Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

NHÀ GIÀN DK1


Họ Phạm với đất nước
Người thiết kế nhà giàn DK1.
HPMT - Tối ngày 7/6, cầu Truyền hình "Biển đảo của chúng ta" diễn ra giữa điểm cầu Hà Nội và đảo Trường Sa Lớn. Chương trình do Đài THVN phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức nhân Tuần lễ biển đảo năm 2013. Chương trình được phát trên kênh VTV1, VTV4 và VTV6. Đây là lần đầu tiên Đài THVN thực hiện cầu truyền hình trực tiếp giữa hai điểm cầu Hà Nội – Trường Sa để người dân trong đất liền và các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở ngoài thềm lục địa được giao lưu.
Chương trình đã giới thiệu những tấm gương, những địa phương điển hình trong khai thác tài nguyên và bảo vệ biển đảo, với sự kết hợp của nhiều hình thức thể hiện: Giao lưu, văn nghệ, phóng sự, clip hình ảnh. Chương trình có sự tham gia của những nhân vật đã bám biển đảo, thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua nhiều thời kỳ, thời điểm khác nhau; những chiến sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình gìn giữ Trường Sa với những câu chuyện cảm động và những cuộc gặp gỡ bất ngờ.

Đặc biệt chương trình có sự góp mặt của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, người có nhiều năm liên tục chuyên nghiên cứu chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông thông qua cổ sử của Trung Quốc), PGS-TS Phạm Ngọc Nam, người được mệnh danh là “ông nhà giàn”. Ông là chủ nhiệm công trình thiết kế nhà giàn DK1, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

HPMT xin giới thiệu bộ ảnh nhà giàn DK1 do PGS-TS Phạm Ngọc Nam chụp trong quá trình làm nhiệm vụ trên nhà giàn. Ảnh lấy từ báo điện tử  VNEXPRESS (vnexpress.net)

 
Hiện nay, Việt Nam có 20 công trình DK1 trên biển. Bên cạnh những nhà giàn được xây từ thế hệ đầu tiên, nhà giàn thế hệ thứ ba với những cải tiến vượt bậc cũng đã hoàn thành. Trong ảnh là hai nhà giàn DK1/15 cũ và mới được nối với nhau. Sự vượt trội của nhà giàn mới là kết cấu vững chắc, liên hoàn với diện tích lớn. Hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời nhiều gấp 3 lần so với nhà giàn cũ. Mùa mưa bão không có ánh mặt trời, hoặc sương mù, các chiến sĩ vẫn có điện dùng để chiếu sáng, nấu cơm, chạy tủ lạnh, xem tivi suốt một tháng, trong khi các nhà giàn cũ chỉ được khoảng 10 ngày.

 Ba công trình DK1 được thi công và hoàn thành năm 1989. Từng bộ phận của nhà giàn được cẩu và lắp ghép trên bãi cạn san hô giữa biển.


Để vận chuyển các bộ phận của nhà giàn ra vị trí thi công, thời điểm đầu chúng ta có hai tàu Hoàng Sa và Trường Sa với với sức cẩu của Hoàng Sa đạt 1.200 tấn, Trường Sa 600 tấn và đầu máy có công suất 15.000 mã lực.
 
Các mối nối công trình phải được làm chắc chắn và cẩn thận. Đây là mối nối công trình DK1/6.

 
Ra tới bãi cạn, nhóm thi công sẽ cẩu hạ chân đế xuống lòng biển. Trong ảnh là chân đế của công trình DK1/21 đang được hạ xuống bãi Ba Kè (năm 1998) cách bờ 650 km.


Trong quá trình thi công, bộ đội công binh phải đối mặt với sóng to, gió lớn, thậm chí bão và sóng thần. Như khi thi công công trình DK1/5, 6 bộ đội công binh phải vật lộn với sóng gió suốt 22 tiếng mới cẩu xong được 4 cọc và bắt đầu nện búa đóng xuống thềm san hô (bình thường cẩu – thả một cọc vào ống chân đế chỉ mất 30 phút).
 

Vượt qua mọi khó khăn, nhà giàn được dựng lên, hiên ngang giữa lòng biển Đông tạo thành phên giậu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ từ hướng biển. Trong ảnh là công trình DK1/2 được xây dựng trên bãi Phúc Tần A (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).


Là Trạm Dịch vụ, Kinh tế, Khoa học – Kỹ thuật nên trên nhà giàn DK1/7 còn có trạm khí tượng hải văn thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ.


Để cải thiện bữa ăn chỉ toàn đồ hộp hoặc các món chế biến từ cá tươi, cán bộ làm việc trên nhà giàn còn trồng thêm rau xanh. Những vườn rau tươi tốt đã mang không khí đất liền đến với những người làm việc trên biển.

Các cán bộ làm việc, nghiên cứu trên nhà giàn DK1 luôn mong ngóng thư từ quê nhà. Khoảng 3 – 5 tháng mới có một tàu mang nhu yếu phẩm từ đất liền ra tiếp tế.

Nhiều nhà giàn đã được nâng cấp với thiết kế bãi đỗ máy bay trên nóc. Trên các nhà giàn có đầy đủ dụng cụ tập luyện thể thao, máy tính nối mạng và phủ sóng điện thoại.

Ở DK, mùa đông gió Đông Bắc thét gào, mùa hè hầm hập gió Tây Nam, sóng thần. Khi hoàng hôn buông xuống, công trình DK1 được phủ một màu vàng rực, sững sững giữa biển cả mênh mông. Bộ ảnh được chủ nhiệm thiết kế nhà giàn Phạm Ngọc Nam ghi lại trong những lần làm nhiệm vụ trên biển.

Nhớ một thời dựng nhà giàn giữa biển

04/07/2014 08:15 (GMT + 7)
TT - “Tôi chỉ nhớ biển. Biển mênh mông, đẹp lắm, con người thật bé nhỏ” - ông Lê Hữu Việt Đức, tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1, thật kiệm lời khi nhắc về những ngày làm chỉ huy trưởng ở công trường gia cố nhà giàn DK1 25 năm trước.
“Tôi nhớ biển”, đăm đăm nhìn qua cửa sổ phòng làm việc về phía những cao ốc ở trung tâm thành phố, ông lặp lại. Nhớ biển trong những ngày biển Đông đang dậy sóng. Nhớ biển trong những ngày chủ quyền đất nước bị đe dọa, hoàn cảnh gần như tương đồng với 25 năm trước, sau sự kiện Gạc Ma đẫm máu, yêu cầu có thêm những cột mốc chủ quyền trên biển hối thúc từng ngày. Câu chuyện của chúng tôi dĩ nhiên là đã có lối để quay về những ngày đầu tiên của các nhà giàn DK1.
Chuẩn bị
Ảnh: Đông Hà
"25 năm nay, nhiệm vụ của chúng tôi vẫn không thay đổi. Nhưng tình hình biển Đông ngày càng nóng và phức tạp, yêu cầu và tính chất nhiệm vụ nâng cao lên rất nhiều. Chúng tôi rất bất bình trước các hành vi sai trái của Trung Quốc, càng quyết tâm giữ “trái tim nóng và cái đầu lạnh” của mình, còn mình, còn nhà giàn, còn chủ quyền đất nước"
Thượng tá NGUYỄN THẾ DĨNH
(chính trị viên DK1, Vùng 2 hải quân)
Ý tưởng xây dựng nhà nổi để đánh dấu chủ quyền đã từ đô đốc Giáp Văn Cương trở thành quyết tâm của Bộ Chính trị, Hội đồng Bộ trưởng, thành “nhiệm vụ số 1” của nhiều đơn vị: Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giao thông vận tải, Bộ tư lệnh Công binh... “Xây nhà giữa mênh mông là biển, một công trình chưa có tiền lệ, trong điều kiện kỹ thuật thô sơ. Cho đến hôm nay, 33 năm trong nghề, đấy vẫn là công trình khó khăn, phức tạp nhất mà tôi từng thực hiện” - ông Đức nhắc lại. Được giao đảm nhiệm phần gia cố trọng lực cho hai nhà giàn DK 1/3 (bãi Phúc Tần), DK 1/4 (bãi Ba Kè), chỉ huy trưởng Lê Hữu Việt Đức khi ấy 30 tuổi đã phải vật lộn với bao nhiêu vấn đề đặt ra. Máy bơm bêtông dưới nước? Công ty xây dựng số 14 của anh và cả Tổng công ty Xây dựng số 1 khi ấy cũng không có. Liên hệ mượn được hai máy, là tất cả tài sản của công trình thủy điện Trị An khi ấy. Bơm bêtông ở giữa những dòng chảy? Cũng chưa có kinh nghiệm, phải ra giữa lòng hồ Trị An, tìm những đoạn sâu nhất, dòng chảy mạnh nhất của lòng sông Đồng Nai để thực nghiệm... “Chưa có ai làm công trình giữa biển để chúng tôi học hỏi, đành phải tự tính toán, tự đặt ra các giả thuyết rủi ro, trường hợp xấu nhất để chuẩn bị, dự phòng. Tôi hiểu đã ra giữa biển, mình không còn cơ hội sửa chữa nữa” - ông Đức trầm ngâm.
Ký ức của ông Nguyễn Hoài Lâm (hiện là phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Trí Dũng), kỹ sư kỹ thuật thi công, một trong 40 anh em cùng nhận “mật lệnh” khi ấy, thì cụ thể hơn. Ròng rã suốt mấy tháng, Lâm cùng đội thi công và các công nhân của Công ty Xây dựng số 14 chọn loại cát vàng tốt nhất, sàng lọc loại bỏ tạp chất, bày ra mặt sân Tân Cảng (TP.HCM) phơi cho thật khô. Người dân xung quanh thấy lạ hỏi phơi cát để làm chi, các anh công nhân chỉ quẹt mồ hôi, cười: “Phơi để... xuất khẩu”. Cát phơi xong được trộn kỹ với bêtông bền sunfat (loại bêtông chống ăn mòn, chịu được nước mặn) rồi đóng bao sẵn chờ ngày đi làm nhiệm vụ.
Trong những ngày chờ đợi ấy, tất cả thời gian rảnh rỗi, các công nhân xây dựng được lệnh phải tập bơi cho thật giỏi.
Lên đường
Rồi cũng đến ngày lên đường. “Tôi nhớ đó là khoảng tháng 3-1989, sau tết, mùa biển lặng. Con gái đầu lòng của tôi lúc ấy vừa 2 tuổi” - ông Đức kể. Chiếc sà lan 3.000 tấn, thuộc loại lớn nhất bấy giờ, trên chất đủ thứ vật liệu, máy móc, ống bơm, lều bạt, thực phẩm được hai chiếc tàu kéo Mỹ Á và Đại Lãnh, cũng là đi mượn của Công ty Trục vớt cứu hộ, kéo đi. Từ cảng Vũng Tàu, hai ngày hai đêm sau mới tới khu vực bãi cạn Phúc Tần (nhà giàn DK 1/3). Các đơn vị khác đã hoàn tất công việc của họ. Những chiếc cọc thép đã được đóng chặt, xuyên qua pôngtông xuống bãi cạn san hô. Nhà giàn lắp ráp sẵn đã được đặt lên, cheo leo giữa sóng nước. “Cơ bản là đã xong, nhưng nhà bị chao lắc theo chiều sóng. Nhiệm vụ của chúng tôi là bơm bêtông cho đầy pôngtông, phủ kín xung quanh, nhồi đầy các cọc thép để gia cố độ vững chắc. Có chỗ phải lắp ống bơm ở độ sâu 9-10m. Thật may, tôi đã dự liệu trước điều đó và chuẩn bị sẵn những thợ lặn chuyên nghiệp trong đội của mình” - ông Đức mỉm cười kể. Những ngày đáng nhớ của tuổi thanh niên ùa về. Biển mênh mông, rợn ngợp, là chỉ huy trưởng, ông Đức là người đầu tiên nhảy xuống biển mang theo đoạn ống bơm để làm gương cho anh em. Hơn 40 kỹ sư, công nhân chia ca, ngoi lên ngụp xuống cả ngày lẫn đêm, vừa đo tỉ lệ trộn bêtông vừa bơm cho bêtông trào dần từ dưới lên, giữ cho ống bơm luôn ngập dưới mặt bêtông đã bơm để tránh bị hòa tan trong nước...
“Công việc vận hành trôi chảy được hai tuần thì chúng tôi được tin một cơn bão đang ập tới. Công trường cố định giữa biển thì làm cách nào chạy đua tránh bão? Chỉ có cách tăng tốc độ thi công...” - ông Lâm còn nhớ rõ như cơn bão mới thổi qua mình tuần trước. Gió mạnh dần lên. Những con sóng lưỡi búa liên tục ập đến làm chao đảo chiếc sà lan 3.000 tấn mà ở trong bờ cứ tưởng “vững như bàn thạch”. Những cơn mưa nối tiếp trút xuống. Các phuy nước ngọt mang theo bị nước biển tràn vào, cơm nấu không chín được nữa. Khi mẻ bêtông cuối cùng được bơm xuống biển, cũng là lúc sóng đánh bứt dây neo. Các giá đỡ lập tức được rút lên, sà lan phải khẩn cấp di dời để tránh va đập ảnh hưởng tới kết cấu công trình vừa thi công...
Công nhân có người bị hất văng xuống biển, có người bị sóng đánh bay hết quần áo đang mặc, say sóng vật vã, may mắn là đội trục vớt cứu hộ luôn có mặt để ứng cứu. Ngày hôm nay khi nhắc lại, cả ông Đức lẫn ông Lâm đều chỉ mỉm cười: “Hồi ấy tất cả chúng tôi đều còn rất trẻ, nhiệm vụ mới mẻ, thử thách, và nhất là lại thiêng liêng thì có gì đáng nói”.
Vậy điều gì là đáng nhớ nhất? Cả hai người không hẹn mà gặp cùng kể một câu chuyện: Khi công trường đang vào cao điểm, một chiếc tàu Trung Quốc đã đến gần và đậu lại, quan sát suốt một ngày. Không phải là lính nhưng hôm ấy ai cũng hiểu “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên” sẽ là câu chuyện thường trực của chính mình. Ấn tượng sâu đậm thứ hai là khi công trình hoàn tất, họ lên tàu kéo sà lan ra đi. Trên nhà giàn còn lại sáu chiến sĩ trơ trọi giữa biển khơi. “Thanh niên như chúng tôi mà phải rơi nước mắt” - ông Đức bùi ngùi nhắc.
Họ về và tiếp tục nhận những nhiệm vụ mới ở nhà giàn DK 1/4, hải đăng Đá Lát... Hơn một năm sau, thêm mấy lần đi biển, dãi nắng dầm mưa thêm nhiều công trình khác nữa, mấy mươi anh em của Công ty Xây dựng số 14 lại một lần nữa quặn thắt khi nghe tin nhà giàn DK 1/3 bị sóng cấp 10 phủ trùm lên, xô đổ, ba chiến sĩ hi sinh. “Chúng tôi dằn vặt mình, kiểm xét lại công việc xem có gì sai sót, có gì tắc trách để dẫn đến hậu quả này. Thậm chí, tôi đã chuẩn bị tinh thần ra tòa án binh. Anh em hi sinh, mình phải nhận trách nhiệm. Rồi sau đó đoàn thanh tra của Bộ Quốc phòng ra tận nơi, về kết luận: Pôngtông vẫn ở nguyên vị trí, nhà bị đổ là do sóng quá lớn, vượt quá mức dự báo an toàn đã được thiết kế” - ông Đức nhắc lại chuyện xưa, vẫn nghiêm túc như khi nghe tin dữ.
Trải qua nhiều lần cải tiến, hưởng thụ nhiều tiến bộ khoa học, những nhà giàn thế hệ thứ ba hôm nay đã sừng sững, hiên ngang, vững chãi trong sóng gió.
PHẠM VŨ - TẤN ĐỨC
25 năm nhà giàn trên sóng biển
Năm 1988, sau sự kiện Gạc Ma, một số tàu chiến, tàu thăm dò của Trung Quốc xuất hiện sâu trong vùng thềm lục địa phía Nam Việt Nam, nơi có tiềm năng lớn về dầu khí và ý nghĩa chiến lược, quốc phòng. Bộ Chính trị đã ra nghị quyết trung ương 19 về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1). Lữ đoàn 171 được giao nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ, khảo sát, đo đạc. Tháng 6-1989, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ tư lệnh Công binh xây dựng xong nhà giàn đầu tiên là DK 1/3 trên bãi đá ngầm Phúc Tần. Đến cuối năm 1990, năm nhà giàn thế hệ đầu tiên đã được xây dựng.
Sau tai nạn với nhà giàn DK 1/3, các nhà giàn thế hệ thứ hai được xây dựng với kỹ thuật đóng cọc thép sâu xuống đáy biển. Đến nay, kỹ thuật xây dựng nhà giàn đã được nâng cấp lên thế hệ thứ ba.
Hiện tất cả nhà giàn đều đã được lắp đặt hệ thống pin mặt trời và hệ thống điện gió từ các chương trình đóng góp, hỗ trợ của nhiều cá nhân, đơn vị trong cả nước. Trong đó, có chương trình “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1” do báo Tuổi Trẻ phát động vào năm 2009. Các nhà giàn đã có điện sinh hoạt cả ngày lẫn đêm, hệ thống thông tin liên lạc, kết nối mạng cũng từ đó mà thông suốt, đời sống của các chiến sĩ thay đổi hoàn toàn.
Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập DK1
Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập DK1 được tổ chức lúc 15g hôm nay 4-7 tại tiểu đoàn DK1, với chủ đề nhấn mạnh thành tích 25 năm của tiểu đoàn. Tại đây, chỉ huy tiểu đoàn bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ quan tâm của các bộ, ngành, các cơ quan báo chí và nhân dân cả nước đã có những ủng hộ thiết thực để đơn vị vững tay súng, chắc tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Tại lễ kỷ niệm, Ủy ban MTTQ TP.HCM sẽ tặng tiểu đoàn chiếc ôtô trị giá hơn 1 tỉ đồng để phục vụ công tác, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tặng 15 máy lọc nước ngọt.
Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, chính trị viên DK1, cho biết sau 25 năm thành lập, đã có 146 lượt tập thể và 1.290 lượt cán bộ chiến sĩ được các cấp khen thưởng. Trong đó năm 2005, tiểu đoàn vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2013, liệt sĩ Vũ Quang Chương được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
ĐÔNG HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.