Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Kiến trúc Tây Nguyên

Độc đáo kiến trúc nhà Tây Nguyên 

Linh Nga Niê Kdăm - Bút danh H'Linh Niê


Tôi đã từng kể các bạn nghe ý kiến của bà A.Tonia, nhà dân tộc học người UCraina rằng " bà con các dân tộc TN rất thông minh khi tổ chức cuộc sống". Vậy hãy để tôi  khoe sự thông minh ấy, trong vài nét về kiến trúc nhà ở Tây Nguyên  với mọi người nhé
Đến Tây Nguyên, điều đập vào mắt du khách trước tiên là những nhà rông mái cao vút như chiếc rìu khổng lồ tạc vào bầu trời xanh lồng lộng. Ở vùng Êđê, Jrai còn là căn nhà sàn “ dài bằng một tiếng chiêng ngân” mà Trường ca - sử thi Dam San đã nhắc tới.  Kiến trúc nhà ở & nhà mồ đó chính là những  đặc trưng cơ bản nhất của văn hoá vật thể các dân tộc thiểu số Trường Sơn- Tây Nguyên nói chung.
Vậy đặc trưng kiến trúc Tây Nguyên là gì?
Điểm đặc biệt thứ nhất : Vật liệu hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa, tranh….những loại cây cỏ hiện diện trong rừng. Không có bất cứ một  vật dụng nào bằng sắt thép hay những chất kết dính không mang tính tự nhiên. Phương tiện dùng để dựng nên căn nhà cũng rất đơn giản, chỉ với những chiếc rìu ( xagac).Mỗi một tộc người đều kiểu cách riêng, do chính các kiến trúc sư vai trần chân đất, đóng khố của cộng đồng tự “ thiết kế”, tạo hình.
Điểm đặc biệt thứ hai : các cột và xà nhà nhà sàn hay nhà Rông chỉ được đặt chồng lên nhau, hoặc ghép mấu ( theo dạng ngàm) vào nhau rất trùng khít .
Điểm đặc biệt thứ ba : Nhà còn là nơi nghệ thuật tạo hình tung tẩy trên các thân cột, xà ngang bằng chạm khắc nổi, vẽ những hình ảnh quen thuộc với cư dân rừng núi, như chim, rùa, kỳ đà, hoặc các hình sao, hình dấu nhân, mặt trời...
Nhà ở thường làm theo hướng  Bắc - Nam đón gió mát và không bị hắt nắng chiều
Nhà mồ làm theo hướng Đông – Tây, gió và nắng lồng lộng xua tan mùi hôi hám ( nếu có)
Nhà Rông :
hp1
Nhà Rông Sê Đăng                                            Nhà Rông Jrai

Các tộc người Bâhnar, Sê Đăng, Jrai, Triêng, Ca Tu… thường định cư một chỗ nên có nhà sinh hoạt cộng đồng, gọi chung là Rông. Ngôi nhà Rông của các cộng đồng làng đều là nhà sàn, phổ biến có hình dạng mái cao vút dáng như lưỡi rìu, vượt hẳn lên trên mái các ngôi nhà trong làng. Trên mái nhà rông, cầu thang lên xuống,các xà ngang, cột cái trong nhà trang trí nhiều mô típ hoa văn.
*  Nhà Rông của người Bâhnar và Sê Đăng có hình dạng tượng tự như nhau. Tuy nhiên bề ngang mái Rông Bâhnar thường  bằng chiều ngang nhà, trong khi mái rông Sê Đăng lại thót dần lại khi lên cao hơn. Thông thường Rông xử dụng gỗ chò chỉ, hoặc cà chít để làm cột; vách và sàn là nứa đập dập, các vì kèo bằng tre nứa và lợp bằng tranh.
Mái nhà Rông dốc, thường cao từ 10-15 m, có hai đầu hồi cũng nhỏ dần lên tận nóc. Một nửa phía trên mái nhà Rông của người Sê Đăng lợp  bằng hai lớp nứa đan cài các hoa văn hình quả trám  và kỷ hà rất đẹp, nửa mái dưới và hai đầu hồi mới lợp bằng tranh. Sau khi đã lợp mái, người ta mới đan phên nứa để làm vách, cũng đan hai lớp  để tránh mưa tạt.
Sàn nhà Rông bằng cây tre lớn, chẻ đôi, chặt hết “ mắt”, đập dập làm bốn mảnh, thường cách mặt đất chừng hơn 1 m. Có 8 cây cột cái ( đại thụ). Những nhà Rông lớn như của người Bâhnar Rngao ở làng Kon Rbang, thị xã Kon Tum có hệ thống cột to hơn một vòng tay ôm.
* Khác với các tộc người Sê Đăng, Bâhnar,Gươn hoặc Ưng của nhóm các tộc người Ca Tu, Jẻ, Triêng, Vân Kiều, Sơ Drá… cấu trúc tương tự như nhau, cũng cao lớn hơn nhà ở thông thường, mái nhà dạng ovan, hai đầu mái có hình ngọn rau Yớn ( dương xỉ), thường chỉ cách mặt đất chừng 1m. Các vì kèo phía trong được xếp thành hình vòng tròn, chụm lại ở trên nóc,xung quanh một cây cột cái chính giữa nhà, xà trang trí rất cầu kỳ bằng cách vẽ hoặc khắc nổi hình các con vật như : kỳ đà,rùa, rắn, thậm chí cả hình rồng. Các kèo buộc với nhau bằng dây mây trắng, thành những đường chéo rất công phu.
Nhà ở :

hp2

Nhà vòm M’Nông                                                            Nhà sàn Jẻ

Có thể chia nhà ở của các tộc người Tây Nguyên  làm ba loại hình dạng khác nhau :
*  Nhà sàn thuộc dạng kiên cố :
Của các tộc người Sê Đăng, Bâhnar, Êđê, Jrai : các cột nhà đều là thân cây gỗ lớn. Sàn cao.
* Nhà sàn thuộc dạng bán kiên cố ( nhà mu rùa ) :
Của nhóm Ca Tu, Jẻ, Triêng và một số tộc người khác như Brâu, Mnâm, Hrê, Ka Dong, K’Ho. Mạ…. Cột bằng cây gỗ loại vừa . Mái lợp tranh hình ovan.Hai đầu mái có thanh gỗ nhọn tượng trưng cho chiếc sừng trâu. Sàn lát bằng nứa, đập dập. Sàn chân thấp.
* Nhà dạng “ tạm ” ( nhà vòm ) :
Của nhóm các tộc người phía nam Tây Nguyên như Mnông, Jẻ Triêng, Stieng… cũng là nhà dài nhưng do có tập quán du cư, nên đều làm dạng nhà trệt bằng vật liệu không bền vững, như gỗ làm cột nhà thường là loại cây chỉ bằng bắp tay. Mái nhà lợp tranh rủ xuống sát đất, có hai cửa ra vào hình ovan. Dưới lớp tranh, trên hệ thống các vì kèo – dưới lớp tranh - là một tấm phên đan thưa thành các hình vuông, hoặc quả trám rất khéo léo.
Kiến trúc nhà dài Êđê,Jrai tiêu biểu cho nhóm ngôn ngữ Nam Đảo  :
Đập vào mắt du khách trước tiên là mái tranh ( hlang) , với hai đầu hồi nhọn nhô ra phía sàn hiên trước và sau nhà.  Mái thường lợp rất dày, đủ sức chịu đựng  vài chục năm mưa liên miên ở Tây Nguyên. Dột ở đâu, người ta gỡ tranh tại đó ra dặm lại, khiến trên mái nhà có những khoảng tranh mới cũ khác nhau, tạo nên một ấn tượng vui mắt.Cửa vào nhà Êđê ở hai đầu hồi.
Một căn nhà sàn Êđê, Jrai  có chiều dài thường từ 25-50m.Trong những ngôi nhà thông thường, hệ thống cột gồm 6 cây gỗ ( ana) lớn chạy song song hai bên lòng nhà. Đồng bộ với các cột (kmeh sang ) là hai cây xà nhà  (êyông sang) dài cũng suốt chiều dọc của căn nhà.
Người Jrai với tập quán chọn địa điểm cư trú gần kề sông nước ( sông A Yun Pa, Sông Ba, Sông Sa Thầy...), nên các cột nhà thường có độ cao hơn nhà Êđê, gần như lênh khênh trên hệ thống những cây gỗ nhỏ.Cửa vào nhà dài Jrai ở chính giữa hông nhà
Kiến trúc Nhà  Sê Đăng ( nhóm ngôn ngữ Nam Á ):
Nhà ở của Sê Đăng cũng được làm từ những nguyên liệu truyền thống vốn có sẵn ở núi rừng như: Gỗ, tranh, tre, nứa, lồ ô... Nhà sàn có độ dài  tuỳ thuộc vào số lượng thành viên trong từng gia đình,  từ mặt đất đến gầm sàn khoảng dưới 1m.
Mỗi ngôi nhà có hai cửa: Cửa chính cầu thang đặt ở khoảng giữa của ngôi nhà dành cho mọi người trong gia đình và khách. Trước cửa có làm sàn bằng ván gỗ hoặc tre nứa, không có mái che, để khách dừng chân trước khi lên nhà và để giã gạo; cầu thang phụ đặt ở đầu hồi phía nam dành cho trai gái đến tìm hiểu để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình.
Hầu như tất cả các tộc người  đều  sử dụng một loại nguyên liệu làm vách nhà bằng tre, nứa.Riêng với tộc người Tà Ôi & Ca Tu  làm vách nhà bằng vỏ cây achoong ( còn có tên gọi là cây ươi bay ), một loại cây chỉ có ở rừng miền núi vùng huyện A Lưới ( Thừa Thiên – Huế ).
Nhà mồ

hp3

hp4

Nhà mồ ở Tây Nguyên mô phỏng hoàn toàn hình dạng của ngôi nhà thường ngày vẫn sinh sống.( Đốí với người Êđê và Jrai là hình dạng ngôi nhà sàn dài ), tuy nhiên kích cỡ đã được thu nhỏ lại, chỉ vừa trùm lên và đủ che mưa nắng cho ngôi mộ.
Nhà mồ cũng chủ yếu làm bằng vật dụng gỗ, nứa, tranh tre có sẵn trên rừng. Cột gỗ là chủ yếu, không có các vì kèo, mà chỉ là những cột chống và phủ mái lên.Nhà mồ tạm thì mái có thể lợp tranh, nhưng sau lễ bỏ mả phải làm mái gỗ.Ở vùng người Ca Tu & Tà Ôi, nhà mồ được làm hoàn toàn bằng gỗ
Nhà mồ Êđê :
Người ta lồng 4 tấm gỗ xẻ nối vào nhau thành một chiếc khung hình chữ nhật, đặt bao quanh ngôi mộ.Trên những tấm ván này, có vẽ nhiều hoa văn  màu đen và đỏ. Mái cũng là những tấm gỗ đặt nằm ngang, ở hai đầu hồi có khắc nổi hình vành trăng khuyết, đây là thế giới của linh hồn.
Xung quanh nhà mồ có hàng rào bao. Ở 4 góc rào có các cột gơng kút, trên các cột này có thể là hình những chiếc nồi đồng, ngà voi . Hai cột gơng klao cao vút nối hai đầu mộ bằng một sợi dây da trâu, hiển thị con đường đi về làng trời của linh hồn. Đầu nhà mồ là nhà cúng cơm
Nhà mồ Jrai :
Thường rất đồ sộ. Ngoài khung gỗ hình chữ nhật úp sát lên ngôi mộ, người ta dựng bao quanh một ngôi nhà có mái cao tương tự như nhà Rông, mái hình chóp có 4 mặt. Trên chóp còn có một cột gưng klao mà đỉnh là tấm gỗ khoét thành hoa văn dạng sao và hình vuông kèm theo những hình vẽ đỏ đen, trắng. Cả ngôi nhà mồ được trang trí bằng rất nhiều hoa văn. Bốn cột gơng xung quang mộ đồng thời là bốn tượng gỗ liền trụ. Xung quanh nhà mồ Jrai là cả một không gian “ ngự trị” của các tượng mồ dày đặc và đa dạng hình tượng.
Nhà mồ  của người Bâhnar, Sê Đăng :
Mái ngôi mộ được vẽ vời rất công phu. Ngoài hình trăng khuyết là biểu tượng chung của thế giới người chết , người ta chủ yếu lấy những hoa văn quen thuộc với cuộc sống, như hình quả trám, hình tròn, lượn sóng, con mắt…để vẽ nên và rất nhiều tượng gỗ.
Nhà mồ của người Bâhnar Rngao vùng Đăk Hà ( Kon Tum) hoàn toàn khác hẳn khi làm bằng gỗ, trùm vừa đủ kín diện tích ngôi mộ, kê trên một giá gỗ thấp lè tè sát mặt đất.
Nhà mồ của người Ca Tu, Tà Ôi :
Thường dựng bằng gỗ lớn, chạm khắc rất nhiều hình rồng, kỳ đà, đầu và sừng trâu trên nóc và cũng sử dụng rất nhiều màu sắc ( thậm chí là loè loẹt) cho các cột nhà mồ.Mái thường thấp, muốn vào bên trong phải cúi người xuống.Tất cả gỗ xử dụng tại nhà mồ đều không để ở dạng thô mà có sự chau chuốt tỷ mỷ,mang tính mỹ thuật cao.
Vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc nhà Rông, nhà ở, nhà mồ Tây Nguyên, chính là một trong những nét đặc sắc làm nên diện mạo riêng, là một điểm nhấn quan trọng trong “ Không gian văn hóa cồng chiêng”, đã được UNESCO công nhận là “ Di sản văn hóa của nhân loại” .
Tiếc thay,  kiến trúc của nhà sàn ở Tây Nguyên ngày nay đang lùi dần vào quá vãng. Nhà mồ cũng đang biến dạng thành gạch đá thậm chí là gạch hoa.Không thể ép bà con các dân tộc thiểu số giữ mãi được những nếp nhà gỗ, tre nứa, tranh, vì nhu cầu thiết thực của cuộc sống hiện tại, cũng như không còn nguyên liệu để làm nhà truyền thống theo ý muốn. Nhưng thiết nghĩ, nếu các công trình công cộng của mỗi vùng, đều được xây dựng trên nguyên tắc đặc trưng của kiến trúc cổ truyền, chắc chắn tạo nên một không gian văn hóa ở không chỉ độc đáo mà còn riêng biệt cho mỗi địa phương, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số.
-----------------------------

Độc đáo kiến trúc nhà ở tây nguyên

Một trong những nét đặc trưng của văn hóa vật thể Tây Nguyên là kiến trúc nhà ở.
Đọc thêm...

Nhà rông của người Ba Na

Một trong những nét đặc trưng của văn hóa vật thể Tây Nguyên là kiến trúc nhà ở. Nhà rông của các dân tộc Bana và Sêđăng được coi là biểu tượng đặc trưng của Tây Nguyên. Hình ảnh thường thấy là những mái nhà hình lưỡi rìu hoặc mái tròn cao hàng vài chục mét, chỉ hoàn toàn làm bằng tre nứa và lạt buộc. Kết cấu càng lên cao càng nhỏ lại đòi hỏi người thợ dựng nhà phải hết sức khéo léo mới không để xảy ra tai nạn. Tranh dùng để lợp không đánh thành tấm mà được người lợp nắm lại thành từng nắm, kết hợp với nhau rất phẳng phiu, không cần có lạt buộc mà đơn giản chỉ là bẻ gập đầu những nắm tranh quặp vào những chiếc rui mè. Các tấm liếp, vách, đầu hồi bằng tre nứa... được các nghệ nhân tạo nên những đường nét hoa văn trang trí dày đặc rất độc đáo.
Có thể phân biệt sự khác nhau của nhà rông Jrai, Bana và Sêđăng bằng cách xem xét độ cong của vòm mái, nhất là những hình trang trí ghép bằng nứa hoặc bằng gỗ trên đỉnh nóc. Nhà sàn dài của ngườiÊ Đê, theo trường ca sử thi Đam San, có thể "dài một hơi ngựa chạy", hoặc "dài như một tiếng chiêng". Hệ thống xà dọc, gồm toàn những cây gỗ to một vòng tay ôm, dài tới hàng chục mét được dùng rìu gọt nhẵn đến bóng láng, kê gác lên nhau không có đinh mà vẫn đứng vững hàng chục năm giữa cao nguyên lộng gió.

Thậm chí nếu cây không đủ độ dài của nhà thì cũng khó mà tìm ra điểm ghép nối giữa hai thân gỗ. Trong nhà dài của người Ê Đê có một hiện vật không thể thiếu. Đó là chiếc ghế dài (kpan) để các nghệ nhân ngồi khi đánh chiêng. Chiếc kpan này được làm từ nguyên một thân cây cổ thụ lớn, có thể dài đến hơn 10 mét, rộng từ 0,60 đến 0,80 mét. Một đầu thân ghế cong lên như hình dáng mũi thuyền, chân ghế liền vào thân, không hề có đục, gá. Những chiếc Kpan điêt (ghế nhỏ) cùng với chiếc Jhưng (giường nằm của riêng ông chủ nhà), cũng bằng cả một thân gỗ liền nhau như thế và những bộ chiêng, ché quý làm nên biểu tượng của sự giàu có và sang trọng của một gia đình êđê.

Người Jrai vùng A Yun Pa thường dựng nhà sàn có hệ thống chân cột to lênh khênh, phù hợp với đặc điểm thiên nhiên 6 tháng mưa và miền sông nước bao quanh. Người Lào vùng buôn Đon (Đắc Lắc) còn lợp nhà bằng hàng trăm mảnh gỗ nhóm 1 xếp lớp lên nhau, mỗi mảnh to bằng một viên gạch. Những tấm "ngói gỗ" này đã tồn tại hàng trăm năm, trong sự khắc nghiệt của mưa nắng cao nguyên. Hàng cột, nhất là cột chính của gian đầu tiên, hay xà ngang ở hàng hiên, xà ngang đầu tiên trong nhà rông, nhà sàn, là nơi để nghệ nhân thể hiện trí tưởng tượng bay bổng, với những hình khắc nổi các loại thú rừng (hươu, voi, cheo, thỏ...), thủy sản (thuồng luồng, rùa, cá... ), chim muông, hình mặt trăng, mặt trời, những đường nét hoa văn chủ đạo thường thấy xuất hiện trong thổ cẩm của từng dân tộc...

Ở vùng người Bana, Chăm tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định còn có một loại phên dùng để lót sàn nhà rất đặc biệt. Đó là những thỏi gỗ hoặc mảnh nứa dày nhỏ như đầu ngón chân cái được nối với nhau thành tấm theo cách khớp từng mảnh lại, gác lên các thanh dầm gỗ sàn nhà. Trên sàn có trải chiếu ở chỗ mời khách ngồi, hoặc chỗ nghỉ ngơi của chủ nhà...

Gần đây, ở một số vùng dân tộc Tây Nguyên có đời sống kinh tế phát triển đang rộ lên phong trào xây dựng nhà theo kiểu biệt thự trong các buôn làng. Tuy nhiên, cũng có một số buôn êđê, điển hình như buôn Đinh, xã Dliê Mông, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắc Lắc, bà con vận động gần như cả thôn làm nhà xây nhưng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống, rất sáng tạo. Song kiến trúc nhà biệt thự đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng Tây Nguyên. Có một nhà dân tộc học người Nga đã nói: "Đến các vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên, tôi khâm phục việc tổ chức điều kiện sống rất thông minh, rất phù hợp với thiên nhiên và môi trường của bà con".

Việc đầu tư gìn giữ những nét độc đáo đặc trưng trong Kiến trúc nhà ở truyền thống của người Tây Nguyên trong hiện tại sẽ là một việc làm rất có giá trị văn hóa, góp phần không nhỏ cho việc gìn giữ bản sắc văn hóa vật thể của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

        Cuộc Sống Việt _ Theo Hanoi.vnn.vn

Nhà Rông Tây Nguyên

Nhà Rông Tây Nguyên không khác biệt nhiều so với nhà rông của các dân tộc thiểu số dải Trường Sơn. Nóc nhà có 2 mái nơi chỏm đầu dốc có một đôi sừng. Quan sát thật kỹ mới thấy những chi tiết khác với nhà ở: Chạy dọc trên sóng nóc nhà là một dải trang trí đặc biệt.

Sàn nhà thường được ghép bằng những tấm đan bằng tre lồ ô nứa hoặc cây giang. Giữa nhà có một hàng lan can chạy dọc. Hàng lan can này chính là chỗ dựa của những ché rượu cần khi làng tổ chức lễ hội. Hoa văn trang trí trên vách có 2 màu đỏ và xanh. Người Băhnar thường sử dụng cặp sừng trâu cây cột ở gian chính giữa được chạm khắc tinh vi (s’drang mặt nar-mặt Trời) sao tám cánh hình thoi chim người... Đây là công trình kiến trúc và nghệ thuật tập thể của cả cộng đồng dân làng.      

Khi lập một làng mới tức là sự kiện trọng đại nhất trong đời sống cộng đồng những người già nhất trong làng từng trải và hiền minh nhất gắn bó và nhiều kinh nghiệm nhất về núi rừng là pho sử sống của cộng đồng thay mặt làng đi tìm đất chọn vị trí đẹp nhất cho làng. Theo lưu truyền thì việc xây dựng nhà Rông phải tuân theo nghi thức trang trọng. Từ khi chuẩn bị làm nhà già làng tụ tập tất cả những người tài giỏi nhất trong làng để hội bàn. Họ bỏ ra hàng tuần  thậm chí hàng tháng để chọn nơi dựng nhà Rông. Nơi dựng nhà Rông phải cao ráo thoáng mát về mùa nắng ấm áp về mùa mưa nằm ở trung tâm của làng đi từ các con đường về từ xa phải nhìn thấy mái nhà Rông. Khu đất ấy phải bằng phẳng rộng đủ để tập trung số người ít nhất là gấp ba lần số người của làng.                        
Ngày vào rừng chọn gỗ được tổ chức rất chu đáo. Trước đó 9 ngày 9 người được già làng chọn để "trao đổi" về hướng đi vào rừng. Ngày hôm ấy già làng sẽ tổ chức một lễ nhỏ có thịt gà cơm nếp thầy mo đến cúng. Tất cả những gì bàn bạc đều  được các thành viên giữ kín cho đến trước khi xuất phát 3 ngày. Sau 6 ngày kể từ khi "họp"    mỗi thành viên phải chọn thêm một hai người có sức khỏe nhanh nhẹn tháo vát cùng đi với đoàn. Để chuẩn bị cho chuyến đi tất cả những thành viên đều phải tự lo tư trang lương thực đủ dùng trong 9 ngày. Ngày đầu tiên vào rừng khi tìm được cánh rừng có nhiều gỗ tốt cả đoàn dừng lại thợ cả cùng 8 người nữa vác rìu chọn một cây to cả 9 người đứng vòng quanh giơ rìu hú 9 tiếng lớn.                             

Sau đó  mỗi người chặt 9 nhát vòng quanh cây rồi về nơi tập kết của đoàn nghỉ ngơi. Từ ngày hôm sau cả đoàn bắt đầu khai thác khi có đủ 4 cây cột góc cho ngôi nhà thì về làng. Ngày dựng nhà Rông là ngày hội của làng thường là trong tháng Mười âm lịch. Sau bài cúng tập thể đầu tiên của 8 già làng bên cái lễ có gà và 12 ché rượu cần tiếng của dàn chiêng 12 chiếc bắt đầu nổi lên tốp múa gồm 12 cô gái mặc trang phục dân tộc nhập vào cùng đội chiêng để "xoang" quanh mâm cúng khi bài cúng thứ năm bài cuối cùng kết thúc.                                                                                                              
Nhà Rông thường dài khoảng 10m rộng hơn 4m cao 15 - 16m nhưng có những ngôi chỉ cao 7-8m... Tính đa dạng trong kiến trúc của mỗi dân tộc ở Tây Nguyên còn là ở kết cấu của ngôi nhà. Nhà Rông của người Tây Nguyên  không dùng đến sắt thép. Các chỗ nối chắp đều được chặt đẽo cẩn thận rồi dùng mây lạt tre để buộc.Từng mối buộc của các dân tộc cũng khác nhau. Cầu thang lên Nhà Rông các dân tộc thường đẽo 7 đến 9 bậc. Trên đầu cầu thang của mỗi dân tộc khác nhau. Người Ba Na là hình ngọn cây rau dớn người Ja Rai là hình quả bầu đựng nước người Xê Đăng Jẻ Triêng là hình núm chiêng hay mũi thuyền  có Nhà Rông  trên nút đầu của cầu thang lại tạo dáng hình ngực thiếu nữ... Kể từ ngày Nhà Rông được khánh thành con trai làng chưa vợ đều phải đến đây ngủ để bảo vệ. Bởi vậy kiến trúc dân gian của nhà Rông hết sức độc đáo và mỗi dân tộc mang một kiểu cách khác nhau. Tất cả được xây dựng bằng đôi tay tài hoa bằng cả trí tuệ và sức lực của cộng đồng. Nhà Rông gắn chặt với tâm lý tình cảm và sinh hoạt xã hội tôn giáo của đồng bào Tây Nguyên. Xa nhà Rông thì nhớ đến với nhà Rông thì vui. Nhà Rông là trái tim của buôn làng đời đời không thể nào xoá nhoà trong tâm trí người Tây Nguyên.

Hai loại nhà Rông xuất hiện ở Tây Nguyên gồm nhà Rông trống (đực) và nhà Rông mái (cái). Nhà Rông trống tiếng Jrai gọi là Rông tơ nao có mái to cao chót vót. Có nhà cao đến 30m. Nhà Rông trống được trang trí rất công phu. Nhà Rông mái được gọi là Rông Ana nhỏ hơn có mái thấp. Hình thức bên ngoài và bên trong đơn giản hơn.Trên những vì kèo được trang trí những hoa văn có màu sắc rực rỡ mang tính tôn giáo thờ phụng những sự tích huyền thoại của dũng sĩ thuở xưa những thú vật được cách điệu những vật những cảnh sinh hoạt gần gũi với cuộc sống buôn làng. Nổi bật trong trang trí nhà rông là hình ảnh thần mặt trời chói sáng. Nhà rông càng to đẹp thì càng chứng tỏ buôn làng giàu có mạnh mẽ.                                                                              

Nhà Rông là một trong những di sản văn hoá rất tiêu biểu gắn với lịch sử cư trú lâu đời của các dân tộc Tây Nguyên với kĩ thuật đơn giản kiến trúc khá đa dạng tạo nên vẻ đẹp đặc sắc trước hết ở kiểu dáng nó không chỉ  hấp dẫn bởi kiểu dáng đẹp cùng các hình thức trang trí đặc sắc mà còn đặc biệt ở tập quán sử dụng; nó hàm chứa những giá trị tinh thần và ý nghĩa tâm linh đặc biệt vừa thiêng liêng cao quý vừa đậm đà sâu lắng trong mỗi thành viên cũng như toàn thể cộng đồng.                                      
                                                                                   
Nhà Rông là một thiết chế văn hóa tiêu biểu độc đáo có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tinh thần trong đời sống xã hội và trong tín ngưỡng tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nó là một di sản quí cho hôm nay và mai sau. Giữ được nhà Rông giữ được "trái tim" của làng nơi cất giữ những huyền thoại trong sử thi cổ cũng là nơi nhen nhóm lửa sáng tạo những "huyền thoại mới" đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sẽ giữ được cho mình một đời sống tinh thần phong phú và đa dạng bắt rễ sâu vào truyền thống nhưng cũng vươn tới những giá trị mới phù hợp với xu thế phát triển đi lên của xã hội.
(Nguồn: Dulichvn)
http://www.langamthuctaynguyen.vn/nha-rong-nha-san-nha-dai.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.