Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

CHINH TRANG DINH Tỉnh trưởng, khu Hòa Bình, DALAT

 

Từ vụ Dinh Tỉnh trưởng, khu Hòa Bình nghĩ về việc quản trị, quy hoạch của hai thành phố

  16:07 | Thứ ba, 25/08/2020 0
Không thể nói là Đà Lạt không thể phát triển nếu không có khách sạn cao tầng, khi mà thác Cam Ly, hồ Than Thở, Dinh Tỉnh trưởng, Rạp Hòa Bình chưa được tận dụng hết khả năng mà đã bị xuống cấp trầm trọng. Nếu biết làm đúng cách, thì những danh lam, thắng cảnh, di tích hiện có của Đà Lạt sẽ tạo ra nguồn lợi lớn cho thành phố, mà không cần một khối bê tông trên đồi...

Tốt nghiệp đại học mùa Covid, tôi may mắn kiếm được một công việc ở thành phố Rapid City, South Dakota, Mỹ. Tôi chưa từng nghe nói tới thành phố này, nhưng việc làm ở đâu thì tôi đi đó.

Lái xe được mười tiếng từ Saint Louis, Missouri, tôi không biết đã lướt qua tấm biển chào khiêm tốn của bang South Dakota từ khi nào. Ấn tượng đầu tiên của tôi với South Dakota là một màu xanh lá: đồi xanh, đồng xanh, rừng xanh dưới ánh hoàng hôn. Tôi nghĩ cảnh xanh này sẽ hết thôi, một khi vào thành phố Rapid.

1.

Lúc tôi vào đến thành phố thì trời đã tối, nên không rõ cảnh vật ngoài tầm những ánh đèn đường trông như thế nào. Nhưng khi đến khu nhà trọ của mình, bước xuống xe, tôi cảm thấy ngay một không khí trong lành, mát lạnh. Sáng hôm sau, từ trên ban công nhìn ra, tôi lại thấy cây. Cây trên những đồi thông xa gần. Cây bao vây thành phố.

Tôi bước ra khỏi nhà và đi bộ một vòng, tận hưởng không khí trong lành và một chút mưa phùn. Có những đồi thông sát lối đi mà tôi có thể leo lên leo xuống nếu thích. Đất trên đồi màu đỏ. Không biết sao tôi có một cảm giác ngờ ngợ, như thể tôi đã thân thuộc với thành phố này tự khi nào.

Thêm vài bước chân nữa, tôi nhận ra nguồn cơn của cái cảm giác ngờ ngợ đó. Tôi nhớ về một thành phố khác tôi đã từng thăm lúc còn nhỏ, mà nay đã khác đi nhiều, đã ít cây hơn. Tôi nhớ Đà Lạt.

Từ trên ban công nhà trọ nhìn ra, tôi thấy một góc thành phố Rapid được cây xanh bao vây. Lưu ý, ở góc phố này không có ngôi nhà nào cao quá ba tầng, nhô lên quá cao gây mất cân bằng cảnh quan.

Đà Lạt trong ký ức tôi cũng được bao vây bởi những rừng thông. Nhưng những năm gần đây, vẻ đẹp tự nhiên của Đà Lạt đã bị xâm phạm bởi những công trình nhân tạo thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch thiếu khoa học, bởi những hàng quán bừa bãi, bởi rác rưởi... Mới đây nhất, một khu du lịch tên là Quỷ Núi, với những bức tượng phản cảm, đã tạm đóng cửa sau một tuần ra mắt do dư luận phản kháng. Cho dù là khu Quỷ Núi đóng cửa hẳn đi chăng nữa, thì tác động của những công trình xây cất trong khu du lịch này đối với cảnh quan không dễ gì cải thiện lại được trong một sớm một chiều. Đó là chưa kể những nhà máy, xí nghiệp, sân golf đua nhau mọc lên, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Ý thức kém cũng là một vấn đề. Tôi còn nhớ khoảng năm năm về trước, tôi cùng bạn bè đi Đà Lạt, ngồi ăn trong một nhà hàng, mà ở bàn bên cạnh khách Trung Quốc nói chuyện rất ồn ào, cứ như thể cái yên tĩnh của Đà Lạt không phải là để trân trọng và chiêm nghiệm, mà là để làm nền cho họ phát ngôn vậy. Rất may là khi tôi phàn nàn với chủ quán, thì cô chủ cũng cố gắng nhắc nhở số khách này, và họ cũng bớt ồn ào hơn. Còn chuyện rác tràn ngập thác Cam Ly, hồ Than Thở thì đã trở thành chuyện hiển nhiên. Khi người ta chấp nhận cho cái xấu là chuyện hiển nhiên và ngoài tầm kiểm soát của bản thân, thì thay đổi là rất khó.

Trở lại Rapid, lái xe quanh thành phố nhỏ này, không thể nào không thấy những đồi cây gần xa. Nhà cửa thì hiếm khi quá ba tầng (vì đa số các khu vực quy hoạch không cho phép xây quá ba tầng). Với diện tích khoảng 144 km2, Rapid nhỏ bằng một nửa Đà Lạt (khoảng 395 km2). Tuy vậy, Rapid được quy hoạch thành từng "khu" (zone) tuỳ mục đích sử dụng đất: khu dân cư thưa dân, trung bình, đông dân; khu kinh doanh, văn phòng, buôn bán; khu khách sạn - nhà khách; khu nông nghiệp; khu công nghiệp nặng, nhẹ; khoảng xanh (park forest)...

Các khu nông nghiệp, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, và khai thác khoáng sản thì được đặt ở vùng ven thành phố, xa khu dân cư. Doanh nghiệp, văn phòng, nhà hàng, quán ăn, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... phải xây đúng khu quy định và không được lấn vào khu dân cư. Điều này cũng có nghĩa là người sống trong khu dân cư không được mở hàng quán kinh doanh, mà phải thuê hoặc mua đất ở đúng khu quy định. Luật này nhằm đảm bảo an toàn cho người sống trong khu dân cư, vì nếu hàng quán mọc lên trong khu dân cư thì người dân trong khu đó luôn phải đối mặt với người lạ ra vào.

Để việc quy hoạch được uyển chuyển, một "khu" có thể bao gồm một dãy phố lớn hoặc chỉ một mảnh đất nhỏ, nhưng mục đích sử dụng trong từng mảnh đất, một khi đã được quy hoạch, là rất nghiêm khắc. Vì luật nghiêm nên bản thân người sở hữu đất cũng cố gắng tuân thủ vì sợ bị phạt. Ví dụ, chủ nhà cho thuê sẽ quy định cho người thuê nhà không được mở hàng quán vì như vậy sẽ vi phạm luật quy hoạch. Nếu người thuê nhà tự ý mở hàng quán trong khu dân cư, chủ nhà có thể đuổi luôn. Như vậy, giữa công dân với nhau cũng có một sự nghiêm khắc nhất định, trước khi nhà nước phải can thiệp.

Tất nhiên, nếu có nhà riêng, một người có quyền làm việc hoặc hoạt động kinh doanh tại nhà (home occupations), nhưng cũng tùy hoạt động, và không thể dùng quá 20% diện tích nhà cho hoạt động kinh doanh. Để uyển chuyển, một người sống trong khu dân cư không phải là hoàn toàn không được phép kinh doanh tại nhà, mà có thể gửi đơn "Sử dụng đất có điều kiện" (Conditional Use Permit) lên Uỷ ban Quy hoạch thành phố Rapid (Rapid City Planning Commission), nếu chủ nhà đồng ý.

Uỷ ban sẽ xem xét và cho phép (hoặc từ chối) kinh doanh trong khu dân cư, với một số điều kiện, ví dụ như số người ra vào khu dân cư không vượt quá một số lượng nhất định trên ngày, hoạt động kinh doanh không gây ô nhiễm... Phải đáp ứng hết các điều kiện do Uỷ ban quy định thì mới được kinh doanh trong khu dân cư. Mọi phiên họp của Ủy ban Quy hoạch (và các buổi làm việc khác của chính quyền thành phố) đều được ghi hình và công bố trên Youtube để đảm bảo minh bạch.

Trong quy hoạch của thành phố có những khu mà tôi tạm dịch là mảng xanh (park forest zone), viết tắt PF. Cái tên khu cũng thú vị vì ở các thành phố khác, "mảng xanh" thường được gọi là "forest park" tức "công viên cây xanh," còn ở Rapid thì gọi là "park forest" tức "khu rừng nhỏ cỡ công viên". Mục đích của PF, ghi rõ trong luật quy hoạch của Rapid, là "nhằm bảo tồn cho thành phố một khu vực có vẻ đẹp tự nhiên và thoáng đãng."[1]

2.

Khu PF chỉ cho phép xây nhà cho từng gia đình riêng lẻ (tức không cho phép chung cư hay những công trình dành cho hai gia đình trở lên), và nhà phải xây một cách chuẩn mực chứ không được dùng nhà di động (loại nhà lắp ráp trước trong nhà máy rồi dùng xe tải chở đi đặt tại một địa điểm). Một ngôi nhà trong khu PF phải đạt tiêu chuẩn về chiều cao và bề rộng của khu vực xung quanh nhà. Về chiều cao, nhà không được cao quá 2 tầng rưỡi hay 35 feet (khoảng 10.67 met). Về khu vực xung quanh, nhà phải lui vào trong ít nhất 25 feet kể từ mặt trước của khu đất; sân vườn mỗi bên ít nhất 30 feet (gần gấp ba lần sân bên của một công trình trong khu dân cư); sân sau ít nhất 50 feet (gấp đôi sân sau của nhà trong khu dân cư). Như vậy, để xây được một căn nhà trong khu PF, một gia đình phải tốn rất nhiều tiền để mua đủ đất đai cho đạt chuẩn.

Nhà cửa trong khu PF nhờ vậy cũng rất thưa thớt. Có khu PF còn không có nhà dân. Kinh doanh tại nhà có thể được phép, nhưng với nhiều điều kiện ràng buộc và tùy hoạt động kinh doanh. Các công trình như công viên, nhà thờ, tượng đài, nhà trẻ, sân golf, nghĩa trang... mà muốn xây trong khu PF thì phải nộp đơn "Sử dụng đất có điều kiện" nói trên, rồi Ủy ban Quy hoạch sẽ xem xét và quyết định.

Ngoài các công trình được nêu tên trong bộ luật PF, thì các công trình khác (chẳng hạn nhà máy, nhà hàng, khu mua sắm...) hoàn toàn không được xây trong khu PF. Nhờ vậy, thành phố giữ được nhiều mảng xanh và cảnh quan đẹp mắt, không khí trong lành. Có những khu PF thực sự rất hoang dã, tới mức người đi bộ, đạp xe, dạo chơi trong mảng xanh có khi gặp phải rắn đuôi chuông và thậm chí sư tử núi.

Hai công trình hiếm hoi trong một khu PF (mảng xanh). Tòa bên trái tôi đoán là nhà một gia đình. Tòa bên phải là một nhà thờ. Cả hai đều không cao quá hai tầng rưỡi. Rất xa phía chân trời (góc trên phải) mới thấy các công trình cao tầng. Đây đúng là "thành phố trong rừng, rừng trong thành phố," mà Đà Lạt từng có.

Khu PF rộng nhất của Rapid là Skyline Wilderness Area Park (tạm dịch: Vườn hoang dã Skyline (chân trời)). Cái tên đó có lẽ là do khi leo lên khu đồi cao này thì có thể nhìn bao quát xuống thành phố. Leo núi trong khu này có thể thấy đại bàng, kền kền bay sát trên đầu. Đặc biệt, bên trong khu vực này có một "Công viên Khủng Long" với bảy bức tượng khủng long. Tuy nhiên, khác với các tượng quỷ lòe loẹt trong khu du lịch Quỷ Núi, các bức tượng khủng long ở đây chỉ có hai màu, xanh lá đậm và trắng.

 Lúc mới dựng năm 1936, các bức tượng có màu xám, và sau này người ta sơn lại. Lưu ý là các màu xám, trắng, xanh lá tiệp với màu thiên nhiên, và toàn bộ diện tích công viên cũng rất khiêm tốn, nên công trình này không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan. Công viên Khủng Long vốn được chính quyền thành phố và Cơ quan Quản lý tiến độ công việc (Works Progress Administration) cho xây để phục vụ du khách trên đường thăm núi Rushmore (nơi có tượng bốn tổng thống Mỹ khắc trên đá), cũng nhằm tạo việc làm và thu nhập trong cuộc Đại Khủng Hoảng những năm 1930.[2] Ngày nay, công viên mở cửa miễn phí, và các gia đình thường dẫn trẻ con tới chơi.

Các gia đình dẫn trẻ con tới chơi ở "Công viên Khủng Long." Những chú khủng long chỉ có hai màu xanh là và trắng (ban đầu là một màu xám). Qua năm tháng, chú khủng long bên trái đã bị cụt tay và rụng răng.

Xung quanh Rapid là những cánh rừng. Cách Rapid khoảng hơn một tiếng lái xe về phía đông là Vườn Quốc gia Badland. Cách 40 phút lái xe về phía tây là Rừng Quốc gia Black Hills. Bên trong Rừng Black Hills là Khu tưởng niệm Quốc gia Rushmore (gọi tắt là núi Rushmore) nổi tiếng, nơi mà khuôn mặt bốn vị tổng thống được khắc trên đá, lần lượt từ trái qua phải: George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt, và Abraham Lincoln. Mỗi năm núi Rushmore thu hút khoảng 3 triệu người, bằng khoảng một nửa số khách du lịch hằng năm tới thành phố Đà Lạt.

Ở Rushmore không có cảnh hàng quán chen chúc, chèo kéo như Hồ Than Thở, thác Prenn, hay rác rưởi bừa bãi như thác Cam Ly. Du khách tới Rushmore phải trả tiền gửi xe, như một loại vé: 10 USD cho xe dân dụng, 25 USD cho xe buýt trường học, 50 USD cho xe du lịch lớn, 5 USD cho xe của người cao tuổi, và miễn phí cho quân nhân tại ngũ. Trong khu vực tưởng niệm Rushmore có một viện bảo tàng lưu giữ hiện vật và kể lại câu chuyện về quá trình thực hiện công trình, một văn phòng hành chính (cũng là nơi lưu trữ tài liệu và mô hình điêu khắc), và hai khu bán đồ lưu niệm.

Ngoài di tích núi Rushmore, khu vực Rừng quốc gia Black Hills còn có đỉnh núi cao, hang động, hồ, thác nước. Tất cả đều dưới tầm quản lý của Cục Công viên Quốc gia (National Park Service - NPS) thuộc Bộ Nội vụ Mỹ (United States Department of the Interior).

Núi Rushmore và khu vực rừng xung quanh thuộc Rừng Quốc gia Black Hills, dưới sự quản lý của Cục Công viên Quốc gia (NPS).

Theo tôi, đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa núi Rushmore và Đồi thông Hai Mộ, thác Prenn, thác Cam Ly... Thay vì do một cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý thì nhiều thắng cảnh và di tích ở Đà Lạt được đưa cho khu du lịch tư nhân quản lý. Điều này dẫn tới tình trạng như trong bài báo "Tàn lụi thắng cảnh Đà Lạt" mà Thanh Niên phản ánh: chính quyền địa phương giải tỏa hàng, chợ tự phát rồi giao lại cho khu du lịch tiếp tục quản lý, nhưng khu du lịch "không quản lý được," và địa phương thì "đâu thể đi giải tỏa suốt."[3] Đó là do trong cách quản lý này, khu du lịch thì không có đủ quyền hành, còn chính quyền địa phương thì không đủ động lực để giải quyết triệt để vấn đề hàng quán tự phát.

Chưa kể, vấn đề công ăn việc làm cho nhứng người mất việc nếu hàng quán bị giải tỏa cũng là một bài toán khó. Trong khi đó, NPS - Cơ quan quản lý của Rushmore nói riêng và khu Rừng quốc gia Black Hills nói chung - trực thuộc Bộ Nội vụ thuộc chính quyền liên bang, được tài trợ bởi liên bang (nói cách khác là thuế của dân Mỹ đóng cho liên bang), và được giao nhiệm vụ vừa bảo tồn cảnh quan, môi trường, di tích, vừa tạo thu nhập và việc làm.[4]

NPS cũng thuê nhiều công ty tư nhân và hợp tác với nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức để giúp NPS trong các công tác.[5] Các cá nhân, tổ chức này sẽ tài trợ tiền của hay vật lực cho NPS như một dạng quyên góp hoặc đầu tư (quyên góp hay đầu tư thì tùy cá nhân, tổ chức đó được bao nhiêu lợi ích tài chính từ việc tài trợ cho NPS). Như vậy, NPS có động cơ để bảo tồn danh lam: nếu quản lý bết bát thì sẽ bị liên bang cắt tài trợ (thông qua Bộ Nội vụ) và bị tư nhân rút vốn, dừng hợp tác. NPS cũng có quyền hành để bảo vệ thắng cảnh: ai làm trái luật trong khu vực của NPS sẽ bị Cảnh sát Công viên can thiệp, bắt, hay truy tố.

Về vấn đề việc làm, NPS cần rất nhiều nhân sự cho nhiều bộ phận: nghiên cứu, khai thác tài nguyên, tuần tra, hướng dẫn du lịch, bán hàng, chưa kể các công việc văn phòng như kế toán, tài chính, luật, quản lý. Bạn cùng phòng trọ của tôi cũng làm việc trong bộ phận khai thác tài nguyên của Rừng quốc gia Black Hills. Công việc của anh là xác định cây đúng độ tuổi để đốn hạ lấy gỗ. Các hoạt động kinh doanh như khai thác tài nguyên và du lịch cùa NPS cũng đem về một nguồn thu nhập lớn, trong khi danh lam, thắng cảnh, di tích vẫn được bảo vệ và giữ gìn, vì NPS biết danh lam, thắng cảnh, di tích chính là raison d'être của nó.

Ngoài ra, nếu NPS không làm tốt nhiệm vụ bảo tồn, những cá nhân và tổ chức có quyền lợi từ danh lam, thắng cảnh, môi sinh có thể khởi kiện. Thực tế, NPS cũng không phải hoản hảo và đã dính một số vụ kiện, do các hoạt động khai thác tài nguyên và du lịch của NPS đôi khi mâu thuẫn với lợi ích của các cá nhân, tổ chức xung quanh khu vực bảo tồn.[6] Vì NPS trực thuộc liên bang nhưng không phục vụ cho một đảng phái, nên ai cũng có thể kiện NPS cả, từ cá nhân, doanh nghiệp, tới chính quyền tiểu bang.

PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục cho rằng: Chính quyền Đà Lạt hiện nay đang nóng ruột phát triển thành phố bằng mọi giá, nhưng cái giá phải trả cho phát triển nóng là biến một thành phố “Tiểu Paris” của Đông Dương, được định dạng là "thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố" mê hoặc lòng người, trở thành một thành phố phi danh tính – không thể nhận dạng. Ảnh: Nhà cao tầng tiếp tục được xây dựng ở khu trung tâm Đà Lạt vốn đã chen chúc cao tầng. Ảnh: Zing

Tuy nhiên, vẫn còn một vướng mắt quan trọng trong việc quốc hữu hóa tài nguyên thiên nhiên: sự độc quyền của một cơ quan nhà nước trong bất kỳ ngành nào cũng có thể là mầm mống cho việc lạm quyền, lũng đoạn thị trường do thiếu cạnh tranh. Nhưng trong trường hợp danh lam thắng cảnh, thì một thị trường tự do lại gây khó khăn cho việc bảo tồn. Chính vì chỗ khó này mà việc quy hoạch là rất quan trọng. Ở Mỹ, những khu đất nào do NPS hoặc do các cục quản lý tài nguyên của từng bang sở hữu thì nằm dưới quyền kiểm soát của đơn vị đó. Còn các khu đất nào được quy hoạch là khu thương mại thì ai muốn xây gì thì xây, làm gì thì làm (miễn không vi phạm luật quy hoạch).

Tất nhiên, việc quy hoạch khu nào của nhà nước và khu nào dành cho thương mại là cả một chiến lược do nhiều bộ phận trong xã hội, thông qua các tổ chức và cơ chế khác nhau, cùng quyết định. NPS có thể độc quyền khai thác núi Rushmore, nhưng nếu NPS làm ăn bết bát và để cho núi Rushmore xuống cấp, thì du khách có thể đi chơi ở thị trấn Keystone gần đó, hoặc không đến South Dakota ngay từ đầu. Chưa kể sức ép từ dư luận rất lớn, và chuyện ban quản lý NPS bị xử phạt vì tội bỏ bê (negligence) hay tham nhũng là hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế ở Đà Lạt, cho dù có quy hoạch hay không, thì khi thấy thác Cam Ly, hồ Than Thở xuống cấp, du khách sẽ ở trong resort và tận hưởng khí lạnh thay vì... đi ngắm rác.

3.

Ở Việt Nam, mặc dù đất đai thuộc sở hữu "toàn dân" để trực tiếp quản lý danh lam thắng cảnh thì nhà nước cần mua lại quyền sử dụng đất. Tôi nói phải mua lại quyền sử dụng đất, chứ không đơn thuần là thu hồi rồi "đền bù" với giá rẻ mạt, như trường hợp ở Thủ Thiêm mà nhiều người dân vẫn khiếu kiện. Ở Mỹ, cơ quan nhà nước và cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tư, ai sở hữu đất của người nấy. Nhà nước cũng như tư nhân, muốn có quyền sử dụng đất của người khác thì phải thuê hay mua từ người đó, với giá thị trường. Tất nhiên, trong trường hợp cần thiết về quốc phòng, công vụ, bảo tồn, phát triển kinh tế... nhà nước vẫn có thể dựa vào khái niệm "Eminent Domain" để thu hồi đất từ tư nhân, với hai điều kiện: một là việc thu hồi phải vì mục đính công; hai là, như quy định trong hiến pháp Mỹ, thì nhà nước phải đền bù một cách công bằng ("just compensation").

Khi nhà nước muốn mua đất của tư nhân, hai bên sẽ đàm phán để tư nhân được đền bù với giá tốt nhất. Nếu tư nhân vẫn không chấp nhận việc cơ quan nhà nước áp dụng Eminant Domain vào mảnh đất của mình, thì hai bên có thể rủ nhau ra tòa. Thông thường, tòa sẽ đứng về phía nhà nước trong việc định nghĩa như thế nào là "mục đích sử dụng công" ("public use"). Cho nên, tư nhân thường chọn tranh luận trước tòa về chi tiết như thế nào là mức đền bù công bằng, ví dụ như giá trị đền bù chưa đủ cao, hoặc diện tích đất nhà nước muốn thu hồi quá lớn.[7] Tòa có thể đứng về phía tư nhân về mặt này.

Sao cứ phải dồn nguồn lực vào các thành phố lớn, mà không phát triển đồng đều các vùng phụ cận, để người dân cho dù là ở đâu trên đất nước cũng có đầy đủ tiện nghi?

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng trưng bày và lấy ý kiến phương án kiến trúc đồi Dinh Tỉnh trưởng, thuộc quy hoạch chi tiết Trung tâm Hòa Bình. UBND đưa ra ba phương án, mà phương án nào cũng cao tầng, cao tầng, và cao tầng. Khách sạn cao tầng có phải là cách duy nhất và hiệu quả nhất để phát triển kinh tế không? Phải chăng cứ xây càng cao thì cái tầm của một thành phố cũng nhờ đó mà cao hơn? Tôi thấy trong cả ba phương án đều có chỗ ngắm cảnh trên tầng cao của khách sạn; nhưng khi cây cối và không gian văn hóa không còn, thì đứng trên tầng cao có thể ngắm được gì, thì các đồ án không nói.

Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung biện minh cho quyết định bê tông hóa và "giải tỏa trắng" khu Hòa Bình rằng: “Chúng ta không nên sống hoài niệm quá mà cản trở sự phát triển của thành phố Đà Lạt”.[8] Theo tôi, không thể viện lý do phát triển kinh tế mà phá hủy mảng xanh và không gian văn hóa của khu vực Hòa Bình, trong khi chính cái "hoài niệm" mới là nơi mà giá trị hội tụ. Ví dụ, nhắc tới phố cổ Hội An, thì cái quan trọng nhất là cái "cổ." Thử tưởng tượng Hội An mà "giải tỏa trắng" các công trình cổ, dù nhỏ nhoi cách mấy, để xây khách sạn cao tầng, thì Hội An có còn thu hút khách du lịch không?

Tương tự, khách du lịch không mua phòng khách sạn, đồ lưu niệm, thức ăn, hay thậm chí là hoa Đà Lạt, mà họ mua cái không gian văn hóa, cái cổ điển, cái nguồn cội, cái lịch sử, cái nguyên vẹn. Không thể nói là Đà Lạt không thể phát triển nếu không có khách sạn cao tầng, khi mà thác Cam Ly, hồ Than Thở, Dinh Tỉnh trưởng, Rạp Hòa Bình chưa được tận dụng hết khả năng mà đã bị xuống cấp trầm trọng. Nếu biết làm đúng cách, thì những danh lam, thắng cảnh, di tích hiện có của Đà Lạt sẽ tạo ra nguồn lợi lớn cho thành phố, mà không cần một khối bê tông trên đồi Dinh.

Theo TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cả 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng đang trưng bày, lấy ý kiến đều không ổn, bởi quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt vốn dĩ đã là một quy hoạch sai lầm về bảo tồn và phát triển đô thị. Ảnh: BTC

Tất nhiên, vẫn cần các khu thương mại, khách sạn, hội nghị, nhưng có thể xây những công trình này ra vùng vệ tinh của thành phố, thay vì đè mấy khối bê tông lên những giá trị hoài niệm và văn hóa. Xây dựng khu kinh tế, thương mại, khách sạn ở các thị trấn vệ tinh cũng là một cách phát triển nông thôn. Sao cứ phải dồn nguồn lực vào các thành phố lớn, mà không phát triển đồng đều các vùng phụ cận, để người dân cho dù là ở đâu trên đất nước cũng có đầy đủ tiện nghi? Tôi kiếm được công việc ở một nơi không ai biết tới, vậy mà tôi vẫn cố lái xe 15 tiếng đến thành phố nhỏ bé này để nhận việc, là vì tôi biết dù nhỏ và nghèo cỡ nào thì một thị trấn của Mỹ cũng có đường sá bằng phẳng, đàng hoàng cho xe chạy, có chỗ mua thức ăn, đổ xăng, thăm thú. Thậm chí ở Thái Lan, các vùng sâu vùng xa cũng có đường sá thuận tiện...

Đáng nói là việc không gian văn hóa mất dần và danh lam thắng cảnh xuống cấp không hẳn là do thiếu quy hoạch. UBND tỉnh Lâm Đồng chẳng phải đã quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình và lấy ý kiến "quy hoạch chi tiết" rất bài bản đó sao? Như vậy, không hẳn là Đà Lạt thiếu quy hoạch, mà phải thẳng thắn đặt vấn đề là chọn quy hoạch như thế nào và quy hoạch có sai lầm không? Và sai lầm ở đây là đối với người dân Đà Lạt, chứ không phải phía nhà đầu tư dự án. Ở đây không nên tư duy lợi ích trước mắt mà cần tầm nhìn về sự phát triển bền vững. Ngay trong Quyết định 704/QĐ-TTg do Thủ tướng phê duyệt[9] cũng nhấn mạnh di sản của Đà Lạt, với chữ "di sản," - cái mà ông Lê Quang Trung bảo là đừng "hoài niệm quá" - lập đi lập lại 27 lần. Đối với "trục di sản và khu vực chợ Hòa Bình," Quy hoạch 704 cũng ghi rõ: "bảo tồn các khu biệt thự, dinh thự có giá trị, các công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc".

"Bảo tồn" phải hiểu là không chỉ giữ lại một công trình, mà còn lưu giữ cái không gian văn hóa của công trình đó nữa. Phải chăng việc xây dựng khách sạn cao tầng trên đồi Dinh mâu thuẫn trực tiếp với Quy hoạch 704? Ngoài ra, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cũng nêu tình trạng công trình Rạp Hòa Bình "xuống cấp, chưa sử dụng hết công năng" để lý giải cho việc thay thế công trình này bằng trung tâm thương mại. Ông nêu vấn đề, mà tôi thấy rất đúng, là "một công trình của nhà nước mà không được khai thác sử dụng thì cũng là một lãng phí về nguồn lực trong khi tỉnh đang khó khăn về ngân sách." Tuy nhiên, thay vì vội vàng xóa bỏ một di tích, sao ta không đặt câu hỏi: vì sao Rạp Hòa Bình xuống cấp, ai chịu trách nhiệm bảo tồn? Ai chịu trách nhiệm khai thác sử dụng Rạp Hòa Bình, và làm cách nào để phát huy công năng của công trình này?

Tôi thấy ở Mỹ, cứ hễ có một công trình cổ nào, là người ta (nhà nước hay tư nhân) sẽ khai thác những câu chuyện của công trình đó. Từ ngôi nhà cũ nhỏ xíu của Tổng thống Lincoln ở Springfield, Illinois, trước khi ông đắc cử và dọn vô Nhà Trắng, tới một cái làng cổ xưa đâu đó ở Elk City, Oklahoma, người ta đều trưng dụng làm bảo tàng, thu vé ít nhất 10 USD một khách tham quan. Một công trình bị bỏ bê thì sẽ là một công trình xuống cấp, rồi bị dẹp đi để xây trung tâm thương mại (cho tới khi trung tâm thương mại bị bỏ bê thì sẽ trở thành trung tâm thương mại xuống cấp, hay trung tâm "ma"). Nhưng chỉ cần vài câu chuyện, một công trình vài trăm năm tuổi tự nhiên có linh hồn và có thể trở thành một di tích quốc gia, một viện bảo tàng, và một cái cớ để bán vé và đồ lưu niệm. Tôi không biết ai đang lưu giữ và nghiên cứu lịch sử các công trình của Đà Lạt, để rồi những câu chuyện bị lãng quên và phí phạm như vậy?

4.

Năm 2020 mật độ dân số ở Rapid khoảng 538 người/km2, bằng hơn nửa của Đà Lạt (1039 người/km2). Có thể thấy áp lực dân số có thể là một yếu tố khiến quy hoạch và quản lý Đà Lạt có phần khó khăn hơn Rapid, cho nên những gì tôi quan sát ở Rapid thể không hoàn toàn phù hợp với Đà Lạt. Hơn nữa, góc quan sát hạn hẹp của tôi có thể chưa phát hiện hết những yếu tố khiến Rapid bảo tồn được cảnh quan và những yếu tố khiến Đà Lạt mất đi tinh túy, cũng như chưa thấy hết những cái tiêu cực của Rapid và tích cực của Đà Lạt. Tuy nhiên, có những nguyên tắc mà bất kỳ thành phố nào muốn phát triển bền vững phải nắm.

Một là sự am hiểu: am hiểu điều kiện sống và nguyện vọng của người dân, am hiểu lịch sử, am hiểu văn hóa, am hiểu kinh tế. Hai là sự tôn trọng: tôn trọng người dân, tôn trọng thiên nhiên, môi trường, tôn trọng pháp luật. Ba là tầm nhìn sâu: tôi không nói đến cái nhìn "xa" của ông Lê Quang Trung khi ông muốn "phát triển thành phố Đà Lạt" bằng nhà cao tầng. Sâu là sâu vào lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, để có thể phát triển một cách "sâu rễ bền gốc." Bốn là cần một cơ chế minh bạch và chia sẻ quyền quyết định cho nhiều bên liên quan, như người dân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ...

Hươu vô tư nằm chơi trong vườn nhà con người ở Rapid City.

Tôi rất tán thành việc UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức trưng bày ba phương án để lấy ý kiến người dân và rộng mở dư luận, nhưng theo tôi nhiêu đó là chưa đủ. Tại buổi trưng bày, người dân có phương án "không xây gì cả trên đồi Dinh" hoặc "cố gắng bảo tồn, khai thác giá trị hoài niệm của Dinh Tỉnh Trưởng" hay không? Sự kiện trưng bày "lấy ý kiến" này là sau khi Sở Xây dựng Lâm Đồng và UBND tỉnh đã công bố quyết định "Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Ðà Lạt", phải chăng việc xây cất cao tầng là chuyện đã rồi, còn người dân chỉ được hỏi ý kiến xem nên xây theo phương án nào thôi? Mà rồi trong sự kiện trưng bày, người dân có được bỏ phiếu bình chọn giữa ba phương án, hay đề xuất phương án thứ tư không, thì tôi không biết?!

Một buổi sáng ở Rapid City, đứng trên ban công nhà trọ, nhìn sang vườn nhà hàng xóm, tôi thích thú khi phát hiện một hiện tượng lạ: trong vườn nhà nọ ba con hươu thản nhiên nằm nghỉ. Anh bạn cùng phòng của tôi bảo rằng Rapid nổi tiếng với việc hươu nai chui vào vườn nhà người chơi, và theo luật thì không được săn bắn trong khu dân cư. Một lúc sau, từng chú hươu lần lượt nhảy phóc qua hàng rào, chạy về hướng rừng. Tôi ngẫm nghĩ, Đà Lạt của tôi trước khi tiến lên thành "vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế" gì đó, thì trước hết phải giữ được rừng, giữ được lịch sử, văn hóa, tạo được việc làm và lợi ích cho nhiều tầng lớp trong xã hội, và làm sao cho hươu nai chạy vào nhà con người chơi đùa, là đã thành công lắm rồi.

Nam Ba

Rapid City, South Dakota, tháng Tám 2020


[1] City of Rapid City, South Dakota Code of Ordinance. American Legal Publishing Corporation. http://library.amlegal.com/nxt/gateway.dll/South%20Dakota/rapidcity_sd/cityofrapidcitysouthdakotacodeofordinanc?f=templates$fn=default.htm$3.0$vid=amlegal:rapidcity_sd

[2] Dinosaur Park, Rapid City, South Dakota. Library of Congress. https://www.loc.gov/pictures/item/2010630606/

[3] Lê Hân, "Tàn lụi thắng cảnh Đà Lạt." Thanh Niên. https://thanhnien.vn/du-lich/tan-lui-thang-canh-da-lat-292504.html

[4] U.S. National Park Service. "About Us." https://www.nps.gov/aboutus/index.htm

[5] U.S. National Park Service. "Partnerships." https://www.nps.gov/subjects/partnerships/index.htm

[6] U.S. Department of Justice. "Litigation involving NPS." https://www.justice.gov/enrd/litigation-involving-nps

[7] Kenton, Will. "Eminent Domain." Investopedia. https://www.investopedia.com/terms/e/eminent-domain.asp

[8] "Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng: không nên hoài niệm quá mà cản trở phát triển Đà Lạt." Người Đô Thị.

https://nguoidothi.net.vn/giam-doc-so-xay-dung-lam-dong-khong-nen-hoai-niem-qua-ma-can-tro-phat-trien-da-lat-17878.html

[9] 704/QĐ-TTg: Phê Duyệt Điều Chỉnh Quy Hoạch Chung Thành Phố Đà Lạt Và Vùng Phụ Cận Đến Năm 2030 Và Tầm Nhìn Đến Năm 2050. https://vanbanphapluat.co/quyet-dinh-704-qd-ttg-2014-dieu-chinh-quy-hoach-da-lat-vung-phu-can-den-2030-tam-nhin-den-2050

Ancient 3d mmodel

 

#Civilizations #Mythology #SeeUinHistory

The Babylonian Empire - Great Civilizations of History - See U in History

Ancient 3d mmodel

https://www.youtube.com/watch?v=sJZtfUKNK7w