến Bạch Đằng. Nhiệm vụ trước hết của lực lượng này là đánh lui đội kỵ binh hộ tống của Thoát Hoan đã cô lập hoàn toàn đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và để cho chúng không phát hiện đưược trận địa mai phục của ta ở hai bên bờ sông. Sau đó quân ta đánh kiềm chế để bảo đảm đưa quân địch vào trận địa quyết chiến sau khi ta đã chuẩn bị xong và đúng vào lúc nước triều bắt đầu xuống. Có như thế những trận đánh quyết liệt mới diễn ra vào lúc nước xuống thấp, và ghềnh Cốc cũng như những bãi cọc mới phát huy được tác dụng. Đây là một kế hoạch đánh kiềm chế và nhử địch rất phức tạp, khó khăn. Một bộ phận quân chủ lực do vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông chỉ huy phối hợp với dội dân binh của Nguyễn Xuân đóng ở núi Kính Chủ (Kinh Môn, Hải Dương) bên bờ sông Kinh Thầy, sẵn sàng hỗ trợ để bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch kiềm chế và nhử địch. Sau khi quân địch đã lọt vào trận địa mai phục ở Bạch Đằng thì đạo quân của hai vua Trần sẽ theo sông Kinh Thầy, Đá Bạc tiến xuống phối hợp với đại quân tiêu diệt đoàn thuyền địch trên trận địa quyết chiến.
Cuối sông Kinh Thầy, đoàn thuyền địch có thể theo sông Đá Bạc ra thượng lưu sông Bạch Đằng, nhưng cũng có thể theo sông Giá men theo phía nam núi Tràng Kênh ra sông Bạch Đằng ở khoảng đối diện với cửa sông Chanh. Một lực lượng quân ta mai phục sẵn ở Trúc Động làm nhiệm vụ bịt đường sông Giá để buộc quân địch phải theo sông Đá Bạc dẫn thân vào trận địa mai phục của ta ở thượng lưu sông Bạch Đằng và để bảo vệ bí mật, an toàn cho lực lượng quân thủy bộ của ta mai phục ở cửa sông Giá và núi Tràng Kênh.
Như trên đã nói, để bảo đảm cho thế trận bao vây địch được hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho bộ phận bố trí ở các cửa sông chặn đứng địch lại thì ngoài việc lợi dụng ghềnh Cốc như một chướng ngại tự nhiên, Trần Quốc Tuấn còn cho xây dựng ở các cửa sông những trận địa cọc lợi hại.
Trong lịch sử giữ nước, trên dòng sông Bạch Đằng dã diễn ra nhiều chiến công lừng lẫy trong đó có hai lần quân dân ta đóng cọc gỗ xuống lòng sông để tạo thành bãi chướng ngại ngăn chặn thuyền địch. Lần thứ nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán cuối năm 938 và lần thứ hai là năm 1288, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Trước đây Vương (chỉ Trần Quốc Tuấn) đã đóng cọc ở sông Bạch Đằng phủ cỏ lên trên” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch đã dẫn, t. II , tr. 61). Cả trận địa cọc chỉ được ghi chép đơn sơ có từng ấy chữ. Tuy nhiên nó cũng cho ta thấy ý nghĩa quan trọng của hàng cọc trong trận quyết chiến này.
Như phần trên đã nói, lòng sông Bạch Đằng rất rộng, rất sâu, khó có hàng cọc chắn ngang sông được. Ở ghềnh Cốc thì cạn hơn nhiều, nhưng là đá gốc kéo dài từ chân núi Tràng Kênh nên không thể nào cắm cọc xuống được. Mặt khác nước triều lên xuống mạnh, độ chênh lệch khá lớn. Lưu tốc nước là 0,20 mét - 0,86 mét/giây, độ lệch trung bình khi nước lên và xuống là 2,30 mét. Những số liệu trên cũng cho ta một ý niệm về sông nước Bạch Đằng đời Trần.
Theo sông Bạch Đằng ra biển có thể xuôi thẳng ra cửa Nam Triệu hay chuyển sang các chi lưu là sông Chanh, sông Kênh, sông Rút ra biển. Khi nước triều xuống, ghềnh Cốc đã có giá trị như một bãi chướng ngại tự nhiên ngăn chặn con đường ra cửa Nam Triệu. Nhưng thuyền địch vẫn có thể chạy thoát theo sông Chanh, sông Rút. Những tài liệu khảo sát gần đây cho biết: các trận địa cọc của Trần Quốc Tuấn được bố trí nhằm chặn ngang qua các cửa sông này. Đó là những bãi cọc cửa sông Chanh, cửa sông Kênh, cửa sông Rút (Vùng Bạch Đằng có nhiều bãi cọc khác đóng ở ven sông. Bờ phải sông có bãi cọc tả ngạn sông Giá và áng Khinh, những bãi cọc ở Gia Đước. Bờ trái sông có những cọc gỗ ở xã Điền Công (Yên Hưng, Quảng Ninh), bãi cọc trong lòng sông Chanh hiện nay, bãi cọc ở bến đò Rừng xét về vị trí địa lý và chất liệu cọc thì đó hầu hết là vết tích cọc đáy của dân đánh cá hoặc cọc kè chân đê ven sông. Nhân dân địa phương cũng nói như vậy).
Việc bố trí trận địa cọc được tiến hành khẩn cấp. Vào những ngày tháng 3 còn giá lạnh, quân dân Đại Việt đã đem hết sức mình, bí mật và nhanh chóng chuyển những cây go lim to lớn tập trung về ba cửa chi lưu. Cọc lim được lấy cách đấy không xa, Ở ngay cánh rừng Yên Hưng bên tả ngạn sông Bạch Đằng. Quân sĩ và nhân dân miền Đông Bắc đã về đây lao động khẩn trương hạ hàng ngàn cây lim, đục đẽo và tu sửa theo kích thước đã định.
Bãi cọc chính nằm ở cửa sông Chanh sát liền với sông Bạch Đằng là bãi cọc Yên Giang. Hàng cọc đóng ngang qua sông Chanh theo hướng nam - bắc. Di tích của bãi cọc này đã được phát hiện và khai quật (Niên đại của bãi cọc Yên Giang hiện còn những khía cạnh cầu được nghiên cứu, xác minh thêm). Bãi cọc dài gần 120 mét, rộng 13 mét. Hầu hết các cọc đều to và vững chắc, có đường kính từ 20cm đến 30cm và dài từ 1,50 mét trở lên, phổ biến trên 2 mét. Những cọc đóng ở giữa lòng sông dài đến gần 3 mét. Khoảng cách giữa các cọc trung bình từ 0,90 mét đến 1,20 mét. Giữa các hàng cọc có nhiều khúc gỗ nằm ngang, có lẽ do quân ta cài để chặn thuyền giặc (Thời gian trôi qua đã gần 700 năm, địa hình bãi cọc với vùng xung quanh so với trước đã khác nhiều. Phù sa lớp lớp đổ vào đã lấp kín cọc. Nhưng từ bề mặt vùng này và nghiên cứu các lớp đất theo mặt cắt đứng thì thấy rõ thời bấy giờ bãi cọc còn nằm trong lòng sông Chanh sát liền với sông Bạch Đằng. Cho đến hiện nay, khi nước triều lên cao thì mặt đất trên bãi cọc lại thấp hơn mặt nước ngoài sông. Nếu bỏ đê quai bên tả ngạn sông Chanh, thì toàn bộ khu vực có bãi cọc bị chìm khá sâu trong nước).
Bãi cọc ở sông Kênh (Bãi cọc ở cửa sông Kênh hiện nay đá bị phù sa lấp kín, ngập chìm trong cánh đồng Vạn Muối thôn Đồng Cốc bên tả ngạn sông Bạch Đằng), sông Rút nhỏ hơn, được cắm theo hướng nam - bắc ngang qua cửa sông. Cách bố trí hai bãi cọc này cũng giống như ở cửa sông Chanh. Các cọc lim được cắm đều thành hàng có kích thước lớn, đường kính từ 0,18 mét trở lên và chiều dài trung bình gần 2 mét (Dấu vết bãi cọc ở hai cửa sông Kênh, sông Rút không còn mấy. Hiện nay còn 3 cọc có đường kính từ 0,18 mét đến 0,21 mét. Ở cửa sông. Một số cọc bị đào lên từ trước để tại địa phương có độ dài đều trên 2 mét).
Cả ba bãi cọc phối hợp với nhau, kéo dài như một phòng tuyến ngầm, chặn ba cửa sông tức ba lối thoát từ sông Bạch Đằng ra biển. Các cọc cắm đều theo một kích thước chung như thế nào để khi triều lên thì nước ngập mênh mông, nhưng khi triều xuống thì bãi cọc nhô ra như những'bãi chướng ngại chặn đứng đoàn thuyền địch.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, sau trận càn quét của Ô Mã Nhi ở trại Yên Hưng ngày 22 tháng 3, trận địa cọc mới bắt đầu được bố trí. Thế mà không quá 20 ngày, sức lực và của cải của nhân dân ta đã dồn lại khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành trận địa cọc với hàng ngàn chiếc. Bãi cọc được tạo nên bằng trí tuệ và sức lực, bằng tinh thần yêu nước và ý chí quyết thắng của quân dân thời Trần. Đó là một biện pháp và hình thức chiến đấu độc đáo của tổ tiên ngày trước, là một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Cùng với việc chuẩn bị các trận địa cọc, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, quân dân ta đã khẩn trương và bí mật, nhanh chóng và cẩn thận tiến hành mọi việc chuẩn bị chiến trường. Tất cả đều mang hết sức lực trí tuệ, của cải, cố sức làm gấp mọi công việc chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định toàn cuộc chiến tranh.
Trước khi đạo thủy quân Ô Mã Nhi kéo đến cửa sông Bạch Đằng, mọi công việc đã hoàn thành tốt đẹp. Quân dân ta đã sẵn sàng trong tư thế chiến đấu và chiến thắng.
Trước khi vào cuộc kháng chiến lần thứ ba, Trần Quốc Tuấn trả lời vua nhà Trần: "Chúng đã khiếp sợ vì sự thất bại của Hằng, Quán, tinh thần chiến đấu không còn nữa. Cứ ý thần thì tất đánh tan được chúng (Hằng và Quán là tướng Nguyên bị ta bắn chết trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai. Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, t. II, tr. 58). Diễn biến của cuộc kháng chiến hoàn toàn chứng thực nhận định sáng suốt của vị quốc công tiết chế. Sau ba tháng xâm lược, hàng chục vạn quân của Thoát Hoan đã lâm vào thế khốn quẫn và phải rút lui để tránh nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Cuối tháng 3 năm 1288, từ căn cứ Vạn Kiếp, Thoát Hoan cho đạo thủy quân của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp rút lui trước. Trên bờ có đội kỵ binh hộ tống do hữu thừa Trình Bằng Phi và thiên tỉnh Đạt Truật chỉ huy. Dọc đường hành quân của kỵ binh giặc (có thể là đường quốc lộ 18 qua Đông Triều hiện nay), quân dân ta theo kế hoạch đã đề ra, khẩn trương phá hủy cầu đường, bố trí quân mai phục chuẩn bị đón đánh làm chậm bưước đi rồi buộc chúng phải quay trở lại Vạn Kiếp, tách rời đội kỵ binh khỏi đạo binh thuyền.
Cầu bị phá, đường bị chặt từng đoạn, lại bị đón đánh liên tục, đội kỵ binh của địch hành quân rất khó khăn, chậm chạp. Ngày 4, đến chợ Đông Triều, không qua được sông, chúng rất sợ quân ta tập kích. Ngay đêm hôm đó, chúng tìm đường quay trở lại. Nhưng sợ đi đường cũ sẽ bị quân ta tiêu diệt nên bọn chỉ huy Trình Bằng Phi, Đạt Truật tìm đường tắt trở về Vạn Kiếp để kịp thời theo Thoát Hoan rút chạy về nước, mặc cho đoàn thuyền Ô Mã Nhi rút lui một mình trên sông nước, không có kỵ binh hộ tống và yểm hộ.
Sự kiện trên không có trong chính sử cũ của ta mà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.