Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015
Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015
Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015
Huế-Kinh Thành
Kinh Thành Huế
Triệu Phong
Vua Gia Long sau khi đánh bật nhà Tây Sơn ra khỏi Phú Xuân, thống nhất sơn hà và lên ngôi hoàng đế, việc đầu tiên là tái lập cơ đồ, vinh thăng triều đại, xây dựng quốc gia và gây uy tín đối với các lân bang. Vị vua nhà Nguyễn đầu tiên đã thực hiện ngay việc xây dựng kinh thành Phú Xuân và các vị vua kế nghiệp sẽ tiếp tục tu bổ, tô bồi cho bộ mặt của quốc gia ngày càng tráng lệ uy nghi.
Trước khi xưng đế, vua Gia Long bắt đầu cho xây dựng Hoàng Thành (tức Đại Nội) từ tháng 4 năm Nhâm Tuất (1802). Đúng hai năm sau, song song với công tác kiến trúc Hoàng Thành, vua hạ lệnh cho xây Cung Thành (tức Tử Cấm Thành). Lại đúng một năm sau (1804), vua bắt đầu cho xây Kinh Thành (còn gọi là Phòng Thành hay Hộ Thành).
Không kể đến những gì được xây dựng bên trong phạm vi của mỗi thành, nếu đem ba thành ấy (Cung Thành, Hoàng Thành và Kinh Thành) để so sánh với nhau, ai cũng thấy ngay cái thành thứ ba là đáng để ý hơn cả.
Thật vậy, công trình kiến trúc vĩ đại nhất của vua Gia Long nói riêng và triều Nguyễn nói chung, chính là Kinh Thành Huế. Có thể nói đây là cổ tích lớn hơn hết của Việt Nam hiện đại.
***
Kinh Thành kiến trúc kiểu Vauban. Nếu kể cả thành phụ mang tên Trấn Bình Đài (sau này gọi là thành Mang Cá), Kinh Thành Huế có chu vi đáng kể đến gần 11 cây số. Thành cao 6.60m, dày trung bình 21m. Chính nhờ cái đồ sộ và vững chắc của nó mà Thành Huế vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Kinh Thành kiến trúc kiểu Vauban. Nếu kể cả thành phụ mang tên Trấn Bình Đài (sau này gọi là thành Mang Cá), Kinh Thành Huế có chu vi đáng kể đến gần 11 cây số. Thành cao 6.60m, dày trung bình 21m. Chính nhờ cái đồ sộ và vững chắc của nó mà Thành Huế vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Tính chất vĩ đại và kiên cố của công trình này đòi hỏi nhiều tài nguyên quốc gia đương thời, công cũng như của. Chính vua Gia Long cũng đã thú nhận trong câu mở đầu của tờ dụ ban vào tháng 3 năm Kỷ Mão (1819): “Việc xây thành là quan trọng lớn lao, của công tiêu tốn rất nhiều.”
Phần lớn nhân lực và khả năng kiến trúc của nước ta thời bấy giờ đều được vận dụng vào việc xây đắp này.
Trước khi vua Gia Long cho xây thành mới, ở Phú Xuân đã có thành cũ của các chúa Nguyễn trước kia để lại, rồi thành của Tây Sơn dựng lên. Nhưng thấy các thành cũ kia quá nhỏ hẹp, nên vua nghiên cứu địa bàn để mở rộng phạm vi cho kiến trúc mới.
Trước khi vua Gia Long cho xây thành mới, ở Phú Xuân đã có thành cũ của các chúa Nguyễn trước kia để lại, rồi thành của Tây Sơn dựng lên. Nhưng thấy các thành cũ kia quá nhỏ hẹp, nên vua nghiên cứu địa bàn để mở rộng phạm vi cho kiến trúc mới.
Dựa theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Võ Liêm viết trong “Kinh Đô Thuận Hóa” in năm 1916, vua thân hành đi xem xét các địa điểm từ các làng Kim Long đến Thanh Hà (Bao Vinh ngày nay), đích thân đưa ra tiêu chuẩn và kích thước cần thiết để xây dựng thành lũy.
Vua Gia Long cho ngăn chận hoặc lấp một số đoạn của hai nhánh sông Kim Long và Bạch Yến, và vua cũng lợi dụng một số đoạn của hai nhánh sông này để làm hai con sông đào, một ở trong và một ở ngoài thành. Cả hai con sông ấy đều được đào vào năm khởi công xây Kinh Thành (1805); nhưng qua đến đời Minh Mạng, vua này mới đặt cho chúng hai cái tên đẹp và chính xác: Ngự Hà và Hộ Thành Hà.
Khởi đắp năm 1805, Kinh Thành choán hết địa phận của 8 làng: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, Thế Lại và An Bửu. Làng Phú Xuân bị mất nhiều đất hơn cả, nên được vua ban số bạc bồi thường, cộng thêm ruộng đất ở chung quanh Huế và đến cả Quảng Trị và Quảng Bình. Tháng 3, 1804, vua xem xét địa thế từ làng Kim Long đến Thanh Hà, thân chế kiểu thành, rồi mới giao cho lính ở kinh và dân các tỉnh mộ về làm. Ngoài những vật hạng lấy tại chỗ và các nơi phụ cận, lại còn phải chở thêm rất nhiều đá ở Thanh Hóa vào.
Trung Tá Ardant du Picq, qua bài viết “Les Fortifications de la Citadelle de Hué,” đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) số XI, năm 1924, đặt nghi vấn ai là người thiết kế sơ đồ? Phải chăng là Đại Tá Olivier de Puymanel, một trong những cộng sự người Âu của vua Gia Long. Tuy nhiên, vị sĩ quan này đã chết vào năm 1799, trong khi công trình xây dựng kinh thành Huế chỉ bắt đầu vào năm 1805. Như vậy công trình xây dựng có thể được tiến hành theo các sơ đồ vẽ trước của Olivier, và vua Gia Long đã lược bớt để xây cho hợp với địa hình.
H. Cosserat trong bài “La Citadelle de Hue: Cartographie,” đăng ở BAVH số XX, năm 1933 có đoạn viết: “… chính sự xây dựng Kinh Thành Huế, cũng như nhiều thành khác trong nước sau đó, không còn mảy may nghi ngờ nào là chúng đều được hoàn toàn do người An-Nam chuẩn bị và nói chung, được thực hiện dưới quyền kiểm soát, đốc công và chỉ dẫn của riêng họ.”
***
Vua Gia Long không chọn xây kinh thành xa Phú Xuân, nơi các chúa Nguyễn đã đặt phủ chúa từ năm 1687. Vị trí này thực ra đáp ứng hoàn toàn điều kiện an ninh đòi hỏi cho một kinh đô vì gần núi để có chỗ ẩn khi gặp biến cố hiểm nguy, cũng khá xa bờ biển để khỏi bị cướp biển quấy phá, cùng sự hoạt động của các tàu chiến nước ngoài. Mặt khác, thuyền đi biển có thể lên gần đến Phú Xuân; như vậy về mặt thương mãi, Phú Xuân có tất cả thuận lợi của một cảng sông mà không bị trở ngại quân sự hay chính trị.
Vua Gia Long không chọn xây kinh thành xa Phú Xuân, nơi các chúa Nguyễn đã đặt phủ chúa từ năm 1687. Vị trí này thực ra đáp ứng hoàn toàn điều kiện an ninh đòi hỏi cho một kinh đô vì gần núi để có chỗ ẩn khi gặp biến cố hiểm nguy, cũng khá xa bờ biển để khỏi bị cướp biển quấy phá, cùng sự hoạt động của các tàu chiến nước ngoài. Mặt khác, thuyền đi biển có thể lên gần đến Phú Xuân; như vậy về mặt thương mãi, Phú Xuân có tất cả thuận lợi của một cảng sông mà không bị trở ngại quân sự hay chính trị.
Mặt chính của kinh thành phải quay về phía Nam, đó là hướng truyền thống và trục của cung vua phải nằm trong hướng thuận lợi của địa bàn địa lý. Trục theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, là hướng thuận lợi nhất, vì nó là hướng có núi Ngự Bình, cao 104m, cách sông Hương 3 cây số về phía Nam, tạo cho cửa chính được bảo vệ như một bức bình phong, chống lại tất cả những ảnh hưởng tác hại và những quyền lực vô hình. Kế đó, hai hòn đảo nhỏ của sông Hương ở phía thượng và hạ nguồn, Cồn Hến và Cồn Dã Viên làm “tả thanh long hữu bạch hổ” chầu trước mặt Kinh Thành, vua ngồi trên ngai nhìn về hướng Nam, làm cho vị trí ấy rất thuận lợi.
Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Kinh Thành Huế được khởi công xây dựng vào ngày 18 tháng 5, 1805. Các sử quan thuộc Quốc Sử Quán triều Nguyễn viết: “Ất Sửu, năm thứ tư, mùa hạ, tháng Tư… Ngày Quí Mùi, xây đắp kinh thành… Lấy biền binh ở Kinh, Thanh Nghệ, Bắc Thành, quân và dân Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định sung làm việc.”
Theo nội dung các tờ truyền ở Mục Lục Châu Bản triều Nguyễn, con số dân và lính triều đình đòi về kinh đô làm việc được ghi chép rõ ràng. Các dinh như Quảng Đức (Thừa Thiên): 4,421 quân dân; Quảng Trị: 4,151; Quảng Bình: 2,388; Quảng Nam: 7,495; Bình Định: 2,225; và Trấn Qui Nhơn: 2,436. Tổng cộng: 23,116 người. Ngoài ra còn có bảy tờ truyền khác gửi đi để đòi “viên quân” các dinh đồn, vệ, đội, quân dinh “hạn đến ngày 20 tháng 4 có mặt tại Kinh, điểm danh khởi công,” con số này có thể từ năm đến bảy ngàn người. Như vậy số dân công phải trên ba mươi ngàn, đó là chưa kể đến các thợ chuyên môn như mộc, hồ, đúc, chạm v.v…, bấy giờ đang làm việc trong Đại Nội, một công trình vốn đã được khởi công từ ba năm trước (1802) và trong Tử Cấm Thành (1804).
Tuy nhiên, số dân công có thể thay đổi tùy theo giai đoạn. Như vào năm 1818, thương gia Pháp Anguste Borel có dịp ghé Huế và ghi lại cho chúng ta biết trong “A Modern History of Vietnam,” số dân công làm việc bấy giờ lên đến 8 vạn, ông viết: “When we arrived at Hue, 80,000 men were busy to construct a huge wall in brick”.
Trong đợt thi công đầu tiên vào mùa hè năm 1805, dân và lính được huy động để ngăn sông, đào hào và đắp lên một cái thành sơ khởi bằng đất.
***
Trong quãng thời gian xây dựng Kinh Thành, Hoàng Thành, Cung Thành, đền đài, miếu điện, công thự, kiều lộ, lăng tẩm, v.v… , sức lực của dân chúng và lính tráng bỏ ra được trả công ra sao? Có hai nguồn tài liệu nói đến vấn đề này, một từ sử ký triều Nguyễn và một từ những người Tây Phương có dịp ghé đến nước ta thời bấy giờ.
Theo Đại Nam Thực Lục chính Biên, sử thần triều đình ghi rằng dân công được triều đình trả một cách rộng rãi. Trong lần khởi công xây đắp Kinh Thành, sau khi quân dân từ các dinh trấn tề tựu về kinh rồi, vua “ưu cấp tiền gạo” cho mỗi người. Thế rồi, “vua thấy công việc nặng nhọc, nghĩ để cho dân đỡ mệt, hạ lệnh mỗi buổi sáng làm đến giờ ngọ thì phải nghỉ, buổi chiều đến giờ dậu thì thôi, ai đau ốm được cấp thuốc thang điều trị.”
Mới đầu, thành chỉ đắp bằng đất nên từ tháng 4 đến tháng 8, đã hoàn tất. Sang năm 1807 lại tiếp tục công việc cho đến mãi cuối triều Gia Long. Sau 4 tháng đầu, vua Gia Long “cho binh đinh làm việc về quê nghỉ ngơi, cấp cho lương đi đường hằng ngày…”
Nhìn chung, chúng ta thấy triều đình Gia Long đã có để ý đến đời sống của dân công, từ giờ giấc làm việc đến tiền gạo ăn uống. Tuy nhiên nếu nhìn sự kiện bằng một chiều hướng khác, từ những người ngoại quốc, thì vấn đề xem ra có phần trái ngược.
Năm 1818, Auguste Borel, thuyền trưởng thương thuyền La Paix, sau 4 tháng cư ngụ tại Huế và có dịp mục kích mọi sinh hoạt ở đây, nhất là việc xây gạch mặt ngoài Kinh Thành, cho biết:
“Nghề nông bị lãng quên, một phần vì khí hậu oi bức làm dân chúng lười biếng, nhưng phần chính là vì nhà vua trưng dụng hầu hết mọi người để kiến trúc thành lũy cùng những công tác khác (dĩ nhiên là không trả lương). Khi chúng tôi đến Huế thì có 80,000 người đang bận rộn xây dựng một bức thành đồ sộ bằng gạch.
“Nhiều công nhân đang nấu kim loại để đúc dã pháo. Vua nghĩ rằng sự khốn khổ sẽ giữ được dân chúng, thích hợp cho chế độ chuyên chế. Chính nhờ sự chuyên chế đó mà vua mới ngồi yên được trên ngai vàng. Như vậy nhà vua đã rút tỉa hết tất cả mọi tài nguyên đáng lẽ được dùng để làm cho quốc gia thịnh vượng; và ngăn chận mọi sự tiến bộ có thể thực hiện được nhờ vào nông nghiệp. Khi Chaigneau và Vannier khuyên Gia Long nên phát triển ngành thương mãi để đem lại sự giàu mạnh cho nước nhà, thì vua trả lời: ‘Nếu dân chúng được giàu có thì chúng sẽ trở nên khó bảo.’”
Paul Rheinart, một chính khách từng ở lâu năm tại nước ta, trong bức thư viết gởi cho thống đốc Pháp tại Nam Kỳ, có những nhận xét về dân tình trong xã hội Việt Nam vào thế kỷ 19:
“Dân Việt Nam đối với triều đình, chẳng khác gì một bầy thú mà triều đình là chủ; triều đình muốn sử dụng thế nào tùy ý. Triều đình không cần xét xem bầy thú của mình có no ấm thịnh vượng hay không, mà chỉ cần biết nó ngoan ngoãn là đủ… Đối với dân, triều đình chỉ có quyền lợi chứ không có bổn phận nào, trái lại dân chỉ có bổn phận mà thôi.”
Một chứng nhân khác, Giám Mục Eyot, đã không khỏi xúc động khi chứng kiến tại chỗ, cảnh bóc lột sức lao động quá mức của triều đình nhà Nguyễn, lúc họ bắt dân chúng phải chịu quá nhiều gian khổ để xây cất Hoàng Thành vào năm 1804, trong bức thư viết vào tháng Bảy cùng năm, Giám Mục Eyot viết:
“Thuế rất cao. Nhà vua ưa kiến thiết nhiều cho đô thị mới nên dân chúng phải khổ cực vì sưu dịch nặng… Hiện đang xây đắp Hoàng Thành… Vì số dân công rất đông và không ai được rời xa nhiệm sở nên mùi xú uế bốc lên thật khó chịu. Ngoài ra nhiều người phải dầm mình dưới nước và bùn ngập. Không ai có thể chịu đựng được lâu, cần có người khác thay phiên. Dân công còn bị quất bằng roi mây nên có khi phải thuê người làm thay. Dân chúng kêu ca nhưng nhà cầm quyền chẳng buồn nghe.”
Trong khi lương hằng tháng mỗi dân công là 1 quan 5 tiền, có người lại dám bỏ ra 1 quan để thuê kẻ khác làm thay cho mình trong một ngày. Mới xây Hoàng Thành mà đã như vậy, huống chi khi xây Kinh Thành, một công trình lớn lao, đòi hỏi nhân lực gấp trăm lần.
***
Năm 1818, thành mới bắt đầu được xây gạch ở hai mặt Nam và Tây, rồi đến mặt Bắc, công việc giao cho Hoàng Công Lý, Trương Phúc Đảng và Nguyễn Đức Sỹ, đến năm sau thì xong. Năm 1820, mưa lớn làm đổ mất 1,200m phải sửa chữa lại. Năm 1821, tiếp tục công việc và xây gạch mặt phía Đông.
Năm 1822 lại mưa lớn, làm hỏng 8,228m, phải giao cho Trần Văn Nang, Nguyễn Văn Vân sửa. Qua năm 1824, còn tu bổ một lần nữa công việc mới thật hoàn thành.
***
Kinh Thành được xây trong suốt 27 năm (1805-1832), dưới hai đời Gia Long và Minh Mạng. Thành có chu vi 9,949m, cao hơn 6m, dày 20m, ở giữa là đất, hai mặt trong và ngoài xây bằng gạch. Chung quanh bên ngoài có hào rộng 22.8m và sâu 4m. Giữa dãy hào và tường thành có chừa một con đường ven hào rộng 10m. Từ dãy hào này ra xa chừng 250m có thêm hệ thống sông đào gọi tên là Hộ Thành Hà, ăn thông với sông Hương, chạy bọc ba mặt Tây, Bắc và Đông, dài 7km và rộng 35m, làm vòng đai bảo vệ mặt ngoài cùng của Kinh Thành.
Nhô ra ngoài về góc Đông Bắc của Kinh Thành có xây một thành phụ gọi là Thái Bình Đài. Đến năm 1836 đổi tên thành Trấn Bình Đài, sau lại được gọi là Thành Mang Cá. Chu vi thành là 986m, hào phía ngoài ăn thông với hào của Kinh Thành. Trấn Bình Đài được xây để giữ an ninh cho Bao Vinh, thời bấy giờ là nơi thị tứ quan trọng, thuyền sông tàu biển lui tới mua bán tấp nập, đồng thời giữ phòng thủ hai nhánh Sông Hương ở hạ nguồn.
Kinh Thành Huế có 10 cửa chính, mỗi cửa 3 tầng, cao chừng 16m. Tất cả xây năm 1809. Mười cửa gồm: Cửa Chánh Bắc hay Cửa Hậu, Tây gọi là Mirador I; Cửa Tây Bắc hay Cửa An Hòa, tức Mirador II; Cửa Chánh Tây; Cửa Tây Nam tức Cửa Hữu; Cửa Chánh Nam hay Cửa Nhà Đồ; Cửa Quảng Đức (Hồi kinh đô thất thủ lúc 7 giờ 30 sáng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu, vua Hàm Nghi cùng lưỡng cung đình thần chạy ra cửa này, theo bờ sông đi lên chùa Linh Mụ, rồi ra La Chữ, Quãng Trị). Dân Huế còn gọi cửa này là Cửa Sập vì bị đổ nát do lụt lội nhưng hiện nay đã được xây lại; Cửa Thể Nhơn tức Cửa Ngăn (vua thường dùng con đường từ Hoàng Thành ra đến sông Hương đi qua cửa này, hai bên có xây thành cao ngăn lại); Cửa Đông Nam còn gọi là cửa Thượng Tứ; Cửa Chánh Đông hay Cửa Đông Ba, đặt theo tên một xóm ở phía trước; Cửa Đông Bắc hay còn gọi là Cửa Kẻ Trài và cũng là Cửa Mirador X, theo người Tây.
Năm 1824, vọng lâu được xây thêm trên hai cửa Chánh Đông và Đông Bắc, rồi đến các cửa Chánh Tây, Tây Nam, Chánh Nam, Quảng Đức và Đông Nam vào năm 1829. Năm 1831 ở hai cửa còn lại Chánh Bắc và Tây Bắc.
Ngoài 10 cửa thông với ngoại thành, còn một cửa thông với Trấn Bình Đài gọi là Trấn Bình Môn, cửa này không có vọng lâu và chỉ cao chừng 5m. Phía Nam của Trấn Bình Đài có một cửa thông ra bên ngoài, gọi là Cửa Trường Định, còn có tên là Cửa Trít, không có vọng lâu và không cao quá thành.
Tại chính giữa và ở về mặt Nam của Kinh Thành, có Kỳ Đài mà dân chúng gọi nôm na là Cột Cờ, xây bằng gạch từ năm 1809. Đài có 3 tầng, tầng dưới cao 5.6m, tầng giữa cao 5.8m và tầng trên cao 6m. Ở tầng trên và chính giữa có dựng cột cờ cao 29.52m, chia làm 2 tầng. Sau nhiều lần cột bị gãy do bão và chiến tranh, năm 1947 cột được xây lại bằng bê tông cốt sắt gồm ba tầng và cao 37m. Trên đài có 8 nhà để súng và 2 điếm canh. Lúc trước mỗi khi có tuần hành, tại đây đều treo cờ hiệu riêng. Thường ngày có quan chức coi việc leo lên, dùng ống thiên lý để quan sát ngoài mặt biển.
Trên bốn mặt Kinh Thành có xây tất cả 24 pháo đài, nơi đặt súng đại bác để phòng thủ, xây từ năm 1818 và do chính Vua Gia Long đặt tên, mà chữ đầu lấy tên theo phương hướng. Mặt Nam có các đài Nam Minh, Nam Hùng, Nam Thắng, Nam Chính, Nam Xương và Nam Hanh. Mặt Đông có Đông Thái, Đông Trường, Đông Gia, Đông Phụ, Đông Vĩnh và Đông Bình. Tây có Tây Thành, Tây Tuy, Tây Tĩnh, Tây Dực, Tây An và Tây Trinh. Bắc có Bắc Định, Bắc Hòa, Bắc Thanh, Bắc Trung, Bắc Thuận và Bắc Điện.
Tại mỗi đài có 1 kho thuốc súng, xây ở phần lồi của lũy thành và được bảo vệ bằng đất. Ngoại trừ hai đài ở phía Bắc của Cửa Chính Đông và Tây Thành Thủy Quan, mỗi nơi có hai kho. Bọc lũy thành có nhiều lỗ châu mai để đặt đại bác. Ba cái cho một sườn và năm cái cho mỗi mặt của mỗi pháo đài hay mỗi đài quan sát. Dọc mé thành có các vệ quân đóng giữ, mỗi vệ có 10 đội, mỗi đội có 50 lính.
Ngoài ra, một số bộ phận quan hệ mật thiết và gắn liền với Kinh Thành cũng tuần tự được xây dựng ở bên trong lẫn ngoài thành, như: Phu Văn Lâu (1819), Quốc Tử Giám (1821, 1908), Quốc Sử Quán (1821), Lầu Tàng Thơ (1825), Lục Bộ (1827), Tôn Nhơn Phủ (1832), Quan Tượng Đài (1836), Cơ Mật Viện tức Tam tòa (1832), Nghênh Lương Đình và Thương Bạc Viện (1875), Viện Bảo Tàng (1923)…
***
Vào thời Minh Mạng ở nội thành vẫn chưa có cư dân, ngay cả bên ngoài, giữa Kinh Thành và Hộ Thành Hà cũng vậy. Sang đến đời Tự Đức, nhà cửa mới dần dần mọc lên, lúc đầu là nhà của các quan trong triều, rồi đến bà con của họ, người quen, người cùng làng… Thế rồi thành xóm, thành chợ, nhưng vẫn chưa nằm trong hệ thống làng xã của thế kỷ 19.
` Nội thành được Trung Tá Ardant du Picq miêu tả như sau: “Đại Nội nằm trong Kinh Thành, bao quanh bằng hào và tường cao. Chung quanh là một thành phố bản xứ chính hiệu với lục bộ, dinh thự của quan lại triều đình, nhà ở của người buôn bán hay cửa hàng tiểu công nghệ bản xứ, trường học, vườn tược, miếu chùa… “
John Crawfurd, nhà du lịch người Anh từng được phép viếng thăm Kinh Thành Huế năm 1822, miêu tả: “Khoảng diện tích trong thành có nhiều con đường đều đặn và rộng rãi, chạy cắt nhau ở những góc vuông… Những điều đầu tiên bên trong nội thành gây sự tò mò của chúng tôi là những kho lúa của triều đình. Chúng tạo thành những dãy khổng lồ của nhiều căn được sắp đặt theo một thứ tự đều đặn, chứa đầy lúa gạo, mà chúng tôi nghe nói có thể nuôi cả kinh thành trong nhiều năm. Sự tích trữ lương thực này có tác dụng giữ vững chính sách độc đoán của triều đình… Những kiến trúc binh xá ở đây thật tối ưu. Kể về phương diện có hàng lối ngăn nắp và sạch sẽ thì các binh xá này tỏ ra không thua kém so với các đạo quân được tổ chức tốt nhất ở Âu Châu. Chúng dàn trải và bao bọc toàn bộ phần ngoài Kinh Thành. Nghe nói thường có từ 12,000 đến 13,000 người trong đạo quân thường trực ở các binh xá tại kinh đô.”
Phê bình kiến trúc Kinh Thành Huế, Le Rey, thuyền trưởng tàu Henri, người từng đến Huế năm 1819 phê bình: “Kinh Thành Huế nhất định là thành lũy đẹp và đều đặn nhất ở Indo-China, kể cả hai thành do người Anh làm là William ở Calcutta và Saint Georges ở Madras.”
John Crawfurd, nhà du lịch người Anh từng được phép viếng thăm Kinh Thành Huế năm 1822, lúc về nước viết sách ca ngợi công trình của nó và kết luận: “Không cần phải nói, đối với một pháo đài như thế này một kẻ thù ở Á Châu không làm gì hạ nổi. Nhược điểm lớn nhất của nó ở chỗ nó rộng mênh mông. Tôi tưởng phải cần đến ít nhất một đạo quân 50,000 người mới đủ cho sự phòng thủ.”
Oái oăm thay, thành lũy này lại it nhất hai lần thất thủ và chỉ trong thời gian nhanh chóng nhất. Lần thứ nhất vào ngày 5 tháng Bảy năm 1887, cái ngày mà mọi người dân Huế đều gọi là ngày Kinh Đô Thất Thủ, nhiều trăm người dân vô tội bị chết vạ oan, hiện nay hằng năm, người dân Huế làm lễ cầu hồn rất trang nghiêm tại ngã tư Âm Hồn, bên trong cửa Đông Ba. Lần thứ hai vào dịp Tết Mậu Thân, 1968, thành mất chỉ trong một buổi sáng. Đó là một dấu hỏi lớn về mặt chiến thuật và chiến lược của nó.
Sau khi Kinh Thành bắt đầu được xây dựng từ năm 1805, bộ mặt của Huế đã có nhiều thay đổi. Một số làng mạc bị xóa mất, chỉ còn chăng là cái tên trong sử sách. Một số dòng sông chảy qua Huế xưa cũng vậy, nay còn lại rất ít di tích. Ngày nay nhìn lại, không ai có thể hình dung được Huế đã có một sự thay đổi lớn lao như vậy, ít ai nghĩ đến chuyện lấp sông đào hào, lấp hồ đào kênh, mà cứ tưởng rằng Kinh Thành to lớn ấy được xây trên vùng đất đã có sẵn như vậy.
Chỉ riêng Kinh Thành Huế cũng đủ để cho mọi người thán phục tài năng và công lao xây đắp của tiền nhân. Công lao xây dựng ấy không chỉ riêng của một vị vua, một dòng họ hay một triều đại, mà là của chung cả hàng vạn dân chúng Việt Nam đương thời. Mồ hôi nước mắt của mọi giai tầng trong xã hội của một thời đã đổ ra, đôi khi với những hy sinh xương máu, để kiến tạo nên một kỳ công, hay đúng hơn một kỳ quan cho đất nước.
Tài liệu tham khảo:
– Bộ sách Bulletin des Amis du Vieux Hue, bản tiếng Pháp lẫn bản Việt ngữ của nhà xuất bản Thuận Hóa.
– Cố Đô Huế của Thái Văn Kiểm.
– Niên san Nghiên Cứu Việt Nam, 1973.
– Đời Sống Văn Hóa Cung Đình – Lê Nguyễn Lưu.
– Huế Đẹp và Thơ – Thi Long.
– Kiến Trúc Cố Đô Huế – Phan Thuận An.
– Cố Đô Huế của Thái Văn Kiểm.
– Niên san Nghiên Cứu Việt Nam, 1973.
– Đời Sống Văn Hóa Cung Đình – Lê Nguyễn Lưu.
– Huế Đẹp và Thơ – Thi Long.
– Kiến Trúc Cố Đô Huế – Phan Thuận An.